Diệu Pháp Yếu Lược – Chương 6. Giảng Giải Về Việc Tam Tạng Được Ghi Chép Thành Sách

Chương Thứ Sáu

Giảng Giải về việc Tam Tạng được Ghi Chép thành Sách

Sau khi các vị trưởng lão đã Vô Dư Niết Bàn, các vị khác là đệ tử của các vị trưởng lão ấy như là Tissa, Danta, Kālasumana, Dīghasumana, v.v… và các đệ tử của vị đại trưởng lão Ariṭṭha, rồi đến các đệ tử của các vị đệ tử ấy; như vậy theo phương thức truyền khẩu các bậc thầy tổ trước đây đã truyền lại Tạng Luật này cho đến thời kỳ lúc bấy giờ. Sự việc ấy được trình bày như sau: “Từ sau cuộc kết tập lần thứ ba, (Tạng Luật) đã được ngài Mahinda và các vị khác đem đến hòn đảo Laṅkā này rồi đã được trưởng lão Ariṭṭha và các vị khác sau khi học tập từ ngài Mahinda đã lưu truyền một thời gian. Từ khi ấy cho đến thời kỳ lúc bấy giờ, (Tạng Luật) đã được truyền lại từ sự kế thừa của các vị thầy sau đến sự kế thừa của các đệ tử của chính các vị ấy.”

(Tạng Luật) được tồn tại ở đâu? Nên hiểu như vầy: “Giống như dầu ăn được trữ trong thố ngọc sẽ không bị rỉ ra cho dù chỉ một chút ít; cũng tương tợ như thế, (Tạng Luật) được lưu truyền một cách trọn vẹn từ văn tự đến ý nghĩa và được tồn tại ở các vị có sự vững vàng trong thân hành niệm, có sự khiêm nhường, có sự hối lỗi, có lòng cầu học.” Vì thế, sau khi đã hiểu rõ điều lợi ích của việc học tập Luật nhằm mục đích duy trì Luật, vị tỳ khưu có tâm cầu học cần phải nghiên cứu về Luật.

Sau đây là lợi ích của việc học tập về Luật. Bởi vì trong Giáo Pháp, người thành thạo việc học tập Luật xứng đáng là cha mẹ của những người con thuộc các gia đình danh giá có đầy đủ đức tin vì những người con ấy cần đến vấn đề xuất gia, sự tu lên bậc trên, việc thực hành các phận sự chính và phụ, và sự tốt đẹp về tánh hạnh. Hơn nữa, do việc học tập về Luật, bản thân của vị ấy có giới uẩn được đầy đủ, khéo được thu thúc, khéo được hộ trì, là nơi nương tựa của các vị tỳ khưu thực tâm hối lỗi; vị ấy phát biểu giữa hội chúng với sự tự tin; vị ấy chận đứng sự công kích của kẻ nghịch đúng theo pháp; đồng thời những thiện pháp nào đã được đức Thế Tôn thuyết giảng có nhân là sự thu thúc, vị thông hiểu Luật là người thừa tự những thiện pháp ấy và là người hành động dựa vào nền tảng của Luật đối với những thiện pháp ấy.

Vấn đề này cũng đã được đức Thế Tôn thuyết giảng rằng:

Luật đưa đến sự thu thúc, sự thu thúc đưa đến sự không hối hận, sự không hối hận đưa đến sự hân hoan, sự hân hoan đưa đến hỷ, hỷ đưa đến an tịnh, an tịnh đưa đến lạc, lạc đưa đến định, định đưa đến trí tuệ và sự thấy biết đúng theo bản thể, trí tuệ và sự thấy biết đúng theo bản thể đưa đến sự nhờm gớm, sự nhờm gớm đưa đến sự ly dục, sự ly dục đưa đến sự giải thoát, sự giải thoát đưa đến trí tuệ và sự thấy biết về giải thoát, trí tuệ và sự thấy biết về giải thoát đưa đến sự không còn chấp thủ Vô Dư Niết Bàn.”

Do đó, sự gắn bó với việc học tập Luật cần được thực hành. Về điều này, có lời nói rằng:

1. Vua Devānampiyatissa chúa tể của xứ Laṅkā là người có đức độ và trí tuệ; ngài đã trị vì vương quốc được bốn mươi năm.

2. Khi đức vua băng hà, người em trai nổi tiếng tên Uttiya là dòng dõi sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc ở trong thành Anurādhapura lộng lẫy.

3. Mahānāga là vị phó vương, Yaṭāla có sức mạnh phi thường, Goṭhābhaya vô cùng đức độ, và Kalavaṇṇa có sự năng động.

4. Bốn người con và cháu trai ấy của đức vua đã kế tục trị vì đất nước theo đúng nguyên tắc ở trong vùng Mahāgāma xinh đẹp.

Sau khi bậc Chánh Đẳng Giác Vô Dư Niết Bàn được ba trăm bảy mươi sáu năm, đại vương Duṭṭha-gāmaṇi-abhaya đã thống nhất được lãnh thổ ở trên đảo Laṅkā. Nhà vua đã cho xây dựng tu viện Maricavaṭṭi và lâu đài Loha có chín tầng, đã cho cẩn ngọc ở Đại Tháp (Mahāthūpa), đã thỉnh mời chín mươi sáu koṭi [*] vị tỳ khưu A-la-hán và đã thực hiện lễ đại thí. Nhà vua đã trị vì vương quốc ở Anurādhapura một cách chính trực và công bình trong hai mươi bốn năm đến khi hết tuổi thọ đã sanh về cõi trời Tusitā như là thức dậy sau giấc ngủ.

[* 1 koṭi tương đương 10 triệu (10.000.000) — ND]

Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu cư ngụ tại hòn đảo Laṅkā đã học hiểu Tam Tạng Phật Pháp gồm tất cả các lời Chú Giải và Chánh Tạng được tuần tự truyền lại theo phương thức truyền khẩu nhằm mục đích phát triển Giáo Pháp.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

5. Sau khi đấng Toàn Giác Vô Dư Niết Bàn được ba trăm bảy mươi sáu năm, Duṭṭhagāmaṇi đã lên ngôi vua.

6. Duṭṭhagāmaṇi-abhaya chúa tể của xứ Laṅkā là người có đức độ và trí tuệ; nhà vua đã trị vì vương quốc Laṅkā được hai mươi bốn năm.

7. Vị chúa tể của trái đất sau khi đã thực hiện nhiều phước thiện như thế, đến khi thân xác tiêu hoại nhờ có trí tuệ nên đã tái sanh về cõi Tusitā.

*

Phần nói về sự tái sanh của Đại Vương Vaṭṭagāmaṇi-abhaya

Năm mươi bảy năm đã trôi qua sau ngày xây dựng Đại Tháp (Mahāthūpa), đại vương Vaṭṭagāmaṇi-abhaya đã trị vì vương quốc ở hòn đảo Laṅkā. Vị vua ấy đã cho xây dựng đại tu viện Abhayagiri. Trong tu viện ấy, nhà vua đã cho kiến tạo ngôi bảo tháp vĩ đại tương đương với Mahāthūpa, có an trí xá lợi, rồi đã dâng cúng đến hội chúng tỳ khưu có trưởng lão Mahātissa dẫn đầu.

Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu trú ngụ trên đảo Laṅkā biết được tình trạng suy thoái của Giáo Pháp và của chúng sanh nên tất cả các vị tỳ khưu thông hiểu Pháp, thông hiểu Luật, đa văn, có tuệ phân tích đã tụ hội lại ở Mahāvihāra. Khi ấy, đại vương Vaṭṭagāmaṇi-abhaya đã đi đến Mahāvihāra gặp hội chúng tỳ khưu, sau khi đến đã đảnh lễ hội chúng tỳ khưu rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, hội chúng tỳ khưu đã nói với đức vua rằng:

– Tâu Đại Vương, Tam Tạng Phật Pháp gồm tất cả các lời Chú Giải và Chánh Tạng được kế tục truyền lại theo phương thức truyền khẩu và được tồn tại đến ngày nay nhờ vào phương thức truyền khẩu. Trong ngày vị lai, Giáo Pháp và chúng sanh sẽ bị suy thoái, toàn bộ Tam Tạng Phật Pháp gồm Chú Giải và Chánh Tạng sẽ bị mai một. Vì thế, giờ đây Tam Tạng Phật Pháp gồm toàn bộ Chú Giải và Chánh Tạng từ phương thức truyền khẩu nên được cho viết lại thành sách.

– Bạch các ngài, trẫm cần phải làm gì trong trường hợp này?

– Tâu Đại Vương, ngài khởi sự cho xây dựng hội trường và thu thập toàn bộ lá cho các tập sách.

– Bạch các ngài, lành thay.

Sau đó, với quyền hành của vua chúa, vị đại vương đã cho xây dựng hội trường ở Mahāvihāra (Đại Tự) giống như hội trường đã được thực hiện bởi đại vương Ajātasattu trong thời gian của cuộc đại kết tập lần thứ nhất, rồi đã cho thu thập toàn bộ lá cho các tập sách, và xếp đặt ở giữa hội trường các chỗ ngồi trân trọng, xong cho người thông báo với hội chúng tỳ khưu rằng:

– Bạch các ngài, đức vua đã hoàn thành nhiệm vụ.

Sau đó, trong số hàng trăm ngàn vị tỳ khưu, hội chúng tỳ khưu đã chọn lựa ra được một ngàn vị tỳ khưu trưởng lão thông hiểu pháp học và Tam Tạng, có tuệ phân tích, có tam minh, v.v… Khi ấy, các vị tỳ khưu trưởng lão đã lần lượt đến ngồi xuống trên chỗ ngồi thích hợp. Giống như trưởng lão Mahākassapa, trưởng lão Yasa, trưởng lão Tissa, và trưởng lão Mahinda trong khi kết tập Pháp và Luật đã kết tập Pháp và Luật được phân tích theo Tạng, theo Bộ Kinh, theo Thể, và theo Pháp Uẩn; tương tợ như thế, trong khi cho ghi chép lại Pháp và Luật từ phương thức truyền khẩu xuống các tập sách, hội chúng tỳ khưu đã cho người viết Tam Tạng Phật Pháp luôn cả Chú Giải gọi là Pháp và Luật được phân tích theo Tạng, theo Bộ Kinh, theo Thể, và theo Pháp Uẩn xuống các tập sách. Các vị đã duy trì sự tồn tại của Giáo Pháp lâu dài đến năm ngàn năm và được xem như đã thực hiện cuộc kết tập lần thứ năm vậy.

Khi hoàn tất việc ghi chép lại Giáo Pháp, đại địa cầu đã rung động bằng nhiều cách. Việc ghi chép lại Tam Tạng này đã được hoàn tất sau một năm.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

8. Sau khi đấng Toàn Giác Vô Dư Niết Bàn được bốn trăm ba mươi ba năm, Vaṭṭagāmaṇi lên ngôi vua.

9. Hội chúng tỳ khưu ngụ tại đảo Laṅkā quán xét về ngày vị lai thấy được sự thoái hóa của chúng sanh, lúc ấy các vị tỳ khưu đã tụ hội lại.

10. Tất cả đều thông hiểu Tam Tạng, có tuệ phân tích, đã đoạn tận các lậu hoặc, đạt được sự tự tại, và rất tinh tường về Luật.

11. Các vị trưởng lão tỳ khưu đã tụ hội lại tại ngôi Mahāvihāra (Đại Tự) ấy và đã tuần tự ngồi xuống trên chỗ ngồi được quy định cho bản thân.

12. Trước đây, các vị tỳ khưu có đại trí tuệ đã kế thừa Tam Tạng Pāli và Chú Giải của Tam Tạng bằng phương thức truyền khẩu.

13. Bằng cách tụng đọc lại trong cuộc kết tập, các vị trưởng lão ấy đã cùng nhau kết tập toàn bộ Tam Tạng và Chú Giải của Tam Tạng.

14. Năm ngàn năm ý nghĩa của sự tồn tại lâu dài và là mục tiêu đã được thực hiện cho sự vận hành và sự thịnh vượng của Giáo Pháp.

15. Chính nhờ phương thức tụng đọc, các vị trưởng lão thông hiểu về Luật đã cho viết toàn bộ Tạng Luật xuống thành sách.

16. Chính nhờ phương thức tụng đọc, các vị trưởng lão thông hiểu về Kinh đã cho viết toàn bộ Tạng Kinh xuống thành sách.

17. Chính nhờ phương thức tụng đọc, các vị trưởng lão thông hiểu về Vi Diệu Pháp đã cho viết toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp xuống thành sách.

18. Toàn bộ lời dạy của các vị trưởng lão và toàn bộ Chú Giải được kế thừa bằng phương thức truyền khẩu đã được cho viết xuống thành sách.

19. Khi hoàn tất công việc ghi chép, đại địa cầu này đã rúng động và vô số điều kỳ diệu đã xảy ra ở thế gian bằng nhiều cách khác nhau.

20. Sau khi đã ghi chép lại Tam Tạng và đã làm nhiều lợi ích cho thế gian, tất cả các vị trưởng lão ấy đã sống đến hết tuổi thọ rồi Niết Bàn.

21. Như thế, vua Vaṭṭagāmaṇi-abhaya đã trị vì vương quốc Laṅkā được mười hai năm, tính luôn từ đầu là năm tháng.

22. Như vậy, vị chúa tể của trái đất có trí tuệ đã làm vô số phước thiện, đến khi thân thể rã tan đã tái sanh về thiên giới.

23. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt trạng thái bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải
Về Việc Tam Tạng được Ghi Chép Thành Sách
trong cuốn “Diệu Pháp Yếu Lược” được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app