7. TRÍ TUỆ VÀ TỪ BI

VẤN: Tôi thường nghe người Phật tử nói đến “Từ bi” và “Trí tuệ”. Hai danh từ này nghĩa là gì?

ĐÁP: Vài tôn giáo tin rằng từ bi hay tình thương (hai danh từ này có ý nghĩa rất gần nhau) là phẩm hạnh tinh thần vô cùng quan trọng, nhưng không mấy chú trọng đến công trình trau giồi trí tuệ. Kết cuộc, họ trở thành người tốt bụng khờ dại, một người hảo tâm, có rất nhiều thiện ý nhưng lại kém hiểu biết, hoặc không hiểu biết gì. Những hệ thống tư tưởng khác, như khoa học chẳng hạn, tin rằng trí tuệ có thể được trau giồi tốt đẹp nhất khi ta gác qua một bên tất cả những cảm xúc, trong đó có tình thương. Cuối cùng, khoa học chỉ quan tâm với kết quả mà lại quên rằng mục tiêu của khoa học là phục vụ, chứ không phải kiểm soát và chinh phục con người. Nếu không phải vậy, vì sao các nhà khoa học sử dụng tài năng và kiến thức của mình để chế tạo bom nguyên tử, những khí giới để dùng trong chiến tranh vi trùng và các loại khí giới tương tự?

Tôn giáo lúc nào cũng xem lý trí và trí tuệ là đối nghịch của những cảm xúc như tình thương, và đức tin là thù nghịch với lý trí và thực tế khách quan. Lẽ dĩ nhiên, khi khoa học tiến hóa thì tôn giáo thoái bộ. Mặt khác, Phật giáo dạy ta nên giữ cân bằng và trọn vẹn cả hai, phải trau giồi cả hai, trí tuệ và từ bi. Đây không phải là các tín điều độc đoán mà là lời khuyên dạy căn cứ trên kinh nghiệm. Cho nên, Phật giáo không có gì phải sợ khoa học.

VẤN: Như vậy, theo Phật giáo, trí tuệ là gì?

ĐÁP: Trí tuệ cao siêu nhất là thấy rằng thực tướng của tất cả mọi hiện tượng đều không trọn vẹn hoàn thành, luôn luôn biến đổi, và không phải là ta. Sự hiểu biết này hoàn toàn giải phóng con người, và đưa đến tình trạng chu toàn và hạnh phúc tối thượng, gọi là Niết bàn. Tuy nhiên, Đức Phật không nói nhiều về mức độ trí tuệ cao thượng này. Không phải là trí tuệ, nếu chỉ giản dị tin những gì người ta nói với mình. Trí tuệ thật sự là tự mình trực tiếp thấy và hiểu biết. Đến mức độ này, trí tuệ là hiểu biết với tâm rộng mở, thay vì đóng kín tâm; là lắng nghe quan điểm của người khác, thay vì mù quáng cả tin; là thận trọng khảo sát những sự việc không phù hợp với niềm tin của mình, thay vì chôn vùi đầu mình dưới cát (như chim đà điểu trong sa mạc, khi gặp nguy thì vùi đầu trong cát để tránh né); là khách quan nhìn sự vật, thay vì thiên kiến dự tưởng và bè phái; là chậm rãi suy tư trước khi tin tưởng và có ý kiến, thay vì vội vã chấp nhận điều nào do cảm tính đầu tiên; và luôn sẵn sàng thay đổi niềm tin một khi sự thật tương phản lại ta. Người có thái độ như vậy quả thật là có trí tuệ và chắc chắn rồi đây sẽ thật sự hiểu biết chân chánh. Con đường của Phật giáo đòi hỏi phải can đảm, nhẫn nhục, mềm dẻo và thông minh.

VẤN: Tôi nghĩ rằng ít có người làm được như thế. Vậy quan điểm của Phật giáo là như thế nào nếu chỉ một ít người có thể thực hành lời dạy?

ĐÁP: Quả thật, không phải người nào cũng đều sẵn sàng thực hành đúng theo lời Đức Phật dạy. Tuy nhiên, nếu vì đó mà nói rằng ta cần phải quảng bá một giáo thuyết sai lạc nhưng dễ hiểu, để mỗi người dễ thực hành, thì rõ ràng là phi lý. Phật giáo nhắm thẳng vào chân lý, và nếu người nào đó chưa sẵn sàng hoặc chưa có đủ khả năng để lãnh hội, có thể trong một kiếp sống vị lai nào đó, họ sẽ lãnh hội được. Mặt khác, có những người khi nghe được những lời chân chánh hay khuyến khích là có thể tăng trưởng sự hiểu biết của họ. Vì lẽ ấy, người Phật tử trầm lặng và hiền hòa, cố gắng chia sẻ với người khác kiến thức của mình về Phật giáo. Đức Phật dạy chúng ta dưỡng nuôi lòng từ bi, và vì lòng từ ái và bi mẫn, ta chia sẻ kiến thức với người khác.

VẤN: Giờ đây, hãy bàn đến danh từ “Từ bi”. Theo Phật giáo, từ bi là gì?

ĐÁP: Cũng như trí tuệ bao gồm phần trí năng hay sự hiểu biết trong bản chất thiên nhiên của ta, từ bi gồm khía cạnh xúc cảm hay cảm giác trong tâm tính thiên nhiên của ta. Cũng như trí tuệ, từ bi là phẩm hạnh đặc thù của con người. Khi ta thấy người nào đang ở trong cơn phiền muộn sầu não mà ta động lòng trắc ẩn, cố gắng làm vơi hay chấm dứt nỗi khổ của họ, đó là từ bi. Như vậy, tất cả những gì tốt đẹp nhất trong con người, tất cả những đức tính “giống hạnh Phật” như chia sẻ, sẵn sàng giúp cho người khác với tinh thần thoải mái, thiện cảm, chăm lo và quan tâm – tất cả đều là những biểu hiện ra ngoài của lòng từ bi tiềm ẩn bên trong. Ta sẽ hiểu biết những điều gì tốt đẹp nhất cho chính ta. Chúng ta thông cảm người khác khi ta thông cảm chính ta.

Như vậy trong Phật giáo, phẩm hạnh cao đẹp của ta sinh sôi nảy nở một cách rất tự nhiên trong sự quan tâm của ta đối với người khác. Đời sống của Đức Phật cho thấy rõ điều này. Ngài trải qua sáu năm dài dẳng chiến đấu để tìm trạng thái an lành cho chính Ngài. Sau đó, Ngài có thể ban rải những lợi ích ấy cho toàn thể nhân loại, và đó là nguồn hạnh phúc cho tất cả chúng sinh.

VẤN: Vậy thì Sư nói rằng có thể giúp người khác hữu hiệu nhất khi ta tự giúp ta. Đó có phải là hình thái của lòng ích kỷ hay không?

ĐÁP: Chúng ta thường xem lòng vị tha, quan tâm đến người khác trước khi nghĩ đến mình là đối nghịch với tính vị kỷ, lo cho mình trước rồi mới lo cho người khác. Phật giáo không phân biệt, tách rời hai sự việc ấy; trái lại, cái nhìn của Phật giáo là thấy chúng hòa lẫn với nhau. Niềm quan tâm, thành thật lo lắng cho mình, sẽ dần dần tăng trưởng, thuần thục và trở nên chăm lo cho người khác, bởi vì ta thấy rằng người khác thật sự cũng như ta, không khác biệt. Đó thật sự là từ bi. Lòng từ bi quả thật là viên ngọc báu kim cương được tôn trí trên vương niệm của Pháp Bảo, những lời dạy vàng ngọc của Đức Tôn Sư.

*

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app