Mục lục |
|
Lời nói đầu | |
Phần 1
Một Tâm Hồn |
Phần 2
Yêu là khổ |
Phần 3
Tể tướng Bandhula và Nhà vua |
Phần 4
Ngôi chùa Kỳ-viên |
Phần 5
Biểu tượng Pháp bảo |
Phần 6
Trước giờ kết tập |
Lời nói đầu
Ăn cơm có canh tu hành có bạn. Trong hầu hết hoàn cảnh sống, sự kết giao thân cận để có đối tượng tôn thờ, nương tựa là điều tối cần. Thiếu đối tượng, chúng ta sẽ lạc lõng, bơ vơ, cuộc sống trở thành mất hương vị, vô bổ. Bản chất đời sống là tình cảm. Lộ trình thành đạt nguyện ước đời sống là lý trí. Tình cảm thiếu lý trí là tình cảm ích kỷ, yếu hèn. Lý trí thiếu tình cảm là lý trí lập dị, cực đoan. Sự dung hòa được hai yếu tố cơ bản này là một đóng góp lớn trong công trình thực hiện một thế giới “Nhân gian cực lạc”.
Nếu cuộc đời có cả mật ngọt và mật đắng, có nghĩa địa và có vườn hoa thì tại sao ta không áo mật ngọt ngoài viên thuốc đắng; và tại sao ta không thiết lập vườn hoa tại nghĩa địa để làm dịu quang cảnh chết chóc thê lương, hoặc tại sao ta không trồng hoa dọc theo con đường đưa đến nghĩa trang để mọi người thưởng ngoạn. Cái ý nghĩa đích thực của cuộc sống là ở chổ đó.
Nếu biển cả có những hải triều gào thét liên hồi, xô đẩy mảnh liệt, thì cũng có những cánh buồm căng gió nhảy sóng nhịp nhàng, nhấp nhô ẩn hiện khiến nhà thơ tức cảnh sanh tình.
Cái vui của đời tại mình ích kỷ muốn ôm giữ làm của riêng nên nguồn vui không được rộng tỏa, cái vui bị giới hạn, không được cùng nhau san sẻ. Còn cái khổ thì cố tình xô đuổi một mình, xô đuổi không được thì bực lòng khổ sở vì thiếu người thông cảm sớt chia. Chúng ta quên rằng cái vui thì bao la như bầu trời, cái khổ thì mênh mông như biển cả. Hãy để bầu trời cho không gian, hãy để biển cả cho nguyên vị. Ðừng ngây thơ phí sức trong hành động lấp bể vá trời.
Ði ngược sự thật là chuốc lấy đau khổ. Thái độ khôn ngoan để khỏi bị đau khổ là dám chấp nhận sự thật, hoặc không chối bỏ sự thật. Mà sự thật đấy là có cả mật ngọt và mật đắng trong cuộc đời.
Ðể có đối tượng tôn thờ, nương tựa, chúng ta hãy quay về chánh pháp, quay về cuộc sống nội tâm. Bản tánh nguyên thủy vốn trong sáng nhưng vì chúng ta vô tình chối bỏ không bám víu để làm đối tượng nên chúng ta bị đẩy ra khỏi ánh sáng. Do đó, đời sống mịt mờ, tương lai tắt nghẻn.
Như đã nói: tình cảm và lý trí là hai yếu tố vô cùng quan thiết. Phối hợp nhịp nhàng được cả hai là chúng ta đã có đối tượng sống.
Tình cảm và lý trí từ con người mà có. Vậy đối tượng cuộc sống là con người. Ðức Phật là chứng nhân đã dung hợp và thực nghiệm có kết quả.
Sự dung hợp của Ðức Phật không có tính cách cố định. Không nhất đáng lý trí phải thắng tình cảm hay ngược lại. Mà tất cả tùy thuộc nhân duyên. Nếu nhân duyên thích hợp với tình cảm thì Ngài dùng tình cảm trước, còn nhân duyên ứng dụng với lý trí thì Ngài áp dụng lý trí. Cái trước và cái sau của Ðức Phật được thể hiện một cách diệu dụng.
