Diệu Pháp Yếu Lược – Chương 5. Giảng Giải Về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Tư

Chương Thứ Năm

Giảng Giải về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Tư

Một thời gian sau, vào ngày an vị xá lợi xương vai bên phải ở tu viện Thūpārāma, tất cả những người đến từ thành phố và thấy được sự kỳ diệu của song thông nên đã xuất gia trở thành ba mươi ngàn vị tỳ khưu. Kế đến vào ngày hạ thổ cây Đại Bồ Đề, hoàng hậu Anulā cùng năm trăm công nương và năm ngàn cung nữ đã xuất gia với trưởng lão ni Saṅghamitta và đã thành tựu phẩm vị A-la-hán không lâu sau đó. Lại thêm người cháu của vua là Ariṭṭha cùng với năm trăm nam nhân đã xuất gia với vị trưởng lão và cũng đã thành tựu phẩm vị A-la-hán không lâu sau đó.

Lúc bấy giờ, nhà vua đã hỏi trưởng lão Mahinda rằng:

– Bạch ngài, như vậy Giáo Pháp đã được thiết lập ở đảo Laṅkā hay chưa?

– Tâu Đại Vương, Giáo Pháp đã được thiết lập nhưng gốc rễ của Giáo Pháp vẫn chưa được cắm sâu.

– Bạch ngài, khi nào gốc rễ mới được gọi là đã cắm sâu xuống?

– Tâu Đại Vương, khi nào có đứa trẻ được sanh ra trên đảo Laṅkā, có cha mẹ là người đảo Laṅkā, xuất gia ở đảo Laṅkā, học thuộc Luật và đọc tụng trên đảo Laṅkā, thì khi ấy gốc rễ của Giáo Pháp mới được gọi là đã cắm sâu xuống.

– Bạch ngài, vị tỳ khưu như vậy đã có chưa?

– Tâu Đại Vương, có vị tỳ khưu xuất chúng tên là Ariṭṭha có đủ năng lực trong nhiệm vụ đó.

– Bạch ngài, trẫm cần phải làm gì trong vấn đề này?

– Tâu Đại Vương, cho xây dựng một hội trường.

– Bạch ngài, lành thay.

Nhà vua (nghĩ rằng): “Vào thời kỳ đại kết tập, đại vương Ajātasattu đã cho xây dựng một hội trường” nên với quyền lực của vị vua đã cho xây dựng hội trường tại vùng đất có gian nhà của quan cận thần Meghavaṇṇābhaya, rồi cho tất cả các nhạc công biểu diễn tài nghệ của mỗi một cá nhân (và tuyên bố rằng): “Chúng ta sẽ chứng kiến gốc rễ của Giáo Pháp được cắm sâu xuống.” Sau đó, đức vua cùng với đoàn tùy tùng hàng ngàn người đã đi đến tu viện Thūpārāma.

Vào lúc bấy giờ, một ngàn vị tỳ khưu đã tụ hội tại Thūpārāma. Chỗ ngồi của vị trưởng lão Mahinda vĩ đại được quay mặt về hướng nam. Pháp tòa của vị trưởng lão Ariṭṭha xuất chúng được xếp đặt quay mặt về hướng bắc. Khi ấy, vị trưởng lão xuất chúng Ariṭṭha được trưởng lão Mahinda yêu cầu đã đích thân đến đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng thượng tùy theo thứ bậc rồi đến ngồi trên Pháp tòa. Sáu mươi tám vị đại trưởng lão dẫn đầu là trưởng lão Mahinda đã đến ngồi xuống quanh Pháp tòa. Người em trai của nhà vua là trưởng lão Mantābhaya (nghĩ rằng): “Khi hoàn thành nhiệm vụ, ta sẽ học Luật” cùng với năm trăm vị tỳ khưu cũng đã ngồi xuống quanh Pháp tòa của vị trưởng lão xuất chúng Ariṭṭha. Các vị tỳ khưu còn lại cùng nhà vua và đoàn tùy tùng mỗi một người cũng đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được xếp đặt sẵn.

Lúc bấy giờ, đại đức trưởng lão xuất chúng Ariṭṭha đã tụng đọc phần duyên khởi của Luật: “Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Verañjā ở gốc cây Pucimanda của dạ-xoa Naḷeru.” Trong khi phần duyên khởi của Luật đang được đại đức trưởng lão xuất chúng Ariṭṭha tụng đọc, một tiếng động kinh hồn đã vang lên ở không trung và những tia chớp sái mùa đã bắn ra tung toé, chư thiên đã ca ngợi, quả đại địa cầu có nước bao bọc cũng đã rúng động.

Trong khi vô số hiện tượng kỳ diệu xảy ra như vậy, đại đức trưởng lão Ariṭṭha ngồi giữa hội chúng có trưởng lão Mahinda dẫn đầu cùng với sáu mươi tám vị đại trưởng lão đã đoạn tận lậu hoặc, có hội chúng riêng biệt, thêm vào sáu mươi ngàn vị tỳ khưu khác nữa trong ngày đại lễ Pavāraṇā của tháng Kattika thứ nhất ở giữa tu viện Thūpārāma đã giảng rõ về Tạng Luật, về lý do khiển trách của đức Thế Tôn để làm sáng tỏ lòng bi mẫn của bậc Đạo Sư, và về sự hướng dẫn để ngăn ngừa nghiệp thân và nghiệp khẩu. Giống như trưởng lão Mahākassapa, trưởng lão Yasa, và trưởng lão Moggaliputtatissa đã kết tập Pháp và Luật được phân tích theo Tạng, theo Bộ Kinh, theo Thể, và theo Pháp Uẩn; tương tợ như thế, trưởng lão Mahinda vĩ đại, trong khi kết tập Pháp và Luật, đã làm cho gốc rễ của Giáo Pháp được cắm sâu vào hòn đảo Laṅkā, và đã thực hiện cuộc kết tập lần thứ tư.

Khi hoàn tất việc kết tập, đại địa cầu đã rúng động với nhiều phương cách khác nhau. Lần kết tập này kết thúc sau một thời gian không thể xác định được.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

1. Sau khi bậc Toàn Giác Vô Dư Niết Bàn được hai trăm mười tám năm, Piyatissako đã lên ngôi vua.

2. Giống như trưởng lão Mahākassapa, Yasa, và Tissa đã cho thực hiện cuộc kết tập Giáo Pháp, ngài Mahinda cũng thực hiện việc ấy như thế.

3. Nhưng vị đại trưởng lão Mahinda đã phát triển lời giáo huấn tối thượng của đấng Chiến Thắng gồm có pháp Học, pháp Hành, và pháp Thành ở trên đảo Laṅkā một cách tốt đẹp.

4. Vị ấy là bậc đại hiền triết, là ngọn hải đăng của xứ Laṅkā, được ví như là bậc Đạo Sư của xứ Laṅkā, và đã làm nhiều điều lợi ích cho xứ Laṅkā.

5. Tất cả sáu mươi tám vị đại trưởng lão nhận lãnh trọng trách đã tụ hội lại. Các vị ấy có hội chúng riêng biệt và là đệ tử của đấng Pháp Vương.

6. Các vị ấy có lậu hoặc đã đoạn tận, căn quyền thu thúc, có Tam Minh, rành rẽ về thần thông đã chứng tri về lợi ích tối thượng và đã giảng dạy cho đức vua.

7. Sau khi hoàn thành cuộc kết tập lần thứ tư và đem lại nhiều lợi ích cho thế gian, các vị đại ẩn sĩ đã rực sáng như những khối lửa và Niết Bàn.

8. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt trạng thái bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Tư
trong cuốn “Diệu Pháp Yếu Lược” được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

 

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app