Nhân loại (manussa)
Sớ Giải nói là cõi này gồm bốn hành tinh bồng bềnh ở bốn trục của núi Tu Di (mắt thường không thấy).
Hành tinh ở phía nam gọi là Nam thiệm Bộ Châu (jambudīpa), chính là hành tinh chúng ta đang ở, có tuổi thọ tối thiểu là 10, tối đa là A-tăng-kỳ năm (viết là 1 cộng với 140 con số không). Nơi đây thiện ác có đủ. Chí thiện như bậc Chánh Đẳng Giác và cực ác như người sát hại mẹ cha cũng đều đủ mặt. Sinh kế và điều kiện sinh hoạt ở châu này cách nào cũng có, từ sướng như chư thiên đến khổ như bàng sanh hay ngạ quỷ cũng đều có đủ.
Hành tinh thứ hai nằm ở phía đông của núi Tu di thì gọi là Đông Thắng Thân Châu (pubbavideha) , tuổi thọ tối đa là A-tăng-kỳ năm và tối thiểu là 700 năm. Đời sống ở đây không có những nhọc nhằn như Nam thiệm Bộ Châu. Mọi người ăn và mặc bằng những thứ tự mọc trong thiên nhiên do phước chúng sanh ở đây mà có.
Hành tinh nằm về phía tây của Tu Di sơn gọi là Tây Ngưu Xa Châu (aparagoyāna) có tuổi thọ tối đa là A-tăng-kỳ năm và tối thiểu là 500 năm. Điều kiện sinh hoạt ở đây cũng an nhàn như bên Đông Thắng Thân Châu (pubbavideha). Nhưng do đặc điểm người ở đây chỉ có một phương tiện di chuyển duy nhất là xe bò nên được gọi là Tây Ngưu Xa Châu. Như ở châu phía đông núi Tu Di dân chúng có đặc điểm là xinh đẹp hơn cả nên mới được gọi là Đông Thắng Thân Châu.
Hành tinh nằm về phía bắc núi Tu Di có tên là Bắc Cưu Lưu Châu (uttarakuru). Nhân loại ở đây có tuổi thọ tối đa là một A-tăng-kỳ năm và tối thiểu là 1000 năm. Điểm đặc biệt là dân Bắc Cưu Lưu Châu từ lúc sanh ra đã giữ ngũ giới tự nhiên. Nói cho đúng là họ không có lý do để vi phạm ngũ giới và vì vậy lòng họ cũng hiền thiện như một người nghiêm trì Ngũ giới. Người dân châu này khi thương nhau không cần cưới hỏi, chỉ việc tìm đến một lùm cây nào đó để gần gũi rồi người nữ sau đó sanh con, vất bừa bất cứ nơi đâu cũng được. Điều kiện thiên nhiên ở đây an bình đến mức đứa bé có thể hoàn toàn vô sự như một con thú rừng. Khách qua đường bất luận nam nữ ai cũng có thể cho nó bú bằng cách đưa ngón tay cho ngậm. Đứa bé chỉ cần 10 tháng thì có thể biết đi biết chạy để hòa nhập vào xã hội. Toàn bộ y phục, thực phẩm và trang sức ở châu này đều có thể được hái xuống từ những cây Như Ý Thọ (kapparukkha) mọc đầy khắp nơi. Khi có một người qua đời, người Bắc Cưu Lưu Châu không hề than khóc, họ lấy vải trắng quấn chặt tử thi rồi đem tới một chỗ vắng bỏ đó. Một loài chim đại bàng sẽ tha xác chết này về những vùng xa xôi không người.
Nhân loại thời sơ kiếp thuộc dạng Hóa sanh, sau đó thì đôi khi có đủ cả 4 dạng (Noãn, Thai, Thấp, Hóa).
Tuổi thọ loài người là bất định, kẻ vầy người khác. Dù trong mỗi thời kỳ tuổi thọ trung bình của nhân loại có thể ấn định là bao nhiêu đó, nhưng không phải ai cũng sống lâu bằng nhau.
* Cứ một lần tuổi thọ tăng từ 10 lên đến A-tăng-kỳ (10140) năm rồi giảm xuống 10 trở lại thì gọi là một Trung gián kiếp (antarakappa).
* 64 Trung gián kiếp làm thành một A-tăng-kỳ kiếp (asaṅkheyyakappa). Có nơi nói là 20 Trung gián kiếp làm thành một A-tăng-kỳ kiếp. “A-tăng-kỳ kiếp” ở đây là tên gọi cho một đơn vị thời gian, không phải là một con số mà thường được biểu thị là 10140 như khi nói một A-tăng-kỳ năm hay thời gian tu hành của bồ tát là bốn A-tăng-kỳ Đại kiếp (A-tăng-kỳ lúc này là một con số).
Thời gian của một A-tăng-kỳ kiếp được Đức Phật so sánh với thời gian người ta lấy hết số hột cải từ một cái thùng mỗi cạnh một do-tuần (khoảng 11 km), và mỗi trăm năm chỉ lấy ra một
hột.
* 4 A-tăng-kỳ kiếp vừa nói cộng thành một Đại Kiếp (mahākappa), tức 4 giai đoạn Thành-Trụ-Hoại-Không của một trái đất.