Giới thiệu: Tỳ kheo Brahmavamso là một tu sĩ người Anh. Ông xuất gia năm 23 tuổi sau khi tốt nghiệp Ðại học Oxford ở Anh quốc. Ông là một trong những vị đệ tử người Tây phương đầu tiên của ngài thiền sư Ajahn Chah, Thái Lan. Hiện nay, ông là vị Tăng trưởng Tu viện Bodhinyana (Giác Minh) và là vị lãnh đạo tinh thần Hội Phật Giáo Tây Úc.
–ooOoo–
Ngay từ lúc đạo Phật được thành lập hơn 2500 năm về trước, các Tăng Ni vẫn sống nhờ vào việc khất thực. Trước kia và hiện giờ cũng vậy, họ không được phép trồng tỉa lấy lương thực, không được tích lũy thực phẩm, cũng như không được tự nấu nướng thức ăn. Thay vào đó, mỗi buổi sáng họ dùng bữa của mình bằng cách sử dụng bất kỳ thứ gì các Phật Tử đã tự nguyện dâng cúng cho họ. Cho dù thức ăn có giàu năng lượng hay kém phẩm chất, khoái khẩu hay khó ăn, tất cả đều được họ chấp nhận với lòng tri ân và được xem như là dược phẩm để duy trì sự sống. Ðức Phật đã đặt ra nhiều giới luật ngăn cấm chư Tăng không được đòi hỏi thức ăn mà họ ưa thích. Kết quả là chư Tăng chỉ nhận các loại thực phẩm giống hệt như thức ăn người dân thường hay sử dụng — và thông thường thì các thực phẩm đó có chứa thịt cá.
Một lần nọ, có một vị tướng giàu có và đầy uy thế tên là Siha (nghĩa là “Sư tử”) đến thăm Ðức Phật. Tuớng quân Siha trước kia là đồ đệ hết lòng ủng hộ các tu sĩ Kỳ-na giáo; nhưng ông rất cảm động và cảm kích sau khi nghe những lời dạy của Ðức Phật, nên ngay trong buổi gặp gỡ đó, vị tướng này đã xin quy y Tam Bảo. Sau đó, tướng quân Siha mời Ðức Phật cùng với một số rất đông các vị chư Tăng đến nhà của ông trong thành phố để dùng cơm vào buổi sáng hôm sau. Ðể sửa soạn cho bữa cúng dường thức ăn đó, tướng quân Siha ra lệnh người đầy tớ đi mua một số thịt ở chợ để dùng vào dịp lễ này. Khi các vị tu sĩ Kỳ-na giáo nghe biết được sự quy y Phật Pháp của người bảo trợ cũ của họ và ông ta đang sửa soạn một bữa cơm cúng dường Ðức Phật cùng chư Tăng, họ trở nên bực tức và nói rằng:
“Từ nay sẽ có nhiều vị đạo sĩ Ni-kiền (tu sĩ Kỳ-na giáo) vẫy tay, than phiền từ đường xe ngựa này đến đường xe ngựa khác, từ khắp ngã rẽ này sang ngã rẽ khác trong thành phố, rằng: Ngày hôm nay tướng quân Siha đã giết một con vật béo, để dọn một bữa tiệc thiết đãi ẩn sĩ Cồ Ðàm (Ðức Phật). Ẩn sĩ Cồ Đàm đã cố ý ăn thịt từ con vật mà ông ta biết đã được giết để thiết đãi ông ta và các vị chư tăng đi theo; và việc này được thực hiện chỉ vì ông ta mà thôi” [1]
Thật ra, tướng quân Siha đã phân biệt rất hợp với đạo đức, giữa một bên là thịt mua tại chợ đã được giết mổ sẵn để bán và bên kia là mua một con vật còn sống và ra lệnh giết. Sự phân biệt này không mấy hiển nhiên đối với một số người Âu Mỹ, nhưng đã được ghi chép rất nhiều lần trong giáo lý của Ðức Phật. Thế rồi, để xác định rõ thái độ về việc ăn thịt cho chư Tăng, Ðức Phật dạy:
