Nội Dung Chính
Nghiệp là gì? Những Quan niệm sai lầm về nghiệp – Kinh nghiệm riêng của chúng ta – Những yếu tố khác hỗ trợ cho Nghiệp
NGHIỆP LÀ GÌ?
K.Sri Dhammananda
Nghiệp (Kamma) là một quy luật tự nhiên, khách quan vận hành phù hợp với những hành động của chúng ta. Nghiệp tự thân nó là một quy luật nên không cần phải có người làm luật. Nghiệp hoạt động trong lĩnh vực riêng của nó không có bất kỳ sự can thiệp của một tác nhân xét xử bên ngoài nào.
Nếu đặt vào ngôn ngữ trẻ thơ, nghiệp có thể hiểu như thế này: Hãy làm điều tốt và cái tốt sẽ đến với bạn, ngay bây giờ và mai sau. Làm điều xấu, cái xấu cũng sẽ đến với bạn, bây giờ và mai sau.
Trong ngôn ngữ của nhà nông, nghiệp có thể được giải thích theo cách này: Nếu bạn gieo hạt giống tốt, bạn sẽ gặt một vụ mùa tốt; nếu bạn gieo hạt giống xấu, bạn sẽ gặt một vụ mùa xấu.
Theo ngôn ngữ của khoa học, nghiệp là quy luật nhân – quả: mỗi nhân có một quả. Một tên gọi khác để chỉ quy luật này là: luật nhân quả trên phương diện đạo đức. Nhân quả trên phương diện đạo đức vận hành trong lĩnh vực đạo đức cũng giống như định luật vật lý về hành động và phản ứng trong lĩnh vực vật lý vậy.
Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada), nghiệp được giải thích cụ thể hơn: tâm là chủ (hay tâm đi trước) các thiện pháp và ác pháp. Nếu ta nói năng hay hành động với một tâm thiện hoặc ác, thời hạnh phúc hoặc khổ đau sẽ theo sát chúng ta như bánh xe lăn theo chân bò, hoặc như bóng không rời hình.
Nghiệp chỉ đơn giản là hành động. Trong mọi chúng sinh hữu tình, có một sức mạnh hay năng lực được gọi bằng những tên khác nhau như khuynh hướng bản năng, lương tâm, v.v… khuynh hướng bẩm sinh này buộc mọi hữu tình phải sinh hoạt về thể xác hoặc tinh thần. Sinh hoạt này là hành động. Do lập đi lập lại một hành động thành ra thói quen, và thói quen trở thành nhân cách của họ. Trong đạo Phật, tiến trình này được gọi là Nghiệp (Kamma)
Nghiệp, theo nghĩa cùng tột, là hành động bằng tâm hay sự chủ ý kể cả thiện lẫn ác. Đức Phật tuyên bố: “Chủ ý (tư tâm sở – cetanā) chính là nghiệp. Như vậy nghiệp không phải là một thực thể mà là một tiến trình, một hành động, một năng lực. Có người giải thích lực này là ‘ảnh hưởng của hành động’. Chính những việc chúng ta làm sẽ phản ứng trên bản thân chúng ta. Theo nghĩa này, khổ đau và hạnh phúc mà con người thọ lãnh chỉ là kết quả của những hành động, lời nói và ý nghĩ của họ đang phản ứng trên chính họ mà thôi. Như vậy, những hành động, lời nói và ý nghĩ của chúng ta tạo ra sự thành công và thất bại, hạnh phúc và khổ đau của chúng ta ở đời.
Nghiệp là một quy luật tự nhiên và khách quan, vận hành hoàn toàn phù hợp với những hành động của chúng ta. Nghiệp tự thân nó là một quy luật nên không cần phải có người làm luật. Nghiệp vận hành trong lãnh vực riêng của nó mà không có bất kỳ một sự can thiệp nào của một tác nhân xét xử bên ngoài. Bởi lẽ không có một thế lực khuất mặt nào hướng dẫn hay điều hành việc thưởng phạt, nên người Phật tử không dựa vào những năng lực siêu nhiên nào để cảm ứng đến những kết quả của nghiệp. Theo Đức Phật, nghiệp không phải là sự tiền định, cũng không phải là một định mệnh do năng lực huyền bí và lạ lùng nào đó áp đặt trên chúng ta, buộc chúng ta phải cam chịu một cách bất lực.
Người Phật tử tin rằng con người sẽ gặt hái những gì họ đã gieo; chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đã làm, và sẽ là kết quả của những gì chúng ta đang làm. Nói khác hơn, con người sẽ không tuyệt đối giữ nguyên những gì họ đã là, và cũng sẽ không tiếp tục giữ nguyên những gì họ đang là. Điều này đơn giản có nghĩa rằng nghiệp không phải là quyết định luận hoàn toàn. Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta thấy là nếu mọi việc đều được quyết định trước (tiền định), thời sẽ không có tự do ý chí và đời sống phạm hạnh trong sạch. Chúng ta sẽ chỉ là những kẻ nô lệ của quá khứ. Ngược lại, nếu mọi việc không được quyết định trước, thời cũng không thể có sự trau dồi đạo đức và phát triển tâm linh. Bởi thế, Đức Phật không chấp nhận thuyết tiền định tuyệt đối, cũng không chấp nhận thuyết không tiền định hoàn toàn.
Những Quan Niệm Sai Lầm Về Nghiệp
Những giải thích sai lầm và những quan niệm vô lý về nghiệp đã được nói rõ trong Tăng Chi Bộ kinh (Anguttara Nikāya). Ở đây Đức Phật khuyên những người có trí nên thẩm xét và từ bỏ những quan niệm sau:
Tin rằng mọi việc là kết quả của những hành động đã làm trong những kiếp trước (Tiền định kiến).
Tin rằng tất cả chỉ là kết quả của sự sáng tạo của một đấng quyền năng tối thượng (Tạo hoá kiến)
Tin rằng mọi việc phát sinh không do nhân hoặc duyên gì cả (Vô nhân kiến).
Nếu một người trở thành kẻ sát nhân, trộm cắp, hoặc gian dâm, và nếu những hành động của họ chỉ do nghiệp quá khứ tác động, hoặc do sự sáng tạo của một đấng quyền năng gây ra, hoặc nếu mọi việc xảy ra chỉ là tình cờ, thời người này sẽ không có gì phải chịu trách nhiệm đối với ác nghiệp của họ.
Một quan niệm sai lầm nữa về nghiệp là cho rằng nghiệp chỉ có hiệu lực đối với một số người hợp theo tín ngưỡng của họ – nghĩa là ai tin nghiệp thì nghiệp mới có hiệu lực với họ, ngoài ra thì không. Tuy nhiên, số phận của một người trong đời sau tuyệt đối không lệ thuộc vào tôn giáo họ chọn. Dù tôn giáo của họ là gì chăng nữa, số phận con người hoàn toàn tùy thuộc vào những hành động bằng thân, khẩu và ý của họ. Cái mác tôn giáo họ tự gán cho mình không quan trọng, hễ họ làm được những việc thiện và sống một cuộc đời không hoen ố, họ chắc chắn sẽ được sinh vào cõi an vui trong đời sau. Còn nếu họ phạm những ác nghiệp và dưỡng nuôi tư tưởng độc ác trong tâm, chắc chắn họ sẽ phải tái sinh để sống một cuộc đời khốn khổ, bất hạnh. Vì thế, người Phật tử không tuyên bố rằng họ là những người may mắn duy nhất được sinh lên thiên giới sau khi chết. Dù theo tôn giáo nào, chỉ có ý nghĩ tạo nghiệp của con người mới quyết định số phận của họ cả đời này lẫn đời sau. Như vậy, giáo lý nghiệp báo không chỉ cho biết một công lý sau khi chết, và Đức Phật cũng không dạy quy luật nhân quả này để bảo vệ người giàu và an ủi người nghèo bằng cách hứa hẹn hạnh phúc hão huyền trong một đời sau.
