Mục lục
MAṄGALA SUTTA – KINH HẠNH PHÚC | |
Lời nói đầu | |
Lời thưa | |
Nguyên nhân Đức Phật giảng Pháp Hạnh Phúc | |
KỆ NGÔN I(3 HẠNH PHÚC) | Không gần gũi kẻ ác,
Thân cận bậc trí hiền, Đảnh lễ người đáng lễ, Là phúc lành cao thượng. |
KỆ NGÔN II(3 HẠNH PHÚC) | Ở trú xứ thích hợp,
Công đức trước đã làm, Chân chánh hướng tự tâm, Là phúc lành cao thượng. |
KỆ NGÔN III(4 HẠNH PHÚC) | Đa văn, nghề nghiệp giỏi,
Thông suốt các luật nghi, Nói những lời chân thật, Là phúc lành cao thượng. |
KỆ NGÔN IV(4 HẠNH PHÚC) | Hiếu thuận bậc sinh thành,
Dưỡng dục vợ và con, Sở hành theo nghiệp chánh, Là phúc lành cao thượng. |
KỆ NGÔN V(4 HẠNH PHÚC) | Bố thí, hành đúng pháp,
Giúp ích hàng quyến thuộc, Giữ chánh mạng trong đời, Là phúc lành cao thượng. |
KỆ NGÔN VI(3 HẠNH PHÚC) | Xả ly tâm niệm ác,
Chế ngự không say sưa, Không phóng dật trong pháp, Là phúc lành cao thượng. |
KỆ NGÔN VII(5 HẠNH PHÚC) | Đức cung kinh, khiêm nhường,
Tri túc và Tri ân, Đúng thời nghe chánh pháp, Là phúc lành cao thượng. |
KỆ NGÔN VIII(4 HẠNH PHÚC) | Nhẫn nại, lời nhu hòa,
Yết kiến bậc Sa-môn, Tùy thời đàm luận pháp, Là phúc lành cao thượng. |
KỆ NGÔN IX(4 HẠNH PHÚC) | Tự chủ, sống Phạm hạnh,
Thấy được lý Thánh đế, Giác ngộ đại Niêt-bàn, Là phúc lành cao thượng. |
KỆ NGÔN X(4 HẠNH PHÚC) | Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu, Tự tại và vô nhiễm, Là phúc lành cao thượng. |
KỆ NGÔN XI | Những sở hành như vậy
Không chỗ nào thối thất Khắp nơi được an toàn Là phúc lành cao thượng. |
MAṄGALA SUTTA | |
Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ Bhagavā Sāvatthiyaṃ viharati Jetavane Anāthapiṇḍikassa Ārāme. Atha kho aññatarā devatā abhikkantāya rattiyā abhikkanta-vaṇṇā kevala-kappaṃ Jetavanaṃ obhāsetvā yena Bhagavā ten’upasaṅkami upasaṅkamitvā Bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ aṭṭhāsi. Ekamantaṃ ṭhitā kho sā devatā Bhagavantaṃ gāthāya ajjhabhāsi.
Bahū devā manussā ca Maṅgalāni acintayuṃ Ākaṅkhamānā soṭṭhānaṃ Brūhi maṅgalam’uttamaṃ. |
|
HẠNH PHÚC KINH |
|
Như vậy tôi nghe / Một thời Thế Tôn / Ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá / Của Trưởng giả Cấp Cô Độc / Gần thành Xá vệ. / Khi đêm gần mãn / Có một vị Trời / Dung sắc thù thắng / Hào quang chiếu diệu / Sáng tỏa Kỳ Viên / Đến nơi Phật ngự / Đảnh lễ Thế Tôn / Rồi đứng một bên / Cung kính bạch Phật / Bằng lời kệ rằng:
“Chư Thiên và nhân loại Suy nghĩ điều hạnh phúc Hằng tầm cầu mong đợi Một đời sống an lành Xin ngài vì bi mẫn Hoan hỷ dạy chúng con. Về phúc lành cao thượng” (Thế Tôn tùy lời hỏi Mà giảng giải như vầy) |
|
1. Asevanā ca bālānaṃ
Paṇḍitānañca sevanā Pūjā ca pūjanīyānaṃ Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.
