Chương 5

Thế Giới Mới, Cách Sống Mới

“Đây là con của ta, tài sản của ta”,
Kẻ ngu tự làm khổ với cách nghĩ đó
Ta còn không làm chủ được ta
Hỏi làm gì tiền bạc với con ta?
— Kinh Pháp Cú – 62

Tháng 6, 1949. Trời lạnh như cắt khi tàu chúng tôi cập bờ cảng San Francisco. San Francisco hình như lúc nào cũng gió, cũng lạnh. Chúng tôi, một ngàn tám trăm người Do Thái đến từ Thượng Hải đứng ở lan can tàu, nước mắt vui mừng, nhưng răng đánh vào nhau lập cập. Dưới bến tàu -giống như mười năm trước ở Luân Đôn- có gần bốn trăm phụ nữ của tổ chức cộng đồng Do Thái đang chờ đón chúng tôi. Họ xếp những chiếc bàn dài dọc theo các nhà kho, phát cho chúng tôi những ly càphê nóng hổi cùng với bánh mì, bánh ngọt. Lại cũng những danh sách cùng các địa chỉ nơi chúng tôi phải đến. Cộng đồng Do Thái lo lắng cho chúng tôi một cách chân tình. Có lẽ vì trước đó những người Do Thái định cư ở Mỹ không tin các thông tin từ Đức. Họ không thể tin là dân họ có thể bị thủ tiêu hàng loạt như thế. Nhưng giờ thì họ đã tin, vì chính quân đội Mỹ đã đến tận các trại tập trung, và chứng kiến những sự thật không thể tưởng tượng nỗi ở các nơi đó. Chúng tôi nhận được tờ giấy có tên khách sạn chỗ trọ của chúng tôi. Ngoài ra chúng tôi còn được phát bảy mươi đô la một tháng để mua thực phẩm. Lúc đó, số tiền này khá lớn. Họ còn tặng quần áo, vì chúng tôi chỉ có những bộ đồ mặc trên người. Cả cộng đồng quyên góp quần áo mới, cũ cho chúng tôi. Và chúng tôi được quyền chọn lựa. Quần áo được chất thành đống lớn. Chưa bao giờ tôi thấy quần áo nhiều như thế. Chúng tôi lựa các quần áo ấm. Tôi chọn thêm một cái bóp. Khi mở ra, trong đó có một tờ mười đô. Tôi mang tiền đến trả lại cho người phụ nữ phụ trách việc phát quần áo, nhưng bà nói, không, người ta cố ý làm như thế. Ai mà được cái bóp thì được luôn tiền. Điều đó làm tôi thấy rất cảm động vì sự quan tâm của họ. Tôi vẫn nhớ lại tất cả với sự biết ơn. Tất cả giống như một phép lạ. Tôi bắt đầu cuộc tìm kiếm những người thân ở Bá Linh. Tôi đến Hội Chữ Thập Đỏ. Nhưng không có dấu hiệu họ còn sống sót. Tất cả đều đã chết. Lúc ở Thượng Hải, tôi đã thấy nhiều người Do Thái, đặc biệt là những người già rất thù ghét người Đức. Tôi thông cảm hoàn cảnh của họ; người Đức đã cướp đoạt của họ tất cả. Nhưng tôi không thể chia sẻ tình cảm thù hận của họ. Tôi còn nhớ đã nghĩ là chính họ đã hủy hoại cuộc sống, phần đời còn lại quí báu của họ với lòng hận thù. Đức Phật có nói: “Không có ngọn lửa nào bén bằng lòng tham; không có bàn tay nào xiết chặt hơn hận thù; không có lưới nào rối rắm bằng ảo tưởng, không có ngọn sóng nào cao bằng ngọn sóng ái dục”. Và Đức Phật cũng nói hận thù không thể cởi bỏ hận thù, chỉ có tình thương mới làm được điều ấy. Lúc đó, tôi chưa biết gì về Phật giáo. Tuy nhiên, tôi cũng suy nghĩ giống như thế. Tôi thấy rất rõ là người ta cần hàn gắn và tha thứ. Lúc đầu tôi không làm được điều đó, nhưng sau một thời gian, tôi đã làm được, dầu sau này tôi có nghe người ta kể thêm về những tội ác của người Đức. Tôi tự nhủ mình: tất cả đã qua. Chỉ có nỗi đau mất cha là không nguôi. Lúc còn ở Thượng Hải, tôi có chụp ảnh ngôi mộ của cha, nhưng cho tới ngày nay tôi không tìm ra được bức ảnh. Vì tôi đi đây đi đó, chuyển đổi chỗ ở quá nhiều, tôi đã để thất lạc bao hình ảnh, giấy tờ. Cuối cùng chúng tôi đã có mặt ở Mỹ, đất nước tự do. Ở đây, tôi chỉ biết một người bạn học cùng trường ở Los Angeles. Các nhà bảo trợ trong tổ chức Cộng Đồng Người Do Thái khuyên chúng tôi đi qua miền đông, nơi có nhiều cơ hội kiếm việc hơn, nhưng tôi muốn đi Los Angeles. Chúng tôi được tặng vé xe buýt Greyhound đi Los Angeles, khi đến nơi tôi đã nhanh chóng tìm được một căn hộ ở thành phố rộng mênh mông ấy. Nhưng căn hộ của chúng tôi quá nhỏ, chỉ có một phòng, quá chật hẹp đối với một gia đình có con. Tuy nhiên giá mướn không quá mắc, và lại có sẵn đồ đạc. Chúng tôi đâu có của cải gì ngoài một ít tiền dành dụm được ở Thượng Hải, vừa đủ để chúng tôi có thể trả tiền mướn phòng trong một thời gian. Chồng tôi được nhận làm thợ cắt trong một xưởng may chemise. Lương ít nhưng dầu gì cũng là một nguồn thu nhập ổn định. Tôi chạy tìm một căn nhà nhỏ có thể mua được với một ít tiền đặt cọc, mỗi tháng cũng không phải trả nhiều. Cuối cùng chúng tôi cũng mua được một căn nhà nhỏ, có vườn để con gái nhỏ của chúng tôi, Irene, có chỗ để chạy chơi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Lần đầu tiên chúng tôi có một mái nhà, mà không ai có thể đuổi chúng tôi ra được. Nhà chúng tôi có phòng khách, nhà bếp với đủ các thứ đồ điện gia dụng, và nước, không giống như ở Thượng Hải, không phải đi đâu xa mới có. Nhiều năm sau, có lần đi ngang qua căn nhà cũ, khi nhìn thấy nó, tôi đã phải kêu lên: “Trời ơi, sao mà nó nhỏ đến thế!” Nhưng lúc đó, đối với tôi, nó là một phép lạ. Tôi cũng tìm được việc làm. Không khó lắm, vì tôi đã từng được huấn luyện nghề thư ký văn phòng. Ngân hàng Bank Of America ở Los Angeles mướn tôi ngay lập tức. Sau đó tôi lấy bằng lái xe, tậu xe hơi, một chiếc xe hơi cũ kỹ không còn chạy được bao nhiêu lâu nữa. Tôi còn nhớ nỗi kinh hoàng khi lần đầu tiên lái xe đi làm ở Los Angeles. Ở thời đó, xe cộ ở Los Angeles đã đông đúc. Khi tôi tới được chỗ làm thì chỗ ngồi đã ướt đẩm mồ hôi vì căng thẳng, sợ hãi. Dầu gì, tôi cũng đã tới nơi an toàn. Không khí làm việc trong ngân hàng rõ ràng là kỳ thị đối với phụ nữ. Các phòng trên lầu đều dành cho nam giới. Mỗi sáng tôi chở Irene đi học mẫu giáo. Cô bé không thích đi học, nhưng không có lựa chọn nào khác. Chồng tôi làm việc ở hãng may chemise chỉ được bảy mươi xu một giờ. Rõ ràng là không thể đủ để nuôi con với đồng lương đó. Vì thế tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài phải đi làm. Dầu cho con bịnh, tôi cũng phải có mặt đúng giờ ở chỗ làm, không thể sai trái. Những lúc đó, tôi đều phải nhờ mẹ giúp đỡ. Lúc đó mẹ tôi sống ở San Diego với người chồng thứ hai. Bà phải lái xe hơi hơn một tiếng rưỡi để đến Los Angeles. Khi công ty của chồng tôi dọn về San Diego, tất cả chúng tôi dọn theo. Con trai tôi, Jeffrey sinh ra ở San Diego. Lúc đó Irene đã được gần mười tuổi. Lúc trước, khi tôi ao ước có thêm đứa con nữa, các bác sĩ bảo điều đó khó thể xảy ra vì tôi bị bướu. Khi tôi mang thai, bác sĩ riêng của tôi không mấy hài lòng, vì điều khó thể xảy ra đã xảy ra. Nhưng cũng may, tôi sinh Jeffrey chỉ trong vòng nửa tiếng, mẹ tròn con vuông không có vấn đề gì cả.

