Nội Dung Chính
Chương V: Quả Báu Của Tâm Từ
Trong bài kinh Mettāsutta [1], Ðức Phật dạy có 11 quả báu của tâm từ như sau:
– Này chư Tỳ khưu, khi hành giả niệm rải tâm từ dẫn đến sự chứng đắc các bậc thiền sắc giới xong, đã thực hành qua thời gian lâu dài trở nên thuần thục rồi, làm cho định tâm an trú vững chắc theo tuần tự, đã tích luỹ nhiều, đã tinh tấn không ngừng, nên hành giả được 11 quả báu như sau:
1- Ngủ được an lạc.
2- Thức dậy được an lạc.
3- Không thấy các ác mộng.
4- Ðược mọi người thương yêu, quý mến.
5- Ðược các hàng phi nhân thương yêu, quý mến.
6- Ðược chư thiên hộ trì.
7- Lửa hoặc chất độc hoặc các loại vũ khí… không thể làm hại được.
8- Tâm dễ dàng an tịnh.
9- Gương mặt sáng sủa.
10- Lúc lâm chung, tâm không mê muội (tâm sáng suốt).
11- Ðề mục niệm rải tâm từ có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc giới (trừ đệ ngũ thiền); nếu chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán, thì sau khi chết, bậc thiền sắc giới sở đắc của mình cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới phạm thiên.
– Này chư Tỳ khưu, khi hành giả niệm rải tâm từ dẫn đến sự chứng đắc các bậc thiền sắc giới xong, đã thực hành qua thời gian lâu dài trở nên thuần thục rồi, làm cho định tâm an trú vững chắc theo tuần tự, đã tích luỹ nhiều, đã tinh tấn không ngừng, nên hành giả được 11 quả báu như vậy.
Giải Thích:
1- Ngủ được an lạc như thế nào?
– Ðối với người không niệm rải tâm từ, tâm của họ thường sân hận, nóng nảy bực tức, cho nên khi nằm ngủ trăn trở suốt đêm, dù nằm yên, mà vẫn không ngủ được, đến khi mệt nhoài ngủ thiếp, cũng không được an lạc.
– Ðối với hành giả tiến hành niệm rải tâm từ, thân tâm thanh tịnh, khi ngủ dễ dàng, ngủ là thời gian nghỉ ngơi, cho nên ngủ được an lạc như hành giả nhập định.
2- Thức dậy được an lạc như thế nào?
– Ðối với người không niệm rải tâm từ, khi ngủ thiếp vì bị mệt nhoài, cho nên khi thức dậy, không muốn dậy, mà phải thức dậy, vì vậy không được an lạc.
– Ðối với hành giả tiến hành niệm rải tâm từ, khi ngủ dễ dàng, ngủ ngon giấc, nghỉ ngơi, cho nên khi thức dậy được an lạc.
3- Không thấy các ác mộng như thế nào?
– Ðối với người không niệm rải tâm từ, nằm ngủ không ngon giấc; lúc không phải ngủ, cũng không phải thức, cho nên thường xảy ra hiện tượng thấy những ác mộng kinh hoàng, ví như: mộng thấy thú dữ đuổi theo mình, người đang vây bắt mình, mình rơi xuống hố sâu, v.v… khi thức dậy còn thấy hồi hộp, lo sợ.
– Ðối với hành giả niệm rải tâm từ, nằm ngủ ngon giấc; lúc không phải ngon giấc cũng không phải thức, thường xảy ra hiện tượng mộng thấy như mình bay du ngoạn nơi này nơi khác cảm thấy rất thích thú, hoặc mộng thấy mình đi chiêm bái ngôi bảo tháp, nghe pháp v.v… hoặc mộng thấy trước những điều lành, điều tốt sẽ xảy ra trong tương lai, v.v… khi tỉnh giấc còn ghi nhớ lại rõ ràng, cảm thấy hài lòng, an lạc.
4- Ðược mọi người thương yêu như thế nào?
– Ðối với người không niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, trong đó có nhân loại, không cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc đến tất cả nhân loại, nghĩa là người nào không có tình thương yêu mọi người, thì người ấy không nhận được tình thương yêu đáp lại, đó cũng là lẽ công bằng tự nhiên.
– Ðối với hành giả niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, trong đó có nhân loại, cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh, đặc biệt nhất là tất cả nhân loại. Khi hành giả tiếp xúc với mọi người, tâm từ được thể hiện bằng thân: thân hành động hợp với tâm từ; tâm từ được thể hiện qua khẩu: lời nói hợp với tâm từ; tâm từ hợp với ý thức tâm cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh nhất là tất cả loài người. Do đó, hành giả được mọi người thương yêu, quý mến.
5- Ðược các hàng phi nhân thương yêu, quý mến như thế nào?
Phi nhân có nghĩa là không phải người, nói đến tất cả các loài chúng sinh khác như hạng phạm thiên, hạng chư thiên, loài ngạ quỷ, loài atula, loài súc sanh… đều gọi là hàng phi nhân.
– Ðối với người không niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, trong đó có các hàng phi nhân, cho nên các hàng phi nhân không những không thương yêu, mà còn có thể gây ra mọi sự tai hại, mọi sự trở ngại đối với người ấy.
– Ðối với hành giả niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, trong đó có hàng phi nhân, làm cho các hàng phi nhân cảm thấy mát mẻ dễ chịu, phát sanh tâm hài lòng, hoan hỉ, không những muốn được gần gũi thân cận với hành giả, mà còn thương yêu, kính mến hộ trì hành giả sống được an lạc.