|
1. Không gần gũi kẻ ác
Thân cận bậc trí hiền Đảnh lễ người đáng lễ Là phúc lành cao thượng.
|
2. Paṭirūpa-desa-vāso ca
Pubbe ca kata-puññatā Atta sammā paṇīdhi ca Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ
|
2. Ở trú sứ thích hợp
Công đức trước đã làm Chân chánh hướng tự tâm Là phúc lành cao thượng.
|
3. Bāhu-saccañca sippañca
Vinayo ca susikkhito Subhāsitā ca yā vācā Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.
|
3. Đa văn, nghề nghiệp giỏi
Thông suốt các luật nghi Nói những lời chân chất Là phúc lành cao thượng.
|
4. Mātā-pitu upaṭṭhānaṃ
Putta-dārassa saṅgaho Anākulā ca kammantā Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.
|
4. Hiếu thuận bậc sinh thành
Dưỡng dục vợ và con Sở hành theo nghiệp chánh Là phúc lành cao thượng.
|
5. Dānañca dhamma-cariyā ca
Ñātakānañca saṅgaho Anavajjāni kammāni Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ
|
5. Bố thí hành đúng pháp
Giúp ích hàng quyến thuộc Giữ chánh mạng trong đời Là phúc lành cao thượng.
|
6. Āratī-viratī pāpā
Majja-pānā ca saññamo Appamādo ca dhammesu Etaṃ mangalam’uttamaṃ.
|
6. Xả ly tâm niệm ác
Chế ngự không say sưa Không phóng dật trong pháp Là phúc lành cao thượng.
|
7. Gārāvo ca nivāto ca
Santuṭṭhī ca kataññutā Kālena dhamma-savanaṃ Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.
|
7. Đức cung kính, khiêm nhường
Tri túc và tri ân Đúng thời nghe chánh pháp Là phúc lành cao thượng.
|
8. Khantī ca sovacassatā
Samaṇānañca dassanaṃ Kālena dhamma-sākacchā Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ
|
8. Nhẫn nhục, lời nhu hòa
Yết kiến bậc sa môn Tùy thời đàm luận Pháp Là phúc lành cao thượng.
|
9. Tapo ca brahma-cariyā ca
Ariya-saccāni dassanaṃ Nibbāna-sacchikiriyā ca Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ
|
9. Tự chủ, sống Phạm hạnh
Thấy được lý Thánh đế Giác ngộ Đại Niết Bàn Là phúc lành cao thượng.
|
10. Phuṭṭhassa loka-dhammehi
Cittaṃ yassa na kampati Asokaṃ, virayaṃ, khemaṃ Etaṃ maṅgalam’utamaṃ
|
10. Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu Tự tại và vô nhiễm Là phúc lành cao thượng
|
Etādisāni katvāna
Sabbattham’aparājitā Sabbattha-sotthiṃ gacchanti taṃ Tesaṃ maṅgalam’uttaman’ti.
|
Những sở hành như vậy
Không chỗ nào thối thất Khắp nơi được an toàn Là phúc lành cao thượng.
|
Lời Nói Đầu
Từ lâu, tôi có phát nguyện là phải sửa chữa quyển sách 38 pháp an lành đã ấn tống năm 1961, vì nhiều nguyên nhân:
1- Trước kia, đây là những bài thuyết pháp của tôi, có in bằng ronéo, đại đức Hộ Giác nhận thấy hữu ích cho người tu Phật nên ngài hỏi ý kiến tôi để in ấn. Trong lúc ấy, tuy gọi là 38 pháp an lành nhưng chỉ có 32 bài thuyết pháp, nghĩa là chưa đầy đủ; và đại đức Hộ Giác đã vui lòng soạn giúp những bài còn lại: Từ bài 33 đến bài 38.
Còn nữa, khi có thì giờ rảnh rỗi ngồi xem lại, thấy những bài mà tôi thuyết không được rõ ràng, đôi chỗ lại có nhiều thiếu sót – chẳng hạn như không nêu bật quả báu của mỗi pháp an lành.
