Nội Dung Chính
- PHẬT GIÁO LƯỢC LUẬN
- TU CÁCH NÀO MÀ ĐƯỢC CHỨNG QUẢ NIẾT-BÀN
- · Tu giới là
- · Tu định là
- · Tu huệ là
- · Giải về quả tứ thánh
- · Giải về: phần pháp tiếp dẫn và tế độ chúng sanh nên quả bồ đề (varabodhipakkhiyadhammasaṅgaho)
- · Lược giải về sự tích của Đại đức Aññātakondaññā[2]
- · Phật giảng lại hồi Ngài còn làm Bồ-tát, xuất gia tìm đạo (trích dịch trong Đại Tạng kinh thứ 26).
- · Phật giảng cho ông Aggivessana nghe (trích dịch trong Đại Tạng kinh thứ 36)
- · Giải về lúc Phật, sau khi được giải thoát, Ngài quán tưởng 12 nhơn duyên dưới gốc cây Bồ đề.
- · Dưới cội cây radijayatana
- · Dưới cội cây adjapala
- · Thuyết Pháp lần đầu
PHẬT GIÁO LƯỢC LUẬN
Quyển kinh này, trích ở các chơn kinh phiên dịch ra, kể từ Thái tử Sĩ-Đạt-Ta xuất gia tu hành, cho đến khi Ngài đắc quả Phật hiệu là Thích-Ca-Mâu-Ni, rồi Ngài trở về mở đạo, thuyết pháp 45 năm, dạy chúng sanh tu hành vô số kể.
Diệu lý của Phật gồm trong Tứ Diệu Đế, nên Phật Thích Ca có giải như vầy:
- Đây là cái khổ, cái khổ này ta phải hiểu, ta đã hiểu rồi.
- Đây là nguồn cội cái khổ, nguồn cội cái khổ này ta phải diệt, ta đã diệt rồi.
- Đây là cái lòng ham muốn, diệt cái lòng ham muốn này, ta phải dứt, ta đã dứt rồi.
- Đây là con đàng đi, để diệt cái lòng ham muốn, con đàng đi để diệt cái lòng ham muốn ấy ta phải hành, ta đã hành rồi, nên ta mới thành Phật.
Trong mỗi đề, Ngài đã dạy phân minh. Đề nào Ngài cũng đã cùng cứu nên Ngài mới được chứng quả.
Phật lại có giải rằng: “Này các thầy tỳ-khưu! Có một người kia đang đi vào vào rừng gặp một con đàng mòn, người theo con đàng mòn ấy thấy một nơi có cả thành thị, mà đã hư nát; người mới thầm nghĩ: để ta về tâu đức vua để tu bổ lại. Thật vậy, người về tâu, vua nghe theo, bèn chỉnh đốn nơi ấy lại trở nên nguy nga đẹp đẽ”. “Này các thầy tỳ-khưu! Cũng như Như Lai đã tìm được một con đàng, nhờ đó nên Như Lai mới được thành Phật, mà chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, cũng nhờ con đàng ấy mà chứng quả. Vậy, nay Như Lai đem ra chỉ cho chúng sanh đặng biết, nếu ai muốn thành Phật thì cứ noi theo con đàng ấy mà đi, bằng không Như Lai cũng chẳng biết làm sao. Các thầy tỳ-khưu này! Con đàng ấy tức là đạo Bát Chánh vậy”.
Vậy mình hãy suy xét lấy.
Làm Phật ai cũng muốn nhưng biết muốn là không chịu noi theo con đàng Phật đã chỉ cho, chẳng khác nào mình biết đói, khi thấy cơm mà không chịu ăn biết bao giờ mới no được.
Lời tục thường nói: “Lánh tục tầm tiên”. Còn mình muốn tìm tiên, mà không chịu lánh tục, thì tìm sao cho được. Trần tục là bụi nhơ mà đêm ngày mình vẫn sa mê theo nó, ắt mình bị vướng nhơ, vướng nhơ tất phải mê muội, nếu đã mê muội chắc phải luân hồi.
Có nhiều người ít suy xét cho kỹ hai câu Nho rằng:
“Dục tu tiên đạo, tiên tu Nhơn đạo”
“Nhơn đạo bất tu, tiên đạo viển hỉ”.
Xin giải: Thích có Tam quy, đối với Nho có Tam húy: quy y Phật…đối với Nho…húy thiên; quy y Pháp… húy thánh nhân; quy y Tăng… húy thánh nhơn chi ngôn. Ngũ giới… ngũ thường: bất sát sanh… nhơn; bất du đạo… nghĩa; bất tà dâm… lễ; bất ẩm tửu… trí; bất vọng ngữ… tín.
Dường ấy, mình suy đi xét lại, coi có khác nhau đâu, nào phải tu Phật đạo mà bỏ Nhơn đạo sao? Theo Thích, tu Phật đạo mà hàm xúc cả nhơn đạo nữa, có phải là: nhất cử lưỡng tiện chăng? Chớ nói để làm người cho trọn, thì biết bao giờ mới được vẹn, lật bật cái chết nó đến, rồi ăn năn sao kịp. Trong sách Nho có nói rằng:
Vạn kiếp thiên sanh đắc cá nhơn
Tu tri tiền thế, chưỡng lai nhơn
Thử thân bất hướng kim sanh độ
Cánh hướng hà thời độ thử thân.
Thích nôm:
Muôn kiếp ngàn sanh đặng phẩm người
Cho hay đời trước giống gieo tươi
Mình này chẳng tới đời này độ
Còn đợi buổi nào độ lấy người.
Vậy tại sao? Tại, con người linh hơn muôn vật, nhờ có trí bát nhã, tức trí huệ mới có phân biệt phải quấy, bỏ tà theo chánh, lánh dữ làm lành, thành Phật nên tổ đặng. Bằng không có trí tuệ dường như kẻ dại, khờ, mờ, điếc, hắc bạch nan phân, làm sao mà tu hành được.
Tu là gì? Tu là sửa lòng, bỏ tà theo chánh, lánh giả tìm chơn. Giả là: “Thế sự vạn ban đô thị giả”. Chơn là: “Thiên địa hoại Niết-bàn bất hoại”.
Tu phải lấy chi làm căn bổn? Phải quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Quy y Phật là: kính tin theo lời Phật, học theo tánh Phật là từ, bi, hỷ, xả. Quy y Pháp là: thực hành theo kinh, luật, luận của Phật đã giáo truyền, nhưng mình phải nhớ, Phật có dạy A-Nan-Đa Tôn giả rằng: “A-Nan-Đa này! Khi Như Lai diệt độ rồi, ngươi chớ nên tưởng, không còn ai là thầy của các ngươi nữa. Tuy Như Lai nhập Niết-bàn nhưng Như Lai còn để Pháp lại, Pháp ấy tức là thầy của các ngươi đó. Nhưng các ngươi phải nhớ lời Như Lai dặn: Dầu ngày sau, có ai nói rằng: Ta có nghe Phật giảng dạy cách này, hoặc cách kia, ngươi cũng khoan tin vội, mà cũng đừng bỏ vội. Nghe rồi hợp phải xét lại nếu đúng theo chơn lý, ấy là lời của Như Lai giáo hóa, bằng không là lời bịa đặt, các ngươi phải dè dặt lấy.” Quy y Tăng là: Phải mặc theo Phật, giữ giới luật cho chín chắn, tu hành theo con đàng của Phật tổ Thích Ca đã giáo truyền.
Vậy, nay được sớm thức tỉnh biết tu là cội phước, mình tu, cũng khuyên cha mẹ, vợ con, bậu bạn cùng tu theo. Bằng thân quyến chưa chịu, mình phải ráng chí tu, khi đã thành công trở về độ cho phụ mẫu, thê nhi, hoàn viên phước quả rồi thì được an vui đời đời kiếp kiếp. Dường ấy đối với cha mẹ mới thật là người đại hiếu, với vợ con mới gọi là chỗ thậm tình cho.
- Song dễ gì mà tu cho thành Phật!
- Thật không dễ gì, nhưng có chí thì nên. Phật có nói: tu đắc, bất tu bất đắc, nghĩa là: tu thì thành, không tu không thành. Mình tu theo đạo Phật phải tin theo lời Phật. Ngài là đấng Chí Tôn nói đâu có đó. Mình phải quyết chí tu cho tới cùng (nhất tâm bất nhị, chí tử bất thối) rồi sẽ rõ. Chớ chưa tu mà sợ không thành, nói như vậy đâu phải gọi là người tu Phật.
- Nếu nói tu không thành sao lại có Phật?
- Mình sánh với Phật sao được?
- Sao lại không được, Phật trước kia cũng có cha mẹ, vợ con như mình, vì Ngài xuất gia tu hành nên mới được thành Phật. Chớ nay, mình mới tu, mà muốn thành như Ngài vậy sao được?
- Sao biết rằng mình nay mới tu? Nếu kiếp trước mình không tu sao nay được làm người, đã làm người, có đủ ngũ quan lại còn thêm gặp Phật Pháp nữa. Đó là bằng cớ rõ ràng cho biết rằng trước kia mình đã có tu nhiều kiếp rồi vậy.
- Vậy, tại sao chưa nghe nói có người tu thành Phật?
- Là tại mình không tu theo Phật tổ Thích Ca, khi còn làm Thái tử Sĩ-Đạt-Ta, Ngài bỏ ngôi, trốn cha, lánh vợ, lìa con vào non Tuyết Lãnh tu khổ hạnh sáu năm, chịu những màn trời chiếu đất, hành khất xin ăn. Nhờ đó, Ngài tìm được cái đạo Chánh Giác. Còn như mình, ngày chí đêm cứ chen lấn theo vòng trần tục, ảo mộng đảo điên, chẳng hề tỉnh ngộ, có tu đâu mà thành Phật.
Tại nơi cảnh trần là bụi nhơ mà mình phải vướng lấy, là lẽ tự nhiên, nếu chẳng lánh bụi nhơ mà muốn trong sạch, không sao được trong sạch.
Tây có nói: “ll ne saurait y avoir des lotus au milieu du feu, ni de dhayana au sein des plaisir”. Nghĩa là: không thể nào có Bạch Liên ở giữa lửa, cũng không thể nào có Đại định ở giữa chốn dục tình. Cũng như mình mê sa theo thế tục, ngày chí đêm cứ toan tính việc giàu sang, túi tham không đáy, nên mình phải mắc chốn tối tăm mờ ám. Nếu mình phủi sạch nợ thế, để cho tâm an tịnh, lâu ngày tâm được sáng suốt, tức là được minh tâm kiến tánh, là thành Phật vậy.
Tu có phải tụng kinh niệm Phật không? Trước cũng phải tụng kinh hoặc xem kinh cho thông nghĩa lý trong kinh mà hành, nhưng thành hay không là tại cái sở hành, chẳng phải nhờ tụng khống mà gọi là đủ.
