Nội Dung Chính
Nghiệp là gì (tiếp)? Liệu nghiệp có thể thay đổi được không? Năng lực công bằng?
K.Sri Dhammananda
Liệu Nghiệp Có Thể Thay Đổi Được Không?
Nghiệp luôn bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh: những năng lực của tâm thiện hoặc bất thiện sẽ tác động, làm đảo ngược hoặc hỗ trợ cho quy luật tự vận hành này của nghiệp. Những năng lực khác hoặc trợ giúp hoặc cản trở nghiệp là: sanh thú, thời gian hay điều kiện, vẻ bề ngoài, và nỗ lực tinh tấn.
Một sanh thú thuận lợi (gati sampatti) hoặc một sanh thú không thuận lợi (gati vipatti) có thể tăng cường hoặc cản trở quả của nghiệp. Chẳng hạn, nếu một người sanh trong một gia đình quý phái hoặc trong một đất nước an vui hạnh phúc, sanh thú thuận lợi này sẽ cung cấp cơ hội dễ dàng cho thiện nghiệp của họ hoạt động. Một người ngu dốt, nhờ thiện nghiệp nào đó, được sinh trong một gia đình hoàng tộc, do dòng dõi cao quý này, anh ta sẽ được mọi người kính trọng. Nếu cũng người ngu dốt ấy, sanh trong một sanh thú kém may mắn hơn, ắt hẳn sẽ không được mọi người đối xử như vậy.
Sanh y thuận lợi hay vẻ bề ngoài thuận lợi (upadhi sampatti) và vẻ bề ngoài bất lợi (upadhi vipatti) là hai yếu tố khác làm cản trở hay hỗ trợ cho công việc của nghiệp. Nếu, do một thiện nghiệp nào đó, một người có được sanh thú tốt đẹp, nhưng lại bị xấu xí do một nghiệp bất thiện khác, họ sẽ không hưởng được trọn vẹn những quả lợi ích của thiện nghiệp của họ. Ngay cả một người thừa kế hợp pháp một ngôi báu cũng vậy, nếu thể chất hoặc tinh thần bị khiếm khuyết, có thể sẽ không được nâng lên địa vị cao ấy. Ngược lại, ngoại hình đẹp đẽ lắm khi sẽ là một thuận lợi. Một người con xinh đẹp của một gia đình nghèo khó có thể lôi cuốn được sự chú ý của người khác, và nổi lên nhờ ảnh hưởng của họ. Chúng ta có thể thấy những trường hợp người ta từ những điều kiện nghèo khó, không có tiếng tăm gì, trở thành nổi tiếng và được mọi người hâm mộ, như các diễn viên điện ảnh hoặc hoa hậu hoàn vũ.
Thời kỳ và cơ hội là những yếu tố khác ảnh hưởng đến công việc của nghiệp. Vào lúc nạn đói hoành hành trong thời chiến, mọi người không ngoại trừ ai đều phải chịu chung số phận. Ở đây điều kiện không thuận lợi mở ra khả năng cho ác nghiệp vận hành. Ngược lại, điều kiện thuận lợi sẽ ngăn được sự tác hành của nghiệp xấu ấy.
Nỗ lực và trí tuệ có thể xem là hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến công việc của nghiệp. Nếu không có nỗ lực tự thân, tiến bộ về vật chất lẫn tinh thần là điều không thể có được. Nếu một người không tự nỗ lực chữa một căn bệnh nào đó của bản thân, hoặc không tự cứu mình khỏi những rắc rối khó khăn, hay tinh cần vì sự tiến bộ tâm linh của mình, thời ác nghiệp của họ sẽ tìm được cơ hội thích hợp để tạo ra những quả xứng đáng. Tuy nhiên, nếu họ biết cố gắng vượt qua những khó khăn ấy, thiện nghiệp của họ sẽ đến giúp họ. Khi bị đắm tàu trên một vùng biển sâu, Đức Bồ tát, trong một tiền kiếp của mình, đã ra sức phấn đấu để tự cứu bản thân và người mẹ già yếu của ngài, trong khi những người khác chỉ lo cầu nguyện và phó mặc số phận trong tay các vị thần linh tưởng tượng của họ. Kết quả là đức Bồ tát thoát nạn, còn mọi người đều chết đắm.
Như vậy, công việc (trả quả) của nghiệp được trợ giúp hoặc bị cản trở bởi sanh thú, đẹp xấu, thời kỳ và nỗ lực tự thân, hay trí thông minh. Tuy nhiên, con người có thể vượt qua những quả nghiệp trước mắt bằng cách áp dụng một vài phương pháp. Song họ vẫn không thoát hẳn những quả nghiệp ấy nếu còn hiện hữu trong vòng luân hồi này. Bất cứ khi nào cơ hội phát sinh thì chính những nghiệp quả mà họ đã khắc phục trước đó có thể sẽ tác động đến họ trở lại. Đây là tình trạng không biết chắc được của cuộc đời.
Ngay cả Đức Phật và các Vị Alahán cũng bị ảnh hưởng bởi một vài loại nghiệp, mặc dù các ngài đang sống kiếp cuối cùng của mình.