Sau đó tôi phải nghỉ việc. Chồng tôi làm việc cũng đã nhiều lương hơn, vả tôi có hai đứa bé cần được săn sóc. Irene bắt đầu vào trung học, tôi tham gia vào ban phụ huynh học sinh ở trường. Tôi cố gắng làm tròn tất cả mọi bổn phận của mình, giữ gìn nhà cửa, vườn tược sạch sẽ, ngăn nắp. Bận rộn suốt từ sáng đến tối, đó cũng là chuyện bình thường vào hoàn cảnh của tôi. Tôi cảm thấy rất thích thú trong việc chăm sóc vườn tược, cũng như chăm sóc cho sức khỏe của hai con tôi. Tuy nhiên, dần dà, tôi cảm thấy trong tôi có những triệu chứng lạ, ban đầu là cảm giác hơi đau -một cảm giác rất mơ hồ báo cho tôi biết một điều chẳng lành. Tôi đã có tất cả những gì mình ao ước. Nhưng hình như vẫn còn thiếu một cái gì. Cái gì, chính tự tôi cũng không thể biết được. Tôi chỉ mơ hồ cảm thấy còn thiếu một cái gì đó. Ước muốn tìm kiếm cái gì đó cứ ngày càng lớn mạnh trong tôi, như một căn bịnh nội tâm. Lúc đó tôi ba mươi bốn tuổi. Bao biến cố đã xảy ra, giờ bỗng nhiên ước mơ được có một cuộc sống bình dị của tôi đã thành hiện thực. Nhưng tôi không thể hình dung mình sẽ tiếp tục sống như thế này mãi. Tất cả sẽ tiếp tục như thế này mãi sao? Tất cả chỉ có vậy thôi sao? Hay là còn có một cái gì cao xa hơn tất cả những ước muốn tầm thường của cuộc sống? Chắc chắn là phải có cái gì đó nửa! Tôi bắt đầu chúi đầu vào sách -triết học, tâm linh, bất cứ thứ gì tôi có thể khám phá ra. Có nhiều vấn đề tôi chưa thông suốt, nhưng tôi không ngại. Tôi tự nhủ: “Không sao, rồi ta cũng sẽ hiểu được thôi”. Từ đó, tôi chú trọng đến cuộc sống tâm linh hơn; đó là cái tôi muốn tìm hiểu, muốn khám phá. Với những tư tưởng, tình cảm đó, tôi hoàn toàn cảm thấy cô đơn. Hình như quanh tôi không có ai chia sẻ cùng tôi những suy nghĩ này. Mỗi lần tôi mang vấn đề này ra bàn luận ở gia đình, là chồng tôi nổi giận. “Em còn muốn gì nữa chứ?”, ông ta la lối, giận dữ. Tôi muốn gì? Một cách sống khác. Một cách sống theo con tim của tôi. Nhưng tôi không biết phải làm gì với những điều suy nghĩ của mình. Một buổi chiều nọ, tôi đến thăm mẹ. Trong phòng khách nhà mẹ có hai chiếc xe đạp bị tháo rời nằm ngỗn ngang. Tôi hỏi: “Mẹ định mở tiệm sửa xe đạp sao?” “Không”, mẹ trả lời, “Hai chiếc xe đạp là của hai chàng trai sau hè kìa”. “Hai chàng nào?”, tôi tò mò hỏi. Mẹ tôi đáp: “Họ cũng quen con mà. Ở Bá Linh hồi đó, họ vẫn cùng con đi dự sinh nhật các bạn bè. Đó là Hanschen và Gerd. Hanschen là con trai của người bạn thân của mẹ, còn Gerd là em họ của cậu ấy”. Tôi chỉ nhớ có Hanschen, còn người kia thì mơ hồ có biết. Hanschen nhỏ hơn tôi vài tuổi, và đối với bọn trẻ, đó là một điều rất quan trọng. Anh đã di tản khỏi Bá Linh đến Luân Đôn ở với người cậu. Lúc đi lính trong quân đội Anh, anh đã tìm lại được cha mẹ mình ở Theresienstadt, một nơi đóng quân anh đã đi qua. Sau đó cả gia đình di dân qua Canada. Gerd cũng đi khỏi Đức qua ngã Glasgow như tôi, trên các chuyến di tản trẻ em. Cha mẹ chàng đều đã bị thủ tiêu ở Auschwitz. Ở Glasgow, cũng như ở Bá Linh, chúng tôi cùng đi học chung trường, nhưng chưa bao giờ biết nhau. Sau khi tôi đã đi Thượng Hải, anh lên đại học, theo ngành kỷ sư điện ở Glasgow. Giờ đã tốt nghiệp, anh cùng Hanschen từ Canada đi xe đạp xuyên suốt nước Mỹ. Cuộc đời có những bước rẽ kỳ hoặc. Trong Phật giáo, ta nói về những trường hợp như thế như là duyên nghiệp, nhưng lúc ấy tôi làm gì biết chuyện đó. Tôi đã gặp Gerd ở tại nhà mẹ tôi, không ngờ đó là cuộc gặp gỡ của định mệnh. Ngay buổi đầu tiên gặp gở, chúng tôi đã thấy có rất nhiều điểm tương đồng về quan niệm cuộc sống. Chúng tôi hiểu nhau một cách lạ kỳ, có lẽ vì chúng tôi cùng hướng về cuộc sống nội tâm. Cuộc gặp gỡ đó như cho tôi thêm sức mạnh, vì tôi hiểu còn có một người nữa chia sẻ cùng một quan niệm sống với tôi. Tôi cố gắng đưa ra một số đề nghị để thuyết phục chồng tôi về việc tôi sẽ theo đuổi mục đích của mình. Nhưng mọi ý kiến, đề nghị đều bị chồng tôi gạt ngang, như thể anh không nghe tôi nói gì. Anh không muốn tôi thay đổi, không muốn cuộc sống hay bất cứ thứ gì thay đổi. Vì thái độ đó của anh, sự liên hệ tình cảm của hai chúng tôi đi đến chỗ bế tắc. Tôi thấy mình không còn lựa chọn nào hơn là phải tự quyết định lấy cuộc sống của mình, phải chia tay với anh.Không thể tiếp tục mãi một cuộc sống như thế. Chỉ làm cho cả hai chúng tôi đau khổ. Khi tôi báo cho anh về quyết định ly hôn, anh rất bực tức, giận dữ. Anh không bao giờ tha thứ cho tôi về quyết định này. Anh không thể hiểu anh và tôi đã quá xa cách trong cái nhìn về cuộc sống. Đó không phải là một quyết định dễ dàng cho tôi. Irene mười ba tuổi, Jeffrey mới ba tuổi, và mái ấm này thực sự là mái ấm đầu tiên của tôi kể từ khi trưởng thành. Tôi để lại mọi thứ -từ nhà cửa, đồ đạc, sách vở, xe cộ cho đến quần áo. Irene sống với cha ở San Diego, một phần có lẽ vì bà ngọại cháu cũng sống ở đấy. Cháu phải học cho xong trung học ở đó. Tôi dọn đến Rancho La Puerta, ở Tecate, Mễ Tây Cơ. Đó là một nông trại, cách San Diego khoảng hơn một giờ rưởi lái xe, được sử dụng như một trung tâm phục hồi sức khỏe, ở ngay cạnh biên giới Mỹ-Mễ. Giáo sư Edmund Szekely làm giám đốc ở đó. Ơng đã viết hơn bảy mươi đầu sách chuyên về sức khỏe tâm sinh lý. Ở nông trại đó ông dạy về triết học của Essenes, dạy ăn uống thực phẩm thiên nhiên và cách sống theo thiên nhiên. Essenes là một hệ phái thuộc đạo Do Thái, rất phát triển vào thời Chúa Jesus. Họ có những luật lệ riêng cho giáo hội của họ, như là, không được kết hôn, không được có của cải riêng. Họ không ăn thịt, và rất ôn hòa, khác hẳn với các hệ phái khác của đạo Do Thái. Thật là một nơi thú vị. Có rất nhiều các vị khách nổi tiếng được mời đến nói chuyện, thí dụ như Aldous Huxley. Và các thành viên đến tham dự trại cũng không phải là những người đến đây chỉ vì những phòng tắm hơi saunas, hay các thức ăn chay. Họ đến đây để tìm những món ăn tinh thần. Ngay ở đây, tôi bắt đầu những bài học đầu tiên về tâm linh. Tôi đặt mua nguyệt san Tự Khám Phá Mình (Self-Realization Fellowship, do Swami Yogananda sáng lập), trong đó luôn có những bài viết công phu, các trang giải đáp thắc mắc. Tôi rất vui mừng tìm được những người có cái nhìn rất giống tôi, dầu chỉ là trên sách báo. Dầu còn xa vời, nhưng tôi có linh cảm một ngày nào đó tôi sẽ tìm được suối nguồn tâm linh để thỏa mãn cơn khát của tôi. Tuy chân lý sâu xa, vi diệu nhất tôi chỉ có thể tìm thấy mãi sau này. Nhưng tôi đã hấp thụ, học hỏi được rất nhiều vấn đề ở Rancho La Puerta, từ giáo sư Szekely, từ những người đã đến đây thuyết trình, từ tạp chí Self-Realization, từ những thành viên đến dự trại và từ các bạn đồng nghiệp. Một thế giới mới vừa mở ra cho tôi, một thế giới đầy hứng thứ, say mê đối với tôi. Tôi làm thư ký bán thời gian cho vợ của giáo sư Edmund Szekely. Để đổi lại, tôi được bao ăn ở tại đó, có người săn sóc cho cháu Jeffrey (chúng tôi học được tiếng Mễ từ bà bảo mẫu này) và một ít tiền xài vặt. Mỗi cuối tuần, Irene đều đến thăm chúng tôi. Tôi viết những lá thư đầy phấn khởi đến Gerd. Một năm sau, Gerd cũng đến sống ở nông trại. Anh cũng làm việc bán thời gian ở phòng tiếp tân, làm công việc anh thích, thỉnh thoảng lại có được tiền bồi dưỡng. Cuối cùng chúng tôi quyết định kết hôn. Đám cưới được cử hành trên một ngọn đồi phía sau căn nhà nhỏ của chúng tôi, với rất nhiều khách mời là những công nhân người Mễ, có sự chứng kiến của một vị rabbi (LND: Giống như vị sư trong Phật giáo), với Jeffrey và một chú chó con. Tôi còn nhớ là mọi thứ đều rất lãng mạn. Cuộc sống của chúng tôi rất tự do, tuyệt vời. Người chồng trước của tôi cũng được nhiều điều may mắn. Ông trở về Đức (tôi đã giúp ông nhiều trong việc này), tìm lại người yêu của thời tuổi trẻ, mà ông đã thất lạc tung tích từ thời Đức quốc xã. Cuối cùng ông tìm gặp được bà. Hai người trở về lại Mỹ, và họ đã sống với nhau hơn bốn mươi năm nay. Giờ ông đã tám mươi chín tuổi. Tôi thấy cuộc sống riêng tư của mình cũng không có gì đáng kể, nhưng chúng là chứng tích của sự trưởng thành của tôi. Chúng cho thấy là qua một thời gian dài, tôi cũng sống cuộc sống bình thường như bao phụ nữ khác, với những vấn đề, những gúc mắc như họ, với bao bất bênh trong chia lìa, thay đổi. Nhưng muốn tiến được đến sự tự do tuyệt đối, ta cần phải có can đảm đối mặt với tất cả những vấn đề này. Sống ở Rancho La Puerta, cả ba chúng tôi đều trở thành những người ăn chay, và còn giữ được như thế mãi cho đến bây giờ. Tôi trở nên rất thích thú với đề tài sức khỏe và dinh dưỡng. Tôi đã đọc và học rất nhiều về đề tài này. Nông trại rất đẹp, với các vườn rau cải, các cây leo bao quanh. Trong trại có hồ bơi, có nhiều loại cây, những tàng cây lớn, và một chỗ đốt lửa trại rất to, nơi chúng tôi thường tụ tập vào mùa đông. Ở nơi đây, tôi được học hỏi rất nhiều về sự liên hệ giữa thân và tâm, giữa cuộc sống và tâm linh. Tôi vẫn chưa biết gì về Đức Phật. Tôi chỉ biết là có cái gì đó trong tôi -một làn sóng, một tiếng gọi, một lý tưởng cao cả thôi thúc. Tôi chưa thể đặt tên cho nó là gì. Nhưng cảm giác đó có mặt, và thật may mắn cho tôi, Gerd cũng chia sẻ cùng cảm giác. Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi vẫn nghĩ điều quan trọng nhất trong đời là một cuộc sống trong sạch hơn, lành mạnh hơn, và chúng tôi tin tưởng rằng cuộc sống đó sẽ đưa chúng tôi đến hạnh phúc nội tâm. Chúng tôi sống ở Rancho la Puerta được hai năm. Rồi Gerd nghĩ rằng chúng tôi cần đi khắp Trung và Nam Mỹ. Anh là một nhà thám hiểm và rất thích khám phá ra những điều mới lạ, ngày nay anh vẫn thường đi du lịch. Tôi cũng không an tâm sống mãi thế này. Tôi nghĩ có lẽ là do chúng tôi đã bị tước mất đi sự ổn định trong cuộc sống với cha mẹ ở lứa tuổi còn quá nhỏ. Chúng tôi không có khả năng liên hệ với một nơi chốn nào như là quê hương để cắm rể xuống đó. Chúng tôi không cảm thấy đâu là nhà, mà nhà cũng là ở khắp nơi. Vì thế, chúng tôi mua chiếc xe jeep hiệu Willys, bốn mã lực. Chúng tôi nhận được ít tiền đền bù từ Đức. Hơn thế nữa, lúc đó tôi còn có thông hành của Mỹ. Được làm công dân Mỹ, có nghĩa là tôi được có những quyền của một người công dân, sau bao năm làm người không có quê hương, xứ sở. Chúng tôi sửa sang chiếc xe để có thể ngủ luôn trên đó. Và chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình -trước tiên là Mễ Tây Cơ. Và sau đó là những nơi khác nữa. Jeffrey đi theo chúng tôi. Irene ở lại San Diego. Cháu đã được mười sáu, chỉ còn một năm là vào đại học. Sau đó, cháu lên đại học, nhưng không hoàn tất chương trình học, vì cháu lập gia đình năm mười tám tuổi. Cháu lập gia đình với một người bạn học, cùng tuổi. Cả hai đều không có việc làm, dĩ nhiên ai cũng chống đối cuộc hôn nhân đó, kể cả tôi. Chúng tôi nói không thể nào cuộc hôn nhân này có kết quả. Vậy mà sau này đó là cuộc hôn nhân thành công nhất mà tôi được biết trong số ít các cuộc hôn nhân thành công. Từ kinh nghiệm đó, tôi thấy rằng có lẽ chúng ta nên để con cái đi theo con đường chúng lựa chọn. Ta phải biết buông xả. Đó là bài học tôi thực sự hiểu ra sau này, trong một trường hợp khác. Chúng ta chỉ là những người khách trên trái đất này, không thể sở hữu được thứ gì -kể cả những gì thân yêu nhất của ta.

-ooOoo-

Chương 6

Thám Hiểm Trung Mỹ Bằng Xe Jeep

 

Kẻ dũng mảnh chánh niệm
Không vui thú hưởng nhàn
Như cánh thiên nga xa lià tổ ấm
Phiêu lưu khắp chốn cùng nơi
Kinh Pháp Cú – 91

Khi chúng tôi còn sống ớ Rancho La Puerta, có một đoàn gồm các nhà khoa học gia ghé qua, họ đang nghiên cứu về một bộ tộc sắp diệt chủng trong các cánh rừng ở Mễ Tây Cơ. Họ muốn tìm hiểu xem những người này sống như thế nào, ăn uống ra làm sao, khi bịnh hoạn họ làm gì, tôn giáo của họ ra sao. Giờ chúng tôi cũng muốn làm một cuộc thám hiểm để khám phá những điều tương tự như thế.

Xe jeep của chúng tôi có bốn mã lực. Gerd làm thêm một cái thùng to trên nóc xe để chứa đồ đạc. Bên trong xe, ngoài giường ngủ của chúng tôi, còn có thêm một bếp lò nhỏ dùng khi đi cắm trại.

Nhưng chúng tôi lại không giống một đoàn lữ hành nào -một người đàn ông, một phụ nữ và một cậu bé trai. Thời đó, những du khách bụi đời chỉ có ba-lô trên vai chưa có. Năm 1961, khi chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình, khách ngoại quốc cũng là một hiện tượng lạ đối với các người dân bản xứ. Người ta trố mắt nhìn chúng tôi, nhưng ở đâu chúng tôi cũng được đối xử rất tử tế. Có lẽ cũng nhờ có Jeffrey. Vì có lẽ họ nghĩ những người có con nhỏ, chắc không dám bày trò gì mờ ám. Từ đầu cuộc hành trình, Jeffrey đã giúp chúng tôi nhiều hơn là làm chướng ngại cho chúng tôi.

Tôi xin nói trước là cuộc hành trình của chúng tôi đã kéo dài hơn dự định rất nhiều. Dự định ban đầu của chúng tôi là sẽ ổn định ở một vùng quê nào đó. Nhưng chúng tôi không thể thực hiện được điều đó cho mãi đến sau này, nhưng không phải là ở Nam Mỹ, mà ở xứ Úc xa xôi. 

Jeffrey lúc nào cũng ở bên cạnh chúng tôi. Thỉnh thoảng cậu bé cũng được đến trường, nếu như chúng tôi dừng ở đâu đó một thời gian khá lâu. Nhưng phần lớn là do tôi dạy cho cháu tại ‘nhà’. Ngày nay, cháu đã trở thành một chuyên gia máy tính ở đại học Brisbane.

Trong suốt thời gian đó, chỉ có một lần, Jeffrey bị bịnh rất nặng, do cháu đã uống nước bị nhiễm trùng. Ngoài ra, cháu luôn tỏ ra rất khỏe mạnh và là một cậu bé rất dũng mảnh, độc lập, tự tin. Cháu không cần ai phải luôn theo dõi, chăm sóc mình. Làm gì cháu cũng tham gia làm, không hề than thở, chê bai thức ăn hay những thứ gì khác.

