BỒ TÁT HẠNH.
(Bodhisattacariya)

(tiếp theo)

II- Xác định Bồ tát.

Nếu là vị Thánh Thinh văn (Arahanta) tối thắng một hạnh nào đó như: Ngài Subhūti đệ nhất về hạnh tâm từ, Ngài Rāhula đệ nhất hạnh hiếu học, Thánh nữ Alahán Dhammadinnā đệ nhất thuyết pháp trong hàng nữ Thinh văn .… vị Bồ tát sau khi được Đúc Chánh giác ghi nhận, phải hành tròn đủ 10 pháp độ (pāramī) với thời gian là 100 ngàn kappa( kiếp trái đất).

Nếu là Bồ tát Độc giác, sau khi được thọ ký vị ấy phải hành tròn đủ 20 pháp Balamật với thời gian là 2 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất.

Nếu là Bồ tát Chánh giác, từ khi được thọ ký, vị Bồ tát này phải hành tròn đủ 30 pháp Balamật với thời gian nhanh nhất là 4 atăngkỳ và 100 ngàn kappa.

Sự thọ ký đối với:

1- Bồ tát Chánh đẳng giác

Vị Bồ tát có ước nguyện thành bậc Chánh đẳng giác trong tương lai, phải hội đủ tám điều mới được Đức Phật Chánh đẳng giác thọ ký.

Tám pháp ấy của vị Bồ tát Chánh giác là:

a- Manussataṃ: phải là người, không phải là chư Thiên hay thú.

b- Liṅga sampatti: phải là nam nhân.

c- Hetu (nhân): phải có duyên lành chứng đắc quả vị Alahán trong kiếp ấy (như Bồ tát Sumedha, khi được Đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng) thọ ký, Ngài có đủ duyên lành chứng quả Alahán ngay khi ấy).

d- Satthāra dassanaṃ: gặp được Đức Phật.

e- Pabbajjā: phải là bậc xuất gia.

f- Guṇa sampatti (thành tựu ân đức): Tức là thành tựu được ngũ thông với bát thiền.

g- Adhikāra: Là có việc lành cao tột, như hy sinh cả sinh mạng cúng dường đến Đức Phật. Tức là “thực hiện được việc khó có người làm được”.

h- Chandatā: có ước vọng mãnh liệt, dù có khó khăn trở ngại như thế nào cũng không thối chuyển.

Giải:

Phải là người. Không phải là trời hay thú.

 Ở đây chỉ cho ngưởi Nam thiện bộ châu (jambūdīpa) vì người châu này có tính dũng mãnh như đã giải.

Chỉ có cõi người mới thành Phật Chánh giác hay Độc giác, các chúng sanh khác như chư thiên, Phạm thiên không thể thành Phật Chánh giác được.

Nhưng trong Chánh giác tông hay trong Bản sớ giải Madhuratthavilāsinī của Ngài Buddhadatta (là vị Trưởng lão sang Tích Lan trước Ngài Buddhaghosa) có ghi:

” Cách nay 2 atăngkỳ và 100 ngàn đại kiếp, vào thời Đức Phật Sumana, Bồ tát sanh làm Long vương có tên là Atulanāga được Đức Phật Sumana thọ ký.”

“Cách nay 1 atăngkỳ và 100 ngàn đại kiếp, vào thời Đức Phật Anomadassī, Bồ tát sanh làm chúa Dạ xoa. Vào thời Đức Phật Paduma, Bồ tát sanh làm Sư tử vương”. Tất cả những kiếp ấy, Bồ tát đều được thọ ký thành vị Chánh giác trong vị lai.[1]

Như vậy, ở đây “phải là người” là nói đến lần đầu tiên được thọ ký, đồng thời vị ấy nói lên ước nguyện của mình trước Đức Phật Chánh giác, những lần sau đó là “ghi nhận gián tiếp” vì Đức phật Chánh giác lập lại lời “ghi nhận” của vị Phật Chánh giác đã thọ ký đầu tiên cho Bồ tát.

– Phải là nam nhân.

Đức Phật có dạy:

Này các tỳ khưu, sự kiện này không xảy ra: “Một nữ nhân có thể là bậc Alahán Chánh đẳng giác”, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các tỳ khưư: “Nam nhân có thể là bậc Alahán Chánh đẳng giác”, sự kiện này có xảy ra.”[2]

– Là bậc xuất gia.

Chính phẩm mạo xuất gia nói lên tính cách ly dục hoàn toàn, là bậc không còn thọ hưởng các dục lạc, mang lại niềm tin cho những ai chưa có niềm tin, làm tăng trưởng niềm tin cho những ai đang có đức tin.

Ngay chính quả vị Alahán cũng phải được phẩm mạo xuất gia nâng đở, nếu người cư sĩ chứng quả Alahán, không xuất gia sẽ viên tịch trong ngày (có tư liệu nói là:trong vòng 7 ngày).

Mặt khác, chư Phật không thể thành tựu quả Vô thượng Chánh giác trong phẩm mạo cư sĩ.

Do đó, sự ghi nhận (thọ ký) cho người có ước nguyện thành bậc Chánh giác, người ấy phải là bậc xuất gia.

Có ước vọng mãnh liệt.

Là ước vọng không hề lay chuyển, không bị lui sụt. Chính vì có ước nguyện này mới được Đức Phật Chánh giác ghi nhận. Người thiếu ước vọng mãnh liệt này, cho dù gặp được bậc Chánh giác cũng không được ghi nhận (thọ ký). Chính ước vọng đã định hướng cho lộ trình, cho dù không gặp Đức Chánh giác, ước vọng này dẫn lối cho Bồ tát thực hành những pháp có khuynh hướng giác ngộ. Đức Phật có dạy:

“Tất cả các pháp lấy dục(chanda) làm căn bản.”[3]

Những pháp còn lại cũng dễ hiểu.

b- Bồ tát Bích Chi.

Các bộ Sớ giải dường như không đề cập đến những pháp cần phải có để được Đức Chánh giác “ghi nhận Bồ tát Độc giác”, tuy vẫn có sự ghi nhận là “Bồ tát Độc giác”.

Có thể hiểu Bồ tát Độc giác cũng phải có tám pháp như Bồ tát Chánh giác, vì Đức Độc giác cũng tự mình giác ngộ, nhưng không thể tế độ chúng sanh khác giải thoát khỏi sinh tử như Ngài, tuy về phương diện thấu triệt chân pháp, trí tuệ Ngài sâu thẳm hơn cả Đức Thượng thủ Thinh văn.

Nguyên nhân? Chỉ vì Ngài không thông thạo pháp chế định (paññatti) để diễn đạt, dẫn nhập cho chúng sanh khác thấu hiểu chân pháp như Ngài. Ví như có hai vị thầy: Một vị dạy rất dễ tiếp thu, một vị khác không có kỹ xảo này nên học trò khó tiếp thu những gì vị ấy muốn truyền đạt.

Có lẽ vì nguyên nhân này mà một số vị thầy cho rằng: “Đức Độc Giác Chỉ nghĩ đến giải thoát cho chính mình, mà không tế độ chúng sanh khác”. Đã là “lực bất tòng tâm” thì không thể nói là ích kỷ, hơn nữa trong thời gian hành Pháp độ, Bồ tát Độc giác có thể hy sinh cả chi thể như tay chân… cho kẻ khác, thì không thể nói “không có tâm vị tha”. Chỉ có chướng ngại sau cùng: “mạng sống” Bồ tát Độc giác không thể vượt qua và thời gian hành pháp Balamật của chư Bồ tát Độc giác chỉ có 2 Atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất nên dẫn đến hệ quả trên.

“HIỂU rất sâu, SỐNG rất nhiều, nhưng NÓI rất ít. Tình thương cho đời vẫn vô hạn, nhưng không tự gánh lấy sứ mạng một ĐẤNG ĐẠ O SƯ nào cả.

Không vì GHÉT đời hay THƯƠNG mình, suốt đời im lặng và cô độc đến đi… Đó là chân dung của Phật Độc Giác.[4]

Hoặc nương theo những mẫu chuyện được ghi nhận trong bản Sớ giải, chúng ta có nhận định như sau:

Phải có đủ bảy pháp Bồ tát Độc giác mới được “ghi nhận”:

1) Phải là người (manussataṃ).

2) Phải là người nam (liṅga sampatti).

3) Có duyên lành đắc quả Alahán trong kiếp ấy (hetu).

4) Gặp được Đức Phật và tạo phước lành đến Đức Phật (satthāra dassanaṃ).

5) Phải là bậc xuất gia (Pabbajja).

6) Có việc lành cao tột (adhikāra).

7) Có ước nguyện vững chắc (chandatā).

Như người thợ làm vòng hoa Sumana, được Đức Phật thọ ký là vị Độc giác Phật trong tương lai và cũng là một trong năm người có quả lành phát sanh trong hiện tại được đại chúng biết đến[5]. Mẫu chuyện tóm lược như sau [6]:

Sumana là người thợ làm vòng hoa, được đức vua Bimbisāra (Bình savương) tuyển vào làm trong vườn Ngự uyển của Đức vua. Mỗi ngày ông phải dâng hoa đến Đức vua và được vua ban thưởng 8 đồng tiền vàng.

Một hôm trên đường đến Hoàng cung dâng hoa, Sumana cúng dường đến Đức Phật 8 nắm hoa, tám nắm hoa này tạo thành một vòm hoa vây quanh Đức Phật ở hư không: hai nắm lơ lửng ở trên đầu, hai nắm lơ lửng ở bên phải, hai nắm lơ lửng ở bên trái và hai nắm lơ lửng ở sau lưng. Khi Đức Phật về đến Hương thất, bước vào Hương thất thì tám vòm hoa ấy mới rơi xuống đất.

Ông Sumana trở về nhà với chiếc giỏ không và thuật lại điều kỳ diệu cho vợ nghe. Người vợ lo sợ Đức vua sẽ hình phạt Sumana, bà sẽ bị liên lụy. Bà liền đi đến Hoàng cung tường thuật những gì Sumana đã làm và xin Đức vua hãy tha thứ cho bà, vì bà vô can trong việc này.

Riêng về ông Sumana đang chuẩn bị từ bỏ cõi đời vì đã “dám đem hoa của Đức vua cúng dường đến Đức Thế Tôn”.

Nhưng Đức vua Bimbisāra hoan hỷ với hành động của thợ hoa Sumana, đã ban thưởng cho ông những món quà với hệ số tám như: 8.ooo đồng vàng, 8 hũ châu báu, 8 ngôi làng, 8 nữ phi, 8 nữ hầu…

Đức Ānanda bạch hỏi Đức Phật về phước mà thợ hoa Sumana đã làm và Đức Phật đã tiên đoán: “thợ hoa Sumana là Phật Độc giác trong tương lai, có tên là Sumanissara.”

Tiếp theo Đức Phật dạy kệ ngôn:

Tañ ca kammaṃ kataṃ sādhu
yaṃ katvā nānutappati
Yassa patīto sumano.
Vipākaṃ paṭi sevati.

“Và nghiệp làm chánh thiện.
Làm rồi không ăn năn.
Hoan hỷ, ý đẹp lòng.
Hưởng thọ quả dị thục” .[7]

Mẫu chuyện trên cho thấy thợ hoa Sumana không phải là bậc xuất gia, nhưng sự thọ ký của Đức Phật là gián tiếp, tức là Ngài thấy rõ vị Sumana này sẽ trở thành Phật Độc giác trong tương lai, vì rằng “thợ hoa Sumana không trình bày ước nguyện mình đến Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn chỉ trả lời câu hỏi của Đức Ānanda”, như trong Chánh giác Tông ghi nhận 10 vị phật Chánh giác trong tương lai, trong đó có voi Nālāgiri.

Một điều chúng ta nên ghi nhận là: “Trước khi thành phật Chánh giác, Bồ tát phải là bậc xuất gia, khi thấy được bốn hiện tượng: già, bịnh, chết và xuất gia”[8]. Riêng Bồ tát Độc giác, có thể chứng quả Độc giác trước khi Ngài xuất gia[9].

c- Bồ tát Thượng thủ Thinh văn có năm pháp:

1- Phải là người.

3- Phải là người nam.

4- Được gặp Đức Phật và tạo phước lành bằng cách cúng dường đến Đức Phật.

5- Có duyên lành chứng quả Alahán ngay kiếp ấy.

6- Có ước nguyện vững chắc.

Như Đức Phật Anomadassī thọ ký cho hai vị Thượng thủ Thinh văn của Đức phật Gotama sau này, khi ấy tiền thân của Đức Moggallāna là trưởng già Sirivaḍḍha [10]).

d- Bồ tát Đại Thinh văn có hai pháp:

1- Gặp được Đức Phật và tạo phước lành đến Đức Phật.

2- Có ước nguyện vững chắc.

Trong Thinh văn sử có ghi nhận: Đức Phật Padumuttara có thọ ký cho Long vương “sẽ là con của vị Bố tát Chánh giác kiếp chót”[11]. Tức là tiền thân Đức Rhula (Lahầula).

Như vậy, Bồ tát có tất cả là 18 hạng:

– Bồ tát Thinh văn giác có: 3 hạnh x 2 cách (bất định và xác định) = 6 hạng.

– Bồ tát Độc giác có: 3 hạnh x 2 cách = 6 hạng.

– Bồ tát Chánh Đẳng giác có: 3 hạnh x 2 cách = 6 hạng.

Mười Balamật có thể kết hợp vào nhau do dựa trên bốn quyết định:

i- Quyết định về sự thật (saccādhiṭṭhāna).

ii- Quyết định từ bỏ (cāgadhiṭṭhāna)

iii- Quyết định yên tĩnh (upasamadhiṭṭhāna).

iv- Quyết định trí (paññādhiṭṭhāna).

Quyết định về sự thật.

Ba sự thật cùng với những pháp hành dẫn đến Nípbàn là: ngữ chân thật (vacīsacca), ngăn trừ chân thật (virati sacca) là tâm sở của chánh ngữ (sammāvācā cetasika) hay tâm chân thật và tuệ chân thật (ñāṇasacca) là tâm sở trí. Ba sự thật này hỗ trợ Bồ tát tu tập các pháp Balamật khi còn trong vòng luân hồi và trong kiếp chót khi Bồ Tát sắp trở thành Phật Chánh giác.

Nípbàn là sự thật tột cùng phải đạt đến, Bồ tát dựa vào bốn sự thật để trở thành Bậc Chánh giác. Đây là quyết định về sự thật.

Quyết định về từ bỏ.

Là từ bỏ bằng cách tận diệt những ô nhiễm trong tâm không còn dư sót bằng Thánh Đạo Alahán (Arahattamagga).

Trong khi vẫn còn là Bồ tát trong vòng luân hồi, Ngài từ bỏ các cảnh dục và sự đắm nhiễm trong chúng, nhưng sự từ bỏ này chỉ là tạm thời (tadaṅgapahana), hay áp chế (vikkhammbhana pahāna), nên Ngài xa lánh cảnh dục càng nhiều càng tốt. Chỉ bằng cách này Bồ tát mới có được sự hổ trợ để thực hành các pháp Balamật.

Khi thành tựu được bậc Alahán Chánh đẳng giác thì quyết định từ bỏ trở thành “tận diệt hoàn toàn các ô nhiễm không còn dư sót”. Đây là quyết định về từ bỏ.

Quyết định về yên lặng.

Là tâm không xao động vì các pháp ô nhiễm hay những gì do chúng gây ra. Đỉnh cao của sự yên lặng là Thánh Đạo Alahán.

Khi còn trong luân hồi, Bồ tát vẫn còn bị chi phối, bị xao động do những “cơn sốt ô nhiễm”.

Do đó, Ngài tích cực thực hành những pháp Balamật hầu chận đứng những tai họa do những “cơn sốt ô nhiễm” gây tác hại cho người lẫn cho Ngài theo cách tạm thời hay áp chế.

Quyết định làm yên lặng những “cơn sốt ô nhiễm” bằng pháp hành Balamật, trong đó yên lặng nội tâm trước những cảnh dục trần là quan trọng, nên quyết định về yên lặng còn gọi là thiền tịnh.

Quyết định về trí.

Trí mà Bồ tát cần đạt đến trí quả Alahán (arahattaphala).

Tất cả các loại trí như: trí thiện xảo trong phương tiện (upāya kosalla ñāṇa), trí quán danh sắc, trí trong pháp học … được tăng trưởng trong tâm đã hổ trợ Bồ tát thành tựu trí quả Alahán Chánh đẳng giác. Do đó các tuệ nói trên là quyết định về trí.

Người bình thường dựa vào các cảnh dục và các dục lạc để hổ trợ cho “quyết định tầm cầu dục lạc”.

Nhưng với Bồ tát, Ngài thấy rất rõ sự nguy hiểm của cảnh dục và dục lạc, nên tự củng cố bằng bốn quyết định: sự thật, từ bỏ, yên lặng và trí để đạt đến giải thoát Nípbàn.

Chư Bồ tát (nói chung) phải có bốn nền tảng (bhūmi – căn cứ), sáu nết hạnh (ajjhāsaya) khi được thọ ký.

Bồ tát Chánh giác khi được thọ ký có bảy pháp kỳ diệu (acchariya dhamma).

Bốn căn cứ địa là:

1- Ussāha (siêng năng).

Là siêng năng dũng mãnh trong việc thực hành pháp thiện.

2- Ummagga ñāṇa (biết rõ con đường sái quấy).

Vị Bồ tát khi được thọ ký, thường có trí tuệ phân biệt đâu là con đường sái quấy, con đường quanh co (ummagga) và xa lánh con đường này.

3- Avatthana (quả quyết).

Là vị Bồ tát khi quyết định thực hiện một việc thiện nào, sẽ không thối chuyển, cố gắng làm cho thành tựu.

4- Hitacariyā (việc làm có lợi ích) (hita: lợi ích, cariya: hạnh nguyện).

Là vị Bồ tát luôn có tâm nguyện làm những gì có lợi ích cho mình lẫn cho người.

Đây là 4 nền tảng chung cho tất cả Bồ tát, cho dù là xác định hay bất định, Bồ tát Thinh văn, Bồ tát Bích chi hay Bồ tát Chánh đẳng giác.

Nhưng vị Bồ tát được thọ ký rồi, 4 nền tảng này vững chắc hơn và khi thực hiện việc chi cũng y cứ trên bốn nền tảng này thường xuyên hơn Bồ tát bất định.

Sáu khuynh hướng của vị Bồ tát

1- Alobhajjhāsaya: Có khuynh hướng vô tham.

Vị Bồ tát được thọ ký có khuynh hướng thiêu đốt tham ngủ ngầm bằng sự vô tham, luôn có ý muốn dứt bỏ những gì mình có, để làm lợi ích đến người và cho mình.

2- Adosajjhāsaya: Có khuynh hướng vô sân.

Vị Bồ tát được thọ ký có khuynh hướng thiêu đốt sân ngủ ngầm, nghĩa là luôn có tâm từ bi đối với chúng sanh.

3- Amohajjhāsaya: Có khuynh hướng vô si.

Nghĩa là luôn có trí tuệ để suy xét: thiện hay bất thiện? Hợp lý hay không hợp lý? Đúng thời hay không đúng thời? Có lợi ích hay không có lợi ích?

Đối với khuynh hướng này, vị Bồ tát không vội tin cũng không vội bỏ, sau khi suy xét kỹ lưỡng vấn đề được nghe, được biết rồi mới tin hay không tin.

4- Nekkhammajhāsaya: khuynh hướng xuất ly.

Là có tâm hướng đến sự dứt bỏ những gì xét ra là chướng ngại cho sự tầm cầu pháp giác ngộ.

5- Pavivekajjhāsaya: có khuynh hướng an tịnh (chữ paviveka nghĩa là: vắng vẻ, ẩn dật).

Là tìm nơi thanh vắng, tránh xa nơi ồn ào náo nhiệt để trú ẩn.

6- Nissaraṇajjhāsaya: có khuynh hướng giải thoát (nissaraṇa: thoát khỏi vòng).

Là có tâm hướng đến sự giải thoát ra khỏi phiền não Ái và những khổ lụy của thế gian.

Bảy pháp kỳ diệu (acchariya dhamma).

1- Pāpapaṭikutha citta: có tâm xa lánh điều ác xấu đáng bị chỉ trích.

Vị Bồ tát được thọ ký rồi, tâm có sự hổ thẹn (tàm) và ghê sợ (quý) điều tội lỗi. Ví như người bị dơ bẩn do chạm vào phẩn, nay thấy phẩn vội xa lánh, hoặc ví như người bị phỏng nặng do lửa, khi thấy lại ngọn lửa vô cùng kinh sợ.

Hai pháp hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, được chư Thiên hoan hỷ tán thán, vì đó là hai pháp đưa lên Thiên giới, đồng thời cũng là hai pháp hộ trì giới hạnh.

2- Pasāraṇa citta: có tâm rộng mở.

Vị Bồ tát xác định luôn có tâm hoan hỷ, thỏa thích trong việc thiện. Một khi đã thực hiện việc thiện nào đó, luôn cố gắng cho đến khi thành tựu, không bao giờ bỏ dở.

3- Adhimutta kālakiriya:

Chữ Adhimutta nghĩa là thiên về, kāla là thời điểm, kiriya là việc làm.

Adhimutta kālakiriya có thể dịch là: Tâm nguyện đúng thời.

Ý nghĩa này là: vị Bồ tát sau khi được thọ ký, khi hành pháp độ (pāramī dhammā) được sanh về cõi trời Dục hay Sắc giới, nhưng những cõi này là một chướng ngại cho con đường hành pháp độ, vì những cõi này không có cơ hội tạo phước nhiều, nên Bồ tát nguyện cho tuổi thọ của mình giảm sút để sanh về cõi người, khi ấy tuổi thọ của Ngài ngừng lại và Bồ tát giáng hạ xuống nhân giới.

4- Visesajanattaṃ: đặc biệt khác phần đông.

Vị Bồ tát Chánh giác vào kiếp chót, khi nhập thai bào khác với những thai bào khác là: Tất cả chúng sanh trong bụng mẹ thì ngồi chồm hổm, hai tay nắm lại đở cằm, mặt day vào lưng mẹ, còn Bồ tát Chánh giác kiếp chót thì ở trong bụng mẹ rất sạch sẽ, ngồi xếp bằng mặt quay ra phía trước.

“Này các tỳ khưu, khi Bồ tát nhập mẫu thai, mẹ vị Bồ tát không bị tật bịnh gì. Bà sống với tâm hoan hỷ, thân khoan khoái. Bà thấy trong thai bào của mình Bồ tát đủ mọi bộ phận và chân tay.”[12]

Do đoạn kinh trên nên các Giáo thọ sư có giải rằng: “Chỉ có tư thế ngồi quay mặt ra phía trước, mẹ Bồ tát mới nhìn thấy rõ Bồ tát mọi bộ phận như mắt, tai, mũi… và những bộ phận này không bị khuyết tật như viên bảo ngọc không bị tỳ vết”.

Lại nữa, “Này các tỳ khưu, khi Bồ tát từ bụng mẹ sinh ra, Ngài sinh ra thanh tịnh không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ sự vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch. Pháp nhĩ là như vậy”(sđd).

Đoạn kinh trên chứng tỏ Bồ tát trong thai bào không bị nhiễm ô.

5- Tikālaññū: Biết rõ thời kỳ.

Vị Bồ tát Chánh giác kiếp chót có sự hiểu biết cả ba thời kỳ:

– Nhập thai bào, trú trong thai bào và ra khỏi thai bào.

Chư Bồ tát Độc giác cùng bậc Thượng Thủ Thinh văn chỉ biết hai thời kỳ: Nhập thai bào, trú trong thai bào.

Chư Bồ tát Đại Thinh văn chỉ biết một thời kỳ: nhập vào thai bào.

6- Pajūtikāla: Thời kỳ sanh ra.

Bồ tát Chánh giác kiếp chót khi ra khỏi lòng mẹ, bà mẹ ở trong tư thế đứng. Khi ấy Bồ tát duỗi hai tay cùng hai chân tuột ra, như vị pháp sư bước xuống pháp tọa.

 “Bồ tát ra khỏi thai bào, Ngài đứng vững thăng bằng trên hai chân, đi 7 bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con Ngưu vương, thốt ra lời như sau:

Aggo’ham sami lokassa.
Jeṭṭho’ham asmi lokassa.
Seṭṭho’ham asmi lokassa.
Ayaṃ antimā jāti
N ‘atthi’dāni punabbhavo ti”.

– Ta là bậc tối thượng trên đời.
Ta là bậc tối tôn trên đời.
Ta là bậc cao nhất trên đời.
Nay là đời sống cuối cùng.
Không còn phải tái sanh ở đời này nữa.”

Đoạn kinh trên cho thấy vị Chánh Đẳng giác không còn phải tái sanh nữa[13].

7- Manussa jātiyo: Tái sanh trong cõi người.

Bồ tát kiếp cuối sẽ thành Phật Chánh đẳng giác phải tái sanh về nhân giới. Là vì:

– Nếu sanh về cõi trời mà hành đạo thành bậc Chánh đẳng giác nhân loại sẽ cho rằng: “chỉ có chư Thiên mới thành Phật” rồi thối thác không chịu tu theo.

Còn nếu sanh làm súc sanh (tiracchāna) mà thành Phật, loài người sẽ cho rằng: “đó là loài thấp kém hơn”cũng không chịu tu theo.

Do đó, Bồ tát sanh làm người, khi thành bậc Chánh đẳng giác thuyết lên pháp vi diệu sẽ tế độ được cả mọi giới: súc sanh, người và chư Thiên (tùy theo mỗi trường hợp, mỗi sanh loại).

Hơn nữa, khi Đức Phật Đại viên tịch (parinibbāna) sẽ lưu lại Xá Lợi (sārīrikadhātu), còn ở cõi chư Thiên không thể lưu lại Xá Lợi gieo duyên lành giải thoát cho những chúng sanh hữu duyên.

III- 15 hạnh của vị Bồ tát.

Đức Phật Chánh giá có hồng danh là Minh hạnh túc (Vijjācaranasampanno). Hồng danh này hình thành, do khi Ngài còn Bồ tát đã thực hành 15 hạnh (carana). Chính 15 hạnh này tương trợ cho Balamật thêm già dặn và trở nên viên mãn, đó là:

1- Thu thúc trong giới (sīlasaṃvara).

2- Thu thúc trong các căn (indriyasaṃvara).

3- Tri túc trong vật thực (bhojanemataññutā).

4- Thường tỉnh thức (jāgariyānuyoga).

5- Nhiều đức tin (saddhā).

6- Hổ thẹn tội lỗi (hiri).

7- Ghê sợ tội lỗi (ottappa).

8- Nghe nhiều học rộng (bāhusacca).

9- Tinh tấn (Viriya).

10- Có sự ghi nhớ (sati).

11- Có trí tuệ (paññā).

(12 đến 15): Đắc bốn tầng thiền.

Giải:

-Thu thúc trong giới.

Là giữ gìn thân , ngữ, ý không cho rơi vào 10 điều ác là:

Thân không: sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục lạc.

Ngữ không: nói dối, nói hai lưỡi (đân thọc), nói hung ác, nói nhãm nhí.

Ý không: tham ác, sân ác và tà kiến ác.

Tuy Bồ tát còn là phàm nhân, tham, sân, si, tà kiến… vẫn còn. Nhưng Ngài cố chế ngự, không cho chúng rơi vào ác.

– Thu thúc trong các căn.

Là nương vào niệm (sati) để gìn giữ sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý, không cho sáu trần cảnh: sắc, thinh, khí, vị, xúc và pháp xâm nhập vào làm rối loạn tâm, xúi giục tâm đi vào con đường ác.

Tri túc trong vật thực.

 Là thọ dụng vật thực vừa đủ và hài lòng những vật thực mình tìm được cho dù vật thực ấy chỉ là lá cây , vỏ cây…

Thường tỉnh thức.

Mỗi ngày có ba khoảng thời gian là: sáng, trưa, chiều. Đêm có ba canh: canh đầu canh giữa và canh cuối (tính theo giờ hiện tại thì: sáng từ 6giờ – 10giờ, trưa từ 10giờ – 14giờ, chiều từ 14giờ – 18 giờ, canh đầu từ 18giờ – 22giờ, canh giữa từ 22giờ – 2giờ, canh cuối từ 2giờ – 6giờ) .

Thường Bồ tát chỉ ngủ trong canh giữa, phần còn lại Ngài dùng thích hợp với công việc cần thiết nhất là thích thú hành thiền với hai tư thế: ngồi và đi (Đây là nói đến trường hợp Ngài tinh tấn thực hành thiền tịnh).

 Bốn pháp này là thành phần cơ bản của 13 pháp dhutaṅga (đằuđà), Là pháp bứng đi gốc rễ phiền não (kilesa), do có tính chất thiểu dục, dễ hài lòng …

Bảy hạnh kế tiếp (từ số 5 –11), là pháp của của bậc trí (sappurisa), khi tăng trưỡng vững mạnh trở thành kiên cố, chính là tài sản của bậc Thánh (trừ tinh tấn). Trong khi chưa viên mãn, Bồ tát thường:

Làm tăng trưởng đức tin (saddhā) qua:

*- Tùy niệm ân đức Phật (Buddhānusati).

*-Tùy niệm ân đức Pháp (Dhammānusati).

*-Tùy niệm ân đức Tăng (Saṅghānusati).

* -Tùy niệm ân đức Giới (Sīlānusati)

*-Tùy niệm ân đức Thí (cāgānusati).

*-Tùy niệm ân đức Thiên (devatānusati).

*- Không thân cận người không có đức tin (lukhapuggala parivajjana)

*- Thân cận người có đức tin (siniddha puggala).

*- Quán xét các pháp trong sạch (pasādanīya dhamma pacavekkhanā).

*- Có khuynh hướng về đức tin trong mọi hoàn cảnh (tadādhimuttatā).

Trong chuỗi dài luân hồi, vào thời không có giáo pháp Đức Chánh giác hiện khởi, Bồ tát đặt tin tưởng vào trí (buddha), vào pháp ly tham (pháp), vào hội chúng trong sạch (Tăng).

– Làm tăng trưởng niệm (sati) qua:

*- Ghi nhận và biết rõ sự diễn tiến qua 7 cách của thân (niệm thân).

*- Không thân cận với người không có niệm.

*- Thân cận với người có niệm.

*- Có khuynh hướng ghi nhớ trong mỗi oai nghi, mỗi trường hợp.

– Làm tăng trưởng pháp hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi qua:

*- Quán xét về sự nguy hiểm của việc bất thiện.

*- Quán xét về sự nguy hiểm của các cõi khổ

*- Quán xét về đặc tính tốt đẹp của thiện.

*- Không thân cận với người không có sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.

*- Thân cận với người có sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.

*- Có khuynh hướng phát triển sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.

– Làm tăng trưởng sự nghe nhiều học rộng qua:

*- Nỗ lực học hỏi các pháp tốt đẹp để thực hành và hiểu biết các pháp ác-bất thiện để xa lánh.

*- Luôn tìm những pháp tốt để học hỏi.

*- Thân cận và hành các Pháp tốt.

*- Học tập những nghề vô tội.

*- Không thân cận với người vô trí.

*- Thân cận với người ham học hỏi.

*- Có khuynh hướng về suy xét với mọi vấn đề.

Làm tăng trưởng tinh tấn qua:

*- Quán xét về sự nguy hiểm của các cõi khổ.

*- Quán xét về lợi ích của sự nỗ lực không ngừng.

*- Ước muốn thực hiện những pháp thành tựu bậc Chánh giác (hay ước muốn đi trên con đường được Đúc Phật chỉ dạy).

*- Tôn trọng vật cúng dường, bằng cách nỗ lực hành pháp hầu tăng trưởng quả phước của thí chủ.

*- Quán xét về sự thừa tự Pháp cao thượng.

*- Quán xét về địa vị tối thượng của Đức Phật (Đức Phật thành tựu địa vị không ai cao thượng hơn, do vì Ngài có sự tinh tấn không ai bì kịp).

*- Quán xét về dòng dõi cao thượng như là con cháu của Đức Phật, nếu không tinh tấn thì không xứng đáng là dòng dõi chư Phật.

*- Quán xét về sự cao thượng của các bậc phạm hạnh.

*- Không thân cận với người lười biếng

*- Thân cận với người siêng năng.

*- Có khuynh hướng tu tập tinh tấn[14] trong mọi tư thế.

– Làm tăng trưởng tuệ qua:

*- Thường quán xét về uẩn (khandha), xứ (āyatana), giới (dhātu) … của mình lẫn của người .

*- Quán xét về sự trong sạch của thân – ngữ – ý.

*- Quân bình giữa đức tin và trí, giữa tinh tấn và định.

Phù hợp với câu nói: “Quá tin tưởng dẫn tà kiến, quá trí tuệ dẫn đến nghi hoặc, hay quá tin dẫn đến mê muội, quá trí tuệ dẫn đến gian xảo”.

Quá hăng hái dẫn đến náo loạn, quá an tịnh dẫn đến chán nãn hay quá tinh tấn dẫn đến phóng dật, quá an tịnh dẫn đến dã dượi (hôn trầm)”.

Nhưngkhông bao giờ có sự kiện: “Các pháp ấy vượt quá niệm”. Nói cách khác: “Niệm càng tăng trưởng càng làm sanh khởi các thiện pháp, như kinh văn “trong các dấu chân, dấu chân voi là lớn nhất, trong các thiện pháp thì bất phóng dật (niệm) là lớn nhất”.  

*- Không thân cận với người vô trí.

*- Thân cận người có trí.

Trong chuỗi dài luân hồi, vị Bồ tát thường thực hành thiền tịnh và tinh tấn trong thiền, Ngài thường chứng đắc tám thiền chứng cùng năm thắng trí, lập nền tảng Song thông lực (yamaka bala) khi thành tựu quả Vô thượng Chánh giác.

Dứt phần Bồ tát.

-ooOoo-

Phụ Lục

TRƯỞNG LÃO RĀHULA

Tôn giả Rāhula vốn là con trai của Bậc Đạo Sư lúc còn cư sỹ. Ngài đã được Bậc Đạo Sư xác nhận là vị đệ nhất hiếu học trong hàng Thinh Văn.

Tương truyền rằng, kể từ lúc xuất gia, cứ mỗi buổi sáng, Ngài Rāhula lại hốt lấy một vốc cát đầy rồi tự lập tâm tác ý “mong sau ngày hôm nay, ta sẽ học được chừng này lời dạy của bậc Đạo Sư cùng các cao đồ. Dựa vào đức tính này của Ngài mà bậc Đạo Sư đã tuyên dương ngài là vị hiếu học đệ nhất.

Nói đến ngài Rāhula thì ta phải nhắc đến một vị trưởng lão vốn có nhiều gắn bó với ngài từ nhiều kiếp quá khứ, đó là tôn giả Raṭṭhapāla, vị được Đức Phật đặt lên cương vị tối thượng trong tăng chúng về bổn hạnh xuất gia với lòng tin.

Ngài Raṭṭhapāla là một bậc đại phước, tương truyền rằng ngài là một người có đủ khả năng làm sống lại một quốc độ đã suy vong, bảo vệ một quốc độ đang tồn tại (raṭṭhaṃ pāletuṃ samattho) nên có tên gọi là Raṭṭhapāla (bảo quốc hay hộ quốc).

Giai thoại về ngài Raṭṭhapāla cũng tương tự như câu chuyện tỳ kheo Sudinna trong luật tạng, dĩ nhiên cũng có nhiều điểm sai khác cần thiết, tưởng khỏi phải nhắc lại làm gì. Điều quan trọng ở đây là câu chuyện tiền thân của hai ngài trưởng lão Rāhula và Raṭṭhapāla, một mắt xích sanh tử để từ đó hai vị gặp nhau và sát cánh bên nhau trên những nẻo đời luân hồi để cùng đạt đến một cứu cánh như nhau.

Trong kinh kể lại rằng, cách nay đã mười vạn đại kiếp, dưới thời kỳ Đức Phật Padumuttara, hai vị trưởng lão đã sanh vào hai gia đình giàu có muôn hộ. Họ là những con người hào phóng rộng rãi, bố thí không lựa người hay chọn vật. Người thứ nhất được quần chúng ban tặng mỹ danh là Āgatapāvaka vì ai muốn xin cái gì ông cũng sẵn sàng làm cho họ toại nguyện. Người thứ hai có tên gọi là Aggapāvaka, vì ông là một nhà từ thiện hiếm có, người đi xin mang theo cái gì thì ông đem của cải ra bỏ vào cho họ, bất cứ đó là thau, thùng, chum, chóe lớn, nhỏ. Điều cần biết thêm là hai vị gia chủ nói trên là một đôi bạn chí thân với nhau, họ xem nhau như là một kẻ tri kẻ trong đời.

Thế rồi, vào một buổi sáng hai gia chủ hào sảng này rủ nhau ra bến nước đầu làng để tắm rửa. Trên đường đi, họ lại gặp hai đạo sỹ từ Tuyết Sơn mới bay xuống để khất thực. Hai vị gia chủ cảm thấy kính trọng đạo hạnh của hai vị đạo sỹ nên liền mời các vị về tư gia để cúng dường, rồi sau đó họ lại xin được làm tín gia hộ độ hai vị dài hạn.

Như đã nói, hai vị đạo sỹ kia đều là những bậc đã chứng đạt thắng trí thiền định, nên hành tung của họ rất đặc biệt. Thường thì sau buổi cơm trưa, một vị đi xuống Long Cung để nghỉ ngơi, còn một vị thì lên cõi Đạo Lợi để tịnh cư. Và chính vì chỗ đi đứng khác nhau như vậy nên về một phương diện nào đó, quan điểm về cuộc sống của hai đạo sỹ cũng không giống nhau, mà sau đây là một trường hợp điển hình.

Đối với vị đạo sỹ thường xuống Long Cung, thì đời sống dưới đó là một thiên đường hòan hảo nhất, nên cứ mỗi lần chúc phúc cho người đệ tử tín gia của mình, vị ấy thường lập lại mãi câu nói duy nhất: xin cho cơ ngơi của thí chủ luôn được dồi dào như chốn Long Cung (Paṭhavindanāgarājassa bhavanaṃ viya hotu).

Còn vị đạo sỹ thường lên Đạo Lợi thì trước sau gì vẫn cầu chúc cho đệ tử mình bằng một câu ngắn gọn: xin cho cơ ngơi của thí chủ luôn được như Thiên cung của Đức Đế Thích (Sakkassa vimānaṃ viya hotu).

Nói về hai vị gia của đàn tín kia, ngày nào cũng chỉ nghe thầy mình chúc phúc như vậy thì lấy làm lạ vì không hiểu lý do, nên nhân một lúc thuận tiện họ đem hỏi việc ấy. Sau khi được giải thích, hai vị gia chủ vô cùng hoan hỷ và từ đó người thì nguyện sanh lên Đạo Lợi, người thì nguyện sanh về Long Cung. Do nguyện lực đó, sau khi mệnh chung, cả hai vị gia chủ đều được sanh vào chỗ mình thích, nghĩa là một người sanh làm Đế Thích, người được làm Long Vương. Tuy làm một Long Vương danh trấn tứ hải, nhưng dù sao cũng là thân thú đọa đày nên vị Tân Long Vương này thường cảm thấy buồn và tủi hổ với mọi người. Thật khổ thân cho vị ấy, cứ mỗi lần các Long Nữ đi đến hầu hạ ca vang, thì Long Vương phải tự hóa hiện thành một chàng trai để bớt hổ ngươi, ít nhất cũng là theo cách nghĩ của mình.

Theo thông lệ, cứ vào mỗi nửa tháng, các chúng thiên thần ở cõi Tứ Thiên Vương phải lên Đạo Lợi để chầu Đế Thích, trong đó phải có cả đại diện của loài Rồng, mà một Long Vương thống trị cả bề đáy địa cầu, nên vị Tân Long Vương kia cũng đã tháp tùng với thiên vương Virūpakkha lên chầu Đế Thích.

Gặp lại cố nhân, Đức thiên chủ Đạo Lợi ân cần thăm hỏi người bạn cũ và được vị nầy cho biết là rất hối hận với ước nguyện lầm lạc của mình. Thương cảm hoàn cảnh của Long Vương, vua Đế Thích gợi ý vị nầy nên tìm đến Đức Phật Padumutta lúc đó đang tại thế rồi làm một công đức gì đó nơi Ngài và nguyện sanh về Đạo Lợi để cả hai lại được tái ngộ.

Vị Long Vương sau khi nghe vua Đế Thích phân tích đã lập tức trở về cõi người, đến cung thỉnh Đức Phật và tăng chúng xuống Long Cung để mình được cúng dường một tuần lệ. Đức Thế Tôn Padumuttara nhận lời Long Vường, rồi bảo trưởng lão thị giả là ngài Sumana triệu tập gấp 10 muôn thánh tăng đa văn, trong đó có cả con trai của Ngài là sadi Uparevata, một vị thông suốt Phật ngôn. Với chừng đó thánh tăng tùy tùng, Đức Phật Padumutara đã ngự xuống Long Cung.

Nhìn thấy tận mặt một đại đế thánh tăng uy nghi, vị Long Vương kia thật sự xúc động và nhất là khi gặp được sadi Uparevata, người sao mà đẹp đến thế. Cũng có đủ 32 đại nhân tướng như Đức Phật Padumuttara, trông vị nầy giống Đức Phật như hai giọt nước. Sau khi hỏi thăm, biết sadi nọ là con trai của Đức Phật,
Long Vương càng bội phần hoan hỷ và thầm nghĩ: “giá mà ta được như vậy trong một kiếp lai sinh xa xôi nào đó”. Sau bảy ngày thiết lễ trai đàn, Long Vương đến quỳ bên Đức Phật Padumuttara rồi kính cẩn phát nguyện:

– Bạch Thế Tôn, do công đức mà con đã tạo từ mấy ngày qua, trước sự chứng minh của Ngài cùng thánh chúng, xin cho con được ở vào cương vị của vị sadi Uparevata nầy trong một đời Phật vi lai nào đó.

Sau khi quán xét nghiệp lý thích ứng, Đức Phật Padumuttara đã thọ ký cho Long Vương.

– Ngươi sẽ trở thành con trai của Đức Phật Gorama trong 10 vạn đại kiếp về sau.

Xong xuôi, Đức Thế Tôn Padumuttara đã cùng chư tăng trở về nhân giới.

Đúng nửa tháng sau, đến ngày phó hội trên Đạo Lợi, Long Vương đã gặp lại vua trời Đế Thích và khi được hỏi có gặp Phật để nguyện sanh thiên giới hay chưa thì Long Vương kể lại việc mình phát nguyện làm con trai của Đức Phật tổ vị lai, rồi Long Vương khuyên Đế Thích xuống trần hầu Phật Padumuttara và tự mình tìm bổn hạnh để hai người còn có thể gặp lại nhau trong dòng sanh tử.

Trước thâm tình của Long Vương, vua trời Đế Thích liền nghĩ tới một vị đại Thánh Tăng mà mình vẫn tín mộ tuyệt đối. Vị nầy từ lúc còn cư sỹ đã là một người có tài an bang tế thế và đã tuyên bố tuyệt thực 14 lần để được song thân chấp thuận cho xuất gia. Chính Đức Thế Tôn Padumuttara đã tuyên dương vị nầy là bậc tối thắng trong các Thinh văn về bổn hạnh xuấg gia với lòng tin. Sau khi suy tính kỹ lưỡng, Đức Đế Thích liền bay xuống gặp Phật, xin được tổ chức trai đàn trong bảy ngày rồi phát nguyện ngôi vị tối thắng về bổn hạnh xuất gia với lòng tin. Đức Thế Tôn Padumuttara đã thọ ký cho Đế Thích.

Từ đại kiếp đó trở đi, qua hàng ngàn đại kiếp nữa, đôi bạn tri kỷ kia vẫn cứ gặp nhau và cùng nương đỡ nhau để vun đồi Pháp độ. Mãi cho đến đời Đức Phật Pussa, tức là cách nay 92 đại kiếp thì vị Đế Thích nagày trước lại sanh làm người điều suất công tác bố thí cho ba vị hoàng tử em trai cùng cha khác mẹ với Đức Thế Tôn Pussa, thay vì tiền thân của Bimbisāra lúc đó là người có trách nhiệm về vấn đề lúa thóc để bố thí. Đây là về phần ngài Raṭṭhapāla, còn ngài Rāhula thì dưới thời Phật Ca Diếp đã sanh làm Thái tử của vua Kikī tên là Paṭhavinda, Thái tử Paṭhavinda có bảy người em gái, dĩ nhiên đều là công chúa, và tất cả đều là những Phật tử thuần thành ngoan đạo. Bảy cô công chúa này đã kiến tạo bảy ngôi tịnh xá để cúng dường đến Đức Thế Tôn Kassapa. Thái tử Paṭhavinda thấy thế mới yêu cầu các cô nhường lại cho mình một tịnh xá để chàng trực tiếp làm thí chủ. Nhưng các cô không đồng ý và cùng trả lời như sau:

– Anh là người thừa kế vương nghiệp của Phụ vương mai sau, quyền hành thiếu gì, lúc đó tha hồi xây dựng mấy ngôi tịnh xá mà không được, cần gì phải nài lại tụi em chớ.

Bị từ chối, thái tử Paṭhavinda im lặng không nói gì. Về sau, khi đã lên ngôi, chàng cho kiến tạo trên 500 ngôi chùa để cúng dường Đức Phật. Do công đức lớn lao đó, Paṭhavinda sanh về thiên giới hưởng lộc trời suốt một thời gian dài, rồi đến thời Đức Phật Thích Ca, lại sanh ra làm con trai của Bồ Tát Sĩ Đạt Ta, tên là Rāhula (Thúc phược)..

Sau khi bậc Đạo Sư vận chuyển Pháp luân ở Ba La Nại, rồi ngự về Kapilavatthu để tế độ quyến thuộc, lúc đó Rāhula đã được bảy tuổi và cũng bỏ đi xuấg gia sadi ngay năm này, rồi từ đó càng lúc càng làm tỏ rõ đức tính hiếu học của mình.

Tới năm 18 tuổi, sadi Rāhula được tu lên tỳ khưu và chứng ngộ tứ quả cùng với tứ tuệ vô ngại với bài kinh Cūḷarāhulovādasutta (Giáo giới La hầu tiểu kinh).

Về phần ngài Raṭṭhapāla thì xem trong Trung Bộ Kinh (bài kinh Raṭṭhapāla).

(Trích “Thinh Văn Sử” – Sư Giác Nguyên dịch)

-ooOoo-

GIÃ TỪ VŨ KHÍ

“Sabbesu bhūtesu nidhāya daṇḍaṃ
Aheṭhayaṃ aññataramhi tesaṃ
Na puttamiccheyya kuto sahāyaṃ
Eko care khaggavisāṇakappo”

“Từ bỏ đao trượng đối với các chúng sanh không nhiễu hại ai và cũng chẳng ái luyến ai dù con cái hay bè bạn, hãy độc hành như một tê ngưu”

DUYÊN SỰ:

Dưới thời Đức Phật Kassapa có một vị tỳ khưu trì hạnh ẩn lâm sống trong rừng sâu suốt hai muôn năm để bổ túc pháp độ cho chí nguyện Độc Giác của nguyện. Sau khi mệnh chung, vị này sanh về thiên giới một thời gian khá lâu rồi lại sanh xuống cõi người làm con của Đức vua Bārāṇassī.

Từ lúc mang thai vị này, hoàng hậu Bārāṇasī được chăm sóc cẩn thận như một thiên hậu. Lúc lọt lòng mẹ, hoàng tử xinh đẹp chẳng khác một hòn bảo thạch khéo dồi, sáng chói và đầy đặn. Vua Bārāṇassī thương con lắm, ông đã cắt đặt 66 cô bảo mẫu nuôi nấng hoàng tử một cách kỹ lượng. Năm 16 tuổi, hoàng tử đã được phụ vương chính thức nhường ngôi cho làm vua cai trị cả lãnh thổ Bārāṇāsī mênh mông với hơn hai muôn thành phố trù mật. Trong kinh ghi rằng vương quốc Bārāṇasī lúc đó bao gồm toàn cõi diêm phù đề và các vị vua lớn nhỏ trong đó đều là chư hầu của hoàng triều Bārāṇasī. Sau khi lên ngôi kế vị vua chua, hoàng tử lấy đế hiệu là Brahmadatta.

Tương truyền rằng vua Brahmadatta nầy rất giàu có, bất cứ người vật nào trong tay ông cũng không dưới hai muôn: hai muôn tòa lâu đài, hai muôn ngựa quý, hai muôn bảo tượng, hai muôn ngự tọa, hai muôn cỗ xe, hai muôn binh lính ngự lâm quân, hai muôn cung nữ và đến hai muôn triều thần.

Với chừng đó sản nghiệp và sức mạnh, vua Brahmadatta không say đắm hưởng thụ như bao vị đế vương khác. Do túc duyên giải thoát cao dày, dù trong hình thức cư sỹ, vua đã chứng đại ngũ thông bất định giữa bao thứ khoái lạc. Cảm thấy nhàm chán đời sống bận rộn của một đấng đứng đầu trăm họ nhưng không thể rời bỏ cung đình ra đi một cách vội vã, nên vua chỉ giao hết việc triều đình cho một vị Đại thần rồi vào sống tịnh cư trong một lâu đài biệt lập để an hưởng thiền lạc.

Cả nửa tháng trời không thấy mặt vua, Hoàng hậu Bāraṇāsī hỏi các quan. Biết chồng không còn màng gì đến dục lạc thế tục, Hoàng hậu nói với quan nhiếp chanh:

– Đã thay vua trông coi triều đình quốc sự thì ông cũng phải thay ngài chăm sóc ta chứ.

Sau ba lần kiên quyết từ chối, quan nhiếp chính chấp nhận lời đề nghị của hoàng hậu. Nàng còn trẻ và nhan sắc kiều diễm nên chẳng bao lâu sau, quan nhiếp chính đã mê nàng như điếu đổ. Hai người công khai đi lại với nhau, chẳng kể gì đến thể thống triều đình hay lời đàm tiếu dị nghị của mọi người. Đã vậy, càng lúc quan nhiếp chính càng tỏ ra ngang tàng như một hoàng đế chính thức đương triều.

Không thể làm ngơ trước sự kiện đó, các triều thần đã vào tâu lại với vua Brahmadatta mọi việc. Mấy lần họ vào gặp, vua vẫn không tỏ thái độ gì, ông dửng dưng như không. Sau cùng khi tận mắt thấy quan nhiếp chính đang tư thông với hoàng hậu, vua bèn cho triệu tập quần thần lại hỏi cách giải quyết. Các quan tâu nên gia hình nặng nề hoặc tịch biên gia sản của quan nhiếp chính nhưng vua không nỡ làm thế, ông chỉ ra lệnh trục xuất quan nhiếp chính ra khỏi vương quốc và cho phép mang theo tất cả những gì sở hữu.

Bỏ vua Bārāṇasī ra đi, quan nhiếp chính lập tức đến đầu phục một vị vua xứ láng giềng và được thu dụng ngay. Thế rồi, nhân một cơ hội thuận tiện, gã phản thần này gợi ý với vua bản địa việc đánh chiếm Bārāṇasī. Vốn rất e ngại trước sức hùng cường của triều đình Bārāṇasī nên vị vua này đã tỏ ý không chấp thuận. Sau nhiều lần được gã phản thần khích dụ, ông ta đồng ý nhưng cũng thận trọng cho người sang Bārāṇasī dò xét trước tình hình.

Biết vua Bārāṇasī là một bậc hiền vương đức độ, không ưa chuyện binh đao, vị vua láng giềng an tâm kéo quân sang vây hãm các thành phố của Bārāṇasī rồi gửi chiến thư cho vua Brahmadatta.

Trước tình hình đó, các quan vào gặp vua Brahmadatta để bàn cách đối phó. Hầu hết triều đình đều chủ trương động binh, nhưng một lần nữa vua lại thể hiện đức tính từ bi của mình, ông nói:

– Trẫm không muốn xảy ra chiến tranh. Đánh nhau là phải giết chóc, trẫm không thể làm điều đó được đâu.

Quân giặc ngoài thành mỗi lúc một hung hăng hơn, các quan Bārāṇasī lại vào gặp vua để xin được xuất binh. Để đáp lại lòng ái quốc của họ, lần này vua Brahmadatta tỏ ra tích cực hơn trong việc giữ thành nhưng vẫn là đường lối khoan hòa:

– Có lẽ đã tới lúc chúng ta phải cho họ hiểu rằng không phải Bārāṇasī bất lực nhưng các khanh nên nhớ là cố gắng tối đa để trách đổ máu. Chỉ có vậy trẫm mới bằng lòng thân chinh.

Sau khi hội thảo chớp nhoáng, mộ phương án độc đáo, các triều thần trình lên vua để hỏi ý. Thấy đó là một chiến thuật chẳng những không gây đổ máu mà lại có nhiều khả năng đối phó với quân địch nên vua Brahmadatta lập tức đồng ý. Lệnh vua ban ra, quân tướng Bārāṇasī chuẩn bị sẵn sàng.

Đêm hôm ấy, trời tối đen như mực, cả doanh trại quân giặc đang ngủ say bởi chúng yên chí rằng chỉ trong nội nhật ngày mai, kinh thành Bārāṇasī sẽ bị triệu hạ, làm gì được chứ thứ vua như Brahmadatta nhu nhược, nhút nhát. Ngay lúc đó, cổng thành bật mở, một đoàn quân lặng lẽ tiến vào trại giặc. Người ngựa đều cất lạc ngậm thẻ nên đêm vẫn yên lặng. Đức vua Brahmadatta trực tiếp điều quân trong trận này.

Bước tới tận chỗ vua láng giềng đang nằm ngủ, vua Bārāṇasī phát ngay khẩu lệnh ứng chiến. Bên mình vua lúc đó có mặt đông đủ các viên tùy tướng thân tín, chỉ trong nháy mắt, tất cả trại giặc inh ỏi những tiếng la hét và rực sáng như ban ngày. Vua tôi xứ láng giềng kinh hoàng tháo chạy trối chết. Họ không hiểu tại sao cả một đội quân hùng hậu với đầy đủ đèn đuốc như binh lực của Bārāṇasī lại có thể vào tận bên trong quân doanh của họ mà không bị phát hiện.

Họ có biết đâu rằng mỗi người lính Bārāṇasī đều cầm theo một cái nồi đậy kín, trong đó là một cái đèn thắp sẵn. Khi lĩnh vua vừa truyền ra là tất cả binh lính đều nhất loạt lấy đèn ra khỏi nồi và thế là cả trại giặc sáng rực. Thử hỏi với một sự bất như vậy ai lại không kinh hồn tám đởm và điều làm cho đoàn quân xâm lăng ngạc nhiên hơn nữa là không có ai nhớ được là mình có bị tấn công bằng vũ khí hay không. Hình như đám người xuất quỷ nhập thần kia chỉ biết đốt đèn và la hét.

Nhưng vị vua láng giềng và các mưu sỹ của ông thì rất hiểu. Họ biết rằng vương quốc mà họ muốn xâm lăng chính là xứ sở của một vị Đại vương có lòng nhân từ cao siêu như trời bể. Họ biết vua Brahmadatta vừa tha chết cho họ chỉ vì ông không muốn nhìn thấy một giọt máu nào rơi xuống trên lãnh thổ của ông. Xúc động và hối hận đầy lòng, sau một đêm dài thao thức, nhà vua láng giềng đem hết binh lính đến gặp vua Brahmadatta xin quy hàng.

Thấy vị vua láng giềng quỳ gối trên đất, vua Brahmaddata bồi hồi xúc động. Đêm qua với tư cách là kẻ thù với nhau, ông còn tha thứ được huống nữa là bây giờ kẻ đối lập đã ăn năn.

Vua Brahmadattta đưa tay đỡ vị vua láng giềng đứng lên và mỉm cười thông cảm. Vị vua láng giềng mừng lắm, ông xin được cai trị một kinh thành nằm gần Bārāṇasī nhất để có dịp gần gũi với vua Brahmadatta. Ông không thể rời xa con người bao dung nầy được nữa, Hôm qua ông đem sức mạnh đi đánh chiếm người nhưng đã thất bại, để rồi hôm nay người ta dùng tình thương chinh phục ông mà lại thành công.

Thế rồi, giữa chốn ba quân, vua Brahmadatta đưa mắt nhìn quanh và hồi tưởng lại mọi việc. Ông chợt thấy hoan hỷ dào dạt và chỉ trong thoáng chốc, với sự tinh thục của thiền định, ông suy tư về cuộc đời, về vạn pháp hữu vi, rồi Thánh trí Độc Giác khởi lên, vua Brahmadatta trở thành vị Phật Độc Giác.

Lúc bấy giờ triều thần Bārāṇasī nhắc vua hồi cung để còn tưởng thưởng quân tướng, nhưng vua Brahmadatta lúc này đã là một Đức Phật Độc Giác nên Ngài đã trở lời:

– Ta không phải là vua nữa, ta là một vị Phật Độc Giác,

Triều thần ngạc nhiên nhìn Ngài rồi đồng tỏ vẻ ái ngại:

– Chư Phật Độc Giác không vị nào có hình thức như Đại Vương đâu ạ.

– Nghĩa là phải như thế nào?

– Thưa, các Ngài có đủ y bát cùng các vật dụng của hàng xuất gia và tóc của chư Phật Độc Giác thì dài lắm chỉ khoảng hai ngón ta thôi ạ.

Ngay lúc ấy, vua Brahmadatta đưa tay lên sở đầu mình, và trong nháy mắt, hình thức cư sĩ biết mất để Ngài thật sự trở thành một Đức Phật Độc Giác với đầy đủ hình thức và nghi hạnh của một bậc xuất gia thâm niên. Rồi Đức Phật Độc Giác thị hiện thần lực bay lên khkỏi lưng voi và ngồi trên hư không nhìn xuống ba quân tướng sĩ. Trước hình ảnh đó, tất cả những người hiện diện đồng loạt quỳ xuống đảnh lễ Đức Phật Độc Giác và các quan Bārāṇasī đã hỏi Ngài chứng đạt thượng pháp bằng đạo lộ nào. Đức Phật Độc Giác thuyết giảng tổng quát cho họ về án xứ Từ tâm và Thiền quán, rồi ngâm lên bài kệ cảm hứng:

– “Từ bỏ đao trượng đối với tất cả chúng sanh, không nhiễu hại ai và cũng chẳng ái luyến ai dù con cái hay bè bạn, ta độc hành như một tề ngưu”

Tập sớ giải thích rằng tiếng “độc hành” ở đây ám chỉ cho cuộc sống xuất gia không nhà cửa, chư Phật Độc Giác luôn có khuynh hướng viễn ly quần chúng, không ưa tìm bè bạn, các Ngài là những vị không tầm cầu tham ái (nataṇhādutiyakā – không đánh bạn với ái), hoàn toàn thoát ly phiền não, chứng ngộ Độc Giác Trí (tự mình chứng ngộ và cũng không đủ sức độ cho ai chứng ngộ), tách ly đời sống thế tục và chi đi – đứng – nằm – ngồi một mình (sinh hoạt độc lập). Đó là những ý nghĩa của tiếng Độc hành trong bài kinh này.

Nói về triều thần Bārāṇasī khi thấy vua của mình đã trở thành Phật Độc Giác, biết Ngài không thể trở về sống ở hoàng cung, nên họ lo lắng hỏi:

– Thế bay giờ, Ngài sẽ ngụ ở nơi nào ạ?

Đức Phật Độc Giác quán xét biết rằng chư Phật Độc Giác luôn sống trên núi Gandhamādana trong dãy Tuyết Sơn, nên sau khi nói cho triều thần biết chỗ ngụ của mình, Ngài đã bay về đó.

Tại đây, trên núi Gandhamādana có một truyền thống đặc biệt là cứ mỗi khi có một vị Phật Độc Giác nào vừa mới giác ngộ đi đến cư ngụ thì các vị Phật Độc Giác đã sống trước ở đó đều tụ họp lại vấn an và chúc mừng.

Khi được các vị hỏi về quá trình tu chứng, Phật Độc Giác Brahmadatta đã ngâm lên bài kệ tâm đắc nhất mà mình đã hứng khởi lúc mới chứng ngộ.

(Trích “Độc Giác Truyện” – Sư Giác Nguyên dịch)

[1] – Budv. – Đại trưởng lão Bửu Chơn dịch. – Madhuratthavilāsinī (25 vị Phật) – Đại Đức Minh Huệ dịch.

[2] – A.i, 26.

[3] – A.iv, 338.

[4] – Đoạn văn trên là lời tiểu tựa của Sư Giác Nguyên khi dịch bộ Độc giác truyện (Sớ giải kinh Tê ngưu một sừng).

[5] – Năm người đó là :

– Nông dân Punna.
– Nàng Suppiyā.
– Hoàng hậu Mallikā.
– Cô Tiểu thư xứ Ujjenī.
– Người trồng hoa Sumana.

[6] – DhpA – câu số 68.

[7] – Dhp – câu 68. HT. Thích Minh Châu dịch.

[8] – D.iii, kinh Đại Bổn.

[9] – Xem Phụ lục.

[10] – DhpA, câu số 11 – 12.

[11] – Xem phần phụ lục.

[12] – D.iii, kinh Đại bổn (Mahāpadāna).

[13] – Ý nghĩa này rất ý nhị.

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app