“Này chư Tỳ-kheo, Ta cho phép các vị dùng thịt cá trong ba truờng hợp sau đây: thịt này phải chưa được các vị nhìn thấy, các vị chưa được nghe biết, hoặc giả chư vị không có gì phải nghi ngờ là con vật đó đã được sát sanh chỉ nhằm mục đích thiết đãi cho chư vị. Nhưng các vị không được cố tình sử dụng thứ thịt đã được giết chỉ dành cho các vị sử dụng mà thôi.” [2]
Có nhiều đoạn trong Kinh điển Phật giáo cho thấy Ðức Phật và các vị chư Tăng của ngài được cúng dường thịt và các ngài cũng nhận để ăn. Một trong những đoạn kinh nầy được viết trong phần mở đầu câu chuyện liên quan đến một giới luật hoàn toàn không liên quan gì đến thịt (Ni-tát-kỳ Ba-dật đề, Xả đọa pháp, 5) và thoáng qua cho thấy thịt ói ở đây hoàn toàn chỉ là ngẫu nhiên đối với đề tài chính mà câu chuyện muốn nhấn mạnh đến tính xác thực của đoạn văn:
– Bà Uppalavanna (Liên hoa sắc) là một trong hai vị nữ đại đệ tử của Ðức Phật. Bà thọ giới tỳ-kheo-ni khi vẫn còn trẻ và chẳng bao lâu đã được giác ngộ hoàn toàn. Ngoài sự kiện bà là một vị A-la-hán, bà còn có nhiều uy lực thần thông đến độ chính Ðức Phật đã tuyên bố bà là người lỗi lạc nhất trong số tất cả các vị nữ đệ tử về mặt này. Một lần kia, trong khi bà Uppalavanna đang ngồi tham thiền một mình vào buổi trưa tại khu vườn “Người Mù”, trong một cánh rừng hẻo lánh bên ngoài thành Xá-vệ, có một vài tên cướp đi ngang qua đó. Mấy tên cướp vừa mới đánh cắp một con bò, giết con vật và chạy trốn với một ít thịt. Vừa nhìn thấy một vị ni sư tham thiền điềm tĩnh và nghiêm trang, tên cướp đầu sỏ đã nhanh nhẹn bỏ một ít thịt bò trong một cái bao làm bằng lá cây và để lại cho ni sư. Ni sư Uppalavanna nhặt miếng thịt bò lên và quyết định dâng cúng cho Ðức Phật. Ngay sáng sớm hôm sau, sau khi đã nấu thức ăn với thịt đó, bà cất mình lên không trung và bay tới nơi đức Phật đang ngụ, tại Trúc lâm bên ngoài thành Vương xá, và như thế Ni sư đã bay một quãng đường trên 200 kí-lô-mét. Mặc dù không nghe nói đến việc Ðức Phật đã thực sự sử dụng món thịt đó, nhưng rõ ràng là một ni sư có nhiều thần thông ắt hẵn bà đã biết Ðức Phật dùng món ăn nào.
Tuy nhiên cũng có một số thịt đặc biệt cấm các vị chư tăng không được sử dụng. Đó là: thịt người, vì những lý do đã quá rõ ràng; thịt voi và thịt ngựa vì trong thời kỳ đó, hai con vật này được coi là thú vật của nhà vua; thịt chó – vì dân chúng thường coi chó là con vật ghê tởm; thịt rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu – vì người ta tin rằng ai ăn thịt những loài thú rừng nguy hiểm này sẽ toát ra một mùi đặc biệt có thể khiến cho các con vật đồng loại tấn công người đó để trả thù.
Vào cuối cuộc đời Ðức Phật, người anh họ của ngài tên là Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) có ý định chiếm quyền lãnh đạo Tăng đoàn. Ðể có được hậu thuẫn của các vị khác, Devadatta đã cố gắng tỏ ra nghiêm khắc hơn cả Đức Phật và muốn chứng minh rằng Đức Phật có phần dễ duôi. Devadatta đề nghị với Ðức Phật là tất cả các vị Tăng Ni đều phải “ăn rau đậu” (“ăn chay trường”). Ðức Phật đã từ chối và một lần nữa Ngài nhắc lại một giới luật mà Ngài đã thiết lập nhiều năm về trước, qui định tất cả các Tăng Ni có thể ăn thịt hay cá, khi nào biết rõ thịt con vật đó không bị cấm sử dụng và khi họ không có lý do gì để nghi ngờ rằng con vật đó được giết đặc biệt dùng để chiêu đãi họ (Tam tịnh nhục).
Hồi đó, Luật đã đề cập rõ ràng đến vấn đề này. Các vị Tăng Ni có thể ăn thịt. Ngay cả Ðức Phật cũng đã dùng thịt. Tiếc thay, một số người Tây phương ngày nay thường xem việc ăn thịt đối với các vị Tăng Ni như là sự nuông chiều ưu đãi. Đó là một điều rất xa sự thật – vì tôi đã từng thực hiện việc “ăn chay trường” được ba năm trước khi trở thành một tu sĩ.
Trong năm đầu khi tôi tu học tại vùng Ðông Bắc Thái Lan, tôi đã phải cố gắng đối diện với nhiều bữa ăn chỉ có cơm nếp với ếch luộc (ăn toàn bộ cả thịt lẫn xương), hoặc với ốc sên dai như cao su, hoặc kiến càng nấu với cà-ri, hoặc châu chấu chiên dòn – tôi nghĩ có lẽ người “ăn chay” là người tốt phước hơn!
Nhân ngày Lễ Giáng Sinh đầu tiên tại miền Ðông Bắc Thái Lan, một người Mỹ đến thăm tu viện khoảng độ một tuần trước ngày 25 tháng 12. Thật khó có thể tin nổi, ông ta có một trại nuôi gà tây, và rồi, ông ta đã nhanh chóng nhận ra chúng tôi đang phải sống trong hoàn cảnh khổ sở như thế nào. Ông ta hứa sẽ đem đến cho chúng tôi một con gà tây để ăn Giáng Sinh. Ông ta bảo sẽ chọn một con gà tây thật to béo đặc biệt dành cho chúng tôi… và tôi thấy nản lòng. Chúng tôi không thể nhận thịt gà tây đó khi biết đích xác con vật bị giết lấy thịt đặc biệt để cho các vị tăng ni sử dụng. Chúng tôi từ chối không nhận món quà đó. Thế là tôi đành phải quay về với thức ăn của cư dân trong làng – lại cơm nếp với ếch luộc.
Các vị tăng ni không được lựa chọn gì cả khi đến bữa ăn và điều này còn khó khăn hơn là “ăn chay trường”. Tuy nhiên, chúng ta có thể khuyến khích việc ăn rau đậu, và nếu như những vị cư sĩ hộ tăng đem đến cúng dường chư Tăng toàn là thực phẩm rau đậu và không có thịt, thì trong trường hợp đó, các vị sư cũng không phàn nàn. Mong rằng quí vị hiểu cho điều nầy, và hãy đối xử tốt với các loài thú vật.
———————
Bài viết được trích từ Cuốn Ðức Phật Đã Nói Gì Về Việc Ăn Thịt, tác giả Thiền Sư Ajahn Brahmavamso
* Link Cuốn Ðức Phật Đã Nói Gì Về Việc Ăn Thịt
* Link Tải sách ebook Ðức Phật Đã Nói Gì Về Việc Ăn Thịt
* Link Video cuốn Ðức Phật Đã Nói Gì Về Việc Ăn Thịt
* Link Audio cuốn Ðức Phật Đã Nói Gì Về Việc Ăn Thịt
* Link Thư mục Tác giả Thiền sư Ajahn Brahmavamso
* Link Thư mục Ebook Thiền sư Ajahn Brahmavamso
* Link Giới thiệu tác giả Thiền sư Ajahn Brahmavamso
* Link Tải App mobile Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda