Nội Dung Chính
KỆ NGÔN VIII
HẠNH PHÚC XXVII
Khantī: Nhẫn nại
Khantī, nghĩa là nhịn nhục, nhẫn nại. Tuy nhiên, nó còn có nhiều nghĩa nữa – như thiêu đốt các sức mạnh của tội ác, ngăn đón phiền não, vắng lặng phiền não, đè nén hoặc diệt trừ các pháp ác, là đạo binh hùng để ngăn chặn tội lỗi phát sanh. Nhưng đây tôi xin giải riêng nghĩa nhẫn nại thôi.
Nhẫn nại có nghĩa là nhịn nhục và nín thinh.
Khi người lớn la rầy kẻ dưới, dầu oan, kẻ dưới vẫn nín thinh, không trả lời lại – hoặc vì lễ nghi hay vì quyền lợi, đó không gọi là nhẫn nại, mà gọi là nín thinh, ráng mà chịu đựng vì sợ. Tạm gọi là nín nhịn.
Trái lại, người dưới mình, nhỏ hơn mình, nói nặng lời hay mắng chửi hoặc làm điều gì cho mình bực tức, đau khổ mà mình không cãi lại hay không làm hại người ấy, như thế mới gọi là nhẫn nại.
Có câu Phạn ngữ dạy rằng: Bhāyahi seṭṭhavaco khamatha saraṃ bhahetu pana sādisassa,nghĩa là: Người chịu đựng sự la rầy mắng nhiếc của người có quyền chức lớn hơn mình, nín chịu với người ngang hàng mình, thì chỉ mới là nín nhịn. Người nào nhịn chịu sự mắng nhiếc, rầy la, khinh bỉ của người nhỏ hơn mình, mới thật sự được gọi là nhẫn nại.
Chú giải câu Phạn ngữ ấy có dạy rằng: Từ gọi là nhẫn nại có nghĩa là chịu đựng được với những lời của kẻ dưới mình, như người dưới quyền, nhỏ hơn, gia đình thuộc hạng bần tiện, người nhịn chịu được với những hạng người ấy mới gọi là nhẫn nại cao thượng.
Sự nhẫn nại ví như lửa để thiêu đốt phiền não. Đức Phật có dạy: Thiện nam, tín nữ nào thương kính Như Lai thì nên hành hạnh nhẫn nại.
Phương ngôn có câu: “Gặp Phật thì tu, gặp quỷ thì trừ”[1]. Gặp Phật thì tu là chuyện đã đành, vì đức Phật dạy ta làm lành lánh dữ, và ta là người muốn được an vui, thoát khổ, tức nhiên muốn gặp Phật, thì khi gặp là tu. Còn câu gặp quỷ phải trừ, vậy phải trừ bằng phương pháp nào đây? Câu phương ngôn nói trên đúng được một phần, là gặp Phật phải tu. Còn phần sau thì Phật giáo không thể nhận được, vì chủ trương của Phật là bao giờ cũng nhẫn nhịn, nên tôi xin chữa mệnh đề đi sau ấy là: Gặp quỷ ta cần phải tu nhiều hơn. Vì quỷ là nhân làm cho ta uất ức, buồn phiền, mà ta nhịn chịu được như thế mới thấy ta tu, nhược bằng gặp quỷ ta tranh đấu với quỷ, thì ta cũng là quỷ, chớ không còn là người tu nữa. Theo tôi, những quỷ ấy là nhân thử thách coi ta tu tới mức độ nào. Vì vậy, gặp quỷ là nhân ta đem ra thử lòng nhẫn nại của ta. Quỷ không khác là lửa, mà hạnh nhẫn nại của ta quí như vàng. Nhờ có lửa ta mới có dịp thử được tuổi vàng mà ta có.
+ Nhẫn nại có ba tác dụng:
- Titikkhā [2] khantī: Nhẫn nại do oai lực của sự nhịn chịu. Ý nói đè nén tâm không cho tâm chạy theo tham lam, sân hận, si mê, không cho phiền não biểu lộ ra ở thân, khẩu, ý. Người mà nhẫn nại như thế thì làm cho giới được trong sạch.
- Tapakhantī [3]: Sự nhẫn nại là một thứ lửa thiêu đốt phiền não bậc trung bằng thiền định. Ý nói người nhẫn nại hành thiền định để diệt trừ phiền não bên trong.
- Adhivaṇakhantī [4]: Nhẫn nại có công năng đè nén làm cho phiền não được vắng lặng; ngoài ra ta còn cần tu tập thiền quán minh sát tuệ; nghĩa là do nơi minh sát tuệ ta mới có thể nhổ tận phiền não ngủ ngầm – là thụy miên phiền não trong tâm – rất khó tận diệt.
+ Nhẫn nại có ba đối tượng.
- Nhẫn nại với sự khổ: Khi bị bệnh tật, ốm đau hoặc bất kỳ vết thương nào tác động lên thân – người có pháp nhẫn nại trong tâm thường không rên la, than oán gì cả.
- Nhẫn nại với sức cực nhọc: Khi làm việc nhiều, đổ mồ hôi, sôi nước mắt để kiếm bát cơm, mạnh áo; lúc phải gánh vác những công việc nặng nề để đỡ đần cho vợ, cho con – người có pháp nhẫn nại trong tâm thường không buồn phiền, than khổ, than cực – vẫn lặng lẽ làm xong phận sự của mình.
- Nhẫn nại với chuyện đau lòng: Khi gặp sự trái ý nghịch lòng, người thân lâm cảnh bất hạnh, tử biệt sinh ly, gặp phường bạc nghĩa vô ơn, những chuyện thương tâm – người có pháp nhẫn nại trong tâm không hề than van oán trách, chẳng bao giờ nói xấu ai, phê phán ai, không đem chuyện này nói với người kia, đem chuyện kia nói với người nọ.
Các câu nầy có ý nói khi bị người chê bai, chỉ trích cũng chẳng hề quan tâm để ý, đúng theo Phật ngôn dạy: Tasseva tena āpiyo yo kuddhaṃ patikujjhati: Người mà giận trả lại người giận mình, người ấy càng tệ hơn người giận mình.
Sự nhẫn nại, nói theo pháp chính là adosa citta, nghĩa là tâm vô sân, tâm nầy thuộc về tâm đại thiện, phạn ngữ gọi là mahākusala.
Tâm không sân là trạng thái tâm không cột oan trái, có sự không nóng nảy là phận sự, có sự mát mẻ là hiện tượng, có tâm rất thận trọng là nhân, làm cho nhẫn nại phát sanh.
+ Thái độ của nhẫn nại là:
- Khi bị người chửi mắng – thì làm như không hay, không biết gì hết.
- Lại còn làm như không thấy cả người đang chửi mắng mình nữa.
- Chỉ biết để tâm vào thiền định.
- Cố dạy tâm mình hay đè nén tâm không cho vọng động vì những chuyện bên ngoài, ví dụ chuyện trái ý, nghịch lòng.
- Cố đến gần thiện pháp và xa các ác pháp như oan trái, oán thù, làm hại người…
- Không hung dữ.
- Không làm cho người bi lụy, nghĩa là không làm cho ai bị tổn thương, đau đớn – chỉ biết làm cho người vui vẻ, hoan hỷ với thiện sự.
- Tâm được thư thả, nghĩa là luôn luôn có an lạc.
Chú giải có dạy rằng: Tỳ-khưu có lòng nhẫn nại là người có tánh cách làm như điếc, không cần nghe những lời của kẻ khác khen hay chê, rầy la hoặc chửi mắng. Cao độ và cao thượng nhất là nhẫn nại với tâm từ, tâm xả – như vị đạo sĩ tên Khantīvādī hằng cố gắng làm cho tâm mình trong sạch bằng đức tánh nhẫn nại trước sự hành hạ tàn nhẫn của ông vua say rượu độc ác. Hoặc như đại đức Puṇṇa mà đức Thế Tôn tuyên dương công đức là người nhiều nhẫn nại nhứt trong hàng đại đệ tử Phật. Tôi xin lần lượt nhắc cả hai sự tích ấy theo túc sanh truyện.
* Chuyện đạo sĩ Khantīvādī
“- Trong thời quá khứ, đức Bồ Tát sanh vào dòng bà-la-môn Kunda ở tại kinh đô Bārāṇasī. Ngài xuất gia làm đạo sĩ ở tại rừng Truyết Lãnh rất lâu. Ngày nọ, ngài về thành Bārāṇasī, nghỉ ngơi tại vườn thượng uyển. Lúc ấy, đức vua Bārāṇasī tên là Kulāpu uống rượu say, dẫn phi tần vào vườn thượng uyển chơi. Đức vua vì say nên ngủ quên. Các phi tần thấy vua ngủ, nên tản mác đi chơi đây đó, gặp vị đạo sĩ đang ngồi dưới cội cây, mới rủ nhau đến làm lễ và nghe pháp.
Sau khi tỉnh rượu, đức vua không thấy có một phi tần nào hầu hạ bên cạnh, bực quá, ông xách gươm đi tìm. Khi ấy có một vương phi được vua yêu nhứt, giựt lấy gươm của ông vì sợ ông nổi hung tính. Khi vua đến cội cây, thấy đám phi tần đang cung kính vây quanh đạo sĩ và đang chăm chú lắng nghe pháp – và dường như không thèm biết đến sự có mặt của ông. Đùng đùng nổi giận, nhưng đức vua cũng cố kềm chế, cất giọng hỏi:
– Nầy ông đạo sĩ! Ông đang tu cái gì và ông dạy người ta những cái gì?
– Tâu Đại vương! Bần đạo hằng tu theo pháp nhẫn nại và cũng thường dạy về pháp nhẫn nại.
– Nhẫn nại là cái quái gì vậy?
– Thưa, nhẫn nại – nghĩa là gặp bất cứ trường hợp nào cũng không sân hận, dù bị kẻ khác chửi mắng, đánh đập, khinh bỉ hoặc nhục mạ mình thế nào chăng nữa.
Nghe vậy, đức vua mỉm nụ cười cay độc, nói lớn rằng:
– Nếu vậy, ta sẽ xem ngươi có pháp nhẫn nại ấy hay không!
Rồi ông truyền lệnh cho đám quân hầu:
– Tụi bây hãy đè vị đạo sĩ nầy xuống, lấy roi, quất cho mạnh vào khắp chân tay, thân thể, mặt mũi ông ta – xem thử ông ta có pháp nhẫn nại không?
Bọn vệ sĩ làm y theo lời. Nhìn vị đạo sĩ với thân thể, y áo rách nát tả tơi, lấm lem, bê bết máu – đức vua gặng hỏi:
– Pháp nhẫn nại của ngươi như thế nào? Ngươi có dám nhẫn nại nữa hay không?
Đạo sĩ đau đớn quá nhưng ráng ngồi dậy, bình tĩnh đáp:
– Tâu Đại vương! Ngài đã lầm rồi! Pháp nhẫn nại ấy nó không nằm nơi thịt, nơi da của bần đạo – thì dù cái thân này có bị hành hạ cách mấy, bần đạo vẫn còn có pháp nhẫn nại như thường!
Nổi giận xung thiên, đức vua hét:
– Thế thì bọn bây hãy chặt tay, chặt chân của hắn ta, xem thử hắn có còn nhẫn nại hay không?
Đám vệ sĩ y lời. Trông đạo sĩ bây giờ thật là thê thảm. Tuy nhiên, khi tay chân đứt lìa, đạo sĩ vẫn không rên la, không quằn quại – lại còn mỉm cười, gượng sức, nói:
– Đại vương lại lầm lẫn nữa rồi! Nhẫn nại ấy nó không nằm nơi chân, nơi tay – mà nó nằm trong tâm của bần đạo!
Vua cảm giác mình bị chạm tự ái bởi ông đạo sĩ lì lợm – tím mặt quát:
– Vậy thì hãy lắt mũi, xẻo tai… ông ta luôn!
Rồi đức vua lại hỏi, đạo sĩ lại đáp, đại ý là nhẫn nại nó không nằm nơi mũi, nơi tai, mà nó ở trong tâm!
Đức vua hoàn toàn thua cuộc, bất lực, tức giận quá không biết làm sao – mới nện mạnh gót chân lên ngực đạo sĩ, rồi hầm hầm bỏ đi.
Mặt quả địa cầu có sức chở nổi núi non, vạn vật, nhưng không chở nổi tội lỗi của ông vua hung bạo nên nó nứt làm đôi. Đức vua bị đất sụp chết, sanh vào A-tỳ địa ngục.
Sau khi vua ra đi, có một vị quan hầu vào lau máu cho đạo sĩ và nói rằng:
– Bạch ngài! Nếu ngài có giận, xin ngài hãy giận nhà vua làm khổ ngài, còn chúng tôi là những người vô tội.
Đạo sĩ điềm đạm nói:
– Các vị lầm rồi! Bần đạo không giận ai cả! Nhà vua nào truyền chặt chân tay, cắt tai, xẻo mũi ta – bần đạo cầu xin đức vua ấy được an vui, hạnh phúc và trường thọ. Vì chính nhờ đức vua hung bạo ấy, bần đạo mới có thể tu tập pháp nhẫn nại này đến nơi đến chốn được!
Quí hóa thay, cao thượng thay là hạnh đức của vị đạo sĩ; mặc dầu ngài đã chết, nhưng hương lành thanh khiết ấy vẫn còn lưu lại đến hôm nay. Ngài đã nêu gương quí báu về đức nhẫn nại để ngàn sau, chúng sanh soi đường.
Vậy, thế gian này, ai muốn biết rằng mình có tu hay không, là phải biết thử lửa trong những trường hợp dễ phát sanh tâm tham lam, sân hận… Gặp chuyện đáng tham, tâm ta thế nào? Gặp chuyện đáng sân, tâm ta thế nào? Đây chính là cơ hội cho ta tu tập, cơ hội để nhìn ngắm cái tâm của ta! Nếu muốn tu theo pháp nhẫn nại, phải có trí nhớ, nhớ rằng: Những trường hợp làm lung lạc, khó khăn, trở ngại hoặc đau đớn, thương tổn đến ta – đó là những cơ hội thử thách lòng ta, coi ta tu đến mức độ nào, ta nên nhớ dùng nhẫn nại để thắng những thử thách ấy.
Người có đủ lòng nhẫn nại là người hằng có đủ khí cụ nội tâm vững mạnh để thắng phục những kẻ thô lỗ, hung ác, như đại đức Puṇṇa trong túc sanh truyện sau đây:
* Chuyện đại đức Puṇṇa
Có một người phú thương tên Puṇṇa ở xứ Sunāparanta đi đến kinh đô Sāvatthī (Thất-la-phiệt), được hầu Phật và nghe pháp. Phát tâm trong sạch muốn xuất gia, nên ông gọi người quản lý đến, bảo đem hết của cải của ông và trao lại cho em là Cūlapuṇṇa – rồi ông xuất gia và học đề mục tham thiền nơi đức Thế Tôn. Tại thành Thất-la-phiệt, ông cảm giác sẽ không được kết quả tốt do nơi đây phong thổ không thích hợp; ông muốn đi về xứ Sunāparanta – sinh quán của ông – nên vào hầu đức Phật xin đi về xứ đó.
Đức Thế Tôn hỏi:
– Thầy muốn đi đến xứ nào?
– Đệ tử xin đi xứ Sunāparanta.
Quán căn cơ, đức Thế Tôn biết rõ rằng, ông ta là người có rất nhiều đức nhẫn nại – có thể vượt qua nhiều thử thách cam go, trở ngại trên bước đường hành hóa – nên ngài đã cố ý hỏi để tỳ-khưu Puṇṇa trả lời, trở thành một pháp thoại để giáo giới hạnh nhẫn nại đến tứ chúng.
Trong tạng kinh bộ Majjhimanikāya, bài kinh Puṇṇavādasutta có thuật rằng:
Đức Thế Tôn hỏi:
– Nầy Puṇṇa! Người xứ Sunāparanta rất hung ác, thô lỗ, có đức tin với ngoại giáo! Nếu người xứ ấy chửi ông, doạ nạt ông, nhục mạ, phỉ báng ông – thì ông có phương pháp chi đối phó với chúng không?
– Bạch đức Thế Tôn! Nếu người xứ Sunāparanta chửi mắng, doạ nạt, nhục mạ, phỉ báng đệ tử – đệ tử sẽ nghĩ rằng: Người xứ Sunāparanta tử tế quá, thật tử tế – vì họ đã không đánh đệ tử bằng tay, đạp để tử bằng chân! Đệ tử sẽ chúc phúc an lành đến cho họ!
– Này Puṇṇa! Nếu người xứ Sunāparanta họ đánh đập ông bằng tay, bằng chân – trong trường hợp này ông sẽ đối phó với họ như thế nào?
– Bạch đức Thế Tôn! Nếu người xứ Sunāparanta đánh đập đệ tử bằng tay, bằng chân – đệ tử sẽ nghĩ rằng: Những người xứ Sunāparanta thật là tử tế, thật là tốt – vì họ chưa chọi đệ tử bằng gạch và bằng đá!
