Chương 1
Vòng Trầm Luân
Từ Bá Linh, thành phố nơi tôi sinh ra đến thiền viện Buddha-Haus (Ngôi Nhà Phật) ở Allgau, Đức nơi tôi đang trú ngụ, rất xa. Thật ra khoảng cách không gian giữa hai nơi chỉ có chín trăm kilomét, nhưng giữa hai khoảng cách đó là cả cuộc đời tôi. Năm mười lăm tuổi, tôi phải rời bỏ nước Đức ra đi vì tánh mạng người Do Thái ở Đức lúc ấy luôn bị đe dọa, khiến tôi không còn lựa chọn nào khác. Giờ tôi đã bảy mươi bốn tuổi đời, lại khoát trên người màu áo nâu quen thuộc của một tu sĩ Phật giáo.
Tôi đã chứng kiến, đã sống nhiều qua những năm tháng đó, và cuộc hành trình tôi đã chọn giúp tôi tìm được sự thanh thản, để có thể bỏ lại đằng sau tất cả những gì đã xảy ra cho tôi và gia đình tôi. Dấu mốc đó giúp tôi hoàn tất vòng trầm luân của mình. Tôi đã đến được điểm cuối của cuộc hành trình ở thế giới bên ngoài cũng như cuộc hành trình nội tâm, để về lại với quê hương ban đầu của mình.
Bạn bè, đồng nghiệp, đệ tử của tôi đã nhiều lần yêu cầu tôi viết hồi ký. Tôi luôn từ chối, vì nghĩ đã là tăng ni thì phải lo thuyết giảng giáo lý của Đức Phật, không nên lo nói về mình.
Nhưng cuối cùng tôi đã chấp thuận. Tôi đã để họ thuyết phục tôi rằng biết đâu chính câu chuyện đời tôi có thể là một động lực thúc đẩy người khác đi theo con đường tôi đã đi. Không kể những hoàn cảnh ngoại lệ, đây chỉ là câu chuyện của một phụ nữ bình thường, sống bao nhiêu năm trong thế giới trần lao tầm thường, nhưng đến một ngày, người phụ nữ đó đã thoát ra được, để tiến lên một đời sống cao cả hơn.
Cuộc đời của tôi đầy những phiêu lưu bất ngờ. Nhưng những điều đó không do tôi chọn lựa.Hồi tưởng lại, tôi nhận thấy mình chẳng có quyền lực gì đối với tất cả những gì đã xảy ra. Tất cả mọi việc đều đã được sắp đặt cho tôi, tôi chỉ tuân theo dòng chảy.
Trong cuộc đời này, tôi đã đóng rất nhiều vai trò: tôi đã từng là một cô bé rất được nuông chiều, che chở; một cô gái nhút nhát nơi xứ lạ quê người; một thiếu nữ cô đơn trên chuyến tàu hàng đến Thượng Hải; tôi đã từng làm vợ, làm mẹ, làm người du lịch khắp năm châu, làm nhà nông, và cuối cùng là một nữ tu sĩ Phật giáo.
Đã có khoảng thời gian tôi sống phong lưu trong một ngôi nhà thuộc ngoại thành, ở tiểu bang California với vườn tược, nhà để xe và cả máy rửa chén trong bếp.
Rồi có lúc, tôi chu du khắp quả địa cầu: Bắc Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Kashmir, Hunza. Đó là khoảng thời gian tôi đang đi tìm một cái gì đó mà chính tôi cũng không biết, và tôi cũng không biết rằng mãi mãi về sau tôi mới tìm được.
Tôi đi làm ở một ngân hàng ở Los Angeles, nhưng lại có nông trại ở Úc, nơi chúng tôi nuôi loại ngựa Shetland. Theo tôi, một chú ngựa con Shetland mới sinh, hơi lớn hơn con chó một ít, là con vật dễ thương nhất thế giới.
Tất cả giờ đã qua; đã là quá khứ, và chỉ còn trong kỷ niệm. Có lẽ những sự đổi thay, mất mát này đã giúp tôi thấy sự cần thiết của xả ly. Đối với tôi, biểu tượng sống động nhất của việc xả ly là cắt bỏ mái tóc của mình, mười tám năm về trước khi tôi quyết định trở thành người tu. Mái tóc dầy, thướt tha, đen bóng đó đã được cạo láng đến tận da đầu. Theo truyền thống Nguyên thủy, tôi cầm nắm tóc trong tay, suy gẫm về tính huyễn hóa của thân. Sau đó tôi bỏ nắm tóc đi không thương tiếc, thật ra tôi còn cảm thấy nhẹ nhỏm là khác. Bớt đi một thứ để bám víu.
Giờ tôi xin bắt đầu câu chuyện của đời tôi, mà tôi gọi là Quà Tặng Cuộc Đời (I Give You My Life), vì tôi có cảm tưởng mình đang gửi gắm tâm sự riêng tư đến với từng người đọc. Tôi hy vọng là bạn cũng sẽ đọc nó với một tấm lòng.
Mỗi chương được bắt đầu bằng những vần thơ mà tôi nghĩ là có thể minh hoạ cho giai đoạn đó của đời tôi. Những vần thơ được lấy từ Kinh Pháp Cú (Dhammapada), là một tổng hợp các câu kệ của Đức Phật giáo huấn chúng sanh. Những lời nói đầy trí tuệ này đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều.
Tôi muốn câu chuyện đời tôi sẽ là món quà từ trái tim gửi đến cho bạn đọc.
Tháng 3, 1997
Ayya Khema
Buddha-Haus, Allgau
-ooOoo-
Chương 2
Thời Thơ Ấu ở Bá Linh
Chẳng phải nhờ cha mẹ
Hay thân bằng quyến thuộc
Nhưng chính tâm hướng thiện
Giúp ta tốt hơn lên.
— Kinh Pháp Cú – 43
Tôi sinh ngày 25, tháng 8, 1923. Cha mẹ tôi, Theodor Kussel và Lizzi Rosenthal, đã đặt tên tôi là Ilse. Theo tử vi phương tây, tôi là một Virgo (Trinh Nữ). Tuy nhiên qua năm tháng, những đặc tính của Trinh Nữ (Virgo) -tận tụy, chăm chỉ, hiểu biết- đã chuyển đổi thành những đặc tính háo thắng của Sư Tử (Leo). Tôi đã biến thành một con sư tử (Leo).
Thế giới thượng lưu tôi đã được sinh vào, ngày hôm nay không còn nữa. Chúng tôi từng sống trong một ngôi nhà có mười hai phòng gần một sở thú -một khu vực dân cư đẹp nhất ở tây Bá Linh. Chúng tôi có người nấu ăn, có kẻ giúp việc, một bảo mẫu và một anh tài xế lái xe đưa tôi đi học. Các bữa ăn thường được cô giúp việc mặc áo đen, choàng yếm (apron) trắng, có cột dây ở phía sau, dọn lên. Vách tường được lót giấy hoa, ghế bọc nhung, sàn trải thảm Ba Tư, các bộ trà đều bằng bạc. Mỗi ba tháng, một toán thợ lại đến nhà để lau chùi các bóng đèn thủy tinh.
Tôi kể cho các bạn nghe những điều này vì một hoàn cảnh sống như thế đã tạo cho tôi ảo tưởng là không có gì bất hạnh sẽ có thể xảy ra cho tôi: “Tất cả mọi thứ đều được đảm bảo; thế giới đầy yên ổn, tươi đẹp”. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác này rất rõ. Nhưng chẳng lâu sau đó, tôi biết tất cả chỉ là hư ảo.
Cha tôi là một nhà bán chứng khoán ở thị trường chứng khoán Bá Linh. Ở đó chỉ có bảy nhà chứng khoán tự định ra giá cả của các cổ phần dựa vào cung cầu, do đó họ rất có ảnh hưởng.Đó là một dịch vụ dân sự. Có lần tôi hỏi cha: “Cha, gia đình mình có giàu không?” Ông trả lời tôi, “Rất khá, có thể nói là giàu”.
Một ngày kia, cha đặt tôi ngồi lên gối của người và nói với dáng buồn bả: “Con cưng ơi, nhưng gia đình ta là người Do Thái”. Tôi hỏi ông, “Điều đó có gì xấu không?” Ông trả lời: “Bình thường thì không sao, nhưng hiện tại thì không hay”. Đó là lần đầu tiên tôi được biết rằng chúng tôi là người Do Thái, một điều rất đặc biệt. Vì cho đến lúc đó, không có ai nói gì về đạo Do Thái trong gia đình tôi. Cha mẹ tôi là những người được coi là cấp tiến. Những người Do Thái cấp tiến không quan tâm lắm về các truyền thống của người Do Thái chính thống. Họ đã hoàn toàn hòa nhập vào môi trường quanh họ, đã không khác gì mọi người chung quanh. Có người còn rửa tội, biến thành người Kitô giáo hay Tin lành. Riêng gia đình tôi, chúng tôi không đi xa đến thế, có lẽ vì cha mẹ tôi không coi tôn giáo là quan trọng.
Cha mẹ tôi tự coi mình là người Đức. Cha tôi đã nhận được huân chương anh dũng bội tinh trong thế chiến thứ I, và ông rất hãnh diện về điều đó. Ông đã nói với tôi rằng ngài Frederick Vĩ đại của Prussia đã dẫn dắt người Do Thái ra khỏi chốn tối tăm. Họ muốn sống đâu cũng được. Như thế, có nghĩa là mọi người có quyền theo đuổi hạnh phúc riêng của mình. Có thể đó là lý do tại sao người Do Thái quá sốt sắng để hoà nhập vào tầng lớp thượng lưu. Họ rất trung thành với xứ sở, đó là cách bày tỏ lòng biết ơn của họ.
Tôi còn nhớ rất rõ cha tôi thường nói, thật là hạnh phúc được sống an ổn trong một xứ sở như nước Đức. Có lẽ đó là lúc tôi còn rất nhỏ khi ông nói những lời này, vì chẳng bao lâu sau đó, mọi việc đều đổi thay, hoàn toàn đổi thay.
Ông ngoại tôi có một tiệm bán quần áo trẻ con ở Bá Linh, trên góc đường Rankestrasse – Taurentzienstrasse, đối diện với nhà thờ Kaiser Wilhelm, mà nay là đài tưởng niệm hoà bình, vì một phần của nhà thờ còn lại sau trận bom được coi là chứng tích của chiến tranh.
Năm ngoái, sau bao tháng năm, tôi trở lại thăm Bá Linh lần đầu tiên, tôi đã đi tìm ngôi nhà đó. Nhưng nó không còn nữa. Tôi cũng không thể tìm ra ngôi nhà tôi đã từng sống với cha mẹ. Có thể nói, thời thơ ấu của tôi đã bị xóa đi, không để lại dấu tích gì. Không còn gì để tôi trở lại nữa. Không còn mồ mả ông bà. Có lẽ vì thế mà hình ảnh đứa bé gái trong những bức hình tôi tìm lại được có vẻ xa lạ quá. Đó là một đứa trẻ bụ bẫm với gương mặt tròn trịa -với đôi gò má hồng hào, tôi còn nhớ như thế. Tôi vẫn còn nhớ như thế cho đến ngày hôm nay.
Trước cửa tiệm bán quần áo trẻ con Jakob Rosenthal có bến xe ngựa. Mỗi thứ bảy, ông tôi thường đưa tôi đến sở thú trong những cổ xe ngựa như thế. Ở sở thú, họ thường đem các con thú ra biểu diễn cho trẻ em xem. Nếu muốn, trẻ em có thể cưỡi các con thú này. Tôi hay chọn cưỡi voi (vì tôi thấy rất thích khi được ngồi trên cao chót vót, lúc la lúc lắc như đang trên tàu ra biển), đôi khi tôi chọn cưỡi dê. Cũng rất vui. Ngoài ra, ở sở thú người ta còn bày ra những cái máy bỏ tiền vào thì mua được một viên kẹo. Sau khi ra khỏi sở thú, ông cháu tôi ra về cũng trên các cổ xe ngựa đó. Những buổi chiều thứ bảy được đi chơi với ông đối với tôi thật hạnh phúc. Mẹ tôi là con gái duy nhất của ông, nên ông cũng chỉ có tôi là cháu. Ông rất thương tôi và tôi cũng rất thương ông.
Trong tiệm của ông, ở bàn làm việc, loại bàn thật cao, có tấm biển đề: “Không cần biết bạn đã làm gì, nhưng bạn đã sai”. Có lần tôi hỏi ông câu đó hàm ý gì. Ông trả lời: “Có nghĩa là ta không thể làm vừa ý hết mọi người”.
Ông tôi là người vui vẻ, yêu đời. Khi ông mất, thế giới của tôi lần đầu tiên bị xáo trộn. Hôm ấy tôi đến nhà ông bà ăn trưa như mọi ngày chủ nhật khác. Sau buổi ăn, ông đi nằm và không bao giờ trở dậy nữa. Người ta bảo với tôi là ông đã đi ngủ. Bà tôi không thể chịu đựng nổi sự mất mát đó. Hai năm sau bà cũng ra đi.
Sau này chúng tôi nói, “Thật may”. Thật may là sự ra đi của ông đã xảy ra đúng lúc. Năm ông tôi mất là năm 1933, khi tôi vừa được mười tuổi.
Tôi tiếp tục sống trong ảo tưởng về một thế giới an toàn một thời gian nữa. Nếu cha mẹ tôi có điều lo lắng, họ không bao giờ nói trước mặt tôi. Tôi theo học trường tư và sau đó vào trường trung học tiểu bang Augusta Lyceum. Tôi vẫn thường tổ chức sinh nhật của mình với bè bạn, và cô đầu bếp, Flora Brambor, vẫn là chủ trong nhà bếp. Tôi thường trêu ghẹo bằng cách gọi chệch tên cô vì cô không bao giờ cho tôi bước chân vào ‘vương quốc’ của cô.
Thế vận hội Olympics năm 1936, đó là lần đầu tiên tôi được thấy Adolf Hitler tận mặt. Cha tôi có vé cho mọi chương trình biểu diễn ở sân vận động Olympics. Khi cha không có thì giờ đi, tôi thường thế chỗ cha. Đó là một chỗ ngồi rất tốt, không xa mấy chỗ của Hitler.
Dầu tôi đã quên rất nhiều thứ trong thời thơ ấu, tôi vẫn không thể quên được buổi chiều hôm ấy. Nhất là tôi không thể quên được những âm thanh vang dội bên tai khi hàng ngàn người đồng thanh hô lên: “Heil Hitler!” (Chào Hitler!). Mọi người đều đứng dậy, vung cao tay trong không khí. Chỉ có tôi ngồi yên trên ghế. Vì là người Do Thái, tôi không được quyền chào ông. Đồng thời tôi cũng cảm thấy sợ hãi khi nghĩ rằng người ta có thể kéo lôi tôi ra khỏi ghế vì đã không tôn trọng Hitler. Cũng may tôi chỉ là đứa trẻ, nên không ai để ý đến tôi.
Adolf Hitler đứng lên chào đám đông, rồi tuyên bố vài lời vào cái loa. Cách ông ta phát biểu, dằn từng tiếng, và giọng nói hùng hồn làm tôi càng thêm sợ hãi. Tôi cảm thấy một mối đe dọa trùm phủ cả người tôi.
Sau thế vận hội Olympics, chính sách của chính phủ đối với người Do Thái càng ngày càng trở nên khắt khe. Người Do Thái không còn được giữ chức vụ dân sự nữa, vì thế cha tôi không còn được làm ở thị trường chứng khoán. Lúc đầu, ông vẫn được tiếp tục làm việc với tính cách là người thầu độc lập, nhưng tiền thu nhập đã giảm rất đáng kể.
Chúng tôi phải dọn đến một căn hộ nhỏ hơn, phải bán xe và cho người tài xế thôi việc. Thêm nữa, người Do Thái không được mướn người không phải là Do Thái. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải cho cô đầu bếp và cô giúp việc nghỉ làm. Tiếp đến, trẻ em Do Thái không được đi học cùng trường với trẻ khác. Nên tôi phải chuyển qua trường Do Thái được thành lập để chữa cháy cho hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ.
Thành thật mà nói, việc đổi trường đối với tôi không quan trọng. Nhưng điều quan trọng mà tất cả bà con, bạn bè chúng tôi nói đến là di dân. Đó là đề tài nóng sốt hơn là chuyện học hành: chúng tôi có phải dọn đi nơi khác không, nếu có, chúng tôi sẽ đi đâu? Đến Czech, nơi dượng Leo của tôi đang sống hay đi đâu?
Dượng tôi, Leo Kestenberg, cưới em của ba tôi. Dượng là Bộ trưởng về Giáo dục Am nhạc Czech, có nghĩa dượng là công chức của chính phủ, và giờ cũng vì những lý do tương tự, dượng đã bị mất chức. Dượng đã từng là thầy dạy piano cho Yehudi Menuhin, và cũng dự tính dạy tôi đàn. Có lần khi chúng tôi đến viếng thăm dượng, dượng đã đánh piano một bản nhạc để tặng tôi. Lúc đó đáng lý ra tôi phải tập đánh theo dượng, nhưng tôi không làm được.Nên dượng cho là tôi bị điếc âm thanh, không học được đàn piano được.
Czech cũng không phải là một lựa chọn tốt -vì như chúng ta đều biết, không lâu sau bọn Đức quốc xã lại lần đến đó. Dượng Leo chạy thoát qua được Do Thái cùng với gia đình. Ở đó dượng thành lập dàn nhạc Người Do Thái Yêu Am Nhạc (Israeli Philharmonic Orchestra). Dượng, mợ Grete và các con là một trong số ít những thân nhân của tôi đã thoát khỏi cuộc tàn sát người Do Thái.
Cha tôi đã có suy nghĩ sai lầm là Hitler sẽ không thể tồn tại lâu ở Đức với chính sách tàn sát người Do Thái như thế. Cha cho rằng một dân tộc đã sản sinh ra những Goethe, Schiller, Kant và Nietzche, Bach, Beethoven -là những người cực kỳ tài hoa, trí tuệ- dân tộc đó sẽ không cho phép bất cứ chính phủ nào đưa nó đến những hành động dã man như thế. Và cha tôi cũng không phải là người duy nhất suy nghĩ như thế. Có rất nhiều người cũng nói: “Dĩ nhiên đó chỉ là những tin đồn phóng đại. Chúng ta sẽ ở lại; dầu gì đi nữa đây cũng là quê hương của chúng ta; tóm lại, tất cả chúng ta đều là dân Đức”.
Sau đó là đến cái gọi là thuế dành cho người Do Thái. Theo luật thì đây là một loại thuế mà người Do Thái phải trả cho nhà nước. Thực tế đây là một hình thức để chiếm đoạt tài sản của người Do Thái. Tôi cũng đi với cha đến văn phòng của Bộ tài chánh. Khi ra khỏi phòng, cha bật khóc. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cha khóc. Ngay lúc đó cảm giác an toàn của tôi lần đầu và mãi mãi đổ vỡ. Từ đó trở đi tôi biết rằng thế giới không phải là chỗ lúc nào cũng an toàn, vững chắc. Tôi đã ráng hết sức mình an ủi cha tôi, tôi còn nhớ rõ ràng như thế. Nhưng tôi cảm thấy mình quá bất lực, và cha tôi cũng thế.
Cuối cùng chúng tôi cũng phải trả nhà, và dọn vào ở với cô Wally. Cô là em của cha, và lập gia đình với một người Kitô giáo. Ngay khi đạo luật về người Do Thái ra đời, chồng cô đã bỏ ra đi. Chúng tôi sống ở đó cho đến một ngày, người bảo vệ đứng từ dưới thang lầu hét lên cho chúng tôi biết. Có một toán người đi ủng đang tiến về phía cầu thang, có lẽ họ là những tên chuyên săn lùng người Do Thái. Vì chúng tôi là người Do Thái duy nhất trong tòa nhà đó, chúng tôi có thể dễ dàng đoán ra họ đang đi tìm kiếm ai. Cha tôi chạy ra thang lầu phía sau, và nhảy qua hai mái nhà đến chỗ dì Lieschen. Dì là em của mẹ. Cha đã ẩn náu ở đó.
Một ngày sau Kristallnacht, khi khắp nơi trên đất nước, các nhà thờ của người Do Thái bị phóng hỏa, các cửa hàng Do Thái bị cướp phá, tôi tình cờ đi ngang qua một nhà thờ đang bị đốt ở Fasanenstrasse. Tôi không quan tâm về tôn giáo mấy, nhưng tôi biết ngã tư và khu phố đó. Một đám đông người vứt các kinh thánh vào lửa. Một vài người Do Thái bị bắt buộc chứng kiến đã oà khóc. Đó là một kinh nghiệm khủng khiếp, một cú sốc đối với tôi. Khi về được đến nhà, mặt tôi tái nhợt; đôi má không còn hồng hào nữa.
Giờ thì rõ ràng rồi -chúng tôi phải trốn đi thôi. Nhưng dường như đã quá trễ. Cha tôi mua được một thông hành đi Uruguay, nhưng đó là thông hành giả. Khi người ta điêu đứng, có bao nhiêu cách để làm tiền người ta. Điều đó đúng lúc bấy giờ, và đúng cho cả bây giờ.
Trung Hoa là nước duy nhất tiếp nhận người Do Thái mà không cần đòi hỏi thông hành. Vì thế cha tôi mua hai vé tàu, một cho cha, và một cho mẹ, trên chuyến tàu đi từ Trieste đến Thượng Hải ở trạm Triestino của thành phố Lloyd. Mỗi vé tốn mười ngàn mác. Cái giá khủng khiếp đó, gần như ngốn hết tất cả những gì chúng tôi còn lại sau khi chịu thuế đánh vào người Do Thái. Cha đã thu xếp để tôi đi theo một đoàn thiếu nhi di tản qua Anh quốc, nơi một người cậu tôi đang sống. Theo ý của cha mẹ tôi, Anh quốc dầu gì cũng an toàn cho một đứa con gái mười lăm tuổi như tôi hơn là hải cảng Thượng Hải tăm tiếng.
Tôi đưa cha mẹ ra ga để đi Trieste. Khi mẹ tôi vừa lên đến được toa xe, bà đã ngất xỉu. Tôi đứng bên ngoài toa xe; cha tôi vẩy vẩy tay chào bên cửa sổ. Tôi ước mình cũng có thể ngất đi được vì sợ hãi khi phải ở lại Bá Linh một mình.
Cô Wally còn ở lại với tôi. Cô quan tâm lo lắng cho tôi đến cảm động. Một ít bạn bè của tôi cũng còn ở lại. Nhưng cũng còn đó nỗi sợ hãi -tôi sẽ phải làm gì nếu Đức quốc xã đến bắt tôi? Lúc đó tôi chưa biết gì đến các trại tập trung, cũng như những gì đang xảy ra trong các trại đó. Tôi chỉ biết sợ hãi một cách chung chung. Từ lúc chứng kiến cảnh đốt phá nhà thờ, tôi chỉ có cảm giác là tương lai rất mờ mịt, khủng khiếp. Mỗi ngày qua, niềm sợ hãi, âu lo dường như tăng trưởng thêm.
Kiếm một chuyện gì đó để làm cho khuây khỏa, tôi bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha ở một trường sinh ngữ.
Vào tháng 4, 1939, cuối cùng tôi nhận được tin từ một tổ chức Cộng đồng Do Thái ở Bá Linh rằng đã có chỗ cho tôi trong đoàn trẻ em được di tản. Tôi xếp theo ít đồ -mấy cái áo, ít sách thiếu nhi mà tôi thích. Một túi đeo vai, và một valise nhỏ là tất cả hành lý tôi được quyền mang theo. Không được mang theo tiền, vàng bạc, nữ trang -không được mang thứ gì có giá trị. Bằng cách đó chín mươi ngàn đứa trẻ đã được cứu sống, trong khi chín mươi ngàn đứa khác bị giết đi.
Lần nữa tôi lại ra ga, lại có con tàu chờ đợi. Chúng tôi sẽ được chở đến thành phố Hamburg trước. Rồi từ đó lên thuyền đi Dover. Tôi là đứa lớn nhất trong số hai trăm đứa trẻ trèo lên tàu với túi đeo lưng và valise xách tay. Và tôi là đứa duy nhất phải bị cảnh sát khám xét người.
oo0oo
Chương 3
Cuộc Sống Tha Hương
Các hành đều vô thường
Ai biết được điều đó với trí tuệ
Sẽ thoát khỏi bao khổ đau.
— Kinh Pháp Cú – 277
Cả cuộc đời, tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn bằng lúc đi trên chuyến tàu từ Bá Linh đến Hamburg. Tôi cảm thấy như cả thế giới bỏ rơi chúng tôi. Tất cả phó mặc chúng tôi cho số mệnh dung rủi. Tôi đã không khóc được; tất cả trong tôi như đông cứng một nỗi hãi sợ. Nhưng tôi còn gì để mất nữa chứ, tôi đã mất: mái ấm của cha mẹ, gia đình, quê hương. Tôi hoàn toàn không biết điều gì sẽ xảy ra cho tôi trong tương lai.
Có được một quê hương là điều khiến người ta cảm thấy gắn bó, bảo bọc. Nhưng kể từ đó, tôi không bao giờ cảm thấy đâu là nhà nữa. Sự quen thuộc, ấm áp, tin cậy -tất cả chỉ còn là những tình cảm của quá khứ. Tất cả tôi đã bỏ lại với Bá Linh, mãi mãi. Tôi đã nói hiện giờ tôi sống rất thanh thản ở Allgau. Đó là sự thật, nhưng bất cứ lúc nào tôi cũng có thể sẳn sàng khăn gói lên đường, đến sống ở một nơi nào khác, bất cứ nơi nào trên thế giới.
Ý nghĩ có một cái gì thuộc về ‘của tôi’ không còn nữa trong tôi -như quê tôi, nhà tôi, tài sản của tôi. Tôi không bao giờ còn nghĩ có cái gì đó thuộc về mình hay mình thuộc về cái gì đó.Hôm nay tôi nói những lời này không hối tiếc, vì đó là tình cảm chân thật từ đáy lòng tôi. Đức Phật, chắc chắn, đã dạy con người từ bỏ mọi sở hữu, nhưng tôi đã biết đến tình cảm này trước đó rất lâu, trước khi tôi biết chút gì về Phật giáo.
Chúng tôi đến Anh trên một chiếc tàu chiến của Đức với thủy thủ đoàn người Đức. Các thủy thu rõ ràng là rất tội nghiệp lũ trẻ. Họ rat tử tế với chúng tôi, dẫn chúng tôi đi xem cả chiến thuyền từ phòng chiếu bóng xuống đến ham máy, bất cứ thứ gì để dỗ nín chúng tôi. Họ trang trí phòng ăn bằng các giấy màu, và còn có cả kem để cho chúng tôi tráng miệng. Nhưng vô ích đối với những em còn quá nhỏ. Chúng không chịu ăn gì cả, và luôn khóc đòi cha mẹ. Trong cabin của chúng tôi, có khoảng sáu đứa trẻ. Mỗi đêm đều có một người thủy thủ đến kể chuyện cổ tích, chuyện thần thoại cho đến khi chúng tôi thiếp ngủ. Tôi sẽ không bao giờ quên lòng từ ái của các thủy thủ này đối với chúng tôi. Nhưng dưới mắt của chính phủ họ, chúng tôi chỉ là một loài bẩn thỉu.
Đến Dover, chúng tôi lại lên tàu hỏa đi Luân Đôn, nơi chúng tôi được một phái đoàn Do Thái đón tiếp. Họ gồm khoảng ba mươi phụ nữ đứng ở những chiếc bàn dài, với nước chanh, bánh ngọt, bánh mì. Họ đọc tên chúng tôi cùng với một địa danh: “Kussel, Ilse – Glasgow”.
Thế là tôi phải đến Glasgow với hai em bé gái nữa. Một phụ nữ nói tiếng Anh dẫn chúng tôi lên tàu. Bà còn cho tôi ít tiền bỏ theo người, một hay hai bảng Anh gì đó, với một túi đồ ăn.
Tôi không nói được tiếng Anh trừ chào buổi sáng, buổi chiều, xin vui lòng và cảm ơn, mà ở đây thì không có ai nói tiếng Đức. Tôi tự hối là đã không học tiếng Anh thay vì tiếng Tây Ban Nha ở trường sinh ngữ Bá Linh. Hơn thế nữa, tôi hoàn toàn không hình dung nỗi Glasgow ở đâu, dầu đó là thành phố lớn nhất nước Tô Cách Lan. Ở mỗi trạm xe lửa, tôi đều nhìn qua cửa sổ để xem có phải là Glasgow không. Mỗi lần như thế tôi đều thấy tấm biển đề: “Players please”. Đó là tên loại thuốc lá nổi tiếng nhất ở Anh, nhưng dĩ nhiên là lúc đó tôi không biết. Tôi chỉ thấy ngạc nhiên sao thành phố nào cũng gọi là: “Players please”.
Trên các toa xe rất lạnh, và trời tối nhanh, nhưng xe lửa cứ đi tới, đi tới. Rồi một người soát vé đến chỗ chúng tôi. “Glasgow?”, tôi hỏi ông. Ông ráng giải thích để tôi hiểu rằng Glasgow là trạm cuối cùng. Ngay sau đó mắt tôi ríu lại, vì tôi hiểu rằng khi nào tàu còn chạy, chúng tôi còn có thể ngồi yên một chỗ.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến trạm cuối cùng. Gia đình người bảo trợ đón chúng tôi ở sân ga.Hai vợ chồng và bảy đứa con. Họ không nói được tiếng Đức nào, họ nói tiếng Yiddish. Vì Yiddish là tiếng địa phương dựa trên tiếng Đức, nên gia đình này nghĩ là tôi phải biết Yiddish. Yiddish thường được sử dụng trong các gia đình theo đạo Do Thái chính thống, nhưng như tôi đã giải thích, gia đình tôi không theo Do Thái chính thống.
Gia đình người bảo trợ tôi đến từ Do Thái-Nga. Việc tôi không thể nói cùng thứ tiếng với họ là một điều bất hạnh, dầu nhỏ. Vấn đề nằm ở một điểm khác. Họ đã ký tên bảo lãnh tôi vì họ cần người đỡ việc cho người mẹ với bảy đứa con trong gia đình. Nhưng thực tế là họ đã chọn phải một người hoàn toàn không thích hợp với công việc này. Cũng do cô đầu bếp ở nhà tôi lúc trước không cho tôi được bước chân vào bếp, mà tôi không biết nước sôi là như thế nào. Tôi phải thay các áo gối, nhưng tôi cũng chưa từng làm việc đó trong đời. Tôi phải coi và nhóm bếp lửa ngoài trời, mà tôi không biết cần phải có giấy, người ta mới nhóm được lửa.
Người vợ càng ngày càng khó chịu với tôi, nhưng ông chồng thì nói: “Thôi bỏ đi, dầu gì nó cũng chỉ là một đứa trẻ”. Họ nói bằng tiếng Yiddish, nghĩ rằng tôi không biết nói thì không thể hiểu được. Nhưng tôi hiểu được vì rất giống tiếng Đức.
Nhưng ở trường thì tôi không hiểu được chữ nào. Vì thế, nơi tôi học tiếng Anh là những rạp chiếu bóng. Vé rẻ nhất là sáu pence (tiền xu của Anh), và tôi có thể mua được vé với số tiền ít ỏi của mình. Sau ba tháng, tôi nói tiếng Anh lưu loát, vậy ra đi coi hát cũng có ích chứ.
Có khả năng hiểu hết mọi thứ cũng không phải hoàn toàn có lợi. Có lần một cô bạn mời tôi đến dự tiệc sinh nhật ở nhà cô, tôi hiểu rất rõ khi mẹ cô nói: “Con nhỏ di dân kia đừng hòng bước chân vào nhà tao!”. Nhưng đó không phải là sự kỳ thị duy nhất đối với tôi. Một bạn trai định mời tôi đi dự tiệc khiêu vũ ở trường đại học. Lúc bấy giờ, tôi đã mười sáu tuổi, và đã trở thành một cô gái không đến nỗi xấu xí. Mẹ của anh ta ta nói: “Bao nhiêu người, sao con lại chọn cô bé người nước ngoài này?” Anh trả lời: “Cô ta khác gì với mấy cô gái kia đâu?”
Điều khác biệt giữa tôi và các cô gái khác có thể nói gọn bằng một câu: Tôi bất hạnh. Tôi không thuộc vào thế giới mà tôi bị đẩy vào này. Tất cả mọi thứ đều lạnh lùng, xa lạ, không chỉ nói về con người mà cả thời tiết cũng thế, lạnh và ẩm ướt. Nhưng tôi có rất nhiều nghị lực, nên đã quyết định như đinh đóng cột -tôi sẽ cố gắng thêm một năm nữa xem sao, nhưng từ giờ cho đến lúc đó, phải chấp nhận tất cả không than vãn.
Năm tháng qua đi, giữa năm đó, chiến tranh bùng nổ. Tôi viết thư cho cha ở Thượng Hải, kể cho ông nghe hoàn cảnh tôi khổ sở thế nào. Tôi viết, “Con muốn được ở cạnh cha mẹ”.
Thời gian dần trôi, cuối cùng mùa hè năm 1940, câu trả lời đã đến. Trái bom Đức đầu tiên đã nổ ở gần Edinburgh. Cha tôi trả lời thư: “Nếu con không được thoải mái, thì hãy đến đây”.Lúc đó cha mẹ tôi đã có được một căn hộ ở Thượng Hải. Cha tôi đã mở một tiệm quần áo may sẵn, khá phát đạt. Quần áo may sẵn ở Trung Hoa lúc đó là một điều mới lạ. Trừ việc cha mẹ tôi phải sống ở một nơi không được sầm uất, mọi thứ khác đều ổn thỏa.
Đáng lý cậu tôi ở Luân Đôn phải mua vé đi tàu thủy cho tôi, nhưng chờ mãi không thấy. Cuối cùng vào tháng 11 năm 1940, tôi mới được vé. Tôi báo cho gia đình bảo trợ là tôi muốn đi thăm cha mẹ. Nhưng họ hiểu là tôi muốn bỏ ra đi. Có lẽ họ cũng mừng tôi ra đi, nhưng họ không nói gì.
Cậu tôi, người mà tôi chưa gặp bao giờ, gửi cho tôi vé xe buýt đi từ Glasgow đến Luân Đôn.Đến Luân Đôn, cậu lại đi lo các giấy tờ cần thiết cho chuyến đi của tôi. Cuối cùng, tôi là người không có quê hương, vì người Đức đã lấy lại thông hành Đức tịch của tôi.
Tôi còn nhớ rất rõ: Đó là vào buổi chiều khi tôi từ giã gia đình người bảo trợ ở Glasgow. Họ không hề hỏi tôi: “Con có tiền mang theo mình không?” Một mình tôi đi bộ trong bóng tối ra trạm xe buýt, lưng đeo túi vải, tay mang valise nhỏ mà tôi đã mang đến. Khi cánh cửa nhà đóng sập lại sau lưng, tôi cảm thấy hoàn toàn lạc lỏng -một kẻ không ai trông đợi, không tiền, không một giấy tờ tùy thân, cô đơn giữa những người xa lạ trong một xứ sở xa lạ.
Ngày nay nhìn lại tôi thấy là tôi đã không làm vừa lòng gia đình người bảo trợ. Tôi không vừa lòng về họ, và họ cũng không vừa lòng về tôi. Vài năm trước đây, tôi đã tìm lại địa chỉ của Mimmie, đứa con gái trong gia đình mà tôi thân thiết nhất. Tôi viết thư cho cô, cảm ơn cô và gia đình. Dầu gì, nếu họ không tiếp nhận tôi, tôi đã chết như chín mươi ngàn đứa trẻ khác ở Bá Linh. Từ đó, chúng tôi trao đổi thư từ. Cô thấy cuộc đời tôi cũng khá thú vị.
Chuyến đi mười hai tiếng từ Glasgow đến Luân Đôn thật là khủng khiếp đối với tôi, vì tôi quá đói. Các hành khách khác cứ chốc chốc lại xuống các trạm dọc theo đường đi để mua thức ăn. Nhưng tôi không có một xu ten. Khi đến Luân Đôn tôi phải xin một người xa lạ tiền để gọi điện thoại. Giờ, tôi mới biết đó cũng là một hình thức ăn xin. Anh ta cho tôi chút đỉnh, không nhiều.
Điều đó gợi tôi nhớ lại một việc đã xảy ra khi tôi còn là một cô bé được yêu thương, chiều chuộng. Tôi đi với cha đến sở thú. Chúng tôi đi qua Cổng Voi, nơi có một người ăn xin đang ngồi. Tôi nhìn thấy ông rõ ràng trước mắt tôi. Ơng chỉ còn một chân và giữ một chiếc hộp nhỏ trên đùi, trong đựng bút chì để bán. Cha tôi đặt một đồng xu lên chiếc hộp, và tôi đã nghĩ: Đó cũng có thể là tôi. Điều đó cũng có thể xảy ra cho tôi. Tôi có thể là người ăn xin ngồi đó, xin tiền thiên hạ. Có lẽ tôi là một cô bé ngoan ngoãn, nên tôi chưa đến nỗi phải làm thế.
Lúc đó, tôi được năm tuổi, chưa biết gì về tôn giáo, và dĩ nhiên là không biết tí gì về Phật giáo. Nhưng điều mà tôi cảm nhận được một cách trực giác là nghiệp lực, nhân quả, mà mãi sau này tôi mới biết tên gọi. Hành động ác sẽ mang lại nghiệp ác. Nếu bạn làm điều xấu, chuyện xấu sẽ xảy ra cho bạn, giống như người ăn xin kia. Lạ lùng là cuộc gặp gỡ đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi.
Cậu tôi là một luật sư ở Luân Đôn. Cậu đã di tản khỏi Đức rất sớm từ những năm 1933, ra là cậu có cái nhìn rộng rãi hơn cha tôi. Cậu không sống ngay tại Luân Đôn, nhưng ở gần đó.Cậu hướng dẫn qua điện thoại cho tôi đường đến nhà cậu; cậu sẽ trả tiền tàu hỏa khi tôi đến nơi. Đó là một buổi sáng ảm đạm, và tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Mọi chuyện lớn, nhỏ trong đời tôi hình như luôn đầy khó khăn. Giống như không dễ dàng gì để giải thích với nhân viên hỏa xa là vé của tôi sẽ được trả khi tôi đến trạm dừng. Không có gì dễ dàng, không có gì xảy ra mà không đòi hỏi ta phải cố gắng. Tôi chưa quen được điều đó.
Cậu tôi đứng đón ở sân ga. Người soát vé được cậu cho tiền bồi dưỡng, và đó là lần đầu tiên tôi có cảm giác được đón chờ. Thật là một cảm giác sung sướng.
Tôi ở với cậu và em họ tôi, Steffi, vài ngày. Cậu tôi đã lo được giấy chứng minh tạm trú cho tôi ở một văn phòng chuyên lo thủ tục cho người nước ngoài. Cậu đưa cho tôi một ống điếu bằng vàng, và một vài vật có giá trị cho cha tôi. Rồi tôi lại một mình lên xe lửa. Đó là vào tháng mười hai. Tháng tám vừa qua, tôi được mười bảy tuổi.
Tàu đậu ở bến cảng Liverpool. Khi nhìn thấy nó, tôi bỗng sợ. Đó không phải là con tàu người ta cảm thấy thoải mái để đi trên đó vượt qua đại dương. Nó giống như mấy chiếc tàu sắp bị đắm trong các phim cướp biển: Rĩ sắt, hoen ố. Người ta gọi nó là Haruna Maru. Trên boong tàu, một lá cờ Nhật Bản bay phất phới. Châu Au đang có chiến tranh. Không còn chiếc tàu nào dành chở dân sự.
Con tàu Haruna Maru nặng mười ngàn tấn, khá nhỏ. Trên thuyền đầy các thủy thủ Nhật Bản.Rất nhiều các bao tải, các thùng được mang lên tàu. Nhưng chỉ có mười hai hành khách -một vị truyền giáo người Anh, hai thương nhân người Pakistan và một bác sĩ người An. Trên chuyến đi, vị bác sĩ đã ngỏ lời cầu hôn với tôi. Tôi là người phụ nữ trẻ duy nhất trên tàu. Thật khó để nói cho ông ta biết lúc bấy giờ tôi không hề nghĩ đến chuyện hôn nhân.
Tôi nhớ, cuộc hành trình là một chuyến đi đầy khủng khiếp mà lãng mạn. Tôi chưa từng đi biển bao giờ. Thật là một cảm giác kỳ lạ khi chỉ nhìn thấy nước và trời, mấy con cá thỉnh thoảng nhảy vọt lên khỏi mặt nước. Màu trời thay đổi từ xanh, xám, đến xanh lục, tất cả gợi cho ta cảm giác một chuỗi màu sắc, ẩn hiện ở chân trời. Nhưng đe dọa trùm phủ lên tất cả. Một lần, giữa biển, chúng tôi cứu được những người sống sót từ một chiếc tàu Thụy Điển đã bị Đức đánh bom. Đó không phải là tàu chiến, nhưng vẫn bị đánh chìm. Các nạn nhân la hét giữa dòng nước. Sau đó tôi không còn mấy tin tưởng ở chiếc cờ Nhật Bản to tướng trên tàu nữa. Ai đảm bảo được rằng chúng tôi sẽ không là mục tiêu tấn công? Ban đêm tàu đi trong bóng tối đen ngòm. Tất cả các lỗ thông hơi đều được sơn đen. Vượt biển trong bóng tối như thế khiến tất cả mọi người trên tàu đều cảm thấy thần kinh căng thẳng.
Có một thủy thủ không thể chịu đựng nổi, anh ta phát điên. Anh ta chạy tán loạn trên boong tàu, đập vỡ tất cả mọi thứ trong tầm tay. Tôi đang ở trong cabin, nghe ồn mở cửa ra định xem chuyện gì. Ngay lúc đó, anh ta chạy về hướng tôi. Hai tay cầm hai mảnh chai vỡ, miệng sủi đầy bọt nước miếng, anh ta la hét cuồng loạn. Ai đó vội đẩy tôi trở vào cabin. Cuối cùng người ta khống chế được người thủy thủ điên và nhốt anh ta lại suốt cuộc hành trình. Nhưng tôi không thể nào quên gương mặt của người ấy. Giờ thì tôi hiểu phát điên là như thế nào: tâm bất ngờ tán loạn, bao thú tính của một con vật hung bạo đều phát ra ngoài.
Tất cả mười hai hành khách. Mỗi người đều có một cabin nhỏ, có giường, tủ, ngoài ra không có gì nữa. Khi dùng bữa, chúng tôi đến một căn phòng có những bàn sắt nhỏ, với những lò lửa nhỏ được đặt ở khoảng cách giữa các bàn sắt. Khi muốn nướng cá hay rau củ, bạn có thể ngồi trên mấy cái ghế nhỏ đặt trên sàn để tự nướng cho mình.
Tôi không thể nào chịu nỗi điều đó. Tôi không nuốt nỗi thức ăn nửa chín, nửa sống đó. Tôi cũng không nhớ mình đã sống bằng gì trên suốt chuyến đi. Có lẽ chỉ nhờ bánh lạt, may mà thỉnh thoảng nhà bếp cũng làm bánh. Tôi không cảm thấy khỏe suốt chuyến đi. Ngay bây giờ nhớ tới cuộc hành trình đó, tôi vẫn còn muốn bịnh. Đó là một cuộc tra tấn dã man nhất.
Lại còn nóng nữa chứ! Lúc chúng tôi bắt đầu đi từ biển Đại Tây Dương vào Kênh Suez, hãy còn là mùa đông. Nhưng sau đó trời bắt đầu nóng. Tàu dừng ở Bombay, ở Colombo, mỗi nơi hình như càng lúc càng nóng hơn. Tôi không được quyền rời tàu với các hành khách khác. Giấy tờ của tôi không phải là thông hành chính thức, vì thế tôi phải ở lại đằng sau trong chiếc tàu nhỏ, kín bưng, nằm nướng mình trong ánh nóng mặt trời.
-ooOoo-
Chương 4
Thời Chiến Tranh ở Thượng Hải
Thực chân nghĩ đó thực chân,
Phi chân biết đó phi chân mới là.
Tư duy chẳng chút vạy tà,
Người như thế ấy mới là đạt chân (1).
— Kinh Pháp Cú – 12
Sau Kristallnacht năm 1938, giữa những người Do Thái ở Bá Linh có một câu chuyện tiếu lâm thường được kể: Hai người Do Thái đang đứng xếp hàng để xin hộ chiếu. Một người muốn đi Mỹ. “Còn anh định đi đâu”, anh ta hỏi người bạn. Người kia trả lời: “Đến Thượng Hải”. Người thứ nhất nói: “Xa dữ vậy sao?”. “Xa tính từ đâu?”, người bạn trả lời.
Phải có đầu óc khôi hài người ta mới nghĩ ra được những chuyện cười châm chọc đó. Đặc biệt người Do Thái có biệt tài đó -có lẽ vì trong lịch sử, họ có quá nhiều những sự bất hạnh. Có hàng trăm chuyện cười về người di dân Do Thái và những hoàn cảnh trớ trêu của họ. Như tôi đã nói, Thượng Hải lúc đó là chỗ nương thân cuối cùng của người Do Thái ở Châu Au. Phần lớn các nước khác đều đóng cửa biên giới. Uruguay gửi trả một thuyền đầy dân di tản trở về Đức. Mỹ và Úc thì chỉ nhận vào một số công dân đặc biệt.
Theo một ký kết hằng trăm năm về trước giữa Anh-Trung Hoa, Thượng Hải trở thành một thành phố tự do, nghĩa là ai vào cũng không cần hộ chiếu. Giữa những năm 1938-1941, hai mươi ngàn người Do Thái đã đến lánh nạn tại đây. Một nơi rất xa quê hương, nhưng sau này chúng tôi biết rằng như thế cũng chưa xa đủ.
Cha mẹ tôi đứng đợi dưới bến tàu khi chiếc Haruna Maru cập bờ. Khi nhìn thấy họ, một tảng đá -không, mười tảng đá- đang đè nặng trên tim tôi, bỗng biến mất. Cha tôi mặc chiếc áo khoác đen, ông vẫn thường mặc ở Bá Linh. Chúng tôi trèo lên hai chiếc xe kéo cùng với hành lý, trong có chiệc hộp đựng thuốc bằng vàng của cậu tôi (ở Luân Đôn) được giấu kín trong đó. Trời rất lạnh; các ngọn gió rét mướt từ các thảo nguyên Mông Cổ thổi qua các đường phố Thượng Hải như cắt da. Dầu vậy, áo hai người phu kéo xe vẫn đẩm ướt mồ hôi, đến đổi giống như hơi nước toát ra từ thân họ bay lên. Tôi không quen ngồi trong những xe kéo bằng người. Tôi được biết rất ít người làm nghề này sống lâu, ai cũng chết vì bịnh nghề nghiệp. Nhưng đó là cách người ta kiếm sống ở Thượng Hải. Không ai có thể thay đổi được điều đó -nhất là tôi. Cũng may sau này người ta đổi qua người đạp xe.
Chúng tôi đi qua khu vực dành cho người Pháp. Thượng Hải lúc đó là một cửa khẩu quốc tế tự do, có khu dành cho người Pháp, người Anh, Mỹ và Trung Hoa. Tôi nhận thấy đó là một thành phố tồi tàn trong một ngày mùa đông, chỉ trừ nơi có các ngân hàng, khu thương mại của người Anh thì khá hơn.
Hai người phu xe dừng trước một tòa chung cư khá đẹp. Tôi trèo lên các nấc thang với cha mẹ, cha tôi mở cửa ra, và tôi bước vào một căn phòng với đồ đạc bàn ghế từ Bá Linh. Không biết bằng cách nào đó, sau khi ra đi, cha mẹ tôi được người ta gửi tàu ra cho họ một ít bàn ghế, tranh, và mấy tấm thảm Ba Tư. Thật là một cảnh tượng lạ lùng, những đồ đạc quen thuộc ở một nơi xa lạ.
Cha tôi cùng với ba người Do Thái di tản từ Bá Linh đã mở được một tiệm quần áo may sẵn cho phụ nữ. Đó là một cửa hiệu sang trọng, nằm cạnh bên khách sạn Palace, cửa hàng rất phát đạt. Các phụ nữ Thượng Hải rất thích các loại quần áo Tây phương này, họ chưa từng thấy trước đó bao giờ. Tôi cũng được dịp sắm sửa từ cửa tiệm của cha. Quần áo tôi mang từ Bá Linh qua Tô Cách Lan, rồi từ Tô Cách Lan qua Trung Hoa đã trở nên quá ngắn, quá chật.
Tôi không có bằng cấp, không học vấn, không có gì cả. Cha tôi gửi tôi đi học ở trường kinh doanh Thượng Hải. Ông nói: “Nếu con được học đánh máy, sẽ có ích cho con suốt đời”. Đó là cái nhìn rất sâu rộng. Đến bây giờ, hằng ngày tôi vẫn còn ngồi làm việc với chiếc bàn máy. Ngoài ra tôi cũng học kế toán, tốc ký, nhờ đó, sau này tôi có thể kiếm sống nuôi gia đình trong bao nhiêu năm.
Buổi chiều, sau giờ học, tôi đi chơi tennis. Trong một thời gian ngắn ở Thượng Hải, tôi đã có thể sống tự do, yêu đời như thuở nào.
Vào tháng 12, 1941, chiến tranh bùng nổ ở Thái Bình Dương. Nhật chiếm Thượng Hải cũng như một số nơi khác. Vào tháng 2, 1943, họ ra nghị quyết: Người di tản Au châu -có nghĩa là người Do Thái- phải bị hạn chế trong khu vực thành phố Hongkew; một khu ổ chuột, không có tường rào, nhưng đầy dây kẽm gai, và phải chịu sự cai trị của lực lượng quân sự Nhật Bản. Đó là do áp lực của chính phủ Đức. Nhật là đồng minh của Đức, và đối với Đức quốc xã, Thượng Hải cũng như bao nhiêu chỗ khác, không phải là quá xa đến nỗi họ không thể với tới, người Do Thái sống ở đó cũng không thể tránh khỏi sự trừng phạt của họ.
Đối với chúng tôi, điều đó có nghĩa là lại phải từ bỏ nhà cửa, công việc kinh doanh. Cha tôi lần nữa lại bị cướp đi cơ hội kiếm sống. Tôi tin rằng điều đó ảnh hưởng rất lớn đến người. Vì giờ, cha tôi không còn trẻ nữa.
Chúng tôi thuê hai phòng ở Hongkew, mang theo bàn ghế, thảm và một ít bộ ly pha lê. Cũng nhờ bán dần những thứ này mà chúng tôi có thể nuôi sống bản thân.
Trong thời gian đó, tôi nghiệm thấy rằng dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào, cuộc sống vẫn tiếp tục. Trong khu ổ chuột của chúng tôi, với gần mười tám ngàn dân từ các nơi như Đức, Czech, Hoà Lan, Ao, và những nơi mà Hitler cai trị, đã mọc lên một cộng đồng có nhà thương, trường học, nhà hát, các quán càphê Viennes, nơi bạn có thể mua bánh nướng và nước táo. Chúng tôi cũng có báo chí, và các chương trình xã hội phục vụ trẻ con và người già. Con số trẻ em chết ở Hongkew vì môi trường thiếu vệ sinh, không có sữa, lên rất cao.
Mỗi sáng tôi rời khu ổ chuột, đến tối lại trở về. Tôi kiếm được việc làm với một công ty xuất khẩu. Tất cả tiền kiếm được tôi đều đưa cho cha. Chúng tôi sống rất cần kiệm. Có một quán cơm xã hội, chúng tôi có thể đến. Đồ ăn nấu cũng được, chỉ có điều các món không thay đổi: lúc nào cũng là kasha súp, với ít rau củ lội trong đó. Chúng tôi còn được phát cho loại bánh mì mà người già không thể nào ăn nổi vì nó cứng như đá. Vào các ngày lễ, chúng tôi mới dám mua khoảng hai mươi gram pâté hay một lạng càphê. Chúng tôi phải trả giá rất đắc cho những thứ này.
Cha tôi có một tấm bản đồ dán trên tường, trên đó ông đánh dấu những bước tiến của quân đội Đồng Minh bằng những cây kim nhỏ. Chúng tôi không được có radio. Nhưng đám con trai tự ráp radio lấy, giấu dưới nệm. Nhờ vậy, chúng tôi được biết quân Mỹ đã tiến đến đâu, và hy vọng là cơn ác mộng sẽ sớm chấm dứt.
Một ngày kia bom nổ ở khu ổ chuột. Nghe một tiếng động lớn, tôi chạy ra trước cửa nhà. Trước mắt tôi là một người quen, anh ta như bị đất chôn vùi, rồi tiếp theo tiếng nổ lớn , là một cột đất, và người đàn ông biến mất. Lúc đó, lần đầu tiên trong đời, tôi hoảng sợ đến mất cả tự chủ. Tôi cứ hét lên, không thể ngừng được cho đến khi cha tôi tát cho tôi một cái.”Chúng ta không làm được gì cả đâu. Hãy im ngay!”, cha tôi quát.
Và tôi bình tĩnh trở lại. Từ đó không bao giờ tôi hoảng loạn như thế cả -tánh cách của tôi không giống như thế. Nhưng những gì tôi đã chứng kiến thật quá sức chịu đựng của tôi. Tôi vừa đứng cạnh một người, rồi ngay trước mắt tôi, anh biến ra thành những mảnh vụn. Anh là một nhạc sĩ trong các quán càphê Do Thái. Tôi vẫn thích nghe anh chơi nhạc.
Rất nhiều trái bom đã nổ trong ngày hôm ấy, rất nhiều người bị giết. Con đường trước cửa nhà tôi, máu chảy như nước mưa. Quân đội Mỹ định đánh phá đài phát thanh của Nhật, nhưng bị chệch mục tiêu.
Có lẽ từ kinh nghiệm đó, tôi trở nên không còn sợ hãi sự chết nữa. Từ lúc đó, tôi không còn lo sợ không biết mình sẽ sống hay chết. Người ta sống phút này, phút sau đã chết. Tôi đã biết điều đó rất sớm.
Vào tháng 8, 1945, trước khi trái bom nguyên tử nổ ở Hiroshima, Nagasaki và chiến tranh chấm dứt, cha tôi bắt đầu bị đau vì những điều kiện sống khốc liệt. Bác sĩ chẩn đoán ông bị sỏi thận, và buộc phải giải phẩu, vì thế cha tôi đến bịnh viện. Dĩ nhiên, mọi phương tiện trong bịnh viện cũng chưa được hoàn bị, nhưng chúng tôi ai cũng nghĩ là ông sẽ qua khỏi. Vào ngày dự định mổ thì cha hơi sốt nhẹ. Cuộc giải phẩu phải đình lại. Hôm sau tôi vào thăm cha.Một vị bác sĩ đã gặp riêng tôi, nói: “Cha cô sẽ không qua khỏi cuộc giải phẩu này đâu”. Lúc ở trong bịnh viện, cha bị nhiễm trùng não lây từ một người lính Nhật đã được mang vào trong tình trạng bịnh sắp chết. Không có thuốc chữa cho bịnh này. Lúc đó chưa có những thứ như thuốc kháng sinh.
Tôi vào phòng thăm cha. Ông đang nằm trên giường, có vẻ rất yếu. Có lẽ cha biết mình sẽ không qua khỏi. Có lẽ những người sắp chết đều biết. Cha rất tỉnh táo. Tôi nói với cha: “Cha ơi, con sẽ trở lại ngay. Con sẽ đi kêu Mẹ”. Nói rồi tôi chạy như điên về nhà, nước mắt tuôn đầy trên mặt.
Khi trở lại bịnh viện, tôi cố đút cha ăn vài muỗng súp. Cha tôi đã không còn nuốt được nữa.Nhưng cha rất bình tĩnh. Cha nói: “Con biết cha thương con đến dường nào!”. Cha chúc tôi tất cả mọi điều tốt đẹp nhất trong đời và nói sẽ tiếp tục lo lắng, bảo vệ tôi.
Tôi hoàn toàn không thể chịu đựng nỗi. Tôi không thể chấp nhận việc cha sắp ra đi -chỉ vài ngày trước đây thôi, cha vẫn còn là người khỏe mạnh. Sự ra đi của cha là một mất mát thật sự đối với tôi. Cái chết của nạn nhân chiến tranh đã là một cú sốc, nhưng lúc đó có cha đứng cạnh tôi, để khuyên tôi bình tĩnh.
Đối với tôi, cha là điểm tựa của cuộc đời tôi. Tôi đứng bên ngoài nghe Mẹ nói lời từ giã với cha. Một vài người bạn thân cũng đến. Rồi cha nhắm mắt. Tôi không thể khóc nữa. Phải thật lâu sau, tôi mới có thể khóc được.
Năm ngày sau đó, chiến tranh chấm dứt. Cha tôi đã mong đợi hoà bình biết bao nhiêu, nhưng ông đã không còn sống để đón hoà bình.
Mẹ tôi như tê liệt, bà không còn làm gì được nữa. Tôi phải lo tất cả, từ đám táng đến ổn định lại cuộc sống của chúng tôi. Quân đội Mỹ tiến vào Thượng Hải. Những người lính Mỹ phát kẹo cho chúng tôi. Nhưng ngay họ cũng không thể cho chúng tôi được một căn hộ. Chúng tôi phải tiếp tục sống trong hai căn phòng tồi tệ đó.
Hai năm trước đó, vì người Nhật, chúng tôi đã bị mất cửa tiệm, và hầu hết tài sản. Tôi cố gắng đòi lại phần nào, nhưng vô ích. Tất cả đều đã mất.
Vài tháng sau, mẹ tôi lập lại gia đình với một người bạn từ thời thơ ấu ở Bá Linh. Ơng ta cũng sống trong khu ổ chuột này. Từ đó trở đi, tôi hoàn toàn cô đơn, không cha, không mẹ -vì bà đã dành hết mọi tình cảm cho cuộc hôn nhân mới. Tôi không thể hiểu được điều đó. Tôi nghĩ là mẹ cần có thời gian để quên nỗi đau mất chồng. Nhưng giờ tôi có thể nhìn sự việc dưới khía cạnh khác. Mẹ tôi là người đàn bà hiền hậu, nhưng bà rất yếu đuối, sợ hãi. Bà không thể tự lo cho cuộc sống của mình, cũng như nhiều phụ nữ khác thuộc thế hệ của bà. Bà cần có ai đó để bảo vệ, che chở.
Tôi đã hai mươi hai tuổi, và đã trở thành một thiếu nữ khá xinh đẹp, nếu tôi có thể nói thế từ những bức ảnh tôi còn giữ lại. Có thể bức ảnh cũng đã được tôn tạo, vì trong đó lông mi của tôi dài một cách giả tạo. Nhưng cũng có thể nói tôi là một thiếu nữ khá xinh đẹp. Một ngày kia tôi gặp một người đàn ông lớn hơn tôi mười bảy tuổi. Ơng cũng là người Do Thái từ Đức đến; tên ông ta là Johannes.
Có thể ông đã thay thế hình ảnh cha tôi trong lòng tôi. Bạn bè, người quen đều nói là ông không xứng với tôi. Nhưng tôi không nghĩ thế -thế là tôi lập gia đình với ông ta. Chúng tôi dọn vào một căn hộ bé tí ở Hongkew. Có điện, nhưng nước thì chỉ có ở phía sân sau nhà. Chúng tôi có một lò sưởi nhỏ để sưởi ấm. Nhưng không bao giờ tôi đốt được lò sưởi, vì thế nhà tôi lúc nào cũng lạnh vào mùa đông.
Chồng tôi có phần hùn với người em họ ở một xưởng may áo chemise, làm ăn cũng khá. Tôi tìm được việc, làm thư ký cho quân đội Mỹ đang đóng ở đây, được hai trăm đô một tháng. Đó là một số tiền rất lớn ở Trung Hoa thời đó, có thể nuôi cả gia đình hai mươi nhân khẩu. Nghĩa là chúng tôi trở nên khá giả hơn. Tôi được quyền mua sắm đồ ở PX, cửa hàng chỉ dành cho nhân viên sở Mỹ. Có rất nhiều thứ ở đó, thí dụ như kem đánh răng, xà-phòng thơm, sữa bột. Tôi còn mướn được một amma, bà vú Trung Hoa. Tôi học được ít tiếng Thượng Hải từ bà, thứ tiếng địa phương mà người nơi khác không thể hiểu được. Khi tôi sanh Irene, con gái tôi vào năm 1947, bà vú giúp tôi rất nhiều. Việc nặng nề khó nhọc nhất là bà giúp tôi giặt bao nhiêu là tả ở sân sau nhà.
Hầu hết người Do Thái sống trong các trại tập trung ở đây đều muốn được qua Mỹ. Người Mỹ cũng chấp nhận chúng tôi, nhưng giấy tờ hành chánh thì quá nhiêu khê. Các chuyến đi Mỹ phải đi cùng với quân đội Mỹ trên các chiến hạm, chúng tôi chờ đợi đến vô vọng. Mẹ tôi và chồng bà được đi trước cả chúng tôi.
Cuối cùng khi quân đội của Mao Trạch Đông tiến vào Thượng Hải, lúc đó mới tới lượt chúng tôi. Chúng tôi rời Thượng Hải trên chiến hạm cuối cùng vào năm 1949. Những ai không lên được chuyến tàu đó đều bị bắt lại. Như thế tôi vẫn còn may mắn. Như tôi đã may mắn được lên chuyến tàu cuối cùng đưa trẻ con ra khỏi Đức vào năm 1939.
Các chiến hạm có thể chứa khoảng từ một ngàn rưỡi đến một ngàn tám trăm người, đàn ông đàn bà ở riêng. Chúng tôi gồm sáu người mẹ và sáu em bé ở trong một cabin. Mấy đứa bé như đã hợp đồng, không khóc cùng một lúc, mà cứ hết đứa này khóc thì đến đứa kia. Chúng tôi hầu như không thể chợp mắt được.
Dầu gì chúng tôi cũng trên đường vượt Thái Bình Dương! Trên đường đến San Francisco!Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc cầu Golden Gate, đẹp tuyệt vời qua lớp sương sớm. Trên bến, một ban nhạc đang chơi bài hát nổi tiếng: “San Francisco, hãy mở cầu Golden Gate”.
Lần nữa, một cuộc đời mới lại bắt đầu. Không biết đã bao nhiêu lần như thế rồi? Dần dần tôi học đứng trở dậy trên đôi chân mình khi vấp ngã, giống như thằng người đồ chơi mỗi lần bị đấm ngã, lại chồi trở dậy. Giờ tôi là một phụ nữ đã có chồng con, hai mươi sáu tuổi, vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp, nhưng đã có chút đỉnh tiền để dành. Tuy nhiên tôi có cảm giác như chưa được yên: còn cứ phải chống chọi với bao nghịch cảnh, và phải cắn răng chịu đựng. Nhưng để làm gì chứ?
-ooOoo-