Nội Dung Chính

KỆ NGÔN III

HẠNH PHÚC VII

Bāhusacca: Nghe nhiều, hiểu rộng
(Đa văn, uyên bác)

 Có hai loại nghe nhiều, hiểu rộng.

– Nghe nhiều, hiểu rộng của người tại gia, tức là kiến thức thu lượm được giữa thế gian, của người đời.

– Nghe nhiều, hiểu rộng của người xuất gia tức là kiến thức tích lũy được khi nghe đạo, học pháp.

Người đời vì phải sanh sống, cần phải nghe và học nhiều để tìm việc làm nuôi mình và gia đình.

Người tại gia cư sĩ là người còn lăn lộn trong đời, nên ai ai cũng mong cầu an vui hạnh phúc, bằng cách tạo lập tài sản và ngăn đón những điều khổ não hay là tai nạn; vì vậy người ta cần phải biết nhiều hiểu rộng, phải có kiến thức thích nghi với hoàn cảnh xã hội. Kiến thức là nấc thang giúp người ta leo lên khỏi bậc đói nghèo, tiến tới chỗ ấm no; kiến thức còn là chìa khóa để mở cửa kho bảo vật có tánh cách vật chất như danh lợi, tước quyền và bảo vật có tách cách tinh thần như an vui và hạnh phúc.

Sanh ra ai cũng như ai, đều là dốt nát từ buổi ban sơ, nhờ học với trường và học trong đời mà người ta mới có kiến thức. Ai bền tâm học hỏi thì kiến thức được nhiều, nghĩa là cái tâm tạo nên kiến thức, nó cũng tạo nên trí tuệ. Người nào biết dùng trí tuệ mở rộng cái tâm để thâu thập kiến thức, thì kiến thức được chánh đại.

Trong pháp hạnh phúc thứ VII này, đức Phật dạy ta phải nghe nhiều hiểu rộng để làm lợi ích cho mình.

Trong tạng kinh có nhiều đoạn đức Phật dạy chúng sanh phải nghe nhiều hiểu rộng để làm lợi ích cho mình.

Trong bộ Dīghanikāya, có một bài kinh đức Thế Tôn có dạy rằng: Cha mẹ có 5 phận sự với con, mà một phận sự là cha mẹ phải lo cho con ăn học cho thành tài.

Cũng trong kinh ấy, ngài còn dạy: Bực thầy đối với trò cũng có 5 phận sự, mà một phận sự là thầy phải dạy học trò cho châu đáo.

Trong kinh Anguttaranikāya, đức Phật có dạy 6 điều [1] nên tôn kính, mà điều thứ 4 là tôn kính điều học (Sikkhagāravatā).

Cũng trong kinh ấy, ngài lại dạy về thất bửu [2]của nhà Phật mà vật báu thứ 5 là Bāhusacca, nghĩa là nghe nhiều hiểu rộng.

Trong kinh Anguttaranikāya, chỗ dạy 10 pháp tạo thành chỗ nương nhờ [3], nương tựa (Nāthakaraṇadhamma) thì pháp thứ 2 là Bāhusacca – tức là phải đa văn, nghe nhiều, hiểu rộng.

Bao quát hơn, đức Phật dạy tín đồ về tam học là giới, định  và tuệ, để nghe nhiều học rộng cho chơn chánh để hiểu rõ chân lý của ngài mà hành theo, hầu thoát khỏi trầm luân.

Người ta có thể hỏi: Chúng ta nên học những gì?

Trong đời này có nhiều môn để chúng ta học, Phật dạy người nên chọn một nghề nào mà mình thích và có khả năng học được. Nghề nào cũng chẳng hèn, miễn là nghề ấy là nghề vô tội, hay nói theo bát chánh đạo, là phải chánh mạng.

Tóm lại: Người tại gia cư sĩ học gì cũng được, miễn là chánh nghiệp và chánh mạng. Còn bậc xuất gia thì phải học ba điều sau đây để làm kiến thức căn bản:

– Pariyattisuta: Nghe nhiều hiểu rộng có từ Tam tạng.

– Paṭipattisuta: Nghe nhiều học rộng về pháp hành và hành theo chánh đạo để đạt Niết-bàn.

– Paṭivedhasuta: Nghe nhiều học rộng về pháp thành, là hiểu rõ pháp giải thoát và hành cho đến nơi giải thoát [4].

Bậc gọi là nghe nhiều hiểu rộng phải có đủ 5 điều kiện [5] là:

1/- Bāhusuta: Được nghe nhiều.

2/- Dhatā: Thuộc rõ ý nghĩa của các pháp [6].

3/- Vacasā paricitā: [7] Thuộc làu và có thể giảng giải và ví dụ cho người nghe hiểu rõ rệt những pháp mà mình giảng.

4/- Manasānupekkhitā: [8] Hằng suy nghĩ nghiên cứu các pháp, nghĩa là hằng theo pháp mà mình đã học hiểu rồi, và nhận thấy lợi ích của sự học nhiều hiểu rộng.

5/- Diṭṭhiyā supaṭividdhā: [9] Hiểu thấu bằng trí tuệ, nghĩa là dùng minh sát tuệ quan sát cho thấy rõ ngũ uẩn và đắc được đạo quả Niết-bàn.

+ Những người Phật tử nghe nhiều hiểu rộng có được nhiều sự hạnh phúc là:

  1. Hiểu rõ ý nghĩa của Tam tạng.
  2. Được phước cao quý.
  3. Hiểu thông pháp học và pháp hành.
  4. Đối đáp rất giỏi khi bị cật vấn.
  5. Nói năng hoạt bát.
  6. Hộ trì pháp.
  7. Không dễ duôi.
  8. Được hưởng hương vị của pháp.
  9. Sẽ được hưởng an lạc trong cõi người, trời hay Niết-bàn ngày vị lai.
  10. Diệt từ từ được tam độc.
  11. Được lợi lộc, danh dự, quyền chức, ngợi khen và hạnh phúc.
  12. Dứt hết nhân quả và không còn luân hồi nữa.

Chính đức Phật (còn Bồ Tát) đã dùng trí tuệ [10] để hiểu biết và cứu độ chúng sanh, chẳng hạn như sự tích sau đây:

“- Thời quá khứ, đức Bồ Tát sanh vào dòng bà-la-môn và giữ chức quân sư của vua xứ Bārāṇasī, tên là Senāka, nổi danh là bậc trí thức nghe nhiều hiểu rộng. Ngài thường đăng đàn thuyết pháp ngày mùng 8, rằm, 23 và 30; thường dạy người bỏ dữ về lành, thực hành theo thiện pháp, như thọ ngũ giới hay bát quan trai. Đây là sự thực hành trí tuệ ba-la-mật của ngài.

Lúc ấy, có một thầy bà-la-môn ăn xin chuyên nghiệp, ông ta dành dụm được một trăm đồng tiền vàng rồi đem gởi cho một người bạn thân.

Ví túng quẫn, người bạn của của ông ta đã xài hết số tiền ấy nên phải đem con gái gả cho thầy bà-la-môn ăn xin ấy để trừ khoản nợ.

Khi được vợ trẻ đẹp, thầy bà-la-môn không còn biết trời đất là gì nữa, chỉ có bà vợ thôi. Vợ ông sai ông đi ăn xin một nơi xa để có nhiều tiền cho cô tiêu dùng. Nhân dịp ông chồng già đi vắng, cô lại tư tình với một thầy bà-la-môn trẻ tuổi. Thầy bà-la-môn già đi xin xứ xa lâu ngày, để dành được một số vốn lớn là 700 đồng tiền vàng, lật đật trở về thăm vợ. Khi về gần tới nhà, thầy đến ngồi dưới cội cây to có bộng, mở bị ra lấy cơm ăn rồi xuống mé sông uống nước. Lúc ấy có một con rắn độc chui vào bị của ông. Khi uống xong, lên cột bị lại rồi mang lên vai ra đi, ông không hề biết rằng có một con rắn độc đã nằm trong bị. Vị thọ thần ở trên cây ấy thấy vậy thương hại ông nên nói rằng: “Thầy bà- la-môn ơi! Nếu thầy chưa về tới nhà đêm nay, thì thầy sẽ chết dọc đường, bằng về tới nhà thì vợ thầy chết”. Thầy bà-la-môn lấy làm kinh sợ vì thầy không muốn chết, mà cũng không muốn cho vợ mình chết, ông khóc lóc không dám về nhà mà đi vào thành. Ngày ấy, nhằm ngày giới, đức Bồ Tát Senāka có thuyết pháp tại tư dinh của ngài nên người trong thành đem hương hoa đến dâng cúng và để nghe pháp. Thầy bà-la-môn ăn xin biết tin ấy, nên ông liền theo đoàn người đi nghe thuyết pháp, và nghĩ rằng: “Biết đâu, nhờ nghe pháp mà lòng ta được yên tĩnh trở lại!”. Khi đến nơi, thầy bà-la-môn với dáng bộ thiểu não, nước mắt còn dàn dụa. Thấy vậy, đức Bồ Tát mới hỏi và biết tự sự nguồn cơn. Do trí suy luận sắc bén, ngài hỏi: “Thế khi thầy ăn cơm xong, thầy có bỏ đi đâu không?”. Lão đáp: “Dạ, có đi, có xuống mé sông uống nước!”. Bồ Tát nhíu mày rồi hỏi tiếp: “Vậy khi đi, cái bị kia có cột lại không?”. Lão thưa: “Dạ không!”

Vậy là chỉ vài câu vấn đáp, đức Bồ Tát đã biết ngay rằng, trong khi xuống mé sông uống nước, bị không cột nên đã có một con rắn độc bò vô trong bị của thầy. Vị thọ thần chứng kiến điều ấy nên thương hại mách bảo cho. Chuyện đương nhiên sẽ xẩy ra nằm trong hai trường hợp sau: Nếu thầy mở bị ra ăn cơm chiều thì rắn ấy sẽ cắn thầy, thầy sẽ chết; bằng về nhà, bà vợ tham lam sẽ tự tay mở bị ra rồi bà sẽ bị rắn độc cắn chết.

Thấy rõ điều này, Bồ Tát mỉm cười, trấn an thầy bà-la-môn: “Ta sẽ cứu ông thoát chết mà bà vợ trẻ của ông cũng không chết, được chưa nào!” Mọi người vui cười, đổ xô quây quần lại, tò mò xem chuyện lạ! Sau đó, Bồ Tát cho mời một thầy rắn đến rồi bảo thầy bà-la-môn nới lỏng sợi dây cột bị ra! Lát sau, một con rắn độc chui ra khỏi khoảng hở, bò ra ngoài, thầy rắn bèn thò tay bắt rồi bỏ vào đãy của ông ta một cách dễ dàng. Những người có mặt nơi ấy đều hoan hô trí tuệ và công đức của Bồ Tát.

Chuyện chưa thôi. Bồ Tát ngắm nhìn lão bà-la-môn, thấy phong trần, già nua nhưng toát ra cái vẻ thật thà, chất phác, hiền lành nên khởi tâm bi mẫn, muốn giúp ông ta cho đến nơi đến chốn. Nghĩ vậy, ngài mới cho thầy ấy thêm ba trăm đồng nữa hiệp với bảy trăm của thầy xin được cho đủ ngàn; và dạy thầy bà-la môn ấy rằng: “Ngươi đem của này về chôn giấu một nơi nào xong rồi hãy vào nhà; cứ làm như lời ta dặn – thì sẽ phát sanh chuyện lạ!”

