Bồ Ðề Ðạo Tràng (Buddha Gaya)
“Nhạc gió reo vui mừng ngày xuất thế,
Sừng sững oai nghiêm đại tháp Bồ đề.
Trụ biểu muôn đời Ðạo vàng xuất hiện
Ðèn chơn lý sáng ngời thế giới tam thiên”.
(Bồ đề Ðạo tràng Thích Ca)
Bồ đề đạo tràng là địa điểm thứ hai cuộc chiêm bái của chúng tôi.
Chúng tôi vượt qua dãy núi hẹp về phía nam thành Vương xá, hoang vu như bãi sa mạc, với sự tranh sống nung nấu trong lòng. Nay quang cảnh giống như bóng rừng canh mát mà xưa kia những đại đức tu nhiều đã tụng vang lên những thánh thư cao đẹp trong tập Theragàthà, Therigàthà. Xứ Bihar này toàn là một màu xanh lá mạ, mọi vật đều sôi sục với nhựa sống, một nhu cầu cấp thiết, một nạn dịch, mùa ruộng lúa trảy hạt, đồng quê nhen nhúc sâu bọ và con nít. Tất cả mọi vật đều đến mức quá độ, trước hết là một sự nghèo đói cùng khắp, một sự nghèo đói tuyệt vọg. Mưa đã biến cảnh hoang vu khô khan của đồng ruộng trở thành những biển lúa gợn sóng xanh mát, nhưng các luống cày đã thấm đầy nước mắt của những kẻ ưu sầu khốn khổ. Thường năm xảy ra những nạn lụt ghê hồn, tiếp theo là những nạn dịch rùng rợn. Chúng tôi đi ngang nhiều làng mạc nhen nhúc những người và người. Dân làng xứ Bihar có thân hình nhỏ bé, xương xóc; phần lớn thiếu ăn, và sự thái quá của thời tiết đang in dấu tang thương trên gương mặt mọi người.
Ngang qua sông Ni-liên-thiền (Neranjara) nước mưa dâng lên làm cho sông lớn và rộng. Buổi chiều hiện ra, rực rỡ những màu sắc, ngăn khoảng bởi dãy đồi thon nhỏ đen xám của xứ Brahmayoni. Gaya là cả một đám bùn và gạch màu nâu sẫm; nào là đền thờ Hồi Giáo, nào là đầm nước nhớp rỉ chảy những đợt hương thơm bay lên, những đám khói cuồn cuộn nổi dậy từ những đám lửa cứt bò. Làm sao tả được sự ồn ào náo nhiệt của những tiếng còi nhà máy, chuông rung, máy radio la hét, khoe khoang nịnh hót, than vãn, cả một sự hỗn tập, nhen nhúc, đầy tràn, sôi sục những chủng loại, tin tưởng và giai cấp, hận thù, tự mãn, điên dại, tàn phá, héo mòn, đau khổ, nghèo đói và van xin.
Con đường đi đến Bồ Ðề Ðạo-tràng chạy dọc theo sông Ni-liên-thiền. Càng tới gần thánh địa, sự an ninh càng tăng dần. Một làn gió nhẹ mát dịu chạy lướt trên mặt sông. Những rừng cây Pipal thanh vắng, làm tăng thêm sự điều hòa, yên tĩnh. Cả vùng hình như chưa bỏ mất cảnh tĩnh mịch êm đẹp của thời xưa, cảnh tĩnh mịch mà các tu sĩ thời quá khứ ưa thích. Cho đến nay sự ồn ào của làng Buddhagaya cũng không thể làm rộn được con đường thanh tịnh đến cây Bồ đề. Chính là con đường mà xưa kia nhà ẩn sĩ nhiệt thành Siddhartha Gautama từ núi Dungsiri, một ngọn núi khô khan và như một lò lửa trong tháng mùa hè, bên kia bờ sông, đã đặt chân lên đê đi lần đầu đến địa vị Phật Như Lai.
Sáng sớm cùng đi với chúng tôi có thêm đại đức Sukitti, người Thái ở tại Bồ đề Ðạo-tràng. Chúng tôi ra đi và hướng về núi Dungsiri (Khổ hạnh lâm). Chúng tôi cũng tập theo một vài khổ hạnh nhè nhẹ để cho những cảm giác linh hoạt thâu nhận trên đường đi được sâu đậm hơn. Lội ngang qua sông Ni-liên-thiền, là sự thử thách đầu tiên. Sông sâu và nước chảy mạnh. Áo quần ướt tơi tả. Lắm lúc chúng tôi như bị nước cuốn trôi đi. Vượt qua được dòng sông, trong lúc trời đổ mưa, là một điều hơi gian khổ đối với chúng tôi, nhứt là Thượng tọa Minh Châu thấp người hơn cả. Băng qua những đồng ruộng và làng mạc, đôi lúc chúng tôi phải vượt những vũng bùn lầy lội, những suối nước đục ngầu. Các làng mạc và đường đi lần lượt bị bỏ lại phía sau. Dốc leo đứng và cao. Ðá lớn rải rác khắp nơi. Những rặng núi răng cưa, những tảng đá trơn tru là những tiêu biểu cho một chí khí nhiệt thành, chân thật, quyết tiến trên con đường đạo hạnh: “Ðừng thối chí, hãy tiến tới!”. Một tu sĩ kiêm thi sĩ Tây Tạng luôn mặc áo cải. Ngài Milarepa, hát lên rằng:
“Trên núi có con đường bằng đá, chỗ đó người có thể đánh đổi sự luân hồi hỗn loạn với hạnh phúc thanh tịnh vô biên”.
