Duyên Lành Nơi Tam-Bảo

Phàm mỗi chúng-sinh trong vòng tử sinh luân-hồi trong các cõi-giới từ vô thủy trải qua vô số kiếp không sao kể xiết cho đến kiếp hiện-tại. Trong khoảng thời gian lâu dài ấy, đã có vô số Đức-Phật Chánh-Đẳng- Giác tuần tự xuất hiện trên thế gian, chẳng lẽ chúng- sinh ấy không từng gieo duyên lành nơi Đức-Phật nào hoặc chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật nào trong quá khứ ấy hay sao???

Sở dĩ kiếp hiện-tại của một số người chưa có đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng- bảo là vì vướng mắc nào đó, thiếu nhân-duyên nào đó, nên chưa có cơ hội đến nương nhờ nơi Tam-bảo.

Nếu vậy thì người bạn hiền, bạn thiện-trí nên cố gắng tận tâm tháo vướng mắc ấy, hỗ trợ nhân-duyên để cho người thân của mình có được cơ hội đến nương nhờ nơi Tam-bảo, đó là điều phước-thiện cao quý biết dường nào!

Xin dẫn chứng những trường-hợp như sau:

* Như trường hợp Đức-Bồ-tát Bà-la-môn Jotipāla 

tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh trưởng trong một gia đình quyền quý thuộc dòng dõi Bà-la-môn, trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian.

Vị Bà-la-môn Jotipāla phát sinh tính ngã mạn do dòng dõi Bà-la-môn, nên không chịu đến hầu đảnh lễ Đức- Phật Kassapa.

Đức-Bồ-tát Jotipāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, có một người bạn tốt là Ghaṭīkāra thuộc dòng dõi thấp hèn. Cậu Ghaṭīkāra là cận-sự-nam đã quy-y nơi Đức- Phật Kassapa, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo, thường hay đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa nghe pháp. Cậu Ghaṭīkāra đã nhiều lần động viên khuyến khích Đức-Bồ-tát Jotipāla cùng nhau đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa rồi nghe pháp, nhưng do tính ngã mạn về dòng dõi, nên lần nào Đức-Bồ-tát Jotipāla cũng khước từ không chịu đi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa. Không nản lòng, cậu Ghaṭīkāra quyết tâm cố thuyết phục cho bằng được.

Một hôm, cậu Ghaṭīkāra mời Đức-Bồ-tát Jotipāla cùng đến tắm ở một bến sông gần nơi Đức-Phật Kassapa đang ngự cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Tắm xong, cậu Ghaṭīkāra động viên Đức-Bồ-tát Jotipāla rằng:

–    Này bạn Jotipāla thân mến! Đức-Phật Kassapa mà tôi tôn kính nhất hiện đang ngự gần đây, mời bạn cùng tôi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa.

Đức-Bồ-tát Jotipāla khước từ lời mời của cậu Ghaṭīkāra lần thứ nhất, lần thứ nhì, đến lần thứ ba, không còn cách nào khác, cậu Ghaṭīkāra bèn nắm đầu tóc của Đức-Bồ-tát Jotipāla dẫn đi. Đức-Bồ-tát Jotipāla vô cùng ngạc nhiên, bảo rằng:

–   Này Ghaṭīkāra! Ngươi thuộc dòng dõi thấp hèn hơn ta, tại sao ngươi dám nắm đầu tóc ta dẫn đi như vậy?

Tuy vậy, nhưng không thể nào làm gì khác được, nên Đức-Bồ-tát Jotipāla đành phải theo cậu Ghaṭīkāra đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa.

Đức-Bồ-tát Jotipāla ngồi chăm chú lắng nghe Đức- Phật Kassapa thuyết pháp, liền phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật Kassapa, rồi kính xin Đức-Phật Kassapa cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật.

Sau khi trở thành tỳ-khưu không lâu, tỳ-khưu Jotipāla đã thông thuộc Tam-tạng Pāḷi, chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, chứng đắc ngũ thông và đặc biệt được Đức- Phật Kassapa thọ ký rằng:

“Trong thời vị-lai, cùng trong kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa này, tỳ-khưu Jotipāla này sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, …”

Qua tích Đức-Bồ-tát Jotipāla, tiền-kiếp của của Đức- Phật Gotama, khiến chúng ta nên suy nghĩ:

“Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Jotipāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là quả của một quá trình tiếp diễn từ vô số kiếp trong quá-khứ, đã thực-hành 30 pháp- hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời-kỳ gồm có 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

Tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Jotipāla đã từng có 23 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thọ ký xác định thời gian còn lại sẽ trở thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Đến thời-kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, Đức-Bồ-tát Jotipāla, tiền-kiếp của Đức- Phật Gotama được sinh trưởng trong dòng dõi Bà-la- môn cao quý. Do tính ngã-mạn bởi dòng dõi, nên Đức-Bồ-tát Jotipāla không chịu đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa, đến nỗi người bạn thân Ghaṭīkāra phải nắm lấy đầu tóc Đức-Bồ-tát Jotipāla dẫn đi, mới đành chịu đến hầu Đức-Phật Kassapa.

Sau khi nghe Đức-Phật Kassapa thuyết pháp, Đức- Bồ-tát Jotipāla phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật Kassapa, kính xin Đức-Phật Kassapa cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật.

Về sau, Đức-Bồ-tát tỳ-khưu Jotipāla được Đức-Phật Kassapa thọ ký thứ 24 cuối cùng xác định thời gian còn lại, sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama cùng trong kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa này.”

Người Bạn Hiền, Bạn Thiện-Trí

Người bạn hiền, bạn tốt (kalyāṇamitta) là người có tâm từ rộng lớn luôn luôn mong muốn sự lợi ích, sự tiến hóa trong mọi thiện-pháp, sự an-lạc lâu dài đến cho mọi người, mọi chúng-sinh. Cho nên, đối với số người nào chưa có đức-tin nơi Tam-bảo, người bạn hiền, bạn tốt ấy tìm cách giảng dạy giáo-pháp của Đức-Phật, để cho người ấy phát sinh đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, dẫn dắt số người ấy xin thọ phép quy-y Tam-bảo, khuyến khích họ xuất gia trở thành sa-di, tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Ví như một người có hạt giống tốt, khi chưa đủ nhân duyên, thì hạt giống ấy chưa có thể nảy mầm được. Nếu có người giúp đỡ, hỗ trợ nhân-duyên, thì hạt giống tốt ấy có cơ hội nảy mầm, sinh trưởng, phát triển thành cây, trổ hoa, cho quả tốt.

* Như tích Hoàng-tử Nanda(1) xuất gia thọ tỳ-khưu được tóm lược như sau:

Hay tin Thái-tử Siddhattha đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu Đức-Phật Gotama, Đức-vua Suddhodana (Đức Phụ-vương của Đức-Phật) truyền lệnh cho các quan cận thần đi kính thỉnh Đức- Phật ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu vào ngày 16 tháng 4, sau khi đã trở thành Đức-Phật được 1 năm lẻ 1 ngày, gần 7 năm xa cách, kể từ khi xuất gia rời bỏ kinh- thành Kapilavatthu.

Ngày đầu tiên, Đức-Thế-Tôn ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu cùng 20.000 chư Đại-đức-Tăng A-ra-hán.

– Ngày thứ hai, Đức-Phật thuyết pháp tế độ Đức-vua Suddhodana. Sau khi lắng nghe chánh-pháp, Đức-vua chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, và tiếp theo chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai. Và chánh-cung Hoàng-hậu Mahā- pajāpatigotamī cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Đức-Phật Tế Độ Hoàng-Tử Nanda

Ngày thứ ba, Đức-Phật ngự đến cung điện Đức-vua Suddhodana cùng chư Thánh A-ra-hán. Hôm ấy, ngày lễ đăng quang truyền ngôi báu cho hoàng-tử Nanda lên ngôi vua và lễ thành hôn với công-chúa Janapada- kalyāṇī.(1)

Sau khi thọ thực xong, Đức-Phật trao cái bát cho hoàng-tử Nanda, rồi Đức-Phật ngự về ngôi chùa Nigrodhā. Hoàng-tử Nanda ôm bát đi theo sau, nghe văng vẳng tiếng công-chúa Janapadakalyāṇī căn dặn:

“Hoàng-huynh hãy mau trở về.”

Khi đến ngôi chùa Nigrodhā, Đức-Phật truyền dạy hoàng-tử Nanda rằng:

–    Này Nanda! Con muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu hay không?

Bởi vì hết lòng tôn kính Đức-Phật, nên hoàng-tử Nanda không dám từ chối, bèn bạch với Đức-Phật rằng:

–    Kính bạch Đức-Thế-Tôn, dạ vâng, con muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu. Bạch Ngài

Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng làm lễ thọ tỳ- khưu cho hoàng-tử Nanda.

Sau khi trở thành tỳ-khưu, tỳ-khưu Nanda không muốn thực-hành phạm-hạnh cao thượng, mà muốn hoàn tục trở về cung, bởi vì nhớ lời căn dặn của hoàng-muội Janapadakalyāṇī xinh đẹp tuyệt trần.

Biết rõ tâm trạng tỳ-khưu Nanda chán nản thực-hành phạm-hạnh cao thượng, nên Đức-Phật cho gọi tỳ-khưu Nanda đến và truyền dạy rằng:

– Này Nanda! Con chán nản thực-hành phạm-hạnh cao thượng, mà muốn hoàn tục trở về cung, có thật vậy không?

Tỳ-khưu Nanda kính bạch sự thật rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sự thật như vậy. Bạch Ngài.

Đức-Phật truyền hỏi rằng:

–    Này Nanda! Do nguyên nhân nào mà con chán nản thực-hành phạm-hạnh cao thượng, muốn hoàn tục trở về cung vậy?

Tỳ-khưu Nanda kính bạch rằng:

–    Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sở dĩ con chán nản thực- hành phạm-hạnh cao thượng mà con muốn hoàn tục trở về cung, là vì con nhớ lời căn dặn của hoàng-muội Janapadakalyāṇī xinh đẹp tuyệt trần. Bạch Ngài.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn nắm tay tỳ-khưu Nanda, dùng phép-thần-thông du hành bay lên cõi trời Tam-thập- tam-thiên. Trên đường đi, Đức-Phật chỉ cho tỳ-khưu Nanda thấy một con khỉ già ngồi ủ rủ trên cây khô, rồi tiếp tục ngự đến cung trời Tam-thập-tam-thiên.

Tỳ-khưu Nanda nhìn thấy 500 thiên-nữ xinh đẹp hầu hạ Đức-vua trời Sakka, Đức-Thế-Tôn bèn hỏi tỳ-khưu Nanda rằng:

–    Này Nanda! Con nghĩ thế nào, công-chúa Jana- padakalyāṇī với 500 thiên-nữ này, ai xinh đẹp hơn?

Tỳ-khưu Nanda kính bạch rằng:

–   Kính bạch Đức-Thế-Tôn, công-chúa Janapadakalyānī như con khỉ già ngồi ủ rủ trên cây khô trên đường đi, còn 500 thiên-nữ này xinh đẹp tuyệt trần.

–     Này Nanda! Con thấy hài lòng 500 thiên-nữ này không?

–     Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con rất hài lòng 500 thiên- nữ này lắm. Bạch Ngài.

–   Này Nanda! Nếu con thấy hài lòng 500 thiên-nữ này thì con nên hoan hỷ thực-hành phạm-hạnh cao thượng, rồi Như-Lai sẽ giúp con được như ý.

Nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, tỳ-khưu Nanda vô cùng hoan hỷ sẽ thực-hành phạm-hạnh cao thượng. Đức-Thế-Tôn ngự trở về ngôi chùa Jetavana cùng với tỳ-khưu Nanda.

Do không còn tưởng đến công-chúa Janapadakalyāṇī nữa, tỳ-khưu Nanda cố gắng tinh-tấn không ngừng thực- hành phạm-hạnh cao thượng, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Ngài Trưởng- lão Nanda đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và xin từ bỏ ý muốn được 500 thiên-nữ ở cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Thật ra, Đức-Phật thấy rõ, biết rõ tiền-kiếp của hoàng-tử Nanda đã từng đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Padumuttara, đã phát nguyện muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán có đức-hạnh đặc biệt xuất sắc nhất đó là đức- hạnh cẩn trọng 6 môn thanh-tịnh và cũng được Đức- Phật Padumuttara thọ ký xác định rằng:

“Trong thời vị-lai, ý nguyện ấy sẽ được thành tựu trong thời-kỳ giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.”

Những tiền-kiếp của hoàng-tử Nanda đã tạo 10 pháp- hạnh ba-la-mật trải qua nhiều đời nhiều kiếp, từ thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama khoảng cách thời gian đúng 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

Kiếp hiện-tại hoàng-tử Nanda là kiếp chót đã có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, là bậc Thánh Đại-thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, có đức-hạnh đặc biệt xuất sắc nhất đó là đức-hạnh cẩn trọng 6 môn thanh-tịnh.

Nhưng vì tỳ-khưu Nanda bị vướng mắc vào sắc đẹp tuyệt trần của hoàng-muội Janapadakalyāṇī, nên chán nản thực-hành phạm-hạnh cao thượng, muốn hoàn tục trở về cung điện.

Đức-Thế-Tôn là Đức Vô-Thượng Giáo-Hóa chúng- sinh, nên Đức-Phật đã khéo bày cách gỡ vướng mắc cho tỳ-khưu Nanda.

Nhờ vậy, tâm của tỳ-khưu Nanda không còn tưởng đến sắc đẹp của hoàng muội Janapadakalyāṇī nữa, mà cố gắng tinh tấn thực-hành phạm-hạnh cao thượng, thực- hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết- bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Như vậy, tỳ-khưu Nanda đã có sẵn hạt giống tốt, còn Đức-Phật trợ duyên để cho hạt giống tốt ấy được có cơ hội nảy mầm, tăng trưởng trổ hoa cho quả.

Ngài Đại-Trưởng-Lão Sāriputta Thuyết Pháp Tế Độ Thân Mẫu

* Trường hợp thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, bà có 7 người con xuất gia đều trở thành bậc Thánh A-ra-hán(1), nhưng bà còn có tà-kiến, chưa có đức-tin nơi Tam-bảo, bà tôn thờ Đại-Phạm-thiên, và một lý do khác, bà cũng bực mình vì 7 đứa con của bà đều bỏ nhà đi xuất gia trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama. 

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là bậc Thánh Tối- thượng thanh-văn có trí-tuệ siêu-việt đệ nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, trải qua 44 năm.

Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta xem xét thấy rõ chỉ còn 7 ngày nữa sẽ tịch diệt Niết-bàn, nên Ngài Đại-Trưởng-lão đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xin phép tịch diệt Niết-bàn. Đức-Thế-Tôn truyền hỏi:

–    Này Sāriputta! Con sẽ tịch diệt Niết-bàn tại nơi nào?

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta bạch rằng:

–    Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con sẽ tịch diệt Niết-bàn tại ngôi nhà nơi con sinh trưởng, làng Nālākāgāma xứ Magadha, để con sẽ tế độ thân mẫu của con. Tuy bà có 7 người con đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán, nhưng bà vẫn chưa có đức-tin nơi Tam-bảo.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta cùng 500 vị đệ-tử đảnh lễ xin phép từ giã Đức-Thế-Tôn. Ngài Đại-Trưởng- lão trở về lại ngôi nhà xưa, trong căn phòng nơi Ngài Đại-Trưởng-lão đã trưởng thành.

Trong đêm cuối cùng của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có các vị Vua trời từ cõi Tứ-đại-thiên-vương, cõi Tam-thập-tam-thiên, cõi Dạ-ma-thiên, cõi Đâu-suất đà-thiên, cõi Hóa-lạc-thiên, cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên trong 6 cõi trời dục-giới; tiếp đến chư Đại-phạm-thiên các cõi trời sắc-giới đều tuần tự đến chiêm bái đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta lần cuối cùng.

Bà thân-mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta nhìn thấy chư-thiên, chư Đại-phạm-thiên có hào quang sáng ngời, vị sau hơn vị trước, bà muốn biết những vị chư- thiên ấy là vị nào mà có lòng tôn kính con của bà đến như thế, nên bà đến phòng của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, hỏi Ngài Trưởng-lão Cunda (người con trai thứ của bà) rằng:

–    Này Cunda! Các vị chư-thiên nào mà có lòng tôn kính đến chiêm bái đảnh lễ sư huynh của con như vậy?

Ngài Trưởng-lão Cunda thưa rằng:

–    Thưa thân mẫu, 4 vị đầu tiên đó là Tứ-Đại-Thiên- Vương.

Bà nghĩ thầm: “Tứ Đại-thiên-vương có lòng tôn kính đến chiêm bái, đảnh lễ con ta, con ta là bậc cao thượng như vậy sao! Vậy, Đức-Phật là Đức Thầy của con ta, chắc chắn cao thượng biết dường nào!”

Và bà hỏi tiếp:

–   Này Cunda! Còn các vị chư-thiên khác là vị nào vậy? Ngài Trưởng-lão Cunda thưa tiếp:

–   Thưa thân mẫu, tiếp theo, Đức-vua trời Sakka từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên, kế đến Đức-vua trời Sujāma cõi trời Dạ-ma-thiên, Đức-vua trời Santussita cõi trời Đâu-suất-đà-thiên, Đức-vua trời Sunimmita cõi trời Hóa-lạc-thiên, Đức-vua trời Paranimmita từ cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên, và tiếp đến chư Đại-Phạm-thiên từ các tầng trời sắc giới, …

Nghe Ngài Trưởng-lão Cunda thưa như vậy nên bà lại suy nghĩ rằng:

“Vị Đại-Phạm-thiên mà ta tôn thờ, chư Đại-Phạm- thiên ấy lại có lòng tôn kính đến chiêm bái đảnh lễ con của ta, con ta là bậc cao thượng đến như vậy sao!

Vậy, Đức-Phật là Đức-Thầy của con ta chắc chắn cao thượng biết dường nào!”

Suy nghĩ vậy, bà phát sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc chưa từng có, bà ân cần thăm hỏi bệnh tình của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta và bày tỏ ý nghĩ của mình. Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta biết đúng lúc hợp thời, nên Ngài Đại-Trưởng-lão thuyết giảng về Ân-Đức-Phật để tế độ thân mẫu.

Sau khi lắng nghe Ân-Đức-Phật xong, bà liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài-nghi, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu có đức-tin trong sạch vững chắc nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta nghĩ rằng:

“Nay ta đã đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của thân mẫu của ta rồi.”

Rạng đông đêm ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Qua câu chuyện về thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng- lão Sāriputta, bà chưa có đức tin nơi Tam-bảo, vì bà tôn thờ vị Đại-Phạm-thiên mà bà cho là cao thượng nhất và bà cũng bực mình vì 7 đứa con của bà đều bỏ nhà xuất gia trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, v.v…

Đó là những nguyên nhân cản trở làm cho bà chưa có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, chứ không phải bà không có duyên lành nơi Tam-bảo.

Khi bà biết vị Đại-Phạm-thiên mà bà tôn thờ, nay chư Đại-Phạm-thiên ấy lại có lòng tôn kính, đến chiêm bái đảnh lễ con của bà, thì con của bà là bậc cao thượng hơn chư Đại-phạm-thiên ấy, nên bà suy nghĩ rằng:

“Đức-Phật là Đức Thầy của con bà. Vậy, Đức-Phật chắc chắn còn cao thượng biết dường nào!”

Vì vậy, bà liền phát sinh đức-tin nơi Đức-Phật, nên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ với 7 người con của bà đã bỏ nhà đi xuất gia trong giáo-pháp của Đức- Phật Gotama.

Như vậy, nhờ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là Bậc Đại-trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, hợp thời, đúng lúc, nên Ngài Đại-Trưởng-lão thuyết pháp về Ân-Đức-Phật để tế độ thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão từ bỏ tà-kiến chuyển sang chánh-kiến, từ phàm-nhân chuyển sang bậc Thánh- nhân, để đền đáp với công ơn sinh thành dưỡng dục của thân mẫu.

Thật là một tấm gương sáng cao thượng cho người đời sau noi theo Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Biết Đức-Phật, Kính Đức-Phật

Trong thời Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, có số người chỉ nghe đến danh hiệu “Buddho: Đức-Phật” liền phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật. Như trường hợp của ông phú-hộ Anāthapiṇḍika, Đức-vua Mahākap- pinna, v.v…

Cũng có số người, khi nghe đến Đức-Phật thì phát sinh tâm sân không hài lòng, nổi cơn giận dữ bực tức, tìm đến gặp Đức-Phật, nói lời lỗ mãng, không cung- kính, hăm dọa Đức-Phật.

Như trường hợp ông Bà-la-môn Akkosaka(1) được tóm lược như sau:

* Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi hay tin người anh là Bhāradvāja đã xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật, ông Bà-la-môn Akkosaka nổi giận, bực tức tìm đến gặp Đức-Phật, nói lời lỗ mãng, không cung-kính, hăm dọa Đức-Phật.

Đức-Phật vẫn an nhiên tự tại, hoàn toàn không nhận lời lỗ mãng, hăm dọa của ông ta. Khi ấy, Đức-Phật truyền dạy rằng:

–   Này Bà-la-môn! Ông nói lời lỗ mãng, hăm dọa Như- Lai, nhưng Như-Lai không nói nói lời lỗ mãng, không hăm doạ trả lại ông; ông giận Như-Lai, nhưng Như-Lai không hề giận trả lại ông; ông cố tâm chọc tức Như-Lai, nhưng Như-Lai không chọc tức trả lại ông. Như-Lai hoàn toàn không nhận điều gì của ông cả.

–    Này Bà-la-môn! Người nào nói lời lỗ mãng trả lại người đã nói lời lỗ mãng với mình, người nào nổi giận trả lại người đã nổi giận mình, người nào cố tâm chọc tức trả lại người đã chọc tức mình, v.v… Như-Lai gọi người ấy là người cùng chịu khổ chung lẫn nhau. Còn Như-Lai không cùng chịu khổ chung với ông.

–    Này ông Bà-la-môn! Như vậy, những lời lỗ mãng, hăm doạ, …. chỉ thuộc về riêng một mình ông mà thôi.

Đức-Thế-Tôn thuyết dạy bài kệ rằng:

–   Này ông Bà-la-môn!

Người nào diệt tâm sân, không còn nóng giận nữa,

Sống an nhiên tự tại, giải thoát khỏi khổ tâm,

Bởi chứng ngộ chân-lý, dập tắt mọi phiền-não,

Tâm sân hận từ đâu, mà phát sinh lên được?

Người nào hay nổi giận, trả thù kẻ giận mình,

Người ấy thấp hèn hơn, kẻ giận mình gấp bội.

Người không giận trả đũa, với kẻ đã giận mình,

Gọi là người chiến thắng(1)mà người thường khó thắng.

Người nào biết ai giận, có chánh-niệm giữ mình,

Dập tắt mọi phiền-não, người ấy gọi là người

Thực-hành pháp nhẫn-nại, giữ gìn sự lợi ích,

Cho mình và cho người, cả hai đều có lợi.

Người giữ gìn lợi ích, cả cho mình lẫn người.

Những người không trí-tuệ, không biết rõ thiện-pháp.

Hiểu lầm người ấy rằng: “Một hạng người khờ dại”.

Khi Đức-Thế-Tôn thuyết dạy xong, thì ông Bà-la- môn Akkosaka thành kính bạch rằng:

–   Kính bạch Đức Gotama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!

–   Kính bạch Đức Gotama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!

Sau khi tán dương, ca tụng Đức-Thế-Tôn xong, ông Bà-la-môn Akkosaka phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Thế-Tôn, rồi xin quy-y nương nhờ nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo và kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép ông được xuất gia thọ sa-di, thọ tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Đức-Thế-Tôn cho phép ông bà-la-môn Akkosaka xuất gia trở thành tỳ-khưu theo như ý nguyện.

Sau khi trở thành tỳ-khưu không lâu, tỳ-khưu Akkosaka hoan hỷ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra- hán trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

* Trường hợp Aṅgulimāla(1) là kẻ cướp sát nhân, nhìn thấy Đức-Phật, Aṅgulimāla đã cầm gươm đuổi theo định giết Đức-Phật. Khi ấy, Đức-Phật vừa đi, vừa thuyết pháp giáo hóa y.

Aṅgulimāla tỉnh ngộ, vất bỏ khí giới, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Đức-Phật cho phép Aṅgulimāla thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu! …”

Về sau không lâu, tỳ-khưu Aṅgulimāla thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết- bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

* Trường hợp Dạ xoa Āḷavaka(2): Y nghe tin Đức- Phật ngự đến ngồi trên bảo toạ của y, ngay tức khắc y trở về, y dùng đủ các phép mầu nguy hiểm để xua đuổi Đức-Phật ra khỏi lâu đài của y, nhưng y không có khả năng thực hiện được.

Cuối cùng, Dạ-xoa Āḷavaka đặt các câu hỏi để bắt bí Đức-Phật, nếu Đức-Phật không trả lời được, thì phải ra khỏi lâu đài của y.

Đức-Phật đã trả lời thông suốt, tế độ Dạ-xoa Āḷavaka chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài-nghi, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu có đức-tin trong sạch vững chắc nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức- Tăng-bảo.

Đức-Phật thấy rõ, biết rõ những chúng-sinh đã từng có phước duyên nơi chư Phật trong quá khứ, đã từng tạo nhiều pháp hạnh ba-la-mật, có thể chứng đắc thành bậc Thánh-nhân.

Trong đời này, một số người có đủ các pháp-hạnh ba- la-mật có thể trở thành bậc Thánh-nhân ngay trong kiếp hiện-tại, nhưng vì gần gũi thân cận với bạn xấu, nên không có cơ-hội tốt để trở thành bậc Thánh-nhân.

* Như tích Mahādhanaseṭṭhiputtavatthu(1) hai người con của hai gia-đình phú hộ trong kinh-thành Bārāṇasī được tóm lược như sau:

Trong kinh-thành Bārāṇasī có hai gia-đình phú hộ, gia đình phú hộ này có một người con trai, gia đình phú hộ kia có một người con gái. Khi hai đứa con trưởng thành, hai gia đình phú hộ tác hợp cho hai đứa  con thành đôi vợ chồng.

Khi hai bên cha mẹ qua đời, tất cả của cải tài sản gom lại gồm có 1.600 triệu gọi là mahādhanaseṭṭhiputta: Hai người con đại phú hộ.

Hai vợ chồng đại phú hộ ngày đêm ăn chơi, mướn các đoàn ca vũ đến nhà đờn ca múa hát.

Về sau, gần gũi thân cận các bạn ác, người con trai phú hộ nghiện rượu, các bạn ác kéo nhau đến càng ngày càng đông, nên mỗi ngày đêm, tiêu xài phung phí tiền của càng nhiều, qua một thời gian nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, tất cả của cải tài sản đều khánh kiệt, cuối cùng phải bán ngôi nhà.

Đến lúc tuổi cao, hai vợ chồng già yếu dẫn nhau đi xin ăn để sống qua ngày.

Một hôm, hai vợ chồng già yếu dẫn nhau đến đứng gần cửa nhà ăn của chư Tăng, chờ nhận vật thực còn dư của sa-di, tỳ-khưu.

Nhìn thấy 2 người già yếu như vậy, Đức-Thế-Tôn mỉm cười. Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:

–   Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do nhân-duyên nào mà Đức- Thế-Tôn mỉm cười? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:

–    Này Ānanda! Người già yếu ấy, trước kia là con của phú hộ có của cải tài sản lớn, ông đã tiêu xài phung phí hết sạch, cuối cùng, bán ngôi nhà. Nay, không còn gì nữa, ông dắt vợ đi xin ăn trong kinh-thành này.

Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

*   Nếu người con phú hộ ở tuổi thanh niên không tiêu xài của cải tài sản, biết kinh doanh thì sẽ trở thành phú hộ thứ nhất trong kinh-thành Bārāṇasī này,

*   Nếu cả hai vợ chồng phú hộ ở tuổi thiếu niên xuất gia trong Phật-giáo, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì người chồng có khả năng trở thành bậc Thánh A-ra-hán, còn người vợ có khả năng trở thành bậc Thánh Bất-lai.

*   Nếu người con phú hộ ở tuổi trung niên không tiêu xài của cải tài sản, biết kinh doanh thì sẽ trở thành phú hộ thứ nhì trong kinh-thành Bārāṇasī này,

*   Nếu cả hai vợ chồng phú hộ ở tuổi trung niên xuất gia trong Phật-giáo, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì người chồng có khả năng trở thành bậc Thánh Bất-lai, còn người vợ có khả năng trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

*    Nếu người con phú hộ ở tuổi lão niên không tiêu xài của cải tài sản, biết kinh doanh thì sẽ trở thành phú hộ thứ ba trong kinh-thành Bārāṇasī này,

*   Nếu cả hai vợ chồng phú hộ ở tuổi lão niên xuất gia trong Phật-giáo, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì người chồng có khả năng trở thành bậc Thánh Nhất-lai, còn người vợ có khả năng trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Nhưng bây giờ hai vợ chồng phú hộ già yếu đã trải qua hết 3 thời rồi, của cải tài sản thế gian đều bị khánh kiệt, của báu siêu-tam-giới là Thánh-đạo, Thánh-quả trong Phật-giáo cũng không thể phát sinh, như con cò già rụng hết lông cánh, nằm thoi thóp trên vũng bùn khô.

Đức-Phật thuyết dạy câu kệ rằng:

Người ngu dốt không biết hành phạm-hạnh,

Không được của báu lúc còn trẻ trung,

Như con cò già yếu nằm than thở,

Trên vũng bùn khô hết sạch cá tôm.

Người ngu dốt không biết hành phạm-hạnh,

Không được của báu lúc còn trẻ trung,

Nằm hối tiếc của cải xưa đã hết,

Như mũi tên đã rời khỏi cây cung,

Rơi xuống đất làm đồ ăn cho mối.

Qua tích hai người con của hai gia đình phú hộ có khả năng trở thành bậc Thánh-nhân trong kiếp hiện-tại, nhưng không gặp bạn hiền, bậc thiện-trí trợ duyên, không có cơ hội lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí trong Phật-giáo, nên không trở thành bậc Thánh-nhân.

Hỗ-Trợ Cơ Hội Đến Người Khác

Đức-vua Asoka, một Đấng-Minh-Quân là một cận- sự-nam có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo và hết lòng hộ trì Phật-giáo. Đức-vua có ý định tấn phong thái-tử Mahinda lên ngôi Đức-Phó-vương. Nhưng Đức-vua  đắn đo suy xét lại rằng: “Việc tấn phong thái-tử Mahinda lên ngôi Đức-Phó-vương với việc cho phép thái-tử Mahinda xuất gia trở thành tỳ-khưu. Trong 2  việc này, việc nào cao thượng hơn cả.”

Đức-vua Asoka đắn đo suy xét với trí-tuệ sáng suốt lựa chọn rồi quyết định rằng: “Ta nên cho phép thái-tử Mahinda xuất gia trở thành tỳ-khưu là cao thượng hơn cả, bởi vì, nếu thái-tử Mahinda chịu vâng lời xuất gia trở thành tỳ-khưu thì đương nhiên ta sẽ trở thành người thân quyến kế thừa của Phật-giáo (Dāyado sāsanassa).”

Sau khi đã quyết định, Đức-vua Asoka truyền dạy thái-tử Mahinda rằng:

–     Này Hoàng-nhi Mahinda yêu quý! Con có muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu hay không?

Thái-tử Mahinda vốn là người đã từng tạo đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật từ nhiều kiếp trong quá-khứ, đến kiếp hiện-tại này là kiếp chót, nên khi nghe Đức-Phụ- vương hỏi như vậy, như hạt giống tốt hội đủ duyên lành, nên thái-tử Mahinda vô cùng hoan hỷ tâu rằng:

–  Tâu Đức-Phụ-vương, con muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu. Kính xin Đức-Phụ-vương cho phép con được xuất gia trở thành tỳ-khưu trong Phật-giáo.

Khi ấy, Công-chúa Saṃghamittā cũng đang đứng gần ở đó, Đức-vua liền quay sang và cũng truyền dạy công- chúa rằng:

–    Này Saṃghamittā con yêu quý! Con có muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni hay không?

Cũng như thái-tử Mahinda, công-chúa Saṃghamittā cũng là người đã từng tạo đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la- mật từ nhiều kiếp trong quá-khứ, đến kiếp hiện-tại này là kiếp chót của công-chúa, nên khi nghe Đức-Phụ-vương hỏi như vậy, công-chúa Saṃghamittā vô cùng hoan hỷ tâu rằng:

–    Tâu Đức-Phụ-vương, con cũng muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni. Kính xin Đức-Phụ-vương cho phép con được xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni trong Phật-giáo.

Thái-tử Mahinda tròn 20 tuổi, chư Đại-đức-Tăng cho phép làm lễ thọ tỳ-khưu, rồi sau đó trở thành bậc Thánh A-ra-hán, còn công-chúa Saṃghamittā mới lên 18 tuổi nên cho phép làm lễ xuất gia Sikkhamānā, rồi sau đó trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Về sau, Ngài Trưởng-lão Mahinda đã dẫn một phái đoàn chư Thánh-Tăng sang đảo quốc Srilankā truyền bá Phật-giáo và tỳ-khưu-ni Saṃghamittā cũng dẫn một phái đoàn tỳ-khưu-ni sang đảo quốc Srilankā để làm lễ xuất gia thọ tỳ-khưu-ni cho các công-chúa và những người  nữ khác trên đảo quốc Srilankā.

Phật-giáo được thịnh hành trên đảo quốc Srilankā, có nhiều chư tỳ-khưu-Tăng và chư tỳ-khưu-ni-Tăng.

Trong đời này, những hạng người có khả năng không cần sự tác-động khuyến khích, giúp đỡ của người khác, họ cũng có thể thành tựu được như ý nguyện của họ.

Và có những hạng người cần được tác-động, cần được động viên khuyến khích giúp đỡ của người khác, thậm chí còn phải được dẫn dắt dạy dỗ, thì họ mới có thể thành tựu được như ý nguyện của họ.

Đối với những hạng người này, việc giúp đỡ hỗ trợ cho họ có cơ hội tốt, trợ duyên tốt đó là điều rất cần thiết, để cho họ được thành-tựu được như ý nguyện của họ, ví như hạt giống tốt ấy gặp đầy đủ nhân-duyên hỗ trợ để hạt giống tốt có cơ hội nảy mầm và phát triển.

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app