Yếu tố thời kỳ là một phương diện quan trọng khác của nghiệp lực đối với con người trong việc cảm thọ những quả tốt và xấu. Thực ra, con người chỉ cảm thọ một số quả nghiệp trong kiếp sống này trong khi một số quả nghiệp khác có hiệu lực ngay đời sau, trong lần sanh kế tiếp. Và số khác đuổi theo người tạo nghiệp bao lâu họ còn trong vòng luân hồi này, hoặc cho đến khi họ chấm dứt tái sinh do đắc Niết-bàn tối hậu. Lý do chính tạo ra những sai biệt này là tốc hành tâm (javana citta) của con người vào lúc một ý nghĩ nảy sinh trong tâm muốn làm điều tốt hay xấu (xem phần Vi Diệu Pháp ở sau).
Năng Lực Công Bằng
Những người không tin có một năng lực gọi là nghiệp (kamma) nên hiểu rằng nghiệp lực này không phải là sản phẩm phụ của bất kỳ một tôn giáo nào. Dù Ấn giáo, Phật giáo, hay Kỳ-na giáo thì cũng (Jainism) đều nhìn nhận và giải thích tính chất của lực này. Nghiệp lực là một quy luật phổ quát luôn hiện hữu và không có một nhãn hiệu tôn giáo nào cả. Phàm những ai xâm phạm quy luật này đều phải đương đầu với những hậu quả bất kể niềm tin tôn giáo của họ là gì, và những ai sống hợp theo quy luật này cũng đều cảm nhận niềm an lạc và hạnh phúc trong đời họ. Vì thế, quy luật nhân-quả hay nghiệp-luật này không thiên vị bất kỳ ai, dù họ có tin nó hay không, dù họ có theo tôn giáo nào hay không. Nó cũng giống như những quy luật vũ trụ khác và phải nhớ rằng nghiệp không phải là sở hữu độc quyền của đạo Phật.
Nếu chúng ta hiểu nghiệp như một năng lực hoặc như một hình thức của năng lực, thời chúng ta không cần phải quan tâm đến nguồn gốc của nó làm gì. Đặt vần đề đâu là nguồn gốc của nghiệp cũng giống như hỏi đâu là nguồn gốc của điện năng vậy. Nghiệp giống như điện năng, không có khởi đầu. Dưới một vài điều kiện nào đó nó xuất hiện vậy thôi. Theo quy ước chúng ta nói rằng nguồn gốc của nghiệp là chủ ý hay tư tâm sở (cetanā), song điều này cũng chẳng khác gì nói cội nguồn của con sông là từ một đỉnh núi.
Tựa như những lượn sóng trên đại dương cứ đều đặn đổ vào nhau như thế nào, một đơn vị tâm cũng đều đặn chảy vào đơn vị tâm khác như vậy, sự dung hợp của một đơn vị tâm này vào một đơn vị tâm khác gọi là công việc của nghiệp. Tóm lại, theo Phật giáo mỗi chúng sinh là một dòng sống sôi động vận hành theo cái công tắc tự động của nghiệp.
Nghiệp là một hình thức năng lượng không tìm thấy ở đâu trong thân và tâm này. Tựa như những trái xoài không tích chứa ở đâu trong cây xoài, nhưng tùy thuộc vào một số điều kiện nào đó, chúng bất ngờ có mặt, nghiệp cũng như thế. Có thể nói nghiệp giống như gió hoặc lửa, không chứa sẵn ở đâu trong vũ trụ, nhưng dưới một vài điều kiện thích hợp liền có mặt.
CÁC BÀI VIẾT TRONG SÁCH
- Chánh Kiến & Nghiệp – Ledi Sayadaw & Nhiều Tác Giả – Lời Nói Đầu
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương I: Nghiệp Dưới Cái Nhìn Của 1 Cư Sĩ
- Nghiệp Và Lý Nhân Quả – Câu Chuyện Của Francis (tiếp chương I)
- Nghiệp Hoạt Động Thế Nào? Tái Sinh & Chú Niệm Trong Đời Sống & Lúc Chết?
- Hành Động & Phản Ứng – Câu Chuyện Của Leonard A.Bullen
- Nghiệp & Tự Do Ý Chí – Chia Sẻ Của Francis
- Những Suy Nghĩ Về Nghiệp & Quả Của Nghiệp – Nyanaponika Thera
- Nghiệp Là Gì? Những Quan Điểm Sai Lầm Về Nghiệp – K. Sri Dhammananda
- Nghiệp Là Gì: Tái Sinh Có Xảy Ra Đồng Thời Với Sự Chết Không, Sát Na Tử?
- Nghiệp Là Gì – Liệu Có Thể Thay Đổi Được Không? Năng Lực Công Bằng?
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương II: Chánh Kiến Tường Giải – Ba Loại Tà Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Phản Bác Tiền Định Kiến, Tạo Hoá Kiến, Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về 3 Tà Kiến & Phản Bác Tiền Định Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Từ Nghiệp Sở Hữu & 3 Lĩnh Vực Chính – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Bác Thuyết Tạo Hoá & Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về Kammassaka-Vada & Thân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Cái Tôi Làm Cho Con Người Xấu Xa Thế Nào? Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương III: Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp – Sayadaw U Silananda
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương IV: Nghiệp Phân Tích Theo Vi Diệu Pháp
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương V: Nghiệp & Quả: 1 Số Giải Thích Về Nghiệp
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Bố Thí
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Giữ Giới & Tu Thiền
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Cung Kính, Phục Vụ,.. Chánh Kiến
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VII: Các Thiến Trình Tâm Cận Tử
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VIII: Tái Sinh
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P1)
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P2)
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P3)