KỆ NGÔN IV

HẠNH PHÚC XI

Mātā-pitu upaṭṭhānaṃ: Nết hạnh phụng dưỡng mẹ cha

(Hiếu thuận bậc sinh thành)

 

 Những lời Phật dạy trong 38 điều hạnh phúc được phân ra từng giai đoạn:

Mười pháp hạnh phúc đầu tiên, từ I tới X dạy ta tự sửa chữa và lo cho bản thân trở nên lành tốt hơn để tạo lấy một số vốn cho mình. Hạnh phúc thứ XI trở đi, dạy ta những pháp để biểu tỏ, biểu hiện nết hạnh tốt của mình ra ngoài bản thân. Những nết hạnh tốt đó, đức Phật đã dạy trong câu kệ thứ tư như vầy:

“- Mātā-pitu upaṭṭhānaṃ

Putta-dārassa saṅgaho

Anākulāca kammantā

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

(Hiếu thuận bậc sinh thành

Dưỡng dục vợ và con

Sở hành theo nghiệp chánh

Là phúc lành cao thượng)[i]

Nghĩa là: Nết hạnh phụng sự mẹ cha. Nết hạnh tiếp độ con và vợ. Nết hạnh làm những điều vô tội. Đây là ba điều hạnh phúc cao thượng.

3 điều trong câu kệ nầy dạy ta đem an vui đến cho những người ở ngoài bản thân ta, ở chung quanh ta trước sau có thứ tự, từ người nào gần ta hơn hết trước, rồi mới đến người ở xa ta sau. Mà ai là người gần nhứt? Gần ta nhứt, một là mẹ hai là cha, ba là con, bốn là vợ.

Trong điều hạnh phúc XI nầy, vô tình hay hữu ý mà đức Phật sắp xếp những người thân của ta theo thứ tự là mẹ, cha, con, rồi mới vợ?

Tại sao đức Phật lại sắp mẹ trước cha? Con trước vợ? Có phải là vì mẹ đối với con có công ơn lớn hơn nhiều so với cha hay không?

Vấn đề nầy thường gây ra tranh cãi, tranh biện giữa các tín đồ. Có người cho rằng, mẹ có công ơn lớn hơn cha, vì mang nặng đẻ đau; lại còn có công dưỡng nuôi bú mớm và chăm sóc con cái nhiều hơn cha. Hơn nữa, khi đức Thế Tôn còn tại thế là thời kỳ phụ hệ, mà ngài lại không kể ơn cha trước ơn mẹ, thì đủ thấy rằng, theo ngài, thì mẹ có nhiều công đức hơn cha!  Vì vậy cho nên ngài mới thuyết pháp hằng ba tháng và thuyết toàn những pháp có ý nghĩa cao siêu, mà ta gọi là tạng Luận [ii] để độ Phật Mẫu.

Có người lại bảo rằng, cha có công đức nhiều hơn, vì nếu không có cha thì không có mẹ và cả không có con! Bằng chứng hiển nhiên là thái độ của đức Phật đối với phụ vương ngài. Lúc đức Thế Tôn biết phụ vương bệnh nặng sắp thăng hà, ngài ngự về thành thuyết pháp luôn 7 ngày đêm để độ phụ vương đắc A-la-hán quả; và sau đó, chính tự tay ngài tẩm liệm phụ vương và kề vai khiêng quan tài khi đưa ra làm lễ trà-tỳ.

Hai lập luận trên đây đều có lý, nhưng sự thật không có đoạn kinh nào đức Thế Tôn dạy rằng một vị nào trong hai vị đó có ơn nhiều hơn hay ít hơn; mà là bằng nhau cũng không nghe nói đến!

Nguyên trước khi đức Phật thuyết pháp độ hai đấng sinh thành, ngài đều dùng trí tuệ quan sát để hiểu rõ căn, cơ cũng như duyên lành của mỗi vị. Ngài biết rằng, Phật mẫu phải nghe pháp ấy mới đắc quả, mà chỉ là quả Tu-đà-hườn thôi. Lại nữa, chư thiên đồng đến thính pháp trong lúc ấy, do họ có thân sắc tế vi, các trạng thái tâm tế nhị – nên đức Phật phải thuyết tạng Abhidhamma mới đúng căn cơ của họ, mới có hiệu quả. Còn đối với phụ vương, sở dĩ đức Phật đợi vua cha khi gần thăng hà ngài mới thuyết một ngàn câu kệ ròng rã bảy ngày đêm [iii] hầu độ cha đắc quả A-la-hán, mà không thuyết pháp cho cha nghe trước khi ấy – vì vốn bậc Điều Ngự trượng phu, ngài biết rõ cơ duyên nào giúp đức Tịnh Phạn vương đắc quả! Nếu không đúng lúc, đúng thời thì dầu có thuyết đến hàng triệu câu kệ cũng bằng thừa, nên đức Phật đợi đến khi duyên lành chín muồi rồi ngài mới thuyết.

Nói tóm lại, không phải vì thuyết pháp nhiều hay ít, cao hay thấp mà bảo đức Phật đo lường công ơn của cha mẹ. Dầu độ cha hay mẹ, ngài cũng rất hết lòng làm tròn phận sự của mình. Ngay đối với chúng sanh, nếu ai có duyên, ngài cũng không thối chí ngã lòng – chẳng hạn như tên sát nhân hung tàn nhứt trong thời kỳ ấy, tên Aṇgulimāla (Vô Não) đã rượt ngài cả ba do tuần để giết, mà ngài vẫn độ cho kỳ được. Tâm của đức Phật đối với chúng sanh rất bình đẳng, không hề phân biệt thân, thù; ngài chỉ do nơi căn cơ và duyên lành của họ mà tế độ thôi.

Đến đây, người ta có thể hỏi: Vậy tại sao đức Thế Tôn lại dạy phụng sự mẹ, cha?

Như tôi đã nói trên kia, là ta nên đem lợi ích cho người nào gần ta hơn hết. Chắc chắn ai cũng công nhận rằng, ta là người gần mẹ nhiều hơn hết, hay ngược lại, mẹ ta là người gần ta hơn ai hết. Bảo rằng ta gần mẹ, không phải ta mặc nhiên khẳng định công mẹ lớn hơn công cha. Nhưng người gần mình nhứt, là người mà mình có nhiều dịp giúp đỡ nhất. Theo ý đức Thế Tôn dạy thì không phân biệt công ơn của hai vị mà tùy trường hợp nào có thể giúp thì giúp lập tức.

Phận sự làm con phải biết công ơn cha mẹ và lo đền đáp đó là con đường đi của các bậc thánh nhơn, của Đức Phật. Đức Phật có dạy rằng, hiếu thảo là con đường đi của các bậc bồ-tát.

Trong một kiếp nọ, đức Phật sanh làm đạo sĩ có tên Sonapaṇḍita, ngài có dạy cho một vị vua về sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Ngài dạy toàn bằng kệ ngôn, câu kệ nầy trong bộ Túc sanh truyện gọi là Sonananda, đại lược như sau: “Cha, mẹ hy sinh tất cả các sự hạnh phúc cho con. Khi bà mẹ biết rằng, trong mình thọ thai, chưa biết mặt con ra sao, trai hay gái, nhưng lòng vẫn băn khoăn lo sợ, hằng van vái thai bào được bình an. Như vậy cũng vẫn chưa vừa lòng, bà còn đi coi bói cho biết con trai hay con gái rồi coi năm tháng ngày sanh có tốt không; lại còn tìm hỏi các bậc lão thành coi khi có thai phải kiêng cử những gì, ước mong và cầu khẩn xin cho sanh quí tử”.

Những điều làm khổ cho cha mẹ nhứt là bệnh ốm nghén. Bệnh ốm nghén là bệnh rất lạ, khiến thèm những món ăn mà khi chưa có thai thường không thích.

Tôi xin nhắc lại chuyện ốm nghén của hoàng hậu đức vua Bình-sa vương (Bimbisāra),khi có thai thái tử A-xà-thế (Ajātasatthu). Bà thèm uống máu của vua, và vì biết sự thèm muốn ấy là xấu xa, bất thiện nên không dám nói ra đến đỗi sinh ra ốm gầy, suy nhược. Đức vua thấy thế, phán hỏi nhiều lần bà mới dám nói ra sự thật. Vị vua hào sảng, thương vợ thương con này chẳng lấy thế làm điều, liền rút gươm đang đeo bên mình, xẻ chút bắp vế cho ra huyết để vợ uống. Từ đó bà mới không còn thèm uống máu nhà vua nữa. Tin nầy thấu đến tai triều thần, các thầy bà-la-môn đoán điềm, biết rằng, sau nầy thái tử sẽ giết vua, nên họ khuyên vua nên giết đi hay đem quăng bỏ lúc nó vừa lọt lòng. Nhưng tấm lòng cha thương con không bờ bến, nên vua vẫn nuôi con như thường và đặt tên là “ajātasatthu”, có nghĩa là kẻ thù trước khi sanh. Đúng là sau này thái tử giết cha và giam mẹ!

Nhắc tích nầy để quí vị thấy lòng thương con của cha mẹ không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Vì vậy ta không thể phân biệt được công ơn của cha mẹ ai hơn ai.

Chẳng những bà mẹ có công đức, mang nặng đẻ đau mà thôi, bà lại có thêm cái biệt tài là biết cách nuôi dưỡng, săn sóc khi con còn nhỏ. Khi chưa biết nói mà bà đã hiểu ý muốn của nó. Nghe con khóc lật đật bồng ẵm vào lòng vỗ về chẳng luận ngày đêm, sớm khuya, trưa tối. Nếu dỗ không nín bà cho bú, hoặc tìm thế dỗ cho đến khi con nín mới thôi. Vì vậy đức Phật gọi mẹ là posenti nghĩa là người phụ nữ biết vỗ về, săn sóc, nuôi dưỡng đứa bé từ khi còn trong thai nhi đến khi lọt lòng.

Trong Majjhimanikāya có bài kinh dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Cha mẹ là đấng có tâm rất lành đối với con. Bắt đầu từ khi vừa thọ thai bà mẹ đã hết sức lo bảo vệ thai bào, còn ông cha thì lo thang thuốc, cả mười tháng như vậy. Các thầy tỳ-khưu nầy! Bà mẹ hết sức lo lắng và cố gắng săn sóc con, không nài cực nhọc, không một việc nhỏ nhen nào mà bà không quan tâm tới; chính bà là người sang sớt máu huyết cho con, chẳng những lo cho con khi còn trong thai, mà mãi đến khi vừa sanh ra cho đến lúc lớn khôn, mẹ và cha hằng lo lắng, chăm sóc đến khi nào hai ông bà từ bỏ cõi đời nầy mới thôi! ”.

Mẹ và cha khi biết mình đã có con, thì hai ông bà tiết kiệm tiền của để cho con, lắm khi vì lòng thương con mà dám làm tội ác, để có tiền nuôi con, hoặc để dành cho con về sau. Khi nào con đi đâu về trễ, ông bà lo sợ, dựa cửa ngóng trông, sợ con gặp tai nạn.

Vì vậy, đức Phật dạy: Cha mẹ đối với con có bốn đức, là từ, bi, hỉ và xả. Lại có câu kệ ngôn dạy rằng: “Ubhopi ce te brahmā pubbadevā pubbacāriyā ahuneyyati ca vuccati”. Nghĩa là: Đối với hai đấng đại ân nhân ấy, đức Phật có ban cho bốn hồng danh là: Phạm thiên, chư thiên thuở đầu, vị tôn sư trước nhất và cuối cùng là bậc đáng cúng dường.

* Hồng danh thứ nhứt: Phạm thiên, có nghĩa là cao quí, ý nói cha mẹ nuôi dưỡng con được hoàn toàn không nài khó nhọc, vì cha mẹ có tứ vô lượng tâm, nghĩa là tâm cao quí không lấy gì đo lường được. Bốn tâm ấy là mettā – từ; karuṇā – bi; muditā – hỉ; upekkhā – xả.Bốn tâm nầy [iv] giờ phút nào cũng ở trong cha mẹ và hằng ban bố đến con, mặc dầu con đã lớn khôn, đã nên quan to, giàu có; ví cũng như vị phạm thiên, bao giờ cũng niệm tứ vô lượng tâm không ngừng nghỉ. Vì lẽ ấy, nên đức Phật mới cho cha mẹ hồng danh là phạm thiên.

Bốn tâm vô lượng ấy phát sanh đến cha mẹ từ bao giờ?

Tâm từ phát sanh đến cha mẹ, kể từ khi bà mẹ biết mình thọ thai. Ngày từ khi ấy, cha mẹ lo lắng mong thấy mặt con, muốn biết coi con ấy là trai hay gái, đẹp hay xấu, có tật bệnh gì không. Hằng mong cho con được an vui, mát mẻ, sức khỏe tốt. Suy tư như thế gọi là tâm từ đã phát sanh.

Tâm bi có, từ khi bà mẹ vừa sanh con ra khỏi lòng. Mặc dầu trong khi ấy mẹ còn đau đớn cực nhọc, nhưng khi nghe tiếng con khóc, mẹ xót thương cho con, lo nghĩ đến con, thương con và lo sợ cho sức khỏe của con. Lòng mẹ cha thương con với tâm bi mẫn ấy thật không bờ bến nào mà kể cho xiết. Chính tấm lòng xót thương ấy chính là biểu hiện của tâm bi.

Tâm hỉ có, từ khi con vừa biết đi đứng cho đến khi lập gia đình, đến khi cha mẹ chết. Cha mẹ thấy con càng an vui càng mừng và càng cầu nguyện cho con thêm, không bao giờ cha mẹ biết ganh tị với con về hạnh phúc của con. Mặc dầu con có nuôi cha mẹ hay không, cha mẹ cũng không đòi hỏi và cũng không than van phiền trách. Chính sự mừng vui với con này là trạng thái của tâm hỷ.

Tâm xả phát sanh lên, khi con khôn lớn có gia đình giàu hay nghèo chẳng hạn, mà không lo phụng sự hoặc giúp đỡ cha mẹ, cha mẹ cũng không bao giờ buồn và không đòi hỏi chi ở con. Mặc dầu con có lầm lỗi phạm thượng cha mẹ vẫn vui lòng tha thứ, không có oán ghét gì như người dưng kẻ lạ. Đây chính là trạng thái của tâm xả.

* Hồng danh thứ nhì: Đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên thuở đầu, bởi cha mẹ là người duy nhất cố tâm đem hạnh phúc lại cho con, không bao giờ cố chấp lỗi lầm nào của con, không muốn con mình bị tai nạn. Thời kỳ đức Phật còn tại thế, người thời ấy chỉ biết tin ở một đấng siêu việt có thể tiếp độ chúng sanh về thiên đàng, mà người thời ấy gọi là chư thiên; vì lẽ ấy nên đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên buổi đầu của con.

* Hồng danh thứ ba: Đức Phật gọi cha mẹ là vị tôn sư trước nhứt bởi cha mẹ là thầy tổ dạy con đủ mọi việc, từ ăn, ngủ đến nhân, nghĩa, đạo đức luân thường, trước hơn tất cả các vị tôn sư sau nầy của con.

* Hồng danh thứ tư: Đức Phật gọi mẹ là bậc đáng thọ lãnh của cúng dường, vì chỉ có cha mẹ đáng thọ lãnh tất cả mọi vật dụng của con đem đến dâng cúng.

Lòng thương và lo cho con của cha mẹ không bờ bến như thế nên bổn phận làm con có phận sự phải phụng dưỡng cha mẹ cho tròn chữ hiếu. Người con nào không lo tròn đạo hiếu, thì người ấy không phải là một người đáng làm bạn, mà cũng không xứng đáng làm chồng hay vợ; cũng không thể làm một công dân tốt của đất nước, của bất cứ một quốc gia nào. Con cái mà bất hiếu thì còn thua cây gậy của cha mẹ, chẳng khác nào năm đứa con trong sự tích sau đây:

“- Theo Pháp cú kinh, thuở nọ đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc – khi ấy có một vị bà-la môn rất giàu, ông có năm người con trai đã lập gia đình.

Sau khi vợ ông đã quá vãng, ông muốn cưới vợ bé để coi sóc gia đình, năm con dâu nghe vậy mới bàn với năm người chồng rằng: “Nay cha đã già rồi mà còn cưới vợ nhỏ về làm gì? Để chúng tôi thay phiên nhau săn sóc cho cha, không hơn sao?”

Năm người con trai mới đến hầu cha, trình bày tự sự. Ông bằng lòng chia của ra làm năm phần cho năm người con, còn ông thì ở đậu với năm con, hết đứa này đến đứa khác. Ban đầu năm cô con dâu đối với ông rất tử tế, sau lần lần phai lợt; sau cùng cả năm người con dâu đều bỏ ông, không lo săn sóc, trái lại còn xua đuổi ông. Ông không thể chịu nổi cảnh hất hủi ấy nên bỏ nhà đi xin ăn ở đầu đường xó chợ thật là khổ sở.

Ngày nọ ông gặp được một người bạn cũ, bèn thuật hoàn cảnh của ông, và xin người bạn tìm phương cứu giúp. Người bạn đáp: “Tôi không biết phương pháp nào giúp bạn được, vậy bạn hãy vào chùa Kỳ Viên, để chờ đấng Đại Bi là đức Thích Ca Mâu Ni, ngài là bậc có đủ khả năng cứu vớt tất thảy mọi người cả vật chất lẫn tinh thần”.

Đêm rằm có rất nhiều tín đồ đến nghe pháp, mà trong ấy có mặt năm người con trai của ông bà-la-môn bị hắt hủi và cả đức vua Ba-tư-nặc (Pāsenadi). Sau khi dứt thời pháp, tín đồ đứng lên đi ra. Ông bà-la-môn đứng lên nói: “Xin quý vị thiện nam tín nữ và đàn-na thí chủ, hãy tạm dừng lại để cho lão bộc bạch đôi lời. Có lẽ quí vị không quên già này, trước đây là một vị trưởng giả trong thành này. Hôm nay, già này phải đi xin ăn. Thật ra già có con, mà con của già không bằng cây gậy này; vì cây gậy này, già còn nhờ được để chống đi, ngừa lúc chân run, tay yếu, hoặc để đuổi chó, đánh mèo; còn con của già, khi được chia của cho, lại bỏ già đi xin ăn như thế này đây!”

Tín đồ, cư sĩ có mặt nơi ấy nhứt là đức vua liền hỏi ai là con ông. Ông chỉ mặt từng người. Đức vua và công chúng rất công phẫn, muốn giết hết năm người con bất hiếu nhưng ông xin tha tội cho. Năm đứa con ấy mới thấy lòng xả của cha, bèn ăn năn, xin đem ông về nuôi dưỡng. Khi ông về nhà, mấy người con dâu tỏ vẻ bất bình, nhưng năm người con trai ông nói rằng: “Nếu các người không bằng lòng thì cứ tự tiện ra đi, chứ chúng tôi không thể đê hèn, không thể vô dụng hơn cây gậy của cha chúng tôi được”.

Nhắc lại tích này, tôi muốn nhắc nhủ rằng, làm con không biết phụng dưỡng cha mẹ, hay phụng dưỡng một cách miễn cưỡng còn thua các loài ăn cỏ! Và điều thứ nhì, tôi muốn cho mọi người thấy rằng, đức Thế Tôn chẳng những cứu người khỏi vòng trầm luân sinh tử khổ mà thôi; riêng về vật chất, tuy ngài không trực tiếp giúp đỡ, nhưng đạo hạnh và uy tín của ngài cũng đủ sức cứu độ.

Đức Phật dạy rằng: “Các bậc trí thức đều kính trọng những người phụng dưỡng cha mẹ; và người biết phụng dưỡng cha mẹ sẽ gặp nhiều sự an vui là do nhờ phước quả của sự phụng dưỡng ấy”. Như sự tích Túc sanh truyện sau đây:

“- Khi xưa có một con kên kên rất hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ kên kên vì già không thấy đường, không thể đi kiếm ăn được, chỉ nhờ con đi kiếm mồi về nuôi, và đem cỏ rác về làm tổ cho ở. Ngày nọ kên kên con đi kiếm mồi, rủi mắc chân vào bẫy của một anh thợ săn. Kên kên khóc. Anh thợ săn thấy vậy mới hỏi: “Người đời thường bảo rằng, kên kên có mắt rất tỏ, thấy rõ các tử thi ở rất xa, vậy tại sao ngươi lại mắc vào bẫy của ta, ngốc thế!”

Kên kên mới nói: “Nầy anh thợ săn, có hai điều mà ai ai cũng không trông thấy được: Một là tai nạn và hai là cái chết! Nó đến bên ta, ta cũng không trông thấy, mặc dầu ta có mắt thấy ngàn dặm. Còn nữa, vì tâm tôi cứ mãi lo kiếm ăn để phụng dưỡng cha mẹ mù lòa nên tôi lại càng không trông thấy cái bẫy của ông!”

Anh thợ săn nghe vậy, lấy làm kỉnh mộ và mến yêu – vì nghĩ rằng, kên kên nầy không những có trí tuệ, biết ăn nói khôn ngoan như bậc hiền triết; lại còn có tâm phụng hiếu cha mẹ nữa, thật đáng trân trọng – ben thả kên kên ra. Khi được thả, kên kên lật đật kiếm mồi về nuôi cha mẹ. Kên kên ấy là tiền thân của đức Thế Tôn.

Trong bài kinh Brāhmasutta, đức Thế Tôn có dạy với đại ý rằng: Cha mẹ là hai đấng có công ơn vô lượng vô biên đối với con. Nếu người con nào có hiếu, thâu phục năm châu bốn biển để cho cha mẹ cai trị, hưởng sự an lạc như thế là cùng tột rồi – nhưng cũng chưa gọi là đáp đền được công ơn sanh dưỡng trong muôn một. Vì người ấy chỉ lo phần vật chất cho cha mẹ, hay có thể nói là chỉ lo cho cha mẹ kiếp hiện tại thôi. Lại nữa, dẫu đế vị, vương vị là tột đỉnh cao sang, nhưng làm sao chạy khỏi tội lỗi, thoát khỏi nhân quả trả vay, sinh tử luân hồi trong 6 đường khổ? Vậy, phàm người con có hiếu phải cố gắng làm sao cho cha mẹ biết tu hành để giải thoát, hay làm sao cho cha mẹ có 4 pháp [v] này trong tâm, nghĩa là biết thực hành theo con đường tiến hóa cao thượng:

  1. Saddha: Đức tin, nghĩa là tin tam bảo, tin nghiệp.
  2. Cāga: Bố thí hay dứt bỏ, tức là dứt bỏ lòng tham lam, bố thí của tiền cho người nghèo khổ (đây là nguyên nhân đem lộ phí theo về ngày vị lai).
  3. Sīla: Trì giới, là giữ cho thân, khẩu được an tịnh, không phạm vào năm điều xấu ác (năm giới).
  4. Paññā: Trí tuệ, nghĩa là có trí tuệ để quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã; tức là có tu tập minh sát tuệ để quán tưởng thấy chán ngán thân này, không còn quyến luyến thương tiếc mọi việc thường phàm, dung tục trên cuộc đời này nữa.

Nếu cha mẹ đã quá vãng thì bổn phận làm con nên cố gắng làm mọi việc lành, rồi hồi hướng đến cha mẹ hằng ngày. Người con nào làm được như thế mới gọi là con có hiếu và đáp đền được công ơn sanh dưỡng trong muôn một.

Người nào có phước mới còn cha mẹ tại tiền. Người còn có cha mẹ tại tiền trong nhà, cũng như có chư thánh nhơn trong nhà vậy. Theo đức Thế Tôn, cha mẹ có thể sánh với chư thánh nhơn, bởi vậy cúng dường đến cha mẹ có phước vô lượng vô biên, cũng như cúng dường cho các bậc A-la-hán vậy.

+ Phàm người biết đáp đền công ơn cha mẹ bằng vật chất  phải thực hành như thế này:

  1. Phải lo phụng dưỡng cha mẹ nào là vật thực, thuốc uống, y phục và chỗ ở (là nhà).Phải quạt nồng đắp lạnh, sớm thăm tối viếng để xem sức khỏe của cha mẹ như thế nào hoặc hai thân có nhu cầu gì không – cũng như khi ta còn nhỏ cha mẹ lo cho ta vậy.
  2. Phải tận tình chăm nom, săn sóc cho cha mẹ khi trái gió, trở trời, lúc bệnh hoạn, ốm đau.
  3. Phải bỏ việc gia đình của mình để làm việc cho cha mẹ trước và không bao giờ nghĩ đến việc riêng của mình khi chưa làm xong công việc của cha mẹ.

+ Đền đáp công ơn cha mẹ về tinh thần là:

  1. Phải hết lòng cung kính cha mẹ không bao giờ dám nói một lời nào vô lễ làm trái ý các vị.
  2. Ráng hết sức giữ gìn thanh danh của gia đình, không để cho người đời coi thường, khinh bỉ; hơn nữa, phải sống làm sao cho thanh danh của gia đình càng ngày càng được mọi người quý kính, ca tụng.
  3. Ráng làm cho mình ra người đáng thọ hưởng gia tài của cha mẹ để lại.
  4. Khi cha mẹ ta không có đức tin với Tam Bảo, không tin tội phước, nhân quả nghiệp báo – thì phải tự mình cố gắng thuyết phục, khuyên lơn; nếu không được thì nên nhờ các

bậc trí thức giảng giải hộ hoặc chư tăng hay các bậc đại

đức thuyết pháp độ cha mẹ.

  1. Ít lắm cũng phải làm sao thuyết phục được cha mẹ thọ tam qui, ngũ giới.
  2. Dẫn dắt cha mẹ vào chùa nghe pháp, bố thí và học niệm Phật, tham thiền.

Người làm tròn được những điều trên đây mới gọi là con biết yêu thương cha mẹ và báo đền được trong muôn một công ơn cha mẹ.

+ Phần người con biết đền đáp công ơn cha mẹ thì được những sự hạnh phúc là:

  1. Sẽ không bị mất sự lợi lạc từ vật chất cho đến tinh thần.
  2. Sẽ được thoát khỏi những điều rủi ro, kinh sợ.
  3. Sẽ thoát khỏi được tất cả tai nạn, họa hại.
  4. Sẽ được lợi lộc do các bậc trí thức hay vua chúa ban tặng cho.
  5. Sẽ được quyền cao chức lớn.
  6. Hằng được sự ngợi khen của mọi người ở mọi nơi và mọi trường hợp.
  7. Sẽ thoát khỏi sự ám hại của kẻ bất lương.
  8. Khi có bị tai nạn cũng có chư thiên đến cứu.
  9. Sau khi chết được sanh về cõi trời.
  10. Sẽ được gieo duyên Niết-bàn.
  11. Đi theo con đường của chư bồ-tát và chư thánh nhơn.

 

HẠNH PHÚC XII

Putta saṅgaho: Nết hạnh tiếp độ con cái

(Dưỡng dục, tiếp độ con cái) 

Phạn ngữ putta có nhiều nghĩa nhưng nghĩa chánh yếu là con, con cái.

Ngoài ra, putta còn có nghĩa là, người giữ gìn không để cha mẹ đọa vào ác đạo. Ý nói làm con muốn đền công ơn cha mẹ phải cố dìu dắt cha mẹ trở nên người chánh kiến, tu hành theo hạnh bố thí, trì giới, tham thiền.

Putta còn có nghĩa là, người làm cho dòng họ của mình được lành tốt, thanh cao – nghĩa là đứa con thảo hay là con quý, là người con có đạo đức, giới hạnh.

Putta còn có nghĩa làm cho cha mẹ vui lòng, nghĩa là đứa con hiếu thảo, là người con lo phụng dưỡng cha mẹ, làm cho cha mẹ hài lòng. Putta còn có nghĩa là, đứa nhỏ mà cha mẹ hằng lo trông nom từ khi còn ở trong thai bào.

+ Trong Túc Sanh truyện kể có ba hạng con:

– Antevāsika: Đệ tử, học trò (Con tinh thần)

– Dinnako: Con nuôi, con đỡ đầu.

– Atrajo: Con đẻ.

Theo Phật giáo, các bậc xuất gia xem thầy tế độ là cha tinh thần, hết sức cung kính; và thầy cũng hết lòng lo dìu dắt đệ tử đến nơi giải thoát.

Còn con nuôi và con đẻ, ai cũng hiểu rõ. Khi người có phận sự làm cha mẹ, thì con nào cũng phải nuôi dưỡng và dạy dỗ như nhau, vì đã làm cha mẹ thì phải có tứ vô lượng tâm như vị phạm thiên.

+ Con đẻ có ba hạng khác nhau, là:

1/- Abhijātaputta: Con cao hơn cha mẹ. Ý muốn nói, đây là hạng người con có nhiều phước báu, nhiều duyên lành hơn cha mẹ. Từ khi nó sanh ra, gia đình được tăng vượng của cải, nhiều may mắn và nhiều niềm vui hơn. Khi nó lớn lên, mọi danh phận, địa vị, sự nghiệp, tài sản đều hơn cha mẹ – lại còn làm cho cha mẹ, quyến thuộc, họ hàng được thơm lây danh thơm, tiếng tốt nữa.

2/- Anujātaputta: Con ngang bằng cha mẹ. Đây là hạng người con thường thường bậc trung, không có gì xuất sắc. Phước báu, duyên nghiệp, cơ cảnh đều tương đương với cha mẹ; nó không làm cho cái gì tăng vượng hơn mà cũng không phá hại gia sản cùng thanh danh gia đình.

3/- Avajātaputta: Con thấp hơn cha mẹ. Hạng con này từ khi sanh ra đến khôn lớn, chỉ biết làm hại cha mẹ như sống vô đạo đức, như xài phá của tiền làm cho mọi người khi dể cha mẹ, họ hàng. Khi đứa con này sống tới chừng nào thì còn làm cho cha mẹ đau khổ đến chừng ấy.

Tuy nhiên, sự nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái là phận sự thiêng liêng của cha mẹ, không phân biệt con nên hay con hư; nhưng có được kết quả như thế nào là do nơi con, do nghiệp của con. Sự thật, phàm làm cho cha mẹ phải có phương pháp dạy con từ thuở còn nhỏ.

Trong Tam tạng kinh, bài Sīgālovāda-sutta (Kinh Thi-ca-la-việt) có dạy rằng, bổn phận làm cha mẹ đối với con có năm pháp là:

  1. Pāpa nivārenti: Ngăn ngừa, bảo vệ,  không cho con làm việc tội ác.
  2. Kayane sikkhāpenti: Dạy con làm việc lành.
  3. Sippaṃ sikkhāpenti: Cho con học nghề.
  4. Paṭirupena dharena sannosenti: Dựng vợ gả chồng cho con với nơi xứng đáng thích hợp.
  5. Samaye dayajjahaṃ niyyadenti: Chia gia tài cho thích hợp.

(1) Ngăn ngừa không cho con làm tội: Ý nói khi cha mẹ thấy con bê tha, không lo học hành mà cứ đi theo bạn ác, thì cha mẹ phải tìm phương thế ngăn ngừa; nếu không thể được, hãy đưa con đi học một nơi nào cho xa bạn ác. Làm như vậy thật là hợp với lời Phật dạy, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có kết quả khả quan! Hiện nay, có lắm trẻ em, khi cha mẹ khuyên bảo, đã không nghe mà trái lại còn cho rằng ý kiến của cha mẹ đã lỗi thời; và không muốn cha mẹ can thiệp vào đời sống tư riêng của mình. Có lắm gia đình thấy dạy con không được, lại thối chí, bỏ mặc, không đoái hoài tới, bỏ đứa con ấy càng ngày càng đi sâu vào tội lỗi.

Tôi xin nhắc rằng, phận sự làm cha làm mẹ là phải ngăn ngừa con cái khỏi sa vào con đường tội lỗi; và muốn được vậy, cha mẹ phải trang bị cho mình một số kiến thức về giáo dục, về tâm lý trẻ. Phải biết rằng, cha mẹ và con cái thuộc hai thế hệ khác nhau nên thường có những nhận thức khác nhau, những nhu cầu khác nhau và những niềm vui, nỗi buồn cũng khác nhau. Cha mẹ có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trường đời hơn con, biết tôn trọng phong tục tập quán, quen sống trong nền đạo đức và luân lý cổ truyền. Còn con cái thì hiểu biết còn thơ trẻ, nông nổi, chưa có kinh nghiệm sống; lại bị lôi cuốn trong đời sống mới đầy cám dỗ vật chất nên dễ bị tha hóa, hư hỏng. Vậy, việc trao đổi nhận thức giữa cha mẹ và con cái là điều rất quan trọng. Đừng áp đặt chân lý, lẽ phải và bắt con cái phải tuân theo. Nên khơi mở, gợi ý để cho con cái tự nhận thức điều hay, lẽ phải hơn là thái độ gia trưởng độc đoán. Lại càng không nên la mắng, đánh chưởi dễ làm cho tâm hồn trẻ bị tổn thương gây nên phản ứng nghịch! Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải bỏ thì giờ gần gũi con cái để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của chúng. Cha mẹ có thể sống an bần lạc đạo nhưng con cái thì không thể sống như vậy trong xã hội ngày nay. Ước mơ, nhu cầu, khát vọng mỗi thế hệ, mỗi thời đại mỗi khác. Do đó, việc giáo dục con cái đi theo đường ngay lẽ chánh không phải đơn giản như bài toán cộng trừ; nó cần một trí tuệ sáng suốt và một trái tim linh mẫn nữa vậy.

Thực tế vốn đa đoan và nhiêu khê như thế. Người con hiếu thảo thường nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ – vì nó biết rằng – cha mẹ không bao giờ mưu lợi cho mình. Dù bị la mắng nặng lời, dù giáo dưỡng thế nào thì cha mẹ cũng nhắm đến lợi ích cho con cái. Riêng những đứa con ngỗ nghịch, cứng đầu,  cha mẹ phải nhẫn nại nhiều hơn, tâm từ nhiều hơn và áp dụng các phương pháp giáo dục tùy lúc, tùy khi rất linh động, uyển chuyển – mới hy vọng đem ánh sáng của kinh nghiệm mình soi đường cho con và cảm hóa con.

Sự thật thì, cho đến khi nào các cô, các cậu có gia đình, có con cái – thì khi ấy chúng mới trông thấy tấm lòng trời biển của cha mẹ. Dẫu muốn đáp đền, phụng dưỡng nhưng cha mẹ đã khuất núi rồi. Sự ăn năn, hối tiếc ấy đã quá muộn màng!

(2) Dạy con làm việc lành: Việc lành đây là các thiện pháp theo lời Phật dạy, là bố thí, trì giới… để làm cho tâm quen với các việc phước thiện.

Việc lành tạm chia có hai loại:

– Một, việc lành về mặt từ thiện xã hội như: Cứu tế, chẩn bần; giúp đỡ cô nhi, quả phụ; chia sẻ thiên tai, bão lụt; bắt tay vào các việc công ích như làm cầu, làm đường, bệnh xá, trường học…

– Hai, việc lành về tinh thần – tức là sự tu tập bản thân, khái lược là có 5 điều căn bản:

  1. Mettā-karuṇā: Có tâm từ bi. Từ, nghĩa là có tâm mát mẻ, không hận, không sân; mong cho tất cả chúng sanh đều được an vui, hạnh phúc. Bi là lòng bi mẫn, biết thương xót những chúng sanh có hoàn cảnh bất hạnh; khởi tâm chia sẻ từ vật chất đến tinh thần tùy theo khả năng mình.
  2. Sammājivitā: Nuôi mạng chân chính. Nghĩa là lựa chọn nghề nghiếp sinh sống mà không phương hại đến người và vật, không tác hại đến nhân sinh và xã hội [vi].
  3. Satisaṃvara: Chú niệm, thu thúc giữ tâm mình không cho sa ngã theo ngũ trần lục dục.
  4. Sacca: Nói lời chân thật và luôn luôn giữ mình theo lẽ chánh, nghĩa là không dối người, dối mình.
  5. Appamādo: Không dễ duôi, giải đãi trong việc làm lành, như bố thí, trì giới, tham thiền…

Lễ cố nhiên cha mẹ có phận sự lo cho con được an vui trong cõi này và ngày vị lai – nghĩa là dẫn dắt con tu hành để khỏi khổ trong kiếp này và vị lai. Cha mẹ nào đối với con như thế mới gọi là người biết thương con và mới gọi là làm tròn bổn phận cha mẹ, là người hành đúng theo Phật dạy. Như sự tích của trưởng giả Cấp Cô Độc dạy con sau đây:

“- Trưởng giả Cấp Cô Độc có một người con trai tên là Kāla. Người con này không tin Phật pháp, thiên tà kiến.

Ông tìm đủ phương thế để đưa con về chánh kiến, nhưng chưa được, ông lấy làm lo buồn. Ngày nọ, sau khi đã suy nghĩ kỹ, ông bảo con rằng: “Nếu con chịu thọ bát quan trai giới nơi đức Phật cùng với thiện nam, tín nữ – thì cha sẽ cho con một trăm đồng tiền vàng”. Người con vâng lời đến thọ giới cho có chừng rồi hí hửng về nhà lãnh tiền thưởng.

Sau khi trình bày câu chuyện với đức Phật về đứa con trai, để tiếp tục thực hiện mưu kế, lần khác, ông trưởng giả kêu con lại bảo rằng: “Nếu con chịu khó đến nghe đức Phật thuyết pháp mà con nhớ được một câu, thì ta sẽ thưởng cho con một ngàn đồng vàng”.

Người con vì ham tiền, nên bằng lòng đi nghe pháp, thầm bảo bụng rằng: “Ta chỉ cố nhớ một câu thôi rồi ta rút lui không khó gì”. Khi Kāla vào giảng đường nghe Phật thuyết pháp, cậu cố nghe và nhớ được một, nhưng khi đứng dậy ra về thì lại quên đi. Đây là do oai lực của đức Thế Tôn. Cậu lấy làm tức mình nên trở lại cố gắng chăm chú nghe, đặng nhớ một câu cho kỳ được. Hôm ấy, đức Thế Tôn nói về sự chết; ngài dạy trong ba cõi không một chúng sanh nào thoát khỏi tay tử thần. Cậu Kāla hiểu và phát tâm kinh sợ luân hồi, mắt được sáng, diệt trừ được một ít kiết sử phiền não và đắc quả vị Tu-đà-hoàn..

Về nhà, chàng nhớ đến một ngàn đống tiền vàng của cha, lấy làm hổ thẹn, vào phòng đóng cửa lại không dám ra, sợ cha nhắc đến số tiền thưởng.

Sáng ngày, nhân dịp đức Thế Tôn đến thọ thực tại nhà, ông trưởng giả mới kêu con ra lãnh một ngàn đồng vàng tiền thưởng. Đức Thế Tôn biết Kāla đang lúng túng và rất hổ thẹn trước chư tăng và cha mẹ, nên ngài dạy câu kệ với đại ý rằng:

“Tu-đà-hoàn quả cao hơn đế vị, cao hơn sự an vui trong cõi trời và cho dẫu nắm tất thảy chủ quyền trong vũ trụ – ý nói làm Chuyển luân Thánh vương – cũng không bằng được”.

Nội dung câu giáo giới rất rõ nghĩa, là không thể đem vật gì trong tam giới nầy lại sánh với quả vị Tu-đà-hoàn được. Khi đã đắc quả Tu-đà-hoàn – thì vàng bạc, ngọc ngà, châu báu đối với Kāla không còn có giá trị gì hết.

Tích này chỉ cho ta thấy rằng khi cha mẹ là người chánh kiến, thì mới dẫn dắt con đi trên đường cao quý được. Vậy bổn phận làm cha mẹ chẳng những lo cho con cái được an vui trong kiếp này, mà còn phải lo cho kiếp vị lai của chúng nữa.

(3) Cho con học nghề: Phận sự làm cha mẹ phải lo cho con học được một nghề theo chánh mạng. Cha mẹ không nên giao phó con cho nhà trường mà không quan tâm tới. Vì có lắm cậu mang sách ra đi nhưng kỳ thực thì không đến trường, mà cắp sách đi chơi thôi. Ngoài ra, trong thời gian con cái ở học đường, phải quan tâm theo dõi khả năng, khuynh hướng và cá tính riêng tư – rồi tìm cách gợi ý để hướng nghiệp cho chúng. Ví dụ, đứa hiền lành, giàu lòng nhân ái thì khuyến khích nghề lương y, bác sĩ. Ví dụ đứa chuẩn mực, đoan nghiêm, nề nếp thì khuyến khích nghề dạy học, mô phạm. Ví dụ đứa giỏi toán, giỏi lý thì chọn các bộ môn khoa học. Ví dụ đứa trầm lặng, sâu sắc, trái tim quá mẫn cảm thì nên chọn các bộ môn về văn chương, nhân văn…

(4) Dựng vợ gả chồng cho con: Điều này có hai ý nghĩa là: Cha mẹ có phận sự và cũng phải lo tròn phận sự định đoạt gia đình cho con, phải biết chọn nơi cho hợp với con mình. Chuyện vợ chồng của con cái trong thời buổi này thật là một vấn đề rất phiền phức cho phận sự làm cha mẹ. Vì có khi cha mẹ ưng ý chỗ này mà con không bằng lòng, lại muốn tự chọn ý trung nhân cho mình ở chỗ khác. Vì vậy thật là khó giải quyết. Vấn đề này có thể chia làm hai phần là:

  1. Khi cha mẹ tham dự vào đời tư của con – thì việc ấy có lợi hay có hại?
  2. Cha mẹ hay con là người có quyền quyết định trong việc dựng vợ gả chồng?

Về vấn đề thứ nhất, tôi thấy trong kinh, Phật có dạy cha mẹ nên lo định đoạt cho con, phải tìm chỗ xứng đáng để lựa chọn cho chúng, vì các con còn nhỏ dại, nông nổi chưa hiểu đời bằng cha mẹ.

Vấn đề thứ nhì, nên được thỏa thuận giữa cha mẹ và con. Phận sự làm cha mẹ chỉ có phận sự chỉ chỗ hại và chỗ lợi của cuộc hôn nhân, để cho con suy nghĩ lấy. Phần con phải suy nghĩ kỹ, chẳng nên vì lòng ham muốn nhứt thời của mình làm cha mẹ buồn và nhất là làm hại cho tương lai của mình. Phần nhiều thì cha mẹ luôn là người có lý.

(5) Chia gia tài cho thích hợp, đúng lúc, đúng khi: Làm con nên nhận thấy lòng thương con của cha mẹ trong giai đoạn này được thể hiện rõ rệt; và lòng thương ấy cao quý không đo lường được. Đem của cải mình dành dụm chia cho các con lúc chúng rời xa cha mẹ để tạo lập gia đình – đó là phần gia tài vật chất và cũng là gia tài tinh thần, vì trong gia tài đó, tích chứa biết bao mồ hôi, nước mắt cũng như tâm tư và công đức của cha mẹ!

+ Trong chú giải kinh hạnh phúc có dạy, làm cha mẹ phải dắt dẫn con phải thực hiện theo 5 điều là:

  1. Dắt dẫn con vào chùa nghe giáo lý của đức Thế Tôn để tập cho nó tu hành khi còn trẻ
  2. Tập con biết lễ Phật, tụng kinh
  3. Tập con làm lành như bố thí…
  4. Tập con niệm Phật, tham thiền (hoặc tu chỉ, quán)
  5. Có thể nên cho con xuất gia nếu chúng muốn (tùy theo sức của con muốn xuất gia tới lúc nào có thể hành nổi) [vii].

+ Sự tiếp độ con có nhiều hạnh phúc là:

  1. Tạo cho con thành người lương thiện.
  2. Tạo cho con thành một công dân lương thiện.
  3. Tạo cho con một đời sống đạo đức, hiền thiện gương mẫu cho cháu chắt sau này noi theo.
  4. Làm cho con được hưởng hạnh phúc trong kiếp này và cả kiếp vị lai.
  5. Làm cho con được hưởng ba điều lợi ích [viii].
  6. Là nguyên nhân phát sanh hạnh phúc cho con mình, gia đình mình cùng các thế hệ mai sau.
  7. Là người giúp cho đời bớt một công dân bất lương, và bớt một người làm khổ cho gia đình, gánh nặng cho xã hội.
  8. Là người tạo cho con nên người trí thức, người có giới hạnh
  9. Chư thiên ca tụng.

 

HẠNH PHÚC XIII

Dārassa saṅgaho: Tiếp độ vợ.

 Vợ chồng là một vấn đề rất quan trọng trong đời người. Người mà được vui hay khổ cũng tùy thuộc thái độ cư xử, hành động của vợ và chồng. Vì vậy đức Phật dạy: Tiếp độ vợ là hạnh phúc cao thượng.

Tiếng phạn saṇgaha có nghĩa là giúp đỡ, tương trợ, tế độ , tiếp độ; ý nói, khi người đàn ông đã có vợ, thì phải giúp đỡ vợ một cách tận tình, còn phải biết cách chia ngọt sẻ bùi, hướng dẫn vợ theo đường ngay lẽ chánh, phải đem đến sự lợi lạc, an vui cho vợ từ vật chất đến tinh thần! Theo ngữ nghĩa ấy, ta thấy hình như người đàn ông bị bắt buộc phải tiếp độ vợ và như vậy thì dường như người vợ không cần lo gì cho chồng. Sự thật người vợ vẫn phải có bổn phận đối với chồng. Vợ là nội tướng, lo coi mọi công việc trong gia đình. Người chồng ví như tay mặt, người vợ ví như tay trái. Vì tay mặt làm việc nặng nhọc có tiền mua cà rá, nhẫn nhưng tự mình (tay mặt) không đeo mà cho tay trái đeo. Không khác nào người chồng làm việc nặng nhọc có tiền đem về giao cho vợ. Bổn phận người vợ là phải lo săn sóc của ấy không cho tiêu hao mất mác, ấy là phận sự của nội tướng. Theo Việt ngữ, thì tiếng “chồng”“vợ”có một nghĩa nhứt định, nôm na ai cũng hiểu. Còn trong tiếng Phạn tương đương với tiếng “chồng, vợ”của Việt ngữ thì có nhiều nghĩa tùy theo trường hợp.

Phạn ngữ có ba tiếng tương đương với tiếng chồng của Việt ngữ: Sāmī, svāmī và ayya. Tiếng sāmī (Pāḷi) hay svāmī (Saṇskrit) nghĩa là chủ, chúa, thầy tổ, chồng. Tiếng ayya cũng có nghĩa là quý ông, ngài, chủ – cũng là chồng. Nhưng tiếng sāmī chỉ người chủ hiền lành, tốt bụng, bao giờ cũng thương yêu và hết lòng giúp đỡ người dưới, cũng như là giúp cho chính bản thân mình. Còn tiếng ayya chỉ người chủ tính tình không cao đẹp bằng sāmī, là người chủ không được tốt lành, thường hay dùng quyền uy độc đoán làm cho người ta kinh hãi, khiếp sợ.   

Phạn ngữ có nhiều tiếng tương đương với tiếng vợ của Việt ngữ: Đó là dāra, jāyā, paricārikā và bhariyā. Từ dāra jāyā là vợ, người ta thường dùng. Từ paricārikā người ta ít dùng vì ngoài nghĩa là vợ, nó còn để chỉ vợ bé hay người hầu gái. Thường dùng nhứt là bhariyā (vợ), từ này có nghĩa là người đáng nuôi, người đáng thương hại, ý là người mà ai ai cũng yêu chuộng và muốn nuôi. Từ bhariyā này thường đi đôi với sāmī khi nói đến vợ chồng, tương đương Việt ngữ.

Theo trong bộ kinh Anguttaranikāya có đoạn đức Phật dạy có bảy hạng vợ, tức nhiên là cũng có bảy hạng chồng tương đối.

+ Bảy hạng vợ ấy là:

  1. Vadhakābhariyā: Vợ như là đao phủ thủ, như kẻ sát nhân vì luôn ác độc, hung dữ với chồng.
  2. Corībhariyā: Vợ như kẻ trộm – vì luôn tiêu xài hoang phí tài sản, của cải của chồng.
  3. Ayyābhariyā: Vợ như chủ nhân ác ôn. Ayyā là bà chủ – nên hạng vợ này thường biếng nhác, hỗn xược, đàn áp chồng, sai khiến chồng.
  4. Mātābhariyā: Vợ như mẹ. Tức là hạng vợ có lòng từ mẫn, luôn để ý chăm nom, săn sóc chồng như mẹ đối với con.
  5. Bhaginībhariyā: Vợ như em gái. Là hạng vợ hiền thục, biết kính trọng, biết yêu thương, biết tùy thuận phục vụ chồng như em gái đối với anh.
  6. Sakhibhariyā: Vợ như bạn. Cư xử, đối đãi rất tốt với chồng và bình đẳng, thủy chung như một người bạn tốt.
  7. Dāsībhariyā: Vợ như tôi tớ, như người ở gái. Là hạng vợ biết kính sợ chồng, biết nhẫn nhục, biết hy sinh và phục vụ chồng như tôi tớ đối với chủ.

* Vợ như đao phủ thủ: Đao phủ thủ là người giết tội nhân. Người vợ thuộc về hạng này là người đàn bà nhiều sân hận, mặc dầu chồng có lo lắng, nhường nhịn đến đâu, cũng không hề biết thương hại chồng, làm sao miễn cho vừa lòng mình thôi. Người vợ này thường mắng nhiếc, chửi bới chồng, lắm khi còn đánh đập chồng là khác nữa.

Đồng thời cũng có hạng chồng như đao phủ thủ vậy.

* Vợ như kẻ trộm: Người vợ này không trung thành với chồng, thường lo việc sang đoạt, lường gạt, cướp bóc của chồng, đem tiền mua vui riêng, như rượu chè, cờ bạc chẳng hạn, theo ý thích của mình.

Đồng thời cũng có hạng chồng như kẻ cướp.

Thành thật mà nói, vợ hay chồng đều có quyền xài tiền bạc có được trong gia đình, nhưng khi đem ra tiêu dùng, cần phải có sự ưng thuận của cả hai người. Còn khi nào một người trong hai người ấy có ý chi dụng riêng cho mình, có tác ý lén lấy tiền ấy đem đi mua vui riêng, là không hợp pháp – luật đời hay luật đạo đều không cho phép. Lại nữa, sự trộm cắp giữa chồng và vợ khó mà bắt cho được, nên đây là hạng trộm cắp đáng ghê sợ nhất trong gia đình.

* Vợ như chủ nhân ác ôn: Hạng vợ này bao giờ cũng dành quyền hành và giữ tiền bạc trong gia đình. Chồng chỉ là hư vị thôi, như tôi tớ trong nhà. Hạng vợ này chỉ biết ăn, ngủ, thụ hưởng, biếng nhác, làm oai làm phách – chỉ làm hại cho gia đình và mọi người sẽ ghét bỏ mà thôi.

Đồng thời cũng có ông chồng như ông chủ ác ôn vậy.

* Vợ như mẹ: Không ai thương con và lo cho con bằng mẹ. Bà mẹ đối với con có tứ vô lượng tâm, như vị phạm thiên. Người vợ thương chồng, lo cho chồng không nề cực nhọc tấm thân miễn là chồng vui là đủ rồi. Người vợ có tâm như thế gọi là người vợ thương chồng như người mẹ thương con. Thật là hiền thê hiền nội. Quả báo này thật không nhỏ. Chết rồi được sanh vào cõi trời.

Đồng thời cũng có người chồng thương vợ, lo cho vợ, như người cha lo cho con vậy.

Gia đình nào được cảnh này chắc chắn gia đình ấy đầy hạnh phúc và vợ chồng không hề xa nhau vì một lẽ gì. Đây là pháp rất cao quý, chúng ta nên hành theo.

* Vợ như em gái: Hạng vợ này kính mến chồng như anh trai, vì như người em gái thường lo cho anh thật là đàng hoàng và chu đáo.

Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như người anh lo cho em gái mình.

* Vợ như bạn: Người vợ lo chăm nom săn sóc cho chồng như người bạn lành săn sóc cho bạn mình và coi chồng như là bạn thân của mình vậy.

Đồng thời cũng có người chồng chăm lo cho vợ như bạn thân của mình.

* Vợ như kẻ tôi đòi: Đây là hình ảnh người vợ đảm đang, nhịn ăn, nhịn mặc, hy sinh mọi điều cho chồng và lo phụng sự chồng – như là người làm công lo cho ông chủ, không bao giờ để sơ thất mọi việc mà chồng đã giao cho. Phạn ngữ dùng từ dāsī (tôi tớ, người ở gái) là để chỉ hạng vợ hết lòng chăm nom mọi việc cho nhà chồng – ta không nên hiểu theo nghĩa xấu là thấp hèn, nô lệ – mà đó chính là người quản gia trung tín nhứt.

Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như người quản gia lo cho chủ vậy.

Nếu gia đình nào có được bốn hạng vợ và bốn hạng chồng đã kể trên (4 hạng sau) thì gia đình ấy được an vui. Đức Phật thường dạy đời là khổ, người ở trong đời là người đang trầm luân trong bể khổ. Nhưng ngài biết chúng sanh mặc dầu biết khổ nhưng không dứt bỏ được, nên trong tám muôn bốn ngàn chi pháp của ngài dạy, có pháp xuất thế gian và pháp còn trong thế gian; những người hành theo pháp sau này sẽ được bớt khổ đi một phần nào cũng như hành theo 38 pháp hạnh phúc vậy.

Sự yêu thương giữa nam và nữ về tình dục thì không có gì gọi là cao quý. Vì loài thú cũng biết như ta vậy. Nhưng người đời cao quý hơn loài vật, là vì người ta thương nhau bằng một tình thương trong sạch, hai bên biết lo giúp đỡ cho nhau, lo lắng, chăm sóc cho nhau trong những khi hoạn nạn, bất trắc, ốm đau – được coi như sống chết có nhau; và ngoài ra còn giúp nhau đi theo con đường tiến hóa, an vui, hạnh phúc và cuối cùng là tầm cầu giải thoát như các bậc thánh nhơn nữa.

Về sự tiếp độ nhau giữa vợ chồng, đức Phật có dạy trong bộ Dīghanikāya đoạn Pātivagga rằng: Vợ chồng phải có pháp tiếp độ nhau là:

+ Chồng có 6 pháp đối với vợ là:

  1. Thương mến, nể nang, hằng khen tặng và làm cho vợ được lợi ích, vừa lòng.

– Tặng đồ dùng hợp thời, nhất là quà tặng kỷ niệm những ngày vui, mừng sinh nhật.

– Dùng lời dịu ngọt đối với vợ.

  1. Không khi dể vợ, nghĩa là không đối xử với vợ như kẻ ăn, người ở.
  2. Không ngoại tình, không có vợ bé.
  3. Giao cho vợ chủ quyền trong gia đình.
  4. Tặng vật trang sức, trang điểm sang quý tùy khả năng mình.
  5. Thường dẫn vợ đi xem những cuộc vui như hội chợ.

+ Vợ đối với chồng cũng phải có 5 điều là:

  1. Lo thu xếp săn sóc việc trong gia đình cho chu đáo.
  2. Lo giúp đỡ quyến thuộc bên chồng.
  3. Không ngoại tình.
  4. Giữ tiền bạc, của cải mà chồng đã giao phó.
  5. Siêng năng làm công việc.

– Những pháp trên là theo đời, còn với lẽ đạo tùy trường hợp người chồng hay vợ phải thực hành theo 3 pháp là:

  1. Tiếp độ hạng thấp – là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình biết bố thí, trì giới, nghe pháp, làm lành.
  2. Tiếp độ bậc trung – là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình biết tụng kinh, niệm Phật, tham thiền.
  3. Tiếp độ bậc cao thượng – là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình học minh sát tuệ và luôn luôn nhắc nhở sự hành đạo.

+ Tiếp độ vợ con được những hạnh phúc là:

  1. Làm cho tình thương yêu ấy càng ngày càng thêm đầm ấm, bền vững.
  2. Làm cho tâm đầu ý hiệp.
  3. Là một điều đại thiện.
  4. Là nhân làm cho tiền của dồi dào.
  5. Được coi là người hành đúng theo chân lý.
  6. Được gọi là người không dễ duôi.
  7. Làm khuôn vàng, thước ngọc cho con cháu sau này hay là làm mẫu mực cho người ở bên cạnh mình.
  8. Chư thiên và phạm thiên thường ca tụng và hộ trì cho gia đình hành theo hạnh này.

Chính đức Đế Thích có nói câu kệ như vầy với vị trời Mātali rằng:

“- Ye gahatthā puññakāra sīḷavanto upāsikā.

Dhammene dāraṃ phosenti te manussāmi mātali”.

Nghĩa là: Này Mātali! Người cư sĩ nào biết làm phước, sống đời có giới hạnh; lại còn là một thiện nam biết nuôi vợ đúng theo pháp, ta xin lễ bái người ấy.

Vị trời Mātali đáp câu kệ ấy rằng: Tâu đức Đế Thích! Ngài lễ bái kính trọng vị cư sĩ nào mà người ta thường ca tụng thì người cư sĩ ấy quả thật là cao quý trong đời. Vậy, ngài lễ bái kính trọng ai, tôi cũng xin được lễ bái kính trọng người ấy.

Đế Thích là vị thiên vương làm chúa tể trong hai cõi trời Tứ Đại thiên vương và Đao Lợi – mà ngài còn kính trọng người hành pháp theo pháp tiếp độ vợ con, thì chư thiên làm gì mà không hộ trì và kính trọng! 

 

HẠNH PHÚC XIV

Anākulā ca kammantā: Làm xong việc của mình [ix]

(Sở hành theo nghiệp chánh)

 Làm xong việc của mình, nghĩa là làm việc gì thì phải làm cho đến kết quả, không làm nửa chừng bỏ dở. Thí dụ ta như người lái xe, nhờ chiếc xe chạy được và có địa điểm cho xe tới, thì ta chạy đến chốn đến nơi. Chạy đến mục tiêu như vậy ta thành công đắc quả. Ta nên noi theo gương kiên trì của đức Phật, ngay trong việc làm của ngài từ lúc xuất gia đến khi thành đạo. Trên vũ trụ này, chỉ có một người làm việc giỏi nhứt mà lại kết quả tốt đẹp nhứt đó là đức Phật. Đã hơn 25 thế kỷ chưa có ai làm việc như ngài, việc làm của ngài thật là cao thượng, kết quả rất quý báu. Số người vâng giữ hành theo lời chỉ bảo của ngài nhiều không kể xiết.

Ta hãy đi ngược lại dòng thời gian để tìm biết việc làm của đức Phật từ khi ngài quyết chí xuất gia lìa bỏ ngai vàng, vợ đẹp con thơ, mà người đời ai ai cũng ham muốn. Ngài hành khổ hạnh suốt 6 năm giữa rừng già. Khi thấy sự hành khổ hạnh ấy không đem lại kết quả tốt, ngài liền bỏ và hành theo trung đạo mới đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác dưới cội bồ-đề. Sau khi đắc được quả vị tối cao xong rồi, ngài lại quyết định thuyết pháp độ đời suốt 45 năm, không màng cực nhọc, quyết tâm cứu độ chúng sanh.

25 thế kỷ đối với ta thật là lâu, nhưng việc làm của ngài vẫn còn sáng chói, và vẫn coi như mới tinh. Việc làm của ngài là việc làm bất diệt, đến nay vẫn còn ảnh hưởng mãnh liệt trong tâm của hàng Phật tử chân chánh khắp bốn biển, năm châu. Việc làm của ngài đi từng giai đoạn, từ sơ khởi đến kết quả, không bỏ dở dang, mặc dầu trải qua biết bao cam go, trở ngại.

Muốn làm việc cho đến nơi đến chốn, ta nên theo lời Phật dạy, phải biết phân biệt có hai loại việc làm là: Việc làm đem sự an vui đến và việc làm đem tai hại đến:

+ Việc làm đem sự an vui đến, có ba nhân tố là:

  1. Anākulaṃ: Làm cho đến kết quả, không bỏ dở giữa chừng.
  2. Dalahaṃ: Làm đầy đủ không thiếu sót.
  3. Sucaritaṃ: Làm với tâm trong sạch, nghĩa là việc làm không tội lỗi.

Sở dĩ người ta làm việc không tới nơi tới chốn là vì người ấy không bền chí, hay ngã lòng trước nghịch cảnh, thiếu cương quyết để làm cho đến cùng.

+ Đây là trạng thái của người làm việc hay bỏ dở công việc:

  1. Kālatikammaṃ: Thường làm mất thì giờ, thường kéo dài thì giờ. Như chuyện lẽ ra làm xong trong một giờ, mà người ấy phải làm tới hai ba giờ.
  2. Appaṭirupakaraṇa: Việc làm không xứng với số tiền có được, nghĩa là làm việc ít mà lương bổng nhiều.
  3. Akaraṇa: Không quan tâm đến việc làm.
  4. Sithikakaraṇa: Làm một cách lỏng lẻo, miễn cưỡng.
  5. Sakaladivasabhāgaṃ supitvā: Ngủ cả ngày.
  6. Rattimimhi te kattuṃ na uttasati: Ban đêm không làm việc.
  7. Niccakālaṃ surāmatto: Say rượu cả ngày.
  8. Itthī ādisu soṇḍo: Chạy theo phụ nữ.
  9. Alaso [x]: Lười biếng, ngủ nướng và hay ngủ dậy trưa.
  10. Leso [xi]: Đổ thừa rằng lạnh quá, nóng quá …

Theo Phật dạy, người muốn làm việc cho đến nơi đến chốn, thì phải có bốn pháp gọi là Iddhipāda – bốn pháp Như Ý. Đức Thế Tôn đắc được quả vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng do nơi bốn pháp ấy.

Bốn pháp như ý là:

  1. Chanda: Dục như ý (vui lòng làm việc).
  2. Viriya: Tinh tấn như ý (cương quyết làm việc)
  3. Citta: Niệm như ý (cố để tâm làm việc)
  4. Vimaṃsā: Tư duy như ý (suy nghĩ hiểu cách làm) [xii]

Phàm người muốn làm việc gì, phải có chương trình, kế hoạch – mà quan trọng nhứt, trước hết phải có vốn liếng là tiền bạc. Riêng theo Phật dạy, thì vốn ấy là tâm cương quyết thích làm việc mà mình định làm.

Đức Phật dạy trước nhứt phải có tâm cương quyết làm việc, vì vậy trong bốn pháp như ý, đều có nói đến tâm, và tâm là động lực chánh yếu chủ động.

– Dục như ý – điều gì mà tâm đã yêu hay thích, thì tâm chăm chú vào điều ấy rồi khiến con người cố gắng làm xong việc.

+ Tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn đều phải do nơi hai nguyên tắc, theo trật tự sau đây:

  1. Để tâm đúng vào việc làm và yêu việc làm.
  2. Bắt buộc tâm phải làm việc.

Phải có đủ hai nguyên tắc theo trật tự này, thì chắc chắn việc làm sẽ được kết quả mỹ mãn, bằng ngược lại, thì việc làm rất khó được kết quả, mặc dù là chút ít. Vì vậy đức Phật dạy trước hết phải có tâm thích nghề trong việc làm của mình tức là dục như ý túc vậy.

– Tinh tấn như ý (tôi xin tạm dịch là tâm can đảm): Pháp tinh tấn là pháp mà đức Phật thuyết rất nhiều chỗ trong các số pháp. Phật tử nghe tiếng tinh tấn thì hiểu rằng đó là sự siêng năng làm việc, cương quyết hoặc can đảm làm việc. Người mà có tinh tấn làm việc, thì làm việc gì cũng kết quả mỹ mãn. Tinh tấn không có nghĩa là đem hết sức mình mà làm việc nhứt thời, mà có nghĩa là ta làm tùy theo sức ta, nhưng không khi nào bỏ gián đoạn, không chịu thua hoàn cảnh, không chịu thua sự thất bại. Tinh tấn có nghĩa là làm từ từ, không gián đoạn, không miễn cưỡng. Hơn nữa không phải người tinh tấn là làm việc hoài không nghỉ; nhưng nghỉ theo trường hợp, đừng để sức khỏe kém dần đi đến kiệt quệ.

– Niệm như ý (tôi xin dịch là lưu ý đến công việc làm): Nghĩa là bao giờ tâm cũng nghĩ đến việc làm của mình đang làm, chú ý đến việc làm. Tâm luôn luôn suy nghĩ và nghiên cứu việc làm của mình không hề xao lãng. Người làm bất cứ công việc gì nhưng thiếu một pháp nào kể trên cũng không được, vì nếu thiếu là cầm chắc thất bại.

– Tư duy như ý: Là dùng trí tuệ để quan sát lại việc làm của mình. Nếu thiếu trí tuệ kiểm soát tâm thì không khác nào xe chạy trong đêm tối mà không đèn.

Vậy chúng ta muốn làm xong công chuyện không bị thất bại và bỏ dở thì phải có bốn pháp trên. Đó là nói về phương diện ở đời, còn về đạo đức thì phàm người tu Phật tại gia hay bậc xuất gia, khi làm một việc gì cũng phải có đủ bốn pháp như ý ấy, chẳng hạn như bố thí, trì giới, hay tham thiền…

Tôi xin nhắc tích của vị học tham thiền.

“- Thầy là người rất tinh tấn hành đạo có tiếng trong thời kỳ nọ. Nhưng khi thầy ngồi lại tham thiền, thì thầy ngủ gục, không thể nào làm cho tâm được cái thấp nhất là hỷ lạc. Mỗi lần bị buồn ngủ, thầy lấy cỏ quấn lại một nùi đội lên đầu, rồi lội xuống trầm mình dưới sông Gaṅgā và tự bảo lấy mình rằng: “Ta đã thả trôi sự buồn ngủ rồi”. Vị ấy hành như thế đến mười hai năm mới đắc A-la-hán quả. Như thế ta mới thấy rõ vị đại đức ấy rất yêu việc làm của mình, ngài rất cương quyết tinh tấn làm cho xong việc, không chịu thua hoàn cảnh; và ngài có trí tuệ quan sát biết yếu điểm của mình là hay buồn ngủ và tìm cách khử trừ nó cho đến viên mãn.

Còn đức Thế Tôn kiếp chót là thái tử Sĩ-đạt-ta, sau khi bỏ ngai vàng xuất gia, sáu năm khổ hạnh chỉ còn da bọc xương, ngài cũng không thối chí ngã lòng. Dưới cội bồ đề, ngài phát nguyện rằng: “Nếu ta không thành đạo, dầu xương tan, thịt nát ta cũng không rời khỏi nơi này”. Rồi nhờ tấm lòng yêu đạo, cương quyết, kiên nhẫn, ngài tìm thấy con đường giải thoát và đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh. Nói tóm lại, khi người tại gia cư sĩ muốn làm việc gì, từ nhỏ đến lớn mà hành theo bốn pháp như ý – thì ngân quỹ gia đình được dồi dào, sung túc rồi nền kinh tế của nước nhà cũng thịnh vượng; và chính mình thì được bốn điều an vui sau đây:

  1. An vui vì có của cải, tài sản.
  2. An vui vì có đầy đủ phương tiện trong những nhu cầu sinh hoạt thường ngày.
  3. An vui vì không bị nợ nần.
  4. An vui vì việc làm không tội lỗi.

+ Ngoài ra còn những điều lợi lạc sau đây:

  1. Người trong gia đình và quyến thuộc cùng người trong xã hội có thể nương nhờ được.
  2. Có dự trữ được việc lành làm vật thực về ngày vị lai.
  3. Là tự bảo vệ lấy mình.
  4. Sẽ được sanh vào cõi trời.
  5. Nếu duyên lành đầy đủ thì có thể đắc được đạo quả.
  6. Nếu chưa đắc đạo quả trong kiếp nầy, thì việc làm ấy là duyên lành sẽ đưa người ấy được đắc quả trong ngày vị lai.
  7. Không dễ duôi.
  8. Được các bậc trí tuệ thường ngợi khen.
  9. Không xa ba điều lợi ích [xiii].
  10. Được gọi là thiện nhân là vì luôn luôn có hạnh phúc bên mình.

 

[i] Đại sư Viên Minh dịch – Kinh tụng, Huyền Không, lưu hành nội bộ.

[ii] Tôi cố ý để nguyên văn, sau đó, hiệu đính giải thích cho nhiều người cùng hiểu. Là giáo hệ tam tạng của Theravāda chỉ có Pháp và Luật, sau này, các vị kết tập sư mới phân ra tạng Kinh, tạng Luật và tạng Abhidhamma (Vi diệu pháp, Thắng nghĩa pháp) – chứ không có tạng Luận. Luận là những triết lý, triết luận, tư tưởng (thuộc lý trí, trí năng chứ không phải bởi tuệ giác) được sáng tác bởi chư tổ thuộc các hệ phát triển – ví dụ Trung quán luận của Long Thọ, Đại thừa khởi tín luận của Mã Minh, A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận và Duy thức tam thập tụng của Thế Thân…

[iii] Tôn trọng nguyên văn, chưa kiểm tra được.

[iv] Tứ vô lượng tâm – là đề mục thiền định sắc giới, đòi hỏi một quá trình tu tập rất công phu, miên mật mới có thể đắc tứ định. Từ, bi và hỉ thuộc sơ, nhị và đệ tam thiền; riêng xả phải là đệ tứ thiền. Vậy, cha mẹ có Tứ vô lượng tâm chỉ là ví dụ cho mọi người tạm hiểu – rằng là cha mẹ cũng có những thuộc tính, những năng lượng của Tứ vô lượng tâm ấy.

[v] Nói 4 pháp là đủ, nhưng thật ra, nó có 5: Tín, giới, văn, thí, tuệ. Và còn lưu ý: Khi đức Phật dạy 5 pháp này cho Phật tử tại gia, theo pháp thuận thứ, thì tuệ này chỉ mới là tuệ thế gian, phân biệt phải trái, đúng sai, thiện ác; và phước báu chỉ là nhân, thiên. Còn tuệ có được từ minh sát (vipassanā) – thì nó nằm trong tín, tấn, niệm, định, tuệ – chính tuệ này mới thấy rõ Tam tướng, mới giải thoát.

[vi] Xem ghi chú 31- về tránh 5 nghề tà mạng.

[vii] Ngày nay, các nước Phật giáo Nam Tông như Thái, Miên, Lào, Myanmar… thường cho thiếu niên, thiếu nữ, thanh niên, thanh nữ xuất gia gieo duyên – hoặc nửa tháng, 01 tháng, 3 tháng, 01 năm, 03 năm tùy khả năng và hạnh nguyện.

[viii] Xem ghi chú 43.

[ix]  Câu này, thật ra nó có nghĩa khác, chính xác hơn. Kammanta, thường nghĩa là việc làm, nhưng phải hiểu là sở hành, không đơn thuần là nghề nghiệp – mà còn là hành động của thân, khẩu và ý nữa. Anākula là không lẫn lộn, không vướng dính. Vậy, có lẽ ta nên hiểu đây là sở hành theo chánh nghiệp (thập thiện nghiệp) không lẫn lộn, không vướng dính ác pháp, tội lỗi – thì đúng với văn mạch hơn. Đại sư Viên Minh dịch là “Sở hành theo nghiệp chánh”.

[x] Alasa: Lười biếng.

[xi] Lesa: Duyên cớ, sự lừa phỉnh.

[xii] Tứ như ý túc, tứ thần túc: Dục như ý túc: Khởi tâm làm, mong muốn thực hiện; nung chín ước muốn ấy. Tấn như ý túc: Ráng sức, cố gắng, nỗ lực để thực hiện ước muốn của mình. Tâm như ý túc: Nhận biết việc đang làm, chú tâm nhất mực với công việc ấy, không xao lãng, không gián đoạn. Thẩm sát (quán, tuệ) như ý túc: Quán thông, sáng suốt, thấy rõ việc mình làm và cả tiến trình của nó.

[xiii] Như ghi chú ở trước – là không xác định là 3 điều lợi ích gì. Tôi dựa pháp số để chép ra đây. I/- Lợi ích hiện tại, đời này (diṭṭhadhammamikattha). II/- Lợi ích tương lai, đời sau (Samparāyikattha). Lợi ích rốt ráo – hàm chỉ Niết-bàn (Paramattha). Ba lợi ích khác: I/- Tự lợi (Attattha). II/- Lợi tha (Parattha). III/- Lợi cả hai (Ubha-attha).

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app