Dẫn chứng những trường hợp như:
* Một số chư Tỳ khưu an cư nhập hạ ở trong khu rừng núi, trước kia, chư Tỳ khưu không niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, nhóm chư thiên ở nơi cội cây trong khu rừng ấy cảm thấy không hài lòng, không chịu khổ được, nên họ biến hoá ra những hình ảnh đáng ghê sợ, những âm thanh rùng rợn, v.v… làm cho chư Tỳ khưu phát sanh tâm sợ hãi, bệnh hoạn phải rời bỏ khu rừng núi ấy trở về hầu Ðức Thế Tôn, xin phép được an cư nhập hạ ở nơi khác. Ðức Thế Tôn quán xét thấy chỗ ở cũ thuận lợi, nên Ngài khuyên dạy chư Tỳ khưu ấy trở lại chỗ ở cũ và Ðức Thế Tôn thuyết dạy bài kinh Mettāsutta, chư Tỳ khưu lắng nghe rồi thực hành theo lời giáo huấn của Ngài. Về sau, khi trở lại khu rừng núi cũ, chư Tỳ khưu tiến hành niệm rải tâm từ, nhóm chư thiên ở nơi cội cây trong khu rừng ấy cảm nhận được tâm từ của chư Tỳ khưu, nên tâm của họ vô cùng hoan hỉ, đón tiếp chư Tỳ khưu, thương yêu, kính mến, hộ trì chư Tỳ khưu sống an lành suốt mùa an cư nhập hạ trong khu rừng núi ấy. Chư Tỳ khưu tiến hành đề mục niệm rải tâm từ làm nền tảng, tiếp theo tiến hành thiền tuệ, chư vị đều chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng, trong mùa an cư nhập hạ tại khu rừng núi ấy.
* Một trường hợp khác, Ngài Ðại Ðức Visakha thường tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, Ngài đến sống ở núi Cittala tiến hành thiền tuệ suốt bốn tháng, rồi có một đêm, Ngài quyết định rằng: “Sáng ngày mai, ta sẽ rời khỏi nơi này đi đến một nơi khác”. Khi vào nằm ngủ, chư thiên ở cội cây đến cầu thang (nơi cốc của Ngài đang ở) ngồi khóc, Ngài Ðại Ðức nghe tiếng khóc bèn hỏi rằng:
– Ai khóc vậy?
– Kính bạch Ngài Ðại Ðức, con là thiên nam Maṇila. – Vị chư thiên bạch.
– Này thiên nam Maṇila, tại sao ngươi đến đây khóc?
– Kính bạch Ngài Ðại Ðức, con biết ngày mai Ngài rời khỏi nơi này, nên con khóc.
– Này thiên nam Maṇila, bần tăng sống ở nơi này có lợi ích gì cho ngươi?
– Kính bạch Ngài Ðại Ðức, thời gian trước đây, khi Ngài chưa đến sống ở nơi này, nhóm chư thiên ở đây hay giận hờn, thường cãi vã nhau, sống với nhau không được an lạc chút nào. Nhưng kể từ khi Ngài đến sống nơi này, nhóm chư thiên cảm nhận được tâm từ của Ngài, tất cả đều cảm thấy mát lành, nên sống với nhau rất hoà thuận, thương yêu kính mến nhau, sống rất an lạc. Nếu ngày mai, Ngài rời khỏi nơi này, nhóm chư thiên ấy sẽ phát sanh giận hờn, gây gổ cãi vã nhau trở lại như trước, thì khổ tâm lắm! Con sợ cảnh khổ ấy tái diễn, nên con buồn, con khóc. Bạch Ngài.
Lắng nghe vị thiên nam Maṇila bày tỏ nỗi lòng lo sợ của mình, nên Ngài Ðại Ðức an ủi rằng:
– Này thiên nam Maṇila, bần tăng sống ở nơi này đem lại sự lợi ích, sự an lạc cho các ngươi như vậy, bần tăng sẽ không đi nơi khác.
Vị thiên nam Maṇila cảm thấy vô cùng hoan hỉ, tất cả chư thiên ở nơi ấy cũng hài lòng, hoan hỉ, họ đều thương yêu, kính mến Ngài.
Ngài Ðại Ðức tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo – 4 Thánh Quả và tịch diệt Niết Bàn tại núi ấy.
– Không chỉ tất cả các hàng chư thiên thương yêu kính mến hành giả tiến hành niệm rải tâm từ, mà còn các loài súc sanh cũng thương yêu, kính mến người có tâm từ. Như trường hợp Ðức Bồ Tát Suvannasāma sống với song thân là hai đạo sĩ mù ở trong rừng, Ngài hành pháp hạnh tâm từ ba la mật, nên các loài súc sanh thương yêu, kính mến Ngài. Ngài đi đâu chúng cũng đi theo quấn quýt bên Ngài không rời nhau.
– Và trường hợp voi Nālāgiri sát nhân rất hung ác, Tỳ khưu Devadatta âm mưu dùng nó để giết Ðức Phật. Ðược sự chấp thuận của Ðức vua Ajātasattu, nên y đã cho voi Nālāgiri uống rượu say như điên rồi đem thả ra trên đường mà Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng đi vào thành Rājagaha để khất thực. Voi Nālāgiri nhìn thấy Ðức Thế Tôn từ xa ngự đến, liền ngước vòi, quạt hai lỗ tai, cong đuôi chạy thẳng đến Ngài. Ðức Thế Tôn niệm rải tâm từ đến nó rồi gọi bằng phạm âm ngọt ngào, trìu mến rằng:
– Này Nālāgiri con yêu quý, con hãy đến đây với Như Lai.
Voi Nālāgiri hung ác trong cơn say điên cuồng, nhưng khi nghe phạm âm ngọt ngào, trìu mến phát sanh từ tâm từ của Ðức Thế Tôn, liền mở mắt, ngẩng đầu nhìn kim thân của Ngài toả ra tâm từ làm cho cơn say điên cuồng tan biến, tâm thức tỉnh, do nhờ oai lực tâm từ của Ðức Thế Tôn, voi Nālāgiri hạ vòi xuống, ngoan ngoãn đi lần đến quỳ một cách cung kính dưới bàn chân Ðức Thế Tôn…
Và còn có nhiều trường hợp khác tương tự như vậy.
Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, trong đó có các hàng phi nhân. Hành giả sẽ được các hàng phi nhân thương yêu, kính mến như vậy.
6- Ðược chư thiên hộ trì như thế nào?
– Ðối với người không niệm rải tâm từ, chư thiên không gần gũi thân cận, nên không hộ trì người ấy.
– Ðối với hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, do tâm từ mát mẻ, chư thiên ưa thích gần gũi thân cận, nên thường hộ trì hành giả ấy.
7- Lửa hoặc chất độc hoặc các loại vũ khí,… không thể làm hại được như thế nào?
– Ðối với người không niệm rải tâm từ, lửa hoặc chất độc hoặc các loại vũ khí… có thể làm hại người ấy, đó là việc thông thường.