Theo Phật giáo, nghiệp giải thích được những bất bình đẳng hiện hữu giữa nhân loại. Những bất bình đẳng này không chỉ do đặc tính di truyền, môi trường chung quanh và thiên nhiên tạo ra, mà còn do nghiệp hay kết quả của những hành động chúng ta làm nữa. Thực sự nghiệp chỉ là một trong những yếu tố có trách nhiệm cho sự thành công và thất bại của cuộc đời chúng ta.
Vì lẽ nghiệp là một sức mạnh vô hình, nên với mắt trần chúng ta không thể thấy được nó làm việc như thế nào. Để hiểu được sự vận hành của nghiệp, chúng ta có thể so sánh nó với những hạt giống: những kết quả của nghiệp được cất chứa trong tâm tiềm thức (tức tâm hữu-phần duy trì kiếp sống) giống như cách lá, hoa, trái, và thân của một cái cây chứa đựng trong hạt giống của nó. Dưới những điều kiện thuận lợi, quả của nghiệp sẽ được tạo ra cũng như lá và thân cây sẽ nhú ra từ hạt giống bé nhỏ của nó khi đủ độ ẩm và ánh sáng vậy.
Sự vận hành của nghiệp cũng có thể so sánh với một tài khoản ngân hàng: một người giới đức, có lòng từ thiện và quảng đại trong kiếp hiện tại này cũng giống như một người đang bổ sung thêm vào thiện nghiệp của mình. Thiện nghiệp tích lũy này có thể được họ dùng để bảo đảm một cuộc sống không gặp phải những biến cố bất hạnh. Tất nhiên họ phải biết bổ sung cái mới vào những gì họ đã lấy ra, vì nếu không, một ngày nào đó tài khoản của họ sẽ cạn kiệt và họ sẽ bị phá sản. Lúc đó họ sẽ đổ lỗi cho ai về tình trạng bất hạnh của mình? Họ không thể đổ thừa cho người khác hoặc cho số phận được. Chỉ có họ là người phải chịu trách nhiệm cho khổ đau và hạnh phúc của bản thân. Như vậy một người Phật tử chân chính không thể là một người chạy trốn thực tại. Họ phải đối diện với cuộc đời đúng như nó là và không được quyền lẩn tránh nó. Một thái độ thụ động không thể nào ngăn chặn được nghiệp lực. Tích cực hoạt động vì điều thiện là điều hết sức thiết yếu cho hạnh phúc của con người. Khuynh hướng thoát ly là giải pháp của kẻ nhu nhược, và chạy trốn thực tại như vậy cũng không thể nào thoát được luật nhân quả.
Trong kinh Pháp-cú, Đức Phật dạy:
“Không nơi ẩn náu nào có thể thoát khỏi quả của nghiệp.”
Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.
(PC127)
Kinh Nghiệm Riêng Của Chúng Ta
Hiểu quy luật của nghiệp là để thấy rõ rằng chúng ta phải có trách nhiệm đối với hạnh phúc và khổ đau của chính mình. Chúng ta là những nhà kiến trúc của nghiệp. Đạo Phật giải thích rõ rằng con người có mọi khả năng để uốn nắn nghiệp của họ và qua đó tác động đến hướng sống của đời mình. Mặt khác, con người không phải là tù nhân hay nô lệ cho nghiệp của họ hoàn toàn. Con người cũng không đơn thuần là một cỗ máy tự động phóng thích những năng lực thuộc về bản năng từng nô dịch hóa họ. Họ cũng không chỉ là một sản phẩm của tự nhiên. Con người có trong họ sức mạnh và khả năng để thay đổi nghiệp lực của mình.
Tâm mạnh hơn nghiệp, và vì thế chúng ta có thể buộc nghiệp phục vụ cho chúng ta, chứ không từ bỏ mọi hy vọng và nỗ lực để đầu hàng nghiệp lực của chúng ta được. Để bù đắp lại sự phản ứng của nghiệp xấu mà chúng ta đã tích tạo trước đây, chúng ta cần phải vun bồi nhiều thiện nghiệp thêm nữa, và đồng thời phải làm cho tâm chúng ta trong sạch bằng giới, định, tuệ, thay vì cầu nguyện, thờ phụng, hoặc thực hiện những lễ nghi vô bổ, hoặc hành hạ thân xác để mong vượt qua nghiệp báo của mình. Vì thế, nếu con người hành động một cách khôn ngoan hơn, nhờ sống một cuộc đời thánh thiện, họ có thể khắc phục được những hậu quả của ác nghiệp đã làm.
Chúng ta phải biết tận dụng của cải vật chất mình có được để thúc đẩy cho lý tưởng đó. Những lá bài trong trò chơi cuộc đời nằm trong tay ta, chúng ta không có quyền chọn lựa chúng. Những lá bài ấy thuộc về nghiệp quá khứ của chúng ta, song nếu thích, chúng ta có thể làm theo ý mình và khi chúng ta chơi, chúng ta sẽ hoặc thắng hoặc bại, vậy thôi.
Nghiệp được xem là tương đồng với hành động của con người. Hành động này tạo ra những quả nghiệp tương xứng. Song những hành động được thực hiện không có chủ tâm hay cố ý sẽ không thể trở thành một thiện nghiệp (kusala kamma) hay bất thiện nghiệp được (akusala kamma). Đó là lý do vì sao Đức Phật giải thích nghiệp là những hoạt động có chủ ý. Điều đó có nghĩa rằng, bất kỳ một hành động thiện hay ác nào mà chúng ta phạm không chút cố ý, sẽ không đủ sức mạnh để được đem vào đời sống kế tiếp của chúng ta. Tuy nhiên, không hiểu biết tính chất của nghiệp và quả của nghiệp không được xem là lý do để biện minh hay tránh né những kết quả của nghiệp đã cố tình phạm. Một đứa bé hay một người vô minh có thể phạm rất nhiều ác nghiệp. Vì lẽ họ phạm vào những ác nghiệp ấy với sự cố ý làm hại hay làm tổn thương chúng sinh khác, nên khó mà nói được rằng họ không bị thọ quả. Nếu một đứa bé sờ tay vào thanh sắt nóng, cái nóng không vì thấy nó còn bé mà tha không làm phỏng tay nó. Nghiệp lực cũng làm việc chính xác như vậy, không thiên vị ai hết.
Sự chuyển hoá triệt để nơi nhân cách của Angulimala và hoàng đế Asoka đã minh chứng khả năng nắm quyền điều khiển nghiệp lực của con người. Angulimala là một tướng cướp đã sát hại hơn một ngàn người. Liệu có thể xét đoán ông qua những hành động bề ngoài được không? Vì ngay trong kiếp hiện tại, ông đã tu tập để trở thành một bậc thánh Alahán, và như vậy đã chuộc lại được những lỗi lầm quá khứ của ông.
Asoka, Hoàng Đế Ấn Độ, đã giết cả ngàn người trong các cuộc chiến tranh bành trướng đế quốc. Tuy thế sau khi thắng trận, ông đã tự sửa mình và thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của ông đến độ ngày nay khi viết về ông, H.G. Wells – một sử gia nổi tiếng thế giới đã nói: “Giữa hàng vạn danh tánh các bậc quân vương chất đầy các cột lịch sử, tên tuổi của Asoka chói sáng hầu như đơn độc, chẳng khác một ngôi sao.”
Những Yếu Tố Khác Hỗ Trợ Cho Nghiệp
Mặc dù cho rằng con người có thể kiểm soát được nghiệp lực của mình, đạo Phật vẫn không tuyên bố là mọi việc đều do nghiệp. Đạo Phật không phải không biết đến vai trò mà các năng lực khác của thiên nhiên đóng góp. Theo đạo Phật, có năm định luật hay năm tiến trình của các quy luật tự nhiên (niyāma) hoạt động trong thế giới tâm – vật – lý này:
– Utu niyāma, định luật vật lý vô cơ, như hiện tượng gió mưa theo mùa tiết, định luật không sai trệch của các mùa, những thay đổi và những sự kiện đặc trưng của mùa tiết, nguyên nhân của gió mưa, tính chất của nhiệt, v.v… thuộc về nhóm này.
– Bīja niyāma, định luật về mầm giống và chủng tử, cũng gọi là định luật vật lý hữu cơ, như gạo từ hạt lúa sinh ra, vị ngọt của đường từ cây mía và mật ong sinh ra, và các đặc tính đặc biệt của một vài loại trái cây. Lý thuyết khoa học về các tế bào và gen (gene) cũng như sự giống nhau về mặt thể chất của các cặp song sinh nằm trong định luật này.
– Kamma niyāma, định luật nghiệp báo, như những hành động thiện và bất thiện tạo ra những kết quả tốt và xấu tương xứng. Ví như nước chắc chắn sẽ luôn chảy xuống chỗ thấp. Nghiệp cũng vậy, nếu có cơ hội sẽ tạo ra quả tất yếu của nó, không phải trong hình thức thưởng – phạt mà như một sự tiếp nối tự nhiên. Sự tiếp nối hay trình tự của hành động (nghiệp) và kết quả (quả báo) là tự nhiên và cần thiết như cách vận hành của mặt trời, mặt trăng, và là nguyên lý báo ứng của nghiệp.
Nguyên lý nhân – quả nối tiếp này vốn cũng có sẵn trong nghiệp. Những kinh nghiệm đa dạng, những đặc tính cá nhân, những kiến thức tích lũy, v.v… tất cả đều được ghi lại trong tâm như một bản thảo đã biên tập không tẩy xóa được nữa. Tất cả những kinh nghiệm và đặc điểm ấy sẽ được chuyển di từ kiếp này sang kiếp khác. Dĩ nhiên, qua một thời gian chúng có thể bị quên đi như trong trường hợp những kinh nghiệm của chúng ta về thời ấu vậy. Những đứa bé thần đồng nói được những ngôn ngữ khác nhau mà không học hỏi ai cả, là những điển hình về nguyên lý nối tiếp của nghiệp vừa bàn đến ở trên.
– Dhamma niyāma, định luật về pháp, thí dụ các hiện tượng tự nhiên xảy ra vào lúc một vị Bồ tát đản sanh trong kiếp chót, định luật hấp dẫn và các quy luật khác của thiên nhiên, lý do phải sống thiện, v.v… có thể kể trong nhóm này.
– Citta niyāma, định luật về tâm hay quy luật tinh thần, thí dụ các tiến trình tâm, các thành tố của tâm, sức mạnh của tâm bao gồm sự cảm ứng tâm linh, thần giao cách cảm, nhớ lại quá khứ, dự cảm trước một điều gì, thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông, và các hiện tượng tâm linh khác đại loại như vậy, nói chung tất cả những điều mà khoa học hiện đại không thể giải thích được.
Mọi hiện tượng tâm lý hoặc vật lý đều có thể được giải thích bằng năm định luật này. Đây là những định luật trong tự thân mọi hiện tượng, và nghiệp chỉ là một trong năm định luật ấy. Giống như mọi quy luật tự nhiên khác, các định luật này không đòi hỏi phải có người làm luật.
Trong năm định luật này, định luật vật lý vô cơ, định luật vật lý hữu cơ, và định luật về Pháp là những định luật ít nhiều có tính cách máy móc mặc
dù chúng cũng có thể được kiểm soát tới một mức độ nào đó bởi sự khéo léo của con người và bởi sức mạnh của tâm. Chẳng hạn, lửa bình thường đốt cháy và nước cực lạnh sẽ đóng băng, song có người đã đi được trên lửa không bị tổn thương và hành thiền không mặc quần áo trên những vùng núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn; những người làm vườn chuyên nghiệp đã làm được điều kỳ diệu với các loại hoa và trái (lai tạo các giống hoa và trái khiến cho chúng đẹp hơn, to hơn); và các đạo sĩ du-già (yogis) đã tu tập thành công các năng lực thần thông như bay trên hư không, v.v… Quy luật tinh thần cũng máy móc không kém, nhưng việc tu tập của đạo Phật nhắm đến việc kiểm soát và làm chủ tâm, điều chúng ta có thể làm được với chánh kiến và chủ ý thiện. Quy luật của nghiệp hoạt động hoàn toàn tự động, và khi nghiệp quá mãnh liệt, dù muốn, chúng ta cũng không thể can thiệp vào kết quả tàn nhẫn của nó được; song chánh kiến và chủ ý thiện cũng có thể làm được nhiều việc và uốn nắn cho tương lai của chúng ta. Thiện nghiệp, nếu cứ kiên trì làm, có thể ngăn cản sự chín muồi của nghiệp xấu.
Nghiệp tất nhiên là một quy luật rất phức tạp, chỉ có Đức Phật mới thấu triệt được sự vận hành của nó. Cho nên quả của nghiệp (kamma-vipāka) được Đức Phật tuyên bố là một trong bốn điều bất khả tư nghì trong Tăng-chi Kinh (bốn điều bất khả tư nghì: Phật giới, Thiên giới của người chứng thiền, Quả dị thục của nghiệp, Suy tư về thế giới như ai tạo ra mặt trăng, mặt trời, núi, sông,…)
CÁC BÀI VIẾT TRONG SÁCH
- Chánh Kiến & Nghiệp – Ledi Sayadaw & Nhiều Tác Giả – Lời Nói Đầu
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương I: Nghiệp Dưới Cái Nhìn Của 1 Cư Sĩ
- Nghiệp Và Lý Nhân Quả – Câu Chuyện Của Francis (tiếp chương I)
- Nghiệp Hoạt Động Thế Nào? Tái Sinh & Chú Niệm Trong Đời Sống & Lúc Chết?
- Hành Động & Phản Ứng – Câu Chuyện Của Leonard A.Bullen
- Nghiệp & Tự Do Ý Chí – Chia Sẻ Của Francis
- Những Suy Nghĩ Về Nghiệp & Quả Của Nghiệp – Nyanaponika Thera
- Nghiệp Là Gì? Những Quan Điểm Sai Lầm Về Nghiệp – K. Sri Dhammananda
- Nghiệp Là Gì: Tái Sinh Có Xảy Ra Đồng Thời Với Sự Chết Không, Sát Na Tử?
- Nghiệp Là Gì – Liệu Có Thể Thay Đổi Được Không? Năng Lực Công Bằng?
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương II: Chánh Kiến Tường Giải – Ba Loại Tà Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Phản Bác Tiền Định Kiến, Tạo Hoá Kiến, Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về 3 Tà Kiến & Phản Bác Tiền Định Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Từ Nghiệp Sở Hữu & 3 Lĩnh Vực Chính – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Bác Thuyết Tạo Hoá & Vô Nhân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Giải Thích Về Kammassaka-Vada & Thân Kiến – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Cái Tôi Làm Cho Con Người Xấu Xa Thế Nào? Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến Tường Giải – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Ledi Sayadaw
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương III: Quy Luật Vận Hành Của Nghiệp – Sayadaw U Silananda
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương IV: Nghiệp Phân Tích Theo Vi Diệu Pháp
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương V: Nghiệp & Quả: 1 Số Giải Thích Về Nghiệp
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Bố Thí
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Giữ Giới & Tu Thiền
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VI: Mười Phước Nghiệp Sự – Cung Kính, Phục Vụ,.. Chánh Kiến
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VII: Các Thiến Trình Tâm Cận Tử
- Chánh Kiến & Nghiệp – Chương VIII: Tái Sinh
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P1)
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P2)
- Chánh Kiến & Nghiệp – Hỏi Đáp Về Nghiệp – Nina Van Gorrkom (P3)
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)