Thầy bà-la-môn bái tạ đức Bồ Tát rồi đem giấu tiền vào một chỗ kín rồi mới vô nhà. Vợông lo nước cho ông tắm rửa rồi hỏi ông đi xin được bao nhiêu tiền bạc. Ông nói thật số tiền đã xin được là một ngàn đồng vàng và cho biết số tiền hiện giấu ở chỗ nọ. Vợ ông liền cho nhơn tình biết chỗ giấu tiền. Người nhơn tình đến nơi ăn cắp số tiền giấu đó. Sáng hôm sau, thầy bà-la-môn đến nơi mình chôn tiền để lấy về, mới thấy số tiền đã mất; ông khóc lóc và đến nhà đức Bồ Tát thuật lại tự sự.

Đức Bồ Tát dường như biết rõ chuyện ấy sẽ xẩy ra nên lấy tiền khác cho thầy và dạy rằng: “Đừng lo! Nếu nghe lời ta thì tiền ấy không mất đâu! Thầy hãy lấy số tiền này về làm lễ cúng dường 7 ngày cho các thầy bà-la-môn để hồi hướng phước báu cho cha mẹ thầy. Nhưng nên nhớ, phần thầy phải mời 7 vị bà-la-môn và phần vợ thầy cũng phải mời đủ 7 vị. Rồi mỗi ngày, mỗi bên phải bớt đi một người cho đến ngày thứ bảy, sẽ chỉ còn hai người, bên thầy một và bên vợ thầy một, lúc ấy sẽ báo cho ta biết!”

Thầy vâng lời làm theo, đến ngày thứ bảy, bên thầy còn lại một bà-la-môn già còn bên vợ thầy còn một thầy bà-la-môn trẻ tuổi. Thầy liền đến báo cho đức Bồ Tát biết, ngài bèn ra lệnh bắt thầy bà-la-môn trẻ tuổi ấy đến để thẩm vấn trong phòng riêng.

Ngài hỏi:“Tại sao ngươi trộm tiền của thầy bà-la-môn già nua tội nghiệp nầy?”

Ông ta bèn chối: “Thưa ngài đại trí thức! Tôi nào có ăn cắp gì của lão đâu”.

Đức Bồ Tát nghiêm mặt nói: “Đừng chối quanh! Những việc làm ám muội của ngươi, ta biết rõ từng chi tiết một. Khôn hồn hãy khai đi! Nếu không, ta sẽ tuyên bố cả bàng dân thiên hạ cả cái tội tư tình lén lút, xấu xa của ngươi nữa!”. Vì kinh sợ, nên thầy bà-la-môn trẻ tuổi ấy bèn cung khai hết mọi việc.

Người bà-la-môn già lấy lại được tiền; và từ đấy cô vợ trẻ cũng không dám ngoại tình nữa”.

Sau khi thuyết tích nầy xong, đức Thế Tôn mới dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong khi Như Lai sanh làm vị đại trí thức Senāka ấy, Như Lai trông thấy rõ nguyên nhân của chuyện ấy bằng trí tuệ thế gian – là một loại trí tuệ giả đoán, phân tích, suy luận – nên đã giải khổ cho thầy bà-la-môn ấy và còn cho rất nhiều người khác nữa!”

Người đã biết rộng hiểu nhiều còn cần phải có thêm trí tuệ thì kiến thức mới có lợi lạc. Mà muốn có trí tuệ, thì phải hành theo pháp Phật và trước hết phải biết những nguyên nhân nào làm cho trí tuệ được phát sanh và tiến triển.

+ Có 4 nguyên nhân phát sanh trí tuệ [11]:

  1. Sappurisasaṃseva: Thân thiện với các bậc trí thức.
  2. Sadhammassavana: Nghe pháp (lời dạy bảo) của bậc trí thức như là:
  3. a. Saddha: Có đức tin, tin nhân quả.
  4. Sīla: Trì giới (Ngũ giới, bát quan trai hay cụ túc giới).
  5. Hiri: Có sự hổ thẹn tội lỗi.
  6. Ottappa: Có sự ghê sợ tội lỗi.

đ. Bāhusacca: Đa văn

  1. Cāga: Bố thí (Dứt bỏ)
  2. Paññā: Có trí tuệ.
  3. Yonisomanasikāra: Khi được nghe pháp của các bậc trí thức xong phải nghiệm xét cho chu đáo rồi hãy hành theo.
  4. Dhammānudhammapatipatti: Hành đúng theo những pháp của các bậc trí thức đã dạy cho cao thượng.

 

HẠNH PHÚC VIII

Sippa: Có nghề [12]
(Nghề nghiệp giỏi – tiểu công nghệ)

 

Đức Thế Tôn dạy rằng nghề nghiệp đem hạnh phúc đến cho ta. Vậy ta cần hiểu biết:

– Nghề nghiệp là gì?

– Nghề nghiệp đem điều hạnh phúc gì lại cho ta?

– Làm sao ta có nghề?

Chú giải có dạy: Sippaṃ nāma anagariyava (?) sena duvidhaṃ hatthakusalaṃ:

– Nghề nghiệp là sự việc làm bằng tay chân hoặc trí óc và có hai nghề:

  1. Nghề của người tại gia.
  2. Nghề của hạng xuất gia

Pháp hạnh phúc thứ VII dạy ta cần biết rộng hiểu nhiều, nghĩa là dạy ta thâu thập cho nhiều kiến thức về giáo lý, về lý thuyết. Còn pháp hạnh phúc thứ VIII nầy thì dạy ta thực hành, đem kiến thức ấy mà áp dụng cho lợi lạc vì nghề nghiệp nào cũng cần có kiến thức làm căn bản. Vậy nghề nghiệp là kiến thức đem ra thực hành. Người không có kiến thức thì khó làm được nghề nghiệp tốt.

Người có nghề nghiệp giỏi đi tới nơi nào cũng được an vui, không thiếu thốn, đúng như câu cách ngôn: “Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh”. Trong đời có nhiều nghề khác nhau, nghề mà người Phật tử còn tại gia cần phải lựa là nghề nào vô tội, gọi là chánh nghiệp [13]. Đức Thế Tôn có dạy con người khi còn trẻ nên học một nghề gì cho giỏi thì nghề ấy sẽ đưa sự an vui đến cho, như nghề anh chuyên môn búng sạn sau đây.

“- Khi xưa tại kinh đô Ba-la-nại (Bārāṇasī) có một người què nhưng có tài búng sạn rất giỏi. Những kẻ trong thành thường đẩy xe cho anh ra ngoài cửa thành, để anh dưới cội cây to, đem sạn đến và biểu anh dùng sạn búng lá cây thành hình thú nầy thú nọ kia coi chơi rồi cho anh tiền.

Ngày nọ nhà vua ngự chơi vườn thượng uyển, đi ngang qua chỗ ấy, những đứa trẻ kinh sợ bỏ chạy, chỉ còn mình anh què ở lại. Nhà vua trông thấy bừa bãi dưới đất những lá cây lủng lổ chổ có những hình thú rất ngộ, mới phán hỏi quan cận thần. Vị ấy tâu tự sự.

Nhà vua mới bảo anh què đến và hỏi: “Nầy cậu kia! trẫm có một vị quân sư có tật ham nói, khi trẫm muốn nói điều chi thì quân sư cướp lời hết, trẫm không nói gì được. Ngươi có phương kế chi làm ông ấy không nói gì nữa được chăng?

Anh què đáp: “Tâu Hoàng thượng! Nếu có vài cân phẩn dê thì hạ thần có phương thế làm được”.

Nhà vua bèn đem anh què về, để anh ngồi sau một tấm màn có khoét lỗ và để gần bên anh một cân phẩn dê khô. Đoạn ngài hội trào thần lại để bàn việc quốc gia.

Vị quân sư quen tật cướp lời nói của mọi người, vừa hả miệng toan cướp lời vua thì liền bị anh què sau lỗ màn búng một viên phẩn dê khô vào miệng. Ham nói quá, ông nuốt riết viên phẩn dê để nói. Mỗi lần ông hả miệng là bị một viên phẩn lọt vào, mà ông cứ nói không ngưng.

Đến khi vua trông thấy anh què đã búng hết phẩn. Ngài mới bảo quân sư rằng: “Nầy quân sư, vì tật ham nói, nên khanh nuốt hết một cân phẩn dê khô, mà vẫn chưa biết. Dạ dày của khanh không thể tiêu hóa được cân phẩn ấy, vậy khanh về uống thuốc xổ ra đi”. Vị quân sư cả thẹn ra về. Từ đấy ông không dám nói nhiều nữa.

Nhờ anh què mà lỗ tai vua đỡ bực, nên ngài ban cho anh què ấy thâu thuế bốn thôn được ước độ mười muôn dân.

Có một vị đại thần thấy thế mới tâu rằng: “Tâu Đại vương! Trong đời nầy dù người nào, nghề nào cũng cần phải học. Nghề búng sạn của anh què cũng được Hoàng thượng ban thưởng”.

Rồi vị ấy mới nói câu kệ:

“- Sādhu kho sippaṃ nāma

Api yadisakīdisaṃ (?)

Passa ajapphārena

Laddhagāmā catudisā “[14].

Nghĩa là: Đã gọi là nghề dầu là nghề gì cũng làm cho ta được hưởng được lợi ích của nó.

Người biết nghề đành là có phần lợi lạc, mà cần phải biết áp dụng và áp dụng đúng lúc, đúng chỗ thì mới mang đến kết quả tốt đẹp; bằng áp dụng không thích nghi, không lựa nơi, lựa chỗ thì lại đem cái khổ đến cho mình – như sự tích của người học trò của anh què búng sạn trên kia.

“- Có một người học nghề búng sạn với anh què nọ. Sau khi học rành nghề, người ấy mới định thử tài của mình; thầm nghĩ: Nếu mình búng sạn thử vào bò, heo, dê… thì chủ họ sẽ bắt mình đến và bị phạt, bồi thường! Nếu búng sạn thử vào bất kỳ một người nào thì cha mẹ, họ hàng quyến thuộc của họ sẽ đập chết ta hoặc sinh ra kiện cáo lôi thôi!

Một hôm gặp đức Phật Độc Giác đang đi trì bình khất thực, anh chàng thầm nghĩ: Vị sa-môn này hoàn toàn cô độc, không nhà cửa, không gia đình, ta thử tài của ta thì thật là vô tội vạ! Tức thì anh liền búng một viên sạn vào lỗ tai của đức Phật Độc Giác, viên sạn đi xuyên từ lỗ tai bên này sang bên kia. Nếu là người thường thì chết liền tại chỗ vì viên sạn đó, nhưng đức Phật Độc Giác dùng thiền định chế ngự được thương tích nên về đến am thất, ngài mới nhập diệt.

Anh nọ lại tìm đến am thất của ngài, thấy tín đồ đang lo hỏa táng và than khóc, anh mới khoe: “Mấy người biết không? Người chết đây là do tài búng sạn của tôi đó!”

Tưởng khoe như vậy là người ta kính nể và khen mình, nào ngờ tín đồ nổi giận, lôi anh ra đánh chết. Vì tội giết đấng cao cả nên sau khi chết anh sanh vào địa ngục A-tỳ”.

Vậy người Phật tử chân chính nên chọn lấy một nghề gọi là chánh nghiệp ( phải là chánh mạng) mới được hạnh phúc.

Nhưng làm sao cho ta có nghề? Điều rất giản dị là muốn có nghề, thì phải cố học.

Về nghề của bậc xuất gia, đức Thế Tôn có dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Thầy tỳ-khưu trong Phật đạo phải siêng năng giúp nhau hành Tăng sự dù mọi việc lớn hay nhỏ.

Nên dùng trí tuệ quan sát mọi việc coi nên làm hay không?”[15]

Vậy các bực xuất gia phải có nghề trong phạm vi của bực xuất gia, mà nghề của bực xuất gia là Tăng sự, như: Lễ xuất gia, lễ nhập hạ, lễ dâng y, lễ ra hạ, lễ phát lồ… thầy tỳ-khưu phải thông hiểu.

+ Hơn nữa, thầy tỳ-khưu còn nên học thông 8 điều cũng thuộc vào nghề của mình là:

  1. Rakkhāndriyasippaṃ: Nghề giữ lục căn thanh tịnh.
  2. Sādhukasippaṃ: [16] Nghề biết ba điều lợi ích [17].
  3. Nānābhāsākovidhasippaṃ: [18] Nghề hiểu thông nhiều thứ tiếng là Bắc phạn và Nam phạn.
  4. Dhammaratasippaṃ: [19] Nghề biết thỏa thích. Có 10 pháp nương nhờ:
  5. Sīla: Trì giới trong sạch
  6. Bāhusucca: Học nhiều hiểu rộng.
  7. Kalyāṇamitta: Có bạn lành
  8. Sovacassatā: Tư cách biết vâng lời, dễ dạy

đ. Dakkhatā: Tư cách người siêng năng, khéo léo, thông thạo, có khả năng.

  1. Dhammakāmatā: Tư cách người ưa thích pháp

ê. Viriya: Tư cách người có tinh tấn hành đạo

  1. Santosa: [20] Có trí thức
  2. Sati: Có trí nhớ (có niệm).
  3. Sukhasikkhāsippaṃ: Học biết 7 điều an lạc là:

– Manussasukhaṃ: An vui trong cõi người

Divasukhaṃ: An vui trong cõi trời

– Jhānasukhaṃ: An vui của thiền định

– Vipassanāsukhaṃ: An vui của minh sát tuệ

– Maggasukhaṃ: An vui của đạo

– Phalasukhaṃ: An vui của quả

– Nibbānasukhaṃ: An vui của Niết-bàn

  1. Nānāsippanvisada: Nghề hiểu rõ các chi tiết của nghề.
  2. Kulasīlasippaṃ: Nghề hiểu rõ phận sự của người còn ở trong gia đình.
  3. Bhītasippaṃ: Nghề hiểu rõ hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi là nguyên nhân sinh ra những học giới để ngăn ngừa, rào đón chúng ta khỏi sanh vào ác đạo.
  4. Buddhasippam: Nghề hiểu rõ pháp bảo là Tam tạng.

+ Người có nghề nghiệp giỏi [21] thì được những hạnh phúc nầy:

– Trở nên người lành.

– Làm cho mình hơn người bên mình.

– Làm cho mình giỏi hơn người khác.

– Làm cho mình tốt hơn người khác.

– Làm cho mình cao thượng hơn người khác.

– Làm cho mình cao cả hơn người khác.

– Tự mình sinh sống được dễ dàng hơn.

– Làm cho mình trở nên người khôn ngoan hơn kẻ khác.

– Làm cho mình giàu hơn người khác

– Làm cho mình có an vui hơn người khác.

– Làm cho mình trở nên người có giá trị hơn người khác.

– Làm cho xã hội được tiến hóa. 

 

HẠNH PHÚC IX

Vinayo ca susikkhito: Học thông được luật
(Khéo học tập, thông suốt luật nghi)

 Muốn học thông luật cần phải phân tách 3 điểm trong luật:

  1. Trạng thái của luật
  2. Sự quan trọng của luật
  3. Luật là nguyên tắc sống đẹp, lành mạnh để người hành theo.

Ai ai cũng biết rằng luật [22] là những điều cấm không cho người vi phạm, do nơi nhiều vị trí thức hợp đồng soạn thảo ra, để mọi người trong một xã hội thực hành theo, để đem an vui lại cho xã hội. Do vậy, luật không phải do một người có toàn quyền quyết định trong một nhóm, phe phái hay một xã hội độc tài chuyên chế nào đó với những điều lệ hay những pháp lệnh độc đoán.

Ai ai cũng biết rằng chúng ta mỗi người đều có thể có 2 lối đi là: Đường đời và đường đạo – vì mỗi người trong chúng ta có hai thành phần quan trọng là thân và tâm. Thân nầy sanh ra trong đời và sống trong đời, trưởng thành trong đời và sống trong đời. Tâm của chúng ta cũng vậy. Nhưng tâm phải sống trong khuôn khổ của luân lý, đạo đức là luật của đạo, của đức lý chung chung; còn như thân thì phải tùy thuộc kỷ luật, pháp luật – tức là luật của đời.

Tất cả nhân loại sanh ra trong cõi ta-bà nầy đều phải bị chi phối bởi nhiều luật tắc. Nếu là người tại gia cư sĩ, thì phải tuân theo mọi quy định của pháp luật nơi quốc độ mà mình đang sống. Nếu là người có tôn giáo thì còn tuân theo luật tắc, giới điều của tôn giáo ấy nữa. Riêng với Phật giáo – thì giới điều dành cho những cư sĩ tại gia là ngũ giới hay bát quan trai giới. Nếu người nào chỉ biết giữ theo luật của chánh phủ, nhưng không biết luật của tôn giáo – thì người ấy được gọi là người vô tín ngưỡng; có thể họ là người sống theo duy vật, theo chủ thuyết hư vô hoặc đoạn diệt luận! Riêng đạo Phật, nếu họ sống theo luật đời, chấp hành, tuân thủ luật đời mà không tin Phật, tu Phật thì người ấy có thể tránh được cho mình những điều phiền lụy về thể xác, phần thân; nhưng họ sẽ không có được đời sống tinh thần thanh cao, hướng thiện, hướng thượng trong kiếp nầy và luôn cả kiếp vị lai.

Vì vậy nên có câu Phật dạy rằng:

“- No ce assa buddhi

Vinayo vā susikkhito

Vane andhamahīsova

Careyya bāhuko naro”

Nghĩa là: Thái độ sống, mọi hành động của nhân loại mà không có luật bắt buộc họ phải thực hành theo, thì không khác nào bầy bò đui mà đi trong rừng rậm.

Nơi đây tôi xin đề cập riêng về luật của đạo. Theo Tam tạng kinh của đức Thế Tôn đã giáo truyền thì luật ấy được chế định chia ra làm 2 bộ:

  1. Agāriyavinaya: Luật của người tại gia.
  2. Anāgariyavinaya: Luật của người xuất gia.

Luật của người tại gia

Người tại gia là người còn trong gia đình chưa có thể hay là không thể bỏ gia đình để đi theo phẩm hạnh của các bậc xuất gia, nên đức Phật có ấn định giới luật cho hàng cư sĩ. Luật ấy gồm có 10 điều chế ngự thân, khẩu, ý. Mười điều luật ấy có khi gọi là thập thiện đối lại với thập ác. Thập ác là mười điều ác chia ra làm 3 loại là:

– 3 điều ác do thân tạo ra: Sát sanh, trộm cướp, tà dâm.

– 4 điều ác do khẩu tạo ra là: Nói dối, nói đâm thọc, nói ác và nói lời vô ích.

– 3 điều ác do ý (tâm) tạo ra là: Tham lam thái quá, oán thù và tà kiến.

+ Mười điều ấy xin lần lượt giảng giải theo thứ tự sau đây:

  1. Sát sanh (Pāṇātipātā): Là cố ý giết hay là xúi kẻ khác giết người hoặc động vật có sự sống.

Nếu giết thú nhỏ, thức tánh sơ khai – thì tội ít, còn thú lớn, thức tánh phát triển – thì tội nặng; nếu giết người thì tội càng nặng hơn. Nếu người sát sanh có đủ 5 chi phần sau đây mới gọi là sát sanh:

– Pāṇa: Thấy có một chúng sanh.

– Pansannīta: Biết rằng chúng sanh ấy có thức tánh (Có hơi thở, có sự sống).

– Vadhakacittaṃ: Khởi tâm, cố ý giết hại.

– Upakkama: Cố gắng tìm cách giết chúng sanh ấy.

– Tena maraṇaṃ: Đã giết chúng sanh ấy bằng nỗ lực của chính mình.

Nếu thiếu một chi phần nào, thì người giết hại không gọi là phạm tội sát sanh, nhưng giới bất sát của người ấy không được trong sạch [23].

  1. Trộm cướp (Adinnādānā): Có tác ý trộm cướp khi biết rằng món đồ cướp ấy có chủ, chủ không bằng lòng cho mà vẫn cố ý cướp hay lấy về cho mình. Tội trộm cướp nặng hay nhẹ là tùy theo của ít hay nhiều, giá trị cao hay thấp; và cũng tùy theo người bị cướp ấy là kẻ xấu ác hay là người lương thiện, có giới hạnh. Dĩ nhiên là cướp của người có đạo đức, giới hạnh thì tội nặng hơn.

+ Người hoàn toàn phạm vào tội trộm cướp là khi nào người phạm đủ năm chi phần sau đây:

– Parapariggahitaṃ: Tài sản, của cải của người khác.

– Parapariggahitasannitā: Biết rằng tài sản, của cải ấy là có chủ gìn giữ.

– Theyyacittaṃ: Khởi tâm, cố ý lấy cắp, trộm cướp vật đã có chủ ấy.        

– Upakkama: Tìm mưu kế, cố nỗ lực để lấy cắp vật ấy cho bằng được.

– Tenaharaṇaṃ: Đã trộm cướp được là nhờ vào sự nỗ lực và mưu kế ấy.

  1. Tà dâm (Kāmesumicchācārā): Dịch từ tiếng phạn là kāma [24], nghĩa là sự mơ ước. Tiếng nầy thường được dịch là trần nhưng nơi đây phải dịch là dâm. Dâm có hai trường hợp: Phạm tội, và không phạm tội.

– Sadārasantoso: Ăn ở với vợ nhà là không phạm tội.

– Paradāragamana: Ăn ở với kẻ khác (vợ người khác) là phạm tội.

Tà dâm là một điều mà các vị thiện trí thức, nhứt là đức Phật hằng chê bai là pháp thấp hèn làm cho chúng sanh tội lỗi và đau khổ trong luân hồi.

 + Phật giáo cấm phạm dâm đến 20 hạng người, gọi là Agamaniyatthāna: Người bất khả xâm phạm.

  1. Māturakkhitā: Người con gái còn có mẹ giữ gìn.
  2. Piturakkhitā: Người con gái còn có cha giữ gìn.
  3. Mātāpiturakkhitā: Người con gái còn có cha mẹ giữ gìn.
  4. Bhāturakkhitā: Người con gái còn có anh gìn giữ, nghĩa là người đã mất cha mẹ, hoặc còn mà phải ở với anh, anh có phận sự gìn giữ.
  5. Bhaginīrakkhitā: Người con gái còn có chị hay em gái gìn giữ.
  6. Natirakkhitā (?): Người phụ nữ có quyến thuộc gìn giữ.
  7. Gottarakkhitā: Người phụ nữ còn có người trong họ hàng gìn giữ.
  8. Dhammarakkhitā: Người phụ nữ có pháp gìn giữ – nghĩa là người phụ nữ xuất gia ở trong giới luật, còn có nhiều người cùng đạo gìn giữ.
  9. Sārakkhā: Người phụ nữ đã có chồng hay người đi hỏi rồi – là người đã được bảo vệ.
  10. Sāpattika: Người phụ nữ phạm luật nước, nghĩa là người phụ nữ bị nhà chức trách không cho hành động theo ý muốn của mình, hoặc cho người nam đến giao tiếp.
  11. Dhanakkita: Người phụ nữ đã có người mua đổi bằng tiền của, dầu nhiều hay ít.
  12. Chandavāsinī [25]: Người phụ nữ theo trai, người đàn ông bằng lòng đem về nhà làm vợ.
  13. Bhogavasī [26]: Người phụ nữ ưng làm vợ người vì tiền, nghĩa là người phụ nữ ấy ưng làm vợ của người nam vì một số tiền dù ít hay nhiều.
  14. Paṭavasī [27]: Người phụ nữ ưng làm vợ người vì y phụ nghĩa là chịu lãnh một số y phục để về làm vợ.
  15. Odapattakini [28]: Người phụ nữ bằng lòng để cho người khác đem bàn tay mình để vào bàn tay người nam, rồi nhúng vào chậu nước mà nói rằng: Hai người hãy ở với nhau như nước nầy, không bao giờ chia rẽ nhau. Đây là phép cưới ngày xưa của Ấn Độ.
  16. Chatakumbhatā. Người phụ nữ đội trên đầu nhờ người nam để xuống rồi người ấy đem về làm vợ.
  17. Dāsī ca bhariyā ca: Người phụ nữ đã làm tớ gái mà cũng là làm vợ, nghĩa là trước kia là nô tỳ sau này lại ở với ông chủ.
  18. Kammakārī ca bhariyā ca: Người phụ nữ làm công mà cũng làm vợ.
  19. Dhajāhaṭa: Người phụ nữ bị quan quân bắt về, nghĩa là nữ tù binh.
  20. Muhuttikā (?): Người phụ nữ có tình với người nam (như vợ bé thời bây giờ).

Người nam không được xâm phạm đến 20 hạng nữ kể trên; còn người nữ khi biết mình thuộc về 20 hạng ấy mà còn ngoại tình thì được gọi là tà dâm.

Cũng như hai giới trước, giới tà dâm nếu phạm vào người ít đức thì tội nhẹ, bằng phạm vào người có nhiều giới đức thì tội lại nặng.

Giới tà dâm có 4 chi phần để cho người biết mình có phạm giới hoặc giới bị nhơ đục hay không.

– Aga naniyavatthu (?): Người mà ta không nên hành dâm (20 hạng phụ nữ đã kể trên).

– Tasmin sevanacittaṃ: Tâm muốn hành dâm với người không nên hành dâm.

– Sevanappayogo: Cố gắng tìm cách hành dâm.

– Maggena maggappaṭipatti adhivāsanā: Đã hành dâm được do sự cố gắng ấy.

Trong ba giới sát sanh, trộm cướp, tà dâm kể trên, tuy đều có ý tham dự – nhưng khi phân tích tội thì chúng đều thuộc về thân – thân nghiệp. Luật chưa bắt tội tâm vì nếu tâm chỉ toan tính mà điều ác chưa thi hành, thì nhân vật mà tâm tính hại ấy thực tế vẫn chưa bị hại (vì sự suy nghĩ ác của tâm).

  1. Nói dối (Musāvādā): Theo chú giải thì tội nói dối không chỉ do khẩu (bằng miệng) – mà phải tính luôn khi thân, tay, chân ra dấu hiệu hoặc dùng thư từ để dối gạt người khác nữa. Ngoài ra, sau khi đã nói dối, người khác hỏi đến, do sợ tội nên tìm cách chối quanh – cũng không thoát khỏi tội nói dối; bằng thú nhận thì sợ bị hành phạt, cứ nín thính, như vậy cũng phạm tội nói dối.

Nói dối nếu hại ít người thì nhẹ tội, bằng hại nhiều người thì nặng tội.

+ Nói dối có bốn chi phần là:

– Atthaṃ vatthu: Chuyện, nhân hay vật không thật.

– Visaṃvāyamacittaṃ: Tâm muốn nói sai sự thật.

– Tajjovāyama: Cố gắng nói sai sự thật theo ý muốn.

– Parassa tadatthavijānānaṃ: Đã làm cho người khác tin theo, biết rõ chuyện không thật mà mình đã nói ấy.

  1. Nói đâm thọc, ly gián (Pisuṇāya vācāra): Con người bị sự tham lam, sân hận, si mê làm mờ ám – thường mưu toan làm cho những kẻ đang thương yêu quý mến nhau phải chia rẽ nhau, thù oán nhau cho bõ ghét, cho đã lòng oán hận hoặc là để cầu thân với bên nầy đặng trả oán bên kia. Thái độ ấy gọi là pisuṇāyavācāra, tức là nói đâm thọc, ly gián nhằm chia rẽ người khác.

Lời nói đâm thọc, chia rẽ người có giới đức ít, thì nhẹ tội, bằng người có đức hạnh cao thì tội nặng. Còn nếu nói đâm thọc mà không có kết quả chi cả (tội chưa được thành lập) thì tội ít.

+ Nói đâm thọc, ly gián có bốn chi phần là:

– Bhinditabbo paro: Người có thể chia rẽ.

– Bhedapurekkhārātā vā piyakamyatā: Ý muốn chia rẽ, hoặc muốn cho một bên thân thiện với mình.

– Tajjo vāyama: Đã nỗ lực, cố gắng để chia rẽ, ly gián.

– Tadatthavijānānaṃ: Đã có kết quả, đã làm cho hai bên biết rằng họ ghét nhau và đã thành công trong sự mưu toan ly gián ấy.

  1. Ác ngữ (Pharusāya vācāya): Là nói lời cay độc, độc ác, hung dữ…

Chú giải có dạy rằng: Khi ta giận hờn nguyền rủa và trù ẻo kẻ khác cho bị tai nạn, nói những điều xấu của kẻ khác làm cho người ta mất danh giá, ấy là ác ngữ.

Riêng về phần cha mẹ chửi rủa con, không gọi là ác ngữ, vì mặc dầu ngoài miệng chửi rủa mà trong lòng thương yêu không muốn cho con bị tai nạn theo lời rủa của mình. Như có tích sau đây:

“- Có một thanh niên kia cãi lời mẹ đi chơi trong rừng, bà mẹ sợ con bị tai nạn, ngăn cản không được, mới rủa: “Mầy đi sẽ bị trâu rừng dữ rượt mầy”.

Người con vào rừng bị trâu rừng rượt thiệt. Nhắm không thể nào chạy khỏi, người ấy mới phát nguyện rằng: “Khi tôi ra đi, mẹ tôi có rủa tôi, nếu mẹ tôi có ác ý muốn cho tôi chết, tôi xin chịu chết; bằng mẹ tôi chỉ hăm dọa cho tôi sợ, xin cho tôi thoát nạn”. Người thanh niên vừa dứt nguyện, trâu rừng tự trở lui không hại người thanh niên ấy”.

Tích nầy cho thấy rằng dầu lời nói ác nhưng tâm không ác, thì không hoàn toàn là ác ngữ. Tuy nhiên, đấy là trường hợp đặc biệt mà người mẹ phải sử dụng để đối trị với đứa con cứng đầu. Bất cứ trong trường hợp nào, đã là người tu Phật thì không nên nói lời độc ác, hung dữ hoặc nhiếc mắng, nguyền rủa kẻ khác – nó chính là thuộc độc làm cho ô nhiễm tâm trí chúng ta.

Cũng tương tợ như các giới trên, ác ngữ với người thấp hèn, ngu si không có giới đức thì tội ít, bằng với người hiền lương, có giới đức thì tội rất nặng.

+ Ác ngữ có ba chi phần là:

– Akkositabbo: Có kẻ khác để ta chửi, mắng.

– Kujjhanacittaṃ: Tâm ta giận

– Akkosanā: Đã chửi rủa xong.

  1. Lời nói phù phiếm (Samphappalāpa): Tức là nói ba cái chuyện tào lao, chuyện bậy bạ, chuyện tiếu lâm, chuyện vô ích, chuyện rỗng không…

+ Giới nầy có hai chi phần là:

– Muốn nói lời phù phiếm (như trên).

– Đã nói những chuyện kể trên rồi.

Khi người phạm vào hai chi phần trên thì là phạm vào tội nói lời phù phiếm, vô ích. Nhiều người lầm tưởng rằng, giới này vô tội vạ, chỉ để giết thì giờ, để giải trí cho vui – nhưng thật ra, lâu ngày chầy tháng nó sẽ làm cho ta giảm mất tư cách và giá trị con người.

Về phần khẩu, vậy là có 4 tội: Nói dối, nói ly gián, nói độc ác và nói phù phiếm.

  1. Tham lam quá (Abhijjhā) : Có hai chi là:

– Parabhaṇḍaṃ: Của cải của người khác.

– Attano parināmānam (?): Đã tìm cách thế đem những của cải về cho mình – dù chỉ mới tính quyết rằng: Ta sẽ đem của cải ấy về cho ta, nhưng chưa thực hiện thì cũng phạm vào chi phần nầy rồi.

Trái lại, nếu ta muốn được của cải, tài sản của người, nhưng tâm ta chưa quyết rằng ta chiếm cho kì được, thì chưa hẳn phạm giới.

Về khoản nầy, giới cấm rất gắt, và phải gắt như thế mới có thể đưa tâm của con người vào khuôn khổ được. Người tu muốn được giải thoát, cần phải có trí nhớ và công bằng để làm quan tòa xử tâm mình cho công minh, không thiên vị.

  1. Oán thù (byāvata) [29]: Oán thù là ác tâm muốn tìm thế hại người, tìm mưu chước để làm mất lợi ích hoặc giảm uy tín của người mà họ oán ghét.

+ Oán thù có hai chi phần là:

– Parasaytto (?): Tạo nhân oán thù.

– Tasavināsacinto (?): Do oán thù nên suy nghĩ để tìm cách mưu hại kẻ khác.

Oán thù sanh lên bởi lòng nóng giận. Khi nóng giận kẻ khác mà chưa có ý nghĩ hại người, thì chưa hẳn phạm tội nầy, chừng nào tâm đã lập kế hại người, và đã hại người rồi mới gọi là phạm.

  1. Tà kiến (Micchādiṭṭhi): Sự hiểu biết sai lầm, trái với sự thật, gọi là tà kiến. Ấy là sự nhận thức trái với chân lý. Ví dụ như tin tưởng rằng một khi đã phạm tội rồi, có thể yêu cầu kẻ khác rửa tội cho mình, hoặc chịu tội thế cho mình, tin rằng có kẻ khác cho ta phước, phạt ta phải chịu tội, chớ không tin rằng: Phước theo ta như bóng theo hình, hễ hình cao thì bóng dài mà hình thấp thì bóng ngắn.

+ Tà kiến có hai chi phần là:

– Vatthuni gahiṭakāraviparītattā: Tánh cách của sự cố chấp , chấp vào điều sai với sự thật.

– Yathā ca taṃ bandhati tathābhāvena tassapatthānaṃ: Chấp với tánh cách hiểu lầm, những điều sai với sự thật, mà cho rằng đúng, không chịu bỏ.