Trong Minh Tâm có mấy câu như vầy, mình nên suy ngẫm, lưu ý đến:
Lễ Phật giả, kỉnh Phật chi đức
Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân Khán kinh giả, minh Phật chi lý Tọa thiền giả, đăng Phật chi cảnh. |
Nghĩa là: Lạy Phật ấy, kính đức của Phật
Tưởng Phật ấy, cám ơn của Phật Xem kinh ấy, cho rõ lẽ của Phật Ngồi thiền ấy, đặng lên cõi Phật |
Kinh chú bổn Từ Bi, oan kết như hà cứu, nghĩa là: lời kinh, chú vốn dạy hiền lành, còn điều oan kết đường nào cứu đặng.
Kinh Kim Cang có nói:
Nhược dĩ sắc kiến ngã Dĩ âm minh cầu ngã Thị nhơn hành tà đạo Bất năng kiến Như Lai. |
Nghĩa là:
Bằng dùng sắc tướng mà thấy ta Dùng tiếng tăm mà tìm ta Người đó là làm đạo tà Không khi nào thấy ta được. |
Vậy mà mình cũng cứ ham mê theo sắc tướng, âm thinh. Tu hành như vậy có phải nghịch hẳn với đạo lý của Phật Thích Ca chăng, tức bất năng kiến Như Lai, nghĩa là không khi nào được chứng quả Phật là vậy.
Phần đông cứ lo làm cho có của cải, quên rằng hễ được giàu sang thì sanh lòng kiêu hãnh, tật đố, lầm tưởng cho mình là hay, giỏi, khôn lanh hơn người, những kẻ yếu thế hơn, ít ai dám làm nghịch ý mình, dầu phải dầu quấy họ cũng dằn lòng chịu ép, làm cho mình tự tôn, tự trọng, nói càng, làm bướng, không còn biết kiêng nể ai. Vì thế mình tạo nghiệp nhân càng dày, biết bao giờ mới trả rồi nợ thế, nợ thế chưa xong mong gì thoát ly khổ ải.
Bằng nói, làm để lại cho con cháu, thì mình nên nhớ trong sách có nói rằng:
Uổng tác thiên niên kế
Nhi tôn tự hữu nhi tôn phước. |
Nghĩa là: Uổng làm kế ngàn năm
Con cháu vẫn có phước con cháu. |
Phước ai nấy gặp, nợ ai nấy mang, chẳng có một ai làm thế cho ai được. Nhưng nay có dư tiền bạc, mình nên bỏ ra cứu giúp kẻ cơ hàn tật bệnh, in kinh, khuyến thiện, trai tăng, bố thí cho các bậc tu hành chơn chính. Đã nhiều kiếp luân hồi, chúng sanh cũng từng làm cha mẹ bà con nhau, nay tuy đối với mình là người dưng kẻ lạ, nhưng mình cũng phải tưởng tới mấy kiếp trước kia mà hết lòng bác ái để cứu vớt nhau mới phải.
Xin chư thiện nam, tín nữ hãy suy xét cho cùng. Con người, đến khi mạng chung rồi, chẳng đem một vật chi theo mình được. Chỉ có tội và phước, nó theo mình như bóng tùy hình. Vậy lúc mình còn sinh tiền nêu mau mau tỉnh ngộ, tu hành vì cái chết nó đến không chừng rủi nó đến sớm, ăn năn rất muộn.
Tôi nay là người đang học Phật, thấy có điều hữu ích nên đem ra tỏ bày, để nhắc nhở bà con, chẳng nệ tài hèn đức kém, nếu có sai lầm, xin nhờ các bậc thiện trí thức hảo tâm chỉ bảo cho, ân ấy rất nên thậm trọng.
Thi rằng:
ĐƯỜNG đời lắm nỗi, cuộc bi ai
THẾ sự khác gì, chốn gốc gai MỊT mịt hơi sầu, vòng các tía MÙ mù gió thảm, chốn cân đai TRĂM lo ngàn liệu, gây oan trái NĂM mỏi tháng mòn vướng nghiệt tai ĐẦY đủ phước hồng, rồi cũng bỏ TỘI trường oan báo, khổ liền tay. |
CỬA Phật tháng ngày chẳng thảm, ai
THIỀN môn nào phải chốn chông gai THANH sơn đâu quản, khanh cùng tướng TỊNH thất nào hay, mão với đai MUÔN thuở an vui, hành Bát Chánh KIẾP trần thông thả, lánh tam tai NÊN chăng hởi khác, công hầu gẫm DUYÊN kết Niết-bàn, được rảnh tai. |
—
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
TU CÁCH NÀO MÀ ĐƯỢC CHỨNG QUẢ NIẾT-BÀN
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi đã thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, đi thuyết Pháp trong 45 năm để tế độ chúng sanh. Ngài dạy đủ tám muôn bốn ngàn pháp môn nhưng nói tóm lại cho dễ hiểu là Ngài dạy tu tam học là giới, định, tuệ để trừ tam độc là tham, sân, si; tam học viên mãn thì tam độc được tiêu trừ, tam độc diệt thì chứng quả bồ-đề. Tu giới luật trừ sân hận. Tu thiền định trừ tham lam. Tu trí huệ trừ si mê.
· Tu giới là
Phải trì ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới, sa di giới, tỳ-khưu giới (xin xem quyển Luật tu tại gia và quyển Luật tu xuất gia đã dịch).
Đức Thế Tôn trước khi nhập Niết-bàn có nói với ông Ưu-Ba-Ly và ông A-Nan-Đa rằng: sau khi Như Lai diệt độ, các ngươi phải lấy Pháp luật làm thầy. (Xin xem sự quả báo trong sự trì giới, đã có giải trong quyển Luật tu xuất gia). Vậy, ta là người tu Phật chẳng nên quên lời của Phật đã di giáo.
Tôi xin giải quyết rằng: nếu tu Phật mà không trì giới, thì không gọi là người tu Phật vậy. Giới luật là nền tảng mối đạo, có Giới luật Tam-nghiệp mới thanh tịnh, Tam nghiệp thanh tịnh thì mới có sanh Định, có Định mới phát Tuệ.
Nếu muốn tu, trước phải trì giới, giới được chín chắn, đạo mới vững bền. Cũng như muốn cất nhà tốt trước hết phải đắp nền cho chắc (dục khởi mĩ óc, tiên trúc kỳ cơ). Chớ đức chẳng tột, chỗ chí đạo chẳng bền (cẩu bất chi đức, chí đạo bất ngưng điên). Giới luật để rèn lòng sửa nết cho được trong sạch, công đức đầy đủ, lo chi đạo quả chẳng thành.
· Tu định là
Phải tìm ở trong nơi thanh vắng hành theo 40 phép thiền định. Vì sao phải ở nơi thanh vắng? Vì trần cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc) là bụi nhơ, nếu ở giữa bụi nhơ ắt phải lắm nhơ, là không trong sạch, thì khó thông chơn lý, chơn lý không thông, lấy đâu mà thành đạo quả.
Con người ở giữa trần chẳng khác nước ở giữa gió; nước bị gió, nước phải xao động, xao động thì phải đục, đã đục thì xem trong nước nào có thấy vật gì tỏ rõ. Cũng như con người ở giữa trần, ngày chí đêm ngũ căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) hằng duyên theo ngũ trần, tâm phải điên đảo, nếu điên đảo thì phải tối tăm, tối tăm ắt lầm lạc mà đã lầm lạc thì phải bị trầm luân đời đời kiếp kiếp trong vòng lục đạo.
Nhưng, nếu ở non cao rừng vắng hằng tháng, hằng năm thì tập khí lại ẩn sâu, cũng không sao diệt trừ. Xưa kia Đức Phật cùng chư vị đại tỳ-khưu cùng nương theo rừng núi (trừ ra trong ba tháng mưa) các ngài mới trú ngụ nơi tịnh xá. Ban mai đi trì bình khất thực, chinh xế đi thuyết pháp độ sanh, tối lại ngụ nơi thanh vắng để tham thiền nhập định.
Ban ngày, khất thực hoặc đi thuyết pháp, ấy là ĐỘNG, ban đêm ở nơi trong rừng vắng, cội cây, thanh vắng để tham thiền, ấy là TỊNH. Cho nên tu Phật phải có ĐỘNG mà cũng phải có TỊNH, động tịnh điều hòa tức là lý trung đạo vậy.
Có tịnh mới phát Tuệ, có Tuệ mới rõ thông chơn lý là thấy sắc, thinh, hương, vị, xúc đều là vô thường, khổ não, vô ngã rồi mới không nhiễm trần, không nhiễm trần mới có giải thoát, có giải thoát mới có bất sanh, bất diệt là được tiêu diêu tự tại vậy.
Trong luật có bài kệ rằng:
Tăng trụ thành hoàng Phật tổ ha
Tiên hiền đô thị ẩn nham a |
Sơn tiền thủy xuất nhơn gian khứ
Thanh thủy y nhiên thành trược ba. |
40 phép tham thiền là:
- 10 phép Kasina: dùng đất, nước, lửa, gió, màu xanh, đỏ, vàng, trắng, lỗ trống tròn, hư không mà trầm tư.
- 10 phép Anussati: niệm ân Đức Phật, Pháp, Tăng, Giới, Bố thí, Chư Thiên, Niết-bàn, sự chết, thân trược, hơi thở.
- 4 phép Appamañña: dùng Tứ vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả mà nguyện vọng cho tất cả chúng sanh được hòa thuận yên vui lâu dài.
- 1 phép Āhārapaṭikulasaññā: quán tưởng vật thực cho thấy rõ là vật đáng ghê gớm.
- 1 phép Dhātuvavaṭṭhāna: quán tưởng thân tứ đại cho thấy rõ là đất, nước, gió, lửa.
- 4 phép Arūpa: mặc tưởng Không vô biên thiên, Thức vô biên thiên, Vô sở hữu thiên, Phi phi tưởng thiên.
Nếu tham thiền nhập đại định được thì đắc ngũ thông và nương theo cái tâm thanh tịnh ấy mà tu huệ thì đắc đạo quả Niết-bàn.
· Tu huệ là
Phải quán tưởng cho thấu chơn lý, có 10 phép:
- Sammasanañāṇa: dùng trí tuệ quán tưởng ngũ uẩn theo lý vô thường, khổ não, vô ngã.
- Udayabbayañāṇa: dùng trí tuệ quán tưởng cái pháp sanh, diệt của ngũ uẩn.
- Bhaṅgañāṇa: dùng trí tuệ quán tưởng cái phép phân tán của ngũ uẩn.
- Bhayañāṇa: dùng trí tuệ quán tưởng cho thấy ngũ uẩn là đáng ghê sợ, như người sợ thú dữ (như sợ sư tử).
- Ādinavañāṇa: dùng trí tuệ quán tưởng cho thấy rõ tội lỗi của ngũ uẩn, như người thấy nhà bị lửa cháy toan tìm đường để thoát ra cho khỏi.
- Nibbidāñāṇa: dùng trí tuệ quán tưởng cho phát sanh lòng chán ngán ngũ uẩn.
- Muñcitukamyatañāṇa: dùng trí tuệ quán tưởng cho tâm muốn tránh khỏi ngũ uẩn, như cá muốn tránh khỏi chỗ khô ráo, như kẻ tù tội muốn lìa khỏi ngục hình gông xiềng.
- Paṭisaṅkhānupassanāñāṇa: dùng trí tuệ quán tưởng tìm dịp để thoát cho khỏi ngũ uẩn.
- Saṅkhārūpekkhāñāṇa: dùng trí tuệ không chấp trước ngũ uẩn, là không vui, không buồn, như người đã xa hẳn vợ, chẳng còn quyến luyến nữa.
- Anulomañāṇa: trí huệ, chỉ một lòng bất thối, thực hành theo con đàng đi của các bậc Thánh nhơn.
Nếu đã dùng trí tuệ quán tưởng đạt thấu chơn lý 10 phép kể trên, sẽ được thông suốt nguyên nhân ba cái tướng như sau: Sabbe saṅkhārā aniccā: trí tuệ thấy các tập hợp (sắc tướng) đều là vô thường. Sabbe saṅkhārā dukkhā: trí tuệ thấy các tập hợp (sắc tướng) đều là khổ não. Sabbe saṅkhārā anattā: trí tuệ thấy các pháp đều là vô ngã. Tu tam học viên mãn sẽ tận diệt được 10 sợi dây chướng ngại (sanyojaṅa) là: thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi (vicikacchā), giới cấm thủ (sīlabbattaparāmāsa), tình dục (kāmārāga), bất bình (paṭighā), sắc dục (rūparāga), vô sắc dục (arūparāga), tự phụ (māna), phóng vật (uddhacca), vô minh (avijjā).
Đoạn tuyệt chướng ngại thì được giải thoát (vimutti) tức là chứng quả Niết-bàn (Nibbāna hay là Nirvāna)[1] là bậc siêu xuất tam giới, bất sanh, bất diệt hưởng quả tiêu diêu tự tại, yên vui đời đời kiếp kiếp.
· Giải về quả tứ thánh
Tu tam học một lòng bất thối, duyên phận đến kỳ, trước hết đắc quả Tu-đà-huờn, đoạn tuyệt ba sợi dây chướng ngại: thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi (vicikaccha), giới cấm thủ (sīlabbattaparāmāsa). Bởi dứt ba cái tâm ác ấy nên không còn phải sa vào bốn ác đạo nữa (súc sanh, a tu la, ngạ quỷ, địa ngục) và chỉ còn đầu thai làm người trong 7,6,5,4,3,2,1 kiếp nữa sẽ đến Niết-bàn.
Bậc Tu-đà-huờn đắc quả Tư-đà-hàm (Sakidāgāmi) đoạn tuyệt ba sợi dây chướng ngại đã kể trên, giảm nhiều tình dục và lòng sân hận, chỉ còn đầu thai làm người một kiếp nữa sẽ đến Niết-bàn.
Bậc Tu-đà-huờn, tu thêm nữa đắc quả A-na-hàm (Anāgāmi) đoạn tuyệt tình dục, lòng uất ức, khi bỏ xác phàm đầu thai về cõi Trời tịnh sắc (SuddhavasaBrahma) không còn phải thọ sanh về cõi trần nữa.
Bậc A-na-hàm, ở cõi trời tịnh sắc đắc quả A-la-hán đoạn tuyệt cả mười sợi dây chướng ngại, cao thượng hơn tất cả chúng sanh trong tam giới, thoát khỏi sanh tử luân hồi và sẽ nhập Niết-bàn như Đức Thế Tôn vậy.
Nếu ở tại thế mà tu chứng quả A-la-hán, khi đến ngày cùng cũng diệt độ như Đức Thế Tôn vậy.
Vậy, ai làm người tu Phật phải nương theo Tam bảo là phải tu học cho thông lẽ Tam bảo, phải hành theo Tam bảo, là phép tam học, ắt sẽ được giải thoát, chẳng sai, bằng không nương theo tam học thì không chứng quả Niết-bàn được.
· Giải về: phần pháp tiếp dẫn và tế độ chúng sanh nên quả bồ đề (varabodhipakkhiyadhammasaṅgaho)
Vara: nghĩa là quý báu. Rodhi: nghĩa là giác. Pakhiya: nghĩa là phần. Dhamma: nghĩa là pháp, là con đàng tiếp dẫn chúng sanh. Saṅgaho: nghĩa là tế độ. Varabodhipakkhiyadhammasaṅgaho: nghĩa là phần pháp quý báu tế độ và tiếp dẫn chúng sanh nên quả Bồ-đề.
37 pháp ấy chia ra làm bảy phần: satipaṭṭhāṇa: bốn pháp niệm (tứ niệm xứ), sammappadhāna: bốn pháp chánh tinh tấn (tứ chánh cần), iddhipāda: tứ như ý túc, indriya: năm căn, bala: năm lực, bojjhaṇga: bảy nhân sanh quả bồ-đề, atthaṅgikamagga: bát chánh đạo.
- Satipaṭṭhāṇa (Tứ niệm xứ):
– Kayānupassanāsatipaṭṭhāṇaṃ: niệm thân là lấy sự ghi nhớ đem trí tuệ tham cứu thường thường cho thấy rõ cái thân hình là nơi hội hiệp 32 thể là: tóc (kesā), lông (lomā), móng (nakhā), răng (dantā), da (taco), thịt (maṃsa), gân (ṇhārū), xương (aṭṭhi), tủy (atthiminjaṃ), trái thận (vakkaṃ), tim (hadayam), gan (yakanaṃ), màn bao ruột (kilomakāṃ (pihakaṃ), lá lách (pihattaṃ), phổi (papphassaṃ), ruột già (antaṃ), ruột non (antagunaṃ), vật thực mới (kariyaṃ), vật thực cũ (karisaṃ), óc (mattaluṅgaṃ), mật (pittaṃ), đàm (semhaṃ), mủ (pubbo), máu (lohitaṃ), mỡ đặc (medo), mồ hôi (sedo), nước mắt (assa), dầu da (vasa), nước miếng (khelo), nước mũi (singhānikā), nhớt (lasikā), nước tiểu (muttaṃ) đều là vô thường (aniccaṃ), khổ não (dukkhaṃ), vô ngã (anattā).
– Vedanānupassanāsatipaṭṭhānaṃ: niệm thọ là dùng trí nhớ đem trí tuệ tham cứu cho thấy rõ ba cái thọ: thọ khổ, thọ lạc, thọ vô khổ vô lạc đều là vô thường, khổ não, vô ngã.
– Cittānupassanāsatipaṭṭhāna: niệm tâm là dùng trí tuệ tham cứu cho thấy rõ cái tâm ác, tâm thiện là vô thường.
– Dhammānupāssanāsatipaṭṭhāna: niệm pháp là dùng trí tuệ tham cứu cho thấy rõ cái lành, cái dữ đều là vô ngã.
- Samappadhāna (Tứ chánh cần):
– Anupannānaṃpāpakanaṃ akusalanaṃ dhammānaṃ anuppayavāyāmo: ráng sức ngăn ngừa sự dữ chưa đến.
– Uppannānaṃ pāpakanaṃ akusalanaṃ dhammānaṃ pahāyavāyāmo: ráng sức dứt bỏ sự dữ đã có.
– Anuppannānaṃ kusalanaṃ dhammanaṃ uppadāyavāyāmo: ráng sức tìm làm những việc lành chưa từng làm.
– Uppannānaṃ kusalanaṃ dhammānaṃ kiyyokavayavāyāmo: ráng sức làm những việc lành đã có cho càng có thêm.
- Iddhipāda (Tứ như ý túc):
– Chanddhipādo: lòng mong mỏi trong các việc lành.
– Viriyiddhipādo: tinh tấn, mong tới trong các việc lành.
– Cittiddhipādo: tâm lự, là lòng suy tính chỉ tìm làm những việc lành.
– Vimaṃsiddhipādo: dùng trí tuệ tham cứu cho thấy rõ các việc khổ trong sự luân hồi và gắng làm những việc lành.
- Inidriya (Năm căn)
– Saddhindriyaṃ: tín căn, là cội tin ân đức Tam bảo để diệt trừ các sự dữ trong lòng.
– Viriyindriyaṃ: tấn căn, là cội tinh tấn để diệt trừ lòng giải đãi, hành đạo, ngõ hầu đoạn tuyệt các hung dữ.
– Satindriyaṃ: niệm căn, là trí nhớ để diệt trừ lòng dể duôi.
– Samādhindriyaṃ: định căn, là cội chánh định để diệt trừ tâm buông thả.
– Paññindriyaṃ: tuệ căn, là cội trí tuệ để diệt trừ vô minh, tà kiến.
- Bala (năm lực)
– Saddhābalaṃ: tín lực, là đức tin mạnh trong các việc lành, để diệt trừ lòng mê tín.
– Viriyabalaṃ: tấn lực, là tinh tấn mạnh để diệt trừ sự lười biếng.
– Satibalaṃ: niệm lực, là trí nhớ mạnh để diệt trừ sự dể duôi.
– Samādhibalaṃ: định lực, là sức định mạnh để diệt trừ lòng xao lãng.
– Pañābalaṃ: tuệ lực, là sức trí tuệ mạnh để diệt trừ vô minh, ái dục.
- Bojjhanga (Bảy nhân sanh quả Bồ-đề)
– Satisambojjhaṅga: niệm, là sự ghi nhớ để tham cứu cho thấy rõ các pháp đều là vô thường, khổ não, vô ngã, cho thấu lý Tứ Diệu Đế.
– Dhammāvisayasambojjhaṅga: tuệ, là dùng trí tuệ để tham cứu cho thấy rõ các phép đều là vô thường, khổ não, vô ngã cho thấu lý Tứ Diệu Đế.
– Viriyasambojjhaṅga: tấn, là dùng sự tinh tấn để tham cứu cho thấy rõ các pháp đều là vô thường, khổ não, vô ngã, cho thấu lý Tứ Diệu Đế.
– Patisambojjhaṅga: hỷ, là tâm vui mừng phát sanh ra trong giờ tham thiền để tham cứu cho thấy rõ các pháp đều là vô thường, khổ não, vô ngã, cho thấu lý Tứ Diệu Đế.
– Passaddhisambojjhaṅga: tịnh, là thân tâm yên lặng để tham cứu cho thấy rõ các pháp đều là vô thường, khổ não, vô ngã, cho thấu lý Tứ Diệu Đế.
– Samādhisambojjhaṅga: định, là một lòng, chẳng loạn để tham cứu cho thấy rõ các pháp đều là vô thường, khổ não, vô ngã, cho thấu lý Tứ Diệu Đế.
– Upekkhāsambojjhaṅga: xả, là tâm ở bậc trung không thương, không ghét, không mừng, không vui và để tham cứu cho thấy rõ các pháp đều là vô thường, khổ não, vô ngã, cho thấu lý Tứ Diệu Đế, là con đàng đi đến Niết-bàn.
- Atthangikamagga (Tám chánh đạo)
– Sammāditthi: Chánh kiến, là trí tuệ hằng tưởng nhớ Niết-bàn, thấu rõ lẽ Tứ-đế (khổ, tập, diệt, đạo) và chỉ nương theo Bát Chánh Đạo mà tu hành để diệt trừ vô minh, ái dục.
– Sammāsankappo: Chánh tư duy, là trí tuệ suy cứu về việc lành, tu hành phép bố thí, trì giới, tham thiền hoặc tìm cách trừ diệt sân hận, hoặc dùng tâm từ bi nguyện vọng cho tất cả chúng sanh đều được yên vui lâu dài.
– Sammāvācā: Chánh ngữ, là nói những lời chơn chánh: không nói dối, nói những lời đâm thọc, chửi rủa, lời vô ích.
– Sammākammanto: Chánh nghiệp, là làm những công việc chơn chánh (bất sát sanh, bất trộm đạo, bất tà dâm).
– Sammājivo: Chánh mạng, là nuôi mạng chơn chánh (xem quyển Luật tu xuất gia chương 137-138 và Luật tu tại gia chương 29).
– Sammāvāyāmo: Chánh tinh tấn, là chỉ một lòng tu hành tiến lên: bỏ sự ác đã có, ngừa sự ác chưa có, tìm làm lành chưa từng làm, lành đã có ráng gìn giữ và làm thêm.
– Sammāsati: Chánh niệm, là trí nhớ chơn chánh (hằng ghi nhớ đến 4 pháp satipaṭṭhāna). Kayanupassanāsatipaṭṭhāna: Trí hằng ghi nhớ đến sắc uẩn, suy tưởng nó là vô thường, khổ não, vô ngã. Vedanānupassanāsatipaṭṭhāna: Trí hằng ghi nhớ đến thọ uẩn, suy tưởng nó là vô thường, khổ não, vô ngã. Cittānupassanāsatipaṭṭhāna: Trí hằng ghi nhớ đến thức uẩn, suy tưởng nó là vô thường, khổ não, vô ngã. Dhammānupassanāsatipaṭṭhāna: Trí hằng ghi nhớ trong tưởng uẩn và hành uẩn, suy tưởng nó là vô thường, khổ não, vô ngã.
– Sammāsamādhi: Chánh định, là một lòng thanh tịnh, xa lánh tình dục, nhập sơ định, nhị định, tam định, tứ định hoặc ngũ định.
Trong khi nhập định thì nhứt tâm in khắn vào phép thiền định, một lòng chẳng loạn, là không vọng theo trần cảnh. Định là thiện căn, muôn sự lành đều gom vào chỗ nhứt tâm. Xưa kia các bậc Thánh nhơn cũng đều nhờ vào phép tham thiền nhập định mà được chứng quả Niết-bàn.
Bát Chánh Đạo chia ra làm ba phần: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về phần giới; chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc về phần định; chánh kiến, chánh tư duy thuộc về phần tuệ cho nên người tu Bát Chánh Đạo cũng gọi là tu tam học vậy.
· Lược giải về sự tích của Đại đức Aññātakondaññā[2]
Một thuở nọ, Đại Đức Aññātakondaññā nghe pháp được chứng quả Tu-đà-huờn thì Bát Chánh Đạo đều phát sanh theo quả Tu-đà-huờn như sau này:
- Chánh kiến: khi nghe pháp Ngài thấy Tứ diệu đế rất phân minh như vầy:
Ngài thấu rõ Khổ đế (Dukkha ariyasacca) là các điều khổ mà tất cả chúng sanh phải mang hằng ngày đây, do ở ngũ uẩn. Có ngũ uẩn là có sanh, có già, có đau, có chết đều là khổ. Ngài thấu rõ tập Tập đế (Samudaya ariyasacca) là lòng ham muốn (taṇhā) là nguyên nhân sanh ra ngũ uẩn. Ngài thấu rõ Diệt đế (Dukkhanirodha ariyasacca) là sự diệt trừ lòng ham muốn, tức là trừ dứt các việc khổ não. Ngài thấu rõ Bát Chánh Đạo (Atthaṅgikamagga), con đàng tiếp dẫn chúng sanh đến bờ giải thoát.
- Chánh tư duy: là ý suy nghĩ chơn chánh phát sanh thì ba cái tà tư duy (suy nghĩ về tình dục (kāmavitakka), suy nghĩ về mối giận, oán thù (byāpādavitakka), suy nghĩ về sự làm hại người (vihinsāvitakka) diệt.
- Chánh ngữ: phát sanh thì tà ngữ (nói dối, đâm thọc, chửi rủa, nói lời vô ích) diệt.
- Chánh nghiệp: phát sanh thì tà nghiệp (sát sanh, trộm đạo, tà dâm) diệt.
- Chánh tinh tấn: phát sanh thì tà tấn là không nương theo chánh tinh tấn (xem chương 11) diệt.
- Chánh niệm: phát sanh xét rõ thấy sắc uẩn đều là trược, thọ uẩn là khổ, thức uẩn là vô thường, tưởng uẩn hành uẩn đều là vô ngã.
- Chánh định: phát sanh tiếp dẫn 7 ngành đạo trên, nhất tâm bất loạn, một lòng chăm niệm Niết-bàn.
Chánh tư duy phụ trợ chánh kiến, ví như tay giúp tâm thức, khi người lựa bạc vàng phải dùng tay để cầm lấy bạc, vàng trở qua lật lại cho tâm thức ngắm xem, nhận biết tốt hay xấu. Cũng như chánh tư duy phụ trợ chánh kiến. Trước có suy xét rồi sau mới phân biệt, thấy rõ các pháp đều là vô thường, khổ não, vô ngã. Chánh tinh tấn, chánh niệm phụ trợ cho chánh định, ví như ba người bạn lành cùng nhau đi dạo chơi, xem thấy giữa một ao nước có bông hoa tươi tốt bèn sanh lòng muốn hái hoa ấy nhưng hoa ở trên cao, không bẻ đặng. Cùng nhau toan tính: một người thứ nhất khòm lưng cho người thứ nhì leo lên, rồi người thứ ba cũng lên lưng người thứ nhì, nhờ sự chung sức nhau mới bẻ hoa ấy được. Ví như chánh tinh tấn, chánh niệm phụ trợ cho chánh định để đạt quả Niết-bàn vậy.
Lại nữa, Bát Chánh Đạo nếu chia ra làm giác và hành thì chánh kiến, chánh tư duy là giác; còn chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định là hành. Giác ví như cặp mắt sáng láng xem biết rõ rệt chỗ nên tránh, nơi nên đi: có đủ hai chân mạnh mẽ, có thể đi đứng vững vàng; tránh khỏi lẹ làng, mấy nơi nào có sự nguy hiểm rủi ro. Cũng như người tu hành đủ Bát Chánh Đạo thì được thấy rõ các nguyên nhân sự kết quả, là làm như vầy ắt phải lầm lạc, mang hại, phải nhành như kia mới mong được sư kết quả mỹ mãn.
Thấy rõ như vậy, là nhờ cái giác: là chánh kiến, chánh tư duy, được đi đứng vừng vàng, tránh xa sự rủi ro tai hại ấy nhờ cái hành: là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định là con đàng chơn chánh, khỏi lo sợ các điều tai hại là con đàng chỉ ngay đến Niết-bàn rất mau chóng. Cũng như người đi đàng có đủ cả cặp mắt sáng láng và hai chân mạnh mẽ, ắt sẽ đi đến xứ sở mà mình đã nguyện vọng được mau lẹ y như bổn nguyện.
Cho nên Đức Thế Tôn có lời khen Bát Chánh Đạo rằng: Bát Chánh Đạo là con đàng đi ngay đến Niết-bàn, tránh khỏi các sự rủi ro, tai hại.
· Phật giảng lại hồi Ngài còn làm Bồ-tát, xuất gia tìm đạo (trích dịch trong Đại Tạng kinh thứ 26).
Phật giảng cho các đệ tử nghe như vầy: Trước khi ta chưa sáng suốt hoàn toàn, các thầy tỳ-khưu này, là chưa chứng quả Phật, nhưng đã là một vị Bồ-tát còn phải chịu cái khổ, sanh, lão, bệnh, tử. Ta có suy xét tới cái khổ, sanh, lão, bệnh, tử như thế này:
Ta có nghĩ thêm rằng: tại sao ta nghĩ như vậy? Vì, nếu thấy rõ được mấy điều kể trên, ta sẽ tìm được cái thanh tịnh vô hạn của cảnh Niết-bàn, nơi đó mới tránh khỏi cái khổ, sanh, lão, bệnh, tử.
Chẳng bao lâu, ta trốn cha, xa vợ, lìa con vào rừng cạo tóc và râu, mặc y dà, làm sải du phương, nghịch hẳn với thân tộc ta. Một lòng tìm đạo, đi đến nơi thanh vắng, ta gặp vị Bà-la-môn tên A-La-Ra và Ưu-Đà-La. Ta có hỏi đạo nơi hai thầy và khi xét rõ đạo của hai thầy chưa được cứu cánh giải thoát, không vừa ý muốn, nên ta kiếu từ mà đi nơi khác.
Quyết lòng tìm nẻo cực lạc, ta trải qua xứ này thành nọ, có gặp một làng Uruvela. Gần đó có nơi thắng cảnh, cây lá sum sê mát mẻ, lại thêm có con sông nước trong muốn tắm. Chung quanh có xóm nhà dễ bề khất thực. Thấy vậy, các thầy tỳ-khưu này! Ta nghĩ thầm: chốn này có đủ sự cần ích cho người tầm đạo tu hành. Các thầy tỳ-khưu này! Như thế rất hạp lòng nên ta ở lại đó.
· Phật giảng cho ông Aggivessana nghe (trích dịch trong Đại Tạng kinh thứ 36)
Aggivessana này! Ta có nghĩ tới ba điều so sánh như sau mà trước kia ta chưa được biết. Aggivessana này! Có một người tính nhóm lửa bằng khúc củi ướt và dính bùn đang trôi dưới nước. Aggivessana này! Người tưởng thế nào, người ấy làm như vậy đó có thể được chăng?
