5. TÁI SINH

VẤN: Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

ĐÁP: Có thể có ba lối giải đáp cho câu hỏi này. Những người tin tưởng nơi một hay nhiều thần linh thường chủ trương rằng trước khi được tạo ra, con người không hiện hữu, rồi con người được sinh ra đời là do ý muốn của một vị thần linh. Người ấy sống cuộc đời của mình, rồi sau khi chết, tùy theo những gì mình tin tưởng hay những hành động của mình trong đời, sẽ ở vĩnh viễn trên cõi thiên đàng hoặc vĩnh viễn trong địa ngục. Những người khác, các khoa học gia, cho rằng mỗi cá nhân vào đời lúc được thọ thai do những nguyên nhân tự nhiên, sống hết cuộc đời của mình rồi chết, chấm dứt hiện hữu. Phật giáo không chấp nhận một trong hai lối giải thích đó.

Lối giải thích đầu tiên gợi lên nhiều vấn đề đạo đức. Nếu thật sự một vị thần linh toàn thiện tạo nên mỗi người trong chúng ta, ắt khó mà giải thích vì sao có nhiều người sinh ra với hình tướng xấu xa kinh khủng, hoặc có rất nhiều trẻ sơ sinh phải mất mạng trong bào thai, hay lúc vừa mới lọt lòng mẹ. Một vấn đề khác liên quan đến lối giải thích thần linh là người kia phải chịu đau khổ vĩnh viễn trong địa ngục vì những điều mà anh ta đã làm chỉ trong 60 hay 70 năm sống trên trái đất, thì dường như là rất bất công. Sáu hay bảy mươi năm sống không có đức tin, hay kém đạo đức, không đáng phải bị hình phạt thống khổ vĩnh viễn. Cùng thế ấy, sáu hay bảy mươi năm sống đời đạo đức tốt đẹp hình như là thời gian quá ngắn đối với hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng.

Lối giải thích thứ nhì có phần thích nghi hơn là lối thứ nhất, nhưng vẫn còn để lại nhiều thắc mắc chưa được giải đáp. Làm thế nào một hiện tượng vô cùng phức tạp như tâm thức lại được sinh khởi, phát triển, chỉ giản dị từ hai tế bào, minh châu và tinh trùng? Và hiện nay, khoa siêu tâm lý học đã được xem là một ngành của khoa học, những hiện tượng như thần giao cách cảm ngày càng khó thích hợp ăn khớp với mô hình duy vật về tâm thức.

Phật giáo cung ứng một lối giải thích thỏa đáng hơn hết về thắc mắc con người từ đâu đến và đi về đâu. Khi ta chết, cái tâm, với tất cả những khuynh hướng ưa thích, khả năng và tâm tính đã được tạo duyên và khai triển trong đời sống, tự cấu hợp lại trong buồng trứng sẵn sàng thọ thai. Như thế ấy, một cá nhân được sinh ra, trưởng thành dần dần, lọt lòng mẹ và phát triển nhân cách do cả hai: những đặc tính tinh thần được mang theo từ những kiếp quá khứ và môi trường vật chất mới mẻ. Nhân cách sẽ chuyển biến và đổi thay do những cố gắng tinh thần và những yếu tố tạo duyên như nền giáo dục, ảnh hưởng của cha mẹ và xã hội, và một lần nữa, lúc lâm chung, tái sinh, tự cấu hợp trở lại trong buồng trứng sẵn sàng thọ thai.

Tiến trình chết và tái sinh này sẽ tiếp tục diễn tiến đến khi nào những điều kiện tạo nguyên nhân cho nó, vốn là ái dục và vô minh, chấm dứt. Đến lúc ấy, thay vì có một chúng sinh tái sinh, tâm thức vượt đến một trạng thái gọi là Niết bàn, và đó là mục tiêu tối hậu của Phật giáo và là lý tưởng của kiếp sinh tồn.

VẤN: Làm cách nào tâm di chuyển từ cơ thể này đến một cơ thể khác?

ĐÁP: Hãy nghĩ đến làn sóng điện của máy thu thanh. Làn sóng được phát ra từ đài phát thanh không phải là tiếng nói và âm nhạc, mà là năng lực ở nhiều tần số khác nhau, di chuyển trong không gian và được máy thu thanh nhận vào, rồi phát ra dưới hình thức tiếng nói hay âm nhạc. Với tâm cũng vậy. Lúc lâm chung, năng lực tinh thần lìa xác chết, di chuyển trong không gian, được buồng trứng sẵn sàng thọ thai hút vào. Khi bào thai sinh nở, năng lực ấy tập trung vào não và từ đó về sau “phát ra” dưới hình thức một cá thể mới.

VẤN: Có phải lúc nào ta cũng sinh ra làm người không?

ĐÁP: Không hẳn thế. Có nhiều cảnh giới khác nhau mà ta có thể tái sinh vào. Vài người tái sinh vào cảnh trời, người khác vào địa ngục, vài người khác nữa tái sinh vào cảnh giới ngạ quỷ v.v. Cảnh trời không phải là nơi chốn mà là một trạng thái sinh tồn, chúng sinh trong đó có cơ thể vật chất tế nhị và tâm thường kinh nghiệm hạnh phúc, thoải mái dễ chịu.

Trong vài tôn giáo, người ta hết lòng cố gắng để được tái sinh vào một cảnh trời, lầm nghĩ rằng trạng thái ấy trường tồn. Nhưng không phải vậy. Cũng như tất cả các pháp hữu vi (tức các hiện tượng cần phải có gì khác tạo điều kiện mới hiện hữu), cảnh giới chư thiên cũng là vô thường, và khi tuổi thọ chấm dứt, cũng có thể tái sinh làm người. Địa ngục cũng vậy, không phải là một nơi chốn mà là một trạng thái sinh tồn, trong đó, cơ thể vật chất tế nhị và tâm thường thể nghiệm sự lo âu và đau khổ, buồn phiền. Cảnh ngạ quỷ cũng là một trạng thái sinh tồn, trong đó, chúng sinh có cơ thể vật chất tế nhị và tâm lúc nào cũng bị lòng khát khao ham muốn và bất mãn khuấy động.

Như vậy, chúng sinh ở cảnh trời thường kinh nghiệm hạnh phúc, chúng sinh ở địa ngục và cảnh ngạ quỷ thường kinh nghiệm đau khổ, còn chúng sinh trong cảnh người thường kinh nghiệm cả hai lẫn lộn. Điểm khác biệt chính giữa cảnh người và các cảnh giới khác nằm trong mức độ tế nhị của thân và phẩm chất của các loại kinh nghiệm.

VẤN: Điều gì quyết định ta sẽ tái sinh vào cảnh nào?

ĐÁP: Yếu tố quan trọng nhất, nhưng không phải là yếu tố duy nhất, ảnh hưởng đến việc đưa chúng ta tái sinh vào cảnh giới nào và sống như thế nào, là nghiệp. Danh từ “nghiệp – kamma” có nghĩa “hành động”, hàm ý những hành động cố ý. Nói cách khác, hoàn cảnh của mình trong hiện tại phần lớn do những gì mình suy tư hay hành động trong quá khứ. Cùng thế ấy, những gì mình suy tư và hành động trong hiện tại sẽ gieo ảnh hưởng đến số phần của mình trong tương lai.

Người hiền lương, từ ái, thường có khuynh hướng tái sinh vào cảnh trời hay sinh làm người có nhiều hạnh phúc. Người có tính lo âu sợ sệt hay tàn nhẫn hung tợn thường có khuynh hướng tái sinh vào địa ngục hay sinh làm người cơ cực nghèo nàn, có nhiều kinh nghiệm đau khổ. Người nuôi dưỡng ái dục, khát khao ham muốn và ôm ấp những tham vọng mà không bao giờ thỏa mãn, có khuynh hướng tái sinh vào cảnh ngạ quỷ hoặc cảnh người luôn luôn bị dục vọng và tham ái khuấy nhiễu và gây phiền muộn. Những thói quen nào đã được phát triển mạnh mẽ trong đời sẽ nối tiếp trong kiếp sống kế đó.

VẤN: Như vậy chúng ta không hoàn toàn do nghiệp quyết định. Ta có thể thay đổi nghiệp?

ĐÁP: Dĩ nhiên là ta có thể. Vì lẽ ấy, một trong tám chi của Bát Chánh Đạo là chánh tinh tấn, sự cố gắng chân chánh. Nó tùy thuộc nơi lòng thành thật của ta, nơi mức độ nỗ lực và chuyên cần, làm cho thói quen tinh thần của ta ngày càng dũng mãnh thêm. Nhưng đúng rằng có nhiều người đi xuyên qua kiếp sống của mình mà chỉ chịu ảnh hưởng của những thói quen quá khứ, không cố gắng sửa đổi những thói quen tinh thần ấy, và do đó, vẫn là nạn nhân của những hậu quả không tốt. Những người như vậy sẽ tiếp tục chịu đau khổ nếu không sửa sai những thói hư tật xấu của mình.

Người Phật tử hiểu biết như vậy, lúc nào cũng nỗ lực ngăn chận các thói quen bất thiện và phát triển các thói quen hiền thiện có thể đem lại hậu quả tốt, mỗi khi có được cơ hội. Pháp hành thiền là một trong nhiều phương cách tốt được dùng để sửa đổi những thói quen của tâm, để kiểm soát lời nói lẫn hành động. Trọn cuộc sống của người Phật tử là tu tập nhằm thanh lọc và giải phóng tâm.

Thí dụ như trong kiếp sống vừa qua, đặc tính nổi bật của tâm là nhẫn nhục hiền hòa. Những khuynh hướng tốt đẹp ấy sẽ hiện ra trở lại trong kiếp sống hiện tại. Nếu trong kiếp này, những tâm tính ấy được tăng cường và phát triển mạnh mẽ, nó sẽ phát lộ trở lại càng vững chắc hơn trong kiếp sống tương lai. Điều này căn cứ trên sự kiện giản dị và được quan sát là, những tâm tính được kiên cố vững chắc lâu ngày có khuynh hướng trở thành khó thay đổi. Giờ đây, tâm tính tự nhiên của ta là nhẫn nhục và hiền hòa, người khác không dễ gì khuấy động, ta không bị phiền nhiễu, không bị thù hằn, được nhiều người thương mến và như vậy, ta sẽ sống an lành hạnh phúc hơn.

Thử lấy một thí dụ khác. Như ta được sinh vào đời với khuynh hướng nhẫn nại hiền hòa do tâm tính từ trong kiếp quá khứ chuyển sang. Nhưng trong kiếp sống hiện tại ta lại hư hỏng buông lung, không củng cố vun bồi, trau giồi khuynh hướng tốt đẹp ấy. Càng ngày nó càng suy giảm, yếu dần, yếu dần và hoàn toàn biến dạng trong kiếp sống tới. Tính nóng nảy, sân hận và hung tợn có thể tăng trưởng và phát triển, đem lại tất cả những hoàn cảnh bực mình khó chịu, do tác phong bất thiện ấy tạo nên.

Ta lại lấy một thí dụ cuối cùng. Như do tâm tính trong kiếp sống vừa qua, ta vào đời với những khuynh hướng nóng nảy, sân hận, nhưng sớm nhận thức rằng những thói hư tật xấu như thế chỉ đem lại bực dọc và phiền nhiễu. Do đó, ta cố gắng sửa mình, cố tạo những cảm xúc tích cực, trở nên từ ái hiền lương. Nếu có thể diệt hẳn những tật xấu, và điều này có thể làm được nếu ta thật sự cố gắng, ta sẽ tránh khỏi hoàn cảnh khó chịu bực mình do thói quen nóng nảy sân hận và hung bạo gây ra, và như thế, ta đã cố gắng đổi thay hoàn cảnh. Nếu không thể đổi hẳn mà chỉ làm suy giảm những khuynh hướng xấu tương tự, nó sẽ trổi lên trong kiếp sống kế và nơi đây ta cố gắng thêm, nó sẽ hoàn toàn biến dạng và ta sẽ không còn bị hoàn cảnh khó chịu đựng khuấy động.