Vì vậy, trên phương diện nhập thế dẫn đạo, Ðức Phật và hàng môn đệ cũng linh động khế lý tùy cơ. Trường hợp Ðức Phật nhất quyết không chấp nhận dùng cháo của Ðại đức Ananda, không nhận thực phẩm của thầy Subhadda v.v… chứng tỏ thái độ cứng rắn, dùng lý trí trước tình cảm. Trường hợp Ngài đích thân qua Tây cung để an ủi Da-du-đà-la hoặc cho phép thiếu nữ Kokilà vào hầu v.v… chứng tỏ thái độ mềm dẽo, dùng tình cảm trước lý trí.
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Hàng môn đệ của Ngài cũng đã thành công nhờ nguyên tắc căn bản: “Tùy duyên bất biến” này. Ðiển hình là Ðại đức Ananđa mà nội dung quyển sách nhỏ này đề cập đến một phần lớn. Chẳng hạn như lúc còn là công tử, Ðại đức cũng đã cứng rắn và quyết liệt trong vấn đề cử phái đoàn đi thỉnh Phật, và quyết định một lòng xuất gia theo Phật. Sau khi xuất gia, Ðại đức đã noi gương Ðức Phật trong công cuộc độ đời. Có lúc Ðại đức tỏ ra cứng rắn dứt khoát như trường hợp quyết hy sinh mạng sống thay cho Ðức Phật. Sự quyết tâm bất chuyển của Ðại đức đã được minh định như sau khi Ðức Phật 3 lần bảo lùi lại sau mà Ðại đức vẫn bất động trong tư thế quyết tử. Ðây là sự dung hợp tình cảm lý trí một cách nhịp nhàng trong sự rung cảm chân thành của con tim và sự khẳng định thuần lý của khối óc.
Có khi Ðại đức phải khổ cực trong vấn đề tiếp độ mà lộ trình được dẫn đầu bằng tình cảm. Chẳng hạn như thái độ thực sự mềm dẽo của Ðại đức trong câu chuyện tiếp độ thiếu nữ Kokilà, thái độ tích cực năn nỉ Ðức Phật cho phép nữ giới được xuất gia, thái độ chịu khó ngồi nghe hoàng tử Tứ Binh kể chuyện tình ái v.v… Tất cả biểu lộ khả năng tiếp nhận để khơi nguồn cho giòng suối giác ngộ. Và cũng chính đó là những nét độc đáo, thực tế, thực nghiệm, và thực chứng của Ðạo Phật.
Thân thế, sự nghiệp và công trình đóng góp lớn lao cho Ðạo pháp của Ðại đức đã được ghi đậm trong trang sử đạo, sáng ngời qua thời gian và không gian.
Chúng tôi nhận thấy tác phẩm hữu ích có tánh cách thời đại nên cố gắng soạn dịch. Về nội dung và chương mục thì chúng tôi có mạn phép bỏ bớt để phù hợp với tâm tình của người Việt Nam.
Chúng tôi cảm thấy ngần ngại, băng khoăn trong việc thời đại hóa những sự kiện liên hệ đến một nhân vật lịch sử, một vị Thánh Tăng như Ðại đức Ananda.
Tuy nhiên, chúng tôi tự biện hộ rằng dù sao quyển sách nhỏ này cũng góp phần khiêm tốn trong việc đầu tư kiến thức đạo đức vào đời sống anh, chị, em thanh niên, thiếu nữ có dịp thưởng ngoạn sắc hương của vườn hoa đạo.
Tất cả sự kiện được mô tả ở đây là những tấm gương sáng phản ảnh trung thực tình người, tình thầy trò, tình đạo bạn. Do đó, chúng tôi đặt tên quyển sách: “Tình Ðời, Ý Ðạo”.
Thích Hộ Giác
-oOo-
—————————–
Bài viết được trích từ cuốn Tình Đời, Ý Đạo, tác giả Tỳ Khưu Hộ Giác
Link cuốn Tình Đời, Ý Đạo
Link tải sách ebook Tình Đời, Ý Đạo
Link video cuốn Tình Đời, Ý Đạo
Link audio cuốn Tình Đời, Ý Đạo
Link thư mục tác giả Tỳ Khưu Hộ Giác
Link thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Hộ Giác
Link giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Hộ Giác
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda