Nội Dung Chính
Đại Phẩm I
Chương Trọng Yếu
Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác
Tụng Phẩm Thứ Tám
Vào lúc bấy giờ, có năm thứ bệnh phát triển rộng khắp trong dân chúng xứ Magadha là: bệnh cùi, bệnh mụt nhọt, bệnh chàm, bệnh lao phổi, bệnh động kinh. Những người mắc phải năm thứ bệnh đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca và nói như vầy: – “Thưa thầy, tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho chúng tôi.” – “Các ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (các ngài) được.” – “Thưa thầy, tất cả tài sản hãy là của thầy và chúng tôi sẽ là đầy tớ của thầy. Tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho chúng tôi.” – “Các ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (các ngài) được.”
Khi ấy, những người dân ấy đã khởi ý điều này: “Những Sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm ngủ ở những cái giường kín gió, hay là chúng ta nên xuất gia nơi các Sa-môn Thích tử? Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu sẽ chăm sóc (chúng ta) và Jīvaka Komārabhacca sẽ điều trị.”
Sau đó, những người dân ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho họ xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Và chính các tỳ khưu đã chăm sóc họ và Jīvaka Komārabhacca đã điều trị.
Vào lúc bấy giờ, trong lúc chăm sóc nhiều tỳ khưu bị bệnh các vị tỳ khưu sống có nhiều sự xin xỏ, có nhiều sự yêu cầu: “Hãy bố thí vật thực dành cho người bệnh, hãy bố thí vật thực dành cho người chăm sóc bệnh, hãy bố thí dược phẩm dành cho người bệnh.” Ngay cả Jīvaka Komārabhacca, trong lúc điều trị nhiều tỳ khưu bị bệnh, đã xao lãng phận sự nào đó đối với đức vua.
Và có người đàn ông nọ cũng mắc phải năm thứ bệnh đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca và đã nói điều này: – “Thưa thầy, tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho tôi.” – “Ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (ngài) được.” – “Thưa thầy, tất cả tài sản hãy là của thầy và tôi sẽ là đầy tớ của thầy. Tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho tôi.” – “Ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (ngài) được.”
Khi ấy, người đàn ông ấy đã khởi ý điều này: “Những Sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm ngủ ở những cái giường kín gió, hay là ta nên xuất gia nơi các Sa-môn Thích tử? Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu sẽ chăm sóc (ta) và Jīvaka Komārabhacca sẽ điều trị, khi khỏi bệnh ta đây sẽ hoàn tục.”
Sau đó, người đàn ông ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho người ấy xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Và chính các tỳ khưu đã chăm sóc người ấy và Jīvaka Komārabhacca đã điều trị. Người ấy khi khỏi bệnh đã hoàn tục.
Jīvaka Komārabhacca đã nhìn thấy người đàn ông hoàn tục ấy, sau khi nhìn thấy đã nói với người đàn ông ấy điều này: – “Thưa ngài, có phải ngài đã xuất gia nơi các tỳ khưu không?” – “Thưa thầy, đúng vậy.” – “Thưa ngài, điều gì khiến ngài đã làm việc như thế?”
Khi ấy, người đàn ông ấy đã kể lại sự việc ấy cho Jīvaka Komārabhacca. Jīvaka Komārabhacca phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các đại đức lại cho người bị mắc phải năm thứ bệnh xuất gia?”
Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, tốt đẹp thay các ngài đại đức không cho người bị mắc phải năm thứ bệnh xuất gia.”
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Jīvaka Komārabhacca bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Jīvaka Komārabhacca đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, không nên cho người bị mắc phải năm chứng bệnh xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, vùng biên địa của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bị (trộm cướp) dấy loạn. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho các quan đại thần lãnh đạo quân đội rằng: – “Này các khanh, hãy đi và thâu hồi lại vùng biên địa.” – “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Các quan đại thần lãnh đạo quân đội đã đáp lại đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.
Khi ấy, các chiến sĩ danh tiếng lẫy lừng đã khởi ý điều này: “Là những người say mê chiến trận, trong khi đi (đánh trận) chúng ta tạo nghiệp ác và gây ra nhiều điều bất thiện. Với phương kế gì chúng ta có thể tránh được việc ác và có thể làm việc lành?”
Khi ấy, các chiến sĩ ấy đã khởi ý điều này: “Những vị Sa-môn Thích tử này là những vị thực hành Giáo Pháp, thực hành sự bình thản, thực hành Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp, nếu chúng ta có thể xuất gia nơi các Sa-môn Thích tử, như vậy chúng ta có thể tránh được việc ác và có thể làm việc lành.”
Sau đó, các chiến sĩ ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho họ xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Các quan đại thần lãnh đạo quân đội đã hỏi các binh sĩ của đức vua rằng: – “Này các khanh, sao các chiến sĩ tên (như vầy) và tên (như vầy) lại không hiện diện?” – “Thưa tướng quân, các chiến sĩ tên (như vầy) và tên (như vầy) đã xuất gia nơi các vị tỳ khưu.” Các quan đại thần lãnh đạo quân đội phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho binh sĩ của đức vua xuất gia?” Các quan đại thần lãnh đạo quân đội đã trình sự việc ấy lên đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.
Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã hỏi các quan đại thần phụ trách tòa án rằng: – “Này các khanh, người cho binh sĩ của đức vua xuất gia phạm vào điều gì?” – “Tâu bệ hạ, đầu của thầy tế độ nên bị chặt đi, lưỡi của vị đọc tuyên ngôn nên bị rút ra, một phần xương sườn của nhóm (các vị chứng minh) nên bị bẻ gãy.”
Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, có những vị vua không có đức tin, không có mộ đạo, những vị ấy có thể hãm hại các tỳ khưu chỉ vì chuyện không đáng gì. Bạch ngài, tốt đẹp thay các ngài đại đức không cho binh sĩ của đức vua xuất gia.”
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, không nên cho binh sĩ của đức vua xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, kẻ cướp có mang chuỗi ngón tay[1] đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng khi nhìn thấy trở nên sợ hãi, hoảng hốt, bỏ chạy, rẽ sang hướng khác, quay mặt chỗ khác, đóng cửa lại. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ cướp có mang biểu tượng xuất gia?” Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ cướp có mang biểu tượng xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Những người nào đã xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, không được phép làm bất cứ điều gì đến những người ấy. Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”
Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ sau khi thực hiện vụ trộm đã bị giam trong ngục. Người ấy đã phá ngục tẩu thoát và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng sau khi nhìn thấy đã nói như vầy: – “Chính người này là kẻ cướp phá ngục. Nào, chúng ta hãy dẫn gã ấy đi.” Một số người đã nói như vầy: – “Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: ‘Những người nào đã xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, không được phép làm bất cứ điều gì đến những người ấy. Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.’”
Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các vị Sa-môn Thích tử này không phải lo sợ nữa rồi. Không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ cướp phá ngục xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ cướp phá ngục xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ sau khi thực hiện vụ trộm đã tẩu thoát và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Người ấy đã bị cáo thị tầm nã ở hoàng cung rằng: “Được nhìn thấy tại đâu thì được giết tại đấy.” Dân chúng đã nói như vầy: – “Chính người này là kẻ cướp bị cáo thị tầm nã. Nào, chúng ta hãy giết gã ấy đi.” Một số người đã nói như vầy: – “Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Những người nào đã xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, không được phép làm bất cứ điều gì đến những người ấy. Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”
Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các vị Sa-môn Thích tử này không phải lo sợ nữa rồi. Không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ cướp bị cáo thị tầm nã xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ cướp bị cáo thị tầm nã xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ bị xử hình phạt đánh bằng roi đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ bị xử hình phạt đánh bằng roi xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ bị xử hình phạt đánh bằng roi xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ bị xử hình phạt đóng dấu đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ bị xử hình phạt đóng dấu xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ bị xử hình phạt đóng dấu xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ là kẻ thiếu nợ đã bỏ trốn và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Những người chủ nợ đã nhìn thấy và nói như vầy: – “Chính người này là kẻ thiếu nợ của chúng ta. Nào, chúng ta hãy dẫn gã ấy đi.” Một số người đã nói như vầy: – “Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Những người nào đã xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, không được phép làm bất cứ điều gì đến những người ấy. Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”
Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các vị Sa-môn Thích tử này không phải lo sợ nữa rồi. Không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ thiếu nợ xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ thiếu nợ xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, có người nô tỳ nọ đã bỏ trốn và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Những người chủ đã nhìn thấy và nói như vầy: – “Chính người này là kẻ nô tỳ của chúng ta. Nào chúng ta hãy dẫn gã ấy đi.” Một số người đã nói như vầy: – “Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: ‘Những người nào đã xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, không được phép làm bất cứ điều gì đến những người ấy. Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.’”
Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các vị Sa-môn Thích tử này không phải lo sợ nữa rồi. Không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ nô tỳ xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ nô tỳ xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, có người thợ bạc bị sói đầu nọ sau khi cãi vã với cha mẹ đã đi đến tu viện và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Sau đó, cha mẹ của người thợ bạc bị sói đầu ấy, trong khi tìm kiếm người thợ bạc bị sói đầu ấy, đã đi đến tu viện và đã hỏi các tỳ khưu rằng: – “Thưa các ngài, vậy chớ các ngài có nhìn thấy người trai trẻ hình dáng như thế này không?” Các vị tỳ khưu trong khi không biết nên đã nói rằng: – “Chúng tôi không biết,” trong khi không nhìn thấy nên đã nói rằng: – “Chúng tôi không nhìn thấy.”
Sau đó, cha mẹ của người thợ bạc bị sói đầu ấy, trong lúc tìm kiếm người thợ bạc bị sói đầu ấy, nhìn thấy (người ấy) đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu nên phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Những Sa-môn Thích tử này thật vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, là những kẻ nói láo, trong khi biết lại nói rằng: ‘Chúng tôi không biết,’ trong khi nhìn thấy lại nói rằng: ‘Chúng tôi không nhìn thấy.’ Người trai trẻ này đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu.”
Các tỳ khưu đã nghe được cha mẹ của người thợ bạc bị sói đầu ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thông báo đến hội chúng về việc cạo tóc.”
Vào lúc bấy giờ, trong thành Rājagaha có nhóm mười bảy thiếu niên là bạn bè. Thiếu niên Upāli là thủ lãnh của họ. Khi ấy, cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Có phương kế gì để sau khi chúng ta từ trần, Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc?”
Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli có thể học chữ viết, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.”
Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli học chữ viết thì các ngón tay sẽ bị đau. Nếu Upāli có thể học tính toán, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.”
Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli học tính toán thì ngực sẽ bị đau. Nếu Upāli có thể học hội họa, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.”
Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli học hội họa thì các con mắt sẽ bị đau. Còn những Sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm ngủ ở những cái giường kín gió, nếu Upāli có thể xuất gia nơi các Sa-môn Thích tử, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.”
Thiếu niên Upāli đã nghe được cuộc nói chuyện trao đổi ấy của cha mẹ. Sau đó, thiếu niên Upāli đã đi đến gặp những thiếu niên ấy, sau khi đến đã nói với những thiếu niên ấy điều này: – “Này các bạn, hãy đi. Chúng ta sẽ xuất gia nơi các Sa-môn Thích tử.”
Sau đó, những thiếu niên ấy từng người một đã đi đến gặp cha mẹ của mình và đã nói điều này: – “Hãy cho phép con rời nhà xuất gia sống không nhà.” Khi ấy, cha mẹ của những thiếu niên ấy (nghĩ rằng): “Tất cả những đứa trẻ này có ước muốn giống nhau, có ý định tốt đẹp” nên đã chấp thuận. Chúng đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho chúng xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Những thiếu niên ấy sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm đã khóc lóc: – “Hãy cho cháo, hãy cho thức ăn, hãy cho vật nhai.”
Các tỳ khưu đã nói như vầy: – “Này các sư đệ, hãy chờ đến khi trời sáng, nếu có cháo thì các đệ sẽ húp cháo, nếu có thức ăn thì các đệ sẽ ăn, nếu có vật nhai thì các đệ sẽ nhai; còn nếu không có cháo, hoặc thức ăn, hoặc vật nhai, thì các đệ sẽ ăn sau khi đi khất thực.”
Trong khi được nói như thế bởi các tỳ khưu, các tỳ khưu (thiếu niên) ấy vẫn khóc lóc: – “Hãy cho cháo, hãy cho thức ăn, hãy cho vật nhai,” rồi đại tiện tiểu tiện ở chỗ nằm ngồi.
Đức Thế Tôn sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm đã nghe tiếng của các đứa trẻ, sau khi nghe đã bảo đại đức Ānanda rằng: – “Này Ānanda, tiếng của các đứa trẻ ấy là gì vậy?”
Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu trong khi biết vẫn cho tu lên bậc trên người chưa đến hai mươi tuổi, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy trong khi biết vẫn cho tu lên bậc trên người chưa đến hai mươi tuổi? Này các tỳ khưu, người chưa đến hai mươi tuổi không có khả năng chịu đựng đối với sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát, các lối nói lăng mạ công kích, có khuynh hướng không cam chịu các cảm thọ khổ, nhức nhối, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc về cơ thể đã sanh khởi.
Này các tỳ khưu, người đã được hai mươi tuổi có khả năng chịu đựng đối với sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát, các lối nói lăng mạ công kích, có khuynh hướng cam chịu các cảm thọ khổ, nhức nhối, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc về cơ thể đã sanh khởi. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, Ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, người chưa đến hai mươi tuổi, trong khi biết, không nên cho tu lên bậc trên; vị nào cho tu lên bậc trên thì nên được hành xử theo Pháp.”[2]
Vào lúc bấy giờ, có gia đình nọ bị chết bởi bịnh dịch hạch. Người cha và người con trai của gia đình ấy là (những người) còn sót lại. Họ đã xuất gia nơi các tỳ khưu rồi đi khất thực chung với nhau. Khi ấy, lúc đồ ăn khất thực được bố thí đến người cha, đứa trẻ ấy đã chạy lại gần và nói điều này: – “Cha yêu quý, hãy cho con với. Cha yêu quý, hãy cho con với.” Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Những Sa-môn Thích tử này không có Phạm hạnh. Đứa trẻ này đã được sanh ra bởi tỳ khưu ni.”
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, đứa trẻ dưới mười lăm tuổi không nên cho xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ có đức tin mộ đạo của đại đức Ānanda bị chết bởi bịnh dịch hạch. Và có hai đứa trẻ trai là (những người) còn sót lại. Khi nhìn thấy các vị tỳ khưu, chúng theo thói quen được phép trước đây đã chạy đến gần. Các tỳ khưu đã đuổi (chúng) đi. Trong khi bị các vị tỳ khưu đuổi đi, chúng đã khóc.
Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Đứa trẻ dưới mười lăm tuổi không nên cho xuất gia;’ và những đứa trẻ này dưới mười lăm tuổi, vậy bằng phương cách gì để những đứa trẻ này không thể bị tiêu hoại đây?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này Ānanda, những đứa trẻ ấy có khả năng để đuổi các con quạ bay đi không?” – “Bạch Thế Tôn, chúng có khả năng.” Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép xuất gia đứa trẻ dưới mười lăm tuổi là trẻ (có thể) đuổi được quạ.”
Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sakya có hai sa di là Kaṇṭaka và Mahaka. Chúng đã làm điều tồi bại với nhau. Các vị tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các sa di lại thực hành điều sai trái có hình thức như thế ấy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, một vị không nên để cho hai sa di phục vụ; vị nào để cho phục vụ thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã sống mùa mưa ở ngay tại nơi ấy trong thành Rājagaha, mùa lạnh ở tại nơi ấy, mùa nóng ở tại nơi ấy. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các hướng đi của các Sa-môn Thích tử bị tắt nghẽn, tăm tối. Các hướng đi không còn được các vị này nhận ra nữa.”
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: – “Này Ānanda, hãy đi, cầm lấy chìa khóa, và thông báo cho các vị tỳ khưu ở dãy phòng rằng: ‘Này các đại đức, đức Thế Tôn muốn ra đi du hành ở đến núi Dakkhiṇāgiri.[3] Đại đức nào có ý thích thì hãy đi.’” – “Bạch Thế Tôn, xin vâng.” Nghe theo lời đức Thế Tôn, đại đức Ānanda đã cầm lấy chìa khóa và đã thông báo cho các vị tỳ khưu ở dãy phòng rằng: – “Này các đại đức, đức Thế Tôn muốn ra đi du hành đến núi Dakkhiṇāgiri. Đại đức nào có ý thích thì hãy đi.” Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: – “Này đại đức Ānanda, đức Thế Tôn đã quy định là sống nương nhờ mười năm, vị mười năm được cho nương nhờ. Và (nếu) chúng tôi đi đến nơi ấy thì sự nương nhờ sẽ cần được xác định (ở nơi ấy). Và việc cư trú sẽ là ngắn ngủi và sẽ quay trở về lại, rồi sự nương nhờ sẽ cần được xác định lại. Nếu các thầy tế độ hoặc thầy dạy học của chúng tôi sẽ đi thì chúng tôi cũng sẽ đi, nếu các thầy tế độ hoặc thầy dạy học của chúng tôi sẽ không đi thì chúng tôi cũng sẽ không đi. Này đại đức Ānanda, chúng tôi hành xử với tâm tư nhẹ nhàng là điều sẽ được nhận biết.”
Sau đó, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến núi Dakkhiṇāgiri với nhóm số lượng ít ỏi. Sau đó, khi đã ngự tại núi Dakkhiṇāgiri theo như ý thích, đức Thế Tôn đã quay trở về lại thành Rājagaha. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: – “Này Ānanda, vì sao Như Lai đã ra đi du hành đến núi Dakkhiṇāgiri với hội chúng tỳ khưu là nhóm số lượng ít ỏi?” Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu có kinh nghiệm đủ năng lực sống nương nhờ năm năm, vị không có kinh nghiệm thì trọn đời.”
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố không nên sống không nương nhờ: Là vị không thành tựu vô học giới uẩn, không thành tựu vô học định uẩn, không thành tựu vô học tuệ uẩn, không thành tựu vô học giải thoát uẩn, không thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này không nên sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn, thành tựu vô học giải thoát uẩn, thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này được sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không có đức tin, không có sự hổ thẹn (tội lỗi), không có sự ghê sợ (tội lỗi), biếng nhác, có niệm bị quên lãng. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này không nên sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị có đức tin, có sự hổ thẹn (tội lỗi), có sự ghê sợ (tội lỗi), có sự nỗ lực tinh tấn, có niệm được thiết lập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này được sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến cực đoan, ít học hỏi, trí kém. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này không nên sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị không bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, không bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, không bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến cực đoan, nghe nhiều, có trí tuệ. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này được sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, hơn nữa đối với vị này hai bộ giới bổnPātimokkha không khéo được truyền thừa một cách chi tiết, không khéo được phân tích, không khéo thuộc nằm lòng, không khéo được xác định theo từng điều và từng phần phụ thuộc. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này không nên sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, đối với vị này hơn nữa đối với vị này hai bộ giới bổn Pātimokkha khéo được truyền thừa một cách chi tiết, khéo được phân tích, khéo thuộc nằm lòng, khéo được xác định theo từng điều và từng phần phụ thuộc. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này được sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này không nên sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này được sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này không nên sống không nương nhờ: Là vị không thành tựu vô học giới uẩn, không thành tựu vô học định uẩn, không thành tựu vô học tuệ uẩn, không thành tựu vô học giải thoát uẩn, không thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này không nên sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này được sống không nương nhờ: Là vị thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn, thành tựu vô học giải thoát uẩn, thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này được sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không có đức tin, không có sự hổ thẹn (tội lỗi), không có sự ghê sợ (tội lỗi), biếng nhác, có niệm bị quên lãng, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này không nên sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị có đức tin, có sự hổ thẹn (tội lỗi), có sự ghê sợ (tội lỗi), có sự nỗ lực tinh tấn, có niệm được thiết lập, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này được sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến cực đoan, ít học hỏi, trí kém, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này không nên sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị không bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, không bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, không bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến cực đoan, nghe nhiều, có trí tuệ, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này được sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, đối với vị này hơn nữa đối với vị này hai bộ giới bổn Pātimokkha không khéo được truyền thừa một cách chi tiết, không khéo được phân tích, không khéo thuộc nằm lòng, không khéo được xác định theo từng điều và từng phần phụ thuộc, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này không nên sống không nương nhờ.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, hơn nữa đối với vị này hai bộ giới bổn Pātimokkha khéo được truyền thừa một cách chi tiết, khéo được phân tích, khéo thuộc nằm lòng, khéo được xác định theo từng điều và từng phần phụ thuộc, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này được sống không nương nhờ.
Dứt tụng phẩm ‘Không Phải Lo Sợ’ là thứ tám.
–ooOoo–
[1] Coro aṅgulimālo: mới xem qua dễ lầm tưởng với kẻ cướp tên Aṅgulimāla trong bài kệ tụng về Tám Phật Lực. Dịch giả I.B. Horner đã nêu lên điều này với lý do không có chữ ‘nāma = tên là’ hoặc ‘iti’ như được thường dùng trong trường hợp danh từ riêng; hơn nữa ở đây vị này được xuất gia ở nơi các tỳ khưu còn vị kia được xuất gia theo lối ‘ehi bhikkhu’ với đức Phật. Thêm vào đó, sự biến đổi từ nữ tánh sang nam tánh của mālā trong cụm từ aṅgulimālo xác định đây là trường hợp bahubbīhi làm phận sự của tính từ (ND).
[2] Liên quan đến tội pācittiya 65 về cho tu lên bậc trên người kém hai mươi tuổi (ND).
[3] Dakkhiṇāgiri nghĩa là ‘ngọn núi ở phía Nam.’ Tuy nhiên, ở phía nam của thành Rājagaha có ngọn núi tên là Dakkhiṇāgiri, vì là địa danh cho nên giữ nguyên không dịch (ND).
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)