2- Có nhiều ông, bà có nhã ý, là tôi nên viết thành bố cục một quyển sách trình bày tuần tự những pháp an lành mà đức Phật đã giảng nói nhắm đến phần đông, có tính đại chúng – hơn là đúc kết những thời pháp bao giờ cũng có tính cục bộ và rời rạc, chỉ để dành cho một nhóm, đôi khi chỉ để hồi hướng phước báu công đức cho một hoặc hai người đặc trưng nào đó.
3- Tôi cũng có dự tính sẽ làm lại toàn bộ rồi ấn tống, làm pháp thí để hồi hướng cho các bậc hữu ân – đồng thời lại có được một quyển sách tương đối hoàn chỉnh để chư Phật tử có cơ hội học hỏi, nghiên cứu.
4- Nhân thể, tôi muốn đổi tên 38 pháp an lành thành 38 pháp hạnh phúc.
5- 38 pháp hạnh phúc được ấn tống là do duyên một nhóm Phật tử phát bồ-đề-tâm muốn cúng dường pháp thí nhân ngày rằm tháng bảy năm 1969, PL. 2513. Họ muốn một quyển sách dày dặn chừng 300 trang nên tôi phải chọn quyển 38 pháp hạnh phúcnày sau khi đã chỉnh sửa xong.
6- Do công lao học hỏi, nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn – tôi xin được hồi hướng phần phước báu thanh cao nầy đến các bậc hữu ân của chúng tôi, đến quý ông bà thiện nam tín nữ có tâm trong sạch phát tâm ấn tống, tất cả chư thiên, phạm thiên, tất cả Phật tử và chúng sanh đều được đắc kỳ sở nguyện.
7- Cuối cùng là mọi phước lành, duyên lành xin hồi hướng đến cho giáo sư Thuần Phong, người đã không nại cực nhọc, hy sinh thì giờ quý báu của mình để sửa chữa chính tả cũng như văn phạm. Nguyện cầu cho giáo sư được vạn sự như ý.
Mahā Thông Kham Medhivongs
Viết xong mùa đông năm 1967
PL. 2510 tại Vạn Tượng
Lời thưa,
38 pháp hạnh phúc của pháp sư Thông Kham là quyển sách gối đầu giường của chư Tăng và Phật tử cách đây đã ba, bốn mươi năm về trước. Những bản in đầu tiên mà tôi đọc được dưới dạng ronéo, sau đó là thành sách nhưng giấy xấu, mực in không được tốt. Điều đó vào thời ấy là bình thường, nhưng câu chữ Pāḷi, do sắp chữ, in ấn thì sai trật quá nhiều, kể cả lỗi chính tả. Quyển mà tôi đang có trong tay, được in lại và ấn tống vào năm 2003, có lẽ do chỉnh sửa nhiều lần, tuy khá hơn, nhưng sai trật thì vẫn thế, nó giảm giá trị hình thức và nội dung không ít vậy.
Nhận thấy đây là một quyển sách hay rất cần thiết cho Phật tử các giới học hỏi và tu tập – vẫn còn nguyên tính chuyện đời và giáo pháp muôn thuở – nên Hòa thượng Tịnh Đức, chùa Đạo Quang, Texas, Hoa Kỳ – phát tâm chỉnh sửa và ấn tống để cúng dường Phật tử mười phương. Tầm nhìn và tấm lòng của đại sư rất đáng trân trọng nên tôi đã nguyện phụ giúp một tay.
Sau đây là vài điều trần tình với bà con, thân nhân, quyến thuộc của pháp sư còn tại tiền và chư độc giả các giới:
– Đây là quyến sách được đúc kết lại từ những bài thuyết pháp, đa phần là văn nói – tuy tôi đã cố gắng chuyển sang văn viết nhưng nhiều nơi vẫn cố giữ nguyên văn nói cho gần gũi và bình dị giống như “khẩu phong, khẩu khí” của tác giả thuở nào.
– Có những ngôn ngữ quá bình dân hoặc “rặc” giọng Nam bộ, tôi phải chuyển sang ngôn ngữ phổ thông.