– Nầy Puṇṇa! Nếu người xứ Sunāparanta chọi ông bằng gạch, bằng đá – thì ông sẽ xử sự với họ ra sao?
– Đệ tử vẫn cảm ơn họ vì họ còn là người khá tử tế, vì họ đã không đánh đệ tử bằng cây, bằng đùi, bằng gậy!
– Nếu họ sử dụng cây, đùi, gậy để đánh ông?
– Đệ tử vẫn không sao, vẫn cảm ơn họ vì họ đã không thô bạo dùng đao và dùng kiếm để đối phó với đệ tử.
– Nếu họ dùng đao để chém, dùng kiếm để đâm thì ông có còn nghĩ tốt về họ như thế nữa hay chăng?
– Đệ tử vẫn cảm ơn họ vì họ chỉ đâm và chém chứ chưa giết chết đệ tử.
– Còn giả dụ như họ giết chết thì sao?
– Trường hợp họ giết chết đệ tử, đệ tử càng cảm ơn họ đã giải phóng giùm đệ tử cái tấm thân bất tịnh này. Chư thanh văn đệ tử của đức Thế Tôn, nhiều vị quán 32 thể trược, họ đã từng chán nản, ghê tởm cái thân này – trong thời gian tu tập, họ đã muốn buông bỏ đi cái gánh nặng mệt mỏi của thân xác – nhưng nào có buông bỏ được! Còn đệ tử may mắn làm sao – người xứ Sunāparanta đã làm được việc khó khăn ấy – là giúp đệ tử quăng bỏ cái thân hôi hám, nặng nề này, bạch đức Thế Tôn!
Đức Thế Tôn tỏ lời hoan hỷ rằng:
– Lành thay! Lành thay! Trong trường hợp nào thì Puṇṇa vẫn giữ được tâm không hận, không sân – cho dù sanh mạng bị tướt đoạt đi vẫn nghĩ tốt cho người khác! Đấy được gọi là nhẫn nại cao thượng – vì sự nhẫn nại này khó tu, khó hành: Là nhẫn nại với tâm từ và tâm xả! Này tỳ-khưu Puṇṇa! Ông hãy đến xứ Sunāparanta mà hành hóa! Người dân thô lỗ, hung bạo, có đức tin với ngoại giáo kia sẽ được ông cảm hóa và ông sẽ hoằng pháp thành công ở miền biên địa ấy”.
Theo chuyện nầy ta thấy ngài Puṇṇa nhẫn nại trong bảy trường hợp: Chửi, doạ nạt, mắng nhiếc; đánh bằng tay chân; chọi bằng đá gạch, đánh bằng đùi gậy; chém đâm bằng đao kiếm; giết chết. Nhẫn nại cao cả như thế mới đáng gọi là sa-môn, là tỳ-khưu, là Phật tử! Đúng như tiên tri của đức Phật, nhờ đức nhẫn nại mà tỳ-khưu Puṇṇa đã chinh phục được tất cả lòng người trong xứ ấy. Những người chửi mắng, dọa nạt, phỉ báng ngài đều trở nên đệ tử thuần thành của ngài. Riêng ngài, nhờ pháp nhẫn nại hỗ trợ nên đã đắc quả A-la-hán tại xứ Sunāparanta ấy.
Chúng ta hãy noi theo gương ngài mà vâng giữ hành theo pháp nhẫn nại.
Hạnh nhẫn nại mà được hoàn toàn cao quí, cũng nhờ có hành, nếu ta ở chung với bậc thiện nhơn thì có ai làm cho ta buồn giận mà có nhẫn nại. Nói vậy nhưng tôi không có ý xúi giục quí vị thân cận với người ác – mà để quí vị nhớ, khi nào gặp quỉ thì ráng mà nhẫn nại, đừng chống đối với nó, một là mất sự nhẫn nại, hai là gây thêm nhiều oan trái oán thù, thật phiền lắm vậy.
Người mà có đủ đức nhẫn nại như đại đức Puṇṇa mới là người đáng làm hướng đạo về phương tiện nhẫn nại, đáng làm gương lành cho chúng ta soi và hành theo. Gương nhẫn nại của ngài có hai điều đặc sắc:
- Ngài là bậc hy sinh cho giáo pháp chơn chánh, mặc dầu biết rằng Sunāparanta là nơi khó khăn nhiều rắc rối.
- Một khi đã xuất gia là nhất tâm hướng đến giác ngộ, giải thoát, ngài không nài lao khổ, miễn có đất tu tập và truyền bá được chánh pháp.
Chú giải của một số bài kinh liên hệ đến nhẫn nại, ta có thể liệt kê ra đây:
– Sự nhẫn nại là sự nhịn nhục chịu đựng mọi sự việc, không hề làm hại kẻ khác, không làm cho kẻ khác bi lụy buồn khổ.
– Sự nhẫn nại là sự nhịn chịu với sự làm ác, nói ác của kẻ ác đối với mình mà không hề oán giận. Vì phần đông nhịn được, nhưng sự bực tức vẫn còn trong tâm. Vậy ta cần phải có trí nhớ để quan sát lòng ta coi lòng ta có sự bực tức không, nếu còn thì ta biết rằng ta chưa đủ đức tính nhẫn nại, chỉ mới học được sự im hơi lặng tiếng thôi. Vì lòng oán hận là mầm oan trái hãy còn trong tâm, đây là phiền não ngủ ngầm trong tâm. Nếu khi nhẫn nại mà ta thấy lòng ta mát mẻ, vui vẻ thì ấy mới thật là nhẫn nại. Người làm chủ tâm mình được, thì ngoài mặt như trong lòng, không chút giận hờn, oán ghét mà trái lại, vẫn vui vẻ như thường, nhứt là rất hài lòng vì thấy sự tu tập của mình được tiến hoá, không bị trần cảnh chế ngự, như thế mới là người làm chủ tâm.
– Nhẫn nại gọi là nhịn nhục, ý nói sự nhịn chịu với những điều sỉ nhục của kẻ khác đối với mình mà mình không hề oán giận…
– Nhẫn nại là sự nhịn chịu với cả sự khó khăn, như hai vị đại đức trong hai tích sau đây:
“- Có vị đại đức hành đạo tại núi tháp Cetiyapabbata. Khi ấy nhằm mùa nắng nóng, trời thật nóng nhưng ngài vẫn tự nhiên ngồi tham thiền giữa nơi trống trải, mồ hôi đổ ra. Chư đệ tử thấy như vậy nóng lòng, nên đến bạch xin ngài vào ngồi trong mát.
Ngài đáp: “Vì sợ nóng nên ta mới ngồi giữa nóng như thế nầy”. Chư đệ tử không hiểu, ngài nói tiếp: “Lửa ở địa ngục nó nóng gấp cả hằng tỷ lần cái nóng nầy, các con ạ!” Nhờ vậy, vị đại đức đã đắc quả A-la-hán ngay tại chỗ nóng ấy”.
Đây là gương nhẫn nại về sự nóng.
Lại có tích của vị đại đức khác.
“- Khi vị đại đức nầy đi khất thực thiếu cơm ăn cả ba ngày, bị cái đói dày vò, hành hạ làm cho ngài rất khổ sở, nhưng không vì lẽ ấy làm cho ngài ngã lòng. Ngài đã khởi lên một suy tưởng như vầy: Khi ta còn luân hồi trong cõi sa-bà nầy, thì đã không biết bao nhiêu lần ta sanh làm ngạ quỉ đói, phải bị đói triền miên, gấp triệu, gấp tỷ cái đói này!
Nghĩ thế xong, tâm ngài rất kinh sợ sự khổ đau trong vòng sinh tử luân hồi; ngài đã dùng minh sát tuệ quan sát vô thường, khổ não và vô ngã nên đắc A-la-hán quả”.
Đây là cái gương nhẫn nại vì cái đói. Nó còn ngụ ý khuyên ta không nên để cho những sự khổ bên ngoài như đói, khát, nóng, lạnh… chi phối mà bỏ dở sự tu hành, phải biết nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh, dẫu khó khăn, khó chịu đến đâu.
Những thành tích vẻ vang của các bậc đại đức ấy giúp cho ta thấy rằng: Các vị tiền nhân của chúng ta đã được lợi ích nhờ đức nhẫn nại. Vì vậy nên đức Phật dạy nhẫn nại là một hạnh phúc mà toàn thể chúng sanh đều phải mong ước.
Trong túc sanh truyện Sarabhaṅga, đạo sĩ Sarabhaṅga có phát biểu thế nào là nhẫn nại cao thượng:
– Người dứt được lòng sân hận thì không bao giờ có sự phiền trách, than van. Những người nhịn chịu được sự chê bai, khinh bỉ của kẻ khác, các bậc trí thức gọi là nhẫn nại cao thượng.
– Người nhận chịu được những lời rầy la của người lớn hơn mình là vì lẽ sợ; nhịn chịu được lời nói của người ngang bằng mình là vị sợ oan trái oán thù; chỉ có người chịu nhịn được với những lời lẽ của kẻ nhỏ hơn mình, hèn kém hơn mình, các bậc trí thức mới hằng ca tụng ngợi khen người ấy là người nhẫn nại cao thượng.
Vậy nhận chịu được những lời nói và hành động của người nhỏ hơn mình mới gọi là nhẫn nại. Có một sự tích kể về trường hợp này:
“- Khi xưa thường có trận giặc giữa A-tu-la thiên và chư thiên cõi trời 33. Lần ấy, đức Đế Thích thắng trận, bắt A-tu-la vương đem về trói lại cột cờ. A-tu-la vương chửi mắng đức Đế Thích rằng: “Ngươi là kẻ cướp, là kẻ hung ác, ngươi là bò, là lừa, là lạc đà, là loại địa ngục, là súc sanh; ngươi không còn đường sanh về cõi trời nữa, chỉ còn sanh vào ác đạo thôi. Không phải ngươi thắng hoài đâu, ngày nào A-tu-la thắng, khi ấy ta sẽ cột ngươi như thế nầy, để ngươi nằm trước A-tu-la và ta sẽ đánh ngươi.
Khi ấy có một vị thiên tên Matalī hỏi đức Đế Thích rằng: Đại vương để cho bọn A-tu-la chửi mắng như thế nầy, vì sợ hay vì nhẫn nại?
– Không phải vì sợ A-tu-la vương mà ta nín nhịn đâu. Ta đang thử tâm nhẫn nại của ta! Nhẫn nại mới là pháp cao quí, cao thượng. Kẻ nào có sức mạnh (các thứ thế lực) mà lại nhẫn nại đối với kẻ dưới tay mình, yếu thế hơn mình mới là cao quí, cao thượng. Vì kẻ yếu hơn mình, mình có thể hiếp đáp được trong mọi trường hợp, nếu ta muốn”.
Ý đức Đế Thích nói rằng: A-tu-la vương trong tay ngài, muốn hành hạ cách nào cũng được, nhưng không, ngài đã tu tập hạnh nhẫn nại.
Chú giải có dạy rằng: Làm lợi ích cho ai cũng không bằng làm lợi ích cho mình, mà phương pháp làm lợi ích cho mình cao quí nhứt là nhẫn nại.
Đức Phật dạy trong Pháp cú kinh rằng: “Người không tức giận, chịu đựng lời khiển trách, roi vọt và mọi hình phạt – vẫn điềm nhiên dùng hạnh nhẫn nhục làm quân lực để bảo vệ mình – người như vậy Như Lai gọi là bà-la-môn! » [5]
Chú giải của câu Phật ngôn nầy dạy rằng: Người nhịn nhục được với tất cả sự khổ nhục, đưa đến không buồn giận vì có nhiều lòng nhẫn nại, đức Phật gọi là người có một đạo quân tinh nhuệ đánh đuổi được tội lỗi một cách dễ dàng.
Chú giải bài kinh Vasettha còn nói: Người không giận trả lại người sân hận là người thắng được trận giặc mà khó có người thắng được.
Theo câu này còn có ý nói rằng: Dùng sự giận dữ để đáp trả lại sự giận dữ, chứng tỏ ta là kẻ hèn yếu, nhu nhược. Người muốn có sự nhẫn nại, trước hết nên tập trí nhớ để kềm chế tâm và quan sát tâm, đừng để tâm đi vượt quá phạm vi của nó là nhẫn nại.
Nhờ có trí nhớ nên ta không quên mình, không bị bên ngoài chi phối. Nên nhớ rằng người đang giận dữ là người thiếu bình tĩnh, đôi khi mất cả lương tri, nên mới la lối hay làm những gì mà khi họ không thể làm, khi chưa giận dữ. Như thế họ không khác nào người điên.
Đức Phật có dạy: Sự nhẫn nại sẽ thắng được khó khăn trên đời. Sự nhẫn nại ví như lưỡi gươm rất bén, cắt đứt được tất cả trở ngại trên đường đời cũng như trong đường đạo.
+ Xin nhắc lại nhẫn nại có 5 quả báo:
- Người biết nhẫn nại là người có rất nhiều người thương quý mến yêu.
- Người biết nhẫn nại là người không có nhiều oan trái.
- Người biết nhẫn nại là người không có nhiều tội lỗi.
- Người biết nhẫn nại là người không hoảng loạn, si mê trong khi sắp lâm chung.
- Người biết nhẫn nại là người được sanh về cõi người, trời sau khi chết.
Có rất nhiều Phật ngôn nhắc nhở người không nên sân hận và nên nhẫn nại. Tôi xin nhắc lại câu Pháp cú ở trên bằng Pāḷi để quí vị học thuộc nằm lòng về hạnh nhẫn nại:
“- Akkosaṃ vadhabandhañca aduṭṭho yo titikkhati
Khantībalaṃ balāṇīkaṃ tam ahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ!”
Cuối cùng,
+ Sự nhẫn nại làm cho người được những hạnh phúc là:
- Là phước vĩ đại.
- Tạo nên sự đoàn kết.
- Có rất nhiều người thương mến.
- Không có sự kinh khủng là oan trái oán thù.
- Được hưởng cao quý.
- Được ba điều lợi ích.
- Được đồ trang điểm rất quý giá.
- Gọi là bậc trí thức.
- Là người làm tâm mình an trụ.
- Là người ôn hoà.
- Là người có tứ vô lượng tâm.
- Là người chắc chắn sẽ đến Niết-bàn.
HẠNH PHÚC XXVIII
Sovacassatā : Nết hạnh người dễ dạy
(Thiện ngôn, lời nhu hòa)
Nết hạnh người dễ dạy sẽ giảng về ba điểm.
- Hạng người dễ dạy
- Phương pháp hành cho ra người dễ dạy.
- Hạnh phúc sanh lên do sự dễ dạy.
(1) Hạng người dễ dạy:
Tính cách của hạng người này là, khi có ai dạy cho điều hay lẽ phải, họ không tỏ vẻ buồn giận hay làm như không nghe, trái lại, tỏ vẻ hết lòng biết ơn người đã chỉ bảo lỗi cho mình.
Người đời không ai tránh khỏi sự lầm lỗi, may có người nhắc nhở thì ta phải ráng ăn năn, hối cải mới tốt hơn được, mới sống an vui được.
Các bậc trí thức nói về người dễ dạy là họ có một bửu vật để nương nhờ. Đúng vậy, trong bài kinh Sattamasutta bộ Anguttaranikāya, đức Phật có dạy rằng:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Các thầy nên là người dễ dạy, phải biết nhẫn nại, vui lòng vâng giữ lời chỉ dạy. Đây là hạnh mà các thầy nên nương nhờ”.
Câu Phật ngôn nầy cũng hàm nghĩa là: Trong lúc đã phạm vào điều quấy, bị người chỉ trích thì không nên buồn, không nên cãi lại. Đấy mới là bậc trí.
Trong bài kinh Ammānasutta đại đức Mục-kiền-liên có nói về người dễ dạy và không dễ dạy như sau:
“- Có vị tỳ-khưu trình bày rằng, xin quý ngài vui lòng chỉ bảo cho những điều sai lầm để lánh, điều chánh để tôi hành! Ngoài miệng, vị ấy nói như vậy, nhưng khi có người chỉ bảo thì không tuân theo – đây là hạng người không dễ dạy. Còn người dễ dạy thì không yêu cầu các bậc trí thức chỉ dạy, nhưng khi nghe thấy điều xấu xa của kẻ khác thì cố xa lánh những điều xấu ấy, cố hành điều lành, người ấy cũng gọi là người dễ dạy”.
Người dễ dạy có hai hạng: Một hạng đáng khen và một hạng đáng chê! Tại sao vậy? Tại sao dễ dạy mà có hạng đáng khen, hạng đáng chê? Đức Phật có thuyết rằng:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Có vị tỳ-khưu dường như là người dễ dạy; nhưng ông ta dễ dạy là để mà hưởng những lợi lộc như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc men… Như Lai không gọi vị ấy là người dễ dạy, vì nếu vị ấy không có y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men, thì sẽ không dễ dạy!”
Đức Phật còn giảng tiếp:
“- Người làm bộ vâng lời, luôn luôn tỏ ra mềm mỏng, lễ độ, dễ dạy – nhưng là để thiện nam tín nữ kính trọng, phát tâm trong sạch để cúng dường tứ sự – đây được gọi là dễ dạy nhưng có mưu đồ, chứ thật ra vị ấy không có thực tâm! Chỉ có vị tỳ-khưu nào không vì lợi lộc, danh vọng – họ dễ dạy để học pháp, dễ dạy để diệt trừ những xấu ác như cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn… Như Lai mới gọi là người có tánh dễ dạy thật sự. Vậy các thầy nên nhớ rằng, là tỳ-khưu, chúng ta chỉ biết cúng dường pháp, thực hành pháp, kính trọng pháp; nói cách khác, dễ dạy là do pháp bảo, bởi pháp bảo – chứ không phải dễ dạy là vì danh vọng và lợi dưỡng!”
Người hết lòng cung kính giáo pháp, không ỷ mình giàu có, sang trọng, quyền chức, niên cao, kỷ trưởng mà cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn – trái lại, rất lễ độ, mềm mỏng, dễ dạy; những người ấy gọi là người biết hành theo pháp giải thoát, như trong tích của ngài Rādha sau đây:
“- Ngài Rādha trước kia là bà-la-môn, sau xuất gia theo Phật giáo, nhưng vì già không đủ trí nhớ để hành theo phạm hạnh. Vì ông già nên thường nghĩ đến đời sống thừa của ông còn rất ít, nên ông cố hết sức hành đạo, luôn luôn vâng theo lời dạy bảo của đại đức Xá-lợi-phất, nên sau ba tháng xuất gia ông đắc A-la-hán quả.
Đức Xá-lợi-phất dẫn ngài về lễ Phật.
Đức Thế Tôn hỏi: Nầy Xá-lợi-phất! Vị đệ tử già của ông có dễ dạy không?
– Bạch đức Thế Tôn! Ông Rādha tuy già nhưng thật là dễ dạy, một khi đệ tử chỉ bảo điều nào thì vâng giữ hành theo không buồn giận hay tỏ vẻ bất bình gì cả.
Nhân dịp ấy, đức Thế Tôn mới thuyết rằng:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Đã là một vị tỳ-khưu, lẽ cố nhiên phải tỏ ra là người dễ dạy như thầy Rādha! Nhờ dễ dạy, thầy Rādha đã làm xong phận sự của mình – thì có khác nào người dạy bảo ta đã chỉ cho ta cả một kho vàng quý báu!”
Ngoài ra, người dễ dạy lại còn thoát khỏi tai ương, hoạn nạn, như túc sanh truyện sau đây:
“- Có năm trăm người lái buôn, sắm các vật liệu để đi buôn xa, phải trải qua biển lớn và đi ngang qua một hòn đảo là nơi ở của nhiều Dạ Xoa cái. Khi có ghe thuyền bị đắm, Dạ Xoa vớt người lên đem về, trước là thỏa mãn tình dục, sau ăn thịt. Đi đến hòn đảo ấy, ghe của năm trăm người bị đắm, Dạ Xoa vớt cả về đảo.
Dạ Xoa nói: Hôm nay thật là may mà chúng tôi vớt được các người về, chồng chúng tôi cũng là lái buôn, trước đây ba tháng, đi buôn bị đắm ghe chết hết, chúng tôi ở đây thiếu người bầu bạn, vậy các người ở lại với chúng tôi nhé?
Những người ấy vì ham mê sắc đẹp, nên không ngần ngại, nhận chịu liền.
Ăn ở với nhau được mấy hôm, chợt ông thuyền trưởng tinh ý, lấy làm lạ, vì mỗi đêm, Dạ Xoa vợ ông đi vắng một lúc mới về. Ông sanh nghi mới rình coi thì bắt gặp vợ ông hiện nguyên hình là Dạ Xoa ăn thịt người.
Kể lại câu chuyện và ông khuyên tất thảy bạn bè hãy tìm cách trốn đi – vì ở đây, có ngày sẽ bỏ mạng! Trong số 500 người, chỉ có một nửa là người dễ dạy, biết nghe lời khuyên bảo của thuyền trưởng; số còn lại, thuộc loại cứng đầu, lại đang mê man đắm say trong trần dục nên không chịu nghe lời!
Duyên may đã đến. Có một con ngựa thần tên là Valāhaka ở tại rừng Tuyết Lãnh có thần thông bay đến đảo chơi – gặp 250 người muốn về đất liền, ngựa sẵn lòng giúp họ trở lại quê hương!
Thế là hạng người dễ dạy được an toàn – còn số người còn lại, do cứng đầu, đắm say sắc dục nên bị chôn thân trong bụng Dạ Xoa cái”
Kể xong câu chuyện, đức Phật dạy rằng: Nầy các thầy tỳ- khưu! 250 người lái buôn cứng đầu, khó dạy, không biết nghe lời phải, lại đắm say sắc dục nên bị hại! Số 250 người lái buôn còn lại, nhờ dễ dạy, nhờ biết nghe lời phải nên được an toàn sanh mạng! Cũng tương tợ vậy, nếu trong hàng tứ chúng có người cứng đầu, khó dạy, không nghe theo lời giáo huấn của Như Lai thì sẽ bị khổ trong bốn đường ác. Nếu ai là người dễ dạy, biết vâng giữ và thực hành theo lời giáo huấn của Như Lai, thì sẽ có bốn điều lợi ích là: Được sanh làm người, trời, phạm thiên và luôn cả Niết-bàn!
Trong lời dạy trên đây, đức Phật nói đến hàng tứ chúng. Riêng bài kinh Chattasutta trong bộ Anguttaranikāya lại cố ý nói đến bậc xuất gia: Các thầy tỳ-khưu khó dạy, tâm tánh cứng đầu khó dạy – không nhẫn nại, không nghe lời giảng dạy. Hai điều này làm cho Phật giáo bị suy đồi. Những tỳ-khưu nào dễ dạy, chính những vị ấy là những người biết kính trọng Pháp Bảo thật sự, đã làm cho Phật giáo tăng thịnh và trước sau gì họ cũng nếm được hương vị giải thoát.
Nếu ta muốn biết ai là người dễ dạy thật sự thì hãy coi hành động của họ:
- Nghe lời giáo huấn một cách kính trọng.
- Vâng giữ hành theo thiện pháp. Ý nói, hiểu rằng mình xấu quấy, cố dứt bỏ cái xấu quấy và thực hành theo điều tốt, điều lành – và không nghĩ rằng mình làm như vậy để được mọi người khen tặng.
- Biết ơn người chỉ bảo. Ý nói, ngoài việc thực hành theo lời dạy bảo của các bậc trí thức, họ còn biết ơn, không luận người dạy ấy trẻ hay già – hoặc hạng người nào, miễn là chỉ bày điều hay, điều tốt và con đường giải thoát cho mình mà thôi.
(2) Làm thế nào mới trở nên người dễ dạy?
Nếu muốn trở nên người dễ dạy thì phải dứt bỏ 16 điều phiền não trong tâm mình. 16 điều phiền não ấy, đức Thế Tôn có dạy trong bộ kinh Majjhimanikāya:
+ 16 điều ấy là:
- Không tham muốn đê tiện.
- Không tự cao, không chê bai kẻ khác.
- Không sân hận, không dễ bị sân hận.
- Không oán hận.
- Không chửi mắng kẻ khác.
- Không cãi lại.
- Không cãi lại khi bị tố cáo.
- Nếu là nguyên cáo họ cũng chẳng cáo bị cáo.
- Người bị cáo cũng không thưa lại nguyên cáo.
- Người bị cáo không giấu lỗi, nếu có – và cũng không chối cãi gì.
- Người bị cáo cũng chẳng đôi co hỏi chứng cứ.
- Không nên quên ơn các bậc có ơn đã nhắc nhở, chỉ bảo lỗi lầm cho mình.
- Không ganh tị.
- Không khoe mình.
- Không cứng đầu.
- Chưa thấy bằng mắt thì không tin.
Mười sáu điều này ai có được trong tâm thì hằng đi đến nơi hạnh phúc, an lạc.
+ Người dễ dạy có 11 thái độ:
- Không lẩn tránh khi có các bậc trí thức răn dạy.
- Không phải chỉ nghe mà thôi, còn phải thực hành theo lời dạy bảo nữa.
- Không bao giờ để tâm oán hận hay thù ghét các bậc trí thức dạy mình.
- Vui lòng với những lời giảng dạy.
- Hết sức kính trọng lời giảng dạy và còn biết trân trọng lắng nghe.
- Thái độ luôn lễ phép, cung kính.
- Có lòng phấn khởi và thỏa thích khi được nghe lời giáo hóa.
- Không hề hành sái với lời giảng dạy.
- Thích thực hành đúng theo chánh pháp.
- Là người nhẫn nại.
(3) Người dễ dạy đem đến cho mình những hạnh phúc sau:
- Là pháp mà mình nương nhờ được.
- Là người mà các bậc trí thức rất vui lòng dạy bảo.
- Là nguyên nhân dứt bỏ được tội lỗi và làm cho phước thiện tăng trưởng.
- Là nguyên nhân làm cho người khác thương mà chỉ dạy chánh pháp.
- Là người ở gần với sự đắc đạo quả.
- Là nguyên nhân đắc được ba điều an lạc [6].
HẠNH PHÚC XXIX
Samaṇānañca dassanam: Nết hạnh được thấy, được gặp các bậc sa-môn
(Yết kiến bậc sa-môn)
Vấn đề sa-môn xin giảng về ba điểm:
- Người thế nào được gọi là sa-môn?
- Thế nào là được thấy, được gặp các bậc sa-môn?
- Được thấy, được gặp các bậc sa-môn thì sẽ được những lợi lạc gì?
Phạn ngữ samaṇa người ta thường dịch âm là sa-môn có nghĩa là thanh tịnh hay trong sạch. Thầy sa-môn là người xa thập ác, không làm hại người hay vật, không ganh tị, là người có thân, khẩu, ý trọn lành.
Tóm lại, sa-môn nghĩa là người không còn phiền não, hay phiền não đã vắng lặng rồi.
Thầy sa-môn là người hay quán tưởng, quán minh để thấy rõ chân lý, là người đang hành trình trên con đường của các bậc thánh nhơn.
Những người tự xưng mình là sa-môn nhưng không có
những pháp của vị sa-môn, những người ấy ví như kẻ cướp rất lợi hại mà nhà chức trách không thể tìm ra tung tích để truy bắt được. Vì tướng cướp ấy không có khí giới trong tay mà chỉ có lớp áo tu bên ngoài, họ ẩn trốn trong tăng chúng.
Nơi đây tôi xin đem mấy câu Phật ngôn dạy trong kinh Pháp cú hầu quí vị làm tài liệu:
“- Na muṇḍakena samaṇo
abbato alikaṃ bhaṇaṃ
Icchālobha samāpanno
samaṇo kiṃ bhavissati”. (PC 264)
Nghĩa là: Không phải do nơi cái đầu cạo trọc mà người không giới hạnh, người vọng ngữ trở thành sa-môn. Làm thế nào một người đầy tham vọng trần tục và đắm chìm trong ái luyến lại có thể trở thành sa-môn?
Lại có câu:
“- Yo ca sameti pāpāni
aṇuṃ thūlāni sabbaso
Samitattā hi pāpānaṃ
samaṇo ti pavuccati”. (PC 265)
Nghĩa là: Người đã trọn vẹn khắc phục các hành động ác lớn nhỏ, người ấy xứng đáng được gọi là sa-môn vì họ đã vượt khỏi mọi điều ác [7].
+ Đây là pháp để chúng ta nhận định vị sa-môn:
- Upasametikileso: Các phiền não trong lòng đều đã được vắng lặng.
- Bhavitvākāyavacīcittappañño: Thân khẩu, ý và trí tuệ đã được tiến hoá.
- Uttamasamathasamannāgato: Có sự nhắc nhở mình rất hoàn toàn.
+ Bậc sa-môn thường có những thái độ và hành động sau đây:
- Không làm hại nhân, vật nào cả. Nghĩa là, nếu có làm hại một nhân, một vật nào hay xúi giục kẻ khác làm hại, thì người ấy không gọi là sa-môn. Sa-môn là người đã diệt bỏ sự giết hại nhau, và ngay cả những nói hơi khiếm nhã họ cũng không bao giờ dùng đến.
- Không vì tư lợi. Bậc sa-môn tự thấy, nếu còn sống ngày nào thì dùng thì giờ ấy để lo tu hành hầu mau giải thoát thôi, không hề làm việc gì ngoài việc tu học. Bậc sa-môn không hề làm gì, nói gì đến sự lợi lộc cho mình, ít nhất là sự mơ ước tư lợi cho mình cũng không bao giờ nghĩ đến, và nếu có thì cố gắng diệt trừ.
- Hành theo pháp sa-môn. Bậc sa-môn là người xa hẳn thế tục nên không có phận sự gì có dính dáng đến thế tục, chỉ có phận sự là dạy mình, nghĩa là luôn luôn lánh xa phiền não, cũng như người thợ vàng luôn tìm cách lọc lấy vàng nguyên chất, vứt bỏ cặn bã dơ trong vàng.
- Hành theo pháp Tapa. [8] Tapa nghĩa là lửa hay là nóng, ý nói rằng thầy sa-môn luôn luôn lo diệt trừ phiền não bằng các phương pháp như trì giới, nhẫn nại, tham thiền minh sát tuệ.
Từ sa-môn xét theo nghĩa thanh tịnh thì có 3 thanh tịnh sau đây:
– Thân thanh tịnh không lẫn phiền não như đánh đập hay giết hại người hay thú. Bậc sa-môn ở nơi nào, không bao giờ làm hại nơi ấy, khi đứng dưới bóng cây cũng không làm rụng một lá cây. Đức Thế Tôn đã có lần khen đức Mục-kiền-liên rằng: Ngài là bậc có thần thông mà không bao giờ làm phiền lòng một chúng sanh nào cả.
– Khẩu thanh tịnh nghĩa là không bao giờ phạm vào một tiếng nói vô ích, dối trá, thêu dệt hay ác khẩu.
– Tâm thanh tịnh nghĩa là tâm đi ngoài vòng tội lỗi, nghĩa là không để phiền não xâm nhập vào và nếu chưa đắc quả
cao thượng thì thường nỗ lực diệt trừ phiền não bên trong.
Phật ngôn còn dạy thêm để cho ta nhận biết thế nào là một bậc sa-môn: Người nào biết nhẫn nại với sự đói khát, luôn dạy mình hành theo pháp tapa (pháp nóng) biết tiết độ về vật thực và không vì miếng ăn mà làm tội thì Như Lai gọi người ấy là sa-môn.
Vậy, người nào có đủ bốn pháp trên mới gọi là sa-môn. Còn những từ như xuất gia và tỳ-khưu thì chúng có những ý nghĩa như thế nào?
Xuất gia là tiếng nói chung, chỉ các bậc trí thức trông thấy người còn có gia đình là còn khổ, nên dứt bỏ gia đình hoặc thọ bát quan trai ở trong rừng làm đạo sĩ, hay thọ thập giới, cũng ở trong rừng làm đạo sĩ để hành một hạnh nào theo ý của mình – thì đều gọi là xuất gia.
Tỳ-khưu, là âm từ phạn ngữ bhikkhu, nghĩa là khất sĩ, hay nói cho dễ hiểu hơn là xin ăn, nhưng là xin ăn cao thượng, xin ăn, nuôi mạng để thực hành theo pháp cao thượng. Nó còn có nghĩa cao hơn, là người diệt trừ phiền não. Danh từ tỳ-khưu chỉ có trong Phật giáo – là người xuất gia tu tập theo phạm hạnh, phải hành theo Tứ thanh tịnh giới (Xin xem luật xuất gia của đại đức Hộ Tông).
Chú giải có dạy rằng, nếu được gặp các bậc sa-môn thì nên:
- Upasaṅkamanaṃ: Đến gần, ý nói đến hầu để học hỏi
pháp giải thoát, ngoài ra nên giúp đỡ các ngài những gì mà chúng ta có thể làm được.
- Upatthānaṃ: Cúng dường tứ vật dụng đến các ngài
- Anusāsanaṃ [9]: Nhớ đến các ngài, ý nói nhớ đến công đức của những bậc thầy đã dạy ta và cả những pháp cao thượng mà mình đã thọ trì.
- Savaṇaṃ [10]: Nghe lời dạy bảo của các ngài, không dám dễ duôi, phóng dật.
- Dassanaṃ: Thấy, gặp, ý nói thấy và gặp bằng nhục nhãn khiến phát tâm trong sạch. Phát tâm như vậy vẫn được quả báo như trong sự tích sau đây:
“- Ngày nọ, đức Thế Tôn ngự đến hang Indasalā, có một con chim cu đang đậu bên vệ đường, trông thấy ngài có hào quang sáng ngời, nó liền phát tâm trong sạch. Đến sáng ngày đức Thế Tôn ngự đi khất thực, con chim cu lại bay theo, vì nó cảm thấy hoan hỷ được trông thấy tướng hảo quang minh xán lạn của ngài. Ngày khác, chim cu thấy đức Thế Tôn ngự đi, có chư tăng theo hầu, mỗi vị đều có lục căn thu thúc thanh tịnh càng làm cho nó thích thú, hoan hỷ không thể tả được. Chim cu phát tâm kính thành và rất trong sạch, không còn biết làm sao để tỏ lòng, liền bay xuống đứng giữa đường đi, hai cánh chấp lên, đầu cúi xuống tỏ vẻ đảnh lễ đức Thế Tôn. Đức Phật thấy vậy biết thành ý của chim cu nên ngài mỉm cười và bảo Ānanda rằng: “Nầy Ānanda! Chú chim cu này có tâm trong sạch với Như Lai và chư tăng – là những bậc có đức hạnh cao thượng – hết kiếp này được sanh về cõi trời và về sau, sẽ đắc quả Độc Giác Phật, tên là Somanassa. Phước quả này mà có được thế là do nguyên nhân được thấy, được gặp các bậc sa-môn và phát tâm kính thành, trong sạch. »
Trong bộ kinh Bojjhaṅgasamyutta, đức Thế Tôn có dạy rằng:
“- Này các thầy tỳ-khưu! Vị tỳ-khưu nào có giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến đầy đủ – nếu trên thế gian nầy, ai được gặp, được thấy các vị ấy, được hầu cận các vị ấy, được nghe lời giáo giới, tu học hoặc xuất gia với các vị ấy – thì sẽ thâu hái được những lợi ích vĩ đại.
Tại sao vậy? Vì khi người được nghe pháp của các vị ấy, thọ trì pháp của vị ấy thì thân sẽ xa lánh điều ác và khẩu cũng xa lánh điều ác và rồi thân khẩu sẽ thanh tịnh.
Khi thân và khẩu thanh tịnh thì tâm ý hằng nhớ đến các thiện pháp, suy nghĩ các thiện pháp và hằng niệm tưởng các thiện pháp – được gọi là Satisambojjhaṅga: Niệm giác chi – nghĩa là nhờ sự niệm (nhớ) [11] ấy mà giác ngộ. Niệm đây có ý nói là niệm tứ niệm xứ.
Một khi được có trí nhớ đầy đủ rồi, thì có trí tuệ thông hiểu các pháp, khi có trí tuệ thông hiểu các pháp ráo rốt thì đắc được Dhammavicayasambojjhaṅga [12]: Trạch pháp giác chi nghĩa là sự suy nghĩ mà giác ngộ.
Khi cố gắng suy nghĩ các pháp được chu đáo thì đắc được Viriyasambojjhaga: Tinh tấn giác chi, nghĩa là nhờ sự tinh tấn mà giác ngộ. Khi sự cố gắng tinh tấn được hoàn toàn rồi, thì đắc được hỷ lạc. Đây không phải là hỷ lạc của tình dục, hỷ lạc này sanh lên do sự tinh tấn, gọi là Pītisambojjhaṅga [13]: Hỉ giác chi nghĩa là hỷ lạc, là nhân giác ngộ.
Khi thầy tỳ-khưu cố gắng hành thêm nữa thì tâm sẽ được thanh tịnh. Khi tâm được thanh tịnh thì phát sanh Passaddhisambojjahaṅga [14]: An tịnh giác chi, nghĩa là tâm an tịnh là nhân giác ngộ phát sanh.
Khi thân, tâm được trong sạch an vui triệt để, chừng ấy sẽ phát sanh Samādhisambojjhaṅga: Định giác chi, nghĩa là sự an trụ của tâm là nhân sanh giác ngộ.
Này các thầy tỳ-khưu, khi mà tâm được hoàn toàn an trụ thì sẽ phát sanh Upekkhāsambojjhaṅga: Xả giác chi, nghĩa là sự bỏ hết mọi việc còn có tánh cách luân hồi trong tam giới; là nhân giác ngộ phát sanh [15].
Theo bài kinh Sampannasīlasutta trong Pathamavagga, đức Phật có dạy rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Được thấy, được gặp các vị tỳ-khưu ấy, được hầu cận các vị tỳ-khưu ấy, được ngồi gần các vị tỳ-khưu ấy, được xuất gia theo các thầy tỳ-khưu ấy, Như Lai gọi là được rất nhiều sự lợi ích. Tại sao vậy? Vì khi thân thiện, vào hầu, vào ngồi gần các vị tỳ-khưu có đức hạnh thanh cao ấy – thì làm cho giới đức của ta chưa trong sạch trở nên trong sạch, thiền định chưa thâm sâu trở nên thâm sâu, trí tuệ chưa viên mãn sẽ được viên mãn, giải thoát chưa hoàn toàn lại được hoàn toàn, giải thoát tri kiến chưa rốt ráo lại trở nên rốt ráo”.
Theo những lời giảng giải trên, ta hiểu: Được gặp, được thấy các bậc sa-môn như vậy mới cao thượng, mới gọi là nết hạnh được thấy, được gặp các bậc sa-môn. Được thấy và được gặp các bậc sa-môn bằng tuệ nhãn như vậy mới hoàn toàn cao thượng và tuyệt đối.
+ Thấy bằng tuệ nhãn có sáu điều thù thắng:
- Thấy rõ thánh pháp của các bậc thánh nhơn là: Dùng minh sát tuệ để thấy thập nhị duyên khởi và đạo quả.
- Thấy rõ đặc ân của thánh pháp là giới, định, tuệ và đạo quả.
- Đạt được các pháp mà các bậc thánh nhân đã đắc: Định tuệ và đạo quả.
- Đã thành thánh nhơn bởi hành minh sát tuệ thuần thục.
- Thấy biết rõ sự thật của Niết-bàn.
- Đắc được lục thông.
+ Được thấy, được gặp các bậc sa-môn sẽ được những hạnh phúc là:
- Được làm phước thiện
- Thất bồ-đề phần phát sanh.
- Được xuất gia theo các ngài.
- Mắt không bị mây mù vô minh che ám.
- Không phóng dật, dễ duôi.
- Được cúng dường Tam Bảo.
- Giải thoát khỏi phiền não.
- Được đến nơi vô sanh bất diệt.
HẠNH PHÚC XXX
Kālena dhamma-sākacchā: Tánh cách biện luận Phật pháp
theo thời. (Tùy thời đàm luận pháp)
Sự biện luận Phật pháp theo thời làm cho trí tuệ tăng trưởng, làm cho tâm được an vui trở nên thấy xa, hiểu rộng. Biện luận Phật pháp có mục đích giải cho rõ lý của Phật ngôn. Người biện luận luôn luôn không nên lấy ý kiến – chấp thủ ý kiến – của mình. Tôi không cố ý nói rằng: Ý kiến của con người là quấy, nhưng ý kiến ấy phải cho đầy đủ nhân quả, lý lẽ và hợp tình cảnh mới có thể chấp nhận được. Điều cần yếu muốn biện luận Phật pháp, trước hết ta nên bỏ lòng ngã ái tự cao, cho rằng ta đây là người thông hiểu hơn những người có mặt nơi đây. Những vị ngã mạn như thế không chịu nghe theo ý kiến hay lời nói đúng theo Phật pháp của người khác. 8 muôn 4 ngàn chi pháp của Phật lưu truyền không phải là ít, ta không nên ngã mạn khi học sơ qua ba chuyện túc sanh truyện hay ít pháp số, mà tự coi mình là bậc thông suốt lý lẽ của Phật ngôn. Khi người có tánh tự cao, ngã ái, thì không thể biện luận Phật pháp và không thể được an vui.
+ Biện luận Phật pháp có năm chi là:
- Adiṭṭhājotasākacchā: Biện luận để hiểu thêm pháp mà mình chưa thông hiểu.
- Diṭṭhasansandanasākacchā: Biện luận pháp để hiểu rõ thêm pháp mà mình đã hiểu rồi. Khi ấy lợi ích phát sanh đến ta.
- Vimaticchedakasākacchā: Biện luận pháp để giải sự nghi ngờ của mình.
- Anumatisākacchā: Biện luận pháp hầu tìm sự thật.
- Kathetukamyatasākacchā: Biện luận pháp bằng cách vấn đáp với bạn hay tự vấn đáp với mình.
Tóm lại: Biện luận Phật pháp là nhân đem lại hạnh phúc, là dành riêng cho người muốn tìm lấy con đường giải thoát cho mình, chớ không phải tranh biện để giành được sự khen ngợi của mọi người. Nói đến biện luận Phật pháp, tôi không thể quên tích đại đức Xá-lợi-phất khi còn là người cư sĩ.
Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là hai người bạn rất thân, hai người đều là con trưởng của trưởng giáo bà-la-môn. Ngày nọ trong thành Vương Xá có lễ, hai người rủ nhau đi xem.
Ngày ấy là duyên lành của hai người đã đến, nên khi xem hát hai người đều có cảm tưởng rằng: Đời người không khác chi anh kép hát trong một vở tuồng, khi mang râu đội mão là vua chúa, có khi vợ chồng lại đóng làm mẹ làm cha, làm người thù nghịch, khi bỏ mão râu ra là anh kép hát. Cuộc đời thay đổi như thế có gì gọi là vui đẹp.
Hai ông liền đem ý kiến ấy ra bàn với nhau, thì họ đồng có ý kiến là tìm đường giải thoát ra ngoài vòng giả dối này. Vì duyên lành chưa đến nên hai ông chưa gặp Phật. Hai ông mới vào học đạo với ông Sañjaya. Nhờ thông minh nên hai ông học trong mấy ngày đã thông hiểu, thấu triệt toàn bộ giáo pháp của Sañjaya. Hai ông bảo nhau rằng: “Đây không phải là con đường giải thoát, vậy chúng ta chia nhau đi tìm pháp giải thoát, nếu ai tìm được phải cho nhau biết”. Rồi chia mỗi người đi một ngã.
Trong khi ấy, đức Thế Tôn đã thành đạo và đã có 61 vị đại A-la-hán. Ngài cho mỗi vị đi mỗi phương để truyền chánh pháp. Đại đức Assaji là một trong năm vị Kiều-trần-như đi về thành Vương Xá, ở Trúc Lâm tịnh xá. Sáng ngày, ngài đi khất thực, ông Xá-lợi-phất gặp được ngài và nghe ngài thuyết giảng (đoạn này đã có giải ở đoạn trước).
Sau khi nghe một câu kệ, ông Xá-lợi-phất đã đắc Tu-đà-hoàn. Ông về thuật lại cho ông Mục-kiền-liên nghe, ông Mục-kiền-liên cũng đắc Tu-đà-hoàn, nên hai ông mới định theo Phật giáo.
Hai ông có tâm kính thành thầy cũ là Sañjaya nên vào khuyên ông xuất gia theo chánh pháp. Ông Sañjaya không nghe theo và hỏi rằng: “Trong đời này người thông minh nhiều hay kẻ ngu dốt nhiều?”.
– Thưa thầy, người thông minh ít.
– Vậy hai ông là người thông minh, hãy đi theo thầy Cồ Đàm, còn người ngu dốt thì để lại cho ta.
Biết rằng không thể nào khuyên ông ta theo chánh pháp được nên hai ông về Trúc Lâm tịnh xá xuất gia theo Phật.
Tùy thời thính pháp có quả báo cao thượng không gì sánh bằng như các ngài vậy đó.
+ Biện luận Phật pháp được những hạnh phúc sau đây:
- Là đại phước.
- Là người rất giỏi trong việc giải đáp sự nghi ngờ cho những người khác.
- Là người có nhiều trí nhớ và trí tuệ.
- Được nghe và được học các pháp mà mình chưa từng nghe.
- Pháp đã học rồi nhưng chưa hiểu làm cho ta hiểu.
- Diệt bớt sự nghi ngờ.
- Trở nên người chánh kiến.
- Tâm trong sạch khi nghe pháp.
- Là nguyên nhân cho người đắc quả cao thượng.
- Có thể giữ được pháp học, pháp hành và pháp thành.
- Có thể bố thí pháp được.
- Làm cho Phật giáo được thạnh hành.
- Giữ được dòng thánh nhơn (là bậc thông Phật pháp có thể thuyết pháp cho người đắc đạo quả được).
- Gọi là người đi theo thánh đạo.
[1] Không rõ “phương ngôn”này nằm ở đâu!
[2] Sự tha thứ, sự kiên nhẫn.
[3] Tapa: Sự khổ cực, tu khổ hạnh.
[4] Cũng tương tợ các chú thích 100, 101 và các chú thích khác – lời giải của pháp sư không chính xác ngữ nghĩa đã nêu – chỉ có tính cách giảng rộng.
[5] Pháp cú 399: Người không tức giận bao giờ. Trước lời phỉ báng – lặng tờ, nín thinh. Dẫu cho roi trượng phạt hình. Lấy đức nhẫn nại làm binh hộ phòng. Tâm từ rải khắp hư không.. Những kẻ như vậy xứng dòng bla-môn!
[6] Không biết 3 điều an lạc gì? Có lẽ là người, trời và Niết-bàn!
[7] Dịch thơ PC 264, 265: Cái đầu trọc lóc phải chăng? Dối trá, vô hạnh gọi rằng sa-môn? Gỡ bao nhơ bợn tâm hồn. Tỳ-khưu trí hạnh chánh chơn mới là (sa-môn).
[8] Tapa: Tự chủ; sự khổ cực, tu khổ hạnh, về luân lý, hạnh kiểm.
[9] Anusāsana: Sự chỉ bảo, nhăc nhở, lời dạy, chỉ thị.
[10] Savaṇa: Sự nghe, lỗ tai.
[11] Sati – xem lại chú thích 89.
[12] Trạch pháp giác chi: Chọn, lựa, phân biệt.
[13] Pīti: hỷ, phỉ – chứ không phải lạc; lạc nó nằm nơi an lạc.
[14] Passaddhi: An tịnh, an lạc.
[15] Thất giác chi theo cách giải thích của pháp sư có lẽ để dành cho đại chúng có khái niệm khái quát. Ta có thể hiểu rộng và sâu hơn một tí. Có 3 cách giả thích:
– Thất giác chi theo kinh điển, nếu giải thích theo từng chi phần thì như sau: 1- Niệm: Chú tâm đến đối tượng. 2- Trạch pháp: Phân tích, lựa chọn đối tượng ấy (thiện hay ác). 3- Tấn: Là tứ chánh cần (nỗ lực ly ác, dưỡng thiện). 4- Hỷ: Hỷ này là Pīti, tức là phỉ. (Sau khi ly ác, dưỡng thiện sẽ có một cảm giác khinh an, thư thái, dễ chịu lan tỏa trên thân – 5 pīti). 5- An: Đây là cảm giác an lạc, an tịnh tràn đầy sung mãn cả thân tâm. 6- Định: Đây là định của định hay định của tuệ – tùy thuộc thiền định hay thiền quán. 7- Xả: Nếu thiền định thì định xả, nếu thiền tuệ thì tuệ xả.
– Thất giác chi nếu hiểu là những pháp có sẵn trong tâm của bậc giác ngộ – thì 7 chi phần: Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả – luôn luôn có sẵn trong và tâm vị ấy. Ví dụ, khi nhìn ngắm một đối tượng (thiền tuệ), vị ấy có niệm, sau đó là trạch pháp. Sau trạch pháp liền có tấn. Sau tấn sẽ có hỷ, an, định (định của tuệ) và xả. Đây là một tiến trình tâm sẽ diễn ra trong tâm của bậc giác ngộ.
– Thất giác chi nếu hiểu là có thể tu tập từng chi phần thì nên lưu ý: Niệm, trạch pháp, tấn có thể tu tập như một pháp môn, như một đối tượng riêng biệt. Nhưng hỷ và an không thể tu tập vì nó là quả chứ không phải nhân. Ở đây, khi niệm, trạch pháp, tấn đúng mức, thuần thục thì sẽ có hỷ và an. Tương tợ vậy, trong thiền định, khi tầm tứ đúng mức, thuần thục – sẽ phát sanh hỷ và an; sau an lạc thâm sâu sẽ có định: Cận hành định và an chỉ định. Lên đến tứ thiền thì chỉ còn định và xả. Các bậc thánh nhân có định tuệ thâm sâu, vô lậu tâm, vô lậu trí, lúc giáo tiếp, ứng xử, nhìn ngắm các pháp – họ luôn có tiến trình tâm với 7 yếu tố giác ngộ này nên gọi là thất giác chi hay thất bồ-đề phần. (Họ luôn hưởng hạnh phúc của lạc, định, xả).