ĐỨC PHẬT TẾ ĐỘ VUA BIMBISĀRA
1. Sau đó, khi đã ngự tại Uruvelā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn vị tỳ khưu, hết thảy tất cả đều là các đạo sĩ bện tóc trước đây. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó ở thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại khu rừng Laṭṭhi, nơi điện thờ Suppatiṭṭha. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nghe được rằng: “Chắc chắn là ngài Sa-môn Gotama, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, đã ngự đến thành Rājagaha và trú ở thành Rājagaha, tại khu rừng Laṭṭhi, nơi điện thờ Suppatiṭṭha. Tiếng tăm tốt đẹp về ngài Gotama ấy đã được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Với thắng trí của mình, vị ấy chứng ngộ và công bố về thế gian này tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người. Vị ấy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy!”
2. Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha được tháp tùng bởi một trăm hai mươi ngàn Bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Còn một trăm hai mươi ngàn Bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy, một số đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, một số đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi ngồi xuống ở một bên, một số đã chắp tay cúi chào đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên, một số đã xưng tên họ trước đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên, một số có thái độ im lặng rồi ngồi xuống ở một bên.
3. Khi ấy, một trăm hai mươi ngàn Bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn thực hành Phạm hạnh theo Uruvelakassapa, hay là Uruvelakassapa thực hành Phạm hạnh theo vị đại Sa-môn?” Khi ấy, đức Thế Tôn dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của một trăm hai mươi ngàn Bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy nên đã nói với đại đức Uruvelakassapa bằng bài kệ này:
4. – “Kẻ trú ở Uruvelā, người giáo huấn các đạo sĩ khổ hạnh, sau khi đã thấy điều gì, mà đã từ bỏ ngọn lửa? Này Kassapa, ta hỏi ngươi điều này: “Tại sao việc thờ lửa của ngươi bị từ bỏ?”
– “Việc cúng tế đề cập đến các hình ảnh, các âm thanh, và các mùi vị, dục lạc, và đàn bà. Sau khi nhận biết rằng ‘việc ấy là ô nhiễm’ trong các mầm mống tái sanh, vì thế con đã không thích thú các việc hy sinh (hay) các việc cúng tế.”
(Đức Thế Tôn nói với Kassapa): – “Và ở đây tâm của ngươi đã không thích thú đối với các hình ảnh, các âm thanh, và các mùi vị, như thế thì giờ đây, ở thế giới nhân Thiên (cái gì) là được tâm thích thú? Này Kassapa, hãy nói với ta về điều ấy.”
– “Sau khi đã nhìn thấy đạo lộ thanh tịnh, không mầm mống tái sanh, không có gì (về tham ái), không bị trói buộc trong dục lạc và hiện hữu, không còn những thứ khác (sanh, lão, tử, v.v…), không thể đạt đến bằng đường lối nào khác, vì thế con đã không thích thú các việc hy sinh (hay) các việc cúng tế.”
5. Sau đó, đại đức Uruvelakassapa đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo Sư của con, con là người đệ tử. Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo Sư của con, con là người đệ tử.” Khi ấy, một trăm hai mươi ngàn Bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy đã khởi ý điều này: “Uruvelakassapa thực hành Phạm hạnh theo vị đại Sa-môn.” Sau đó, đức Thế Tôn dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của một trăm hai mươi ngàn Bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy nên đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến những người ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, và sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được những người ấy có tâm đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tự như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến một trăm hai mươi ngàn Bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy có đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đứng đầu: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Mười ngàn người đã tuyên bố bản thân là cư sĩ.
6. Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, trước đây khi còn là hoàng tử trẫm đã có năm điều ước nguyện, giờ đây các điều ấy đã được thành tựu cho trẫm. Bạch ngài, trước đây khi còn là hoàng tử trẫm đã khởi ý điều này: ‘Ước gì họ tấn phong ta làm vua!’ Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ nhất của trẫm; giờ đây điều ấy đã được thành tựu cho trẫm. ‘Ước gì bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đi vào vương quốc của ta đây!’ Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ nhì của trẫm; giờ đây điều ấy đã được thành tựu cho trẫm. ‘Ước gì ta được tỏ lòng tôn kính đến đức Thế Tôn ấy!’ Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ ba của trẫm; giờ đây điều ấy đã được thành tựu cho trẫm. ‘Ước gì đức Thế Tôn ấy thuyết giảng Giáo Pháp cho ta!’ Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ tư của trẫm; giờ đây điều ấy đã được thành tựu cho trẫm. ‘Ước gì ta có thể hiểu được Giáo Pháp của đức Thế Tôn ấy!’ Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ năm của trẫm; giờ đây điều ấy đã được thành tựu cho trẫm. Bạch ngài, trước đây khi còn là hoàng tử, trẫm đã có năm điều ước nguyện này; giờ đây các điều ấy đã được thành tựu cho trẫm.
7. Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, trẫm đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận trẫm là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời trẫm về bữa thọ trai vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu. Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng.
VIDEO BỘ TRANH CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT – ĐỨC PHẬT TẾ ĐỘ VUA BIMBISĀRA