Trên những chặng đường chúng tôi đi qua không có khách sạn. Một đôi lần, chúng tôi nghỉ ở các nhà trọ nhưng luôn phải tự đi chợ để nấu thức ăn cho mình. Jeffrey rất thích đi chợ với tôi. Cháu nói lưu loát tiếng Mễ, và trả giá như một bà nội trợ chánh cống. Vì thấy cháu nhỏ dễ thương, các bà bán hàng đều bán cho cháu mọi thứ rẻ hơn là bán cho chúng tôi. Cho đến giờ, Jeffrey cũng còn thích đi shopping, nhưng cháu không còn nhớ tiếng Mễ nữa. Không còn nhớ đã có lúc người ta gọi mình là Jeffrito (là chú bé Jeffrey trong tiếng Mễ). Cũng thường thôi, như chúng ta đã quên những tiền kiếp của mình.

Khởi đầu cuộc hành trình, chúng tôi lái xe xuyên qua Mễ Tây Cơ đến quần đảo Yucatan, nơi Mayas và Aztecs đã xây dựng các đền thờ. Chúng tôi rất thích thú khám phá về cuộc sống hằng ngày của một dân tộc đã qua thời vàng son. Thí dụ, chúng tôi viếng thăm những nơi chốn giờ hoang vu, để tưởng tượng ra họ đã sống như thế nào khi không có máy móc, dòng điện; làm thế nào họ có thể làm ra được những lu, hủ và các đồ gia dụng khác.

Sau đó, chúng tôi dừng chân ở San Miguel de Allende, một thành phố được xây dựng bằng những mỏ bạc trong vùng, bởi những kẻ chiến thắng người Tây ban Nha. Ngày nay nó là một di tích lịch sử, một thành phố rất đẹp với một trường đại học ở đó tất cả chương trình đều được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Ở San Miguel de Allende, chúng tôi mướn được một căn nhà đã được xây dựng năm trăm năm trước của một người Mỹ, với giá năm mươi đô la. Trong nhà đã có sẳn đồ đạc, sẳn đủ mọi thứ kể cả hai người giúp việc, cùng hai con chó. Một con chó cái rất to bự, và một con chó sóc nhỏ trắng. Con chó cái rất nhát; ban đêm chỉ cần một tiếng động nhỏ, là nó lập tức nhảy vào giường tôi. Mỗi lần như thế, tôi tưởng là mình bẹp dí vì sức nặng của nó.

Căn nhà có tường bao bọc chung quanh, có cổng lớn, bên trong là một khu vườn đầy các giống cây miền nhiệt đới, được trồng theo phong cách người Mễ, rất đẹp. Vì thế chúng tôi ở lại nơi đó, và tôi ghi tên học đại học.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi bước chân vào đại học. Chồng tôi đã có một bằng đại học, nhưng tôi thì chỉ có những kinh nghiệm sống. Tôi rất sung sướng được học hỏi những điều mới lạ. Tôi ghi tên học viết văn, lớp nhiếp ảnh báo chí, lịch sử, và dĩ nhiên là tiếng Tây Ban Nha. Đó là một ngôn ngữ tuyệt vời mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn lưu loát. Tôi nhớ lại cha tôi đã rất biết nhìn xa, khi ở Thượng Hải, ông đã nói đánh máy là một khả năng không thể thiếu. Những điều tôi học ở đại học San Miguel de Allende cũng rất thực dụng. Tôi viết cho các tạp chí Mỹ về những nơi chốn tôi đã đi qua, cùng với những hình ảnh tôi đã chụp và cũng chính tôi tự rửa lấy.

Jeff được gửi đi học ở một trường mẫu giáo của các bà sơ. Cậu bé không thích lắm vì đã quen tự do. Một ngày kia cháu đi học về với vẻ hớn hở lắm. Tôi hỏi cháu có việc gì mà hân hoan thế. Cháu đáp: “Có bà sơ chết, nên tụi con được nghỉ buổi chiều. Thích ghê”.

Nhưng lúc đó thời gian tạm trú ở San Miguel de Allende, thành phố bạc, cũng vừa chấm dứt. Sau hai năm sống ở một chỗ, chồng tôi cảm thấy đã đến lúc chúng tôi nên đi một nơi khác ở Trung Mỹ, rồi Nam Mỹ. Như thường lệ, tôi làm theo anh như một người vợ ngoan ngoãn. Tôi đang yên ổn với cuộc sống ở đây, mọi thứ đều còn rất hấp dẫn tôi. Nhưng tôi có bao giờ là người quyết định đâu.

Khoảng thời gian đó, các xa lộ liên lục ở Châu Mỹ đang được xây dựng dang dở; có nhiều nơi vẫn chưa có cầu. Chúng tôi lái xe jeep trên xa lộ từ Mễ Tây Cơ đến Panama. Cứ vài kilo mét thì gặp một con sông. Lúc nào cũng như lúc nào, chừng vài thước trước khi đến một con sông, sẽ có tấm bảng gỗ ở giữa đường sơn chữ Desvio, có nghĩa là quay trở lại. Nhưng làm sao có đường để quay trở lại. Không còn cách nào khác hơn, chúng tôi đành lái bừa xe jeep qua sông.

Có những con sông cạn, nhưng cũng có sông sâu, dòng nước cuộn xiết. Dĩ nhiên là tôi sợ chết đi được. Chỉ có Jeff là không sợ hãi gì cả, còn thích thú là khác. Nhưng có lần chúng tôi gặp nguy hiểm. Xe chúng tôi bị lút giữa dòng sông. Gerd phải lội bộ trở lại, tìm kiếm mấy người thợ làm đường, cho họ ít tiền để họ kéo chúng tôi lên bờ. Đó là lần duy nhất chúng tôi cầu cứu đến người khác. Còn tất cả chúng tôi chỉ dựa vào chính mình.

Chúng tôi lại gặp động đất ở Costa Rica. Lúc đó chúng tôi đang ngủ ở môt quán trọ, bỗng phòng chúng tôi chao đảo. Tôi lôi Jeffrey ra khỏi giường, chạy biến ra ngoài cửa. Không có gì xảy ra, nhưng đó là lần đầu tiên tôi biết đến động đất. Thật là ghê rợn. Nhưng Jeff thì cứ ngủ như không có gì xảy ra.

Ở El Salvador, tôi lại có được những kỷ niệm vui. Ở đó có nhiều thác nước đổ xuống những hồ nhỏ mà chúng tôi có thể tắm trong đó. Người dân ở đây ai cũng vui vẻ, tử tế với chúng tôi.Tôi kết bạn với một nhà truyền đạo Kitô giáo, và các nông dân gốc người da đỏ. Ở mỗi làng, chúng tôi đều ra chợ gặp gở, trò chuyện với những người da đỏ biết tiếng Tây Ban Nha.Chúng tôi tò mò muốn biết họ sống thế nào, vì chúng tôi cũng đang dự tính sống xa thế giới văn minh, hiện đại mà chúng tôi đã từng sống.

Sau bốn tuần di chuyển vất vả, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Panama. Có bao nhiêu thư từ –những liên hệ từ một thế giới khác, đang chờ chúng tôi ở bưu điện. Panama cách Nam Mỹ qua những cánh rừng Darien dày đặc không xe hơi nào có thể chạy qua. Cũng có những nhà thám hiểm vượt qua được, nhưng chúng tôi hoàn toàn bó tay. Tôi không biết bây giờ đã có đường đi xuyên qua đó chưa. Nhưng lúc đó, chúng tôi đành bỏ xe lại, lên máy bay đi Bogota, Columbia. Bogota là thủ đô có độ cao cao nhất thế giới: 2645 mét trên mực nước. Có lần tôi đang đi bộ xuống dốc, bỗng nhiên tôi thấy không thể thở đượ, trong khi sức khỏe tôi vẫn đang tốt. Rồi Gerd cũng có cảm giác như thế, dầu anh cũng rất mạnh khỏe. Đó là vì chúng tôi chưa quen với độ cao. Chỉ có Jeff là không bị ảnh hưởng gì về sự khác biệt khoảng vài ngàn thước ở độ cao. Cháu vẫn chạy nhảy như lệ thường.

Từ Bogota, chúng tôi đi xe buýt xuống Quito, Ecuador. Xe buýt nêm chật người và gà. Đúng ra đây là xe bốn mươi chỗ ngồi, nhưng có ít nhất là tám mươi người trên xe. Người ta vừa ngồi, vừa ăn uống, tán chuyện, đám gà thì kêu cạc cạc. Các thứ nước sốt từ bánh mì đổ đầy xuống sàn, nhưng trên tất cả là bác tài lái xe như một người điên. Đúng ra tất cả các bác tài lái xe buýt ở Nam Mỹ đều như thế cả. Họ lái xe với tốc độ cao, lại không hoàn toàn chú tâm vào đó. Lúc nào thấy các phụ nữ trẻ đẹp ở các góc đường, họ đều quay đầu nhìn chăm chú.Lúc đó để ra vẻ đàn ông, họ còn nhấn thêm ga, làm cho mấy con dê, con ngỗng ở ven đường chạy tán loạn.

Phải thú nhận rằng tôi không ưa thích kiểu lái xe như thế này. Nhưng tôi không dám nói gì, vì Gerd tỏ ra rất thích thú. Anh là người rất thích mạo hiểm. Khi anh thấy một ngọn núi cao, thì anh phải trèo lên. Còn tôi, thì thà ở dưới đất còn hơn. Giờ anh đã sáu mươi chín, nhưng cũng chẳng thay đổi gì. Vẫn còn đi trên những chuyến xe buýt như thế.

Chúng tôi đến Quito bình an, là điều mà tôi cho là một phép mầu. Tôi hoàn toàn kiệt sức, người đầy bụi bậm, phân gà và sốt bánh mì. Chúng tôi mướn phòng, tắm rửa, và lần đầu tiền chúng tôi quyết định bỏ tiền đến một khách sạn sang trọng ăn tối. Nhưng nhân viên khách sạn từ chối không cho chúng tôi vào, vì Gerd không đeo cà vạt. Đó là điều làm tôi luôn nhớ đến mỗi khi nghĩ về Quito.

-ooOoo- 

Chương 7 

Thám Hiểm Nam Mỹ

Từ ái, sinh lo âu
Từ ái, sinh sợ hãi
Những ai đã lià xa ái
Không lo âu, không hãi sợ điều chi.
— Kinh Pháp Cú – 212

Tôi rất xúc động khi đọc những lời Đức Phật dạy trong câu Kinh Pháp Cú trên. Nhưng khoảng thời gian mà tôi viết lại ở đây, là khoảng thời gian tôi vẫn còn là một thiếu phụ trẻ, còn chưa biết có những câu kinh như thế hiện hữu; mà dầu có biết, có lẽ tôi cũng không thể hiểu được ở thời điểm đó. “Những ai đã lìa xa ái” là nghĩa gì? Ngày nay, tôi hiểu câu đó không có nghĩa là ta không nên yêu thương ai. Chỉ có nghĩa là ta đừng bám víu vào những gì ta ưa thích, nhất là người ta thương đến độ ta luôn nghĩ suy, lo lắng về họ. Ở thời điểm đó, tôi còn đắm trong vòng luyến ái buộc ràng. Tôi luôn sống trong trạng thái lo lắng. Cuộc du hành của chúng tôi không có bảo hiểm hành lý, sức khỏe, vân vân như ngày nay người ta du lịch với tất cả mọi thứ đều được bảo hiểm.

Chuyến đi của chúng tôi đầy bất trắc. Nhưng ngay trong những phút giây nguy kịch nhất, trong những giây phút ở giữa sống chết, tôi bỗng hiểu ra buông xả là gì. Có nghĩa là không bám víu, không cố gắng để làm chủ, để quyết định mọi việc gì có thể xảy ra. Có nghĩa là dầu có ta hay không, người thân của ta, sở hữu của ta vẫn tồn tại -cũng như ngược lại, tôi vẫn hiện hữu mà không cần có họ, không cần có những thứ sở hưũ đó. Tuy nhiên phải một thời gian lâu sau, ý niệm này mới thực sự thấm sâu vào nội tâm tôi, còn lúc đó nó chỉ mới tượng hình trong tôi.

Giờ trở lại với Quito, trạm dừng chân đầu tiên của chúng tôi ở Nam Mỹ. Ở Quito, chúng tôi có nghe về một bộ lạc được gọi là Los Colorados, có nghĩa là “Bộ Lạc Sắc Màu”. Đó là một bộ lạc nhỏ ở Eucador, rất nổi tiếng về cách trị bịnh bằng thảo dược. Bất chấp hiểm nguy, chúng tôi quyết phải tìm gặp bộ lạc Sắc Màu. Vì thế, dầu sợ hãi, chúng tôi vẫn một lần nữa, leo lên xe buýt đi về miền núi, nơi người ta bảo là chúng tôi sẽ được gặp những người trong bộ lạc đi chợ ở một làng nhỏ trong vùng.

Chuyến đi này còn tệ hại hơn chuyến vừa rồi. Đường xá chật hẹp, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe, lại vòng vèo, bên thì đồi núi cheo leo, bên là vực thẳm hun hút. Bác tài thì lái bất cần, luôn quay lại phía sau khi có tiếng trẻ con khóc, hay liếc nhìn lũ chim bay ngoài khung cửa. Phải mất ba tiếng rưỡi mới đến nơi. Tôi cứ thầm lo lắng, việc gì sẽ xảy ra nếu có một chiếc xe chạy ngược chiều đến. May mắn thay, suốt chuyến đi đã không có chuyện đó xảy ra.

Cuối cùng chúng tôi đặt chân đến một thành phố nhỏ gọi là Ciudad de Colorados, thành phố Colorados. Và đúng như lời đồn, chúng tôi thấy ngay những “bộ quần áo” sặc sỡ trong chợ.Họ không mặc gì phía trên, kể cả phụ nữ, nhưng người họ đầy những lằn sơn màu xanh. Họ quấn củn, đàn ông củn ngắn, đàn bà thì dài hơn, vẽ đầy những sọc màu xanh. Đầu họ đội những chiếc mũ nhỏ, màu đỏ rực.

Chúng tôi bắt chuyện với hai người trong nhóm họ. Tôi hỏi người cao tuổi, nón họ làm bằng gì, tôi không thể đoán được vì màu sắc quá chói chang. “Nón gì?”, anh ta hỏi lại. Thì ra đó là tóc họ. Và đó là màu sắc đặc biệt của bộ lạc Sắc Màu. Họ dùng một loại dâu có màu đỏ chà sát vào tóc cho đến khi nó trở nên dầy cứng, sau đó vuốt tóc thành như những cái nón. Đàn ông đã có gia đình thì chỉ để tóc như thế. Thanh niên thì buộc thêm những sợi dây vải trên đó, để mọi người -nhất là phụ nữ- biết họ còn chưa có ai.

Tôi hỏi thêm bao lâu thì họ phải làm những kiểu đầu như thế. Chỉ nữa năm họ mới phải làm một lần, cũng thực dụng đó chứ. Chúng tôi chụp hình họ với Jeff. Sau đó, họ mời chúng tôi theo về bộ lạc. Chúng tôi đi trên những chiếc xe ngựa nhỏ. Đường xá hơi dằn xóc, nhưng cũng còn dễ chịu hơn đi trên xe buýt.

Bộ lạc Sắc Màu là một bộ tộc da đỏ sắp bị diệt chủng. Lúc đó, chỉ còn khoảng năm trăm người, tất cả sống trong ngôi làng này và vùng lân cận. Họ hái những thứ cây lá họ đã quen dùng từ thuở xa xưa để làm thuốc. Những người trẻ tuổi thì bỏ về sống ở thành thị. Họ không muốn trở thành các thầy thuốc lá cây như tổ tiên họ, nhưng muốn trở thành các bác sĩ tân tiến ở thành thị. Họ muốn làm ra tiền, và cũng không muốn phải đội cái đầu đỏ, với dây nhợ luồm thuồm đi khắp nơi.

Chúng tôi được dân trong bộ lạc tiếp đãi rất tử tế. Họ sống trong những căn nhà sàn làm bằng cây gỗ rất đẹp. Khoảng trống phía dưới nhà, treo đầy các loại dị thảo. Họ có tên gọi cho mỗi loại, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ, nên chúng tôi cũng không học hỏi được gì từ những kiến thức kỳ bí của họ về các loài cây. Có lẽ ngày nay các kiến thức đó cũng đã mai một. Vì người trưởng lảo nói với chúng tôi, thanh niên trai trẻ bây giờ muốn thay đổi cách sống. Họ mặc quần jeans – lúc đó đang rất hiếm, chứ không phải là những chiếc váy có sọc xanh của bộ lạc Sắc Màu. Mua được một chiếc quần jeans, người ta có thể mua hết nửa ngôi làng.

Họ mời chúng tôi dùng bữa. Trước mặt chúng tôi là đủ loại trái cây bắt mắt. Những quả đu đủ, bên trong có màu đỏ như máu, mà tôi chưa bao giờ thấy. Rồi còn có loại chuối đỏ và cơm hấp với rau cải. Họ nuôi gà để ăn trứng. Chỉ đến khi gà thật già, mới bị làm thịt. Bộ lạc Sắc Màu không sống nhờ vào săn bắn. Đây là một bộ lạc nhỏ bé hiền hòa.

Lần viếng thăm đó để lại nhiều ấn tượng sâu xa đối với tôi. Tôi như còn thấy trước mắt tôi người đàn bà ngồi nướng chuối cho chúng tôi bên lò than hồng. Giờ này họ đã ra sao rồi? Thật là buồn khi nghĩ đến những thay đổi dân tộc họ phải trải qua. Có lẽ ngôi làng nhỏ với những dãy nhà sàn không còn nữa. Có lẽ không còn ai đi hái lá cây về làm thuốc nữa.

Từ Quito, chúng tôi đáp máy bay để đến một địa danh khác, Lima. Tôi không thể nào có can đảm tiếp tục cuộc hành trình trên xe buýt nữa. Dầu phải hết sức tiết kiệm, nhưng mặc, tôi cần phải lấy lại sức, tôi cần phải được ngồi trên máy bay một lần nữa.

Đến Lima, chúng tôi thuê phòng ở một khách sạn rẻ tiền, vì chỗ ở của chúng tôi trên xe jeep, đã không còn nữa, chúng tôi đã bỏ nó lại ở Panama. Trong những tuần sau đó, tôi bắt gặp mình hay nhớ về chiếc xe jeep đó. Chúng tôi đã ngủ bao đêm êm ấm trên đó, nó đã gan lì chở chúng tôi qua bao con sông. Nhưng tất cả những gì chúng tôi đã trải qua chỉ là chuyện nhỏ so với những gì đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước.

Từ Lima, chúng tôi muốn đi đến vùng Amazon. Muốn vậy, chúng tôi lại phải lấy xe buýt để đến Andes. Khi chúng tôi trèo lên chiếc xe lung lay –như được buộc lại với nhau bằng những sợi dây thun- chúng tôi ngạc nhiên khi thấy tất cả các hành khách người bản xứ ai cũng mang theo nhiều lát chanh, mà chốc chốc họ lại lấy ra bỏ vào miệng ngậm. Lúc mà chúng tôi hiểu được giá trị của những miếng chanh đó thì đã quá trễ.

Chiếc xe buýt đã gầm rú leo lên đồi ở độ cao 4.700 mét. Ở độ cao đó, bạn sẽ bị say sóng: đó là, bạn bắt đầu thấy nhức đầu, muốn ói. Dân bản xứ đã biết ăn chanh sẽ chặn được những triệu chứng đó không xảy ra. Chúng tôi cũng mua lại được một ít chanh, nhưng đến lúc đó thì chúng tôi đã quá say sóng, có chanh cũng không ích lợi gì.

Tất cả hành khách đều mệt lử khi xe lên đến đỉnh cao nhất. Bác tài quyết định dừng lại cho chúng tôi nghỉ vài phút. Dân bản xứ bày gà và bánh mì ra ăn. Sau đó, chúng tôi xuống núi đến Pucallpa. Trên bản đồ, Pucallpa là một thành phố, nhưng đến nơi, đó chỉ là một ngôi làng nghèo, đông dân bên dòng sông Úcayali. Úcayali chảy ra nhập vào với sông Maranon để tạo thành vùng tam giác Amazon.

Chúng tôi muốn đi dọc theo dòng sông, xuống đến Amazon. Có một chuyến tàu chạy bằng hơi xuôi dòng xuống đó trong thời gian một tuần. Đó là chiếc tàu có những bánh lái quay, chiếc tàu duy nhất còn xuôi ngược trên dòng Úcayali. Tàu chạy bằng than đốt, và một bánh lái to bằng gỗ quay chậm chạp. Chúng tôi đặt một phòng trên chiếc tàu cổ xưa này.

Cuộc hành trình trên sông không hoàn toàn êm ái. Tàu phải cập bờ mỗi ngày để lấy thêm than. Trên tàu có một phòng tắm cho khách, nhưng không sử dụng được vì người ta nhốt các chú rùa trong đó, để mỗi ngày luộc một con làm bữa ăn cho khách. Các chú rùa cần nước, vì thế chúng chiếm đóng phòng tắm. Ngoài thịt rùa, những thức ăn được dọn lên cho chúng tôi mỗi ngày là những món dở nhất mà tôi được nếm qua. May mắn là chúng tôi có mang theo ít thức ăn, chỉ có chuối là khá ngon.

Nhưng có lẽ cái khổ nhất vẫn là nước. Người đầu bếp múc nước từ dưới sông Úcayali lên nấu. Từ con sông mà dân ở hai bên bờ và trên các tàu vẫn phóng uế xuống đó. Chúng tôi phải nấu trà bằng nước đó. Vì thế Jeffrey bị bịnh gấn chết. Cũng may tôi có mang theo ít thuốc trụ sinh. Không có thuốc, chắc là cháu đã chết. Kể từ đó, chúng tôi không dám uống ngụm trà nào mà không bỏ vào bình trà ít viên thuốc tẩy trùng, mà tôi đã mang theo trong túi thuốc du lịch của mình.

Một lần khi Gerd sắp xuống sông tắm. Mọi người la lên: “Piranhas, Piranhas!” Đó là những con cá nhỏ với những chiếc răng bén như lưỡi dao lam, thường đi từng đoàn cả trăm con một lúc. Kẻ nào không may gặp chúng thì sẽ trở thành bộ xương chỉ trong vài phút sau. May mà Gerd đã nhanh chân trèo dây trở lên thuyền.

Khi tàu vào lấy than, chúng tôi cũng lên bờ, ngắm những ngôi làng nghèo nàn ở quanh đó. Sự nghèo khổ không thể diễn tả được trùm phủ khắp nơi này. Trái ngược với cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời ở đây, bạn chỉ nhìn thấy sự dơ dáy bẩn thỉu, bịnh hoạn và suy dinh dưỡng.

Rồi một buổi sáng kia, cánh quay của tàu bị mắc cạn trong cát. Chúng tôi vừa qua khỏi chỗ giáp của hai con sông Maranon và Uyacali để tạo thành vùng Amazon. Lý do là vì lão thuyền trưởng say rượu như mọi ngày, nên mới ra cớ sự.

Lúc đó có cá Piranhas hay không, mọi người đều phải nhảy xuống nước để đẩy tàu ra khỏi chỗ mắc cạn. Nhưng hoài công. Tai nạn của chúng tôi được loan truyền nhanh chóng đến dân ngụ cư dọc theo hai bên bờ sông như pháo nổ. Những chiếc ghe nhỏ bắt đầu đổ ra từ mọi phía. Hành khách, sau khi thấy không còn hy vọng gì, bèn lần lượt trèo lên những chiếc ghe nhỏ này. Họ không cần biết sẽ được chở tới đâu, miễn là ra khỏi nơi này.

Chúng tôi hơi do dự, nhưng rồi sau cũng phải trèo lên một chiếc ghe nhỏ tí teo, và được chèo đến một làng không có tên trên bản đồ gọi là Orellana. Cuối cùng chúng tôi phải ở lại làng Orellana, trong khu vực Amazon, đến bốn tuần. Tôi đã viết một bài báo về biến cố này cho một tờ báo Mỹ, kèm theo các bức ảnh trong đó tôi thường mặc cái váy Mễ, với áo trắng. Vì ngoài cái quần nhung đen, đó là tất cả quần áo tôi có. Tôi cứ phải luôn giặt giũ chúng, vì không có cách gì tôi có thể mang thêm quần áo trong cái túi đeo lưng nhỏ. Bài báo được đăng dưới tựa đề: “Trăng trên dòng Úcayali”.

Không thể gọi Orellana là một thị xã với vỏn vẹn khoảng hai mươi nhà và một nhà thờ. Chỉ có hai người đàn ông có quyền hành ở đây: đó là nhà truyền giáo người Tây Ban Nha và ông chủ hãng máy cưa gỗ. Ông chủ hãng máy cưa rất giàu; ông có cả xe hơi. Ông nói với chúng tôi ông là người Do Thái và con trai ông đang du học ở Glasgow. Ông ta có thể nói được tiếng Anh. Thật là một cuộc gặp gỡ hi hữu ở góc trời xa vắng này.

Ở Orellana không có nhà trọ để lữ khách ở qua đêm, nên ông chủ máy cưa phải dọn dẹp một nhà kho trống thành chỗ ở cho chúng tôi. Ông còn cho chúng tôi muốn xài bao nhiêu gỗ tùy ý. Gerd biến những miếng ván thành một chiếc giường ngủ. Nhờ mấy cái túi ngủ, chúng tôi trải lên giường thành một chỗ nằm êm ái. Vì nhà chứa không có cửa sổ, nên lúc nào chúng tôi cũng phải để cửa cái mở toang. Hẳn là người ta đồn nhau có mấy người ngoại quốc sống ở đây. Nên lũ trẻ trong làng -tôi nghĩ có lẽ là khoảng bốn mươi tất cả- kéo đến đứng suốt ngày ở cửa để xem chúng tôi làm gì. Điều đó không dễ chịu chút nào; chúng tôi hoàn toàn không có chút riêng tư gì.

Sau chúng tôi khám phá ra có một tiệm ăn ở Orellana nấu ăn cũng tạm được, nên chúng tôi đều đến đó mỗi ngày để ăn cá -phải có gì bỏ vào bụng thôi. Cá ở đây vừa được bắt lên từ sông nên rất tươi, rất ngon. Chúng tôi cũng được quen với vị truyền giáo. Ông hay dẫn chúng tôi vào các khu rừng tìm những con bướm to mà tôi chưa thấy ở nơi nào khác. Cánh của chúng có đến nửa thước, với nhiều màu sắc rực rỡ. Ở đó cũng có rắn đủ loại -nhỏ, to, đủ màu sắc. Dĩ nhiên là chúng tôi không bao giờ dám đến gần chúng.

Vị truyền giáo còn nói cho chúng tôi biết là đi sâu hơn nữa vào rừng có những bộ lạc chuyên săn đầu người. Cứ một vài năm họ lại đi gây chiến với các bộ lạc khác, rồi cắt đầu những kẻ bại trận, đem phơi khô. Khi thấy tôi kinh hãi quá, ông vội trấn an rằng nhưng cũng phải còn lâu lắm họ mới trở lại, vì họ vừa kết thúc một cuộc gây chiến gần đây. Có lẽ ông chỉ nói vậy để xoa dịu nỗi sợ hãi của tôi thôi.

Sau đó, chúng tôi lại thấy các đầu người phơi khô bày bán trong các tiệm bán đồ lưu niệm ở các thành phố ở Amazon. Chúng nhỏ bằng kích cở một trái táo, nhưng mặt người thật có mắt, có tóc. Và bán với giá cắt cổ. Những thứ đó thì chẳng bao giờ chúng tôi đụng tới.

Mỗi ngày đều có tin là chuyến tàu của chúng tôi lại bắt đầu xuôi dòng xuống cuối nguồn sông. Nhưng điều đó đã chẳng bao giờ xảy ra. Rồi lại có tin một chiếc tàu lớn sẽ đến giúp chúng tôi. Chiếc tàu đó có đến thực, nhưng nó chẳng dừng lại cho chúng tôi lên. Cuối cùng chúng tôi biết là nếu cứ chờ đợi, chúng tôi sẽ không đi đến đâu cả. Phải tự lo cho mình thôi.

Chúng tôi đành phải mướn một chiếc thuyền nhỏ, bằng cây, chạy bằng motor, phiá trên có che mái tôn. Ít nhất chúng tôi có thể ngồi trốn cái nắng chết người ở dưới mái tôn đó. Chúng tôi dự định đến Iquitos, là một thành phố lớn gần đó, dọc theo bờ sông.

Amazon không phải là một con sông hiền hòa, êm ái. Mỗi lần phải lướt qua những con sóng cao trên chiếc thuyền làm bằng thân cây này là tôi không thể không thấy lo sợ. Tôi lo sợ nhất là cho Jeff. Cũng may là cậu bé chỉ mãi chơi đùa, vọc nước tìm cá. Không giống như tôi, cậu bé tận hưởng thú vui trên sông nước.

Mỗi khi chiều đến, chúng tôi phải lên bờ để ngủ, vì thuyền nhỏ quá. Lúc nào cũng giống nhau: phải kéo thuyền lên bờ, sợ nó trôi dạt theo sóng; vào sâu trong đất liền xa đám bùn ở bến sông; rồi đốt lửa để vừa sưởi ấm vừa đuổi những con muỗi to bằng con ruồi, lại là nguồn gây bịnh dịch.

Lúc nào cũng có các loại cây trôi dạt tấp vào bờ quanh đó để chúng tôi dùng đốt lửa. Và người chủ tàu rất giỏi dắn -anh ta có thể nhóm lửa cả với các thứ ẩm ướt đó. Khi nao còn lửa, thì muỗi còn tránh ra xa. Nhưng lúc chúng tôi gục ngủ, lửa lại tàn, thì đó là lúc chúng bắt đầu tấn công. Vì thế không phải là chúng tôi được yên ổn vào ban đêm.

Ban ngày, chúng tôi thường phải ngừng đâu đó để mua đồ ăn. Đó cũng là một vấn đề, vì người dân quanh đó còn không có gì để ăn. Họ cũng muốn lấy được tiền của chúng tôi lắm, nhưng thường họ không có gì để bán. Chỉ vài trái chuối hay đu đủ. Một lần duy nhất chúng tôi gặp được một lò nướng bánh mì thực sự có bánh mì. Nhưng không hiểu sao, chúng tôi cũng chưa bị đói bao giờ.

Sau một tuần, chúng tôi đặt chân đến Iquitos. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi vừa chui ra khỏi thuyền là một người đàn ông đang dắt dây một con vật gì đó. Một con vật chúng tôi chưa thấy bao giờ, có lông xù, và mũi dài quắm. Thực ra nó giống như một con chuột xù, mà sau này tra cứu tự điển bách khoa, tôi biết chúng thường sống ở các vùng nhiệt đới của Nam Mỹ.

Nhiệt đới cũng không phải là từ chính xác đễ diễn tả cái nóng như điên dại ở Iquitos. Chúng tôi trả tiền người chủ thuyền, rồi lê mình, cùng đồ đạc đến một khách sạn nhỏ, rẻ tiền có tên là khách sạn Peru. “Hãy nhìn kìa”, tôi nói với Jeff khi lần đầu tiên sau bốn tuần lễ, chúng tôi mới đặt chân đến một nơi có những điều kiện khá văn minh, “khách sạn này mang tên xứ sở chúng ta vừa đặt chân đến đấy”.

Nhưng trước khi đi tìm nhà hàng để ăn, chúng tôi chạy ngay đến bưu điện để gửi cho mẹ tôi và Irene một cái điện tín. Họ đã bặt tin chúng tôi quá lâu rồi, chắc là họ cũng đang rất lo âu.Đó là một bưu điện rất cổ xưa với các quầy tiếp khách bằng gỗ rất cao, làm một người không cao lắm như tôi phải vất vả lắm mới với tới được.

Khi tôi quay ra, thì Jeff biến đâu mất. Gerd ở phòng bên đang gửi mấy cái thư chúng tôi đã viết từ lâu, cũng không thấy cậu bé. Ngoài hành lang của bưu điện cũng không có bóng cậu bé. Nó đã biến mất như thể đã chui trốn xuống đất.

Những giờ sau đó là một cơn ác mộng dài đối với chúng tôi. Chúng tôi chạy khắp phố trong cái nóng không tưởng được, hỏi thăm tất cả mọi người có ai thấy một cậu bé người châu Au.Không có ai thấy cả. Tất cả mọi con đường ở Iquitos đều tận cùng bằng bìa rừng như thể đó là bức tường bao bọc, nhưng ở phía sau bìa rừng là rắn rít và những con thú hoang dại khác.

Tôi gần như sắp ngã gục vì sợ hãi. Gerd chạy báo cảnh sát rằng chúng tôi đã lạc mất con. Người cảnh sát hỏi: “Bao nhiêu tuổi?”, “Năm tuổi”, Gerd trả lời. Viên cảnh sát nói, vừa cạo đất trong móng tay, “Không, tôi hỏi anh, anh bao nhiêu tuổi?” Quá chán nản, chúng tôi bỏ mặc viên cảnh sát ngồi đó, chạy trở lại khách sạn. Và kìa Jeffrey đang ngồi trên ghế sofa trong phòng tiếp tân của khách sạn. Cậu bé hỏi chúng tôi đầy trách móc: “Mẹ, hai người biến đâu mất từ nãy giờ?” Cậu bé đã ngồi đó gần bốn tiếng đồng hồ, mà cũng không nói với nhân viên khách sạn rằng đã lạc cha mẹ. Thì ra khi không thể tìm được chúng tôi ở bưu điện, cậu bé đã nhờ người qua đường dẫn đến khách sạn có tên giống như xứ sở chúng tôi đang có mặt.

Giờ nhắc đến chuyện đó, Jeff không còn nhớ gì, nhưng tôi, thì tôi vẫn nhớ như in từng giây phút đó. “Do ái sinh lo lắng, do ái sinh sợ hãi”. Tôi nghĩ là từ ngày đó, những lời Phật dạy đã có trong tôi -nhưng do vô minh mà không nhận ra.

Chúng tôi ở lại Iquitos lâu hơn dự định. Một người thợ hớt tóc, vừa là thợ nhồi các con thú, đã hớt tóc cho Gerd. Trong ‘xưởng’ của anh ta có một con rắn còn sống, mà anh ta rất hãnh diện đem khoe với Gerd. Anh ta nói, khi nào có thì giờ anh ta sẽ làm thịt nó, rồi nhồi xác.

Đây là một loại rắn lớn nhất Nam Mỹ, được gọi là anaconda. Có con dài đến sáu thước, thân to đến khoảng hơn nửa thước. Có màu da rất đẹp Trên lưng màu xanh nhạt và đen, hai bên sườn lốm đốm những chấm vàng đậm lợt. Gerd cảm thấy xót xa cho con vật. Nhưng rồi anh nghĩ, nếu nó không chỉ ăn các sinh vật nhỏ bé, mà còn ăn cả thịt người thì sao. Nhưng đối với người thợ hớt tóc thì không có gì phải nghĩ ngợi về con rắn này cả.

Từ Iquitos, chúng tôi bay trở về Lima. Đáng lý ra chúng tôi cũng có thể lên tàu khác đi tiếp -chuyến đi dự định trong hai tuần lễ- nhưng sau kinh nghiệm ờ vùng Amazon, chúng tôi không có can đảm tiếp tục cuộc hành trình. Ai biết rồi chiếc tàu chạy bằng hơi này sẽ lại bị mắc cạn ở đâu nữa?

Từ Lima, chúng tôi lại bay sang La Paz ở Bolivia, rồi từ đó qua Brazil, chứ không dừng lại ở Argentina. Ở Brazil, tôi có một ít bà con, nên ghé qua thăm họ. Họ quá đổi kinh ngạc khi gặp lại tôi, vì họ tưởng tôi đã chết ở Đức hồi ấy.

Ở Brazil, người ta nói tiếng Portuguese. Từ lâu, tôi vẫn tưởng tiếng Portuguese và tiếng Tây Ban Nha, không mấy khác biệt đến nỗi có thể gây khó khăn cho chúng tôi. Nhưng giờ tôi mới thấy mình hoàn toàn không hiểu một chữ tiếng Portuguese, mà cũng không có ai biết nói tiếng Anh. Tình thế cũng khá gay go. Nhưng dầu gì chúng tôi cũng đã ở Rio, và muốn đi thăm Sugarloaf. Ở bãi biển Copacabana, chúng tôi mua cho Jeff một con diều thật to, chú bé thích chí cầm diều chạy qua chạy lại trên bãi biển. Từ đó chúng tôi đi qua Sao Paulo, định là sau đó sẽ đến Brasilia. Đó là thủ đô mới của Brazil, vừa tạo lập xong từ một khu rừng già, hứa hẹn có nhiều điều đáng xem.

Nhưng trước khi đi, chúng tôi ghé qua Đại sứ quán Mỹ để nhận thư. Ở đó, người ta khuyên chúng tôi nên trở về càng sớm càng tốt vì một cuộc cách mạng vừa nổ ra ở Brazil. Nhưng vì không rành ngôn ngữ, chúng tôi không hề biết điều đó. Vì thế sau đó, chúng tôi tiếp tục bay trở lại Panama, nơi chúng tôi đã bỏ chiếc xe jeep lại.

Chỗ dừng chân kế tiếp của chúng tôi là c. Trước đó khá lâu, chúng tôi đã mua vé cho cuộc hành trình trên chuyến tàu Pacific & Orient Line (Thái Bình Dương & Đông Dương). Lúc ấy, chính phu c cũng muốn tạo mọi dễ dãi cho khách du lịch, vì họ muốn chiêu dụ người di dân đến xứ họ, nên đã trả mọi chi phí cho chuyến đi, kể cả tiền chuyên chở xe cho chúng tôi. Tôi chỉ phải trả thêm có mười pounds (tiền Anh). Đó là tình trạng lúc bấy giờ, vì bao nhiêu nhân mạng đã mất đi trong thế chiến thứ II. Hiện nay thì rất khó cho người di dân đến được Úc. Châu Au hay Mỹ.

Tôi có thật sự muốn sống ở không? Lúc đó, tôi nghĩ tại sao không. Nơi nào lại không thể là nhà. Vậy thì không có lý do gì để không đến Úc? Thật ra, chúng tôi cũng đã dự tính mua một nông trại nào đó, ở một nơi nào đó, để có thể sống tự túc ở vùng quê.

Chuyến đi thật tuyệt vời. Tôi lên năm kí lô vì ăn quá nhiều. Trên tàu thì đủ cả: hồ bơi, phòng giải trí, phòng đọc sách, nhà hát -mọi tiện nghi mà bạn có thể nghĩ ra. Dĩ nhiên là chúng tôi chỉ đặt chỗ khách du lịch bình thường, nhưng sau những tuần lễ gian khổ vừa trải qua, chúng tôi có cảm giác như mình đang sống một cuộc sống của tầng lớp thượng lưu. Có lúc tàu dừng lại ở Tahiti hai ngày. Thật là một chỗ tuyệt vời trên mặt đất mà tôi được đặt chân đến. Ở mỗi góc đường, đều có những người lịch sự, đẹp , đeo vòng hoa, chơi guitar. Không khí thoáng mát, sạch sẽ. Tôi nghĩ là thiên đàng cũng chỉ đến như thế này. Tôi nghĩ đến họa sĩ Gauguin, người đã tìm kiếm và gặp được thiên đàng ở đây. Dầu vậy, ông đã không tìm được hạnh phúc trong cuộc đời.

Tôi cũng mong được ở lại Tahiti, nhưng chắc không được rồi. Vì đảo Tahiti là thuộc địa của Pháp, mà người Pháp không sẵn lòng mở cửa đón khách như người Úc.

Bến đổ kế tiếp là Auckland ở Tân Tây Lan. Vì người ta báo cho chúng tôi là tàu phải được tu sửa vài ngày, chúng tôi quyết định mướn xe đi tiếp. Như thế cũng là dịp để chúng tôi thăm viếng Tân Tây Lan. Chúng tôi đi qua đảo South Sea (Biển Nam) xanh rờn, phần lớn người dân ở đây là dân da trắng, rất hiếu khách, thẳng thắng và rất gắn bó với mảnh đất họ đang sinh sống. Người ta nói ba triệu dân ở đây được nuôi sống nhờ vào da của ba mươi triệu con cừu.

Chúng tôi cũng viếng trại định cư Maoris của bộ lạc da đỏ ở Tân Tây Lan. Họ cũng được đối xử như những người da trắng ở đây, mà không hề bị một sự áp bức nào. Có lẽ nhờ thế mà không khí ở Tân Tây Lan đầy bình yên. Trên mỗi nhà đều được trang hoàng bằng những nét chạm trổ, và những vũ điệu dân gian tưng bừng khắp nơi.

Nhưng có lẽ nét quyến rủ nhất của Tân Tây Lan là các hồ. Nước hồ khi xanh dương, lúc xanh lục, hay đen tùy theo đặc tính của vùng đất. Có rất nhiều suối nước nóng, tỏa hơi trên mặt nước. Nổi tiếng nhất là những suối nước nóng chữa được bịnh ở Roturua, mở cửa cho mọi người. Gần như không có nơi nào ở Tân Tây Lan không có nước. Hầu như tất cả các khách sạn đều có những con suối riêng. Nước từ các con suối này đôi khi rất nóng, đến độ người ta phải làm các hàng rào để du khách không đến gần, có thể bị phỏng. Nhiều nơi nước và hơi nước phún lên cao như những ngọn núi lửa. Thời xa xưa, dân Maoris dùng các loại nước này để nấu ăn.

Đến Wellington, chúng tôi bắt kịp tàu. Lần này khi đặt chân đến Sydney, chúng tôi có đủ cả hành lý, và cả chiếc xe jeep cũng được chuyển đến. Ngay lập tức tôi đã cảm thấy an ổn ở lục địa mới này, vì chúng tôi có đủ mọi trang bị. Giờ tôi không còn phải mỗi ngày giặt áo quần để ngày hôm sau có mà mặc.

Ban đầu chúng tôi được ăn ở miễn phí trong một trại tập trung. Thật là một sự tiếp đón nồng hậu. Nhưng chúng tôi đâu có muốn ở lại Sydney, mà muốn tìm một vùng quê nào đó. Vì thế chúng tôi lại lên xe jeep, cũng là nhà của chúng tôi, để tiếp tục đi sâu vào Úc châu. Chúng tôi lái xe dọc theo bãi biển về hướng đông với những bãi biển trắng xoá tuyết, không bóng người. Sau đó chúng tôi đi về phiá tây trong đất liền. Đây là vùng đất sa mạc. Không có bóng người, thỉnh thoảng chỉ thấy vài con thú hoang. Có lần chúng tôi đụng độ với cả một bầy ngựa hoang. Ngoài ra thỉnh thoảng cũng có vài con kangaroos và những chú két có lông màu sắc rực rỡ.

Đó là vào tháng mười một. Và tháng này ở Úc nóng như thiêu đốt. Sau ba tuần ở trong cái nóng đó, tôi hết chịu đựng nỗi. Cuối cùng, chúng tôi dừng chân tạm nghỉ vài ngày ở gần suối Alice, trong một phòng trọ có máy lạnh. Ai biết về Úc châu, cũng biết đó là một cuộc hành trình đầy gian nan. Cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, vì nước và xăng không phải dễ dàng có.

Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm một ‘chỗ ở’ trong xứ sở rộng lớn đó. Có nơi, một miếng đất, có thể lớn bằng cả tiểu bang Texas. Trẻ con được giáo dục qua phương tiện truyền thanh. Chúng tôi lái xe vào một trại tập trung của người dân tộc, những người dân chính gốc của Úc. Họ sống hai cuộc đời, nửa theo những phong tục cổ truyền của họ, nửa theo những quy luật của người da trắng tại đây. Nhiều người kiếm sống bằng cách bán đồ lưu niệm cho du khách: những đồ chạm trổ bằng tay, các hình tượng. Chúng tôi mua giúp họ, mỗi thứ giá hai ‘bob’, khoảng bằng hai xu Anh, dù rằng trị giá tiền tệ đó, không còn hiện hữu.

Chúng tôi lại lên xe xuyên qua xa lộ Stuart từ Darwin, thành phố tận cùng ở phía bắc, đến Adelaide. Khi trở về đến Sydney, chúng tôi đã chọn được địa điểm để định cư. Vùng đất chúng tôi thích nhất là ở miền nam của Queensland, khoảng một giờ lái xe từ bắc thủ đô Brisbane, trong vùng Nambour. Lúc đó, nơi này chỉ là một thành phố nhỏ, giờ đã phát triển thành một thành phố lớn. Đây là nơi chúng tôi muốn tìm mua một nông trại.

Nhưng mọi việc đã xảy ra không như dự định, cũng như tất cả những biến cố xảy ra trong đời tôi.

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app