– Từng cụm từ hoặc kệ Pāḷi, tuy đã hiệu đính nhiều nhưng vẫn không tránh khỏi sai sót do không tìm ra nguồn – ví dụ kinh nào, pháp cú số mấy? Lại nữa, từng mẫu tự la tinh do ghép, đánh máy sai trật khó tìm ra nguyện dạng động từ hoặc từ phái sanh tương ứng. Lại còn có những câu Pāḷi mà nghĩa vốn cô đọng nhưng tác giả lại giải thích rộng nên đôi chỗ dường như không liên hệ với câu Pāḷi trích dẫn; tôi đã cố gắng giải thích một vài, chỗ nào chịu thì tôi đành ghi dấu hỏi (?).
– Có khá nhiều chỗ khi nói chi pháp mà tác giả quên giải thích – ví dụ “ 3 điều lợi ích” mà không biết là những lợi ích gì – nên tôi phải mày mò tra cứu và ghi chú cẩn trọng là có phải những lợi ích như thế này, như thế kia hay chăng? Ngoài ra, thấy chỗ nào cần thiết phải ghi chú chi pháp cho đầy đủ thì tôi đã nhờ một phần vào quyển “ Kho tàng pháp bảo” của sư Giác Giới (Bodhisīla) – phát hành nội bộ, PL. 2545 – và một vài nơi khác.
– Các câu chuyện kể trong túc sanh truyện, chỗ nào tìm ra nguồn thì tôi ghi chú khá đầy đủ, chỉnh sửa tên, địa danh nhân và vật cho đúng Pāḷi – chỗ nào không thể, thì đành bó tay.
– Đề mục từng phẩm và từng chương, tác giả cũng thường ghi nghĩa rộng, ví dụ gārava: “Sự cung kính, tôn trọng, kính trọng” mà tác giả ghi “ Sự tôn kính các bậc đáng tôn kính”. Trường hợp này, do tôn trọng tác giả nên đa phần tôi giữ nguyên, một đôi chỗ, tôi có mở ngoặc đơn bên dưới, ghi thêm ngữ nghĩa mà đại sư Viên Minh đã dịch, theo thiển ý của tôi, thường cô đọng và chuẩn xác hơn. Và còn khá nhiều chi tiết khác nữa…
Vì nhu cầu học hỏi và nghiên cứu – vừa làm vừa học – nên lợi ích trước nhất là về phần tôi; sau đó cũng muốn “phụ họa” với Hòa thượng Tịnh Đức, hiến tặng cho Phật tử các giới một bổn sách tương đối ít lỗi nhất, còn chuyện “ như ý” thì muôn đời không thể.
Cuối cùng, những vụng về, thiếu sót khi nhuận sắc và hiệu đính quyển sách này, tôi xin được sám hối với cố pháp sư và xin nhận chịu hoàn toàn trách nhiệm do học hỏi chưa tới nơi tới chốn.
Trân trọng.
Hoàn thành ngày 10/2 năm Canh Dần, 2010
Huyền Không Sơn Thượng, Am Mây Tía
Tỳ-khưu Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
NGUYÊN NHÂN ĐỨC PHẬT GIẢNG PHÁP HẠNH PHÚC
Hai mươi sáu thế kỷ trước đây, nghĩa là khi đức Phật chưa thành đạo, đất nước cổ xưa Ấn Độ đã phát triển cực thịnh về mặt tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh. Các trường phái triết học nườm nượp ra đời để giải đáp những câu hỏi liên quan đến con người, số phận con người và kiếp sống hữu hạn của con người. Đại lược như:
– Người ta từ đâu sanh đến?
– Tại sao lại chết?
– Chết rồi sanh đi đâu?
– Tại sao người giàu sang, kẻ nghèo hèn khác nhau?
– Làm sao tìm được hạnh phúc?
Do giải đáp những câu hỏi đó mà sinh ra nhiều tôn giáo, tùy theo kiến thức và quan niệm của các vị giáo chủ – tìm cách giảng giải sao cho thuyết phục tín đồ.
Phong trào ấy phổ biến rất mau và rất sâu rộng trong miền Trung và Tây Bắc Ấn. Người ta thường tụ tập dưới cội cây to nơi ngã ba đường, ngã tư đường để bàn cãi và giảng giải những vấn đề nêu trên.
Trong tất cả các câu hỏi ấy, câu hỏi cuối cùng là quan trọng nhất. Người ta thắc mắc, ưu tư, trăn trở rằng là: “Cái gì thật sự đem đến hạnh phúc cho nhân loại?”
Có vị giáo chủ đáp: “Phàm trong thân thể con người, mắt là quan trọng nhất – vì mắt đem lại ánh sáng, là nguồn ánh sáng cho con người. Không có mắt, con người sẽ không nhìn thấy vạn vật xung quanh, sẽ sống trong tối tăm vĩnh viễn. Vậy theo chủ kiến của tôi: Mắt đem lại hạnh phúc cho con người. Mắt là nguồn hạnh phúc!”
Khi ấy có người hỏi gặng: “Vậy là ngài xác định, khẳng định rằng, mắt đem đến hạnh phúc thật sự cho con người có phải chăng?”
Vị giáo chủ tự tin đáp: “Đúng vậy! Mắt được xem như là chủ nhân của cái thân nầy và cả đời sống của con người nữa. Tôi còn xác tín rằng, mọi vật mà mắt trông thấy đều đem đến hạnh phúc cho con người!”
Người kia bèn phản bác lại: “Lập luận của ngài không đứng vững được rồi. Đâu phải cái gì, sự vật gì, hiện tượng gì mắt nhìn thấy hẳn là hoàn toàn tốt đẹp? Này nhé, những người phong hủi, ghẻ lở, khuyết tật ngũ quan; phân, xác thối, vật dơ uế, bất tịnh; rồi còn những chuyện trái ý nghịch lòng, những cảnh chướng tai gai mắt… đôi khi chúng mang đến khó chịu, bực bội hoặc mủi lòng thì có – chớ làm gì có chuyện – cái gì mắt nhìn thấy đều đem đến hạnh phúc?”
Ông giáo chủ cụt hứng, im re. Tuy nhiên, thật lạ lùng làm sao, ông vẫn truyền bá được chủ thuyết ngây ngô và ấu trĩ ấy đến quần chúng và cũng được rất đông mọi người tín mộ, nghe theo. Nó vẫn tồn tại giữa cuộc đời. Chủ thuyết ấy được gọi là Diṭṭhamaṅgala – có nghĩa thấy là hạnh phúc!
Lại có vị giáo chủ khác chủ trương “Nghe là hạnh phúc”- phạn ngữ là Sutamaṅgala.Ông ta nói: “Nếu nói thấy là hạnh phúc thì thật là lầm, vì mắt không quan trọng như người ta nói, chính tai mới là quan trọng. Mắt là một giác quan lười biếng nhứt trong thân nầy; vật gì nằm ở phía trước và có ánh sáng nó mới trông thấy được, nếu thiếu ánh sáng hoặc vật ấy ở sau lưng, nó không trông thấy được! Thế là mắt không quan trọng bằng tai, vì tai nghe không cần ánh sáng, không cần trước mặt, sau lưng, phương hướng nào nó cũng nghe được; vì vậy nên tôi quan niệm rằng tai mới là vật đem lại hạnh phúc cho con người”.
Có người hỏi : “Thưa ngài, vậy những tiếng gì đã nghe do nơi tai đều là hạnh phúc và an lành hết chăng?
Vị giáo chủ ấy đáp: “Chắc chắn vậy”
Người nọ hỏi: “Nếu vậy khi nghe tiếng chửi bới nguyền rủa có phải là hạnh phúc chăng?”
Vị giáo chủ với chủ trương “Nghe là hạnh phúc”không giải thích cho thông sự thật ấy được!
Lại có vị giáo chủ khác nữa, chủ trương rằng “Sự suy nghĩ là hạnh phúc”, phạn ngữ là Cintāmaṅgala. Vị ấy nói rằng: “Sự thật trong thân người, bộ phận quan trọng nhất là tâm. Nhờ có tâm, con người mới biết được mọi việc; có tâm mới hành động và phân biệt được mọi lẽ. Người biết suy nghĩ cũng do nơi tâm, bởi tâm mới là nhân đem đến hạnh phúc cho nhân loại. Vạn vật trên vũ trụ nầy đều do tâm tạo, nên tâm mới thật sự đem lại hạnh phúc cho ta”.
Có người đứng lên hỏi: “Lời ngài dạy dường như chỉ đúng một nửa! Vừa rồi, có một bọn cướp vừa bị xử trảm tại pháp trường! Có phải là do sự suy nghĩ của họ đem sự tai hại cho họ hay không? Vậy ở đây phải cần thêm các yếu tố lành tốt hay xấu ác nữa chứ?!”
Thế là thêm một vị giáo chủ bị loại trừ. Nhưng thiên hạ bấy giờ vẫn còn cố gắng tranh luận, đi tìm biết nguyên nhân của hạnh phúc, nói chung là cứ loanh quanh, luẩn quẩn nơi lục căn và lục trần!
Người ta thường đem những lý thuyết trên kia ra tranh luận với nhau, sự tranh biện như thế kéo dài đến 12 năm cũng chẳng ngã ngũ vào đâu. Đến sau, đức Thế Tôn đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, ngài truyền bá chân lý sâu rộng trong cõi Diêm-phù-đề. Nhiều người bạch hỏi đức Thế Tôn về Hạnh phúc, lúc ấy đức Thế Tôn mới dạy 38 pháp hạnh phúc.
+ Ba mươi tám pháp Hạnh phúc ấy, có thể chia ra làm hai loại là:
- Hạnh phúc theo quan điểm của các giáo chủ, đạo sĩ, triết gia: Là tự mình tìm thấy một nguyên nhân nào đó đem lại hạnh phúc cho mình, rồi tưởng rằng, nguyên nhân ấy cũng có thể đem đến hạnh phúc cho nhân loại. Trường hợp ba vị giáo chủ ở trên, với quan niệm hạnh phúc ấy của họ – thì thật là hời hợt, nông cạn, phiến diện, một chiều, rất giới hạn và rất cục bộ vậy!
- Hạnh phúc do sự thấy biết của đức Phật: Đây là những hạnh phúc do ngài thấy biết bằng sự chứng ngộ, giác ngộ! Những hạnh phúc này không phải là quan niệm, quan điểm của cá nhân ngài – mà nó là sự thực được ngài thấy biết bằng tuệ giác sau khi đắc đạo dưới cội cây bồ-đề – nhờ công đức ba-la-mật huân tu trong vô lượng kiếp.
+ Phàm người muốn được hạnh phúc thì phải thực hành 38 pháp, phân 3 cấp độ là:
- Từ hạnh phúc thứ nhất tới thứ pháp thứ 18, để tạo nên một đời sống hạnh phúc giữa nhân quần, xã hội…
- Từ pháp thứ 19 tới pháp thứ 30 là để dạy tâm cho được vững chắc, trong sạch – không để cho tâm bị tiền tài, danh vọng làm cho lung lay, hoen bẩn.
- Từ pháp 31 tới pháp 38 là để dứt phiền não, nhập Niết-bàn, là nơi an vui, hạnh phúc tuyệt đối.
Các bực tại gia cư sĩ và các hàng xuất gia hành trì các pháp hạnh phúc ấy tùy theo trình độ tinh tấn của mỗi hạng, từ các bực căn cơ thấp kém cho tới bực phước duyên tròn đầy. Nói một thể khác thì, 38 hạnh phúc này dạy cho người Phật tử chơn chính – phương pháp tìm kiếm và an lập được hạnh phúc tương đối ở trên đời; sau đó có thể hành trì, tu tập thêm cho đến nơi giải thoát hoàn toàn, thọ hưởng hạnh phúc siêu thế!
38 hạnh phúc được thuyết giảng trong mười câu kệ ngôn trình bày theo thứ tự sau đây.
—————————–
Bài viết được trích từ cuốn 38 Pháp Hạnh Phúc, tác giả Tỳ Khưu Maha Thông Kham
Link cuốn 38 Pháp Hạnh Phúc
Link tải sách ebook 38 Pháp Hạnh Phúc
Link video cuốn 38 Pháp Hạnh Phúc
Link audio cuốn 38 Pháp Hạnh Phúc
Link thư mục tác giả Tỳ Khưu Maha Thông Kham
Link thư mục ebook Tỳ Khưu Maha Thông Kham
Link giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Maha Thông Kham
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda