Nội Dung Chính
Thông Báo Khai Giảng Khóa Phân Tích Duyên Khởi Theo Duyên Hệ Do Ashin Sarana Giảng Dạy (Cô Liễu Pháp Dịch Việt) Từ 13/01 đến 22/01/2022
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Kính thưa quý Chư Tăng, quý Sư Cô, kính thưa quý đại chúng,
Trong Kinh Đại Duyên, Đức Phật có dạy:
“Này Ānanda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ānanda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babbaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử”.
Nhận thấy được tầm quan trọng của việc học hiểu giáo lý duyên khởi trong đời sống tu học. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc đi đến gặp các bậc chân nhân để lắng nghe diệu pháp và làm các thiện pháp bị hạn chế. Để hỗ trợ cho các hành giả được lắng nghe và ứng dụng giáo lý Duyên khởi vào trong đời sống tu tập, với đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin vào nghiệp và quả của nghiệp, chúng con đã cung thỉnh Ngài Thiền Sư Ashin Sarana mở lớp giảng về chủ đề “Phân tích Duyên khởi theo Duyên hệ”.
Với tâm từ, Ngài Ashin Sarana đã đồng ý nhận lời thỉnh mời và ngày 13/1/ 2022 tới đây, lớp học sẽ chính thức khai giảng.
- Người hướng dẫn: Ngài Thiền Sư Ashin Sarana
- Hỗ trợ thông dịch: Sư Cô Liễu Pháp
- Thời gian: 19:00 – 21:00 từ 13/01/2022 đến 22/01/2022 (10 ngày)
- Địa điểm: Học online qua ứng dụng Zoom
- Link vào Zoom: (sẽ được cập nhật trên nhóm Zalo của lớp học)
- Link đăng ký khóa học: https://forms.gle/LAhr4nd5eVCCAujx7
- Tài liệu: Phân Tích Duyên Khởi Theo Duyên Hệ (do Ngài Hiệu Trưởng Venerable Sayadaw Dr Nandamālābhivaṃsa biên soạn)
- Tài liệu bản tiếng Anh: The Analytical Study Of Dependent Origination Paticca Samuppada In The Perspective Of Conditional Relations Patthana – Sayadaw Dr. Nadamalabhivamsa, Yangon-2019 (179p)
Để đăng ký tham gia quý vị có thể điền form ở trên hoặc quét QR Code trên banner hoặc vào link: http://thien.live
Mọi thắc mắc và hỗ trợ thêm xin liên hệ: Ms Nhung Võ: 0932 633 767
FORM ĐĂNG KÝ KHÓA HỌC
Nguyện thông qua lớp học này, ai đó hữu duyên được biết đến Dhamma mà Đức Phật Gotama đã chỉ dạy, được thân cận với các bậc thiện trí, được lắng nghe Pháp bảo từ các bậc thiện trí đó, có khả năng khéo tác ý hay là có sự tác ý đúng và được thực hành những Pháp có thể chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, hầu mong các vị được vững vàng trên con đường giải thoát khổ, được an lạc thực sự, hoà hợp thực sự, hạnh phúc thực sự! Quý vị hoan hỷ cùng chia sẻ thông tin để đại chúng cùng được biết ạ. Sadhu! Sadhu! Sadhu!
Trong tâm từ,
BTC Theravada.vn
THÔNG TIN VỀ NGÀI THIỀN SƯ ASHIN SARANA
THỜI NIÊN THIẾU VÀ MỐI DUYÊN VỚI PHẬT PHÁP
Thiền Sư Ashin Sarana có thế danh là Jan Sťovíček, sinh năm 1987 tại Cộng hòa Czech. Khi mới 11 tuổi, cậu bé Jan đã bắt đầu bén duyên với Phật Giáo lần đầu tiên khi tiếp cận bộ môn Tôn Giáo học tại một trường phổ thông Kito (1998).
Suốt tám năm sau đó, Jan đã thường xuyên tìm hiểu về Phật Giáo và tham dự các khóa Thiền Định và Thiền Minh Sát ngắn ngày được tổ chức tại CH Czech và Quốc Gia lân cận.
Càng tìm hiểu và thực hành, Jan càng ngày càng yêu thích thiền tập. Đã có một thời gian dài, Jan giữ 8 giới liên tục trong nhiều tháng liền, mặc dù khi đó cậu mới chỉ là một chàng thanh niên 19 tuổi.
Vào dịp cuối tuần, không như bao bạn bè đồng trang lứa hòa mình vào các hoạt động sôi nổi, Jan ở nhà và hành thiền miên mật. Tuy còn rất trẻ, nhưng Jan đã thể hiện xu hướng nghiêm túc với thiền tập.
Một ngày nọ, khi đang có một công việc ổn định với thu nhập 4.000USD/tháng, một mối quan hệ tình cảm tốt đẹp, nhưng Jan chợt suy ngẫm: “Những điều tốt đẹp mà ta đang có đây có thể biến mất bất cứ khi nào, ta có thể chết bất cứ lúc nào và điều đó thật nguy hiểm. Nếu cứ tiếp tục cuộc sống như vậy ta không thể dành trọn vẹn thời gian cho thiền tập.”
Với suy nghĩ đó, Jan đã âm thầm sắp xếp mọi thứ để qua Sri Lanka tu học. Vài tháng sau đó, vào tháng 5/2008, chàng thanh niên Jan Šťovíček đã xuất gia trở thành Vị Tân Sa-di Sarana.
NỖ LỰC TRAU DỒI PHÁP HỌC VÀ PHÁP HÀNH
Ở Sri Lanka, Sa-di Sarana hành thiền Ānāpānasati (Quán niệm hơi thở) và Mettā (tâm từ) dưới sự chỉ dạy của Thiền Sư Kidagamulle Pemasiri Thero tại thiền viện Sumathipala Na Himi Senasun Arana và theo học Pháp học tại trường Đại học Phật Giáo & Pāḷi (Buddhist and Pāḷi Univeristy).
Hai năm sau, Sư hoàn thành xuất sắc và nhận chứng chỉ loại ưu với ba môn học: Ngôn ngữ Pāḷi, Triết học Phật giáo, Tôn giáo. Với kết quả này, Sư có thể trở thành giảng sư nhưng Sư đã từ chối lời đề nghị này để có thể qua Myanmar tu học. Cũng trong thời gian ở Sri Lanka, Sư Sarana đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động giảng dạy, thuyết giảng Chánh Pháp cũng như hướng dẫn thực hành Ānāpānasati và Thiền Tâm Từ.
Để đạt những bước tiến xa hơn trên con đường tu tập, từ năm 2012 Sư Sarana đến Miến Điện tầm sư học đạo. Trong 5 năm ở thiền viện Shwe Oo Min (Yangon), Sư chính thức thọ Đại giới và trở thành Vị Tỳ kheo, hành thiền Tứ niệm xứ dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Sayadaw U Tenjaniya và nghiên cứu kinh điển Pāḷi dưới sự hướng dẫn của Sayadaw U Paññāvaṃsa, Bậc Thông Thuộc Tạng Luật (Vinayapiṭakadhara), Bậc Thấu Suốt Tạng Luật (Vinayapiṭakakovida), Viện trưởng Thiền viện Shwe Oo Min và là đệ tử trực tiếp của Ngài Tam Tạng V Yaw Sayadaw.
SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH
Ngoài công việc tu tập, nghiên cứu kinh điển, dẫn dắt thiền sinh, Đại Đức Sarana còn là tác giả của nhiều bài tiểu luận, công trình nghiên cứu và dịch thuật rất đáng kể. Các công trình tiêu biểu nhất là tổng hợp hai cuốn từ điển đồ sộ ba thứ tiếng “Sri Lanka – Anh – Czech” và “Myanmar – Anh – Czech”; một tài liệu hướng dẫn tổng hợp cho cư sĩ và tu sĩ ngoài Miến Điện về trung tâm từ học, thiền viện, các Ngài trụ trì, ngôn ngữ, và một số lời khuyên; tạp chí “NewPilgrim” hàng tuần qua email và website archive.org. Mỗi số NewPilgrim là một chủ đề liên quan đến Myanmar nói riêng và Phật Giáo thế giới nói chung.
Ngài Ashin Sarana đã từng giảng dạy Thiền Tâm từ và Thiền Tứ niệm xứ tại Thiền viện Sakhangyi Tawya (Hle Gu Township, Yangon Division).
Hiện tại Ngài Ashin Sarana vừa trở về CH Séc để thăm quê hương, gia đình và chuẩn bị cho những chặng đường tu học sắp tới, cũng như những công việc Phật Sự lớn lao hơn.
Theravada sưu tầm