Phần 6

    

Trước giờ kết tập

Sau lễ trà tỳ và phân phối Xá Lợi Phật, Ðại đức Ca-diếp triệu tập đại hội bất thường, chuẩn bị cho một cuộc kết tập tam tạng kinh điển để duyệt lại những lời nói tắc trách của tỳ kheo già Sú-phát-đá (1). Ðại đức tuyên bố giữa đại hội: “Thưa chư hiền hữu, tôi và số đông tỳ kheo đang trên đường từ Pá-vá về Kú-sí-ná-rá. Ðến nữa đường, chúng tôi được tin Ðức Tôn sư tịch diệt. Các phàm tăng đều khóc than bi lụy tỏ lòng thương tiếc Ðức Tôn sư. Các vị thánh tăng thì nén lòng xúc cảm, quán tưởng vô thường. Trong khi ấy, một vị tỳ kheo bán thế xuất gia tên Sú-phát-đa nói rằng: “Các vị đừng buồn khổ, khóc than, ông sa môn Cồ Ðàm tịch diệt là điều tốt, vì chúng ta sẽ có chủ quyền. Lúc còn sống ông ta ngăn cấm chuyện này, bày vẽ chuyện nọ khiến chúng ta phải bị ràng buộc quá nhiều khuôn luật, gần như tay chân không còn nhúc nhích được nữa. Giờ đây, ông ta tịch diệt là điều phúc lợi to lớn. Do đó, chúng ta muốn làm chi thì làm, không ai có quyền ngăn cấm “.

Ðại đức Ca-diếp nói tiếp: Này chư hiền hữu, vấn đề Sú-phát-đá mặc cảm đối với Ðức Thế Tôn là chuyện cá nhân. Lý do sự hiềm khích ấy như vầy: Một lần trên bước đường chu du truyền đạo, Ðức Tôn sư từ Kú-sí-ná-rá này, ngự qua xứ A-tú-má. Lúc bấy giờ, Sú-phát-đá đứng ra tổ chức cung đón Ðức Tôn sư trọng thể. Ông kêu gọi quần chúng chuẩn bị món ăn thức uống, đồng thời sai hai sa di con trai ông, đi quyên góp các loại thực phẩm được thật nhiều, vì quần chúng vốn trong sạch nơi Ðấng Chí Tôn từ trước. Ông bèn tự tay nấu nướng. Quang cảnh vô cùng náo nhiệt.

Chú thích: (1) Chỉ trùng tên chứ không phải Sú-phát-đá là đệ tử sau cùng.

Sáng hôm sau, Ðức Tôn sư vào thành khất thực như thường lệ với một số đông chư vị tỳ kheo. Ðược tin, Sú-phát-đá lập tức rời nhà trù, tay cấp vá, mình đầy tro than, chạy đến quì gối, vừa cầm vá vừa chấp tay:

– Bạch Ðức Thế Tôn, xin Thế Tôn trở gót. Món ăn, thức uống đệ tử đã chuẩn bị chu đáo. Vì lòng trong sạch, đệ tử tự tay nấu nướng để cúng dường, xin Thế Tôn từ bi thọ dụng.

Ðức Phật từ khước hai lượt, đến lượt thứ ba, Ngài phán:

– Này Sú-phát-đá không nên đâu. Ngươi chớ nên khuyến khích Như Lai làm việc ấy. Công hạnh khất thực là truyền thống chư Phật. Vật thực phát sanh do sự hành khất là thực phẩm trong sạch và hợp đạo.

Sú-phát-đá này, thực phẩm mà quần chúng sẵn sàng hỉ cúng cho Như Lai cũng có ít nhiều. Chân Như Lai còn xê dịch được, thì Như Lai còn đi trì bình. Còn thực phẩm mà ngươi tự tay nấu nướng, thì bậc sa môn không nên thọ dụng vì là thực phẩm không hợp đạo. Ðiều thứ nhứt: xin nơi người không phải thân quyến. Ðiều thứ hai: không có lời yêu cầu trước. Ðiều thứ ba: không được phép tự tay nấu nướng. Sú-phát-đá này, dầu cho dạ dày của Như Lai có xót xa vì đói, Như Lai cũng không dùng vật thực của ngươi. Ngươi đã làm điều trái quấy đáng chê trách. Ngươi hãy tự xét lại hành động của mình xem, có xứng đáng là nhà mô phạm hay không, trong khi chạy xung xoe, tay cầm vá, mình mẫy dính đầy tro than, không đắp y càsa tề chỉnh, cử chỉ mất hết oai nghi phong cách.

Này Sú-phát-đá, đừng nghĩ lầm rằng Như Lai không hiểu được lòng tốt của ngươi. Nhưng ngươi hành động tắc trách, vượt ngoài khuôn khổ luật định. Do đó, lòng tốt của ngươi đã biến thành quả đắng. Vấn đề bếp núc, nấu nướng là nhiệm vụ của hàng Phật tử tại gia. Còn ngươi, nếu muốn cúng dường Như Lai, thì ngươi nên tích cực công phu hành đạo cho mau giải thoát. Hành động ấy mới gọi là cúng dường Như Lai xứng đáng và cao thượng.

Này Sú-phát-đá, người không hổ thẹn, không ghê sợ tội lỗi, thì dạn dĩ như con quạ, thích đời sống tiện nghi, nhưng tâm hồn không an tịnh. Còn người biết hổ thẹn, ghê sợ thì có đời sống nội tâm an tịnh, không làm tổn thương đức tin và phí phạm tài vật của thí chủ, cũng như loài ong bay vào rừng sâu hút mật mà không làm tổn hại hương sắc các loài hoa.

Này chư hiền hữu, đây là tất cả sự thật về sự hiềm khích của Sú-phát-đá đối với Ðức Phật.

Này chư hiền hữu, Ðức Tôn sư là bậc trọng pháp. Bất cứ hành động nào dù có lợi cho Ngài nhưng vượt ngoài pháp luật thì Ngài không bao giờ chấp nhận. Còn hành động nào trên hình thức gần như không thương tưởng, quí kính Ngài nhưng hành động ấy đúng pháp luật thì Ngài vô cùng hoan hỉ và ban thưởng như trường hợp thầy Thăm-ma-ra-má (Dhammàrama).

Này chư hiền hữu, Ðức Thế Tôn mới tịch diệt 7 ngày mà đã có phần tử vô ý thức buông lời tắc trách, xem thường kỷ cương luật pháp của Ðức Thiên Nhơn Sư, thì tự hậu, sẽ còn xảy ra những phần tử phản đạo làm hoen ố đạo tràng đến mức độ nào. Do đó, tôi trân trọng đề nghị đại hội nên kết tập pháp luật.

Sau cuộc thảo luận nghiêm chỉnh đại hội biểu quyết nên kết tập Pháp Luật tại thành Vương xá (Rájagaha) trong ba tháng an cư.

Ðại đức Ca-diếp hướng dẫn một phái đoàn tăng chúng. Ðại đức A nậu đà la hướng dẫn một phái đoàn. Tất cả trực chỉ Vương xá thành. Riêng Ðại đức Ananđa thì hướng dẫn một phái đoàn trực chỉ kinh đô Sa-văt-thí. Ðại đức đến đâu là tiếng khóc than kể lể vang lên đến đó. Vì Phật tử tủi lòng khi thấy Ðại đức còn đây mà Ðức Tôn sư đã khuất bóng đâu rồi.

Ðến chùa Kỳ viên, Ðại đức vào hương thất, nơi ngụ của Ðức Tôn sư lúc sinh thời. Ðại đức mọp xuống chổ an nghĩ ba lần, rồi quét dọn thật sạch sẽ, dâng nước dùng, nước uống như thuở nào. Tăng, tín đố thấy vậy không ai cầm được nước mắt. Tất cả đều ào lên khóc. Một phần vì tội nghiệp và thương xót cho Ðại đức, một phần vì thương nhớ Ðức Tôn sư ngập lòng.

Ngày hôm sau, chàng thanh niên Sú-phá, con trai ông bà-la-môn Tô-đey-yá, cung thỉnh Ðại đức Ananđa về thọ trai nhưng Ðại đức từ khước vì mới dùng thuốc xổ và xin hoãn lại một ngày.

Trong ngày trai lễ, Sú-phá bạch hỏi:

– Thuở sinh thời, Ðức Tôn sư dạy pháp nào thường nhất?

Ðại đức Ananđa cho biết: Ðức Tôn sư thường giảng dạy Giới, Ðịnh, Huệ là cứu cánh của phạm hạnh. Vì chỉ có Tam học này mới đủ năng lực loại trừ Tam độc là Tham, Sân, Si. Chàng Sú-phá vô cùng hoan hỉ.

Gần đến ngày kiết hạ, Ðại đức Ananđa lên đường sang Vương xá để tham dự kiết tập. Cuộc kết tập này được đức vua A-xà-thế tích cực ủng hộ. Nhà vua cho thiết lập tăng viên tại 18 địa điểm để giúp chư tăng có nơi tạm nghỉ. Tăng chúng và nhà vua đồng ý, tổ chức kết tập tại động đá Săt-tá-păn-na núi Vê-bhà-ra. Ðức vua đài thọ tất cả phí tổn. Chỉ còn một ngày là khai mạc đại hội, mà Ðại đức Ananđa vẫn chưa đắc được thánh quả. Vấn đề vô cùng quan trọng là, nếu Ðại đức không đắc Alahán thì sẽ không được tham dự đại hội, vì tất cả 500 vị tỳ kheo hội viên đều là bậc thánh nhân vô lậu.

Ðêm ấy cũng là đêm quyết định công trình tu chứng của Ðại đức, nghĩa là bằng mọi giá phải được đắc quả trước giờ khai mạc. Suốt đêm, Ðại đức nổ lực hành đạo liên tục không để gián đoạn dù trong một sát na của giòng tâm thức. Canh một trôi qua, canh hai tiếp nối Ðại đức nhớ lại lời Ðức Tôn sư phủ dụ trước giờ Niết bàn rằng:

– “Này Ananđa, ngươi đã dày công hành trì ba la mật, công hạnh tròn đầy, sau khi Như Lai tịch diệt không lâu, ngươi sẽ đắc được quả thánh vô lậu”.

Hồi tưởng lời dạy, Ðại đức cảm nhận có một sức mạnh phi thường, một đức tin vững chắc, một nguồn phấn khởi trào dâng và Ðại đức tiếp tục hànhđạo. Ðến cuối canh hai, Ðại đức định nằm nghỉ một chút rồi sẽ tiếp tục hành đạo cho đến sáng. Ðại đức đình chỉ kinh hành, rửa chân sạch sẽ để nằm nghỉ. Nhưng đầu chưa đụng gối thì Ðại đức hoàn toàn đắc quả lục thông Alahán.

Ðại đức Ananđa đã đến cứu cánh giải thoát, một đạo nghiệp mà Ðại đức đã đeo đuổi suốt 25 năm theo phục dịch Ðức Tôn sư trong vai trò thị giả. Không văn hào, thi sĩ nào có thể diễn tả được sự an tịnh tuyệt vời trong tâm hồn Ðại đức. Ðại đức thưởng thức lạc vị siêu thoát suốt đêm.

Bình minh hôm ấy đẹp làm sao. Hình ảnh 500 vị Alahán từ các tăng viện đi ra khoan thai, thoát tục. Những lá y càsa vô cùng trang nghiêm thiền vị. Tiếng trống, tiếng chiên vang lên từng hồi báo hiệu giờ khai mạc đã điểm.

Trước giờ kết tập, trưởng lão Ca-diếp lên tiếng hỏi Ðại đức Ananđa:

– Thầy Ananđa, thuở Ðức Thế Tôn sinh thời, thầy có từng may, vá, hoặc khâu y cho Ngài không?

– Bạch Ngài trưởng lão, có.

– Trong khi vá, thầy lấy chân cán y phải không?

– Bạch Ngài, phải.

– Thầy Ananđa, đại tăng thấy rằng cử chỉ lấy chân cán y Ðức Tôn sư là quấy. Thầy bị phạm tác ác. Thầy nên sám hối.

– Bạch Ngài trưởng lão, cử chỉ dùng chân cán y để vá là việc cần thiết. Tôi tự thấy không có lỗi trong vấn đề này. Tuy nhiên, vì sự tôn trọng tuyệt đối tăng lịnh, tôi xin thành tâm sám hối tội tác ác này.

– Thầy Ananđa, trước thời gian tịch diệt, Ðức Tôn sư có gợi ý 16 lần để thầy thỉnh Ngài tiếp tục duy trì mạng căn, nhưng thầy không phản ứng. Ðây là một điều sái quấy, thầy nên sám hối.

– Bạch trưởng lão, lúc ấy tôi quá lo ngại sức khỏe và bịnh tình của Ðức Thế Tôn không kịp nghĩ. Trong vấn đề này, tôi thấy mình vô tội. Tuy nhiên, vì chấp hành tăng lịnh, tôi xin thành tâm sám hối.

– Thầy Ananđa, thuở sinh thời, Ðức Tôn sư nhiều lần từ chối không cho nữ phái xuất gia, nhưng thầy đã quá sốt sắng, nhiệt tình đến mức độ năn nỉ Ðức Tôn sư tùy thuận, tạo nên một hậu quả bất ổn không nhỏ trong đạo tràng. Tăng thấy rằng đây là một hành động sai lầm, có lỗi. Thầy nên sám hối.

– Bạch Ngài trưởng lão, quả tình tôi có sốt sắng và nhiệt tình trong vấn đề này vì tôi không cầm lòng được trước hình ảnh vô cùng tiều tụy của Dì mẫu Gotami, mặt mày bơ phờ, mình lấm đầy bụi đất, đầu đã thí phát, mình đã đắp y càsa, đứng khóc than thảm thiết ngoài ven rừng chỉ vì sự phát tâm muốn xuất gia theo chánh pháp. Vả lại, Dì mẫu là người có công lớn đối với Ðức Tôn sư khi còn thơ ấu. Hơn nữa, sau khi xuất gia, Dì mẫu đã đắc thánh quả vô lậu. Trong vấn đề này, tôi thấy mình vô tội. Tuy nhiên, vì sự tôn trọng tuyệt đối tăng lịnh, tôi xin thành tâm sám hối.

– Thầy Ananđa, trước giờ Niết bàn, Ðức Tôn sư cho phép sau này, nếu tăng đồng ý, có thể bỏ bớt những điều luật tương đối không quan trọng. Nhưng thầy đã không bạch hỏi, Ðức Thế Tôn muốn ám chỉ những điều luật nào. Ðây là sự sơ sót lỗi lầm của thầy. Thầy nên sám hối.

– Bạch Ngài trưởng lão, quả thật tôi không còn đủ sáng suốt vì tâm hồn tôi lúc bấy giờ đau đớn cùng cực. Trước giờ phút tử biệt ấy, tôi không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện khác. Trong vấn đề này, tôi thấy mình vô tội. Tuy nhiên, vì chấp trì tăng lịnh, tôi xin thành tâm sám hối.

Xuyên qua câu chuyện trên đây, dư luận có thể nghĩ lầm, cho rằng Ðức Phật nhập Niết bàn không lâu mà tăng chúng đã chỉ trích, làm bỉ mặt thị giả Ðấng Như Lai. Những vấn đề thiếu sót, sai quấy nêu lên đáng lẻ phải được thông qua vì hoàn cảnh ngoại lệ. Thế nhưng, Ðại đức trưởng lão Ca-diếp gần như cố tình hạ thế Ðại đức Ananđa.

Nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Sở dĩ Ðại đức trưởng lão Ca-diếp muốn làm như vậy là có dụng ý. Vì hành động ấy đem đến hai điều lợi lạc quan trọng:

1- Chứng tỏ giáo quyền là tuyệt đối. Nguyên tắc, kỷ cương tập thể lãnh đạo là tuyệt hảo. Giáo lịnh là lịnh tối cao. Quyền phán quyết của giáo hội là quyền tối hậu.

2- Ðề cao đức tánh khiêm cung, chấp trì và tôn trọng giáo quyền của Ðại đức Ananđa, một tấm gương tuyệt vời trong việc phục tùng giáo lịnh vô điều kiện, một tâm hồn vô ngã, chỉ có thể tìm thấy nơi bậc thánh nhơn vô lậu.

