Nalanda mới (Nalanda Mahavihara)

“Với núi dài, đồng rộng, hố sâu thẳm,
Người giữ gìn tăng trưởng Bồ-đề tám.
Chân thành ta cảm ơn người.
Và mong được sống bên người muôn năm. (T.C.)

Mục đích thành lập

Nalanda mới là Viện nghiên cứu Pàli và Phật học, không chỉ cho Ấn Ðộ mà cho cả nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước ở Ðông Nam Á. Người đề xướng và theo dõi công việc thành lập là Ðại đức Kassapa. Cố Tổng thống Dr. Rajendra Prasad làm lễ đặt đá cho khu nhà đầu tiên vào ngày 19 tháng 11 năm 1951. Phó tổng thống Dr. S. Radhak-Rishnam, Thủ tướng Nehru cũng đến thăm Nalanda.

Trong buổi lễ đặt đá, cố Tổng thống R. Prasad có nói: “Muốn làm sống lại cái quá khứ sáng chói của Nalanda, một trung tâm học vấn của thế giới, Chánh phủ Bihar xây dựng Nalanda mới để giúp các học giả đi sâu vào ngôn ngữ Pàli và Sanskrit, văn chương và triết học Phật giáo. Chúng tôi hết sức tán thành sáng kiến cao đẹp ấy. Tên Nalanda đã ghi những dòng chữ vàng trong quyển lịch sử của đất nước chúng ta; không những nó đã làm nẩy nở rất nhiều bông hoa tư tưởng ở tại quốc nội, mà đã là trung tâm từ đó nền giáo dục tốt đẹp đã truyền rộng ra các nước trên thế giới”.

Qua những lời của cố Tổng thống R. Prasad, chúng ta thấy người Ấn Ðộ rất hãnh diện về Nalanda trong quá khứ. Do đó họ cố gắng thành lập Nalanda mới. Trong quyển giới thiệu Nalanda mới có ghi:

  1. Thiết lập tại Nalanda một Ðại học viện theo lối Vihàra (trong đó người dạy và người học sống chung với nhau, kính mến lẫn nhau, để theo dõi công việc nghiên cứu cao đẳng) cho sự thăng tiến công việc nghiên cứu ngôn ngữ Pàli, văn chương và Phật học qua chữ Phạn, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bổn và các ngôn ngữ khác ở Á châu.
  2. Tổ chức một thư viện tân thời đầy đủ kinh sách Phật giáo bằng chữ Pali, Sanskrit và các ngôn ngữ khác, bằng những bản in hoặc bằng bối diệp, gồm những tác phẩm mới xuất bản và tác phẩm nghiên cứu bằng Pali và Phật học cũng như các học thuyết mới, để giúp cho sự so sánh và nghiên cứu được dễ dàng.
  3. Thiết lập nơi an trú cho sinh viên tu sĩ và học giả cư sĩ thông bác nền cựu học và giúp họ quen thuộc với lối học ngày nay, lối học nghiên cứu và so sánh. Thâu nhận sinh viên tốt nghiệp ở các Ðại học được thừa nhận và huấn luyện họ theo chương trình cao đẳng và hướng dẫn họ nghiên cứu Phật học được ghi chép bằng Pali, Sanskrit và ngôn ngữ khác, làm cho họ quen thuộc với sự sâu sắc của nền cổ học.

Với mục đích hay đẹp ấy, Nalanda mới đã tiếp nhận rất nhiều sự tán thành và ủng hộ của nhiều nước Phật giáo. Chính phủ Tây Tạng đã sai một Ðại sứ từ Lhasa mang về tặng đầy đủ Tam tạng kinh điển bằng chữ Tây Tạng và rất nhiều tượng Phật. Chính phủ Thái Lan và Hội Phật giáo Nhật Bản gửi tặng rất nhiều kinh sách có giá trị. Chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ trên 10.000 Dollars để trang bị thư viện, hội Phật giáo Trung Hoa tặng Tam tạng kinh điển bằng chữ Hán. Chính phủ Trung Hoa và trung ương Ấn Ðộ giúp tiền xây dựng một thư viện và những phòng nghiên cứu rất qui mô.

Vị trí Nalanda mới

Nalanda mới tọa lạc trên vùng đất rộng rãi, cách Nalanda cũ bởi hồ Indra đầy sen về mùa hè, nước xanh về mùa thu. Bối cảnh của nó là núi Vương Xá bao quanh. Nalanda nằm giữa đường Patna – Bồ-đề Ðạo-tràng và cách Vương Xá độ 10 cây số. Chương trình kiến thiết hiện đang được tiếp tục. Hiện nay không kể khu cư xá của Viện trưởng. Giáo sư và sinh viên trường. Nalanda mới hiện có hai khu nhà rất rộng lớn: một gồm nhà ở, nơi ăn, phòng họp chung cho các Tăng và học giả ngoại quốc, một thư viện, thính đường gồm văn phòng và các phòng nghiên cứu. Tuy xa phố phường (cách Patna, thủ đô của tiểu bang Bihar gồm 40 triệu dân số, độ 80 cây số), Nalanda vẫn có đủ tiện nghi như: điện nước, xe hỏa, xe bus, xe taxi… không khí ở đây trong sạch an lành, cảnh trí thanh tịnh trang nghiêm, thi vị, rất thích hợp cho sự tu học nghiên cứu và đời sống giải thoát, xung quanh còn có một tàng cổ viện, chứa nhiều di tích Phật giáo và chùa kỷ niệm ngài Huyền Trang.

Nội dung

– Thư viện: Nói đến một Viện Nghiên cứu, người ta nghĩ ngay đến thư viện. Tuy mới thành lập trong khoảng 12 năm, thư viện Nalanda đã thâu góp được một số sách có giá trị gần 40.000 tập đủ các bộ môn văn chương và triết học bằng nhiều thứ chữ: Pali, Sanskrit, Hindi, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ðức, Thái Lan, Miến Ðiện, Cam Bốt…. có thể nói đây là một thư viện về cổ ngữ và Phật học lớn nhất ở Ấn Ðộ.

– Ban giáo sư: Vị Viện trưởng hiện tại của Nalanda là Tiến sĩ Mookejree, một học giả hữu danh về Sanskrit và luận lý học. Ban giáo sư gồm có nhiều vị Tiến sĩ (Ph.D) và thạc sĩ (M.A) người Ấn Ðộ, Tích Lan, Nhật Bản, Tây Tạng. Năm nay, Chính phủ thể theo lời của ngài Viện trưởng mời Thượng tọa Minh Châu dạy về Pali và đạo Phật. Nhiều vị giáo sư khác sẽ được mời thêm trong niên khóa mới.

– Học giả và sinh viên: Ngoài một số đông học giả và sinh viên người Ấn, Nalanda còn có học giả và sinh viên của nhiều nước đang theo học như: Ðức, Nhật Bản, Việt Nam, Hồi Quốc, Thái Lan, Miến Ðiện, Cam Bốt, Lào, Tây Tạng…. Nalanda có tính cách một học viện hơn là một tu viện. Tuy thế, đời sống sinh viên ở đây khác hẳn các nơi khác. Phần lớn, học giả và sinh viên ngoại quốc ở đây là tu sĩ nên cuộc sống rất giản dị và thanh tịnh. Hội Phật giáo Nalanda mà Thượng tọa Minh Châu là Chủ tịch giúp đỡ một phần lớn cho đời sống tinh thần của sinh viên. Theo thiển ý, ngoài Nalanda có lẽ khó mà tìm được một nơi nào khá thuận tiện cho sự tu học của sinh viên, tu sĩ. Hơn nữa Nalanda là trường của Chính phủ chứ không phải thuộc một môn phái nào nên đời sống tu hành, tư tưởng của sinh viên, tu sĩ không bị xáo trộn.

– Chương trình giáo dục: Chương trình giáo dục Nalanda chỉ dành riêng cho sinh viên cao đẳng và học giả nghiên cứu. Pa là môn học chính cho những lớp cao đẳng, gồm có bốn ban:

  1. Ban A: Văn chương.
    2. Ban B: Luận học (Abhidhamma)
    3. Ban C: Lịch sử và Bia ký.
    4. Ban D: Ðại thừa Phật giáo, gồm có luận lý học, nhận thức học và siêu hình học.

Vì có nhiều sinh viên ngoại quốc cho nên Anh ngữ được dùng để giảng giải, trong tất cả các lớp, trừ kỳ thi Acariya Pali (Master of Pali), phải viết hoàn toàn bằng Pali, còn kỳ thi M.A có thể viết bằng Pali, Hindi, hay Anh ngữ.

Ngoài ra viện còn mở những lớp dạy Hindi, Sanskrit, Anh ngữ, Tây Tạng, Trung Hoa và Nhật Bản. Với sinh viên ngoại quốc, Hindi là sinh ngữ bắt buộc.

Về học giả nghiên cứu thì có những Giáo sư chuyên môn hướng dẫn. Luận án Tiến sĩ phải được viết với những luận đề có tương quan với Phật học bằng một trong những thứ chữ Anh, Hindi và Pali.

Phải nói thêm rằng Nalanda là nơi khai triển giáo hệ Ðại thừa, nên Phật giáo Ðại thừa ở Tây Tạng, Népal, Trung Hoa, Việt Nam, Cao ly, Nhật Bản, Cam Bốt, Thái Lan, Lào…. trong thời kì Phật giáo mới truyền vào cũng đều chịu ảnh hưởng của các giáo hệ được khai triển tại Nalanda.

Các vị tổ sư như ngài Long Thọ, Ðề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Hộ Pháp, Giới Hiền… của các giáo hệ Ðại thừa như Không tôn, Trung luận tôn, Duy thức tôn,.. là Viện trưởng hay Giáo sư của Nalanda cũ. Những vị có công trong việc dịch thuật và khai triển Ðại thừa ở Trung Hoa như ngài Cưu Ma La Thập, Chơn Ðế, Huyền Trang… đều thụ giáo ở Nalanda cũ. Nhưng ngày nay thì cơ duyên thay đổi. Chư Tăng các xứ Nam Tông đông hơn Bắc Tông và các giáo sư cũng rành Phật giáo Nam Tông hơn. Do đó, giáo hệ Ðại thừa chưa được giảng dạy tích cực ở đây. Chỉ có Thượng tọa Minh Châu, một giáo sư và một học giả Nhật, nghiên cứu Ðại thừa mà thôi, các vị Lạt-ma Tây Tạng cũng đang học Sanskrit thuộc Ðại thừa giáo. Thầy Thiện Châu và thầy Huyền Vi là số ít nên phải theo số đông và hai thầy cũng muốn học Pali và tìm hiểu giáo hệ Nam tông. Theo Thượng tọa Minh Châu thì nếu hiểu rõ giáo hệ Nam tông, chúng ta mới có thể thông suốt được những giáo lý cao rộng của Ðại thừa.

Một vài thành quả

Tuy Nalanda mới được xây dựng sau khi Ấn Ðộ thâu hồi độc lập, trong thời gian không bao lâu, nhưng nhờ danh thơm của Nalanda cũ, nên hầu hết các học giả trên thế giới đều biết và khi có dịp đến thăm Ấn Ðộ là họ đến thăm Nalanda mới. Do đó, sinh viên Nalanda cũng tiếp nhận được nhiều luồng tư tưởng mới lạ. Hơn nữa, Tam Tạng kinh điển gồm 42 bộ và những tập nghiên cứu có giá trị của toàn thể giáo sư, học giả Nalanda được Chính phủ ấn hành dưới sự quản đốc của Ấn loát vụ Nalanda và có gửi tặng các thư viện lớn trên thế giới. Nhờ vậy Nalanda được nhiều người biết đến và được xem như là trung tâm nghiên cứu Phật giáo duy nhất ở Ấn Ðộ, sau gần 10 thế kỷ Phật giáo im hơi, bặt tiếng ở tịnh xá này.

Ðiều quan trọng hơn nữa là 142 vị M.A và 4 vị Tiến sĩ (năm nay có 26 vị thi M.A và 8 vị trình luận án Tiến sĩ) do Nalanda đào tạo hiện rải rác khắp mọi nơi, trên đất Ấn cũng như các nước ngoài là những bằng chứng đầy đủ để nói lên sự trưởng thành của Nalanda mới. Phật tử Việt Nam chúng ta còn được thêm một điều vui mừng nữa là Thượng tọa Minh Châu là người Việt Nam đã đỗ đầu một kỳ thi M.A, một mối vinh dự mà từ trước đến nay chỉ để dành cho người Ấn Ðộ. Thượng tọa cũng là người đầu tiên đỗ bằng Tiến sĩ của Nalanda mới. Phần nhiều sinh viên ngoại quốc chỉ học tới M.A, rồi chuyển sang ngành khác hoặc về nước vì ngành cổ ngữ Pali và triết học này tương đối khó, không những cho người ngoại quốc mà ngay cả người Ấn Ðộ nữa. Bản luận án và những tập nghiên cứu của Thượng tọa được các vị học giả hữu danh tán thưởng.

Tóm lại, Nalanda mới tuy mới mà cũ, vì trước nó đã có Nalanda cũ rực rỡ một thời. Chúng tôi ước mong chính phủ Ấn Ðộ trong chương trình khôi phục và phát triển nền văn hóa cao đẹp luôn luôn lưu tâm và tiếp tục mở rộng Nalanda mới.

Cuộc chiêm bái của chúng tôi chấm dứt với Tân Phật học viện Nalanda, đúng một tháng trời thăm viếng 12 Thánh tích quan trọng bậc nhất và một số đô thị khá lớn tại Ấn Ðộ. Chúng tôi không bao giờ quên hai mục tiêu chính của cuộc hành hương này, và đi đến đâu chúng tôi cũng thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam đảnh lễ cúng dường các Phật tích quan trọng, cầu nguyện quốc thái dân an, giới thiệu Phật giáo Việt Nam và ghi chép tỷ mỷ những di tích đã được thăm. Và cũng nhờ đạo niệm thuần nhất của bốn chúng tôi, và nhờ tấm lòng tuy xa nước nhưng không bao giờ quên nòi của chúng tôi, cuộc chiêm bái được kết thúc trong thành công, vui vẻ và quyền “Ðường về xứ Phật” này được ra đời để đưa các Phật tử và những người bạn của Phật tử Việt Nam cùng với chúng tôi theo gương Ngài Huyền Trang, người Trung Hoa và ngài Ðại Thặng Ðăng, người Việt Nam, đi chiêm bái các Thánh tích Ấn Ðộ.

Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi, và Pasadika

-oOo-

Phụ đính

Vesàli (Tỳ-sa-li)

Vesàli cách Nalanda độ 200 cây số nhưng vì đường sá cách trở nên mãi đến năm nay cũng vào dịp lễ Puja chúng tôi mới đi được. Phải về Patna ở lại một đêm để sáng hôm sau đi tàu thủy sớm. Bài học “sớm 3 giờ hơn trễ một phút” chúng tôi học mãi mà chưa thuộc. Chỉ chậm có 3 phút thôi mà chúng tôi bị trễ một chuyến tàu và còn xảy ra nhiều chuyện lôi thôi. Vì ra đi trong lúc trời còn tối cộng thêm sự hấp tấp vội vàng của chúng tôi, nên cảnh sát, công an để ý theo dõi. Trước kia dưới mắt của phần đông người Ấn, chúng tôi là người Miến Ðiện hay Tây Tạng. Nhưng trong những ngày chiến sự Trung Ấn xảy ra tại biên giới, chúng tôi bỗng nhiên trở thành người Tàu. Vì chúng tôi có bộ mặt “giống Tàu” và màu da vàng vàng. Chúng tôi biết có sự theo dõi và dòm ngó nhưng không muốn đính chánh. Nhớ lại lời Phật dạy về sự tai hại của thành kiến, trong lúc ấy thật là đúng lúc. Ðức Phật dạy: “Kiến chấp – Thành kiến sai lầm – làm cho người ta không thể thấy được sự thật”.

Tuy bị xét hỏi giấy tờ, nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ và nghĩ rằng: “Vì bổn phận đối với đất nước trong lúc loạn, người ta có quyền xét hỏi, mình là người ngay thật thì không có gì đáng sợ”. Sau khi biết chúng tôi là người Nalanda, họ xin lỗi và cám ơn chúng tôi.

Chúng tôi rời khỏi Patna vào chuyến tàu 8 giờ sáng. Có ra xa mới thấy được địa thế vững vàng rộng rãi của Patna, xưa gọi là Pataliputra, một đô thị quan trọng và xưa trong những đô thị xưa nhất trên thế giới. Patna là kinh đô của tiểu bang Bihar gồm 47 triệu dân. Bihar có nghĩa là chùa tháp vì ngày xưa xứ này có rất nhiều chùa tháp của Phật giáo, Ấn giáo. Kinh thành nằm bên bờ sông Hằng rất thuận tiện cho việc giao thông và canh nông. Vua Asoka đã đóng đô ở đây. Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ ba cũng được Vua Asoka giúp đỡ tổ chức tại đây. Ðến Ấn Ðộ mà không thăm Patna thì chưa thấy hết Ấn Ðộ. Vì rằng các thành phố lớn như Delhi, Bombay, Calcutta, Madras là những thành phố bị Âu hóa rất nhiều. Duy Patna còn giữ lại rất nhiều dấu vết và phong tục của Ấn Ðộ “huyền bí” ngày xưa. Bihar tuy nghèo về vật chất nhưng giàu về tinh thần và đạo đức. Các vị Giáo chủ của các tôn giáo lớn ở Ấn như đức Phật, Giáo chủ Mahavira, Jain (Thắng Luận sư)… đều đã thành đạo và truyền đạo tại xứ này trong nhiều năm. Các nguồn triết học lớn như Không tôn, Duy thức tôn, Trung luận tôn… cũng đều phát xuất và thịnh hành ở đây. Rajgir (Vương Xá), Vesàli (Tỳ Xa Li), Nalanda, Buddhagaya (Bồ-đề Ðạo-tràng) là những vùng có rất nhiều núi non, hang động chùa đền, nơi tu hành và truyền bá đạo đức ngày xưa. Chính cố Tổng thống R. Prasad, vị Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Ðộ cũng là người Bihar. Trong khoảng từ thế kỷ thứ 4 cho đến thế kỷ thứ 12 đã có những trường Ðại học tuy là của Phật giáo nhưng đầy đủ các môn như triết lý, luân lý, văn phạm, ngôn ngữ. Ðại học Nalanda với 10.000 sinh viên lúc ngài Huyền Trang sang học; Ðại học Vikramasila ở Bhagalpur, mà danh sách giáo sư qua nhiều thế hệ đã lên đến 10.000; đại học Odantapuri ở Biharsharip cũng to nhưng không bằng Nalanda; Mithila một Ðại học khác của Ấn Ðộ giáo hình thức vĩ đại và đồng thời với Nalanda.

Sông Hằng thật là rộng, rộng gấp 3 khoảng rộng của khúc sông Ðồng Nai ở Biên Hòa. Mùa nắng thì bãi cát ở sông lại rộng thêm ra. Ngày xưa đức Phật đã dùng số lượng cát của sông Hằng để ví dụ cho số nhiều không thể đếm được, như “Hằng hà sa số chư Phật, Hằng hà sa số thế giới”… Tàu đi dọc dòng sông một đoạn xa rồi vượt qua bờ bên kia.

Ði thêm xe lửa từ bến tàu và độ 12g30 thì chúng tôi đến Mazaffarpur. Cơm nước xong, nghỉ ngơi độ nửa giờ, chúng tôi thuê xe đi Vaisali. Gặp được bác tài xế vui vẻ và thành thạo nên chúng tôi khỏi phải kiếm người hướng dẫn.

Vesàli cách Muzaffarpur độ 30 cây số. Vesàli xưa là thủ đô của nước Cộng hoà Licchavi của giống người Vajji. Nước này do Visala, con của Vua Ikshvaku lập thành. Những nguyên tắc sinh hoạt theo tinh thần dân chủ của nước này được đức Phật đề cập và tán thán.

“Này Ananda, người có nghe rằng những người Vajji thường hội họp với số lượng đông đảo không?”

“Bạch Thế Tôn! Con có nghe!” ngài Ananda đáp.

“Tốt, Ananda, chừng nào người Vajjian thường hội họp với số lượng đông đảo, lúc ấy sự thịnh vượng của họ tăng thêm mà không suy giảm”.

“Này Ananda, chừng nào người Vajji hội họp với nhau trong sự hòa hợp, chừng nào họ quyết định và làm việc với nhau trong sự hòa hợp, chừng nào họ giữ trọn luật lệ mà không có sự xáo trộn trật tự, chừng nào họ kính trọng và lễ bái những bậc trưởng thượng và vâng lời những bậc ấy; chừng nào phụ nữ và thiếu nữ của họ đi ra ngoài mà không bị sự hiếp bức, chừng nào họ tôn kính và lễ bái đền chùa của họ, chừng nào họ còn gìn giữ mà không khinh bỏ phong tục, chừng nào họ còn bảo vệ tôn kính và ủng hộ các bậc tu hành đạo đức, thì lúc ấy sự thịnh vượng của người Vajji tăng thêm mà không suy giảm”.

Chính những lời dạy này đã làm cho vua Ajatasatru bỏ ý định chinh phục nước này vì sợ không thể thắng được một nước mà toàn dân sống tự do, đoàn kết dưới chế độ dân chủ. Chúng tôi nghĩ rằng dân tộc Việt Nam chúng ta nếu muốn thịnh vượng cũng không thể làm gì khác hơn là áp dụng những nguyên tắc dân chủ trên.

Vesàli bây giờ chỉ là một quận nhỏ thuộc Bihar. Cây cối vườn ruộng ở đây rất phì nhiêu. Chung quanh có rất nhiều hồ nước rộng xanh. Dân chúng lịch sự và biết trọng khách. Chúng tôi dừng xe lại trong một khu thành cũ. Thượng tọa Minh Châu chỉ cho chúng tôi biết, ở đây người ta đang đào bới để khảo cổ.

Ðức Phật đến Vesali lần thứ nhất

Theo Mahavatsu, lúc bấy giờ dân chúng Vesàli bị nạn dịch hạch, người chết rất nhiều. Tất cả danh y đều bó tay. Cuối cùng họ nghĩ đến đức Phật. Tổng thống Tomara mang lời thỉnh cầu của toàn dân sang Magadha cầu Phật. Ðức Phật nhận lời nhưng Vua Bimbisàra bắt buộc dân chúng Vesàli phải ra tận biên giới để thỉnh Phật. Lễ đưa Phật sang Vesàli rất trọng thể. Vua Bimbisàra tiễn đưa Phật đến tận sông Hằng. Dân chúng Vesàli với nghi lễ trang nghiêm rực rỡ quá sức tưởng tượng của Vua Bimbisàra, đến biên giới thỉnh Phật. Ðức Phật qua sông Hằng và lên bờ sang nội địa của Vesàli.

Ngài đi qua nơi nào thì ở đó sấm sét nổi lên và mưa tuôn xuống, tật bệnh tiêu trừ, người người lành mạnh. Khi về đến thành, đức Phật thuyết kinh Ratana, Tam bảo. Và bảo ngài Ananda truyền lại cho người tụng đọc. Chính đức Phật cũng đọc kinh này trong Pháp hội và sau đó hằng vạn dân chúng xin Quy y. Dân chúng và Chính phủ hợp lực xây tinh xá trong rừng Mahavana để thỉnh Phật và chư Tăng ở lại. Sau 7 ngày đức Phật trở về lại Magadha, lễ tiễn đưa long trọng xấp mấy lần lễ đón rước.

Ðức Phật sau đó còn đến Vesàli nhiều lần nữa. Chính những năm gần nhập Niết-bàn, Ngài ở lại Vesàli. Nhiều bộ kinh như Mahali, Mahasìhanadas, Cula Saccaka Mahasaccaka… được Phật thuyết tại Vesàli, trong đó Ngài có diễn tả những điều lý thú trong khi Ngài ở tại Vesàli. Và trong các kinh điển khác, chúng ta cũng thấy có nhiều sự việc xảy ra tại đây có liên hệ tới giáo pháp:

– Thành lập Ni bộ: Ðã ba lần, bà Mahaprajapati xin Phật xuất gia nhưng Ngài đều từ chối, lý do vì phụ nữ khó mà lìa bỏ gia đình sống đời sống khất sĩ khổ hạnh được. Nhưng bà vẫn không thối chí. Trong khi đức Phật ở tại Vesàli, bà Mahaprajatati đến xin gặp Ngài với bộ áo nâu sòng, đầu không tóc, chân cẳng đầy bụi, sưng phồng, vì bà đi bộ từ Kapilavastu đến Vesàli. Theo sau bà có rất nhiều phụ nữ dòng Sakya cũng muốn xuất gia. Bà sợ không dám vào và đứng ngoài cửa ngõ. Hình ảnh tín thành của bà Mahaprajapati và đoàn phụ nữ dòng Sakya làm cho Ananda xúc động, nên Ngài bèn thay mặt bà vào xin đức Phật. Ngài nhấn mạnh: “Như đức Thế Tôn dạy phụ nữ nếu tu hành tinh tấn cũng có thể chứng quả A-la-hán thì tại sao họ không được nhận vào Giáo hội như nam giới, nhất là bà Mahaprajapati là người đã thay thế Hoàng hậu Maya nuôi dưỡng săn sóc đức Thế Tôn khi còn nhỏ”.

Nhờ sự thỉnh cầu tha thiết của ngài Ananda, đức Phật nhận lời cho bà Mahaprajapati và đoàn phụ nữ Sakya xuất gia với điều kiện là phải giữ đúng 8 điều cung kính. Ðây là những điều đáng chú ý trong 8 điều trên:

  1. Tỳ-kheo-ni phải kính trọng Tỳ-kheo dầu là đối với thầy Tỳ-kheo chỉ mới có một tuổi Ðạo (hạ).
    2. Tỳ-kheo-ni phải học đạo lý nơi Tỳ-kheo.
    3. Tỳ-kheo-ni phải học đạo lý nơi Tỳ-kheo.
    4. Hằng nửa tháng Tỳ-kheo-ni phải kính lễ đại chúng Tỳ-kheo.
    5. Một Tỳ-kheo-ni không có quyền phê bình và chê bai một Tỳ-kheo. Trái lại, một Tỳ-kheo thì có quyền ấy đối với một Tỳ-kheo-ni.

Bà Mahaprajapati hết sức sung sướng chấp nhận những điều kiện trên và thành lập Ni bộ. Từ đó về sau tất cả phụ nữ xuất gia đều do bà hướng dẫn và dạy dỗ.

Những nhà sử học cho rằng sự cho phép thành lập Ni bộ của đức Phật quả là một việc hết sức cách mạng. Không kể ngày xưa mà ngày nay, trừ những đô thị lớn, người phụ nữ Ấn Ðộ vẫn còn chịu số phận hẩm hiu. Sự phiền phức lớn nhất của kẻ làm cha mẹ là sinh con gái. Họ phải lo cưới chồng cho con gái và tốn số tiền hồi môn cho nhà con trai. Người phụ nữ phần nhiều phải sống kín trong phòng khuê, một số theo Hồi giáo khi ra đường phải lúp mặt lại. Những công việc nhỏ như bán trầu thuốc, buôn rau cải cũng do đàn ông đảm đương. Vấn đề giáo dục cho nữ giới còn thiếu sót rất nhiều. Theo người Ấn, đó là chân lý của họ. Nhưng chúng ta thấy có một cái gì thiếu bình đẳng giữa nam và nữ. Nhất là các tôn giáo ở đây, trừ Phật giáo, không hề có nữ tu sĩ.

Ðức Phật ra đời cách đây hơn 2500 năm nhưng Ngài đã nâng cao giá trị phụ nữ. Trong kinh đức Phật dùng danh từ Màtugàma (những bà mẹ) để chỉ cho những phụ nữ lớn tuổi và Paramàsakhà (những người bạn tốt của chồng họ) để chỉ cho những phụ nữ có gia đình. Ðức Phật xác định phụ nữ có thể chứng quả A-la-hán. Họ được gọi là Ưu-bà-di ngang hàng với Ưu-bà-tắc (nam nữ Phật tử tại gia). Tỳ-kheo-ni ngang hàng với Tỳ-kheo, sau khi thọ Cụ túc giới.

Có nhiều người căn cứ vào “tám điều cung kính” và sự nhiều hơn về giới luật của Tỳ-kheo-ni đối với giới luật Tỳ-kheo rồi bảo không có sự bình đẳng giữa nam và nữ trong Phật giáo. Ðiều này không đúng. Vì duyệt kỹ lại nguyên tắc bình đẳng và tinh thần giới luật của tôn giáo thì chúng ta thấy đức Phật quả là một nhà cách mạng sáng suốt. Phật giáo chủ trương bình đẳng giữa nam và nữ. Nhưng sự bình đẳng này phải được xây dựng trên hai phương diện tài và đức, nghĩa là có đồng đẳng về phương diện khả năng và đức hạnh thì sự bình đẳng mới có ý nghĩa và không sinh ra sự lộn xộn, thiếu trật tự. Những điều cung kính được đặt ra vì đức Phật muốn giữ gìn hòa khí giữa Tăng ni và nhất là bắt buộc Tăng bộ có bổn phận dìu dắt và ủng hộ Ni bộ. Còn giới luật nhiều hơn Tỳ-kheo là vì ai cũng thừa nhận phụ nữ là phái yếu, yếu cả thể xác lẫn tinh thần, đau nhiều thì phải uống thuốc nhiều. Nếu uống nhiều thuốc thì bệnh mau lành. Như thế đức Phật đã nâng cao giá trị của phụ nữ một cách hợp lý vậy.

– Phật độ cho nàng Ambapali: Ambapali là một kỹ nữ kiều diễm và có tiếng ăn chơi nhất của kinh thành Vesàli. Sắc đẹp của nàng đã làm mê hồn không những các công tử ở Vesàli mà cả các nước lân cận. Vua Bimbisàra ở Magadha suýt bị mất tánh mạng cũng vì say mê sắc đẹp của nàng.

Một ngày kia đức Phật ghé nghỉ tại vườn xoài của nàng ở ngoài thành. Ðược tin vui này, nàng cho đánh chiếc xe lộng lẫy đến ngay chỗ Phật nghỉ. Dung mạo và đức hạnh trang nghiêm của Phật cảm hóa nàng kỹ nữ này. Nàng thỉnh cầu đức Phật và chư Tăng ngày mai đến thọ trai nhà nàng. Ðức Phật nhận lời. Trên đường trở về nàng gặp một đoàn xe của những người Licchavis sang trọng cũng đi bái yết đức Phật. Họ dừng xe nàng và hỏi nàng đi đâu về. Nàng cho biết: Ðức Phật và chư Tăng ngày mai sẽ thọ trai nhà nàng. Những người Licchavis này tức giận và hỏi nhau: “Tại sao đức Phật lại nhận lời thọ trai ở nhà của một kỹ nữ?” Rồi để cản ngăn không cho nàng Ambapali cúng dường Phật, họ bèn bảo với nàng, nếu nhường cho họ được cúng dường đức Phật trong ngày mai thì họ sẽ đưa cho nàng 10.000 đồng tiền vàng. Nàng trả lời: “Cả tài sản của Vesàli, tôi cũng không chịu”. Sau lễ cúng dường nàng đã dâng lên đức Phật vườn xoài rộng tốt để là nơi thường trú cho Phật và chư Tăng. Vườn xoài của nàng Ambapali là một lễ vật vĩ đại của cá nhân cúng Phật lúc bấy giờ.

Không ai ngờ nàng kỹ nữ đã hồi tâm hướng Phật xuất gia tu hành và trở nên một người thanh tịnh trang nghiêm. Chính chúng tôi cũng suy nghĩ về câu chuyện này và nhận rõ thêm lòng từ bi, đức bình đẳng của đức Phật. Ðức Phật thương tất cả chúng sanh và cứu độ bất cứ ai có thể cứu độ. Ðệ tử của Ngài không những chỉ có những bậc vua chúa như Vua Bimbisara, Basenadi mà có cả những người cùng đinh như Upali, Cunda, không những chỉ có những người đức hạnh như công chúa Yasodhara mà có cả những nàng kỹ nữ như Ambapali. Theo Phật giáo, trong những người xấu ác nhất cũng vẫn có thiện tâm. Nếu họ biết hướng thiện và gặp được đạo lành, thầy hay, bạn tốt thì vẫn được đắc đạo.

Nơi kết tập kinh điển lần thứ 2

Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức tại Vesàli vào khoảng 377 năm trước T.L, gồm có 700 Tỳ-kheo tham dự. Thật ra đây chỉ là Hội nghị duyệt lại giới luật. Nguyên nhân là một số Tỳ-kheo ở Vesàli hành động sai giới luật như:

– Giữ muối để thêm vào những món ăn lạt.
– Ăn hơi quá giờ ngọ.
– Nhận hai bữa ăn trong một buổi mai.
– Nhận tiền bạc….

Kết quả cuộc Hội nghị là phái Thượng tọa thắng. Và từ đó Giáo hội chia ra thành hai bộ phái. Phái Tỳ-kheo không đúng theo giới luật được gọi là phái tiến bộ (Maha-Sanghika). Phái này đông hơn và cũng đã tổ chức một Hội nghị kết tập kinh điển khác. Người ta cho rằng mầm mống của sự chia thành Nam tông và Bắc tông có ra từ đây, và do đó, người ta có thành kiến là Bắc tông không xem trọng giới luật như Nam tông, và có nhiều người đi xa hơn nghĩ rằng Nam tông là chánh truyền. Thành kiến này đã gây ra sự chia rẽ giữa khối Phật tử đông đảo không ít. Gần đây nhờ sự gần gũi trao đổi, thành kiến trên lần lần giảm đi, nhất là ở Nam Việt đang được xóa bỏ.

Thành thật mà nói thì những hành động sái giới luật những điều nhẹ, có cả ở hai tông Nam tông và Bắc tông. Có điều, dù sao Nam tông vẫn còn giữ được nhiều phong tục nguyên thủy hơn như quấn y vàng, đi khất thực…. trong khi đó Bắc tông cũng vì phong tục địa phương đã bỏ đi nhiều phong tục nguyên thủy. Nhưng có điều sai lầm lớn của số đông là căn cứ vào bên ngoài để đánh giá bên trong. Ví dụ trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi – đại diện cho Bắc tông – với chư Tăng Nam tông đã không tránh khỏi sự lạ lùng và tìm hiểu của quí vị Nam tông. Sau những buổi chuyện trò và chung đụng, chúng tôi ở chung với ba thầy Nam tông 3 nước Miến, Thái, Cam Bốt, quí vị ấy đã thấy nơi chúng tôi không phải là “Bắc tông” như quí vị ấy cũng biết qua sự tuyên truyền thiếu thiện chí. Vì chúng tôi cũng sống đời sống Phạm hạnh, cũng giữ giới Tỳ-kheo. Chúng tôi có giới thể Bồ-tát nhưng chúng tôi xem đó là mật nguyện mật hạnh riêng của chúng tôi. Do đó, quí vị ở nhà không lấy làm lạ rằng chúng tôi, những chư Tăng Việt Nam thuộc “Bắc tông” sống hòa hợp vui vẻ với phần đông chư tăng Nam tông. Bằng chứng cụ thể là Thượng tọa Minh Châu là giảng sư của Viện mà cũng là Hội trưởng Hội Phật giáo Nalanda. Ðại đức Thiện Châu là Tổng thư ký, và giúp việc cho văn phòng có hai vị: một thuộc về Nam Tông Ấn Ðộ, một thuộc về Bắc tông Tây Tạng. Chúng tôi rất đồng ý với Ðại đức Sangharakshita, người Anh, về sự thoát ngoài những cố chấp tông phái. Ðại đức nói: “Tông phái nếu cần có là để phụng sự Chánh pháp”. Và theo Ðại đức, một Tăng già gương mẫu là một Tăng-già có nếp sống đạo đức “nguyên thủy” và tâm đạo Bồ-tát. Chúng tôi mong mỏi Phật giáo Việt Nam sẽ là một nền Phật giáo tổng hợp, trong đó chư Tăng và Thiện tín cố gắng hòa hợp những “tiểu dị” để đi đến chỗ đại đồng.

Chúng tôi xem xét và chuyện trò ở đây hồi lâu rồi sang thăm Tàng cổ viện. Tàng cổ viện ở đây không lớn lắm, song có rất nhiều bảo vật lịch sử. Nhìn qua các đồ gốm, đồ trang sức của phụ nữ như chuỗi hột xoàn, ngọc thạch và nhiều tượng Phật đẹp, chúng tôi đoán biết dân chúng Vesàli và các tiểu bang thuộc Vesàli đã có một nền văn minh khá cao vào thời kỳ xa xưa. Ông Giám đốc đón tiếp chúng tôi niềm nở và kính trọng như các Sadhu (tu sĩ Ấn giáo). Ông đưa chúng tôi sang thăm khách xá và mời chúng tôi ở lại. Khách xá nằm bên một hồ nước xanh mát thanh tịnh. Tiếc rằng vì hoàn cảnh chiến sự nên chúng tôi đã không dự định ở lại nên đã thuê xe đi và về. Chúng tôi cũng được ông đưa sang thăm một khu đất đang được đào bới. Theo các nhà khảo cổ thì đây là một bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Phật mà dân chúng Vesàli được chia một phần trong tám phần tại Kusinara sau khi Phật nhập Niết-bàn.

Sau lễ hỏa táng thi hài của đức Phật, dân chúng Malla thu nhặt được Xá-lợi rất nhiều. Họ định không chia cho ai và giữ lại tất cả để tôn thờ. Nhưng sứ giả của vua Ajatasatru ở Magadha, của Vesàli, của dòng họ Sakya ở Kapilabastu, vua nước Koliya ở Ramagrama, nước Buliya của Alkappa, những vị Bà-la-môn ở Vedhadwipa … đến xin chia Xá-lợi. Ðầu tiên, dân chúng Malla từ chối. Nhưng các sứ giả hăm dọa và nhờ lời khuyên bảo của vài vị Bà-la-môn lớn tuổi nên họ chịu chia Xá-lợi ra làm tám phần và trao cho các sứ giả các nước đem về dựng tháp thờ. Sứ giả nước Pippalivana đến chậm nên chỉ lãnh được phần tro còn lại. Dân chúng Vesàli tôn thờ Xá-lợi Phật trong bảo tháp này. Ngài Huyền Trang có được thấy tháp này vào thế kỷ thứ bảy còn nguyên vẹn.

Rời khỏi nơi đây, chúng tôi đến viếng trụ đá Asoka. Trụ tròn cao độ 10 thước, trơn láng, trên đầu có hình một con sư tử, không đẹp bằng con sư tử ba đầu ở Sarnath. Nhờ những trụ đá Asoka này mà người ta tìm ra những nơi Phật tích một cách dễ dàng. Bên cạnh có một ngôi chùa đã bị đổ nát, một ngôi tượng Phật bằng đá còn lại. Diện tượng rất nghiêm từ song khác hẳn với tượng ở các nơi khác vì đầu đội mão tương tự như mão Tì lư. Sự kiện này nó cho ta biết tượng và chùa được xây vào thời kỳ “Bắc tông” thạnh hành nơi đây.

Cảnh chiều về ở đây thật là đậm đà, êm ái. Cuộc sống của dân quê ở Ấn Ðộ chẳng khác gì Việt Nam mấy. Ðàn trâu chậm rãi về chuồng, theo sau vài chú mục đồng với những ống tiêu trên tay. Từng cụm đôi ba mái nhà tranh nằm giữa nương khoai, ruộng lúa. Nhưng chúng tôi cảm thấy thiếu thốn một cái gì; ấy là hồi chuông thu không…

Ðang lặng nhìn những chiếc lá Bồ-đề xanh sáng nhịp nhàng rung chuyển theo gió chiều thì có tiếng của thầy Huyền Vi gọi về, chúng tôi thong thả rời khỏi phiến đá bên cạnh gốc cây, rồi lên xe trở về Muzaffarpur. Trong xe, trên đường về, cảnh tượng và lời dạy của đức Phật lúc Ngài từ giã Vesàli lần lượt hiện ra qua trí nhớ của chúng tôi: Trong những năm gần nhập Niết-bàn, đức Phật thường trú tại Vesàli. Từ chùa Capala, đức Phật đi đến Kutagarasala với ngài Ananda. Ðến nơi đức Phật bảo ngài Ananda họp tất cả các thầy Tỳ-kheo ở Vesàli lại. Trước Ðại hội đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo! Các ngươi hãy tinh tấn thực hành những lời Như Lai dạy bảo bấy lâu nay. Hãy suy tư chín chắ những chơn lý mà các ngươi đã nghe được từ Như Lai rồi truyền rộng những chơn lý ấy ra để đem lại sự an vui hạnh phúc cho mọi người và trời. Hãy diệt trừ sự mê lầm và tu tập theo chánh đạo. Ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết-bàn”. Ðức Phật còn dặn thêm. “Hãy tích cực làm việc, thận trọng và tao nhã – Cứu lấy tâm linh của các người bằng cách làm tròn bổn phận trong cuộc sống hướng thượng. Người nào tinh tấn trong Giáo pháp của Như Lai sẽ được ra khỏi mê lầm, phiền não và giải thoát sanh tử luân hồi” (Mahaparinibbana).

Sau buổi họp, đức Phật cùng với ngài Ananda lặng lẽ từ giã Vesàli đi về phía Kusinara.

Ðược tin đức Phật sắp nhập Niết-bàn và từ giã Vesàli, dân chúng chạy theo càng lúc càng đông. Họ khóc lóc van xin đức Phật ở lại. Nhiều lần Phật bảo họ lui về, nhưng không ai vâng chịu. Cuối cùng Ngài phải dừng lại khuyên lơn và trao tặng chiếc bình bát của Ngài thường dùng để thọ trai. Theo ngài Pháp Hiển, người Trung Hoa chiêm bái Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ 5, thì sau nhiều lần khuyên bảo dân chúng Vesàli lui về nhưng vô hiệu, đức Phật bèn vận dụng thần thông biến ra con sông nước chảy mạnh ngăn cách giữa Ngài và đoàn người theo Ngài. Dòng sông ly biệt này bắt buộc họ trở lại Vesàli và đức Phật từ từ đi qua Kusinara để xả bỏ xác thân vô thường, đi vào cảnh giới tịch diệt, an lạc. Sau đó dân chúng Vesàli đã xây dựng một bảo tháp chính nơi thầy trò ly biệt để muôn đời ghi nhớ. Ngài Pháp Hiển có thấy bảo tháp này.

– Hết –

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app