Diệu Pháp Yếu Lược – Chương 7. Giảng Giải Về Việc Phiên Dịch Chú Giải Tam Tạng

Chương Thứ Bảy

Giảng Giải về việc Phiên Dịch Chú Giải Tam Tạng

Đã năm trăm mười sáu năm trôi qua kể từ khi Tam Tạng được ghi chép lại, đức vua tên Mahānāma đã trị vì vương quốc ở trên hòn đảo Laṅkā. Vào thời gian đó, nghe rằng có một thanh niên bà-la-môn xuất thân dòng dõi bà-la-môn ở lân cận Bảo Tọa Bồ Đề thuộc vùng trung tâm của Jambudīpa (Ấn Độ). Được thông thạo tất cả các môn học và giỏi về ba tập Vệ-đà, anh ta thường đi khắp các xóm làng, thành phố, xứ sở, và kinh thành trong xứ Jambudīpa; hễ nơi nào có các bậc trí thức, sa-môn, bà-la-môn cư ngụ thì anh ta tìm đến nơi ấy để thảo luận. Khi anh ta hỏi câu hỏi thì những người khác không thể trả lời được, nhưng khi người khác hỏi lại câu hỏi thì anh ta trả lời. Cứ thế, anh ta đã đi khắp xứ Jambudīpa và đã đến được một tu viện nọ. Trong tu viện ấy có hàng trăm vị tỳ khưu đang cư ngụ. Trưởng lão của hội chúng các tỳ khưu ấy là ngài đại trưởng lão tên Revata đã đoạn tận các lậu hoặc, thành tựu tuệ phân tích, và có khả năng bẻ gãy lý lẽ của kẻ khác.

Lúc bấy giờ, thanh niên bà-la-môn ấy sáng tối luôn tụng đọc các bài chú thuật từ đầu đến cuối có sự hoàn hảo trong từng câu. Khi nghe được tiếng cầu kinh của thanh niên bà-la-môn ấy, vị trưởng lão đã suy nghĩ như vầy: “Người bà-la-môn này có trí tuệ quảng bác, cần phải thu phục người này” nên đã cho mời đến và nói như sau:

– Này Bà-la-môn, người nào đang làm ồn với tiếng lừa hí vậy?

Thanh niên bà-la-môn trả lời rằng:

– Ồ vị xuất gia, ngài có biết ý nghĩa của những tiếng lừa hí đó không?

– Đương nhiên ta biết. Vị trưởng lão đáp lại.

Khi ấy, thanh niên bà-la-môn đã hỏi vị trưởng lão những vấn đề khó khăn thuộc về ba tập Vệ Đà và tập thứ năm là Itihāsa mà anh ta không biết câu trả lời, thậm chí thầy của anh ta cũng không biết. Vị trưởng lão trước đây đã thông thạo ba tập Vệ Đà nay lại chứng đạt được tuệ phân tích cho nên vị này không gặp khó khăn trong việc trả lời những câu hỏi ấy.

Khi đã trả lời các câu hỏi ấy xong, vị trưởng lão mới nói với thanh niên bà-la-môn rằng:

– Này Bà-la-môn, ngươi hỏi ta đã nhiều rồi, giờ ta hỏi ngươi một câu hỏi. Có phải ngươi sẽ trả lời câu hỏi của ta không?

– Ồ vị xuất gia, xin vâng. Ngài hỏi đi, tôi sẽ trả lời.

Vị trưởng lão đã hỏi câu hỏi này về phần Tâm trong Tạng Song Đối (Yamaka):

– Phải chăng tâm của người nào sanh lên mà không diệt thì tâm của người ấy sẽ diệt rồi sẽ không sanh? Hoặc là phải chăng tâm của người nào sẽ diệt rồi sẽ không sanh thì tâm của người ấy sanh lên mà không diệt?

Thanh niên bà-la-môn không thể hiểu được phần đầu hoặc phần sau nên đã nói rằng:

– Này vị xuất gia, điều ấy gọi là gì vậy?

– Này Bà-la-môn, điều này gọi là chú thuật của đức Phật.

– Ngài có thể dạy cho tôi điều ấy không?

– Này Bà-la-môn, chúng tôi chỉ có thể dạy cho người đã xuất gia thôi.

Sau đó, thanh niên bà-la-môn đã xin xuất gia vì muốn học chú thuật. Vị trưởng lão đã cho thanh niên bà-la-môn xuất gia và tu lên bậc trên. Rồi vị trưởng lão cũng đã chỉ dạy lời giáo huấn của đức Phật tức là toàn bộ Tam Tạng.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Chàng thanh niên bà-la-môn sanh ở vùng lân cận Bảo Tọa Bồ Đề là người hiểu biết rành rẽ về các môn học lẫn ngành nghề và thông hiểu ba tập Vệ Đà.
  2. Là người có kiến thức vững chắc, thiện xảo về các lối tranh luận, và là người thích tranh luận nên thường đi khắp xứ Jambudīpa đến nơi nào có cuộc tranh luận.
  3. Chàng trai đã đi đến một tu viện nọ và có thói quen sáng tối chắp tay lên đọc toàn bộ bài kinh văn một cách hoàn hảo.
  4. Ở đó, có một vị đại trưởng lão tên Revata đã chú ý đến chàng ta (nghĩ rằng): “Nhân vật này có kiến thức quảng bác, cần phải thu phục.”
  5. Vị ấy đã hỏi rằng: “Người nào đang làm ồn với tiếng lừa hí vậy?” và đã được nói lại rằng: “Ngài có hiểu ý nghĩa tiếng hí của những con lừa không vậy?”
  6. Vị ấy đã đáp rằng: “Đương nhiên, ta hiểu” và đã bộc lộ vốn hiểu biết của mình. Mỗi khi được hỏi, vị ấy không những đã trả lời mà còn chỉ cho thấy các điểm nghịch lý nữa.
  7. Và đã yêu cầu rằng: “Vậy thì ngươi hãy bày tỏ vốn hiểu biết của mình,” rồi đã hỏi về Chánh Tạng của Vi Diệu Pháp. Chàng trai đã không biết được ý nghĩa.
  8. Chàng trai đã hỏi rằng: “Đó là chú thuật của ai vậy?” Vị trưởng lão đã trả lời: “Chú thuật của đức Phật.” Khi được yêu cầu rằng: “Hãy dạy tôi điều ấy,” vị ấy đáp: “Để được điều ấy, ngươi hãy xuất gia đi.”
  9. Bị thúc đẩy bởi các lý do nêu trên, chàng trai đã xuất gia vì mục đích chú thuật. Vị trưởng lão sau khi chỉ dạy về các đề mục thiền đã làm lễ xuất gia đúng theo nguyên tắc.
  10. Sau khi đã tu lên bậc trên, chàng trai đã học Tam Tạng và trở nên vô cùng nổi tiếng ví như mặt trăng và mặt trời vậy.
  11. Do bản thân có khả năng hùng biện (ghosa) sâu sắc như đức Phật (Buddha) nên được gọi là “Buddha-ghosa” và nổi tiếng khắp địa cầu như đức Phật vậy.

Từ đó về sau, vị tỳ khưu ấy được nổi tiếng ở thế gian với danh hiệu là “Trưởng lão Buddhaghosa.” Lúc bấy giờ, ở tại tu viện đó sau khi thực hiện tác phẩm tên Ñāṇodaya và phần Chú Giải của bộ Pháp Tụ tên là Atthasālinī, vị ấy đã khởi công thực hiện bộ Chú Giải chi tiết. Khi ấy, ngài trưởng lão Revata nhận thấy điều ấy nên đã nói như vầy:

– Này Buddhaghosa, ở Jambudīpa này chỉ có vỏn vẹn Chánh Tạng tức là Tam Tạng, còn phần Chú Giải của Tam Tạng và lời giải thích của các vị thầy giáo thọ thì không được biết đến. Về phần Chú Giải tiếng Sīhala(ngôn ngữ cổ xứ Tích Lan) có nguồn gốc từ ba cuộc kết tập đã được ngài Mahinda cho thực hiện bằng tiếng Sīhala và phổ biến ở đảo Tích Lan sau khi đã xem xét lại phương thức giảng giải được thực hiện bởi ngài Sāriputta và các vị khác nữa. Vậy ngươi hãy đi đến nơi ấy nghiên cứu toàn bộ rồi chuyển sang ngôn ngữ của xứ Magadha, bộ Chú Giải ấy sẽ đem lại lợi ích cho tất cả thế gian.

Được nói như vậy, ngài Buddhaghosa đã khởi tâm hoan hỉ rồi đã đảnh lễ từ giã thầy tế độ và hội chúng tỳ khưu, sau đó theo lộ trình đã đến được bến cảng Nāga. Lúc bấy giờ, thiên vương Sakka đã dâng đến ngài trái cây tên harītakī và cây viết rồi đã trở về lại chỗ ngụ của mình.

Từ nơi ấy, ngài đã lên thuyền sau đó ở giữa biển khơi đã gặp và trao đổi chuyện trò với ngài trưởng lão Buddhadatta có hướng đi ngược lại. Kế đó, ngài đã đi về hướng khác và đã đến được hải cảng của xứ Laṅkā. Ngài đã gặp được hội chúng tỳ khưu thuộc Mahāvihāra (Đại Tự) ở trong thành Anurādhapura lúc ấy đang vào thời kỳ trị vì của đức vua Mahānāma. Ngài đã đến gặp trưởng lão Saṅghapāla ở giảng đường Mahāpadhāna, sau khi lắng nghe Chú Giải bằng tiếng Sīhala và toàn bộ lời dạy của các vị trưởng lão đã xác định rằng: “Đây đúng là tư tưởng của đức Phật, đấng Pháp Chủ,” rồi đã thỉnh hội chúng trong tu viện ấy tụ hội lại thưa rằng:

– Bạch các ngài, xin hội chúng hãy cho phép tôi được sử dụng các cuốn sách để thực hiện bộ Chú Giải Tam Tạng.

Khi ấy, hội chúng tỳ khưu đã trao cho hai câu kệ ngôn để xem xét khả năng thực sự của ngài:

– Khi biết được khả năng thực sự của người rồi chúng tôi sẽ trao cho tất cả các cuốn sách.

Sau đó, trưởng lão Buddhaghosa đã xem qua Tam Tạng Pāli và Chú Giải của Tam Tạng rồi tổng hợp lại thành tác phẩm tên là Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo). Khi ấy, chư thiên muốn làm cho trí tuệ của ngài được nhiều người biết đến nên đã làm cuốn sách biến mất. Ngài liền thực hiện cuốn khác. Chư thiên cũng đã làm cho cuốn ấy biến mất. Cũng chính ngài đã thực hiện đến lần thứ ba. Vào thời điểm ấy, chư thiên đã cho lại ngài hai cuốn sách trước. Như vậy là có ba cuốn sách.

Sau đó, trưởng lão Buddhaghosa đã đem ba cuốn sách trình lên hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, hội chúng tỳ khưu đã cho đọc ba cuốn sách cùng một lúc. Trong ba cuốn sách ấy, không có gì gọi là sai khác từ đoạn văn, từ âm, từ câu, từ vần, hay từ ý nghĩa, hay thứ tự trước sau, hay về lời dạy của các vị trưởng lão, hay về Chánh Tạng.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Tại đó (Jambudīpa), sau khi hoàn tất tác phẩm Ñāṇodaya vị ấy đã thực hiện Atthasālinī là bản giải thích của Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī).
  2. Bậc trí tuệ đã khởi công thực hiện bộ Chú Giải chi tiết. Nhìn thấy điều ấy, ngài trưởng lão Revata đã nói lời này:
  3. Ở đây, chỉ có Chánh Tạng được truyền lại còn Chú Giải không có. Cũng thế, lời dạy của các vị thầy và các tài liệu phân tích không tìm thấy.
  4. Còn phần Chú Giải tiếng Sīhala thì hoàn toàn chính thống nhờ vào bậc trí tuệ Mahinda. Đó là lời giảng dạy của đấng Chánh Đẳng Giác được truyền lại qua ba lần kết tập.
  5. Sau khi xem xét lại phương thức giảng giải được thực hiện bởi các vị như Sāriputta, v.v…, bản Chú Giải đã được thực hiện bằng ngôn ngữ Sīhala và được phổ biến ở đảo Tích Lan.
  6. Vậy ngươi hãy đi đến nơi ấy nghiên cứu rồi chuyển sang ngôn ngữ của xứ Magadha, bộ Chú Giải ấy sẽ đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh.”
  7. Được nói như thế, vị đại trí tuệ ấy đã hoan hỷ rời xứ sở ra đi đến hòn đảo (Laṅkā) này lúc bấy giờ đang ở vào thời kỳ trị vì của đức vua (Mahānāma) ấy.
  8. Khi đến tu viện Mahāvihāra ấy được hoàn hảo về mọi mặt, vị ấy đã đi đến giảng đường Mahāpadhāna có sự hiện diện của ngài Saṅghapāla.
  9. Sau khi được nghe Chú Giải bằng tiếng Sīhala và toàn bộ lời dạy của các vị trưởng lão, ngài đã xác định rằng: “Đây đúng là tư tưởng của đấng Pháp Chủ.”
  10. Rồi đã thỉnh hội chúng tụ hội lại nơi ấy lại thưa rằng: “Xin hãy trao cho tôi tất cả các cuốn sách để thực hiện bộ Chú Giải.” Và đã được kiểm tra khả năng.
  11. Hội chúng đã cho ngài hai câu kệ ngôn: “Ngươi hãy chứng tỏ khả năng của mình trong việc này; khi nhận biết điều ấy, chúng tôi sẽ trao cho tất cả các cuốn sách.”
  12. Chính ở nơi đó, từ Tam Tạng Pāli cùng với Chú Giải, ngài đã tổng hợp và đúc kết lại thành tác phẩm Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo).
  13. Sau đó, khi đã tụ họp hội chúng đến bên cây Bồ Đề vĩ đại, vị ấy là người thông hiểu lời dạy của đấng Toàn Giác đã bắt đầu giới thiệu về tác phẩm ấy.
  14. Chư thiên muốn làm cho nhiều người chú ý đến trí tuệ của ngài nên đã che giấu cuốn sách. Ngài đã thực hiện lại cuốn sách ấy lần thứ nhì rồi lần thứ ba.
  15. Khi cuốn sách đã được hoàn chỉnh để đọc vào lần thứ ba, chư thiên cũng đã làm hiện ra ở nơi ấy hai cuốn sách trước.
  16. Rồi các vị tỳ khưu đã đọc ba cuốn sách ấy cùng một lúc. Từ đoạn văn, hay từ ý nghĩa, hay thứ tự trước sau,
  17. về lời dạy của các vị trưởng lão, về Chánh Tạng, về các câu, và về các vần trong cả ba cuốn sách ấy cũng không có chút gì khác biệt.

Khi ngài Buddhaghosa hoàn tất ba cuốn sách ấy, không trung đã phát ra tiếng vang lớn, những tia chớp không đúng mùa tiết đã lóe lên, và chư thiên đã tán thán ca ngợi. Vào lúc bấy giờ, ở trong Mahāvihāra (Đại Tự) hàng ngàn vị tỳ khưu tụ hội lại chứng kiến hiện tượng kỳ diệu ấy được hài lòng hoan hỷ nên đã tán thán ca ngợi và bàn tán xôn xao rằng: “Đây chính là Bồ Tát Metteyya hiện thân.”

Khi nghe được lời đồn ấy, đức vua Mahānāma đã cùng với hội chúng đông đảo của hoàng gia rời khỏi thành phố đi đến Mahāvihāra. Sau khi đảnh lễ hội chúng tỳ khưu, nhà vua đã đảnh lễ ngài trưởng lão Buddhaghosa và mời thỉnh rằng:

– Bạch ngài, khi nào ngài chấm dứt bài pháp xin hãy đến nhận lãnh đồ khất thực tại hoàng cung của trẫm.

Vị ấy đã nhận lời bằng trạng thái im lặng.

Sau đó, hội chúng tỳ khưu đã trao các sách Tam Tạng Pāli cùng với các sách Chú Giải tiếng Sīhala. Khi ấy, ngài Buddhaghosa đã nhận lãnh tất cả các sách ấy. Sau khi dịch toàn bộ Chú Giải tiếng Sīhala, ngài đã thực hiện Chú Giải của Tam Tạng bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản trong khi cư trú tại tòa nhà tên Padhānaghara ở khu vực phía nam của Mahāvihāra (Đại Tự).

Trong Samantapāsādikā, ba Chú Giải tiếng Sīhala đã được đề cập đến. Ba Chú Giải nào? Mahā-aṭṭhakathā, Mahāpaccari-aṭṭhakathā, và Mahā-kurundī-aṭṭhakathā. Ba Chú Giải này gọi là Chú Giải tiếng Sīhala. Mahā-aṭṭhakathā được có tên như vậy vì được thực hiện bởi các vị trưởng lão có ngài Mahākassapa dẫn đầu, được truyền lại từ cuộc kết tập lần thứ nhất rồi đã được ngài Mahinda vĩ đại đem đến (hòn đảo Laṅkā) và thực hiện bằng ngôn ngữ Sīhala. Trong ngôn ngữ Sīhala, paccarī nghĩa là chiếc bè gỗ; nghe rằng trong khi ngồi trên chiếc bè gỗ ấy mà bộ Chú Giải đã được thực hiện nên được gọi tên là Paccarī. Kurundī-aṭṭhakathā có tên như vậy là vì có tu viện tên là Kurundaveḷu và bộ Chú Giải đã được thực hiện trong khi ngồi ở nơi ấy nên có tên là Kurundī.

Sau đó, khi đã dịch bộ Chú Giải Kurundī-aṭṭhakathā tiếng Sīhala ngài Buddhaghosa ấy đã thực hiện bộ Chú Giải của Tạng Luật có tên là Samantapāsādikā bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản. Bởi vì việc ấy có được đề cập:

  1. Bộ Chú Giải về Luật ấy đã được biên soạn bằng tiếng nói của xứ Magadha nhằm đem lại sự thông hiểu về Luật và sự hưng thịnh của Giáo Pháp.
  2. Bộ ấy tên là Samantapāsādikā và được hoàn tất với số lượng âm từ là hai mươi bảy ngàn cả thảy.

Kế đó về phần Tạng Kinh, sau khi dịch bộ Mahā-aṭṭhakathā tiếng Sīhala, ngài đã thực hiện Chú Giải của Kinh Trường Bộ tên là Sumaṅgalavilāsinī. Cũng như thế, ngài đã thực hiện Chú Giải của Kinh Trung Bộ tên là Papañcasūdanī; rồi thực hiện Chú Giải của Kinh Tương Ưng Bộ Sāratthapakāsinī; và thực hiện Chú Giải của Kinh Tăng Chi BộManoratthapūraṇī. Bởi vì việc ấy có được đề cập:

  1. Bộ Chú Giải về Kinh ấy được thực hiện bằng tiếng nói của xứ Magadha nhằm đem lại sự thông hiểu về Kinh và sự hưng thịnh của Giáo Pháp.
  2. Bốn bộ Chú Giải ấy được hoàn tất với số lượng âm từ là tám mươi ngàn cả thảy.
  3. Còn bộ Chú Giải về Kinh Tiểu Bộ được hoàn tất với số lượng âm từ đếm được là ba mươi bảy ngàn cả thảy.

Kế đó về phần Tạng Vi Diệu Pháp, sau khi dịch bộ Mahā-paccari-aṭṭhakathā tiếng Sīhala ngài Buddhaghosa đã thực hiện Chú Giải của Dhammasaṅganī tên là Atthasālinī bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản. Cũng như thế, ngài đã thực hiện Chú Giải của tác phẩm Vibhaṅga tên là Sammohavinodanī. Bởi vì việc ấy có được đề cập:

  1. Bộ Chú Giải về Tạng Vi Diệu Pháp ấy được thực hiện bằng tiếng nói của xứ Magadha nhằm đem lại sự thông hiểu về Vi Diệu Pháp và sự hưng thịnh của Giáo Pháp.
  2. Các bộ Chú Giải có tên là Atthasālinī, v.v… đã được hoàn tất với số lượng âm từ đếm được là ba mươi ngàn cả thảy.

Trước đây, các vị giáo thọ trưởng lão đã gìn giữ và thực hành theo truyền thống Chánh Tạng được mang tên là Theravāda, giờ ngài Buddhaghosa đã thực hiện phần Chú Giải của tất cả các lời dạy đó bằng tiếng nói của xứ Magadha. Bộ Chú Giải Tam Tạng ấy đã đem lại lợi ích đến cho các cư dân sống ở tất cả các quốc độ.

Khi bộ Chú Giải Tam Tạng được hoàn tất, đại địa cầu đã rúng động bằng nhiều cách. Bộ Chú Giải Tam Tạng này được thực hiện và hoàn tất chỉ trong một năm.

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ cần phải làm đó, ngài Buddhaghosa có ý muốn đảnh lễ cội Đại Bồ Đề nên đã đảnh lễ từ giã hội chúng tỳ khưu rồi đã trở về lại Jambudīpa (Ấn Độ).

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

  1. Sau khi đấng Toàn Giác vô dư Niết Bàn được chín trăm năm mươi sáu năm, đức vua Mahānāma đã trị vì vương quốc Laṅkā theo đúng thập vương pháp.
  2. Tiếng đồn về “Buddhaghosa” như là một vị Phật đã vang khắp trái đất. Bởi vì sau khi đi đến hòn đảo Laṅkā, ngài là nguồn đem lại lợi ích cho hòn đảo Laṅkā.
  3. Hội chúng đã trao hai câu kệ ngôn và Chú Giải tiếng Sīhala; thuận theo ý của hội chúng, ngài đã thực hiện tác phẩm tên là Visuddhimagga.
  4. Khi ấy, hội chúng vô cùng hoan hỷ, hài lòng, đã lập đi lập lại rằng: “Chắc chắn đây là Metteyya rồi!”
  5. Khi nhận được những cuốn sách Tam Tạng luôn cả Chú Giải, ngài đã trú ở Ganthākara là một chỗ xa xôi trong tu viện.
  6. Rồi vị ấy đã dịch toàn bộ Chú Giải tiếng Sīhala sang tiếng nói của xứ Magadha là ngôn ngữ căn bản của tất cả (các ngôn ngữ).
  7. Việc ấy đã đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh thuộc tất cả các ngôn ngữ. Tất cả các giáo thọ sư trưởng lão đã đánh giá Chú Giải ấy tương đương với Chánh Tạng.
  8. Đến khi phận sự cần phải làm đã được hoàn tất, ngài đã trở lại xứ Jambudīpa (Ấn Độ) để đảnh lễ cội Đại Bồ Đề.
  9. Đức vua Mahānāma đã ra đi theo nghiệp quả sau khi làm vua ở đại địa cầu này được hai mươi hai năm và đã làm vô số phước thiện.
  10. Còn vị trưởng lão ấy, sau khi hoàn thành Chú Giải Tam Tạng và đem lại nhiều lợi ích cho thế gian, đến khi hết tuổi thọ cũng đã sanh về cõi Tusitā.
  11. Phần các vị tỳ khưu cư ngụ ở Laṅkā, có phận sự đã hoàn thành và không còn lậu hoặc, đến khi hết tuổi thọ tất cả các vị trưởng lão ấy đã Niết Bàn.
  12. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt trạng thái bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải Về
Việc Phiên Dịch Chú Giải Tam Tạng
trong cuốn “Diệu Pháp Yếu Lược” được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app