Người tu tại gia cố tránh mười điều ác do thân, khẩu, ý, tạo ra; đồng thời ráng hành mười điều thiện. Được như vậy, mới là đúng luật của người cư sĩ tại gia.

Luật của người xuất gia

Anāgāriyavinaya: Nếu dịch đúng theo phạn ngữ là luật của người vô gia đình, mà người vô gia đình là người xuất gia. Người xuất gia không được phạm một điều nào trong 227 điều luật đã thọ trì.

227 điều ấy, gọi là cụ túc giới, nếu vị tỳ-khưu nào phạm đến, tùy theo sám hối được hay không – thì hoặc bị phạt cấm phòng hay bị hoàn tục nghĩa là bị trục xuất ra khỏi hàng Tăng-già.

+ Cụ túc giới chia ra làm 7 phần:

  1. Pārājika: Bất cộng trụ.
  2. Saṇghādisesa: Tăng tàn
  3. Thullaccāya: Tội trọng
  4. Pācittiya: Ưng xã đối trị
  5. Pāṭidesanīya: Ưng phát lộ (Ưng đối trị)
  6. Dukkaṭa: Tác ác
  7. Dubbhāsita: Ác ngữ

Thầy tỳ-khưu phạm bất cộng trụ thì bị trục xuất khỏi giáo hội; phạm tăng tàn phải bị cấm phòng, còn phạm vào năm điều sau thì có thể xin sám hối được.

Đừng nói chi đến sự phạm bất cộng trụtăng tàn, thầy tỳ-khưu phạm vào một điều nào của năm điều sau, tuy có thể xin sám hối được, mà lại quên không xin sám hối, thì điều tội ấy dù nhỏ, cũng ngăn con đường thiên đàng và Niết-bàn, như câu Phật dạy rằng: Sāpattikassa bhikkhaveniriyaṃ vadāmi tiracchānayoniyaṃ, nghĩa là: “Nầy thầy tỳ-khưu! Như lai thấy như thực rằng: Địa ngục hay súc sanh là cảnh giới dành để cho các thầy tỳ-khưu phạm trọng giới ”.

Đây tôi xin nhắc sơ lược sự thích của một thầy tỳ-khưu, chỉ phạm một giới rất nhỏ mà quên sám hối, rồi phải bị đọa vào súc sanh.

“- Trong thời kỳ giáo pháp của đức Phật Kassapa (Ca-diếp) có một thầy tỳ-khưu hành đạo trong rừng tám muôn năm, giới hạnh của thầy rất trang nghiêm. Ngày nọ, đi ghe theo sông Gaṇgā, tới chỗ nước chảy mạnh, ghe đi rất đỗi mau, ông kinh sợ, níu một bụi tranh, mọc nơi bờ, rủi đứt bụi tranh; khi trở về tịnh thất, ông quên sám hối, tưởng đó là một tội nhỏ thôi [30]. Khi sắp lâm chung, ông có cảm tưởng như có lá tranh đến quào vào cổ ông. Chừng ấy ông muốn sám hối, nhưng rủi thay, trong lúc ấy không có một vị tỳ-khưu nào đó để ông sám hối, nên ông rất ân hận rằng giới hạnh của mình không được trong sạch. Rồi ông tắt hơi, sanh làm vị Long vương tên Erakapatti – từ đời đức Phật Ca-diếp đến thời đức Thế Tôn hiện tại của chúng ta. Tuy Long vương có thọ tam quy và ngũ giới, được nghe pháp của đức Phật Gotama nhưng không thể đắc đạo quả được vì còn mang xác thân súc sanh”.

Vì lẽ ấy nên các thầy tỳ-khưu, vì dễ duôi hay vì không cố ý mà lỡ phạm vào một điều nào dầu thật nhỏ, cũng nên sám hối liền, bằng không, dầu đạo hạnh thanh cao và có tinh tấn đến đâu, sắp đắc đạo quả, cũng bị trở ngại.

“- Còn nữa, một thuở nọ, đức Thế Tôn đi ngang qua xứ Kosala, trông thấy ở lề đường có một cây cổ thụ có hoa, và trong hoa có lửa đang cháy, xem thật ghê sợ và rất nguy hiểm cho thân cây. Đức Thế Tôn liền đem hình ảnh cây cổ thụ và lửa đang đốt nó làm ví dụ để thuyết một bài pháp thật dài, dạy các thầy tỳ-khưu về lửa phiền não hằng thiêu đốt thân tâm con người.

Trong khi nghe đức Phật thuyết pháp, có 60 vị tỳ-khưu vi phạm vào giới bất cộng trụ mà giấu lỗi liền phát tâm ân hận, mửa máu tươi ra chết tại chỗ. 60 vị khác phạm tăng tàn nhưng cũng giấu lỗi, tự xét lấy mình, rằng là phạm hạnh của đức Phật dạy thật là cao quý, mà ta không thể hành được; suy nghĩ như thế rồi 60 vị ấy xin hoàn tục. Còn 60 vị nữa tự xét giới hạnh của mình thật trong sạch nên tâm thơ thới, quán tưởng ba tướng nên đắc A-la-hán quả”.

Đến đây có lẽ có người muốn hỏi: “Nếu theo thời pháp của đức Thế Tôn dạy thì 60 vị chết tại chỗ và 60 vị hoàn tục, thì thời pháp ấy có kết quả lành ít mà tai hại lại nhiều; vậy tại sao đức Phật lại thuyết? Thế lòng từ bi vô lượng của ngài ở đâu? ”

Đặt câu hỏi như vậy chỉ chứng tỏ chúng ta thấy gần nhưng không hiểu xa! Đức Thế Tôn là bậc đã hoàn toàn giác ngộ nên việc làm nào của ngài cũng rất nghiêm minh, chu đáo và lợi lạc cho chúng sanh. Nếu ngài không thuyết thời pháp ấy thì chư tỳ-khưu phạm bất cộng trụ và tăng tàn ấy tha hồ mà lợi dụng lòng tin tưởng của tín đồ. Trong tạng Luật, đức Phật  đã sánh hạng tỳ-khưu ấy với một bọn cướp rất lợi hại, nhà chức trách không biết và không thể bắt được. Vì bọn cướp ấy giấu mặt, mà người không biết lại vui lòng giúp cho khí giới nữa. Thiện tín đâu biết ấy chính là các thầy tỳ-khưu phá giới nên dâng cúng bằng tất cả tấm lòng cung kính. Bởi vậy đức Phật phải thuyết thời pháp ấy, vì ngài thương hại cho các vị tỳ-khưu sợ càng giấu lỗi thì tội họ càng ngày càng nhiều, vì cướp của thiện tín thì càng bị đọa vào địa ngục. Còn 60 vị tỳ- khưu phạm tăng tàn, sau khi hoàn tục, nếu cố gắng thực hành theo hạnh người tại gia cũng có thể đắc được đạo quả. Còn nữa, nếu đức Phật không thuyết thời pháp ấy, thì các thầy tỳ-khưu ấy càng làm thêm những điều chẳng lành, làm cho ngoại đạo hay biết chuyện chẳng hay ấy, họ chỉ trích đạo Phật, làm cho đạo Phật khó truyền bá, không đi sâu được vào các giới trong xã hội nhất là các bậc thượng lưu, đạo đức, trí thức. Vì vậy nên thời pháp mà ngài thuyết rất là cao quí, vì lòng từ bi của một đấng Giác Ngộ; và cũng không phải vì thời pháp của ngài đã làm hại các thầy tỳ-khưu, mà đó chẳng qua là cái quả tu hành không chân chánh của các thầy tỳ-khưu ấy đó thôi.

+ Luật xuất gia còn gọi là luật của người vô gia đình, ngụ ý chỉ Tứ thanh tịnh giới. Tứ thanh tịnh giới ấy là:

  1. Pātimokkhasaṃvarasīla: Tàu âm là Ba-la-đề-mộc-xoa; còn được gọi là Biệt biệt giải thoát thu thúc giới hay là Cụ túc giới – tức là có cả thảy 227 giới điều [31] mà thầy tỳ-khưu phải hành theo.
  2. Indriysaṃvarasīla: Lục căn thu thúc giới
  3. Ājīvapārisuddhisīla: Chánh mạng thanh tịnh giới.
  4. Paccayasannissitasīla: Quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới.
  5. Ba-la-đề-mộc-xoa, biệt biệt giải thoát thu thức giới là 227 giới điều của bậc tỳ-khưu phải tuân hành theo cho thật trong sạch, dầu một giới thật nhỏ cũng không cho phạm vào. Người tu phải luôn luôn trau dồi giới hạnh cho trong sạch, cũng như chỉ có một con mắt, hết sức trông nom săn sóc con mắt còn lại cho khỏi bị bệnh. Thầy tỳ-khưu biết thương yêu, quý trọng giới hạnh của mình, mặc dầu chết chứ không cho phạm giới rất nhỏ như thầy tỳ-khưu trong sự tích sau đây:

“- Có một thời tỳ-khưu hành đạo trong rừng bỗng bị một bọn cướp bắt ngài, cột trói lại bằng một sợi dây bổ thảo (?)- thứ cây như dây bình bát – rồi chúng bỏ giữa rừng, không cho ngài về thành, vì sợ ngài về mách với chánh quyền đến truy nã chớ không ác ý muốn giết hại ngài. Thầy tỳ-khưu ấy không dám làm đứt sợi dây [32], sợ phạm Ưng đối trị trong điều học làm hại thảo mộc. Thầy cam chịu bị cột và nhịn đói bảy ngày, ráng hết sức tham thiền, hết ngày thứ bảy đắc A-na-hàm quả, chết được sanh về cõi Ngũ tịnh phạm thiên.”

Nên có câu kệ ca tụng giới đức trang nghiêm rằng:

“- Pātimokkhaṃ visodhento

Appeva jīvitaṃ jahe

Paññattaṃ lokanāthena

Nabhinde sīlasaṃvaraṃ”.

Nghĩa là: Hành giả có đức tin hành theo Ba-la-đề-mộc-xoa được thanh tịnh; có đủ can đảm bỏ mình, không chịu để phạm giới mà đức Lokanātha (Đấng Cứu Thế) [33] đã giảng giải.

Xem đến tích nầy có lẽ có nhiều người cảm động vì tư cách xử sự của vị tỳ-khưu ấy, mà cũng có người cho rằng: Ngài câu nệ một giới quá nhỏ. Tôi xin bào chữa cho ngài như vầy: Người như ngài thật là người biết yêu sự giải thoát. Ngài không còn làm nô lệ cho phiền não. Ngài thắng được cái ý nhơ nhớp là không biết ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi nên ngài đã giải thoát. Riêng chúng ta còn làm nô lệ cho phiền não và vẫn còn chưa kinh sợ khổ não của sự sanh tử luân hồi.

Gương xán lạn ấy, chẳng những hàng xuất gia mà hàng cư sĩ phải noi theo, để gìn giữ giới hạnh của mình được tinh khiết và nâng cao trình độ tinh thần của mình trên đường giải thoát.

  1. Lục căn thu thúc giới: Thầy tỳ-khưu muốn lục căn thu thúc được thanh tịnh thì trước nhứt phải biết quả báo cao thượng của sự thu thúc và tai hại của sự buông lung.

