Mục lục
Phần 1
Lời nói đầu
[I] Gia Tộc
[II ] Thanh niên và lấy chồng
[III] Vẫn có nghịch cảnh
[IV] Người đàn bà mẫu mực – Hộ trì Tam bảo
Phần 2
[V] Vì Visàkhà mà Ðức Phật nói pháp
[VI] Tên hiền mẫu “Migàra” trong vài bài pháp dài
[VII] Tên Visàkhà tìm thấy trong tạng Luật
Tài liệu tham khảo
Lời nói đầu
Ðức Phật, khi sinh tiền, có hai Ðại đệ tử tại gia, hộ trì Tăng Già nòng cốt nhất, là thiện nam Anàthapindika (Tu Ðà Cấp Cô Ðộc) và tín nữ Visàkhà (Nguyệt Trang Ðài). Câu chuyện ông bá hộ Cấp Cô Ðộc đã được soạn giả dịch xong, ấn tống vào mùa Vu Lan 1993. Bây giờ đến lượt sự tích bà Visàkhà, để hoàn tất công tác dịch soạn ra Việt ngữ cuộc đời đôi nam nữ đại ân nhân của đạo Phật.
Ðối với các hàng thiện tín “Phật Giáo Nguyên Thủy”, cái tên Visàkhà không phải là một “nhân vật” xa lạ, nhưng đối với chư Phật tử các môn phái khác thì cái tên này chưa được nhắc đến cho lắm!
Và để tập sách được phổ biến rộng rãi hơn, chúng tôi đã cố ý làm cho soạn phẩm ít vẻ “kinh sách Nguyên Thủy”. Ðặc biệt là cách dùng từ ngữ, và chuyển hóa một số tên ra tiếng Việt. Các Phật tử “Bắc tông”, khi nhìn danh từ riêng Pàlì “Visàkhà”, có lẽ sẽ do dự trong việc phát âm. Vì vậy, soạn giả mạo muội dịch tên “Visàkhà” ra là “Nguyệt Trang Ðài” (hay gọi tắt: “Nguyệt Trang”).
Lý do chọn các chữ “Nguyệt Trang Ðài” xin được trình bày như sau:
Từ ngữ “Visàkhà”, tuy nghĩa thật là “Nét đẹp tháng Năm”, nhưng khi nó được dùng để đặt tên người, thì có thể trùng nghĩa với chữ “Vesàkhà”, một đơn vị thời gian, nằm giữa hai tháng là tháng Tư và tháng Năm Dương lịch. Các quốc gia theo hệ thống Phật giáo Nam Truyền, như Ai Lao, Cao Miên, Thái Lan, Miến Ðiện, Népal, Ấn Ðộ, Tích Lan v.v… thường gọi khoảng thời gian ấy (nhằm tháng Tư Âm lịch) là tháng “Vesak”. Vầng trăng rằm của tháng “Vesak” tuyệt đẹp. Vì trong khoảng thời gian này, bầu trời rất trong, khí hậu ấm áp. Vả lại, ba ngày lễ lớn của Phật giáo là lễ “Bồ Tát Ðản Sanh”, “Bồ Tát Thành Ðạo”, và “Phật Nhập Niết Bàn” cũng trùng vào ngày rằm “Vesak” (hay tháng Tư Âm lịch) vậy. Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam còn gọi ngày rằm tháng Tư là “Lễ Tam Hợp”.
Vì các ý nghĩa trên, soạn giả thiết nghĩ từ ngữ “Visàkhà” có thể “Việt hóa” thành “Nguyệt Trang Ðài”, để diễn tả “đức hạnh của vị nữ đại Hộ pháp thời đức Phật còn tại thế, như một tòa lâu đài chứa đầy ánh sáng dịu hiền, chẳng khác nào ánh sáng tươi mát vô tận, của một đêm trăng rằm không mây”. Chúng tôi hy vọng sự “chuyển ngữ” này sẽ không lấy gì làm quá đáng! Ngoài ra, soạn giả cũng đã tra cứu phần “Ngữ căn” và “Văn phạm” của danh từ Pàlì “Visàkhà”, được in nơi trang chót cuốn “Sự tích Tu-Ðà Cấp Cô Ðộc” đã xuất bản năm 1993.
Quả phước soạn dịch này, chúng tôi kính hồi hướng đến toàn thể dân tộc Việt Nam, nhất là các bậc hữu ân, thầy tổ của soạn giả. Chúng tôi cũng không quên chia đều công quả ấy đến tất cả những ai đã tiếp tay trong việc sưu tầm tài liệu, và tài chánh ấn tống.
Nguyện cho toàn thể nhân loại, chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau, cùng mỗi ngày một tiến dần đến ánh sáng giác ngộ, giải thoát.
Nguyễn Ðiều
Tháng 12-1994
–ooOoo–
—————————–
Bài viết được trích từ cuốn Sự Tích Visàkhà, Vị Nữ Đại Hộ Pháp Thời Ðức Phật, tác giả Nguyễn Điều
Link cuốn Sự Tích Visàkhà, Vị Nữ Đại Hộ Pháp Thời Ðức Phật
Link tải sách ebook Sự Tích Visàkhà, Vị Nữ Đại Hộ Pháp Thời Ðức Phậta
Link video cuốn Sự Tích Visàkhà, Vị Nữ Đại Hộ Pháp Thời Ðức Phật
Link audio cuốn Sự Tích Visàkhà, Vị Nữ Đại Hộ Pháp Thời Ðức Phật
Link thư mục tác giả Nguyễn Điều
Link thư mục ebook tác giả Nguyễn Điều
Link giới thiệu tác giả Nguyễn Điều
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda