Lịch Sử Đức Phật Tổ Cồ Đàm – Thiên Thứ Chín: Ðộ Ðức Tịnh Phạn Vương Ðắc A-la-hán Quả Và Ngài Nhập Diệt

THIÊN THỨ CHÍN: ÐỘ ÐỨC TỊNH PHẠN VƯƠNG ÐẮC A-LA-HÁN QUẢ VÀ NGÀI NHẬP DIỆT

Khi đức Thế Tôn ngự tại Vương Xá thành tại Trúc Lâm tịnh xá hạ thứ tư. Khi sắp nhập hạ thứ năm Ngài cùng năm ngàn vị Tỳ khưu ngự về xứ Vesàlì nhập hạ ở tư thất gọi là KUTÀGÀRASÀLA ở rừng gần thành Vesàlì .

Trong năm đó đức Tịnh Phạn Vương lâm trọng bịnh, tất cả lương y trong xứ được triệu đến chữa bịnh cho Ngài, tất cả hoàng thân nhứt là lịnh bà Gotami hết lòng lo chăm nom săn sóc nhưng bịnh không hề thuyên giảm, thân hình càng ngày càng tiều tụy, Ngài không nằm yên được vì chứng bịnh hành hạ. Ngài than rằng: Ta thọ khổ rất nhiều. Bỗng dưng trong khi ấy Ngài lại nhớ đến người con yêu quí duy nhứt của Ngài là đức Thế Tôn, Ngài mới nghĩ rằng: Phải chi có đức Thế Tôn nơi đây, Ngài sờ vào đầu ta, còn đức Ananda rờ vào hai bên thân trái và phải của ta, còn Ra Hầu La cháu nội ta rờ vào hai chân ta, thì sự khổ sở của bịnh tình hành hạ ta chắc chắn sẽ thuyên giảm.

Ðồng thời khi ấy nhằm lúc gần sáng đức Thế Tôn xuất thiền dùng tâm từ bi rải khắp tam giới nguyện cho chúng sanh được an vui hạnh phúc không gây oan trái với nhau, không giết hại nhau. Rồi Ngài mới dùng tuệ nhãn xem coi chúng sanh nào có duyên lành để Ngài độ trong ngày ấy.

Phàm một vị Chánh đẳng Chánh giác hằng hành theo năm điều trong ngày, năm điều ấy gọi là Sở dụng thời giờ của Phật.

Phạn ngữ gọi là PANCAVILOKANATHA là:

1) PUBBANHE PINDAPÀTANCA. Buổi sáng Ngài ngự đi khất thực.

2) SÀYANHE DHAMMADESANAM. Buổi chiều lại Ngài thuyết pháp độ chúng sanh.

3) PADOSA BHIKKHU OVÀDAM. Buổi tối Ngài dạy đạo cho chư Tăng.

4) ADDHARATTE DEVAPANHANAM. Khuya lại Ngài đáp những câu hỏi của chư Thiên thắc mắc.

5) PACCÙSEVA GATE KÀLE BHABBÀBHABBE VILOKANAM. Lúc rạng đông Ngài dùng trí tuệ xem coi chúng sanh nào hữu duyên cùng Ngài trong ngày ấy, Ngài ngự đi giáo hóa.

Lúc bấy giờ ấy đức Thế Tôn xem thấy phụ vương Ngài đang lâm trọng bịnh, đang bị bịnh tình hành hạ nằm không yên và rất nhớ đến Ngài cùng Nanda, Ananda và Ra Hầu La cháu đích tôn của Ngài. Ðức Thế Tôn mới nghĩ rằng: Ta nên trở về thăm viếng săn sóc bịnh tình cho phụ vương.

Ðức Thế Tôn liền gọi đức Ananda đến và dạy rằng: Ananda nầy, chúng ta nên về thăm đức vua Tịnh Phạn. Chúng ta chỉ còn được gặp mặt Ngài lần nầy là lần chót. Hơn nữa đức vua đang có tâm hướng về chúng ta, Ngài mong ước được gặp chúng ta; đây là cơ hội đặc biệt chúng ta gặp lại Ngài. Chư Thánh Tăng ở nơi nào ngươi hãy đến nơi ấy cho các vị ấy hay rằng: Như Lai về thành Ca Tỳ La Vệ thăm phụ vương.

Ðại Ðức Ananda đáp: Xin vâng!

Rồi Ngài lật đật ra đi truyền lời dạy của đức Thế Tôn cho chư Thánh Tăng hay.

Tất cả chư Thánh Tăng kể cả hai vị đại đệ tử và tám mươi vị đại đệ tử khác cùng chư Thánh Tăng ngoài ra khi nghe tin ấy đến hội hợp nhau đợi cùng đi với Phật vì quí Ngài có thông tuệ biết rõ tất cả mọi việc.

Ðức Ananda về bạch lại mọi việc cho Phật hay và cho Phật biết rằng: Chư Thánh Tăng đã hội lại đủ mặt.

Ðức Thế Tôn liền đến nơi hội và phán với chư Thánh Tăng rằng: Quí vị đây đều là người muốn đến viếng phụ vương của Như Lai lần chót chăng?

Sau đó đức Thế Tôn dùng thần thông bay đi chư Thánh Tăng cũng theo Ngài tùy theo hạ cao thấp đi một hàng trông thật đẹp mắt. Khi đến thành Ca Tỳ La Vệ, đức Phật cùng chư Thánh Tăng ngự ngay vào cung vua đang ngự. Ðức Phật ngự nơi đầu long sàng vừa tầm mắt đức vua trông thấy. Ðức Thế Tôn trông thấy Phụ hoàng thân hình tiều tụy lấy làm thương hại, Ngài liền phán hỏi căn bịnh và đang đau nhức nơi nào. Ðức vua nghe những lời han hỏi của đức Thế Tôn lấy làm cảm động rưng rưng đôi hàng lệ và bạch rằng:

– Bạch đức Thế Tôn; sự đau khổ của cơn bịnh không biết kể sao cho hết, trẫm không còn sống thêm được nữa rồi.

Ðức Thế Tôn dạy: Tâu Ðại vương, xin Ðại vương đừng nghĩ như vậy. Ðức Thế Tôn liền đưa tay mặt ra đồng thời phát nguyện rằng:

– Nếu Như Lai đã có hành ba mươi pháp Ba la mật quí báu cao thượng trong bốn A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp vì cố ý đem sự lợi ích đến cho chúng sanh, xin do nơi oai lực của phước báu ?y, khi Như Lai dùng tay phải rờ vào đầu của Phụ vương, xin cho sự đau khổ ấy tiêu diệt. Ðức Thế Tôn phát nguyện xong rờ vào đầu của đức Tịnh Phạn Vương, sự đau đớn vì cơn bệnh thuyên giảm ngay.

Khi ấy đức Ananda đảnh lễ đức Thế Tôn xong đến gần long sàng của đức vua, rồi phát nguyện rằng:

– Tôi là người hằng theo hầu Phật như bóng với hình, đây là lời thành thật của tôi, xin cho khi tôi dùng tay rờ vào mình của bá phụ, tôi xin cho Ngài được giảm sự đau khổ vì cơn bịnh hành hạ. Ðức Ananda liền rờ vào mình đức vua thì căn bịnh thuyên giảm ngay lập tức.

Ðức Nanda liền đến đảnh lễ Phật và cũng đến nơi long sàng rồi phát nguyện rằng:

– Nếu tôi là người hành đúng theo lời giáo huấn của đức Ðại Giác. Tôi xin nguyện rằng: Do nhờ oai lực hành theo Thánh pháp ấy khi tôi rờ vào mình của phụ vương tôi xin cho căn bịnh được tiêu tan. Khi ngài rờ vào đức vua cảm thấy được mạnh khỏe như xưa.

Ðức Ra Hầu La cũng đến gần Phật đảnh lễ xong đến bên long sàng và phát nguyện rằng:

– Khi đức Thế Tôn còn là vị đại Bồ Tát trong kiếp Vesantara , Ngài hành hạnh đại thí, Ngài có bố thí tôi cho ông Bà la môn tên Jùjaka. Tôi vâng lời Ngài theo ông Bà la môn ấy không hề dám cãi và buồn phiền Ngài trong thâm tâm. Nếu điều ấy đúng theo sự thật mà tôi đã hành thì do nhờ oai lực công đức ấy xin cho khi tôi rờ vào chân của nội tổ tôi thì căn bịnh của Ngài tiêu tan đi lập tức. Ngài liền rờ vào chân đức vua. Khi ấy đức vua cảm thấy hết bịnh.

Khi Ngài cảm thấy trong thân thể được thơ thới an vui như đã thoát khỏi cơn bịnh hiểm nghèo. Ngài liền ngồi dậy tỏ tâm hoan hỉ đưa tay lên khỏi đầu đảnh lễ đức Phật và chư Tăng.

Ðức Thế Tôn biết rằng: Ðức vua đã hết bịnh. Ngài liền dùng trí tuệ quan sát coi phụ vương còn thọ được bao lâu nữa. Ngài biết rằng: Ðức vua chỉ còn thọ được bảy ngày nữa thôi, và Ngài hiểu rằng: Ðức vua còn có duyên lành đắc quả A-la-hán trong kiếp nầy do nơi Ngài tiếp độ. Ngài liền bắt đầu thuyết pháp cho đức vua nghe bảy ngày đêm liền không ngừng nghỉ.

Ðức vua yêu cầu đức Thế Tôn rằng:

– Bạch đức Thế Tôn, Ngài là đấng Ðại Từ bi chịu cực khổ thuyết pháp cho trẫm nghe cả bảy ngày đêm hầu đem sự lợi ích cho trẫm.

Ðức Thế Tôn liền thuyết bài pháp tên là ANICCÀ (nghĩa là Pháp vô thường). Ðại cương như vầy: Tâu Ðại vương, tất cả sanh mạng của chúng sanh rất là bé nhỏ, không trường tồn được, đời sống con người mau lẹ như làn chớp chưa trông thấy thì đã mất rồi, mỗi ngày qua là càng chồng chất thêm tuổi già, ngoài ra còn có bịnh vào tàn phá làm cho đau khổ, đời sống của người có cái chết là sự thật của nó, những của cải mà người ta đã có trong đời nầy sẽ bị mất, trước khi chết hay là khi chết không đem gì được về ngày vị lai, đó là định luật tự nhiên chúng sanh phải gánh chịu.

Khi nghe xong thời pháp thì đức vua cũng vừa đắc A-la-hán quả. Vì trong khi nghe Ngài quán tưởng theo Minh sát tuệ, Ngài trông thấy thật rõ từng chi tiết của pháp Tứ Ðế, Ngài diệt trừ tận gốc của vô minh và si mê nên không còn luân hồi nữa.

Ðức vua đắc A-la-hán quả với thần thông nên Ngài dùng trí tuệ quan sát biết rõ nhân duyên của mình, nên Ngài bạch Phật rằng:

– Bạch đức Thế Tôn hôm nay trẫm đã giải thoát khỏi lưới của luân hồi, trong thấu rõ Niết bàn bằng Tuệ. Tuổi thọ của trẫm còn rất ít trẫm xin đảnh lễ đức Ðại Giác, trẫm phải nhập diệt ngày hôm nay.

– Tâu Ðại vương, xin Ðại vương hãy tùy tiện, liệu lấy thời giờ (ý đức Thế Tôn dạy hãy coi giờ nào đúng vào lúc hết tuổi thọ).

Tất cả hoàng tộc và các phi tần nhứt là bà Gotamì nghe vậy lấy làm buồn khổ thương yêu Ngài nên đều than khóc náo động cả hoàng cung.

Ðức Tịnh Phạn Vương thấy vậy mới dạy rằng:

– Hỡi nầy các người, xin các người đừng than van khóc lóc buồn thương, vì đời người sanh ra trong vòng luân hồi phải có ngày chia ly với tất cả những nhân vật thương yêu quí mến, và thường hay rung động vì các pháp thế gian nhứt là kinh sợ tử thần. Sau khi ta chết thì lần lượt đến các người kẻ trước người sau, đó là con đường cuối cùng của đời người, danh vọng tiền tài không đem lợi ích gì đến ta. Vậy các người nên rán lo tu hành để tìm nơi bền vững lâu dài không tiêu diệt, bất di bất dịch.

An ủi quyến thuộc xong Ngài liền cúi đầu đảnh lễ đức Thế Tôn và bạch rằng:

– Bạch đức Thế Tôn, những tội lỗi nào mà trẫm đã dễ duôi do thân, khẩu, ý phạm với đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn mở lượng Từ Bi tha tội lỗi cho trẫm. Trẫm xin từ giã đức Thế Tôn nhập Niết bàn. Dứt lời Ngài nằm lại long sàng nhập đại định rồi tịch diệt luôn.

Khi đức Thế Tôn biết đức vua đã tịch diệt, Ngài liền thuyết cho chư Tăng nghe câu kệ:

– Các vị nên trông lấy sự tịch diệt của phụ vương Như Lai làm đề mục, đã gọi là Tử thần thì không bao giờ biết tha thứ cho nhân vật nào. Nó có phận sự là giết tất cả nhân vật là cố hữu của nó vậy.

Khi ấy lịnh bà Gotamì và hoàng tộc khóc lóc than van, làm náo nhiệt cả hoàng cung. Ðức Thế Tôn mới thuyết pháp về Vô thường, Khổ não, Vô ngã, thì các vị ấy hiểu rõ lý của pháp bớt bi lụy.

Ðức Thế Tôn liền gọi Ðại Ðức Ca Diếp đến dạy rằng: Như Lai phải làm chủ tọa trong cuộc lễ hỏa táng nầy. Vậy Như Lai phiền ông hãy đi tìm coi địa thế nơi nào thích đáng để làm nơi hỏa táng phụ vương của Như Lai. (ý nói đức Thế Tôn muốn tìm nơi không xa lắm không gần lắm và rộng rãi để cho chư Tăng và dân chúng hội lại làm lễ).

Ðức Ca Diếp đáp: Xin vâng!

Ðại Ðức liền hợp với các vị bô lão trong hoàng tộc đi chọn nơi thuận tiện cho cuộc lễ.

Chư Thiên trong cõi Sa bà thế giới đều hội đến, nhứt là đức Ðế Thích đem đồ thực phẩm và các vật trên cõi trời đến cúng dường; đặc biệt là Ngài có đem đến một cái DIBYAKUTAG ARA. (nghĩa là nóc của hỏa đài) có hình năm trăm nóc nhà chồng lên nhau từ từng (quí vị hãy coi như đền vua Cao Mên, Lào, Thái, hay nóc chánh điện của chùa) có cẩn nhiều châu ngọc trông thật là huy hoàng tráng lệ.

Khi hỏa đài đã xong, Ðại Ðức Ca Diếp mới vào bạch cho đức Thế Tôn rõ. Ðức Thế Tôn dạy người đem nước hoa đến, tự tay Ngài đỡ đầu đức vua và tắm cho Ngài. Ðức Xá Lợi Phất là người múc nước xối, còn đức Phật là người kỳ rửa long thể của đức Tịnh Phạn Vương.

Ðức Thế Tôn mới phán với Ðại Ðức Xá Lợi Phất rằng: Nầy Xá Lợi Phất, kẻ nào là người hành theo thiện pháp, có tâm nguyện đắc quả Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, nên cố lo phụng dưỡng mẹ cha, người ấy sẽ đoạt thành sở nguyện.

Khi tắm xong chính tay đức Thế Tôn lo tẩn liệm, và Ngài khiêng linh cửu để nơi quàng trong hoàng cung. Khi đến làm hỏa táng chính tay Ngài khiêng linh cửu ra nơi hỏa đài và an tọa trên hỏa đài, Thiên Vương Ðế Thích xuống làm lễ linh cửu xong đi quanh ba vòng. Ngài liền lấy ra một viên ngọc gọi là JOTIVANSÌ (viên ngọc nầy có thể làm cháy được mọi vật) chuẩn bị để làm lễ hỏa táng.

Ðức Thế Tôn mới phán rằng: Nầy Thiên Vương Ðế Thích, người hãy đình chỉ lại, chuyện nầy phải chính tay Như Lai làm lễ hỏa táng cho phụ vương mới phải lẽ.

Ðức Ðế Thích mới dâng viên ngọc ấy đến tay đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn đem viên ngọc để vào chân hỏa đài lửa phát cháy. Sau đó chư Thiên và các vị Hoàng thân mới đem vật thơm như trầm, hoa v.v… để vào hỏa đài. Trong cuộc lễ hỏa táng còn có nhiều người thương tiếc khóc than, nhân tiện ấy đức Thế Tôn mới thuyết pháp Vô thường để độ chúng sanh.

Quyến thuộc sáu nước là: 1. Ca Tỳ La Vệ; 2. Devadaha; 3. Koliya; 4. Sakka; 5. Supavàsa; 6. Vera cùng hội đến dự cuộc lễ hỏa táng để tang thật là long trọng.

Sau khi hỏa táng xong quyến thuộc sáu nước mới hội nhau làm cuộc lễ cúng dường cho chư Thánh Tăng có đức Thế Tôn làm tọa chủ. Lễ cúng dường thật là long trọng. Sau khi cuộc lễ đức Thế Tôn có dạy rằng:

– RÀJÀCO KHATTIYÀ MÀTÀ. Hãy xem đức vua Tịnh Phạn Vương thăng hà mà làm gương, mọi người còn sống sẽ có quyến thuộc là cha mẹ, anh em, thầy tổ sẽ chết, khi người yêu thương chết thì người còn lại đều buồn rầu than tiếc uất ức, vì sợ rằng người quá vãng không nơi nương tựa, người ấy nên làm phước bố thí hay cúng dường đến các bực đáng cúng dường, sự cúng dường hay bố thí cao thượng của người còn tại thế làm và đem ra hồi hướng đến người đã quá vãng. Quả của sự Bố thí hay cúng dường ấy sẽ trả quả cho người quá vãng một sự nghiệp quí giá. Nếu con cháu còn sống mà không làm lễ cúng dường hay bố thí để hồi hướng đến người quá vãng, những con cháu ấy gọi là người bất hiếu, sau khi chết chắc chắn sẽ bị đọa vào ác đạo khó thoát khỏi và phải chịu khổ trong cõi ấy một thời gian khá lâu vậy. Người có hiếu nên biết làm việc lành là bố thí hay cúng dường để hồi hướng phước báu cho quyến thuộc đã quá vãng. Người có hiếu làm như thế sau khi quá vãng được sanh về cõi an vui. Vì vậy bực có trí nên làm việc lành do lòng trong sạch để hồi hướng quả báu đến cho người đã quá vãng. Sự than khóc, uất ức, ăn năn, thương tiếc thật không bổ ích chi đến người quá vãng, những quyến thuộc mà được hưởng an vui là do nhờ sự cúng dường hay bố thí của người còn tại thế hồi hướng đến mà thôi.

Ðức Thế Tôn dạy đoạn nầy cốt để nhắc nhở quyến thuộc đừng than khóc buồn rầu nên làm việc lành, sau khi thuyết pháp xong Ngài trở về chùa Nigrodha. (Tàu âm Ni Cư Ðà).

Một thời gian sau; lịnh bà Gotamì vào hầu Phật và bạch hỏi rằng: Bạch đức Ðại Giác, người phụ nữ có thể xuất gia theo Phật giáo được chăng?

Ðức Thế Tôn không đáp mà Ngài dạy rằng:

– Di mẫu Gotamì , Bà không nên mộng ước xuất gia, người phụ nữ không nên xuất gia theo Phật giáo.

Bà Gotamì yêu cầu đức Thế Tôn cho bà xuất gia như thế đôi ba lược. Ðức Thế Tôn cũng từ chối không chấp thuận. Lịnh bà lấy làm buồn khổ, than khóc rồi ra về.

Ðức Thế Tôn ngự tại thành Ca Tỳ La Vệ một thời gian vừa phải Ngài lại ra về thành Vesàlì , Ngài ngụ tại Kutagàra .

Vì lòng hâm mộ Phật pháp, nhứt là bà thấy rõ quả báo của sự giải thoát nên bà rất yêu chuộng sự xuất gia, bà cùng với năm trăm bà hoàng có chí hướng xuất gia đồng thí pháp đắp y mang bát đi chân không từ thành Ca Tỳ La Vệ đến thành Vesalì là nơi đức Thế Tôn đang ngự thuyết pháp độ chúng sanh. Do quí bà là hàng vua chúa không bao giờ đi bộ, phương chi hôm nay quí bà đi bộ mà lại đi chân không và đi một khoảng đường rất xa nên chân của các bà đều phòng và nứt ra, thân người bám đầy bụi đường, trông thật là thảm khổ. Quí bà vào hầu Phật mắt đẩm đầy lệ.

Trước khi quí bà hầu Phật thì gặp Ðại Ðức Ananda. Bà Gotamì bảo rằng: Sở dĩ mà bà thí phát, đắp y cà sa trước Phật cho phép, vì bà muốn xuất gia và cũng đã ba phen thỉnh cầu đức Thế Tôn nhưng Ngài không cho phép.

Ðại Ðức Ananda nói: Xin lịnh bà đình chỉ lại nơi đây. Tôi sẽ vào hầu Phật và xin cho quí bà xuất gia cho bằng được. Ðức Ananda liền vào hầu Phật. (từ đoạn sau đây đi tôi viết theo Tạng Luật, bộ Culavagga).

Sau khi đảnh lễ Phật xong, rồi vào nơi phải lẽ và bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, bà Gotamì , hai chân phồng sưng lên, thân hình bà thật là tiều tụy; mình bám đầy bụi đường, bà rất khổ tâm, nay bà đang đứng khóc bên ngoài vì bà chắc chắn rằng: Ðức Thế Tôn không ưng thuận cho phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Phật. Vậy nên đệ tử xin đức Thế Tôn mở lượng từ bi cho phép hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của đức Thế Tôn đã giáo truyền.

– Ananda ơi, ngươi đừng yêu cầu cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Như Lai đã giáo truyền.

Ðại đức Ananda yêu cầu như thế đôi ba lượt, nhưng đức Thế Tôn vẫn đáp như trước.

Ðại Ðức Ananda mới nghĩ: Tại sao đức Thế Tôn không bằng lòng cho phép hàng phụ nữ xuất gia theo pháp của Ngài đã truyền, mặc dầu vậy, nhưng ta cũng phải cương quyết yêu cầu xin cho kỳ được. Ngài mới bạch hỏi đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, khi hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Ngài, những phụ nữ ấy có thể đắc từ quả Tu đa huờn đến A-la-hán hay không?

– Ananda nầy, nếu hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì cũng có thể đắc đạo quả từ Tu-đà-huờn trở lên A-la-hán.

– Bạch đức Thế Tôn nếu hàng phụ nữ mà xuất gia theo giáo pháp của đức Thế Tôn đã giáo truyền có thể đắc từ quả Tu-đà-huờn đến A-la-hán, vậy xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Ngài đã giáo truyền. Hơn nữa lịnh bà Gotamì là người có ơn rất lớn đối với Ngài, bà lại là di mẫu của Ngài, là người đã ra công nuôi dưỡng Ngài, cho Ngài bú từ giọt sữa, đút từ vắt cơm sau khi Phật mẫu thăng hà.

Theo chú giải của bộ Luật nầy có giải và nêu câu hỏi rằng: Tại sao đức Thế Tôn lại không cho phép hàng phụ nữ xuất gia? Có phải chăng đức Thế Tôn là đấng có lòng từ bi vô lượng vô biên?

Ðáp: Phải; đúng vậy. Nhưng đức Thế Tôn định phải có sự yêu cầu khó khăn nhiều lượt như thế, để hàng phụ nữ nhận thức rằng: Sự xuất gia được của chúng ta đây thật là khó. Nhờ vậy nên hàng phụ nữ mới cố gắng thu thúc giới luật hoàn toàn trong sạch.

Ðức Thế Tôn liền dạy Ðại Ðức Ananda rằng: Ananda nầy, nếu lịnh bà Gotamì bằng lòng thọ TÁM TRỌNG PHÁP. Và vâng giữ Tám Trọng Pháp ấy là sự xuất gia của bà.

TÁM TRỌNG PHÁP ấy là:

1) Mặc dầu bà Tỳ khưu ni xuất gia đã được trăm hạ chăng nữa, cũng phải kính trọng và đảnh lễ thầy Tỳ khưu mới xuất gia trong ngày ấy (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để răn các bà bớt lòng ngã mạn khinh người).

2) Bà Tỳ khưu ni không thể nhập hạ nơi nào mà không có thầy Tỳ khưu (Ðức Phật ra điều học nầy để chư Tỳ khưu Tăng kiểm soát quí bà Tỳ khưu ni).

3) Bà Tỳ khưu ni phải luôn luôn thực hành theo hai điều là: Phải hành lễ Phát lồ. Sau hành lễ xong phải đến nơi chư Tỳ khưu cư ngụ để nghe lời giáo huấn của quí Ngài. (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để quí bà thường trực gần chư Tăng hầu nghe lời giảng dạy của chư Tăng mỗi tháng hai lần).

4) Mặc dầu quí bà đã làm lễ nhập hạ xong, đến ngày ra hạ cũng phải hành lễ ra hạ, và rồi, cũng phải đến nơi cư ngụ của chư Tỳ khưu Tăng hành lễ ra hạ một lần nữa. (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để quí bà tự tỏ ra quí bà rất hòa nhau).

5) Nếu bà Tỳ khưu ni đã phạm Tăng tàng và làm lễ phạt cấm phòng mỗi ngày và đã xưng tội bên Tỳ khưu ni xong cũng phải đến xưng tội với chư Tỳ khưu Tăng.

6) Nếu có giới tử muốn xuất gia Tỳ khưu ni, quí bà đã cho xuất gia xong rồi, nhưng phải đưa đến cho xuất gia lại nơi chỗ có kiết giới của chư Tỳ khưu Tăng.

7) Bà Tỳ khưu ni không quyền thóa mạ chư Tỳ khưu.

8) Vị Tỳ khưu luôn luôn có quyền giáo huấn chư Tỳ khưu ni, chư Tỳ khưu ni không bao giờ có quyền giáo huấn vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu ni không quyền dễ duôi đối với vị Tỳ khưu, và phải hết lòng cung kính.

– Ananda nầy, nếu bà Gotamì ưng thuận thọ trì Tám Trọng Pháp mà Như Lai đã dạy trên thì Như Lai chấp thuận cho bà xuất gia bằng cách thọ Tám Trọng Pháp.

Ðại đức Ananda học thuộc lòng tám điều ấy xong liền đến nơi của bà Gotamì và bảo bà: Nếu lịnh bà bằng lòng thọ Tám Trọng Pháp đó là phương pháp xuất gia của lịnh bà. Ðại Ðức Ananda liền đọc lại tám điều mà đức Thế Tôn đã khẩu truyền.

Khi bà Gotamì nghe xong Tám Trọng Pháp liền nói rằng: Bạch Ðại Ðức lẽ thường thanh niên thanh nữ đều ưa thích tắm rửa trang điểm, đầu giắt hoa sen hay hoa ma lị v.v… Cũng ví như tôi ưa thích Tám Trọng Pháp vâng giữ hành theo trọn đ?i.

Ðại Ðức Ananda trở lại hầu Phật đảnh lễ xong bạch rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn Di mẫu Ngài là bà Gotamì rất hài lòng thọ lấy Tám Trọng pháp để xuất gia.

Ðức Phật dạy: Ananda ơi, nếu không có phụ nữ xuất gia trong giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì phạm hạnh còn tồn tại trong thế gian nầy lâu dài hơn, chánh pháp còn tồn tại đến một ngàn năm. Nhưng khi có phụ nữ xuất gia trong giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì phạm hạnh sẽ không còn tồn tại lâu dài. Chánh pháp chỉ tồn tại được năm trăm năm. Ananda nầy, trong gia đình nào có nhiều phụ nữ không có người nam, gia đình ấy sẽ bị kẻ trộm đánh cắp nồi cơm rất dễ, điều nầy cũng như phụ nữ xuất gia trong giáo pháp nào thì phạm hạnh trong giáo pháp ấy càng không thể tồn tại được lâu dài, cũng như loại cào cào châu chấu đã đáp xuống ruộng lúa nào thì ruộng lúa ấy không thể tồn tại lâu được, hoặc cũng như loại đuông đã sanh trong rẫy mía nào thì rẫy mía ấy cũng chẳng tồn tại lâu được, những điều nầy cũng ví như khi phụ nữ xuất gia theo pháp luật nào giáo lý nào, thì phạm hạnh của pháp luật ấy hay giáo lý của phạm hạnh ấy, không tồn tại được lâu dài. Do đó người thường đắp đê để ngăn không cho nước tràn ra khỏi ao hồ được. Cũng như Như Lai ra Tám Trọng Pháp cấm đoán Tỳ khưu ni không cho các vị Tỳ khưu ni dễ duôi trọn đời.

Ðây là lời Chú giải của bộ Luật CULLAVAGGA .

Lời Phật dạy: Pháp Luật có nghĩa là Giáo lý hay Giáo pháp, hay Tôn giáo.

Lời Phật ngôn: Ví như người đắp đê to ngăn cản không cho nước tràn ra khỏi ao hồ. Câu nầy có nghĩa là: Nếu người muốn giữ nước trong ao hồ không cho tràn ra thì phải đấp đê ngăn nước, nước ấy sẽ tồn tại được. Ðiều nầy cũng ví như đức Thế Tôn đã ra Tám Trọng Pháp trước khi sanh ra những điều chẳng lành, Ngài không để các bà Tỳ khưu ni vi phạm. Tám Trọng Pháp nầy cũng ví như là đê để ngăn nước kia vậy. Khi Ngài ra Tám Trọng Pháp ngăn ngừa mà để cho hàng phụ nữ xuất gia thì chánh pháp chỉ tồn tại được năm trăm năm thôi. Một khi đã có Tám Trọng Pháp ngăn ngừa trước thì chánh pháp sẽ còn tồn tại đến một ngàn năm, có nghĩa là nhờ có Tám Trọng Pháp ấy nên thêm được năm trăm năm. Cộng là một ngàn năm.

Câu Phật ngôn dạy: Ngàn năm có nghĩa là kể từ ngày đức Thế Tôn Niết bàn đến một ngàn năm sau còn có vị Thánh nhơn đắc đến bực A-LA-HÁN QUẢ. Kế đến là ngàn năm thứ nhì chỉ có chư Thánh nhơn đắc đến quả A NA HÀM. Kế đến ngàn năm thứ ba chỉ có chư Thánh nhơn đắc đến quả TU ÐÀ HÀM. Kế đến ngàn năm thứ tư chỉ có chư Thánh nhơn đắc quả TU-ÐÀ-HƯỜN mà thôi… Ngàn năm thứ năm chỉ còn các vị Tỳ khưu thọ giới Ba La Ðề Mộc Xa. Tức là thọ Cụ Túc giới.

Ðây là đoạn Chú giải bộ DIGHANIKAYA (Bộ Trường A Hàm).

Trong bộ chú giải của Tạng kinh Trường A Hàm có giải khác hơn là:

Ngàn năm đầu còn có bực đắc A-la-hán PATISAMBHIDA , Tàu dịch là TUỆ PHAÂN TÍCH.

Ngàn năm thứ nhì còn có vị A-la-hán đắc được CHALA BHINNO , Tàu dịch là LỤC THÔNG.

Ngàn năm thứ ba còn có vị A-la-hán đắc TÊVIJJO , Tàu dịch là TAM MINH.

Ngàn năm thứ tư còn có vị A-la-hán gọi là SUKKHAVIPASSAKA , Tàu dịch là SẮC BIÊN LẠC. (quán xét các bậc thiền Sắc và Vô Sắc).

Ngàn năm thứ năm còn giới Ba La Ðề Mộc Xa tức là Cụ Túc giới.

Riêng về chú giải của Tạng kinh bộ ANGUTTARANIKAYA lại giải khác hơn chút là:

Chư đệ tử có thể đắc được Tuệ phân tích ở ngàn năm thứ nhứt sau khi Phật Niết bàn.

Ðến ngàn năm thứ nhì chư đệ tử chỉ đắc được Lục thông.

Ðến ngàn năm thứ ba chư đệ tử chỉ đắc được Tam minh.

Ðến ngàn năm thứ tư chư đệ tử chỉ đắc được SẮC BIÊN LẠC thôi, (tức là thiền Hữu sắc và Vô Sắc).

Sau đó chỉ còn có chư Thánh nhơn đắc được ba quả dưới là A na hàm, Tư đà hàm và Tu-đà-hườn. Kể ra là đủ năm ngàn năm tuổi của Phật giáo.

Theo bộ chú giải nầy chỉ cho ta thấy trong vòng năm ngàn năm còn có Thánh nhơn. (Lời của soạn giả).

Theo đây tôi (soạn giả) cũng xin nói rõ thêm là: Khi lịnh bà Gotamì xuất gia theo Phật pháp, tất cả những điều học là hai trăm hai mươi bảy điều răn cấm của chư Tăng chưa có, vì lúc ấy Phật giáo mới truyền bá, hầu hết chư Tăng điều là bực Thánh nhơn; nếu vị nào chưa đắc Thánh quả cũng đều là hạng có giới đức thật trong sạch như bực Thánh nhơn, vì các vị ấy có duyên lành rất dầy nên không vị nào phạm một lỗi lầm mặc dầu thật nhỏ. Ðến hạ thứ sáu trở đi mới bắt đầu có điều răn cấm những điều răn cấm gọi là Ðiều học hay cũng gọi là Luật.

Sau khi Ðại Ðức Ananda bạch Phật là bà Gotamì bằng lòng nhận Tám Trọng Pháp để hành theo trọn đời, Ðức Thế Tôn cho bà Gotamì xuất gia với năm trăm bà hoàng bằng cách thọ Tám Trọng Pháp. Kể từ ngày ấy có Tỳ khưu ni và có đủ hàng Tứ chúng.

Nói về việc hỏa táng đức Tịnh Phạn Vương xong. Tất cả các vị vua trong sáu nước thuộc dòng Thích Ca và hoàng tộc trong sáu nước ấy lập tức hội lại bàn với nhau rằng: Trong nước không nên không có vua mặc dầu chỉ trong một ngày thôi. Vì vậy các vị hoàng tộc xứ Ca Tỳ La Vệ và năm vị vua kia cùng đồng lòng tôn ông hoàng Mahanàma lên ngôi Hoàng đế tại xứ Sakka kinh đô Ca Tỳ La Vệ; vì dòng của đức Tịnh Phạn Vương không còn ai nối ngôi nữa bởi đức Thế Tôn đã xuất gia và thành đạo, con thứ của đức Tịnh Phạn Vương là đức Ananda cũng xuất gia, cháu nội Ngài là con đức Thế Tôn là ông Ra Hầu La cũng xuất gia.

Riêng về bà Gia Du Ðà La được tin đức Thế Tôn đã cho phép hàng phụ nữ xuất gia hành theo phạm hạnh của Ngài. Bà mới nghĩ: Cố nhiên vạn vật trong vũ trụ nhứt là ngai vàng của vị đế vương thường hay thay đổi, không chắc của một vị nào, một dòng nào. Sang, giàu, công danh sự nghiệp, ngôi vị đế vương cũng ví như nghệ. Vì nghệ có dính vào người chăng nữa cũng chẳng bao lâu rồi cũng phai lợt hết đi. Khi mà ta còn tại tiền đây, chồng ta cũng còn hiện nay, ngai vàng nầy phải là của chồng ta, nếu không vậy cũng phải là của con ta, nhưng hôm nay lại thành ra của kẻ khác; đây là bởi chồng ta là người cao quí không tham mùi tục lụy, mùi tục lụy đối với chồng ta như nước bọt khi nhổ ra rồi không bao giờ liếm lại, hoặc cũng có thể ví như người kinh sợ vật thực có chất độc không bao giờ dám ăn. Sở dĩ mà chồng ta bỏ ngai vàng, vợ đẹp con thơ, uy quyền tột đỉnh là ngai vàng cũng vì sợ chất độc hại mình. Như vậy ta còn ham mê gì trong cõi đời đầy chất độc nầy? Cung vàng điện ngọc, nầy sự sung sướng của thân xác nầy, có ích gì cho đời ta? Ðiều mà đáng cho ta nghĩ tới và ham mộ là sự xuất gia và giải thoát khỏi thế gian đầy chất độc nầy.

Khi bà nghĩ vậy liền vào hầu tân vương là ông Mahànàma xin Ngài cho phép xuất gia. Ðức vua nhận lời. Bà cùng hai trăm năm mươi vị hoàng tộc và phi tần đã theo hầu bà từ trước cùng nhau đến thành Thất La Phiệt xin xuất gia Tỳ khưu ni. Ðức Thế Tôn cho xuất gia.

Sau khi xuất gia xong bà Gia Du Ðà La trì chí hành đạo. Ðức Thế Tôn dạy cách hành Minh sát tuệ hợp theo duyên lành của bà, không bao lâu bà đắc A-la-hán quả.

Ðức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của ông Trưởng giả Cấp Cô Ðộc dâng cúng tịnh xá nầy tốn đến năm mươi bốn triệu tỷ vàng.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app