Ngài Paññāsirīlaṅkāra
ဥူးပညာသီရိ လင်္ကာရ,
Bậc Thông Thuộc Tam Tạng (2011), Bậc Thấu Suốt Tam Tạng (2024): Tiểu Sử Tóm Tắt
????Ngài Tam Tạng Paññāsirīlaṅkāra sinh vào ngày thứ năm, 20/5/1965, trong một gia đình có tín tâm nhiều đời đối với Tam Bảo, thuộc thôn Khwet-khwin, thị trấn Myin-mu, tỉnh Sagaing thuộc miền trung Myanmar. Trong gia đình có 6 anh chị em, Ngài là người con trưởng.
☘️Ngài xuất gia học Phật từ nhỏ, và thọ giới sa-di lúc 11 tuổi với pháp danh ‘Paññāsirī’, tại chùa Aung-mye-bhummi do Ngài Pavara trao truyền giới pháp. Lên 20 tuổi, Ngài thọ giới tỳ-khưu vào năm 1984 tại Phật học viện Hman-kin thuộc tỉnh Mandalay; thầy tế độ là Ngài Nāgavaṃsa (Aggamahāpaṇḍita, Bậc đại thiện trí cao thượng) đến từ Phật học viện Pajjotāyon, thị trấn Mon-ywa, tỉnh Sagaing; và thí chủ hộ độ tứ sự là gia đình ông Hla Myint và bà Hla Hla ở tỉnh Mandalay.
????Sau khi xuất gia sa-di, Ngài đủ duyên lành học các chương trình Phật học căn bản và nâng cao với các bậc uyên thâm Pháp học tại chùa Aung-mye-bhummi như Ngài Pavara và tại Phật học viện Pajjotāyon như Ngài Nāgavaṃsa. Khi tham gia chương trình thi Tam Tạng, Ngài đã học với Ngài Mingun Sayadaw (Ngài Tam Tạng 1, đã viên tịch), với Ngài cố Tăng Thống Phật Giáo Myanmar là Ngài Bamaw Sayadaw, cũng như với các vị Tam Tạng tiền bối như Ngài Sīlakkhandhābhivaṃsa (Ngài Tam Tạng 7), Ngài Vaṃsapālālaṅkāra (Ngài Tam Tạng VIII), Ngài Gandhamālālaṅkāra (Ngài Tam Tạng 9). Sau đây là sơ lược quá trình Pháp học của Ngài Tam Tạng Paññāsirīlaṅkāra.
– Sāmaṇe-kyaw (Sa-di ưu tú) [1] vào năm 1983 lúc 19 tuổi. Chương trình Phật học này còn có tên là Alaṅkāra; vì vậy, sau khi Ngài hoàn tất chương trình Phật học này, pháp danh của Ngài được thêm vào từ ‘alaṅkāra’ và trở thành Paññāsirīlaṅkāra (Paññāsirī + alaṅkāra).
– Dhammācariya (Giảng viên Pháp học), vào năm 1984, lúc 20 tuổi.
– Vinaya-dhara (Thông thuộc Tạng Luật), vào năm 1991, lúc 27 tuổi.
– Vinaya-kovida (Thấu suốt Tạng Luật), vào năm 1993, lúc 29 tuổi.
– Dīghabhāṇaka (Thông thuộc Trường Bộ Kinh), vào năm 1994, lúc 30 tuổi.
– Dīghanikāya-kovida (Thấu suốt Trường Bộ Kinh) vào năm 1995, và trở thành Bậc thông thuộc thấu suốt Nhị Tạng: Luật Tạng (Vinaya-piṭaka) và Kinh Tạng (Suttanta-piṭaka), lúc 31 tuổi.
– Mūla-ābhidhammika (Thông thuộc phần đầu của Tạng Vi Diệu Pháp), vào năm 1997, lúc 33 tuổi.
– Mūla-abhidhamma-kovida (Thấu suốt phần đầu của Tạng Vi Diệu Pháp) vào năm 2004, lúc 40 tuổi.
– Ābhidhammika (Bậc thông thuộc Tạng Vi Diệu Pháp) vào năm 2011, trở thành Bậc thông thuộc Tam Tạng (Tipiṭaka-dhara), lúc 47 tuổi.
– Abhidhamma-kovida (Bậc thấu suốt Tạng Vi Diệu Pháp) vào năm 2024, trở thành Bậc thấu suốt Tam Tạng (Tipiṭaka-kovida), lúc 59 tuổi.
????Tam Tạng kinh điển mà Đức Phật đã thuyết giảng trong suốt 45 năm tại thế, được ví như đại dương (sāgara) mênh mông. Người học Tam Tạng giống như người bơi qua bờ bên kia của đại dương vậy. Trong chương trình học và thi Tam Tạng tại Myanmar do chính phủ bảo trợ tổ chức bao gồm 2 phần chính, đó là phần thi học thuộc lòng và phần thi viết. Học thuộc lòng phần nào rồi thì mới được thi viết phần đó, và thường được bắt đầu với Tạng Luật (Vinaya-piṭaka), rồi đến Tạng Kinh (Suttanta-piṭaka) và Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma-piṭaka). Phần thi học thuộc lòng đã khó rồi, mà phần thi viết còn khó hơn bởi vì ngoài Chánh Tạng (là Tam Tạng) còn phải học thêm Chú Giải (Aṭṭhakathā) và Phụ Chú Giải (Ṭīkā) nữa. Trong các phần thi viết thì phần thi viết cuối cùng là phần sau của Tạng Abhidhamma gồm bộ Yamaka (Song Đối) và Paṭṭhāna (Duyên Hệ) là phần thi viêt khó nhất. Bởi vậy, Ngài Tam Tạng Paññāsirīlaṅkāra phải miệt mài tới 12 năm trải qua 12 lần thi mới đỗ. Thật khâm phục sự kiên trì, tinh tấn và nhẫn nại của Ngài!
????Công Việc Hoằng Pháp Lợi Sanh:
Ngài Tam Tạng Paññāsirīlaṅkāra đã và đang tham gia nhiều công tác Phật sự, góp phần duy trì mạng mạch Phật Pháp cho được bền vững lâu dài và mang lại nhiều lợi lạc thiết thực cho tha nhân. Đối với việc duy trì Phật Pháp, Ngài là vị lãnh đạo tinh thần của hội Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Association) và hội Buddha-dhamma-saṅgha-loka (Thế Giới Phật Pháp Tăng, còn có tên Lotus Foundation).
Đối với việc lợi tha, Ngài là vị cố vấn tinh thần cho tổ chức từ thiện chữa trị nạn nhân bị rắn độc cắn. Tổ chức từ thiện này trợ cấp thuốc giải độc rắn 1 năm 2 đợt tại các nơi thường xuyên bị rắn độc cắn, và đã cứu sống nhiều ngàn người không may bị rắn cắn. Cùng với Ngài Tam Tạng Vaṃsapālālaṅkāra (Ngài Tam Tạng VIII), Ngài Tam Tạng Paññāsirīlaṅkāra đồng sáng lập bệnh viện đa khoa Jīvitadāna và bệnh viện mắt Piṭakacakkhupāla miễn phí tại huyện Myin-mu của hai Ngài, đã phẫu thuật và mang lại ánh sáng cho hàng vạn bệnh nhân từ trước đến nay.
????Sādhu, sādhu, anumodāmi!
[1] Sāmaṇe-kyaw là chương trình Phật học dành cho sa-di, tức là cho những vị dưới 20 tuổi, bao gồm các bộ môn như Tạng Luật (Vinaya-piṭaka), Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara-nikāya), Pháp Cú Kinh (Dhammapada) và Chú Giải Pháp Cú Kinh (Dhammapada Aṭṭhakathā), Ngữ pháp Pāli gồm Kaccāyana và Padarūpasiddhi, Vi Diệu Pháp gồm Abhidhammatthasaṅgaha và Abhidhammatthavibhāvinīṭīkā.
Thời gian gần đây, chương trình này không chỉ dành riêng cho sadi dưới 20 tuổi nữa, mà còn dành cho các tỳ-khưu và tu nữ có nguyện vọng học chương trình Phật học này.
(Nguồn Sư Thiện Đức)