PRASNĀ ABHIDHAMMA

Vấn: Abhidhamma dịch như thế nào?

Đáp: Abhidhamma dịch là “pháp có sự tiến hoá”, “pháp hiệp theo điều phân biệt”, “pháp nên cúng dường”, “pháp không lẫn lộn”, “pháp vi diệu”.

“Pháp có sự tiến hoá” là khi hành giả niệm chơn chánh rồi sẽ phát tâm bác ái rãi đến các phương hướng làm cho thiền định nảy nở lên được; hành giả sẽ được thọ sanh trong cõi Phạm thiên. “Pháp hợp theo điều phân biệt” là pháp hằng có cái tướng giải thích cho thấy rõ các trạng thái, nhứt là năm cảnh giới[1]. “Pháp nên cúng dường” là tất cả pháp ấy đáng cúng dường, vì là pháp hữu học (sikkhadharma), pháp vô học (asikkhadharma) và là pháp xuất thế (lokuttaradharma). “Pháp không lẫn lộn” là pháp không hỗn hợp theo trạng thái, nhứt là xúc và thọ (phassa, vedanā). “Pháp vi diệu” là pháp mà Đức Phật đã thuyết bằng cách tinh vi cực điểm là: mahaggatadharma[2], appamānadharma[3], và lokuttara dharma[4].

Vấn: Ý nghĩa của Pháp vi diệu (abhidharma) có mấy? Đáp: Có bốn là: tâm vương (citta), tâm sở (citasika), sắc (rūpa), và Niết-bàn (Nibbāna).

 

 TÂM VẤN ĐÁP

Vấn: Tâm dịch như thế nào? Đáp: Tâm dịch là suy nghĩ cảnh giới hay là gom thu cảnh giới.

Vấn: Tâm có mấy loại, là cái chi? Đáp: Tâm có bốn loại là: tâm đeo níu trong Dục giới (kamāvacara citta), tâm đeo níu trong Sắc giới (rūpavacara citta), tâm đeo níu trong Vô sắc giới (arūpavaca racitta), tâm xuất thế (lokuttaracitta)

1. Tâm đeo níu trong Dục giới ‒ Kamāvacaracitta

Vấn: Tâm đeo níu trong Dục giới có mấy? Đáp: Có 54 là: 12 ác tâm (akusalacitta), 18 vô nhân tâm (ahetukacitta), và 24 hữu nhân tâm (sahetukacitta).

  • Ác tâm (akusalacitta)

Vấn: 12 ác tâm là cái chi? Đáp: 12 ác tâm là: 8 nhân xan tham (lobhamūla), 2 nhân sân hận (dosamūla), và 2 nhân si mê (mohamūla).

Vấn: Tám nhân xan tham là cái chi? Đáp: Tám nhân xan tham là: 1) Tâm xan tham hợp theo, vừa ý dụng nạp (somanassavedanā) và hai tà kiến là: đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) nghĩa là chết rồi tiêu mất không sanh lại nữa; thường kiến (sāsatadiṭṭhi) là sống thế nào, chết rồi thọ sanh[5] lại cũng như thế ấy nữa, không vừa theo saṅkhāra là không có người kích thích (ưa thích theo sức mình) (somanassasahagatadiṭṭhi gatasampayutta asaṅkhārika). 2) Tâm xan tham hợp theo vừa ý dụng nạp và hai tà kiến giống nhau, vừa theo saṅkhāra là có người đến kích thích (không ưa thích theo sức mình) (somanassasahagatadiṭṭhi gatasampayutta sa saṅkhārika). 3) Tâm xan tham hợp theo vừa ý dụng nạp, nhưng lìa cả hai tà kiến, không vừa theo saṅkhāra, là không có người đến kích thích (somanassasahagatadiṭṭhi gatavippayutta asaṅkhārika). 4) Tâm xan tham hợp theo vừa ý dụng nạp nhưng lìa cả hai tà kiến giống nhau, vừa theo saṅkhāra, là có người đến kích thích (somanassasahagatadiṭṭhi vippayutta sasaṅkhārika). 5) Tâm xan tham hợp theo vô ký ý dụng nạp (upekkhāvedanā) và hai tà kiến không vừa theo saṅkhāra là không có người đến kích thích (upekkhāsahagatadiṭṭhi gatasampayutta asaṅkhārika). 6) Tâm xan tham hợp theo vô ký ý dụng nạp và tà kiến vừa theo saṅkhāra là có người đến kích thích (upekkhāsahagatadiṭṭhi gatasampayutta sasaṅkhārika). 7) Tâm xan tham hợp theo vô ký ý dụng nạp nhưng lìa cả hai tà kiến, không có người đến kích thích (upekkhāsahagatadiṭṭhi gatavippayutta sasaṅkhārika). 8) Tâm xan tham hợp theo vô ký ý dụng nạp, nhưng lìa cả hai tà kiến, có người đến kích thích (upekkhāsahagatadiṭṭhi gatavippayuttasasaṅkhārika).

Vấn: Tâm xan tham thứ 1,2,5,6, nên kể là tâm ác vì hợp theo cả hai tà kiến, còn tâm thứ 3,4,7,8 lìa cả hai tà kiến rồi, cớ sao cũng cho là ác tâm, có nên kể là tâm lành chăng? Đáp: Cho là tâm ác, vì là tâm hợp theo cả hai tà kiến. Tà dâm hoặc trộm cắp hiểu rằng không tội; lìa tà kiến, hiểu rằng có tội nhưng còn tà dâm, trộm cắp, mới kể là tâm ác.

Vấn: Vừa ý (somanassa) và vô ký ý (upekkhā) ý nào tội nặng hơn? Đáp: Vừa ý hợp theo tà kiến và vô ký ý hợp theo tà kiến hiểu quấy, không có đức tin, trí nhớ, trí tuệ giống nhau, thì vừa ý có tội nặng hơn, nếu vừa ý lìa tà kiến; còn tâm vô ký hợp theo tà kiến, thì vô ký có tội nặng hơn, vì tà kiến có tội nặng hơn, nếu vừa ý xa lìa tà kiến, vô ký cũng xa lìa tà kiến, thì vừa ý có tội nặng hơn.

Vấn: Xan tham có mấy thứ? Đáp: Xan tham có hai thứ, xan tham của mình (samalobha); xan tham của mình và của người (visamalobha). Xan tham của mình là tâm quyến luyến vật của mình. Xan tham của mình và của người là tâm dính chặt, không muốn rời của mình và của kẻ khác.

Vấn: Hai căn nguyên sân hận là cái chi? Đáp: 1) Tâm giận oán vừa theo nghịch ý dụng nạp (domanassa vedanā) và hợp theo uất ức (paṭigha); 2) là bực tức trong lòng không hợp theo saṅkhāra (domanassahagatam paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ).

Vấn: Tâm giận oán không hợp theo saṅkhāra là thế nào? Đáp: Tâm giận oán không hợp theo saṅkhāra là không có người đâm thọc.

Vấn: Tâm giận oán hiệp theo saṅkhāra như thế nào? Đáp: Tâm giận oán hiệp theo saṅkhāra là có người đâm thọc rồi oán giận theo họ, như thế gọi là hiệp theo saṅkhāra.

Vấn: Dosa, kodha, upanāha ba cách giận ấy khác nhau như thế nào? Đáp: Khác nhau như vầy: “giận dữ (dosa)” là giận rồi oán hoặc tỏ ra dáng điệu; “giận dổi (kodha)” là hướng đạo của dosa, cũng giận nhưng để trong tâm không lộ ra lắm; “giận hờn (upanāha)” là giận rồi để chờ dịp trả thù.

Vấn: Hai căn si mê là cái chi? Đáp: 1) Tâm lầm lạc hiệp theo vô ký ý dụng nạp và hiệp theo tánh hoài nghi (vicikicchā). 2) Tâm lầm lạc vừa theo vô ký ý dụng nạp và hiệp theo phóng tâm[6](uddhacca). (Upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayutta).

Vấn: Tâm hoài nghi có mấy loại? Đáp: Có 16 loại chia ra ba thời là: quá khứ có năm; hiện tại có sáu và vị lai có năm.

Vấn: Năm cái tâm hoài nghi trong thời quá khứ là cái chi? Đáp: 1) như suy nghĩ trong thời đã qua rồi rằng: ta đã sanh ra là chi, há? 2) Hoài nghi rằng: trong thời đã đã qua rồi ta không được sanh ra là chi hay chăng? 3) Hoài nghi rằng: trong thời đã qua rồi ta là dòng vua, là bà-la-môn, là người nông phu, hay là người thương mãi, há? 4) Hoài nghi rằng: trong thời đã qua rồi ta có hình vóc lớn hoặc nhỏ, đen hoặc trắng, tốt hay xấu, há? 5) Hoài nghi rằng: trong thời kỳ đã qua rồi, đầu tiên, ta sanh ra như thế nào, đến sau, ta sanh ra như thế nào nữa, há?

Vấn: Năm hoài nghi trong thời kỳ vị lai như thế nào? Đáp: 1) Trong thời kỳ tương lai ta sẽ sanh ra là chi, há? (abhavissami nukho ahaṃ anagata maddha nam). 2) Hoài nghi rằng: trong thời kỳ tương lai ta sẽ sanh ra nữa chăng, há? 3) Hoài nghi rằng: trong thời kỳ tương lai ta sẽ được sanh vào dòng: vua, balamôn, người làm ruộng, hay buôn bán, nghèo khó như thế nào, há? 4) Hoài nghi rằng: trong thời kỳ vị lai ta sẽ sanh ra có hình vóc lớn nhỏ, cao thấp, đen trắng như thế nào, há? 5) Hoài nghi rằng: trong thời kỳ vị lai ta sẽ sanh ra như thế nào, rồi sẽ sanh ra là chi nữa, há?

Vấn: Sáu hoài nghi trong thời hiện tại như thế nào? Đáp: 1) Như ta suy nghĩ thường ngày đây có thể gọi là ta thiệt hay không thiệt ta (ahaṃ nukho asmi). 2) Như ta nghĩ rằng: thường ngày đây không phải là ta, hay là như thế nào? (Nonukho asmi). 3) Hoài nghi rằng: thường ngày đây có phải là ta sanh trong dòng vua, balamôn, nông phu, hay là người thương mãi, hoặc như thế nào? 4) Hoài nghi rằng: thường ngày đây có phải là ta sanh ra có hình vóc lớn nhỏ, cao thấp, đen trắng, như thế nào? 5) Hoài nghi rằng: Chúng sanh này (ayaṃ nukho satto kuto agato) thường ngày đây từ đâu mà sanh lại trong chỗ này, há? 6) Hoài nghi rằng: Chúng sanh này sanh lại trong chỗ này, rồi đi thọ sanh trong nơi nào nữa, há?

Vấn: Xan tham, sân hận, si mê phát sanh trong một nơi chung cùng nhau, một lượt được chăng hay là như thế nào? Đáp: Có khi được, có khi không, là: xan tham phát sanh lên si mê vào trợ; sân hận sanh, si mê vào giúp; hai tâm phát sanh một lần như thế gọi là hai nhân (duhetu); si mê chỉ sanh một mình, gọi là một nhân (ekahetu). Tâm xan tham và sân hận sanh chung trong một chỗ cùng nhau không được.

Vấn: Vì sao xan tham và sân hận sanh chung trong một nơi cùng nhau không được? Đáp: Vì xan tham và sân hận là trái nhau. Xan tham luyến theo sự mắc dính trong cảnh giới, còn sân hận hợp theo sự uất ức trong cảnh giới. Vì hai trạng thái khác nhau như thế, nên xan tham và sân hận sanh trong một nơi cùng nhau không được, nhưng thường hay thay đổi nhau.

Vấn: Vì sao si mê phát một mình được? Đáp: Như phóng tâm (uddhacca), hoài nghi (vicikicchā) dầu không xan tham, không sân hận chi cả, cũng sanh lên được, nên mới gọi si mê là một nhân (ekahetu).

Vấn: Xan tham, sân hận, si mê có tội khác nhau như thế nào? Đáp: Xan tham phần nhiều dẫn chúng sanh vào đường ngạ quỉ, sân hận hay dắt chúng sanh sa địa ngục, si mê thường đem chúng sanh làm cầm thú. Xan tham che vô thường; sân hận án khổ não; si mê che vô ngã. Xan tham khiến chúng sanh không có của cải; sân hận ngăn không cho có bạn; si mê làm cho chúng sanh không hiểu chơn lý. Xan tham ngăn chúng sanh không cho lên Dục giới[7]; sân hận không cho được Sắc giới và Vô sắc giới; si mê che Niết-bàn. Xan tham khiến chúng sanh vừa theo tâm ham muốn, vui sướng (kāmasukhallikānuyoga), sân hận làm cho vừa theo sự khổ hạnh (attakilamatthānanuyoga), si mê khiến cho vừa theo sự hành tà (micchāpatipadā).

Vấn: Vì sao xan tham dẫn chúng sanh vào đường ngạ quỉ? Đáp: Phần nhiều, xan tham đem chúng sanh vào đường ngạ quỉ, vì ngạ quỉ chịu quả đói khát; xan tham hằng làm cho chúng sanh quyến luyến trong của cải, không bố thí, do tội bón rít ấy, chúng sanh phải mang quả đói khát luôn luôn, có si mê vào hộ trợ.

Vấn: Vì sao sân hận dắt chúng sanh vào địa ngục? Đáp: Vì, tất cả tội nặng, như ngũ nghịch tội (anantariya kamma) phần nhiều làm theo năng lực của sân hận. Sân hận sanh lên, rồi khiến chúng sanh làm hại nhau, buộc điều oán trái trong ngày tương lai như Đề Bà Đạt Đa (Devadatta).

Vấn: Cớ sao si mê, phần nhiều dẫn chúng sanh làm cầm thú? Đáp: Si mê trợ các pháp: nếu sân hận có sức mạnh thì đem chúng sanh sa địa ngục, nếu giúp xan tham có năng lực nhiều thì dẫn chúng sanh làm quỉ đói. Si mê có sức lực nhiều thì dẫn chúng sanh sa vào cầm thú (trừ ra, tôi định tà kiến)[8] (aniya tamicchādiṭṭhi).

Vấn: Vì sao xan tham che vô thường? Đáp: Vì người có nhiều xan tham suy nghĩ không thấy sự chết, dầu là tóc bạc, răng long, lưng còm, cũng xét không thấy pháp vô thường.

Vấn: Vì sao sân hận cho khổ não? Đáp: Khi sân hận phát sanh thì con người tìm không thấy sự lầm lạc, chỉ cho mình là phải, nên mới dám sát hại chúng sanh, không e sợ chi cả, sau rồi phải chịu quả, do cái nghiệp oán giận che án, không cho thấy khổ mình và khổ người.

Vấn: Cớ sao si mê che vô ngã? Đáp: Vì vô ngã là pháp vi tế, có trí tuệ mới biết được, người tối tăm không sao rõ thấu pháp cao siêu.

Vấn: Nhân sao, xan tham không cho chúng sanh có của cải? Đáp: Của cải phát sanh do sự bố thí trong kiếp trước, nên kiếp này mới được giàu có, nếu xan tham trái với sự bố thí, thì kiếp sau do đâu mà được của cải?

Vấn: Nhân sao sân hận không cho chúng sanh có bạn? Đáp: Có tâm hiền lành được nhiều chúng bạn, từ kiếp này đến kiếp sau; nếu người chất chứa tâm oán hận, muốn hại kẻ khác thì do đâu mà có chúng bạn? Không cần nói đến người xa lạ, dầu là hàng thân quyến họ cũng xa lánh, không nhìn nhận nữa, cho nên gọi sân hận làm cho mất tình bậu bạn.

Vấn: Cớ sao si mê che, không cho chúng sanh làm việc chơn chánh? Đáp: Người chơn chánh là nhờ trước có sự thấy hiểu chánh, nếu đã lầm lạc tối tăm, hiểu quấy thì không sao làm cho thân tâm được chơn chánh.

Vấn: Cớ sao xan tham không cho chúng sanh lên Dục giới? Đáp: Lên Dục giới nhờ có bố thí, trì giới, nếu xan tham là tâm bón rít đã phát sanh lên, không bố thí, cũng không trì giới thì làm thế nào lên Dục giới được?

Vấn: Cớ sao sân hận ngăn Sắc giới và Vô sắc giới? Đáp: Vì cõi trời Phạm thiên, là nơi cư trú của bực có thiền định, mà tâm uất ức sanh lên rồi, thì không đắc thiền định, không đắc định thì lên cõi Sắc và Vô sắc không được.

Vấn: Vì sao si mê ngăn không cho thấy Niết-bàn? Đáp: Muốn đến Niết-bàn phải dứt trừ si mê, nếu còn si mê thì cũng không được Niết-bàn.

Vấn: Vì sao xan tham khiến cho vừa theo lòng dục vui sướng? (kāmasukhallikānuyoga). Đáp: Xan tham là tâm mắc dính trong sự vui sướng, thì cho vui sướng là phải?

Vấn: Cớ sao sân hận khiến chúng sanh vừa theo sự khổ hạnh (attakilamatthānanuyoga)? Đáp: Người tu khổ khắc thái quá, vô hiệu quả, không lợi ích, chỉ vì lòng oán giận, nên làm việc gì phần nhiều hay quá mực, không thành tựu. Tu hành cũng quá khổ khắc, không được kết quả chi, như Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) vào xin Phật năm điều, cũng không ngoài cái tâm oán hận đức Phật, hầu hành đạo khổ hạnh cho hơn đức Chánh Biến Tri, rồi kích thích cho được nhiều người xu hướng theo. Sân hận là nguyên nhân phát sanh khổ hạnh, không có điều lợi ích chi.

