LUẬN LÝ PHẬT GIÁO VÀ XÃ HỘI

Lời nói đầu

Trước hiện tình của đất nước và sự lầm than khổ sở của trăm họ, chúng tôi, một nhóm người tài hèn đức mọn, không biết chi hơn là trích dịch trong quyển “GIÁO LÝ CỦA ÐỨC PHẬT” do một vị tu sĩ Tích Lan, Ðại Ðức Walpola Rahula soạn ra, một đoạn nói về “LUÂN LÝ PHẬT GIÁO VÀ XÃ HỘI” để cống hiến cho đồng bào suy nghiệm.

Lời của Phật dạy trước đây hơn 25 thế kỷ vẫn còn hợp thời, hợp cảnh. Chúng tôi ước mong đồng bào thân mến lấy đó làm kim chỉ nam để chung lo tạo lập một xã hội thanh bình no ấm.

Cầu xin quả phúc phát sanh do cuộc thí pháp này sớm đem lại cho dân tộc Việt Nam một đời sống điều hòa, an lạc.

Chúng tôi cũng thành tâm hồi hướng phước báu này đến hương linh của quý vị anh hùng chiến sĩ trận vong cùng toàn thể đồng bào tử nạn vì chiến tranh và chân thành cầu nguyện cho Chư Hương Linh ấy được siêu thăng nhàn cảnh.

Với tấm lòng Từ ái,
Phật tử Nguyên thủy
Sài gòn, Xuân Ất Tỵ (1965)

-ooOoo-

Nhiều người tưởng rằng Phật Giáo là một học thuyết rất cao siêu, quý trọng, nhiệm màu, mà kẻ thường nhơn, đàn ông lẫn đàn bà, không thể đem ra thực thành trong đời sống khắc khổ hằng ngày được. Họ tưởng rằng muốn làm một Phật tử thuần túy phải ly gia cắt ái và ẩn dật trong một ngôi chùa hoặc một nơi nào thanh vắng. Thật ra đó là một quan niệm sai lầm do sự hiểu biết không chu đáo giáo lý của Ðức Phật. Họ hấp tấp đưa ra những kết luận vội vàng, sai lạc, vì quá tin nơi dư luận hay vì gấp rút đọc sơ qua một quyển sách về Phật Giáo, của một soạn giả chưa triệt thấu mọi khía cạnh giáo lý của Ðức Phật và chỉ trình bày một đoạn sơ thiển.

Giáo lý của Ðức Phật chẳng những dành riêng cho các tu sĩ trong nhà chùa mà cũng cho toàn thể hàng nam nữ tại gia và gia đình của họ. Bát Chánh Ðạo là quy tắc chung cho tất cả, không phân biệt xuất gia hay tại gia. Mọi người không thể xuất gia để ẩn dật trong hang đá hoặc trong rừng sâu.

Giáo lý của Ðức Phật rất tinh khiết, cao thượng và siêu việt sẽ trở thành vô dụng cho đại chúng nếu họ không thể áp dụng được trong đời sống hằng ngày, giữa thế giới tân thời này. Nhưng nếu người ta hiểu đúng đắn tôn chỉ Phật Giáo mà không câu nệ theo từ câu chữ, thì chắc chắn ai ai cũng giữ đạo và thực hành được trong đời sống tại gia.

Một số người có thể hành đạo dễ dàng ở nơi thanh vắng khuất tịch, xa cách xã hội. Nhưng đối với người khác, lối sống cô tịch ấy có thể nặng nề và thương tổn cho tinh thần, thể xác; dĩ nhiên, cách sống như thế không lợi ích cho sự tiến hóa về mặt tinh thần và trí tuệ. Sự xuất gia chính đáng không có nghĩa là phải lánh thân ra ngoài vòng thế tục.

Trong kinh Trung A Hàm (Majjhima Nikaya, tr.30, 31), Ðại Ðức Xá Lợi Phất (Sàriputta), vị đệ tử hầu cận của Ðức Phật, dạy rằng một người kia sống trong rừng để thực hành khổ hạnh nhưng chứa đầy tư tưởng xấu xa, nhơ nhớp; một người khác sống nơi thôn quê hoặc thành thị, cũng thực hành khổ hạnh, nhưng trái lại tâm người ấy tinh khiết, không xấu xa, nhơ nhớp. Trong hai người, người sống trong sạch nơi thôn quê hoặc ở chốn thành thị thật là cao thượng và đáng kính hơn người sống trong rừng với tư tưởng nhơ nhớp.

Theo thông thường, người ta cho rằng phải trốn tránh thế sự mới có thể thực hành giáo lý của Ðức Phật được. Thật là không đúng. Ðó chỉ là một ngụy biện vô ý thức để từ khước. Trong nền văn học Phật Giáo có nhiều bằng cớ dẫn chứng rằng đã có nhiều người nam và người nữ, sống trong gia đình, hành đạo được kết quả và đắc Niết Bàn.

Cũng trong kinh Trung A Hàm (Majjhima Nikaya từ tr. 490) có tích rằng thầy Ðạo sĩ Vacchagotta hỏi Ðức Phật: “Bạch Ðức Thế Tôn, đã có người cư sĩ nam hay nữ nào sống giữa gia đình, hành theo giáo pháp của Ngài mà được kết quả và tiến đến đạo quả cao không?” – Ðức Phật quả quyết rằng: “Chẳng những có một hay hai, hay một trăm, hay hai trăm, hay năm trăm mà thôi, thật có rất nhiều cư sĩ, nam và nữ, sống giữa gia đình, thực hành đạo pháp của Như Lai đã có kết quả và đạt được đạo quả cao”.

Có người hạp và thích ẩn dật chỗ thanh tịnh, cách xa tiếng tăm và náo nhiệt; nhưng rất đáng khen những ai có can đảm hành đạo giữa đồng bào quyến thuộc để nâng đỡ và giúp ích họ. Trong một vài trường hợp, lại cũng hữu ích, cho một số người sống một thời gian nơi chốn cô tịch để trau dồi tâm tánh như một giai đoạn luyện tập sơ bộ, hầu trở nên vững mạnh khi trở về phục vụ kẻ khác. Nhưng nếu có một người nào trọn đơfi dấn thân nơi chốn tịch mịch chỉ để mưu cầu hạnh phúc cá nhơn và cho sự giải thoát của riêng mình, không quan tâm đến người đồng loại, thì điều ấy chắc chắn là không đúng với tôn chỉ Phật Giáo, một đạo giáo đặt nền tảng trên tình thương, bi mẫn và trên sự xả thân giúp đời.

Người ta có thể hỏi: “Nếu giáo lý của Ðức Phật có thể thực hành được trong đời sống tại gia, tại sao Ðức Phật lại còn lập ra Giáo Hội Tăng Già?” Giáo Hội Tăng Già được lập ra để cho ai có chí nguyện hy sinh đời sống, chẳng những cho sự phát triển tinh thần và trí tuệ của mình mà cũng để phục vụ kẻ khác. Không thể trông cậy nơi người cư sĩ đương gánh nặng một gia đình, mong họ hy sinh tất cả thì giờ để tiếp độ kẻ khác; trong khi ấy một vị tu sĩ không có trách nhiệm gia đình, không còn dính dấp với thế sự, có đủ điều kiện hy sinh trọn vẹn đời sống của mình để đem lại an vui hạnh phúc cho nhiều người, đúng theo lời dạy của Ðức Phật. Bởi thế trải qua lịch sử chẳng những chùa chiền đã trở thành một trung tâm tinh thần mà còn là một trung tâm nghiên cứu và vun bồi đạo hạnh.

Những vị tu sĩ Phật Giáo sống hcung với nhau trong các chùa ở thành thị cũng như ở thôn quê. Trong tất cả các xứ Phật Giáo, các thầy phải sống độc thân, ngoại trừ vài phái ở Nhựt Bổn và Tây Tạng.

Thầy tu trong Phật Giáo không được phép có tài sản riêng, ngoại trừ một chút ít cần yếu. Các Thầy có quyền sử dụng tài sản của Giáo Hội, do tín đồ chung đậu. Do đó nhiều chùa, nhứt là các chùa danh tiếng, có ruộng đất dùng huê lợi để tu bổ. Thầy Tỳ Khưu và chùa đều do tín đồ bảo trợ. Họ dâng cúng tất cả mọi vật cần thiết.

Trước kia, các thầy Tỳ Khưu đi trì bình khất thực từ nhà này sang nhà khác. Với sự thay đổi tình trạng kinh tế tân thời, thủ tục ấy dần dần không còn áp dụng. Tuy nhiên cổ tục hành khất xin ăn, nhất là ở các xứ Phật Giáo Nguyên Thủy như Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan, Cam Bốt, v.v… vẫn còn duy trì.

Phận sự của nhà sư ở thành thị và thôn quê có hai:

  1. Ðể một phần thì giờ học đạo, xem kinh và thiền định cho sự tiến bộ về mặt trí tuệ và tinh thần.
  2. Dạy các trẻ em đến xin học tại chùa; truyền giới và dạy đạo cho tín đồ; tu bổ chùa chiền; thuyết pháp trong những ngày thiện tín tựu hội cúng Phật; tổ chức các ngày lễ; sáng lập đoàn thể cứu tế xã hội. Cũng có nhà sư ở rừng, không liên lạc với xã hội, chỉ lo trau dồi thiền định.

Trong kinh Sigàla Sutta (kinh Thiện Sanh), thuộc bộ Trường A Hàm (Digha-Nikaya) có chỉ rõ rằng Ðức Phật quý trọng đời sống của người cư sĩ, của gia đình họ và mối liên quan mật thiết của họ đối với xã hội.

Một thanh niên tên Sigàla giữ phận sự lễ bái sáu hướng Ðông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới, do lời trối của người cha trước giờ lâm chung. Ðức Phật bảo chàng thanh niên ấy rằng kỷ luật cao thượng của Như Lai (Ariyassa Vinaya) định nghĩa sáu hướng ấy khác nhau: Hướng Ðông là cha mẹ; hướng Nam là thầy tổ; hướng Tây là vợ con; hướng Bắc là bằng hữu, thân quyến; hướng Dưới là người giúp việc; hướng Trên là các bực Sa Môn. Ðức Phật thêm rằng con người phải tôn trọng sáu hướng ấy. Danh từ tôn trọng (Namasseyya) dùng nơi đây rất đầy ý nghĩa, bởi khi tôn trọng một vật gì, vật ấy có tính cách thiêng liêng, cao thượng, đáng quý trọng, đáng tôn thờ. Sáu hạng người trong gia đình và xã hội, như đã kể trên, theo Phật Giáo, đều được xem như “không thể phạm đến được”, đáng kính, đáng trọng. Vậy phải tôn kính sáu hạng người ấy như thế nào? Ðức Phật dạy phải làm tròn phận sự đối với họ và Ngài có chỉ dạy cho chàng Sigãla như vầy:

  1. Cha mẹ phải được con tôn thờ kính trọng như Brahma – trời Phạm Thiên (Brahmàti Màtà pitaro). Danh từ Brahma theo ín ngưỡng của người Ấn Ðộ là Ðấng Thiêng Liêng cao cả. Ðức Phật dạy kẻ làm con phải tôn kính cha mẹ như Ðấng Thiêng Liêng tối thượng, nên ngày nay trong gia đình Phật Giáo, kẻ làm con hết lòng thờ kính cha mẹ từ mai đến chiều. Họ tự thấy phải giữ tròn bổn phận đối với cha mẹ: nhứt là phụng dưỡng chu đáo trong lúc tuổi già; cúng dường mọi vật cần yếu đến cha mẹ; gìn giữ danh giá cho gia đình; duy trì sự nghiệp của cha mẹ: làm mọi việc từ thiện, bố thí chẩn bần để tạo ra phước lành hồi hướng cho cha mẹ chi cha mẹ đã quá cố.

Bổn phận của cha mẹ đối với con là: dạy dỗ xa lánh con đường ác; dìu dắt con làm các việc lành; rèn luyện con theo một nền giáo dục cao thượng, đính hôn cho con nơi gia đình đạo đức và chia của cho con đúng giờ phút, phải lẽ.

  1. Phận sự giữa thầy và trò. – Trò phải tôn kính và vâng lời thầy. Nếu cần, phải phụng dưỡng thầy; siêng năng học tập.

Thầy phải hết lòng dạy dỗ và rèn luyện trò cho ra người xứng đáng; gởi gắm trò cho các bạn thân giao của mình và cố gắng lo cho trò có công ăn việc làm vững chắc.

  1. Phận sự của vợ chồng – Mối chung tình giữa chồng và vợ được xem như một giềng đạo thiêng liêng, như vật phải tôn thờ, gọi là Sadàra Brahmacariya, nghĩa là “đời sống chúng của vợ chồng có tính cách thiêng liêng”. Nên lưu ý một lần nữa danh từ Brahma dùng nơi đây chỉ rõ sự kính trọng cao cả phải được thể hiện trong mối chung tình của đôi vợ chồng. Chồng và vợ phải trung thành, kính trọng lẫn nhau, hết lòng nâng đỡ nhau. Và phận sự đối đãi nhau là chồng phải luôn luôn tôn trọng vợ, phải kính nể vợ, phải thương yêu và trung thành với vợ, phải nâng cao địa vị và chiều theo sở thích của vợ, phải làm vui lòng vợ, mua sắm đồ trang sức làm quà tặng cho vợ. (Ðức Phật không quên nêu ra những món quà mà người chồng phải tặng cho vợ vì Ngài thấu rõ và dung thông những tình cảm thâm trọng của người thế tục).

Người vợ phải chăm nom gia đạo; niềm nở tiếp đón những người khách, người bạn, bà con thân quyến của chồng và người giúp việc cho mình. Phải thương mến chồng, giữ tiết hạnh với chồng. Phải bảo toàn của cải. Phải khôn ngoan và can đảm trong mọi hoạt động.

  1. Mối liên hệ giữa bằng hữu thân quyến và xóm riềng. – Phải niềm nở đón tiếp nhau. Phải hết lòng giúp đỡ nhau. Phải dùng lời khả ái và lễ độ. Phải chung lo hạnh phúc cho nhau, đối đãi ngang nhau, không gây gổ; giúp nhau trong cơn hoạn nạn.
  2. Phận sự của người chủ và người làm công. – người chủ nhà cũng như kẻ thuê người giúp việc có nhiều phận sự đối với gia nhơn và người làm công: là không giao phó công việc nào không hạp với tài cán và khả năng cho người dưới tay mình. Phải trả thù lao cho xứng đáng. Phải săn sóc và cung cấp thuốc men, khi người làm công mình có bịnh. Phải tặng quà và tiền thưởgn trong những dịp quan trọng.

Ðối lại, người gia nhơn và người giúp việc phải cần mẫn siêng năng, thật thà, chiều chuộng. Không dối gạt, không gian tham. Phải mẫn cán trong việc làm.

  1. Mối liên hệ giữa các bậc tu hành và người cư sĩ. – Với tấm lòng nhân từ và kính trọng, người cư sĩ luôn luôn lưu ý, cung cấp những vật dụng cần thiết cho các bậc xuất gia, cho các thầy đạo sĩ.

Các bậc tu hành phải có lòng từ bi, chỉ dạy những điều hiểu biết, những lời giáo huấn cho người cư sĩ; dìu dắt họ trên con đường lành, khuyên nhủ họ xa lánh điều ác.

Ðời sống của người cư sĩ, trong gia đình cũng như ngoài xã hôi, đã vạch sẵn trong quy tắc cao thượng của Bát Chánh Ðạo và cũng được khép trong khuôn khổ sinh hoạt của người Phật tử theo huấn từ vừa kể trên của Ðức Phật.

Chính vì nếp sống cao thượng của người cư sĩ Phật tử mà trong bộ kinh Tạp a Hàm (Samyutta-Nikaya tr. 234), có ghi chép rằng Ðức Vua Trời Ðế Thích (Sakka) có tuyên bố rằng chẳng những Ngài tôn kính các bậc xuất gia đương sống một cuộc đời thánh nhơn, mà Ngài cũng tôn kính những người cư sĩ (Upasaka) đương làm những việc từ thiện, sống theo đạo đức và chăm lo phụng sự gia đình một cách đoan chính.

Muốn làm một Phật tử không cần phải tổ chức một buổi lễ chi cả. Cũng không cần phải rửa tội. (Nhưng muốn làm một vị Tỳ Khưu, một đoàn viên trong Giáo Hội Tăng Già, phải thuần thục giới luật và được giáo hóa một thời gian lâu). Biết giáo lý của Ðức Phật, biết tin chắc giáo lý ấy là con đường chánh đạo và vui lòng cố gắng thực hành, người ấy là một phần tử.

Nhưng theo một cổ lệ còn áp dụng trong các xứ Phật Giáo, người được xem như một Phật tử là người đã quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới (Panca sìla) là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng vật có chất say. Trước một tượng Phật hoặc trước một Bảo Tháp Xá Lợi, người thọ Quy Giới quỳ chắp tay cung kính lập lại lời truyền Quy Giới của một vị Tỳ Khưu. Ngoài ra không còn lễ gì khác nữa. Phật Giáo là một con đường đời. Ðiều quan trọng là thực hành Bát Chánh Ðạo. Nhưng dĩ nhiên, trong các xứ Phật Giáo cũng có những buổi lễ giản dị tốt đẹp. Trong mỗi chùa thường có một ngôi Bảo Tháp (stùpa hay dàgàba) hình mô vòng cung, trong ấy có tôn thờ Xá Lợi của Ðức Phật, một cây Bồ Ðề (Bodhi hay Bo) kỷ niệm cội Bồ Ðề tại Bồ Ðề Ðạo tràng (Buddhagaya), nơi Ðức Phật thành đạo và một ngôi chùa thờ tượng Phật (Patimà ghara). Ba vật ấy được tôn trọng theo thứ tự nói trên. Thiện tín thường đến chùa trong những ngày mồng một, mồng tám, rằm và hai mươi ba. Họ quỳ trước một trong ba chỗ thờ nói trên, thọ Tam Quy, Ngũ Giới rồi thắp đèn, dâng bông, dâng hương; đọc bài cúng Tam Bảo (Gàthà) ca tụng an đức Phật, Pháp, Tăng. Ðó không phải là kinh cầu nguyện như các thần giáo, mà chỉ là những lời tán dương và tưởng niệm Ðức Phật đã truyền dạy con đường chân chánh cho đời. kế đó họ vào giảng đường nghe thuyết pháp.

Ðến ngày rằm và mồng một, cả ngàn Phật tử thọ Bát Quan Trai (Uposatha-sìla hay Atthanga-sìla) là: không sát sanh, không trộm cắp, không thông dâm (vợ chồng cữ ăn nằm với nhau), không nói dối, không uống vật có chất say, không ăn chơm chiều, không ngồi nằm trên giường cao, chiếu rộng, không múa hát, trửng giỡn, không đeo tràng hoa, không thoa dầu thơm. Thường, trọn ngày và đêm đó họ ở tại chùa, tham thiền, nghe pháp, xem kinh, luận đạo.

Lễ lớn nhứt nhằm ngày trăng tròn tháng Năm dương lịch (rằm tháng Tư âm lịch), là lễ Vesak, kỷ niệm ngày Ðản Sanh, Thành Ðạo và Ðại Niết Bàn của Ðức Phật — thường gọi là Lễ Tam Hợp. Ngày ấy, nhà phố, chùa chiền, đường sá đều có treo cờ Phật Giáo sáu màu, bông hoa và đèn. Cả muôn ngàn Phật tử, nam nữ, trẻ em đều quy tựu vào chùa. Cả trăm quán cơm do các hội, các đoàn thể tổ chức đãi khách thập phương đi hành hương lễ Phật. Một tinh thần bác ái, hào hiệp, hòa đồng, thanh bình, vui vẻ tưng bừng bủa khắp trong dân gian.

Phật Giáo không có lễ “Rửa Tội”. Nhưng khi một đứa trẻ ra đời, cha mẹ bồng em vào chùa, gọi là ngày xuất hành, để em dưới chơn tượng Phật, và thỉnh các nhà sư tụng kinh ban phước lành cho em. Trước ngày đứa trẻ ra đời, người ta thỉnh các Sư đến tụng kinh an lành, tạo phước cho người mẹ.

Các Sư trong Phật Giáo không hành lễ trong đám cưới, vì sự cưới hỏi là một lễ không phù hạp với nếp sống độc thân của các bậc xuất gia. Nhưng nếu muốn cho nó có đôi chút tánh cách tôn giáo, người ta thường mời các bạn thanh niên nam nữ Phật tử đến tụng những bài kệ chúc lành. Các bậc xuất gia không bao giờ tham dự lễ cưới. Tuy nhiên, trước hoặc sau đôi ba ngày, gia chủ thường tổ chức lễ trai tăng cúng dường đến các bậc phạm hạnh và trong dịp ấy một vị Sư đứng ra giảng một thời Pháp, nhắc lại những lời huấn từ của Ðức Phật và khuyên đôi tân hôn hãy chung sống thuận hòa hầu lo xây đắp hạnh phúc gia đình.

Chư Sư lại ân cần đến nơi có tang khó, để cầu kinh và hồi hướng phước lành cho người quá vãng và giảng an ủi tang gia.

Khi có người đau ốm, thân nhân thường thỉnh Chư tăng tụng kinh An Lành (Paritta hay Pirti). Hai hoặc nhiều vị Tỳ Khưu, với một giọng dịu dàng cảm động, tụng những bài kinh Pàli, cầu an, chúc lành cho thiện nam tín nữ là thường sự trong xứ Phật Giáo. Hầu hết các chùa, đôi khi có tổ chức lễ Cầu An công cộng cho bá tánh. Những buổi lễ này có thể kéo dài liên tiếp ngày đêm,trong một hai ngày hoặc trong một tuần lễ hoặc lâu hơn.

Còn nhiều thứ lễ và phong tục khác. Dù không cần yếu nhưng cũng có hiệu lực làm thỏa mãn nguyện vọng và đức tín của người còn kém sút về mặt trí tuệ và tinh thần, để nâng đỡ họ trên đường đạo.

Những ai đã tin tưởng rằng Phật Giáo chỉ lưu tâm đến lý tưởng cao siêu, đến học thuyết đạo đức và triết lý siêu nhiên mà không biết đến hạnh phúc xã hội và không màng đến sinh hoạt kinh tế của dân gian, những người ấy đã hiểu lầm. Chú trọng đến hạnh phúc của nhơn loại, Ngài cho rằng không bao giờ có hạnh phúc ngoài một cuộc đời trong sạch căn bản trên nguyên tố đạo đức và tinh thần. Và Ngài cũng biết rằng rất khó mà gầy dựng được một cuộc đời như thế nếu không có những điều kiện vật chất và xã hội thuận lợi cho mình.

Phật Giáo không xem sự ăn sung mặc sướng như một cứu cánh tuyệt đối; nó chỉ là một phương tiện để tiến tới mục tiêu cao đẹp và quý trọng hơn. Nhưng đó là một phương tiện cần yếu, rất cần yếu để đạt một chủ đích cao thượng hơn cho hạnh phúc con người. Bởi thế Phật Giáo nhìn nhận phải có những điều kiện vật chất tối thiểu cần yếu cho sự thành công về phương diện tinh thần; dù là một vị Tỳ Khưu ở nơi cô tịch để hành thiền cũng vậy.

Ðức Phật không tách rời những cấu hợp chằng chịt của đời sống ra khỏi nội địa xã hội và kinh tế. Ngài xem như một, trong cục diện tinh thần xã hội, kinh tế và chánh trị. Giáo Lý của Ðức Phật về luân lý, tinh thần, triết học đã được phổ thông nhưng ít người biết rõ, nhất là người phương Tây, phần giáo lý về xã hội, kinh tế và chánh trị, mặc dù Ðức Phật có đề cập rất nhiều đến những đề tài ấy. Ai ai cũng có thể tìm gặp nhiều nơi trong Tam Tạng Pháp Bảo. thí dụ như trong kinh:

Bài kinh Cakkavattisìhanàda Sutta (Chuyển luân thánh vương Sư tử hống), kinh số 26 thuộc bộ Trường A Hàm (Digha-Nikaya), có ghi rằng sự nghèo khổ (Dàliddiya) là kết quả của sự bại hoại luân thường đạo lý và tội ác như trộm cắp, gian tham, hiếp dâm, thú oán, hung ác. Các nhà vua trong đời thượng cổ, cũng như các Chánh Phủ hiện hữu diệt trừ những tội ác bằng hình phạt. Trong kinh Kùtadanta-Sutta, cũng thuộc bộ Trường A Hàm (kinh số 5, Cứu la đàn đầu), lại có ghi rằng mọi hình phạt đều vô ích và không bao giờ có hiệu lực tuyệt trừ tội lỗi. Trái lại, Ðức Phật khuyên nếu muốn cho con người từ bỏ cái ác tính phạm tội phải cải thiện điều kiện kinh tế của xã hội. Nên giúp giống và mọi vật liệu cần thiết về canh nông cho tá điền, cho dân cày; giúp vốn cho các thương gia và nghiệp đoàn; trả tiền thù lao thích đáng cho lao công. Khi dân chúng được giúp phương tiện để làm ra huê lợi đủ xài, thì họ vừa lòng, không âu lo phiền muộn; dĩ nhiên xứ sở sẽ được thanh bình và không còn trộm cướp, án mạng nữa.

Vì đó Ðức Phật hằng nhắc nhở hàng cư sĩ nên thận trọng cố gắng cải thiện nền kinh tế. Ðiều ấy dĩ nhiên không có nghĩa là Ðức Phật chấp nhận cho mọi người tích trữ tiền của với lòng tham lam, luyến ái, vì đó là trái với giáo lý căn bản của Ngài. Ðức Phật cũng không chấp nhận bất cứ phương tiện nào trong sự nuôi mạng. Có một vài nghề nghiệp, như nghề đúc súng và buôn bán khí giới, Ðức Phật xem như là nghề nuôi mạng tai hại.

Một người nọ, tên Dìghajànu, ngày kia đến yết kiến và hỏi Ðức Phật: “Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con là hạng thường nhơn cư sĩ, sống với gia đình vợ con, Ðức Thế Tôn có thể nào dạy chúng con một phương pháp dẫn dắt chúng con đến nơi hạnh phúc hiện tại và thiên đàng chăng?”

Ðức Phật cho biết có 4 pháp đưa con người đến hạnh phúc trong đời hiện tại:

  1. Phải mẫn cán và cương quyết, tận tâm và hăng hái trong nghề nghiệp, bất cứ nghề nào, và phải thông thạo nghề ấy (Utthànasampàda).
  2. Phải gìn giữ lời lãi chính đáng làm ra do mồ hôi trán của mình (Àrakkhasampàda), nghĩa là đừng để cho kẻ gian tham trộm cắp. Ðây là điều thận trọng phải có do nơi tổ chức phức tạp của xã hội thời xưa.
  3. Phải có bạn lành (Kalyànamitta), trung thành, học thức, đạo đức, quảng đại, trí tuệ để giúp mình giữ vững con đường chơn chánh và xa lánh nẻo tà.
  4. Phải tiêu xài cho có chừng mực, tùy theo huê lợi của mình; không phung phí; không bỏn sẻn, nghĩa là chẳng nên tích trữ vì bón rít và cũng chẳng nên buông thả xa hoa, hay nói cách khác là phải sống cho vừa phải với tài sản sự nghiệp của mình (Samajìvikatà).

Kế đó Ðức Phật chỉ dạy bốn đức đưa người cư sĩ đến nơi hạnh phúc Thiên Ðàng:

  1. Phải có đức tin và tín nhiệm (Saddhà) nơi giá trị cao thượng của đạo đức, tinh thần và trí tuệ.
  2. Không sát sanh hại vật, không trộm cắp, không lường gạt, không tà dâm, không nói dối, không uống các vật say (Sìla).
  3. Phải bố thí, quảng đại, không tham luyến (Càga).
  4. Phải khai thông tuệ giác (Pannà) để tận diệt nguồn gốc của sự khổ hầu tiến đến đạo quả Niết Bàn. (Phật ngôn trên đây đã có ghi chép trong bộ Anguttara-nikàya, Tăng Nhất A Hàm, từ trang 786).

Ðôi khi Ðức Phật chỉ dạy tỷ mỷ về vấn đề tiết kiệm và tiêu dụng tiền bạc. Như trong kinh Dìgha-Nikàya III, tr.1 15 (Trường A Hàm), Ðức Phật dạy chàng thanh niên Sigàla nên truất ra một phần tư (1/4) tiền huê lợi để tiêu xài hằng ngày; dành phân nửa (1/2) để khuếch trương thương mãi và góc tư (1/4) còn lại để ngừa sự bất trắc.

Kinh Anguttara-nikàya (Tăng Nhất A Hàm), tr. 232-233, có ghi rằng một ngày kia Ðức Phật có giảng cho ông Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika), vị triệu phú gia, đệ tử trung thành của Ngài, đã lập một ngôi chùa danh tiếng, là chùa Jetavana (Kỳ Viên) tại thành Sàvatthi (Xá vệ), bốn điều hạnh phúc của người cư sĩ:

  1. Hạnh phúc thứ nhứt là sự toại hưởng một nền kinh tế vững chắc, hoặc một tài sản dồi dào, tạo ra do những phương thế công minh chánh trị (Atthi-sukha)
  2. Hạnh phúc thứ nhì là tiêu xài tự do cho mình, cho gia đình, cho bằng hữu thân quyến mình và cho những việc phước thiện (Bhoga-sukha),
  3. Hạnh phúc thứ ba là không có nợ nần (Anana-sukha).
  4. Hạnh phúc thứ tư là sống một cuộc đời ngay thẳng, trong sạch, không tạo ác bằng tư tưởng, lời nói và hành động (Anavajja-sukha).

Nên ghi rằng ba hình thức hạnh phúc đầu tiên đều phát sanh do nguồn tài lợi kinh tế. Nhân đó Ðức Phật nhắc nhở cho ông đại trưởng giả rằng hạnh phúc vật chất và kinh tế không bằng một phần mười sáu (1/16) của hạnh phúc tinh thần là hạnh phúc tạo ra bởi một đời sống tinh khiết, lương thiện.

Xuyên qua những từ huấn kể trên, chúng ta thấy Ðức Phật xem những tiện nghi vật chất như một yếu kiện cho đời sống của nhơn loại, nhưng Ngài không nhìn nhận sự tiến bộ như một sự kiện thực tế, chắc thật, nếu sự tiến bộ ấy chỉ khuynh hướng về vật chất mà thiếu nền tảng tinh thần và đạo đức. Vừa khuyến khích sự tiến bộ vật chất, Phật Giáo nhấn mạnh trên sự triển khai của bản tính đạo đức và tinh thần, để kiến tạo một xã hội an vui, thanh bình và mãn nguyện.

Ðức Phật chẳng những dạy con người nên áp dụng chính sách bất bạo động và hòa bình, Ngài lại còn thân hành ra giữa chiến trường và trực tiếp can thiệp để trấn áp một trận giặc, lúc hai dân tộc akya và Koliya xích mích nhau, đương dàn binh khai chiến để giải quyết vấn đề sử dụng nguồn nước của con sông Rohini. Và cũng nhờ lời hòa giải của Ðức Phật mà vua Ajàtasattu (A Xà Thế) không xâm chiếm vương quốc của dòng Vajji (Bạt kỳ).

Trong thời kỳ Ðức Phật còn tại thế – cũng như hiện nay – có nhiều vị vua cai trị bất công. Sưu thuế bị tăng lên quá đỗi và hình phạt rất tàn ác. Dân chúng bị áp bức, bóc lột, tra tấn, giết chóc. Ðức Phật vô cùng xót xa trước những sự ngược đãi vô nhơn đạo ấy. Kinh Dhammapadatthakathà thuật lại rằng Ðức Phật hằng lưu ý đến vấn đề tổ chức một nền hành chánh nhơn đạo. Ý kiến của Ngài được thích dụng trong quy chế xã hội, kinh tế và chánh trị trong thời kỳ ấy. Ngài chỉ cho thấy rằng toàn cả một xứ bị suy vong, đốn mạt và khốn khổ khi những người nắm vận mạng quốc gia, như vua chúa, quần thần, quan lại quá đỗi tham tàn và bất công. Muốn cho xứ sở được thanh bình thạnh trị thì những người cầm quyền phải công minh, chánh trực. Nguyên tắc thiết lập một chánh phủ công minh đã được Ðức Phật giãi bày trong “Mười Phận Sự Của Nhà Vua” (Dasa-ràja-dhamma), có ghi chép trong bộ chú giải Jàtaka I (Chuyện Tiền Thân), tr. 260, 399, – II, tr. 400; – III, tr. 274, 320; – V, tr.119, 378. Danh từ Vua (Ràja) khi xưa có thể định nghĩa là “Chánh Phủ” ngày nay. Do đó những nhơn vật đứng ra lãnh trọng trách lèo lái bất cứ con thuyền quốc gia nào, từ ông Quốc Trưởng, Thủ Tướng, Tổng Trưởng, chuyên viên chánh trị, nghị viên lập pháp, đến các công chức hành chánh, v.v… nên áp dụng “Mười Phận Sự Của Nhà Vua”:

  1. Phận sự đầu tiên là đức tính khoan dung, quảng đại, từ thiện. Vị quốc Trưởng phải là người không tham tham, không luyến ái tiền bạc của cải, mà phải sẵn sàng đem ra bồi đắp hạnh phúc cho dân lành (Dàna).
  2. Phải có hạnh kiểm đạo đức cao thượng (Sìla) là không sát sanh, không dối trá, không gian tham, không lợi dụng kẻ khác, không tà dâm, không nói những điều hư ngụy, không uống vật có chất say. Nghãi là ít nhất phải giữ Ngũ Giới.
  3. Hy sinh tất cả cho việc lợi ích cho dân (Pariccàga). Sẵn lòng hy sinh sự sung sướng, tên tuổi, thanh danh và mạng sống cho quyền lợi của dân.
  4. Thanh liêm, chánh trực (Ajjava). Không sợ áp lực và cũng không đặc biệt ưu đãi một ai trong khi thi hành nhiệm vụ. Phải chân thật trong ý muốn và không dối gạt quần chúng.
  5. Dễ thương, ôn hòa (Maddava). Phải có đức tánh ngọt ngòa, mềm dịu.
  6. Khắc kỷ, nghiêm túc trong thói quen (Tapa). Phải sống giản dị, không để bị lôi cuốn trong xa xí. Phải biết mình.
  7. Không ghen ghét, không ác ý, không thù hằn (Akkodha). Không tích oán, hiềm thù với ai cả.
  8. Không bạo động (Avihimsa). Chẳng những không làm hại ai, mà phải tích cực biểu hiện hòa bình, cố tránh và ngăn ngừa chiến tranh cùng tất cả những gì gây ra bạo động vè giết chóc.
  9. Nhẫn nại, tha thứ, châm chế, hiểu biết (Khanti). Phải có đủ khả năng chịu đựng thử thách, khó khăn, nhục mạ và không giận.
  10. Không chống trả, không làm cho bế tắc (Avirodha). Nghĩa là không chống lại ý muốn của dân, không ngăn cản một biện pháp nào có thể đem lại hạnh phúc cho dân. Nói cách khác, phải một mực hòa hợp với dân.

(Nên lưu ý rằng Năm Quy tắc, gọi là Panchasìla trong chánh sách ngoại giao của xứ Ấn Ðộ đều phù hạp với Ngũ Giới của Phật Giáo mà xưa kia Hoàng Ðế A Dục (Asoka) cũng đã thực hiện trong chánh sách cai trị của Ngài, trong thế kỷ thứ III, trước Gia-tô).

Hạnh phúc thay cho xứ nào được những nhơn vật có đức tánh cao thượng như trên cai trị. Và đây không phải là một cuồng vọng, bởi xưa kia đã có những nhà vua, như Hoàng Ðế A Dục của xứ Ấn Ðộ, từng lập quốc theo tôn kiến của Ðức Phật.

Ðức Phật dạy: “Chẳng bao giờ lấy thù hận mà rửa thù hận được. Thù hận phải rửa bằng khoan hồng tha thứ. Ðây là chân lý bất diệt”. (kinh Pháp Cú I, tr. 5).

Cũng trong kinh Pháp Cú XVII, tr.3, Ðức Phật dạy: “Phải thắng sự giận bằng dung thứ, sự hung dữ bằng sự hiền từ, sự ích kỷ bằng sự bố thí và sự nói dối bằng sự chân thật”.

Con người không bao giờ được hòa bình hạnh phúc khi họ còn mong muốn và khao khát chinh phục, lấn áp người láng giềng của mình.

Ðức Phật dạy: “Người thắng gây ra sự thù hận. Kẻ bại phải bị gian khổ. Kẻ nào từ bỏ sự thắng, sự bại, sẽ được hạnh phúc” (kinh Pháp Cú).

“Sự thắng duy nhứt đem lại hòa bình và hạnh phúc là tự mình thắng mình. Người ta có thể chiến thắng trong muôn ức trận giặc, nhưng người nào khắc phục được mình, người ấy mới là người địa thắng duy nhứt”. (kinh Pháp Cú VIII, tr. 4).

Thật là một điều an ủi, một niềm hy vọng mà tin tưởng rằng trong hiện tại được ra đời ít nhứt một vị Chúa Tể, uy danh trong lịch sử, có can đảm, có tín nhiệm, có sáng kiến thi hành chánh sách bất bạo động, hòa bình, bác ái, đối nội cũng như đối ngoại, trên một lãnh thổ mênh mông, như Hoàng Ðế A Dục của xứ Ấn Ðộ, một tín đồ Phật Giáo trong thế kỷ thứ III, trước Gia-tô, đã có tên là “Người yêu mến của Chư Thiên”.

Trước tiên, Hoàng Ðế A Dục noi gương vua cha (Bindusàra) và nội tổ (Chandragupta) nuôi mộng làm bá chủ trên toàn cõi Ấn Ðộ. Ngày kia Vua a Dục cất đại hùng binh đi chinh phục xứ Kalinga, để xáp nhập xứ này vào vương quốc. Muốn ức người, lớp chết, lớp bị thương, lớp bị bắt tra tấn và cầm tù. Nhưng sau lại, Hoàng Ðế A Dục trở thành một Phật tử và tự thay đổi hoàn toàn do nhờ giáo lý của Ðức Phật. Một trong những chỉ dụ danh tiếng khắc trên đá (Chỉ dụ số XIII) hiện còn đọc được, Hoàng Ðế A Dục nhắc lại sự chinh phục xứ Kalinga, công bố sự hối hận của Ngài và khi nhớ đến sự tàn sát dân xứ Kalinga, Ngài rất đau lòng và hứa từ đó không còn rút gươm ra để chinh phục nữa và mong cho tất cả chúng sanh áp dụng chánh sách bất bạo động, khắc kỷ, vị tha, tịnh tâm, hiền từ. “Người yêu mến của Chư Thiên” (A Dục) xem chánh sách này như một chiến thắng cao cả, một chiến thắng do lòng “Sùng Ðạo” (Dhamma-vijaya). Chẳng những Vua A Dục từ bỏ chiến tranh, mà ngài còn tỏ ý muốn cho con cháu Ngài đừng luống công đi xâm chiếm nữa, để rảnh rang lo công cuộc “xâm chiếm do lòng Sùng Ðạo”. Ðiều ấy rất cao quý cho nhơn loại và Chư Thiên.

Ðây là một gương duy nhứt trong lịch sử loài người. Một người chinh phục đại thắng, đương nắm cả quyền lực trong tay, còn đầy sức khỏe để mở rộng bờ cõi thêm nữa, nhưng lại từ bỏ chiến tranh, từ bỏ bạo động trở về với hòa bình và bất bạo động.

Thật là một bài học quý giá cho thế giới hiện tại. Vị Hoàng Ðế của một đại vương quốc công khai từ bỏ chiến tranh và bạo động để áp dụng chánh sách hòa bình và bất bạo động. Lịch sử cho biết rằng không có một vị vương bá láng giềng nào thừa cơ hội lợi dụng chánh sách Sùng Ðạo của Hoàng Ðế A Dục, cử binh khai chiến với Ngài, và trải qua triều đại ấy không có một cuộc khởi loạn mưu phản nào cả. Trái lại cả xứ được toại hưởng hòa bình và dường như các xứ độc lập láng giềng đều chấp thuận sự cai trị khoan hồng của Hoàng Ðế A Dục.

Phật Giáo chủ trương tổ chức một xã hội không nhìn nhận sự tranh đấu phá hoại để giành quyền, một xã hội an ninh, thanh bình, không người thắng cũng không ai bại, một xã hội mà mọi sự ngược đãi kẻ vô tội đều bị mãnh liệt tố cáo, một xã hội chỉ biết tôn kính người nào tự thắng phục được mình và không kính trọng bất cứ ai chiến thắng cả muôn triệu người bằng khí giới và kinh tế, một xã hội biết đem tình thân hữu rưa rhận thù, biết lấy lòng từ thiện trả lại sự hung ác, một xã hội mà sự thù nghịch, sự ganh tỵ, sự hiểm độc, sự tham lam không thể đầu độc được tinh thần dân chúng. Nơi đó thương xót bi mẫn sẽ là động cơ của hành động; nơi đó tất cả chúng sanh luôn cả côn trùng vi tế sẽ được đối đãi công bình, được kính trọng, thương mến, một xã hội thanh bình, huynh đệ hòa hợp trong một thế giới mà mọi người hài lòng với những phương tiện sinh sống thích hợp và đời sống hướng về mục đích cứu cánh cao thượng, để đạt chân lý cùng tột, Niết Bàn.

 

 

—————————–

Bài viết được trích từ cuốn Luận Lý Giáo Và Xã Hội, tác giả Tỳ Khưu Walpola Rahula

Link  cuốn Luận Lý Giáo Và Xã Hội
Link  tải sách ebook Luận Lý Giáo Và Xã Hội
Link  video cuốn Luận Lý Giáo Và Xã Hội
Link  audio cuốn Luận Lý Giáo Và Xã Hội
Link  thư mục tác giả Tỳ Khưu Walpola Rahula
Link  thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Walpola Rahula
Link  giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Walpola Rahula
Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app