Sat Sinh Cung Do An Cho Nguoi Chet

Sát Sinh Cúng Đồ Ăn Cho Người Chết, Hoặc Dâng Lễ Tất Niên, Hoặc Làm Tế, Lễ, Giỗ, Tết, Cầu An, Giải Hạn Lợi Ích Gì?


Vì thấy còn nhiều người bà con, anh chị em, thân bằng quyến thuộc, bạn hữu, người quen, kẻ lạ còn mê mờ, không ghê, không sợ, hoặc tự tay sát hại chúng sinh, hoặc đặt hàng, hoặc chung đụng, môi giới mổ giết chúng sinh để làm đồ cúng tế nhân ngày lễ, ngày tết nên nhắc lại câu chuyện lịch sử trong kinh tạng về kẻ tội đồ bị chém đầu suốt năm trăm kiếp sống để trả nghiệp sát sinh của mình.
Xót thương thay!

(Chuyện tiền thân Matakabhatta)

Nếu chúng sanh biết được…,

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về đồ ăn cúng người chết. Trong thời ấy, nhiều người giết hại nhiều dê cừu… để cúng đồ ăn cho người thân đã mệnh chung. Các Tỷ-kheo thấy họ làm như vậy, hỏi bậc Ðạo Sư:

– Bạch Thế Tôn, nay nhiều người giết hại sinh mạng nhiều loài hữu tình để cúng đồ ăn cho người chết, Bạch Thế Tôn, ở đây có hạnh phúc, lợi ích nào không?

Thế Tôn nói:

– Cúng đồ ăn như vậy cho người chết không có lợi ích gì. Khi đã sát sanh, làm sao có lợi ích được? Thuở xưa, các bậc Hiền trí ngồi giữa hư không thuyết pháp, nói rõ nguy hại của tập tục này, khiến toàn thể dân chúng ở cõi Diêm-phù-đề bỏ hành động ấy. Nhưng nay, bị sanh hữu tích lũy, nên hành động ấy lại khởi lên.

Nói vậy xong, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, một Bà-la-môn thông hiểu ba tập Vệ-đà, một danh sư nổi tiếng bốn phương, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, cho bắt một con dê và bảo các đệ tử.

– Này các con thân, hãy dẫn con dê này đến sông, tắm cho nó, đeo vòng hoa ở cổ nó, cho nó ăn lúa độ nửa đấu, chải chuốt cho nó rồi đem nó lại đây.

Các đệ tử vâng lời, dắt dê đến sông, tắm cho nó, chải chuốt cho nó, rồi để nó đứng trên bờ sông. Con dê ấy thấy được việc của mình đã làm từ đời trước, suy nghĩ: “Hôm nay, ta sẽ được thoát đau khổ”, vì vậy nó cảm thấy sung sướng, cười lớn tiếng như đập bể cái ghè, lại nghĩ: “Bà-la-môn này, khi giết ta, sẽ chịu nỗi đau khổ của ta thuở trước”, nó khởi lòng thương hại người Ba-la-môn và khóc lớn tiếng. Các thanh niên ấy hỏi nó:

– Này bạn, bạn cười lớn tiếng rồi khóc lớn tiếng. Vì nhân gì bạn cười, vì nhân gì bạn khóc?

– Hãy hỏi câu hỏi này trước mặt thầy các ông!

Họ đem con dê ấy đi, và báo cáo cho thầy biết. Vị thầy nghe câu chuyện, hỏi con dê:

– Này dê, sao ngươi lại cười và sao ngươi lại khóc?

Con dê nhờ trí biết được đời trước, nhớ đến việc đã làm của mình, và nói với Bà-la-môn:

– Này Bà-la-môn, thuở trước, giống như ông, ta là một Bà-la-môn học giỏi các chú thuật, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, đã giết một con dê để cúng dường. Vì giết chỉ một con dê, ta bị chém đầu trong bốn trăm chín mươi chín lần sống chết. Nay là lần thứ năm trăm sống chết cuối cùng của ta. Hôm nay, ta sẽ thoát khỏi sự đau khổ ấy. Nghĩ vậy, ta cảm thấy sung sướng, do nhân duyên này ta cười. Còn ta khóc, vì ta nghĩ rằng chỉ vì giết một con dê, ta phải chịu khổ hình chặt đầu đến năm trăm lần. Hôm nay ta sẽ thoát cái khổ ấy. Nhưng Bà-la-môn này, vì giết ta, sẽ như ta chịu khổ hình chặt đầu trải năm trăm đời sống. Vì thương xót ông, nên ta khóc.

– Này dê, chớ sợ, ta sẽ không giết ngươi!

– Này Bà-la-môn, ông nói gì thế? Dầu ông có giết ta hay không, hôm nay ta cũng không thể thoát chết!

– Này dê, chớ sợ, ta sẽ bảo vệ ngươi, sẽ cùng đi với ngươi!

– Này Bà-la-môn, nhỏ nhoi thay là sự bảo vệ của ông và mạnh bạo thay là nghiệp ác ta làm!

Vị Bà-la-môn thả con dê ra, nói với các đệ tử:

Và cùng với các đệ tử, vị Bà-la-môn đi theo con vật. Con dê vừa được thả, vươn cổ lên, đến bụi cỏ mọc sau lưng tảng đá ấy, và bắt đầu ăn lá cỏ. Liền khi ấy, sét đánh trên lưng tảng đá ấy, một mảng đá bị đánh vỡ, rơi trên cổ con dê đang vươn ra và chặt đứt đầu. Nhiều người qui tụ lại xem.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm vị thần cây tại chỗ ấy. Với uy lực của vị thần, Bồ-tát ngồi kiết-già trên hư không, trên đại chúng đang đứng nhìn, và suy nghĩ: “Những chúng sanh này, nếu biết được kết quả của việc ác như vậy, sẽ không làm ác nữa!” Rồi với âm thanh dịu ngọt, Ngài thuyết pháp qua bài kệ:

Nếu chúng sanh biết được
Sự này sanh đau khổ,
Hữu tình sẽ không còn
Giết hại hữu tình nữa,
Vì ai giết hũu tình,
Sẽ phải sầu, phải khổ.

