Diệu Pháp Yếu Lược – Chương 1. Giảng Giải Về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhất

Chương Thứ Nhất

Giảng Giải về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhất

  1. Tôi xin đảnh lễ Phật Bảo, Pháp Bảo, và Tăng Bảo là cội nguồn của các đức hạnh; sau đó xin trình bày tác phẩm “Diệu Pháp Yếu Lược” một cách khái quát.
  2. Do năng lực phước báu đã làm đến ngôi Tam Bảo, xin cho các điều tai hại được tiêu tan không còn dư sót.
  3. Sau khi thừa nhận đường lối giải thích của Chú Giải Tam Tạng về mọi lãnh vực, việc ghi chép lại Tam Tạng nhằm mục đích phát triển Giáo Pháp của bậc Chiến Thắng,
  4. Tác phẩm tên “Diệu Pháp Yếu Lược” này được thực hiện một cách đầy đủ và rõ ràng bởi bậc trí tuệ nhằm đem lại niềm tin cho nhân loại. Xin các thiện trí thức đang ở nơi đây có lòng mong mỏi để nghe, xin hãy lắng nghe.

Phần giảng giải này nhằm mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa của điều trên. Nghe rằng trước đây bốn a-tăng-kỳ và hơn một trăm ngàn kiếp, đức Thế Tôn của chúng ta thuở còn là Bồ Tát đã nhận được sự thọ ký ở đỉnh đầu trong sự hiện diện của hai mươi bốn vị Phật. Sau khi làm tròn đủ một cách đồng đều ba mươi pháp ba-la-mật (pāramī), Ngài đã đạt đến trí tuệ toàn hảo tối thượng. Sau khi giác ngộ, Ngài đã sống trong bốn mươi lăm năm và đã thuyết giảng tám mươi bốn ngàn Pháp Môn. Từ khi giúp nhóm chúng sanh đầu tiên vượt qua khỏi khu rừng rậm luân hồi cho đến lúc tế độ du sĩ Subhadda, Ngài đã hoàn thành tất cả các phận sự của vị Phật, rồi đã nằm xuống Vô Dư Niết Bàn trên chiếc giường của sự viên tịch giữa hai cây Long Thọ (Sālā) trong khu rừng Sālā tại Kusinārā.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Trước đây, đấng Đại Hùng đã làm hài lòng hai mươi bốn vị Phật Toàn Giác, đầu tiên là vị Dīpaṅkara (Nhiên Đăng) và đã được các ngài thọ ký quả giác ngộ.
  2. Sau khi đã làm tròn đủ tất cả các ba-la-mật, Ngài đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng. Đức Phật Gotama cao cả đã xóa đi nỗi khổ đau ở chúng sanh.
  3. Sau khi hoàn thành mọi phận sự của đức Phật Toàn Giác, vị Lãnh Đạo thế gian đã đạt đến trạng thái an nhiên và viên tịch trên chiếc giường Vô Dư Niết Bàn.

Khi đức Thế Tôn là đấng Chúa Tể của thế gian Vô Dư Niết Bàn, bảy trăm ngàn vị tỳ khưu đã tụ hội tại nơi ấy. Sau khi đức Thế Tôn Vô Dư Niết Bàn được bảy ngày, trong lúc nhớ lại lời nói của kẻ xuất gia lúc tuổi già Subhadda, ngài trưởng lão Mahākassapa (Đại Ca Diếp) là vị trưởng thượng của hội chúng đã bảo các vị tỳ khưu rằng:

– Này các sư đệ, chúng ta nên đọc tụng lại Pháp và Luật.

Các vị tỳ khưu đã trả lời:

– Bạch ngài, nếu vậy xin trưởng lão hãy tuyển chọn các vị tỳ khưu.

Khi ấy, ngài Mahākassapa đã tuyển chọn năm trăm vị tỳ khưu A-la-hán (rồi nói rằng):

– Này các sư đệ, chúng ta nên đọc tụng lại Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở trong thành Rājagaha (Vương Xá).

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Trong số bảy trăm ngàn vị trưởng thượng tỳ khưu lúc bấy giờ, trưởng lão Mahākassapa là vị thượng thủ của hội chúng.
  2. Sau khi đấng Thập Lực bậc Đạo Sư của thế gian Vô Dư Niết Bàn được bảy ngày, vị ấy đã nhớ lại lời nói bôi nhọ của lão già Subhadda.
  3. Sau khi tuyển chọn được năm trăm vị tỳ khưu trưởng thượng, xuất sắc, không còn lậu hoặc, ngài đại trưởng lão đã thực hiện cuộc Đại Kết Tập.
  4. Vào ngày thứ nhì của tháng thứ hai trong mùa an cư, các vị trưởng lão ấy đã tụ hội lại trong một ngôi giảng đường tráng lệ.

Khi ấy, vào ngày thứ nhì các vị trưởng lão tỳ khưu sau khi hoàn tất việc độ ngọ đã sắp đặt y bát và tụ hội tại pháp đường được xây dựng bởi vua Ajātasattu (A Xà Thế). Sau khi hội chúng tỳ khưu đã an tọa, trưởng lão Mahākassapa đã nói với các vị tỳ khưu rằng:

– Này các sư đệ, chúng ta nên kết tập phần nào trước, Pháp hay Luật?

Các vị tỳ khưu đáp rằng:

– Bạch ngài Mahākassapa, Luật là mạng sống của Giáo Pháp. Khi nào Luật còn tồn tại thì Giáo Pháp còn tồn tại; do đó, chúng ta nên đọc tụng Luật trước tiên.

– Nên giao trách nhiệm cho vị nào rồi mới nên đọc tụng Luật?

– Nên giao trách nhiệm cho đại đức Upāli. Các vị đã trả lời.

Trưởng lão Mahākassapa đã đích thân chỉ định cho chính mình công việc hỏi Luật. Trưởng lão Upāli đã đích thân chỉ định cho chính mình công việc trả lời về Luật. Sau đó, ngài Upāli đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng lão, rồi ngồi lên Pháp tọa cầm lấy chiếc quạt được lắp cán sừng. Sau đó, ngài Mahākassapa đã ngồi xuống trên chỗ ngồi của vị trưởng lão và đã hỏi ngài Upāli rằng:

– Này sư đệ, điều Bất Cộng Trụ (Pārājika) thứ nhất đã được công bố ở nơi nào?

– Bạch ngài, ở Vesālī.

– Có liên quan đến ai?

– Liên quan đến Sudinna, con trai của Kalandaka.

– Về sự việc gì?

– Về việc đôi lứa.

Sau đó, ngài Mahākassapa đã hỏi ngài Upāli về sự việc, đã hỏi về nguyên do, đã hỏi về nhân sự, đã hỏi về điều quy định, đã hỏi về điều quy định thêm, đã hỏi về cách thức phạm tội, và đã hỏi về cách thức không phạm tội của điều Bất Cộng Trụ (Pārājika) thứ nhất.

Tương tợ điều thứ nhất, ngài Mahākassapa đã hỏi về sự việc …(như trên)…, đã hỏi về cách thức không phạm tội của điều thứ hai, của điều thứ ba, của điều thứ tư. Vị trưởng lão Upāli đã lần lượt trả lời mỗi khi được hỏi.

Sau khi đã kết tập xong bốn điều Bất Cộng Trụ (Pārājika) này, các vị đã quy định rằng: “Đây gọi là Chương Bất Cộng Trụ (Pārājikakaṇḍaṃ).” Các vị đã quy định mười ba điều Tăng Tàng (Saṅghādisesa) là “Chương Mười Ba Pháp (Terasakaṇḍaṃ),” hai điều học là “Bất Định (Aniyata),” ba mươi điều học là “Ưng Xả Đối Trị (Nissaggiya Pācittiya),” chín mươi hai điều học là “Ưng Đối Trị (Pācittiya),” bốn điều học là “Ưng Phát Lộ (Pāṭidesanīya),” bảy mươi lăm điều học là “Ưng Học Pháp (Sekhiya),” và bảy pháp là “Các pháp dàn xếp tranh tụng (Adhikaraṇasamatha).”

Phẩm Đại Phân Tích (Mahāvibhaṅga) đã được hoàn tất như thế. Trong Phẩm Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni(Bhikkhunīvibhaṅga), các vị đã quy định tám điều học là: “Đây là Chương Bất Cộng Trụ (Pārājika-kaṇḍaṃ),” mười bảy điều học là “Chương Mười Bảy Pháp (Sattarasakaṇḍaṃ),” ba mươi điều học là “Ưng Xả Đối Trị (Nissaggiya Pācittiya),” một trăm sáu mươi sáu điều học là “Ưng Đối Trị (Pācittiya),” tám điều học là “Ưng Phát Lộ (Pāṭidesanīya),” bảy lăm điều học là “Ưng Học Pháp (Sekhiya),” và bảy pháp là “Các pháp dàn xếp tranh tụng (Adhikaraṇasamatha).” Phẩm Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunīvibhaṅga) đã được hoàn tất như thế. Cũng bằng phương thức ấy, các vị đã hoàn tất bộ Hợp Phần (Khandhaka) và bộ Tập Yếu (Parivāra).

Như vậy, trưởng lão Mahākassapa đã hỏi và trưởng lão Upāli đã trả lời toàn bộ về Tạng Luật (Vinayapiṭaka) được kết tập theo thứ tự gồm có bộ Phân Tích Luật Lưỡng Phái (Ubhatovibhaṅga), bộ Hợp Phần(Khandhaka), bộ Tập Yếu (Parivāra). Khi chấm dứt phần vấn và đáp, năm trăm vị A-la-hán đã đồng thanh lập lại đúng y theo thứ tự đã được sắp xếp ở phần kết tập. Khi hoàn tất việc kết tập về Tạng Luật, quả đại địa cầu đã rúng động.

Sau đó, ngài Upāli đã để xuống chiếc quạt được lắp cán sừng, rời Pháp tọa, đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng thượng, rồi trở về chỗ ngồi của bản thân.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Vị đại trưởng lão đã đích thân chỉ định cho chính mình nhiệm vụ hỏi Luật còn trưởng lão Upāli đã nhận nhiệm vụ trả lời về Luật.
  2. Ngồi trên chỗ ngồi của trưởng lão, vị ấy đã hỏi vị kia về Luật; còn vị kia sau khi ngồi trên Pháp tọa đã trả lời vị kia về Luật.
  3. Vị thông suốt Luật hạng nhất đã trả lời theo thứ tự các câu hỏi, và tất cả các vị hiểu biết phương thức trong Luật đã đồng thanh lập lại.

Sau khi đã kết tập xong Luật, ngài Mahākassapa có ý muốn kết tập Pháp nên đã hỏi các vị tỳ khưu rằng:

– Trong số các vị chuyên đọc tụng Pháp, nên giao trách nhiệm cho cá nhân nào rồi mới nên đọc tụng Pháp?

Các vị tỳ khưu đã trả lời:

– Nên giao trách nhiệm cho trưởng lão Ānanda.

Sau đó, trưởng lão Mahākassapa đã đích thân chỉ định cho chính mình nhiệm vụ hỏi về Pháp và trưởng lão Ānanda đã đích thân chỉ định cho chính mình nhiệm vụ trả lời về Pháp. Rồi ngài Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng lão, rồi ngồi lên Pháp tọa cầm lấy chiếc quạt được lắp cán sừng. Sau đó, trưởng lão Mahākassapa đã ngồi xuống trên chỗ ngồi của vị trưởng lão rồi hỏi trưởng lão Ānanda về Pháp rằng:

– Này sư đệ Ānanda, kinh Phạm Võng (Brahma-jāla) đã được thuyết tại đâu?

– Bạch ngài, ở giữa Rājagaha và Nalandā trong vườn thượng uyển Ambalaṭṭhikā.

– Có liên quan đến ai?

– Liên quan đến du sĩ ngoại đạo Suppiya và thanh niên Brahmadatta.

Sau đó, trưởng lão Mahākassapa đã hỏi trưởng lão Ānanda về duyên khởi đồng thời về nhân sự của bài kinh Phạm Võng (Brahma-jāla).

Rồi ngài đã lần lượt hỏi tiếp:

– Này đệ Ānanda, kinh Sa Môn Quả (Sāmaññaphala) đã được thuyết tại đâu?

– Thưa ngài, ở Rājagaha trong vườn xoài của Jīvaka.

– Đến người nào?

– Đến vua Ajātasattu (A Xà Thế), con trai của Vedehi.

Khi ấy, trưởng lão Mahākassapa đã hỏi trưởng lão Ānanda về duyên khởi đồng thời đã hỏi về nhân sự của bài kinh Sa Môn Quả (Sāmaññaphala).

Chính bằng phương thức ấy, các vị đã kết tập Kinh Trường Bộ (Dīghanikāya) gồm có ba mươi bốn bài kinh bắt đầu với kinh Brahmajāla và nói rằng: “Đây gọi là Kinh Trường Bộ (Dīghanikāya),” rồi đã ủy thác cho trưởng lão Ānanda việc truyền tụng:

– Này đệ Ānanda, hãy dạy lại bộ kinh này cho các đệ tử của đệ.

Tiếp đến phần khác, các vị đã kết tập Kinh Trung Bộ (Majjhimanikāya) gồm có một trăm năm mươi hai bài kinh bắt đầu với kinh Pháp Môn Căn Bản (Mūlapariyāyasutta), rồi đã ủy thác cho các đệ tử của vị trưởng lão Tướng Quân Chánh Pháp Sāriputta:

– Các người hãy bảo quản bộ kinh này.

Tiếp đến phần khác, các vị đã kết tập Kinh Tương Ưng Bộ (Samyuttanikāya) gồm có bảy ngàn bảy trăm sáu mươi hai bài kinh bắt đầu với kinh Vượt Khỏi Bộc Lưu (Oghataranasutta), rồi đã ủy thác cho vị trưởng lão Mahākassapa:

– Bạch ngài, xin ngài hãy dạy lại bộ kinh này cho các đệ tử của ngài.

Tiếp đến phần khác, các vị đã kết tập Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttaranikāya) gồm có chín ngàn năm trăm năm mươi bảy bài kinh bắt đầu với kinh Sự Xâm Chiếm và Ngự Trị Tâm (Cittapariyādānasutta), rồi đã ủy thác cho vị trưởng lão Anuruddha:

– Hãy dạy lại bộ kinh này cho các đệ tử của ngài.

Tiếp đến phần khác, các vị đã kết tập Kinh Tiểu Bộ (Khuddakanikāya) với mười lăm phần khác biệt gồm có Kinh Tiểu Tụng (Khuddakapāṭha), Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna), Kinh Phật Thuyết Như Vầy (Itivuttaka), Kinh Tập (Suttanipāta), Chuyện Thiên Cung (Vimānavatthu), Chuyện Ngạ Quỷ(Petavatthu), Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā), Trưởng Lão Ni Kệ (Therigāthā), Chuyện Tiền Thân(Jātaka), Nghĩa Thích (Niddesa), Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidā), Thí Dụ (Apadāna), Phật Sử(Buddhavaṃsa), Hạnh Tạng (Cariyāpiṭaka), rồi đã quy định rằng: “Đây gọi là Tạng Kinh (Suttanta-piṭaka).”

Tiếp đến phần khác, các vị đã kết tập bảy phần riêng biệt gồm bảy tác phẩm lớn là Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), Phân Tích (Vibhaṅga), Chất Ngữ (Dhātukathā), Nhân Chế Định (Puggalapaññatti), Ngữ Tông (Kathāvatthu) [*], Song Đối (Yamaka), và Vị Trí (Paṭṭhāna), rồi đã quy định rằng: “Đây gọi là Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka).”

[* Đại hội kết tập này chưa có tác phẩm Kathāvatthu, đến đại hội kết tập lần thứ ba mới có — ND]

Như thế, trưởng lão Mahākassapa đã hỏi và trưởng lão Ānanda đã trả lời toàn bộ được kết tập lại theo thứ lớp. Khi chấm dứt phần vấn và đáp, năm trăm vị A-la-hán đã đồng thanh lập lại phần kết tập. Khi hoàn tất việc kết tập về Pháp, quả đại địa cầu đã rúng động.

Sau đó, ngài Ānanda đã để xuống chiếc quạt được lắp cán sừng, rời Pháp tọa, đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng thượng, rồi trở về chỗ ngồi của bản thân.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Vị trưởng lão ấy đã đích thân chỉ định cho chính mình rồi đã hỏi về Pháp đến vị hạng nhất trong các vị đa văn và là vị giữ gìn kho báu của bậc Đại Ẩn Sĩ.
  2. Tương tợ như thế, trưởng lão Ānanda đã đích thân chỉ định cho chính mình rồi đi đến Pháp tọa và trả lời về Pháp không chút thiếu sót.

Toàn bộ lời dạy của đức Phật nên được biết là có một phần khi nói về bản chất, có hai phần khi nói về Pháp và Luật, có ba phần khi nói về Phần Đầu Phần Giữa và Phần Kết, cũng như vậy khi nói về Tạng (Piṭaka), có năm phần khi nói về Bộ Kinh (Nikāya), có chín phần khi nói về Thể (Aṅga), có tám mươi bốn ngàn nếu nói về Pháp Uẩn.

Thế nào là có một phần khi nói về bản chất? Bởi vì kể từ khi đức Thế Tôn chứng đạt Chánh Đẳng Giác vô thượng cho đến khi Ngài Vô Dư Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót; trong khoảng thời gian bốn mươi lăm năm ấy, tất cả những gì Ngài giảng dạy cho chư thiên, nhân loại, các loài rồng, dạ-xoa, v.v… nhằm mục đích giáo huấn hoặc phê phán chỉ có một bản chất là bản chất giải thoát mà thôi. Như thế khi đề cập đến bản chất thì có một phần.

Thế nào là có hai phần khi nói về Pháp và Luật? Luật tức là Tạng Luật, phần còn lại về lời dạy của đức Phật gọi là Pháp. Như thế khi đề cập đến Pháp và Luật thì có hai phần.

Thế nào là có ba phần khi nói về Phần Đầu, Phần Giữa, và Phần Kết? Trong trường hợp này:

  1. Ta lang thang luân hồi đã nhiều kiếp sống, tìm kiếm người thợ xây nhà nhưng không gặp, sự sanh là nỗi khổ cứ tiếp diễn mãi.
  2. Giờ ta đã tìm ra người thợ xây nhà rồi, ngươi không còn kiến tạo nhà được nữa. Tất cả cột kèo của ngươi đã bị gãy đổ, mái nhà đã bị phá tan. Ta đã chứng đạt sự đoạn trừ tham ái, tâm ta đã đạt Niết Bàn.

Đây là lời nói đầu tiên của đức Phật. Một số vị đề cập đến lời kệ cảm hứng trong phần KhandhakaGiờ đây đích thực Pháp đã hiện khởi!” Điều này cần được hiểu rằng vào ngày trăng tròn, khi đang quán xét về lý duyên khởi với tâm trí đang tràn ngập nỗi hân hoan của sự chứng đạt quả vị Toàn Giác, bài kệ cảm hứng ấy chỉ được khởi lên (trong trí Ngài).

Vào thời điểm Vô Dư Niết Bàn, Ngài đã nói rằng: “Này các tỳ khưu, giờ ta dạy bảo các ngươi rằng: Các pháp có tánh hoại diệt là pháp hữu vi, hãy nỗ lực để chứng đạt chớ có dễ duôi,” đó là lời nói cuối cùng của đức Phật.

Điều gì đức Phật nói lên vào khoảng giữa của hai thời điểm ấy được gọi là lời dạy của đức Phật thuộc Phần Giữa.

Như thế khi đề cập đến Phần Đầu, Phần Giữa, và Phần Kết thì có ba phần.

Thế nào là có ba phần khi nói về Tạng? Bởi vì toàn bộ gồm có ba phần riêng biệt: Tạng Luật, Tạng Kinh, và Tạng Vi Diệu Pháp.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Trong đó, tạng Luật được xem là gồm có Chương Pārājika, Pācittiya, thêm vào Phân Tích Giới Tỳ khưu ni, Đại Phẩm, rồi Tiểu Phẩm, và Tập Yếu.

Phần này được gọi là Tạng Luật.

  1. Ba mươi bốn bài kinh được kết tập làm ba chương; “Đó là Kinh Trường Bộ,” tức là phần thứ nhất theo sự sắp xếp.
  2. Kinh Trung Bộ gồm có mười lăm chương, trong đó có một trăm năm mươi hai bài kinh.
  3. Bảy ngàn bảy trăm sáu mươi hai bài kinh được kết tập thành Bộ Tương Ưng.
  4. Chín ngàn năm trăm năm mươi bảy bài kinh là số lượng bài kinh trong Bộ Tăng Chi.
  5. Kinh Tiểu Tụng (Khuddakapāṭha), Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna), Kinh Phật Thuyết Như Vầy (Itivuttaka), Kinh Tập (Suttanipāta), Chuyện Thiên Cung (Vimānavatthu), Chuyện Ngạ Quỷ (Petavatthu),
  6. Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā), Trưởng Lão Ni Kệ (Therigāthā), Chuyện Tiền Thân (Jātaka), Nghĩa Thích (Niddesa), Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidā), Thí Dụ (Apadāna), Phật Sử (Buddhavaṃsa), Hạnh Tạng (Cariyāpiṭaka). Mười lăm phần riêng biệt ấy được xem là Kinh Tiểu Bộ.

Phần nầy được gọi là Tạng Kinh.

  1. Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), Phân Tích (Vibhaṅga), và cuốn khác nữa là Chất Ngữ (Dhātukathā), thêm vào đó là Nhân Chế Định (Puggalapaññatti), và cuốn Ngữ Tông (Kathāvatthu).
  2. Song Đối (Yamaka), và Vị Trí (Paṭṭhāna), bảy cuốn riêng biệt này đã được giảng dạy bởi bậc Chánh Đẳng Giác và được gọi là Tạng Vi Diệu Pháp.

Phần này được gọi là Tạng Vi Diệu Pháp. Như thế khi đề cập đến Tạng thì có ba phần.

Thế nào là có năm phần khi nói về Bộ Kinh (Nikāya)? Tức là Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ, Kinh Tương Ưng Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ, và Kinh Tiểu Bộ.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Ngoại trừ bốn Bộ Kinh bắt đầu với Kinh Trường Bộ, v.v… các lời dạy khác của đức Phật được xem là Kinh Tiểu Bộ.

Như thế khi đề cập đến Bộ Kinh thì có năm phần.

Thế nào là có chín phần khi nói về Thể (Aṅga)? Bởi vì toàn bộ gồm có chín hình thức khác biệt, đó là sutta, geyya, veyyākaraṇa, gāthā, udāna, itivuttaka, jātaka, abbhūtadhamma, vedalla. Trong trường hợp này, Ubhatovibhaṅga, Niddesa, Khandhaka, Parivāra, các bài kinh Maṅgalasutta, Ratanasutta, Nalakasutta, Tuvaṭakasutta trong Suttanipāta (Kinh Tập), và các lời dạy của đấng Như Lai có tựa đề là Kinh (Sutta) thì được xếp vào thể Kinh (Sutta). Các bài kinh có xen các bài kệ vào được biết là thể Geyya; đặc biệt toàn bộ Thiên Có Kệ (Sagāthāvagga) trong Kinh Tương Ưng Bộ là thể Geyya. Toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp, các bài kinh không có xen các bài kệ, và các lời dạy khác của đức Phật không thuộc tám loại trên được xếp vào thể Veyyākaraṇa. Kinh Pháp Cú, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, các bài có tên là kinh nhưng chỉ là kệ trong Kinh Tập (Suttanipāta) thì được xếp vào thể Gāthā. Tám mươi hai bài kinh liên quan đến các bài kệ do tuệ giác hoan hỷ được xếp vào thể Udāna. Một trăm mười hai bài kinh được giới thiệu bằng: “Vuttaṃ h’ etaṃ Bhagavatā ti” (Đức Thế Tôn thuyết về điều ấy như vầy) thì được xếp vào thể Itivuttaka. Năm trăm năm mươi bài kinh Bổn Sanh bắt đầu bằng Bổn Sanh Apannaka được xếp vào thể Jātaka. Tất cả các bài kinh liên quan đến pháp kỳ diệu phi thường và được giới thiệu như sau: “Này các tỳ khưu, có bốn pháp kỳ diệu phi thường ở Ānanda,” được xếp vào thể Abbhūtadhamma. Tất cả các bài kinh được hỏi và được liên tục ghi nhận trong sự hiểu biết và hoan hỷ như các bài kinh Cullavedalla, Mahāvedalla, Sammādiṭṭhi, Sakkapañhā, Saṅkhāra-bhājaniya, Mahāpuṇṇama, v.v…được xếp vào thể Vedalla. Như thế khi đề cập đến Thể thì có chín phần.

Thế nào là có tám mươi bốn ngàn phần khi nói về Pháp Uẩn?

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Tôi đã học tám mươi hai ngàn từ đức Phật, hai ngàn từ vị tỳ khưu (Sāriputta), tổng cộng các pháp này là tám mươi bốn ngàn.
  2. Trong Tạng Luật có hai mươi mốt ngàn Pháp Uẩn, trong Tạng Kinh có hai mươi mốt ngàn Pháp Uẩn, và trong Tạng Vi Diệu Pháp có bốn mươi hai ngàn Pháp Uẩn.

Như thế, bằng cách giải nghĩa theo Pháp Uẩn thì có tám mươi bốn ngàn phần riêng biệt.

Trong trường hợp này, bài kinh có một chủ đề (anusandhika) thì tính một Pháp Uẩn, bài kinh nào có nhiều chủ đề thì tính nhiều Pháp Uẩn. Như thế, việc tính đếm Pháp Uẩn tức là đề cập đến chủ đề. Trong những phần Kệ (gāthā), mỗi câu hỏi hay chất vấn là một Pháp Uẩn và câu trả lời là một Pháp Uẩn. Trong tạng Vi Diệu Pháp, mỗi một phần chia chẻ gồm có một nhị đề hoặc tam đề và mỗi một phần chia chẻ theo loại tâm được gọi là một Pháp Uẩn. Trong tạng Luật thì có phần câu chuyện (vatthu), có phần tiêu đề (mātikā), có phần phân tích từ ngữ, có phần phạm tội, có phần không phạm tội, có phần phán xét; trong trường hợp này, cứ mỗi một phần được xem là một Pháp Uẩn. Như thế, khi đề cập đến Pháp Uẩn thì có tám mươi bốn ngàn phần.

Cứ như thế, lời dạy của đức Phật gồm nhiều phần khác biệt đã được các vị A-la-hán, có chủ tọa là ngài Mahākassapa, sau khi sắp xếp thành nhóm tương xứng: “Đây là Pháp, đây là Luật,” v.v… đã đọc tụng trong bảy tháng.

Khi kết thúc cuộc kết tập, đại địa cầu này với nước biển bao bọc xung quanh đã xảy ra nhiều sự rung động, lay chuyển, lắc lư khác nhau và có vô số điều kỳ diệu y như đang bày tỏ sự tán thưởng do sự hoan hỷ sanh khởi: “Giáo Pháp này của đấng Thập Lực được vận hành tròn đủ trong khoảng thời gian năm ngàn năm nhờ vào trưởng lão Mahākassapa.

Việc này được gọi là lần kết tập thứ nhất.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Trong thế gian này, việc nào do năm trăm (vị) làm, việc ấy được gọi là “thuộc về năm trăm vị;” và việc nào được đích thân các vị trưởng lão thực hiện được gọi là “thuộc về các vị trưởng lão.”
  2. Như vậy cuộc kếp tập Giáo Pháp đã được hoàn tất trong bảy tháng chính vì lợi ích của tất cả thế gian và nhằm đem lại lợi ích cho toàn thể thế gian.
  3. Nhờ trưởng lão Mahākassapa, Giáo Pháp này của đấng Thiện Thệ được vận hành tròn đủ năm ngàn năm.
  4. Khi cuộc kết tập được hoàn tất, đại địa cầu với nước bao bọc xung quanh đã dấy lên niềm hoan hỷ tột độ và đã rúng động sáu lần.
  5. Vô số hiện tượng kỳ diệu với nhiều hình thức đã xuất hiện ở thế gian. Cuộc kết tập này do chính các vị trưởng lão thực hiện nên đây là truyền thống của Thượng Tọa Bộ.
  6. Các vị trưởng lão ấy đã thực hiện cuộc kết tập lần thứ nhất và đã đem lại nhiều lợi ích cho chúng sanh. Khi sống hết tuổi thọ, tất cả đã Niết Bàn.
  7. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt trạng thái bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải về Cuộc Đại Kết Tập Lần Thứ Nhất
trong cuốn “Diệu Pháp Yếu Lược” được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app