Nội Dung Chính
171/10 Quốc Lộ 1A, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Website: www.phatgiaonguyenthuy.com
www.phatgiaonguyenthuy.net
Email: [email protected]
Quản sự: Tỳ khưu Minh Tấn. ĐT: 0903 870 370.
LỊCH SỬ CHÙA BỬU QUANG (RATANARAṄSYĀRĀMA)
Chùa Bửu Quang còn được gọi là Tổ đình Bửu Quang, là ngôi chùa đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển Phật giáo Theravāda tại Việt Nam. Ngôi chùa được hình thành do lời hẹn ước của đôi bạn tâm giao là Đốc công Nguyễn Văn Hiểu và Bác sĩ Thú y Lê Văn Giảng khi có cùng chung một tâm nguyện phát triển đạo pháp Nguyên Thủy tại Việt Nam. Cách đây hơn 81 năm, ông Giảng đi Cambodia, ở tại một ngôi chùa thuộc tỉnh Kim Biên, khảo cứu kinh sách, học môn thiền định; ông Hiểu ở lại quê nhà, phụ trách phần việc kiếm chỗ thanh tịnh trong vùng Sài Gòn – Gia Định dựng một ngôi tịnh xá làm nơi hoằng Pháp. Khi biết được tin bác sĩ Giảng có chí nguyện xuất gia, các ông Nguyễn Văn Hiểu, Nguyễn Văn Quyến và Văn Công Hương lập tức vào Chợ Lớn tìm đất xây chùa nhưng không tìm được chỗ nào thích hợp. Sau đó, ba người lên Gò Dưa, Thủ Ðức, tìm được một khu đất rất thích hợp để xây chùa, vì địa điểm không xa thành phố mà cũng không gần thành thị, với khu rừng dầu rất yên nhàn. Ðược biết đất này của bà Cả và của ông Xã trưởng Bùi Ngươn Hứa, họ đến gặp hai ông bà để thương lượng giá cả tiến hành việc xây dựng chùa. Nhận thấy ba người này có thiện tâm lo việc chùa chiền, ông bà rộng lòng cho họ khai phá 3 hecta đất để xây chùa mà không cần phải trả tiền. Ông bà chỉ làm giấy bán đất với giá 1 đồng danh dự. Trước nghĩa cử cao đẹp của ông bà chủ đất, cụ Hiểu và những người bạn đạo rất cảm kích, và chính nghĩa cử này giúp họ gia tăng đức tin Phật pháp nhiều hơn nữa.
- Vài nét lịch sử
Năm 1938, tại Gò Dưa, làng Tam Bình, Q. Thủ Đức, ông Hiểu cho xây cất một ngôi chùa lá và tám tịnh thất theo kiểu nhà sàn của người Cambodia để chư Tăng cư ngụ. Ngày Rằm tháng 10 năm 1938, làm lễ an vị Phật có Làng, Tổng, Quận và Ban Tịnh độ Thủ Đức tham dự. Đây là mốc lịch sử đánh dấu ngày thành lập chùa, ngôi chùa đầu tiên của hệ phái Nam tông Kinh.
Theo biên bản Đại hội bất thường của Ban Quản trị Hội Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam (Theravāda) và Tín đồ Bửu Quang tự, chi nhánh của Hội, tại xã Tam Bình, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, ngày 7 tháng 1 năm 1966, theo lời yêu cầu của ông Bùi Ngươn Hứa (Chi hội Trưởng Bửu Quang), Ban Quản trị Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam (Theravāda) cùng Tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy địa phương lập một phiên Đại hội bất thường tại chùa Bửu Quang để cử một vị đại diện đứng tên mua lô đất dâng cho chùa Bửu Quang do gia đình ông Bùi Ngươn Hứa và bổn đạo đã chung nhau tạo lập trên các thửa đất ấy từ năm 1939. Ông Nguyễn Văn Hiểu là Hội trưởng Ban Quản trị Hội Phật giáo Nguyên Thủy thay mặt cho Hội và Tín đồ chi nhánh địa phương ký giấy tờ mua bốn lô đất theo sổ bộ lúc bấy giờ tọa lạc tại xã Tam Bình, tờ thứ 2, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định với tổng diện tích 1 mẫu 37 sào (khoảng 13.700 m2). Sự mua bán này ưng thuận và nhận chịu với giá tượng trưng là Một đồng bạc để cúng dường cho ngôi Tam bảo, làm của chung vĩnh viễn cho Phật giáo Nguyên Thủy.
Thời gian sau đó, ngày 10 tháng 8 năm 1964, cụ Nguyễn Văn Hiểu thay mặt cho tín đồ mua lại đất của các cháu ông Bùi Văn Nội được thừa kế với giá 20.000 đồng, có diện tích 2 mẫu 19 sào, 50 cao. Ngày 9 tháng 5 năm 1966, ông Nguyễn Văn Hiểu mua thêm phần đất của ông Đoàn Văn Thới và bà Nguyễn Thị Láng có diện tích 1 mẫu 80 sào 50 cao với giá 5.000 đồng bạc Việt Nam.
Ngày 15-4-1940, lễ lạc thành và kết giới sīmā do Tỳ khưu Thiện Luật, Tỳ khưu Huệ Nghiêm và đạo tràng Phật tử Nguyễn Văn Hiểu tổ chức. Buổi lễ có sự chứng minh của Phó Sãi Vương Campuchia, Hòa thượng Som Dach Choun Nath và 30 vị tỳ khưu Khmer tham dự. Sau đó, lễ trồng cây Bồ Đề do Quốc vương Campuchia hiến cúng.
Ngày 15-10-1940, bác sĩ Lê Văn Giảng xuất gia với Phó Tăng Vương Chunat tại chùa Unalom, Campuchia, pháp danh Hộ Tông, truyền bá Chánh pháp như đã nguyện. Ngài trụ trì chùa Bửu Quang từ năm 1940 đến năm 1944.
Năm 1945, thực dân Pháp xâm lược Sài Gòn, tín đồ Gò Dưa tản cư, giao phó trách vụ trông nom chùa cho hai vị cư sĩ là ông cả Ngưu ở Phú Nhuận và ông Giáo Vương Văn Thêm. Do hằng ngày bị bố ráp, khắc khổ quá, nên hai ông phải lìa bỏ chùa Bửu Quang; ông Cả trở về Phú Nhuận, ông Giáo về Bình Đông cất cốc tu hành, sau này là Trụ trì chùa Giác Quang.
Năm 1947, giặc Pháp phá chùa, dỡ lấy ngói, gạch, đốn cây, lấy chùa làm phòng tuyến.
Năm 1951, tình hình tạm yên, Tỳ khưu Hộ Luật về trụ trì đến năm 1954.
Khi đó, tín đồ Bửu Quang và Kỳ Viên hiệp nhau cất lại ngôi Tổ đình Bửu Quang, đến ngày 22 tháng 11 năm 1953, cung nghinh Xá lợi về chùa và làm lễ khánh thành rất long trọng, có nhà cầm quyền hành chánh và quân sự giúp sức tổ chức. Khánh thành rồi, có sư Giáo… Thiện Nghiệp, Thiện Tấn về ở một hạ đầu.
Năm 1954, Tỳ khưu Ẩn Lâm về trụ trì đến năm 1959. Qua hạ thứ hai, vào tháng 10 năm 1955, nhân dịp Lễ dâng y do con Tỳ khưu Hộ Tông tổ chức, ngài Hộ Tông đến chứng minh và ở luôn lo việc cất tịnh thất, lập trường thiền định.
Năm 1959-1981, Tỳ khưu Pháp Tịnh trụ trì.
Năm 1981, Tỳ khưu Thiện Quang kế thừa, trùng tu, trụ trì đến năm 1988 viên tịch.
Năm 1989, Thượng tọa Sán Nhiên thay Tỳ khưu Thiện Quang trụ trì đến năm 1990.
Năm 1990, Thượng tọa Thiện Nghiêm trụ trì đến năm 2001.
Tháng 2-2002, sau phiên họp nộp bộ, hệ phái quyết định thành lập Ban Quản trị chùa Bửu Quang gồm có các Vị:
– Trưởng Ban Quản trị: TT. Thích Thiện Tâm
– Phó Ban Quản trị: TT. Thích Minh Giác
– Thư ký kiêm Quản sự: ĐĐ. Thích Thiện Minh
– Kiểm soát: ĐĐ. Thích Thiện Nhân, ĐĐ. Thích Pháp Chất.
Ngày 07 tháng 02 năm 2002, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP HCM ra quyết định số 069/QĐ.THPG chuẩn y về việc thành lập Ban Quản trị chùa Bửu Quang do HT. Thích Trí Quảng ký.
Ngày 29 tháng 01 năm 2003, tại chánh điện Tổ đình Phật giáo Nam tông, Bửu Quang tự, mở phiên họp về việc Ban Quản trị Tổ đình Bửu Quang đề cử Đại đức Thiện Minh – Thư ký Ban Quản trị – chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành mọi sinh hoạt Phật sự tại Tổ đình Bửu Quang. Kể từ ngày đó, ĐĐ. Thiện Minh chính thức về chùa Bửu Quang cư ngụ và điều hành.
Ngày 15 tháng 06 năm 2003, cử hành lễ bổ nhiệm, ra mắt Ban Quản trị chùa Bửu Quang với sự tham dự chứng minh của Chư tôn đức giáo phẩm thành phố và quận Thủ Đức, chính quyền quận và địa phương cùng đông đảo chư Phật tử.
Ngoài những chương trình sinh hoạt về Phật giáo, phát triển đời sống tâm linh của người dân, Tổ đình Bửu Quang còn là nơi bảo trợ, chăm lo cho đời sống của người dân nghèo. Ngày 09 tháng 03 năm 2004, thành lập Chi hội Từ thiện Hương Minh Hiểu. Trong quá trình hoạt động, Chi hội Từ thiện Hương Minh Hiểu đã có những đóng góp tích cực cho xã hội như tặng quà cho người nghèo, nấu ăn và cung cấp những suất ăn miễn phí hằng ngày cho các bệnh viện tại địa phương.
Năm 2007, Trung tâm sách kỷ lục công nhận chùa Bửu Quang là ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy, Theravāda đầu tiên ở Việt Nam.
Ngày 28 tháng 05 năm 2010, chính thức thành lập Tạp chí Phật Giáo Nguyên Thủy theo Giấy phép hoạt động báo chí số 760/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp quyết định, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn ký. Tòa soạn Tạp chí Phật Giáo Nguyên Thủy đặt tại chùa Bửu Quang. HT. Thiện Tâm làm Tổng Biên tập, TT. Bửu Chánh và TT. Thiện Minh làm Phó tổng Biên tập.
Tháng 5-2016, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, xác nhận chùa Bửu Quang là “Ngôi Chùa Phật giáo Nam tông Việt Đầu Tiên Ở Việt Nam”.
Ngày 08-07-2016, Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam xác nhận chùa Bửu Quang là ngôi “Việt Nam Linh Thiêng Cổ Tự”.
Ngày 26/10/2017, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cấp sổ đỏ tôn giáo cho chùa Bửu Quang. Ông Nguyễn Toàn Thắng (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) ký tên và đóng dấu. Đất chùa có diện tích 21.488,7 m2.
- Kiến trúc
Chùa ban đầu chỉ là ngôi nhà lá đơn sơ cùng một số liêu thất kiểu nhà sàn. Năm 1939, nhận thấy nhu cầu cần thiết về đào tạo các vị Sa di tu học Giới luật và đọc kinh kệ cho thông thạo, Ban Hộ tự lại tiếp tục xây thêm một phòng học làm nơi tu học của các vị Sa di.
Ðến năm 1940, cụ Nguyễn Văn Hiểu phát tâm bán căn nhà riêng của mình, dùng phân nửa số tiền bán nhà để xây lại chùa Bửu Quang bằng ngói gạch theo lối kiến trúc rất đặc biệt, kết hợp và biến cách theo các loại kiến trúc Khmer, Tây và Tàu thành ra một loại kiến trúc rất Việt Nam. Ngày nay chúng ta vẫn còn nhìn thấy loại kiến trúc này ở Thích Ca Phật Ðài (Vũng Tàu). Ðồng thời, cụ cũng xây một tăng xá ba lầu bằng ngói gạch cho chư Tăng trú ngụ. Phân nửa số tiền còn lại, cụ dùng để mua đất làm ruộng, thâu huê lợi cho chùa. Chùa Bửu Quang ngày nay không phải là kiến trúc thời của cụ Nguyễn Văn Hiểu xây dựng, vì năm 1947 chùa bị giặc Pháp tàn phá. Sau chiến tranh, anh em cư sĩ ở đó đi xin vật liệu cất lại chùa.
Thời gian trôi qua nhanh, do cuộc biến chuyển thăng trầm của lịch sử, chùa được xây dựng và trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ lại nét đơn sơ, mộc mạc của khu rừng dầu và những căn phòng ở có gác gỗ biệt lập, đơn giản. Sau năm 2003, khi ĐĐ. Thiện Minh về quản lý, chùa bắt đầu xây dựng ni viện 35 phòng theo dạng dãy nhà cấp 4. Nhìn chung, các công trình xây dựng trong giai đoạn này đều đơn giản và căn bản, như có chánh điện, tăng xá, phòng học, ni viện, bếp ăn, phòng khách, Phật cảnh Níp-bàn, tượng chư Thiên, Phật cảnh đi bát, Phật cảnh Bồ đề.
Ngày 26 tháng 10 năm 2008, khánh thành thư viện Phật Giáo Nguyên Thủy và giảng đường Abhidhamma là tòa nhà một lầu có diện tích 7×20 m. Thư viện Phật Giáo Nguyên Thủy có trên 9.000 đầu sách, chuyên ấn tống các loại kinh sách và băng đĩa Phật giáo. Giảng đường Abhidhamma do Tu nữ Quang Giới là thí chủ chính thức xây dựng nên. Đây là ngôi giảng đường chuyên dạy về Abhidhamma do Tỳ khưu Giác Tuệ (thế danh Nguyễn Đức Tài) đứng lớp; lớp dạy Pāli do Cư sĩ Ngộ Đạo (thế danh Nguyễn Tấn Đỉnh) phụ trách. Ngoài ra, ngôi giảng đường này còn là nơi diễn ra các cuộc hội thảo về Phật pháp.
Năm 2010, TT. Thiện Minh cho sửa sang và nới rộng chánh điện. Chánh điện hiện tại có diện tích 22 x 15m. Sau lưng chánh điện là văn phòng tòa soạn Tạp chí Phật Giáo Nguyên Thủy.
Năm 2014, khánh thành bảo tháp 2 tầng. Tầng trên cùng tôn trí thờ di ảnh Chư tôn đức tăng. Tầng 1 thờ di ảnh, cốt của tu nữ và Phật tử. Tầng trệt là nhà tang lễ.
Từ năm 2017 – 2019, chùa có những đợt trùng tu do Công ty giày Thái Bình và Đạo tràng Giác Bảo Hoa tài trợ chính như: xây dựng quảng trường Phật lớn để tổ chức các buổi lễ ngoài trời, xây tháp Mít Nài, Phật Níp-bàn, khu vực Bồ đề Phật cảnh theo kiểu kiến trúc mang phong cách Thái Lan.
- Những lễ hội
Tổ đình Bửu Quang khi mới được thành lập là nơi để tu học giáo lý và thực hành thiền. Theo thời gian, khi Phật giáo Theravāda đã lan truyền rộng rãi, nơi đây trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đậm nét truyền thống. Mỗi ngày có hai thời công phu sáng, chiều vào lúc 5h và 17h. Mỗi tháng có hai buổi sám hối, thuyết pháp vào ngày 14 và 29. Tại đây có những lớp giáo lý dạy Kinh, Luật, Vô Tỷ Pháp tại giảng đường, dạy thiền vào mỗi tuần, hay khóa thiền Tứ niệm xứ một ngày vào mùng 8 hàng tháng.
Ngoài ra, chùa Bửu Quang có những lễ hội để cho Phật tử quy tụ về tham gia tụng kinh, nghe Pháp, làm phước, đặt bát như sau:
- Mùng 1 tết, họp mặt đầu năm và lễ đặt bát hội.
- Ngày 14 tháng giêng, Lễ hội Rằm tháng Giêng theo truyền thống Việt Nam và kỷ niệm Đại hội Thánh tăng theo truyền thống Phật giáo.
- Ngày 14 tháng 4, Đại lễ Vesak.
- Ngày 14 tháng 6, lễ Dâng y tắm mưa.
- Ngày 14 tháng 7, khai mạc lễ An cư Kiết hạ và Vu Lan báo hiếu.
- Ngày 20 tháng 9, bế mạc lễ An cư Kiết hạ và Đại lễ Dâng y Kaṭhina.
- Ngày 24 tháng chạp, lễ giỗ cốt.
- Những đời trụ trì và quản lý
Ban Quản trị Hội Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam thời kỳ ban đầu gồm:
- Hội trưởng: Nguyễn Văn Hiểu
- Phó Hội trưởng: Đàng Văn Ngộ, Trần Văn Nhân
- Tổng Thư ký: Nguyễn Hạp
- Phó Thư ký: Nguyễn Tư Thiện, Phạm Kim Khánh
- Chánh Thủ quỹ: Huỳnh Công Yên
- Phó Thủ quỹ: Vương Thị An
- Kiểm soát: Tôn Thất Thiệp
- Cố vấn: Đỗ Văn Trà, Trương Văn Bông
Ban Quản trị thuộc chi nhánh của Hội tại Bửu Quang tự, do ông Bùi Ngươn Hứa là Chi Hội trưởng Bửu Quang.
Từ ngày thành lập chùa đến nay đã 81 năm, chùa Bửu Quang đã trải qua 9 đời trụ trì và quản lý.
Năm 1939, Tỳ khưu Thiện Luật là vị Sa môn đầu tiên trụ trì ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy.
Năm 1940 – 1944, Tỳ khưu Hộ Tông trụ trì.
Năm 1951 – 1954, Tỳ khưu Hộ Luật trụ trì.
Năm 1954 – 1959, Tỳ khưu Ẩn Lâm trụ trì.
Năm 1959 – 1981, Tỳ khưu Pháp Tịnh trụ trì.
Năm 1981 – 1988, Tỳ khưu Thiện Quang trụ trì
Năm 1989 – 1990, Tỳ khưu Sán Nhiên trụ trì.
Năm 1990 – 2001, Tỳ khưu Thiện Nghiêm trụ trì.
Tháng 2 năm 2002, Quyết định thành lập Ban Quản trị chùa Bửu Quang. Từ năm 2003 – 2018, Tỳ khưu Thiện Minh được ban Quản trị suy cử làm Thư ký kiêm Quản sự về Tổ đình Bửu Quang quản lý và điều hành mọi công việc tại đây.
Ngày 21 tháng 7 năm 2018, Thư ký kiêm Quản sự chùa Bửu Quang, Thượng tọa Thích Thiện Minh viên tịch.
Mùa hạ năm 2018, Đại đức Minh Tấn về nhận chức quản chúng lâm thời thay TT. Thiện Minh điều hành hoạt động tại chùa dưới sự chỉ đạo của Ban Quản trị.
Ngày 29 tháng 9 năm 2019, Ban Quản trị họp kiện toàn nhân sự Ban Quản trị Chùa Bửu Quang và gửi đơn Đề xuất danh sách thành phần nhân sự Ban Quản trị nhiệm kỳ mới đến Ban Trị sự thành phố. Ngày 8 tháng 10 năm 2019, Ban Trị sự Thành phố cấp Quyết định Chấp thuận Thành phần Nhân sự Ban Quản trị Chùa Bửu Quang, nhiệm kỳ 2019 – 2022 do HT Thích Trí Quảng – Trưởng Ban Trị sự – ký tên và đóng dấu
Hiện nay, tại chùa Bửu Quang có khoảng 80 vị đang cư ngụ. Chư Tăng có 38 vị. Tu nữ có 42 vị.