Nội Dung Chính
NIẾT-BÀN VẤN ĐÁP
Vấn: Niết-bàn (nibbāna) dịch như thế nào? Đáp: Trạng thái ra khỏi phiền não là lợi khí kết buộc chúng sanh, hoặc tình hình lìa khỏi rừng già tức là ái dục (tanhā), hoặc trạng thái dập tắt lửa khổ và lửa phiền não.
Vấn: Phiền não (kilesa), dịch như thế nào, có mấy, là cái chi? Đáp: Dịch là sự “dơ nhớp của tâm”. Phiền não là lợi khí buộc rịt chúng sanh, có nhiều loại, nhưng hợp chung lại cho vắn chỉ có 3, là: tham xan (lobha), sân hận (dosa), si mê (moha). Cả 3 phiền não này là mẹ sanh ra tất cả phiền não khác.
Vấn: Ái dục dịch như thế nào? Có mấy? Đáp: Dịch là ham muốn, hoặc thèm khát hay buộc trói. Nếu giải tóm tắt có 3, là: ham muốn trong cõi dục (kāmātaṇhā), ham muốn trong cõi sắc (bhavataṇhā), ham muốn trong cõi vô sắc (vibhavataṇhā). Nếu nói rộng thì có 108.
Vấn: Như thế nào gọi là lửa khổ, lửa phiền não? Đáp: Lửa khổ, nói về: sanh, già, bịnh, chết, thương tiếc, than van, khổ thân, khổ tâm, buồn rầu, vì là nhân của sự khổ hằng hầm chúng sanh cho nóng nảy như đống lửa. Lửa phiền não là tham, sân, si, vì sanh lên chung với tâm, làm cho tâm mờ, đục, nóng nảy, bận rộn. Chỉ có Niết-bàn mới có thể dập tắt lửa đó được, vì lửa đó không có ở trong Niết-bàn. Niết-bàn có lợi khí làm cho yên lặng sắc tướng, không có phiền não, là nơi dứt trừ ái dục. Niết-bàn chẳng phải là đất, chẳng phải là lửa, chẳng phải là gió, chẳng phải là không vô biên thiên, chẳng phải là thức vô biên thiên, chẳng phải là vô hữu sở thiên, chẳng phải là phi phi tưởng thiên, chẳng phải là thế gian này, chẳng phải là thế gian tương lai, chẳng phải là mặt trăng, mặt trời. Niết-bàn chẳng phải sự đi từ giới hạn này đến giới hạn kia, chẳng phải sự đi từ cõi này đến cõi khác, chẳng có cử chỉ ngừng ở, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng phải an trú trong nơi nào cả.
Vấn: Tất cả trạng thái đã giải rồi toàn chẳng phải là Niết-bàn, như thế, thì Niết-bàn là không không chăng? Đáp: Chẳng phải không không đâu. Niết-bàn có thật, nhưng là trạng thái rất tinh vi, các bậc Thánh nhơn thường thấy rõ bằng tuệ nhãn (paññacakkhu) tức là thánh đạo tuệ (ariyamaggaññāna), nhân đó, Niết-bàn mới là không phổ thông, nghĩa là không rõ rệt đến phàm nhơn.
Vấn: Do nhân nào mà phàm nhơn không có thể biết Niết-bàn được? Đáp: Vì tâm chia ra làm 4: tâm trải đi trong cõi dục (kāmāvacaracitta), tâm trải đi trong cõi sắc (rūpāvacaracitta), tâm trải đi trong cõi vô sắc (arūpāvaracitta), tâm xuất thế (lokuttaracitta). Cả 4 loại tâm này có cảnh giới khác nhau, là: tâm trải đi trong cõi dục có 6 cảnh giới (sắc cảnh, thinh cảnh, hương cảnh, vị cảnh, xúc cảnh, pháp cảnh); tâm trải đi trong cõi dục chỉ đi được trong 11 cõi (4 ác đạo, người và 6 dục giới thiên); tâm trải đi trong cõi sắc nhứt là sơ thiền; tâm trải đi trong cõi vô sắc có thiền vô sắc là cảnh giới; tâm xuất thế có Niết-bàn là cảnh giới.
Phàm nhơn dùng tâm trong cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc, nhưng tâm trải đi trong cõi dục đã quen hành 12 ác tâm (akusalacitta) thì chỉ biết được ác tâm thôi, không biết đến tâm trải đi trong điều thiện. Nếu hành tâm trải đi trong việc thiện mới biết được cả 2 phần là thiện và ác, song không có thế lực biết đến tâm trải đi trong cõi Sắc, trừ khi đã được tham thiền đắc tâm trải đi trong cõi sắc và thấy rõ đến tâm trong cõi sắc nữa, nhưng không biết tâm trải đi trong cõi Vô sắc, trừ khi đã đắc thiền vô sắc rồi, mới thấu đến tâm trong cõi Sắc và tâm trong cõi Dục. Nếu đắc tâm xuất thế thì thấu rõ đến tất cả loại tâm trong 4 cõi.
Lại nữa, đức Tu-đà-huờn (sotāpañña) đắc tha tâm thông[39] (paracittavijjā) ngài chỉ biết được tâm của hàng Tu-đà-huờn với nhau và phàm nhơn, không rõ tâm của bậc Tư-đà-hàm (sakadāgāmi). Đức Tư-đà-hàm đắc tha tâm thông chỉ biết tâm của bậc Tư-đà-hàm với nhau và rõ thấu tâm của hàng Tu-đà-huờn và phàm nhơn. Bậc A-na-hàm (anāgāmi) có tha tâm thông biết được tâm của hàng: A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-huờn cho đến phàm nhơn. Về phần đức A-la-hán (arahanta) đắc tha tâm thông biết được tâm của hàng: A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-huờn và phàm nhơn. Thí dụ: Như người ở trên mặt đất chỉ xem thấy những hạng người ở trên mặt đất như nhau, nhưng không có thể xem người ở trên chân núi được. Người ở trên chân núi chỉ thấy người ở trên chân núi cùng nhau và người ở trên mặt đất, song không có thể thấy người ở trên hông núi được. Người ở hong núi chỉ thấy được người ở hông núi như nhau và những người ở phía dưới, nhưng không xem được người ở trên giữa núi được. Người ở giữa núi chỉ thấy được người ở nơi giữa núi như nhau và những người ở phía dưới, nhưng không xem được người ở trên đảnh núi được. Người trên đảnh núi thấy tất cả người ở phía dưới, không chi chướng ngại thế nào thì phàm nhơn như người ở trên mặt đất, đức Tu-đà-huờn như người lên trên chân núi, đức Tư-đà-hàm như người lên trên hông núi, đức A-na-hàm như người ở giữa núi, đức A-la-hán như người lên trên đảnh núi vậy.
Hơn nữa, người ở trong xứ nào chỉ biết người trong xứ đó, không rõ biết người trong xứ khác trừ khi đi đến khắp xứ mới có thể biết đều đủ được.
Theo như đã giải trên đây, nên nói Niết-bàn không rõ rệt đến phàm nhơn.
Vấn: Niết-bàn trú trong nơi nào (nếu có thật), gần hay xa? Đáp: Niết-bàn là vô sắc pháp, không có chỗ trú như các sắc tướng đâu. Nói Niết-bàn trú gần cũng đuợc, trú xa cũng được. Nói trú xa thì Niết-bàn trú trong nơi cuối cùng tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Trú gần, là nói về hết tham, sân, si. Niết-bàn có thật, như xứ có đường đi, ở nơi cuối cùng con đường đó, hằng có xứ; Niết-bàn có bát thánh đạo là đường, ở nơi cuối cùng đường đó là Niết-bàn vậy.
Vấn: Niết-bàn còn dư sót cái chi chăng? Đáp: Chỉ còn dư quả tuệ (phalaññāṇa).
Vấn: Quả tuệ đó, do đâu mà được? Đáp: Do sự quán tưởng ngũ uẩn, theo 10 pháp minh sát vipassanāññāna. Thí dụ như giống dừa khô, nếu để lâu nó thối, đem trồng nó mọc nữa. Ví bằng người không muốn cho thối, không muốn cho mọc nữa, họ đem đi thắng thành dầu thì trồng không mọc, để lâu cũng không thối, thế nào, Niết-bàn đã thắng từ pháp minh sát cũng chẳng phải là hư vô, và chẳng còn giống sanh diệt nữa, như thế đó.
Vấn: Vì sao hàng phàm nhơn xem không thấy Niết-bàn? Đáp: Vì tham, sân, si che án, như người có bụi trong mắt thường không thấy các vật trắng, đen, v.v… như thế đó.
Vấn: Niết-bàn, chỉ có vui, hay lẫn lộn với khổ? Đáp: Chỉ có vui thôi, gọi là cực lạc[40](ekantaparamasukha) không hỗn hợp với khổ đâu.
Vấn: Nếu Niết-bàn có thật, là cực lạc đích xác, vậy hình trạng và trình độ của Niết-bàn, người có thể giải thích bằng cách thí dụ được chăng? Đáp: Niết-bàn có thật, nhưng không có thể đem ra thí dụ bằng cách nào được cả, vì là rất tinh vi, quá sức tưởng tượng, như biển to trong đời, có thật, mà chẳng có ai đo lường cho biết là như vầy hoặc như kia.
Vấn: Không có thể miêu tả Niết-bàn cho biết rằng có màu sắc, có trình độ có hình trạng như thế nào được, vậy có thể giải đức của Niết-bàn bằng cách thí dụ được chăng? Đáp: Nếu chỉ giải bằng cách thí dụ thì được. Ví như giọt nước ở trên lá sen không được, thế nào, cái phiền não cũng không trú trong Niết-bàn được, như thế ấy; nước là vật mát để khử trừ sự bực bội thế nào, Niết-bàn là pháp an tĩnh bận rộn, tức là phiền não, cũng như thế ấy, nước là vật diệt trừ sự khó chịu, tức là sự khát của loài người và thú, đi trong nơi nóng nực thế nào, Niết-bàn cũng trừ khử điều khó khăn, tức là lòng khao khát, háo sanh trong các cõi, như thế đó.
Vấn: Niết-bàn có tướng (lakkhana) như thế nào? Đáp: Niết-bàn có tướng yên lặng: xan tham, sân hận, si mê, diệt trừ vô minh và ái dục, an tĩnh tất cả phiền não, làm cho dơ nhớp, luân hồi sanh tử trong các cõi.
Vấn: Niết-bàn có sự (kicca) như thế nào? Đáp: Có sự không sanh, diệt, không ở trong quyền thế của các hữu vi pháp (sankhatadharmo) tức là danh, sắc, do thiện và ác cấu tạo, sanh ra rồi tan rã. Niết-bàn là pháp thường tồn, bất sanh bất diệt, vì đã thoát ly quyền lực của hữu vi pháp. Nhân đó, cử chỉ chẳng sanh chẳng diệt là phận sự của Niết-bàn.
Lại nữa, Niết-bàn có phận sự làm cho tâm của bậc thánh nhơn thơ thới. Giải rằng: Niết-bàn có đặc tính dường như an ủi tâm của bậc thánh nhơn có sự chán nản, lìa những thống khổ luân hồi, cho sanh sự an vui, xa điều bực bội, cho mát mẻ tinh thần.
Vấn: Niết-bàn có chi là quả (phala)? Đáp: Niết-bàn có cử chỉ thoát ly hữu vi pháp là quả.
Giải: Hữu vi pháp triệu[41] (sankhatadharmanimitta) tức là thiện và ác, là nhân duyên hội hợp cấu tạo danh và sắc cho luân chuyển, sanh lên trong 3 cõi (tam giới) và các chướng ngại pháp (papañcadharma) nhứt tham dục (rāga) làm cho chúng sanh trở ngại, lâu dài ở trong biển khổ, chẳng có trong Niết-bàn. Niết-bàn là duyên dập tắt tham dục chướng ngại pháp được. Cho nên gọi Niết-bàn là pháp lìa khỏi hữu vi triệu là quả, hoặc có trạng thái diệt trừ chướng ngại pháp nhứt là tham dục là quả.
Vấn: Niết-bàn có mấy? Là cái chi? Đáp: Niết-bàn có 2 là: hữu dư Niết-bàn[42] (sanpādissesanibbāna) và vô dư Niết-bàn[43] (anupādisesanibbāna).
Hữu dư Niết-bàn nói về cử chỉ khô héo phiền não, chỉ còn ngũ uẩn. Như khi đức Bồ tát tọa trên bồ đoàn thảo, dưới bóng cây bồ đề quí báu, Ngài đắc thắng Ma vương và cả quân ma, rồi Ngài suy xét đến chư Phật quá khứ bằng pháp thiền định diệt trừ tham, sân, si, ngã chấp, tà kiến, cả 1.500 phiền não và 108 ái dục lìa khỏi tâm Ngài, như giọt nước rơi khỏi lá sen, như thế gọi là hữu dư Niết-bàn. Khi đắc hữu dư Niết-bàn Ngài có tuyên ngôn rằng: Anekajāti sansāraṃ sandhāvissaṃ anibbisam, gahakāraṃ, gavesanto dukkhājāti punappunaṃ, gahakārakā diṭṭhosi puna gehaṃ nakāhasi, sabbā te phasukā bhaggā gahakutaṃ visankhataṃ, visankhāragataṃ cittaṃ tanhānaṃ khayamajajhagāti. Nghĩa: Khi Như Lai đang tìm chưa gặp người thợ mộc, tức là ái dục, người làm là tức là thân ngũ uẩn của Như Lai, Như Lai thường trãi đi luân hồi vô lượng kiếp, sự sanh hằng đem thống khổ đến Như Lai không ngừng nghỉ. Này người thợ mộc! Nay Như Lai đã tìm thấy ngươi rồi nghe! Từ đây, ngươi hết cất nhà, tức là thân ngũ uẩn cho Như Lai nữa được, kèo tức các phiền não của ngươi, Như Lai đã bẻ gãy hết rồi, cả nóc nhà tức là vô minh, mà ngươi đã làm rồi đó, Như Lai cũng đã diệt trừ rồi. Nay tâm của Như Lai đắc Niết-bàn lìa khỏi cả sắc tướng rồi, Như Lai đã giác ngộ A-la-hán là pháp tiêu diệt tất cả ái dục.
Vô dư Niết-bàn là sau khi Đức Phật thành bực Toàn giác rồi đi tế độ chúng sanh đủ 45 hạ, Ngài ngự dưới hai cây song long thọ gần kinh đô Kusinārā, nhập thiền rồi vào Niết-bàn tịch diệt: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng còn dư sót, như thế gọi là vô dư Niết-bàn.
Vấn: Niết-bàn chỉ có hai chăng? Đáp: Có ba thêm nữa là: suññatannibbāna, animittatanibbāna, appanihitanibbāna, suññatannibbāna là cảnh giới của thánh đạo dùng vô ngã làm cảnh giới. Animittanibbāna là cảnh giới của thánh đạo dùng vô thường làm cảnh giới. Appanihitanibbāna là cảnh giới của thánh đạo dùng khổ não làm cảnh giới.
Vấn: Đức của Niết-bàn có mấy, là cái chi? Đáp: Có 32 là: Niết-bàn không có sự sanh (ajātiṇ), Niết-bàn không có sự già yếu (ajaraṃ), Niết-bàn không có sự bịnh hoạn (abyādhiṇ), Niết-bàn không có sự kinh sợ (nibbhayaṃ), Niết-bàn không có duyên cấu tạo (asankhatam), Niết-bàn phá tan tam giới (bhavabhandam), Niết-bàn là cực lạc (sukhaṃ), Niết-bàn là mát mẽ (sitaṃ), Niết-bàn có sự yên lặng (khemaṃ), Niết-bàn là nơi nương dựa của bậc thánh nhơn (tāṇaṃ), Niết-bàn là nơi ẩn náu khỏi tử thần (lenaṃ), Niết-bàn là thường tồn không biến đổi (niccaṃ), Niết-bàn không lay chuyển (acalaṃ), Niết-bàn kiên cố thật (duvassasaṃ), Niết-bàn tinh túy không luân chuyển (avaṭṭasāraṃ), Niết-bàn nghiền nát sự vui trong cõi người và cõi trời (sukhamaddanaṃ), Niết-bàn nghiền nát sự đói cơm (khuddamaddanaṃ), Niết-bàn trừ diệt sự khát nước (pipāsañcanayaṃ), Niết-bàn không có sự thương tiếc (analayaṃ), Niết-bàn rút tội lỗi như nọc rắn đã đọng trong tâm (samugyātavattaṃ daṭṭhesaṃ), Niết-bàn lìa sắc tướng tức là danh và sắc (visankhāraṃ), Niết-bàn xa khỏi các tội (vivajjaṃ), Niết-bàn là nơi diệt ái dục (tanhakkhayaṃ), Niết-bàn thoát ly tam giới (vibhavaṃ), Niết-bàn lìa tham dục (virāgaṃ), Niết-bàn dứt si mê (vitaṇhaṃ), Niết-bàn diệt tất cả khổ não (nirodhaṃ), Niết-bàn không có triệu chứng (animittaṃ), Niết-bàn là trạng thái diệt trừ phiền não (santabhāvaṃ), Niết-bàn không có vị, tức là ái dục (arasārakaṃ), Niết-bàn lìa khỏi sự ưa thích của tâm (appasāsañca), Niết-bàn bất diệt (amotaṃ). Tổng cộng đức Niết-bàn thành 32.
Vấn: Chỗ nào chính là Niết-bàn, vì có nhiều người hiểu khác nhau: kẻ cho ngũ uẩn quá khứ và vị lai không có trong hiện tại này là Niết-bàn; người lại tưởng không có ngũ uẩn hiện tại là Niết-bàn; một ít vừa lòng rằng trạng thái không có phiền não trong thời thánh đạo sanh lên là Niết-bàn; một vài tin rằng trạng thái hết tham, sân, si là Niết-bàn; kẻ khác định rằng người chết là Niết-bàn? Đáp: Những lời nói đó, toàn không phải là Niết-bàn. Vì sao ngũ uẩn quá khứ, không có trong hiện tại, không phải là Niết-bàn, vì Niết-bàn từ ngũ uẩn mà đắc, như thức uẩn thuộc về tốc lực tâm[44] gọi là cận tốc lực[45] (upacārajavana), chiều theo thuận sát tốc lực[46] (anulomajavana), phá hoại dòng phàm tốc lực[47] (gotrabhūjavana), thánh đạo mới phát sanh theo sau, cho nên nói ngũ uẩn quá khứ, vị lai và hiện tại đó là duyên sanh Niết-bàn, tỷ như dầu dừa từ trái dừa mà sanh, thế nào Niết-bàn như dầu, ngũ uẩn như dừa, dầu từ trái dừa mà được, nếu không có dừa cũng không có dầu, cũng như thế đó.
Vấn: Cớ nào trạng thái hết tham, sân, si, không phải là Niết-bàn, như trong kinh Jambūkhādakasūtra, đức Xá Lợi Phất có thuyết rằng: Yo kho āvuso rāgakkayo dosakkayo, mohakkhayo idaṃ vuccati nibbānaṃ: Này bạn! Trạng thái hết tham, sân, si đó gọi là Niết-bàn. Hơn nữa đức Giáo chủ chúng ta có thuyết đề trong Dhammāyatahavibhaṅga rằng katamā asaṅkhatadhātu: vô vi tuyệt đối tức là Niết-bàn, như thế nào? Rồi Ngài tự đáp rằng: rāgakkhayo, dosakkhayo, mohakkayo: trạng thái hết tham, sân, si gọi là vô vi tuyệt đối tức là Niết-bàn? Đáp: Trong hai bộ kinh Pāli có giải thật như vậy, nhưng trong các kinh khác chỉ rõ đó là tên của A-la-hán quả rằng: “Yo kha āvuso rāgakkhaya, dosakkayo, mohakkhayo, idaṃ vuccati arahattaṃ”, Pāli đó là tên của A-la-hán, nếu xem xét theo câu Pāli đó thì thấy chắc như thế, song không nên nhận thức như vậy. Phải hiểu rằng: A-la-hán đạo tuệ (arahattamaggannaṇā), đó, lấy Niết-bàn làm cảnh giới, diệt trừ thụy miên[48] (anusaga) là nguồn gốc phiền não cho tuyệt diệt[49] không còn sư sót trong tâm, khi nào rồi A-la-hán quả lấy Niết-bàn làm cảnh giới mới phát trong tâm trong thời đó, cho nên gọi A-la hán quả sanh trong thời cuối cùng của cử chỉ hết phiền não. Nhân đó câu Pāli đã giải trên không phải chính là Niết-bàn, chỉ là tên của Niết-bàn. Tham, sân, si thí như đống lửa, Niết-bàn như nước để tắt lửa, thánh đạo như người đem đồ đi múc nước, vật mà người đem đi múc nước để tắt lửa mà gọi là nước cũng không được, cử chỉ lửa tắt gọi là nước cũng không được, thế nào, khi phiền não yên lặng do thế lực thánh đạo, lấy Niết-bàn làm cảnh giới như thế đó; tin rằng: Pháp là cảnh giới mà thánh đạo là căn bản làm cho yên lặng phiền não bằng cách tuyệt trừ[50] mà gọi là Niết-bàn cũng không được. Trạng thái hết tham, sân, si mà gọi là Niết-bàn cũng không được, có thí dụ như người tắt lửa vậy.
Vấn: Tất cả tiếng đã giải đó, toàn không phải là Niết-bàn, vậy Niết-bàn chính là cái chi? Đáp: Chỗ bất sanh, bất diệt chính là Niết-bàn
Vấn: Chúng sanh đi đến Niết-bàn, phải đi theo đường nào? Cái chi là lối đi? Đáp: Chúng sanh đi đến Niết-bàn phải đi bằng lối đi mà Phật đã giảng thuyết để trong kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkavattanasūtra) theo kệ ngôn rằng: Nemiyaṃ catussaccañca ārānaṃpaccayataṃ motaṃ nābhi ceva saddhammaṃ añña maññaṃ pavattenno dhammackkanti pavuccati. Nghĩa: Pháp luân kinh này, đức Đại giác dạy dùng Tứ diệu đế làm vành xe, Thập nhị duyên khởi làm căm, dùng 37 bồ đề phần pháp (sattattinsa bodhipakkhiyadharma) làm dùm. Ngài giảng giải các pháp đó có ý nghĩa quan hệ nhau, nghĩa là Tứ diệu đế có ý nghĩa liên lạc đến Thập nhị duyên khởi chỉ 37 bồ đề phần pháp. Khi thuyết 37 bồ đề phần pháp, Ngài giải cho có ý nghĩa thấu Thập nhị duyên khởi và Tứ diệu đế, khi thuyết Thập nhị duyên khởi cũng thuyết cho có ý nghĩa suốt Tứ diệu đế, và 37 bồ đề phần pháp.
Do nguyên nhân mà Đức Phật thuyết cho có ý nghĩa liên lạc nhau như thế, mới chỉ danh là chuyển pháp luân (dhammacakka), thí dụ như thế nào, tỷ như bánh xem nếu chỉ có đùm không có vành, không có căm, hoặc có căm mà không có vành, không có đùm, hoặc chỉ có vành mà không đùm và căm, cũng không gọi là bánh xe được, trừ ra khi có đùm, vành và căm đều đủ mới gọi là bánh xe, nếu ở riêng, chưa ráp vào với nhau cũng chưa gọi là bánh xe, ngoài ra khi người thợ lành nghề lấy đùm ráp vào với nhau. Lấy căm tra trong đùm, lấy vành trồng trên căm, làm cho dính chung lại xong xuôi giờ nào, mới có tên rõ rệt là xa luân trong giờ đó, thế nào, pháp Tứ diệu đế là: khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế, khi Phật chỉ thuyết ngay theo pháp Tứ diệu đế thì gọi là thuyết Tứ diệu đế, không gọi là pháp luân. Về 37 bồ đề phần pháp và thập nhị duyên khởi cũng vậy, nếu thuyết riêng mỗi pháp thì không gọi là pháp luân, trừ khi Phật đều đủ cả 3 là 37 bồ đề phần pháp, Thập nhị duyên khởi và Tứ diệu đế có sự liên lạc với nhau, mới gọi là pháp luân, ví như vành, căm và đùm mà người thợ ráp chung vào với nhau mới gọi xa luân hoặc bánh xe. Nếu chỉ thuyết 1 hoặc 2 diệu đế, không đủ cả 4, thì không có thể thành tựu phận sự là vành xe của pháp luân được, thế nào, như người thợ chỉ làm có 1 hoặc 2 đoạn vành thì cũng gọi là vành xe được, trừ ra khi đủ 4 đoạn lưng vành mới thành vành xe, thí dụ thế nào, nếu đủ cả 4 diệu đế mới gọi là Tứ diệu đế được, dùng Thập nhị duyên khởi, làm căm của pháp luân tức là: (1 căm) vô minh (avijja), (1 căm) hành (saṅkhāra), (1 căm) thức (viññāṇa), (1 căm) danh sắc (nāmarūpa), (1 căm) lục nhập (salāyatana), (1 căm) xúc (phassa), (1 căm) thọ (vedanā), (1 căm) ái (taṅhā), (1 căm) thủ (upadāna), (1 căm) hữu (bhaba), (1 căm) sanh (jāti), (1 căm) lão tử (jārāmaraṅa) hợp lại thành 12 thứ căm.
37 bồ đề phần pháp (bodhipakkhiyadharma) là: Tứ niệm xứ[51] (satipatthana): 4, Tứ chánh cần[52](sammapadhāna): 4, Tứ như ý túc[53] (iddhipāda): 4, Ngũ căn (indriya): 5, Ngũ lực[54] (bala): 5, Thất giác chi[55] (bojhaṅga): 7, Bát thánh đạo (atthaṅgikamagga): 8. Cộng thành: 37.
37 bồ đề phần pháp là dùm của pháp luân, vì là nơi hội hợp Thập nhị duyên khởi pháp (paticcasamuppādadharma) ví như đùm xoay tròn đính theo đùm xe, là nơi hợp lại của tất cả căm. Lẽ thường căm mà xoay đi hằng nhóm lại trong đùm không lìa khỏi đùm: đùm là nơi tụ tập của căm, thế nào, 37 bồ đề phần pháp cũng là nơi sum họp của Thập nhị duyên khởi pháp như thế đó. Hành giả niệm bồ đề phần pháp, cũng không lìa sự quán tưởng Thập nhị duyên khởi, phải quán tưởng bắt đầu từ vô minh, hành… luôn luôn đến lão, tử là pháp cuối cùng.
Nhân đó, bậc trí tuệ nên vừa lòng rằng: Pháp mà Đức Chánh Biến Tri đã thuyết đó có bồ đề phần pháp là đùm, Thập nhị duyên khởi là căm, Tứ diệu đế là vành xe cho có ý nghĩa quan hệ nhau, rồi chở các ngọc kim cương đó tức là: 1) giới bảo (silaratanaṃ) (ngọc tức là giới); 2) tuệ bảo (paññāratanaṃ) (ngọc tức là trí tuệ); 3) giải thoát bảo (vimuttiratanaṃ) (ngọc tức là A-la-hán quả); 4) giải thoát tuệ kiến bảo (vimuttiñānadassanaratanaṃ) (ngọc tức là quán tưởng tuệ); 5) thất giác chỉ bảo (bojjhangaratanaṃ) (ngọc tức là 7 chi bồ đề); 6) giác phân tích bảo (patisambhidāratanaṃ) (ngọc tức là sự chia từ phần để xem xét cho rõ), rồi Phật dùng pháp vương xa chạm trổ, trang điểm bằng sáu thứ ngọc như đã giải. Đức Toàn giác quán tưởng thấy ý nghĩa của Tứ diệu đế, Ngài buộc 4 ngựa báu vào xe, tứ là tứ chánh cần, Ngài móng cầm lái pháp vương xa chở đầy chúng sanh hữu duyên đến nơi an tỉnh (khemaṃ) tức là Bất diệt Đại Niết-bàn (amatamahānibbāna), hy vọng tránh đường bùn lầy tức là sự sa mê ngũ dục, lánh đường cát nóng tức là sự khổ hạnh, theo đường ngay thẳng tức là Bát thánh đạo, qua khỏi ba khoảng đường to lớn tức là tam giới, đến xứ an lạc tức là Niết-bàn.
Giải về Bát thánh đạo có sự liên lạc với nhau như vầy: 1) chánh tư duy (sammāsankappa) liên lạc đến chánh kiến (sammādiṭṭhi) ví như người dung tay cầm vàng nghiêng qua lật lại để quan sát, chánh tư duy như tay, chánh kiến như mắt để xem cho biết rằng tốt hay xấu; 2) chánh ngữ, chánh nghiệp liên lạc đến chánh mạng, khi có thân, khẩu trong sạch rồi, sự nuôi mạng cũng được trong sạch; 3) chánh tinh tấn, chánh niệm liên lạc đến chánh định, tỷ như 3 người bạn lành đi đến trong vườn hoa rủ nhau hái hoa trên một cây cao; người bạn thứ nhất nghiêng vai cho bạn ba nhì đứng, rồi ráng đứng cho ngay thẳng, bạn thứ nhì đứng ép không cho xiêu ngã, mới vói hái hoa được, thí dụ thế nào, phần chánh tinh tấn như người bạn thứ nhất, chánh định như người bạn thứ ba lên đứng trên vai, chánh niệm như người thứ nhì đứng ép cho vững, hoa như thánh đạo, cũng như thế đó.
Nếu dung theo minh (vijjā) và hành (carana) thì như vầy: chánh kiến, chánh tư duy là minh, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định là hành. Minh như 2 mắt, hành như hai chân. Giải rằng: người bộ hành, nếu có mắt tỏ mới xem thấy rõ đường có sự nguy hiểm hoặc không nguy hiểm, có hai chân mới đi theo đường được dễ dàng, thí dụ thế nào, hành giả tu bát thánh đạo thấy nhân quả rằng: tu như vầy là nhân sanh sự khổ, hành như vầy là nhân sanh sự vui, cũng như thế đó.
Vấn đáp trong Niết-bàn cả và điều thí dụ như bánh xe và con đường đi đến Niết-bàn cho có điều lợi ích đến hàng học Phật cho dễ hiểu, tóm tắt bấy nhiêu.
‒ Dứt “Vi diệu pháp” vấn đáp tóm tắt ‒
—
PHÁP TRÍCH LỤC
1. Giải về các pháp nên ghi nhớ
Trong bộ kinh Cullapaññāsaka khandhasaṅyutta saṅyuttani kāya khandhavāravagga (Tam tạng quyển 17 chương 203) có giải rằng:
Một thuở nọ đức Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Mahākoṭṭhita ngụ nơi vườn Lộc Giả (Isīpatanamigadāyavana) gần kinh đô Bārānāsī. Trong giờ mát mẽ, đức Koṭṭhita ra khỏi nơi thanh vắng rồi đến hỏi đức Sāriputta rằng: Bạch Ngài Sāriputta! Tỳ khưu có giới trong sạch, nên niệm tưởng pháp nào, nghĩa là nên hành pháp nào mới gọi là chơn chánh?
Đức Xá Lợi Phất đáp: Thầy tỳ khưu có giới trong sạch nên quán tưởng ngũ uẩn theo chơn lý rằng: là vô thường, là khổ não, là bịnh tật, là mụt nhọt, là cây tên, là nguồn cội sự khổ, là cái hãm hại, là cái riêng khác, là cái biến đổi, là cái rỗng không, là vô ngã; vì khi đã hành được như thế thì làm cho rõ cái quả Tu-đà-huờn (sotāpatthiphala).
Bạch ngài Xá Lợi Phất! Thầy tỳ khưu bậc Tu-đà-huờn nên hành pháp nào để trong tâm? Này thầy Koṭṭhita, thầy tỳ khưu bậc Tu-đà-huờn cũng nên hành ngũ uẩn đó, để vào tâm, theo chơn lý rằng: là cái vô thường, khổ não, vô ngã; vì khi đã hành được như thế đó, gọi là làm cho rõ rệt Tư-đà-hàm quả (sakadāmiphala).
Bạch ngài Xá Lợi Phất! Thầy tỳ khưu bậc Tư-đà-hàm phải hành pháp nào để trong tâm, theo chơn lý? Này thầy Koṭṭhita! Thầy tỳ khưu bậc Tư-đà-hàm cũng nên hành ngũ uẩn đó, để trong tâm theo chơn lý rằng: là vô thường, khổ não, vô ngã… vì khi đã được hành như thế đó, thì sẽ đắt A-na-hàm quả (anagāmiphala).
Bạch Ngái Xá Lợi Phất! Thầy tỳ khưu bậc A-na-hàm phải hành pháp nào, để trong tâm, theo chơn lý? Này thầy Koṭṭhita! Dầu tỳ khưu là bậc A-na-hàm cũng nên hành ngũ uẩn đó, để trong tâm, theo chơn lý, rằng: là vô thường, khổ não, vô ngã; vì khi đã được hành như thế đó, thì sẽ đắc A-la-hán quả (arahattaphala).
Bạch Ngài Xá Lợi Phất! Thầy tỳ khưu bậc A-la-hán nên hành pháp nào, để trong tâm, theo chơn lý? Này thầy Koṭṭhita! Dầu là bậc A-la-hán cũng nên hành ngũ uẩn, để trong tâm, theo chơn lý, rằng: là vô thường, khổ não vô ngã, nhưng các pháp mà hành giả phải hành cho thanh cao hơn nữa hoặc sự thu thập những pháp đã đắc rồi, chẳng có đến bậc A-la-hán (arahanta), song các pháp đó bậc A-la-hán đã luyện tập, làm cho tăng trưởng rồi, thường đem đến sự yên vui, trong đời hiện tại, cho phát sanh trí nhớ và sự phân biệt (satisaṃpajañña).
Xin chư độc giả hãy ghi nhớ rằng: lời vấn và lời đáp của hai vị đại đức đây thuộc về pháp minh sát, xác thật (vipassanā) là pháp hành chơn chánh, tức là chơn lý; Pháp mà hành giả ghi để vào tâm là phải ghi nhớ trong tâm rằng ngũ uẩn là vô thường, là khổ não, là bịnh tật, là mụt nhọt, là cây tên, là nguồn cội của sự khổ, là cái làm cho khó chịu, là cái biến đổi, là cái tan rã, là cái rỗng không, không phải là ta, như thế đó. Khi đã hành thường thường như vậy, là làm cho kết quả Niết-bàn trong kiếp hiện tại này. Nhưng nên hiểu rằng: sự ghi nhớ trong tâm, là sự tụ hợp để vào trong tâm với tiếng “Sự suy tính, sự nhớ nghĩ” đó khác nhau, nghĩa là sự suy tính, sự nhớ nghĩ đó hằng có từng hồi, từng lúc, về phần hành để trong tâm, là sự tụ hợp để vào trong tâm mãi mãi, không gián đoạn.
2. Tam tướng (trīlakkhana)
· Giải về 10 tướng vô thường (aniccalakkhana)
Aniccam palokaṃ caraṃ pabhaṅgū addhuvaṃ viparināmadhammaṃ asāraṃ vibhavaṃ saṅkhataṃ maraṇadhammaṃ.
Aniccaṃ dịch là không thường, palokaṃ: tan rã, caraṃ: dịch là rung động, pabhaṅgū: tiêu diệt, addhuvaṃ: không bền, viparināmadhammaṃ: thay đổi tự nhiên, asāraṃ: mềm yếu, vibhavaṃ: hư hoại, saṅkhataṃ: hữu vi, maraṇadhammaṃ: có sự chết là lẽ thường.
1) Aniccaṃ dịch là không thường, ám chỉ rằng: có phía đầu và phía cuối không rõ rệt, là nói về sự sanh và sự diệt, sanh thuộc về đầu, diệt thuộc về cuối. Giải rằng: tất cả sự vật, khi đã sanh lên rồi, hằng không thường trú, như lúc đầu, sau rồi, tan rã và tiêu diệt.
2) Tiếng palokaṃ dịch là tan rã là bấy ra và rã rời, vì: bịnh, già, chết nghĩa là tất cả sự vật đều bị tan rã do sự : bịnh, lão, tử.
3) Tiếng caraṃ dịch là rung động, là rung động vì bịnh, già, chết, rung động do tám pháp thế gian (đắc lợi, thất lợi, được quyền, mất quyền, gặp vui, chịu khổ, được khen, bị chê). Giải rằng: tất cả chúng sanh thường rung động vì sự bịnh, già, chết, và lợi, quyền, vui, khen, thất lợi, mất quyền, chịu khổ, bị chê; chỉ trừ các bậc thánh nhơn mới không có tâm rung động, đối với các pháp ấy. Về lão, bịnh, tử, thân hình của các bậc thánh nhơn cũng rung động giống nhau, chỉ khác ở chỗ tâm của các ngài không rung động đó.
4) Tiếng pabhaṅgū dịch là tiêu diệt, tan mất theo lệ thường, vì sự cố gắng và do trạng thái của người, mình. Giải rằng: tất cả sự vật hằng tan mất, do sự cố gắng hoặc tiêu diệt theo trạng thái của sự vật thường lệ.
5) Tiếng addhuvaṃ dịch là không bền, phải rơi ngã trong các nơi và không có sự vững chắc. Giải rằng: tất cả sự vật thường rơi trong các nơi và không có sự lâu dài, giống nhau.
6) Tiếng viparināmadhammaṃ dịch là thay đổi tự nhiên, là thay đổi vì sự già và sự chết. Giải rằng: tất cả sự vật hằng biến đổi do ba nhân là già, bịnh và chết, như chúng ta thay đổi, nhỏ thành lớn, lớn trở nên già, già thành còm, như thế đó, cũng chẳng ngoài thế lực già và chết. Nếu nói một cách vi tế, thì sự thay đổi đó dính theo từ khi vào thọ sanh, nghĩa là già, chết trong mỗi hơi thở ra, vô, gọi là già kín, chết kín, vì già, chết như thế đó thường không rõ rệt đến mắt người, ví như lửa cháy tim đèn. Nói cách vi tế, lửa đó cháy luôn khi, tim và dầu hao đi từng tí, song không có ai điều tra được vì là cái rất vi tế, chỉ thấy được khi lửa đã tắt, không còn cháy nữa.
7) Tiếng asāraṃ dịch là mềm yếu, là cái không đứng vững. Giải rằng: tất cả sự vật ví như miếng dăm nhỏ không cứng, dễ bẽ gãy được.
8) Tiếng vibhavaṃ dịch là hư hoại, là không có sự tiến hoá cả và căn nguyên của sự hao mòn. Giải rằng: tất cả sự vật không có sự tiến hóa, chỉ phải tiêu hao là mòn mỏi tiên mất đi từng tí. Khi sự vật sanh lên rồi thì kể là căn bổn của sự tiêu hoại, nghĩa là chỉ có sự hao mòn, tan rã thôi, chẳng có sự tiến hóa mãi mãi, nhưng phần đông người thấy rằng trong khi sanh rồi dần dần trưởng thành, đó gọi là tăng trưởng, thực ra là điều tiêu hoại, chỉ có sự hao mòn thôi. Tiếng gọi là ấu niên, trung niên, lão niên đó, có nghĩ là sa sút, là suy đồi trong chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối cùng, là nói về sự sa sút, qua khỏi bé thơ đến trai tráng, sa sút qua khỏi trai tráng đến già yếu rồi phải chết là nơi cuối cùng.
9) Tiếng saṅkhataṃ dịch là hữu vi, nghĩa là làm cho sanh lên, là nói về tất cả nhân duyên. Giải rằng: tất cả sự vật sanh lên, có lên, như thế này, như thế kia, khác nhau chỉ vì nhân duyên tạo tác, lập nên, khác nhau như thế đó.
10) Tiếng maranadhammaṃ dịch là có sự chết là lẽ thường, nghĩa là có sự diệt, sự mất, tự nhiên. Giải rằng: tất cả sự vật đã sanh lên rồi phải diệt, phải mất hẳn thực, chẳng có cái chi an trú trường cửu được. Về phần vật vô tri như đồng hồ, khi hết dây thiều, thì kim ngưng chạy, hoặc chưa hết dây thiều, song có sự chướng ngại thì kim cũng chạy không được, chúng ta gọi là đồng hồ ngưng hoặc đồng hồ chết.
Tất cả mười tình trạng đã giải, hợp chung lại thành một gọi là “vô thường tướng”, vì cả mười tình trạng đó là lợi khí, ám chỉ cho thấy tất cả sự vật đều là không thường thôi. Nhân đó xin tìm nhớ hiểu cả 10 tướng cho được, cho thấy là vô thường, khi niệm “vô thường”, cần phải tưởng nhớ đủ 10 tiếng đó, bằng phạn ngữ và nghĩa, nếu không chỉ thuộc nằm lòng nghĩa cũng được. Khi đã niệm cả 10 tiếng đó rồi, sẽ thấy rõ rệt nghĩa lý của 10 tiếng đó gọi là “hiểu theo lẽ vô thường” (aniccānupasanā) hoặc hiểu liên tiếp theo 10 tiếng ám chỉ là “không thường”.
Phương pháp quán tưởng ngũ uẩn là vô thường bằng cách tóm tắt
Phải quán tưởng rằng: sắc là cái vô thường, là cái tan rã, là cái tiêu diệt, là cái không bền, là cái thay đổi, là cái mềm yếu, là cái hư hoại, là cái hữu vi, là cái có sự chết tự nhiên, rồi dùng mỗi danh uẩn: thọ, tưởng, hành, thức để quán tưởng theo 10 tiếng đó. Khi niệm như thế gọi là quán tưởng ngũ uẩn theo “nền tảng vô thường”.
Khi quán tưởng thấy ngũ uẩn theo 10 tiếng đó rồi gọi là thấy hiểu theo 50 pháp vô thường (aniccānupassanā) là lấy 5 uẩn nhơn với 10 tiếng đó thành (5×10) = 50. Đó là phương pháp quán tưởng ngũ uẩn bằng cách tóm tắt, vừa cho hang Phật tử hành theo được dễ dàng. Tiếng “vô thường” đây cũng gọi là “vô thường tưởng” (aniccalakkhana).
Lợi khí che kín vô thường tướng
Khi quán tưởng cả ngũ uẩn theo 10 tiếng đã giải, cũng có thể thấy rõ ngũ uẩn thật là vô thường, hoặc không hiểu cũng có, là vì được trừ khử hoặc còn bị lợi khí che lấp. Lợi khí che kín đó là trong phẩm Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) có giải rằng: Aniccalakkhanaṃ tāva udayabbyānaṃ amanasikāra santatiyā paticchannattā na upatthāti, dịch là: Vô thường tướng không rõ rệt vì sự liên tiếp che kín, do nguyên nhân không chú tâm trong sự sanh, diệt. Giải rằng: sự liên tiếp là lợi khí che lấp vô thường, sự liên tiếp đó gọi theo phạn ngữ là santati, sự liên tiếp đó ám chỉ đến sự sanh dính liền nhau như tóc, lông cũ rụng, tóc, lông mới mọc liên tiếp nhau, làm cho xem không thấy rõ pháp vô thường, phân ra làm 10. Tiếng “không chú ý” đến sự sanh và diệt là không ghi nhớ đến ngũ uẩn. Tiếng “chú ý” đến sự sanh và diệt luôn luôn rằng: ngũ uẩn sanh và diệt liên tiếp. Khi thấy người và thú trong lúc nào, nên niệm tưởng rằng: người này, thú này, sanh, diệt liên tiếp, dừng thấy rằng: là người hoặc thú như thế đó.
Nếu khó nghĩ như vậy, thì nên niệm đến tóc, lông, móng, răng, da rằng: sanh và diệt mãi mãi, vì tóc và lông hằng mọc và rụng mãi mãi. Về phần móng khi ra dài thì phải cắt. Các bộ phận khác trong sắc thân cũng sanh và diệt giống tóc, lông, móng. Cả ba bộ phận đó, mắt chúng ta khó thấy được, cần phải thấy bằng trí tuệ từng ti.
· 25 cái tướng khổ
Cái khổ chỉ có một, song chia ra làm 25 loại cho hàng Phật tử hiểu rộng thêm và làm cho hành giả ưa thích quán tưởng: “Dukkhaṃ rogaṃgaṇdaṃ bhayaṃ upasaggaṃ atāṇaṃ aleṇaṃ asarānaṃ adinavaṃ aghamūlaṃ vadhakaṃ sāsavaṃ mārāmisaṃ jātidhammaṃ jarādhammaṃ byādhidhammaṃ sokadhammaṃ paridevadhammaṃ upāyāsadhammaṃ saṅkilesadhammaṃ”, tổng cộng thành 25. Xin hãy nhớ cho kỹ để làm qui tắc trong sự quán tưởng ngũ uẩn, hầu phá hoại si mê mới được.
Xin dịch và giải 25 tướng khổ theo mỗi loại cho có điều lợi ích đến hành giả.
1) Tiếng dukkhaṃ dịch là khó chịu được. Giải rằng: ngũ uẩn bị sự sanh diệt tàn ác, là trụ sở của cái khó chịu được.
2) Tiếng rogaṃ dịch là bịnh hoặc là lợi khí chích đâm. Giải rằng: ngũ uẩn cần phải chuyên chữa luôn khi trước hết, của tất cả thứ bịnh và điều kinh sợ.
3) Tiếng gandaṃ dịch là mụn nhọt. Giải rằng: ngũ uẩn: phải bị cây lao tức là sự khổ đâm chích luôn khi; có đồ dơ nhớp chảy ra thường thường; tan ra do sự sanh và sự già; là vật phòng lên rồi tan rã.
4) Tiếng sallaṃ dịch là mũi tên. Giải rằng: ngũ uẩn: phải bị chích đâm mãi mãi tức là khó rút được vật đâm chích đó ra.
5) Tiếng aghaṃ dịch là bất hạnh. Giải rằng: ngũ uẩn: phải bị phỉ báng luôn luôn; bị tiêu hoại mãi mãi; là sở trú của tất cả điều bất hạnh.
6) Tiếng abādhaṃ dịch là đau đớn tức là làm hại. Giải rằng: ngũ uẩn: không làm cho sanh sự tự do; không có sự an vui hoặc dễ dàng, theo lòng mong mỏi được; là nơi trú của các sự đau đớn.
7) Tiếng iti dịch là tai nạn. Giải rằng: ngũ uẩn: là cái không ở trong thế lực của ai; là cái không nghe lời ai.
8) Tiếng upaddavaṃ dịch là hư hỏng, rủi ro. Giải rằng: ngũ uẩn: là cái đem đến sự tiêu hoại, bất lợi; là nơi trú của upādava tức là cái không có lợi ích.
9) Tiếng bhayaṃ dịch là kinh khủng là cái đáng sợ. Giải rằng: ngũ uẩn: là cái giếng sanh điều đáng sợ đủ điều; là bọn nghịch của sự vui thích cực điểm, tức là sự thọ khổ.
10) Tiếng upasaggaṃ dịch là nguy hiểm. Giải rằng: ngũ uẩn: có điều bất lợi nguy hiểm; nguy hiểm do các điều tội lỗi; có sự nguy hiểm không hạn chế được.
11) Tiếng atānaṃ dịch là chống cự không được. Giải rằng: ngũ uẩn: chống cự các điều khổ không được; không có phương pháp để chống cự các cảnh khổ được.
12) Tiếng alenaṃ dịch là không có nơi kín đáo. Giải rằng: ngũ uẩn: không ngăn ngừa các sự khổ được; không có phận sự che lấp những điều khổ được.
13) Tiếng asarānaṃ dịch là không có nơi nương nhờ. Giải rằng: ngũ uẩn không có cái chi hộ trợ, trừ khử sự khổ sở được.
14) Tiếng adīnavaṃ dịch là tội lỗi. Giải rằng: ngũ uẩn: có sự khó khăn mãi mãi; có tội lỗi tức là khổ não luôn, như người cô độc.
15) Tiếng aghamūlaṃ dịch là nguồn gốc sự chật hẹp. Giải rằng: ngũ uẩn là nguyên nhân sự chật hẹp, là chật hẹp thân tâm.
16) Tiếng vadhakaṃ dịch là người sát hại. Giải rằng: ngũ uẩn là người sát hại sự vui.
17) Tiếng sāsavaṃ dịch là ngâm. Giải rằng: ngũ uẩn là lợi khí giam cầm. Bốn pháp ngâm là: giam cầm sự thương (kāmāsava); giam cầm sự tái sanh (bhavāsava); giam cầm trong sự si mê (avijjāsava); giam cầm trong tà kiến (diṭṭhāsava).
18) Tiếng mārāmisaṃ dịch là mồi của ma vương. Giải rằng: ngũ uẩn là mồi, là lợi khí nhử[56] của tử ma và phiền não ma.
19) Tiếng jātidhammaṃ dịch là có sự sanh là lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn hằng có sự sanh liên tiếp, trừ ra, cắt hẳn nguyên nhân của sự sanh được, mới không sanh tiếp tục nữa.
20) Tiếng jarādhammaṃ dịch là có sự già lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn thường có sự già liên tiếp.
21) Tiếng byādhidhammaṃ dịch là có sự đau đớn là lệ thường. Giải rằng: ngũ uẩn thường có sự đau đớn mãi mãi.
22) Tiếng sokadhammaṃ dịch là có sự buồn rầu là lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn thường có sự buồn rầu khô héo mãi mãi.
23) Tiếng paridevadhammaṃ dịch là có sự than khóc là lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn thường có sự rên rĩ trong lúc có khổ là lẽ thường.
24) Tiếng upāyāsadhammaṃ dịch là có sự phiền muộn, khó chịu là lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn hằng khó chịu vì sự khổ là lẽ thường.
25) Tiếng saṅkilesadhammaṃ dịch là có sự không trong sạch là lẽ thường. Giải rằng: ngũ uẩn hằng dơ bẩn vì ái dục, tà kiến, ác nghiệp.
Phương pháp quán tưởng ngũ uẩn rằng là khổ (tóm tắt)
Cần phải quán tưởng rằng: sắc, thọ, tưởng, hành, thức là toàn là khổ, là bịnh, là mụn nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là đau đớn, là tai nạn, là hư hỏng, là kinh khủng, là nguy hiểm, là chống cự không được, là không có nơi kín đáo, là không có nơi nương nhờ, là tội lỗi, là nguồn gốc của sự chật hẹp, là người sát hại, là ngâm, là mồi của Ma vương, có sự sanh là lẽ thường, có sự già là lẽ thường, có sự đau đớn là lẽ thường, có sự buồn rầu là lẽ thường, có sự than khóc là lẽ thường, có sự phiền muộn là lẽ thường, có sự không trong sạch là lẽ thường, như thế đó. Trong khi quán tưởng, cần phải thông rõ nghĩa lý tất cả 25 thứ khổ gọi là khổ não tướng, tức là là lợi khí ám chỉ cho thấy rõ cái khổ: ngũ uẩn là cái khổ não thái quá.
Lợi khí che kín khổ tướng
25 khổ tướng đó không rõ rệt đến mắt của mọi người, do hai nguyên nhân là: 1) không nhớ tưởng luôn luôn đến cái khổ tàn ác; 2) sự thay đổi oai nghi. Trong Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) chỗ diễn giải về udayabbyānupassananāna là nền tảng, rằng: dukkhalakkanaṃ abhinhasaṃ māpatipilanassa amanasikārā iriyāpāthehi paṭicchannattā na upatthāti. Nghĩa là: khổ tướng hằng không rõ rệt, vì bốn oai nghi che kín, do không lưu ý thường thường đến sự tàn ác, như vậy.
Sự không ghi nhớ thường thường đến điều tàn ác đó, là không niệm tưởng liên tiếp đến các nguyên nhân cái khổ, cho nên hiểu lầm rằng: ngũ uẩn là vui, làm cho say mê trong ngũ uẩn, khi có khổ phát sanh lên như sự bịnh tật hoặc sự chết xảy đến thì giãy giụa, tâm trí xốn xang, than van rên siết, không hay tìm xét cho biết rằng: ngũ uẩn là cái khổ, thường tìm cách chuyên trị luôn khi. Như sự đói khát cũng là sự khổ của ngũ uẩn. Song chúng ta thường chuyên chữa bằng thuốc, tức là thực phẩm; khi đã ăn uống rồi, nghỉ cho khỏe, gọi là vui. Hiếm người tìm hiểu rằng ngũ uẩn là khổ, vì cần phải tìm các làm cho tiêu hóa thực phẩm, không có giờ phút vui đâu, hoặc ăn uống thái quá cũng là một điều khổ của ngũ uẩn: khi đã dùng thực phẩm rồi, nếu thực phẩm không tiêu hóa thì làm cho ngũ uẩn khó chịu. Thật ra, chẳng có chi gọi là vui; dầu nói rằng: nếu không bịnh, được giàu sanh, có đồ trang sức, có đủ thực phẩm là nơi yên vui, có chỗ ở rộng rãi, có thuốc ngừa bịnh, cần dùng cái chi thường được như nguyện, thì cho rằng là vui, chấp như thế đó là món lợi khí che kín, không cho thấy rõ cái khổ tưởng được.
Tiếng nói oai nghi là lợi khí che lấp, là chỉ về sự thay đổi oai nghi: đứng, đi, ngồi, nằm hoặc sự an của thân thể. Chỗ nói oai nghi là lợi khí che kín cái khổ tướng đó, giải rằng: sự đứng cũng là một lợi khí che kín được, sự đi, ngồi, nằm cũng như nhau, nghĩa là theo lẽ thường, chúng ta hằng có sự đứng, đi, ngồi, nằm thay đổi liên tiếp, không phải đứng hoài, hoặc đi, ngồi, nằm luôn; nếu chỉ dùng một oai nghi thì tự biết mình mệt mỏi. Sự mệt mỏi đó là cái khổ của ngũ uẩn, nhưng khi đã thay đổi oai nghi được thường, thì tự biết mình là vui. Nhân đó, mới gọi rằng sự thay đổi oai nghi là lợi khí che kín cái khổi thướng. Nếu muốn rõ cái khổ tướng thì hãy dứng, hoặc đi, ngồi, nằm trong một oai nghi nào ắt sẽ thấy rõ sự mỏi mệt, khi đó mới tự biết cái khổ tướng rằng: ngũ uẩn là khổ thật, chẳng có sự vui đâu.
Tiếng vô ngã (anattā) hay là vô ngã tướng, có 5 là: paraṃ ritttaṃ tucchaṃ suññnaṃ anattā.
1) Tiếng paraṃ dịch là khác. Giải rằng: ngũ uẩn không ở trong quyền lực người nào, không tin nghe ai, thường sanh già, bịnh, chết theo lẽ tự nhiên của ngũ uẩn. Người có quyền lực nhiều đến đâu cũng khó ngăn cấm được, chẳng có thể dạy bảo cho ngũ uẩn tin nghe được.
2) Tiếng rittaṃ dịch là ít oi. Giải rằng: ngũ uẩn là cái có sự tốt đẹp và sự vui rất ít, không có sự tốt đẹp và vui lâu dài. Nếu quán tưởng được chu đáo thì sẽ thấy rằng không đẹp, không vui, chỉ có sự đáng nhờm gớm và là khổ não liên tiếp.
3) Tiếng tucchaṃ dịch là rỗng không. Giải rằng: ngũ uẩn không có sự đẹp cả bên trong và bên ngoài.
4) Tiếng suññaṃ dịch là trống, song không phải trống như hình tròn trông thấy rõ rệt. Dịch theo nguyên tự là “trống”. Giải rằng: ngũ uẩn không có tài chủ, không có người trú, không có người tạo, không có người hưởng, không có người vững chắc, không có người đi. Giải tiếng không có tài chủ ám chỉ rằng: không có ai là người chủ của ngũ uẩn. Tiếng không có người trú: ám chỉ rằng: trong ngũ uẩn chẳng có một cái chi trú vĩnh viễn, chỉ có cái hư hoại tiêu mòn thôi.
Tiếng “không có người tạo” là không có người, thú, trời, Đế Thích, Phạm thiên, một người nào tạo ra, hoặc biến ra.
Ngũ uẩn sanh lên theo nhân duyên của ngũ uẩn thôi. Tiếng “không có người hưởng” là không có một cái chi gọi rằng là người chịu vui, khổ, cả. Nói tắt: sắc là người chịu cũng không phải, hoặc thọ, tưởng, hành, thức là người chịu cũng không phải, chỉ là tình trạng ngũ uẩn thôi. Tiếng “không có người trú vững” là không có cái chi là: người, thú trú vững trong ngũ uẩn, chỉ phỏng đoán ngũ uẩn rằng là: người, thú thôi.
Tiếng “không có người đi” là không phải người hoặc thú trong ngũ uẩn đi, chỉ là tình trạng của ngũ uẩn thôi. Nhân đó mới gọi ngũ uẩn là trống hoặc cái không có chi.
Tiếng “vô ngã” (anattā) dịch là “không phải ta”. Giải rằng: ngũ uẩn không có ai là chủ hoặc là lớn, có thể dạy bảo ngũ uẩn được. Ngũ uẩn thường: sanh, già, bịnh, chết là lẽ thường. Chẳng có một ai có thế lực bắt buộc, dạy bảo, ngăn cấm, không cho ngũ uẩn sanh, già, bịnh, chết.
Phương pháp quán tưởng ngũ uẩn rằng là: vô ngã bằng cách tóm tắt.
Phải quán tưởng ngũ uẩn cho thấy là vô ngã bằng cách tóm tắt như vầy: Phải thuộc lòng cả năm tiếng đã giải, rồi niệm rằng: “trong ngũ uẩn, mỗi uẩn chỉ là cái riêng khác, là cái ít oi, là cái rỗng không, là cái trống, không phải là ta, như vậy.”
Hoặc chia ngũ uẩn ra, quán tưởng đủ theo mỗi ý nghĩa của năm tiếng đã giải được. Nếu hiểu thấy ngũ uẩn như năm tiếng đó giờ nào, giờ ấy gọi là hiểu thấy theo pháp vô ngã (anupassanā) nghĩa là dùng cả 5 tiếng đó nhơn với 5 uẩn thì thành 25 tròn đủ anattānupassanā.
Lợi khí che kín vô ngã tướng (anattālakkhana)
Chúng ta không thấy rõ vô ngã tướng, vì pháp kiên cố tưởng (ghanasaññā) do tưởng nghĩ rằng là “bộ phận” là sự hiểu biết rằng là: thú, người, ta, họ, đó là lợi khí ngăn trở. Hiểu như vậy vì không niệm riêng mỗi phần nguyên tố, cho đến khi thấy rõ tiếng gọi: thú, người đó. Sự thực là không phải vậy, chỉ là các nguyên tố thôi.
Theo như lời đã giải, có phạm ngữ trong thanh tịnh đạo (visuddhimagga) khoản nói về udayabbyānnāna, chứng minh rằng: anattālakkhaṇaṃ nānādhātuvinibhogassa amanasikārā ghanana paṭicchannattā na upatthāti, dịch là: vô ngã tưởng không rõ rệt, vì bộ phận che kín do nguyên nhân không niệm riêng các nguyên tố, như thế đó.
Adānanikkhepanato vayovuddhatthagamito āhārato ca ututo kammalo cāpi cittato dhammattārūpato satta vittharena vipassati. Dịch là: Người có sự tinh tấn thường thấy rõ 7 loại theo chi tiết, là: sự gìn giữ và sự dứt bỏ; sự tiêu diệt của thời kỳ tiến hoá; thực phẩm; thời tiết; nghiệp; tâm; sắc thường.
1) Tiếng “sự gìn giữ” là gìn giữ sự sanh. Tiếng “sự dứt bỏ” là bỏ sự tử. Trong hai tiếng đó, phải quán tưởng rằng: Tất cả sắc trong thời gian sanh và diệt là cái không thường: về tình trạng sanh và diệt; về sự biến đổi; vì có tạm thời; vì ngăn sự thường. Như thế đó do nguyên nhân: sắc sanh rồi trú ở, trong thời gian trú ở, hằng khổ não vì sự già, khi già rồi phải tan rã, không sai, cho nên gọi là không thường và là khổ não: vì bị đè ép mãi mãi, vì khó chịu được, vì là nơi trú của sự khổ, vì không có sự vui.
Nói là “vô ngã” vì không vâng lời theo thế lực của ai, nghĩa là người nào dạy bảo rằng; hãy trú vững một mực, đừng già, dừng tan rã, như thế, không được: vì là cái rổng không, vì không có tài chủ, vì không ở trong quyền lực, vì phản đối ngay với ngả.
2) Tiếng “sự tiêu diệt” của sắc tiến hoá đó là phải phân biệt sắc trong 100 năm. Chia ra làm 3 thời kỳ: sơ thời kỳ (pathamavaya), trung thời kỳ (majjhimavaya), chung thời kỳ (pajjhimavaya), phải quán tưởng là: sắc sinh tồn trong sơ thời kỳ, thường diệt trong sơ thời kỳ, không trú đến trung thời kỳ, không trú đến chung thời kỳ, thời diệt trong chung thời kỳ. Nhân đó, mới gọi sắc là cái không thường, là khổ não, là vô ngã.
Khi đã quán tưởng theo 3 thời kỳ như thế rồi, phải quán tưởng chia 100 năm ra 10 phần. Phần thứ nhứt, thuở còn bé thơ, thì diệt trong 10 năm thứ nhứt, sắc trong 10 năm thứ nhì cũng diệt trong 10 năm thứ nhì, sắc trong 10 năm thứ 3 cũng diệt trong 10 năm thứ ba, sắc trong 10 năm thứ tư cũng diệt trong 10 năm thứ tư, như thế, cho đến sắc trong 10 năm thứ 10 cũng diệt trong 10 năm thứ 10.
Rồi phải quán tưởng chia 100 năm ra 20 phần, mỗi phần 5 năm, rằng: sắc trong 5 năm đầu cũng diệt trong 5 năm đầu, không sinh tồn đến 5 năm thứ 2… cho đến sắc trong 5 năm thứ 20 cũng diệt trong 5 năm thứ 20, cho nên gọi sắc là vô thường, là khổ não, là vô ngã.
Rồi chia 100 ra 25 phần, mỗi phần 4 năm, rồi chia ra 33 phần, mỗi phần 3 năm, rồi chia ra 50 phần, mỗi phần 2 năm, rồi chia ra 100 phần, mỗi phần 1 năm, rồi chia một năm ra 2 phần, mỗi phần là sáu tháng, rồi chia ra 6 phần, mỗi phần là 2 tháng, rồi chia một tháng ra 2 phần, là thượng tuần và hạ tuần, rồi chia ngày ra 2 phần là ban ngày và ban đêm, rồi chia ngày và đêm làm 6 phần là sớm, trưa, chiều, đầu hôm, nửa đêm, rạng đông. Phải quán tưởng sắc theo ba “phổ phông tướng” là không thường, là khổ não, là vô ngã.
Khi đã quán tưởng sắc bằng sự phân biệt năm tháng, hạ tuần, thượng tuần, ngày, đêm và giờ như đã giải trên được thuần thục rồi, phải xem xét từ thô thiển đến vi tế theo từng thời.
3) Tiếng nói “thực phẩm” là quán tưởng sắc sanh lên trong khi đói và lúc no rằng: sắc sanh lên trong khi đói, cũng diệt trong khi đói, không sanh tồn đến lúc no, sắc sanh trong lúc no, cũng diệt trong lúc no, không trú đến khi đói.
Giải rằng: sắc sanh trong lúc đói, là sắc màu da tiều tuỵ, không tốt đẹp, sắc sanh lúc no, là sắc tươi tốt, sắc tiều tuỵ không tốt đẹp cũng diệt trong giờ đó, không lâu dài đến lúc tươi tốt, sắc tươi tốt cũng diệt trong lúc đó, không sống còn đến lúc tiều tuỵ, cho nên gọi là vô thường, là khổ não, là vô ngã.
4) Tiếng nói “thời tiết” là nói về sự quán tưởng sắc sanh trong mùa nóng và mùa lạnh rằng: sắc sanh trong mùa nóng là sắc có màu còm cỏi, tiều tuỵ, cũng hằng diệt trong mùa nóng, không lâu dài đến mùa lạnh; sắc sanh trong mùa lạnh là sắc có màu tươi tốt, mềm diệu cũng diệt trong mùa lạnh, không lâu dài đến mùa nóng, mới gọi là vô thường, khổ não, vô ngã.
5) Tiếng nói: “nghiệp” là phải quán tưởng rằng: sắc sanh theo nghiệp trong nhãn môn (cakhudvāra), nhĩ môn (sotadvāra), tỷ môn (ghānadvāra), thiệt môn (jivhādvāra), thân môn (kāyadvāra), ý môn (manodvāra) cũng diệt trong nơi sanh đó, nghĩa là sắc sanh trong mắt, thì diệt trong mắt, không lâu dài dính liên tiếp đến tai, đến mũi, đến lưỡi, đến thân, đến ý, nhân đó mới gọi là vô thường, khổ não, vô ngã.
6) Tiếng “tâm” là phải quán tưởng rằng: sắc sanh trong thời tâm vui mừng, là trong lúc tâm ưa thích, cũng diệt trong lúc tâm vui thích, sắc sanh trong thời tâm buồn rầu cũng diệt trong thời tâm buồn rầu, không lâu dài đến khi vui thích, mới gọi là vô thường, khổ não, vô ngã.
7) Tiếng “sắc thường” là quán tưởng rằng: sắc sanh trong nơi ngoài là sắc vô tri như các hột giống cũng diệt từng khoảng, từng lúc.
Khi quán tưởng sắc theo 7 loại như thế rồi, phải quán tưởng sắc theo 5 pháp có sự tiếp xúc là thứ năm (phassa), là thọ (vedanā), tưởng (sannā), tác ý (cetanā), thức (viññāṇa), xúc (phassa) theo 7 tình trạng, là: theo bó, đối, sát na, liên tiếp, rút lui kiến thức, rút lui ngã chấp, hết sự gìn giữ.
Tiếng nói “bó” là phải quán tưởng rằng tất cả 5 pháp có tiếp xúc là thứ 5, sanh trong thời quán tưởng rằng: các tốc này không thường, là khổ não, là vô ngã; cả 5 pháp có tiếp xúc là thứ 5 đó, hằng diệt trong thời quán tưởng tốc đó, mới gọi là vô thường, là khổ não, là vô ngã, nghĩa là trong điều này, dạy phải quán tưởng tất cả 5 pháp, có sự tiếp xúc là thứ 5, trong mỗi sát na, quán tưởng 32 bộ phận cho thấy khổ não, là vô ngã, liên tiếp theo sự quán tưởng sắc bằng 7 tình trạng đó.
Tiếng nói “rút lui kiến thức” là phải quán tưởng chia thân ra làm sắc, vô sắc cho đến khi thấy rằng: không phải chúng sanh, không phải người, ta, họ.
Tiếng nói “rút lui ngã chấp” là phải quán tưởng rằng: sự quán tưởng hiểu biết đó không chi khác, là nói về thân thể cấu tạo (saṅkhāra) đó, biết, thấy, không phải ta là người biết người thấy.
Tiếng nói “hết sự gìn giữ” là phải quán tưởng cho thấy hết sự ưa thích trong pháp “minh sát niệm” (vipassanā bhāvānā) nếu ưa thích rằng: ta có thể biết rõ, thấy rõ, như vậy, không hết sự gìn giữ. Chỉ đến khi nhìn xét thân thể cấu tạo là người thấy rõ, biết rõ, rồi phải phân biệt, xem xét thân thể cấu tạo cho đến khi thấy rằng: thân thể cấu tạo đó là không thường là khổ não, là vô ngã mới gọi là hết gìn giữ.
‒ Dứt Tam tưởng (trīlakkhana) ‒
‒ Dứt Vi diệu pháp vấn đáp (Pl.2497-Dl.1954)‒
[1] Ngũ dục.
[2] Thiền định pháp.
[3] Vô lượng pháp.
[4] Xuất thế.
[5] Chết rồi sanh lại kiếp khác.
[6] Tâm buông lung.
[7] Cõi trời dục và cõi người.
[8] Tà kiến đã quyết định không thể sửa đổi
[9] Pháp chủ.
[10] Xem trong nhựt hành.
[11] Triệu chứng.
[12] Tốc lực tâm níu lấy đề mục thiền định.
[13] Tốc lực tâm gần nhập định.
[14] Tốc lực tâm điều tra hai tốc lực tâm trước.
[15] Tốc lực tâm phá hoại dòng phàm.
[16] Tiềm thức là cái ý thức ngấm ngầm trong mình chưa tiếp xúc cảnh giới.
[17] Triệu chứng phát sanh trong mắt (nhắm) nhờ sự niệm đề mục.
[18] Triệu chứng phát lộ ra rõ rệt trong sạch kế tiếp uggahanimitta.
[19] Vô thường, khổ não, vô ngã.
[20] Tâm sở phát sanh trong các tâm khác.
[21] Tâm sở lành.
[22] Tâm sở rải rác.
[23] Đẻ non, chưa đến kỳ mà đẻ.
[24] Hao mòn tan nát.
[25] Duyên cớ tiêu diệt.
[26] Hai đầu trái đất.
[27] Địa ngục lớn hằng có tội nhân chịu khổ luôn khôn dứt, không gián đoạn.
[28] Nắng lâu không mưa.
[29] Lẫn ở chỗ nầy chỗ khác, không nhứt định.
[30] Sắc nương theo tứ đại sắc.
[31] Cơ quan trong thân thể giúp cho mình hiểu biết được.
[32] Khoảng không.
[33] Dịch là nhơn gần hoặc mau chóng, nghĩa là thấy nghe, được mau lẹ.
[34] Sắc ở trong khoảng có giới hạn.
[35] Hình dáng bề ngoài của người nữ.
[36] Phẩm cách con người.
[37] Tóc, lông, móng, răng, da v, v…
[38] Sắc dựa vào tứ đại sắc.
[39] Hiểu thấu tâm kẻ khác.
[40] Vui tột bực.
[41] Triệu là điềm của pháp hữu vi.
[42] Dứt phiền não mà còn ngũ uẩn.
[43] Không còn ngũ uẩn.
[44] Sức đi mau của tâm.
[45] Tốc lực gần nhập định.
[46] Tốc lực tâm quán tưởng theo chi thiền tộc lực tâm trước.
[47] Tốc lực tâm phá hoại dòng phàm.
[48] Thụy miên là phiền não ngụ ngầm trong tâm.
[49] Là mất tuyệt không còn gì.
[50] Tuyệt trừ là dứt hết không còn dấu vết.
[51] Xem trong kinh Đại niệm xứ.
[52] Pháp tinh tấn: tinh tấn gìn giữ không cho tội chưa sanh phát sanh lên; tội đã sanh, không cho sanh thêm; phước chưa sanh, tinh tấn cho sanh lên; phước đã có ráng gìn giữ đừng cho mất và cho thêm tăng trưởng.
[53] Là mong mỏi cho việc lành; ráng làm cho được không thối chuyển; chú tâm không lay chuyển trong việc lành ấy; trí tuệ suy xét cho việc lành ấy và nguyện là cho được kết quả.
[54] 5 căn, 5 lực: tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ.
[55] Niệm, trạch pháp, tinh tấn, phỉ lạc, an, định, tuệ.
[56] Nhử: nhấp mồi.