Sau nghi thức khai mạc, đến phần kết tập. Ðại đức trưởng lão Ca-diếp chủ tọa gạn hỏi Ðại đức Ananđa về pháp, và Ðại đức Upàlì về luật, suốt ba tháng trong mùa an cư kiết hạ lần đầu, kể từ sau ngày Ðức Thiên Nhơn Sư tịch diệt.

 

Hạnh ngộ bên ao sen

Suốt 40 năm sau Phật Niết bàn, Ðại đức Ananđa chu du gần khắp Trung Ấn Ðộ, tiếp nối đạo nghiệp Ðức Thiên Nhơn sư. Ngọn đại đăng của nhân loại đã tắt nhưng ngọn tiểu đăng là Ðại đức Ananđa vẫn còn.

Giờ đây, trọng trách phục dịch Ðức Tôn sư không còn nhưng sứ mạng hoằng dương chánh pháp và khai thị lộ trình giải thoát càng nặng nề, quan trọng hơn. Sự hiện diện của Ðại đức như vầng trăng tròn mang ánh sáng huyền diệu và sự mát mẻ tuyệt vời đến khắp mọi nơi.

Trên đường đi từ Ra-já-gá-há qua Kô-sâm-bi để thực hiện chúc ngôn tối hậu của Ðức Từ Phụ trong vấn đề cải tạo tỳ kheo Chan-na bằng tuyên phạt Phạm tác (1) (Brahma danta), Ðại đức đã an ủi, khích lệ và hướng dẫn Phật tử, gia tâm tu trì phước huệ. Tất cả đều một dạ kính tin và phụng hành tích cực. Phật tử không còn mang tâm trạng bơ vơ vì hình ảnh Ðại đức là hình ảnh của Ðức Từ Phụ.

Ðến nơi, Ðại đức cho triệu tập toàn thể chúng tăng trong thành Kô-sâm-bi và tuyên bố:

– Thưa chư hiền hữu, thuở sinh thời, Ðức Thế Tôn từng nhắc nhở, giáo hóa thầy Chan-ná nhưng thầy không tuân hành. Do đó, trước giờ tịch diệt, Ðức Thế Tôn dạy tôi phải tuyên phạt phạm tác thầy Chan-ná, nghĩa là từ giờ phút này, chúng tăng sẽ không lý sự đến hành vi, ngôn ngữ, và tư tưởng của thầy. Hình thức hành phạt này quả thật nặng nề, nhưng vô hại và cũng đồng nghĩa với sự bất hợp tác.

Toàn thể tăng già đều chấp hành nghiêm chỉnh giáo lịnh do Ðại đức đại diện Ðức Phật và tăng chúng ban hành.

Thầy Chan-ná, sau khi bị tăng chúng tuyên phạt phạm tác, lương tâm thấy hổ thẹn, cắn rứt vì mọi người đều xa lánh, tuyệt giao cảm tưởng như chính mình không phải là vị tỳ kheo, không phải là con người, mọi sự quan hệ bình thường bị chối bỏ.

Tâm trạng vô cùng hối hận. Thầy quyết tâm hối cải và tích cực công phu hành đạo, không bao lâu đắc được quả thánh vô lậu.

Quả thật Ðức Tôn sư là đấng từ phụ của bốn loài chúng sanh (2). Dù Ngài còn tại thế hay đã nhập Niết bàn, pháp môn tu chứng và kỷ cương giới luật của Ngài vẫn còn diệu dụng.

Chú thích:
(1) Phạm án, phạm hình.
(2) Thai sinh, thấp sinh, noãn sinh, và hóa sinh.

Có lần, trong cuộc đối thoại với mã sư Kesi, Ðức Thế Tôn bảo rằng phương pháp giáo hóa chúng sanh của Ngài cũng giống phương pháp dạy ngựa của mã sư. Quá đỗi ngạc nhiên, vì mã sư cho rằng, Ðức Phật là bậc đại từ bi thì làm sao áp dụng phương pháp dạy ngựa của mình được, nghĩa là vừa mềm dẽo, vừa cứng rắn và vừa cả hai. Trong trường hợp cả ba phương pháp bất thành thì giết bỏ, vì chỉ có cách ấy mới giữ được uy tín và trừ được giống ngựa bất trị.

Nhưng Ðức Phật vẫn bảo rằng, Ngài cũng áp dụng phương pháp như vậy, Ngài giải thích: Này Kesi, cách thức giữ uy tín và loại trừ giống bất trị của Như Lai ám chỉ sự tuyệt giao và sự bất hợp tác. Hình thức khai trừ này là một hình phạt vô cùng nặng nề trong đạo tràng nhưng vô hại. Ðể khích lệ tăng chúng Ðại đức Ananđa nhắc nhở một vài vấn đề: Này chư hiền hữu, loài ngựa quí đáng gọi là tuấn mã, phải hội đủ bốn yếu tố:

1- Trung thành tuyệt đối.
2- Có biệt tài và sáng ý.
3- Chịu đựng dẻo dai.
4- Có nhiều quí tướng.

Này chư hiền hữu, vị tỳ kheo đáng gọi là mô phạm, phải hội đủ bốn đức tánh:

1- Thành thật, không gian trá, xảo quyệt.
2- Có khả năng quán triệt tứ đế.
3- Nhẫn nại cao độ.
4- Thu thúc lục căn, sống nhiều về nội tâm, không thích sống theo ngoại cảnh náo nhiệt.

Này chư hiền hữu, Ðức Phật dạy, muốn biết người điên trong hàng ngũ tăng già hãy nhìn cử chỉ múa may ca hát; muốn biết sự trẻ con hãy nhìn cử chỉ nhăn răng cười la, thiếu tư cách.

Rời Kô-sâm-bi, kinh đô xứ Văm-sá, Ðại đức Ananđa đi ngược giòng Yá-mú-na lên bình nguyên xứ Kú-rú, kinh đô là In-đá-păt-tá. Từ sông Yá-mú-na Ðại đức du hành dến lưu vực sông Gangà và cuối cùng đến xứ Păn-cà-la, kinh đô là Hás-tí-na-pú-ri. Xứ Păn-ca-lá nằm về hướng tây xứ Kô-sá-lá, hướng đông xứ Kú-rú, hướng nam núi Hi mã, hướng bắc sông Gangà. Xứ Păn-ca-lá rất giàu về lúa gạo và các loại ngũ cốc, ruộng lúa chạy dài mút tầm mắt, vàng như trải đởm. Về thổ sản và lâm sản thì vô cùng phong phú. Nhìn về hướng bắc cao nguyên, dãy trường sơn Hi mã nằm dài như giao long uốn khúc, đỉnh núi cao tận trời xanh, bốn mùa tuyết sơn bao phủ, là nơi phát xuất những giai thoại truyền kỳ và là nơi ẩn dật của các hành giả ly tục.

Nhìn về phía nam, giòng sông Gangà chảy dài là giòng huyết mạch quan trọng của Châu Nam Thiện, là niềm hy vọng lớn, là sức sống mãnh liệt vì là nguồn tiếp tế bất tận cho đồng ruộng bao la. Dọc theo bờ sông Gangà ngược lên miền bắc, có một loại cây đơm bông kết chùm mọc thành hàng, có nơi thưa thớt, có nơi rậm rạp, tô điểm cho giòng sông một cảnh trí vô cùng nên thơ, thuyền vị.

Hôm ấy, Ðại đức Ananđa một mình du hành đến đây, mục đích tìm nơi thanh vắng tịnh dưỡng. Thấy cảnh vật xinh tươi, mát mẻ, hoa trổ đầy cành, khoe sắc đua hương, tàng lá sum suê, bóng cây tươi mát, rất thuận tiện cho việc hành đạo. Ðặc biệt hơn nữa là gần đấy, có ao sen nước xanh trong vắt. Hoa nở thắm tươi, lá gương tròn trĩnh, trông thật đẹp mắt. Thêm vào đó, hương sen thoang thoảng lan tỏa khắp vùng, càng nâng cao tâm hồn thoát tục.

Ðối cảnh sanh tình, một thứ tình cảm nhẹ nhàng thoát tục. Trong tình cảm này an lạc nhiều, hạnh phúc lớn. Bất cứ trong khung cảnh nào, người trí cũng tìm được nguồn an lạc. Ðối với các ngài thì thuận cảnh không tham luyến, nghịch duyên chẳng chán ghét. Tất cả chỉ là vấn đề đấp đổi, chuyển biến của hành vi và vạn hữu. Trong tính chất thời gian, hành vi và vạn hữu không hề có tính cách vĩnh cữu và cố định. Trong tính chất không gian, hành vi và vạn hữu không hề có tánh cách đơn độc và biệt lập. Cái có, cái không có thể thay đổi theo năng lực ý nghiệp của chúng ta.

Do đó, các ngài lúc nào cũng tự tại, vô ngại. Còn người ngu thì ngược lại. Tâm hồn là cả một cuồn tơ rối. Họ không tìm được một phút giây an tịnh. Vui thì họ cười. Buồn thì họ khóc. Gặp thuận cảnh thì họ tỏ ra yêu đời thích sống, gặp nghịch cảnh thì chán đời muốn chết. Trong khi đó, họ không biết sống để làm gì, chết làm chi. Ham vui họ chạy theo vui, được vui họ muốn ôm giữ. Họ quên rằng chạy theo thì khổ vì mong cầu, khi được thì khổ vì duy trì, gìn giữ không được thì khổ vì mất mát, mất mát thì khổ vì thương tiếc, uất ức, ăn năn và, cuối cùng, các nổi thống khổ kết lại thành vòng chuổi khổ.

Lúc ấy trời sắp hoàng hôn. Ánh nắng của miền nhiệt đới cũng bớt chói chang gay gắt. Ðại đức Ananđa sau khi tắm rửa sạch sẽ bèn ngồi dựa thân cây tịnh dưỡng. Chợt từ xa xuất hiện một nam một nữ. Khi đến gần Ðại đức mới biết là một thanh niên khôi ngô tuấn tú, còn thiếu nữ thì duyên dáng đoan trang. Cặp vợ chồng trẻ vừa trông thấy Ðại đức liền lên tiếng trước:

– Thưa Ngài, chúng tôi sống ở đây lâu rồi, nhưng chưa bao giờ trông thấy và gặp gỡ dấu chân người nào dù là bậc chân tu ẩn dật. Mặc dù vợ chồng tôi không phải là chủ nhân của địa phận này, nhưng thực tế cũng như là chủ. Chúng tôi xin được hân hạnh tiếp đón Ngài và tự cho rằng sự hạnh ngộ một bậc chân tu như Ngài là một phúc đức vô cùng lớn lao.

– Thưa hiền hữu, bần đạo xin chân thành cám ơn lòng tốt của nhị vị và tự nhận hôm nay cũng là phúc duyên của bần đạo dược hạnh ngộ nhị vị người mà bần đạo không ngờ được gặp gỡ nơi chốn núi rừng hoang vu này.

Vợ chồng tỏ ra vô cùng mừng rỡ và để kết thân, người chồng lên tiếng:

– Thưa Ngài, trời sắp hoàng hôn, vậy Ngài đã có chổ nghỉ đêm chắc chắn rồi chưa hay là bậc hành giả sống đời phiêu bạt.

– Thưa hiền hữu, bần đạo là bậc hành giả, sống cuộc đời tiêu dao, giải thoát, không bị ràng buộc, không có nơi cố định.

– Thưa Ngài, nếu Ngài không từ chối, chúng tôi xin kính mời Ngài về thảo lư chúng tôi tạm nghỉ đêm nay. Chúng tôi có hai thảo lư, một để vợ chồng tôi ở, còn một cái để dành chứa đồ lặt vặt. Nếu Ngài không ngại, chúng tôi sẽ thu xếp gọn gàng và quét dọn sạch sẽ để Ngài tạm nghỉ. Cái thảo lư tuy nhỏ, nhưng cửa nẻo trang nhã, gió thổi rất thông, không khí bên trong cũng mát mẻ, dễ chịu lắm. Nếu được Ngài nhận lời, vợ chồng tôi vui biết mấy. Hơn nữa, sự chuyện trò với một bậc chân tu như Ngài, thì quả thật là một điều ích lợi cho chúng tôi.

Ðể biểu lộ sự nhất trí, chàng ta quay sang vợ, đưa mắt hỏi:

– Có phải vậy không em?

Hội ý chồng, người vợ tiếp lời:

– Thưa Ngài, nếu không có Phật sự quan trọng, và nếu chúng tôi không làm phiền sự thanh tịnh của Ngài, xin Ngài hoan hỉ nhận lời mời của chúng tôi.

Ðại đức Ananđa suy nghĩ: “Trông oai nghi, cốt cách thì hai người là con nhà dòng dõi trâm anh, có học thức và giáo dục, nhưng tại sao lại sống ẩn dật giữa cảnh núi rừng u tịch, hẳn phải có một lý do rất quan hệ trong dĩ vãng chi đây. Việc đối thoại với những người như vậy không phải là điều vô bổ”. Ðại đức nhận lời.

Vợ chồng múc nước xong bèn đi trước dẫn đường. Về đến nơi, vợ chồng tiếp nhau dọn dẹp, quét tước thảo lư thật là tươm tất. Người vợ trở về thảo lư của mình cách đó tương đối không xa. Ðại đức lên tiếng:

– Này hiền hữu, thảo lư cất trong rừng trông khéo léo hết sức. Thoáng nhìn người ta cũng đoán được phần nào tâm hồn tế nhị và óc thẩm mỹ của chủ nhân.

– Thưa Ngài, tôi thành thật đa tạ lời khen tặng và sự nhận xét của Ngài. Thú thật với Ngài, rừng này đối với tôi là cảnh thiên đường hiện tại, tôi rất mãn nguyện và vừa lòng. Chúng tôi sống ở đây vô cùng an lạc và thanh tịnh. Tôi vừa nói thanh tịnh và an lạc đúng với ý nghĩa của nó. Trong cảnh núi rừng hoang dã, trong thảo lư nghèo nàn này đã chứa đựng cả sự an lạc và thanh tịnh của đời tôi.

– Thưa hiền hữu, tại sao hiền hữu lại an phận với cảnh núi rừng hoang dã và thảo lư nghèo nàn như thế này, trong khi hiền hữu là một thanh niên trang nhã và bà nhà là một thiếu nữ sắc hương. Thanh niên, thiếu nữ phần đông thích sống nơi ánh sáng hoa lệ chớ có ai thích nơi cô tịch, quạnh quẻ thế này. Hay hiền hữu là người địa phương?

– Thưa Ngài, tôi không phải là người địa phương mà là người sanh ra giữa kinh đô náo nhiệt.

– Thưa hiền hữu, câu trả lời và cuộc sống của hiền hữu khiến bần đạo có cảm tưởng như câu chuyện hoang đường có tánh cách liêu trai thần thoại.

Thưa hiền hữu, tôi quan niệm rằng mỗi người có một mục đích sống phù hợp với sở thích và lý lẽ riêng mình. Chính mục đích ấy an bài cuộc sống. Tôi đã chọn lựa cuộc sống này, và sẽ an phận cho đến ngày nhắm mắt.

Thưa hiền hữu, nếu không phiền lòng, hiền hữu có thể cho bần đạo được nghe sự thật, trước là được chia xẻ nỗi niềm, sau là để mở rộng tầm kiến thức. Tiện đây, canh một cũng còn, nếu không phải là câu chuyện bí mật thì bần đạo xin được nghe cặn kẻ.

Gió đêm thổi nhẹ, mang về mùi hương thoang thoảng của hoa dại núi rừng. Ánh trăng ngà vằng vặc chiếu xuống trần gian, xuyên qua cửa sổ, soi sáng gương mặt phương phi nhưng nhuộm nét phong trần của chàng trai thanh tú.

Chàng tâm sự:

– Thưa Ngài, đời tôi vui buồn lẫn lộn, ngọt đắng đủ mùi, thú vị cũng nhiều mà vô vị cũng lắm. Cái tổng hợp của vui buồn, ngọt đắng, thú vị và vô vị ấy như vầy.

 

Một chuyện tình

– Thưa Ngài, tôi sanh ra trong triều nội. Ngày mở mắt chào đời của tôi cũng là ngày diễn binh quan trọng. Bốn loại binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh được lịnh tập trung toàn bộ để diễn hành. Căn cứ vào hiện tượng này, phụ vương đặt tên tôi là hoàng tử Tứ binh (Caturangabala).

Chắc Ngài cũng từng học qua binh pháp. Trong ấy có nói, tổ chức quân sự mạnh là ngăn được chiến tranh. Thật vậy, một quốc gia suy yếu về mặt quân sự thì dễ bị xâm lăng. Cũng như cơ thể yếu đuối dễ bị nhiễm bịnh. Về triết lý tôi cũng biết được chút ít rằng tâm hồn bạc nhược, phiền não sẽ lộng hành. Ðời tôi, thuở ấu thời nó tươi đẹp và thơ mộng như vườn hoa nhiều hương sắc. Là một hoàng tử, nên tôi được sống cuộc đời nhung lụa vàng son. Vả lại, phụ vương và mẫu hậu rất mực nuông chiều. Do đó, mọi nhu cầu đều được thỏa mãn. Trong những món trang sức hoàng triều tôi thích nhất là cây trâm cài tóc. Chẳng những thích để dùng mà gần như là nhà sưu tập. Và cũng chính sở thích này là nguyên do cuộc sống ẩn dật của tôi.

Tại kinh đô Hastinàpura này, có một gia đình làm nghề thợ bạc, cha truyền con nối. Do đó, họ rất thiện nghệ và nổi tiếng. Hầu hết những người trong hoàng tộc đều đặt làm các món trang sức tại đây và cá nhân tôi cũng vậy. Tôi có một người cận vệ thường tới lui nhà thợ bạc này. Mỗi lần anh ta trở về là không ngớt ca ngợi sắc đẹp cô con gái người thợ bạc. Miệng anh ta gần như không liền da non. Nói riết tôi đâm ra bực mình, không muốn nghe nữa. Nhưng anh ta gần như bị cô gái thôi miên.

Mặc dù vậy, anh ta lại là người rất dễ thương và hội đủ bốn đức tánh của người giúp việc là: ngủ sau, thức trước, sẵn sàng nhận việc và hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ giao phó. Quả thật người giúp việc mà hội được những đức tánh ấy thì chủ nhân cũng phải nể lòng.

Thú thật với Ngài là tôi không bao giờ để ý đến chuyện anh ta ca tụng vẻ đẹp con gái người thợ bạc, vì tôi quan niệm rằng trong hoàng cung biết bao người đẹp mà tôi chưa để dạ người nào, huống chi là con nhà dân giả. Nhưng tôi còn nhỏ tuổi, bầu nhiệt huyết còn nhiều, nhất là tánh hiếu kỳ muốn biết chuyện lạ.

Một hôm, tôi cải trang theo anh đến nhà thợ bạc với hai mục đích vừa xem tận mắt cái vẻ đẹp của người con gái vừa để ngắm nghía cây trâm kiểu mới mà tôi đặt làm từ lâu. Chúng tôi được mời vào phòng khách uống nước đàm đạo. Một sự ngẫu nhiên hình như có bàn tay sắp xếp nên khiến hôm ấy, cô giúp việc đi chợ chưa về, thành ra đích thân con gái người thợ bạc bưng nước đãi khách. Anh chàng hầu cận ra hiệu. Tôi biết ngay. Vừa nhìn cô ta thì Ngài ơi, trái tim tôi muốn nhảy ra ngoài, tôi mất tự nhiên. Cô ta đẹp thật, nét đẹp đài các, sang trọng làm mê mẫn tâm hồn người đối diện. Cô ta đẹp hon tất cả công nương mà tôi từng gặp trong hoàng cung. Nàng đứng trước mặt tôi mà cứ tưởng là chị hằng nga trên cung quản hiện xuống. Tôi đang ngẩn ngơ hồn phách thì giọng nói của nàng khiến tôi càng thêm ngây dại. Trời ơi, giọng nói mới trong trẻo, ấm áp và ngọt ngào làm sao. Còn bờ môi và hàm răng của nàng thì tôi không tin là nhân tạo mà tất cả những vẻ đẹp ấy, đối với tôi là thiên tạo. Dường như tất cả những vẻ đẹp của nữ giới trên thế gian này đều tập trung tất cả cho riêng nàng.

Từ mê mẫn đến ngẩn ngơ rồi bỗng dưng tôi sung sướng muốn nhảy dựng lên, đó là lời hỏi thăm của nàng đề cập đến tôi vì nàng chưa biết tôi là hoàng tử. Nàng bảo với anh chàng hầu cận của tôi rằng:

– Hoàng tử có được mạnh khỏe không và chắc hoàng tử nóng lòng chờ đợi cây trâm đặc biệt này lắm phải không.

Tôi ngồi như phỏng đá. Anh chàng này cũng rắc rối lắm. Anh ta cảm ơn nàng thay tôi và làm ra vẻ ta đây, rằng không sao đâu, có lâu chút ít cũng được, miễn cha con nàng làm dùm thật kỷ, thật đẹp được rồi. Anh ta nói thêm trong khi ngó tôi ra dấu:

– Tuy nhiên, tôi cũng xin được giới thiệu với cô, anh bạn Suranda ( Dũng Lạc) của tôi đây, nếu sau này tôi bận việc không đi được thì anh bạn sẽ thay tôi liên lạc với cô.

Nàng ta chấp tay xá tôi. Thiếu chút nữa tôi quên xá lại vì mãi lo nhìn nàng.

Ðêm ấy, tôi trằn trọc hết canh này sang canh khác không tài nào ngủ được. Hình ảnh nàng cứ ám ảnh tôi. Tôi cố xua đuổi nhưng bất lực. Tôi tự biết tôi là kẻ bại trận và là người nô lệ của nàng. Tên nàng là Vimalamàsa (Vô ưu). Cái tên mới đẹp làm sao, nàng quả thật xứng đáng với cái tên ấy. Nàng là hiện thân của vô ưu cho riêng nàng mà bất cứ ai đến gần nàng và được trò chuyện đều vô ưu như vậy cả. Riêng tôi thì cái tên ấy nó ngọt ngào hơn cả mật ong và thi vị hơn bất cứ vần thơ tuyệt tác nào trên cõi đời trần tục này.

– Thưa Ngài, Ngài có biết tại sao người sanh ra lại được quá nhiều ưu đãi như trường hợp của nàng Vô ưu hay không?

Ðại đức Ananđa nói:

– Thưa hiền hữu, theo triết lý nhà Phật thì: trạng thái người có tướng mạo đoan chính, duyên dáng, có tiếng nói thanh tao truyền cảm, có sắc dẹp đài các trang nhã, khiến người nhìn không chán là do tiền phước.

– Nếu vậy thì cô Vô ưu là hiện thân của phước phải không Ngài?

– Ðúng vậy.

Hoàng tử lấy làm sung sướng kể tiếp:

– Thưa Ngài, tiếng sét tình yêu đã giáng xuống đầu tôi. Tôi yêu nàng tha thiết và nhớ nàng ray rứt. Lần đầu tiên biết yêu nên tôi vụng về lắm tôi như kẻ lạc lối đường rừng, tâm trạng rối bời. Tôi nghĩ, mình có nên cho nàng biết sự thật rằng Dũng Lạc là tên giả của hoàng tử Tứ binh hay không. Suy tới nghĩ lui, tôi quyết định cứ đến với nàng bằng vai trò và cái tên Dũng Lạc vậy.

Từ ấy về sau tôi liên lạc với nàng thường hơn và tôi cứ đặt làm hết cây trâm này đến cây trâm khác. Mỗi lần đến thăm tôi đều mang tặng nàng những món quà nho nhỏ, xinh xinh để làm vui lòng nàng và cũng để chứng tỏ sự chân thành quí mến của tôi đối với nàng. Tấm chân tình của tôi được đền đáp nhẹ nhàng nhưng vô cùng ý nghĩa. Ðó là một hôm, trước khi ra về nàng trao cho tôi một cái gói nhỏ. Tôi mừng như trẻ lạc đường gặp mẹ. Ðến hoàng thành, tôi mở ra xem thì tôi sung sướng gần lặng cả người vì trong ấy là một chiếc khăn tay, những nét thêu tuyệt hảo. Tôi ấp ủ vàp lòng và ngửi mãi ngửi hoài không biết chán.

Buổi chiều nọ, tôi đến thăm nàng, ngỏ ý muốn dạo chơi vườn hoa và ao sen phía sau nhà. Nàng vui vẻ và tỏ ra sẵn lòng hướng dẫn tôi dạo vườn ngắm cảnh. Gần suốt cuộc dạo chơi này tôi vô duyên đến mức độ không biết phải làm gì cho nàng vui. Toàn thân tôi như tê cứng lại. Tôi cứ lấm lét hết nhìn nàng rồi nhìn cảnh. Tôi đang vận dụng tất cả can đảm để nói tiếng yêu nàng, nhưng lưỡi tôi như líu lại. Tôi cũng không biết cử chỉ tôi lúc bấy giờ nó ngớ ngẩn và ngốc nghếch ra sao. Nhưng may mắn quá nàng đã cứu tôi bằng câu hỏi:

– Vườn hoa và ao sen này có đẹp không anh?
– Ðẹp, đẹp lắm, nhưng tất cả cái đẹp ở đây còn thua xa vẻ đẹp của Vô ưu nhiều.

Nửa sung sướng, nửa thẹn thùng. Tay mân mê chéo khăn quàng cổ, nàng nói:

– Người trong hoàng thành thường tán tỉnh nhau như vậy phải không anh?
– Tôi ở trong thành nội từ nhỏ nhưng chưa nói được câu này với ai bao giờ. Cô là người đầu tiên nghe tôi nói.
– Tại sao người nam chỉ thích ca ngợi sắc đẹp người nữ mà không thấy ca ngợi cái gì khác cả?

Giờ thì tôi tương đối dạn dĩ hơn một chút, tôi trả lời:

– Nhìn Vô Ưu chẳng những đẹp tuyệt trần về mặt thể chất mà còn tuyệt vời về mặt tinh thần, nhất là đạo đức tác phong và trong trắng. Do đó, nếu không ca ngợi Vô Ưu thì còn ai đáng cho tôi ca ngợi nữa.
– Nếu bảo thích nhìn tôi, ca ngợi tôi thì tôi cho nhìn hoài.

Nàng chấm câu tại đây, mặt cúi xuống vì ngượng. Lúc ấy, một con chim đậu trong bụi hoa sau băng đá vỗ cánh tung bay, làm nàng giựt mình. Tôi dí dỏm:

– Chắc nó là con chim trống.
– Sao anh biết, nó quỉ quái ghê, làm người ta giựt mình, muốn đứng tim.
– Chắc nó tội nghiệp và thông cảm lòng anh vì anh muốn được ngồi gần em như thế này lâu lắm rồi, dù chỉ trong giây phút ngắn thôi cũng đủ khiến anh sung sướng, cũng như lửa trời chỉ lóe lên một khắc cũng đủ giúp ta thấy đường trong đêm tối.

Nàng đứng lên, đầu vẫn cúi nàng nói:

– Thôi em không dám tin lời anh đâu vì anh nói ngọt ngào và dễ thương quá chừng. Nhưng về đến hoàng thành là anh quên em, quên cái tên Vô Ưu, quên cả ao sen, vườn hoa và cái băng đá này.

 

Gái đẹp và cha già

– Thưa Ngài – hoàng tử kể tiếp:

Sự giao du thân mật giữa tôi và Vô Ưu ngày càng khắn khít đậm đà. Sự thân mật, gần gủi là con đường mòn dẫn đến yêu đương. Tình yêu có một sức mạnh phi thường, có thể biến đổi người lổ mãng vũ phu thành ngoan hiền, tao nhã; tướng cướp thành lương dân; vua chúa thành nô lệ. Vì khi đã yêu, họ sẵn sàng hiến dâng tất cả từ thể xác đến linh hồn.

Trong khi tình yêu của chúng tôi đang tuyệt trần thơ mộng thì bỗng một hôm, phụ vương cho gọi tôi vào và phán:

– Này con, lúc này con đi đâu mỗi ngày mà phụ vương không thấy mặt con?
– Tâu phụ vương, tại con thấy phụ vương đa đoan việc triều chính, nên con không dám làm rộn.
– Nghe nói con thương con gái người thợ bạc phải không?
– Tâu phụ vương, phải.
– Con nghĩ rằng phụ vương không biết chuyện ấy hay sao?

Tôi im lặng cúi đầu.

– Con nên nhớ, bất cứ chuyện nhỏ lớn, xa gần phụ vương đều biết vì phụ vương có rất nhiều tai mắt. Con thương nó lắm phải không?
– Tâu vâng.
– Nó xứng với con không?
– Cô ta đẹp lắm, tâu phụ vương.
– Con chỉ thích cái sắc đẹp đơn thuần hay sao?
– Cô ta cũng nết na, thùy mị lắm, tâu phụ vương.
– Nếu phụ vương tìm cho con một thiếu nữ vừa đẹp vừa nết na thùy mị thì con có ưng không?
– Tâu phụ vương, con đã có rồi.
– Con có biết con là ai không?
– Tâu phụ vương, con là con của phụ vương.
– Cha của con là gì?
– Muôn tâu, phụ vương là vua.
– Còn con?
– Tâu phụ vương, con là hoàng tử.
– Vậy thì dâu của phụ vương là công nương hay là cô thợ bạc? Này con, phụ vương đã tìm cho con nơi môn đăng hộ đối, nàng là công chúa con vua xứ Sa-gá-lá (Sàgata), kinh đô Mắt-đá (Madda). Phụ vương tin rằng, con thấy là con ưng ý ngay. Tên nàng là Ngọc Diễm.
Này con, con hãy nghe lời phụ vương. Con biết không, trong cuộc sống cộng đồng, mình không thể nào chối bỏ thể diện và dư luận. Thể diện thì con là hoàng tử thì phải kết hôn với công chúa chớ không thể kết hôn với dân giả. Về dư luận thì triều đình không làm sao chấp nhận một cô gái thợ bạc làm mẫu nghi thiên hạ sau này. Do đó, phụ vương không làm sao vượt khỏi hai bức tường kiên cố ấy, mặc dù phụ vương rất thông cảm nỗi lòng của con. Phụ vương tin rằng, con cũng ý thức được tầm mức vô cùng quan trọng của vấn đề. Con về và nghĩ lại cho thật tinh tế. Phụ vương già rồi nên phải lo cho tương lai của con. Con hiểu ý phụ vương rồi chứ.

Tôi ra về với cõi lòng tan nát. Tôi bị đặt trước hai vấn đề vô cùng quan trọng mà tôi phải dứt khoát. Một là đối với phụ hoàng thì tôi vừa kính thương và hiếu thảo. Hai là đối với Vô Ưu thì tôi vừa yêu quí vừa tội nghiệp. Chỉ nghĩ đến phải kết hôn với Ngọc Diễm là tôi cảm thấy đau nhói trong tim. Tôi như kẻ mất hồn. Rồi tôi nghĩ đến khi Vô Ưu biết rõ sự thật thì sẽ đau đớn đến mức độ nào. Tôi nghĩ đã đến lúc phải nói sự thật dù biết rằng sự thật ấy quá phủ phàng.

Tâm trạng chua xót, đắng cay, tôi thẫn thờ đi tìm nàng. Gặp tôi, nàng tươi đẹp như hoa xuân. Nhưng khi nhìn kỹ mặt tôi thì nét hoa ủ rủ, nàng nói:

– Thưa anh, hôm nay trông anh khác thường chắc có chuyện buồn phải không anh? Anh cho em biết với, để chúng ta cùng nhau chia xẻ.

Thay vì trả lời, tôi quyết liệt hỏi nàng:

– Này em, nếu anh có một đời sống khác xưa thì em có còn yêu anh không?
– Thưa anh, dù anh là hoàng tử, bá hộ, thương gia, hay là bần sĩ em cũng một dạ yêu anh, yêu chàng trai Dũng lạc. Còn tất cả đối với em đều vô nghĩa.

Tôi kéo nàng ra sau vườn, ngồi trên băng đá và nói hết sự thật cho nàng nghe. Nàng giựt mình chới với nhưng cố gượng trấn tỉnh được ngay vì bản chất thùy mị và đoan chính cố hữu của nàng. Nàng quì xuống đất như một thần dân trước Thiên tử. Tôi phải đỡ nàng và năn nỉ nhiều lắm nhưng nàng nhứt định quyết không dám ngồi chung. Tôi phải dùng hết lý lẻ và cuối cùng tôi phải viện dẫn lời nàng vừa nói khi nãy rằng:

– Nàng yêu tôi, yêu chàng trai Dũng Lạc. Còn tất cả đối với nàng đều vô nghĩa kia mà.