VẤN: Sư nói nhiều về tái sinh, nhưng có gì chứng minh rằng ta sẽ tái sinh sau khi chết?

ĐÁP: Chẳng những có dữ kiện khoa học hiển nhiên để tán trợ niềm tin có sự tái sinh trong Phật giáo, mà đó là lý thuyết duy nhất được tán trợ, về sự hiển nhiên có đời sống sau khi chết. Không có chút hiển nhiên nào chứng minh rằng có thiên đàng và dĩ nhiên, không có gì chứng tỏ rằng chết là hoàn toàn tuyệt diệt.

Trong vòng ba mươi năm qua, những nhà siêu tâm lý học đã nghiên cứu những báo cáo về các trường hợp có người còn nhớ rõ rệt tiền kiếp của họ. Như ở Anh quốc, một em bé lên năm nói rằng em còn nhớ “bà mẹ và ông cha khác” của em, và em nói rành mạch về những diễn biến, nghe như đã xảy ra trong đời sống của một người khác. Các nhà siêu tâm lý học được mời đến, nghiên cứu, phỏng vấn em, và em đã trả lời hằng trăm câu hỏi. Em cho biết rằng em sống trong một làng nọ của xứ sở mà dường như là Tây Ban Nha. Em nói tên làng của em ở, tên đường, tên những người láng giềng và nhiều chi tiết về đời sống hằng ngày của em. Em cũng ứa lệ thuật lại câu chuyện đã bị một chiếc xe chở hàng nặng cán như thế nào và em bị thương tích, chết trong hai ngày sau. Những chi tiết trên được kiểm nhận là đúng như thật. Có một ngôi làng ở Tây Ban Nha mang cái tên mà em bé đã nói. Có một ngôi nhà giống như loại mà em mô tả, nằm trên con đường mà em đã nói tên. Hơn nữa, trong nhà ấy có một phụ nữ 23 tuổi đã bị tử thương trong một tai nạn xe cộ năm năm về trước. Bây giờ, làm cách nào một em bé gái năm tuổi sống tại Anh Quốc, không bao giờ biết Tây Ban Nha, có thể biết tất cả những chi tiết trên?

Đây không phải là trường hợp duy nhất thuộc loại này. Giáo sư Ian Stevenson của đại học Virginia, phân khoa Tâm lý học, Hoa Kỳ, đã mô tả mấy mươi trường hợp tương tự trong sách của ông. Giáo sư Stevenson là một khoa học gia có nhiều tín nhiệm mà 25 năm nghiên cứu về những người hồi nhớ tiền kiếp của mình, đã chứng minh mạnh mẽ thuyết tái sinh trong Phật giáo.

VẤN: Vài người nói rằng cái mà được gọi là khả năng hồi nhớ tiền kiếp là do ma quỷ thể hiện?

ĐÁP: Ta có thể bác bỏ tất cả những gì không phù hợp với sự tin tưởng của mình, cho đó là chuyện ma quái dị đoan. Khi có những sự kiện cụ thể được nêu lên để tán trợ một ý kiến, nếu muốn nói ngược lại, ta phải phân tích và hiểu biết một cách thuần lý, phù hợp với lý trí – chứ không phải đem chuyện ma quỷ vu vơ, dị đoan và không hợp lý nói ra.

VẤN: Sư bảo rằng nói chuyện ma quỷ là dị đoan, nhưng khi nói đến tái sinh, có phải chăng đó cũng là dị đoan?

ĐÁP: Từ điển định nghĩa “dị đoan” (super-stition) là: “một sự tin tưởng không căn cứ trên suy luận hoặc trên sự kiện cụ thể, mà liên hợp với những ý nghĩ, những quan niệm, như ảo thuật”. Nếu bạn có thể chỉ cho tôi một luận án của nhà khoa học nào đã thận trọng nghiên cứu và xác nhận là có ma, tôi sẽ tin rằng đó không phải là dị đoan. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe nói đến công trình khảo cứu nào về ma, các khoa học gia không hề bận tâm đến việc này, như vậy tôi nói rằng không có gì hiển nhiên là có ma. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy ở phần trước, có bằng chứng hiển nhiên gợi ý rằng dường như thật sự có tái sinh. Như vậy, nếu sự tin tưởng nơi thuyết tái sinh được căn cứ trên một vài sự kiện cụ thể, thì đó không phải là dị đoan.

VẤN: Có nhà khoa học nào tin có tái sinh?

ĐÁP: Có. Ông Thomas Huxley, một người đã đem khoa học vào hệ thống giáo dục ở trường học tại Anh quốc vào thế kỷ thứ 19 và là khoa học gia đầu tiên bênh vực học thuyết của Darwin, tin rằng đầu thai là một ý niệm hiển nhiên rất đúng sự thật. Trong quyển sách trứ danh của ông, “Evolution and Ethics, and Other Essays” (Tiến hóa và Luân lý, và các Bài viết khác), ông viết:

Trong học thuyết chủ trương sự chuyển sinh linh hồn, dù học thuyết này phát xuất từ đâu, luận lý của người theo Bà la môn giáo và Phật giáo có sẵn trong tầm tay những phương tiện để làm nền tảng nhằm tán trợ thích nghi đường lối của vũ trụ có liên quan đến con người…

Lối biện giải này cũng thích nghi không kém gì các biện giải khác, và không ai sẽ bác bỏ vì cho đó là vô lý, ngoại trừ những tư tưởng gia hấp tấp vội vã. Cũng như chủ thuyết tiến hóa, thuyết chuyển sinh linh hồn bắt nguồn từ thế giới thực tại, và được hỗ trợ bởi các luận lý suy loại (xét mỗi thứ để tìm chỗ giống nhau mà xếp loại)”.

Giáo sư Gustaf Stromberg, nhà thiên văn học và vật lý học trứ danh của Thụy Điển, bạn của ông Einstein, cũng thấy thuyết tái sinh là hấp dẫn:

Có những ý kiến khác nhau về việc linh hồn của con người có thể đầu thai trở lại trên quả địa cầu hay không. Vào năm 1936, một trường hợp rất đáng chú ý được chính quyền Ấn Độ khảo sát và tường thuật rành mạch. Một em bé (tên là Shanti Devi ở thủ đô Delhi) có thể mô tả tường tận về kiếp sống trước của em (tại Muttra, cách Delhi năm trăm dặm). Kiếp sống trước này chấm dứt khoảng một năm trước khi em được sinh ra trong kiếp hiện tại. Em cho biết tên của chồng và con ở kiếp trước, và mô tả nhà cửa và đời sống của em như thế nào. Những vị trong ủy ban điều tra vụ này đưa em về cho gặp những người bà con họ hàng từ kiếp trước và xác nhận tất cả những lời của em là đúng.

Đối với người dân Ấn Độ, những câu chuyện đầu thai như thế được xem là bình thường, nhưng điều kinh ngạc trong trường hợp này là em bé gái còn nhớ rất nhiều chuyện.

Điều này và những trường hợp tương tự có thể xem là những chứng minh chỉ rõ tính cách hiển nhiên của học thuyết chủ trương rằng trí nhớ không hoàn toàn bị tiêu diệt”.

Giáo sư Julian Huxley, nhà khoa học trứ danh của Anh quốc, và là Tổng giám đốc cơ quan UNESCO tin rằng thuyết tái sinh phù hợp hòa điệu với lối suy tư khoa học:

Không có gì ngăn cản sự chuyển di của một linh thức cá biệt sau khi chết, giống như một thông điệp vô tuyến được truyền đi từ một máy phát sóng. Nhưng phải nhớ rằng thông điệp vô tuyến đó chỉ trở thành một thông điệp khi nó tiếp xúc với một máy nhận sóng thích hợp. Linh thức của ta cũng được chuyển đi tương tự như thế. Nó không thể suy nghĩ hay cảm nhận nếu đó không được tái nhập trong một thân xác nào đó. Nhân cách của ta dựa vào thân xác mà có, nên không thể nghĩ rằng sự sống còn sẽ là những cảm giác thuần túy mà không cần có thân xác. Tôi nghĩ rằng có cái gì đó đã được chuyển di có quan hệ đến từng người, tương tự như sự quan hệ của thông điệp vô tuyến với máy phát sóng.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, “cái chết”, như ta thấy, chỉ là những khuấy động của các kiểu mẫu khác nhau, thênh thang bất định xuyên qua vũ trụ cho đến khi nó trở thành tâm thức trở lại, do sự xúc chạm với một cái gì tác dụng tương tự như bộ máy thu thanh đối với tâm”.

Cho đến những người rất thực tiễn chỉ sống sao tiện lợi cho mình, như kỹ nghệ gia người Mỹ, Henri Ford, cũng thấy có thể chấp nhận ý niệm tái sinh. Ông Ford hấp thụ ý niệm tái sinh vì, không giống như ý niệm duy thần hay duy vật, tái sinh cho ta một cơ hội mới để tự phát triển. Ông Henri Ford nói:

Tôi tin theo thuyết đầu thai khi tôi hai mươi sáu tuổi. Tôi không thỏa mãn về sự giải thích của tôn giáo mà tôi đã biết. Cho đến công việc làm ăn sinh sống cũng không làm tôi hoàn toàn thỏa mãn. Công việc làm ăn là vô ích, nếu ta không thể sử dụng kinh nghiệm trong đời sống này đem sang kiếp kế. Khi khám phá ra thuyết đầu thai, hình như tôi đã tìm ra một kế hoạch phổ thông bao quát. Tôi nhận thức rằng sẽ có cơ may thực hiện những ý nghĩ của mình. Thời gian không còn bị hạn định. Tôi không còn là nô lệ của hai cây kim đồng hồ.

Thiên tài là kinh nghiệm. Vài người dường như nghĩ rằng đó là tài năng thiên phú, nhưng thật ra, nó là kết quả của chuỗi kinh nghiệm thu thập trong nhiều kiếp sống. Có người có linh thức già hơn những người khác, và như vậy họ biết nhiều hơn. Sự khám phá ra thuyết đầu thai làm cho tôi thấy thoải mái. Xin hãy tường thuật cuộc đàm thoại hôm nay, để giúp cho tâm những người khác cũng được thoải mái dễ chịu. Tôi muốn chia sẻ với người khác trạng thái an tĩnh mà quan niệm về một cuộc sống lâu dài đem lại cho chúng ta”.

Như vậy, giáo lý tái sinh của Phật giáo đã được các chứng minh khoa học tán trợ. Giáo lý ấy vững chắc hợp lý, và từ lâu, đã giải đáp thỏa đáng những thắc mắc mà những chủ thuyết khác không thể giải đáp. Giáo thuyết này cũng đem lại nguồn an lạc, rất thoải mái dễ chịu, không đến đỗi tệ hại như lối sống mà không cho ta một cơ may thứ nhì, không có cơ hội để sửa sai những lỗi lầm đã phạm trong kiếp sống, và không có thì giờ để phát triển thêm những kỹ năng mà ta đã ấp ủ dưỡng nuôi trong đời.

Theo Đức Phật, nếu không thành đạt Niết bàn trong kiếp sống này, ta cũng sẽ có cơ hội để cố gắng trong kiếp khác. Nếu đã phạm lỗi lầm trong kiếp này, ta có thể tự mình sửa sai trong một kiếp kế tiếp. Ta sẽ có thể học hỏi từ những lỗi lầm đã sai phạm. Việc nào mình chưa có thể làm hoặc chưa thành tựu trong kiếp này, ta sẽ có thể hoàn thành trong các kiếp sống kế tiếp. Quả thật là một giáo thuyết kỳ diệu!

*

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app