Ngang sườn núi, một ngôi chùa Tây Tạng nhỏ được treo như tổ chim én. Ba vị Lạt-ma, thuộc phái của đại đức giữ giới, đang chạm vài chi tiết cho một khám thờ. Toàn cảnh chùa Tây Tạng với những lá cờ có in kinh chú bằng chữ vàng, các băng khắc Om Mani Padme Hum. Những mái thếp vàng, những lò lửa quét vôi trắng để đốt trầm hương, tràn đầy không khí giải thoát, khinh khoái. Trước mái hiên, có trải tấm đệm để ngồi thiền; và trước mặt là những cành hoa cẩm chướng tươi nở; chính đức Bồ tát đã tu khổ hạnh ở chỗ này.
Chúng tôi bò vào cái hang khá rộng, chỗ đức Phật trú ẩn trong khi tu khổ hạnh. Hang này nay đã biến thành một khám thờ trạm trổ theo kiểu Tây Tạng làm tăng thêm vẻ đẹp của cảnh tĩnh mịch của núi rừng. Giọng tụng kinh đầy đạo vị và nhịp nhàng của các đại đức Việt Nam gây cho tôi một niềm cảm xúc thanh tịnh. Một vị thiền sư quá khích có thể cho khám thờ và tụng kinh là một sự xa xa chăng?
Tuy nhiên đức Bồ Tát đã từ bỏ hang khổ hạnh này.
“Ðã lâu quá quen quán tưởng pháp vô sanh, vô diêt, vô trú, tôi quên tất cả định nghĩa của mục đích này hay mục đích khác. Ðã lâu quá quen quán tưởng các sắc pháp là pháp thân, tôi quên tất cả sự quán tưởng do tâm tạo tác. Ðã lâu quá quen trầm tưởng trên cành vô vi giải thoát, tôi quên mọi phương tiện tập quán tục lệ, thường tịnh. Ðã lâu quá quen sự từ tốn khiêm nhường cả thân lẫn trí, tôi quên sự tự phụ và hãnh diện qua các bậc anh hùng vĩ đại (Milarepa: Jetsun Khbun)” … và ngài từ từ tiến đến cây Bồ Ðề.
Lễ Phật tụng kinh dưới gốc Bồ đề là một kỷ niệm thiêng liêng của tôi. Biết bao nhiêu lần sự lễ Phật chỉ là một cử chỉ, một thủ tục, một tập quán tình cảm, và dầu có ý nghĩa diễn đạt các thứ bực tu chứng cũng không vượt quá mức… Lễ Phật dưới gốc Bồ Ðề, và các ngọn nến mới lại được thắp đi thắp lại: khói nhang Tích Lan bao phủ toàn ngôi tháp, hàng ngàn ngọn đèn dầu lạc hòa hợp với ánh sáng của những ngọn đèn điện mà chư Thượng tọa, Ðại đức Việt Nam xin thắp để cầu nguyện cho Phật giáo Việt Nam được phục hưng mau chóng, làm cho toàn thánh địa rực rỡ và vui vẻ hẳn lên. Giọng trầm hùng của các vị Lạt-ma khuyến lệ đạo tâm. Tiếng tụng kinh Thái cũng tương tự. Nhưng giọng kinh Việt Nam có nhiều đạo vị và thi tứ đặc biệt khiến cho người nghe hình dung như sau:
“Trầm bổng xuống lên như một ngọn trúc mềm mại, phấn khởi trước làn gió nhẹ của mùa xuân”. Ðạo Phật phải luôn luôn mới lạ, tươi trẻ, kích thích, phấn khởi, giải thoát vượt ngoài duy tâm và duy vật. Lễ Phật với ý nghĩa cao đẹp nhất phải là một sự phối hợp giữa trí tuệ và phương tiện, một sự cố gắng bền bĩ để đi đến bờ bên kia, một sự kiểm soát và suy niệm liên tục, một sự chính xác khoa học và một thứ trực giác họa sĩ, và cuối cùng là vượt qua tất cả. Chúng ta hãy ngồi xuống dưới gốc cây đặc biệt nhất trong tất cả các cây; sau đó là Kim Cang tòa, khám thờ của tháp Ma-ha Bồ đề, một tượng Phật Thích Ca thếp vàng với nụ cười giải thoát, không có tôn kính, không có lễ nghi, không có lời tán vô ích.
“Từ Chánh pháp chúng ta phải thấy Ðức Phật.
Từ Pháp thân, chúng ta thấy con đường chỉ đạo của các Ngài.
Tuy vậy chơn tánh của pháp không thể phân biệt được, và không thể nhận thức được như một đối tượng” (E. Conze dịch).
Một ngày mới. Chúng tôi đi về phía nam, dưới những hàng cây hàng to lớn, dọc theo sông ni-liên-thiền. Bên kia bờ sông, Dungsiri mờ mờ trong sương mù của buổi bình minh, giống như động Lô sơn, chỗ tu thiền danh tiếng của các tu sĩ thiền sư đời Tống, đời Trần. Chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng còn đẫm sương, và đây rồi một đầm nhỏ đầy bèo xanh, báo hiệu cho chúng ta biết đã đến hồ mucalinda. Ở đây, đức Từ phụ, khi trời giông tố mưa rào, đã vượt qua 7 từng Thiền định như thần rắn quấn tròn quanh Ngài. Trời đã về thu, thật thi vị và khoan khoái, buổi sáng tươi mát và ấm áp này: “Khoan khoái thay chỗ này”. Kinh Pali đã chép như vậy. Những suối nhỏ quanh co rỉ chảy đến hồ Micalinda. Các đồng ruộng thấm nhuần nước tưới và dân làng cũng có vẻ lạc quan hơn nhiều.
Chúng tôi lội qua con sông và đến chỗ đức Giác Ngộ đã nghỉ ngơi tại nhà hàng Sujata (Tu-xà-đa). Một ụ đất có thể có một ngọn tháp ở dưới – được xem là nông trại lúc trước của Sujata người đã dâng sữa cho đức Thích Ca, khi Ngài từ động Dungsiri trở về.
Buổi chiều chúng tôi đi thăm một ngôi chùa Trung Hoa nhỏ của phái Tịnh Ðộ. Vị Ni cô già và can đảm đã tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu. Vị nay đã sống ở đây rất lâu, nhẫn nại, khiêm nhường, tín thành và từ ái. Sự yên lặng thật cảm động!
Gần đó là một ngôi chùa Tây Tạng của phái Geluppas, thông thường được gọi là phái “mũ vàng”. Ðã có nhiều sách viết về “xứ sở bí mật” này, phần lớn rất xuyên tạc, mù mờ, vì nhìn qua sự mờ ám và kích động của thần bí học. Từ khi những người tị nạn Tây Tạng qua Ấn độ và hiện cũng vẫn còn người qua, thì phái Vajrayàma (Kim Cang thừa) cua Nalanda ở thời đại Pàla được phục hưng lại theo truyền thông Tây Tạng. Chúng tôi được một dịp may mắn tìm hiểu về Lạt-ma giáo. Chùa Tây Tạng ở Bồ đề Ðạo tràng có một bánh xe Chánh pháp khổng lồ. Các bích họa, chung quanh, dầu cho hoàn toàn mới… hình như thuộc về một thế giới khác lạ. Cảm giác kinh hãi lại được tăng thêm, khi chúng ta lên tầng lầu trên và bước vào điện thờ Phật. Ban đầu người ta có một cảm giác bối rối, lúng túng. Ðiện Phật trông như cả một ổ tơ vò lộn xộn những hình ảnh, họa phàm và những vật dụng kỳ dị. Nhưng khi ngồi yên tĩnh được một lúc, dần dần mới nhận ra là cả một hệ thống tinh thần đặc biệt điều hòa. Tấm Tankha quan trọng nhất có vẽ bánh xe luân hồi. Những màu sắc rực rỡ không làm chóa mắt, và hình vẽ theo một hệ thống cổ truyền chánh tông tỷ mỷ trong từng chi tiết để đạt được những kết quả mong ước. Sự phức tạp của hình vẽ tượng trưng cho sự rắc rối lộn xộn của đời sống luân hồi; con đường đưa đến giải thoát và hình ảnh thuyết pháp, truyền đạo là cả một hệ thống hình học phân minh.
Ở trong trục bánh xe có vẽ một con gà, một con rắn và một con heo tượng trưng cho tham, sân, si. Con vật này cắn đuôi con kia và làm thành một con hình tròn vô tận. Vòng tròn xung quanh trục xe chia làm hai phần, đen và trắng, tượng trưng cho Karma hay nghiệp, một phần hướng thượng, đưa lên cõi trời, thiện đạo: Một phần hướng hạ, đưa xuống địa ngục, ác đạo. Những ai tạo các thiện nghiệp sẽ được đưa vào phần hình trắng phía trên, còn những người tạo nghiệp ác thời bị đưa vào phần đen ở dưới. Khoang giữa hai phần đen trắng và vành bánh xe được chia thành 6 phần. Phần trên, phía giữa (đã được nói đến) diễn tả những cõi hạnh phúc, thanh khiết của chư thiên sáng chói; phía tay trái cõi chư thiên là thế giới loài người của chúng ta; phía tay phải là hình ảnh của các A-tu-la dữ tợn, đang cố gắng cọng phá các vị thiên thần. Ba phần ở dưới, phần giữa ta những cảnh tra tấn khủng khiếp ở địa ngục một bên là lửa đỏ rực, một bên là dòng nước xoáy kinh khủng; phía tay mặt là những ngạ quỉ, với những cổ họng rất bé; phía trái tả cảnh giới khổ đau của súc sanh.
Cái vành xe chia thành 12 khoang diễn đạt lý Duyên khởi; một ngưòi đàn bà mù chỉ cho Vô minh (Avijjà); một người làm đồ gốm đang nhồi đất sét chi cho Hành (Sankhàra), một con vượn đang cầm cái ghế cái chậu chỉ cho Thức “Vinnàna”: danh sắc (Nàmarùpa) là người trong một chiếc thuyền: một cái nhà với 6 cửa sổ là Lục nhập (Sàlàyàtana); một cặp trai gái ôm nhau chỉ cho Xúc (Phasso); Thọ (Vedana) là một người rút ra mũi tên đâm vào mắt: một kẻ nghiện rượu liên miên, chỉ cho Ái (Tanhà); Thủ (Upadana) là một con khỉ đang hái trái cây; một hình ảnh hành dâm là Sanh (Jàti); Lão (Jarà) là một người chống gậy; Tử (Maranam) là một số người đang mang thây chết, cũng vừa chỉ cho sự tiếp diễn của sự sống đưa đến một đời khác. Một con quái vật rùng rợn, Ma vương (Mara) đang cắn chặt toàn bánh xe trong răng nanh cuả nó và luôn luôn quay bánh xe ấy chạy tròn với móng vuốt của 2 tay và 2 chân. Phía mặt, góc bên trái đức Thích Ca đứng thẳng, cao xa, đưa tay chi Ma vương và bánh xe.
Nhiều bức họa (Tankhas) bao phủ các bức tường với những ác quỉ ghê gớm, khát máu, đần độn với những tiếng cười kinh khủng, chế nhạo và yêu quái, những vị tìm đạo giải thoát nhiệt thành thường dùng những bức họa tâm lý vũ trụ này; đối với những vị sư này tự ngã chỉ là sự đần độn như ma quái. Cả tiềm thức là một thự thể rộng lớn khó hiểu. Cả tiềm thức là một thực thể rộng lớn khó hiểu, chưa được khám phá, nguy hiểm. Thực thể này trở thành ý thức khi bị tác động. Các Tankhas là những công thức tâm lý cho người tu thiền quán tưởng, một phương tiện để nhận thức chứng ngộ và kiểm soát các sự phẩn nộ bùng phát dục tình. Các Tankhas khác trình bày hình người, tượng trưng cho Bá nhã Ba-la-mật-đa (Prajnàpàramita), đang múa cây gươm trí tuệ, chặt đứt vô minh, một trí tuệ đưa người đến bờ bên kia. Chính giữa điện thờ là hình ảnh đấng Ðại Từ bi Di-lặc (Maitreya), được cúng dường những Haddakhi (những khăn quàng trắng), các tua khăn đã nhầu úa.
Phải chăng những yếu điểm của phái Ðại thừa Kim Cang tương phản với giáo lý của phái Thượng tọa bộ mà buổi sáng và buổi chiều các đại đức Thái Lan đã tụng bằng tiếng Pali nói rõ sự vô ngã của 5 uẩn? Chính ở ngôi chùa Thái cũng vang dậy những bài kệ về lý 12 nhân duyên, diễn đạt không tánh của vạn vật.
Ðêm cuối cùng ở Bồ đề Ðạo-tràng, tại tháp Ðại Bồ-đề, gần những cột đá, chỗ đức Phật đi kinh hành, chúng tôi vái chào một vị Lạt-ma già những có vẻ mặt rất thông minh. Vị này đến với chúng tôi một cách nhún nhường và chúng tôi học được cách chào của các tu sĩ Tây tạng; người này đụng trán người kia. Vị Lạt-ma ấy tỏa ra một cảm tình nồng hậu đến nỗi chúng tôi cảm ngay là chúng tôi cùng họ là bạn tốt với nhau đã lâu, tuy mới gặp nhau lần đầu tiên, trước đây một phút thôi. Vị Rimpotche tiếp tục đi kinh hành; một lần nữa chúng tôi suy nghĩ đến lối kiến trúc của ngôi tháp Ðại Bồ đề; lối kiến trúc này đã biểu lộ nhựa sống của sự giác ngộ. Bên trong có rất nhiều những khám thờ và tượng Phật. Những vòm cầu đục trong đá với những đường nét giản dị nói lên ảnh hưởng cuả tiểu thừa. Ở đây hai vị Tỳ-kheo đang ngồi tu thiền thanh tịnh trang nghiêm. Ðàng kia vị Lạt ma Rimpotche Tây Tạng của chúng ta và một Ðại đức người Thái đã già, dễ thương, đã đi bộ trên con đường dài đằng đẵng từ Thái Lan đến Ấn Ðộ, chỉ với một bình bát để sinh sống không cần đụng đến một đồng tiền. Giống tình trạng của thời xưa, giặc cướp đã tấn công Ðại Ðức, Ðại đức đã trải qua biết bao gian lao nguy hiểm trong rừng rậm và núi sâu. Tuy vậy gương mặt của Ðại đức bao giờ cũng nở một nụ cười phóng khoáng cũng như nụ cười của vị Rimpotche, vị này rất có thể đã phải trải qua những nơi gian lao tương tự trên “nóc nhà tuyết phủ của thế giới”.
“Có một con đường bằng đá, chỗ đó người có thể đánh đổi sự luân hồi hỗn loạn với hạnh phúc thanh tịnh vô biên”.
Chúng tôi bắt đầu đi đến Ba-la-nại nhưng chúng tôi không thể nào quên được Bồ đề Ðạo-tràng, một tượng trưng phấn khởi của sự giác ngộ vô thượng, một sự kêu gọi toàn thể Phật tử đại đoàn kết, và hơn nữa một Ðại nguyện Bồ tát. Song song với cây Bồ Ðề là nụ cười của tượng Phật thếp vàng.
Phần lịch sử
Ðối với Phật tử, lịch sử của Bồ đề Ðạo tràng bắt đầu từ khi Thái Tử Tất Ðạt đa tu khổ hạnh tại Uruvela và sau khi đức Phật thành Ðạo dưới cây Bồ đề. Toàn thể Phật tử trên thế giới tự nhiên xem Bồ đề Ðạo tràng là một thành tích quan trọng bậc nhất. Và vì vậy trong suốt hơn 2500 năm Phật tử khắp các nước nô nức đến chiêm bai cùng sửa sang Bồ đề Ðạo tràng, mãi đến ngày nay cũng vậy.
Chính vua A Dục cũng đến chiêm bái chỗ này nhiều lần, và cuộc chiêm bái của Ngài được khắc vào đá kỷ niệm, hiện còn giữ tại Sanchi. Rất có thể chính vua A Dục đã lập ra ngôi tháp này nhưng tiếc thiếu bia ký để chứng thật. Có lẽ vì các vua sau Ngài cũng dựng lên tháp để kỷ niệm, thành thử công nghiệp của vua A Dục bị quên dần. Và cũng rất có thể đền, tháp dựng lên đã bị vua Sasanka phá huỷ. Vua này rất thù nghịch với Phật giáo.
Muốn hiểu lịch sử Bồ đề Ðạo tràng, cần phải tìm lại những tài liệu của ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang. Dựa theo tài liệu ấy chúng ta có thể đoán chắc là ngôi tháp hiện tại được lập vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Tây lịch.
Ngài Pháp Hiển đến thăm Bồ đề Ðạo tràng vào năm 409 sau Tây lịch, viết: “Tại chỗ đức Phật thành đạo có 3 ngôi tháp và nhiều vị sư tu hành. Gia đình dân chúng xung quanh cúng dường các thức ăn, mặc, rất đầy đủ, không thiếu thứ gì. Các vị sư giữ giới luật rất thanh tịnh trang nghiêm”. (Ký sự Fa-hsien của James Legge trang 89, 90).
Ngài Huyền Trang chiêm bái Bồ đề Ðạo tràng vào năm 637, viết rằng về phía Ðông cây Bồ đề, có một tháp cao chừng 52 thước, nền tháp độ 20 thước vuông, tường bằng gạch xanh, trét vôi chu nam: các khám tượng của mỗi tầng đều thếp vàng. Bốn mặt tường đều đầy những tượng khắc rất đẹp; chỗ này là hình ảnh những chuỗi ngọc dài, chỗ kia những vị tiên. Ngọn tháp là một trái Amlak bằng đồng thếp vàng. Mặt phía đông, có một tòa lầu 3 tầng và các mái hiên, cột trụ và cột nhà cùng cửa lớn và cửa sổ đều được trang hoàng với những ảnh tưởng bằng vàng hay bạc, với ngọc ngà đính vào tượng và các kẽ hở. Những phòng âm u và những dãy hành lang bí mật đều có cửa mở vào trong những tầng lầu. Về phía mặt và phía trái đều có tượng đức Bồ tát Quan thế âm và tượng đức Bồ Tát Di-lặc. Nhưng tượng này đều bằng bạc và cao độ 3 thước tây. Tại chỗ tháp hiện tại, vua A Dục ban đầu có lập một ngôi chùa nhỏ, về sau có một người Bà-la-môn lập lại một ngôi khác to rộng hơn nhiều (Beal’s Hsuan-Tsang. Tập 11 trang 118, 119).
Theo ông Alexander Cunningham, ngọn tháp mà ngài Huyền Trang miêu tả chính là ngọn tháp hiện tại, không còn nghi ngờ gì nữa, dầu có sửa chữa và thay đổi. (Cunningham’s Maha Bodhi, trang 18).
Dầu chúng ta không tìm thấy một lịch sử liên tục về Bồ đề Ðạo tràng trong thời cổ nhưng những tài liệu tìm được cũng chứng tỏ ngôi tháp đó là của Phật tử xây dựng, cho đến khi giặc Hồi giáo chiếm cứ vào khoảng thế kỷ thứ 19 sau T.L. Và tất cả những sự sửa sang thay đổi, không những chỉ do Phật tử Ấn Ðộ đảm nhận, mà Phật tử Tích Lan, Miến điện và các nước khác cũng có dự phần. Như vậy, Bồ đề Ðạo tràng không phải là của riêng một tôn phái nào mà chính là thánh tích công cộng của Phật tử thế giới.
Theo lịch sử, Tích Lan có liên quan với Bồ đề Ðạo tràng từ khi vua A Dục cử đại đức Sanghamitta qua Tích Lan với một nhánh Bồ đề. Và vua Meghavana có lập một ngôi chùa tại Bồ đề Ðạo tràng vào năm 330 để các vị tu hành Tích Lan và khách thập phương đến chiêm bai. Vào khoảng năm 1079 Phật tử Miến Ðiện sửa sang lại cả ngôi tháp và dãy tường bao bọc chung quanh. Một vị Tỳ kheo tên là Dham Marakkhita vào năm 1100-1200 có trùng tu lại và phí tổn đều do vua Asokamala, vua xứ Sapadalaksha chịu. Ðến năm 1298, Phật tử Miến điện lại trùng tu chỗ ấy một lần nữa.
Một bia đề năm 1202 được tìm thấy tại Janibigha ở Bihar có chép một làng được dành riêng để tu bổ và cúng lễ Kim Cang tòa tại Bồ đề Ðạo tràng và làng ấy do vị Tỳ kheo Mangalaswami người Tích Lan quản lý.
Những tài liệu trên chứng tỏ ít nhất cho đến thể kỷ thứ 12 sau Tây lịch, Bồ đề Ðạo tràng còn thuộc về hoặc Phật tử Tích Lan, hoặc Phật Tử Ấn độ và chỉ khi quân Hồi giáo đến chiếm cứ, Bồ đề Ðạo tràng mới bị bỏ hoang, không người chăm sóc cho đến khi ông Mahant đến tại chỗ này.
Vào khoảng năm 1590 một vị tu hanh người Ấn tên Gosin Ghamandi Gir đến tại làng Buddhagaya. Vì mến cảnh thanh tịnh ông đã quyết định chọn chỗ ấy làm nơi trú ẩn lâu dài. Ông dựng một ngôi đền nhỏ gần nơi tháp chính và tụ họp được một số đệ tử. Theo thời gian, ngôi đền ấy càng được hưng thịnh. Trải qua một vài trăm năm trở thành Math (đền nhỏ). Ông Mahant hiện tại là người kế vị thứ 13 từ ông Ghamandi Gir. Chính trong đời ông Mahani Lal Gir mà Math của ông Mahant được mở rộng thêm ra. Làng Mittipur Taradih đều được vua Hồi giáo ở Delhi cho ông ta. Nhưng nên để ý rằng không gì làm chứng là ông Mahant có quyền sở hữu về ngôi tháp, vì khi ấy ngôi tháp bị đổ nát, không ai sửa chữa lại.
Ðến năm 1811, quốc vương Miến Ðiện đến chiêm bái và sau vua Ava cứ hai đại biểu đến tìm lại Bồ đề Ðạo tràng cùng các thánh tích kế cận, nhờ các kinh sách Phật giáo.
Bác sĩ Buchannan Hamilton nha khoa có chức danh đến thăm Buddhagaya vào năm 1812. Ông thấy ngôi tháp chính hoàn toàn hoang phế và rõ ràng ông Mahant không để ý gì đến tháp Maha Bodhi.
Ðến năm 1833, vị Ðại sứ Miến Ðiện tên là Mengy Maha Chesu cùng với tùy tùng đến thăm Bồ đề Ðạo tràng. Ông tìm được một bia khắc tiếng Pali bằng chữ Miến Ðiện tại chỗ ấy. Dưới đây là bản dịch: “Ðây là một trong số 84.000 ngôi tháp do vua A Dục, vua cõi Diêm Phù Ðề dựng lên để kỷ niệm nơi Ngài thành đạo sau khi đã dùng sữa và mật ong vào khoảng 218 năm sau khi Ngài nhập Niết Bàn (326 trước T.L)”. Theo thời gian ngôi tháp đó bị đổ nát và được một vị tu sĩ tên là Nai-kamahanta trùng tu, rồi bị đổ nát, rồi lại được vua Sadomang trùng tu. Sau một thời gian cũng lại bị đổ nát cho đến khi vua Sewpyu Sakhetaramangyi cử vị sư phụ của mình tên là Dhammarajagune quản đốc công việc tu bổ ngôi tháp ấy. Vị này cùng với đệ tử tên là Kasyapa bắt đầu trùng tu ngôi tháp, nhưng không thể hoàn thành, dầu được nhà vua giúp đỡ rất nhiều. Về sau đại đức Varadasi Naik yêu cầu vua tự đứng lên quản đốc. Vua bằng lòng và cử Thái Tử Pyusa Kheng và vị Bộ Trưởng tên Ratha đến trùng tu. Như vậy, ngôi tháp được sửa lại lần thứ tư, và đến ngày thứ sáu tháng 10 lịch Pyadola, năm thứ 667 đời vua Sakharaja (1306 sau T.L) thì hoàn thành. Lễ khánh thành cử hành rất long trọng, trong lễ có cúng dường thức ăn, hương đèn, danh mộc; Kalpa Virikha và người nghèo cũng được bố thí như con vua vậy. Như vậy lễ khánh thành được cử hành với nhiều công tác từ thiện. Công đức ấy là những phần thưởng vĩnh viễn cho những vị trùng tu. Họ sẽ được sống trong danh vọng an hưởng Niết bàn tịnh lạc và trở thành A-la-hán trong đời Ðức Phật vị lai, đức Di lặc.
Ðến năm 1874, một vua Miến Ðiện cử một phái đoàn đến yết kiến chánh phủ Ấn với nhiều tặng vật quí giá cho cây Bồ đề và yêu cầu Chánh phủ giúp đỡ cho những vị đại biểu thay mặt chiêm bái thánh tích này. Vua cũng nêu rõ ý muốn sửa sang lại chung quanh cây Bồ đề và cử đại biểu ở luôn gần cây ấy. Vua Miến Ðiện cũng mong mỗi năm, một hay hai lần, dân chúng Miến Ðiện được phép đến cúng dường cây Bồ đề. Lời yêu cầu của vua Miến Ðiện được gởi đến cho ông Mahant và ông này chấp thuận. Liền sau đó, các đại biểu đến chiêm bái và tường thuật cho vua Miến Ðiện. Giá tiền và bảo vật bằng vàng, bạc, trị giá đến 60.000Rs (độ 900.000 đồng V.N). Vua Miến Ðiện bảo ông Mahant phải dựng một ngôi tháp Paribhoga để cất các vật châu báu ấy, do vua chịu phí tổn, nhưng ông Mahant lại lấy làm của riêng.
Sau khi phái đoàn về đến Miến Ðiện, bộ Ngoại giao Miến Ðiện có gởi cho ông Toàn quyền vào ngày 18 tháng 8 năm 1875 yêu cầu được phép sửa sang chung quanh cây Bồ đề, trùng tu ngôi tháp do vua A Dục lập nên, xây bức tường để đỡ một nhánh Bồ Ðề, phía tay mặt, sửa tất cả những đền đài đổ nát trong phạm vi cây Bồ đề, lập gần câ Bồ Ðề một ngôi chùa có thể trú được độ 20 vị tu hành., để hành lễ như thắp đèn, cúng dường hoa và nước, xây một bức tường bao chung quanh ngôi chùa ấy, thuê người ở tại chỗ để giữ gìn và cung cấp vật dụng cho chùa; lập một tháp Paribhoga để cất những vật do vua cúng dường. Ông Mahant thỏa thuận để công việc trùng tu được tiến hành, và vua Miến Ðiện đã chi phí một số tiền khá lớn trong việc này. Nhưng công việc làm không được tiến hành một cách khả quan. Sau Chính phủ Ấn phải cử ông Alexander Cunningham và Bác sĩ Rajentralal Mitra quản đốc việc tu bổ. Trong khi ấy, chiến tranh giữa nước Anh và Miến Ðiện bùng nổ. Do đó, việc trùng tu ngôi tháp đáng lý dưới quyền quản đốc của đại biểu vua Miến Ðiện lại đặt dưới quyền ông Mahant và Chính Phủ Ấn.
Chính phủ tiếp tục sửa chữa ngôi tháp chi phí đến 100.000 Rs (độ 1.500.000 đồng VN). Tất cả được sửa chữa xong. Chính phủ cử ông Maddox quản đốc, một tháng phải đến thăm một lần, để xem những gì ngôi tháp ấy cho Phật tử. Ông cũng viết thư cho các nước Phật giáo, yêu cầu để tâm đến vấn đề này. Lời yêu gọi của ông không được một ai hưởng ứng, cho đến khi Ngài Anagrika Dharmapala tự đứng lên đảm nhận trọng trách ấy vào năm 1891. Thật là một ngày lịch sử khi ngài Dharmapala đến tại Bồ đề Ðạo tràng và đảnh lễ cây Bồ đề tôn quí, vào ngày 21 tháng 1 năm 1891. Ngài Dharmaplala chép trong nhật ký như sau: “Tôi đến với ông Durga Babu và Bác sĩ Chetteijee tại Budhagaya, nơi tôn quí nhất của Phật tử. Sau khi đi độ 6 dặm Anh, chúng tôi đến tại thánh tích. Trong khoảng một dặm Anh, chúng tôi có thể thấy những tượng của đức Từ phụ chúng ta lăn lóc chỗ này chỗ kia. Tại ngôi đền của ông Mahant hai bên cửa có những tượng Thế Tôn đang thiền định hay đang thuyết pháp. Ôi! Tôn nghiêm làm sao ngôi tháp quí báu này! . Ðức Thế Tôn ngồi trên pháp tòa và sự tôn nghiêm tỏa khắp làm cho đệ tử thành phát khóc. Ôi sung sướng biết bao! Khi vầng trán của tôi chạm đến Kim Cang tòa, một ý niệm phát ra rồi đánh mạnh vào tâm trí tôi. Ý niệm ấy bảo tôi dừng lại đây và gìn giữ Thánh tích tôn nghiêm này, tôn nghiêm đến nỗi không gì trên đời có thể sánh bằng, vì đây là chỗ mà dưới gốc Bồ đề Thái tử Tất-đạt-đa đã giác ngộ. Tôi lượm một vài ngọn lá và một ngọn cỏ hình dáng rất đặc biệt. Khi một ý niệm đột nhiên đến với tôi, tôi hỏi vị tu sĩ người Nhật tên Kozen có bằng lòng ở lại đây với chúng tôi không? Vị này hoan hỉ bằng lòng. Và hơn thế nữa, vị này cũng nghĩ như tôi. Cả hai chúng tôi thề một cách trịnh trọng quyết ở lại đây cho đến khi một vài tu sĩ đến và quản đốc Thánh tích này” (Ngày 22 tháng 1 năm 1891).
Sau khi đi chiêm bái về đến Tích Lan, ngài Dharmaphala tổ chức một cuộc họp công cộng do ngài Sumangala làm chủ tọa vào ngày 31 tháng 6 năm 1891. Trong buổi họp này, hội Maha Bồ đề được chánh thức thành lập với mục đích lấy lại Bồ đề Ðạo tràng và truyền bá chánh pháp tại Ấn độ. Ðại đức Samangala được cử làm Chánh hội trường và ngài Dharmapala, làm Chánh thư ký.
Ðến tháng 7 năm 1891, ngài đến tại Bồ đề Ðạo tràng với 4 vị tu hành và để 4 vị này ở lại. Ông Hemnarayan Gir, vị Mahant lúc bấy giờ, có cảm tình với công việc của ngài Dharmapala và cầu chúc công việc được sớm thành tựu. Về sau, vị này miễn cưỡng cho phép tạm dùng một mẫu đất nhỏ để dựng tại một nhà tạm trú cho những Phật Tử chiêm bái. Không may vị Mahant này từ trần và ông Krishna Dalyal Gir lên thế, vào ngày 4 tháng 2 năm 1892. Khi vị này lên chức Mahant, các nỗi khó khăn bắt đầu xảy ra. Vì vị này không có cảm tình với công việc của ngài Dharmapala, và đã trở thành một địch thủ.
Sau khi dự hội nghị tôn giáo ở Chicago về, vào năm 1893, Ðại đức Dharmapala đem từ Nhật Bổn về một ngôi tượng Phật rất đẹp. Tượng này, các Phật tử Nhật Bản muốn ngài đem thờ tại tầng trên ngôi tháp ở Bồ đề Ðạo tràng. Ngày 25 tháng 2 năm 1895, ngài Dharmapala thân hành thỉnh bức tượng ấy lên trên lầu. Sau khi an vị tôn tượng xong, ngài đảnh lễ và ngồi quán tưởng. Liền khi ấy, những người của ông Mahant đến và quăng bức tượng ấy xuống. Một số người cùng đi với ngài Dharmapala đang lễ Phật cũng bị đánh đập. Một người bị thương khá nặng. Do cuộc hành hung này, mà xảy ra một vụ kiện giữa ngài Dharmapala và ông Mahant. Tại tòa án đệ nhất và nhị cấp, ngài Dharmapala thắng kiện, nhưng đến tòa thượng thẩm thì ông Mahant lại thắng. Ở đây, cũng cần để ý rằng các quan tòa đều biết ngôi tháp ấy hoàn toàn thuộc về Phật tử. Nhưng vì vụ kiện này thuộc về hình, nên không bàn đến ngôi tháp thuộc sở hữu của ai. Một quan tòa trong khi biện luận ở tòa đã nói: a) Ngôi tháp ấy thường xuyên và tiếp tục được các Phật tử đến chiêm bái và hành lễ. b) Không có một hình thức lễ bái nào của Ấn Ðộ giáo được cử hành trong ngôi tháp ấy, và không có gì để chứng tỏ những lễ nghi Ấn Ðộ giáo có cử hành tại đó, trải qua nhiều thế kỷ, từ đời vua Sankara. Chỉ từ tháng 7 năm ngoái, mới có sự cố gắng hành lễ theo nghi thức Ấn độ giáo trước hình ảnh đức Phật đặt tại khám thờ ở tầng dưới. Những cuộc hành lễ này rõ ràng là do ông Mahant và các đệ tử cuả ông ta xúi giục. Bắt đầu từ đó, như người quản đốc ngôi tháp ấy đã khai, một vị tu sĩ Bà-la-môn dưọc dùng để thắp đèn trước bức tượng, đánh chuông, lau ngôi tượng và chỗ thờ tự, đánh dấu Tilak trên trán, đeo một chiếc áo trên mình tượng và trang điểm bông hoa trên đảnh. Vị quản đốc cũng là một người Bà La Môn thuộc giai cấp cao nhất, khai rằng những nghi lễ ấy chưa phải thật nghi lễ Ấn Ðộ giáo. Nên để ý rằng, dầu những nghi lễ này được cử hành nhưng ông Mahant hay đệ tử của ông ta không có một ai đến hành lễ trong tháp ấy. Tất cả nghi lễ Ấn Ðộ giáo chỉ bắt đầu từ năm ngoái, sau khi ngài Dharmapala đặt tượng Phật Nhật Bổn ở tầng lầu trên của ngôi tháp, và sau khi thẩm vấn kỹ các sự kiện, chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa mà không quyết đoán rằng: những nghi lễ ở Ấn Ðộ giáo được cử hành ở đây chỉ là một âm mưu để ông Mahant có quyền xen dự vào những hành động của hàng Phật tử đối với ngôi tháp và để tăng cường quyền sở hữu cuả ông ấy để hưởng những đồ vật cúng dường tại đó.
Vị quan tòa thượng thẩm ở Calcutta, sau khi nghe lời khai, có tuyên bố: “Chúng ta có thể công nhận rằng tháp Ma-ha Bồ đề là một ngôi tháp cổ kính rất tôn quí đối với Phật tử. Nó chính là một ngôi tháp Phật. Và dầu ngôi tháp thuộc sở hữu của các ông Mahant, ngôi tháp ấy cũng chưa được biến thành một ngôi đền Ấn Ðộ giáo, nghĩa là có những tượng thần Ấn Ðộ giáo trong ấy và nghi lễ Ấn độ giáo chánh tông được cử hành tại chỗ ấy. Từ trước đến nay các Phật tử chiêm bái đều có quyền tự do đến thăm và lễ bái”.
Dầu ngài Dharmapala thua kiện nhưng sự thua kiện đó đã làm cho Phật tử thế giới hiểu rõ được tình trạng nguy khốn của Bồ đề Ðạo tràng, nơi tôn quí nhất của Phật tử. Bản án được đăng trên tất cả báo chí và vấn đề Bồ đề Ðạo tràng trở thành một vấn đề được bàn tán ráo riết khắp Ấn Ðộ, Miến Ðiện và các nước khác. Ngài Dharmapala không có dư tiền để đưa vấn đề này lên Cơ mật viện (Private Council).
Ðến năm 1902, một vị tu sĩ Nhật Bổn tên Okakura đến tại Bồ đề Ðạo tràng và bắt đầu giao thiệp với ông Mahant để lập một tu viện đại thừa độc lập tại đó. Chính phủ Ấn Ðộ sợ có ẩn ý chính trị nên công việc không được thành tựu. Dự định của vị sư Nhật đem lại kết quả tai hại cho công việc của ngài Dharmapala, vì Chính phủ Ấn trước đây có cảm tình với công việc của ngài nay sợ những sự khó khăn do Nhật Bổn can thiệp gây nên, và trở thành đối lập, chống lại Phật tử. Nhận thấy chính phủ Ấn đã thay đổi thái đô, ông Mahant mạnh dạn làm đơn kiện ngài Dharmapala vào năm 1906 để trục xuất ngài ra khỏi pháp xá Miến Ðiện mà từ trước đến nay ngài được yên ổn. Ông Mahant lại được kiện một lần nữa và như vậy là các Phật tử bị trục xuất hẳn ra khỏi Bồ đề Ðạo tràng, nơi tôn quí nhất của họ.
Ngài Dharmapala tuy bị thất bại nhưng không thối chí, ngài liền dùng báo chí làm phương tiện tuyên truyền để kêu gọi công chúng can thiệp. Nhờ vậy, những người trí thức tán thành công việc của Ngài Dharmapala và hết sức giúp đỡ cho Phật tử lấy lại Bồ đề Ðạo tràng.
Vấn đề Bồ đề Ðạo tràng được đem ra bàn cãi tại Ðại hội Quốc gia Ấn Ðộ (Indian National Congress) họp tại Gaya, Belgaon, Coconada và các chỗ khác. Vấn đề cũng được đem ra thảo luận tại hội nghị Hindumaha Sabha họp tại Muzaffapur, hội nghị này ngài Dharmapala có đến dự cùng các Phật tử khác. Ðảng Quốc Ðại Ấn Ðộ cử một ban do bác sĩ Rajendra Prasad làm chủ tịch để xét vấn đề này. Sau khi bàn xét kỹ càng, ban này thảo một bản án rất tinh tường và đề nghị lập một hội đồng gồm các Phật tử và Ấn Ðộ giáo để quản đốc ngôi tháp ấy. Hội nghị Maha Sabha họp tại Cawnpore đề cử một ban khác do ông Bha Paramananda giữ ghế chủ tịch. Ban này cũng nghiên cứu vấn đề ấy rất kỹ lưỡng và cũng có một đề nghị tương tự như ban trước. Các đề nghị đều không được thi hành vì ông Mahant phản đối.
Sau khi Ấn Ðộ được độc lập, vấn đề này được đem ra bàn cãi và cuối cùng Chính Phủ Ấn Ðộ đứng ra can thiệp và giao quyền quản đốc ngôi tháp Bồ đề Ðạo tràng cho một ban gồm 11 người, năm người Phật tử và năm người Ấn Ðộ giáo trong này có ông Mahant và một vị chủ tịch do Chính phủ Ấn đề cử để quản đốc ngôi tháp. Ông Mahant không có quyền sở hữu gì nữa, chỉ là một hội viên trong ấy thôi. Từ khi Bồ đề Ðạo tràng được giao lại cho ban ấy quản đốc thời mọi việc tiến hành thuận tiện cho Phật tử. Không những cử người tu bổ và coi sóc, Chính phủ Ấn còn khuyến khích các nước Phật giáo đến lập chùa xung quanh ngôi tháp ấy đề tiện cho khách thập phương đến chiêm bái. Hiện có một ngôi chùa Miến Ðiện, một pháp xá Tây Tạng, một Hội quán của hội Ma-ha Bồ đề, một ngôi chùa Trung Hoa tên là Trung Hoa Ðại giác tự; chính phủ Thái Lan hiện đã xây cất xong một ngôi chùa rất lớn và cử nhiều vị sư Thái qua chăm sóc. Tất cả các nước Phật giáo đều đang dự trù cất chùa để tiêu biểu cho nền Phật giáo của nước mình. Bồ đề Ðạo tràng trong tương lai rất gần sẽ là trung tâm của Phật giáo quốc tế. Ấy là sự hy vọng của toàn thể Phật tử trên thế giới khi đến chiêm bái tại Thánh tích này.