9. MAY MẮN VÀ THỜI VẬN

VẤN: Đức Phật dạy thế nào về bùa phép và bói quẻ?

ĐÁP: Đức Phật xem những công việc như bốc số bói quẻ, đeo bùa phép hộ mạng, xem địa lý, xem ngày tốt, v.v. là vô ích, và Ngài khuyên đệ tử không nên thực hành. Ngài gọi đó là “nghệ thuật thấp kém”, và dạy rằng:

Có vài đạo sĩ, trong khi sống nhờ vật thực mà tín đồ dâng cúng, lại tìm cách sinh sống bằng những nghệ thuật thấp kém, những nghề sinh sống như xem chỉ tay, xem tướng số, bàn mộng, cúng vái cầu thần tài, xem địa lý để xây cất nhà cửa v.v., Tôn giả Cồ-đàm (Gotama) tránh xa những nghệ thuật thấp kém, những nghề nuôi mạng tương tự” (Trường bộ, I. 9-12).

VẤN: Vậy tại sao đôi khi người ta làm những chuyện tương tự và đặt tin tưởng vào đó?

ĐÁP: Vì lòng tham, vì tính hay lo sợ, và vì vô minh. Ngày nào mà người ta thấu hiểu những lời dạy của Đức Phật, họ sẽ nhận thức rằng một tâm trong sạch có thể bảo vệ mình vững chắc hơn nhiều so với những mảnh giấy, những thẻ kim khí và một vài câu kinh đọc tụng. Lúc đó, họ sẽ không còn ỷ lại nơi những điều tương tự. Trong giáo huấn của Đức Phật, lòng chân thật, tính cương trực và những đức hạnh tốt đẹp khác thật sự bảo vệ và đem lại cho ta trạng thái phong phú, thịnh vượng thật sự.

VẤN: Nhưng nhiều bùa phép quả thật linh thiêng, bạch Sư, có phải thế không?

ĐÁP: Tôi có biết một người sinh sống bằng nghề bán bùa phép. Người ấy khoe rằng bùa của ông ta có thể đem lại may mắn, thịnh vượng, và đảm bảo rằng ông ta sẽ chọn đúng ba số trúng cho các kỳ xổ số. Nhưng nếu đúng như lời ông ấy khoe, tại sao chính ông ấy không trở thành triệu phú? Nếu bùa phép quả thật linh thiêng, tại sao ông ấy không trúng số hết tuần này qua tuần khác? Điều may mắn duy nhất của ông ấy là được có nhiều người khá điên rồ đến mua bùa của ông ta.

VẤN: Vậy có những chuyện như may mắn không?

ĐÁP: Từ điển giải thích “vận mạng” (fortune) hay “may rủi” là “tin rằng bất cứ gì, dù tốt hay xấu, xảy ra đến một người, đều là ngẫu nhiên, do thời vận hay số mạng”. Đức Phật phủ nhận hoàn toàn lối tin tưởng như vậy. Tất cả những gì xảy ra đều do một hay nhiều nguyên nhân, và phải có vài liên hệ nào đó giữa nguyên nhân và hậu quả.

Thí dụ như lâm bệnh, là do những nguyên nhân chính xác. Ta phải có tiếp xúc với vi trùng và cơ thể ta đủ yếu để cho vi trùng có thể bám vào và nảy nở. Có mối liên hệ nhất định giữa nhân (vi trùng và cơ thể yếu) và quả (chứng bệnh), vì ta biết rằng vi trùng tấn công những bộ phận của cơ thể và làm cho ta bệnh. Nhưng chúng ta không thấy có liên hệ nào giữa sự việc đeo một lá bùa với việc trở nên giàu có hay thi đậu.

Phật giáo dạy rằng bất luận chuyện gì xảy đến cho ta đều do một hay nhiều nguyên nhân, chứ không do ngẫu nhiên, thời vận rủi may hay số mạng. Người chú trọng đến thời vận thường muốn được một điều gì ­ tiền bạc hoặc của cải. Đức Phật dạy rằng điều quan trọng hơn, mà ta cần phải quan tâm, là trau giồi và phát triển tâm trí:

Học sâu hiểu rộng,
nghề nghiệp tin xảo,
Được rèn luyện đúng mức
và nói đúng chánh ngữ:
Đó là vận mạng tốt nhất.

Phụng dưỡng cha mẹ,
thương yêu nuôi nấng vợ con
Và sống theo chánh nghiệp:
Đó là vận mạng tốt nhất.

Quảng đại bố thí,
công minh chánh trực,
Giúp đỡ họ hàng quyến thuộc
và sống đúng chánh mạng:
Đó là vận mạng tốt nhất.

Tránh xa hành động bất thiện, say sưa,
Và nghiêm trì giới luật:
Đó là vận mạng tốt nhất.

Kỉnh mộ, khiêm tốn, tri túc, tri ân
Và thành kính lắng nghe
Giáo Pháp cao thượng:
Đó là vận mạng tốt nhất.”

(Kinh Đại hạnh phúc, Tiểu bộ)

*

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app