Nội Dung Chính
- Bỏ nhà sống không nhà. Sống viễn ly thanh vắng [4] .
- Như đã giải thích: Nekkhamma với nghĩa ẩn dụ “thoát ra”, hoàn toàn thay thế ý nghĩa “xuất gia” ban đầu, như nói “mừng thầm trong bụng”, bụng không còn mang ý nghĩa “phần chứa đựng dạ dày, ruột già, ruột non”, mà mang ý nghĩa “tình cảm hân hoan”.
- Nhưng hai ý nghĩa “xuất ly” và “xuất gia” lại có mối tương quan với nhau, nên các Giáo thọ sư trong bộ Sớ giải Hạnh tạng có nêu lên: “Nekkhamma pabbajjamūlakaṃ”.
CHƯƠNG I
Ý nghĩa về hình thức xuất ly
Nekkhamma (xuất ly) là pháp rất cần thiết cho sự chứng đắc thiền định lẫn Nípbàn, là nồng cốt cho các pháp balamật (pāramī), những phước thiện đã thực hành nếu không có nekkhamma thì không thể “đến bờ kia”.
Các Giáo thọ sư tiền bối dạy: “Nekkhamma (xuất ly) và paññā (trí tuệ) là 2 thành phần chủ yếu của balamật (pāramī)”.
Nekkhamma là “có ý thoát ra” và trí là “thấy được cách thoát ra”, theo phương cách hướng đó mà thực hành, để đến bờ kia.
I- Ý nghĩa các từ ngữ.
1- Nekkhamma.
Ngữ nghĩa ban sơ của nekkhamma là: Na + căn ikkh [1] + amma = nekkhamma.
Hoặc là: Ni + căn ikkh + amma.
Na (hay ni ) nghĩa là “không có”, căn ikkh nghĩa là “thấy”, amma là “nữ nhân”.
Theo ngữ cách Pāli thì a+i = e, nên na+ căn ikkh = nekkha
Nekkha + amma = nekkhamma.
“Không thấy nữ nhân” ám chỉ “không quan hệ dục lạc với nữ nhân”, (nữ nhân ở đây chỉ cho vợ, hay những nữ nhân có thể trở thành vợ).
Để không “thấy nữ nhân, không quan hệ dục lạc với nữ nhân”, phải lìa bỏ nhà, sống nơi thanh vắng. Đây là ý nghĩa ban đầu của nekkhamma, tức là lìa bỏ nhà, sống không nhà (xuất gia).
Một vị thiên nhân bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:
“Kacci nathi kulāvakā?: Ngài không có tổ ấm?
Đức Thế Tôn đáp: Taggha natthi kulāvakā: Ta không có tổ ấm.
(Chư thiên): Kiṃ te brūmi kulāvakā : Cái gì Ngài gọi là tổ ấm?.
(Đức Thế Tôn): Bhariyaṃ brūsi kulāvakā: Vợ, gọi là tổ ấm. [2]
Nekkhamma thường được hiểu là “xuất gia”. Nhà ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng.
Trước thời Đức phật, các Bàlamôn xuất gia, tu tập thiền định với mục đích “thoát ra căn nhà dục giới” để tiểu ngã này trở về với đại ngã (Phạm thiên chủ). Như vậy nhà theo quan niệm Bàlamôn ám chỉ cho Dục giới (kāmabhūmi) hay lìa bỏ đắm nhiễmtrong năm dục (sắc, thinh, hương ,vị, xúc), gọi là xuất gia.
Khi Giáo pháp của Đức Thế Tôn lan rộng, thì ý nghĩa “nhà”, được mở rộng thêm, nhà ám chỉ “pháp hữu vi” hoặc “tam giới”.
Xuất gia là thoát ra khỏi pháp hữu vi (là danh sắc), là thoát ra khỏi tam giới. Vì rằng: “khi thoát ra mọi ràng buộc của pháp hữu vi, khi ấy pháp vô vi (Nípbàn) mới xuất hiện”.
Lại nữa, “ra khỏi nhà”, ám chỉ ra khỏi ái dục (taṅhā), khi dứt tuyệt ái (taṅhā) bấy giờ không còn sinh tử luân hồi, là ra khỏi tam giới”.
Như vậy, “nhà” ở đây chỉ cho ái (taṅhā), “xuất gia” là “ra khỏi ái”.
Khúc khải hoàn (udāna) của Đấng Giác Ngộ khi Ngài vừa chứng đạt quả Vô Thượng Chánh Giác đã nêu rõ điều này.
… Gahakārakaṃ diṭṭho’si, puna gehaṃ na kāhasi…
Ôi! Người thợ làm nhà kia, nay ta đã thấy ngươi.
Ngươi không làm nhà nữa…
Các Giáo thọ sư có giải thích: Người thợ làm nhà (gahakāraka) ám chỉ ái dục (taṅhā).
Như vậy, căn nhà trong kệ ngôn trên ám chỉ cho danh sắc hay thân ngũ uẩn, một khi người thợ “xây nhà (ái)[3] ” không còn, thì sẽ không có căn nhà (danh sắc) nào khác trong tương lai.
Lại nữa, nhà là một trú xứ đầy vướng bận, nên ra khỏi nhà ám chỉ thoát ra mọi phiền não, không còn vướng mắc bất cứ loại phiền não nào, nhà ở đây ám chỉ phiền não.
Kaṇhaṃ dhammaṃ vippabāya. Sukkaṃ bhāvedha paṇḍito
Okā anokaṃ āgarama.Viveke yattha dūramaṃ.
Kẻ trí bỏ pháp đen. Tu tập theo pháp trắng
Bỏ nhà sống không nhà. Sống viễn ly thanh vắng [4] .
Danh từ viveka, nghĩa đen là sự vắng vẻ, sự tách biệt. Viveka xuất phát từ động từ viveceti (vi+ căn vic +e), tiếp đầu ngữ VI nghĩa là “đặc biệt”, nên nghĩa bóng của viveaka là: “lánh xa phiền não, thoát khỏi mọi trói buộc của thế tục”.
Một cách giải tự khác là:
Nekkhamma là biến âm từ nikkhamma; nikkhamma xuất phát từ động từ nikkhamati.
2- Động từ nikkhamati.
Xét động từ nikkhamati= Ni + căn kamu [5] + a.
Căn kamu là: “đi, tiến tới”.
Ni + căn kamu + a -> động từ nikkamati hay nikkhamati, nghĩa là: “đi ra khỏi”, biến cách của nghĩa trên là “xuất gia”.
Quá khứ phân từ (past participle) của nikkhamati là nikkhanta, nghĩa là “đã đi ra ngoài”.
Từ nikkhanta, nảy sinh nikkhamma (hay nekkhamma) mà nghĩa ẩn dụ “thoát ra ” đã thay thế hoàn toàn nghĩa đen “xuất gia”.
Một trong những ý nghĩa ẩn dụ của nekkhamma là “ra khỏi ái”, nên nekkhamma (hay nikkhamma) có thể nảy sinh từ chữ nikkāma, nikkāma là “không có dục” hay “không tình dục”, nhưng tính từ nikkāma mang ý nghĩa hạn hẹp và không phổ biến lắm. Sự tương phản giữa kāma (dục) và nekkhamma (xuất ly) được tìm thấy qua những đoạn kinh văn sau:
“Kāmānametaṃ nissaraṇaṃ yadidaṃ nekkhammaṃ
– Thoát ra sự liên hệ với dục (kāma), đó là xuất ly” [6] .
Hoặc:
“Dvemāni, bhikkhave, sukhāni. Katamāni dve? Kāmasukhañca, nekkhamma sukhañca, imāni kho, bhikkhave, dve sukhāni.
– Có hai loại lạc này các tỳ khưu! Thế nào là hai? Dục lạc và xuất ly (dục) lạc”, này các tỳkhưu, đây là hai loại lạc.
Etadaggaṃ, bhikkhave, imesaṃ dvinnaṃ sukhānaṃ yadidaṃ nekkhammasukhan’ti.
Này các tỳkhưu, tối thắng trong hai lạc này, đó là xuất ly lạc. [7] .
Hay:
“Pañca kāmaguṇe hitvā, piyarūpe manorame,
saddhāya gharā nikkhamma,
dukkhassantakaro bhava.
“Bỏ năm dục trưởng dưỡng, khả ái và đẹp ý.
Với lòng tin ra khỏi nhà (gharā nikkhamma),
hãy trở thành con người,
Làm chấm dứt khổ đau”. [8]
Một Bàlamôn bạch hỏi Đức thế Tôn rằng:
“Pucchāmi muniṃ pahūtapaññaṃ.
Tiṇṇaṃ pāraṅgataṃ parinibbutaṃ ṭhitattaṃ;
Nikkhamma gharā panujja kāmā.
Kathaṃ bhikkhu sammā; so loke paribbajeyya?.
“Tôi hỏi bậc ẩn sĩ; có trí tuệ rộng lớn.
Đã vượt qua bờ kia; tịch tịnh, tự an trú.
Làm sao một tỳkhưu; bỏ nhà, bỏ các dục.
Lại có thể chân chánh; du hành ở trên đời?
Đức Thế Tôn đã dạy những pháp của bậc xuất gia chân chánh, một trong những pháp ấy là:
“Rāgaṃ vinayetha mānussesu; dibbesu kāmesu cāpi bhikkhu.
Atikkamma bhavaṃ samecca dhammaṃ; sammā so loke paribbajeyya.
“ Tỳkhưu nhiếp phục tham; đối với các dục vọng (kāma).
Tại thiên giới, nhân giới; vượt hữu, chứng tri pháp.
Tỳkhưu ấy chân chánh; du hành ở trên đời” [9] .
(chữ gharā nghĩa đen là “chỗ trú ngụ”, nghĩa bóng là “cảnh giới tái sinh – bhava”).
Thay thế cho nekkhamma với ý nghĩa “xuất gia” là từ pabbaja, như bản Sớ giải Hạnh tạng (Cariyapiṭaka – atthakathā) có ghi:
Nekkhammam pabbajjamūlakaṃ [10] .
Câu pāli này có thể hiểu hai cách:
– Nền tảng xuất gia là sự thoát ly. Tức là: “ý muốn thoát ra là nhân, đời sống xuất gia là quả.
Hay:
– Sự xuất gia là nền tảng cho thoát ly. Tức là: “Đời sống xuất gia (là nhân) dẫn đến “sự thoát ra” mọi trói buộc (là quả).
Những từ dùng để chỉ bậc xuất gia là: Pabbajjā (bậc xuất gia), isi (đạo sĩ), muni (ẩn sĩ), paribbājaka (du sĩ), samaṇa (Samôn), bhikkhu (Tỳkhưu)… Nhưng mỗi từ lại có nét sai biệt khác nhau.
3- Pabbaja (xuất gia).
Danh từ này được dùng nhiều trong hệ thống kinh điển Phật giáo. Như:
Khantī paramaṃ tapo tikikkhā
Nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā
Na hi pabbajito [11] parūpaghātī
Samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.
Chư Phật dạy:
Nhẫn nại là hạnh tối thượng
Nípbàn là chứng đắc tối thượng, gây tổn thương người
không phải là bậc xuất gia,
Sa môn không hại ai [12] .
Hoặc:
“Sambādho ghārāvāso rayāpatho.
Abbho kāso pabbajjā
– Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời.
Đời sống xuất gia (pabbajjā) như sống giữa hư không” [13] .
Hay là: “Dvemāni, bhikkhave, sukhāni. Katamāni dve?
– Này các Tỳkhưu! Có hai lạc. Thế nào là hai?
Gihisukhañca pabbajitasukhañca”.
Lạc tại gia và lạc xuất gia [14] .
– Trước tiên, một ý nghĩa của pabbaja là “lau, sậy”. Như Kinh văn:
“… Etassa, Ānanda, dhammassa ananubodhā appaṭivedhā evamayaṃ pajā tantākulakajātā kulagaṇḍhikajātā muñjapabbajabhūtā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ saṃsāraṃ nātivattati.
“… Này Ānanda, chính vì không hiểu rõ pháp này [15] , không giác ngộ, không chứng nhập (pháp này) mà chúng sinh này bị rối ren như cuộn chỉ, bị phủ đầy bệnh cằn cỗi (kulagaṇḍhikajātā), như cỏ muñjā, như cây lau (pabbaja), không thoát khỏi luân hồi trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ.” [16]
Hình ảnh cây lau cho chúng ta ý niệm “dù có cuồng phong bảo tố, sau khi những cơn gió mạnh đi qua, cây lau vẫn vươn mình đứng dậy”.
Cũng vậy, đời sống xuất gia “an nhiên” trước những ngọn gió đời, không vì hạnh phúc thế gian hay bất lạc của cuộc sống mà chao động tâm. Cho dù có những chướng ngại trong đời sống xuất gia, nhưng với người có tâm tầm cầu pháp của bậc thánh sẽ vượt qua như “lau sậy” vượt qua được cuồng phong bảo tố.
Một thiên nhân có hỏi bạch hỏiĐức Phật:
“Araññe viharantānaṃ, santānaṃ brahmacārinaṃ;
Ekabhattaṃ bhuñjamānānaṃ, kena vaṇṇo pasīdatī’ti.
“Thường sống trong rừng núi, liên tục hành phạm hạnh
Một ngày ăn một bữa, sao dung sắc thù diệu?
Đức Phật đáp:
Atītaṃ nānusocanti, nappajappanti nāgataṃ;
Paccuppannena yāpenti, tena vaṇṇo pasīdati;
“Không than việc đã qua, không mong việc sắp tới.
Sống ngay với hiện tại, do vậy, sắc thù diệu.
Anāgatappajappāya, atītassānusocanā;
Etena bālā sussanti, naḷova harito luto’ti.
Do mong việc sắp tới, do than việc đã qua.
Nên kẻ ngu héo mòn, như lau xanh rời cành. [17]
Và rõ ràng, trong kệ ngôn trên, Đức Phật ví danh sắc này như cây lau, mỏng manh, yếu ớt.
Lại nữa, cây lau có bản chất yếu ớt mong manh, đời sống chúng sinh cũng mong manh như thế, đời sống danh sắc này do có nhân có duyên, danh sắc này thật mong manh, yếu ớt như lau sậy.
Đức Sāriputta đưa ra hình ảnh hai cọng lau nương dựa nhau mà đứng, một khi có một cọng lau rơi ra thì cọng lau kia cũng ngã xuống. Cũng vậy, dựa vào danh sắc, thức sinh khởi; dựa vào thức danh sắc sinh khởi, khi danh sắc diệt thì thức diệt, khi thức diệt thì danh sắc diệt. Tương tự như thế với các pháp còn lại trong 12 duyên khởi. [18]
Bậc xuất gia, quán xét danh sắc này không bền vững, nó mong manh và từ đó có hướng thoát ly ra khỏi “cái mong manh, yếu ớt” này, không mong cầu có danh sắc nào khác.
“Pheṇūpamaṃ kāyamimaṃ viditvā
Marīcidhammaṃ abhisambudhaano
Chetvāna mārassa papupphakāni
Adassanaṃ maccurājassa gacche.
“Biết rằng thể xác này tựa hồ như bọt nước và thấu triệt bản chất mờ ảo của nó, ta phải tiêu trừ những cánh hoa của dục vọng (ma vương) và vượt qua tầm mắt của tử thần”. [19]
Lại nữa, thân lau trống rỗng; cũng vậy, danh sắc này vốn rỗng không (một đặc tướng của vô ngã), không có cốt lõi và bậc xuất gia nhìn danh sắc này với ý niệm “không phải là ta”, “không phải của ta”.
*-Pabbaja với nghĩa xuất gia.
Chữ pabbajati = pa (đầy đủ) + căn vaja + e [20] .
Căn vaja có hai nghĩa: đi, đến và tầm cầu, tìm kiếm [21] .
Như vậy, có thể hiểu pabbaja (xuất gia) là “người đi tới trọn vẹn” hay “người tầm cầu đầy đủ”.
a- Pabbaja với ý nghĩa “đi tới trọn vẹn”.
Đó là người “lìa bỏ nhà, sống không nhà”, là người có:
– Hình thức khác kẻ thế.
– Nội tâm thì không còn luyến lưu đời sống thế tục.
Và pabbaja được hiểu là “xuất gia”.
“ Sacce ca so pabbajati, agārā anagāriyaṃ;
Vivaṭṭacchado sambuddho, arahā bhavati anuttaro.
“Nếu vị ấy xuất gia; bỏ nhà sống không nhà,
Quét sạch màn vô minh; vị ấy, được trở thành,
Bậc Chánh đẵng giác. Bậc Ứng cúng vô thượng” [22] .
b- Ý nghĩa: “Bỏ nhà, sống không nhà (agārā anagāriyaṃ)”.
Trước tiên là khước từ trú xứ ở bên ngoài, bất kỳ một trú xứ nào cũng mang lại nhiều vướng bận, nên đời sống của bậc xuất gia thường “nay đây mai đó”, không có trú xứ nhất định, đời sống của các Ngài như “hạc nội mây ngàn”, không thể lưu luyến chỗ trú ngụ như kinh văn:
Santha vāto bhayaṃ jātaṃ; niketa jāyate rayo
Aniketatama santhavaṃ, etaṃ ve munidassanaṃ.
“Thân mật, sanh sợ hãi; trú xứ, sanh bụi bậm
Không trú xứ, không thân; hình ảnh bậc ẩn sĩ” [23] .
Thứ đến là nói đến trú xứ tái sinh hay cảnh giới tái sinh, bậc xuất gia khước từ mọi cảnh giới tái sinh.
“Trú xứ (niketa) sinh bụi bậm”, hiểu theo nghĩa rộng thì: “Bất cứ cảnh giới tái sinh nào cũng sinh nhiều khổ lụy”.
“Aññāya sabbāni nivesanāni, anikāmayaṃ aññatarampi tesaṃ
Save muni vitagedho agiddho…
“Đã rõ mọi trú xứ. [24]
Không ham trú xứ nào Vị ấy, chân ẩn sĩ
Không tham, không say đắm… (sđd).
c- Pabbaja với ý nghĩa tầm cầu.
Trong thời không có Giáo pháp của Đức Chánh giác, vị xuất gia thường “tìm kiếm” những thiền chứng.
Theo truyền thống Bàlamôn thì: Từ nhỏ đến 48 tuổi, các Bàlamôn có huyết thống thanh tịnh thường tầm cầu minh và hạnh.
Minh là tam minh, hạnh là không dâm dục, sau đó đi xuất gia tu tập để chứng đạt các tầng thiền.
Về Tam minh theo truyền thống Bàlamôn là:
– Huyết thống thanh tịnh cả 7 đời từ phụ mẫu hệ.
Để có được huyết thống thanh tịnh này, cha mẹ phải thuộc dòng Bàlamôn, nam Bàlamôn không giao phối với nữ Bàlamôn trong thời nữ Bàlamôn có mang, vì như thế đứa bé sẽ bị ô uế.
Nam bà la môn không giao phối với nữ Bàlamôn trong thời nữ Bàlamôn cho con bú, vì hài tử sẽ bị ô uế.
– Là nhà phúng tụng (ajjhāyako), nhà trì chú (mantadharo), thông hiểu ba tập Vedā với: Danh nghĩa, lễ nghi (nighaṇdu – keṭubhānaṃ), ngữ nguyên, chú giải (sākharappabhedānaṃ) và các cổ truyện (itihāsapañcamānaṃ) là thứ năm.
– Là nhà biện tài (anavayo) về thuận thế học (lokāyata), thông thạo đại nhân tướng (mahāpurisalakkhaṇa [25])
Đức Thế Tôn có giảng cho Bàlamôn Doṇa về 5 hạng Bàlamôn:
– Bàlamôn đồng đẳng với Phạm thiên.
– Bàlamôn đồng đẳng với chư Thiên.
– Bàlamôn có giới hạn.
– Bàlamôn vượt giới hạn.
– Bàlamôn như chiênđàla (caṇḍala).
Cả 5 hạng Bàlamôn này đều có huyết thống thanh tịnh cả 7 đời từ mẫu phụ hệ, đều sống 48 năm phạm hạnh đồng trinh, đều học tập những chân ngôn (những môn học kể trên).
Sau đó, vị Bàlamôn trao sự nghiệp (việc tế lễ, dạy học cho các Bàlamôn trẻ …) cho người kế thừa, vị ấy xuất gia tu tập tứ vô lượng tâm. Đây gọi là Bàlamôn đồng đẳng với Phạm thiên.
Vị Bàlamôn sau khi trao sự nghiệp cho người kế thừa, vị ấy đi tìm vợ đúng pháp, với mục đích sinh con. Sau khi có con, vị ấy xuất gia, tu tập chứng được 4 thiền chứng. Đây là hạng Bàlamôn đồng đẳng với chư thiên.
Vị Bàlamôn sau khi trao sự nghiệp lại cho người kế thừa, vị ấy tìm vợ đúng pháp, với mục đích sinh con. Sau khi có con, vì thương con, sống trong gia đình, không xuất gia, nhưng không vượt qua giới hạn của các bàlamôn thời xưa. Đây gọi là Bàlamôn có giới hạn.
Hai hạng còn lại vượt qua truyền thống của Bàlamôn cổ sơ [26] .
Như thế, để tầm cầu những thiền chứng thì “giả từ dâm dục” là điều kiện cần thiết trước tiên. Do đó cần phải “bỏ nhà, sống không nhà”, sống không liên hệ thân mật với nữ nhân.
Trong thời có Giáo pháp của Đức Chánh giác thì bậc xuất gia thường tầm cầu Thánh quả Siêu thế hay Nípbàn.
Đức Phật có dạy:
Dhamma cariyaṃ brahmacariyaṃ. Etadāhu vasuttamaṃ
Pabbajito ce hoti. Āgarā anāgāriyaṃ.
Pháp hạnh và phạm hạnh. Được gọi là tối thượng hạnh
Nếu là bậc tầm cầu. Bỏ nhà, sống không nhà [27] .
Hay: “So evaṃ pabbajito samāno kiṃkusalagavesī anuttaraṃ … .
“Ta [28] xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tầm cầu vô thượng tối thắng đạo lộ, hướng đến tịch tịnh…” [29] .
Ý nghĩa “tầm cầu trọn vẹn” này được tìm thấy qua bài kinh Gavesī [30] .
Tóm lược bài kinh ấy như sau:
Gavesī là một nam cư sĩ của Đức Thế Tôn Kassapa (Ca Diếp), Gavesī có hội chúng là 500 nam cư sĩ, nhưng cả Gavesī cùng hội chúng giữ giới không được viên mãn.
Cư sĩ Gavesī suy nghĩ: “Ta giúp đỡ nhiều cho 500 nam cư sĩ này, ta đi trước, ta khích lệ chúng. Nhưng ta không giữ giới luật được viên mãn, như vậy là đồng đẳng nhau. Vậy ta hãy thực hành trội hơn.
Nam cư sĩ Gavesī đi đến hội chúng nói rằng:
– Này các tôn giả, kể từ nay ta sẽ thọ trì viên mãn các giới luật.
Hội chúng 500 cư sĩ ấy suy nghĩ: “Tôn giả Gavesī giữ gìn viên mãn trong các giới luật. Tại sao chúng ta lại không như vậy”.
Thế rồi, hội chúng ấy thọ trì giới luật viên mãn như nam cư sĩ Gavesī. Nam cư sĩ Gavesī suy nghĩ “500 cư sĩ này thọ trì giới luật viên mãn như ta, vậy là đồng đẳng như ta. Ta phải thực hành trội hơn”.
Và nam cư sĩ tuyên bố hành phạm hạnh, từ bỏ dâm dục hạ liệt. Hội chúng của Gavesi cũng thực hành như thế.
Rồi Gavesi muốn vượt trội hơn hội chúng của mình nên từ bỏ ăn phi thời, hội chúng của Gavesi cũng thực hành như thế.
Thế rồi, Gavesī xuất gia trong Giáo pháp của Đức Phật Kassapa. Sau khi thọ đại giới, vị ấy sống một mình, an tịnh không phóng dật, không bao lâu vị ấy chứng quả Alahán.
Hội chúng 500 nam cư sĩ cũng theo gương Gavesī, xuất gia thọ đại giới, không bao lâu sau, các vị ấy cũng chứng quả Alahán.
Đây là ý nghĩa “tầm cầu trọn vẹn”, ám chỉ chứng đạt quả vô sinh bất tử.
4- Isi (đạo sĩ).
Isi là bậc xuất gia chứng đạt được năng lực thần thông, nên isi còn có nghĩa là “nhà tiên tri”, “tiên nhân”.
Xuất gia theo cách đạo sĩ là: “Tuy lìa bỏ nhà, sống không nhà, ở nơi thanh vắng, nhưng không cạo bỏ râu tóc”.
Vị đạo sĩ giữ 6 giới, đó là: Không sát sinh, không trộm cắp, không hành dâm, không nói dối, không uống rượu cùng các chất say và không ăn phi thời (tức là chỉ ăn trước khi mặt trời đứng bóng).
Kinh điển có ghi nhận từ Isi này:
– … Asito isi addasa divāvihāra: Đang lúc nghĩ trưa, đạo sĩ Asita thấy… [31]
– Uḷaro so Kaṇho isi ahosi: Kaṇha là đại đạo sĩ. [32] .
– Isipatanaṃ migādāyo: Rừng nai ờ Isipatana. [33] ….
Tương truyền, trước khi Bồtát giáng sinh vào thai bào, có tiếng xôn xao (kolāhala) của Chư thiên, Phạm thiên báo hiệu Đức Chánh giác sắp xuất hiện.
Chư Độc Giác hiểu biết được điều này, các Ngài nhanh chóng viên tịch, các Ngài chọn rừng nai này để viên tịch.
Dân chúng thấy các đạo sĩ đi vào khu rừng nai, không thấy trở ra, nên gọi nơi này là “Isipatana (Tiên nhân rơi xuống)”.
Nên ghi nhận: Dân chúng gọi các vị Độc giác Phật là Isi, không phải vì các Ngài còn râu tóc, mà do nghĩ rằng “các Ngài là bậc đại tiên”.
Trong bản Sớ giải kinh Tê giác một sừng (khaggavisāṇasuttaṃ) [34] , câu truyện đầu tiên có ghi nhận:
Khi vua Brahmadatta giữa chốn ba quân, Ngài phát triển tuệ quán chứng quả Độc giác Phật (Paccekabuddha), triều thần cung thỉnh Đức vua trở về kinh thành để còn ban thưởng cho các tướng sĩ, Ngài dạy rằng:
-Ta không còn là vua nữa, ta là vị Phật Độc giác.
Triều thần ngạc nhiên nhìn Đức vua, rồi đồng ái ngại:
– Chư Phật Độc giác không có vị nào có hình tướng như Đại vương đâu ạ.
– Nghĩa là phải như thế nào?
– Thưa các Ngài có đủ y bát cùng các vật dụng của hàng xuất gia và tóc của chư Phật Độc giác có dài lắm chỉ khoảng 2 lóng tay thôi.
Ngay lúc ấy, Đức vua Brahmadatta đưa tay sờ lên đầu mình, chỉ trong nháy mắt hình thức cư sĩ biến mất, để Ngài thật sự trở thành vị Phật Độc giác với đầy đủ hình thức và nghi hạnh của bậc xuất gia thâm niên [35].
Năm loại Kolāhala (lời tiên tri). [36]
Kolāhala là tiếng đồn lan rộng do nhiều người bàn tán, kolāhala giống như “lời tiên tri” được nhiều người bàn tán, như báo trước một sự kiện đặc biệt sắp xẩy ra và sự kiện này “thật sự xảy ra”, không phải là lời đồn nhãm.
Có 5 loại kolāhala là:
– Kappa kolāhala (tiên tri về hoại kiếp).
Là tiếng báo động cho nhân loại biết về sự tiêu hoại của quả địa cầu.
Theo Sớ giải Chánh giác Tông thì: Khi quả địa cầu sắp bị hoại sau 100 ngàn năm nữa, bấy giờ có hạng chư thiên địa cầu là lokavyūha, hóa thân thành nhân loại, mặc y phục đỏ, xỏa tóc, đi khắp nơi với mặt tràn đầy nước mắt, rằng: “Sau 100 ngàn năm nữa, kể từ hôm nay, quả đất này sẽ bị tiêu hoại. Hãy tu tập tứ vô lượng tâm, là pháp của những Phạm thiên, hãy cung kỉnh cha mẹ, hãy làm các phước thiện, đừng có dễ duôi.”
Rồi các đám đông bàn tán xôn xao về hiện tượng này. Đây là kappa kolāhala (lời tiên tri về hoại kiếp).
– Cakkavatti kolāhala (lời tiên tri về vua Chuyển luân).
Là tiếng xôn xao khởi lên trong cõi nhân loại “báo hiệu có vua Chuyển luân xuất hiện”.
Những vị Thiên nhân địa cầu, hộ trì thế gian (lokapāla), do biết trước có vị vua Chuyển luân xuất hiện, các vị ấy vui mừng, hóa thân thành nhân loại thông báo cho mọi người biết rằng:
“Thưa quí vị, kể từ hôm nay, sau một trăm năm nữa, sẽ có vua Chuyển luân xuất hiện.”
Thế rồi, nhân loại bàn tán xôn xao về vấn đề này. Đây là Cakkavatti kolāhala (lời tiên tri về vua Chuyển luân).
– Buddha kolāhala (lời tiên tri về Đức Chánh giác xuất hiện).
Các vị Phạm thiên cõi Tịnh cư (cõi dành cho bậc Thánh Anahàm) biết được “còn một ngàn năm nữa, Đức Chánh giác xuất hiện trong thế gian”, nên hóa thân thành nhân loại, trang phục như vị Phạm thiên đi khắp nơi thông báo tin vui này.
Và dân chúng bàn tán xôn xao về hiện tượng này. Đây là buddha kolāhala (lời tiên tri về sứ xuất hiện của Đức Chánh giác), chính vì nhận biết được vị Chánh giác sắp xuất hiện, nên các Độc Giác Phật nhanh chóng viên tịch.
– Maṅgala kolāhala(lời tiên tri về hạnh phúc).
Vì không thấu hiểu pháp dẫn đến điều hạnh phúc, các bậc trí giả hội nhau, bàn luận về “điều gọi là hạnh phúc cao tột (maṅgalamuttama)”, không ai chấp nhận ý kiến của ai cả.
Và tiếng bàn tán xôn xao này khởi lên trước khi Đức Phật giảng kinh Hạnh phúc (Maṅgalasuttaṃ) là 12 năm. Đây là maṅgala kolāhala (lời tiên tri về hạnh phúc).
– Moneyya kolāhala (lời tiên tri về pháp tịch mặc).
Các vị Phạm thiên Tịnh cư thiên, biết được vị Bồtát Chánh giác có 32 đại nhân tướng, xuất gia sẽ trở thành vị Chánh giác. Khi Bồtát xuất gia, các Phạm thiên hóa thân nhân lọai, thông báo “pháp của bậc chân ẩn sĩ sẽ được rao giảng”, dân chúng bàn tán về vấn đề này.
Và “pháp tịch mặc của chân ẩn sĩ”, được Đức Phật thuyết giảng cho đạo sĩ Nalaka. Từ khi tiếng xôn xao khởi lên cho đến khi Đức Phật thuyết giảng kinh Nalaka là 7 năm. Đây gọi là moneyya kolāhala (lời tiên tri về páhp tịch mặc xuất hiện).
Theo nghĩa bóng thì isi ám chỉ bậc có trí siêu việt, và Đức Phật cũng được xem như vị isi (và isi ở đây chỉ cho bậc ẩn sĩ, đồng nghĩa với muni).
“Nāganāmosi bhagavā, isinaṃ isisattamo…
… Đức Thế Tôn là voi chúa,
Bậc ẩn sĩ thứ bảy, trong các vị ẩn sĩ … [37] .
5- Muni (ẩn sĩ).
Về hình tướng: Là bậc xuất gia, trú nơi thanh vắng, nơi yên tịnh.
Về nội tâm: Là vị đã đoạn tận mọi phiền não.
Trong Tiểu Bộ kinh, bài kinh Ẩn sĩ (Munisuttaṃ) [38] , Đức Phật giảng dạy “thực hành những pháp, để trở thành bậc ẩn sĩ”.
Và khi thành tựu được những pháp ấy, đó là “chân ẩn sĩ”. Xin nêu một vài đoạn kinh như sau:
“Yo jātamucchijja na ropayeyya, jāyantamassa nānuppavecche;
Tamāhu ekaṃ muninaṃ carantaṃ, addakkhi so santipadaṃ mahesi (Sn, 210).
“Vị chấm dứt táisinh, không còn gieo hạt giống;
Cắt đứt mọi sinh hữu, không tùy thuộc (vào sinh)
Không đi quanh trong tối, vị ẩn sĩ một mình,
Con đường thanh tịnh ấy, bậc Đại sĩ đã thấy.
“Saṅkhāya vatthūni bījaṃ, sinehamassa nānuppavecche;
Sa ve muni jātikhayantadassi, takkaṃ pahāya na upeti saṅkhaṃ (Sn, 211).
“Suy xét ruộng [39] , hạt giống [40] ,
không tùy thuộc (nānuppaveccha) thương yêu [41] .
Vị ấy chân ẩn sĩ, thấy chấm dứt tái sinh,
Diệt trừ mọi lý luận, không rơi vào so sánh (saṅkha). [42]
“Sabbābhibhuṃ sabbaviduṃ sumedhaṃ,
Sabbesu dhammesu anūpalittaṃ;
Sabbañjahaṃ taṅhakkhaye vimuttaṃ,
Taṃ vāpi dhīrā muni vedayanti (Sn, 213).
“Bậc chiến thắng toàn diện, bậc toàn tri, thiện tuệ.
Đối với tất cả pháp, không còn bị ô nhiễm (anūpalittaṃ)
Bậc từ bỏ tất cả, ái đoạn diệt giải thoát.
Các bậc trí nhận thức, vị ấy thật ẩn sĩ. (HT. TMC dịch).
Như vậy chữ Muni (ẩn sĩ) ngầm ám chỉ bậc Alahán, bậc Độc Giác và bậc Chánh giác.
Bản Sớ giải bộ Pháp tụ (DhA.521) giải rằng:
Moneyya paṭipadāya maggaphalaṃ pattā asekkha = munayo
Con đường tịch mặc chứa đựng Thánh đạo của bậc Thánh vô học, gọi là “gương mặt ẩn sĩ”.
Bản Sớ giải Mahā Nidesa (57) và Cūla Nidesa (514A), có nêu ra 6 bậc ẩn sĩ là: Agāramuni (tại gia ẩn sĩ), anāgāramuni (xuất gia ẩn sĩ, ám chỉ các vị Tỳkhưu thực hành hạnh Đầu đà ở rừng), sekkhāmuni (vị Thánh hữu học), asekkhamuni (vị Thánh Alahán), paccekamuni (Đức Độc giác) và Munimuni (Đức Chánh giác).
6- Paribbājaka (dusĩ).
Là hạng xuất gia đi lang thang từ làng mạc này sang châu quận khác. Nếu những du sĩ này thích biện luận, vấn pháp với nhau, được gọi là những biện sĩ.
7- Samaṇa: (Samôn) (sama: là yên lặng):
Trước tiên, Samôn là danh từ gọi cho bậc xuất gia mà vị này không thuộc giòng Bàlamôn. Như chúng ta thấy các hội chúng Bàlamôn thường gọi Đức Phật là “Samôn Gotama” vì Ngài xuất thân từ dòng Sátđếlỵ (khattiya) …
Samôn là những bậc xuất gia sống an tịnh, không thích cảnh náo nhiệt, sống nương trú ở nơi thanh vắng, điển hình là câu chuyện của Aggidatta như sau:
Bàlamôn Aggidatta là vị cố vấn đại thần của vua Mahā Kosala (phụ hoàng của vua Pasenadi).
Khi vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) lên ngôi,, Bà la môn Aggidatta suy nghĩ “Ta nay đã già, đã đến lúc ta nên sống đời sống xuất gia”.
Rồi Bàlamôn Aggidatta xin từ quan, công bố lên bố lên ý định của mình bằng cách: “thông báo sự bố thí hết gia sản của mình trong thành Sāvatthī suốt bảy ngày”.
Sau đó, Bà la môn Aggidatta tìm đến một trú xứ thanh vắng ở giữa ba quốc độ Aṅga, Magadha và Kuru để ẩn tu [43] .
8- Bhikkhu (Tỳkhưu).
Danh tự này dùng chỉ cho những bậc xuất gia trong Phật giáo.
Ý nghĩa thông dụng của từ bhikkhu (khikkhu) là “người đi xin ăn”.
Lần trở về kinh thành Kapilavatthu (Catỳlavệ) để tế độ quyến thuộc, Đức Phật có nói với vua Suddhodana (Tịnh Phạn) rằng:
“Anekāni hi buddhasahassāni piṇṇāya caritvāva jīviṃsū’ti.
– “Hằng ngàn chư Phật quá khứ vẫn đi khất thực nuôi mạng sống” [44] .
Theo chú giải kinh Tứ Niệm Xứ thì:
Bhikkhati sīlenā’ti bhikkhu:
“ Là người có giới hạnh đi xin ăn, gọi là Tỳkhưu”.
Đây là ý nghĩa “người đi xin ăn”. Và đây là hình thức của bậc xuất gia trong Phật giáo.
Ngoài ra thì:
Bhikkhu = căn bhī + căn ikkh + u.
“Thấy sợ hãi, là bhikkhu (Tỳkhưu)”.
Ngài Buddhagosa (Giác Âm) có giải thích:
Saṃsāre bhayaṃ ikkhatī’ti bhikkhu [45]
“Bậc thấy sợ hãi trong luân hồi, gọi là Tỳkhưu”.
Đây là ý nghĩa của “kinh sợ hiễm họa phiền não ma (Bố ma)”.
Hay: Bhikkhu = Căn bhidi [46] + căn ikkh +u.
“Thấy (rồi) phá vỡ, là bhikkhu (Tỳkhưu)”. Có thể hiểu theo hai cách: “Vị thấy rõ các phiền não rồi hủy diệt các phiền não ấy, vị ấy gọi là Tỳkhưu”, hay “hủy diệt quan kiến sai lầm, gọi là Tỳkhưu”.
Quan kiến sai lầm ở đây là thấy “ta” và “của ta”. Trong kinh điển Đức Phật thường khuyến cáo các môn đệ “hãy lìa bỏ cái ta và cái của ta”, vì đó là chướng ngại (palibodha) trước tiên cho sự chứng đắc Thánh quả.
– Bhinna kilesa = bhikkhu:
Đã loại trừ phiền não, là tỳkhưu” [47] .
Rõ ràng hơn là:“Sattannaṃ dhammānaṃ bhinnattā bhikkhu [48] .
“Trừ diệt bảy pháp (đưa đến luân hồi), gọi là tỳkhưu”.
Bảy pháp đó là gì?
Đó là: Thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa), luyến ái (rāga), sân (dosa), mạn (māna).
“Paṭipannako hī devo vā hotu manusso vā bhikkhu’ti saṅkhayaṃ gacchatiyeva”.
“Người thực hành đi đến phá hủy (tội lỗi), dù là người hay chư Thiên, đều được xem là tỳkhưu”.
Đây là ý nghĩa của phá ác.
Như vậy, bhikkhu (tỳkhưu) có ba nghĩa:
– Kẻ đi xin ăn.
– Kẻ kinh sợ phiền não luân hồi.
– Kẻ hủy diệt điều xấu xa, tội lỗi.
Điều 1 là hình thức tỳkhưu, hai điều sau là “tâm lý tỳkhưu”.
II- Sự liên hệ giữa xuất ly và xuất gia.
Có lần, ông Hoàng Mahānāma dòng Thíchca có bạch với Đức Phật rằng: Tuy ông vẫn biết tham, sân, si là nhơ nhớp (upakkilesa) của tâm, nhưng vì sao thỉnh thoảng tham, sân, si vẫn xâm chiếm và an trú trong tâm của ông.
Ông bạch hỏi “trong ông còn một pháp gì chưa đoạn trừ, khiến tham, sân, si khởi lên an trú trong tâm của ông?”. Phật dạy: “Chính là dục (kāma)”.
“So ca hi te Mahānāma dhammo ajjhattaṃ pahīno abhavissaya na tvaṃ agāraṃ ajjhāvaseyyāsi, na kāme pari bhuñjeyyāsi.
“ Và này Mahānāma, có thể đoạn trừ pháp ấy trong ngươi, khi người sống không nhà, không thụ hưởng các dục.” [49]
Theo lời Phật dạy ở trên, chúng ta thấy “Đời sống thụ hưởng năm dục (kāma), là sự trói buộc tâm, khiến tâm rơi vào tham, sân, si; bị tham, sân, si xâm chiếm và chế ngự. Đồng thời cũng là duyên (paccaya) khiến tham, sân, si sinh khởi và tăng trưởng”.
Như đã giải thích: Nekkhamma với nghĩa ẩn dụ “thoát ra”, hoàn toàn thay thế ý nghĩa “xuất gia” ban đầu, như nói “mừng thầm trong bụng”, bụng không còn mang ý nghĩa “phần chứa đựng dạ dày, ruột già, ruột non”, mà mang ý nghĩa “tình cảm hân hoan”.
Nhưng hai ý nghĩa “xuất ly” và “xuất gia” lại có mối tương quan với nhau, nên các Giáo thọ sư trong bộ Sớ giải Hạnh tạng có nêu lên: “Nekkhamma pabbajjamūlakaṃ”.
Nekkhamma mang ý nghĩa “xuất ly”, ý nghĩa này tương đương với “giải thoát – vimutti”.
Có hai loại giải thoát: Thoát ra khỏi dục lạc (kāma) và thoát ra khỏi luân hồi (saṃsāra).
Có thoát ra các dục (kāma), rồi thực hành pháp khi ấy mới thoát ra khỏi luân hồi, như lời dạy của Đức Phật: “Vị Tỳkhưu ly ác- bất thiện pháp, chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh …”
Mặt khác, sinh tử luân hồi là quả của tham (dục), chỉ khi nào thoát ra khỏi tham (dục), khi ấy mới thoát ra khỏi sinh tử.
Để thoát ra sinh tử luân hồi, phải tu tập những pháp nhằm mục đích thoát khỏi tham, mà ra khỏi tham dục là bước trước tiên.
Đời sống xuất gia là nhân gần cho sự thoát ra khỏi tham dục, nên có cách hiểu: Xuất ly có nền tảng là xuất gia (tức là xuất ly là kết quả của xuất gia).
Nhưng cũng có những chúng sinh có trí, khi thấy những bất ổn, tai hại, hiễm họa trong cuộc sống, người này có hướng “thoát ra những hiểm nạn ấy”, nên từ bỏ đời sống gia đình ra đi xuất gia, nên có cách hiểu “đời sống xuất gia là quả của xuất ly”.
Có ví dụ cho hai cách hiểu này như sau:
Có hai người cùng đi đốn cây, người thứ nhất đốn cây để tu sữa lại căn nhà hư hỏng, người thứ hai đi đốn cây để xây dựng căn nhà mới.
Hai căn nhà, một có trước, một chưa có, nhưng sự đốn cây chỉ có một “mục đích”. Cũng vậy, “cho dù xuất gia trước, ý thoát ly sinh sau” hay “ý thoát ly có trước, đời sống xuất gia có sau”, tất cả chỉ có mục đíchthoát ra cái khổ do tham dục mang đến”.
Cho dù hiểu như thế nào đi nữa thì: Nekkhamma vẫn là chính, còn đời sống xuất gia là phụ.
Tuy nhiên, cũng không nên xem nhẹ đời sống xuất gia, vì đó là phương tiện tốt nhất trong sự “tầm cầu giải thoát khỏi sinh tử luân hồi”.
1- Đời sống xuất gia.
Đời sống xuất gia là đời sống không nhà, như Sớ giải:
Agārasmā anāgāriyaṃ = pabbajja:
Bỏ nhà, sống không nhà, gọi là xuất gia. [50]
Sự lìa bỏ gia đình để trở thành bậc xuất gia, có hai cách:
– Trở thành bậc xuất gia trước, lìa bỏ gia đình sau.
– Lìa bỏ gia đình trước, trở thành bậc xuất gia sau.
a- Trở thành bậc xuất gia trước, ra khỏi nhà sau.
Như trường hợp Bồtát Mahājanaka, câu truyện được tóm lược như sau
Bồtát Mahājanaka. [51]
Bồtát Mahājanaka khi lên ngôi vua xứ Mithilā, trị vì quốc độ theo Thập vương pháp (dasa rājadhammā), Ngài thường cúng đường đến các bậc Độc Giác Phật.
Con trưởng của Đức vua và Hoàng hậu Sīvalī là Thái tử Dīghāvu kumāra, khi Dīghāvu kumāra trưởng thành, Đức vua đặt Thái tử vào địa vị Phó vương.
Một hôm, người giữ vườn Ngự Uyển dâng lên Đức vua những trái ngon ngọt trong vườn.
Để ban vinh dự đến người giữ vườn, Đức vua bảo người giữ vườn “hãy trang hoàng Ngự Uyển, Ta sẽ du ngoạn nơi ấy”.
– Thưa Đại Vương, vâng.
Sau khi sữa soạn vườn Ngự Uyển xong, người giữ vườn đến tâu lên Đức vua.
– Thưa Đại vương, vườn Ngự Uyển đã sữa soạn xong, thỉnh Đại vương du ngoạn.
Đức vua ngự trên lưng vương tượng, che bên trên là cây lọng trắng, cùng với Phó vương Dīghāvu và các quan đại thần, quân binh hộ giá, đi đến vườn Ngự Uyển để du ngoạn.
Trên đường du lãm, Đức vua thấy một cây xoài đang trĩu nặng những quả xoài ngon ngọt, Ngài cho Vương tượng đi đến, hái một trái xoài, bảo người hầu gọt dâng lên để Ngài dùng thử, hương vị xoài rất thơm ngọt. Đức vua nghĩ thầm “khi trở về, ta sẽ hái thêm vài quả nữa để dùng”, rồi cho vưưng tượng thong dong đi ngoạn cảnh.
Đây là xoài đầu mùa, khi Đức vua chưa dùng, người giữ vườn gìn giữ cây xoài, đồng thời chưa một ai dám dùng xoài trước Đức vua, nay thấy Đức vua đã dùng xoài rồi.
Khi đức vua đi xa, mọi người cùng nhau hái xoài để dùng, cây xoài trở nên xơ xác, trơ trụi quả.
Sau khi du ngoạn thỏa thích, buổi chiều Đức vua trở về Hoàng thành, đi ngang qua cây xoài ban sáng, Ngài thấy nó xơ xác, trơ trụi, nhưng gần đó có cây xoài xanh tươi, Đức vua hỏi:
– Vì sao cây xoài này xơ xác như vậy.
Các quan hộ giá thưa lên Đức vua sự việc “Phó vương cùng các quan quân thấy Đức vua dùng xoài, những vị ấy cũng hái xoài để ăn, nên cây xoài trở nên xơ xác,
– “Kiṃ nukho bhaṇe, imassa pana neva pattaṃ na vaṇṇo khīṇo’ti?
“Vì sao cây xoài kia không bị hoại, không bị rơi lá, không xơ xác?”
-Nipphalatāya na khīṇa, devā’ti.
– Thưa Đại vương, vì nó không có trái.
Với những bậc có trí, mỗi một hiện tượng bình thường của cuộc sống cũng gợi lên tâm trí Ngài một bất ổn, một mối đe dọa cho kiếp nhân sinh.
Đức vua động tâm (saṃvega), suy nghĩ “vương quyền này cũng như cây có trái (rajjaṃ sapphalarukkhasadisaṃ), rồi mọi người sẽ dành lấy nó để thụ hưởng, rồi đây ta cũng xơ xác như cây xoài này”. Hình ảnh những vị samôn (Đức Phật Độc giác) chợt hiện ra trong trí của Đức vua.
Đức vua thầm nghĩ “chính những người có tài sản mới sợ hãi, kẻ vô sản thì có lo sợ chi? Ta sẽ như cây không trái kia, ta từ bỏ tất cả những gì đang có để trở thành bậc xuất gia (imaṃ sampattiṃ cayitvā nikkhamma pabbajissāmī’ti).
Sau khi quyết định xuất gia, Đức vua đi vào Hoàng thành, khi đến trước cửa cung điện của Ngài, Đức vua bảo các vị Đại thần rằng:
-“Kể từ hôm nay, chỉ cho một người mang thực phẩm, nước súc miệng, cây chà răng và tăm xỉa răng cho ta mà thôi. Việc triều chính, các người hãy đãm trách, còn ta ta sẽ sống an tịnh để hành pháp Samôn (samaṇadhammaṃ karissāmī’ti)”.
Và0 lúc bấy giờ, tuổi thọ con người là 10 ngàn tuổi, Đức vua Mahājanaka được 7 ngàn tuổi.
Đức vua sống trong cung được 4 tháng, Ngài suy nghĩ “nơi đây vẫn còn bẩn chật, sống bên ngoài như vị những vị Samôn mà ta thường cúng dường, tốt hơn là ở trong Hoàng cung.”
Đức vua bảo người hầu, bí mật tìm cho Ngài y càsa và cái bát đất. trong đêm ấy, Ngài cắt bỏ râu tóc, tự đấp lên mình y càsa, tâm Ngài vô cùng thỏa thích, trọn đêm không ngũ, sáng ra, Ngài từ trên lầu đi xuống ngự ra khỏi Hoàng cung.
Đây là “xuất gia trước, lìa bỏ nhà sau”.
Trong trong thời Đức Phật, Ngài Mahā Kassapa (thanh niên Pippali) cùng nàng Bhaddā cũng trở thành bậc xuất gia trước khi lìa bỏ gia đình.
Tương tự như thế là bà Pajāpati Gotamī cùng năm trăm nàng công chúa dòng Thích ca, các vị ấy trở thành phẩm mạo người tu trước, rồi sau đó mới lìa bỏ Hoàng cung.
b- Ra khỏi nhà trước, thành bậc xuất gia sau.
Đây là phương cách thường thấy nhất.
2- Nguyên nhân xuất gia.
Nguyên nhân xuất gia này rất đa dạng, có thể tóm gọn vào các trường hợp như sau:
a- Xuất gia theo truyền thống.
Có nhiều khía cạnh trong “truyền thống” này. Trước tiên là một trong những truyền thống cổ sơ của Bàlamôn.
Các Bàlamôn sau khi có người nối dõi, thì bỏ nhà đi xuất gia, hoặc khi tuổi cao thì lìa bỏ quan trường để xuất gia … Điển hình như Bàlamôn Aggidatta như sau:
Bàlamôn Aggidatta. [52]
Bàlamôn Aggidatta là vị cố vấn đại thần của vua Mahākosala (Phụ hoàng của vuaPasenadi).
Khi vua Pasenadi lên ngôi, Bàlamôn Aggidatta suy nghĩ: “Ta nay đã già, đã đến lúc ta nên sống đời sống xuất gia”.
Bàlamôn xin từ quan, công bố lên ý định của mình, rồi thông báo “bố thí hết tài sản của mình trong thành Sāvatthī suốt 7 ngày”.
Sau đó, Bàlamôn tìm đến một trú xứ thanh vắng gần bờ sông vùng biên địa của ba nước Aṅga, Magadha và Kuru. Có 10 ngàn người theo vị ấy, tôn vị ấy là tôn sư, Bàlamôn Aggidatta ban giáo huấn đến các đệ tử rằng:
– Này các đệ tử, nếu ai khởi lên một tư tưởng tầm cầu dục lạc (kāmavitakka), hoặc một tư tưởng sân hận (vyāpādavitakka), hoặc một tư tưởng hại người (hiṃsavitakka), phải tự phạt, bằng cách lấy một bụm cát từ dưới sông lên bỏ vào nơi này.
Nhóm đệ tử tu tập dưới sự chỉ dạy của Bàlamôn Aggidatta đã tuân lời.Thời gian sau, nơi ấy trở thành một gò cát lớn, một con mãng xà vương đến trú ấn nơi ấy. Lời giáo huấn cho môn đệ của Bàlamôn Aggidatta là:
“Này các môn đệ, hãy nương tựa nơi rừng cây, đồi núi, cội cây. Nương tựa những nơi ấy, các ngươi sẽ chấm dứt được khổ đau, các ngươi sẽ giải thoát khổ”.
Khi duyên lành của Aggidatta hội đủ, hình ảnh của ông xuất hiện trong võng trí của Đức Thế Tôn, Ngài dạy Đức Moggallāna (Mụckiềnliên) đến nơi trú ngụ của Bàlamôn Aggidatta để tiếp dẫn ông cùng hội chúng.
Đức Moggallāna đi đến trú xứ của Bàlamôn Aggidatta, xin ngụ lại qua đêm.
Trong đêm ấy, Ngài thu phục được mãng xà vương, thán phục năng lực thần thông của Đức Mụckiềnliên, Aggidatta hỏi về Bậc Đạo sư của Ngài Moggallāna, Ngài đáp:
– Đức Thế Tôn, bậc Chánh đẳng giác là bậc đạo sư của tôi.
Và theo lời thỉnh cầu của Bàlamôn Aggidatta, Đức Thế Tôn ngự đến trú xứ của vị ấy, tại đây Đức Phật thuyết lên kệ ngôn:
Bahum saranaṃ yanti. Pabbatāni vanāni ca.
Ārāmarukkhacetyāni. Manussā bhayatajjitā.
“Người lo sợ, kinh hoàng. Tìm nương nhờ nhiều chỗ.
Đồi núi và rừng sâu. Vườn, cây hay đền tháp.
“N’etaṃ kho saranaṃ khemaṃ. N ’etaṃ saranaṃ uttamaṃ.
N’etaṃ saranaṃ āgamma, sabbadukkhā pamuccati.
“Nương tựa ấy, không ổn. Nương tựa ấy, không cao.
Đến nương tựa như thế, không thoát khỏi khổ đau.
“Yo ca buddhañ ca dhammañca; aṅghañ ca saranaṃ gato
Cattāri ariyasaccāni; sammappaññāya passati.
“Đến nương nơi Đức Phật; Giáo pháp và Tăng chúng.
Trí chân chánh thấy được; bốn sự thật bậc Thánh.
Dukkhaṃ dukkhasamuppādaṃ;
Dukkhassa ca atikkamaṃ
Ariyañcaṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ
Dukkhūpasamagā minaṃ
Khổ và nhân sinh khổ; và sự khổ diệt đi.
Nhờ Thánh đạo tám ngành; vượt thoát mọi khổ đau… [53]
Dứt kệ ngôn Bàlamôn Aggidatta cùng hội chúng đác Thánh quả.
*- Hoặc có những gia tộc có truyền thống “phải có người trong gia tộc xuất gia”.
Vì theo quan niệm người Ấn cổ, gia tộc nào có “người xuất gia thì gia tộc ấy được người trí tán thán”, như đạo sĩ Kaṇhādīpāyana xuất gia cả 50 năm, chỉ có hoan hỷ trong hạnh xuất gia có 7 ngày khi ngồi đàm luận với đạo sĩ Mandavya [54] .
Con trai của một gia chủ (hộ độ Ngài) bị rắn cắn, đã rơi vào bất tỉnh, gia chủ yêu cầu Ngài cứu chữa, Ngài chỉ biết phát nguyện chân ngôn như vầy:
“Kể từ khi xuất gia cho đến nay là 50 năm, tôi chỉ hoan hỷ trong hạnh xuất gia có 7 ngày vừa qua, do lời chân thật này, xin cho cậu bé này tỉnh lại”.
Cậu bé tỉnh dậy nhưng không thể cử động, tiếp theo cha mẹ cậu phát nguyện chân ngôn, giúp cậu đẩy lùi nọc rắn, trở lại mạnh khỏe bình thường.
Khi gia chủ hỏi đạo sĩ Dīpāyana:
– Vì sao Ngài xuất gia cả 50 năm, lại chỉ có hoan hỷ trong 7 ngày vừa qua?.
Đạo sĩ trả lời:
– Thật ra, tôi không muốn xuất gia, chỉ vì gia tộc tôi có truyền thống xuất gia nên tôi phải xuất gia, suốt 50 năm qua tôi chỉ có hoan hỷ trong 7 ngày vừa rồi .
Cuối bổn sanh Đức Phật nhận diện: Đạo sĩ Dīpāyana là tiền thân của Ngài.
*- Hoặc “có sự giao ước với nhau”, (vì giữ gìn truyền thống xem như giữ gìn một lời hứa) như khi Bồtát Siddhattha xuất gia, các gia tộc dòng Sakya giao ước với nhau “mỗi gia tộc phải có người xuất gia theo Thái tử Siddhatha”.
Vì lời giao ước này, dẫn đến sự xuất gia của 6 vị Hòang Tử dòng Thích Ca là: Kimbila, Bhaddiya, Anuruddha, Bhagu, Ānanda và Devadatta cùng người thợ cạo Upāli, các vị này chưa hẳn có ý định xuất gia ngay cả Upāli cũng thế, chỉ vì lời giao ước của gia tộc nên các vị phải thực hiện.
Nên ghi nhận chi tiết sau đây: Luật Đại phẩm I (Mahāvagga I) có ghi:
“ (Khi Đức Thế Tôn ngự tại thành Vương xá). Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ có đức tin, có tín ngưỡng của Đại đức Ānanda đã bị chết bởi bịnh dịch hạch. Và có hai đứa trẻ trai là (những người) còn sót lại. Khi nhìn thấy các tỳkhưu, chúng theo thói quen được phép trước đây đã chạy đến gần, các tỳkhưu đã đuổi chúng đi, trong khi bị các vị tỳkhưu đuổi đi, chúng đã khóc”.
Khi ấy, Đại đức Ānanda đã khởi ý điều này : Đức Thế Tôn đã quy định rằng:” Đứa trẻ dưới mười lăm tuổi không nên cho xuất gia và những đứa trẻ này dưới mười lăm tuổi, vậy bằng phương cách gì để những đứa trẻ này không thể bị tiêu hoại đây?” Sau đó, Đại đức Ānanda đã bạch trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn.
– Này Ānanda, những đứa trẻ ấy có khả năng đuổi các con quạ bay đi không?
– Bạch thế Tôn, chúng có khả năng.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết pháp thoại rồi bảo các tỳkhưu rằng:
– Này các tỳkhưu, Ta cho phép xuất gia đứa trẻ dưới 15 tuổi là trẻ (có thể) đuổi được quạ [55] .
Và chúng ta biết rằng: Khi Đức Thế Tôn ngự về kinh thành Catỳlavệ (kapilavatthu), Ngài cho Rahula (Lahầula) 7 tuổi xuất gia.
Nếu Ngài Rahula 7 tuổi được xuất gia Sadi thì Đức Ānanda không phải băn khoăn trước 2 đứa trẻ con của người hộ độ Ngài.
Hoặc giả có vị tỳkhưu trong thành Vương xá cũng có tên là Ānanda.
Hoặc giả nhà ghi chép kinh điển Pāli nhầm lẫn, vì trong Luật Tiểu Phẩm II có ghi nhận sáu vị Hoàng tử dòng Thích ca cùng Ngài Upāli xuất gia khi Đức Thế Tôn ngụ tại Anupiya, một thị trấn xứ Malla [56] . Theo sự ghi nhận của Đức Narada thì Đức Ānanda xuất gia sau khi Đức Phật thành đạo được 2 năm [57] , nhưng Ānanda chỉ kém Đức Phật một hạ, như vậy “hai năm” ở đây nên hiểu là “khi ấy Đức Phật được 36 tuổi”.
*- Lại nữa, do duyên lành tu tập trong quá khứ nên có những thiện gia nam tử không thích đời sống gia đình, có khuynh hướng xuất gia (xem như truyền thống tiềm ẩn của chư Bồtát).
Như có thời Bồtát là vị Phạm thiên, tái sinh về nhân giới làm con của vua xứ Kāsi, Ngài có tên là Anitthigandha (không có mùi nữ nhân), khi lớn lên Bồtát cho xây một am thất cạnh nội cung, Ngài ở trong đó tu tập thiền định [58] . Hoặc như anh em nhà Hatthipāla hay anh em Mahā Kañcana.. [59]
(Khi Bồtát Chánh giác sinh làm người, ít nhiều gì Ngài cũng xuất gia một thời gian, như khi Ngài là vua Chuyển Luân Mandhātu, Ngài cũng xuất gia trong 7 ngày cuối cùng. Và xuất gia xem như truyền thống của Bồtát Chánh giác).
Bồtát Hatthipāla. [60]
(Tóm lược).
Thuở xưa, trị vì kinh thành Bārāṇasī (Balanại) là Đức vua Esukāsi. Đức vua kết bạn thân với vị Đại thần tế tự, cả hai đều không có con.
Một hôn hai người ước hẹn với nhau rằng: “Nếu ai có con, hài tử ấy sẽ là chủ tài của hai người”.
Một hôm vị Tế sư đến một ngôi làng thuộc lãnh địa của mình, thấy một người đàn bà cùng khổ (ăn xin) có đến 7 người con trai khỏe mạnh bụ bẩm. Vị tế sư hỏi:
-Này bà, cha những đứa trẻ này đâu?
– Thưa Ngài, chúng không có cha.
– Vậy làm thế nào bà sinh chúng ra được?
– Thưa Ngài, tôi cầu xin vị thọ thần, vị ấy ban cho tôi 7 đứa bé này để chúng giúp việc cho tôi.
Bà chỉ một cây cổ thụ ở cổng kinh thành và nói như thế.
Nghe xong, vị Tế tự bả0: “Thôi bà hãy đi đi”.
Vị Tế tự đi đến trước cây cổ thụ ở cổng kinh thành, nắm lấy một cành cây lắc mạnh, bảo rằng:
– Này thọ thần, Đức vua cúng dường ông hậu hỷ suốt cả quanh năm, ông không ban cho Đức vua vị vương tử nào cả. Trái lại, người nữ cùng khổ kia chẳng cúng dường ông cái chi cả, ông lại cho bà đến 7 người con trai.
Sau 7 ngày, kể từ hôm nay (tức là ngày hôm nay kể là một), nếu ông không cho Đức vua một đứa con trai nào cả, ta sẽ cho người đốn cây này và xẻ ra từng khúc.
Sau khi trách mắng vị Thần cây (rukkhadeva) rồi, vị Tế sư ra đi. Ngày hôm sau, ông lại đến trách mắng và thông báo: Còn sáu ngày nữa, ta sẽ đốn cây này, nếu như Đức vua không có con trai.
Năm ngày trôi qua như thế, đến ngày sáu, vị Tế sư đến nắm lấy cành cây, nói rằng: “ Chỉ còn đêm nay nữa thôi, nếu ông không cho Đức vua đứa con trai. Sáng ra, thân cây này phải ngã xuống”.
Vị nữ thọ thần kinh hoàng, suy nghĩ: “Bàlamôn này sẽ đốn cây thật đây, ông ta sẽ phá tan nhà của ta, nếu Đúc vua không có con. Nhưng ta biết làm sao cho Đức vua có con đây nhỉ?”
Nữ thần cây đi đến vấn kế nơi Tứ đại vương (Catuttha Mahārāja), Bốn vị Đại vương cũng vô kế khả thi, bảo nàng Thọ thần: Nàng hãy đến cầu khẩn vua Trời Sakka xem sao?
Nàng đi đến trình bày sự việc lên vua Trời Sakka, vua Trời Đế Thích suy gẫm “nhà vua có thể sinh được Hoàng nam theo nghiệp lực của mình không?”, chợt Ngài thấy bốn vị Thiên tử có đức độ sắp mệnh chung, tái sinh về cõi Dạma (Yama).
Tương truyền rằng: Kiếp trước bốn vị Thiên tử này là anh em, nguyên là thợ dệt ở kinh thành Bārāṇasī.
Tài sản kiếm được họ phân thành 5 phần đều nhau, mỗi người nhận một phần để chi dụng, còn phần thứ năm là của chung dùng để bố thí.
Khi mệnh chung, tất cả sinh về Thiên giới Ba mươi ba (Tāvatiṃsadeva), nay 4 vị Thiên tử sắp tái sinh về cõi Dạma thiên (Yamadeva) [61] .
Vua Trời Sakka nói với 4 vị Thiên tử rằng:
– Này các Thiên tử, các vị nên tái sinh về nhân giới đi, hãy làm con của Đức vua Esukāri đi.
– Lành thay, thưa Thiên chủ, chúng tôi sẽ sinh về nhân giới, nhưng chúng tôi không muốn liên hệ đến Hoàng gia. Chúng tôi sẽ sinh vào gia tộc vị Tế sư, khi trưởng thành chúng tôi sẽ xuất gia.
Vua Trời tán thành ý muốn ấy để giải quyết việc của nữ thần cây được ổn thỏa.
Sáng hôm sau, vị Tế sư đến cội cây cùng với những người thợ rừng, vị Tế sư nắm lấy cành cây, nói rằng:
– Hôm nay là ngày thứ bảy, ông không ban cho Đức vua đặc ân, ta sẽ đốn bỏ cây này.
Vị nữ thần cây khiến thân cây nứt ra, rồi hiện thân nói rằng:
– Này Bàlamôn, ta sẽ cho ông có bốn người con trai.
– Ta không muốn có con, nàng hãy ban cho Đức vua của ta một người con trai.
– Này Bàlamôn, Đức vua không thể có con được, riêng Ngài thì có được bốn người con. Nhưng các vị ấy không muốn sống đời sống tại gia, khi trưởng thành tất cả đều xuất gia.
Vị Tế sư đành phải chấp nhận.
– Vậy nàng hãy ban cho ta bốn hài tử ấy, ta sẽ cố gắng giữ chúng lại đời sống thế tục.
Vị Thiên tử lớn nhất giáng trần vào thai bào của vợ vị Tế sư, khi sinh ra, để ngăn cản ý định xuất gia sau này của hài tử, vị Tế sư giao cho những người quản tượng chăm sóc, hài tử có tên là Hatthipāla.
Khoảng năm sau, khi Hatthapāla đi chập chửng thì vị thiên tử thứ hai sinh ra, có tên là Assapāla (vì hài tử được giao cho những người giữ ngựa chăm sóc). Cứ như thế vị thiên tử thứ ba giáng trần, có tên là Gopāla, vì được giao cho những người giữ bò chăm sóc, vị thứ tư có tên là Ajapāla, vì được giao cho những người chăn dê chăm sóc.
Cả bốn vị khi trưởng thành, đều từ chối ngôi vua bỏ nhà đi xuất gia.
Đây là sự xuất gia theo khuynh hướng có trước.
b- Xuất gia để cải thiện cuộc sống.
Có một số người thuộc dòng nô lệ, do vất vả trong cuộc sống nên xuất gia để thoát ra sự cực nhọc do cuộc sống, và đời sống trở nên tốt đẹp hơn. Như Đức Phật có dạy vua Ajātasattu:
“Taṃ kiṃ maññāsi mahārāja? Idha te assa puriso dāso kammakaro pubbuṭṭhāyi pacchā-nipātī kiṃ kārapaṭissāvī manāpacārī piyavādī mukhullokako.
“Đại vương nghĩ sao? Ở đây, Đại vương có một nô lệ, dậy sớm thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm hài lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Đại vương).
Tassa evaṃ assa: “Acchariyaṃ vata bho abbhutaṃ vatabho puññānaṃ gati puññānaṃ vipāko.
“Người ấy suy nghĩ “thật hy hữu thay, kỳ diệu thay là phước dẫn vào sinh vức, là quả chín muồi (vipāka) của phước.
Ayaṃ hi rājā Māgadho Ajātasattu Vedehiputto manusso, ahaṃ pi manusso.
Đức vua Ajātasattu (Axàthế) con bà Videhi của nước Magadha là người, ta cũng là người.
Ayaṃ hi rājā Māgadho Ajātasattu Vedehiputto pañcahi kāmaguṇehi samappitto samaṅgībhūto paricāreti devo maññe. ahaṃ pan’amhi’assa kammakaro pubuṭṭhāyī pacchānipātī kiṃ kārapaṭissāvī manāpacārī piyavādī mukhullokako.
Đức vua Ajātasattu con bà Videhi của nước Magadha, sống tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc không khác gì thiên nhân như ta hiểu. Còn ta, làm mọi công việc, dậy sớm thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm hài lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt
So vat’assāhaṃ puññāni kareyyaṃ, yaṇ nūnāhaṃ kesa massuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajeyyan ti.
Ta hãy tạo những phước báu như Đức vua, ta hãy cạo bỏ râu tóc, đấp áo càsa, lìa bỏ gia đình, sống không nhà trở thành bậc xuất gia.”
Người nô lệ ấy, sau khi xuất gia giữ gìn giới hạnh nghiêm trang, tu tập tốt đẹp. Rồi Đức Phật có hỏi vua Axàthế rằng:
“Api nu tvaṃ evaṃ vadeyyāsi: “Etu me bho so puriso, punadeva hotu dāso kammakāro pubbuṭṭhāyī pacchā-nipātī kiṃ kārapaṭissāvī manāpacārī piyavādī mukhullokako’ti?.
“Đại vương có nói như vầy không?: “Người hãy ở lại với ta, hãy trở về làm nô lệ như trước, làm mọi công việc, dậy sớm thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm hài lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của chủ).”
– No h’etam, bhante…
“Bạch Ngài không, trái lại chúng con đảnh lễ người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các vật dụng như y, vật thực, trú xứ…”. [62]
Rõ ràng là cải thiện được đời sống trong hiện tại lẫn vị lai.
Có thể không phải vì xuất thân thuộc dòng nô lệ, nhưng vì sống đời sống tại gia quá cực khổ, nên xuất gia để được no đủ, hoặc bị bức bách từ một vấn đề nào đó trong cuộc sống, nhờ sự xuất gia có thể thoát ra những bức bách ấy.
Trong Luật Đại phẩm [63] , Chương I, tụng phẩm thứ 8, có ghi nhận:
Vị danh y danh tiếng trong thời Đức Phật là Jīvaka Komārabhacca, vị ấy rất bận rộn, nhưng ân cần trị bịnh cho chư Tỳkhưu.
Bấy giờ, trong xứ Magadha phát sinh năm chứng bịnh là: Bịnh cùi (kuṇhaṃ), bịnh bướu (gaṇḍo) [64] , bịnh ghẻ lở (kilāso)[65], bịnh lao (soso), bệnh động kinh (apamāro).
Các bịnh nhân yêu cầu lương y Jīvaka Komārabhacca chữa trị, nhưng lương y Jīvaka Komārabhacca từ chối.
-“Các Ngài ơi, tôi rất bận rộn, tôi cần phải phục vụ (chữa bịnh) cho Đức vua Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi và hội chúng Tỳkhưu có Đức Phật đứng đầu.”
Có những người nam bị mắc phải (một) trong năm thứ bịnh trên, suy nghĩ: “Những Samôn Thích Tử này có giới hạnh thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon, rồi nằm dài trên những cái giường kín gió, chúng ta nên xuất gia nơi các Samôn Thích Tử. Khi ấy, chính các Tỳkhưu sẽ chăm sóc chúng ta và lương y Jīvaka sẽ điều trị bịnh cho chúng ta.”
Và họ đã xuất gia với chư Tỳkhưu, sau khi được lương y Jīvaka điều trị lành bịnh, họ hoàn tục.
Trong phẩm này còn nêu ra vài lý do xuất gia khác như: Tránh ra chiến trận, kẻ tội phạm phá ngục rồi xuất gia để tránh bị bắt …
Nhưng những lý do này chỉ tạm thời và bất định, giả như không có lương y Jīvaka trị bịnh, hẳn họ không xuất gia, hoặc vẫn bị luật pháp quốc độ bắt giữ khi phạm tội thì họ sẽ không xuất gia.
Ý chính muốn nói ở đây là “thoát ra khỏi những bức bách, trong cuộc sống nên xuất gia”.
Có sáu hạng xuất gia là:
– Xuất gia của người dốt nát.
– Xuất gia của người hay giận.
– Xuất gia của người chơi giỡn.
– Xuất gia của người thu góp tài sản
– Xuất gia của người để nuôi mạng sống.
– Xuất gia của người muốn thoát khổ.
Trong sáu hạng xuất gia, bậc xuất gia với ý muốn thoát khổ được gọi là bậc xuất gia chân chánh, (khổ ở đây chỉ cho khổ luân hồi) [66] .
1’- Xuất gia của người dốt nát.
Là sự xuất gia của người không hiểu rõ mục đích của xuất gia là gì? Sự xuất gia này thường do gia tộc chọn cho, như những bé trai được gia đình gữi vào chùa làm Giới tử, khi đủ duyên lành được xuất gia thành Sadi.
Bản thân vị sadi ấy không hiểu rõ mục đích “đi tu để làm gì?”, có chăng chỉ hiểu là “đi tu cho có phước” thế thôi.
Câu truyện tóm lược sau đây nói lên ý nghĩa này.
Trong thành Rājāgaha có nhóm thiếu niên 17 người, thiếu niên Upāli là thủ lãnh.
Cha mẹ Upāli bàn luận cùng nhau: “Sau khi chúng ta từ trần, có phương cách gì để Upāli sống thoải mái, không cực nhọc?”.
Rồi họ bàn luận với nhau: “Nếu cho Upāli học chữ viết, thì các ngón tay của Upāli bị đau”, “nếu cho Upāli học tính toán thì ngực sẽ bị đau”, “nếu cho Upāli học hội họa thì con mắt sẽ bị đau”.
Sau cùng thì họ suy nghĩ: “Những Samôn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon, rồi nằm dài trên những cái giường kín gió. NếuUpāli xuất gia với các vị samôn Thích tử, như thế sau khi chúng ta từ trần, Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc”.
Thiếu niên Upāli nghe được sự bàn luận của cha mẹ, Upāli đi đến các thiếu niên, nói rằng:
– Này các bạn, tôi sẽ xuất gia nơi các vị Samôn Thích tử.
– Này bạn, nếu bạn xuất gia chúng tôi cũng xuất gia.
Thế rồi cả nhóm đều xin cha mẹ cho họ được xuất gia, cha mẹ nhóm thiếu niên ấy đồng ý. Các vị Tỳkhưu cho cả nhóm xuất gia thọ Tỳkhưu giới.
Những tân Tỳkhưu ấy, sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng, đã kêu khóc đòi ăn, rằng:
– Hãy cho cháo, hãy cho bữa ăn hãy cho đồ ăn.
Rồi chúng tiểu tiện, đại tiện ở chỗ nằm ngồi…
Đây là ý nghĩa “xuất gia của người không hiểu biết”. [67]
2’- Xuất gia của người hay giận.
Đây là hạng người giận người nhà, hoặc “buồn phiền tình cảm”, nên bỏ đi xuất gia.
Vào lúc bấy giờ, có người thợ bạc sói đầu, sau khi cãi vả với cha mẹ đã đi đến tu viện và xuất gia ở nơi các vị Tỳkhưu (sđd.110).
3’- Xuất gia của người chơi giỡn.
Đây là hạng xuất gia, không phải do mục đích tầm cầu sự giải thoát mà xuất gia với mục đích riêng nào đó.
Và phẩm mạo xuất gia chỉ là hình thức hóa trang để che dấu hình tướng thật, ám chỉ người xem nhẹ phẩm mạo bậc xuất gia.
Có lần vua Pasenadi nước Kosala thú thật với Đức Thế Tôn, ông cho các trinh thám giả làm bậc xuất gia để trinh sát một nước láng giềng, rồi trở về báo cáo tin tức thu thập được. Sau đó, những người trinh thám này thọ dụng ngũ dục. [68]
4’- Xuất gia để nuôi sống.
Có lần Đức Ānanda thấy một cậu bé, mặc chiếc khố rách cầm bát đi xin ăn, Ngài hỏi:
– Sao con sống lang thang như thế làm gì? Xuất gia chẳng là cao thượng hơn không?
-Bạch Ngài, ai sẽ cho con xuất gia?
– Ta sẽ cho con xuất gia.
Và cậu được xuất gia, về sau thọ giới Tỳkhưu, Ngài có tên gọi là Pilotika (khố rách). Về sau, tự dạy tâm mình qua chiếc khố rách, Ngài chứng đạt thánh quả Alahán. [69]
Nhân đó Đức Thế Tôn dạy rằng:
“Hirinisedho puriso; koci lokasmiṃ vijjati.
Yo niddaṃ apabodheti; asso bhadro kasāmivā.
“Thật khó tìm ở đời; người biết thẹn tự chế.
Biết né tránh chỉ trích; như ngựa hiền tránh roi. (Dhp; câu 143)
“Asso yathā bhadro kasā niviṭṭho; ātāpino saṃvegino bhavātha
Saddhāya sīlena ca viriyena ca; samādhinā dhammavinicchayena ca
Sampannavijjaacaraṇā patissatā; pahassatha dukkhamidaṃ anappakaṃ.
“Như ngựa hiền chạm roi; với tín, giới, tinh tấn.
Thiền định cùng trạch pháp; minh hạnh đủ, chánh niệm
Đoạn khổ này vô lượng. (Dhp, câu 144)
5’- Xuất gia của người thu gom tài sản.
Đây là hạng xuất gia tệ hại nhất.
6’- Xuất gia của người muốn thoát khỏi khổ.
Đây là hạng người xuất gia đáng tán thán, đáng kỉnh trọng.
Cho dù do nguyên nhân nào đi nữa, khi xuất gia rồi hiểu rõ ý nghĩa xuất gia, tinh tấn hành đạo, vẫn trở thành bậc xuất gia tốt đẹp, như trưởng lão Pilotika ở trên.
Có những trường hợp, động lực xuất gia là “muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi”, nhưng nửa đoạn đường lại gẫy gánh, trở về với đời sống thế tục thì cũng không đáng tán thán lắm.
Bàlamôn Jāṇussoṇi có bạch hỏi Đức phật:
“Samaṇā pana, bho Gotama, kiṃ adhippāyā, kiṃ upavicārā, kiṃ adhiṭṭhānā, kiṃ abhinivesā, kiṃ pariyosānā’ti.
Thưa Tôn giả Gotama, đối với bậc Samôn, cái gì là quyết ý (adhippāya), cái gì là đặc biệt đến gần(upavicāra), cái gì là điểm tựa (adhiṭṭhāna), cái gì là khuynh hướng (abhinivesa), cái gì là thành tựu sau cùng (pariyosāna).
Đức Phật dạy rằng:
“Samaṇā kho, brahmaṇa, khantisoraccādhippāya, paññūpavicārā, sīlādhiṭṭhānā, ākiñcaññābhivesā, nibbānapariyosānā’ti.
“Này Bàlamôn, đối với Samôn, nhẫn nại (và) nhu hòa là quyết ý, trí tuệ là đặc biệt đến gần, giới hạnh là điểm tựa, không sở hữu là khuynh hướng, Níbbàn (giải thoát) là thành tựu sau cùng. [70]
Có thể trước đó, không phải vì những pháp này mà xuất gia, nhưng sau khi xuất gia lại thực hành những pháp này, thì vẫn là bậc cao quý.
c- Xuất gia do động tâm (saṃvega).
Sự động tâm này phát sinh do thấy hoặc do nghe.
Bậc đại trí như tiềm ẩn cơ duyên trong tâm, khi gặp một sự kiện nào đó có liên quan đến bất ổn, các Ngài tìm cách thoát ra những hiễm họa đang chực chờ. Và phương án các Ngài chọn là “bỏ nhà sống không nhà”.
1’- Động tâm do thấy.
Chúng ta có thể tìm thấy mẫu mực này qua nhiều câu truyện như:
Tiền thân Đức Phật là Bồtát Makhādeva, khi thấy sợi tóc đen chuyển thành tóc bạc, Ngài động tâm từ bỏ vương quyền, sống đời sống ly gia, tu tập tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), khi mệnh chung sinh về Phạm thiên giới [71] .
Bồtát Siddhattha nhìn thấy người già, người bịnh, người chết, Ngài chợt nghĩ đến hiểm họa này sẽ xẩy đến cho mình trong tương lai, Bồtát muốn thoát ly hiểm họa ấy, nhưng chưa định được phương hướng.
Thế rồi hình ảnh vị tu sĩ xuất hiện, Bồtát hỏi xa phu Channa (Xa nặc) và được xa phu Channa giải thích:
“Đây là bậc lìa bỏ nhà, sống không nhà, là người đi tìm chân lý và giải thích những bí ẩn của đời sống”.
Lời giải thích của xa phu Channa như đánh thức và chỉ ra phương án tầm cầu pháp tối thượng.
Và Đức Phật đã xác nhận sự tầm cầu thánh thiện qua hình thức xuất gia như sau:
Idha me aggivessana pubbeva sambodhā anabhisambuddhassa Bodhisattasseva sato etada hosi: “Sambādho gharāvāso rajāpatho abhokāso pabbajjā.
“Ở đây, này Aggivessana, trước khi ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Đẳng Giác, khi còn là Bồtát, ta suy nghĩ như sau: đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời, đời sống xuất gia như sống giữa hư không.
Nayidaṃ sukaraṃ agāraṃ ajjhāvasatā ekantaparipuṇṇaṃ ekantaparisuddhaṃ saṅkhalikhittaṃ brahmacariyaṃ saritaṃ.
Thật rất khó sống tại gia đình có thể sống hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh đời sống phạm hạnh thuần tịnh.
Yaṃ nūnāhaṃ kesamassuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā āgarasmā anāgāriyaṃ pabbajeyyaṅti.
Ta hãy cạo bỏ râu tóc đấp áo cà sa (kāsāva) xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình” [72] .
Theo bộ Sớ giải Buddhavaṃsa thì: “Những vị Bồtát Chánh Đẳng Giác có thọ mạng lâu dài, khi còn là Bồtát kiếp chót, các Ngài đều thấy bốn điềm tướng này, mỗi điềm tướng cách nhau 100 năm, còn Đức Phật Gotama có tuổi thọ ngắn, nên khi còn là Bồ tát kiếp chót, khoảng cách giữa mỗi điềm tướng là bốn tháng.
Tuy nhiên, các Giáo thọ sư Trường bộ kinh (ācāriya Dīghānikāya) dạy rằng: “Bồtát của chúng ta đều thấy bốn điềm tướng này trong một ngày”.
Vấn đề có khoảng cách thời gian giữa bốn điềm tướng, chúng ta tìm thấy trong kinh Trường bộ III, Kinh Đại Bổn (Mahāpadānasuttaṃ), nhưng chỉ nêu lên Bồtát Vipassī thấy bốn điềm tướng có khoảng cách thời gian, mà không xác định rõ thời gian khoảng cách.
Tương tự như thế với các Bồtát Chánh Giác kiếp chót, trước khi xuất gia các Ngài đều thấy bốn hiện tượng: Già, bịnh, chết và bậc xuất gia.
Khoảng cách thời gian của bốn hiện tượng này, dài ngắn khác nhau tùy theo tuổi thọ chúng sinh trong thời ấy.
Lại nữa, khi Bồtát thấy sự già Ngài đã trừ diệt “kiêu mạn về tuổi trẻ trong tâm”, thấy sự bịnh Ngài đã trừ diệt “kiêu mạn về sức khỏe trong tâm”, thấy sự chết, Ngài đã trừ diệt “kiêu mạn về sự sống trong tâm”.
“Tayome, bhikkhave, madā. Katame tayo? Yobbanamado, ārogyamado, jīvitamado.
“Này các Tỳkhưu, có ba kiêu hãnh (mada). Thế nào là ba? Kiêu hãnh (về) tuổi trẻ, kiêu hãnh(về) không bịnh, kiêu hãnh (về) sự sống” [73] .
Trong bài kinh “Được nuôi dưỡng tế nhị (sukhumālasuttaṃ) [74] , Đức Phật mô tả, khi Ngài còn là Bồtát, Ngài sống trong ba tòa lâu đài của ba mùa: Một cho mùa lạnh, một cho mùa nóng và một cho mùa mưa. Ngài được nuôi dưỡng tế nhị trong ba tòa lâu đài ấy và Ngài suy nghĩ như sau:
“Ta cũng bị già, không thể vượt thoát sự già, vì sao ta lại bực phiền (aṭṭiyati), bất mãn (harāyati), ghê tởm (jiggucchati) khi thấy người già?”
Và sự kiêu hãnh về tuổi trẻ của Bồtát được trừ diệt hoàn toàn.
Tương tự như thế đối với sự bịnh và sự chết.
Vì sao Ngài có được những ý nghĩ ấy? Vì Ngài đã thấy ba hiện tượng “già, bịnh, chết”.
b’- Động tâm do nghe.
Là nhờ nghe pháp, hiểu được bản chất mong manh của cuộc sống, nên sinh khởi ý tưởng xuất gia. Như thiện nam tử Ratthapāla, thiện nam tử Sudinna [75] …
Thiện nam tử Ratthapāla khi nghe pháp từ Đức Thế Tôn, đã suy nghĩ:
“Yathā yathā khvāhaṃ Bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi, nayidaṃ sukaraṃ agāraṃ ajjhāvasatā akantaparipuṇṇaṃ ekantaparisuddhaṃ saṃkhalikhitaṃ brahmacariyaṃ carituṃ.
“Như ta hiểu Pháp được Đức Thế Tôn giảng, thì sống ở gia đình không dễ gì thực hành phạm hạnh hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc trắng bóng.
Yannūnāhaṃ kesamassuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajjeyan’ ti.
Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đấp áo càsa, xuất gia bỏ nhà sống không nhà” [76] .
Sau khi xuất gia, Ngài Ratthapāla thành tựu quả vị Alahán, Ngài được Đức Thế Tôn ban cho địa vị tối thắng về hạnh “xuất gia do niềm tin”[77].
Trong các nguyên nhân xuất gia, xuất gia do động tâm là nguyên nhân tốt đẹp nhất, nó giúp ích bậc xuất gia rất nhiều trong đời sống tu tập.
3- Thời điểm xuất gia.
Nói gọn, thời điểm được xuất gia kể từ 7 tuổi trở đi, như trong sớ giải kinh Pháp cú, các Ngài sadi Paṇḍita[78] , sadi Sukha xuất gia lúc 7 tuổi và trở thành bậc Thánh Alahán sau 8 ngày xuất gia. Hoặc như ngài Rahula con trai bà Yasodharā (Daduđàla) xuất gia lúc 7 tuổi.
Nếu phân tích thêm sẽ thấy: “Có ba thời điểm xuất gia: Xuất gia khi còn ấu niên, xuất gia khi trưởng thành và xuất gia khi tuổi xế chiều.
Xét theo khía cạnh “xuất ly”, xuất gia lúc tuổi trẻ hay xuất gia lúc tuổi già, mỗi thời điểm đều có điểm mạnh và điểm khó khăn riêng.
Đối với tuổi trẻ thì các dục lạc là một chướng ngại. Như Đức Thế Tôn có dạy:
“Yebhuyyena, bhikkhave, sattā kāmesu laḷitā…
– Này các tỳ khưu, phần nhiều các hữu tình vui thích trong dục…
“Labbhā, bhikkhave, yobbanena kāmā te ca kho yādisā vā tādisā vā.
– Này các Tỳkhưu, tuổi trẻ thường tìm kiếm dục này hay dục khác.
“Ye ca, bhikkhave, hīnā kāmā ye ca majjhimā kāmā ye ca paṇitā kāmā
Và này các Tỳ khưu, các dục thấp kém, các dục trung bình hay các dục cao cấp, khi đi đến các dục ấy, gọi là tìm kiếm dục. [79]
Trong bài kinh này, Đức Thế Tôn dạy “khi vị Tỳ khưu trẻ chưa đạt được đức tin nơi thiện pháp, chưa có hổ thẹn tội lỗi trong pháp thiện (kusalesu dhammesu), chưa có ghê sợ tội lỗi trong trong pháp thiện, chưa tinh tấn trong pháp thiện, chưa có đủ trí trong pháp thiện, cần phải gìn giữ vị Tỳkhưu trẻ ấy.
Khi vị Tỳ khưu có được 5 pháp trên thì không cần phải gìn giữ nữa, vì:
“Attagutto dāni bhikkhu nālaṃ pamādāya’ti:
“Vị Tỳkhưu yếu đuối (nāḷa), đã biết tự giữ mình, không còn sơ suất (pamādāya) nữa”. (sđd).
Chướng ngại của người già.
Vị xuất gia trong lúc tuổi già có 5 chướng ngại sau đây:
– Nipuṇo : Không nhu thuận.
Vì những cố tật và có tính tự hào “là bậc lão thành”, nhiều kinh nghiệm sống, nên không thích người khác chỉ bảo.
– Akappasampanno: Khó được hạnh kiểm thanh cao.
– Nabahusutto: Khó thành bậc đa văn.
Vì trí nhớ sút giảm, nên khó thông suốt Kinh luật.
-Na dhammikathiko: Khó thành vị pháp sư có tài.
– Na vinayadharo: Khó nghiêm trì giới luật.
Vì thường hành động theo thói quen, nên ít chịu thu thúc trong giới luật. [80]
Lại nữa, vì tuổi cao nên sức khỏe cũng hạn chế, khi hành đạo không được thuận lợi.
Vì những nhược điểm này nên Bàlamôn Rādha muốn xuất gia trong Pháp luật này, chư Tỳ Khưu không chịu tế độ.
Đức Phật thấy được duyên lành của Ngài Rādha nên bảo Đức Sāriputta tế độ Bàlamôn Rādha.
Sau khi xuất gia, Ngài Rādha tuân thủ theo mọi lời dạy của Đức Sāriputta (Xálợiphất) chẳng bao lâu Ngài chứng quả Alahán, và được Đức Thế Tôn ban cho địa vị “tối thắng về hạnh dễ dạy” [81] .
Tuy có những nhược điểm so với xuất gia khi còn tuổi trẻ, nhưng với sự nỗ lực kiên trì, người tu sĩ già vẫn thành đạt được mục đích, dĩ nhiên sự cố gắng phải vượt trội hơn tuổi trẻ (ngoại trừ những trường hợp duyên lành đầy đủ, như Ngài Bakkula xuất gia lúc 80 tuổi, chỉ sau 8 ngày chứng quả Alahán), như Bà Pajāpati Gotamī (di mẫu của Bồtát Siddhattha) cũng thành đạt quả vị Alahán.