The Nao La Sau Tuy Niem Xu

Thế Nào Là Sáu Tùy Niệm Xứ

 – Này các Tỷ–kheo, có sáu tùy niệm xứ này. Thế nào là sáu?

  1. Tùy niệm Phật,
  2. tùy niệm Pháp,
  3. tùy niệm Tăng,
  4. tùy niệm Giới,
  5. tùy niệm Thí,
  6. tùy niệm Thiên.

Này các Tỷ–kheo, có sáu tùy niệm này.

Một thời, Thế Tôn trú giữa các vị Thích–ca, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

– Vị Thánh đệ tử này, bạch Thế Tôn, đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, đời sống gì vị ấy sống một cách sung mãn?

– Này Mahànàma, Thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, với nếp sống này, sống một cách sung mãn.

(1) Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai

Ðây là Thế Tôn,

1. bậc A–la–hán,
2. Chánh Ðẳng Giác,
3. Minh Hạnh Túc,
4. Thiện Thệ,
5. Thế Gian Giải,
6. Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu,
7. Thiên Nhân Sư,
8. Phật,
9. Thế Tôn.

Khi nào, này Mahànàma, Thánh đệ tử niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Như Lai.

(2) Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Pháp

1. Pháp được Thế Tôn khéo thuyết,
2. thiết thực hiện tại,
3. không có thời gian,
4. đến để mà thấy,
5. có khả năng hướng thượng,
6. được những bậc trí tự mình giác hiểu!.

Này Mahànama, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Pháp.

(3) Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Tăng

1. Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn.
2. Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn.
3. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn.
4. Chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn.
Tức là bốn đôi tám vị.
5. Chúng đệ tử Thế Tôn này đáng được cung kính,
6. đáng được tôn trọng,
7. đáng được cúng dường,
8. đáng được chắp tay,
9. là vô thượng phước điền ở đờ”.

Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm chúng Tăng, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Tăng.

(4) Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm các Giới của mình

  1. Giới không bị bể vụn,
  2. không bị sứt mẻ,
  3. không bị vết chấm,
  4. không có uế tạp,
  5. đưa đến giải thoát,
  6. được người trí tán thán,
  7. không bị chấp thủ,
  8. đưa đến Thiền địn”.

Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Giới, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Giới.

(5) Lại nữa, này các Tỷ–kheo, Thánh đệ tử tự mình niệm Thí của mình

Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi cho ta, vì rằng với quần chúng bị cấu uế xan tham chi phối, ta sống trong gia đình, với tâm không bị cấu uế của xan tham chi phối, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí.

Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm bố thí, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Thí.

(6) Lại nữa, này Mahànama, Thánh đệ tử tu tập tùy niệm Thiên

  1. Có chư Thiên bốn Thiên vương Thiên,
  2. có chư Thiên cõi trời Ba mươi ba,
  3. có chư Thiên Yàma,
  4. có chư Thiên Tusità (Ðâu–suất),
  5. có chư Thiên Hóa lạc Thiên,
  6. có chư Thiên Tha hóa Tự tại,
  7. có chư Thiên Phạm chúng,
  8. có chư Thiên cao hơn nữa.

Ðầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ nơi ta.

Ðầy đủ với giới như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Giới như vậy cũng có đầy đủ nơi ta.

Ðầy đủ với nghe pháp như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Nghe pháp như vậy cũng có đầy đủ nơi ta.

Ðầy đủ với Thí như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Thí như vậy cũng có đầy đủ ở nơi ta.

Ðầy đủ với Tuệ như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng đầy đủ nơi ta”.

Khi vị ấy niệm Tín, Giới, nghe Pháp, Thí và Tuệ của tự mình và chư Thiên ấy; trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào chư Thiên.

Và này Mahànàma,

Thánh đệ tử với tâm chánh trực được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp.
Người có hân hoan, nên hỷ sanh.
Người có hỷ nên thân được khinh an.
Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ.
Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập tùy niệm”.

Này Mahànàma, vị Thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, vị ấy sống một cách sung mãn với nếp sống này.
Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya, Chương VI – Sáu Pháp, I. Phẩm Ðáng Ðược Cung Kính(IX) (9) Tùy Niệm Xứ,

PHÁP ĐƯA ĐẾN GIÁC NGỘ NIẾT BÀN

Có một pháp, này các Tỷ–kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.

Một pháp ấy là gì?

Chính là 1. niệm Phật.
[… 2. niệm Pháp… 3. niệm Tăng… 4. niệm Giới… 5. niệm Thí… 6. niệm Thiên… 7. niệm Hơi thở vô, Hơi thở ra… 8. niệm Chết… 9. niệm Thân… 10. niệm An tịnh.]

Chính một pháp này, này các Tỷ–kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết–bàn.

Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya, Chương I – Một Pháp, XVI. Phẩm Một Pháp

HỎI ĐÁP

– Kính sư! Con xin hỏi ạ! Sao niệm Tâm Từ không được xếp trong 6 tùy niệm hoặc 10 tùy niệm ạ? Mà theo như con từng tìm hiểu thì niệm Tâm Từ cũng quan trọng lắm, cũng có thể giúp hành giả đi gần tới bờ sông giải thoát, hoặc đắc quả giải thoát? Con ngẫm từ lâu lắm rồi mà không biết hỏi ai, con từng hỏi chú Bình ở những câu khác, chú nói con nên hỏi các vị tu sĩ! Câu hỏi của con có phần hơi ngố một chút, con kính sư đại xá cho con! Con kính tri ân sư ạ!

– @: “Tâm” Từ (Bi, Hỉ, Xả) không thể “Niệm” mà có thể phát sinh và phát triển được, mà “Tâm” Từ (Bi, Hỉ, Xả) cần phải “Vun bồi /Nuôi dưỡng / Phát triển” bằng thân, khẩu, ý.

Từ Pali là Metta Bhavana – Vun bồi tâm từ (Karuna Bhavana – Vun bồi tâm bi, Mudita Bhavana – Vun bồi tâm hỷ… ), trong đó Bhavana có nghĩa Vun bồi /Nuôi dưỡng / Phát triển.

Ngược lại Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiên, Chết, Thân ô trược, Hơi thở, Tịch diệt không thể “Vun Bồi” /”Nuôi Dưỡng” / “Phát Triển” mà chỉ có thể “Nhớ Lại” (tức “Tùy Niệm” / “Tưởng Niệm”) lặp đi lặp lại nhiều lần.

Từ Pali là anussati, trong đó sati là niệm nhớ, anu là lặp đi lặp lại nhiều lần.

Cần cẩn trọng khi sử dụng “từ ngữ” vì nếu sử dụng sai thì sẽ hiểu sai và dẫn đến thực hành sai không thể mang lại lợi ích đúng đắn.

Trong tâm từ,
TK Sumaṅgalā Bhikkhu Viên Phúc

* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app