Nội Dung Chính
- Tapa: Sự cố gắng đoạn tuyệt điều ác.
- Brāhmacariya: Hành phạm hạnh
- + Trong bộ chú giải kinh hạnh phúc, đại đức Sirimaṅgala có dạy rằng: Phạm hạnh có mười điều:
- + Ba chi của thí chủ là:
- + Ba chi của người thọ lãnh là:
- + Người bố thí được quả báo là:
- + Người muốn rải lòng từ, bi, hỉ, xả phải có những phương pháp là:
- + Dưới đây tôi xin chú giải những pháp nói trên.
- + Cách rải lòng bi, hỉ, xả cũng như rải lòng từ vậy.
- – Hành phạm hạnh được hạnh phúc là:
- Ariyasaccāni dassanaṃ: Nết hạnh thấy các pháp Diệu đế
- Nibbānasacchikiriyā: Nết hạnh làm cho thấy rõ Niết Bàn
KỆ NGÔN IX
HẠNH PHÚC XXXI
Tapa: Sự cố gắng đoạn tuyệt điều ác.
Tapa: Từ này đã nói nhiều trong các đoạn trước có nghĩa là thiêu đốt, nóng hoặc là lửa.
Tôi xin nhắc lại rằng từ tapa là tiếng đã có trước khi đức Thế Tôn thành đạo, là một tiếng cổ của đạo bà-la-môn thường dùng. Về sau đức Thế Tôn truyền bá giáo pháp lại dùng từ tapamà theo ý nghĩa khác, để chỉ những hành động khác hơn thế nhiều. Vì vậy tôi tưởng nên giải rõ thế nào là bà-la môn giáo, thế nào là Phật đạo.
Bà-la-môn giáo là một tôn giáo có lẫn với giáo pháp cổ truyền của người trong cõi Diêm-phù-đề [1] ; Bà-la-môn giáo thịnh hành về miền Bắc cõi Diêm-phù-đề – là từ sông Gaṅgā tại xứ Bārāṇasī lên miền Bắc. Bà-la-môn giáo thuộc về đa thần giáo. Bà-la-môn giáo tin rằng: Thế gian mà chúng sanh có đây là do nơi phạm thiên tạo ra, và phải đặt dưới quyền điều khiển của phạm thiên. Tín đồ muốn sửa đổi định mạng của mình thì phải có phương pháp cúng dường và cầu khẩn phạm thiên như thế nào là do các thầy bà-la-môn chủ trương, sắp xếp các cuộc cầu nguyện hay tế lễ ấy.
Sau này có Phật giáo, Phật giáo truyền bá rất mau và rất mạnh trong dân chúng, số tín đồ theo Phật giáo càng ngày càng nhiều không kể xiết. Bà-la-môn giáo đổi lại là Hindu. Hindu giáo trộm lấy Phật ngôn đem về dạy tín đồ của mình. Tín đồ Phật giáo một số là từ bà-la-môn giáo. Vì vậy nên khi cần giảng giải pháp, đức Phật lại dùng ngay tiếng của bà-la-môn để dạy, một là tiện cho người thời ấy hiểu, hai là chỉ cho thấy sự khác biệt của triết lý hai tôn giáo. Như tiếng Yanna, Hindu giáo dạy ý là giết thú để cúng dường cho phạm thiên, nhưng trái lại, Phật giáo dùng tiếng Yanna với nghĩa là bố thí. Tiếng Brahma [2] (phạm thiên) trong Hindu giáo là vị chúa tể tạo ra vũ trụ và chúng sanh, nhưng theo Phật giáo là cha mẹ. Tiếng Bkahna (?) trong Hindu giáo chỉ là người hiểu thông kinh luật của Hindu, nhưng trong Phật giáo, là người diệt trừ phiền não… Còn rất nhiều từ, tự dạng và phát âm giống nhau nhưng nghĩa lại khác – như vài ví dụ trên.
Nhờ đức Thế Tôn đem những từ cũ xưa ấy dùng trở lại, và chỉ cho thấy ý nghĩa khác nhau ra sao, nên rất nhiều trí thức bà-la-môn giáo nhận thấy lẽ phải, họ đã trở về nương tựa theo giáo pháp của đức Phật.
+ Từ tapa của bà-la-môn giáo, chung quy, gom tụ vào16 cách thức sau đây:
- Gabbhā dhāna: Mang thai bào, ý nói khi có thai người mẹ phải cho người trong gia đình biết và có cách thức cúng và hành theo phương pháp của Hindu.
- Punnusavan: Cách thức rước hồn của đứa trẻ vào thai.
- Sīmātayan: Cách chia tóc của người có thai ra có giới hạn nghĩa là cách chải đầu của người có thai.
- Jātakaraṇa: Cách thức sanh.
- Nāmakaraṇa: Cách thức đặt tên.
- Annakaraṇa [3]: Cách thức đút cơm.
- Cudakaraṇa: Cách thức để tóc.
- Kannābeda: Cách thức xỏ tai.
- Bijārambha: Cách thức bắt đầu học văn chương hay nghề.
- Yannoparita: Cách cầm chỉ để làm lễ.
- Bedarambha: Cách thức học kinh Phệ-đà.
- Samāpatti: Cách thức làm lễ khi học xong.
- Samāvantana: Cách thức khi học xong rồi về nhà.
- Bibah: Cách thức làm lễ khi sính hôn.
- Banaparāsa: Cách hành tapa.
- Sanyāsī: Xuất gia.
Maranasankhāra: Chết [4].
Trong 16 điều nầy, chỉ điều thứ 10 không phải là phận sự của người phụ nữ và điều 16 tuỳ ý người hành theo.
Ta thấy 16 điều nầy đi từng bậc một. Pháp hạnh phúc của Phật giáo cũng hành từng giai đoạn một.
Hindu giáo dạy hành tapa rằng: Đợi đến đúng giờ ngọ, hành giả ngồi giữa trời rồi đốt lửa xung quanh mình, mới lần đầu thì lửa để xa hành giả chừng một sải tay, sau càng ngày càng đem lại gần hơn.
Hành giả học tham thiền thế nào để đạt đến một mức độ là không còn thấy cảm xúc với sự nóng, hành tapa như vậy bà-la-môn (Hindu) giáo gọi là đốt phiền não.
Theo lịch sử Phật giáo, thì đức Từ Phụ của chúng ta khi chưa đắc đạo, nghĩa là trong vòng sáu năm khổ hạnh, ngài cũng hành tapa (khổ hạnh) theo thể thức và phương pháp
truyền thống của bà-la-môn giáo. Sau khi từ bỏ khổ hạnh
ấy, sống trung đạo, ngài mới giác ngộ chân lý.
Sau khi thành đạo được 9 tháng, ngài thuyết câu này tại Vương Xá thành: “Khantī paraman tapo titikkhā: Sự tinh tiến nhẫn nại là pháp cao quí nhứt của tapa”.
Trong câu này, đức Phật dùng từ tapa với nghĩa là pháp nhẫn nại, chớ không theo quan niệm của bà-la-môn, là hơ, đốt hay thiêu phiền não.
Muốn giải rõ tapa tôi xin chia ra làm hai phần: Định nghĩa từ tapa và cách hành tapa.
Tapa có nghĩa là làm cho nóng, như nấu nước uống như câu phạn ngữ là Udakaṃ tapati. Còn câu Pacchā tāyati dukkaraṃ thì có nghĩa: Hành động tội lỗi, ăn năn về sau. Ta có thể cắt nghĩa từ tapa là hơ, nướng, nấu, nung, thiêu đốt.
Theo Phật pháp, tapa ngụ ý chỉ sự làm cho nóng; làm cho nóng rồi thiêu cháy hết những phiền não trong tâm ta, vì những phiền não ấy thường nhiễu nhương tâm ta, không để tâm ta yên tịnh nên ta phải đốt nó.
Sự nhẫn nại là một pháp tapa. Có câu Phật ngôn dạy: Khantī tapo tapassino, nghĩa, nhẫn nại là tapa của người thực hành theo pháp tinh tấn.
Còn nữa, giới là một pháp tapa. Trong túc sanh truyện Somasaka có nói rằng: Ta sẽ dứt bỏ những trần dục bằng tapa, ý nói, sự trì giới không cho phạm.
Bát quan trai giới cũng là một tapa vì nó là pháp ngăn ngừa không cho ác pháp sanh trong tâm và đánh đuổi ác pháp ấy ra khỏi tâm.
+ Có 3 pháp tapa quan trọng.
- Yonisomanasikāra [5]: Dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm.
- Viriya: Tinh tấn
- Indriyasaṃvara: Sự thu thúc lục căn.
(1)- Dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm: Bất cứ trường hợp nào, đời hay đạo, ta cũng cần phải có trí nhớ và trí tuệ để quan sát chuyện làm càn và làm bướng. Trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm là một pháp tapa có thể diệt trừ được các ác pháp trong tâm và ngăn ngừa không cho các phiền não bên ngoài xâm nhập vào. Đức Thế Tôn biết tâm chúng sinh hằng chạy theo dục trần, làm nô lệ cho phiền não, nên ngài dạy phải dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm. Em của đại đức Xá-lợi-phất là người có đủ trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm nên giải thoát được – như câu chuyện sau đây:
“- Khi xuất gia, đại đức Xá-lợi-phất còn một người em trai và một cô em gái ở nhà [6]. Mẹ ngài là người tà kiến, không tin theo Phật giáo, nên ngài mới yêu cầu chư Tăng, khi nào thấy em trai ngài xin xuất gia, thì cứ tự tiện cho, không cần có sự ưng thuận của mẹ ngài.
Bà mẹ thấy con trai trưởng của bà là đức Xá-lợi-phất xuất gia, bà sợ con trai út cũng xuất gia theo anh, nên lo cưới vợ cho con. Ngày rước dâu, theo phong tục người thời ấy, thì phải chọn một người rất già đến xối nước trên tay của cặp tân hôn, nên trong họ chọn được bà ngoại của cô dâu là người có đủ điều kiện. Khi làm lễ, bà ngoại vợ đến nắm tay cặp tân hôn xối nước và nói rằng: “Bà cầu chúc cho hai cháu được như bà hôm nay”. (Ý rằng: Bà cầu xin hai cháu ăn ở với nhau cho đến răng long tóc bạc như bà ngoại đây vậy).
Em của đức Xá-lợi-phất nhìn vợ thì thật là đẹp, khi day qua trông thấy bà ngoại vợ già, miệng móm da nhăn tóc bạc, coi thật xấu. Ông [7] mới thầm nghĩ rằng: “Bà ngoại vợ ta khi còn trẻ cũng đẹp như vợ ta hôm nay, sắc đẹp ấy bây giờ không còn nữa, phải chịu số phận già nua tàn tạ như thế. Vậy sắc đẹp đâu còn tồn tại mãi được; trên đời nầy không có chi trường tồn bền vững – cái già, cái bệnh, cái chết rồi ai cũng phải trải qua! Thảo nào mà anh ta đi tìm đường giải thoát”.
Suy nghĩ đến đó chàng phát tâm chán nản mùi tục luỵ, ý chàng muốn xuất gia theo gương của anh, chàng mới nghĩ ra được một kế, trên đường rước dâu chàng làm bộ đau bụng, cứ đòi xuống đi ngoài mãi.
Nhiều lần như vậy bà mẹ tưởng con mình bị bụng kiết nên không để ý, để cho chàng tự do và cho xe rước dâu về trước, để chàng đi sau. Dịp may đã đến, chàng bèn thẳng vào chùa [8]ở gần, xin chư tăng cho xuất gia.
Chư Tăng hỏi: Ngươi có được phép của cha mẹ cho xuất gia hay chăng?
– Bạch đại đức không!
Chư Tăng không dám cho xuất gia. Đức Thế Tôn cấm không cho người xuất gia nếu không được phép của cha mẹ. Chàng mới la to rằng: “Bớ người ta! Ăn cướp! Ăn cướp!”. Chư Tăng lấy làm lạ mới hỏi rằng: “Gã kia! Ngươi đã điên rồi chăng? Tại sao ở giữa Tăng chúng mà ngươi la lên như thế? Ai cướp của ngươi?”
– Bạch chư Tăng! Trong vòng sanh tử luân hồi, đệ tử đã bị ma vương cướp lấy duyên lành của đệ tử rất nhiều rồi; và rồi đây tử thần sẽ cướp lấy sanh mạng nầy đi thì làm sao gặp được chân lý của Phật.
Chư Tăng nghe câu nói hàm ý sâu xa, biết cậu này là người có trí tuệ và lại rất cương quyết, mới hỏi: Ngươi là con của ai ở vùng này?
– Bạch chư đại đức! Đệ tử chính là em trai út của ngài Xá-lợi-phất.
Chư Tăng mới sực nhớ đến lời dặn dò nhờ cậy của đức Xá lợi-phất trước đây – nên cho em ngài xuất gia. Về sau em ngài Xá-lợi-phất đắc A-la-hán.
Nhắc lại tích nầy để quí vị thấy rằng trong lúc đám cưới của mình, ngài đã trông thấy sự thay đổi của thân nầy, đã dùng trí tuệ [9] quan sát thấy vô thường, khổ não và vô ngã, bỏ sự nghiệp giàu sang và vợ đẹp mà xuất gia. Nhờ vậy mà đắc được A-a-hán quả.
Trí nhớ và trí tuệ có quả báo cao thượng vô cùng vô tận như thế. Vậy ta nên áp dụng trí tuệ trong mỗi trường hợp dầu trong chuyện rất nhỏ. Có vậy ta mới tránh khỏi tai nạn và tội lỗi, mà đó cũng là nguyên nhân làm cho ta đắc đạo quả.
(2)- Tinh tấn: Trong bộ kinh Anguttaranikāya, đức Thế Tôn có dạy rằng: Sự cố gắng tiêu trừ tất cả sự lười biếng gọi là tapa. Sự cố gắng tiêu trừ sự lười biếng là nhân dẫn đến đạo quả và Niết-bàn. Người đời cũng vì lười biếng mà không tu hành tinh tấn. Ta nên nhớ rằng: Việc gì ta làm chưa xong là món nợ chưa trả hết.
Đức Thế Tôn còn giáo giới thêm rằng:
“- Không bao giờ Như Lai giải đãi, vì Như Lai nghĩ rằng: Mặc dầu máu, thịt của ta khô đi, chỉ còn da gân và xương, ta cũng chẳng màng, nếu ta chưa được quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác bằng sự tinh tấn.
Nầy các thầy tỳ-khưu! Như Lai đắc được tuệ giác vì sự không phóng dật, dễ duôi. Pháp an vui tuyệt đối là sự giải thoát khỏi luân hồi, Như Lai đã nhờ vào pháp không phóng dật, dễ duôi. Nầy các thầy tỳ-khưu! Các thầy nên ráng tinh tấn, đừng thối chuyển. Nên cố phát nguyện rằng: Máu thịt của ta có khô cũng mặc, bao giờ ta không đến nơi giải thoát hoàn toàn bằng sự tinh tấn của người nam, thì ta không thối chuyển.
Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong thời gian không lâu các thầy sẽ đắc quả an vui tuyệt đối, sẽ đến nơi rốt ráo, cùng tột của phạm hạnh. Vì lẽ ấy các thầy nên học nằm lòng rằng: Chúng ta là người có sự cố gắng tinh tấn không giải đãi, ta phát nguyện rằng: Dầu máu thịt…”
Chú giải cũng lặp lại ý của đức Thế Tôn: Khi Như Lai chưa đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác, Như Lai cố hành theo pháp tinh tấn, không hề thối chuyển dù thân nầy có tiều tụy, còn da bọc xương mà không đắc đạo quả cũng không bỏ sự tinh tấn diệt trừ phiền não, nhờ vậy mà dưới cội cây bồ-đề, Như Lai đã cảm thắng ma vương, diệt tận gốc phiền não.
Vậy chúng ta không nên thối chí ngã lòng, nên cố gắng cho đến hơi thở cuối cùng, như thầy tỳ-khưu trẻ trong câu chuyện sau đây:
“- Có một thầy tỳ-khưu trẻ tuổi học thiền định với đức Phật. Ông vào rừng cố hết sức tham thiền ba tháng không hề dám giải đãi, nhưng không kết quả chi cả. Ông mới nghĩ đến lời của đức Thế Tôn dạy và cho rằng mình là một trong bốn hạng người [10] không thể đắc quả trong kiếp nầy, vậy thì ở rừng rất là vô ích, nên ông trở về chiêm ngưỡng tôn nhan của đức Từ Phụ và nghe pháp ở chùa Kỳ Viên. Có nhiều vị tỳ-khưu biết thầy tỳ-khưu trẻ tuổi ấy chán nản hành đạo, nên mới vào bạch Phật chuyện ấy.
Đức Thế Tôn mới dạy tỳ-khưu trẻ tuổi ấy rằng: “Ông là người xuất gia theo giáo lý của Như Lai, là nguyện đi theo con đường giác ngộ, giải thoát – sao ông không thực hành để kẻ khác nhận biết ông là người tri túc, là người ít tham vọng, là người thanh tịnh, người không chung đụng với thiện tín, là vị tỳ-khưu có nhiều tinh tấn?
Kiếp trước rất nhiều người nhờ sự cương quyết tinh tấn của một người – người ấy là ông, đã nỗ lực đập vỡ tảng đá – mà được uống nước, được cứu sống, khi ở giữa bãi sa mạc. Tại sao bây giờ ông lại thối chuyển, từ bỏ tinh tấn?”
Khi ấy có nhiều vị tỳ-khưu muốn hiểu rõ chuyện quá khứ, nên cầu xin đức Thế Tôn thuyết truyện ấy cho nghe.
“- Lúc quá khứ, có một đoàn người đi buôn bằng xe, có 500 cỗ xe đi bán tại xứ Bārāṇasī, phải đi qua một bãi sa mạc 60 do tuần (một do tuần là 16 cây số ngày). Vì vậy nên những người đi qua bãi sa mạc phải chuẩn bị đủ nước, gạo, cỏ… đủ dùng. Họ đi ngang qua sa mạc chỉ đi ban đêm, nên người dẫn đường hay mỏi mệt. Khi đoàn xe ấy đi được 59 do tuần – chỉ còn 01 do-tuần – người hướng đạo hay biết chuyện ấy nên bảo bỏ bớt đồ cần thiết để nhẹ xe cho đỡ khổ đàn bò.
Vì đi đường nhiều đêm, người hướng đạo mỏi mệt ngủ quên, xe quành trở lại chỗ cũ; ông bèn ngước mặt nhìn lên trời xem sao mới biết là đi lạc, thì tình thế không còn cứu vãn được nữa, đành ngừng xe cho nghỉ. Vật tối cần cho người đi trong sa mạc là nước, mà lúc đó đoàn đã hết nước rồi. Người hướng đạo mới lo đi tìm nước. Đi cả ngày mới thấy nơi nọ có cỏ mọc; nghĩ rằng thế nào ở dưới chỗ đó cũng có nước liền gọi đoàn người đến đào. Khi đào chỗ ấy sâu đến 60 hắc tay mà không có nước, ai ai cũng ngã lòng. Người hướng đạo coi thấy phía dưới có một tảng đá to. Y kê tai nghe có tiếng nước chảy mới gọi người phụ tá đến bảo rằng: “Nầy con, một khi mà ta từ bỏ sự trì chí, thì cả đoàn đều chết khát, vậy con lấy khúc sắt nầy, nỗ lực đập cho bể tảng đá ấy, tức thì có nước”. Người phụ tá trẻ tuổi ấy vâng lời trưởng đoàn, không nề hà mệt nhọc, kiên trì đục đá, đục mãi đục hoài không nản chí. Mọi người thất vọng bỏ đi nhưng người đục đá không bỏ cuộc. Cuối cùng, đức nhẫn nại và tinh tấn của anh ta đã được đền đáp: Một vòi nước to bằng thân cây thốt nốt phun lên, nhờ đó mà cả đoàn khỏi bị chết khát”.
Kể chuyện xong, đức Thế Tôn nói: Những người có quyết tâm, không nản chí đào giếng giữa bãi sa mạc, cũng như các bậc trí thức kiên chí, không lười biếng, không dễ duôi, sẽ thành tựu được những lợi lạc to lớn.
Đức Thế Tôn thuyết thêm pháp tứ đế. Vị tỳ-khưu dùng quán minh sát đắc A-la-hán quả. Đức Phật mới dạy rằng: Người hướng đạo ấy là Như Lai, còn người đập tảng đá ấy chính là thầy tỳ-khưu trẻ tuổi này”.
Như vậy, trong trường hợp này, Tapa là sự tinh tấn đem lại hạnh phúc như đã trình bày trên.
(3)- Thu thúc lục căn (Indryasaṃvara): Chú giải bộ kinh
Maṅgalasutta có giải rằng: Thu thúc lục căn gọi là Tapa, vì Tapa là pháp thiêu huỷ các ác pháp như tham lam, sân hận, si mê. Hơn nữa, Tapa có nghĩa tổng quát là ngăn ngừa, tiêu trừ các pháp ác.
Trí nhớ (niệm) không cho tâm phóng túng theo cảnh trần gọi là thu thúc, vì thu thúc có nghĩa là ngăn giữ, phòng hộ, chận đứng không cho lục căn tiếp xúc với lục trần; và khi tiếp xúc với lục trần thì phải biết bảo vệ lấy lục căn.
Biết ngăn giữ, phòng hộ, chận đứng không cho lục căn tiếp xúc với lục trần là nguyên nhân thiêu hủy các pháp ác. Đức Thế Tôn biết khi lục căn không thu thúc, bị trần cảnh xâm chiếm, thì phiền não phát sanh, đạo hạnh phải bị hư hoại, như sự tích đạo sĩ sau đây:
“- Thời quá khứ có một vị đạo sĩ tên Lomassakassapa, tiền thân của đức Phật, ngài hành đạo tại rừng Tuyết Lãnh. Vì sự thực hành hạnh Tapa của ngài rất là tinh tấn, nên sức nóng xông lên đến đức Đế Thích. Đức Đế Thích lấy làm lạ không biết vì nguyên nhân nào, khi xem lại mới biết rằng có vị đạo sĩ đang thực hành hành Tapa với nhiệt tâm, ý chí không gì lay chuyển nổi. Đế Thích cảm giác lo lắng, bất an, sợ rằng với phước báu ấy, do thắng xa phước báu của ông – có thể chiếm lấy ngai vàng của ông – nên mới nghĩ phương pháp để chận đứng hạnh Tapa của vị đạo sĩ ấy.
Đêm khuya lại, ngài mới hiện đến long sàng của đức vua, phát hào quang sáng rực, gọi đức vua rồi bảo rằng: Trẫm đây là Đế Thích, đến mách cho đại vương biết rằng, nếu đại vương muốn làm chúa tể cả cõi Diêm-phù-đề nầy thì hãy giao công chúa cho vị quốc sư Seyyaha, bảo đem đến rừng tuyết lãnh, cám dỗ cho kỳ được ông đạo sĩ tên là Lomassakassapa.. Sau đó, đại vương nhờ đạo sĩ ấy giết thú tế thần lửa, nhờ quả ấy đại vương sẽ không già, đau và chết như ta vậy, lại còn được làm chúa cõi Diêm-phù-đề [11].
Sáng ngày, lâm triều, đức vua thực hành theo lời của Đế Thích. Vị quốc sư đem công chúa Candadevī đến trêu ghẹo đạo sĩ. Vì không thu thúc, nên vị đạo sĩ bị sắc đẹp của công chúa làm lung lạc, bằng lòng theo quốc sư về thành làm lễ tế thần lửa. Người trong xứ tựu đến xem rất đông. Dân chúng thấy vị đạo sĩ mình còn mặc đồ đạo sĩ mà đi sát sanh, nên những người ấy mới la lên rằng: “Ông đạo sĩ, ông làm chuyện không hợp lẽ đạo!” Rồi họ mới nói câu kệ:
– Balaṃ cando balaṃ suriyo
Balaṃ samaṇa brahmaṇā
Balaṃ velāsamuddassa
Balāti balāti balaṃ itthiyo.
Nghĩa là: Mặt trăng có sức mạnh làm cho sáng bầu trời ban đêm, mặt trời có sức mạnh ban ngày. Sa-môn và bà-la-môn có sức mạnh là nhẫn nại. Nhưng chỉ có hàng phụ nữ có sức mạnh hơn tất cả các sức mạnh khác.
Vì sắc đẹp của công chúa Candadevī đã cám dỗ được vị đạo sĩ Lomassakassapa là người đắc được pháp tapa, nên ông ta phải về làm lễ tế thần lửa.
Ý câu nầy nói rằng: Những sức mạnh nào trên thế gian này cũng không bằng sức mạnh của phụ nữ, bậc xuất gia hành tapa đến đỗi làm cho thiên vương Đế Thích nóng nảy, mà vẫn còn bị cám dỗ vì sắc đẹp. Vì vậy các bậc trí thức nên biết rằng: Chỉ có sắc đẹp của phụ nữ là mạnh nhất.
Trong lúc người ta la như thế, vị đạo sĩ ấy đưa cây đao lên, định chém đầu một con voi để khai đao – mở màn cho bọn đồ tể bắt đầu cuộc sát sanh lớn. Trước cái chết ấy, con voi kinh sợ rống lên, kế đó những loại thú khác cũng rống la vang rền. Vị đạo sĩ nghe tiếng la rống kinh hoàng của các con thú, bèn nghĩ: “Tất cả chúng sanh đều sợ chết, kinh hoàng trước sự chết. Vậy ta nỡ nào giết chết bao sanh mạng để đổi lấy một chút khoái lạc dục tình?
Thật là đáng hổ thẹn với chính ta, hổ thẹn với các bậc thiện trí thức trên đời này!”
Đạo sĩ còn tự nhủ rằng: “Việc làm của ngươi thật là độc ác và đê tiện”. Rồi đạo sĩ bỏ đao xuống, ngồi kiết già, niệm đề mục thiền định, lát sau, ông đắc lại tứ thiền luôn cả ngũ thông như trước. Đạo sĩ liền bay lên hư không, dạy nhà vua hãy bỏ sự cúng dường không theo lẽ đạo và nên phóng sanh. Nhà vua trông thấy sự phi thường như thế, liền vâng lời thực hiện theo lời răn dạy của đạo sĩ.
Chuyện nầy chỉ cho ta thấy rằng, nếu vị đạo sĩ ấy biết thu thúc lục căn, không nhìn sắc đẹp của công chúa, thì đâu phải chịu sự chỉ trích của dân chúng và sự hối hận sau khi định làm một hành động xấu ác.
Vì vậy nên trong bộ chú giải Sabbavasutta có dạy rằng: Người tu hành phải biết thu thúc lục căn và có trí nhớ quan sát tâm trong mọi trường hợp. Một khi thiếu trí nhớ không thu thúc lục căn thì thật là khó sửa trị.
Điều này có thể ví như nhà vua muốn cho dân chúng được an cư lạc nghiệp, thì một mặt phải tra xét kẻ bất lương cho nghiêm nhặt, còn một mặt thì phải tuần phòng, ban đêm phải đóng khóa các cửa hàng, không cho kẻ bất lương có cơ hội xâm nhập.
+ Tapa có nhiều pháp khác nhau, theo đây tôi xin kể những pháp có tên là tapa:
- Nhẫn nại.
- Trì giới: Ngũ giới, bát quan trai, tứ thanh tịnh giới.
- Học thông kinh luật của đức Thế Tôn dạy.
- Hành hạnh đầu-đà.
- Hành thiền định.
- Hành minh sát tuệ.
- Thu thúc lục căn.
- Hành hạnh tinh tấn.
+ Hành tapa được những hạnh phúc là:
- Là đại phước.
- Là người không dễ duôi.
- Là người vâng giữ hành theo Phật ngôn.
- Là người thông hiểu theo phương pháp hành đạo.
- Diệt bỏ được những điều xấu xa.
- Không chung đụng với ác pháp.
- Tự mình đi đến cõi trời.
- Người có chánh tư duy.
- Thường được hưởng quả an vui.
- Là người sẽ đắc đạo quả Niết-bàn.
HẠNH PHÚC XXXII
Brāhmacariya: Hành phạm hạnh
Hành phạm hạnh là hành theo pháp cao thượng, nghĩa là hành theo các pháp mà các bậc trí thức hằng ngợi khen như giới, định, tuệ.
Hành phạm hạnh còn có nghĩa là hành theo pháp Tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỉ, xả.
Người hành theo phạm hạnh muốn sanh về cõi phạm thiên, ít nhứt phải đắc sơ thiền.
Hành theo phạm hạnh là sửa chữa mình trở nên người trong sạch; thân, khẩu, ý xa lìa các tội ác, mặc dầu các tội ác ấy rất nhỏ, cũng không làm.
Hành theo phạm hạnh là vâng giữ theo lời Phật dạy không dám phóng dật, dễ duôi.
Quý vị xem đến đây, hạnh phúc thứ 32, chắc quí vị đã nhận ra, mỗi hạnh phúc là một pháp mà người muốn được hạnh phúc phải vâng giữ thực hành theo, chớ không có thần thánh nào ban bố cho ta những hạnh phúc ấy cả. Và chắc quí vị cũng thấy rằng: Phật giáo không thần thánh hóa con đường hạnh phúc. Vậy, 38 điều hạnh phúc này sẽ đi theo tuần tự, thứ lớp. Muốn đạt hạnh phúc giải thoát rốt ráo, ta phải biết vâng giữ thực hành theo từng hạnh phúc một.
Chú giải kinh hạnh phúc có dạy rằng: Các bậc trí thức thường có chánh kiến, họ thực hành theo hạnh cao thượng. Hành động cao thượng ấy gọi là brāhmacariya, nghĩa là phạm hạnh – vì những hành động ấy không có lẫn ác pháp, trái lại làm cho lòng từ bi tăng trưởng.
+ Trong bộ chú giải kinh hạnh phúc, đại đức Sirimaṅgala có dạy rằng: Phạm hạnh có mười điều:
- Dāna: Bố thí
- Veyyāvacca: Sự cố gắng giúp đỡ người khác trong các việc phước thiện.
- Pañcasīla: Thọ trì ngũ giới.
- Appamāṇa [12]: Niệm tứ vô lượng tâm.
- Methunavirati: Xa lánh, kiêng cử dâm dục.
- Sadārasantusa: Sự tri túc đối vợ nhà (không ngoại tình)
- Viriya: Sự tinh tấn.
- Uposatha: Thọ bát quan trai giới.
- Ariyamagga: Thánh đạo.
- Sāsana: Lời giáo huấn của đức Thế Tôn.
(1)- Bố thí là phạm hạnh: Trong túc sanh truyện có nói tiền thân của đức Thích-ca là một vị trí thức tên Vidhura, đối thoại với Long vương. Chuyện như sau:
“- Biết được Vidhura là người có đức hạnh nên Long vương Varuna cho người mời đến thủy cung chơi. Trông thấy sự cao sang của Long vương, ngài mới hỏi:
– Tâu Đại vương! Ngài có nhiều oai lực, sức mạnh, hào quang chiếu rất sáng, vậy là nhờ quả của nghiệp chi?
Long vương đáp:
– Chúng tôi, trẫm và hoàng hậu, khi sanh làm người, là người có đức tin, làm chủ sự bố thí; nhà của trẫm ví như giếng nước giữa ngã tư đường, là nơi cung phụng vật thực đầy đủ cho sa-môn, bà-la-môn một cách thường xuyên, bốn mùa, tám tiết không mệt mỏi.
Khi ở trong cõi người, trẫm và hoàng hậu hết lòng thành kính cúng dường những tràng hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ ngủ, nhứt là nệm chiếu, chỗ cư ngụ (nhà) y phục, cơm nước, thuốc men… Sự bố thí ấy là phạm hạnh của trẫm và hoàng hậu. Tất cả những gì có được trong cõi nầy đều nhờ quả phạm hạnh của trẫm và hoàng hậu đã tạo ra”.
Theo lời của vị Long vương nói trên đây, bố thí là một phạm hạnh. Bố thí là nguyên nhân phát khởi làm cho ta có tác ý lành, có thể đem của cải ra cho người khác.
Người muốn cho phước báo của sự bố thí được hoàn toàn
trong sạch phải có đủ nguyên nhân. Trong Tam tạng, bộ Anguttaranikāya, lúc đức Thế Tôn ngụ tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc, gần thành Thất La Phiệt [13], có một bà tín nữ bố thí đúng theo 6 pháp đến chư tăng, trong ấy có đại đức Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Đức Thế Tôn trông thấy bằng tuệ nhãn, nên ngài gọi các thầy tỳ-khưu đến dạy rằng:
– Nầy các thầy tỳ-khưu! Cô tín nữ có tâm trong sạch, tên là Velukandakinandamātā đang bố thí đúng chánh pháp, có đầy đủ 6 chi phần. 6 chi phần ấy là gì? Là người thí chủ phải có 3 chi, và người thọ của bố thí phải có 3 chi.
+ Ba chi của thí chủ là:
- Thí chủ phải có tâm trong sạch trước khi bố thí.
- Lúc đang bố thí tâm cũng phải trong sạch.
- Khi bố thí xong cũng làm cho tâm trong sạch.
+ Ba chi của người thọ lãnh là:
- Người thọ lãnh không còn tham ái hoặc đang trên lộ trình thực hành để diệt trừ lòng tham ái.
- Không còn sân hận hoặc đang trên lộ trình tu tập để diệt trừ sân hận.
- Không còn si mê hoặc đang trên lộ trình tu tập để diệt trừ si mê.
+ Người bố thí được quả báo là:
- Dānaṃ saggasopānaṃ: Bố thí là cái thang để đi đến cõi người, trời.
- Dānaṃ āpāyassa channaṃ (?): Bố thí che được bốn đường ác, nghĩa là nhờ bố thí mà khỏi sanh vào ác đạo.
- Dānaṃ sahāyasambhūtaṃ: Bố thí là người bạn đường ngày vị lai.
- Pātheyya muttānaṃ (?): Bố thí là tư lương (vật thực riêng), rất cần yếu của người đi đường xa (là luân hồi).
- Mokkhappathavanaṃ: Bố thí là con đường đi đến Niết-bàn.
(2)- Giúp đỡ người khác là phạm hạnh: Bộ chú giải hạnh phúc kinh có dạy tiếng Veyyavacca nghĩa là ráng tìm kiếm giúp đỡ người trưởng thượng hay người có ơn hoặc các bậc xuất gia như sa-môn, tỳ-khưu, bà-la-môn, những gì mà các ngài cần ta giúp đỡ.
(3)- Thọ trì ngũ giới là phạm hạnh: Ngũ giới là 5 điều luật. Chẳng phải khi Phật thành đạo mới có 5 điều luật ấy, sự thật 5 điều này đã có từ trước, nó như là một đạo lý phổ thông. Nếu trong thế gian nầy, con người không thọ trì ngũ giới thì thế giới không tồn tại được vì nạn giết hại nhau, trộm cắp của nhau, tà hạnh lẫn nhau… thì quả là đảo điên và thống khổ.
Ngũ giới là một trong phạm hạnh. Nhờ có ngũ giới nên chúng sanh được an vui, trong Anguttaranikāya đức Thế Tôn có dạy: Người trong đời nầy, kẻ nào không sát sanh, không trộm của người, không tà dâm, không nói lời dối vạy, không uống chất say, kẻ ấy gọi là người dứt được năm nghiệp chướng. Bậc thiện trí thức gọi là người có giới đức, người có trí, sau khi quá vãng được sanh về cõi người và trời.
Theo câu Phật ngôn thì ngũ giới là nhân đưa ta đến cõi người và trời, được hạnh phúc và an vui.
Trong bài kinh Mahāparinibbāna bộ Dīghanikāya, đức Thế Tôn có dạy cho Gahapati rằng: Người có giới đức, giới hạnh trong sạch được 5 quả báo là:
- Sẽ được nhiều tài sản quí báu do không phóng dật, dễ duôi.
- Sẽ được danh thơm, tiếng tốt lan truyền đi khắp các nơi.
- Khi hội họp với vua, chúa, bà-la-môn hoặc đi đến bất cứ một hội chúng nào cũng không rụt rè, sợ sệt; luôn với sắc mặt tươi tỉnh, đoan nghiêm làm cho người khác phải nể trọng!
- Lúc lâm chung, tâm trí người ấy không lú lẩn, không mê loạn, không si mê; giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, an định và mát mẻ.
- Sau khi từ bỏ thân này sẽ được sanh về cõi người và trời do phước báu hỗ trợ.
Vậy cho nên ngũ giới đã giải trên được gọi là phạm hạnh.
(4)- Tứ vô lượng tâm là phạm hạnh: Trong bài kinh Mahāgovinda bộ Dīghanikāya, có thuật lại một câu chuyện như sau:
“- Thuở nọ, đức Thế Tôn ngụ tại núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu), gần thành Vương Xá, khi ấy có vị Càn-thát-bà tên Pañcasikhā từ cõi trời đến hầu đức Thế Tôn giữa đêm thanh vắng. Ông Pañcasikhā mới thưa bạch với đức Phật rằng:
-Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có nghe phạm thiên Samanakumāra kể với chư thiên rằng: Có thầy bà-la-môn Mahāgovinda là một trong 7 vị đại thần của vua Renura, đã từ bỏ danh vọng, sự nghiệp xuất gia làm đạo sĩ. Sau đó có nhiều người xuất gia theo làm đệ tử ông, phần đông đều là dòng hoàng tộc. Thầy bà-la-môn Mahāgovinda tu tập thiền định, đắc tứ vô lượng tâm. Ngài thường giảng giải giáo pháp cho hàng đệ tử. Vị nào vâng giữ thực hành theo lời dạy bảo ấy một cách nhiệt tâm, tinh cần thì được hóa sanh về cõi phạm thiên. Số còn lại, ít nhất là được sanh về cõi trời dục giới. Vậy, sự xuất gia của người ấy được kết quả tốt lành tùy theo phạm hạnh của mình. Đức Thế Tôn có nghe biết chuyện ấy không và có xác chứng điều ấy là sự thực chăng?
Đức Phật mỉm cười:
– Nầy Pañcasikhā! Như Lai biết rõ chuyện ấy lắm! Và Như Lai xác chứng điều ấy là sự thực. Tại sao vậy? Vì bà-la-môn Mahāgovinda ấy là tiền thân của Như Lai.
Tuy nhiên, nầy Pañcasikhā! Những phạm hạnh ấy không phải là pháp hành để thoát khỏi luân hồi, không phải thực hành mà có thể xa lìa dục vọng trong luân hồi, không phải thực hành mà có thể hiểu rõ luân hồi, không phải thực hành để thức tỉnh khỏi luân hồi, không phải thực hành hầu đạt đến Niết-bàn. Tất cả sự thực hành như thế chỉ đưa đến cõi phạm thiên là cùng.
Nầy Pañcasikhā! Thực sự thực hành phạm hạnh phải là bát chánh đạo. Tu tập theo bát chánh đạo mới là con đường diệt tận khổ ưu, chánh trí, giải thoát, Niết-bàn!”
Trong cuộc đối thoại trên đây, đức Thế Tôn đã phương tiện dạy tứ vô lượng tâm là phạm hạnh. Tứ vô lượng tâm chính là từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng và xả vô lượng.
- Sự dứt bỏ oán thù là quả của từ tâm
- Sự dứt bỏ điều làm hại người là quả của tâm bi
- Sự dứt bỏ điều bực tức do trái ý hoặc không vừa lòng là quả của tâm hỉ.
- Sự tiêu diệt tham ái là quả của tâm xả [14].
Hơn nữa tâm từ là phương pháp làm cho con người không oán thù; tâm bi là phương pháp làm cho người không có sự làm hại kẻ khác; tâm hỷ là phương pháp làm cho người không bực tức; tâm xả là phương pháp làm cho người dứt được lòng tham ái và thiên chấp.
+ Người muốn rải lòng từ, bi, hỉ, xả phải có những phương pháp là:
- Anodhiso pharaṇa: Rải không phân biệt nam nữ.
- Odhiso pharaṇa: Rải còn phân biệt nam nữ.
- Disāpharaṇa: Rải cùng phương hướng.
(1)- Phương pháp rải không phân biệt nam nữ, có năm pháp:
- Sabba sattā averā abyāpajjhā anīghā sukhī attānaṃ parihārantu: Nghĩa là: Tất cả chúng sanh đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.
- Sabbe pāṇa averā: Tất cả loài có thức tánh… đừng cột oan trái nhau, đứng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.
- Sabbe bhūtā averā: Tất cả hàng phu-ta (hạng đã sanh)… đừng có cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.
- Sabbe puggalā averā: Tất cả puggala (người)… đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy
giữ mình được an vui.
đ. Sabbe attabhāvapariyapannā: Tất cả atta-bhāva (tất cả những người còn sống) đừng cột oan trái với nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình được an vui.
+ Dưới đây tôi xin chú giải những pháp nói trên.
– Satta (chúng sanh): Nghĩa là người còn dính, ý nói người còn ham mê tình dục, là người còn phiền não, còn dính trong luân hồi.
– Pāṇa: Nghĩa là hạng còn sống bằng hơi thở ra vào.
– Bhūta: Nghĩa là người sang giàu trong cảnh giới.
– Puggala: Nghĩa là người ta.
– Attabhāva: Nghĩa là thuộc hạng có thức tánh, hay biết rằng có thân nầy.
Năm hạng trên chỉ khác nhau trong danh từ, nhưng chung qui đều là chúng sanh.
(2)- Rải còn phân biệt nam nữ, có 7 pháp:
- Sabbe atthiyo averā abyāpajjhā anīghā sukhī attānaṃ parihārantu: Tất cả hàng phụ nữ đừng cột oan trái với nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, đừng làm hại nhau, hãy giữ mình cho được an vui.
- Sabbe purisā averā… Tất cả người nam đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau…
- Sabbe ariya averā… Tất cả các bậc thánh nhơn không bao giờ cột oan trái nhau… ( Sự thật thì các bậc thánh nhơn không bao giờ cột oan trái với nhau – nhưng đây là bài kinh kể cho đủ các hạng người mà thôi).
- Sabbe anariya averā… Tất cả các bậc không phải thánh nhơn (phàm) đừng cột oan trái với nhau.
đ. Sabbe devā averā… Tất cả chư thiên đừng cột oan trái nhau.
ê. Sabbe vinipātikā averā… Tất cả hạng sanh vào ác đạo dừng cột oan trái nhau…
(3)- Rải đi khắp các hướng, có mười pháp:
- Sabbe puratthimāya disāya averā, abyāpajjhā, anīghā sukhī attānaṃ parihārantu: Tất cả chúng sanh ở hướng Đông xin đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.
- Sabbe pacchimāya disāya sattā averā… Tất cả chúng sanh ở hướng Tây…
- Sabbe uttara disāya sattā averā… Tất cả chúng sanh ở hướng Bắc…
- Sabbe dakkhiṇā disāya... Tất cả chúng sanh ở hướng Nam.
đ. Sabbe puratthimāya anudisāya sattā averā…Tất cả chúng sanh ở hướng Đông Nam…
- Sabbe dakkhiṇā anudisāya sattā… Tất cả chúng sanh ở hướng Đông Bắc…
ê. Sabbe pachimāya anudisāya sattā averā… Tất cả chúng
sanh ở hướng Tây Nam…
- Sabbe uttarāya anudisāya sattā averā…Tất cả chúng sanh ở hướng dưới…
- Sabbe uparimāya disāya sattā averā… Tất cả chúng sanh ở hướng trên…
+ Cách rải lòng bi, hỉ, xả cũng như rải lòng từ vậy.
- Tâm từ: Sabbe sattā averā hontu: Tất cả chúng sanh không nên cột oan trái nhau.
- Tâm bi: Sabbe sattā dukkhā pamuñcantu: Tất cả chúng anh khỏi khổ.
- Tâm hỉ: Sabbe sattā laddhasampattito māvigacchantu: Tất cả chúng sanh đừng bị hư hoại tài sản là sự an vui thạnh lợi của mình.
- Tâm xả: Sabbe sattā kammassaka kamma dāyāda: Tất cả chúng sanh có nghiệp của mình, nghiệp là sản nghiệp của mình (phải thâu nhận không thể từ chối được).
Theo những lời giảng của những bậc trí thức thì người muốn rải lòng từ phải nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh làm đề mục. Đề mục của tâm bi là khi thấy chúng sanh đau khổ mà thương hại. Đề mục của tâm hỉ là nghĩ đến của cải mà người ta đã được để vui theo, chớ không ganh tỵ.
Đề mục của xả là khi thấy chúng sanh được vui hay bị khổ đều nghĩ rằng: Đây là do nơi quả của nghiệp mà họ tạo ra từ kiếp trước nên không bi quan hay vui mừng.
(5)- Sự tránh xa điều dâm dục là phạm hạnh: Tại sao lại xa tránh dâm dục? Vì pháp nầy là pháp của người còn ham mê trong vòng luân hồi của người thế tục, không phải của các bậc xuất gia. Người giết hại nhau một phần cũng vì còn lẫn với pháp bất hảo ấy – nên người xa lánh dâm dục là người hành phạm hạnh.
(6)- Sự biết tri túc với vợ nhà là phạm hạnh: Nghĩa là người đã có vợ chỉ biết thương yêu vợ nhà mà thôi, không tư tình với kẻ khác; phụ nữ cũng biết yêu thương chồng thôi không ngoại tình. Rất nhiều gia đình vì thiếu pháp nầy nên bị xáo trộn nếu không nói là tan vỡ. Vậy, biết tri túc trong tình dục là phạm hạnh đem an lành đến cho gia đình mình và người.
(7)- Sự tinh tấn là phạm hạnh: Nghĩa là không bỏ qua việc lành. Đây xin nhắc lại Phật ngôn để làm tài liệu.
- Idha bhikkhave bhikkhunākamma kattabbaṃ hoti: Nầy các thầy tỳ-khưu! Vị tỳ-khưu trong Phật giáo, khi nào có phận sự cần phải làm không thể bỏ qua được, thầy tỳ-khưu ấy nghĩ rằng – thế nào ta cũng làm chuyện nầy. Khi ta làm xong rồi chưa chắc ta đủ thì giờ hành đạo được, vậy nên ta phải cố gắng hành tinh tấn trước, hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy tỳ-khưu ấy liền cố tinh tấn. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng.
- Punacaparaṃ bhikkhave… Nầy các thầy tỳ-khưu! Một
lẽ nữa, khi thầy tỳ-khưu làm xong việc, mới nghĩ rằng: Ta đã làm việc ấy xong, trong khi ta làm, ta không cố gắng hành đạo. Vậy, bây giờ ta phải cố gắng hành, để được đặc ân mà ta chưa được. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng.
- Punacaparaṃ bhikkhave… Thầy tỳ-khưu nghĩ rằng: Thế nào ta cũng phải đi xa, nhưng trong khi đi, ta không thể hành đạo được đầy đủ. Vậy trước hết ta phải cố gắng hành đạo hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thế là thầy ấy cố tinh tấn. Đây là nguyên nhân thứ ba của sự phát sanh sự siêng năng.
- Punacaparaṃ bhikkhave… Nầy các thầy tỳ-khưu! Khi thầy tỳ-khưu nghĩ rằng: Ta đã đi đường xong rồi, trong khi đi, ta không thể chủ ý hành phận sự được. Vậy ta nên chủ ý cố tinh tấn hành đạo, hầu được đặc ân mà ta chưa được, thầy tỳ-khưu ấy cố hành. Đây là nguyên nhân thứ tư làm cho phát sanh sự siêng năng.
đ. Punacaparaṃ bhikkhave… Nầy các thầy tỳ-khưu! Thầy tỳ-khưu vào xóm khất thực, không được vật thực nào dầu là một vá canh, một muỗng cơm; vị ấy bèn nghĩ rằng: Nhờ khất thực không được gì, thân ta lại được thư thái, nhẹ nhàng rất có lợi cho việc thiền tập; vậy ta phải tinh tấn hành đạo hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy tỳ-khưu ấy bèn nỗ lực công phu hành đạo. Đây là nguyên nhân thứ năm làm cho phát sanh sự siêng năng tinh tấn.
- Punacapraṃ bhikkhave: Nầy các thầy tỳ-khưu! Lại có trường hợp thầy tỳ-khưu vào xóm khất thực, khi được vật thực vừa đủ no, vị ấy mới nghĩ rằng: Ta khất thực vật thực vừa đủ no, thân ta an vui rất có lợi cho việc thực hành thiền định. Vậy ta nên cố gắng hành đạo hầu được đặc ân mà ta chưa có. Thầy tỳ-khưu ấy bèn nỗ lực thực hành. Đây là nguyên nhân phát sanh sự siêng năng thứ sáu.
ê. Punacaparaṃ bhikkhave: Nầy các thầy tỳ-khưu! Thầy tỳ-khưu có chút bịnh nghĩ rằng: Ta là người có bịnh, thế nào bịnh này cũng tăng thêm. Vậy đây là thì giờ rất tốt để ta tranh thủ hành đạo hầu đắc được đặc ân mà ta chưa đắc. Thầy tỳ-khưu ấy bèn nỗ lực thiền hành. Đây là nguyên nhân thứ bảy của sự tinh tấn, siêng năng.
- Punacaparaṃ bhikkhave: Nầy các thầy tỳ-khưu! Khi thầy tỳ-khưu vừa mới lành bịnh mới nghĩ rằng: Ta đã mạnh rồi, nhưng chừng bịnh ấy cũng có thể trở lại được. Vậy ta phải ráng cố gắng trước hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy tỳ- khưu ấy bèn tinh tấn hành đạo. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng thứ tám.
Người cố tâm hành theo thiện pháp, khi biết nguyên nhân phát sanh sự lười biếng thì hãy cố dứt sự lười biếng, không nên để thối chuyển. Đây là phạm hạnh thứ 7.
- Thọ bát quan trai giới là phạm hạnh: Là 8 giới điều mà người Phật tử phải thọ trì như đã có giải ở đoạn trước.
Trong bộ Mahānipāta có tích của đức vua Nimarāja – liên hệ giữ việc bố thí và trì giới – như sau:
“- Đức vua Nimarāja trị vì tại xứ Mithalā thành Vedaha. Ngài là một nhà vua rất nhân từ. Trong những ngày bát quan trai giới, thọ bát quan trai xong, ngài ngự đi bố thí. Ngày nọ, nhằm ngày bát quan trai giới, thọ giới xong, đêm lại, ngài tự hỏi rằng: “Bố thí và thọ bát quan trai giới điều nào cao thượng, quí báu hơn?”. Ngài không giải quyết được.
Đức Đế Thích biết nên mới hiện xuống.
Đức vua Nimarāja mới hỏi thiên vương Đế Thích về sự nghi ngờ của mình.
Đế Thích đáp bằng câu kệ:
“- Hīnena brāhmacariyena
Khattiyaṃ upapajjati
Ye kāye upamajjhanti
Anāgārā tapassino”.
Nghĩa là: Người nào được sanh vào dòng sát-đế-lỵ (vua chúa, tướng quân) là do phạm hạnh bậc thấp, sanh làm chư thiên là do phạm hạnh bậc trung, sanh vào phạm thiên có tapa [15] thì sẽ được sanh vào cõi phạm thiên. Thí chủ (người chỉ có pháp bố thí) không thể sanh vào cõi phạm thiên được”.
Chú giải dạy rằng: Phạm hạnh bậc thấp là do nhờ sự trì giới của ngoại đạo, chỉ cố xa lìa dâm dục mà thôi. Phạm hạnh bậc trung là thọ trì bát quan trai giới, có tham thiền được cận định, sau khi chết được sanh vào cõi trời.
Đây là nói sự bố thí phước báu không cao thượng bằng thọ trì bát quan trai giới; quí vị muốn biết rõ hơn xin xem thời pháp bát quan trai giới [16].
(9)- Thánh đạo là phạm hạnh: Nghĩa là con đường của các bậc thánh nhơn đã thực hành, lộ trình này đi đến nơi vô sanh bất diệt là Niết-bàn.
Trong bài kinh Brāhmacariya bộ Samyuttanikāya, có thuật lại chuyện một vị tỳ-khưu thưa hỏi đức Phật, thế nào là phạm hạnh và thế nào là rốt ráo, cùng tột của phạm hạnh. Đức Thế Tôn đã dạy:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Con đường có đủ tám chi là con đường cao thượng, gọi là phạm hạnh; con đường có đầy đủ chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Nói cách khác, nơi hết tham ái, sân hận, si mê là chỗ rốt ráo, cùng tột của phạm hạnh”.
Theo lời giáo giới ấy, chúng ta thấy rõ thánh đạo – bát chánh đạo – là phạm hạnh.
Đức Phật còn giảng rộng thêm:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Thấy rõ sự thật về khổ (khổ đế), thấy rõ sự thật ái dục là nguyên nhân sanh khổ (tập đế), thấy rõ sự thật Niết-bàn là nơi diệt khổ (diệt đế), biết con đường đi đến niết-bàn và thực hiện con đường ấy (đạo đế) – Như Lai gọi là chánh kiến. Thấy rõ, thấy đúng, thấy như thực tứ diệu đế chính là chánh kiến.
Nầy các thầy tỳ-khưu! Xa lìa sân tư duy, xa lìa dục tư duy, xa lìa hại tư duy chính là chánh tư duy.
Nầy các thầy tỳ-khưu, xa lánh sự nói dối, nói biếm, nói đâm thọc, mắng nhiếc, chửi rủa, nói lời vô ích – Như Lai gọi là chánh ngữ.
Nầy các thầy tỳ-khưu, xa lánh sát sanh, trộm cướp, tà dâm – Như Lai gọi là chánh nghiệp.
Nầy các thầy tỳ-khưu, các bậc thánh nhơn trong Phật Giáo, dứt bỏ tà mạng, luôn nuôi mạng một cách chơn chánh – Như Lai gọi là chánh mạng.
Nầy các thầy tỳ-khưu! Vị tỳ-khưu trong Phật giáo, thỏa thích trong sự tinh tấn và cố tinh tấn gom tâm lại, làm cho tâm trụ lại một chỗ, hầu ngăn ngừa các pháp ác chưa phát sanh, không cho phát sanh. Thầy tỳ-khưu thỏa thích trong sự tinh tấn, làm cho tâm trụ vào một chỗ hầu dứt hết các pháp ác đã phát sanh rồi. Thầy tỳ-khưu thỏa thích trong sự tinh tấn cố tinh tấn gom tâm lại, cố làm cho tâm trụ vào một chỗ, hầu để vun trồng mầm phước thiện chưa phát sanh cho sanh lên. Thầy tỳ-khưu làm cho sự thỏa thích phát sanh là tinh tấn, cố tinh tấn làm cho ta tâm trụ vào một chỗ, hầu làm cho phước thiện càng mạnh mẽ thêm. Nầy các thầy tỳ-khưu! Bốn sự cố gắng, nỗ lực ấy chính là tứ chánh cần – cách gọi khác của chánh tinh tấn vậy.
Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong Phật giáo, hằng quan sát thân nầy là vật ô trược (Niệm thân), cố tinh tấn tiêu trừ phiền não; không dễ duôi, dứt bỏ tham, sân, si, không chấp rằng ngũ uẩn là của ta – Như Lai gọi là chánh niệm [17].
Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong Phật giáo, lúc nào tâm định vắng lặng (nghĩa là không say mê theo ngũ trần) đắc được sơ thiền, đến ngũ thiền – Như Lai gọi là chánh định [18].
- Lời giáo huấn là của đức Thế Tôn là phạm hạnh: Lời giáo huấn của đức Phật là Tam tạng Pháp bảo, có tám muôn bốn ngàn chi pháp. Trong Tam tạng Pháp bảo có thể tóm tắt là:
- Adhisīlasikkhā: [19] Giới chỉ về sự ngăn ngừa, chế ngự thân và khẩu cho trong sạch.
- Adhicittasikkhā: Tâm, chỉ về sự thực hành thiền định.
- Adhipaññāsikkhā: Tuệ, chỉ về minh sát tuệ, quan sát thấy ba tướng là vô thường, khổ não và vô ngã.
– Hành phạm hạnh được hạnh phúc là:
- Là việc làm đại công đức.
- Là người không dễ duôi.
- Là người hành theo Phật dạy.
- Các bậc trí thức ngợi khen.
- Tam học là giới, định, tuệ được phát triển.
- Làm cho mình được giải thoát.
- Hoàn toàn an vui.
- Bồi đắp ba-la-mật.
- Chắc chắn khỏi luân hồi.
- Diệt được phiền não hoàn toàn.
HẠNH PHÚC XXXIII
Ariyasaccāni dassanaṃ: Nết hạnh thấy các pháp Diệu đế
(Thấy được lý thánh đế)
Trước khi đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác, đức Thế Tôn cũng là người như chúng ta, nhưng sở dĩ ngài được giải thoát và chúng ta sùng kính ngài, học theo lời giảng dạy của ngài, là nhờ ngài đắc được pháp gọi là Tứ diệu đế. Vì vậy nên thời pháp ngài thuyết đầu tiên tại vườn Lộc Giả tại Bārāṇasī là Tứ diệu đế, bởi ngài nhận thấy rằng Tứ diệu đế là sự thật của các bậc thánh nhơn. Sự thật của pháp nầy là xa hẳn kẻ thù là phiền não. Sự thật mà các bậc thánh nhơn đắc Tứ diệu đế như là ấn chứng của Phật ngôn. Vì Tứ diệu đế làm cho người tu Phật nếu biết thực hành theo một cách nghiêm túc, chân chính thì đắc được đạo quả và không còn phiền não, khổ đau nữa.
Phạn ngữ là ariyasacca, ta cắt nghĩa là diệu đế, có bốn chi. Từ ariyasacca, có thể chiết tự chia ra làm hai phần: Ariya nghĩa là cao quí, sacca nghĩa là sự thật (chân lý, đế).
+ Tóm lại như vầy:
– Tứ diệu đế là sự thật rất cao quí.
– Tứ diệu đế làm cho người thực hành trở nên cao quí.
- Tứ diệu đế là sự thật rất cao quí – vì là khuôn vàng thước ngọc, hay là một tiêu biểu có đầy đủ sự thật không ai sửa đổi được. Dầu đức Phật sau này có thuyết về pháp Tứ diệu đế cũng dạy đúng như đức Phật hiện tại không sai một điểm nào.
Tứ diệu đế cao quí ví như kim cương. Kim cương là vật có màu sắc đẹp, cứng rắn, không có gì làm hư hoại được; sét không ăn, không bị nhiễm mùi vị của vật gì. Người trong thế gian nầy ai cũng chuộng kim cương. Không phải kim cương có giá trị cao quí vì sự quảng cáo của con người, mà chính vì kim cương có tính chất cao quí.
- Tứ diệu đế làm cho người thực hành trở nên cao quí – nghĩa là khi hành giả thấy rõ pháp Tứ diệu đế bằng tuệ nhãn, pháp mà vị hành giả ấy đắc, là làm cho hành giả trở nên cao quí. Ví như phòng khách của chúng ta chưng bày đồ vật quí giá, sơn màu tươi đẹp lộng lẫy, thì phòng ấy trở nên đẹp đẽ và nơi nào trông cũng vừa lòng, thích mắt. Giờ cũng phòng ấy mà chúng ta sơn đen, đốt đèn leo lét, chưng những đồ vật không giá trị, để cho chuột cắn phá, rúc rỉa thì phòng ấy trông lộn xộn, bừa bãi và chắc chắn rằng không ai muốn ngồi một phút nào hết. Tâm ví như phòng ấy. Nếu tâm hành giả được trang điểm bằng pháp Tứ diệu đế thì sáng suốt, đẹp, cao quí; nhược bằng tâm hành giả trang bị bằng tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, oán thù … thì tâm ấy trở nên tồi tệ, không ai muốn gần và những người đã gần lại tìm cách thế lánh đi cho mau.
Sự thật của Tứ đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khi người bắt đầu thấy bằng tuệ nhãn thì phiền não cũng bắt đầu xa lần, rút lui dần. Khi càng ngày ta càng thấy biết rõ rệt, liễu thông thì phiền não bắt đầu rút đi thật xa. Khi chúng ta thấy biết một cách hoàn toàn, triệt để nhờ tuệ tri, giác tri, minh tri thì không còn phiền não tí nào trong tâm: Người ấy đã trở nên người khác, mà Phật giáo gọi là thánh nhân, nghĩa là người cao quí.
Giác tri, minh tri pháp Tứ diệu làm cho người cao quí trở nên thánh nhơn là vậy.
Muốn thông hiểu pháp Tứ đế, phải hiểu theo thứ tự gọi là hiểu 03 luân và 12 thể, xin quí vị xem bảng dưới đây:
TỨ ĐẾ | BA LUÂN | ||
Hiểu lần thứ nhất | Hiểu lần thứ nhì | Hiểu lần thứ ba | |
KHỔ | 1. Khổ có thật | 5. Khổ cần phải hiểu. | 9. Ta đã hiểu khổ rồi |
TẬP | 2. Ái dục sanh khổ có thiệt. | 6. Ái dục phải diệt | 10. Ta diệt ái dục rồi. |
DIỆT | 3. Diệt có thật | 7. Phải hành thấu rõ diệt | 11. Ta đã làm cho rõ rệt rồi. |
ĐẠO | 4. Đạo có thật. | 8. Phải hành cho rõ Đạo | 12. Ta đã hành đạo đầy đủ rồi. |
Trong bảng trên đây hành giả thấy rằng Tứ diệu đế gồm 04 điều. Mỗi điều phải hiểu rõ đến 03 lần, 04 điều là 12 lần, vòng đi vòng lại, nên gọi là 12 thể. Ba vòng ấy gọi là 03 luân.
Điều đại khái là sự hiểu biết của Tứ diệu đế khác hơn tất cả những sự hiểu biết khác. Mọi sự hiểu biết trên đời đều thuộc cái biết của thức tri, của trí năng, còn đau khổ; cái thấy biết của Tứ diệu đế thuộc về cái thấy biết của tuệ tri, tuệ giác, đã diệt tận phiền não.
Đối với Tứ diệu đế – thì biết và thực hành phải đi đôi. Nếu biết mà không thực hành là không đắc được. Quí vị hãy xem kỹ lại trên đây cột thứ 03 có đề: “Hiểu lần thứ 03 – Ta đã hiểu khổ rồi”số 09. Nếu chưa rõ là chưa hiểu, nên chưa đắc đạo quả, chưa gọi là thánh nhơn được. Khi ta biết rằng ta đã hiểu rõ rồi, đây mới là sự thật [20].
Hiểu rõ khổ có thể ví như hiểu rõ thuốc, như vầy:
- Biết rằng đây là thuốc chữa bịnh.
- Biết rằng thuốc nầy nên uống.
- Biết rằng ta đã uống thuốc rồi.
Trong ba cái biết, cái biết quan trọng nhất là biết: Đã uống thuốc rồi.
Giờ xin quí vị đem hiểu biết về Tứ diệu đế của quí vị lại so với bảng trước, coi quí vị hiểu biết tới trình độ nào? Vị nào hiểu biết luân thứ nhứt, chưa gọi là hiểu hoàn toàn, vì mới biết khổ do nơi nghe pháp; ta cũng có biết luân hồi là khổ, nhưng chỉ biết bằng tâm chứ không phải bằng trí tuệ.
Diệu đế thứ nhứt: Khổ đế
Diệu đế thứ nhứt là khổ. Khi ta nghe nói khổ, ta không nhận thấy cái gì là tai hại của khổ. Vì ai ai cũng biết đời là khổ cực đủ điều. Nhưng sự thật trong sự hiểu khổ của chúng sanh và sự hiểu khổ của thánh nhơn có khác nhau: Các bậc thánh nhơn hiểu khổ, thấy khổ bằng tuệ; còn ta thấy bằng tâm trong cảnh ngộ, khi qua khỏi cảnh ngộ ta lại quên đi khổ cũng như khi lâm bịnh, chúng sanh thấy khổ, nhưng khi mạnh thì lại quên khổ. Trái lại thánh nhơn dầu bịnh hay không cũng thấy có thân này là khổ, là ổ khổ.
Hơn nữa, chúng sanh chỉ biết khổ, nhưng không biết nguyên nhân sanh khổ, nên không sợ lắm. Riêng các bậc thánh nhơn thấy rõ khổ và biết rõ nguyên nhân sanh khổ, nguồn gốc của khổ. Đây xin ví dụ sự biết bịnh của người bịnh và sự biết của vị bác sĩ. Người bịnh biết rằng: Ta bịnh nhưng không biết do đâu có bịnh. Vị bác sĩ biết bịnh và nguyên nhân sanh bịnh, mà còn biết thuốc để trị bịnh.
Vị bác sĩ tôi tạm ví như đức Phật vì ngài biết khổ và nguyên nhân sanh khổ, hơn thế nữa, ngài lại biết phương pháp dập tắt khổ. Còn người bịnh là chúng ta đây, chỉ biết khổ nhưng chịu chết với khổ chớ không có phương pháp nào chạy khỏi khổ.
Đây tôi xin nhắc lại Phật ngôn trong bài kinh Chuyển pháp luân, ngài thuyết lần đầu tiên tại vườn Lộc Giả.
+ Trước hết tôi xin nói có hai cái khổ để quí vị dễ nhận định.
- Sabhāvadukkha: Khổ theo liền với thân. Phật ngôn dạy trong bài Chuyển pháp luân rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Sanh khổ, già khổ, chết khổ (khổ này liền với thân vì khi có thân là có khổ nầy theo liền).
- Pakiṇṇadukkha: Khổ nếu sau khi có thân này là: Khổ vì sự trái ý nghịch lòng, khổ vì thất vọng, khổ vì bực tức, khổ vì uất ức, khổ vì thân ái biệt li, khổ vì oán thù hội ngộ, khổ vì sự li biệt người yêu, khổ vì không được như ý (những khổ này đến sau khi có được thân này).
Khổ, nói chung lại, chỉ có một là: Saṅkhitena pañca paṭṭhānakkhandhadukkha: Tóm lại, sự chấp lấy thân ngũ uẩn là khổ.
Chúng ta thấy khổ trên đây chia ra hai loại:
Khổ do thần nầy, và khổ mới đến sau. Còn câu chót đức Thế Tôn dạy: Vì ta còn chấp lấy thân nầy nên có khổ, nghĩa là còn có thân là có khổ.
Lẽ ra tôi phải viết hết 12 [21] cái khổ. Tôi không giải những cái khổ ở phần nhì vì quí vị hiểu và chắc chắn gặp nó luôn luôn trên đường đời. Trong loại khổ đi chung với thân ngũ uẩn, có khổ sanh, già, chết; chắc quí vị thắc mắc tại sao tôi không kể đau, vì đúng theo phạn ngữ không có đề cập đau. Các bậc chú giải có thêm đau vào nên tất cả có 13 thứ khổ nên trong kinh nào cũng liệt đau vào tứ khổ (sanh, già, đau, chết).
Sanh khổ
Sanh khổ, nghĩa là khi sinh ra có thân nầy giờ nào, là khổ theo liền bên trong vào ấy.
+ Sanh khổ có 3 điều:
- Khổ khi còn trong thai bào
- Khổ khi sanh,
- Khổ vì sự sanh. Ý nói vì có sanh, nên có những khổ khác theo bên.
Như đã nói trên, khổ có 13 chi. Tôi xin ví dụ. Sanh như cái đùm của bánh xe và 11 cái khổ kia là căm xe. Bánh xe nầy lăn đi được là do nơi bộ máy điều khiển là ái dục.
– Để chứng minh sanh khổ, đức Phật có dạy 10 điều sanh khổ:
- Biến tướng khổ: Là sự tuần tự biến chuyển của bào thai, thay đổi mãi cho tới khi có đủ các bộ phận. Bắt đầu thọ khổ khi mới tượng lên cho tới lớn có đủ bộ phận thì bị nhiều điều khổ, do vật thực của mẹ ăn vào.
- Kinh khủng khổ: Đứa bé chịu nhiều nỗi kinh khủng như bà mẹ làm việc nặng nhọc xóc xáo hoặc trợt chơn vấp té…
- Hoành sanh khổ: Cái khổ khi thai bào day trở, lúc day đầu xuống hay day ngang hông mẹ, đứa bé kinh khủng không khác nào chim con bị bão lớn.
- Nạn sanh khổ: Trong lúc sanh nở gặp khó khăn. Đứa bé bị gió nghiệp chướng đẩy cho day đầu xuống để sanh, đứa nhỏ kinh khủng như người bị rớt từ trên cao xuống. Khi sanh ra hài nhi phải bị cọ ép ví như tượng to chui ra kẻ đá nhỏ. Thực tế hơn chỉ có quí bà nào đã làm mẹ rồi mới hiểu.
- Hàm thống khổ: Khi vừa sanh ra, da còn non lại bị đem đi tắm, sự đau rát ấy có ai biết ra sao, chỉ có đứa bé ấy mới biết khổ ấy là như thế nào thôi.
- Thọ nghiệp khổ: Sau khi sanh ra đến khôn lớn, tiền nghiệp lại đến. Nếu nghiệp ác thì chịu khổ sở đủ điều, nào là bị hiếp đáp, đói khó, hoạn nạn… không sao kể hết.
- Quả báo khổ: Sau khi lớn lên, lại bị quả báo như bị kẻ khác phao vu, bị người làm hại, mặc dầu là vô can hoặc bị chiến tranh bom rơi, đạn lạc…
- Duyên sanh khổ: Vì có sanh nên sanh khổ, chúng sanh bị đọa vào ác đạo cũng do sanh ra mà có.
- Chúng sanh sanh vào súc sanh bị hành hạ khổ cũng là duyên sanh khổ.
- Chúng sanh bị đói khát trong cảnh quỉ đói cũng duyên sanh khổ.
Mười khổ trên đây có thể chia ra làm hai loại: Từ 1 đến 5 thì sanh là khổ; từ 6 đến 10 thì sanh là nhân khổ.
Già khổ
Già là gì? Già nghĩa là mọi vật trong thân hình ta đều thay đổi như: Tóc đen hóa trắng, mắt sáng trở thành mờ, tai rõ lại điếc… Tóm lại, vật gì trong thân tâm khi trước tốt mạnh, nay đổi lại xấu, yếu, hư gọi là già. Đức Phật gọi đó là Jarā nhưng theo phạn ngữ thì là cũ. Ý nói rằng thân ta đây ví như cái xe, mà cái xe của người chủ rất tham lam, chở nhiều, làm việc suốt ngày đêm, nên mau hư, mau cũ. Cái xe cũ thì quí vị biết nó có trạng thái ra sao? Thân nầy cũng vậy, có một mình ta phải lo ăn uống… mà còn chở thêm của cải vợ con nữa… Do làm lụng quá sức, do lo sợ, lo lắng quá nhiều nên mau già. Khi đã gọi là già, thì không có gì trong cơ thể không biến đổi thành hư xấu, cũ nát, tồi tệ.
+ Đức Phật dạy có hai cái già:
- Parijjiṇṇa [22]: Già là sự thay đổi hình dáng, nghĩa là khi ta còn nhỏ từ từ lớn lên hình dáng thay đổi, sự tuần tự thay đổi của con người từ bé đến 30 tuổi, người ta không cho tuổi ấy là già, mà gọi là trưởng thành. Vì trong tuổi ấy, càng lớn càng mạnh, đẹp. Các cơ quan trong mình không thấy yếu mà trái lại ngày càng mạnh thêm. Ai ai cũng ưa thích tuổi nầy. Vì vậy nên người ta không thấy khổ trong khổ đế là vì vậy. Theo lời Phật dạy, cái gì thay đổi thì gọi là già. Nhưng cái già kể trên che ám trí tuệ của con người.
- Paripakka [23]: Già làm cho ta thấy rõ rệt là da nhăn, mắt mờ, tai điếc, răng rụng, tay chân run rẩy, chính mình không còn làm chủ cơ thể của mình được. Cái gì già mới là khổ thật sự, vì cái già nầy làm giảm cả sức lực, đem lại cho ta nhiều bịnh hoạn.
Bịnh khổ
Bịnh là những gì phụ với già để tàn phá các bộ phận trong người của chúng ta, bịnh ấy làm chúng ta mau già hơn, cũng như cái xe khi đã bị hư một món nào dầu có sửa chữa lại, cũng vẫn không còn hoàn hảo bằng cái mới.
Chết khổ
Chết chỉ là sự tiêu hoại thân hình nầy. Vậy chết làm cho con người khổ cách nào? Khi ta chết, ta chưa thấy cái khổ ấy, chỉ có người chết mới thấy rõ. Cái chết là khổ làm tất cả các cái khổ khác dồn vào, như mến tiếc vợ, con, của cải; cái chết làm mất vui thích của mình trong đời nầy; đôi khi có người còn khổ do hối tiếc vì đã không làm được điều gì lành, tốt trên cuộc đời nầy.
Thử nhắm mắt lại và nghĩ rằng, khi ta chết ta có đem theo được cái gì? Khi thấy ta từ bỏ cả nhân thân, vợ con, quyến thuộc, của cải, tài sản… thì hỏi ta có khổ không?
Nếu khi ta nhận thấy rằng, ta có đem theo được những việc làm lành như bố thí, trì giới… thì ta thấy lòng ta bớt hối tiếc, bớt lo sợ. Nhưng trái lại, nếu thấy có nhiều tội, thì ta càng kinh khủng hơn. Vậy xin quí vị tự nghĩ mà sửa chữa thân, khẩu, ý ngay chính trong đời này, ngay hiện tại bây giờ đây – kẻo không còn kịp nữa.
Tứ diệu đế thứ nhứt là khổ, khổ đế. Đức Phật dạy hãy biết khổ cho rõ rệt, như bác sĩ hiểu rõ bịnh của bịnh nhơn.
Khổ mà Đức Phật dạy có thể chia ra làm hai loại trạng thái: sanh, già, đau, chết là trạng thái của sắc uẩn, còn các khổ kia thuộc về tâm lý – danh uẩn – như thương, ghét, hờn giận, lo sợ, sầu muộn, uất ức…là trạng thái của thọ, tưởng, hành, thức.
Diệu đế thứ nhì: Tập đế
Đức Thế Tôn đã dạy về khổ cho chúng sanh thấy để kinh sợ hầu tránh khỏi, chẳng khác nào ngài dạy rằng: Cọp là thú ăn thịt người, rồi ngài mới đem cọp ấy về nhốt trong chuồng bằng sắt rất chắc; gọi chúng sanh đến xem cho biết cọp có những gì đáng sợ, và nên nhớ hình dáng nó để tránh xa, hay chống lại.
Tập đế đây ví như hành động của cọp. Tứ diệu đế là pháp khó nhận thức cho hoàn toàn được. Đức Thế Tôn phải mất 6 năm khổ hạnh mới giác ngộ, và khi ngài muốn đem ra thuyết giảng; ngài còn phải chọn coi ai là người có đủ trí tuệ nhận thức rõ được pháp ấy.
Vậy nơi đây tôi xin cố hết sức sưu tầm những gì mà tôi biết để giải theo đây, hầu giúp quí vị là người muốn tìm con đường thoát khổ.
Tập đế là nguyên nhân sanh khổ, là nhân làm cho chúng ta khổ như đã giải ở trên.
Đây là câu Phật ngôn trong bài kinh Chuyển pháp luân:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Đây là nhân sanh khổ thật sự, nó là ái dục, là nhân làm cho chúng sanh vào ra các cõi, rồi lẫn lộn ưa thích các cảnh giới như dục giới, sắc giới và vô sắc giới”.
Nhân làm cho sanh khổ gọi là tập đế, nó là ái dục. Tác động của ái dục là nhân làm cho con người phải sanh lại một cõi nào trong ba cõi tùy theo sự thèm muốn của ái dục.
+ Muốn cho dễ hiểu tôi xin chia ra bốn điều là:
- Nhân làm cho sanh khổ.
- Ái dục là gì?
- Ái dục có ba loại.
- Phận sự của hai Diệu đế.
(1)- Nhân làm cho sanh khổ.
Sự sanh khổ thì ai cũng biết, nhưng đức Phật lại dạy về khổ chẳng qua để làm sáng thêm cái hiểu biết của con người.
Chỉ có điều, nguyên nhân sanh khổ là một vấn đề không mấy ai hiểu và là một pháp khó thấy, khó biết; chỉ có Phật mới nhận thấy thôi. Trong thời kỳ ngài mới thành đạo, người trong cõi Diêm-phù-đề tin rằng, sự vui khổ của chúng sanh là do nơi một đấng thiêng liêng ban phước hoặc giáng tội cho. Họ tin tưởng rằng những nỗi khổ mà ta phải chịu là vì thần thánh phạt, là do nhân bên ngoài, nhưng theo đức Phật thì ái dục mới là nhân sanh khổ. Vì vậy nên Phật giáo là một giáo pháp tuyệt đối khác hơn các tôn giáo khác trong thời kỳ ấy, mà cho đến nay nữa. Vì lẽ nầy nên tôi mới dám nói rằng, đức Thế Tôn tìm thấy và dạy chúng ta một phương pháp tuyệt đối mới mẻ. Thời pháp đầu tiên mà ngài thuyết tại vườn Lộc Giả về Tứ diệu đế đã làm cho 5 thầy Kiều-trần-như nhận thức rõ rệt rằng ngài đã đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác vì các vị ấy chưa từng nghe ai dạy rõ rệt như vậy cả, và Tứ diệu đế vượt khỏi tầm hiểu biết của họ cũng như người ta thời ấy.
Có điều đáng chú ý là: Nhân làm cho sanh khổ. Khổ ấy không lựa một ai, nghèo thì khổ, giàu cũng khổ. Đức Thế Tôn dạy nguyên nhân sanh khổ là ái dục.
(2)- Ái dục là gì?
Sự thật ái dục ngụ ý chỉ sự tham muốn. Sự tham muốn ấy là nền tảng của tâm, và tất cả của chúng sanh ai ai cũng không chạy khỏi, ngoại trừ các bậc A-la-hán, Độc Giác và Chánh Đẳng Giác. Tôi xin ví dụ ái dục ấy như trái xoài. Trái xoài thì nó có tính chất riêng của nó, ấy là mùi vị, hình dáng, màu sắc không thể lẫn lộn với trái quả khác. Bên trong nó có một cái mầm, khi gieo ươm nó mọc thành cây xoài khác, trái xoài khác. Cái mầm ấy chính là ái dục; và màu sắc, hình dáng, mùi vị của trái xoài chính là tham lam, sân hận và si mê. Nếu ta dứt bỏ mầm thì không còn cây xoài, trái xoài; lại càng không có màu sắc, hình dạng, mùi vị của trái xoài nữa. Cũng vậy, nếu dứt bỏ cái mầm ái dục thì tham lam, sân hận, si mê cũng diệt theo!
Vậy, ái dục là gì? Nếu ái dục là lòng ham muốn như mọi người thường hiểu – thì lòng ham muốn thành Phật hoặc lòng ham muốn cứu nhân, độ thế có phải là ái dục chăng?
Ái dục có nghĩa là muốn có cái gì không có, có rồi muốn cho có thêm. Trái lại muốn thành Phật thì lại phải bỏ cái gì đã có và ngừa không cho những gì sanh ra. Khi thành Phật rồi thì lại dạy chúng sanh buông bỏ tất cả những gì đã có cho thật hết.
(3)- Ái dục có 3 loại:
- Kāmataṇhā [24]: Ái dục trong cõi dục. Là muốn sanh
làm con người giàu sang, quyền chức, xinh đẹp, nên khi làm một việc phước thiện nào như bố thí đều nguyện vào cõi dục (đây kể cả 6 tầng trời dục giới).
- Bhavataṇhā [25]: Ái dục trong cõi sắc. Cõi nầy không có dục vọng như vợ chồng, sự nghiệp, danh vọng, tiền tài – kể cả tất thảy mọi vinh hoa của vật chất… nhưng còn có sắc, một loại sắc rất tế vi. Hành giả tham thiền tinh tấn để mau đắc một trong tứ thiền để sanh vào cõi 16 cõi trời sắc giới [26]. Tuổi sống của cõi ấy lâu không nói năm được, chỉ có thể dùng tuổi của trái đất nầy mới ví được. Cõi thấp nhất cũng bằng tuổi một phần ba trái đất. Và tuổi nhiều nhất là 16.000 kiếp trái đất. Vì sống quá lâu nên chư phạm thiên trong cõi nầy là an vui nhứt, và thường bị vào thường kiến nên gọi là ái dục trong cõi sắc.
- Vibhavataṇhā: Ái dục trong cõi vô sắc. Sự thèm muốn sanh vào cõi vô sắc, nên hành giả cố hành cho đắc vào cõi này, nghĩ rằng vì có sắc nên còn luân hồi, khi không còn sắc nữa, chính là Niết-bàn rồi? Vì vậy người sanh vào cõi này thường rơi vào đoạn kiến.
Để biết rằng ái dục tai hại đến bậc nào, tôi xin nhắc lại câu Phật dạy: Taṇhāponobhavika [27]:Ái dục tạo tác hiện tại.
Vì sự thèm khát ngũ trần lục dục trong cõi dục, hay thèm khát sanh vào cõi sắc, hay vô sắc, cũng vẫn là còn ái dục, chỉ khác nhau ở chỗ thô thiển hay vi tế thôi, nhưng chung qui cũng vẫn phải trầm luân trong 3 cõi. Tóm lại, khi lòng người còn ái dục dầu là vi tế hay thô thiển gì, cũng vẫn còn phải luân hồi.
Vì vậy nên đức Thế Tôn dạy: Tập đế là nguyên nhân sanh khổ. Ta nên cố gắng dứt bỏ.
Trong hai Diệu đế đầu khổ đế và tập đế; Khổ đế là điều ta cần phải hiểu cho thật rõ, nhưng không có gì phải đối phó với nó, vì chỉ cần biết rõ thôi. Về Tập đế, điều ta cần phải biết cho rõ là vì nguyên nhân nào mới sanh khổ, vì đâu đưa đến, ta biết cho thật rõ nguyên nhân đặng cố diệt. Ví như người chữa lửa cần biết lửa bắt đầu cháy ở đâu, chữa ngay chỗ ấy chớ không chữa ở ngọn lửa (ngọn lửa ấy ví như khổ hiện tại).
Về phương pháp diệt ái dục, xin xem Diệt đế và Đạo đế sau đây.
Diệu đế thứ ba: Diệt đế
Diệt đế vào Đạo đế là hai phương pháp diệt khổ, chỉ có mình đức Thế Tôn giác ngộ trước nhứt, là pháp rất huyền diệu, người phải đoạt bằng tuệ nhãn chớ không thể biết bằng tâm được. Ta có thể ví đó như hai vị thuốc để trừ hai thứ bịnh nan y là khổ và nguyên nhân sanh khổ [28].
Ở trên tôi ví Khổ và Tập với cọp, đức Thế Tôn đem cọp ấy về nhốt, ta quan sát hình dáng, tánh cách và nhược điểm của nó để ta trừ hoặc tránh nó tùy trường hợp. Khi ta biết cọp có những nhược điểm gì, hình dáng ra sao, thì ta tránh dễ dàng mà trừ nó cũng không khó.
Muốn diệt trừ Khổ đế và Tập đế ấy chỉ có Diệt đế và Đạo đế [29]
Đây là lời Phật dạy về Diệt đế.
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Đây là pháp diệt khổ thật sự, sự diệt các điều thèm khát, không có dư sót của ái dục, dứt bỏ không còn dính dáng với ái dục, không còn bận bịu, không còn luyến tưởng nữa”.
Lời Phật dạy cho ta thấy rằng Diệt đế về dập tắt lửa ái dục, nhưng Phật nói nhiều tiếng khác nhau để ta dễ hiểu. Trong Diệt đế, đức Phật đề cập đến Niết-bàn là nơi dập tắt hẳn mầm của ái dục.
Hạnh phúc XXXIV dạy về pháp làm cho thấy rõ Niết-bàn, tôi xin giải ở sau.
Diệt đế thứ tư: Đạo đế
Phật giáo có đến tám muôn bốn ngàn chi pháp, nhưng chung qui chỉ có một cứu cánh là giải thoát.
Đạo diệu đế là phương pháp diệt trừ ái dục. Trong kinh Chuyển pháp luân, Phật dạy muốn diệt ái dục phải hành theo bát chánh đạo.
+ Sammādiṭṭhi: Chánh kiến.
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Sự thực hành đến chỗ hết khổ là bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy…
Trong bài kinh Maggavibhaṅga, có nói rõ chánh kiến là:
- Hiểu rõ khổ,
- Biết rõ nhân khổ,
- Biết rõ sự diệt khổ.
- Biết rõ phương pháp hành để diệt khổ.
Theo đây, chúng ta thấy chánh kiến là sự thấy chân chánh, nghĩa là thấy rõ pháp Tứ đế.
+ Sammāsaṅkappa: Chánh tư duy.
Chánh tư duy là:
1- Suy nghĩ về xuất thế gian.
2- Suy nghĩ về không oán thù
3- Suy nghĩ không làm hại người.
Suy nghĩ xuất thế gian là suy nghĩ về sự xuất gia. Đây có chỗ chú giải rằng người tại gia cư sĩ không thể xuất gia được, thì thọ bát quan trai giới và cố niệm Phật, diệt trừ tộc ác khi mình suy nghĩ, hoặc mình đã làm trong ngày. Ngoài ra, đừng suy nghĩ về sự oán thù, hận thù hoặc nghĩ cách làm khổ người, hại người [30].
+ Sammāvācā: Chánh ngữ.
Chánh ngữ là:
- Tác ý tránh xa nói dối, nói sai sự thật.
- Tác ý tránh xa nói đâm thọc, hai lưỡi…
- Tác ý tránh xa nói hung dữ, độc ác, rủa, chửi…
- Tác ý tránh xa nói lời vô ích, tục tĩu, rỗng không…
+ Sammākammanta: Chánh nghiệp.
Chánh nghiệp là:
- Tác ý tránh xa sát sanh.
- Tác ý tránh xa trộm cấp.
- Tác ý tránh xa thông dâm.
Chánh nghiệp là việc làm (về thân) chân chính, không phạm vào ba nghiệp bất thiện ở trên. Đây còn có ý dạy ngay vào các hạng cư sĩ phải thọ trì ít nhất là ngũ giới, hơn ấy nữa, là ráng tham thiền trong ngày, thọ thêm bát quan trai giới.
+ Sammā- ājīva: Chánh mạng.
Chánh mạng là dứt bỏ sự nuôi sống tà mạng ở bậc thánh nhơn trong Phật giáo. Ngay các hàng cư sĩ tại gia chân chánh cũng phải biết lựa chọn nghề nghiệp sinh sống.
Nuôi mạng chân chánh ấy là:
- Không bán thú, trái lại phóng sanh.
- Không bán người, trái lại, cứu người khi lâm nạn.
- Không buôn rượu, không cho người rượu, trái lại, lo phương pháp nào có thể răn đời, như bố thí pháp [31].
+ Sammāvāyāma: Chánh tinh tấn.
Chánh tinh tấn là, thầy tỳ-khưu trong Phật giáo cố vun trồng sự tinh tấn không cho các pháp ác chưa phát sanh có điều kiện để phát sanh, giữ tâm vững chắc không rung động vì các hoàn cảnh bên ngoài, cố gắng diệt trừ các pháp ác đã có trong tâm cho cùng tận, cố gắng làm cho các thiện pháp chưa phát sanh được sanh lên, cố gắng vun trồng các thiện pháp đã có được tốt đẹp thêm [32].
+ Sammāsati: Chánh niệm.
Chánh niệm là, thầy tỳ-khưu trong Phật giáo luôn luôn quán tưởng thấy thân trong thân, cố ý tinh tấn thiêu đốt phiền não, có sự ghi nhớ và biết mình, diệt trừ sự vui, buồn; suy nghĩ thấy thọ trong thọ… Nói tóm lại là tu tập tứ niệm xứ. Hay nói cho dễ hiểu hơn, chánh niệm nghĩa là thực hành, tu tập theo Tứ niệm xứ [33].
+ Sammāsamādhi: Chánh định
Chánh định là, thầy tỳ-khưu trong Phật giáo vắng lặng trần cảnh, vắng lặng các pháp ác, nhập vào sơ thiền có tầm, sát (tứ), hỉ, lạc, định sau khi dứt bỏ tầm, sát, thì đắc nhị thiền, từ từ dứt từng pháp thô thiển. Thầy tỳ-khưu cố tinh tấn hành như thế gọi là chánh định.
Tóm lại: Chánh định là phương pháp làm cho tâm người trở nên yên lặng khỏi ác pháp. Sự định tâm được do một trong 40 đề mục của Phật dạy gọi là chánh định [34].
Bát chánh đạo ví như chìa khóa mở cửa Niết-bàn.
Trong một phẩm kinh, đức Thế Tôn có dạy:
“- Người nào thấy rõ Khổ đế là thấy rõ Tập, Diệt và Đạo đế. Người nào thấy rõ Tập đế thì thấy rõ Khổ, Diệt và Đạo đế. Người nào thấy rõ Diệt đế là thấy rõ Khổ, Tập và Đạo Đế. Người nào, thấy rõ Đạo Đế là thấy rõ Khổ, Tập và Diệt đế”.
Tóm lại: Người mà giác ngộ được thánh quả không phải chỉ học hay nghe pháp, hay giải thông được pháp Tứ diệu đế, là được thánh quả, mà phải thấy rõ rằng trí tuệ, hay thấy rõ bằng tuệ nhãn.
Để chứng minh rõ sự thật là thế nào tôi xin đem lời Phật ví dụ để quí vị thấy rõ hơn:
Thí dụ thứ nhất
Khổ đế ví như chứng bệnh của chúng sanh.
Tập đế ví như căn bệnh của chúng sanh.
Diệt đế ví như đã lành bệnh.
Đạo đế ví như phương thuốc trị bệnh của chúng sanh.
Thí dụ thứ hai
Khổ đế ví như món đồ nặng đang vác.
Tập đế ví như nguyên nhân bắt buộc phải mang vác những vật nặng ấy.
Diệt đế ví như sự liệng bỏ vật nặng ấy.
Đạo đế ví như phương pháp liệng bỏ vật nặng ấy.
Thí dụ thứ ba
Khổ đế ví như người có oán thù.
Tập đế ví như nguyên nhân của sự oán thù.
Diệt đế ví như đã cởi mở được oán thù.
Đạo đế ví như phương pháp cởi mở oán thù ấy.
Thí dụ thứ tư
Khổ đế ví như cây có thuốc độc.
Tập đế ví như chất độc nằm trong rễ cây.
Diệt đế ví như sau khi đã lấy hết chất độc.
Đạo đế ví như phương pháp để lấy hết chất độc trong rễ cậy.
+ Muốn đắc đạo quả Tứ thánh và Niết-bàn thì phải quán triệt Tứ diệu đế, chỉ có một phương pháp là hành minh sát tuệ. Khi hành minh sát thì có 16 tuệ trí phát sanh là:
- Nāmarūpaparicchedañāṇa: Danh sắc phân biệt trí – tức là trí thấy rõ danh sắc và phân biệt được đâu là danh, đâu là sắc [35].
- Udayañāṇa: Sanh trí – là trí thấy rõ mỗi danh, mỗi sắc có nguyên nhân sanh khởi như thế nào [36].
- Vayañāṇa: Diệt trí – trí thấy rõ sự diệt mất của mỗi danh, mỗi sắc như thế nào [37].
- Udayabbayañāṇa: Sanh diệt trí – trí thấy rõ sự sanh diệt của mỗi danh, mỗi sắc [38].
- Bhaṅgānupassanañṇa: Đoạn diệt quán tưởng trí – Ở đây, hành giả không chú tâm đến sự sanh của danh, sắc pháp – chỉ chú tâm đến sự diệt của danh, sắc pháp [39].
- Bhayañāṇa: Kinh hãi trí – trí thứ 5, thấy rõ sự diệt mất liên tục của mỗi danh, mỗi sắc; trí thứ 6, thấy chúng biến hoại và rã tan một cách kinh khiếp nên đâm ra sợ hãi cả ba cõi dục, sắc và vô sắc.
- Ādinavañāṇa: Hiểm nguy trí – trí thấy rõ sự nguy hiểm và thống khổ của danh sắc – được ví như rắn độc, như lửa, như tên sát nhân, như mũi tên độc…
- Nibbidāñāṇa: Nhàm chán trí – Đâm ra nhàm chán nơi mỗi danh, mỗi sắc – nhờ vậy, ly thoát được sự tham lam, đam mê, chấp thủ nơi mỗi danh, mỗi sắc.
- Muñcitukamyatāñāṇa: Dục giải thoát trí – trí muốn giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của mỗi danh, mỗi sắc [40].
- Paṭisaṅkhāñāṇa: Phân tích trí – Trí phân tích để thấy rõ lại một lượt nữa – sự sanh diệt của danh sắc thật đáng kinh sợ, đầy những nguy hiểm, đáng nhàm chán, cần phải thoát ly; phải thấy rõ các trạng thái vô thường, khổ não, vô ngã của danh sắc ấy.
- Saṅkhārupekkhāñāṇa: Hành xả trí – trí giữ được tâm bình đẳng, vô tư, trạm nhiên đối với các pháp hữu vi (danh sắc); không tham ái cũng như không chán ghét chúng – nên gọi là hành xả [41].
- Anulomañāṇa: Thuận thứ trí – tức là trí thuận với các trí đi trước, thuận với các trí đi sau thuộc thánh đạo tâm – trong đó có đạo đế, tức bát thánh đạo.
- Gotrabhūñāṇa: Chuyển tánh trí – từ bỏ phàm phu tánh để bước vào thánh tánh – đối tượng bây giờ không còn là danh sắc nữa mà đề mục đã là Niết-bàn.
- Maggañāṇa: Đạo trí hay thánh đạo tuệ – Đây là tuệ xuất tam thế, chỉ khởi lên 01 sát-na rồi diệt.
- Phalañāṇa: Quả trí hay thánh quả tuệ – Đây là trí thấy Niết-bàn lần thứ nhất trong đời – nó chỉ khởi lên 02 sát-na rồi diệt. Tuy nhiên, những bậc thánh có đắc định, có thể chuyển qua thánh quả định lộ trình tâm để giữ thánh quả tâm phát sanh liên tục vô số sát-na suốt trong thời gian trú thánh quả định [42].
- Paccavekkhanañāṇa: Quán sát trí – Đây là loại trí sau cùng, có phận sự xem xét lại, quan sát lại sự chứng đắc thánh đạo và thánh quả của mình [43].
Tóm lại, như đức Phật dạy: Người còn luân hồi là vì chưa thấy Tứ diệu đế bằng tuệ nhãn. Vậy, người thấy rõ Tứ diệu đế bằng tuệ nhãn như trên sẽ lần lượt chứng đắc tứ thánh đạo quả và Niết-bàn, được giải thoát khỏi vòng luân hồi tử sinh thống khổ và phiền não.
+ Thấy rõ Tứ diệu đế sẽ được những hạnh phúc là:
- Làm cho thấy rõ danh và sắc.
- Không còn si mê trong phiền não và khổ đau nữa.
- Làm cho giải thoát khỏi bể khổ luân hồi.
- Làm cho đắc được đạo quả.
- Đưa ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
- Không còn trong tam giới.
HẠNH PHÚC XXXIV
Nibbānasacchikiriyā: Nết hạnh làm cho thấy rõ Niết Bàn
(Chứng ngộ Niết-bàn)
Niết-bàn có nghĩa là ra khỏi vòng cương tỏa của ái dục, ý nói ra khỏi nơi bị trói buộc, hay ra khỏi luân hồi.
Niết-bàn có nghĩa là dập tắt lửa tham lam, sân hận, si mê.
Niết-bàn có nghĩa là không có sự kết dính, câu thúc, sai khiến bởi 10 kiết sử.
Phạn ngữ, Nam phạn nibbāna và Bắc phạn là nirvāṇa, đều được âm là Niết-bàn, nghĩa giống nhau, nhưng cần chiết tự cho dễ hiểu.
Ni có nghĩa là ra, đi ra; vana có nghĩa là phiền não, cũng có nghĩa là rừng. Theo thể thức văn phạm của phạn ngữ, chữ v của vana đổi lại b (bana) cho dễ đọc. Nếu đã đổi v thành b và chữ ni đứng trước nghĩa là “Ra khỏi phiền não”hay “Ra khỏi rừng”.
Tại sao lại gọi là “Ra khỏi rừng”? Vì rừng là nơi trú ẩn các loại dã thú, đầy nguy hiểm đối với người lạc đường. Rừng ấy ví như cõi sa-bà thế giới, đầy sự nguy hiểm và dã thú, là người ác, mà ta là người đi lạc trong luân hồi. Vậy người đi đến Niết-bàn là người đi ra khỏi rừng hay là ra khỏi luân hồi.
+ Niết-bàn có những đặc điểm :
- Hoàn toàn an tịnh là trạng thái.
- Bất tử là vị.
- Không giới hạn là hiện tượng.
+ Niết-bàn có hai hạng là:
- Sa-upādisesanibbāna: Hữu dư Niết-bàn. Niết-bàn của vị thánh nhân đã tới bậc A-la-hán mà chưa nhập diệt, còn mang thân ngũ uẩn này. Vậy hữu dư Niết-bàn là Niết-bàn còn dư sót phiền não, còn chịu sự tác động của các định luật nhiên giới lên thân và tâm.
- Anupādisesanibbāna: Vô dư Niết-bàn, nghĩa là khi vị A-la-hán dứt bỏ tấm thân nầy để nhập diệt thì không còn dư sót, dính mắc phiền não nào nữa.
+ Hai hạng Niết-bàn ấy có chỗ cũng gọi là:
- Kilesaparinibbāna: Phiền não Niết-bàn, ý nói vị thánh nhơn đã hoàn toàn chấm dứt mọi kiết sử, chưa nhập diệt; tên gọi khác của hữu dư y.
- Khandhaparinibbāna: Ngũ uẩn Niết-bàn, nghĩa là vị A-la-hán đã xả bỏ thân ngũ uẩn nầy, đã nhập diệt; tên gọi khác của vô dư y.
Đức Thế Tôn có dạy rằng: Như Lai nhờ tuệ nhãn, nhờ đã diệt được ái dục và tà kiến nên Như Lai thấy rõ rằng, khi người đắc A-la-hán quả mà chưa nhập diệt thì gọi là Hữu dư Niết-bàn, còn đã nhập diệt thì gọi là Vô dư Niết-bàn.
Rải rác trong kinh điển, đức Phật còn xác định rằng: Niết-bàn của các bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm cũng gọi là hữu dư Niết-bàn; vì các vị nầy là thánh nhơn nhưng chưa đi đến nơi hoàn toàn giải thoát.
Vậy, Niết-bàn ấy ra sao? Có thể nói ra cho mọi người cùng hiểu, cùng thấy, cùng biết, được chăng?
Niết-bàn không có hình thể nên không có gì ví dụ được.
Trong bộ kinh Mi-lan-đà vấn đạo, đại đức Na-tiên tỳ-khưu, có dạy đức vua Mi-lan-đà rằng:
“- Tâu đại vương! Niết-bàn không có chi sánh bằng, không thể chỉ hình thức được, và không thể nào đem ra nói bằng lời được, vì Niết-bàn tuyệt đối ngoài tất cả các sự vật.
Tâu đại vương! Chỉ có người hành minh-sát-tuệ thì càng ngày càng thấy rõ danh sắc, diệt trừ phiền não, tâm hoàn toàn không còn mê theo danh sắc, nghĩa là người hoàn toàn đến Niết-bàn. Người đắc Niết-bàn chỉ có riêng người ấy biết mà thôi, cũng như người bệnh, chính họ mới biết bệnh của họ đã thuyên giảm, vì khi bệnh hành thì khổ, mà chừng cái khổ ấy từ từ mất lần đi, thì người bệnh mới nhận thấy rõ rệt”[44].
Vì vậy, đức Thế Tôn dạy đắc pháp Niết-bàn ấy ở trong tâm, người trí tự mình giác hiểu.
Tôi có thấy trong bài kinh Nibbānasatrapali có một thầy bà-la-môn Jambūkhādaka thưa hỏi đại đức Xá-lợi-phất “Niết bàn là gì?”Ngài đã trả lời: “Không còn tham lam, sân hận và si mê – đấy tạm gọi là Niết-bàn, nầy đạo hữu!”
Và cũng có lần, nhân một vị tỳ-khưu thắc mắc về vấn đề Niết-bàn, đức Phật cũng trả lời y như thế. Tuy nhiên, thấy nhiều vị tỳ-khưu vẫn còn những mối nghi ngờ xung quanh “hiện thực” Niết-bàn, đức Thế Tôn đành phải đưa ra ví dụ:
“- Nếu có người đau nặng, rất nguy nan, gia đình mời một vị đại lương y đến chẩn mạch; thấy bệnh rất trọng, thầy bèn bốc thuốc bảo phải uống ngay! Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong trường hợp ấy, bệnh nhân nên uống thuốc ngay; hay không chịu uống mà cất tiếng hỏi: Thầy là ai? Từ đâu đến? Học thuốc với ai? Thuốc ấy là thuốc gì, vị gì?
– Bạch đức Thế Tôn! Người bệnh ấy phải lo mà uống thuốc ngay – chứ ai đời lại cất tiếng hỏi những lời vu vơ, ngớ ngẩn như thế!
Đức Phật kết luận: Cũng vậy, nầy các thầy tỳ-khưu! Như Lai xuất hiện ở cõi đời khổ đế nầy cũng với tư cách là một vị lương y – mà các thầy là những người bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch, chỉ còn chờ chết. Như Lai đã đưa ra những phương thuốc quý để chữa bệnh cho các thầy, các thầy đã không chịu uống, lại còn cất tiếng hỏi những lời vu vơ, ngớ ngẩn như Niết-bàn là gì? Niết-bàn ở đâu? Tại sao các thầy không chịu uống thuốc? Niết-bàn là nơi chấm dứt tất cả khổ. Vậy thì khi các thầy uống thuốc rồi, lành bệnh rồi, chấm dứt tất cả khổ rồi – thì các thầy sẽ tự biết lành bệnh sẽ ra sao, chấm dứt tất cả khổ sẽ ra sao! Đừng để bệnh chứng càng ngày càng thêm nặng, hãy uống thuốc đi – đầy là lời đầy từ ái và bi mẫn của Như Lai!”
Căn cứ theo Phật ngôn trên đây, ta nhận thấy đức Phật không dạy suông mặt lý thuyết, mà dạy chúng sanh thực hành rồi sẽ thấy kết quả và giá trị của việc làm.
Trở lại hữu dư và vô dư Niết-bàn, tôi xin nhắc lại câu Phật dạy trong phẩm Sattamasulla Dutivavagga ở bộ Itivuttaka rằng:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong kiếp hiện tại này, thầy tỳ- khưu nào là người xa phiền não,hết thụy miên phiền não, đã hoàn bị phạm hạnh, nhiệm vụ phải làm đã làm xong, đã quăng bỏ mọi gánh nặng, đã làm xong điều lợi ích cho mình, đã cởi mở mọi kiết sử – là nhân tạo ra các hữu đau khổ, phiền não – đã giác ngộ và giải thoát, song còn có ngũ uẩn, thì đó gọi là hữu dư Niết-bàn. Còn vị tỳ-khưu nào đã làm xong phận sự trên, đồng thời tịch diệt không còn ngũ uẩn nữa, gọi là vô dư Niết-bàn”.
Trong câu Phật ngôn trên đây, chúng ta để ý những cụm cừ quan trọng:
– Phiền não và hết thụy miên phiền não.
– Đã hoàn bị phạm hạnh.
– Nhiệm vụ phải làm đã làm xong.
– Đã quăng bỏ mọi gánh nặng.
– Đã làm xong điều lợi ích cho mình.
– Đã cởi mở mọi kiết sử.
– Đã giác ngộ và giải thoát.
Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu.
+ Phiền não và thụy miên phiền não:
Tiếng “phiền não”là ngụ ý chỉ tham, sân, si; và “hết thụy miên phiền não”là dứt được 4 trầm nịch [45]:
- Kāmāsava: Trầm nịch trong tình dục
- Bhavāsava: Trầm nịch trong tam giới
- Diṭṭhāsava: Trầm nịch trong tà kiến
- Avijjāsava: Trầm nịch trong vô minh [46].
+Đã hoàn bị phạm hạnh: Nghĩa là đã tu hành đúng theo 10 pháp: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh tuệ, chánh giải thoát.
+ Nhiệm vụ phải làm đã làm xong: Ý nói các ngài đã diệt được hết phiền não bằng giới, định, tuệ.
+ Đã quăng bỏ mọi gánh nặng: Các ngài đã quăng bỏ ba gánh rất nặng là:
- Khandhabbāra: Gánh nặng ngũ uẩn
- Kilesabbāra: Gánh nặng phiền não.
- Abhisaṅkhārabbāra: Gánh nặng nghiệp (tích lũy nghiệp, tàng trử nghiệp).
+ Đã làm xong điều lợi cho mình: Ý nói đã đạt lợi lạc tối thượng là quả vị A-la-hán.
+ Đã cởi mở mọi kiết sử là nhân của mọi sanh hữu: Đây chính là 10 kiết sử phiền não, chúng trói buộc chúng sanh, sai khiến chúng sanh, làm điên đảo chúng sanh, xoay chuyển chúng sanh, che mờ tâm trí chúng sanh:
- Sakkāyadiṭṭhi: Thân kiến
- Vicikicchā: Hoài nghi
- Sīlabbatāparāmāsa: Giới cấm thủ
- Kāmacchanda[47]: Thích thú trong trần dục
- Byāpada [48]: Sân hận
- Rūparāga [49]: Thích thú trong cõi sắc
- Arūparāga [50]: Thích thú trong cõi vô sắc
- Māna: Ngã chấp
- Uddhacca: Phóng tâm
- Avijjā: Vô minh [51].
+ Đã giác ngộ, giải thoát: Ý nói không còn lầm lẫn cho rằng vạn vật thường tồn tại, vạn vật đem lại an vui cho ta, và thân này là ta; vị ấy giác ngộ sự thật và hoàn toàn thành tựu chánh trí, giải thoát.
+ Thấy rõ Niết bàn được hạnh phúc là:
- Được an vui trong kiếp hiện tại.
- Không còn đọa vào ác đạo.
- Giải thoát khỏi khổ và phiền não.
- Được sự an vui hoàn toàn, tuyệt đối.
- Không còn luân hồi.
[1] Jambudīpa: Tàu âm là Diêm-phù-đề, chỉ bán đảo Ân Độ. Nếu dịch nghĩa là bán đảo có cây đào, cây mận đỏ.
[2] Ghi chú thêm để khỏi lẫn lộn. Brāhman: Đấng phạm thiên với nghĩa là thượng đế, sáng hóa chủ, sáng tạo chủ của bà-la-môn giáo. Brāhmā: Thần sáng tạo. Vishnu: Thần bảo tồn. Shīva: Thần hủy diệt. Brāhmaṇa: Thuộc dòng bà-la-môn, người bà-la-môn.
[3] Tất cả từ Pāḷi ở đây, đa phần do bổn xưa sai lạc nên không tìm ra từ gốc, nếu tìm ra nghĩa thì nó không chính xác theo lời giảng. (Quá mất thì giờ nên chỉ xin ghi chú tổng quát như thế).
[4] Không rõ tại sao lại có thêm phần này sau câu 16.
[5] Như lý tác ý: Hướng tâm đúng với lý như chân như thực.
[6] Thật ra là còn sáu em, 3 trai, 3 gái. Đó là Cunda, Upasena, Revata, Cālā, Upacālā, Sīsupacālā.Cậu bé này chính là Revata.
[7] Đây là Revata – chú bé lúc ấy mới có 7 tuổi.
[8] Tại một khu rừng, nơi có 30 vị tỳ-khưu đang hành đầu-đà.
[9] Xin chú thích lượt nữa, khi hành giả tu tập vipassanā mới có tuệ nầy – còn trong đời sống thường nhậtt, mọi suy nghĩ của nó chỉ là trí mà thôi.
[10] Rất nhiều hạng người không thể đắc quả trong kiếp này – nhưng ở đây không ghi chú, không xác định 4 hạng người ấy là ai. Theo Abhidhamma thì trong 8 thiện tâm tịnh quang, có 4 tâm có 3 nhân vô tham, vô sân, vô si; có 4 tâm chỉ có hai nhân là vô tham, vô sân. Trong đời này, sanh làm người nếu là dị thục tâm do 3 nhân vô tham, vô sân và vô si – thì người ấy được nhiều phước báu, ngũ quan toàn hảo, có trí và có khă năng đắc định, đắc đạo quả. Còn dị thục tâm của người nào chỉ có 2 nhân là vô tham, vô sân – nghĩa là không có vô si (tức không có trí) thì người ấy ít phước báu, ngũ quan có thể bị khuyết tật, thiểu trí và không có khả nặng đắc định, đắc đạo quả. 4 hạng người không thể đắc quả có thể là 4 hạng người chỉ có 2 nhân này chăng?
[11] Câu chuyện này được kết tập về sau, do các sư thuật lại, không rõ sự chính xác có đáng tin cậy không. Ta không thể tìm cách biện minh – như nhiều người đã làm – để che đậy bớt ý đồ, ác tâm, dối trá hư ngụy và tà kiến của Đế Thích được.
[12] Appamāṇa: Vô giới hạn. Appamaññā: Vô lượng, vô biên – chỉ tứ vô lượng tâm.
[13] Tàu âm chữ Sāvatthī.
[14] Cách giảng này chỉ nhằm cho đại chúng dễ nắm bắt khái quát. Nếu đi vào Kinh và Abhidhamma thì chúng phức tạp hơn nhiều. 1- Từ vô lượng: Gồm đủ lòng từ ái, thiện ý, hảo tâm, thiện ái, bác ái, nhiều tình thương; nhưng nghĩa chính xác hơn – là tình thương vô điều kiện, vô giới hạn, quảng đại bao trùm thiên nhiên, người vật và cây cỏ. Từ vô lượng là một năng lượng làm cho ta và chúng sanh cùng êm dịu, mát mẻ, an lành. Nó đối trị trực tiếp với các trạng thái tâm: sân, ghét, ác ý, nóng nảy, hung dữ… 2- Bi vô lượng: Là lòng bi mẫn, biết thương xót, biết rung động trước sự đau khổ, bất hạnh của người khác; muốn xoa dịu, ủi an người khác trước hoạn nạn, nghịch cảnh, thống khổ, neo đơn, cô quả, tai ương, tật nguyền, đói rách… Bi vô lượng là một năng lượng bao trùm đồng đẳng mọi chúng sanh đau khổ, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, nam nữ, trẻ già, huyết thống, ngu trí, hèn sang, tên tội đồ hoặc vị quân vương! Nó đối trị trực tiếp với các trạng thái tâm: hận thù, ác độc, bạo tàn… 3- Hỷ vô lượng: Nói cho dễ hiểu là mừng vui – nhưng là một trạng thái mừng vui thanh lương, nhẹ nhàng, vô nhiễm, thanh khiết, vắng lặng – nó vắng mặt bóng tối của tư kỷ, vị kỷ, vắng mặt các yếu tố, điều kiện từ thế giới vật dục lắm bụi bặm và phiền não. Hỷ vô lượng là một năng lực tự có từ bên trong, không nương nhờ các điều kiện phụ tùy từ thế giới vật chất ở bên ngoài. Nó là một năng lượng tuôn tràn từ một nội tâm có tu tập – một nội tâm đã làm cho lắng dịu mọi bất bình, oán ghét, ganh tỵ – là kẻ thù trực tiếp của nó. (Lưu ý: Chướng ngại trực tiếp của của từ, bi, hỷ đều có từ căn sân. Nhưng đối ngại của từ là sân, nóng nảy, ác ý, hung dữ. Đối ngại của bi là hận thù, ác độc, bạo tàn. Đối ngại của hỷ là ganh ghét, ganh tỵ.) 4- Xả vô lượng: Là quân bình, vô tư, không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng như không bất mãn trước những tình huống của cuộc đời; nói cách khác, trước những thành bại, được mất, khen chê, hơn thua, vui khổ… tâm xả vẫn điềm nhiên, an nhiên, bình lặng. Nó còn được ví như lá sen, không hề giữ lại mà làm trượt đi tất cả những giọt nước dù dơ, dù sạch từ đâu rơi xuống. Đối ngại trực tiếp của xả vô lượng là luyến ái và thiên chấp. Cuối cùng, điều cần lưu ý là tứ vô lượng tâm cần công phu thiền định miên mật, trường kỳ – không thể có trong đời sống bình thường. Từ, bi, hỷ chỉ có được từ đệ nhất đến đệ tam thiền; riêng tâm xả phải là đệ tứ thiền!
[15] Tapa rất nhiều nghĩa. Dù tapa nghĩa nào cũng không công trú với phạm thiên nếu không đắc các tầng thiền định.
[16] Cả đoạn này cũng cần được giải thích thêm. Bố thí mà không có trì giới thì chưa biết sinh vào cõi người và cõi trời nào; ngoại đạo cũng bố thí vậy. Bố thí mà có trì giới thường sanh vào cõi người hoặc trời có tốt đẹp, cả phú lẫn quý. Bố thí mà có bát quan trai giới nữa cũng chỉ sanh cõi người và trời có chánh kiến, gieo duyên giải thoát. Trì giới, nhất là bát quan trai giới, dĩ nhiên là thù thắng hơn bố thí nhờ giới hạnh trong sạch nhưng không thể sanh làm phạm thiên. Nếu có thể ví dụ được, thì phước bố thí chỉ sanh phú (giàu), không sanh quý (sang) – phước trì giới thì quý nhưng không phú. Cả bố thí và trì giới thì được cả phú lẫn quý – nhưng chỉ ở cõi người và 6 cõi trời dục giới mà thôi.
[17] Sammāsati: Sammā người ta thường dịch là chánh (chánh niệm) – nhưng thật ra sammā ngoài nghĩa là chánh mà còn là chơn, như thực, như chơn, chính xác, đúng, ngay, toàn diện, trọn cả… Vậy, trong bát chánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định đều được hiểu như thế để khỏi sai lạc khái niệm. Trong chánh niệm, không đơn thuần là niệm thân mà còn niệm thọ, niệm thân, niệm pháp. Tuy nhiên, đến giai đoạn vipassanā thì tất cả các niệm này đều là niệm như thực, niệm như chơn, như chánh.
[18] Lưu ý: Bà-la-môn giáo cũng có bát thiền và ngũ thông. Phải phân biệt cho rõ, tại sao các tầng thiền của ngoại đạo, ta lại gọi là tà định; các tầng thiền của Phật khác ngoại đạo ở chỗ nào mà được gọi là chánh định? Chỉ khác một điều, thiền định của Phật hướng đến giác ngộ, giải thoát – còn thiền của ngoại đạo, cũng đắc những tầng thiền như vậy nhưng họ dính mắc, sở đắc và chấp thủ.
[19] Phải dịch là học tập về tăng thượng giới. Tiếp theo là tăng thượng tâm và tăng thượng tuệ.
[20] Cần dụng ngữ tiếng Việt cho chính xác theo nghĩa Pāḷi: Hiểu và biết thuộc phạm trù của lý trí, trí năng; thấy và thấy rõ thuộc lãnh vực của tuệ giác, giác tri.
[21] Con số 12 này tác giả không giải thích, nhưng theo liệt kê ở phần 2 có 8 khổ, thêm chấp thủ ngũ uẩn và sanh, già, chết nữa là 12. Tuy nhiên, ta thấy nơi chỗ 8 khổ ấy có sự trùng lặp – ví dụ, cầu bất đắc là đầy đủ tất thảy nội dung: Trái ý nghịch lòng, thất vọng, bực tức, uất ức, không được như ý. Ví dụ, ái biệt ly, oán tăng hội là đầy đủ nội dung còn lại: Thân ái biệt ly, oán thù hội ngộ, ly biệt người yêu! Như vậy, chỉ cần tóm tắt 3 khổ: Cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tăng hôi là đủ cho nội dung ấy. Từ xưa đến nay, các vị kết tập sư chỉ cần cô đọng trong 8 khổ: Sanh, già, bệnh, chết, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tăng hội, thủ ngũ uẩn.
[22] Hao mòn, già nua, hư cũ.
[23] Quá khứ của động từ paripaccati, nghĩa là chín, thật chín, hoàn toàn chín.
[24] Vì có lẽ là bài thuyết pháp nên pháp sư chỉ giảng sơ lược. Xin bổ túc thêm một chút. Kāmataṇhā: Dục ái (biểu hiện của si) – tham muốn dục vật chất, hưởng thụ đắm say dục lạc ngũ trần – chỉ cõi dục giới, tức là từ cõi địa ngục đến cõi trời Tha hóa tự tại.
[25] Bhavataṇhā: Bhava là hữu nên nghĩa là hữu ái (biểu hiện của tham). Đây là lòng tham muốn, tham đắm, muốn chiếm hữu, muốn lưu giữ lại bên mình nhưng đối tượng khả ái, khả ý, khả lạc. Nói cách khác, khi yêu thích cái gì rồi thì muốn cái ấy ở mãi bên mình, với mình (hữu ái). Các vị trời phạm thiên có hạnh phúc rất thù thắng, thanh tịnh; có tuổi thọ bằng nhiều kiếp quả địa cầu nên họ mang ảo tưởng đã đạt được Niết-bàn với 4 đức tính thường, lạc, ngã, tịnh – rơi vào thường kiến.
Rūpataṇhā: Sắc ái – là ái dục trong cõi sắc, sắc giới – tức là yêu thích, tham muốn những cảm thọ tế vi của tinh thần, đấy là hỷ, lạc, xả của các tầng thiền định sắc giới. Vibhavataṇhā: Phi hữu ái (biểu hiện của sân) tức là tâm lý bực tức, bất mãn, chán ghét, oán hận, khó chịu khi đối diện với hiện tượng không vừa lòng, không thích ý với ta. Ta muốn đoạn diệt nó, chấm dứt nó, phi hữu hóa nó ngay. Trường hợp khác, có người cái gì cũng sợ mất, sợ hết, sợ chết nên hối hả hưởng thụ, quay cuồng, điên loạn hưởng thụ – lại rơi vào hư vô luận, đoạn diệt kiến – đoạn kiến. Arūpataṇhā:Vô sắc ái – là loại ái dục phát sanh do chán các sắc, sắc tướng, sắc pháp. Họ chán luôn cái thân sắc dù thô hay tế. Họ chỉ muốn sống với các ý niệm, khái niệm trừu tượng mà thôi. Tương ứng với loại ái dục này, họ từ bỏ các thiền sắc giới để tu tập các thiền vô sắc giới. Tại đây, họ không còn thọ hưởng các cảm thọ thô tháo nữa; hạnh phúc vi tế, thanh lương, cao sáng của họ là xả và định.
Tóm lại, cả ba loại ái dục trên không những tương ưng với 3 cõi: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới mà chúng còn biểu hiện trong đời sống thường nhật. Ai hằng sử dụng Vipassanā để tu tập, hiện quán, sẽ thấy rõ rằng:Lúc nào ta đắm say các đối tượng dục lạc ngũ trần với trạng thái tâm đờ đẫn, si mê thì đó chính là kāmataṇhā – si, dục ái. Lúc nào ta tham muốn, bị hút dính vào các đối tượng dục lạc ngũ trần mà không muốn xa rời, chỉ muốn chiếm hữu, muốn nó ở mãi bên mình – thì đây chính là bhavataṇhā – tham, hữu ái, thường kiến (Muốn trẻ mãi không già, muốn đóa hoa nở đừng tàn, muốn một chủ thuyết, một chế độ chính trị muôn năm bất diệt cũng rơi vào hữu ái, thường kiến này). Lúc nào tỏ ra chán ghét, không vừa lòng, không thích ý một đối tượng ngũ trần nào đó, ta muốn rời xa nó, chấm dứt nó, đoạn diệt nó, phi hữu hóa nó – thì đây chính là biểu hiện của vibhavataṇhā – sân, phi hữu ái, đoạn kiến.
Như vậy, dục ái, nếu tính 6 căn, 6 trần có 12 loại ái dục, tính thêm quá khứ, hiện tại, vị lai – thì dục ái, si, kāmataṇhā có 36 loại ái dục; hữu ái, tham, bhavataṇhā – tương tợ như trên cũng có 36 loại ái dục; phi hữu ái, sân, vibhavataṇhā – cũng có 36 loại ái dục như thế; tổng cọng 108 ái dục.
[26] Tuổi thọ của cõi trời thấp nhất là 9 triệu năm. Tuổi thọ của cõi trời phạm thiên cao nhất là 84 ngàn a-tăng-kỳ, khoảng hằng ngàn lần sự sinh diệt của quả địa cầu.
[27] Ái dục dẫn dắt đi tái sanh.
[28] Xin diễn đạt lại cho chính xác theo kinh điển: Khổ đế là phải thấy, Tập đế là phải diệt, Diệt đế là phải chứng, Đạo đế là phải thực hành.
[29] Tương tự như ghi chú ở trên, nhưng tôi muốn giải thích một chút nữa bằng dụ. Khi nghe một lời sỉ nhục, ta bực tức khó chịu, sân hận nổi lên, toàn bộ tâm sinh lý bị thiêu đốt. Nhờ có tu tập thiền quán nên ta thấy rõ, bèn sử dụng chánh niệm tỉnh giác rồi ghi nhận như thực “sân à, sân à”- một hồi thì thân tâm ta đã trở lại trạng thái bình thường, an tĩnh, mát mẻ vì sân hận ấy đã diệt mất rồi. Thử phân tích theo Tứ diệu đế: Ta thấy rõ sự thật một cái khổ ( khổ đế) là do sân hận (ái dục – tập đế); ta bèn sử dụng niệm, tỉnh giác (niệm đại biểu cho chánh niệm, chánh định; tỉnh giác đại biểu cho cho chánh kiến – tuệ – nói cách khác của bát chánh đạo – đạo đế) để nhìn ngắm như thực cái sân hận ấy, một hồi liền chấm dứt khổ (diệt đế). Vậy, nếu lập ngôn – dùng diệt đế và đạo đế để trừ diệt khổ đế và tập đế – thì không đúng với tu tập thiền quán vipassanā.
[30] Chánh tư duy là: Không dục tư duy, không sân tư duy, không hại tư duy.
[31] Ngoài 3 nghề trên còn 2 nghề khác nữa được coi là tà mạng: 1- buôn bán vũ khí như súng đạn, gươm giáo, cung tên… 2- Buôn bán độc dược, thuốc sâu rầy, ma túy…
[32] Chánh tinh tấn còn được gọi là Tứ chánh cần (sammappadhāna): 1- Tinh cần thu thúc, phòng hộ (saṃvarapadhāna): Ngăn ngừa, ngăn chặn không cho các bất thiện pháp chưa sanh, được sanh khởi ( Ác vị sanh, sử bất sanh). 2- Tinh cần đoạn trừ, đoạn diệt (pahānapadhāna): Các ác, bất thiện pháp đã phát sanh thì phải tinh cần, nỗ lực để trừ khử, đoạn diệt chúng (Ác dĩ sanh, sử trừ đoạn). 3- Tinh cần tu tiến (bhāvanāpadhāna): Các thiện pháp chưa sanh hãy tu tiến làm cho chúng phát sanh (Thiện vị sanh, sử phát sanh). 4- Tinh cần bảo tồn, trưởng dưỡng (anurakkhanāpadhāna): Các thiện pháp đã sanh rồi thì hãy nỗ lực bảo vệ, bảo tồn làm cho chúng được tăng trưởng lớn mạnh (Thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng).
[33] Pháp sư chỉ muốn cho thính giả biết khái lược nên giảng quá tóm tắt. Tứ niệm xứ khá phức tạp. Đây là những ngữ nghĩa cô đọng nhất, tinh yếu nhất. 1/ Thân quán niệm xứ (kāyānupassanā-satipaṭṭhāna): Quán tưởng, lấy thân sắc làm đề mục… ví dụ niệm thân chỉ là tứ đại, niệm hơi thở, niệm bốn oai nghi, quán tưởng 32 thể trược, tử thi… 2/ Thọ quán niệm xứ (vedanānupassanā-satipaṭṭhāna): Quán tưởng, lấy các đối tượng cảm thọ làm niệm xứ như khổ, lạc, xả, ưu, hỷ… 3/ Tâm quán niệm xứ (cittānupassanā-satipaṭṭhāna): Quán tưởng, lấy các trạng thái tâm làm đề mục niệm xứ – như tâm có tham, tâm không tham, tâm có sân, tâm không sân, tâm có si, tâm không si, tâm khinh an, tâm phóng dật, tâm cao thượng, tâm hạ liệt… 4/ Pháp quán niệm xứ (dhammānupassanā-satipaṭṭhāna): Quán tưởng, lấy các pháp trong khi tu tập làm đề mục niệm xứ – như 5 triền cái, 5 uẩn, 12 xứ, 7 giác chi, Tứ thánh đế…
[34] Xem thêm ghi chú 129, 130.
[35] Danh là phần tâm và tâm sở; nói cách khác, danh là 4 danh uẩn – thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là thân xác vật lý, là thân sắc – gồm nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn cùng 7 sắc đối tượng là sắc, thanh, hương, vị, xúc, địa, hỏa, phong.
[36] I/- Danh khởi sanh: Ví dụ, nhãn thức sanh. Cái biết của con mắt chỉ phát sanh khi gồm đủ 4 yếu tố: 1- Nhãn môn sẵn sàng tiếp nhận sắc. 2- Ánh sáng đủ. 3- Sắc trần có hình dạng rõ ràng. 4- Có tịnh nhãn căn tốt (thần kinh của mắt tốt). II/- Sắc khởi sanh: Có 4 nguyên nhân làm cho sắc khởi sanh. 1- Sắc khởi sanh do nghiệp (kammajarūpa): Thức tái sanh do năng lực của nghiệp – tìm gặp tinh trùng và noãn châu mà tạo ra săc đầu tiên của thai nhi. 2- Sắc khởi sanh do tâm (cittarūpa): Do hỷ, nộ, ái, ố hoặc đi đứng ngồi nằm… mà sắc chuyển động hoặc biểu hiện ra bên ngoài. 3- Sắc khởi sanh do thời tiết (utujarūpa): Lúc nóng, lạnh, gió, mưa… tác động mà tạo nên các sắc khác nhau. 4- Sắc sanh khởi do vật thực (āhārajarūpa): Do ăn uống, do vật thực mà tạo ra sắc thân, nuôi dưỡng và phát triển sắc. Ngoài ra, Ahidhamma còn cho ta biết đời sống của một sắc pháp, từ sanh đến diệt, diễn ra trong 17 sát-na tâm.
[37] 1- Danh diệt: Khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh (cũng là sắc) – một lộ trình tâm khởi lên để tiếp nhận, xử lý sắc ấy. Nếu muốn biết một sắc khắc thì cái biết trước (danh) phải diệt để nhường chỗ cho cái biết tiếp theo. Đây gọi là danh diệt. Có thể nói theo thường nghĩa thì cụ thể và dễ hiểu hơn: Ví dụ, một âm thanh thoáng qua tai, một tâm lý dễ chịu phát sanh (lạc thọ, danh), ta ghi nhận nó cho đến khi sự dễ chịu ấy diệt mất – đấy là danh diệt. 2- Sắc diệt: Tương tợ như trên. Một hình ảnh, một âm thanh, một mùi hương (đều là sắc) – phải thấy rõ chúng diệt (theo lộ trình tâm) – thì ta mới tiếp nhận hình ảnh khác, âm thanh khác, mùi vị khác.
[38] 1- Sự sanh diệt của danh pháp: Mỗi tâm – ví dụ nhãn thức – có đời sống 01 sát-na rồi nhường chố cho tâm khác (Theo chú giải, một lầng búng đầu ngón tay, tâm sanh diệt liên tục 1000 tỷ lần. Mỗi sát-na còn chia ra 3 tiểu sát-na). 2- Sự sanh diệt của sắc pháp: Sắc pháp có 4 trạng thái: Sắc sanh, sắc trụ, sắc già và sắc diệt. Đời sống của 01 sắc pháp kéo dài 17 sát-na tâm.
[39] Hành giả sẽ thấy rõ sự diệt mất liên tục của mỗi tâm và tâm sở (năng tri) và sự diệt mất liên tục của các sắc đối tượng (sở tri) – nhờ vậy, diệt được những lầm tưởng vô thường cho là thường, vô ngã cho là ngã.
[40] Sự muốn giải thoát này tương tợ như: Cá đang ở trong lưới. Nhái nằm trong miệng rắn. Gà rừng bị nhốt trong chuồng. Nai bị mắc bẫy. Voi rơi xuống hầm sâu. Long vương ở trong miệng điểu vương…
[41] Đây là trí quân bình tuyệt hảo, có tầm mức rất quan trọng – vì trí này chuẩn bị cho lộ trình tâm thánh đạo, ly thoát cõi dục, sắc và vô sắc; từ bỏ phàm phu tánh để thênh thanh bước vào miền đất tự do, giải thoát của thánh tánh. Và lộ trình thánh đạo ấy là như sau: 1- Parikamma: Chuẩn bị (thánh đạo tâm) – diễn ra 01 sát-na. 2- Upācāra: Cận hành (thánh đạo tâm) – diễn ra 01 sát-na. 3- Anuloma: Thuận thứ – 01 sát-na. 4- Gotrabhū: Chuyển tánh – 01 sát-na. 5- Maggacitta: Đạo tâm – 01 sát-na. 6.7- Phalacitta: Quả tâm – 02 sát-na. Lưu ý: 07 sát-na tâm này diễn ra ở tác hành tâm (javana). Và, 02 sát-na tâm chuẩn bị và cận hành chưa được gọi là trí – nên trí 12 tiếp theo sẽ là thuận thứ trí – tức là trí thuận với dòng tâm đi trước, thuận với dòng tâm đi sau; nói cách khác, thuận với các trí đi trước và thuận với 37 phẩm trợ đạo đi sau. Từ đây, hành giả bắt đầu đi vào thánh đạo tâm.
[42] Đây là thiền quán vipassanā trên lộ trình đạo quả tứ thánh. Ví dụ Tu-đà-hoàn thì có Tu-đà-hoàn đạo, quả; Tư-đà-hàm đạo, quả… Nếu Tu-đà-hoàn thì mới cắt được 3 kiết sử thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ – được xem như thấy rõ một phần Niết-bàn lần thứ nhất trong đời. Tư-đà-hàm thì làm nhẹ bớt 02 sợi giấy tình dục và bất bình. A-na-hàm thì cắt đứt hẳn 05 sợi giấy ấy. Đến A-la-hán mới cắt đứt trọn vẹn 05 sợi còn lại: sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm và vô minh.
[43] Quan sát 5 điều: 1- Thấy rõ thánh đạo. 2- Thấy rõ thánh quả. 3- Thấy rõ Niết-bàn lần đầu. 4- Thấy rõ những phiền não đã diệt. 5- T hấy rõ những phiền não chưa diệt (trong 10 kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình, sắc ai, vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm, vô minh).
[44] Tôi thấy đoạn vấn đáp giữa đức vua Mi-lan-đà và đại đức Na-tiên rất thú vị, xin trích ra đây để hầu bạn đọc.
“Vua Mi-lan-đà:
– Đại đức nói rằng có Niết-bàn, trẫm cũng tin như thế; nhưng nó ở đâu? Đông, tây, nam, bắc, thượng, hạ, trung?
Tỳ-khưu Na-tiên:
– Ở một nơi nào đó, một chỗ nào đó thì không phải là Niết-bàn, tâu đại vương!
– Thế là đã rõ!
– Đại vương rõ ra sao ạ?
– Thưa, rõ là không có Niết-bàn. Nó chỉ là hư vô, không tưởng! Niết-bàn đã là không có thì làm gì có chuyện tỏ lộ Niết-bàn, tỏ ngộ Niết-bàn? Và lại càng không có cái gọi là an trú Niết-bàn? Tại sao lại như thế? Vì khái niệm “trú”- là phải có một địa cư, một nơi chốn, một miền, một xứ, một cõi, một cảnh… để nương gá ở đấy, trú ở đấy… Ví dụ như ruộng là nơi nương trú của rất nhiều chủng loại lúa. Ví như quả đất là nơi nương trú của người, vật, núi sông, chim muông, cây cỏ… Vậy, nếu Niết-bàn không có một chỗ nào cả – thì chữ “trú”này không được thành lập, “trú”không được thành lập thì “tỏ rõ, tỏ lộ”Niết-bàn cũng không được thành lập; nếu “tỏ rõ, tỏ lộ”Niết-bàn không được thành lập thì “người chứng ngộ”Niết-bàn cũng không được thành lập! Thế, Niết-bàn ấy chỉ là không, khoảng không, không có gì cả! Tất cả không, thưa đại đức!”
Tôi chỉ trích một đoạn, vua Mi-lan-đà với lý luận logic, đanh thép – như đẩy tỳ-khưu Na-tiên đến tuyệt lộ; vậy thì vị đại đức của chúng ta sẽ trả lời như thế nào để sau rốt, vị vua hùng biện này đành phải khâm phục, chấp nhận lời giải thích của đại đức đã giúp ông ta cắt đứt tất thảy mọi nghi ngờ! Ai muốn nghiên cứu, tò mò để tìm lời giải đáp “hóc búa”này, xin hãy tìm đọc Mi-tiên vấn đáp của Hòa thượng Giới Nghiêm, NXB Phương Đông, năm 2009 (trang687-690).
[45] Trầm là chìm đắm, nịch cũng có nghĩa chìm đắm, mê say.
[46] Còn gọi là 4 lậu hoặc (cattāro āsavā). 1- Dục lậu (kāmāsava) – có nghĩa là tươm ra, rỉ ra, tiết ra sự dơ bẩn, bợn nhơ, xú uế…; chỉ cho sự si mê đắm say dục lạc ngũ trần. 2- Hữu lậu (bhavāsava) – chỉ cho tất thảy mọi sanh hữu – dục, sắc và vô sắc. 3- Kiến lậu (diṭṭhāsāva) – chỉ cho tất thảy mọi kiến chấp (cụ thể là 62 tà kiến được đức Phật đề cập trong kinh Phạm võng). 4- Vô minh lậu (avijjāsava): Trạng thái mê mờ không thấy ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên, tứ đế…nên tạo ra vọng nghiệp khổ đau.
[47] Đúng ra phải là Kāmarāga. Lưu ý: Những nhà nghiên cứu, những học giả, những người biên soạn kinh sách thường không phân biệt được sự khác nhau của các từ: ước muốn, dục, tham, ái, tình dục… nhưng Pāḷi thì rất rõ. Chanda: ước muốn thuần túy (chưa có tội gì, ví như khát muốn uống, đói muốn ăn). Lobha: tham. Abhijjā: Tham lam. Macchariya: Gốc tham, gian tham đến độ xan lẩn, hà tiện, bỏn xẻn, keo kiệt… Kāma: Dục – chỉ những tham muốn ngũ trần. Taṇhā: Chỉ tất cả các ái (gốc ái dục trong vô minh và ái dục); nếu là ái dục giới thì gọi là Kāmataṇhā (dục ái); nếu là ái sắc giới thì gọi là Rūpataṇhā (sắc ái); nếu là ái vô sắc giới thì gọi là Arūpataṇhā( vô sắc ái). Riêng tình dục thì có từ Rāga có nghĩa là khát khao dục tình.
[48] Byāpada: Ác cảm, ác ý, oán hận ( nhẹ hơn hận thù (paṭigha). Từ này cũng vậy. Dosa: sân (gốc), nóng nảy, bất bình, khó chịu. Domanassa: Ưu, lo nghĩ, bực bội, buồn bực (gốc sân). Paṭigha: Hận, hiềm thù, ghét bỏ (Khi gặp một đối tượng làm cho ta bất bình, nóng nảy, khó chịu, không ưu thích… thì trạng thái sân ban đầu khởi lên (gốc sân); nếu sân này (dosa) tồn tại lâu, lưu giữ mãi trong tâm (thủ) thì sân này nó tăng cường độ, âm ỉ, âm thầm đốt cháy ở trong tâm – sẽ phát sanh ưu (domanassa) – tức là bực bội, buồn bực, lo nghĩ; cao độ hơn nó sẽ biến thành hận (paṭigha), ghét bỏ, hận thù, hiềm thù, hiềm hận – muốn công phá đối tượng, đập bỏ đối tương, đánh giết đối tượng).
[49] Rūpataṇhā: Sắc ái.
[50] Arūpataṇhā: Vô sắc ái.
[51] Đấy là 10 kiết sử được y cứ để tu tập tứ thánh đạo quả – giống với Thái và Myanmar. Tuy nhiên, trong “Thắng pháp tập yếu luận”của ngài Minh Châu có đưa ra 10 kiết sử của Abhidamma và 10 kiết sử của Nikāya có khác chút ít:
* Abhidhamma: Dục ái kiết sử (kāmataṇhāsaṃyojana), Hữu ái kiết sử (bhavataṇhāsaṃyojana). Sân hận kiết sử (paṭighasaṃyojana). Mạn kiết sử (mānasaṃyojana). Kiến kiết sử (diṭṭhisaṃyojana). Giới cấm thủ kiết sử (sīlabbataparāmāsasaṃyojana). Nghi kiết sử (vicikicchāsaṃyojana). Tật kiết sử (issāsaṃyojana). Xan kiết sử (macchariyasaṃyojana). Vô minh kiết sử (avijjāsaṃyojana).
*Nikāya: Dục ái kiết sử, sắc ái, vô sắc ái, sân, mạn, kiến, giới cấm thủ, nghi, trạo cử, vô minh.