Ngước mắt nhìn tôi, đôi hàng lệ chảy, nàng nói:

– Nhưng hôm nay, anh không phải là Dũng Lạc thuở nào của em nữa mà là hoàng tử Tứ binh, con cưng của hoàng thành Hás-ti-na-pú-rá. Hãy để cho em được làm một thần dân tốt của hoàng tử.

Tôi hết lời an ủi và khẩn cầu nàng mới chịu ngồi chung. Tôi nói với nàng với tất cả tiếng lòng thương cảm:

– Em yêu, sự hạnh phúc của anh hoàn toàn tùy thuộc nơi em. Em là người độc nhất có đủ quyền năng ban vui hoặc đem khổ đến anh. Vì nếu em giận thì anh khổ, em thương thì anh vui. Anh sẽ sung sướng và hạnh phúc suốt đời nếu được biết rằng em vẫn một dạ yêu anh. Dù sau này anh có được sống gần em hay phải xa em nơi quan ải muôn trùng, anh sẽ sống bám vào tình yêu của em và xem như thần linh hộ mạng. Anh đã tự nguyện với lòng, là suốt đời một dạ yêu em. Trái tim biết yêu này anh xin dâng hiến cho em trọn vẹn. Còn vấn đề anh bị bắt buộc kết hôn với người khác thì xin em hiểu cho rằng vì quyền uy tối thượng của phụ vương, vì dư luận và thể diện hoàng tộc. Về những sự kiện này thì anh đành cúi đầu, bất lực. Nhưng về phương diện tình yêu thì không ai có quyền cướp đoạt hình bóng em ra khỏi tim anh.

 

Không hạnh phúc nào bằng sự an tịnh

Tâm sự đến đây, tôi nắm tay nàng áp vào ngực tôi và nói tiếp:

– Này em, đây là trái tim máu còn nóng, hơi thở còn ấm, biết yêu và được yêu, anh xin trao gởi cho em, em hãy giữ lấy. Còn trái tim mà người khác sắp chiếm đoạt là trái tim khô cằn, máu yêu đã cạn giòng, lửa yêu đã tắt ngọn.

Trông nàng lúc ấy đáng tội làm sao. Nàng cố gắng chịu đựng nỗi đau khổ ngập lòng. Nàng nói:

– Thưa hoàng tử, em có cảm tưởng như được nghe âm thanh vọng xuống từ đỉnh núi Tu di giữa đêm trường tĩnh mịch như truyền lịnh cho em rằng hãy yêu một mình hoàng tử.

Cái gì đến thì phải đến. Hôn lễ của chúng tôi được hai quốc gia phối hợp tổ chức vô cùng trọng thể. Tuy nhiên, ai biết được lòng tôi đang tái tê cay đắng. Hình thức lễ lộc linh đình ấy đối với tôi chỉ là một đám tang không hơn không kém. Cõi lòng tôi càng tan nát hơn khi nghĩ đến Vô Ưu.

Thú thật với Ngài, tôi không bao giờ nghĩ rằng Vô ưu là người yêu trên mặt hình thức mà là người bạn lòng, người bạn lý tưởng. Do đó, khi mất bạn lòng, mất lý tưởng thì tất cả đối với tôi đều vô nghĩa. Nếu có vui cũng chỉ là vui gượng. Thôi thì mọi việc đã an bài.

Giờ thì tội nghiệp Ngọc Diễm, người bạn trăm năm bất đắc dĩ. Nàng quả thật đẹp như tiếng đồn. Ngoài cái vẻ đẹp đài các nàng còn là người vợ hiền, đảm đang và rất mực yêu chồng. Lẽ ra nàng phải được yêu và có quyền hưởng trọn vẹn tình yêu của chồng, nhưng thú thật với Ngài, tôi đã lỡ trao trọn trái tim cho Vô Ưu rồi. Ðối với Ngọc Diễm thì tôi chỉ xem như người em gái không hơn không kém.

Chúng tôi sống chung nhau đã hai năm mà chẳng có con nối dỏi. Phụ vương, mẫu hậu và hoàng tộc đều tỏ ra lo lắng không vui. Riêng tôi, tôi cảm thấy không có chi lạ trong vấn đề này. Tâm trạng trái ngược của tôi có lẽ tại tôi không yêu Ngọc Diễm.

Một buổi chiều, tôi và nàng, dạo chơi vườn hoa. Ðến một bụi cây bỗng dưng có con rắn hổ mang bò ra khiến nàng giựt mình hoảng hốt chạy té, đầu gối chảy máu. Tôi lập tức cõng nàng về cung. Chổ bị trầy bắt đầu làm độc và ăn khuyết càng ngày càng sâu. Bao nhiêu danh y đều bó tay thúc thủ. Chổ khuyết lở trở màu xanh và vành miệng ghẻ trở nên cứng. Nàng nhức nhối rên la suốt ngày đêm. Tôi cảm thấy đau lòng và thương nàng vô cùng. Vì dù sao nàng cũng là người vợ gối chăn.

Vô Ưu hay chuyện này nàng xin phép vào thăm. Thật nàng là người tốt bụng, chẳng những không đem dạ oán thù người đã chiếm mất tình yêu của mình mà còn lo lắng với tất cả nhiệt tình. Cuối cùng thần chết đã cướp mất vĩnh viễn Ngọc Diễm ra khỏi đời tôi.

– Thưa Ngài, sự ra đi của Ngọc Diễm làm tôi đau đớn, thuơng tiếc không nguôi và vô cùng ân hận vì suốt đời nàng đã không được hưởng tình yêu của chồng, trong khi nàng yêu chồng tha thiết. Suốt thời gian nàng lâm bịnh, nàng gọi tên tôi trong cơn mơ cũng như lúc tỉnh. Ðến lúc sắp lìa đời, mắt nàng vẫn còn đắm đuối nhìn tôi và miệng nàng vẫn còn mấp máy gọi tên tôi. Vậy mà tôi chỉ yêu nàng một cách gượng gạo, giả tạo. Tội nghiệp cho nàng, giá nàng đến trước Vô Ưu thì đâu đến đổi phải gánh chịu phủ phàng.

Sáu tháng sau, tôi xin lịnh phụ vương, cho phép cưới Vô ưu. Phụ vương chấp thuận mặc dù trong thâm tâm người không bằng lòng lắm.

Suốt hai năm xa cách, nhớ thương, giờ được sum hợp và sống chung chính thức, quả thật không ngòi bút hoặc văn tự nào có thể diễn tả hết sự vui mừng và sung sướng của chúng tôi lúc ấy.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn luôn cảnh giác vì một số hoàng thân quá nặng thành kiến vẫn ra mặt chống đối vì cho rằng con gái thường dân không thể trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ sau này. Do đó, tôi phải đối phó khôn ngoan và chật vật lắm.

Sống trong hoàng cung và ăn uống theo thực đơn hoàng triều nàng đâm ra nhớ thèm những món ăn quen thuộc. Nàng ra lịnh nhà trù làm những thức ăn ấy và dạy luôn cả phương cách thực hiện. Nhà bếp trước mặt thì tuân hành răm rắp nhưng sau lưng thì chỉ trích nặng lời: “Rõ thật con nhà quê mùa, cục mịch chỉ thích ăn những món tầm thường, hạ tiện chớ những cao lương mỹ vị, sang trọng đắt tiền thì nuốt không vô, vậy mà cũng được làm vợ hoàng tử. Thật vô duyên”.

Hôm ấy, xui khiến tôi và Vô Ưu hữu sự đi ngang nghe rõ mồn một. Tôi cảm tuởng như rớt từ cung trăng, lặng người chết điếng. Còn nàng thì bặm môi đến rướm máu và cắn răng như muốn nuốt cả sự tức giận tủi nhục vào lòng. Tôi bèn gọi nhà trù và truyền lịnh: “Các người phải làm những thức ăn đúng theo phương cách mà gia nội của ta căn dặn và mang đến cho ta trong mỗi bữa ăn”. Không đi nữa, nàng trở về phòng úp mặt xuống gối khóc nức nở. Tôi an ủi nàng chớ nên để tâm những lời nói tắc trách của những kẻ dưới tay, thiếu học thức, thiếu giáo dục. Tôi vuốt ve thêm lòng tự ái của nàng: ” Này em, đừng buồn phiền nữa. Cơ hội hạnh phúc thực sự sẽ đến với chúng ta trong một ngày rất gần. Vì tình yêu có một sức mạnh mầu nhiệm phi thường, nếu chúng ta trung thành tôn thờ thì nó sẽ giúp chúng ta san bằng mọi chướng ngại”.

Sau ba năm chung sống nàng thọ thai. Gần ngày sinh nở, nàng nằm mộng thấy ăn hết phần đất của xứ Banh-cha-lá này và ăn luôn những phần đất của các quốc gia lân cận mà vẫn chưa no. Thưa Ngài, các chiêm tinh gia của hoàng triều vì thành kiến nên cố tình đoán sai, cho đó là điềm đại bất tường, đại hung hãn. Họ bảo nàng sanh trai nhưng lớn lên sẽ gây thảm họa tày trời cho hoàng gia. Tuy nhiên, để tránh đại họa, Vô Ưu phải sinh nở trong rừng gần nơi nào có ao nước.

Thưa Ngài, phụ vương tôi nghe chuyện này lấy làm khó xử. Mặc dù rất thương tôi và cũng bắt đầu thương dâu nhưng người không dám làm ngược quyết định của hoàng tộc.

Tất cả sự kiện vừa kể là nguyên nhân cuộc sống ẩn dật của vợ chồng tôi. Hoàng tử nói đến đây thì nàng Vô Ưu tay dắt con trai đi đến. Hoàng tử giới thiệu con trai với Ðại đức Ananđa và bảo con cúi đầu đảnh lễ. Ðứa trẻ mặt mày khôi ngô, phong nghi cao trọng khiến Ðại đức cũng hoan hỉ. Ðại đức chúc nó được sống lâu và nhiều hạnh phúc.

Hoàng tử ngỏ lời xin được biết tôn danh quí tánh của Ðại đức. Khi được biết Ðại đức là em họ của Ðức Thiên Nhơn Sư thì cả ba đều quì mọp đảnh lễ đôi chân Ðại đức.

Hoàng tử nói: “Bạch Ðại đức, quả thật là một phúc đức lớn lao, một vinh hạnh tuyệt vời cho chúng tôi được bái kiến Ðại đức tại thảo lư nghèo nàn trong cảnh núi rừng u tịch. Một hạnh phúc, một sự sung sướng mà chúng tôi không bao giờ nằm mộng. Danh thơm, đức lớn của Ðại đức chúng tôi được nghe đã lâu, không ngờ hôm nay được bái kiến và chiêm ngưỡng. Bạch Ðại đức, xin Ðại đức hoan hỉ nhận biết cho cả ba chúng tôi là cận sự nam, cận sự nữ đã qui y Tam bảo kể từ ngày nay cho đến trọn đời.

Cảm mến thái độ hướng thiện chơn chánh của hoàng tử. Ðại đức giảng đạo:

– Này các đạo hữu, Ðức Từ phụ của chúng ta dạy:

Người ngu tư duy tà vạy, cho rằng, người có con, vui với con, có của vui với của, do đó người ngu phải khổ. Vì thực tế, chính cái thân cũng là vô ngã. Tất cả những nỗi thống khổ đều bắt nguồn từ sự phân biệt nhất là sự phân biệt ấy do tà niệm chủ động. Chính tà niệm cấu tạo tất cả phiền não và phiền não lôi cuốn ta chạy theo. Càng chạy theo càng khổ. Càng khổ lại càng đeo đuổi. Cũng như cá cắn mồi chạy theo lưỡi câu vì càng cưỡng lại là càng đau đớn.

Trần ái là chuyện nóng nảy. Ăn uống là việc liệu lường, danh vọng là điều xan xẻ. Người đời chỉ thích chuyện hình thức, nhưng quên rằng bản chất của hình thức không có tánh cách cố định và vĩnh cữu. Do đó, chúng sanh bị nóng nảy thường trực, triền miên. Càng nóng nảy càng lăn lộn, vẫy vùng. Nhưng vẫy vùng trong lò lửa thì cũng chỉ chuốc thêm sự nóng nãy mà thôi. Nhắm mắt tự xô đẩy cuộc đời vào lò lửa tham, sân, si cũng đồng nghĩa với hành động ngăn trở sự tiến thủ của cuộc sống lý tưởng giải thoát. Mang một tâm trạng bịnh hoạn, nóng nảy như vậy thì dù sống trên ngai vàng cũng không tìm được hạnh phúc.

Này đạo hữu, cuộc sống xưa kia giữa cung son nhung gấm và cuộc sống hiện tại giữa núi rừng u tịch này, đạo hữu thấy cuộc sống nào hạnh phúc hơn.

– Bạch Ðại đức, tôi đã bạch Ðại đức nơi phần mở đầu câu chuyện rằng trong cảnh núi rừng u tịch, trong cái thảo lư nghèo nàn này đã chứa đựng tất cả sự thanh tịnh và an lạc của đời tôi.
– Này hiền hữu, vậy bần đạo có thể kết luận được rằng: không có an lạc ngoài thanh tịnh cũng như không có sự thanh tịnh nào là không an lạc.

Vậy đạo hữu hãy chọn một trong hai hạng người sau đây:

– Hạng người tầm thường, thấp kém nhưng có nhiều hạnh phúc và
– Hạng người sang trọng, quí phái nhưng không có hoặc ít có hạnh phúc.

– Bạch Ðại đức, tôi chọn hạng người thứ nhất.

– Ðúng vậy đạo hữu, người thành công trong cuộc sống hạnh phúc không phải là người cao sang, quyền quí mà là người tìm được sự an tịnh và vắng lặng trong tâm hồn, sự an tịnh của người tỉnh thức chớ không phải của người say ngủ, sự vắng lặng của cuồng phong phiền não chớ không phải sự vắng lặng của tịch liêu. Người đã nếm được hương vị của đời sống ẩn dật và tịch tịnh là người vô ưu, vô nhiễm.

Sau khi vợ chồng hoàng tử đi rồi Ðại đức Ananđa nằm nghiêng tay mặt, chân trái đè lên chân mặt, tay trái xuôi theo thân mình và kê đầu lên tay mặt.

Giấc ngủ đã đến với Ðại đức nhẹ nhàng, an tịnh nhưng không phải cái nhẹ nhàng an tịnh của đứa bé nằm trong chiếc võng mà là sự nhẹ nhàng, an tịnh của trái đất nằm trên mặt nước.

Ðến khi thọ được 120 tuổi, Ðại đức tự thấy tuổi đời đã cao, tuổi đạo cũng nhiều và sức khỏe càng suy giảm, nên tự quyết định Niết bàn. Nhưng tịch diệt tại đâu cho được nhiều lợi lạc.

Nghĩ kỹ, Ðại đức quyết chọn con sông Rô-hí-ni (Rohini) làm địa điểm Niết bàn, vì nội tổ thuộc dòng Thích ca thì ở hữu ngạn, còn ngoại tổ thuộc Cô-lí-dá (Koliya) thì ở tả ngạn con sông này.

Ðại đức dùng thần thông bay lên hư không, phát nguyện sau khi ta tịch diệt, xin cho xá lợi tự động chia đôi: phân nửa rớt về hữu ngạn cho nội tổ và phân nửa rớt về tả ngạn cho ngoại tổ.

Ðây là cách Niết bàn của Ðại đức Ananđa. Ðức Phật chọn Cú-sí-na-ra (Kusinara) làm địa điểm Niết bàn thì Ðại đức chọn dòng sông Rô-hí-ni (Rohini) làm nơi tịch diệt.

Suốt bốn mươi năm sau Phật Niết bàn, Ðại đức Ananđa đã đóng vai sứ giả Như Lai, một vai trò vô cùng cao trọng, một tiêu biểu tuyệt vời. Phương danh Ngài ngào ngạt khắp bốn phương và sống mãi qua nhiều thế hệ. Ðời Ngài là tấm gương sáng, là dòng suối ngọt. Những lời dạy của Ngài là trận mưa pháp rưới xuống trần gian đang ngút lửa hận thù, là giọt nước cam lồ rót vào chót lưỡi của người đã tê mùi tân khổ.

– Hết –

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app