Con Đường Hạnh Phúc – Khía Cạnh Thực Tế Của Đạo Phật

KHÍA CẠNH THỰC TẾ CỦA ĐẠO PHẬT

Nhiều người khi tìm hiểu Phật giáo đã đặt ra những câu hỏi xa vời như: Niết-bàn là gì? Làm sao biết có kiếp sau? Vũ trụ do đâu mà hiện hữu? Con người từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? v.v. nhưng ít khi họ nghĩ đến những vấn đề thiết thực như: Đạo Phật có đáp ứng được những nguyện vọng của chúng ta trong hiện tại không? Đối với Đạo Phật có chủ trương xây dựng một xã hội lành mạnh hay không?

Thực tế hơn, câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra nhất là: Nhân loại đang căng thẳng bất an vì tranh giành ảnh hưởng kinh tế, chính trị, quyền lợi v.v. Vậy Đạo Phật có giải pháp nào giúp con người thoát khỏi những lo âu sợ hãi ấy không?

Không phải vấn đề Niết-bàn hay kiếp sau… hoàn toàn không nên đặt ra để tìm hiểu, nhưng có những vấn đề thiết thực và cấp bách hơn cần được giải quyết ngay trong chính đời sống hằng ngày của chúng ta.

Một hôm có người đến nói với Đức Phật rằng ông ta không tin có kiếp sau. Đức Phật dạy rằng: “Nếu có kiếp sau thì người hành thiện chắc chắn sẽ được an lạc. Nếu không có kiếp sau thì ngừơi hành thiện vẫn được an lạc ngay trong kiếp hiện tại nầy”.

Vì vậy trong một cuốn sách viết về Phật giáo, Đại sư Ānanda nhấn mạnh: “Bí quyết của một đời sống thành công và hạnh phúc là luôn luôn làm những việc cần làm trong hiện tại, không thắc mắc tương lai, không hối tiếc quá khứ”.

Nguyện vọng của con người là làm sao để sống một đời sống hạnh phúc, mà bí quyết để tạo nên hạnh phúc phải được thực hiện ngay trong hiện tại.

Đức Phật dạy rằng hạnh phúc là vấn đề thiết thực hiện tại, không phải là những ước mơ đẹp đẽ cho tương lai, hay những kỷ niệm êm đềm trong quá khứ. Chính cách sống trong giây phút hiện tại quyết định phẩm chất hạnh phúc của mỗi người. Ngài dạy trong kinh Samyutta Nikāya rằng: “Không nên phiền muộn hối tiếc những gì đã qua, không nên tò mò tìm hiểu những gì chưa đến. Hãy sống trong hiện tại” (Atītaṁ nānasocanti nappajappanti anāgataṁ, paccuppannena yāpenti).

Nhiều lần Đức Phật từ chối trả lời những vấn đề về nguồn gốc vũ trụ và con người. Ngài dạy rằng, một người đi rừng bị trúng tên độc, từ chối không cho thầy thuốc nhổ tên để băng bó, cứu chữa, ông ta khư khư đòi trước tiên phải biết cho bằng được kẻ nào bắn tên, thân thế y ra sao, anh ta sinh trưởng ở đâu v.v. Nhưng đợi cho đến khi được trả lời thỏa mãn thì anh ta đã mất mạng từ lâu rồi, làm sao cứu chữa được.

Đó là chúng ta chưa nói, nếu Niết-bàn là tuyệt đối, siêu việt thì làm sao dùng những lời lẽ, những ngôn từ tương đối, thường tục để diễn đạt được. Nhiều vị luận sư đã viết về Niết-bàn, Phật tánh, bản thể chân như, tánh không v.v. đã cho chúng ta thấy càng suy luận, bàn cãi vấn đề càng rắc rối hơn trong rừng ý niệm và ngôn ngữ ước định. Những bộ luận ấy có thể rất hay về lý nhưng chỉ để thỏa mãn kiến giải triết học chứ không giải quyết được những vấn đề thiết thực hiện tại. Có khi còn làm cho vấn đề lệch lạc, đưa đến những hiểu lầm tai hại.

Vì vậy chúng ta không nên đặt những vấn đề quá cao siêu, huyền bí mang tính triết học hay siêu hình, vượt khỏi trình độ hiểu biết của mình, hay vượt khỏi thực tế của đời sống, mà thực ra đó chỉ là những giả định của lý trí giàu tưởng tượng không thực.

Mục đích của đạo Phật không phải nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng của con người, mà chỉ nhằm “chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc” cho nhân loại. Và người muốn được chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc không thể chỉ cả tin, chấp nhận hay tìm hiểu suông giáo lý của Đức Phật mà phải tư duy chín chắn rồi thể nghiệm xem có đúng là con đường chuyển hóa thật sự đem lại giác ngộ giải thoát, an lạc hạnh phúc hay không?

Đức Phật dạy nguyên nhân của mọi đau khổ là vô minh và ái dục, hay nói một cách khác chính tham lam, sân hận, si mê là nguồn gốc của mọi tranh chấp, oan trái để rồi đem lại những lo âu, sầu muộn, bất mãn. Đó chính là những yếu tố làm cho đời sống thoái hóa và khổ đau.

Ngày nọ, có một vị tỷ kheo đang thực hành đời sống xuất gia phạm hạnh trong rừng bỗng tự thốt lên lời hoan hỉ rằng: “Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!” Vô ý nói lớn quá làm cho những người bạn cùng tu nghe được và đem thuật lại với Đức Phật. Đức Thế Tôn muốn nhân cơ hội này thuyết pháp cho các vị tỷ kheo, nên cho gọi vị ấy đến hỏi nguyên nhân. Vị ấy trả lời rằng: Quả thật con có thốt ra những lời như thế, vì trước kia con là một vị vua có giang sơn xã tắc, có cung điện nguy nga, ngọc ngà châu báu, cung phi mỹ nữ, binh hùng tướng mạnh… nhưng không ngày nào con cảm thấy yên tâm, con luôn sợ ngoại xâm, nội loạn, âm mưu thoán đoạt v.v. nên luôn phải đề phòng thù trong giặc ngoài, không bao giờ thật sự được yên bình thoải mái. Trái lại, từ khi xuất gia, tuy chỉ có ba mảnh y, một bình bát nhưng không có điều gì làm con phải lo âu sợ hãi, tâm con luôn được an vui tự tại, do vậy con đã thốt lên những lời cảm thán ấy. Nhân đó Đức Phật dạy các vị tỷ kheo rằng nếu các thầy sống đúng theo đời sống phạm hạnh, không chấp thủ điều gì, không bị dục vọng chi phối thì đời sống sẽ được an lạc hạnh phúc.

Kinh Sāmannaphala trong Dīgha Nikāya thuật lại rằng: Một hôm Đức Thế Tôn ngự tại Ràjàgaha, vua Ajātasattu đến hỏi Đức Phật về những lợi ích hiện tại của đời sống tu hành. Đức Phật dẫn chứng những quả báu thiết thực từ vật chất đến tinh thần và dạy rằng các vị sa-môn đã xuất gia chơn chánh, nếu biết sống trong Giới, Định, Tuệ, diệt trừ tham, sân, si thì đời sống tự tại, giải thoát sẽ đến với họ ngay trong kiếp hiện tại chứ không cần tìm ở đâu xa.

Mặc dù mục đích tối hậu của đạo Phật là chứng ngộ Niết-bàn, nhưng như chúng ta đã thấy mục đích thực tế nhất vẫn là “thoát khỏi khổ đau, đạt đến an lạc“. Bởi vì nếu ngay bây giờ chúng ta được an vui tự tại thì kiếp sống vị lai dĩ nhiên cũng được an vui tự tại. Nếu hiện tại chúng ta được thanh tịnh, không còn phiền não khổ đau thì đó chính là cứu cánh Niết-bàn vậy.

Chúng ta đồng ý với một số người cho rằng, điều kiện của một đời sống hạnh phúc là có sức khỏe, có tiền tài và có địa vị trong xã hội. Nhưng đời sống hạnh phúc thực ra không hoàn toàn tùy thuộc vào những điều kiện vật chất như thế, đó có thể là điều kiện tốt chứ không phải là cần và đủ. Nếu một người khỏe mạnh mà sống tội lỗi thì chỉ làm hại mình hại người. Người giàu sang mà sống ích kỷ bỏn xẻn, tham lam vô độ, không biết tri túc… thì không chắc đã hạnh phúc hơn những người nghèo khó. Người có địa vị cao nhưng lại lạm dụng quyền hành thì chỉ rước thêm oan trái oán thù.

Như thế, tiền tài danh vọng chưa phải là yếu tố tiên quyết cho một đời sống hạnh phúc. Trái lại điều kiện đem lại an vui là có tinh thần lành mạnh. Và một tinh thần chỉ có thể gọi là lành mạnh khi không bị tham lam dục vọng, sân hận oán thù hay si mê lầm lỗi chi phối.

Trong kinh Dhammapada Đức Phật dạy:

“Kāyena saṁvaro sādhu,
Sādhu vācāya saṁvaro
Manasā saṁvaro sādhu
Sādhu sabbattha saṁvaro”.

(Lành thay thân được trong sạch,
Lành thay khẩu được trong sạch,
Lành thay ý được trong sạch,
Lành thay tất cả đều trong sạch)

Qua lời dạy trên của Đức Phật chúng ta thấy bí quyết hạnh phúc là một đời sống trong lành, thanh tịnh nghĩa là không bị ô nhiễm bởi tham, sân, si trong mọi hành động, nói năng, và suy nghĩ . Cho nên Ngài dạy tiếp:

Hạnh phúc thay, ta sống không tham giữa cuộc đời đầy tham ái!
Hạnh phúc thay, ta sống không sân giữa cuộc đời đầy sân hận!
Hạnh phúc thay, ta sống không mê giữa cuộc đời đầy mê muội!

Đức Khổng Tử cũng dạy trong Tứ Thư rằng mọi người phải biết: “Tu kỳ thân, chánh kỳ tâm, thành kỳ ý” thì mới mong gia đình êm ấm, đất nước thịnh trị và thiên hạ thái bình.

Cũng trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy rất đơn giản và cụ thể rằng: Muốn giữ cho hành động, lời nói, ý nghĩ được trong sạch, hiền thiện, chân chính thì phải “tránh xa các điều ác, làm các hạnh lành và giữ tâm thanh tịnh

1- TRÁNH CÁC ĐIỀU ÁC (Sabba pāpassa akaranaṁ):

Đức Phật dạy giới luật với mục đích giúp chúng ta tránh các điều ác; không hành động nói năng bất thiện, để thân, khẩu được trong sạch, hiền thiện, không tự hại, không hại người. Đối với hàng cư sĩ Ngài dạy ngũ giới:

a) Không sát sanh (Pānātipātā veramanī):

Để tôn trọng sự sống của muôn loài, chúng ta không nên vô cớ giết hại sinh linh, dù là sinh mạng của con người hay loài côn trùng cầm thú. Như thế chúng ta sẽ loại trừ được hành động ác hại và tâm ác hại, trưởng dưỡng được đức tánh từ bi, nhờ đó không gây thêm oan trái, oán thù. Một trong những điều kiện tạo nên đời sống an lành là giàu tình thương yêu và không có kẻ thù nghịch.

b) Không trộm cắp (Adinnādānā veramanī):

Để tôn trọng tài sản của nguời khác, chúng ta không nên lấy bất kỳ cái gì chưa được sở hữu chủ, hoặc người giám hộ cho phép. Nhờ thế chúng ta từ bỏ được tính tham lam ích kỷ, nuôi dưỡng đức tính tri túc và vị tha. Không làm khổ người bị mất, không tự mình ray rứt, hối hận. Hơn nữa người trộm cắp luôn luôn nơm nớp lo sợ bị truy tố trước pháp luật, bị nhục nhã v.v. Ngừơi không tham lam ích kỷ, biết tri túc, vị tha sẽ sống một đời sống thanh bạch, an lạc.

c) Không tà hạnh (Kāmesu micchacarā veramanī):

Để tôn trọng hạnh phúc gia đình người khác, để bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, vợ chồng cần phải sống chung tình, hòa thuận, tin yêu, mỗi người biết làm tròn bổn phận của mình, trọn tình trọn nghĩa với nhau để chung lo xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái thì đó chính là một gia đình đầm ấm. Tà hạnh chỉ đem lại khổ đau tan vỡ cho gia đình mình, gia đình người khác, ảnh hưởng tai hại đến con cái, đến họ hàng quyến thuộc.

Ba điều trên giúp cho thân nghiệp được trong sạch hay nói một cách khác là để làm chủ hành động hằng ngày của mình, không để rơi vào bất thiện.

d) Không nói dối (Musāvādā veramanī):

Để tôn trọng sự thật, để không tập thành thói quen dối mình gạt người, chúng ta không nên dối trá, lừa gạt người khác. Người rèn luyện được đức tính thành tín chân thực sẽ được mọi người tín nhiệm, tin tưởng. Dĩ nhiên trong công việc giao tế hằng ngày ai cũng muốn được tín nhiệm vì đó là yếu tố thành công trên đường đời. Không nên nói dối dù chỉ nói chơi vì như thế là tự làm giảm uy tín của mình.

Giới điều nầy giúp khẩu nghiệp trong lành, nói năng chân thực.

e) Không uống rượu (Surā meraya majjappamādatthānā veramanī):

Không phải chỉ Phật giáo mà nhiều tôn giáo khác cũng dạy tín đồ không nên uống rượu. Vì người say sưa tự hạ phẩm cách của mình. Hơn nữa, theo y học rượu làm cho mạch máu bị xơ cứng, không co giãn được, dễ bị chứng lưu huyết, xơ gan, tai biến mạch máu não, giảm trí nhớ và nhiều bệnh chứng nguy hiểm khác.

Vậy người Phật tử giữ giới chính là để tránh xa những điều ác, xây dựng một cuộc sống lành mạnh từ thể chất đến tinh thần.

2- LÀM CÁC HẠNH LÀNH (Kusalassa upasampadā):

Hạnh lành, công đức hay điều thiện bao gồm những hành động, nói năng, suy nghĩ lợi mình lợi người. Điều gì làm đoạn giảm vô minh ái dục, phiền não khổ đau cho chính mình hay người khàc đó là điều thiện. Cụ thể như: Bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ, nghe pháp, thuyết pháp, chia sẻ phước mình làm với người khác, hoan hỷ phước người khác làm, và thường học hỏi chiêm nghiệm để bồi dưỡng chánh tri kiến.

Bố thí (Dàna) hay san sẻ cho người khác là khởi đầu của lòng từ thiện, đồng thời giúp chúng ta loại bỏ dần lòng xan tham, ích kỷ để phá hủy thành trì chấp trước ngã sở. Có ba cách bố thí:

a) Tài thí (Amisa dāna):

Với tình thương chúng ta san sẻ, giúp đỡ, hiến tặng người khác bằng phương tiện vật chất như tiền của, tài sản, thực phẩm, thuốc men, chỗ ở, y áo v.v. tùy khả năng và lòng hảo tâm của mình lúc họ gặp khó khăn, túng thiếu được gọi là tài thí.

Dâng cúng thầy tổ, phụng dưỡng mẹ cha với lòng tôn kính tri ân cũng thuộc về tài thí nầy.

b) Pháp thí (Dhamma dāna):

Thấu hiểu được đạo lý là điều quan trọng bậc nhất trong cuộc sống. Chính vì không thông hiểu đạo lý mà nhiều người tự làm khổ mình, làm khổ gia đình, cha mẹ, vợ con và biết bao người khác. Nếu chúng ta đã có hữu duyên học được đạo lý làm người, đạo lý giác ngộ, đã tháo gỡ được những xáo trộn bất an, đã hưởng được ít nhiều hương vị an lạc giải thoát thì cũng nên tùy cơ hội chia sẻ với người khác, giúp họ sống thuận lẽ đạo để vơi bớt phiền não khổ đau cho bản thân và xã hội. Đó là pháp thí.

c) Vô úy thí (Abhaya dāna):

Người sống hiền lương trong giới hạnh, không làm các điều ác, không gây tổn hại chúng sinh thì chắc chắn người đó không làm cho ai lo lắng sợ hãi. Trái lại tâm hồn vị tha, bao dung, quảng đại của người ấy sẽ giúp cho những người chung quanh cảm thấy an toàn, tự tin hơn. Do đó người ấy chắc chắn được mọi người quý mến. Sống trong một cộng đồng được mọi người kính yêu dĩ nhiên là một phần thưởng xứng đáng, nhưng phần thưởng lớn hơn chính là niềm hạnh phúc khi đời sống hiền thiện của họ có thể đem đến sự an bình vô úy cho mọi người. Đó là vô úy thí.

3- GIỮ TÂM THANH TỊNH (Sacitta pariyodapana#m):

Đức Phật dạy: “Không có an lạc nào bằng sự tịch tịnh” (Natthi santi paraṁ sukhaṁ).

Thật vậy, khi tâm hồn không bị tham lam, sân hận, si mê chi phối thì chúng ta sống vô cùng an bình, tĩnh lặng và trong sáng. Đó chính là một đời sống hạnh phúc cao thượng.

Phương pháp hoàn hảo nhất để giúp tâm thanh tịnh, trong sạch là sống thiền. Vì nguyên nghĩa của từ Jhāna sự đốt cháy phiền não. Chính những phiền não như tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, ích kỷ, tật đố… làm cho đời sống chúng ta đau khổ. Khi những phiền não này đã bị đốt cháy thì hiển nhiên chúng ta được an vui tự tại.

Thiền có hai lọai: Thiền định (samādhi) và thiền tuệ (vipassanā). Thiền định giúp chúng ta có một đời sống nội tâm thanh tịnh, trầm ổn, và an lạc, một đời sống được Đức Phật mô tả là hiện tại lạc trú (ditthidhamma sukhavihāra).Thiền tuệ giúp chúng ta soi sáng đựơc thực tánh của các pháp, và đưa chúng ta ra khỏi ngục tối của si mê, lầm lạc, tà kiến và vô minh.

Paul Adam, một học giả uyên thâm giáo lý Đức Phật đã ca tụng sự tĩnh lặng của tâm hồn trong bài thơ:

“Bao kẻ đi tìm trong quá khứ
Vạn pháp huyền vi của cuộc đời
Bao kẻ tìm trong ngày sẽ lại
Cành hoa chớm nở đượm màu tươi
Nhưng ngươi nên hay hóa lòng ngươi
Thành đỉnh trầm trong cảnh lặng thôi”.

Nói tóm lại, Đạo Phật tuy cao siêu nhưng không quá xa với thực tế đời sống, đúng như một học giả đã nói: “Đạo Phật là một nghệ thuật sống”

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app