Vấn: Vì sao si mê cho hành tà? Đáp: Tất cả chúng sanh làm nghiệp tà cũng do tâm lầm lạc, thế nào, người tu theo Bát Chánh đạo mà không thông rõ cũng không hành cho đúng được, nên gọi si mê dẫn chúng sanh hành tà.

Vấn: Xan tham, sân hận, si mê do cớ nào gọi là nguồn gốc (mūla)? Đáp: Tất cả tội lỗi đều phát sanh do xan tham, sân hận, si mê nên gọi ba ác pháp ấy là nguyên nhân, ví như cây mả tiền có vị đắng từ đất mọc lên, có thể rút lấy nước của đất rồi làm cho trở nên đắng lại độc, vị của nước trong đất không bao giờ đắng hoặc độc, song khi nước ấy bị rút vào rồi, biến thành vị đắng và độc, người nào dùng sẽ bị hại, thế nào, cả ba căn tội ấy có thể rút lấy 5 cảnh giới (sắc, tiếng, mùi, vị, xúc). Năm cảnh giới ấy không phải là tội, chỉ có tâm là tội, rút lấy cái chi không phải là tội, cho biến thành tội, cũng như thế ấy, mười hai ác tâm (trừ phóng tâm) còn lại mười một, dẫn chúng sanh vào bốn đường dữ.

 

  • Vô nhân tâm (ahetukacitta).

Vấn: Vô nhân tâm nghĩa như thế nào? Đáp: Vô nhân tâm là tâm không hạp theo nhân, không có thể làm cho các đức cao thượng như thiền định phát lên được.

Vấn: 18 vô nhân tâm là cái chi? Đáp: Là: 7 ác quả (akusalavipāka), 8 thiện quả (kusalavipāka), 3 vô nhân hành (kiriyā).

Bảy ác quả: 1) Tâm biết rõ cảnh giới không nên mong mỏi (anitthārammaṇa) là sắc cảnh (rupāramana) trong nhãn môn hợp theo vô ký ý dụng nạp (upekkhāsahagata cakkhuviññāṇa); 2)Tâm biết rõ cảnh giới không nên mong mỏi là nhĩ cảnh (saddārammaṇa) trong nhĩ môn hợp theo vô ký ý dụng nạp (upekkhāsahagata sotaviññāṇa); 3) Tâm biết rõ cảnh giới không nên mong mỏi là tỉ cảnh (gandhārammaṇa) trong tỉ môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata ghānaviññāṇa); 4) Tâm biết rõ cảnh giới không nên mong mỏi là vị cảnh (rasārammaṇa) trong thiệt môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagatajivhāviññāṇa); 5) Tâm biết rõ cảnh giới không nên mong mỏi là xúc cảnh (phassārammaṇa) trong thân môn hợp theo khổ dụng nạp (dukkhasahagata kāyaviññāṇa); 6) Tâm biết rõ năm cảnh giới không nên mong mỏi nhứt là sắc cảnh trong năm cửa hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata sampaticchanna); 7) Tâm xem xét cả năm cảnh giới, không nên mong mỏi, nhứt là sắc cảnh trong năm cửa hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata santīrana).

Tám thiện quả (kusalavipāka) là: 1) Tâm biết rõ cảnh giới nên mong mỏi (itthārammaṇa) là sắc cảnh trong nhãn môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata cakkhuviññāṇa); 2) Tâm biết rõ cảnh giới nên mong mỏi là thinh cảnh (saddārammaṇa) trong nhĩ môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata sotaviññāṇa); 3) Tâm biết rõ cảnh giới nên mong mỏi là hương cảnh trong tỉ môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata ghānaviññāṇa); 4) Tâm biết rõ cảnh giới nên mong mỏi là vị cảnh trong thiệt môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata jivhāviññāṇa); 5) Tâm biết rõ cảnh giới nên mong mỏi là xúc cảnh trong thân môn hợp theo hạnh phúc ý dụng nạp (sukhasahagata kāyaviññāṇa); 6) Tâm thọ cả năm cảnh giới nên mong mỏi nhứt là sắc cảnh trong cả năm cửa hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata sampaticchanna); 7) Tâm xem xét cả năm cảnh giới nên mong mỏi nhứt là sắc cảnh trong cả năm cửa hợp theo hỷ ý dụng nạp vừa lòng (somanassasahagata santīraṇa); 8) Tâm xem xét cả năm cảnh giới nên mong mỏi trong cả 5 cửa hợp theo vô ký ý dụng nạp (upekkhasahagata santīrana).

Ba vô nhân hành (ahetukakiriya): 1) Tâm suy nghĩ tìm tòi cảnh giới trong cả năm cửa hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata pañcadvārāvajjana); 2) Tâm tìm tòi cảnh giới trong cửa ý hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata manodvārāvajjana); 3) Tâm tươi cười hợp theo vừa ý dụng nạp (somanassasahagata hasituppāda). Hasituppāda chỉ có trong tâm bực vô lậu (kūnassaba), không khi nào có trong tâm phàm nhơn và hàng hữu học.

 

Vấn: Cảnh giới không nên mong mỏi như thế nào? Đáp: Nói về cảnh giới phát sanh do quả dữ, nhứt là sắc cảnh trong năm cửa.

Vấn: Cảnh giới nên mong mỏi như thế nào? Đáp: Nói về cảnh giới, nhứt là sắc cảnh phát sanh do quả lành.

Vấn: Vô ký trong các nơi khác đều hợp theo nhân, nếu không hợp theo nhân phước, cũng hợp theo nhân tội, trong tâm dữ cũng có vô ký, trong tâm lành cũng có vô ký. Vô ký trong vô nhân tâm này khác nhau, như thế nào mà nói là phước cũng không phước, tội cũng không tội.

Đáp: Vô ký trong chỗ khác hợp theo nhân đầu tiên, như vô ký trong tâm xan tham là tâm quyến luyến trong cảnh giới nhứt là sắc cảnh, là nơi nên mong mỏi. Về phần vô ký trong tâm lành hợp theo nhân là không xan tham, cho nên gọi là alobho dānahetu. Tâm không mắc dính mới bố thí được. Vô ký trong vô nhân tâm mà nói là không hợp theo nhân, vì tâm này là trung lập (abyākrita) hoàn toàn lìa cả 6 nhân, nên gọi là phước cũng không phải mà tội cũng không phải, là tâm bơ thờ, lợt lạt bực trung, không hợp theo nhân, như đã giải.

  • Hữu nhân tâm (sahetukacitta)

Vấn: Hữu nhân tâm như thế nào? Đáp: Là tâm hợp theo nhân.

Vấn: Tâm hợp theo nhân là cả sáu nhân hay là nhân nào? Đáp: Chỉ nói về ba nhân lành, thôi.

Vấn: Hữu nhân tâm có mấy loại? Đáp: Có 24 loại là: 8 thiện (kusala), 8 quả (vipāka), 8 hành (kiriyā).

Vấn: Thiện, quả và hành khác nhau, như thế nào? Đáp: Thiện là người gặt cắt nghiệp dữ; quả là kết quả; hành là người làm việc, cắt nghiệp dữ. Thiện như lưỡi hái, hành như người cầm lưỡi hái. Lại nữa thiện như bông, quả như mùi bông, hành như gió để quạt mùi bông bay đi các hướng.

Tám đại thiện (mahākusala) là: 1) Tâm lành hợp theo vừa ý dụng nạp và hiệp theo trí tuệ không có saṅkhāra là không có người khuyến dụ (ưa thích theo sức mình) (somanassasa hagata ñānasampayutta asaṅkhārika); 2) Tâm lành hợp theo vừa ý dụng nạp và hiệp theo trí tuệ có saṅkhāra, là có người khuyến dụ (không ưa thích theo sức mình) (somanassasahagata ñānasampayutta sasaṅkhārika); 3) Tâm lành hợp theo vừa ý dụng nạp nhưng xa lìa trí tuệ không có saṅkhāra (somanassasahagatañānavippayutta asaṅkhārika); 4) Tâm lành hợp theo vừa ý dụng nạp nhưng xa lìa trí tuệ có saṅkhāra (somanassasahagata ñānavippayutta sasaṅkhārika); 5) Tâm lành hợp theo ý xả dụng nạp và hiệp theo trí tuệ không có saṅkhāra (upekkhāsahagata ñānasampayutta asaṅkhārika); 6) Tâm lành hợp theo ý xả dụng nạp và hiệp theo trí tuệ có saṅkhāra (upekkhāsahagata ñānasampayutta sasaṅkhārika); 7) Tâm lành hợp theo ý xả dụng nạp nhưng xa lìa trí tuệ, không có saṅkhāra (upekkhāsahagata ñānavippayutta sasaṅkhārika); 8) Tâm lành hợp theo ý xả dụng nạp nhưng xa lìa trí tuệ, có saṅkhāra (upekkhāsahagata ñānavippayutta sasaṅkhārika).

Vấn: Tâm đại thiện thứ 1 và 2 nói về hạng người nào?

Đáp: Tâm thứ nhứt nói về hạng người hiệp theo trí tuệ có chánh kiến hiểu rằng làm phước có quả báu, có người thọ thí, có vật thí như: cơm, nước, là nơi vừa lòng, phát sanh sự ưa thích rồi đem ra bố thí, không có người khuyến dụ.

Tâm thứ hai, như tâm thứ nhứt, khác nhau là khi có người đến khuyến khích làm lành mới bố thí, thọ quả khác nhau. Tâm thứ nhứt cho quả mau lẹ, tâm thứ nhì cho quả chậm lâu, cả hai tâm này cho thọ sanh được ba nhân bực thượng (trīyahetu) và làm cho 16 quả báu phát sanh theo năng lực mình. 16 quả là: 8 đại quả hữu nhân (mahāvipākasahetuka), 8 thiện quả vô nhân (kusalavipāka ahetuka)

Vấn: Ba nhân thọ sanh (trīyahetuka) như thế nào? Đáp: Ba nhân thọ sanh là không xan tham (alobha), không sân hận (adosa), không si mê (amoha), được ba hạnh phúc (sampatti) là: giàu có (bhogasampatti) do năng lực không xan tham; sắc đẹp (rūpasampatti) do năng lực không sân hận; trí tuệ (paññāsampatti) do năng lực không si mê.

Vấn: Do thế lực chi được ba nhân và được bực thượng? Đáp: Được ba nhân do thế lực trí tuệ, được bực thượng do tâm ưa thích (somanassa). Người làm phước hợp theo trí tuệ đi thọ sanh được ba nhân; làm phước hợp theo tâm ưa thích đi thọ sanh bực thượng.

Vấn: Ba nhân bực thượng về hạng người nào? Đáp: Phần nhiều Đức Bồ tát đi thọ sanh được 3 nhân bực thượng, thường nhơn hiếm có.

Vấn: Tâm thứ ba và thứ tư khác nhau như thế nào? Cho đi thọ sanh làm sao? Đáp: Tâm thứ ba và thứ tư khác nhau như vầy: tâm thứ ba hợp theo vừa ý ưa thích, theo sức mình, không có ai đến khuyến dụ, cho thọ sanh hai nhân bực thượng làm cho 12 quả phát sanh do theo thế lực mình. 12 quả là: 4 đại thiện quả và 8 thiện quả vô nhân phát sanh theo sức mình.

Vấn: Hai nhân như thế nào? Đáp: Hai nhân là: không xan tham và không sân hận.

Vấn: Tâm thứ năm và thứ sáu cho thọ sanh như thế nào? Đáp: Tâm thứ năm và thứ sáu cho thọ sanh được ba nhân bực trung và hưởng 12 quả. Ba nhân bực trung là: không xan tham, không sân hận, không si mê, và được ba hạnh phúc là: giàu có, sắc đẹp, cùng trí tuệ bực trung theo thế lực làm phước vì tâm xả.

Vấn: Tâm thứ 7 và thứ 8 cho thọ sanh như thế nào? Đáp: Cho thọ sanh được hai nhân bực trung, thọ 12 quả là: 4 đại thiện quả và 8 thiện quả vô nhân.

Vấn: Tâm lành đeo níu trong cõi dục (kamāvacarakusala) chỉ có 8 hay còn nữa? Đáp: Tâm lành đeo níu trong cõi dục còn nhiều nữa.

Vấn: Nhiều như thế nào? Đáp: Tâm lành đeo níu trong cõi dục có nhiều loại chia ra như vầy: Chia theo 10 sự phước (puññakiriyāvatthu) là: 1) Bố thí (dāna), 2) trì giới (sīla), 3) tham thiền (bhāvanā), 4) tôn kính (apacāyana), 5) giúp đỡ (veyyāvacca), 6) hồi hướng phần phước (pattidāna), 7) ưa thích trong nhần phước của người hồi hướng cho (pattānumodāna), 8) thuyết pháp (desanā), 9) nghe pháp (dhammassa vana), 10) kiến chánh nghiệp là làm cho sự hiểu biết trở nên chơn chánh (diṭṭhujukamma). Lấy 10 sự phước ấy nhơn với 8 đại thiện thành 80, lấy 6 cảnh giới (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) nhơn với 80 thành 480, lấy 480 chia làm hai thành 240 (về phần hiệp theo trí tuệ (ñānasampayutta) 240, về xa lìa trí tuệ (ñānavippayutta) 240. Phần, hiệp theo trí tuệ 240 nhơn với 4 pháp[9] adhipatī thành 960; phần xa lìa trí tuệ 240 nhơn với 3 pháp chủ (adhipati) trừ vimaṃsā thành 720, tổng cộng 1680.

Vấn: Bốn pháp chủ (adhipati) là cái chi? Đáp: Bốn pháp chủ là: 1) chủ trong sự ham muốn (chandādhipatī); 2) chủ trong sự tinh tấn (vīriyadhipatī); 3) chủ trong tâm cẩn thận (cittadhipatī); 4) chủ trong trí tuệ (vimamsādhipatī).

Vấn: Thí trong pháp cao thượng (paramattha) có mấy thứ? Là cái chi? Đáp: Có sáu thứ là: 1) thí sắc (rūpadāna), 2) thí tiếng (saddādāna), 3) thí mùi (sandhadāna), 4) thí vị (rasadāna), 5) thí xúc (phoṭṭhabhadāna), 6) thí cảnh giới phát sanh theo pháp (dhammārammaṇa).

Vấn: Thí sắc là cho sắc thực hay là thế nào? Đáp: Thí sắc là cho bốn món vật dụng (y, vật thực, chỗ nằm ngồi, thuốc men), tâm lành đeo níu trong cõi dục nhớ tưởng đến sắc ấy làm cảnh giới rồi thí, như thế gọi là thí sắc.

Vấn: Thí tiếng như thế nào? Đáp: Thí tiếng là cho thuốc chữa, tiếng của người khuyến dụ làm phước hoặc nghe tiếng chuông trống bá cáo sự phước, tưởng nhớ đến các thứ tiếng ấy làm cành giới rồi thí gọi là thí tiếng.

Vấn: Thí mùi như thế nào? Đáp: Thí mùi là niệm tưởng mùi thơm làm cảnh giới rồi tưởng Đức Tam bảo mà cúng dường.

Vấn: Thí vị như thế nào? Đáp: Thí vị là nhớ tưởng đến các vị ngon làm cảnh giới rồi niệm Đức Tam bảo mà cúng dường.

Vấn: Thí xúc như thế nào? Đáp: Thí xúc là nhớ tưởng đến sự đụng chạm nào vừa lòng (như niệm) rồi niệm đức Tam bảo mà cúng dường.

Vấn: Thí pháp như thế nào? Đáp: Tâm tưởng đến lời Phật huấn giải về 3 pháp thí là: thí thuốc (ojadāna), thí nước (pānadāna), thí sanh mạng (jivitadāna). 1) Thí thuốc là dâng sữa lỏng (sappi), sữa đặc (navanita), dầu (tela), mật ong (madhu), nước mía (phānita), để chữa bịnh chư tỳ khưu không được mạnh. 2) Thí 8 thứ nước là: nước làm bằng trái xoài (ambapānaṃ), nước trộn với trái trâm (jambupānaṃ), nước trộn với chuối có hột (cocapānaṃ), nước trộn với chuối không có hột (mocapānaṃ), nước trộn với nước trái cà na rừng (maddhukapānaṃ), nước trộn với trái thị (muddhīkapānaṃ), nước trộn với rễ củ súng, nước trộn với trái thanh trà (pharusakapānaṃ). 3) Thí sanh mạng là nói về 14 cách thí thực, vì chư tăng sống còn được đều nhờ một trong 14 cách thí thực[10]. Cả ba sự thí ấy gọi là thí cảnh giới vì tâm nhớ tìm lời Phật huấn đã giải ấy làm cảnh giới nên gọi là thí pháp giới. Tất cả 6 pháp thí ấy gọi là cao thượng bởi lấy tâm làm chủ yếu.

Vấn: Sáu cảnh giới chỉ có bấy nhiêu hay còn chia thêm nữa? Đáp: Còn chia thêm nữa là trong mỗi cảnh giới chia làm 9 như vầy: 3 dānamaya, 3 sīlamaya, 3 bhāvanāmaya. 3 dānamaya là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Sīlamaya và bhāvanāmaya cũng có ba như vậy, mỗi cảnh giới chia làm 9 sắc cảnh, 9 thinh cảnh.

Vấn: Dānamaya như thế nào? Đáp: Dānamaya là tưởng nhớ lấy 6 cảnh giới rồi niệm Đức Tam bảo tự mình đem cúng dường gọi là thân nghiệp, bảo người đem đi cúng dường gọi là khẩu nghiệp, chỉ tưởng trong tâm gọi là ý nghiệp thành ba dānamaya.

Vấn: Sīlamaya như thế nào? Đáp: 3 Sīlamaya là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp.

Vấn: Bhāvanāmaya như thế nào? Đáp: 3 bhāvanāmaya là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Trong mỗi cảnh giới chia thành 9; 6 cảnh giới nhơn với 9 thành 6×9=54. Niệm 6 cảnh giới rằng là vô thường biến đổi theo các duyên cớ rồi dứt ra bố thí.

Vấn: Thiện tâm gom vào trong 3 nhân là không xan tham, không sân hận, không si mê là nói về tâm lành nào? Đáp: Tất cả thiện tâm là: 8 tâm lành đeo níu trong Dục giới; 5 tâm lành đeo níu trong Sắc giới; 4 tâm lành đeo níu trong Vô sắc giới; 4 tâm lành xuất thế, đều gom vào trong ba nhân. Tất cả tâm lành đều chia theo nhân ví như cây nở nảy chồi nhánh được cũng đều do nơi rễ, thế nào, các tâm lành cũng chỉ do ba nhân mà sanh, cũng như thế ấy. Lại nữa, ba căn lành (kusalamūla) ví như mía có vị ngọt trồng trên mặt đất, chất đất, chất nước không có vị ngọt, chỉ vì vị ngọt của mía rút chất đất, chất nước không ngọt trở thành ngọt được thế nào, ba căn lành rút lấy 6 cảnh, nhứt là sắc cảnh, 6 cảnh giới không phải là phước mà thuộc về trung lập, vì thế lực của ba căn lành rút lấy 6 cảnh biến chuyển thành phước được, cũng như thế ấy.

Vấn đáp trong 54 tâm đeo níu trong Dục giới tóm tắt chỉ có bấy nhiêu.

2. Tâm đeo níu trong Sắc giới ‒ Rūpāvacaracitta

Vấn: Tâm đeo níu trong Sắc giới, hành trong nơi nào, hành theo cửa nào, có mấy? Đáp: Chỉ hành trong cửa ý, tâm này có 15 là: 5 tâm lành, 5 tâm quả và 5 tâm hành.

Vấn: 5 tâm lành là cái chi? Đáp: 1) sơ thiền có 5 chi: a) tầm (vitaka) là trạng thái khiến tâm lên níu cảnh giới; b) sát (vicāra) là trạng thái khiến tâm quan sát trong cảnh giới; c) phỉ (pīti) là trạng thái làm cho thân và tâm no vui ưa thích; d) an lạc (sukha) là trạng thái làm cho thân và tâm yên vui; e) định (ekaggatā) là trạng thái làm cho tâm chỉ an trú trong một cảnh giới. 2) Nhị thiền (dutiyajjhāna) có 4 chi, là; sát phỉ, an lạc và định. 3) Tam thiền (tatiyajjhāna) có 3 chi, là: phỉ, an lạc và định. 4)Tứ thiền (catutthajjhāna) có 2 chi, là: an lạc và định. 5) Ngũ thiền (pañcamajjhāna) có 2 chi, là: định và xả.

Tâm quả đeo níu trong Sắc giới, tâm hành đeo níu trong Sắc giới, cũng chia làm ngũ thiền như vậy. Tâm lành đeo níu trong Sắc giới là người tạo gia tộc, cõi, hạnh phúc và là người dẫn đi thọ sanh. Tâm quả đeo níu trong Sắc giới chính là người đi thọ sanh, là người hưởng hạnh phúc. Tâm lành đeo níu trong Sắc giới là phước, tâm quả và tâm hành đeo níu trong Sắc giới là trung lập.

Vấn: Thiền có mấy ý nghĩa, là cái chi? Đáp: Có hai ý nghĩa là: tứ thiền (catukkanaya) và ngũ thiền (pañcakkanaya).

Vấn: Cả hai thiền ấy có ý nghĩa khác nhau như thế nào? Đáp: Tứ thiền là: sơ thiền hợp theo 5 chi (tầm, sát, phỉ, an lạc, định), nhị thiền hợp theo 3 chi (phỉ, an lạc, định), tam thiền hợp theo 2 chi (an lạc, định), tứ thiền hợp theo 2 chi (định và xả). Ngũ thiền là: sơ thiền có 5 chi, nhị thiền có 4 chi, tam thiền có 3 chi, tứ thiền có 2 chi, ngũ thiền có 2 chi, như đã có giải ở trên.

Vấn: Vì sao thiền lại có catukkanaya và pañcakkanaya? Đáp: Vì sự dụng tâm khác nhau. Thiền catukkanaya khi trước, phần nhiều, làm phước thường dùng tâm ưa thích (somanassa) đến khi đắc thiền thành (catukkanaya) về phần thiền pañcakkanaya khi trước làm phước thường hay dùng xả tâm, đến khi đắc thiền thành thiền pañcakkanaya.

Vấn: Thiền chỉ có bấy nhiêu hay còn nữa? Đáp: Thiền có nhiều nữa, chia làm 2 thứ là: ārammaṇūpanijjhāna và lakkhanūpanijjhāna.

Vấn: Ārammaṇūpanijjhāna giải như thế nào? Đáp: Lấy đề mục nhứt là kasina làm cảnh giới.

Vấn: Lakkhanūpanijjhāna giải như thế nào? Đáp: là hợp theo lakkhana nhứt là vô thường tưởng (aniccalakkhana).

Vấn: Thiền có chi là chướng ngại?

Đáp: 1) Tham dục (kāmachanda), 2) oán giận (byāpada), 3) hôn trầm (thīnamiddha), 4) phóng tâm, hối hận (uddhacccakukkucca), 5) hoài nghi (vicikicchā).

Tham dục ví như nước có trứng nước trên mặt. Oán giận ví như nước sôi. Hôn trầm như nước có thuỷ thảo trên mặt. Phóng tâm hối hận như nước có sóng. Hoài nghi như nước có pha cát đục.

