LỜI GIỚI THIỆU

Ông Khương Thái Công nói: “Nhân bất thông kim cổ như mã cấm cứ” không biết có quá đáng chăng. Theo tôi, người Phật tử không biết lịch sử PG  là một thiếu sót lớn. Và tìm hiểu lịch sử PG mà không được đọc tài liệu lịch sử  chính xác nói về PG lại là một thiếu sót lớn hơn.

Bộ “Phật Giáo Sử”  (Buddhasāsanapavatti) nguyên bản Thái văn của ngài Thitañaṇa Thero biên soạn rất công phu, lại được sư Giác Nguên phiên dịch rất cẩn thận. Dù phiên dịch chỉ là “y dạng hồ lô” nhưng qua văn phong, văn khí của dịch giả, ta có cảm giác bộ “Phật Giáo Sử” là do người Việt Nam viết. Nói cách khác, bằng tài năng đặc biệt (so với tuổi của người dịch lúc dịch bộ sách này) dịch giả đã làm sáng tỏ bản sắc của bộ “Phật Giáo Sử” và có thể nói, Sư Giác Nguyên là một trong những thiên tài trong ngành dịch thuật của Phật Giáo Nam Tông (nói riêng) và Phật Giáo Việt Nam (nói chng) hiện nay.

Bộ “Phật Giáo Sử”  có khả năng làm giáo khoa thư Phật Học Việt Nam, nó có mốc lịch sử nhân loại rõ ràng, có cơ sở khoa học (kiểm nghiệm được); tài liệu đầy đủ mà không rườm ra, thiết thực cụ thể mà không đến độ tầm thường, có triết lý nhưng không huyền hoặc, có phân biệt quan điểm rõ rệt từng hệ phái nhưng không tự tán hủy tha… Tác giả đã làm đúng tinh thần trách nhiệm của một sử gia và dịch giả đã xứng đáng là bạn đồng hành của tác giả.

Bộ “Phật Giáo Sử”  rất có giá trị và hữu ích cho Tăng Sinh Phật học các cấp, cũng là tài lệu đáng tin cậy cho các học giả chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp muốn nghiên cứu về lịch sử Phật giáo, nhất là chư tăng, Phật tử, nên có quyển “Phật Giáo Sử” này bên mình để tiện lợi cho việc tu học. “Thư thị sư bất năng ngôn” là thế.

Xin trân trọng giới thiệu bộ “Phật Giáo Sử” đến chư tăng, Phật tử trong và ngoài nước

Biên Hòa, ngày 19/3/1998

Thượng Tọa Giác Chánh

Trưởng Ban Văn Hóa Phật Giáo

Tỉnh Hội Đồng Nai

 

LỜI NGƯỜI DỊCH

Có người cho rằng trước khi tìm hiểu đạo Phật phải biết qua lịch sử đạo Phật, rồi cũng có ý kiến cho là sau khi đã thành một Phật tử hay một người nghiên cứu đạo Phật thì chút ít kiến thức về lịch sử đạo Phật luôn là điều cần thiết…

Ý kiến nào cũng có cái lý riêng nhưng nhìn chung thì kiến thức về lịch sử đạo Phật không thể bị lơ là đối với bất cứ ai muốn nhìn về đạo Phật một cách nghiêm túc.

Cuốn “Phật Giáo Sử” đã được chuyển ngữ từ năm 1989 nhưng do thiếu điều kiện nên chưa được ấn hành. Suốt mấy năm sau đó, người dịch cố chờ đợi một nhân duyên nhằm thực hiện việc này để rồi lại bắt gặp mấy bản dịch về lịch sử đạo Phật của các soạn giả lừng danh như Tịnh Hải pháp sư, Thánh Nghiêm pháp sư (Đài Loan)… Chúng tôi bỗng nhiên nhận thấy bản dịch của mình, dù từ một công trình nghiên cứu của tác giải khác, đã trở nên thừa thãi.  Đây không phải chỉ là trường hợp của riêng cuốn “Phật Giáo Sử” này mà còn là của các dịch phẩm khác như cuốn “Ngõ vào Nội tại” (dịch từ phần hai của bộ Thanh Tịnh Đạo bản tiếng Thái). Dịch xong, chưa kịp ấn hành lại đã va đầu vào bản dịch của các tiền bối như Ni Sư Thích Nữ Trí Hải. Đúng là dở khóc dở cười!

Cũng may, Đại đức Giác Chánh (vốn là lệnh sư cửu đồng thời cũng là ân sư của chúng tôi) sau khi đọc xong tất cả bản dịch của các công trình nghiên cứu vừa được nhắc tới trên đây đã bật cười trước nỗi băn khoăn của chúng tôi:

“Mỗi công trình có một góc độ nghiên cứu riêng. Trăm hoa đua nở dù sao vẫn hay hơn một vài khóm hoa được vun xén một  cách thiên vị, chưa nói là lệch lạc!”

Chính nụ cười đó của Đại đức đã giúp chúng tôi cái can đảm cho ra mắt dịch phẩm này.Và cũng chính nhờ câu nói của Đại đức, chúng tôi đã bình tỉnh ngồi đọc lại bản dịch của mình rồi so sánh sự sai biệt giữa các công trình cùng loại để tự đưa ra các nhật xét:

Các công trình biên khảo về Phật Giáo Sử xưa nay ở Việt Nam của các tác giả Trần Văn Giáp, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Lang, Nguyễn Duy Cần, Lê Mạnh Thát… ngoài lịch sử Phật Giáo Việt Nam (chủ yếu là hệ phái Bắc Truyền), phần còn lại là Phật Giáo Sử của các xứ Nhật, Tàu, Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng, lại cũng là về lịch sử Phật Giáo Bắc Truyền, trong khi ai cũng hiểu rằng Phật Giáo thế giới hiện nay luôn được kể thành hai nhánh chính: Nam Truyền và Bắc truyền.

Lịch sử Phật Giáo Nam Truyền do người Việt viết một cách nghiêm túc, chỉ có nhiều lắm là hai ba trăm trang, góp nhặt chắt chiu từ hai tập Chọn đường Tu Phật của Trùng Quang cư sĩ và vài ba bài viết của Phạm Quỳnh (mà cũng có lẽ dựa vào lập trường nghiên cứu của Lương Khải Siêu cộng với các sách Tây)

Các bản dịch tiếng Việt về Phật Giáo Sử thế giới tuy có nhắc tới  Phật Giáo Sử Nam Truyền, nhưng thật lạ lùng, khó hiểu khi chẳng hề nhắc tới một cách rõ ràng, trung thực, các sự kiện lịch sử quan trọng như vấn đề Mahādeva khởi lập Đại Chúng Bộ cùng quan điểm tư tưởng của các tông phái Phật Giáo vào thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch.

Chúng tôi không tiện nói đó là những thiếu sót, thiên vị… chỉ lấy làm tiếc và nghe buồn vẩn vơ…

Không dám đánh giá công trình nghiên cứu mà mình phiên dịch, chúng tôi không có được cái tư cách, thẩm quyền đó nhưng chỉ mong vườn hoa Chánh Pháp có càng nhiều càng tối những hoa cỏ mà thật ra chúng có quyền góp mặt.

Xin thay mặt tất cả Phật Giáo Đồ độc giả, nghiêng mình thâm tạ nụ cười cùng tổn phí ấn hành của Đại đức Giác Chánh dành cho bản dịch này cũng như không quên tín tâm pháp thí của chư Phật tử luôn hướng về các dịp ấn hành Kinh điển vì sự tồn vong của Phật Giáo hôm nay và ngàn sau.

Nguyện cầu tất cả chúng sanh sớm thành Phật đạo.

Tố Phương Liêu, Xuân 1997

Sa di Giác Nguyên

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app