Như vậy, bậc Ðại Sĩ thuyết pháp khiến cho mọi người sợ hãi địa ngục. Và nhiều người nghe bài thuyết pháp ấy, biết sợ hãi điạ ngục, nên từ bỏ sát sanh. Bồ-tát thuyết pháp xong, an trú quần chúng vào Ngũ giới, rồi về sau đi theo nghiệp của mình. Còn quần chúng, an trú trong lời khuyên của Bồ-tát, sau khi làm các phước đức như bố thí v.v… được sanh lên thiên giới, làm tràn đầy thành phố chư Thiên.

Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, kết hợp hai câu chuyện với nhau, và nhận diện Tiền thân như sau:

– Thời ấy, Ta là vị thần cây.

Nguồn trích dẫn: Tiểu Bộ Kinh – Tập IV – Chuyện Tiền Thân Đức Phật (I) 18. Chuyện Ðồ Ăn Cúng Người Chết (Tiền thân Matakabhatta)

Quả của ác nghiệp của người phạm điều giới sát sinh

1. Người nào phạm điều giới sát sinh, giết hại sinh mạng của chúng sinh, dù lớn dù nhỏ cũng tạo nên ác nghiệp sát sinh.

Nếu có tội nặng, thì sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp, mới thoát được khỏi cõi ác giới.

Sau khi thoát khỏi cõi ác giới, trường hợp nếu có thiện nghiệp nào khác cho quả tái sinh trở lại làm người. Và trường hợp, nếu người nào phạm điều giới sát sinh, tạo ác nghiệp sát sinh có tội nhẹ, sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy không có khả năng cho quả tái sinh, mà thiện nghiệp nào khác có cơ hội cho quả tái sinh trở lại làm người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ còn phải chịu quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ kiếp quá khứ.

Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải về 23 quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ kiếp quá khứ như sau:

1– Có thân hình tật nguyền.
2– Có thân hình không cân đối, xấu xí.
3– Là người chậm chạp.
4– Có lòng bàn tay, và dưới lòng bàn chân lõm sâu (không đều đặn).
5– Có thân hình xấu xí, đầy sẹo.
6– Có sắc diện tối tăm.
7– Có da thịt sần sùi.
8– Có tính hay sợ hãi.
9– Có sức khỏe yếu đuối.
10– Có lời nói lặp đi lặp lại, không suôn sẻ.
11– Bị mọi người ghét bỏ.
12– Có những bộ hạ tùy tùng bị chia rẽ.
13– Có tính hay giật mình, hoảng sợ.
14– Thường bị tai nạn do khí giới, thuốc độc…
15– Là người si mê, ngu dốt.
16– Có rất ít bạn bè.
17– Có thân hình dị hợm, đáng ghê sợ.
18– Có thân hình kỳ dị.
19– Hay bệnh hoạn ốm đau.
20– Thường sầu não, lo sợ.
21– Con cháu thường xa lánh.
22– Mỗi kiếp thường bị chết yểu.
23– Bị chết do người khác giết.

Đó là 23 quả xấu của ác nghiệp sát sinh từ trong kiếp quá khứ.

2. Quả của thiện nghiệp của người giữ điều giới không sát sinh

Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều giới “có tác ý tránh xa sự sát sinh”; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không sát sinh ấy cho quả tái sinh làm vị thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Sau khi chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp thiện nghiệp không sát sinh cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người. Và trường hợp, nếu sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không sát sinh không cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người; thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của thiện nghiệp không sát sinh từ kiếp quá khứ đáng hài lòng hoan hỷ.

Trong Chú giải Khuddakapātha giảng giải 23 quả báu của thiện nghiệp không sát sinh từ kiếp quá khứ như sau:

1– Có thân hình không tật nguyền, đầy đủ các bộ phận lớn nhỏ trong cơ thể.
2– Có thân hình cân đối xinh đẹp.
3– Là người nhanh nhẹn.
4– Có lòng bàn tay, lòng bàn chân đầy đặn.
5– Có thân hình xinh đẹp, không tỳ vết.
6– Có da thịt mềm mại, hồng hào.
7– Có thân hình sạch sẽ, trong sáng.
8– Có tâm dũng cảm, không sợ hãi.
9– Có sức khỏe dồi dào.
10– Có giọng nói thanh tao, lời nói ngọt ngào, suôn sẻ.
11– Được mọi người quý mến.
12– Có bộ hạ tùy tùng, bạn bè đoàn kết gắn bó thương yêu nhau.
13– Thân tâm được an lạc tự tại, không hoảng sợ.
14– Không bị tai nạn do khí giới, thuốc độc….
15– Có trí tuệ sáng suốt.
16– Có nhiều bạn bè thân thiết.
17– Có thân hình đẹp đẽ, đáng quý mến.
18– Có các bộ phận lớn nhỏ trong thân thể cân đối đẹp đẽ.
19– Là người ít bệnh hoạn ốm đau.
20– Là người có tâm thường an lạc.
21– Là người thường được sống gần gũi với con cháu yêu quý.
22– Là người được trường thọ, sống lâu.
23– Không có một ai có thể mưu sát được.

Đó là 23 quả báu tốt của thiện nghiệp không sát sinh từ trong kiếp quá khứ.

Nguồn trích dẫn: Nền Tảng Phật Giáo – Quyển III. Hành Giới – Tỳ khưu Hộ Pháp

* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app