– Ðối với hành giả tiến hành niệm rải tâm từ, lửa hoặc chất độc hoặc các loại vũ khí… không thể làm hại hành giả, bởi vì năng lực của tâm từ rất phi thường, có thể hoá giải những thứ ấy trở thành vô hiệu, cho nên những thứ ấy không thể làm hại được hành giả.
Dầu bơ nóng không làm phỏng người có tâm từ
Dẫn chứng trường hợp tích nàng Uttarā [2] con gái của phú hộ Puṇṇa, là một cận sự nữ đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, có đức tin trong sạch và vững chắc nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng; chồng của nàng cũng là con trai của một phú hộ trong kinh thành Rājagaha, là một gia đình tà kiến, không có đức tin nơi Tam bảo. Vì vậy, từ khi về sống bên gia đình chồng, nàng không có cơ hội để làm phước thiện bố thí cúng dường hộ độ Ðức Phật, chư Tăng và nghe pháp, bởi vì nàng có bổn phận phải lo phục vụ chồng, nên không còn thì giờ rảnh rỗi.
Một hôm nàng hỏi một tỳ nữ rằng:
– Này em, còn bao nhiêu ngày nữa là mãn mùa an cư nhập hạ của chư Tỳ khưu Tăng?
– Thưa bà chủ, còn 15 ngày nữa ạ!- Tỳ nữ thưa.
Nàng liền sai người đến báo tin cho cha nàng là phú hộ Puṇṇa, biết rõ tình cảnh của mình. Ông phú hộ hay tin con gái của mình đang khổ tâm như vậy, nên ông gởi cho số tiền 15.000 đồng kahāpana (tiền Ấn xưa) và dạy bảo rằng: “Trong thành có cô kỹ nữ Sirimā, thuê cô một ngày đêm là 1.000 đồng kahāpana. Với số tiền này, con có thể thuê cô ấy đến phục vụ chồng của con trong 15 ngày, còn con có thì giờ rảnh rỗi để làm phước bố thí cúng dường đến Ðức Phật, chư Tăng và nghe pháp”.
Nàng Uttarā vâng theo lời dạy của cha, thuê cô kỹ nữ Sirimā về, trao cho cô ta số tiền 15.000 đồng kahāpana rồi nhờ cô lo phục vụ chồng nàng suốt 15 ngày đêm, cho đến ngày làm lễ mãn hạ. Cô kỹ nữ Sirimā hoan hỉ đồng ý ngay.
Nàng dẫn cô kỹ nữ Sirimā vào giới thiệu cùng đức phu quân mình rằng:
– Thưa đức phu quân, đây là bạn gái của thiếp, người sẽ thay thiếp chăm lo, phục vụ chàng suốt 15 ngày đêm tới kể từ hôm nay; để thiếp có thời gian làm phước bố thí cúng dường đến Ðức Phật cùng chư Tăng và nghe pháp.
Nhìn thấy sắc đẹp của cô kỹ nữ Sirimā, nên chồng nàng liền đồng ý ngay.
Sau đó nàng đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn bạch rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính thỉnh Ngài cùng chư Ðại Ðức Tăng, suốt nửa tháng kể từ ngày mai, chỉ thọ nhận vật thực tại nhà của con mà thôi.
Ðức Thế Tôn chấp thuận lời thỉnh mời của nàng bằng cách im lặng. Nàng Uttarā vô cùng hoan hỉ nghĩ rằng: “Từ ngày mai cho đến ngày làm lễ Mahāpavāraṇā, ta sẽ được làm phước bố thí cúng dường đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng và sẽ được nghe pháp”.
Hằng ngày, nàng Uttarā đã tự mình sắp đặt lo mọi công việc nấu nướng trong nhà bếp lớn, điều hành mọi người làm đồ ăn thức uống ngon lành, để cúng dường đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng, trải qua 14 ngày như vậy.
Ðến hôm sau là ngày đại lễ Mahāpavāraṇā, chồng của nàng đứng trên lâu đài, nhìn qua cửa sổ thấy nàng vất vả cực nhọc, lo đi lại điều khiển mọi người làm đồ ăn thức uống, rồi nghĩ với ý chê trách về nàng rằng: “Thật là đứa khờ dại, hưởng an lạc như thế này không chịu, mà lại chịu vất vả khổ cực làm đồ ăn thức uống bố thí đến các ông đầu trọc”, rồi cười chế giễu bỏ đi. Cô kỹ nữ Sirimā nhìn thấy con trai người phú hộ cười, muốn biết chàng cười ai, cô đến chỗ cửa sổ ấy nhìn thấy nàng Uttarā, cô nghĩ rằng chàng đã cười với nàng. Những ngày qua được phục vụ chồng của nàng Uttarā, cô đã quên thân phận mình, nên nổi cơn ghen tức nàng Uttarā, từ trên lâu đài cô vội xuống bếp, hậm hực đi về phía nàng Uttarā. Ðến chảo dầu bơ đang sôi, múc ngay một gáo dầu bơ nóng xăm xăm bước về phía nàng Uttarā.
Thoáng nhìn thấy cô kỹ nữ, nàng Uttarā rải tâm từ đến cô ấy rằng: “Người bạn gái đã giúp đỡ ta, toàn thế giới này vẫn còn chật hẹp, từ đây đến cõi phạm thiên cũng còn thấp, còn công ơn của người bạn gái thật rộng lớn và cao cả vô cùng. Chính ta đã nương nhờ cô ấy mà làm được phước bố thí cúng dường đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng, được nghe pháp của Ðức Phật. Nếu ta có tâm sân hận cô ấy, thì gáo dầu bơ nóng kia làm phỏng da ta; còn nếu ta không có tâm sân hận cô ấy, thì gáo dầu bơ nóng kia không làm phỏng được”. Vừa lúc ấy, cô kỹ nữ Sirimā tạt gáo dầu bơ nóng lên đầu và mặt của nàng, dầu bơ nóng kia trở thành nước lạnh, do năng lực tâm từ của nàng.
Nhóm tỳ nữ thấy như vậy, chạy lại đánh đập cô kỹ nữ Sirimā té xuống đất, nàng ngăn cản nhóm tỳ nữ, rồi đi lại đỡ cô ta dậy, đem nước ấm tắm rửa, an ủi vỗ về. Cô kỹ nữ Sirimā hoàn toàn thức tỉnh, nhận thấy tội lỗi của mình đối với nàng Uttarā, cô cúi lạy xin tha thứ.
Nàng Uttarā bảo rằng:
– Này bạn, khi nào Ðức Từ Phụ của tôi tha thứ, thì tôi mới tha thứ tội lỗi của bạn.
– Lành thay! Em sẽ đến xin ông phú hộ, cha của chị tha thứ tội lỗi của em, rồi chị cũng tha thứ cho em nhé! – Cô kỹ nữ Sirimā thưa.
– Ông phú hộ chỉ là người cha mà tôi nương nhờ trong cảnh tử sanh luân hồi; tôi có ý nói rằng: khi nào Ðấng Từ Phụ, Người Cha mà tôi nương nhờ giải thoát khỏi cảnh tử sanh luân hồi tha thứ cho bạn, thì tôi sẽ tha thứ.
– Thưa chị Ðức Từ Phụ ấy là vị nào vậy?
– Ðức Từ Phụ đó chính là Ðức Thế Tôn.
– Em chưa từng thân cận với Ngài, nhờ chị giúp đỡ em vậy!
– Ngày mai Ðức Từ Phụ cùng chư Ðại Ðức Tăng sẽ ngự đến đây thọ nhận vật thực, bạn nên đến đây cúng dường Ngài và cầu xin Ngài tha thứ tội lỗi. – Nàng Uttarā dạy.
– Lành thay! Thưa chị.
Cô kỹ nữ Sirimā trở về nhà, động viên 500 nữ tuỳ tùng lo sắm sửa vật thực ngon lành, để hôm sau đem đến cúng dường Ðức Thế Tôn cùng chư Ðại Ðức Tăng.
Ngày hôm sau, cô kỹ nữ Sirimā cùng nhóm 500 nữ tuỳ tùng đem vật thực ngon lành cùng chung với nàng Uttarā cúng dường đến Ðức Thế Tôn cùng chư Ðại Ðức Tăng. Sau khi Ðức Thế Tôn thọ thực xong, nàng Uttarā dẫn cô kỹ nữ Sirimā giới thiệu với Ðức Thế Tôn.
Cô kỹ nữ Sirimā cùng nhóm 500 nữ tuỳ tùng đảnh lễ Ðức Thế Tôn, rồi cô kính xin Ðức Thế Tôn tha thứ tội lỗi của mình.
Ðức Thế Tôn bèn hỏi rằng:
– Con có tội lỗi gì?
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, hôm qua con hoàn toàn mê muội, vì ghen tức không đúng, nên con đã múc gáo dầu bơ nóng tạt lên đầu và mặt của chị Uttarā, người chủ của con. Như vậy, con đã phạm tội lỗi quá lớn đối với chị, con có xin chị tha thứ tội lỗi của con; nhưng chị bảo, chỉ khi nào Ðức Thế Tôn tha thứ tội lỗi của con, thì khi ấy chị mới tha thứ. – Cô kỹ nữ Sirimā bạch.
– Này Uttarā con, có đúng thật như vậy không? – Ðức Thế Tôn hỏi.
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, đúng thật như vậy. – Nàng Uttarā bạch.
Ðức Thế Tôn bèn hỏi nàng Uttarā, khi ấy con nghĩ thế nào về hành động của cô kỹ nữ Sirimā. Nàng Uttarāđã bạch với Ngài là khi ấy nàng rải tâm từ đến cô ấy, nên gáo dầu bơ nóng kia tạt lên đầu, lên mặt nàng, như tạt một gáo nước lạnh, không hề bị nóng phỏng gì cả.
Khi ấy, Ðức Thế Tôn nhận lời sám hối của cô kỹ nữ Sirimā, rồi Ngài thuyết bài kệ dạy nàng Uttarā, đồng thời cũng tế độ cô kỹ nữ Sirimā cùng nhóm nữ tuỳ tùng của cô rằng:
“Akkodhena jine kodhaṃ,
Asādhuṃ sādhunā jine.
Jine kadariyaṃ dānena,
Sacce nāli kavàdinaṃ”. [3]
(Này, con Ut-ta-rā!
Thắng được người sân hận,
Bằng tâm không sân hận.
Thắng được người độc ác,
Bằng thiện pháp cao thượng.
Thắng được người keo kiệt,
Bằng phước thiện bố thí.
Thắng được người nói dối,
Bằng lời nói chân thật).
Sau khi cô kỹ nữ Sirimā cùng nhóm 500 nữ tuỳ tùng lắng nghe Ðức Thế Tôn thuyết bài kệ xong, cô cùng nhóm 500 nữ tuỳ tùng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.
Chất độc không thể làm hại người có tâm từ
– Trường hợp Ngài Ðại Ðức Cūḷasiva thường ngày niệm rải tâm từ. Một hôm, Ngài đang tụng Ðồng hợp bộ kinh (Saṃyuttanikāya), một con rắn độc từ trên cây rơi xuống cắn Ngài, nhưng chất độc không thể làm hại được Ngài, vì do năng lực tâm từ của Ngài.
Các loại vũ khí không thể làm hại người có tâm từ
Tích Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī
Trường hợp Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī [4] tóm lược như sau:
Bà Sāmāvatī, bà Suladattā, bà Māgaṇṇiyā là ba bà Chánh cung Hoàng hậu của Ðức vua Udena xứ Kosambī.
Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī cùng với nhóm 500 bạn gái tuỳ tùng đều là bậc Thánh Nhập Lưu, có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp và Ðức Tăng một cách vững chắc trong trường hợp đặc biệt. Bởi vì, bà Sāmāvatī cùng nhóm bạn gái tuỳ tùng sống trong nội cung, không được phép tiếp xúc bên ngoài và khi ấy Ðức vua Udena cũng chưa có đức tin nơi Tam bảo, nên chưa thỉnh Ðức Phật hoặc chư Ðại Ðức Tăng vào cung điện thuyết pháp. Vậy, do nhân duyên nào Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī cùng nhóm bạn gái tuỳ tùng trở thành bậc Thánh Nhập Lưu?
Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī có một tỳ nữ tên là Khujjuttarā, hằng ngày được Ðức vua ban cho số tiền 8 kahāpana (tiền Ấn xưa), truyền dạy cô tỳ nữ này mua hoa đem về dâng cho bà. Cô tỳ nữ đến mua hoa tại cửa hàng của ông Sumana, nhưng thường ngày cô chỉ mua có 4 kahāpana, còn 4 kahāpana cô lấy làm của riêng.
Một thuở nọ, Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng ngự đến xứ Kosambī để tế độ dân chúng xứ ấy, do lời thỉnh mời của ba ông phú hộ: phú hộ Ghosita đã xây cất ngôi chùa Ghositārāma, phú hộ Kukkūṭa đã xây cất ngôi chùa Kukkūṭārāma và phú hộ Pāvārika đã xây cất ngôi chùa Pāvārikārāma làm lễ cúng dường chư Tăng từ tứ phương có Ðức Phật chủ trì chứng minh.
Một hôm, cửa hàng của ông Sumana được hân hạnh thỉnh Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng đến làm phước bố thí cúng dường vật thực. Cô tỳ nữ Khujjuttarā đến mua hoa như thường lệ, hôm ấy, vì lo làm đồ ăn thức uống, cúng dường Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng, nên ông Sumana yêu cầu cô Khujjuttarā hoan hỉ chờ đợi xong lễ cúng dường, nghe pháp, rồi ông sẽ làm tràng hoa bán cho cô. Cô Khujjuttarā nghĩ đây là cơ hội tốt, cô có duyên lành gặp được Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng, được nghe pháp nên cô vô cùng hoan hỉ đồng ý chờ đợi. Khi Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng thọ thực xong, Ðức Phật thuyết pháp, cô Khujjuttarācũng ngồi lắng nghe pháp. Sau khi Ðức Phật thuyết pháp xong, cô liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (bậc Thánh đầu tiên trong Phật giáo). Sau khi cô đã trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, có giới hạnh hoàn toàn trong sạch, nên hôm ấy cô mua hoa với đủ số tiền 8 kahāpana, đem về dâng Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī.
– Này em, hôm nay Ðức vua ban cho số tiền gấp đôi hay sao, mà em mua hoa nhiều gấp đôi ngày thường vậy? – Chánh cung Hoàng hậu hỏi.
– Không phải vậy. Tâu Chánh cung Hoàng hậu. – Tỳ nữ tâu.
– Này em, vậy tại sao hôm nay có số hoa nhiều gấp đôi vậy?
– Tâu Chánh cung Hoàng hậu, vì mọi hôm, Ðức vua ban cho 8 kahāpana, mà con chỉ mua hoa với 4 kahāpana, còn lại 4 kahāpana con lấy làm của riêng. Nhưng hôm nay, con đã mua hoa đủ 8 kahāpana, nên có số hoa nhiều gấp đôi ngày thường.
– Này em, tại sao hôm nay em không lấy bớt như trước đây?
– Tâu Chánh cung Hoàng hậu, bởi vì hôm nay con đã được nghe chánh pháp của Ðức Phật, con đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, con có giới hạnh hoàn toàn trong sạch, nên con không lấy của mà người khác không cho.
– Này em, em có thể thuyết lại cho ta nghe chánh pháp ấy có được không?
– Tâu Chánh cung Hoàng hậu, con có thể thuyết lại, với điều kiện bà cho con được tắm 16 chậu nước hoa thơm, ban cho con 2 tấm vải tốt đặc biệt, lấy một cái quạt đẹp, ngồi chỗ cao quý của bà và trang hoàng lộng lẫy, bởi vì kính trọng pháp.
Bà Chánh cung Hoàng hậu chấp thuận mọi điều kiện, cô Khujjuttarā mặc một tấm vải, tấm còn lại choàng lên người, tay cầm quạt ngồi trên chỗ ngồi cao quý; bên dưới, Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī cùng nhóm 500 bạn gái tuỳ tùng ngồi nghiêm chỉnh lắng nghe cô thuyết lại bài chánh pháp, mà cô đã được nghe từ kim ngôn của Ðức Phật và đã ghi nhớ rõ từng tiếng, từng câu. Sau khi nghe xong bài pháp, Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī cùng nhóm 500 bạn gái tuỳ tùng đều chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. Tất cả đều đảnh lễ cô pháp sư Khujjuttarā. Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī thưa rằng:
– Thưa cô Khujjuttarā, kể từ nay về sau, cô không phải làm những công việc như trước nữa, chúng tôi đặt cô ở địa vị là người mẹ và cũng là vị thầy của chúng tôi. Khi cô đi nghe Ðức Phật thuyết pháp xong, xin cô về thuyết dạy lại cho chúng tôi nghe.
Ðó là trường hợp Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī cùng nhóm bạn gái tuỳ tùng trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, có đức tin trong sạch và vững chắc nơi Tam bảo.
Chánh cung Hoàng hậu Māgaṇṇiyā
Cô Māgaṇṇiyā là con gái của ông bà Bà la môn Māgaṇṇiya đã từng kết oan trái với Ðức Phật. Khi cô trở thành Chánh cung Hoàng hậu của Ðức vua Udena xứ Kosambī, vì mối oan trái trước kia, cô lại càng muốn tìm kiếm cơ hội để vu oan giá hoạ, để trả thù Ðức Phật.
Bà Māgaṇṇiyā nghe tin Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng đã ngự đến xứ Kosambī, với ý định vu oan giá hoạ cho Ðức Phật, bà đã bỏ tiền ra thuê nhóm người ngoại đạo tà kiến, không có đức tin nơi Tam bảo, đó là những hạng người tôi tớ, người làm công, đi theo sau chửi mắng đuổi Ðức Phật đi ra khỏi xứ.
Ðại Ðức Ānanda nghe lời chửi mắng như vậy, bèn bạch Ðức Thế Tôn rằng:
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, những người dân thuộc ngoại đạo tà kiến đi theo chửi mắng như vậy, kính xin Ðức Thế Tôn ngự đến nơi khác.
– Này Ānanda, khi đến nơi khác, dân chúng ở đó cũng đi theo chửi mắng, thì đi đến nơi nào nữa?
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, đi đến nơi khác nữa.
– Này Ānanda, không nên làm như vậy, sự việc đã phát sanh nơi nào, sự việc ấy phải được dập tắt xong nơi ấy, rồi mới đi đến nơi khác.
– Này Ānanda, những người theo chửi mắng là những hạng người nào vậy?
– Kính bạch Ðức Thế Tôn, họ là những hạng người không có giới, ngoại đạo tà kiến, dân nghèo khổ, hạng tôi tớ, người làm công được thuê mướn đi theo chửi mắng.
– Này Ānanda, Như Lai ví như voi đã luyện tập xong đưa ra chiến địa, cần phải nhẫn nại chịu đựng làn tên mũi đạn từ bốn hướng, là phận sự của voi xuất trận như thế nào, sự nhẫn nại chịu đựng lời chửi mắng của những người không có giới, là phận sự đối với Như Lai cũng như thế ấy.
– Này Ānanda, con chớ nên lo ngại, những hạng người theo chửi mắng ấy chỉ có thể thực hiện được trong vòng 7 ngày mà thôi, rồi sẽ im lặng. Bởi vì, mọi sự việc phát sanh lên đối với chư Phật không quá 7 ngày.
Chánh cung Hoàng hậu Māgaṇṇiyā đã thuê mướn người chửi mắng Ðức Thế Tôn nhưng không thể làm cho Ngài rời bỏ xứ Kosambī ra đi. Bà nghĩ rằng: “Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī cùng nhóm 500 bạn gái tuỳ tùng có đức tin trong sạch nơi Sa môn Gotama, ta sẽ tìm cách làm hại bọn họ luôn thể cũng được”.
Chờ đợi luân phiên đến kỳ Ðức vua ngự đến nghỉ ngơi tại lâu đài của mình suốt 7 ngày, bà tâu với Ðức vua rằng:
– Tâu Bệ hạ, Chánh cung Hoàng hậu cùng nhóm bạn gái tuỳ tùng của mình đem tâm hướng ngoại, tôn thờ Sa môn Gotama, không còn trung thành với Bệ hạ nữa.
Ðể chứng mình lời nói của bà là sự thật, bà tâu với Ðức vua trong các phòng ở của họ có đục một lỗ nhỏ để nhìn thấy Sa môn Gotama cùng chúng đệ tử đi vào thành khất thực.
Ðức vua ngự đến quan sát, thấy sự thật như vậy, nhưng lại làm thinh, rồi truyền lệnh cho người trám những lỗ nhỏ ấy lại, cho phép làm cửa sổ phía trên.
Lần khác, bà bày mưu tính kế với người chú của mình, đem 8 con gà còn sống và 8 con gà đã chết vào cung. Trước tiên, bà cho người đem 8 con sống dâng đến Ðức vua, để nấu canh gà cho Ðức vua dùng. Bà tâu với Ðức vua nên truyền lệnh cho nhóm bạn gái của Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī giết gà nấu canh. Ðức vua chuẩn tấu, truyền lệnh sai người hầu tâm phúc của bà Māgaṇṇiyā đem gà sống đến bảo nhóm bạn gái ấy giết gà nấu canh. Nhóm bạn gái ấy khước từ bảo rằng:
– Chúng tôi không thể sát sanh.
Người hầu kia đem trở về trình cho Chánh cung Hoàng hậu Māgaṇṇiyā việc ấy. Bà tâu Ðức vua rằng:
– Thần thiếp tâu Bệ hạ không tin, nhóm nữ kia không còn trung thành với Bệ hạ nữa, mà đã hướng tâm tôn thờ Sa môn Gotama rồi. Bây giờ, nếu Bệ hạ truyền lệnh cho họ hãy làm canh gà dâng đến Sa môn Gotama, thì họ sẽ làm ngay.
Ðức vua nghe theo, truyền lệnh sai người bảo nhóm nữ ấy làm canh gà dâng đến Sa môn Gotama. Chánh cung Hoàng hậu Māgaṇṇiyā bảo người hầu tâm phúc đem 8 con gà đã chết đến giao cho nhóm nữ. Họ nhìn thấy gà đã chết, nên nhận làm canh gà ngay. Người hầu kia trở về trình việc ấy cho bà Māgaṇṇiyā biết. Bà tâu với Ðức vua rằng:
– Tâu Bệ hạ, nhóm bạn gái của Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī nấu canh gà dâng cho Bệ hạ thì không làm, nhưng nấu canh gà dâng đến Sa môn Gotama thì làm. Như vậy, Bệ hạ nghĩ sao?
Ðức vua vẫn làm thinh.
Mưu kế độc cuối cùng
Ðức vua nghỉ ngơi tại lâu đài của Chánh cung Hoàng hậu Māgaṇṇiyā đến ngày thứ 7 là mãn kỳ, rồi sẽ ngự tiếp đến nghỉ tại lâu đài của Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī, hôm ấy đã là ngày thứ 7. Biết rõ như vậy, bà Māgaṇṇiyā cho người báo tin với người chú của mình, hãy tìm cho bà một con rắn hổ mang, đem nhổ răng, rồi bí mật gởi gấp cho bà, người chú ấy đã làm theo lời dặn của bà. Vì biết mỗi lần Ðức vua ngự đến lâu đài của các Chánh cung Hoàng hậu thường đem theo một cây đàn, trong cây đàn có lỗ nhỏ, nên bà bí mật bỏ con rắn hổ mang vào đó rồi lấy hoa bít lại, để lại chỗ cũ.
Bà tâu rằng:
– Tâu Bệ hạ, ngày mai Bệ hạ sẽ ngự đến lâu đài của Chánh cung Hoàng hậu nào vậy?
– Trẫm sẽ ngự đến lâu đài của Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī.
– Tâu Bệ hạ, đêm qua thần thiếp mộng thấy điều không lành, xin Bệ hạ không nên ngự đến lâu đài của Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī.
– Trẫm sẽ ngự đến xem sao? – Ðức vua quả quyết phán.
Chánh cung Hoàng hậu Māgaṇṇiyā thỉnh cầu Ðức vua không được bèn tâu rằng:
– Tâu Bệ hạ, xin Bệ hạ cho thần thiếp tháp tùng cùng Bệ hạ.
Mặc dù Ðức vua ngăn cản không cho bà theo, bà cũng vẫn đi theo. Khi Ðức vua ngự đến lâu đài của Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī, mọi người tiếp đón Ðức vua, dâng hoa và các thứ vật thơm, Ðức vua nhận lấy rồi đặt cây đàn trên chỗ nằm. Ðức vua dùng đồ ăn thức uống thượng vị xong nằm ngủ. Khi ấy bà Māgaṇṇiyā đi đi lại lại làm bộ như đang canh gác, nhằm lúc Ðức vua không để ý, bà đến nhổ bỏ cái hoa bít lỗ trên cây đàn, con rắn hổ mang bò ra xong, bà liền la thét lên: “Rắn! Rắn! Tâu Bệ hạ!”. Con rắn hổ phùng mang, phun độc phì phì.
Bà trách Ðức vua không tin lời của bà, rồi bà mắng nhiếc Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī cùng nhóm nữ kia cố ý hại Ðức vua rằng:
– Các ngươi cố ý hại Ðức vua, các ngươi nghĩ Ðức vua băng hà rồi các ngươi được yên thân sao?
Ðức vua nhìn thấy con rắn hổ mang thì hoảng sợ liền nổi cơn thịnh nộ quát rằng:
– Các ngươi đã làm tội ác tày trời! Trước đây trẫm không tin lời của Chánh cung Hoàng hậu Māgaṇṇiyārằng các ngươi đục lỗ trên tường để nhìn ra bên ngoài, trẫm đưa gà bảo làm canh cho trẫm thì không chịu nhận mà đem trả lại; hôm nay lại thả rắn hổ mang trên chỗ nằm của trẫm.
Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī khuyên dạy 500 bạn gái tuỳ tùng của mình rằng:
– Ta và các em hãy niệm rải tâm từ cho mình, rồi niệm rải tâm từ đến Hoàng thượng cùng Chánh cung Hoàng hậu Māgaṇṇiyā. Ta và các em không được nổi tâm sân hận đến bất cứ ai.
Ðức vua truyền lệnh bắt Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī đứng đầu, tiếp theo sau nhóm 500 bạn gái tuỳ tùng sắp thẳng hàng. Ðức vua lắp tên đã tẩm độc rồi giương cung nhắm thẳng bắn vào ngực của Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī, mũi tên bay ra khỏi cung, liền quay vòng trở lại dường như nhắm thẳng đến Ðức vua rồi cắm phập xuống trước mặt, do năng lực tâm từ của Chánh cung Hoàng hậu cùng nhóm bạn gái của bà.
Thấy vậy, Ðức vua suy tư rằng: “Mũi tên bắn ra rất mạnh có thể xuyên thủng tảng đá, khoảng hư không không có vật cản, tại sao mũi tên lại có thể quay trở lại dường như nhắm thẳng vào tim của ta. Sự thật, mũi tên này không có tâm, không phải chúng sinh, không phải sinh mạng, thế mà còn biết được ân đức của Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī; còn ta, ta là con người, sao ta lại không biết đến ân đức của nàng”.
Ðức vua ném vội cây cung, đến ngồi chồm hổm sát đôi chân của Chánh cung Hoàng hậu, chấp đôi tay bèn đọc lên bài kệ rằng:
“Trẫm hôn mê lầm lạc,
Trẫm mê muội hoàn toàn,
Ðối với trẫm các hướng,
Ðều mờ mịt tối tăm.
Ái khanh Sāmāvatī!
Xin hãy che chở trẫm,
Là nơi trẫm nương nhờ!”.
Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī là người cận sự nữ của Ðức Chánh Ðẳng Giác, khuyên Ðức vua bằng bài kệ rằng:
“Tâu Bệ hạ kính mến!
Xin Người chớ nương nhờ,
Nơi thần thiếp thấp hèn,
Thần thiếp đã nương nhờ,
Nơi Ðức Phật cao thượng.
Xin Hoàng thượng nương nhờ,
Ðức Phật cao thượng ấy.
Cuộc đời của thần thiếp
Nương nhờ nơi Ðức Phật,
Xin Hoàng thượng cũng vậy”.
Nghe lời khuyên chính đáng của Chánh cung Hoàng hậu Sāmāvatī, song Ðức vua vẫn còn sợ hãi, bởi vì cảm thấy có tội với bà, nên một lần nữa, Ðức vua thưa rằng:
– Trẫm xin nương nhờ nơi ái khanh và sẽ nương nhờ nơi Ðức Phật nữa. Trẫm sẽ ban ân huệ cho ái khanh.
– Muôn tâu Hoàng thượng, thần thiếp cúi xin ân huệ của Hoàng thượng. Xin Hoàng thượng ban cho ân huệ mà thần thiếp muốn là: Xin Hoàng thượng đến hầu Ðức Thế Tôn, xin quy y, nương nhờ nơi Ðức Thế Tôn, Ðức Pháp, Ðức Tăng và kính thỉnh Ðức Thế Tôn cùng 500 chư Ðại Ðức Tăng vào cung điện để cho thần thiếp có cơ hội được cúng dường vật thực suốt 7 ngày.
Ðức vua truyền ban ân huệ và Chánh cung Hoàng hậu nhận ân huệ, xong tâu:
– Tâu Bệ hạ thần thiếp không mong được gì khác, chỉ xin Bệ hạ ban ân huệ cho thần thiếp được kính thỉnh Ðức Phật cùng 500 chư Ðại Ðức Tăng hằng ngày ngự vào cung điện, để cho chúng thần thiếp được làm phước bố thí cúng dường và được nghe pháp.
Ðức vua đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, kính thỉnh Ngài theo lời thỉnh cầu của Chánh cung Hoàng hậuSāmāvatī, nhưng Ðức Phật dạy:
– Này Ðại vương, theo lệ thường của chư Phật, hằng ngày không thể đến một nơi nào, bởi vì các nơi khác cũng trông mong Ðức Phật.
– Bạch Ðức Thế Tôn, như vậy con kính xin Ngài cho phép một vị Ðại Ðức cùng 500 vị Tỳ khưu hằng ngày vào cung điện, để cho những cận sự nam, cận sự nữ trong cung điện có dịp làm phước bố thí cúng dường và được nghe pháp.
Ðức Phật cho phép Ðại Ðức Ānanda hướng dẫn 500 vị Tỳ khưu hằng ngày vào cung điện như lời thỉnh mời của Ðức vua.
Qua câu chuyện trên, do năng lực của tâm từ, các loại vũ khí đều không làm hại được; thậm chí, tình thương yêu thật sự cũng có thể ngăn cản được những tai hại của vũ khí. Ví như: Chuyện một con bò thương yêu con, đang cho con bú ở trong rừng, một người đi săn thú, nhìn thấy con bò, y lấy cây lao phóng thẳng đến định giết chết nó, nhưng do tình thương của một người mẹ đang cho con bú, không chạy tránh, nên mũi lao đi lệch hướng khác, không làm hại con bò được.
Do quả báu của tâm từ, lửa hoặc chất độc hoặc các loại vũ khí không những không thể hại người có tâm từ, mà còn có thể cải hoá người ác thành người thiện, cải tà quy chánh.
8- Tâm dễ dàng an tịnh như thế nào?
– Ðối với người không niệm rải tâm từ, có tánh hay sân hận, khi gặp phải đối tượng không hài lòng, dễ phát sanh tâm bất bình nơi đối tượng ấy, không có tánh nhẫn nại, khi trời lạnh quá, chịu không được hoặc trời nóng quá cũng chịu không được, v.v… Do đó, khi tiến hành thiền định với đề mục thiền định nào, dầu có tinh tấn nhiều, tâm cũng không dễ dàng an tịnh, bởi vì tâm hay sân hận là một trong 5 pháp chướng ngại của thiền định; cho nên, hành giả cần phải kiên trì tiến hành thiền định với đề mục thiền định ấy phải trải qua thời gian lâu dài, tâm mới có thể an tịnh, để chứng đắc các bậc thiền sắc giới.
– Ðối với hành giả tiến hành niệm rải tâm từ, nên tâm thường mát mẻ, có đức tính nhẫn nại, dù gặp phải đối tượng tốt xấu thế nào, vẫn giữ thiện tâm trong sạch. Cho nên, hành giả tiến hành thiền định với đề mục nào, tâm cũng dễ dàng an tịnh, có thể dẫn đến sự chứng đắc các bậc thiền sắc giới.
9- Gương mặt sáng sủa như thế nào?
– Ðối với người không niệm rải tâm từ, có tánh hay sân hận, tâm sân hận thuộc tâm ác, làm nhân duyên phát sanh sắc pháp thường hiện rõ trên khuôn mặt cau có, nhăn nhó, dữ tợn trông thấy đáng sợ. Một người xinh đẹp, bình thường tâm sân không phát sanh, trông thấy dễ thương, dễ mến, nhưng khi tâm sân phát sanh, trông thấy đáng sợ; còn một người xấu xí, bình thường tâm sân hận không phát sanh, người ta đã không muốn nhìn, một khi tâm sân phát sanh nữa thì đáng ghê sợ biết dường nào!
– Ðối với hành giả tiến hành niệm rải tâm từ, tâm từ thuộc về thiện tâm làm nhân duyên phát sanh sắc pháp, thường hiện rõ trên gương mặt sáng sủa, trông thấy hiền lành đáng yêu, đáng kính. Một người xinh đẹp lại có tâm từ, chắc chắn được phần đông kính yêu, ngưỡng mộ; hoặc một người dầu xấu xí mà có tâm từ cũng có thể làm cho người khác thương yêu, quý mến.
Tục ngữ có câu: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.
Và “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Ca dao cũng có câu:
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”.
10- Lúc lâm chung, tâm không mê muội (tâm sáng suốt) như thế nào?
– Ðối với người không niệm rải tâm từ, có tánh hay sân hận, không có đức tính nhẫn nại chịu đựng, cho nên lúc lâm chung, do bệnh làm cho khổ thân, có thể làm cho tâm sân bực tức, khó chịu. Mỗi khi tâm sân phát sanh luôn luôn có tâm sở si đồng sanh với tâm sân ấy làm cho tâm mê muội lúc lâm chung.
– Ðối với hành giả tiến hành niệm rải tâm từ, có đức tính nhẫn nại chịu đựng được mọi đối tượng xấu, thiện tâm không thay đổi, trong thiện tâm luôn luôn có tâm sở niệm đồng sanh với thiện tâm ấy, thiện tâm có trí nhớ, nếu có tâm sở trí tuệ đồng sanh nữa, thì lúc lâm chung, tâm không mê muội, nghĩa là có thiện tâm sáng suốt, minh mẫn.
11- Ðề mục niệm rải tâm từ có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc giới (trừ đệ ngũ thiền); nếu chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán, thì sau khi chết, bậc thiền sắc giới sở đắc của mình cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới phạm thiên như thế nào?
– Lúc lâm chung tâm mê muội, tâm bị ô nhiễm, do ác nghiệp ấy cho quả, thường bị sa vào một trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh, chịu khổ do ác nghiệp đã tạo.
– Lúc lâm chung tâm không mê muội, thiện tâm sáng suốt, minh mẫn do thiện tâm ấy cho quả, thường được tái sanh cõi thiện giới là cõi người hoặc cõi trời dục giới hoặc cõi trời sắc giới.
Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ, nếu chưa có khả năng chứng đắc bậc thiền sắc giới nào và cũng chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán, thì sau khi chết, do dục giới thiện nghiệp ấy cho quả tái sanh trong cõi thiện giới là cõi người hoặc một trong 6 cõi trời dục giới, hưởng sự an lạc nơi cõi ấy cho đến hết tuổi thọ.
– Nếu có khả năng chứng đắc từ đệ nhất thiền cho đến đệ tứ thiền sắc giới (ngoại trừ đệ ngũ thiền sắc giới), nhưng chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán, thì sau khi chết, do sắc giới thiện nghiệp ấy, đó là bậc thiền sắc giới sở đắc của mình, cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới phạm thiên, tương xứng với bậc thiền sở đắc của mình, hưởng sự an lạc và tuổi thọ lâu dài tại cõi trời sắc giới ấy.
Mười một quả báu của đề mục niệm rải tâm từ đã được giải thích tóm tắt xong. Khi xem xét qua 11 quả báu của đề mục niệm rải tâm từ, đó là một bài học quý giá khích lệ đối với những người chưa tiến hành đề mục niệm rải tâm từ. Và đối với người đã từng tiến hành đề mục niệm rải tâm từ, thì càng tinh tấn tiến hành đề mục niệm rải tâm từ hơn nữa, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho mình và cho mọi người, mọi chúng sinh.
-ooOoo-