Về Kinh Chuyển Pháp Luân – Bài Pháp Đầu Tiên Của Đức Phật.
(From: Đức Phật và Phật Pháp – Trưởng Lão Narada)
Bài pháp đầu tiên của đức phật gọi là Dhammacakka. Phạn ngữ này thường được phiên dịch là “Vương Quốc của Chân Lý”, “Vương Quốc của sự Chánh Đáng”, “Bánh Xe Chân Lý”, “Chuyển Pháp Luân “. Theo các nhà chú giải, danh từ Dhamma ở đây có nghĩa là trí tuệ hay sự hiểu biết, và Cakka là thành lập hay củng cố. Như vậy, Dhammacakka là thành lập, hay củng cố trí tuệ. Dhammacakkappavattana là “Trình Bày Sự Củng Cố Trí Tuệ”. Dhamma cũng có nghĩa là chân lý và Cakka là bánh xe. Do đó, Dhamma-cakkappavattana là “Vận Chuyển hay Củng Cố Bánh Xe Chân Lý”. Trong bài Pháp cực kỳ quan trọng này Đức Phật truyền bá con đường gọi là “Trung Đạo” mà Ngài đã khám phá, mà cũng là tinh hoa của giáo lý Ngài. Mở đầu bài Pháp, Đức Phật khuyên năm vị đạo sĩ khổ hạnh nên xa lánh hai lối tu cực đoan là lợi dưỡng và khổ hạnh vì cả hai không thể dẫn đến trạng thái tuyệt đối Thanh Bình An Lạc và Toàn Giác. Lợi dưỡng làm chậm trễ tiến bộ tinh thần. Khổ hạnh làm giảm suy trí thức. Ngài chỉ trích cả hai vì chính bản thân Ngài đã tích cực sống theo lối cực đoan ấy và kinh nghiệm rằng cả hai đều không dẫn đến mục tiêu cứu cánh. Rồi Ngài vạch ra con đường (Trung Đạo) vô cùng thực tiễn, hợp lý và hữu ích. Đây là con đường duy nhất (Bát Chính Đạo) dẫn đến tình trạng trong sạch hoàn toàn và tuyệt đối giải thoát.
Vài Nhận Xét về Kinh Chuyển Pháp Luân trích từ cuốn Đức Phật và Phật Pháp của Ngài Narada:
1. Phật Giáo căn cứ trên kinh nghiệm bản thân, như vậy, Phật Giáo hợp lý, không phải là một lý thuyết chỉ dựa trên suy niệm và luận lý suông.
2. Đức Phật tránh xa những hệ thống tư tưởng có thế lực thời bấy giờ và trình bày một “Trung Đạo”, hoàn toàn do Ngài tìm ra chớ không dựa vào lập luận của ai.
3. Phật Giáo là một con đường hay Đạo (magga).
4. Kiến thức thích hợp với lý trí là điểm then chốt của Phật Giáo.
5. Đức tin mù quáng bị loại trừ, không còn chỗ đứng trong Phật Giáo.
6. Phật Giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực hành, thay vì chú trọng đến tín ngưỡng và giáo điều. Tin tưởng suông vào giáo điều không thể dẫn đến giải thoát.
7. Nghi thức và cúng tế, được xem là quan trọng trong kinh Phệ Đà (Veda), không có vai trò trong Phật Giáo.
8. Không có Thượng Đế để con người phải khép nép kính sợ.
9. Không có giai cấp trung gian giữa người và Thượng Đế để con người phải rụt rè.
10. Giới (sila), Định (samadhi), Tuệ (panna) là chánh yếu để thành tựu mục tiêu – Niết Bàn.
11. Nền tảng của Phật Giáo là bốn Chân Lý (Tứ Diệu Đế) có thể kiểm nhận bằng kinh nghiệm.
12. Tứ Diệu Đế dính liền với con người.
13. Bốn Chân Lý ấy do chính Đức Phật khám phá và Ngài đã tìm ra một mình, không nhờ ai. Chính câu Phật ngôn là: “Bốn Chân Lý này chưa từng được nghe”.
14. Đã là Chân Lý thì không thể biến đổi với thời gian.
15. Khổ Đế, chân lý đầu tiên, đề cập đến những thành phần cấu tạo bản ngã, hay cái được gọi là cá nhân, và những giai đoạn khác nhau trong đời sống. Các thành phần này cần phải được phân tách, xem xét tỉ mỉ và quan sát. Sự quan sát này dẫn đến hiểu biết mình một cách chân chính.
16. Thấu triệt Chân Lý thứ nhất (Khổ Đế) một cách hợp lý đưa đến tận diệt nguyên nhân của Khổ, Chân Lý thứ nhì. Đế này đề cập đến thái độ tâm lý của một người thông thường đối với ngoại cảnh.
17. Chân Lý thứ nhì (Tập Đế) có liên quan đến một năng lực hùng hậu luôn luôn ngủ ngầm bên trong mỗi người.
18. Chính năng lực tinh thần hùng hậu ấy – ái dục – là nguyên nhân đưa đến tất cả những điều bất hạnh trong đời sống.
19. Tập Đế đề cập một cách gián tiếp đến những kiếp sống quá khứ, hiện tại và tương ai.
20. Như vậy, sự hiện hữu của chuỗi dài những kiếp sinh tồn đã được Đức Phật biện minh.
21. Do đó, lý nghiệp báo, một hệ luận của thuyết tái sanh, cùng một lúc, cũng được bao hàm đề cập đến.
22. Hai Chân Lý đầu tiên là tại thế, thuộc về thế gian (lokiya). Chân Lý thứ ba – chấm dứt đau khổ – mặc dầu tùy thuộc nơi ta, là siêu thế (lokuttara) và vượt hẳn ra ngoài phạm vì luận lý.
23. Đế thứ ba – thuần túy là sự tự giác – là một pháp (dhamma) phải được thấu triệt bằng nhãn quan tinh thần (sacchikatabba).
24. Chân Lý này – Diệt Đế – phải được chứng ngộ bằng sự siêu thoát hoàn toàn. Đây không phải là trường hợp từ khước những trần cảnh bên ngoài, mà là dứt bỏ mọi luyến ái ở bên trong đối với thế gian bên ngoài.
25. Diệt Đế được thành tựu bằng cách tận diệt trọn vẹn mọi luyến ái. Nhưng phải ghi nhận rằng nếu chỉ có một việc là tận diệt năng lực tinh thần ấy (luyến ái) thì không đủ để chứng ngộ Niết Bàn, Chân Lý thứ ba, vì như thế, Niết Bàn sẽ có nghĩa là hư vô. Tuy nhiên, đạo Quả phải được thành đạt bằng cách tận diệt năng lực ấy vì chính nó trói buộc chúng sanh vào thế gian (tam giới: Dục, Sắc và Vô Sắc Giới).
26. Niết Bàn không phải được tạo nên (uppadetabba) mà phải được đạt đến (pattaba). Niết Bàn có thể được thành tựu ngay trong kiếp sống hiện tại này. Như vậy, có thể hiểu rằng mặc dầu tái sanh là giáo lý chánh yếu trong Phật Giáo, mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo là chấm dứt tái sanh – không tùy thuộc ở tương lai, vì có thể thành tựu trong kiếp sống hiện tiền.
27. Đế thứ ba phải được thành tựu bằng cách trau dồi và phát triển đế thứ tư.
28. Để tận diệt một năng lực hùng mạnh (ái dục) cần phải vận dụng và phát triển tám yếu tố công hiệu (Bát Chánh Đạo).
29. Tất cả tám yếu tố đều thuộc về tinh thần.
30. Tám năng lực tinh thần hùng mạnh và có tánh cách thiện, phải được tập trung để đánh đổ một năng lực bất thiện dai dẳng ngủ ngầm bên trong ta.
31. Tuyệt đối tinh khiết, hoàn toàn thoát ra khỏi mọi tiến trình sanh tử triền miên, một cái tâm không còn vướng chút ô nhiễm, trạng thái bất diệt (amata), là những phước lành đi kèm theo cuộc chiến thắng vĩ đại này.
32. Có phải chăng sự giải thoát này là hoàn hảo hay tuyệt đối tinh khiết? Quan điểm sau cùng là thích đáng hơn.
33. Trong mỗi trường hợp, có thể nêu lên một câu hỏi: Hoàn hảo là gì? Tuyệt đối tinh khiết là gì? Không có một chúng sanh hay một thực thể thuần nhất và trường tồn trong Phật Giáo mà chỉ có một luồng tâm xem như một dòng nước luôn luôn trôi chảy. Như vậy, đúng hơn, ta phải nói rằng luồng tâm đã được thanh lọc, trở nên hoàn toàn tinh khiết bằng cách tận diệt và loại trừ mọi ô nhiễm.
Nguồn trích dẫn: “Đức Phật và Phật Pháp” – Narada
CHÁNH KINH
TƯƠNG ƯNG BỘ KINH
CHƯƠNG 56: TƯƠNG ƯNG SỰ THẬT
II: PHẨM CHUYỂN PHÁP LUÂN
11. NHƯ LAI THUYẾT
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Bārānasī, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.
Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo:
– Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?
1. Một là đắm say trong các dục (kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích.
2. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích.
Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn?
Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: ① Chánh Kiến, ② Chánh Tư duy, ③ Chánh Ngữ, ④ Chánh Nghiệp, ⑤ Chánh Mạng, ⑥ Chánh Tinh tấn, ⑦ Chánh Niệm, ⑧ Chánh Định.
Ðây là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
1. Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
2. Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
3. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.
4. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là ① Chánh Kiến, ② Chánh Tư duy, ③ Chánh Ngữ, ④ Chánh Nghiệp, ⑤ Chánh Mạng, ⑥ Chánh Tinh tấn, ⑦ Chánh Niệm, ⑧ Chánh Định.
1. ⑴ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ KHỔ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
⑵ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ KHỔ CẦN PHẢI LIỄU TRI, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
⑶ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ KHỔ ĐÃ ĐƯỢC LIỄU TRI, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
2. ⑷ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ KHỔ TẬP, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp … quang sanh.
⑸ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ KHỔ TẬP CẦN PHẢI ĐOẠN TẬN, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp … quang sanh.
⑹ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ KHỔ TẬP ĐÃ ĐƯỢC ĐOẠN TẬN, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp … quang sanh.
3. ⑺ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ KHỔ DIỆT, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp … quang sanh.
⑻ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ KHỔ DIỆT CẦN PHẢI CHỨNG NGỘ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp … quang sanh.
⑼ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ KHỔ DIỆT ĐÃ ĐƯỢC CHỨNG NGỘ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp … quang sanh.
4. ⑽ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ CON ÐƯỜNG ĐƯA ĐẾN KHỔ DIỆT, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp … quang sanh.
⑾ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ CON ÐƯỜNG ĐƯA ĐẾN KHỔ DIỆT CẦN PHẢI TU TẬP, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp … quang sanh.
⑿ ÐÂY LÀ THÁNH ĐẾ VỀ CON ÐƯỜNG ĐƯA ĐẾN KHỔ DIỆT ĐÃ ĐƯỢC TU TẬP, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, TRONG BỐN THÁNH ĐẾ NÀY, VỚI BA CHUYỂN VÀ MƯỜI HAI HÀNH TƯỚNG NHƯ VẬY, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thời này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không chứng tri đã CHÁNH GIÁC VÔ THƯỢNG CHÁNH ÐẲNG GIÁC.
Và cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đến này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: “BẤT ĐỘNG LÀ TÂM GIẢI THOÁT CỦA TA. ÐÂY LÀ ĐỜI SỐNG CUỐI CÙNG, NAY KHÔNG CÒN TÁI SANH NỮA”.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Chúng năm Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Phật dạy. Trong khi lời dạy này được tuyên bố, Tôn giả Koṇḍañño khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế như sau: “Phàm vật gì được tập khởi, tất cả pháp ấy cũng bị đoạn diệt”.
Và khi Pháp luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, CHƯ THIÊN CÕI ĐẤT này lớn tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời”.
Sau khi được nghe tiếng chư Thiên ở cõi đất, TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG THIÊN lên tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời”.
Sau khi được nghe tiếng của chư Thiên ở Tứ đại Thiên vương thiên, thời CHƯ THIÊN Ở CÕI TRỜI BA MƯƠI BA … CHƯ THIÊN YÀMÀ … CHƯ THIÊN TUSITÀ … CHƯ HÓA LẠC THIÊN … CHƯ THA HÓA TỰ TẠI THIÊN … CHƯ THIÊN Ở PHẠM THIÊN GIỚI lớn tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận … bất cứ một ai ở đời”.
Như vậy, trong sát-na ấy, trong khoảnh khắc ấy, trong giây phút ấy, tiếng ấy lên đến Phạm thiên giới.
VÀ MƯỜI NGÀN THẾ GIỚI CHUYỂN ĐỘNG, RUNG ĐỘNG, CHUYỂN ĐỘNG MẠNH.
VÀ MỘT HÀO QUANG VÔ LƯỢNG, QUẢNG ĐẠI PHÁT CHIẾU RA Ở ĐỜI, VƯỢT QUÁ UY LỰC CHƯ THIÊN.
Rồi Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng sau đây: “Chắc chắn đã giác hiểu là Koṇḍañño (Kiều-trần-như)! Chắc chắn đã giác hiểu là Koṇḍañño!”
Như vậy Tôn giả Koṇḍañño được tên là Annàta Koṇḍañño (A-nhã Kiều-trần-như).
Ghi chú
Đây là một trong những bài kinh quan trọng nhất mà bất cứ người Phật tử chân chính nào cũng cần phải biết, hiểu, nhớ và thực hành theo vì sự an vui và hạnh phúc đích thực cho chính mình.
Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ, xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala