6.Khái Niệm Giải Thoát
Chương 23
Giải Thoát Ngay Trong Giờ Phút Hiện Tại
Khi nghe hay đọc được hai chữ ‘giải thoát’ (Niết bàn), ta thường nghĩ rằng đó là điều không thể đạt đưọc. Điều đó thuộc về một thế giới nào khác, chỉ có những bậc thánh mới có thể chứng đưọc, còn phàm phu như chúng ta thì khó thể đạt được. Tuy nhiên ta không cần phải nghĩ về Giải thoát như thế. Hãy thử xét về ba thứ giải thoát: vô tướng, vô tham và không. Sự giải thoát về hình tướng có thể đạt được bằng cách quán về vô thường (anica), giải thoát vô tham bằng cách quán về khổ (dukkha) và giải thoát về cái Không bằng cách quán vô ngã (anatta).
Tất cả chúng ta đều quen thuộc với khái niệm vô thường, nhưng giải thoát vô tướng là gì? Giả thử như chúng ta cảm thấy quyến luyến, trân trọng một người, một nơi chốn hay một sở hữu nào đó. Chúng ta có thể dứt bỏ sự bám víu đó không? Câu trả lời là chúng ta có thể dưt bỏ tất cả mọi bám víu, dầu vi tế tới đâu. Bằng cách nhấn mạnh vào yếu tố là mọi thứ đều qua đi trong thoáng chốc. Chúng ta quán sự thật đó trên tất cả mọi sinh vật, nhìn ra được tính vô thưòng của vạn vật, thì chúng ta mới có thể dứt bỏ được lòng tin vào sự thường hằng của mọi vật. Từ đó có thể dứt bỏ được lòng bám viú. Nếu chúng ta có thể quán chiếu như thế với bất cứ điều gì, bất cứ ai, dầu chỉ trong chốc lát, là ta đã đạt được giây phút giải thoát vô tướng -giây phút của trực giác biết rằng không có vật gì trên thế gian có giá trị vĩnh cửu, tất cả chỉ là những giây phút thoáng qua.
Biết được như thế, dù chỉ trong giây phút ngắn ngủi, cũng đủ để ta nghiệm đưọc cái mà Đức Phật gọi là tự do giải thoát. Tự do thường được hiểu lầm là khả năng làm bất cứ điều gì ta muốn làm. Có lẽ chúng ta cũng từng thử qua, và biết rằng đó không phải là sự thật. Ngay nếu như ta được tự do để theo đuổi tất cả những ham muốn của mình, chẳng bao lâu ta cũng sinh chán, và cảm thấy muộn phiền. Tự do ở đây không có nghĩa là không bám víu, thơ ờ mà là ta đã tìm đưọc đến sự thật tuyệt đối. Để có thể hiểu rõ hơn, hãy thử trong một phút, từ bỏ tất cả những gì ta coi là sở hữu của mình, những gì ta coi là của báu, quan trọng nhất trong đời. Ta quán chiếu về chúng cho đến khi tính chất hoại diệt của chúng trở nên thật rõ ràng. Giây phút giác ngộ sẽ đến khi ta có thể nói: ‘Tôi không cần phải sở hữu vật đó, tôi có thể sống không cần nó”. Đó là giây phút của sự thật. Ta có thể đạt đưọc những giây phút đó, nhưng chúng không đến một cách tự nhiên. Chúng ta phải thực tập quán chiếu về sự bám víu của mình và cố rèn luyện để cởi bỏ chúng ra. Buông xả, nghe thì dễ làm, và có thể cũng dễ thật, sau khi nó đã xảy ra. Nhưng trước đó, nó đòì hỏi chúng ta phải tự soi rọi lại mình.
Giây phút giải thoát về sắc tướng cũng có thể đạt đưọc bằng một hình thức khác. Giả dụ, có thể ta có cảm giác khó chịu nơi thân, khiến ta muốn nó biến mất đi. Khi ta thực sự quán về tính vô thường của cảm thọ nầy -khi ta nhìn thấy được nó chẳng có một thực thể hay thật sự nghiêm trọng, ta có thể buông xả, không phản kháng, dầu chỉ trong giây phút, và nói: “Không sao. Chỉ là một cảm giác thôi”- lúc đó, ta đã biết thế nào là giải thoát khỏi sắc tướng. Khi chúng ta thấy rằng không có gì trường tồn, tất cả đều chỉ thoáng qua, trôi đi, chuyển đổi từng giây phút, chúng ta sẽ không còn thấy bị trói buộc. Chúng ta có thế áp dụng cách thực hành nầy đối với suy nghĩ, cảm thọ hay những cảm giác nơi thân.
Bước đầu, ta có thể tập nhận thức về sự bám víu của ta với thân. Thí dụ ta thường quan tâm xem bề ngoài ta có dễ nhìn không, có ăn mặc đàng hoàng, có khỏe khoắn, ăn ngon, có thoãi mái đủ không. Nhưng khi ta quán đến bản chất thường hoại diệt của thân, sự bám víu của ta có thể bớt dần đi. Thay vào đó là cảm giác của xả. Ta sẽ không còn quan tâm, lo lắng nếu ta còn hay mất thân nầy. Đó mới thực sự là giây phút của tự do, giải thoát, nhưng giây phút đó tự nó không thể xảy đến cho ta. Ta phải luôn tự nhủ mình, từng giây từng phút rằng sự sống không phải vĩnh hằng mà chỉ có khi nào nghiệp lực ta còn (kamma-vipaka), và nghiệp lực có thể bỏ ta đi bất cứ lúc nào. Đó là lý do tại sao Đức Phật khuyên ta hằng ngày phải tự quán rằng: “Bản chất của thân là tự hoại diệt”. Chúng ta luôn sống trong trạng thái hoại diệt, ngay giây phút nầy, chứ không phải đợi đến hai mươi năm sau hay khi nào ta đã chuẩn bị sẳn sàng.
Mọi người đều biết mình phải chết -không có gì lạ hết. Đức Phật chẳng bao giờ dạy chúng ta điều gì không tưởng. Chỉ có điều là Ngài đã khuyên chúng ta hãy quán sát những việc đó bằng con mắt khác. Phải quán sát thật sâu lắng về sự thật là thân nầy không thể tồn tại mãi, dù chúng ta có cố gắng gìn giữ nó đến đâu, những cố gắng nầy cũng vô ích, hòai công. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là ta không nên chăm sóc, bảo vệ thân. Ta vẫn cần phải tắm rửa, giữ gìn nó sạch sẻ, nuôi dưỡng nó, thuốc thang nó, nhưng chúng ta cũng chỉ có thể làm được đến thế. Vì thân hoại cũng là chuyện bình thường.
Giây phút của tri kiến thực sự là giải thoát. Cảm giác được buông xả, giải thoát có tác dụng thật tuyệt vời. Nó giúp ta tu tập rốt ráo hơn vì hiểu rằng thời gian thôi thúc sau ta -khiến ta không buông lung, do dự vì ngoại cảnh hay vì những lời bàn ra tán vào của người chung quanh. Đạt đưọc giải thoát không phải là một việc ngoài tầm tay của những kẻ phàm phu như chúng ta. Nếu không, thì giáo lý của Đức Phật sẽ chẳng giúp đỡ đưọc ai.
Để biết thế nào là giải thoát vô tham cầu, ta có thể quán trên các phiền não, khổ đau phát khởi trong tâm trí ta mỗi khi ta mong cầu điều gì đó. Nhưng khi ta dứt bỏ đưọc lòng tham cầu, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhỏm. Tuy nhiên đau khổ không chỉ xảy ra khi ta không đạt thành ước nguyện, nhiều khi là ngược lại. Người xưa đã nói khi ta thật sự mong muốn điều gì đó, ta sẽ đạt được. Nhưng vấn đề là chúng sanh phần đông không biết họ muốn gì, không biết điều gì thật sự mang lại hạnh phúc cho họ. Thật ra khổ đau đã ươm mầm trong ái dục, khiến ta phải lo âu, sợ hãi.
Lòng tham cầu cũng tạo nên một quá trình tư duy không nằm trong giây phút hiện tại, mà ở tương lai, với niềm hy vọng lòng mong cầu có thể đưọc thoả mãn. Dĩ nhiên là tương lai ít khi trở thành điều ta mong muốn, nhưng vì phiền não là ở ngay lòng tham cầu, chưa cần biết đến kết quả ra sao, nên chỉ cần dứt bỏ đưọc lòng tham cầu là đã đưọc coi như giải thoát.
Khi chúng ta quyết chí buông bỏ lòng ham muốn vật chất, cảm giác thoải mái, nhẹ nhỏm sẽ làm gia tăng sức mạnh nội tâm. Tâm ta sẽ trở nên thuần thục hơn, biết quay lưng lại với những thói quen buông lung cũ, do đó tạo ra trong ta một cảm giác hoàn toàn tự tin nơi chính bản thân. Chúng ta càng buông bỏ đưọc nhiều tham cầu, tâm ta càng thêm mạnh mẽ. ‘Sức mạnh’ ở đây hoàn toàn không hàm chứa ý nghĩa có sức mạnh hơn người khác, ở đây chỉ là sự mạnh mẽ hơn đối với bản thân. Điều đó khiến ta hiểu vì sao từ con người của Đức Phật phát ra bao sức mạnh, nhưng mọi người vẫn thấy muốn đến gần với Người. Điều đó có thể ví như một nhà máy phát điện, từ đó phát ra năng lượng cho mọi người. Chúng ta cần thực tập những giây phút giải thoát khỏi tham cầu, ái dục. Có thể là ăn uống, giải trí, mua sắm, du lịch, tri thức hay phiếm luận. Bất cứ là gì, ta cố gắng buông bỏ chúng, nhận thức đưọc rằng ta thực sự không cần đến chúng. Hành động buông xả các tham cầu đòi hỏi chúng ta rất nhiều ý chí, quyết tâm. Nhưng khi thực hiện được, tâm ta sẽ cảm thấy thật an lạc.
Muốn có được sự giải thoát về tánh không, ta cần dứt khoát dọn sạch mọi chất chứa trong lòng, biết rằng chúng chẳng có giá trị tuyệt đối nào. Tâm càng bớt chất chứa, càng được thêm sảng khoái. Thường trong đầu ta chứa đầy ấp bao nhiêu thứ, khiến cuộc sống của ta thêm nặng nề, phiền não. Tâm Không không có mặt của các hành (suy nghĩ và toan tính). Trong một phút giây nào đó, hãy thử buông bỏ mọi tâm hành, ta sẽ cảm giác nhẹ nhỏm làm sao, và đó là cảm giác của sự giải thoát về tánh không. Rồi hãy để các suy nghĩ toan tính trở lại trong đầu, ta sẽ thấy rõ ràng được sự khác biệt là thế nào. Lập tức buồn bực nổi lên, mà thông thưòng ta sẽ không ý thức đưọc vì đã quá quen thuộc với tâm chất chứa đủ các tâm hành. Ta chỉ biết được sự khác biệt nầy nếu như ta có thể nhận thấy được sự nặng nề, vướng bận, chộn rộn của các suy tưởng, sánh với những giây phút vắng bặt vọng tâm. Đó có thể là lần đầu tiên ta mới cảm nhận được bao nặng nề ta vẫn cưu mang.
Tất cả mọi chướng ngại dù vi tế đến đâu cũng đều do vọng tưởng phát khởi. Chúng ta tự đồng hoá với quá trình tư duy liên tục của mình, rồi từ đó phát sinh ra hành động. Tuy nhiên không phải tất cả mọi suy tưởng của ta đều dẫn đến hành động. Nếu ta ngắm vẻ đẹp của buổi hoàng hôn hay lắng nghe âm nhạc dịu êm, ta không cần phải hành động hay phản ứng, mà chỉ cần tiếp nhận chúng. Không cần phải có phản ứng hay hành động gì với các tư duy của ta, nếu không, điều đó lại tạo ra những vấn đề mới nữa. Dầu trong tình huống nào, nếu ta đồng hoá với quá trình tư duy của mình, ta dễ tạo ra xung đột, nội kết. Vì một khi ta bắt đầu có ý kiến, lập trường, kỳ vọng, lập tức sẽ có ý kiến phản bác ta, tranh cãi sẽ khởi lên rồi nước mắt sẽ rơi vì những chuyện không đâu.
Tất cả mọi thiền sinh đều biết rằng các vọng tưởng khởi lên trong tâm chẳng có giá trị gì. Khi ta cần chú tâm quán niệm, các vọng tưởng chỉ làm chướng ngại ta. Nhưng ngay cả khi ta không đang hành thiền, chúng cũng gây chướng ngại. Không có gì khác biệt. Tâm là tâm. Ta có thể chứng nghiệm cảm giác giải thoát của tánh không bằng một phương pháp khác nữa. Khi quán về các liên hệ giữa khổ, vô thường, vô ngã, ta sẽ nhận ra được tướng không của tất cả mọi hiện hữu. Thí dụ khi ta thấy mây bay trên bầu trời hay gió thổi trên các cành cây, cũng như khi ta cảm thấy nhịp đập của tim, hơi thở ra vào. Tất cả vũ trụ cũng biến đổi không ngừng. Trong qũy đạo của muôn biến chuyển đó, ta sẽ không thể tìm thấy gì để bám víu, nắm giữ. Không có gì cố định ở bất cứ nơi nào. Nhận thức được như thế sẽ giải thoát ta khỏi ham muốn, bám víu, khỏi luân hồi, nghiệp quả khổ đau. Chúng ta bám víu vì sợ mất mát, ái dục vì sợ không có hay không hiện hữu. Sự lo âu, sợ hãi là bản tính thường hằng của kiếp con người tầm thường. Chỉ khi ở trong những điều kiện cao hơn, con người mới không có sợ hãi, vì không còn có gì để đưọc hay mất nữa.
Chúng ta tham đắm, bám víu vào những gì ta coi là quan trọng, quý báu. Giải thoát khỏi ái dục, bám víu, không có nghĩa là ta trở nên vô tình đối với tha nhân. Nhờ trí tuệ giải thoát giác ngộ, Đức Phật đầy lòng từ bi đối với chúng sanh. Ngài nhìn thấy tất cả chúng sanh đều khổ đau vì lòng tham đắm, bám víu. Trong khi Đức Phật đã diệt tận được mọi ái dục, lòng từ bi của Ngài không hế bị chi phối bởi những ích lợi của bản thân, vì thế ngài có thể ban tặng tất cả cho mọi người. Chúng ta có thể bắt đầu tiến bước đến sự hoàn thiện nầy, để có được những giây phút an nhiên tự tại. Điều đó có thể thực hiện đưọc.
Sự giải thoát không thể được ban phát đến cho ta bởi một đấng tối thượng nào như thể một huy chương vàng của sự gia hộ. Trái lại muốn đưọc có giải thoát, đòi hỏi chúng ta phải chánh niệm từng phút giây, phải thanh tịnh hóa mọi nhiễm ô đến tận cùng. Khi đạt được những giây phút không có ái dục, tham cầu, ta phải trân trọng, chăm chút từng giây phút đó, để chúng trở thành thân thuộc, để ta có thể lập lại những giây phút đó thường hơn. Mỗi khi ta không hoàn toàn làm chủ tâm mình, các điều ác lại có cơ hội làm chủ nó. Có lẽ vì thế ta thấy rất ít người được hạnh phúc trên cõi đời nầy. Vì hạnh phúc không phải là điều tự nhiên mà có, nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực vun trồng.
Nếu hạnh phúc là một điều kiện của nội tâm, thì sự bình an tự tại cũng không phải là điều dễ tìm ở bên ngoài. Nếu được thế, có lẽ tất cả mọi chúng sanh đều được tự tại. Ta chỉ có thể được tự tại nếu biết buông xả. Vấn đề của chúng ta là phải quán sát xem ta chấp vào cái gì, để có thể tu sửa về điều đó, dù đó là gì. Đối với đa số chúng ta, đó chính là thân. Tất cả chúng ta đều phải rời bỏ nó một ngày nào đó. Có lẽ tốt hơn ta nên tập chuẩn bị cho ngày đó, ngay giây phút nầy phải biết buông xả để được nhẹ nhàng, thanh thản, thay vì chờ đợi đến giây phút cưối cùng. Chúng ta tự chuẩn bị bằng cách thực tập để được có những giây phút giải thoát. Để có được giây phút giải thoát vô tướng, ta phải chứng nghiệm những giây phút của vô thường, không được trốn tránh điều đó. Để được có giây phút giải thoát vô tham cầu, ta có thể tự giác rằng mọi ham muốn đều đưa đến khổ đau, phiền não, để có thể diệt bỏ từng ham muốn. Nếu chúng ta có thể mỗi ngày diệt bỏ một ham muốn trong một năm, ta sẽ thay đổi biết chừng nào. Khi đã bỏ được một ham muốn, ta cũng có thể làm thế với mọi ham muốn khác. Năng thực hành sẽ khiến ta thêm hoàn hảo. Vạn sự khởi đầu nan.
Để được có giây phút giải thoát của vô thường, ta có thể quán chiếu rằng mọi tâm hành đều là sự bùng nổ của những bản năng vô thức. Đôi khi các bản năng nầy đi theo nhau, kết hợp với nhau một cách vô nghĩa. Nếu ta tin nơi chúng, coi chúng là mình, rồi đem chúng vào trong làm tiêu chuẩn để đối xử với người chung quanh, ta sẽ phải than van: “Tại sao họ lại có thể nghĩ như thế chứ?” Tốt nhất là chúng ta dừng mọi phán đoán lại, chỉ cần biết có những gì ngay trước mắt để được giải thoát tự tại.
Nếu ta nhìn được tính vô thường và tính khổ đau trong vạn pháp, thì ta dễ dàng tìm được sự giải thoát của tính không. Nếu không có gì bền vững, không có gì đem lại chân hạnh phúc, thì tất cả chỉ còn là những hình ảnh thoáng qua phát khởi do dục vọng. Thì dụ, ta có được thiền đường nầy vì có người muốn có nơi ngồi thiền. Người kia có mặt vì muốn có một đứa con. Nghiệp tái sinh khiến đứa bé muốn được sống. Tất cả mọi hiện hữu đều phát khởi do lòng ham muốn, mà còn ham muốn là còn khổ đau.
Lúc đầu khi quán vể khổ đau, có thể khiến ta có phản ứng: “Có ích lợi gì khi ta làm như thế? Tôi có mặt ở đây để làm gi?” Lý do của sự có mặt của chúng ta là để quán chiếu về sự thật của vô thường, khổ và vô ngã, để thoát khỏi luân hồi sanh tử. Chúng ta có thực sự muốn bắt đầu lại cuộc sống, với hy vọng có thể làm tốt hơn? Hay chỉ tiếp tục sai lầm cho đến khi chúng ta học được bài học. Khi ta có thể buông bỏ mọi vọng tưởng, để được tự do, giải thoát, ta sẽ biết rằng không thể có gì xảy ra nếu không có ái dục. Và ta nếm trãi được những giây phút của tánh không bằng quán chiếu và tuệ giác.
Chúng ta không cần phải quan tâm đền điều gì sẽ xảy ra sau khi ta mất. Ta chỉ cần chánh niệm ngay giờ phút hiện tại và luôn tinh tấn tu tập. Ai cũng cần tu sửa, vì thế nếu ta không dùng thời gian của mình vào việc đó, ta đã sống phung phí thời gian, không có mục đích sống. Ta đã từng chỉ sống để mà sống. Trong khi tất cả cuộc đời của ta là phải dành để phát triển trí tuệ. Mỗi ngày như thế cho suốt cuộc đời.
-ooOoo-