PHẦN TẠO BỐN NGHIỆP
– Này các Tỳ khưu! Chúng sinh có sự ao ước, có sự vừa lòng, có mọi hy vọng rằng, các pháp không mong mỏi, không ưa thích, không phấn chấn phải tiêu diệt đi. Các pháp nên nương tựa, hài lòng, phấn khởi hãy càng tiến triển.
– Này các Tỳ khưu! Khi chúng sinh ấy mong mỏi như vậy, vừa lòng như vậy, hy vọng như vậy; các pháp không vừa lòng, không ao ước, không phấn khởi càng phát triển; các pháp nên nương tựa, ưa thích, vừa lòng lại càng mòn mỏi tiêu diệt.
– Này các Tỳ khưu! Trong điều ấy, các ngươi nghĩ như thế nào?
Khi Đức Thế Tôn thuyết như vậy rồi, các thầy xin Ngài giảng tiếp, Ngài bèn thuyết rằng:
-Phàm nhân trong đời này không được nghe, không được thấy các bậc thánh nhân, không sáng trí, không tụ tập trong thánh pháp; không được thấy các hàng tịnh giả( [1] ), không thông minh trong pháp của hạng tịnh giả, vì thế không hiểu rõ các pháp nên nương. Các pháp không nên nương. Các pháp nên thân cận, các pháp nên gần gũi; chỉ nương vào các pháp không nên nương. Không nương vào các pháp nên nương thì các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng, hằng tăng gia. Trong khi các pháp ao ước, hy vọng, vừa lòng càng tiêu tan.
– Này các Tỳ khưu! Điều thích hợp với người không thông hiểu như thế.
– Này các Tỳ khưu! Những hàng thinh văn đã nghe rồi và là người thấy các bậc thánh nhân là hạng sáng trí và được huấn luyện chánh đáng trong thánh pháp, là bậc thấy các bậc tịnh giả, là bậc đã thông hiểu, đã tập luyện chánh đáng pháp của bậc tịnh giả hằng hiểu rõ các pháp nên nương, các pháp không nên nương, các pháp nên thân cận, các pháp không nên thân cận v.v. chỉ thân thiết các pháp nên thân thiết. Như thế các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng càng tiêu tan; các pháp ao ước, hy vọng, vừa lòng càng tiến triển.
– Này các Tỳ khưu! Điều thích hợp với bậc minh triết là hạng thấu triệt như thế.
– Này các Tỳ khưu! 4 pháp tạo nghiệp là thế nào?
– Này các Tỳ khưu! Có pháp chỉ tạo:
– Nghiệp khổ và có kết quả khổ tiếp theo.
– Nghiệp vui và có kết quả khổ tiếp theo.
– Nghiệp khổ và có kết quả vui tiếp theo.
– Nghiệp vui và có kết quả vui tiếp theo.
– Này các Tỳ khưu! Người đã đi trong vô minh, thì không hiểu 4 pháp tạo nghiệp kể trên cùng chân lý của mỗi pháp.
Khi đã bị vô minh che án không thông rõ mỗi pháp tạo nghiệp, nên nương vào và không chừa 4 pháp tạo nghiệp trên.
Do đó các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng càng phát triển, đồng thời các pháp ao ước, hy vọng, vừa lòng càng tiêu tan. Cớ sao?
– Này các Tỳ khưu! Vì điều ấy thích hợp với người không hiểu biết.
– Này các Tỳ khưu! Pháp chỉ tạo nghiệp vui trong hiện tại có kết quả khổ liên tiếp. Người đã đi trong vô minh khi không hiểu pháp tạo nghiệp ấy, rồi cũng không hiểu rõ theo chân lý như thế rằng: “Pháp chỉ tạo nghiệp vui trong hiện tại, có kết quả khổ kế tiếp”. Người đã đi trong vô minh khi không hiểu pháp tạo nghiệp ấy rồi, không hiểu rõ theo chân lý như thế, rồi nương vào pháp tạo nghiệp ấy. Như thế các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng càng nảy nở, cớ sao?
– Này các Tỳ khưu! Vì điều ấy thích hợp với người không hiểu biết.
– Này các Tỳ khưu! Trong 4 pháp tạo nghiệp ấy, pháp chỉ tạo nghiệp khổ trong hiện tại, có kết quả vui kế tiếp.
– Người đã đi trong vô minh khi không thông hiểu pháp tạo nghiệp ấy rồi, không thông rõ chân lý, như thế rằng: “Pháp chỉ tạo nghiệp khổ trong hiện tại có kết quả vui liên tiếp” như vậy. Người đã đi trong vô minh, khi không hiểu pháp tạo nghiệp ấy rồi, không thông rõ theo chân lý, nương pháp tạo nghiệp ấy, không bỏ pháp tạo nghiệp ấy. Như vậy các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng càng tiến triển, các pháp hy vọng vừa lòng càng tiêu tan, cớ sao?
– Này các Tỳ khưu! Vì điều ấy thích hợp với người không hiểu.
– Này các Tỳ khưu! Trong 4 pháp tạo nghiệp ấy, pháp chỉ tạo nghiệp vui trong hiện tại và có kết quả vui liên tiếp nữa; người đã đi trong vô minh, khi không biết pháp tạo nghiệp, cũng không thông rõ theo chân lý thế nào rằng: “Các pháp tạo nghiệp ấy chỉ là vui trong hiện tại và có kết quả vui kế tiếp nữa” Như vậy người đã đi trong vô minh khi đã không hiểu pháp tạo nghiệp, không thông rõ theo chân lý như thế rồi nương vào pháp tạo nghiệp ấy, không bỏ pháp tạo nghiệp ấy, Như vậy thì các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng càng phát triển, các pháp ao ước hy vọng, vừa lòng càng tiêu tan, cớ sao?
– Này các Tỳ khưu! Vì các điều ấy thích hợp với phàm nhân không hiểu biết.
Đức Thế Tôn khi đã thuyết về vô minh rồi mới giảng về tiếp theo nữa, có đại ý trái nhau (nên không cần phiên dịch để trong nơi đây). Xong rồi Đức Thế Tôn thuyết pháp tạo nghiệp bằng cách vi tế như sau:
– Này các Tỳ khưu! thế nào là “pháp chỉ tạo nghiệp khổ trong hiện tại và có kết quả khổ nối tiếp?
– Này các Tỳ khưu! Trong đời này, có hạng người dù đương khổ sở buồn rầu, họ vẫn tự nhiên sát sanh, trộm đạo, tà dâm, nói dối, xúi giục cho người chia rẽ, nói lời hoang đường, tham lam, hãm hại, tà kiến. Do đó họ sẽ bị đau đớn, hối hận do sự sát sanh, trộm đạo, tà dâm, nói dối, xúi giục cho người chia rẽ, nói lời hoang đường do sự tham lam, hãm hại, tà kiến là duyên( [2] ) (Paccaaya). Sau khi thác, hạng người ấy bị sa vào khổ cảnh.
– Này các Tỳ khưu! Pháp tạo nghiệp ấy, Như Lai phát biểu rằng: “Có khổ trong hiện tại, có kết quả khổ liên tiếp nữa”.
– Này các Tỳ khưu! Pháp chỉ tạo nghiệp vui trong hiện tại, có kết quả khổ nối tiếp là thế nào?
– Này các Tỳ khưu! Trong đời này có hạng người đang vui, đang hưởng lạc thú, cũng vẫn tự nhiên sát sanh, trộm đạo, tà dâm, nói dối, xúi giục cho người chia rẽ, nói lời hoang đường, tham lam, hãm hại, tà kiến, vì thế họ phải chịu quả khổ, đau đớn, hối hận do sự sát sanh, trộm đạo, tà dâm là duyên. Sau khi thác họ hằng đến khổ cảnh.
– Này các Tỳ khưu! Pháp tạo nghiệp ấy, Như Lai phát biểu rằng: “Chỉ có vui trong hiện tại, có kết quả khổ nối tiếp“.
– Này các Tỳ khưu! Thế nào là pháp chỉ tạo nghiệp khổ trong hiện tại và có kết quả vui kế tiếp?
– Này các Tỳ khưu! Trong đời này có hạng người đang khổ sở, buồn rầu, họ vẫn chừa sự sát sanh, sự trộm đạo, sự tà dâm, sự nói dối, sự xúi giục, sự nói lời hoang đuờng, sự hãm hại và có chánh kiến. Vì vậy họ phải chịu đau khổ, buồn rầu do tác ý chừa bỏ sát sanh, trộm đạo, tà dâm là duyên.
– Này các Tỳ khưu! Pháp tạo nghiệp ấy, Như Lai phát biểu rằng: “Chỉ là khổ trong hiện tại, có kết quả vui liên tiếp“.
– Này các Tỳ khưu! Thế nào là Pháp chỉ tạo nghiệp vui trong hiện tại và có kết quả vui kế tiếp?
– Này các Tỳ khưu! Trong đời này, có hạng người đang vui, đang hưởng lạc thú, họ hằng chừa hẳn sự sát sanh, trộm đạo, tà dâm, nói dối, xúi giục, nói lời hoang đường, tham lam, hãm hại và hằng có chánh kiến. Nhân đó họ hằng được vui, hạnh phúc do lòng không sát sanh, trộm đạo, tà dâm v.v. là duyên. Sau khi thác họ được sanh lên nhàn cảnh.
– Này các Tỳ khưu! Pháp tạo nghiệp ấy, Như Lai phát biểu rằng: “Vui trong hiện tại và có kết quả vui liên tiếp nữa“.
– Này các Tỳ khưu! Thí dụ: Như bầu đựng nước hòa với độc dược để trong một nơi. Có người ham sống sợ chết, mong vui ghét khổ, đi đến nơi ấy. Nhiều người nói rằng: “Anh ơi! Đây là bầu nước đã hòa với độc dược, nếu anh muốn hãy uống thử xem, khi đang uống, anh được thấy rõ cả màu, mùi vị; uống vào rồi anh sẽ chết hoặc phải chịu khổ gần chết”.
– Này các Tỳ khưu! Kẻ đó không tìm xem xét kỹ bầu nước ấy, khi đã uống vào sẽ chết, hoặc chịu khổ gần chết, như thế nào, thì pháp tạo nghiệp khổ trong hiện tại và có kết quả khổ liên tiếp như thế ấy.
– Này các Tỳ khưu! Như một bát bằng bạc đựng đầy nước nên uống cùng với màu, mùi, vị song bát ấy có lộn bùn trộn với độc dược. Có kẻ ham sống sợ chết, mong vui hết khổ, đi đến trong nơi ấy. Phần đông nói với kẻ ấy rằng: “Anh ơi! Bát ấy có đầy nước nên uống gồm có, mùi, vị, song bát ấy có hòa với độc dược. Nếu anh muốn, hãy uống thử xem”. Lúc đang uống nước ấy không rõ rệt màu, mùi vị, nhưng khi đã uống vào, anh sẽ chết hoặc bị khổ như sắp chết. Kẻ ấy không xem xét trước liền uống vào, không mữa ra được.
– Này các Tỳ khưu! Kẻ đó đang khi uống không thấy rõ rệt màu, mùi vị, đến lúc uống vào rồi thì sẽ chết hoặc chịu khổ như sắp chết như thế nào, thì “pháp tạo nghiệp ấy là vui trong hiện tại, có kết quả khổ liên tiếp như thế ấy.
– Này các Tỳ khưu! Như nước tiểu thối hòa với các vị thuốc, có người lâm bệnh gầy ốm, da vàng, đến trong nơi ấy. Nhiều người nói rằng: “Anh ơi! Nước tiểu thối Này hòa với các vị thuốc, nếu muốn anh hãy dùng đi”. Khi uống người ấy thấy rõ cả màu, mùi vị, uống rồi anh sẽ được vui. Bệnh nhân xem xét kỹ thuốc ấy rồi uống vào không mữa ra.
– Này các Tỳ khưu! Trong khi uống bệnh nhân thấy rõ cả màu, mùi vị thật, nhưng uống vào rồi sẽ được vui chắc chắn, như thế nào thì pháp tạo nghiệp khổ trong hiện tại có kết quả vui liên tiếp như thế ấy.
– Này các Tỳ khưu! Như sữa bò đặc, mật ong, sữa lỏng, nước mía hòa lẫn nhau rồi để trong một nơi; có người mang bệnh xuất huyết đến đó. Phần đông nói rằng: “Anh ơi! Đây là sữa bò đặc, mật ong, sữa bò lỏng, nước mía đã hòa lẫn nhau, nếu anh muốn thì dùng đi”. Khi anh đang uống thuốc ấy lộ màu, mùi vị; khi anh uống vào rồi, anh sẽ được vui.
– Này các Tỳ khưu! Đây là pháp tạo nghiệp vui cả trong hiện tại và có kết quả vui liên tiếp.
– Này các Tỳ khưu! Thí dụ như trong mùa thu sau mùa mưa (đầu mùa lạnh) trời hết âm u, mặt nhựt chiếu giữa không trung, vẹt cả sự tối tăm trong bầu trời hằng soi sáng, chói lọi như thế nào thì Pháp tạo nghiệp vui trong hiện tại và có kết quả vui liên tiếp; pháp tạo nghiệp ấy đàn áp được nhiều kẻ địch của Sa môn và Bà-la-môn, rồi sáng chói, uy linh, quang đãng, rực rỡ như thế ấy.
( [1] ) Tịnh giả: bậc yên lặng phiền não.