TÂM SỞ VẤN ĐÁP ‒ CETASIKAPAṆHĀ

Vấn: Tâm sở dịch như thế nào? Đáp: Tâm sở dịch là: cái pháp hoạt động trong tâm, sanh và diệt, có cảnh giới và duyên cớ cùng với tâm.

Vấn: Tâm sở có mấy? Đáp: Có 52, là: 13 aññasamānācetasika[20], 14 ác tâm sở và 25 sobhanacetasika[21]

Vấn: Aññasamānācetasika chia ra có mấy loại? Đáp: Có hai loại là: sabbacittasadhāranacetasika và pakiṇṇākacetasika[22].

Vấn: Sabbacittasadhāranaceta có mấy loại? Đáp: Có bảy loại là: 1) Xúc (phasso) trạng thái làm cho 6 cảnh chạm nhằm sáu cửa. 2) Thọ (vedanā) trạng thái biết cảnh giới, hoặc dụng nạp cảnh giới. 3)Tưởng (saññā) trạng thái nhớ nghĩ cảnh giới. 4) Tác ý (cetanā) trạng thái tính dắt dẫn tâm hoặc gom thu phước và tội. 5) Định (ekaggatā) trạng thái làm cho tâm ở yên trong một cảnh giới. 6) Sanh mạng (jīvitindriya) tâm sở khiến cho pháp đồng thời (sahajādharma), được sống còn. 7) Manasikāro sự ghi nhớ để trong tâm bằng phương tiện trí tuệ. Sabbacittasādhāranacetasika này phát sanh đều đủ trong 89 cái tâm.

Vấn: Pakiṇṇākacetasika có mấy? Đáp: Có 6 là: 1) Tầm (vitakko) trạng thái làm cho tâm tìm níu hoặc suy nghĩ cảnh giới. 2) Sát (vicāro) trạng thái điều tra hoặc làm cho tâm trải đi trong cảnh giới. 3)Kiên tâm (adhimokkha) trạng thái làm cho tâm vững chắc trong cảnh giới. 4) Tinh tấn (viriyaṃ) trạng thái hộ trì tâm không cho lui sụt. 5) Phỉ (pīti) trạng thái làm cho thân và tâm no vui. 6) Ý muốn (chando) trạng thái làm cho tâm ham muốn trong cảnh giới. Pakiṇṇakacetasika này không phát sanh đều đủ trong 89 cái tâm.

 

Vấn: 14 ác tâm sở là cái chi? Đáp: 14 ác tâm sở là: 1) Si mê (moha) trạng thái làm cho tâm lầm lạc trong cảnh giới. 2) Không thẹn (aharikam) không xấu hổ nghiệp dữ. 3) Không nhờm, không gớm (anottappam) sợ nghiệp dữ. 4) Phóng dật (uddhacca) tâm buông thả. 5) Xan tham (lobho) tâm dính mắc trong cảnh giới. 6) Tà kiến (diṭṭhi) hiểu quấy, thấy lầm. 7) Tự cao, tự thị (māno) tự cho mình là cao là phải. 8) Sân hận (doso) oán giận trong cảnh giới. 9) Ganh (issā) không muốn cho người hơn mình. 10) Bón rít (macchariyam) giấu của cải không cho người thấy, không rời của đem ra cho đến kẻ khác. 11) Hối (kukkuccaṃ) tiếc điều lỗi của mình đã làm. 12) Dãi đãi (thīnaṃ) lui sụt trong việc lành. 13) Hôn trầm (middham) mê loạn, buồn ngủ. 14) Hoài nghi (vicikicchā) không tin chắc.

 

Vấn: 25 sobhaṇacetasika là cái chi? Đáp: 25 sobhaṇacetasika là: 19 sobhaṇasādhārana, 3 virati, 2 appamaññā, 1 paññindriya.

Vấn: 19 sobhaṇasādhārana là cái chi? Đáp: 1) Tín (saddhā) tin nghiệp và quả của nghiệp. 2) Ký ức (sati) trạng thái ghi nhớ đến việc đã qua. 3) Thẹn (hiri) hổ thẹn nghiệp dữ. 4) Nhờm (ottappa) gớm sợ nghiệp dữ. 5) Không xan tham (alobho) tâm không dính mắc trong cảnh giới. 6) Không sân hận (adosa) tâm không oán giận. 7) Xả (tatramajjhattatā) tâm lợt lạt, lãnh đạm trong sự vật (chúng sanh và vật). 8) Trạng thái thân yên lặng (kāyapassaddhi). 9) Trạng thái tâm yên lặng (cittapassadhi). 10) Trạng thái thân nhẹ nhàng (kāyalahutā). 11) Trạng thái tâm nhẹ nhàng (cittalahutā). 12) Trạng thái thân mềm mại (kāyamudutā). 13) Trạng thái tâm mềm mại (cittamududā). 14) Trạng thái thân vừa đến các việc (kāyakammaññātā). 15) Trạng thái tâm vừa đến các việc (cittakammaññātā). 16) Trạng thái thân thuần thục (kāyapāguññatā). 17) Trạng thái tâm thuần thục (cittapāguññatā). 18) Trạng thái thân ngay thật (kāyajukatā). 19) Trạng thái tâm ngay thật (cittajukatā).

Vấn: 3 pháp chừa cãi (virati) là cái chi? Đáp: 3 pháp chừa cải là: 1) chánh ngữ (sammavācā) chừa cải lời dữ; 2) chánh nghiệp (sammākammanto) làm nghiệp lành, lánh nghiệp dữ; 3) chánh mạng (sammā ājīvo) nuôi mạng lành lánh điều tà mạng.

Vấn: 2 vô lượng tâm (appamañña) là cái chi? Đáp: 2 vô lượng tâm (appamaññatā) là: 1) bi (karunā) là tâm thương xót muốn cứu vớt chúng sanh khỏi khổ; 2) hỉ (muditā) là lòng thân ái trong của cải của người.

Vấn: 1 paññindriya là cái chi? Đáp: Là trí huệ lớn hơn tất cả các pháp.

Tổng cộng: 19 sobhaṇāsādhārana, 3 virati, 2 appamaññā, 1 paññindriya thành 25 sobhaṇacetasika.

 

Vấn: Cái tướng của xúc (phasso) như thế nào? Đáp: Cử chỉ chạm nhằm là cái tướng của xúc.

Vấn: Xúc là danh pháp mà chạm nhằm thế nào được, vật có hình tướng mới có thể chạm nhằm được chớ? Đáp: Xúc là danh pháp thiệt, nhưng cũng chạm nhằm cảnh giới như, người thấy kẻ ăn đồ chua (me) rồi chảy nước miếng, vị chua của me chưa chạm nhằm miệng, chỉ thấy thôi, cho nên nói: “Xúc” có cử chỉ chạm nhằm là tướng.

Vấn: Thọ có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ dụng nạp vị của cảnh giới là tướng.

Vấn: Tưởng có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ biết cảnh giới là tướng, như người thợ mộc lành nghề trong sự đo lường, thế nào, tưởng cũng là người biết phân biệt cảnh giới rằng: đây trắng, kia đen, cũng như thế đó.

Vấn: Tác ý có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ suy nghĩ cảnh giới là tướng, như thợ chánh thường bảo thợ phụ làm việc này, điều kia cho thành tựu.

Vấn: Định có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ an trú bền chặt trong một cảnh giới là tướng.

Vấn: Sanh mạng có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ gìn giữ sự sống là tướng, như nước gìn giữ, nuôi sống thuỷ thảo.

Vấn: Ghi nhớ có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ dẫn đến, chung cùng một cảnh giới là tướng.

Dứt 7 tướng của sabbasādhāranacetasika.

 

Vấn: Tầm có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ trau dồi cảnh giới là tướng,

Vấn: Kiên tâm có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ vừa lòng bền chặt trong cảnh giới là tướng, như nọc trụ cặm xuống đất không lay động vậy.

Vấn: Tinh tấn có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ hộ trì các pháp là tướng.

Vấn: Phỉ có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ no vui là tướng.

Vấn: Ý muốn có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ ham muốn làm các công việc là tướng.

Vấn: Si mê có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ che án cảnh giới là tướng, như loài phù du thấy lửa tưởng là vật mát.

Vấn: Không thẹn có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ không hổ thẹn nghiệp dữ là tướng, như loài heo không gớm vật dơ nhớp.

Vấn: Không nhờm có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ không gớm nghiệp dữ là tướng.

Vấn: Phóng tâm có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ không yên lặng tâm là tướng.

Vấn: Xan tham có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ dính mắc trong cảnh giới là tướng, như loài khỉ dính nhựa, mủ.

Vấn: Tà kiến có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ hiểu quấy cho rằng phải là tướng.

Vấn: Tự cao có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ cho mình cao quí hơn người là tướng. Tự cao nếu chia tóm tắt có 3 loại là: 1) Tự cho mình là cao quí không ai bằng, là cao vì giàu sang, học rộng, thấy xa hơn người. Đó là tự cao của người có quyền tước sang trọng. 2) Chấp rằng không có ai hơn ta, dầu có sự sang trọng, sự thông hiểu đến đâu cũng không hơn ta. 3) Hèn hạ hơn người chỉ có ta.

Vấn: Người chấp rằng cao quí hơn kẻ khác, cho là tự cao cũng phải, nếu họ nói là hèn hạ hơn người, tại sao lại cho họ là tự cao? Đức Phật có giải trong kinh Bālapiṇḍitasūtra rằng: Người nào dốt rồi khoe mình là dốt cũng có thể gọi là trí tuệ, vậy cớ sao cũng cho là tự cao? Đáp: Không phải như thế đâu, đây là nói về người nghèo khó không quyền tước, thất học mà cứng cỏi không chịu khuất phục nghe lời ai cả, chấp rằng: dầu dốt nát thế nào chỉ có ta là cùng. Trong kinh Bālapiṇḍitasūtra giải rằng: nếu dốt nói là dốt, là người dễ dạy, nên mới gọi là có trí tuệ được.

Vấn: Sân hận có chi là tướng? Đáp: Có sự giận dữ, ra dáng điệu là tướng (như rắn độc).

Vấn: Ganh có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ ghét, không ưa người hơn mình là tướng.

Vấn: Bón rít có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ giấu của mình là tướng.

Vấn: Bón rít và xan tham khác nhau như thế nào? Đáp: Xan tham là tâm dích mắc trong ngũ dục, cả cái hữu hình và vô hình, về bón rít là giấu không cho người thấy vật của mình được, như giấu của tiền.

Vấn: Hối có tướng như thế nào? Đáp: Có cử chỉ tiếc những nghiệp dữ mình đã làm rồi và việc lành chưa làm được là tướng, những người đã làm việc dữ khi nhớ đến rồi tiếc rằng không nên làm, còn tiếc chưa tạo được nghiệp lành vì mình đã già yếu rồi khó làm cho được.

Vấn: Hôn trầm có chi là tướng? Đáp: Không làm công việc được là tướng, vì cái tâm mê man không tỉnh, dã dượi, uể oải, không thể làm các điều lành được.

Vấn: 14 ác tâm sở chia theo loại có mấy? Đáp: Chia ra có ba loại. 1) Loại si mê: không thẹn, không nhờm, buông thả. 2) Loại xan tham: tà kiến, tự cao. 3) Loại sân hận: ganh, hối. Về bón rít, hôn trầm, dãi đãi là phần của sādhāranacetasika phát sanh thông thường trong 3 loại.

Vấn: Vì sao chia từng loại như thế? Đáp: Vì tất cả tâm sở phát sanh trong một chỗ cùng nhau hoặc không cũng có.

Vấn: Loại nào phát sanh trong một chỗ cùng nhau, loại nào không phát sanh chung cùng nhau? Đáp: Loại phát sanh trong một chỗ cùng nhau là: không thẹn, không nhờm, buông thả, trước phát sanh lên nương theo si mê, sau mới thông suốt đến các tâm sở khác được. Tâm sở chỉ phát sanh theo loại mình, không thông suốt đến các tâm sở khác được, như: tự cao và tà kiến, trước nương theo xan tham mà sanh rồi sau mới phổ thông đến loại si mê được, nhưng không thông dụng đến sân hận (dosa). Ganh và hối trước nương theo sân hận mà sanh rồi chỉ thông đến si mê, không suốt đến xan tham được. Tâm sở phát sanh lẫn lộn nhau như đã giải.

Vấn: 3 ác căn, để xan tham đứng đầu, qua đến tâm sở, cớ sao si mê lại đứng trước? Đáp: Vì si mê là tâm sở thông dụng đều đủ trong cả 12 tâm là chủ yếu hơn hết.

Vấn: Tín có chi là tướng, có mấy? Đáp: Có sự trong sạch là tướng, chia ra có hai là: sampasādalakkhana và pakkhandalakkhana.

Vấn: Sampasādalakkhana giải như thế nào? Đáp: Ví như ngọc để lọc nước cho trong của Đức Chuyển luân Thánh vương, ngọc ấy có năng lực làm cho bùn, rong, bèo dang ra được, cho nước đục trở nên trong, thế nào, đức tin khi đã phát sanh cũng đè nén pháp cái và các phiền não, cho tâm trong sạch, hết ô nhiễm, cũng như thế ấy. Hành giả trong sạch rồi ráng bố thí, trì giới, tham thiền được mới gọi là sampasādalakkhana.

Vấn: Pakkhandalakkhana giải như thế nào? Đáp: Pakkhandalakkhana có đức tin làm hướng đạo, dẫn các pháp lành theo được, ví như 30 bộ quân ở bờ đây, không dám lội qua bờ kia sông, sợ cá sấu ăn, có vị tướng soái theo sau đến hỏi rằng: tại sao không qua sông đi? Quân sĩ bẩm rằng: vì có sấu làm hại; vị tướng soái nghe rồi kêu: này chúng quân! Xuống theo sau ta, đừng nhút nhát, nói rồi dùng đao giết cá dữ (đến chực làm hại) đi trước dẫn 30 bộ quân lội qua bờ kia được an vui; cũng nhờ vị tướng soái làm hướng đạo, thế nào, những người bố thí, trì giới hoặc tham thiền được, trước hết nhờ có đức tin làm hướng đạo, cũng như thế ấy, cho nên gọi là pakkhandalakkhana.

Lại nữa, đức tin có 2 tướng là: 1) có đức tin là tướng (saddahanalakkhanasaddhā); 2) có cử chỉ xem xét nhơn quả rồi mới tin là tướng, ví như chủ ghe, trước khi lui ghe ra, thường dò xét nước cho biết cạn, sâu rồi mới đi, thế nào, đức tin cũng như thế ấy.

Vấn: Trí nhớ (sati) có chi là tướng, có mấy thứ? Đáp: Trí nhớ có 2 tướng là: apilāpanalakkhanā và upagganhalakkhanā.

Apilāpanalakkhanā có cử chỉ nhắc tâm là tướng, ví như quan quản khố của vua Chuyển luân vương thường vào tâu cho vua hay rằng: tài sản của hoàng thượng có bấy nhiêu đây… thế nào, trí nhớ cũng nhắc tâm không cho quên nghiệp lành, cũng như thế ấy. Cho nên Đức Na Tiên tỳ khưu (Nāgasena) có tâu với đức vua Mi Lan Đà (Milinda) rằng: Tâu đại vương! Quan quản khố của đại vương hằng vào tâu buổi mai và buổi chiều cho đại vương rõ: voi có bấy nhiêu đây, ngựa có bấy nhiêu đây, xe có bây nhiêu đây, binh bộ có bây nhiêu đây, bạc có bây nhiêu đây, vàng có bây nhiêu đây… thế nào trí nhớ cũng thường làm cho tâm nhớ biết các pháp lành rằng đây pháp tứ niệm xứ (satipatthāna), đây tứ chánh cần (sammappadhāna), đây tứ như ý túc (iddhipāda), đây ngũ căn (indriya), đây ngũ lực (bala), đây thất giác chi (sambojjhanga), đây bát thánh đạo (aṭṭhangikamagga), đây tham thiền, đây minh sát, đây tứ diệu đế, đây minh, đây giải thoát, đây pháp xuất thế, nhắc tâm cho nhớ các pháp lành, như thế, gọi là apilāpanalakkhanāsati cũng ví như ông quan quản khố ấy.

Vấn: Upaggaṇhanalakkhanā như thế nào? Đáp: Upaggaṇhanalakkhanā có cử chỉ phấn khởi cái tâm là tướng, ví như ngọ môn quan của vua thường biết rằng: điều này có lợi ích, điều kia không có lợi ích; upagganhanalakkhanāsati thường thúc dục tâm rằng: pháp này có lợi ích, pháp kia không có lợi ích; Pháp có lợi ích là: thập thiện, pháp không có lợi ích là thập ác, như thế ấy.

Vấn: Thẹn thùa có chi là tướng? Đáp: Có sự gớm nhờm nghiệp dữ là tướng.

Vấn: Thẹn thùa phát sanh do mấy điều? Đáp: phát sanh do 4 điều là: 1) suy xét thấy chủng tộc (jatampaccavekkhatvā); 2) suy xét thấy tuổi thọ (vayaṃpaccavekkhatvā); 3) suy xét thấy sự bạo dạn (surabhāvaṃpaccavekkhatvā); 4) suy xét thấy tình trạng đa học thức (bahusaccam paccavekkhatvā)

Vấn: Suy xét thấy chủng tộc như thế nào? Đáp: Suy xét thấy rằng: ta là dòng sang trọng (như dòng vua) không phải thấp hèn, không nên làm những việc ác nhứt là sát sanh, như thế gọi là suy xét thấy chủng tộc.

Vấn: Suy xét thấy tuổi thọ, như thế nào? Đáp: Suy xét thấy rằng: ta đã đến tuổi này rồi không nên làm những nghiệp dữ đâu, như thế gọi là suy xét thấy tuổi thọ.

Vấn: Suy xét thấy sự bạo dạn như thế nào? Đáp: Suy xét thấy rằng: ta là người bạo dạn vì giàu có, quyền cao tước lớn, đi đến nơi nào cũng được cao sang hơn người, ta không nên hành những việc thấp hèn, cử chỉ ấy không xứng đáng với địa vị của ta đâu. Suy xét thấy như thế rồi dứt bỏ nghiệp dữ, như vậy gọi là suy xét thấy sự bạo dạn.

Vấn: Suy xét thấy mình là người đa trí thức như thế nào? Đáp: Suy xét thấy rằng: ta là người học rộng thông rõ Phật giáo, không phải kẻ ngu dốt tối tăm, không nên làm điều nhơ nhớp xấu xa đâu, như thế gọi là xét thấy mình là bực đa học. Thẹn phát sanh ở trong ajjhattiko sammutthana lấy mình làm trọng.

Vấn: Ghê sợ có chi là tướng? Đáp: Có sự lo sợ là tướng.

Vấn: Ghê sợ có mấy thứ? Đáp: Có 4 thứ là: 1) ghê sợ do cử chỉ mình chê trách mình (attānuvādabhaya); 2) ghê sợ do cử chỉ bị người khác chê trách (parānuvādabhaya); 3) ghê sợ quyền lực của vua (dandabhaya); 4) sợ sa trong cõi khổ (4 ác đạo).

Sợ phát sanh do ở ngoài (bahiddhāsamuṭṭhāna) lấy đời làm trọng (lokādhipateyya) như sợ rằng: sợ e chư thiên nhãn thông, nhĩ thông hoặc tha tâm thông biết mình làm sái như vầy, như vầy… rồi các ngài chê trách, như thế gọi là lấy đời làm trọng.

Vấn: Thẹn và sợ có ý nghĩa khác nhau như thế nào? Đáp: Thẹn: nhờm; sợ: nóng. Ví như 2 khúc sắt, một khúc lạnh song dính vật nhớp nhúa đáng gớm, không dám cầm e lấm tay, như thẹn nghiệp dữ, sợ sa địa ngục. Khúc sắt đốt cháy nóng, không dám cầm vì sợ nóng, như sợ nghiệp dữ, e phải sa địa ngục. Thẹn và sợ có ý nghĩa khác nhau như thế ấy.

Vấn: Không xan tham có tướng như thế nào? Đáp: Có cử chỉ không dính mắc trong cảnh giới là tướng.

Vấn: Không sân hận có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ không giận dữ là tướng.

Vấn: Kiên tâm có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ kềm chế tâm vương và tâm sở là tướng, ví như xa phu kéo dây cương ngựa đang chạy cho vững.

Vấn: Thân và tâm yên lặng có chi là tướng? Khác hay giống nhau? Đáp: Có cử chỉ vào gần làm cho yên lặng sự bận rộn thân và tâm là tướng. Thân và tâm an tịnh có tướng giống nhau.

Vấn: Thân và tâm nhẹ nhàng có chi là tướng? Khác hay giống nhau? Đáp: Có cử chỉ vào gần diệt trạng thái nặng nề của thân và tâm là tướng, thân và tâm nhẹ nhàng có tướng giống nhau không khác.

Vấn: Thân và tâm mềm mại có chi là tướng? Giống hay khác nhau? Đáp: Có cử chỉ vào gần dứt trạng thái cứng cỏi là tướng, thân và tâm mềm mại có tướng giống nhau.

Vấn: Thân và tâm vừa hành sự có chi là tướng? Giống hay khác nhau? Đáp: Có cử chỉ vào gần dứt trạng thái không vừa của thân và tâm là tướng. Thân và tâm vừa hành sự có tướng giống nhau không khác.

Vấn: Thân và tâm thuần thục có chi là tướng? Khác hay giống nhau? Đáp: Có cử chỉ dứt bịnh của thân và tâm là tướng, có tướng giống nhau không khác.

Vấn: Thân và tâm ngay thật có chi là tướng? Giống hay khác nhau? Đáp: Có cử chỉ ngay thật là tướng, giống nhau không khác.

Vấn: Ba virati có tướng như thế nào? Đáp: Không có chi là tướng.

Vấn: Bi (thương xót) có tướng như thế nào? Đáp: Có trạng thái muốn dứt khổ của chúng sanh là tướng.

Vấn: Hỉ có chi là tướng? Đáp: Có tâm thường vui mừng của kẻ khác là tướng.

Vấn: Trí tuệ có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ sáng suốt là tướng.

Vấn: Trí tuệ có cử chỉ sáng suốt như thế nào? Đáp: Sáng suốt không chi chướng ngại, ví như chỗ tối tăm, xem vật trắng đen không thấy, đến khi đốt đèn lên mới thấy rõ rệt các vật trắng đen, không lầm lộn, thế nào, trí tuệ chưa phát sanh đến người nào, người ấy tối tăm, bị vô minh che án, không cho biết rằng: đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là nơi diệt khổ, đây là đường đi đến nơi diệt khổ: khi trí tuệ phát sanh mới rõ rằng: ngũ uẩn là đứng đầu sự khổ, đây nhân sanh khổ, đây nơi diệt khổ; đây đường đi đến nơi dứt khổ; khi trí tuệ phát sanh mới thông rõ rằng: ngũ uẩn là chủ yếu sự khổ, bát thánh đạo là đường đi đến nơi diệt khổ, cũng như thế ấy.

Dứt sự vấn đáp trong tướng của tâm sở vắn tắt.

 

Vấn đáp về pháp rải rác ‒ pakiṇṇakapaṇhā

Vấn: “Vô nhơn” nói rằng không hiệp theo nhơn vì sao “Sát vô nhơn tâm” (santīraṇa ahetukacitta) là cái đi thọ sanh? Đáp: Vô nhơn không hiệp theo nhơn thiệt, còn tâm xem xét cảnh giới khi hấp hối, không có năng lực cho đi thọ sanh theo ý mình, chỉ có quả hữu nhơn tâm (vipākasahetukacitta) dẫn đi thọ sanh, ví như người biết thảo đơn, chỉ thảo đơn cho họ rồi có kẻ khác biết viết, nhưng không biết thảo, chỉ chờ chép đơn đã thảo sẵn, trật trúng do nơi người thảo thế nào quả hữu nhơn tâm (vipākasahetukacitta) như người thảo đơn, sát vô nhơn tâm (santīrana ahetukacitta) như người chờ chép đơn đã thảo sẵn, cũng ví như thế ấy.

Vấn: Trong thời gian thọ sanh (patisandhikāla) 35 ngày, nói rằng: “chỉ là phước, không có tội”, tại sao có chúng sanh đầu thai được 7 ngày, nửa tháng, hoặc một tháng rồi lưu sản[23] vậy do cớ nào mà lưu sản, nếu không có tội? Đáp: Lưu sản ấy không phải vì tội, mà vì hết phước, bởi phước chút ít, không có thế cấu tạo cho thành người được.

Vấn: Chúng sanh ấy tạo nghiệp như thế nào mà gọi là ít phước? Đáp: Vì phước mà người đã làm là phước chút ít, mỏng manh (katattākamma) đi thọ sanh đến chừng ấy thôi, không có nghiệp nào cho quả.

Vấn: Tội cho quả trong lúc nào? Đáp: Tội cho quả trong thời nối tiếp (pavatikāla).

Vấn: Thời nối tiếp kể từ đâu, đến đâu? Đáp: Kể từ ngày thứ 36 sấp lên.

Vấn: Chúng sanh chết rồi uẩn nào đi, uẩn nào ở? Đáp: Chúng sanh chết, cả 5 uẩn đều đi hết, không còn sót uẩn nào.

Vấn: Nói cả 5 uẩn đều đi, sao sắc uẩn còn lại đó? Đáp: Sắc mới sanh ra nương theo sắc cũ, ví như lúa gieo trong ruộng chỉ còn vỏ lúa, lúa mọc lên được cũng nương hột lúa cũ, thế nào, sắc sanh ra cũng nương theo sắc cũ vậy. Lại nữa, cái quả (vipāka) chụp lấy 5 uẩn đi thọ sanh, ví như người chụp bóng, chụp lấy sắc dính với kiến, sắc thân kia cũng vẫn còn như cũ, nhưng bóng dính với kiến, thế nào, sắc thân cũ chết nằm trên đất, song cái quả chụp lấy dấu vết sắc thân cũ đi đầu thai cũng như thế ấy.

Vấn: Phước và tội mà người đã làm trú tại nơi đâu? Đáp: Trú trong tâm.

Vấn: Trú trong tâm, trú như thế nào? Như vậy thì lẫn lộn nhau rồi? Đáp: Phước là danh pháp, tội cũng là danh pháp giống nhau, mà trú trong tâm, ví như sự thông rõ các chi đạo không lẫn lộn, gặp đạo nào biết đạo nấy, thế nào, phước và tội phần nào cho quả trước thì thọ quả ấy, cũng như vậy.

Vấn: Phước và tội trú trong tâm đến khi chết, tâm ra trước phước và tội, hay là phước và tội ra trước tâm? Đáp: Tâm, phước và tội đồng ra một lượt ví như người đổ nước trong lu ra, nước và sự trong cũng ra một lượt, nước như tâm, trong như phước; hoặc nước với đục ra một lượt, nước như tâm, đục như tội, tâm cùng phước và tội đồng ra một lượt cùng nhau, vì như thế ấy.

Vấn: Phước cũng trú trong tâm, tội cũng trú trong tâm giống nhau, vậy đến khi sanh lên trời, tội ở nơi nào, còn nếu sa địa ngục, phước trú nơi đâu? Đáp: Nếu sanh lên cõi trời, tội cũng đi cùng nhau, bằng sa địa ngục, phước cũng dính theo với nhau. Phước và tội ví như bóng và hình, hình đi đến đâu bóng cũng đến đó, thế nào, tâm cùng tội và phước, nếu tâm ở đâu, phước và tội cũng ở đó.

Vấn: Tội đi lên cõi trời bằng cách nào? Phước xuống địa ngục như thế nào? Đáp: Tội lên cõi trời, phước xuống địa ngục, ví như bông và cát. Bông là vật nhẹ bay giữa trời được, nhưng nếu bông nhiều cũng có thể bọc cát bay lên giữa trời được. Cát ví như tội, bông ví như phước. Lại nữa, cát rớt xuống nước và bọc bông dính theo do năng lực của cát, bông cũng chìm xuống nước; cát như tội, bông như phước dính chung với tội đi địa ngục, phước và tội trú chung cùng nhau, nếu đi lên trời thì tội không có quyền cho quả, về phần phước cho quả, nếu xuống địa ngục, phước không có quyền cho quả, về phần tội cho quả, lại cũng ví như bóng của người vào dưới bóng cây, bóng cây lớn hơn chụp trên đầu bóng của người mất, nếu cho rằng bóng của người chạy đi đâu cũng không được, thế nào về phần phước và tội trú khác chỗ cũng không có quyền cho quả như thế ấy.

Vấn: Phước và tội cái nào mạnh hơn? Đáp: Phước mạnh hơn.

Vấn: Cớ sao nói phước mạnh hơn? Đáp: Vì những người làm phước rồi hồi hướng phần phước đến kẻ khác, họ vui lòng thọ lãnh được, hoặc rãi đến Chư thiên, Chư thiên cũng dụng nạp được. Về phần tội, người nào làm người ấy được, đem chia cho kẻ khác, không ai chịu, hoặc như bọn cướp bị bắt khai tội cho nhau họ cũng không vui thích, hoặc tội đã làm rồi hồi hướng cho ngạ quỉ, địa ngục cũng không sao hồi hướng được, cớ ấy nên nói tội yếu hơn phước như thế.

Vấn: Người làm dữ do tâm nào? Đáp: Do 12 tâm ác và 14 tâm sở ác.

Vấn: Chúng sanh chết đi luân hồi, làm cầm thú ngạ quỉ, địa ngục, vì nhơn nào? Đáp: Vì làm quấy trong 12 tâm ác và 14 tâm sở ác.

Vấn: Tâm nào đưa chúng sanh đi thọ khổ? Đáp: 11 ác tâm đưa chúng sanh đi thọ khổ.

Vấn: Tâm nào đi thọ sanh chịu khổ? Đáp: “Ác quả vô ký” hiệp theo “sát vô nhơn” (akusalavipāka upekkhāsahagata santīrana ahetuka) là chính mình chúng sanh đi đầu thai và chịu khổ.

Vấn: Cái chi tạo ra địa ngục, ngạ quỉ, cầm thú để cho chúng sanh? Đáp: Tất cả nghiệp dữ mà chúng sanh đã làm tạo ra đường địa ngục, ngạ quỉ và cầm thú, để cho chúng sanh.

Vấn: Người làm dữ chỉ có cái tâm thôi, hay là chính mình chúng sanh đi thọ khổ làm cầm thú, ngạ quỉ địa ngục, do nhiều tâm hay là một tâm, tâm ấy gọi là gì? Đáp: Người làm dữ do nhiều tâm là: xan tham với si mê, hoặc sân hận với si mê, hoặc chỉ có si mê thôi. Chính mình chúng sanh đi chịu khổ làm cầm thú, ngạ quỉ, địa ngục chỉ vì 11 tâm ác (trừ phóng tâm) và “ác quả vô ký” hiệp theo “sát vô nhơn tâm”. Cái quả (vipāka) đi thọ khổ ấy gọi là: ác quả vô nhơn tâm (akusalavipāka ahetukacitta).

Vấn: Người bố thí, trì giới, tham thiền được, do tâm nào? Đáp: Do 21 tâm lành.

Vấn: Người chết đi thọ sanh làm trời và làm người, do tâm nào? Đáp: Do tâm lành thọ cảnh giới vừa lòng hoan hỉ (somanassa) trong khi hấp hối.

Vấn: Tâm nào dẫn chúng sanh đi làm trời làm người? Đáp: Thiện quả vô nhân tâm (kusalavipaka ahetukacitta) là chính mình chúng sanh đi đầu thai làm người và trời.

Vấn: Cái chi tạo chủng tộc, cõi, hạnh phúc (sampatti) để cho chúng sanh? Đáp: Tất cả sự lành của chúng sanh đã làm, tạo chủng tộc, cõi và hạnh phúc để cho chúng sanh.

Vấn: Người làm lành do mấy loại tâm? Đáp: Do lai loại tâm là: 3 nhơn (trīhetu) và hai nhơn (duhetu).

Vấn: Tâm lành tạo chúng sanh làm người, trời, cớ sao người và trời không giống nhau, có người thấp hèn, có người cao sang, có hạng sanh lên cõi trời, làm phước bằng cách nào mà khác nhau như thế? Đáp: Bố thí, trì giới, tham thiền khác nhau. Bố thí, trì giới, tham thiền bực hạ, tạo chủng tộc, cõi, hạnh phúc bực hạ. Bố thí, trì giới, tham thiền bực trung cho hưởng quả bực trung. Bố thí, trì giới, tham thiền bực thượng thọ quả bực thượng, cho đến hàng chư thiên, tạo phước khác nhau như thế ấy.

 

VẤN ĐÁP VỀ SẮC ‒ RŪPAPAÑHĀ

Vấn: Sắc dịch như thế nào? Đáp: Sắc dịch là tiêu huỷ[24] hoặc hư hỏng mòn mỏi do các diệt duyên[25] nhứt là sự lạnh và sự nóng, cớ ấy nên Đức Phật có giải rằng: Này các tỳ khưu! Các thầy phân biệt rằng sắc tiêu huỷ ấy do cớ chi; Đức Thế Tôn hỏi rồi tự đáp rằng: Này các tỳ khưu! Sắc hao mòn do nguyên nhơn như vầy: tiêu huỷ vì sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, sự tiếp xúc, ruồi lằng, muỗi, gió, nắng và các loại rắn nhỏ, lớn. Này các thầy tỳ khưu! Sự tiêu huỷ mà Như Lai đã kể ấy gọi là sắc vậy. Lại nữa, sắc dịch là biến đổi, trói buộc, phá hại hoặc dịch là tan rã cũng được.

Vấn: Sắc có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ tan rã là tướng.

Vấn: Thân thể chúng sanh tiêu huỷ do sự lạnh ấy thuộc về hạng nào, ở trong nơi nào? Đáp: Về hạng chúng sanh ở trong không gian địa ngục (lokantaranaraka).

Vấn: Không gian địa ngục ấy, ở nơi nào? Hình trạng ra sao? Đáp: Không gian địa ngục ở trong khoảng 3 châu thế giới, châu vi 8.000 do tuần, không có đất nâng đỡ, không có ánh sáng mặt trăng, mặt trời và ánh sáng của các thứ ngọc chiếu đến; không gian địa ngục thường tối tăm luôn.

Vấn: Chúng sanh trong không gian địa ngục hình thể bao lớn, thọ khổ như thế nào? Đáp: Chúng sanh ấy hình thể to lớn 12.000 thước, chịu khổ thái quá, có móng dày và dài, dộng đầu xuống như loài dơi, khi nào gặp nhau thì quấn chặt lấy nhau, và nghĩ rằng ta được món ăn rồi, tính như thế bèn vẫy vùng sút chân rớt trong nước nâng thế giới, đến khi có gió lạnh quạt nhằm thì rớt tự nhiên, như trái thị chín mùi, rụng khỏi cây vậy, rớt xuống thì da xương gân, thịt điều tiêu tan vì nước lạnh và mặn, như cục thịt bỏ vào trong dầu thật sôi, hằng tiêu tan vậy. Hình thể chúng sanh tiêu huỷ do sự lạnh như đã giải ấy, chẳng phải chỉ có thế thôi, dầu sắc thân chúng sanh trú trong nơi ẩm thấp, quá lạnh, như xứ địa cực[26] cũng phải tiêu diệt, do sự lạnh vậy.

Vấn: Hình thể tiêu huỷ do sự nóng ấy, thuộc về hạng chúng sanh nào? Đáp: Về hạng chúng sanh chịu khổ trong vô gián đại a tỳ địa ngục (avicīmahānaraka)[27] nằm trên bàn chông bằng đồng nóng cực điểm, không thế vay trở được, ví như chúng sanh bị người đóng dinh 2 tay 2 chơn và giữa ngực, không sao cử động được.

Vấn: Sắc thân tiêu huỷ vì sự đói, do mấy duyên cớ và thuộc về hạng chúng sanh nào? Đáp: Do 2 cớ là: trong loài ngạ quỉ và trong cơn đói kém.

Vấn: Tiêu huỷ trong loài ngạ quỉ như thế nào? Đáp: Lệ thường, chúng sanh đọa làm ngạ quỉ, dầu trải qua 3, 4 Đức Phật giác ngộ trong thế gian, cũng chẳng được chút ít thực phẩm nào cả, bụng trống không như cây có bộng bị lửa cháy luồn vậy.

Vấn: Chúng sanh tiêu huỷ vì sự đói kém như thế nào? Đáp: Trong xứ bị hạn[28] không có nước, mất mùa, hoặc bị nước lụt, tìm kiếm thực phẩm không được, dầu là nước cơm cũng chẳng có, sự chết vì cơn đói kém hằng hà sa số.

Vấn: Chúng sanh tiêu diệt do sự khát như thế nào? Đáp: Loại ngạ quỉ Kañjikapreta, dầu sống đến 2,3 đời Phật giác ngộ cũng chẳng được uống một nhỏ nước vào bụng, nếu ngạ quỉ ấy đến trong nơi có nước, nơi ấy trở nên khô khan, không còn nước, đi xuống biển, biển cũng khô.

Vấn: Sắc thân tiêu huỷ do sự đụng chạm như thế nào? Đáp: Những chúng sanh chết vì sự đụng chạm là muỗi, bò mắt, ruồi lằng, v.v…

Vấn: Chúng sanh chết vì gió như thế nào? Đáp: Khi gió phía trong và phía ngoài quạt không đều thì làm cho sắc thân phải tiêu huỷ.

 

Vấn: Sắc có mấy thứ? Đáp: Có 2 thứ: tứ đại sắc (mahābhūtarūpa) và sắc nương theo tứ đại (upadāyarūpa).

Vấn: Tứ đại sắc có mấy? Đáp: Có 4 là: đất (pathavīdhātu), nước (apodhātu), lửa (tejodhātu), gió (vāyodhātu).

Vấn: Chất đất có mấy thứ? Đáp: Có 20 thứ là:

1) Tóc (kesā) có 9 triệu sợi, màu đen, gốc mọc sâu trong da đầu, bằng đầu hột thóc, 1 sợi tóc chỉ mọc trong một lỗ. Bậc có trí tuệ nên quán tưởng theo pháp ô trọc đề mục thiền định patikūlakammaṭṭhāna rằng: là vật đáng nhớp nhúa, có 5 điều là: nhớp nhúa vì màu, nhớp nhúa vì xứ (miền), nhớp nhúa vì mùi, nhớp nhúa vì chỗ sanh, nhớp nhúa vì chỗ trú. Dạy phải quán tưởng như người dùng thực phẩm khi thấy tóc rớt vào trong món ăn, thì nhờm gớm, lấy bỏ ra không sao ăn được. Tóc là vật thương yêu vừa lòng, chỉ khi còn mọc trên đầu, đến lúc rụng rớt xuống giờ nào rồi, hằng có sự ghê gớm thái quá. Tóc mọc trên đầu, tẩm trong mũ, máu, nhớt, v.v… ví như rau hoặc cỏ mọc gần cầu xí là vật dơ bẩn, đáng nhờm gớm lắm.

2) Lông (lomā) có 9 triệu sợi, màu trắng hoặc vàng hoe, hay đen, ví như rễ cây thốt nốt, Lông mọc trong khắp cả da mình, trừ ra chỗ có tóc, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Gốc mọc trong da độ bằng trứng chí, trong mỗi lỗ mỗi sợi. Lông ấy là ô trọc đề mục thiền định, do theo 5 điều như đã giải trong tóc vậy.

3) Móng (nakhā) có 20, màu như vảy cá, mọc nơi đầu 10 ngón tay và 10 ngón chân, cũng là ô trọc đề mục thiền định, do 5 điều giống nhau.

4) Răng (dantā) có 32, đối với người có nhiều căn lành, người ít phước chỉ có 24, hoặc 29 cái. Răng có màu trắng, có hình thể khác nhau. Răng mọc từ xương hàm trên và hàm dưới là nơi nhớp nhúa, xấu xa, dính đàm, máu, nước miếng và vật uế trược cũng có. Nếu không rửa chà, không súc miệng thì có mùi hôi thúi đáng nhờm gớm lắm. Răng đã mọc rồi thì hằng rụng trở lại là lệ thường, chẳng có sự quí báu chi cả. Răng ấy cũng là ô trọc đề mục thiền định do 5 điều giống nhau.

5) Da (taco) nếu lột da ngoài ra khỏi mình cuốn tròn lại bằng trái táo, có màu sắc khác nhau, có chỗ trắng, vàng, đỏ. Da bao thịt giống như ổ kén, da chân giống như người mang dớ, da ống quyển như người lấy lá thốt nốt đem bó, da bấp vế như cái đãy mà người dồn đầy gạo, da bàn toạ như vải lược nước, da lưng như da người ta bao dán, da bụng như da bao trống, da ngực có hình trạng 4 góc, da 2 tay như da họ bao ống tên, da lưng tay như da vỏ dao cạo, da bao thân như đãy đựng chìa khoá, da cổ giống như nan tre đương làm ống nối tiếp nhau, da miện như ổ cào cào, da đầu như áo bát, da ấy là vật nhơ nhớp, do 5 điều như đã giải.

6) Thịt (mamsaṃ) có 900 cục, màu đỏ, có hình trạng khác nhau. Thịt ống quyển giống như lá thốt nốt gói tròn rồi để dành, thịt bắp vế như chày đá, thịt bàn toạ như cục đá ông táo, thịt bắp vế như đường táng, thịt xương sườn như đất sét trét vách đất, thịt vú như đất người treo để dành, tất cả 900 cục thịt ấy giống như người bó chung với 300 lóng xương. Thịt dưới dính với xương, thịt trên dính với da, cả thảy thịt ấy chẳng có sự quí trọng chi cả, đều là vật nhơ nhớp, xấu xa, đáng nhờm gớm lắm.

7) Gân (nhārū) có 900 sợi đều là màu trắng, buộc rịt cả 300 lóng xương, giống như máy móc mà người chằng với giây máy, gân lớn kết theo xương sườn bên tả 5 sợi, bên hữu 5 sợi. Gân lớn kết theo xương lưng bên tả 5 sợi, bên hữu 5 sợi, các gân lớn đều hợp lại với nhau ở nơi cổ. Gân lớn chạy dính theo tay mặt, tay trái mỗi bên là 10 sợi, lưng tay 5 sợi, lòng bàn tay 5 sợi, gân lớn xiềng theo mỗi chân 5 sợi v.v…

8) Xương (aṭṭhi) có 300: xương trán 1, xương mũi 1, xương đầu 1, xương ót 1, xương màng tang 2, xương đỉnh đầu 2, xương mắt 2, xương tai 2, xương cằm 2, xương ức 3, xương sườn 24, xương đòn gánh 2, xương bả vai 2, xương cánh tay 2, xương cánh tay phía ngoài 2, xương cùi chỏ 2, xương cổ tay 16, xương bàn tay 10, xương lóng tay 28, xương hông 2, xương đùi 2, xương đầu gối 2, xương ống chân chính 2, xương ống chân phụ 2, xương cổ chân 14, xương bàn chân 10, xương lóng chân 28, xương non dính theo tứ chi 64, xương cổ 7, đốt xương sống 12, xương ngang lưng 5, xương mông 5, xương cụt 6, v.v… Các xương ấy toàn màu trắng có hình trạng khác nhau là vật đáng ghê gớm lắm.

9) Tuỷ trong xương (aṭṭhimiñjam) màu trắng ở trong cả 300 lóng xương, nếu xương lớn thì tuỷ nhiều, xương nhỏ tuỷ ít, ví như mây mà người hơ lửa cho chín lấy vỏ ra rồi để vào ống tre vậy.

10) Trái cật (vakkam) có màu đỏ.

11) Trái tim hoặc tâm (hadayaṃ) ở giữa chặn đầu ngực, màu đỏ hình trạng giống như bông sen chưa nở, nếu người có trí tuệ, mẫn tiệp thì trái tim nở chút ít; người dốt nát trái tim giống như hoa sen héo; bên trong có nước hộ trì tâm, lối một bụm tay; nếu người có tính tham nhiều, nước hộ trì tâm đỏ, người có tính sân hận nhiều nước ấy đen, người có tính si nhiều, nước ấy đỏ dợt giống như nước rửa thịt; ngưới có tính tuệ nhiều, nước ấy trong như ngọc mani.

12) Gan (yakanaṃ) màu đỏ giống như hoa sen đỏ, trú bên hông mặt, hình tượng như lá dông, nếu người có trí tuệ thì phía dưới lá gan rẻ ra; người vô trí thức: lá gan không rẻ ra.

13) Màng (kilomakaṃ) có 2 thứ là: màng bao gan, phổi, tim và màng bao 300 lóng xương.

14) Dạ dày (pihakaṃ) màu giống như lưỡi bò con đen.

15) Phổi (papphasaṃ) có hình trạng như 33 cục thịt dính với nhau, đỏ dợt; người đói, không ăn vật chi thì chất lửa đốt nóng đến phổi phải khô héo; nếu có dùng thực phẩm đầy đủ thì chất lửa đốt tiêu cả vật thực, phổi trở nên tươi tốt như thường.

16) Ruột già (antaṃ) người nam ruột già dài 32 hắc, người nữ dài 24 hắc, khoanh làm 24 khoanh, trên từ cổ xuống đến giang môn, màu trắng. Trong ruột già có lẫn lộn cả thảy 32 loài sán trùng, bò tới lui trong ruột già. Nếu không có thực phẩm, những loại trùng ấy cất đều lên loi nhoi làm động tới gan, tim, phổi. Khi người được dùng một, hai miếng cơm, loài trùng ấy đến dành nhau ăn. Loại trùng ấy thường sanh ra rồi chết trong ruột già, ví như người chặt đầu rắn rồi chất chồng lại để trong một nơi nào vậy.

17) Ruột non (antagunaṃ) dính liền với ruột già, nếu người làm công việc nặng nề thì ruột non dùng, ruột già cũng dùng theo; người ở không, ruột non rút rịt ruột già.

18) Thực phẩm mới (udariyaṃ) khi vật ăn đến chót lưỡi, trộn với nước miếng lỏng, vào đến góc lưỡi trộn với nước miếng đặc thì mùi ngon bay mất, vào đến bao tử vật ăn trở nên ghê gớm, ví như đồ chó mửa, hoặc cơm ngâm với chỉ. Vật ăn đến bao tử rồi lẫn lộn với nước dơ nhớp, nếu người có đàm nhiều thì thực phẩm ấy xanh; có mũ nhiều thì thực phẩm lẫn lộn với nước thúi; có máu nhiều thực phẩm đỏ. Chất lửa đốt thực phẩm sôi trào lên có bọt rồi các loài trùng dành nhau ăn. Thực phẩm vào bao tử chia ra làm 5 phần: phần về trùng ăn; phần về chất lửa đốt; phần thành phẩn; phần thành nước tiểu, nước dơ; phần thành thịt, da, máu.

19) Thực phẩm cũ (karisaṃ). Chất lửa đốt cho nhiễn như đâm giả bằng đá nhiễn, rồi chảy vào ruột già đặc thành cục, trú phía dưới ruột già, ví như nồi tre dài bằng ngón tay đầy những đất, thế nào, thực phẩm cũ cũng giống như đất mà người đựng trong ống tre đó vậy.

20) Óc (matthakemattaliṅgaṃ) tròn như bánh, đồ ăn vào dầu ít hay nhiều cũng chia ra làm 5 phần như đã giải, vật ăn mà chất lửa đốt sôi lên, ví như nồi cơm sôi. Lệ thường cơm sôi hằng làm cho bọt cơm giăng lấm dính miệng nồi, thế nào, thực phẩm đã ăn vào bị chất lửa đốt sôi lên dính lấm lỗ tai, mắt, lỗ mũi, cũng như thế ấy; bọt thực phẩm mà chất lửa đốt lên dính lấm lỗ mũi, lỗ tai, mắt gọi là cứt mũi, cứt ráy, ghèn, nếu dính răng gọi là cứt răng, tiêu ra đường đại gọi là phẩn. Phần đã tiêu hoá tốt đem bổ dưỡng thân thể cho tráng kiện. Tuỷ trong óc ví như bột vò thành cục, màu trắng như 3 củ khoai non hoà nhau ở trong óc, đáng ghê gớm lắm. Bực trí tuệ nên quán tưởng lửa thiêu tử thi thế nào, óc của con người cũng giống như thế ấy chẳng khác nhau đâu.

Vấn: Chất nước có mấy? Là những cái chi? Đáp: Có 12 thứ là:

1) Mật (pittaṃ) có 2 thứ. Mật chứa (baddhapittaṃ) trong khoảng lá gan, tim, phổi, nếu mật ấy chuyển động thì con người phải điên, không còn biết chi cả. Mật lang[29] (abaddhapittaṃ) thấm vào khắp châu thân, trừ tóc, lông và móng thôi. Mật này động thì làm cho mắt đỏ, chóng mặt, thân tâm rung rẩy.

2) Đàm (seṃhaṃ) ở trong dạ dày con người, đầy một bát, khi vật ăn vào khỏi cổ vẹt đàm ra từng khoảng chìm xuống trong phía bao tử, rồi gạn lại như thường, ví như người liệng cục đất trong hồ có đầy những rong, rong vẹt ra chừa khoảng cho cục đất chìm xuống, rồi gom bít lại cũng như thế ấy. Đàm che đậy mùi hôi của vật ăn trong dạ dày, không cho bay hơi lên được, ví như ván đậy cầu xí không cho bay mùi hôi lên, thế nào, đàm che mùi thúi trong dạ dày không cho lên hơi cũng như thế ấy?

3) Máu (lohitaṃ) có 2 thứ là: máu chảy cùng khắp bộ phận trong thân thể (samsāranalohita); máu đọng ngưng tụ (sannicittalohita). Máu đọng đặc ở trong bao tử lên tới phổi, gan, tim, nếu máu ấy không ngập đến gan, phổi, tim giờ nào thì làm cho chớn thuỷ nóng nảy, bào bọt trong giờ ấy, nếu máu ấy có đầy đủ như lệ thường thì chớn thuỷ mát mẻ an vui. Màu nó giống như dầu mè trong.

4) Mủ (pubbo) màu đỏ trắng hoặc vàng khác nhau.

5) Mồ hôi (sedo) ở trong tất cả lỗ lông, trong như dầu mè, khi bị nóng nực thì mồ hôi chảy ra theo các lỗ lông.

6) Mỡ đặc (medo) màu vàng như nghệ, ở chỗ khoảng giữa da và thịt, người gầy mỡ ít, béo mỡ nhiều.

7) Nước mắt (assu) giống như dầu trong, ở trong con mắt, nếu có sự khổ bất bình thì nước mắt chảy ra, hoặc cười thái quá, hoặc buồn ngủ thái quá cũng làm cho nước mắt chảy ra vậy.

8) Mỡ lỏng (vasā) màu giống như dầu dừa, ở trong da bụng, mũi, trán, và vai. Khi người bị nóng nực, mỡ lỏng chảy thấm khắp cả mình.

9) Nước miếng (khelo) màu trắng, khi thấy vật đáng gớm nhờm, hoặc thấy người ăn vật chi ngon rồi phát thèm, hoặc khi ăn đồ chua, mặn, cay thì nước miếng chảy ra, hoặc tự nhiên chảy ra cũng có, không có nước miếng thì khô cổ, không được an vui. Nước miếng lỏng ở chót lưỡi, nước miếng đặc ở góc lưỡi, nước miếng thường chảy ra luôn, ví như giếng cát không bao giờ khô cạn, thế nào, nước miếng con người hằng từ trong miệng chảy ra không dứt, cũng ví như giếng cát kia vậy.

10) Nước mũi (saṅkhānikā) màu trắng giống như trái thốt nốt non, nếu người có bịnh chảy mũi, ho, thì nước mũi chảy ra theo lỗ mũi rất đáng nhờm gớm.

11) Nhớt (lasikā) ở trong các khớp xương ít nhớt thì đi, đứng, nằm, ngồi không được mau lẹ và hay kêu rắc rắc; nhớt nhiều không nghe kêu và cử động lẹ làng.

12) Nước tiểu (muttaṃ) ở trong bàng quang, khi bàng quang đầy thì mắc tiểu tiện, nước tiểu là vật đáng gớm.

Vấn: Chất lửa (tejo) có mấy thứ? Đáp: Có 4 thứ là: 1) chất lửa làm cho thân thể nóng, không mát mẻ (santappaggi); 2) chất lửa làm cho bứt rứt khó chịu (pariday haggi); 3) chất lửa làm cho thân hao mòn, già yếu, mắt lờ, tai lãng, răng long, tóc bạc, thịt teo (jaraṇṇaggi); 4) chất lửa đốt thực phẩm cho tiêu hoá (pariṇāmaggi).

Vấn: Chất gió (vāyo) có mấy thứ? Đáp: Có 6 thứ là: 1) gió quạt từ đầu bàn chơn đến khắp châu thân (uddhañgamāvāta); 2) gió quạt từ đầu đến bàn chân (addhogamāvāta); 3) gió quạt qua lại trong bụng (kucchissayāvāta); 4) gió quạt trong ruột già và ruột non (kotthāsayāvāta); 5) gió quạt khắp cả thân thể (angānusārivāta); 6) gió thở ra, vô (assāsapassāsa).

Chất đất 20, chất nước 12, chất lửa 4, chất gió 6, cọng tứ đại sắc thành 42 là nơi to lớn hơn cả, là nơi nương nhờ của các sắc khác.

 

Vấn: 24 upadāyarūpa[30] là cái chi? Đáp: Là: 5 giác quan sắc (pasādarūpa)[31], 4 cảnh giới sắc (visayarūpa)[32], 2 thân sắc (kāyarūpa), 1 tim sắc (hadayarūpa), 1 mạng sắc (jivitarūpa), 1 thực phẩm sắc (āhārarūpa), 1 khoảng sắc (paricchedarūpa), 2 động sắc (viñnattirūpa), 3 biến sắc (vikārarūpa), 4 tướng sắc (lakkhanarūpa). Cộng thành: 24 sắc.

Vấn: 5 giác quan sắc là cái chi? Đáp: Là: thị giác quan, thính giác quan, khứu giác quan, vị giác quan, xúc giác quan.

Vấn: Thị giác quan như thế nào? Đáp: Thị giác quan có hình trạng đen, bằng đầu con chí ở giữa mống mắt, thị mắt có 7 lớp chập chồng nhau, nếu không có thị giác, gọi là mù…

Vấn: Thị giác quan có chi là tướng? Đáp: Có sự trong sạch của tứ đại vừa chận ngăn cảnh giới là tướng, có sự trong sạch của tứ đại sắc do nghiệp mà sanh, có trạng thái trong sạch muốn xem là tướng.

Vấn: Thị giác quan có chi là sự? Đáp: Có cử chỉ níu cái thức và mình người đi trong cảnh giới là sự.

Vấn: Thị giác quan có chi là quả? Đáp: Có cử chỉ trú ở tốt đẹp không biến đổi, cho kết quả, tức là hộ trì nhãn thức để dành là quả.

Vấn: Cái chi là cận nhân[33] (āsannahetu)? Đáp: Có tứ đại sắc là nghiệp nhơn (kammasamuṭṭhāna) là do sự thấy là căn nhơn hoặc cận nhơn.

Vấn: Thính giác quan như thế nào? Đáp: Thính giác quan có hình trạng vi tế bằng lông cừu khoanh tròn ở trong 2 lỗ tai để nghe tiếng, nếu không có thính giác là điếc.

Vấn: Thính giác quan có chi là tướng? Đáp: Có sự trong sạch của tứ đại sắc vừa đến cử chỉ chận ngăn tiếng là tướng. Lại nữa, có sự trong sạch của tứ đại sắc, sanh từ nơi nghiệp, có cử chỉ muốn tìm nghe là nhơn, là tướng.

Vấn: Thính giác quan có chi là sự? Đáp: Có cử chỉ níu cái thức và mình người đi trong thính cảnh là sự.

Vấn: Thính giác quan có chi là quả? Đáp: Có cử chỉ trú ở, không biến đổi, cho kết quả tức là hộ trì thính giác để dành là quả.

Vấn: Thính giác quan có chi là cận nhơn? Đáp: Có tứ đại sắc, sanh từ nơi nghiệp, có sự muốn nghe là căn nhơn, là cận nhơn.

Vấn: Khứu giác quan như thế nào? Đáp: Khứu giác quan ví như chưn con dê, ở trong lỗ mũi để hít hoặc hút mùi cho biết là thơm hoặc thúi, nếu không có khứu giác quan cũng không sao biết mùi được.

Vấn: Khứu giác quan có chi là tướng? Đáp: Có cử chỉ trong sạch của tứ đại sắc, vừa đến cử chỉ chận ngăn mùi là tướng. Lại nữa, có sự trong sạch của tứ đại sắc, sanh từ nơi nghiệp, có sự muốn hửi là tướng.

Vấn: Khứu giác quan có chi là sự? Đáp: Có cử chỉ níu cái thức và mình người đi trong tỉ cảnh là sự.

Vấn: Khứu giác quan có chi là quả? Đáp: Có cử chỉ trú ở không thay đổi, cho kết quả tức là hộ trì tỉ thức là quả.

Vấn: Khứu giác quan có chi là cận nhơn? Đáp: Có tứ đại sắc, sanh từ nơi nghiệp, có sự muốn hửi là cận nhơn.

Vấn: Vị giác quan như thế nào? Đáp: Vị giác quan có hình trạng như mũi ghim con nhím ở giữa lưỡi, là nhơn cho biết các vị ngọt, đắng, chát, chua, cay, mặn… nếu không có vị giác quan cũng không sao biết vị được.

Vấn: Vị giác quan có chi là tướng? Đáp: Có sự trong sạch của tứ đại sắc vừa đến cử chỉ nếm vị là tướng.

Vấn: Vị giác quan có chi là sự? Đáp: Có cử chỉ níu cái thức và mình người đi trong vị cảnh là sự.

Vấn: Vị giác quan có chi là quả? Đáp: Có cử chỉ trú ở, không thay đổi, cho kết quả, tức là bảo tồn thiệt thức là quả.

Vấn: Vị giác quan có chi là cận nhơn? Đáp: Có tứ đại sắc, sanh từ nơi nghiệp, có sự muốn nếm là cận nhơn.

Vấn: Xúc giác quan như thế nào? Đáp: Xúc giác quan trú khắp thân thể, là nhơn cho biết những cái chi đụng chạm nhằm, tức là cho biết mềm, cứng.

Vấn: Phạm vi sắc[34] (visayarūpa) có 4 là cái chi? Đáp: Là: sắc cảnh, thinh cảnh, hương cảnh, vị cảnh. Giải: sắc cảnh nói về các sắc, dù là vô thức hoặc hữu thức, rồi, nhìn lấy làm cảnh giới của tâm, trú trong nhãn môn, đều gọi là sắc cảnh; thinh cảnh về phần các thứ tiếng, thanh hoặc thô, rồi lấy làm cảnh giới của tâm, trú trong nhĩ môn, đều gọi là thinh sắc; hương cảnh là các mùi nhứt là mùi thơm hoặc thối, rồi lấy làm cảnh giới của tâm, trú trong tỉ môn đều gọi là hương sắc; vị cảnh là các vị nhứt là vị ngọt hoặc mặn đã dùng, rồi lấy làm cảnh giới của tâm, trú trong thiệt môn, đều gọi là sắc. Cộng là 4 cảnh gọi (visaya rūpa) phạm vi sắc.

Vấn: Thân sắc (kāyarūpa) có 2, là cái chi? Đáp: Là: nữ trạng sắc[35] (itthībhāvarūpa) và nam trạng sắc (purisabhāvarūpa). Nữ trạng sắc là hình trạng người nữ hoặc khí cách[36] là người nữ. Nam trạng sắc là hình trạng người nam hoặc khí cách người nam.

Vấn: Tim sắc (hadayarūpa) giải như thế nào? Đáp: Nói về trái tim, nghĩa là trước đã khép trái tim vào với tứ đại sắc, sau lại giải lần nữa, vì thịt này là nơi trú của tâm, cao quí hơn tất cả cục thịt.

Vấn: Sinh mạng sắc (jīvitarūpa) như thế nào? Đáp: Nói về 2 sắc: sắc sinh mạng căn và vô sắc sinh mạng căn (rūpajīvitindriya arūpajīvitindriya). Sắc sinh mạng căn thuộc về 32 bộ phận (ākāra)[37]hợp nhau chia thành căn, gọi sắc sinh mạng căn. Vô sắc sinh mạng căn thuộc về tâm vương và tâm sở chia thành căn.

32 bộ phận chia riêng ra gọi là: tóc, lông, móng, răng, da v.v… nếu hợp lại theo tứ đại thì gọi là địa đại (pathavīdhātu), thuỷ đại (āpodhātu), hoả đại (tejodhātu). 3 đại này hợp nhau lại gọi là sắc sanh mạng căn.

Vấn: Thực phẩm sắc (āhārarūpa) như thế nào? Đáp: Thực phẩm sắc nói về những món ăn mỗi ngày như là: cơm, nước, bánh thịt, cá v.v… chia thành sắc gọi là thực phẩm sắc, nhưng khi chưa ăn vào thì không gọi là thực phẩm sắc được. Nếu đã ăn vào rồi, thực phẩm ấy thấm khắp thân thể, gọi là thực phẩm sắc, vì tinh tuý bổ dưỡng của thực phẩm mà mình đã ăn vào trong buổi sáng đó, thấm nhuần khắp châu thân. Nếu nằm mộng lúc gần rạng đông là sự nằm mộng hay hơn hết, vì trong giờ đó tinh tuý bỗ dưỡng của thực phẩm đã thấm nhuần đều đủ, phát tâm an lạc, thí như các loài thảo mộc nẩy nở tươi tốt trong lúc gần sáng, nhờ vị của đất thấm nhuần lên khắp nhánh, lá nghĩa là, khi mặt trời lặn, vị đất thấm từng tí cho đến gần sáng, thì tinh tuý bổ dưỡng đều đủ các nhánh, lá, đến khi sáng, vị đất giảm thì lần, những cây khô héo úa màu trở lại, cũng vì vị của đất thấm nhuần không thấu, thế nào, thân thể chúng ta cũng như thế đó, nếu thực phẩm không thấm nhuần khắp thì trở thành người ốm o, màu da ủ dột. Nếu thực phẩm thấm nhuần được thì thân mình tươi tốt, được điều hạnh phúc là nơi vừa lòng đẹp ý. Thực phẩm là lợi khí ủng hộ, nâng đỡ sắc, nên kể là sắc, là thực phẩm sắc (āhārarūpa).

Vấn: Vì sao gọi là khoảng sắc (paricchedarūpa)? Đáp: Nói về khoảng không tức là: lỗ mũi, lỗ tai, lỗ miệng kể là sắc, gọi là giới hạn sắc.

Vấn: 2 động sắc (viññattirūpa) như thế nào?  Đáp: 2 động sắc là: thân động (kāyaviññati) và khẩu động (vācīviññatti). Thân động là nói về thân thể lay chuyển vì 4 oai nghi (nằm, ngồi, đứng, đi). Khẩu động tức là nói ra lời, như tụng, đọc kinh v.v…gọi là khẩu động.

Vấn: 3 biến hoá sắc (vikārarūpa) như thế nào? Đáp:

1) Trạng thái sắc nhẹ (rūpassalahutā) nghĩa là khi hành một việc gì, dù là lành hay dữ, thì thân thể nhẹ nhàng, làm các công việc đó được mau lẹ như ý muốn, gọi là trạng thái sắc nhẹ.

2) Trạng thái sắc dịu mềm (rūpassamudutā) nghĩa là thân thể không cứng, biết chiều theo, hướng về trong các công việc làm.

3) Trạng thái thích hợp sắc (rūpassakammaññatā) nghĩa là khi người làm việc chi, nếu có sự thích hợp rồi, làm công việc đó không mỏi mệt,

Vấn: 4 tướng sắc (lakkhanarūpa) như thế nào? Đáp: Là:

1) Sắc đầu tiên (rūpassa uccago) nghĩa là sắc đi thọ sanh dùng: đại địa, đại thuỷ, đại hoả, đại phong sanh thành sắc.

2) Liên tiếp sắc (rūpassasantati) là sắc sanh tiếp tục nhau cho tiến hoá thành người nam, nữ.

3) Lão sắc (rūpassajaratā) là sắc già yếu, như răng long, tóc bạc.

4) Vô thường sắc (rūpassa aniccatā) là sắc sanh lại không thường, hằng tiêu hoại trở lại.

Dứt tóm tắt 28 sắc, là: tứ đại sắc (mahābhūtarūpa) và 24 căn cứ sắc[38] (upādāyarūpa).

 

Vấn: Như thế nào gọi là quá khứ sắc (atītarūpa), vị lai sắc (anāgatarūpa), hiện tại sắc (paccuppannarūpa)? Đáp: Quá khứ sắc là sắc đã sanh, qua khỏi rồi; vị lai sắc là sắc chư đến; hiện tại sắc là sắc sanh trong thời bây giờ. Vị lai sắc, nói về sắc đầu tiên, là sắc sanh trước hết; vị lai sắc chỉ về lão sắc, và vô thường sắc là sắc sẽ sanh; hiện tại sắc tức là liên tiếp sắc, sắc đang sanh nối tiếp.

Vấn: Nội sắc (ajjhattikarūpa) có mấy? Đáp: Nội sắc, sắc ở trong tức là ngũ giác quan (pasādarūpa) nhứt là thị giác quan (cakkhupasāda) gọi là nội sắc.

Vấn: Ngoại sắc (bahiddhārūpa) như thế nào? Đáp: Ngoại sắc là sắc ở ngoải ngũ giác quan.

Vấn: Thô sắc (olārikarūpa) như thế nào? Đáp: Là sắc to lớn, cục kịch, nói về 7 sắc: sắc cảnh, thinh cảnh, hương cảnh, đất, nước, lửa, gió, cộng chung với ngũ giác quan sắc, thành 12 (7+5 = 12) gọi là thô sắc.

Vấn: Tinh vi sắc (sukhumarūpa) như thế nào? Đáp: Là sắc nhỏ nhặt, nói về những sắc ngoài 12 sắc đã giải, gọi là tinh vi sắc.

Vấn: Hạ sắc (hīnarūpa) như thế nào? Đáp: Là sắc thấp, nhỏ, hèn, nói về sắc do ác nghiệp mà sanh, nhứt là: mù, điếc, câm, v.v… gọi là hạ sắc.

Vấn: Ưu tú sắc (paṇītarūpa) như thế nào? Đáp: Là sắc tốt đẹp hơn hết, đem sự ưa thích đến người, như chư thiên và người sanh do thiện nghiệp.

Vấn: Như thế nào gọi là viễn sắc (dūrerūpa)? Đáp: Là sắc xa, nói về thị giác quan và thính giác quan, vì 2 sắc này dụng nạp cảnh giới trong nơi xa được, gọi là viễn sắc.

Vấn: Cận sắc (santikerūpa) như thế nào? Đáp: Là sắc gần, chỉ về 3 sắc: khứu giác quan; vị giác quan; xúc giác quan. Cả 3 sắc này chỉ thọ được cảnh giới trong nơi gần, gọi là cận sắc.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app