Nội Dung Chính
Đức-Bồ-Tát Siddhattha Chứng Đắc Tam-Minh
Sau khi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã toàn thắng Ác-Ma-Thiên vào canh đầu đêm rằm tháng tư âm lịch, Đức-Bồ-tát thực-hành pháp-hành thiền-định (samathabhāvanā) với đề mục niệm hơi thở vào, hơi thở ra (anāpānassati) tuần tự chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới:
* Đệ nhất thiền sắc-giới có 5 chi thiền là hướng-tâm, quan-sát, hỷ, lạc, định, do chế ngự được 5 pháp chướng- ngại là tham-dục, sân-hận, buồn-chán buồn-ngủ, phóng- tâm hối-hận, hoài-nghi.
* Đệ nhị thiền sắc-giới có 3 chi thiền là hỷ, lạc, định, do chế ngự được 2 chi thiền là hướng-tâm, quan-sát.
* Đệ tam thiền sắc-giới có 2 chi thiền là lạc, định, do chế ngự được 1 chi thiền là hỷ.
* Đệ tứ thiền sắc-giới có 2 chi thiền là xả, định, do chế ngự được 1 chi thiền lạc, thay bằng chi thiền xả.
Đó là 4 bậc thiền sắc-giới làm nền-tảng để chứng đắc Tam-Minh.
Tam-Minh (Tevijja)
1- Tiền-kiếp-minh (pubbenivāsānussatiñāṇa)
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha có đệ tứ thiền sắc-giới, có định-tâm trong sáng thanh-tịnh, thiền-tâm không lay động, làm nền-tảng để Đức-Bồ-tát hướng tâm đến chứng đắc tiền-kiếp-minh: Trí-tuệ nhớ rõ lại tiền-kiếp, từ một kiếp đến hàng trăm kiếp, hàng ngàn kiếp, hàng vạn kiếp, hàng triệu kiếp, hàng triệu triệu kiếp,….. cho đến vô lượng kiếp không giới hạn.(1)
Tiền-kiếp-minh là trí-tuệ nhớ rõ tiền-kiếp thuộc loại chúng-sinh nào, trong cõi giới nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, thực-hành đại-thiện-nghiệp, bất-thiện-nghiệp, …
Tiền-kiếp-minh là minh thứ nhất mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào canh đầu đêm rằm tháng tư (âm lịch).
2- Thiên-nhãn-minh (dibbacakkhuñāṇa)
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha có đệ tứ thiền sắc-giới, có định-tâm trong sáng thanh-tịnh, thiền- tâm không lay động làm nền tảng để Đức-Bồ-tát hướng tâm đến chứng đắc thiên-nhãn-minh: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp quá-khứ, kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh hơn thiên-nhãn của chư-thiên, phạm-thiên.
Thiên-nhãn-minh có 2 loại:
* Tử-sinh-minh (Cutūpapātañāṇa): Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ sự tử, sự tái-sinh của tất cả chúng-sinh muôn loài trong các cõi giới, do nghiệp nào, do quả của nghiệp nào…
* Vị-lai kiến-minh (Anāgataṃsañāṇa): Trí-tuệ thấy rõ những kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh.
Chư Phật sử dụng vị-lai kiến-minh này để thọ ký, xác định thời gian còn lại của các Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng- giác, Đức-Bồ-tát Độc-giác, các vị Bồ-tát thanh-văn-giác, v.v…, xác định thời gian còn lại của các chúng-sinh trong kiếp vị-lai xa xăm.
Thiên-nhãn-minh là minh thứ nhì mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào lúc canh giữa đêm rằm tháng tư (âm lịch).
3- Trầm-luân tận-minh (āsavakkhayañāṇa)
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha dùng đệ tứ thiền sắc-giới làm nền-tảng, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ suy-xét thấy rõ các pháp thập-nhị duyên-sinh (paṭiccasamuppāda) là đối-tượng pháp-hành thiền-tuệ của chư Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác để trở thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác.
* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị duyên- sinh theo chiều thuận như sau:
– Do vô-minh làm duyên, nên các hành sinh. (Avijjāpaccayā saṅkhārā)
– Do các hành làm duyên, nên tái-sinh-thức sinh. (Saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ)
– Do tái-sinh-thức làm duyên, nên danh-pháp, sắc-pháp sinh. (Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ)
– Do danh-pháp sắc-pháp làm duyên, nên lục-xứ sinh. (Nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ)
– Do lục-xứ làm duyên, nên lục-xúc sinh. (Saḷāyatanapaccayā phasso)
– Do lục-xúc làm duyên, nên lục-thọ sinh. (Phassapaccayā vedanā)
– Do lục-thọ làm duyên, nên lục-ái sinh. (Vedanāpaccayā taṇhā)
– Do lục-ái làm duyên, nên tứ-thủ sinh. (Taṇhāpaccayā upādānaṃ)
– Do tứ-thủ làm duyên, nên nhị-hữu sinh. (Upādānapaccayā bhavo)
– Do nhị-hữu làm duyên, nên tái-sinh sinh. (Bhavapaccayā jāti)
– Do tái-sinh làm duyên, nên lão tử… sinh. (Jātipaccayā jarāmaraṇaṃ…)
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị duyên- sinh theo chiều-thuận, chiều-sinh, để trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ biết rõ “sự-sinh” của mỗi pháp, trí-tuệ-thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý khổ-Thánh-đế và nhân sinh khổ- Thánh-đế.
* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị nhân-diệt theo chiều nghịch, chiều diệt như sau:
– Do diệt tận vô-minh, nên diệt các hành. (Avijjāyatveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho)
– Do diệt các hành, nên diệt tái-sinh-thức. (Saṅkhāranirodhā viññaṇanirodho)
– Do diệt tái-sinh-thức, nên diệt danh-pháp, sắc-pháp. (Viññāṇanirodhā nāmarūpanirodho)
– Do diệt danh-pháp sắc-pháp, nên diệt lục-xứ. (Nāmarūpanirodhā saḷāyatananirodho)
– Do diệt lục-xứ, nên diệt lục-xúc. (Saḷāyatananirodhā phassanirodho)
– Do diệt lục-xúc, nên diệt lục-thọ. (Phassanirodhā vedanānirodho)
– Do diệt lục-thọ, nên diệt lục-ái. (Vedanānirodhā taṇhānirodho)
– Do diệt lục-ái, nên diệt tứ-thủ. (Taṇhānirodhā upādānanirodho)
– Do diệt tứ-thủ, nên diệt nhị-hữu. (Upādānanirodhā bhavanirodho)
– Do diệt nhị-hữu, nên diệt tái-sinh. (Bhavanirodhā jātinirodho)
– Do diệt tái-sinh, nên diệt lão, tử…. (Jātinirodhā jarāmaraṇa … nirodho)
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị nhân- diệt theo chiều-nghịch, chiều-diệt, để trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ “sự-diệt” của mỗi pháp, trí-tuệ-thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý Diệt khổ-Thánh-đế và Pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế.
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác suy xét thập-nhị duyên-sinh, thập-nhị nhân-diệt theo chiều-thuận, chiều-nghịch, chiều-sinh, chiều-diệt, trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự-sinh, sự-diệt của mỗi pháp, trí-tuệ- thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của mỗi pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả, Niết-bàn, diệt tận được 4 pháp-trầm-luân (āsava) bằng 4 Thánh-đạo-tuệ theo tuần tự như sau:
1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 1 pháp- trầm-luân là tà-kiến trầm-luân (diṭṭhāsava) đồng thời diệt được tất cả mọi tà-kiến khác.
2- Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 1 pháp- trầm-luân là tham-dục trầm-luân (kāmāsava) trong ngũ-dục loại thô (còn loại vi-tế chưa diệt được) đồng thời diệt được tất cả mọi tham-tâm loại thô khác.
3- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 1 pháp-trầm- luân là tham-dục trầm-luân (kāmāsava) trong ngũ-dục loại vi-tế không còn dư sót, đồng thời diệt được tất cả mọi tham-tâm loại vi-tế khác.
4- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 2 pháp- trầm-luân là kiếp-sinh trầm-luân (bhavāsava) và vô- minh trầm-luân (avijjāsava), đồng thời diệt tận hoàn toàn mọi tham-ái, mọi phiền-não, mọi ác-pháp không còn dư sót, đặc biệt diệt tận được tất cả mọi tiền-khiên- tật-xấu (vāsanā) đã tích lũy từ vô số kiếp trong quá-khứ.
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao-thượng đầu tiên trong muôn ngàn cõi-giới chúng-sinh.
Trầm-luân tận-minh là minh thứ 3 mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã chứng đắc vào canh chót của đêm rằm tháng tư (âm lịch), trước lúc rạng đông (aruṇa).
Cho nên, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao-thượng đầu tiên trong muôn ngàn cõi tam-giới chúng-sinh, gọi là Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị có danh hiệu là Đức-Phật Gotama tại Đại cội cây Assattha, đúng như 24 Đức-Phật quá-khứ đã từng thọ ký, nên cây Assattha này trở thành Mahābodhirukkha:(1) cây Đại-Bồ-đề của Đức-Phật Gotama tại khu rừng Uruvelā (nay gọi là Buddhagayā tại nước Ấn-Độ (India)).
* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trở thành Đức-Phật Gotama lúc tròn đúng 35 tuổi.
Mười ngàn tam-giới chúng-sinh từ mặt đất lên đến cõi sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, chư-thiên, phạm-thiên vô cùng vui mừng hoan hỷ thốt lên lời:
Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay!
* Buddho uppanno!
(Đức-Phật-Bảo đã xuất hiện trên thế gian rồi!)
* Dhammo uppanno!
(Đức-Pháp-Bảo đã xuất hiện trên thế gian rồi!)
* Saṃgho uppanno!
(Đức-Tăng-Bảo cũng sẽ xuất hiện trên thế gian này!)
Tiếng hoan hô vang dội khắp toàn mười ngàn cõi-giới chúng-sinh.
Điều phi thường chưa từng có trên thế gian này là:
* Tất cả các loài hoa đều đua nhau nở để cúng dường đến Đức-Phật.
* Tất cả các loại cây ăn trái đều cho quả ngon ngọt.
* Tất cả những người mù từ lúc đầu thai, khi sinh ra đời không thấy được gì, thì nay có đôi mắt sáng, có thể nhìn thấy rõ mọi vật trên đời.
* Tất cả những người điếc từ lúc đầu thai, khi sinh ra đời không nghe được âm thanh gì, thì nay hai tai có thể nghe rõ mọi thứ âm thanh.
* Tất cả những người què, bại liệt từ lúc đầu thai, khi sinh ra đời không đi lại được, thì nay họ đi lại dễ dàng.
* Đặc biệt nhất, địa-ngục Lokantarika rộng lớn tối tăm, nơi giáp ranh với 3 cõi giới, dành cho những chúng-sinh có tà-kiến cố-định (niyatamicchādiṭṭhi) hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp. Địa-ngục tối tăm ấy, dù ánh sáng của 7 mặt trời mọc lên cùng một lúc, cũng không thể chiếu sáng đến nơi ấy, song ánh sáng hào quang của Đức-Phật Gotama tỏa khắp mười ngàn cõi-giới, chiếu sáng đến tận địa-ngục Lokantarika, cho nên, những chúng-sinh ở trong cõi địa-ngục ấy có thể nhìn thấy lẫn nhau, …
Toàn thể mười ngàn cõi-giới, chư-thiên, phạm-thiên đem những phẩm vật quý báu nhất từ các cõi trời đến cúng dường Đức-Phật Gotama và tán dương ca tụng hằng ngàn bài kệ.
Phật Ngôn Đầu Tiên Của Đức-Phật Gotama
Khi ấy, Đức-Phật Gotama tự thuyết ở trong tâm bằng hai bài kệ rằng:
153- “Anekajātisaṃsāraṃ, sandhāvissaṃ anibbisaṃ.
Gahakāraṃ gavesanto, dukkhā jāti punappunaṃ.
154- Gahakāraka! diṭṭho’si, puna gehaṃ na kāhasi.
Sabbā te phāsukā bhaggā, gahakūṭaṃ visaṅkhataṃ.
Visaṅkhāragataṃ cittaṃ, taṇhānaṃ khayamajjhagā.(1)
153- Này người thợ “tham-ái” xây nhà “thân”
Như-Lai cố tìm ngươi mà chưa gặp,
Nên tử sinh luân-hồi vô số kiếp,
Tái-sinh mãi trong tam-giới là khổ.
154- Này “tham ái”! người thợ xây nhà “thân”
Bây giờ Như-Lai đã gặp ngươi rồi.
Tất cả sườn nhà, “phiền-não”(1) của ngươi,
Như-Lai đã hủy hoại sạch cả rồi,
Đỉnh nhà “vô-minh” cũng bị tiêu diệt,
Nay ngươi không còn xây nhà Như-Lai,
Tâm Như-Lai đã chứng ngộ Niết-bàn,
Diệt tận tất cả mọi “tham-ái”(2)
Như-Lai đã chứng đắc A-ra-hán.
Hai bài kệ cảm ứng tự thuyết ở trong tâm của Đức- Phật Gotama này là Phật ngôn đầu tiên của Đức-Phật Gotama (Paṭhamabuddhavacana).
Đức-Phật An Hưởng Pháp Vị Giải Thoát Niết-Bàn
Sau khi đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, Ngài an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn suốt 7 tuần lễ, gồm có 49 ngày như sau:
1- Tuần lễ thứ nhất: Đức-Thế-Tôn ngự trên ngôi bồ- đoàn quý báu, tại cội Đại-Bồ-đề, ban ngày nhập A-ra- hán Thánh-quả, ban đêm suy xét thập-nhị duyên-sinh theo chiều-thuận, chiều-sinh; suy-xét thập-nhị nhân-diệt theo chiều-nghịch, chiều-diệt. Và tiếp theo 6 ngày sau, Đức-Thế-Tôn nhập A-ra-hán Thánh-quả, an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn, suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 22 tháng 4, gọi là tuần lễ “Pallaṅkasattāha.”
2- Tuần lễ thứ nhì: Đức-Thế-Tôn rời khỏi ngôi bồ- đoàn quý báu, ngự về phía Đông Bắc, cách cội Đại-Bồ- đề 14 sải tay. Đức-Thế-Tôn đứng nhìn về ngôi bồ-đoàn quý báu, nơi mà Ngài đã toàn thắng 5 loại māra, đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
Đức-Thế-Tôn đứng nhìn ngôi bồ-đoàn quý báu không nháy mắt, suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 29 tháng 4, gọi là tuần lễ “Animisasattāha”.
3- Tuần lễ thứ ba: Đức-Thế-Tôn đi kinh hành trên đoạn đường dài 60 hắc tay, được làm bằng 7 loại châu báu, do chư-thiên hóa ra để cúng dường Đức-Phật.
Đoạn đường này ở phía Bắc gần cội Đại-Bồ-đề theo chiều Đông Tây. Đức-Thế-Tôn hóa phép thần-thông yamakapaṭihāriya hoá thành 2 dòng nước và lửa song song phát ra từ nơi kim thân của Ngài, rồi Đức-Thế-Tôn ngự đi kinh hành, suy-xét về chánh-pháp suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 6 tháng 5, gọi là tuần lễ “Caṅkamasattāha.”
4- Tuần lễ thứ tư: Đức-Thế-Tôn ngự tại lâu đài bằng vàng, về phía Tây Bắc của cội Đại-Bồ-đề do chư-thiên hóa ra để cúng dường Đức-Phật. Tại đây, Đức-Thế-Tôn suy-xét về Tạng Vi-Diệu-Pháp (Abhidhammapiṭaka) gồm có 7 bộ:
– Bộ Dhammasaṅganī: Bộ Pháp-hội-tụ,
– Bộ Vibhaṅga: Bộ Pháp-phân-tích,
– Bộ Dhātukathā: Bộ Pháp-phân-loại,
– Bộ Puggalapaññatti: Bộ chúng-sinh chế-định,
– Bộ Kathāvatthu: Bộ Pháp-luận-đề,
– Bộ Yamaka: Bộ Pháp-song-đối,
– Bộ Paṭṭhāna: Bộ Pháp-duyên-hệ.
Suy xét suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 13 tháng 5, gọi là tuần lễ “Ratanagharasattāha.”
5- Tuần lễ thứ năm: Đức-Thế-Tôn ngự đến cội cây da ở phía Đông, cách cội Đại-Bồ-đề 32 sải tay, khi thì Đức-Thế-Tôn suy-xét chánh-pháp, khi thì Đức-Thế-Tôn nhập A-ra-hán Thánh-quả. Khi ấy, có 3 cô thiên-nữ: Taṇhā, Aratī và Rāgā là con gái của Ác-Ma-Thiên, từ cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên hiện xuống, để quyến rũ Đức- Phật, với lời nói lẳng lơ và bằng điệu bộ gợi tình, nhưng Đức-Thế-Tôn không quan tâm, Ngài vẫn an nhiên tự tại nhập A-ra-hán Thánh-quả, an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn.
Ba nàng đã dùng hết khả năng của mình mà không thể cám dỗ được Đức-Phật, bởi vì Đức-Thế-Tôn là bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được tất cả mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, nên không một ai trong tam-giới này có thể làm cho tâm Đức-Phật xao động. Ba nàng không quyến rũ được Đức-Phật nên hồi tâm tán dương ca tụng Đức-Phật, rồi từ giã trở về cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên.
Đức-Thế-Tôn ngự tại cội da này nhập A-ra-hán Thánh-quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5, gọi là tuần lễ “Ajapālasattāha”.
6- Tuần lễ thứ sáu: Đức-Thế-Tôn ngự đến cội me gần hồ Mucalinda, cách xa cội Đại-Bồ-đề 51 sải tay, về phía Đông Nam, Đức-Thế-Tôn ngồi nhập A-ra-hán Thánh-quả. Khi ấy, trời mưa lớn, Đức-Long-Vương Mucalinda hiện ra dùng thân mình cuộn thành vòng tròn, chồng lên 7 vòng, để bao bọc xung quanh kim thân Đức- Phật, và phồng mang che trên đầu Đức-Phật, để mưa không làm ướt và lạnh. Đức-Long-vương tỏ lòng thành kính cúng dường Đức-Phật.
Đức-Thế-Tôn nhập A-ra-hán Thánh-quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 27 tháng 5, gọi là tuần lễ “Mucalindasattāha”.
7- Tuần lễ thứ bảy: Đức-Thế-Tôn ngự đến cội cây gọi là Rājāyatana cách xa cội Đại-Bồ-đề 4 sải tay, về phía Nam. Đức-Thế-Tôn nhập A-ra-hán Thánh-quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 5 tháng 6, gọi là tuần lễ “Rājāyatanasattāha”.
Như vậy, Đức-Thế-Tôn đã an hưởng pháp vị an-lạc giải thoát Niết-bàn suốt 7 tuần lễ, gồm có 49 ngày xung quanh cội Đại-Bồ-đề.(1)