- Bạch, không được.
- Tại sao vậy?
- Tại khúc củi đó ướt và dính bùn, đang trôi dưới nước dầu người ấy có ráng nhúm cho lắm cũng uổng công
Aggivessana này! Cũng như thầy Sa-môn hay Bà-la-môn còn làm nô lệ cho lòng ham muốn, ước ao sự vui sướng, mê sa theo tình dục, lửa lòng đang cháy chưa thể tắt được. Nếu các thầy Sa-môn hay Bà-la-môn ấy có cảm giác sự đau đớn, nhức nhối và khó chịu cũng không thể tìm được cái “giác và “đạo lý vô thượng”. Dầu các thầy Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không cảm giác sự đau đớn, nhức nhối và khó chịu cũng không tìm ra cái “giác” và “đạo lý vô thượng” được.
Aggivessana này! Bỗng nhiên trí ta nghĩ tới điều so sánh thứ nhì, mà trước kia ta chưa được biết. Aggivessana này! Có một người kia tính vớt khúc củi đang trôi dưới nước còn ướt và dính bùn, đem nhúm lửa cho có ánh sáng. Aggivessana này! Người tưởng thế nào, người ấy làm như vậy có thể được chăng?
- Bạch, không thể được.
- Tại sao vậy?
- Tại khúc củi ấy còn ướt và dính bùn mới vớt lên khỏi nước, dầu người ấy có ráng nhúm cho lắm cũng vô ích.
Aggivessana này! Cũng như thầy Sa-môn hay Bà-la-môn mới chế ngự được cái thân, nhưng lòng còn ham muốn, ước ao sự vui sướng, mê sa theo tình dục, lửa lòng đang cháy chưa tắt được. Nếu những thầy Sa-môn, Bà-la-môn ấy có cảm giác sự đau đớn, nhức nhối và khó chịu thì không thể tìm cái “giác” và “đạo lý vô thượng” . Dầu các thầy Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không có cảm giác sự đau đớn, nhức nhối và khó chịu cũng không tìm cái “giác” và “đạo lý vô thượng” được.
Aggivessana này! Thoạt vậy ta nghĩ tới điều sự so sánh thứ ba như vầy mà trước kia ta chưa được biết. Aggivessana này! Bỗng chốc trí ta nghĩ tới sự so sánh thứ ba như vầy. Aggivessana này! Có một người kia tính vớt khúc củi dưới nước lên đã khô và sạch sẽ tính đem nhúm lửa cho có ánh sáng. Aggivessana này! Người tưởng thế nào, người ấy làm như vậy có được chăng?
- Bạch, được.
- Tại sao vậy?
- Tại khúc củi đã khô ráo, sạch sẽ và đem lên khỏi nước.
Aggivessana này! Cũng như có những thầy Sa-môn hay Bà-la-môn không còn làm nô lệ cho cái thân, không còn ham muốn, ước ao sự vui sướng, sa mê theo tình dục, lửa lòng đã tắt và tâm được thanh tịnh. Nếu thầy Sa-môn hay Bà-la-môn ấy có cảm giác sự đau đớn, nhức nhối và khó chịu, các thầy cũng tìm được cái “giác” và “đạo lý vô thượng”. Dầu các thầy không cảm giác đau đớn, nhức nhối và khó chịu, cũng tìm cái “giác” và “đạo lý vô thượng” được. Ba điều so sánh này trước kia ta chưa biết được, mà trí ta thình lình nghĩ như vậy.
Aggivessana này! Ta nghĩ, bây giờ nếu ta cắn răng, cuốn lưỡi lên ổ gà để dùng trí ngăn trị và kềm ý tưởng ta, coi thử thế nào? Nghĩ rồi ta bèn cắn răng, cuốn lưỡi lên ổ gà để dùng trí ngăn trị và kềm ý tưởng ta. Như vậy, mồ hôi chảy ra hai bên nách ta. Aggivessana này! Cũng như một người kia có sức lực mạnh bạo, nắm đầu hay hai vai một kẻ khác yếu hơn, có ý để ngăn trị và kềm người ấy. Aggivessana này! Cũng như ta cắn răng, cuốn lưỡi lên ổ gà, dùng trí ngăn trị và kềm ý tưởng ta vậy, đến nỗi mồ hôi chảy ra hai bên nách ta. Aggivessana này! Thật ta dùng hết sức, gom ý tưởng không để cho tâm vọng động. Nhưng thân thể ta không được yên ổn và rất khó chịu, vì ta ráng sức quá. Nhưng Aggivessana này! Sự cảm giác đau đớn đó không dính dấp tới ý tưởng ta.
Aggivessana này! Ta nghĩ bây giờ ta nín thở đặng nhập định coi thử thế nào? Aggivessana này! Rồi ta nín thở bằng miệng và mũi. Nín thở bằng mũi và miệng thì hơi thở ra nơi tai ta nghe tiếng kêu lạ thường dường như tiếng ống bể của thợ rèn kêu vậy cũng vì ta nín thở bằng mũi và bằng miệng vậy. Thật vậy, Aggivessana này! Ta dùng hết sức lực không thối chí, để định ý không cho nó vọng động. Nhưng thân ta không được yên ổn và rất khó chịu vì ta ráng quá sức. Aggivessana này! Sự cảm giác đau đớn đó không dính vấp tới ý tưởng ta cả.
Aggivessana này! Ta lại nghĩ, bây giờ ta định ý nhiều hơn nữa, xem thử thế nào? Aggivessana này! Ta nín thở bằng mũi miệng và tai, thì hơi thở thông lên đầu ta, đau nhức dường như có một người sức lực mạnh bạo dùng gươm nhọn ngoái đầu ta vậy. Aggivessana này! Ta dùng hết sức lực, không thối chí để định ý không cho vọng tưởng, nhưng thân ta không được yên ổn và rất khó chịu vì ta ráng sức quá lẽ. Aggivessana này! Sự cảm giác đau đớn đó không dính vấp với ý tưởng ta.
Phật lặp đi lặp lại cách Ngài nhập định ba lần như vầy:
- Sanh ra nhức đầu khó chịu… dường như có một người sức lực mạnh bạo dùng miếng da dày đánh lên đầu ta vậy.
- Sanh ra nhức đầu khó chịu… dường như có một người thợ cạo heo dùng con dao bén chặt bao tử ta vậy.
- Sanh ra cả châu thân nóng như lửa đốt… dường như có hai người sức lực mạnh bạo một người nắm một cánh tay của kẻ khác yếu hơn, vật ngã và quăng xuống hầm lửa vậy.
Vì thế, Aggivessana này! Có vị Trời thấy như vậy bèn nói rằng thầy Gotama đã chết. Vị khác nói thầy Gotama chưa chết nhưng ngất ngư. Vị khác nói thầy Gotama chưa chết mà cũng chẳng phải ngất ngư, Ngài là bậc A-la-hán, A-la-hán phải tham thiền như vậy đó.
Aggivessana này! Ta nghĩ, nếu ta bỏ ăn coi như thế nào? Aggivessana này! Các vị Trời lại gần ta và nói rằng: Ngài dừng ăn, nếu Ngài dứt ăn chúng tôi cho vật thực vào theo lỗ lông da Ngài. Như vậy, Aggivessana này! Ta nghĩ: nếu ta bỏ ăn thì các vị Trời cho cơm vào theo lỗ lông da ta, cũng như ta còn ăn, lẽ ra ta nói dối vậy.
Aggivessana này! Ta nghĩ, nếu ta giảm ăn, coi ra sao? Rồi đó lần hồi ta còn ăn mỗi ngày một vắt cơm bằng trái táo vậy.
Aggivessana này! Bởi dùng cơm ít quá nên thân ta lần lần trở nên ốm lắm, tay, chân giống như cọng cỏ u du khô vậy, xương sống như xâu chuỗi, xương sườn như rui nhà cũ, mặt thụt vô dường như ở dưới nước giếng sâu mà dòm thấy sao trên trời, da và đầu ta dường như trái bần rừng bị nắng khô héo vậy bởi ta ăn ít quá.
Aggivessana này! Khi rờ bụng, ta đụng nhằm xương sống ta, rờ xương sống, ta lại đụng nhằm bụng ta. Aggivessana này! Bụng ta như dính liền với xương sống vậy. Khi đi đại tiện, ta bị té sấp, thấy vậy, ta chà tay và chân cho có sức mạnh, chà tới đâu lông rụng tới đó. Cũng bởi ta ăn ít quá.
Aggivessana này! Ta nghĩ như vầy: đời trước dầu có các thầy Sa-môn hay Bà-la-môn tu hành khổ hạnh thế nào cũng không hơn ta. Đời này hay đời sau cũng vậy. Nhưng Aggivessana này! Chẳng phải nhờ sự hành xác như thế mà được tấn hóa hơn người thường hay do đó mà ta tìm được đạo lý cao thượng đâu. Có lẽ còn cách nào khác nữa, để tìm cái đạo sáng suốt chớ? Nghĩ như vậy, Aggivessana này! Thình lình ta nhớ lại lúc còn nhỏ, có theo cha ta đi xem lễ cày ruộng mùa xuân theo phong tục trong xứ, ta thấy kẻ nông phu cày, loài trùng dế bị hại rất nhiều, trên có bầy chim lại ăn. Thấy vậy lòng rất bi ai, ta ngồi dưới gốc cây diêm phù tha thiền nhập định. Lúc đó chẳng còn biết tới việc thế gian là gì, dứt các tư tưởng xấu xa, nhưng còn suy nghĩ và lý đoán, ta nhập vào bậc sơ thiền nhờ sự vắng vẻ và an lạc.
Vậy, đây có phải là con đàng đi để tìm sự sáng suốt hoàn toàn chăng?
Aggivessana này! Ta tin chắc rằng đó là con đàng đi để tìm sự sáng suốt hoàn toàn. Nhưng ta không thể dùng cái thân gầy ốm này mà tìm sự an lạc như vậy được. Ta phải ăn cơm lại nghĩ rồi ta bèn ăn cơm.
Aggivessana này! Trước kia năm thầy Sa-môn theo ta, có nói với nhau rằng: bao giờ thầy Gotama đắc đạo, người sẽ cho chúng ta hay. Nhưng đến khi năm thầy thấy ta dùng cơm, vội bỏ ra đi và nói với nhau rằng: thầy Gotama không còn bền chí nữa, người đã ăn ở theo kẻ thế rồi.
Aggivessana này! Nhờ ăn cơm nên ta có sức lại và lòng không còn tham sanh và vọng tưởng nữa, nhưng còn suy nghĩ và lý đoán, ta nhập định vào bực sơ thiền nhờ sự vắng vẻ, thanh tịnh và an lạc; nhưng sự cảm giác, Aggivessana này! Không dính vấp với ý tưởng ta.
Dứt suy nghĩ và lý đoán, Aggivessana này! Ta nhập vào bậc nhị thiền, nhờ sự gom trí và định tâm nên ta được an tịnh, vui mừng và an lạc; nhưng sự cảm giác đó, Aggivessana này! Không dính vấp với ý tưởng của ta.
Dứt cảm giác vui mừng chẳng còn quyến luyến đến thế sự nữa, tâm được an tịnh và vững vàng, ta biết được an lạc. Ta vào bực tam thiền nhưng sự cảm giác này không dính vấp với ý tưởng ta.
Dứt tuyệt vọng cái vui và cái khổ, Aggivessana này! Mà trước kia ta còn cảm giác, ta đại định vào bực tứ thiền, nhờ diệt tận cái vui và khổ; tâm ta trở nên trong sạch vẹn toàn và không còn chấp trước nữa. Nhưng các sự cảm giác mà ta có trước kia, Aggivessana này! Không dính vấp với ý tưởng ta, như vậy trí ta được trong sạch, sáng láng, sẵn dành để hành sự vững vàng không sai lạc; nên ta dùng trí tìm kiếm các kiếp quá khứ của ta như thế này: 1,2,3,4,5…10,20,30,40,50…100,1.000,5.000 kiếp, mười lần tận thế, mười lần lập thế, mười lần lập và tận thế; ta ở chỗ nào, tên chi, làm người nước nào, về phái nào, làm nghề nghiệp gì, vui hay khổ ra sao, hết kiếp này sang kiếp khác, ta như thế nào. Tìm thấy đủ các kiếp trước của ta rành rẽ, phân minh, không hề sơ sót.
Canh một đêm thứ nhất, ta được biết như vậy là lần đầu tiên, thì vô minh diệt, đạo bày tỏ rõ, mê muội tan, ánh sáng tỏ rạng, ta được suốt thông và minh mẫn luôn.
Các cảm giác mà ta biết đó, Aggivessana này! Cũng không động tới ý tưởng ta.
Như vậy, trí ta được trong sạch, sáng láng, sẵn dành để hành sự, vững vàng không sai lạc, ta dùng trí để tìm cái nguyên nhân sự luân hồi của chúng sanh.
Nhờ nhãn thông rất trong sạch, phi thường nên ta xem thấy cái tử, sanh, sang, hèn, tốt, xấu, vui, khổ của chúng sanh như vầy: Chúng sanh phải chịu luân hồi vì trước kia có tạo nghiệp thân, khẩu, ý bởi chúng sanh không lòng kính những điều phải kính, ưa những điều họ phải ưa, nên sau khi chết họ phải vĩnh đọa trầm luân đặng trả quả của các nhân đã gây tạo từ trước. Người ở theo tam thiện là: hành thiện, ngữ thiện, ý thiện, kính điều phải kính, ưa sự phải ưa, sau khi chết được phi thăng thượng giới, để hưởng điều an lạc.
Canh hai trong đêm thứ nhứt, nhờ dùng nhãn thông, ta biết được như vậy, nên vô minh diệt, đạo bày tỏ rõ, mê muội tan, ánh sáng tỏ rạng. Ta hằng được sốt sắng, minh mẫn và vững vàng. Những sự cảm giác vui mừng ấy cũng không dính vấp với ý tưởng ta.
Nhờ trí được trong sạch sáng láng, sẵn dành để hành, sự vững vàng, không sai lạc, ta dùng trí xem rõ các cách để diệt sự lầm lạc tội lỗi theo chơn lý như vầy.
Đây là cái khổ, đây là nguồn cội cái khổ; đây là diệt cái khổ; đây là con đàng đi để diệt cái khổ.
Đây là sự lầm lạc; đây là nguồn cội sự lầm lạc; đây là diệt sự lầm lạc; đây là con đàng đi để diệt sự lầm lạc.
Trong khi xem xét biết các điều ấy, trí ta được thoát khỏi cái tham, sân, si nên ta hiểu rằng ta đã được giải thoát, không còn biết cái thân nào khác hơn cái thân này, vì đã thành bậc Chánh đẳng Chánh giác.
· Giải về lúc Phật, sau khi được giải thoát, Ngài quán tưởng 12 nhơn duyên dưới gốc cây Bồ đề.
Lúc Phật đi gần xứ Uruvela, nơi mé sông Ni-Liên, dưới cội cây bồ đề mà Ngài mới chứng quả.
Phật nhập định bảy ngày dưới cội cây bồ đề, cây da và cây vừng, Ngài suy xét về 12 nhơn duyên xem thuận rồi xem nghịch như vầy: Vô minh sanh Hành; Hành sanh Thức; Thức sanh Danh sắc; Danh sắc sanh Lục nhập; Lục nhập sanh Xúc; Xúc sanh Thọ; Thọ sanh Ái; Ái sanh Thủ; Thủ sanh Hữu; Hữu sanh Sinh; Sinh sanh ra lão, tử, đau đớn, than van, khổ não, buồn rầu, thất vọng. Nếu vô minh diệt, nhờ dứt tuyệt cái ái thì hành diệt; Hành diệt, Thức diệt; Thức diệt, Danh sắc diệt; Danh sắc diệt, Lục nhập diệt; Lục nhập diệt, Xúc diệt; Xúc diệt, Thọ diệt; Thọ diệt Ái diệt; Ái diệt Thủ diệt; Thủ diệt Hữu diệt; Hữu diệt, Sanh diệt; Sanh diệt, lão, tử, than van, khổ não buồn rầu, thất vọng diệt.
Sau khi tìm được 12 nhơn duyên rồi, Phật có nói: bao giờ cái chơn lý bày tỏ rõ cho thầy Bà-la-môn trong khi tham thiền, lòng nghi nan mới dứt hẳn, nhờ sự hiểu thấu nguồn cội tất cả sự vật. Qua canh hai và canh ba trong đêm đó, Phật quán tưởng 12 nhơn duyên của chúng sanh y như trên vậy.
12 nhơn duyên
1) Vô minh: là mờ ám mê muội, tối tăm, không thông hiểu Tứ diệu đế, không rõ sự hiệp tan của ngũ uẩn, hằng lầm tưởng cho tập hợp là chắc, là thật, có tập hợp mới có điều vui sướng. Cái chi vô thường lại cho là bền vững, cái khổ gọi là vui, cái trược cho là trong sạch, thân tứ đại rất ngắn ngủi cho là lâu dài; mê muội bất thông luật nhân quả, không rõ kiếp quá khứ và vị lai.
Tại sao mê muội? Tại tham, sân, lười nhác, háo thắng, nghi nan; tại mắc tam nghiệp tội vì: thân, khẩu, ý ác; tại không được làm chủ các ngũ quan; tại không phân biệt được điều cảm giác xấu xa; tại không để ý gẫm xét những cách hành động lầm lạc; tại không lòng tin và nghe theo đạo lý nhà Phật; tại không hay thân thiết với các bậc thiện trí thức; tại có cảm giác đều vui và buồn, mới sanh ra cái ái, ái sanh bởi sự cảm xúc, có vô minh hiệp vào.
Vì vô minh sanh hữu (có thân) mới có tưởng lầm làm quấy, gây ra nhân quả.
2) Hành: vì vô minh mới sanh vọng tưởng và vọng hành, mới có quả báo luân hồi. Bởi có cái vọng tưởng là sau khi chết sẽ sanh ra như thế này, như thế kia… Mình nuôi cái ý tưởng đó, mới có cái thân này vậy.
3), 4) Thức và danh sắc: thức bởi tâm thức gá vào thai mẹ, hợp với tinh cha huyết mẹ, mới có danh sắc. Nếu cái thức không gá vào thai mẹ thì danh sắc không sao có được. Cũng vì cái thức nên mỗi khi một vị Phật hay Thinh văn giác diệt độ mà Ma vương hết lòng tìm kiếm để quấy rối, nhưng kiếm không ra. Bởi, cái thức của các đấng Thánh nhơn, lúc diệt độ tan mất, các vị thần tiên và người thường không thể nào tìm thấy được. Cái thức của chúng sanh vì sự hành động bất tịnh nên sau khi chết phải đi đầu thai trở lại.
Bởi có cái thức mới có danh sắc, rồi phải chịu các điều lao khổ kể từ vào thai mẹ, cho đến trọn kiếp làm người. Hỏi sau khi cái thức nhập vào thai rồi, nó đi ra, cái thai có sanh được không? Cái thức ra khỏi, thân đứa trẻ đó có thể lớn khôn, nên người đặng chăng? Không, không thể nào được, nó phải chết liền. Bởi cái thức là căn bổn của vật chất và tinh thần, nhưng muốn cho danh sắc được nên người, cho danh sắc được sống cũng chưa đủ, phải cần nuôi dưỡng nó nữa. Vô minh, ái, thủ, như mẹ nó, sự hành động như cha nó, vật thực như vú nuôi nó vậy.
Danh sắc rất liên lạc với thức, thức đối với danh sắc cũng vậy. Thức lấy danh sắc làm gốc, để làm đàng đi vì có danh sắc mới có già, có chết, nó bỏ xác này, đi đầu thai nơi khác, bỏ xác khác sanh ra nơi khác nữa. Thức ví như món ăn, nghĩa là cái tâm nhờ sự hành động của nó nuôi mà nên, nếu nó không cấp dưỡng là Niết-bàn, bằng nó nuôi là sanh sanh, tử tử vậy.
Danh sắc là thế nào? Danh là thọ, tưởng, hành, thức chỉ về tinh thần. Sắc là vật chất (tứ đại: đất, nước, lửa, gió).
5) Lục Căn: là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Lục căn đủ thì lục trần gấm ghé vào.
6) Xúc: là tiếp xúc, cảm xúc, rờ rẫm, đá động. Bởi có lục căn nên lục trần mới lọt vào, mới có tiếp xúc. Tiếp xúc là sự gặp nhau của mắt, vật thấy và thức. Có ngũ quan, vật ở ngoài và thức mới có hay biết; cái biết này khác nhau tùy riêng mỗi ngũ quan và mỗi vật. Các điều biết do ngũ quan là biết cái ý, vì là sự hành động và chăm chỉ đều bởi ý mà ra.
7) Thọ: là cảm chịu, lãnh lấy cái vui hay buồn, không vui hay không buồn, nhờ có tiếp xúc trước.
Phần nhiều chia ra 3 thời kỳ mới tới cái thọ: ngũ quan và vật tiếp xúc; sự sanh ra cái biết; sự sanh ra cái thọ. Trong mỗi thời nhứt và thời nhì chưa có cái thọ.
8) Ái: là ái dục và ham muốn, ước ao, ham mê, khao khát, ưa mến, có thọ mới có ái. Ái nảy sanh ra trong tâm của con người là khi người đã có cái thọ. Thọ sanh bởi cái xúc, có vô minh hiệp vào. Trong khi tiếp xúc, tức nhiên sanh ra lý đoán và hành động lầm lạc, vì có vô minh hiệp vào với có cái thọ, chẳng phải chỉ cái thọ mà sanh ra cái ái.
Các bậc A-la-hán, tuy rằng có cái thọ, nhưng cái ái không sao sanh được bởi các bậc Thánh nhơn có lý đoán rất chơn chánh. Người thế thường có cái ái sanh ra bởi họ hay có lý đoán lầm lạc (khổ, họ cho là vui, v.vv…). Cái lý đoán lầm lạc ấy định ra cái thân này, rồi còn thêm có lý đoán lầm lạc khác nữa, để nạp mình theo cái ái, mới sanh ra chấp có cái ta (ngã chấp).
Ái chia ra có nhiều hạng: 1 là 6 thứ ái sanh ra do lục căn và lục trần; 2 là 2 thứ ái sanh ra do sự cảm giác cái vui và buồn; 3 là 1 thứ ái sanh ra cái tâm không vui, không buồn. Ái cái vui là giữ gìn nó cho được lâu dài hay tìm kiếm thêm những vật chưa được vào tay mình. Ái cái buồn là mong tránh xa nó. Ái về khoản thứ 3 là để gìn giữ nó cho được lâu dài không sa sút. 4 là có thứ ái trong tập đế: là ái sự vui sướng theo ngũ quan: ái làm người thế và vị trời: ái sự giàu sang.
9) Thủ: là giữ lấy, tìm lấy, không cho rời cái vui sướng đã có, lại còn tìm kiếm thêm nữa, cho đến khi tình dục tràn trề, không còn biết kể tới sự hổ thẹn nữa. Vì đó mới sanh cái hành động lầm lạc tội lỗi không ngăn. Cũng bởi cái ái nên sanh có tư tưởng xấu xa, lầm lạc chấp có ta. Ái này là mong làm người, ái sự vui sướng. Vì đó nên chia ra cái thủ buồn bốn hạng: 1) thủ sự vui sướng theo ngũ quan; 2) thủ sự lầm lạc theo tà đạo; 3) thủ theo phong tục là tin nhờ tu khổ hạnh mà được giải thoát; 4) thủ chấp có ta.
Thủ chẳng phải giữ lấy vật dục vì lòng ham muốn mà thôi, lại còn mê sa những điều mình chấp nữa; nên mới sanh có vật chất sắc tướng. Thủ là giữ lấy ngũ uẩn, là nguyên chất dựng nên thân tứ đại này. Thủ để hành động giữ gìn cái sắc thân và tinh thần, mới có thân sau.
10) Hữu: có 3 nghĩa: 1) là tái sanh, luân hồi, sanh ra vật chất và tinh thần; 2) có thân, có ngũ uẩn; 3) sanh trong cõi Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới.
Phái tiểu thừa giải: hữu là có thân sống, có ngũ uẩn, hài cốt, thân thể ngũ quan, tùy theo cõi mình luân hồi. Phái đại thừa giải: hữu là từ khi cái thức nhập vào lòng mẹ có cái ý tưởng đi đầu thai, vì chưng đã có tạo nghiệp: hữu là giữ lấy để hành động, là có thân này và thân sau.
11) Sanh: là sanh đẻ, là cái quả của mỗi người: tùy theo luật nhân duyên, là ra mặt của ngũ uẩn, mà cái ý tưởng trước hết là cái thức đi nhập vào thai mẹ.
12) Lão tử: có sanh thì có già, có buồn rầu khổ não, bởi cái thân, y theo trong khổ đế: sanh là khổ, già là khổ, đau là khổ, chết là khổ, ưa mến mà phải xa lìa là khổ, nghịch mà phải gần là khổ, có ngũ uẩn là khổ.
· Dưới cội cây radijayatana
Phật nhập định dưới cội cây radijayatana để hưởng cái quả phước giải thoát. Khi ấy có hai anh lái buôn tên: Da-Lệ-Phù-Ba và Bặc-Lệ-Ca đi ngang qua đó, tức thì có một vị Trời đến mách bảo như vầy: Hai người ôi! Dưới cội cây radijayatana có đức Phật mới đắc quả, vậy hai người nên lại làm lễ chào mừng, dâng cơm và mật cho Ngài, thì hai người đều được đại phước. Hai anh lái buôn nghe theo vào làm lễ Phật, ngồi một bên mà bạch rằng: Xin Phật từ bi thâu dụng cơm và mật ong, cho chúng tôi được phước báu.
Phật nghĩ thầm: Đấng Như Lai không nên thọ lãnh đồ bằng tay, vậy ta phải làm thế nào? Tứ vị Thiên Vương biết ý, bèn đem dâng cái bình bát bằng đá và bạch rằng: Xin đức Thế Tôn dùng cái này mà đựng cơm và mật ong. Phật thọ lãnh cơm và mật. Xong rồi thì hai anh lái buôn quỳ dưới chân Phật, bạch rằng: chúng tôi tình nguyện quy y Phật, quy y Pháp, xin đức Thế Tôn thâu nhận chúng tôi là người thiện nam kể từ nay cho đến trọn đời của chúng tôi. Hai người này là cư sĩ quy y Phật, Pháp trước nhất (chưa có Tăng).
· Dưới cội cây adjapala
Sau khi tham thiền dưới cội cây radijayatana, Phật đi lại cội cây adjapala nhập định, suy nghĩ như vầy: Ta tìm được cái đạo rất cao thâm, huyền diệu, kẻ thường nhơn khó hiểu thấu, chỉ có bậc thiện trí thức mới rõ nổi. Chúng sanh mê sa việc trần thế, vui theo tình dục khó bỏ được, không thông luật nhân quả, biết bao giờ mới gỡ rồi nợ thế, diệt tận cái tham, sân, si để đến Niết-bàn là nơi cực lạc. Nếu ta đem Phật Pháp ra giáo hóa mà chúng sanh chẳng biết nghe, thì rất nhọc sức và luống công vô ích. Vì thế, Đức Thế Tôn mới nghĩ tới những điều sau này mà trước kia Ngài chưa để ý đến: Ta rất nhọc nhằn lao khổ, mới tìm ra cái đạo cao thượng như vầy, rất khó hiểu đối với những người đã bị tối mê, còn tham, sân theo tình dục. Thật vậy, chúng sanh khó nghe cái đạo, khác hẳn với đường đời.
Đại Phạm Thiên hiểu ý Đức Thế Tôn, bèn la lớn lên rằng: Thế thì chúng sanh phải tiêu diệt, vì Đức Thế Tôn muốn nghỉ an, không có lòng mở đạo.
Tức thì Đại Phạm Thiên hiện xuống, đến trước mặt Đức Thế Tôn, gối tả quỳ chấm đất, hai tay xá chào, cầu xin Đức Thế Tôn mở đạo, vì trong chúng sanh cũng có kẻ tối mê chút ít, nếu họ không nghe được Phật Pháp ắt phải bị trầm luân khổ hải (hạng người này hiểu được Phật Pháp).
Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là đấng đại hùng, đại lực, cúi xin Ngài từ bi dìu dắt chúng sanh, vì Ngài đã được giải thoát, xin Đức Thế Tôn từ bi mở đạo, cũng có kẻ hiểu được Phật Pháp Đức Thế Tôn đã được sáng suốt hoàn toàn, rõ thông chơn lý, thấu biết sự vật, xin Ngài ngó lại chúng sanh đang bị cái khổ sanh tử trọng đại.
Nghe rồi Phật bèn đáp rằng: Đại Phạm Thiên ôi! Như Lai có nghĩ như vầy: Như Lai tìm được cái đạo cao thượng huyền diệu khó hiểu thấu… (Phật giảng lại cho Đại Phạm Thiên nghe v.v..)
Đại Phạm Thiên cũng cứ cầu xin đến ba lượt, đến lần thứ ba. Đức Thế Tôn chan chứa lòng từ bi với chúng sanh, Ngài dùng nhãn thông xem thấy chúng sanh: có người mê muội chút ít, kẻ lại rất tối tăm, có người cũng thông minh sáng láng, có kẻ dữ, người lành, kẻ bất thông, người mau hiểu, kẻ thông tu, người mộ đạo, chẳng khác nào trong ao có sen xanh, đỏ và trắng vậy. Hoa này mọc còn ở dưới nước, hoa kia lên ngang mặt nước. Cũng như trong chúng sanh, có người hạng thấp, kẻ bậc cao v.v. Nên Đức Thế Tôn cho Đại Phạm Thiên biết rằng: Từ đây chơn lý mở rộng cho chúng sanh, cho những người biết nghe và những kẻ biết tin và tưởng chơn lý. Đại Phạm Thiên hiểu rõ Đức Thế Tôn đã nhận lời cầu xin, chịu ra mở đạo, nên cúi chào Đức Thế Tôn và đi chung quanh qua bên tả mà biến mất.
· Thuyết Pháp lần đầu
Đức Thế Tôn nghĩ như vầy: Bây giờ ta dạy ai trước? Ai là người mau hiểu Phật Pháp? Ngài chợt nhớ đến thầy Bà-la-môn A-La-Ra là người thông minh sáng láng, khôn ngoan, chỉ còn tối mê chút ít, nếu người nghe đạo ta ắt mau hiểu. Tức thì có vị Trời bạch rằng: A-La-Ra chết đã bảy ngày rồi.
Đức Thế Tôn lại nghĩ: bây giờ ta dạy ai trước? Ai là người mau hiểu Phật Pháp? Đức Thế Tôn nhớ tới thầy Ưu-Đà-La là người thông minh sáng láng, khôn ngoan chỉ còn tối mê chút ít, nếu nghe được đạo ắt mau hiểu. Liền có vị Trời bạch rằng: thầy Ưu-Đà-La mới chết hôm qua.
Đức Thế Tôn nghĩ thầm: bây giờ ta đi dạy ai trước? Ai là người mau hiểu Phật Pháp? Đức Thế Tôn nhớ tới năm Sa-môn, nhóm Kiều-Trần-Như. Năm thầy lúc trước có giúp ta nhiều việc, săn sóc ta trong lúc tu khổ hạnh. Vậy ta nên đi truyền đạo cho năm Sa-môn này.