Đức Phật có dạy về hai điều ấy. Một, ngài dạy rằng: Có 6 nơi sanh ra cảm xúc là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Thầy tỳ-khưu gìn giữ 6 căn ấy cho cẩn thận thì sẽ được an vui, bằng không thì sẽ khổ tâm bất tức [34]. Hai, đức Phật có dạy rằng: Các thầy tỳ-khưu thà dùng miếng sắt bén móc vào con mắt, dùng dao thật bén nạo lỗ tai, lưỡi dao thật bén cắt lỗ mũi, lưỡi, thân nầy – còn hơn là thu nạp cảnh trần vào tâm và cho rằng đó là đẹp, thơm, ngon, mềm dịu và vui sướng. Thọ những vui sướng trong trần dục ấy, khi chết thầy tỳ-khưu chắc chắn đi về một trong bốn đường ác.

Hơn nữa, trước trần dục ấy thà ngủ quên đi còn hơn, vì nếu ngủ quên thì chỉ là một tội nhỏ – bằng khi thức mà thầy tỳ-khưu suy nghĩ quấy, lâu ngày sẽ dẫn thầy tỳ-khưu ấy đi vào con đường tội lỗi.

Vậy không riêng gì bậc xuất gia, mà hàng tại gia cư sĩ cũng phải noi theo bài kinh nầy là lo thu thúc lục căn; người không thu thúc lục căn thường bị mất lợi lạc trên đường tiến hóa và thường bị tai hại trong kiếp nầy như sự tích sau đây:

“- Khi xưa, có nhiều trừu (cừu) ở trong một hang núi gần rừng Tuyết Lãnh, trong bầy ấy có một con trừu cái rất là khôn ngoan tên là Mandamātā. Gần hang ấy có một hang khác, là nơi hai vợ chồng sói ở. Sói đực tên Pātimansa, sói cái tên Veni, thường bắt trừu ăn. Bầy trừu sợ nên kéo nhau đi xa nên vợ chồng sói bắt không được thịt. Sói đực mới bàn với vợ rằng: “Nàng hãy tìm cách làm quen với con trừu cái Mandamātā. Khi đã thân thiện rồi, nàng hãy than thở với trừu: Chồng tôi đã chết nên tôi không còn một thân thuộc nào cả, chỉ có mộtmình bạn thôi, vậy xin bạn hãy đến giúp tôi an táng chồng tôi. Chừng khi trừu Mandamātā đến, tôi sẽ vật nó để chúng ta cùng ăn thịt.” Sói cái y lời, rủ rê mãi mới đem trừu cái về được. Trừu cái bẩm chất khôn ngoan nên luôn luôn cảnh giác, đề phòng mọi bất trắc. Sói đực giả bộ chết, khi nghe tiếng vợ về, sợ không rủ rê được trừu cái, ngóc đầu lên coi. Trừu cái thoáng là biết, thấy mình trúng kế, lật đật bỏ chạy về rất mau, sói cái giận mắng chồng rằng: “Ông là người khùng! Không có trí tuệ suy xét, đã giả chết mà còn ngóc đầu lên xem, không hợp thời”.

Đức Thế Tôn kết luận tích nầy bằng câu kệ:

“- Na akāle vipekkheyya

Kāle pekkheyya paṇḍito

Pūtimanso va jhāyati

Yo akāle vipekkhati!”

Nghĩa là: Bậc trí thức không nên xem sắc trong lúc không nên xem, mà phải nên xem cho hợp thời. Người xem không hợp thời sẽ thất vọng buồn khổ như sói Pūtimansa vậy. Đây là cái tai họa không thu thúc lục căn. Vậy người tại gia cũng như người xuất gia nên ráng thu thúc lục căn.

III. Chánh mạng thanh tịnh giới: Chánh mạng thanh tịnh giới mà được trong sạch là do nhờ sự cố gắng nuôi mạng chân chánh y theo lời Phật dạy trong bài kinh Mahāsatipatthanāsutta rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Hàng Thinh Văn đệ tử trong Phật giáo cố dứt tà mạng và nuôi mạng chân chánh. Các thầy tỳ-khưu nên thực hành như thế mới gọi là nuôi mạng chân chánh”.

Chú giải có nói thêm rằng: Tà mạng mà Phật đề cập đến, đó là phương pháp bất chánh mà thầy tỳ-khưu không nên dùng đồ tứ vật dụng được người dâng cúng mà đức Phật gọi là tà mạng, gồm có 26 điều là:

  1. Giả làm tề chỉnh (Giả vờ thu thúc trang nghiêm).   
  2. Giả làm vui vẻ.
  3. Nói ướm.                                                                 
  4. Giả bộ dọa hăm.
  5. Được nơi nầy đem cho nơi khác.                            
  6. Cho trẻ.
  7. Cho lá cây [35].                                                           
  8. Cho bông hoa.
  9. Cho cây xỉa răng.                                                    
  10. Cho trái cây.
  11. Cho nước rửa mặt.
  12. Cho vật để tắm (xà bông)
  13. Cho vật thoa dồi (Khi xưa đức Phật cho phép các thầy tỳ-khưu dùng dầu để xoa (thoa) trong mùa mưa rét cho khỏi nứt da).
  14. Cho đất của Tăng.
  15. Tôn kính kẻ thế.
  16. Thật ít dối nhiều.
  17. Giữ con cho người.
  18. Làm tay sai cho người.
  19. Làm thầy thuốc cho người.
  20. Đem tin cho người.
  21. Chịu cho người điều khiển.
  22. Đem cơm đã khất thực được để cho người (không phải cha mẹ) ăn trước còn mình để khất thực lần thứ nhì mà ăn.
  23. Cho đi cho lại.
  24. Xem thiên văn địa lý.
  25. Xem ngày tháng sao hạn.
  26. Xem tay, tướng và thai cho đàn bà.

Trong 26 điều tà mạng kể trên có điều thuộc về thân, có điều thuộc về khẩu, thầy tỳ-khưu nào có lòng tham muốn lợi lộc để nuôi mạng mà hành theo 26 điều kể trên, hoặc một trong 26 điều cũng gọi là tà mạng.

Các bậc thánh nhơn thà chết chớ không bao giờ để phạm vào tà mạng. Tôi xin nhắc lại tích của đức Xá-lợi-phất.

“- Một ngày nọ đức Xá-lợi-phất đau bụng. Đức Mục-kiền-liên thấy vậy mới hỏi: “Khi sư huynh chưa xuất gia, gặp cơn đau bụng như thế nầy, uống thuốc chi mới mạnh?”

– Ăn cơm đề hồ (cơm nấu với sữa tươi) thì mạnh.

Có một vị thiên nghe được lời ấy, nên hiện đến mách với bà thí chủ của đức Xá-lợi-phất. Bà nấu cơm đề hồ dâng đầy bát cho đại đức Mục-kiền-liên, cốt ý đem về cho ngài Xá-lợi-phất dùng để trị bệnh. Đức Xá-lợi-phất từ chối hẳn, không chịu thọ thực, vì tự ngài đã nói ra – thì ăn món cơm đề hồ ấy chính là tà mạng. Đức Mục-kiền-liên yêu cầu mấy lượt, đức Xá-lợi-phất đều lắc đầu, trả lời rằng: “Ruột của tôi mà có đứt ra từng đoạn hay có thể chui ra và bò như rắn trên mặt đất đi nữa, tôi cũng không thọ thực món ăn nầy, vì tôi đã nhắc đến nó đêm hôm qua”.

Theo luật, dầu đức Xá-lợi-phất có thọ món đề hồ ấy để trị bệnh cũng vô tội, song các bậc thánh nhơn thọ trì giới luật rất chơn chánh, rất đáng làm gương cho hàng hậu thế. Các bậc xuất gia nên noi theo gương cao cả ấy, cố giữ mình đừng cho phạm vào 26 điều tà mạng kể trên.

  1. Quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới: Nghĩa là khi thọ lãnh, khi dùng, lúc đang dùng và khi dùng xong vật dụng của đàn-na thí chủ dâng cúng, thầy tỳ-khưu phải quán tưởng theo những lời trong bài kinh quán tưởng bằng Phạn ngữ, bằng không hiểu Phạn ngữ thì cần học hiểu bằng tiếng mẹ đẻ để lãnh hội ý nghĩa của kinh, để ngăn ngừa không cho tâm duyên theo trần tục. (Bài kinh quán tưởng có sẵn trong quyển Luật xuất gia của ngài Hộ Tông, xin miễn giải ra nơi đây).

Từ khi đức Phật thành đạo đến 15 năm sau, các đệ tử của ngài là các bậc thánh nhơn, bằng chẳng vậy cũng toàn là các vị tỳ-khưu biết yêu kính giới hạnh của mình, nên các ngài không xao lãng về quán tưởng.

Về sau có các vị tỳ-khưu không quán tưởng vật dụng của thí chủ dâng cúng, đức Thế Tôn biết thế mới dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Tứ sự mà các thầy thọ dụng cần phải quán tưởng trước rồi sẽ dùng sau”. Ngài còn dạy thêm rằng: “Các thầy tỳ-khưu thọ dụng tứ sự của người cúng dường mà không quán tưởng cũng như người uống thuốc độc”.

Thầy tỳ-khưu không nên dễ duôi mà suy nghĩ rằng: “Vật dụng nầy của con ta, em ta, chị ta, anh ta, cha mẹ ta, ta không cần quán tưởng cũng được, vì nếu ta không xuất gia những người nầy vẫn cho ta như thường”. Vị tỳ-khưu khi đã xuất gia không còn gia đình mà là người đã thuộc vào hàng tăng lữ, nhằm mục đích giải thoát mà thôi, không còn có quyến thuộc như người thế tục.

Đức Thế Tôn còn bi mẫn chỉ giáo rằng: “Thầy tỳ-khưu ăn cục sắt nướng đỏ còn hơn là thọ vật thực của thí chủ dâng cúng mà giới hạnh của mình không trong sạch và khi thọ lại không lo quán tưởng”.

Nơi đây tôi xin nhắc lại lời nói của ông sa-di Bhāgineyyasangherakkhita: Upajjhāyo mambhunjamānaṃ sālikuraṃ sambhutaṃ. Sabba savaparikkhīno natthidāni punabbhavo.

Nghĩa là: Tôi đang ăn cơm với các bạn rất ngon, rất thỏa thích, thầy tế độ tôi mới kêu tôi mà dạy rằng: “Nầy sa-di, người không nên tự đốt cháy lưỡi ngươi vì không quán tưởng”. Tôi nghe lời ấy lấy làm kinh sợ, tôi đắc A-la-hán quả khi còn đang ngồi chỗ ấy (nhờ sự kinh sợ và lo quán tưởng, nên đắc được quả ngay khi ấy). Tôi suy nghĩ rốt ráo, sáng rỡ như trăng trong ngày rằm; tôi đã hết phiền não, sẽ không còn tái sanh nữa.

Vì vậy nên có câu kệ:

“- Tasmā annopi dukkhassa

Patthayanto parikkhāraṃ

Yoniso paccavekkhitvā

Paṭisevethapaccave”.

Nghĩa là: Bởi vậy, các bậc hành giả muốn đi đến nơi dứt khổ, phải biết quán tưởng tứ vật dụng trước rồi hãy thọ dụng sau.

(Trên đây chỉ nói tóm tắt, không thể giải đầy đủ hơn vì ngoài phạm vi của quyển sách nầy. Vậy độc giả nào muốn tìm sâu, hiểu rộng, xin xem Luật xuất gia của ngài Hộ Tông. Nhứt là nên học cho biết rõ về tà mạng của thầy tỳ-khưu, hầu để biết rõ hành động của người thay thế đức Từ Phụ trong hiện tại và tương lai). 

 

HẠNH PHÚC X

Subhāsitā ca yāvācā: Người nói lời ngay thật

(Chân thật) 

Phạn ngữ Subhāsitā thật là khó dịch cho đúng nghĩa với Việt ngữ. Vì tiếng Subhāsitā có nhiều ý nghĩa như sau đây: Lời nói ra không hại người và cũng không hại mình, lời nói đem lợi ích cho người và cho mình, lời nói ấy không làm cho người nghe bị khó chịu (ý nói là lời dịu ngọt và hợp thời). Thiết tưởng có thể tạm dùng tiếng “Cam ngôn mỹ từ”[36] để dịch tiếng Phạn ấy.

Đức Thế Tôn có dạy trong bài kinh Subhāsitā với ý rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Lời nói nào có đủ bốn chi pháp, lời nói ấy mới gọi là lời subhāsitā; lời nói như vậy không có một ai chê được, không có tội lỗi.

Lời nói có đủ bốn chi pháp, ấy là:

1- Nên nói lời chân thật (subhāsitā), không nói lời ác khẩu hay giả dối (dubhāsitā).

2- Nên nói pháp, không nên nói ngoài pháp.

3- Nói những lời mà người ưa thích, yêu mến, không nên nói lời mà người ta ghét bỏ.

4- Nói lời thành thật, không nói lời hoang đàng.

Thầy tỳ-khưu nói đúng theo bốn chi pháp trên, mới gọi là subhāsitā.

Tương tợ như thế, theo lời giải Ṭīkā của Saccakammadvārakathā thì người nói đúng bốn chi pháp sau đây mới gọi là subhāsitā:

  1. Không nói đâm thọc
  2. Không nói chuyện hoang đàng.
  3. Không nói lời hung ác.
  4. Không nói dối.

Khi giảng về subhāsitā đức Phật có dạy: Người hằng nói dối, nói vu vơ, nói hung ác, sẽ bị sanh vào bốn đường đau khổ – vì đó không phải là subhāsitā.

Lời chú giải Atthasālinī nói về khẩu nghiệp có dạy thầy tỳ-khưu nói lời subhāsitā, không nói lời đê tiện; mà nói lời vô tội, nói lời mà các bậc tri thức ngợi khen.

Để ta nhận thức khái quát toàn bộ ngữ nghĩa thế nào là lời nói subhāsitā, đức Phật có dạy trong Subhāsitāsutta rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Lời nói nào có đủ năm chi pháp thì được gọi là lời nói subhāsitā.

Năm chi ấy là gì? Năm chi ấy là:

  1. Nói hợp thời.                                               
  2. Nói chân thật.
  3. Nói lời dịu ngọt                                           
  4. Nói lời có ích.
  5. Nói lời có năng lượng từ bi.

Thiết tưởng cần giảng giải năm chi pháp kể trên cho rõ, như sau đây:

  1. Kālena ca bhāsitā hoti: Lời nói hợp thời. Người ở đời muốn nói một chuyện gì cần phải xem coi cảnh ngộ có thuận tiện cho mình nói hay không. Lắm khi nói sự thật mà sai thời (không đúng thời) sẽ có hại đến cho mình – như tích của con rùa và hai con hạc kể sau đây:

“- Xưa kia có con rùa ở một cái ao trong rừng gần thành Bārāṇasī. Mỗi ngày có một cặp hạc thường đến ao kiếm ăn. Rùa và hạc lâu ngày làm quen nhau và trở nên bạn thân. Rùa mới hỏi thăm chỗ ở của hạc, biết hạc ở trên rừng, tại Hy-mã-lạp sơn. Rùa muốn viếng thăm xứ bạn mà ngại đường xa, mới nghĩ ra một kế đem ra bàn với cặp hạc. Cặp hạc ngậm hai đầu của một khúc cây để rùa ngậm ở giữa, cặp hạc bay đi thì mang rùa đi. Cặp hạc bằng lòng và căn dặn rằng: “Khi nghe thấy gì lạ, anh cũng chẳng nên nói, hỏi chi cả”. Rùa đồng ý. Nhưng khi hạc bay ngang qua thành Bārāṇasī, trẻ con thấy lạ mới la lên rằng: “Coi con rùa biết bay”. Rùa ta quyết cải chánh rằng nó được hai bạn khiêng, chớ có bay được đâu; nhưng vừa hé miệng, nó liền té rơi xuống đất, chết ngay trước mặt nhà vua và vị quân sư”.

Vị quân sư thừa dịp, tay chỉ con rùa, kể lại vụ việc rồi nói với vua rằng: “Người nói không tùy thời thì thường bị tai hại như vậy đó”.

Sau khi nhắc sự tích nầy xong, đức Thế Tôn mới giáo giới rằng: Vị quân sư ấy là tiền thân của ngài, tùy phương tiện nhắc nhở nhà vua hãy nói cho hợp thời.

Chúng ta nên xem gương nầy mà răn mình. Đừng nói những việc không nên nói, hãy nín thinh trong trường hợp nên nín thinh, dầu biết rằng, điều mình sắp nói ra là đúng. Cho dù mình nói hơn người, nói đúng sự thật mà không hợp thời thì lời nói ấy cũng trở thành vô ích. Như chúng ta thấy rùa nói sự thật nhưng không hợp thời nên bị hại. Tôi còn nhớ câu phương ngôn Bắc phạn dạy: “Câm đi còn hơn là nói không hợp thời”.

  1. Sacca ca bhāsitā hoti: Lời nói chân thật. Lời nói chân thật tuy rất nhiều, nhưng gom lại, chỉ có hai. Một là ta làm điều nào, nói điều ấy, không ngại rằng, lời nói thật ấy có thể tai hại đến ta, vậy là ta đã không nói dối. Hai, nói lời chân thật còn có nghĩa là nói pháp Tứ diệu đế.

Đức Thế Tôn có dạy: Có một sự thật ở đời mà không  mấy ai nhận thấy, đấy là: Đời đầy đau khổ, nào già, nào bệnh, nào chết; chúng sanh ở trong những cảnh già, bệnh và chết mà không nhận ra rằng mình sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết; trái lại cứ tìm phương thế che đậy cái già, tưởng mình sẽ không bệnh, không chết để sống đời dễ duôi, xem thường, phóng túng trong lạc thú ngũ dục – để tử thần và trầm luân đau khổ lôi kéo vào tứ ác đạo.

Chúng sanh chìm đắm trong khổ não mà đa số không nhận chân ra sự thật – đúng như lời dạy của đức Thế Tôn.

Đức Phật thuyết tất cả 8 vạn bốn ngàn pháp môn [37], toàn là lời chân thật, tức là chân lý; cho đến ngày nay vẫn còn giá trị nguyên vẹn; và đã có rất nhiều các bậc học thức uyên thâm quan tâm khảo cứu để học hỏi và thực hành theo – quả đúng như đức Thế Tôn đã dạy: “Saccaṃ va amattavācā: Lời nói chân thật là lời nói bất diệt”.

III. Saṇha ca vācā: Lời nói dịu ngọt. Lời nói dịu ngọt là lời nói không thô lỗ, cộc cằn, không làm cho người nghe xốn tai, khó chịu. Có hạng người nham hiểm, tuy họ không mắng chửi, không nói lời cộc cằn, thô lỗ mà lại nói lời rất dịu dàng, nghe như mật ngọt – mà ý nghĩa lại mỉa mai, cay độc làm nhức óc người nghe – lời nói như thế ấy không được gọi là lời nói dịu ngọt. Bao giờ lời nói dịu ngọt, êm ái, mà ý nghĩa lời nói không làm cho người nghe phải khó chịu, khổ đau – lời nói ấy mới đúng là nội dung của Saṇha ca vācā.

Trên đời này không ai ưa nghe lời thô bỉ, chẳng ai ưa bị mắng nhiếc và bị chọc tức. Lời nói thô bỉ, mắng nhiếc sẽ có ảnh hưởng tai hại đến người nói – như tích dưới đây:

“- Tại xứ Takkasilā, một thầy bà-la-môn có một con bò đực tên Nandavivāla, thầy thương như con. Bò lớn lên, cảm mến ơn đức của thầy bà-la-môn, muốn đáp nghĩa nên mới nói rằng: “Chủ nhân hãy đi đánh cá với một ông trưởng giả giàu có, như vầy: Bò tôi có thể kéo một trăm cỗ xe chở đầy đồ. Vậy tôi đánh cá với ông”. Thầy bà-la-môn y lời và có một ông trưởng giả kia ưng thuận đánh cá với số tiền là một ngàn đồng tiền vàng! Bắt ách con bò xong, thầy bà-la-môn mới hét to lên: “Con bò chết bầm, hãy kéo đi”. Bò Nandavivāla nghe lời nguyền rủa thô bỉ ấy cảm thấy khó chịu, bất mãn, không chịu kéo xe để ông chủ thua cá độ cho bõ tức! Thầy bà-la-môn thua cuộc, về nhà buồn rầu, xót của, khuôn mặt dàu dàu! Con bò thấy thế mới hỏi: “Tôi muốn trả ơn nghĩa cho chủ – mà tại sao chủ lại nguyền rủa tôi là đồ chết bầm!” Thầy bà-la-môn biết mình sai nên mở lời xin lỗi. Bò lại hiến kế: “Thôi, bây giờ chủ hãy cá gấp đôi, nhưng đừng dùng lời thô bỉ với tôi nữa”. Thầy bà-la-môn y lời. Bắt ách xong, thầy vuốt ve bò Nandavivāla và nói rằng: “Con ơi, con ráng kéo xe cho cha, không thì khổ cho cha lắm”. Bò nghe lời dịu ngọt như thế, phấn khởi trong lòng kéo trăm cỗ xe đi dễ dàng. Thầy bà-la- môn thắng cuộc, lấy lại cả vốn lẫn lời”.

Đức Thế Tôn nhắc xong tích nầy rồi cho biết bò Nandivivāla là tiền thân của ngài. Rồi ngài nói với đại ý là những lời nhiếc mắng, chửi rủa, nhục mạ, thô bỉ thì không một ai ưa thích. Rồi ngài đọc lên một câu kệ ngôn với nghĩa là: “Bao giờ ta cũng nên nói lời cho người khác vừa lòng, không nên nói lời làm Phật lòng thiên hạ. Khi thầy bà-la-môn nói dịu ngọt vừa lòng con bò Nandavivāla, nó liền kéo nổi xe nặng giúp thầy thắng cá độ”.

Như vậy, loài thú, nó còn không ưa thích lời thô bỉ cộc cằn thay; vậy ta không nên dùng lời thô bỉ với bất cứ ai, ta nên dùng lời dịu ngọt. Lắm lúc có người sẵn sàng giúp ích cho ta mà khi nghe ta nói lời không vừa lòng họ, họ liền đổi ý, từ chối hẳn.

  1. Atthasaṇhitā ca bhāsitā hoti: Lời nói lợi ích.

Lời nói lợi ích trái với lời nói vô ích. Lời nói vô ích chỉ làm mất thời giờ mà không lợi lộc cho ai, còn lời nói lợi ích là lời nói đem lại sự an vui cho người trong hiện tại và vị lai, mà không hại kẻ khác, không hại mình.

  1. Mettācittena ca bhāsitā hoti: Lời nói có năng lượng của tâm từ.

Lời nói có năng lượng từ tâm là lời nói dịu dàng, mát mẻ, đã không ngụ ý biếm nhẻ, xuyên tạc lại còn thể hiện được tấm lòng không thù nghịch, oán ghét, cũng không vì tư lợi.

Vậy tiếng subhāsitā phải có đủ năm chi pháp như vừa giải ở trên mới là chân thật nghĩa. Lời nói thiếu một chi nào trong năm chi ấy không được gọi là lời subhāsitā.

Muốn cho dễ nhớ tôi xin tóm lược dưới đây:

  1. Đúng thời, đúng lúc: Kāla – thời; sacca – chân thật.
  2. Lời nói, phải: Saṇha – dịu ngọt; atthasaṇhitā – có lợi ích.
  3. Tác ý lành: Mettā – tâm từ; karuṇā – tâm bi (Cả hai tâm này đều mát mẻ, không hận, không sân).

Vậy là lời nói ngay thật phải có đủ tác ý lành, nội dung nói lành, hợp hoàn cảnh, còn phải vừa với trình độ và tâm lý của người nghe. Tuy nhiên, đôi lúc, lời nói có tác ý lành, có nội dung lành và hợp hoàn cảnh, đã không vừa lòng với người nghe, mà còn có thể bị hiểu lầm, bị xuyên tạc và có thể gây oán chuốc hờn – thì đây đúng là do oan cừu nghiệp báo đã có sẵn từ trước mà thôi!

Vậy chúng ta là Phật tử chân chánh nên học theo năm điều đức Phật dạy để tránh oan trái oán thù, mặc dầu không hoàn toàn tránh khỏi hết được, nhưng cũng giảm đi rất nhiều. Lời nói thuộc về khẩu nghiệp. Khẩu nghiệp ấy cũng do nơi tác ý, vậy trước khi nói ta nên để ý đến sự khởi tâm của ta đã, nó tốt hay xấu, lợi hay hại – có đủ 5 chi phần như trên hay không.

+ Lời chân thật đem đến cho ta những hạnh phúc là:

  1. Lời nói chân thật thuộc về thập thiện, nguyên nhân sanh phước.
  2. Lời nói chân thật là đại phúc khiến con người được an vui trong kiếp nầy và vị lai.
  3. Lời nói chân thật sẽ đem đến lợi lộc, quyền chức, giàu sang, quyến thuộc và bạn lành.
  4. Lời nói chân thật làm cho người gần gũi bên ta, thân cận với ta đều tin tưởng nơi ta.
  5. Lời nói chân thật làm cho người hạnh phúc từ bậc thấp là người, trời đến bậc cao là Niết-bàn.
  6. Lời nói chân thật đem lại cho người tất cả các sự hạnh phúc mà người ước mong.
  7. Người hành theo lời chân thật là người đi theo đường của chư Phật.

 

[1] 6 điều nên tôn kính: 1- Tôn kính bậc đạo sư (satthugāravatā). 2- Tôn kính Pháp (dhammagāravatā). 3- Tôn kính Tăng (saṅghagāravatā). 4- Tôn kính điều học (sikkhagāravatā). 5- Tôn kính sự bất phóng dật (appamādagāravatā). 6- Tôn kính sự tiếp đãi – pháp – (paṭisanthāgāravatā).

[2] Thất bửu: Tín (saddhā), giới (sīla), tàm (hiri), quý (ottappa), đa văn (bāhusacca), thí (cāga), tuệ (paññā).

[3] 10 pháp nương tựa: Giới (sīla), đa văn (bāhusacca), có bạn lành (kalyāṇamittatā), thiện xảo trong mọi phận sự (kiṅkaraṇīyesudakkhatā), dễ dạy (sovacassatā), tầm cầu pháp (dhammakāmatā),  tinh cần (viriyarambha), tri túc (santuṭṭhī), niệm (sati), tuệ (paññā).

[4]  Theo Pháp số thì 3 điều này là: Thành tựu pháp học ( Pariyattisaddhamma), thành tựu pháp hành (Paṭipattisaddhamma) và thành tựu pháp thành (Paṭivedhasaddhamma).

[5] Tức là 5 điều kiện để trở thành bậc Đa văn.

[6]  Ghi nhớ điều đã nghe, đã học.

[7]  Tụng đọc làu làu.

[8]  Suy tư điều đã nghe, đã học.

[9]  Khéo thể nhập tri kiến

[10] Đây là thế gian trí. 

[11]  Còn gọi là 4 pháp tiến hóa ( Vuḍḍhidhamma) hay là 4 pháp làm cho tăng trưởng trí tuệ (Paññāvuḍḍhi): Một, gần gũi bậc thiện trí (Sappurisasamseva); Hai, nghe pháp bậc thiện trí (Sadhammassavana); Ba, khéo như lý tác ý (Yonisomanasikāra); Bốn, hành theo pháp thuận thứ (Dhammānudhammapatipatti).

[12] Sippa: Dịch là nghề, nghề nghiệp – nhưng ở đây còn có nghĩa là tinh, khéo, giỏi nên tự điển ghi là nghệ thuật, mỹ thuật.

[13] Thật ra là chánh mạng (Nuôi mạng chơn chánh), còn chánh nghiệp là ba nghiệp thân khẩu ý phải trọn lành – chỉ thập thiện nghiệp! Sở dĩ phải giải thích như thế là vì tác giả hay lẫn lộn chánh nghiệp và chánh mạng!

[14]  Thật ra, câu kệ này còn có nghĩa: Nghề gì cũng được, miễn là khéo giỏi, thiện xảo; ví như cái tài búng phẩn dê mà cũng được đức vua  cho hưởng phước quả 4 làng!

[15] Chỗ này có ghi tên kinh, xuất xứ nhưng Pāḷi sai lẫn quá nhiều, đọc không ra, nên tôi lược bỏ!

[16] Là nghề hoàn hảo, khéo, giỏi.

[17] Không rõ là 3 điều lợi ích gì. Có thể  là 3 lợi ích: Hiện tại, đời này (diṭṭhadhammikattha); tương lai, đời sau (samparāyikittha); chân đế, tối cao – hàm chỉ Niết-bàn (paramattha). Có thể là 3 lợi ích khác: Tự lợi (attattha), lợi tha (parattha) và lợi cả hai (ubhayattha).

[18] Thông hiểu nhiều loại ngôn ngữ, thổ ngữ.

[19]  Thỏa thích về pháp, về giáo lý.

[20] Vui vẻ, vừa lòng.

[21] Dĩ nhiên, phải là nghề tinh, khéo, giỏi và nhất là phải chánh mạng (Tránh 5 nghề: Sát sanh, hại vật; buôn bán rượu và các chất say; buôn bán người và trẻ em; buôn bán vũ khí; buôn bán độc dược).

[22] Phải hiểu là luật pháp, hiến pháp thế gian.

[23] Đây là chi pháp mà các vị luật sư, kết tập sư đúc kết, phân tích về sau – chứ thật ra, lúc khởi tâm giết là đã tạo tác ý nghiệp sát sanh rồi; nhưng nếu đầy đủ cả 5 chi phần thì tội sát hại mới lập thành, mới có tội chứng. Vậy, thiếu một chi, hai chi trong 5 chi phần – ví dụ có khởi tâm nhưng chưa giết, tuy đã tạo ý nghiệp nhưng đối tượng chưa bị hại – thì gọi là giới ấy bị khuyết, bị thủng, bị vá, bị rổ…

[24] Ghi chú thêm để tiện nghiên cứu, so sánh: Kāma: ham thích, thỏa thích các đối tượng ngũ trần. Chanda: Ước muốn thuần túy như đói muốn ăn, khát muốn uống- chỉ là nhu cầu bình thường của cơ thể, không có tội. Taṇhā: Dục ái, khát ái (Chung với mọi loại ái). Rāga: Ham muốn tình dục, mê đắm tình dục.

[25] Chanda là muốn, ước muốn; vāsinī là đang ở một nơi, cư ngụ một nơi. Có lẽ pháp sư chỉ nói tóm tắt nên từ Pāḷi không rõ nghĩa – và rất nhiều nơi khác cũng y như thế.

[26] Tương tợ như trên. Bhoga là vật sở hữu; vasī là sự cai quản, có quyền hành.

[27] Tương tợ như trên. Paṭa là y phục; vasī (như trên).  Cụm từ này có lẽ có nghĩa là, người phụ nữ thuận làm vợ, khi được người ta sắm sanh cho nữ trang và y phục.

[28] Cụm từ này cũng vậy. Odapatta là đặt tay vào chậu nước (bát); còn kini phát xuất từ động từ kināti nghĩa là mua.

[29] Có một từ khác, có độc tính cao hơn,  ấy là  hận (Paṭigha).

[30] Có một dị bản hơi khác một chút nhưng khá quan trọng: Là vị tỳ-khưu ấy biết tội nên đã đi tìm một vị tỳ-khưu khác để sám hối, nhưng tiếc thay, vào mùa mưa lũ, cả vùng ấy không có vị tỳ-khưu nào – nên vị ấy sinh ra bất an nghĩ mình đã phạm tội. Chính cái tâm bất an, nóng nảy, nghĩ mình có tội ấy mà vị ấy lâm chung, thác sanh làm Long vương!

[31] Chỗ này, pháp sư ghi là điều răn, tôi nhuận lại, vì đạo Phật không có điều răn như các tôn giáo hữu thần hoặc mặc khải  – mà chỉ có giới điều, giới luật, điều học… bài học để giác ngộ.

[32] Chưa tìm ra câu chuyện gốc – vì sợi dây đã bị bứt lìa để cột trói thì không  được xem là còn sự sống nữa!

[33] Loka là thế gian, Lokanātha là chủ thế gian, chúa thế giới – nhưng không nên dịch là Đấng Cứu Thế (sợ hiểu lầm như tôn giáo hữu thần – như Đấng Cứu Thế của Ky Tô giáo) mà chỉ nên diễn ý là Bậc Thầy Thế Gian, Điều Ngự Thế Gian – nó ổn hơn – vì mỗi tôn giáo đều có thuật ngữ riêng, tôn danh riêng để chỉ vị Giáo chủ của mình.

[34] Tức là khổ tâm không ngưng nghỉ.

[35] Từ điều 7 đến 14 – do sợ mọi người hiểu lầm “tại sao tu hành mà ích kỷ thế”nên tôi phải có đôi lời giả thích: Thời Phật tại thế, có vị tỳ-khưu lấy vật dụng của Tam Bảo đem cho người này người kia để lấy lòng, có mưu đồ như “thả tép câu tôm”. Tăng chúng phàn nàn. Đức Phật phải cấm chế giới này, đại khái, tứ sự phát sanh đến Tam Bảo phải là của Tam Bảo – nếu đem cho kẻ thế bất cứ vật gì, dù là que tăm, cọng cỏ cũng phải được sự đồng ý của Tăng, do Tăng quyết định.

[36] Cam ngôn: Lời nói ngọt, bùi tai, êm tai. Mỹ từ: Dùng tiếng đẹp, tốt (Có lẽ tác giả muốn diễn đạt cách nói khác của ái ngữ hoặc lời nói thiện, mỹ).

[37] Đây là cách nói khái quát của các hệ kinh văn phát triển đã trở thành phổ biến. Thật ra, theo Theravāda, không có 84 ngàn pháp môn – mà là có 84 ngàn chi pháp: Abhidhamma có 42 ngàn chi pháp, Kinh có 21 ngàn chi pháp và Luật có 21 ngàn chi pháp.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app