Đức Thế Tôn lại nghĩ: Bây giờ năm thầy Sa-môn ở nơi nào? Nhờ nhãn thông nên Đức Thế Tôn biết được năm thầy ở gần thành Ba-La-Nại tại vườn Lộc Giả, rồi Đức Thế Tôn lên đàng đi qua thành ấy. Có một thầy tên Ưu-Bà-Ca tu theo đạo Adjivaka thấy Phật đang đi, ra đón đàng hỏi Phật như vầy: Bạn ôi, sắc diện bạn thanh tịnh, nước da bạn trong sạch và sáng rỡ, bạn nhờ ai điểm đạo cho? Thầy của bạn là ai? Bạn theo pháp môn nào? Đức Thế Tôn trả lời: Ta thắng được các mũi giặc, được sáng suốt hoàn toàn, rất trong sạch, ta đã diệt tận cái tham và được giải thoát, ta tìm cái đạo lý nơi ta chẳng có ai là thầy ta vậy. Trong cõi thế gian này, cảnh thiên đàng kia, chẳng có một ai sánh bằng ta là bậc Đại Thánh Nhân trong đời này, là thầy của tất cả chúng sanh. Ta là Phật, là người vô ái, đã đắc Niết-bàn. Nay ta đi qua thành Ba-La-Nại để giáo đạo, đem cái trống bất sanh bất diệt đi đánh trong cõi tối tăm này.
- Bạn dám nói bạn đã được giải thoát sao?
- Nhờ diệt tận các điều lầm lạc, trừ tuyệt cái lòng ái dục, vô minh, Ưu-Bà-Ca ôi! Như vậy nên ta mới được giải thoát.
Nghe xong, thầy Ưu-Bà-Ca nói: Bạn ôi! Có lẽ phải, và nói và lắc đầu, rồi theo con đàng khác mà đi.
Đức Thế Tôn sang thành Ba-La-Nại đến vườn Lộc Giả là chỗ năm vị Sa-môn ở. Khi năm thầy thấy dạng Thế Tôn xa xa bèn bàn tính cùng nhau rằng: Bạn ôi! Thầy Gotama đi lại tới kia kìa, nay thầy đã theo thể tục, chẳng còn tu khổ hạnh như xưa, vậy chúng ta chẳng nên chào thầy, chẳng nên rước bình bát và y của thầy, chỉ cho thầy một chỗ ngồi, nếu thầy muốn.
Khi Đức Thế Tôn đến gần, năm thầy trở lòng áy náy khó chịu không còn giữ lời đã định cùng nhau khi nãy, đồng tới trước mặt Đức Thế Tôn, thầy này rước bình bát, thầy kia rước y, thầy nọ dọn chỗ ngồi, thầy khác múc nước dâng cho Đức Thế Tôn rửa chân, dọn chỗ rửa mặt và khăn lau. Đoạn Đức Thế Tôn rửa chân xong, bèn ngồi xuống.
Trong khi nói chuyện, năm thầy cứ kêu đích danh Thế Tôn và gọi bằng bạn hữu. Thấy vậy Đức Thế Tôn mới thốt rằng: Này các thầy ôi! Đừng gọi Thế Tôn bằng bạn hữu và đích danh Thế Tôn. Các Sa-môn này! Thế Tôn là Phật, là bậc đã được sáng suốt hoàn toàn. Như Lai đã được giải thoát, nên đến đây dạy các thầy, ráng làm theo, chẳng bao lâu, trong nội kiếp này, sẽ thấy hiện tiền cái chân lý, là cái đạo, để cho chúng sanh tu hành trở nên bậc Thánh Nhân vậy.
Đức Thế Tôn vừa dứt lời, năm thầy Sa-môn tiếp nói rằng: Bạn Gotama ôi! Các cách tu khổ hạnh trước kia bạn đã hành theo mà còn chưa được tấn hóa, đạo lý vẫn chưa thành, huống chi nay bạn đã bán đồ nhi phế, vui theo tình dục, lẽ nào bạn lại được tấn hóa mà thành đạo sao?
Phật rằng: Các Sa-môn! Như Lai chẳng phải bán đồ nhi phế và vui theo thế tục đâu. Các Sa-môn này! Như Lai là bậc sáng suốt, là bậc Đại Thánh Nhân, v.v… (Phật lập lại cũng y lời trên).
Năm Sa-môn nói hai lần, mà Thế Tôn cũng trả lời, như vậy.
Thấy các thầy nín thinh, Đức Thế Tôn tiếp nói: Các thầy hãy nhớ lại từ trước, Như Lai có nói như vậy chăng?
- Bạch không.
- Các thầy Sa-môn này! Như Lai là bậc Đại Thánh Nhân, đã hoàn toàn giải thoát, vậy các thầy ráng nghe, các Sa-môn này! (Phật lặp lại cũng y như trên) Đức Thế Tôn nói cho năm thầy tin được rồi, năm thầy hết lòng chăm chỉ nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp như vầy:
Các Sa-môn này! Có hai việc thái quá mà kẻ tu hành phải tránh xa. Một là mê sa trần cảnh, ham muốn điều vui sướng xấu xa, tội lỗi hèn hạ, vô liêm sỉ, hai là tu khổ hạnh, đau đớn, khổ sở, hèn hạ. Nhờ tránh xa hai việc ấy, các Sa-môn này! Như Lai gặp được con đàng trung đạo để mở mắt và trí trở nên sáng suốt thanh tịnh, tìm được cái đạo, cái “giác” là Niết-bàn. Đó là con đàng đạo bát chánh là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Các Sa-môn này! Nhờ con đàng giữa đó mà Như Lai được mở mang trí tuệ, sáng suốt thanh tịnh, được đạo lý quang minh hoàn toàn và Niết-bàn.
Đây các Sa-môn này! Là khổ đế: sanh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ, không ưa mà hiệp là khổ, ưa mà lìa là khổ, muốn mà không được là khổ, si mê là khổ. Đây, các Sa-môn! Là tập đế: là nguồn cội cái khổ là lòng ái dục nó buộc con người phải luân hồi, hết kiếp này, sang kiếp khác sa mê theo tình dục, lục căn, tìm kiếm và giữ lấy những vậy yêu dấu cho được thỏa thích, ham muốn và ước ao việc trần thế. Đây, các Sa-môn này! Là diệt đế, là diệt tận lòng ái dục và các dục vọng thế sự, dứt bỏ những vui sướng theo lục căn. Đây, các Sa-môn này! Là đạo đế, là con đàng đi để diệt cái khổ, là đạo bát chánh, đã có nói khi nãy.
Đây, là khổ đế, các thầy Sa-môn này! Các ý tưởng này lúc trước Như Lai chưa biết được, nay mắt và trí Như Lai đã thấu rõ, nên Như Lai được cái đạo lý sáng suốt là cái “tuệ”. Đây, là tập đế, các Sa-môn này! Các ý tưởng này trước kia Như Lai chưa biết được, nay mắt và trí Như Lai đã thấu rõ nên Như Lai được cái đạo lý sáng suốt là cái “tuệ”. Đây, là tập đế, tập đế huyền diệu này. Như Lai phải diệt nó, nó đã bị Như Lai diệt rồi. Như vậy các Sa-môn này! Những ý tưởng này trước kia Như Lai chưa được biết, nay mắt và trí Như Lai đã rõ thấu, nên Như Lai được cái đạo lý sáng suốt là cái “tuệ”. Đây, là diệt đế, là con đàng đi để diệt khổ như vậy, các Sa-môn này! Những ý tưởng này trước kia Như Lai chưa biết được, nay mắt và trí Như Lai đã rõ thấu, nên Như Lai được cái đạo lý sáng suốt là cái “tuệ”. Đây là cái đế huyền diệu để diệt cái khổ, Như Lai đã thấy tỏ rõ trước mắt. Như Lai đã thấy nó tỏ rõ trước mắt rồi. Như vậy, các Sa-môn này! Những ý tưởng này trước kia Như Lai chưa biết được, nay mắt và trí Như Lai đã rõ thấu, nên Như Lai được cái đạo lý sáng suốt là cái “tuệ”. Đây là đạo đế, cái đế huyền diệu để diệt cái khổ, Như Lai phải hành cho xong, Như Lai đã hành xong rồi. Như vậy, các Sa-môn này! Những ý tưởng này trước kia Như Lai chưa biết được, nay mắt và trí Như Lai đã rõ thấu nên Như Lai được cái đạo lý sáng suốt là cái “tuệ”.
Bao giờ chưa được rõ phân minh cái “biết” như vậy: Như Lai không rõ Tứ diệu đế này và thấu lý ba cái tướng của vũ trụ với 12 nhơn duyên, các Sa-môn này! Như Lai được sáng suốt hoàn toàn trong cõi thế gian, trời, Ma vương và cõi Phạm Thiên.
Nhưng, khi Như Lai biết được một cách phân minh (Phật lặp y lại như trên…) Như Lai hiểu rằng: các Sa-môn này! Như Lai được sáng suốt hoàn toàn (Phật lặp lại y như trên). Nhưng cái “tuệ” mà Như Lai được đó, nó cho Như Lai rõ rằng: từ đây Như Lai được giải thoát, kiếp này là kiếp chót của Như Lai, Như Lai không còn sanh lại nữa.
Đức Thế Tôn giảng xong, năm Sa-môn rất vui mừng và kính phục lời của Thế Tôn vô cùng. Trong năm thầy, ông Kiều Trần Như đắc tuệ nhãn, biết rằng cái chi có “tạo” thì có “diệt”.
Lúc Thế Tôn đang chuyển Pháp Luân, Chư Thiên ở cõi này la lớn lên rằng: Thật như vậy, tại thành Ba-La-Nại, nơi rừng Lộc Giả, Đức Thế Tôn đang chuyển Pháp Luân. Tiếng la của Chư Thiên này nghe vang dội nên Chư Thiên ở cõi Tứ Thiên Vương cũng nói rằng: Thật như vậy, nơi thành Ba-La-Nại, nơi vườn Lộc Giả (y như trên v.v…). Chư Thiên ở cõi trên cũng đều la vang như vậy.
Trong khi đó, tiếng la lên thấu tới cõi Phạm Thiên và cả thảy 10 ngàn cõi đều rúng động, lao xao và có một ánh sáng vô cùng tột, sức mạnh hơn các ánh sáng của Chư Thiên, chiếu thấu các cõi thế giới. Lúc đó, Đức Thế Tôn cho thiên hạ hay: Thầy Kiều Trần Như đã hiểu đạo. Thật vậy, thầy Kiều Trần Như đã hiểu đạo, hết còn dụ dự, dứt lòng nghi ngại, thấy rõ chơn lý, không còn tin cái chi hơn là tin Phật Pháp, nên thầy bạch rằng: Cúi xin Đức Thế Tôn điểm đạo cho đệ tử. Đức Thế Tôn đáp: Lại gần đây, thầy Sa-môn này! Chánh pháp dạy đã phân minh, thầy ráng ở cho trong sạch, để diệt tận cái khổ. Tức thì thầy Kiều Trần Như được điểm đạo.