Lẽ thường, nước trong khi bị một trong 5 vật ấy tiếp xúc rồi thì trở nên đục, người muốn soi mặt vào cũng không thấy rõ, thế nào, khi có một trong 5 pháp cái đó vào ô nhiễm tâm rồi thì uggahanimitta[11] và paṭibhāganimitta cũng không phát sanh lên được, cũng như thế ấy. Nước như tâm, bóng soi trong nước như hai nimitta là uggahanimitta và paṭibhāganimitta.

Vấn: Trong 5 pháp cái ấy, pháp nào nghịch với chi thiền nào? Đáp: Tham dục nghịch với định. Oán giận nghịch phỉ. Hôm trầm nghịch tầm. Phóng tâm nghịch an lạc. Hoài nghi nghịch sát.

Vấn: Năm chi thiền giải nghĩa khác nhau thế nào? Đáp: Tầm (vitakka) có tướng làm cho tâm lên níu cảnh giới như tiếng chuông kêu, nhờ dùi, có người đánh, nếu không ai đánh, không nghe tiếng được; người đánh ví như tầm, sự nghe ví như sát hoặc ví như loài chim bay trên thiên không, rồi quạt cánh lên xuống, bay thả ở giữa trời, thế nào, ví như tầm và sát, tầm có tướng suy nghĩ cảnh giới, như chim đập cánh bay đi, sát như chim xòe cánh luyện đảo giữa trời, hoặc như loài ong hút nhuỵ hoa sen, loài ong ấy thường bay lại đậu trên hoa sen, rồi mở búp hoa xong mới hút nhuỵ sau, ví như tầm và sát cũng như thế ấy. Tầm ví như ong bay ngay đến hoa sen, sát ví như ong bay qua bay lại chung quanh hoa sen.

Giải về chi thiền thứ 3 là phỉ. Trạng thái của thân và tâm no vui gọi là phỉ. Phỉ có năm tướng là: cả châu thân đều mọc óc (khuttakāpīti), thấy rõ rệt như điễn chớp trong mắt (khanikāpīti), như lượng sóng đánh vào bờ rồi tiêu mất (okkantikāpīti), có thể làm cho thân bay bỗng lên trời (obbengāpīti), cả châu thân đều mát mẻ (pharanāpīti). Khi phỉ phát sanh rồi làm cho tâm ưa thích trong các việc lành, thế nào, ví như bộ hành đi lỡ đường bị nóng nực đói khát, may gặp được một người từ con đường ấy mà đến, bèn kêu hỏi rằng: này anh! Nơi nào có nước? Tôi khát quá, xin anh thương xót chỉ giùm. Người kia đáp: Có một ao nước nơi giữa rừng sâu, anh ráng đi lối 1.000 thước nữa sẽ đến rừng sâu ấy gặp ao nước, rồi sẽ có nước uống, trong nơi đó. Người bộ hành ấy nghe rồi ráng sức đi ngay đến ao nước, qua khỏi một đổi đường, thấy hoa sen và lá sen rơi rớt ở giữa đường, người ấy càng mừng đi tới đổi nữa, gặp nhiều người từ dưới ao mới lên, y phục và tóc còn ướt và có tiếng gà rừng, quấc, le le, kêu vang rừng, quanh ao lại có nhiều cây cối bông hoa rất xinh đẹp, như mặt lưới ngọc mani. Xem thấy nước trong người ấy lấy làm thoả thích, rồi đi ngay xuống ao nước tắm theo sở thích, dứt cơn mệt nhọc, bẻ sen ăn, hái hoa, xong rồi lên thay quần phơi áo và nằm nghỉ dưới bóng cây, có gió phất mát mẻ, bèn nói rằng: vui sướng thiệt, hạnh phúc thiệt, thí dụ như người bộ hành đi lỡ đường xa bị nắng nóng chơn, đói khát ví như hành giả bị nóng nảy vì lửa tình dục, sân hận, si mê, bực bội xốn xang, vì bị 3 tà tư duy, người chỉ đường đi đến ao nước như tầm và sát đem tâm lên xem xét thiền định, thấy hoa và lá sen rơi rớt giữa đường, rồi có lòng vui mừng như tướng của phỉ (chi thiền) còn non, thấy nhiều người tắm vừa đi lên, y và tóc còn ướt ràng ràng, thấy các thứ cấy mọc gần mé ao, thấy nước trong, tâm thoả thích, ví như hành giả có phỉ phát sanh mạnh mẽ, được tắm rửa lặn hụp tuỳ thích, dứt cơn mệt nhọc. Bẻ sen ăn, mang hoa sen trên mình, có mùi thơm ngạt ngào, ví như hành giả có tâm yên lặng (passaddhi) và thân tâm an vui, người ấy lên khỏi ao, thay y đem phơi rồi nằm nghỉ mát dưới bóng cây có gió mát, như hành giả đắc định, tâm an trú trong thiền định vậy. Năm phỉ như đã giải, thuộc về chi thiền thứ 3.

An lạc có cái tướng làm cho thân tâm an vui thơ thới, thuộc về chi thiền thứ tư.

Định có cái tướng làm cho tâm an trú trong một cảnh giới, không phóng túng theo cảnh giới khác, nhân đó gọi định là chủ yếu của tất cả việc lành, ví như nóc điện là nơi hội hợp tất cả kèo, đòn tay, thế nào, định là chủ yếu tất cả việc lành vậy, định thuộc về chi thiền thứ năm.

Xả có cái tướng bơ thờ, lạt lẽo, lãnh đạm thuộc về chi thiền thứ sáu.

Vấn: Phàm định (jhānalokiya) cũng có 5 chi, thánh định (jhānalokuttara) cũng có 5 chi, nhứt là tầm giống nhau, vậy khác nhau như thế nào mà gọi là phàm định và thánh định? Đáp: Chỉ khác nhau chỗ dứt khỏi phiền não: phàm định chỉ đè nén phiền não như đá đè cỏ (vikkhambhanappahāna). Thánh định dứt phiền não được hoàn toàn (samucchedappahāna); cả hai loại thiền khác nhau như đã giải.

Vấn: Phàm định và Thánh định dùng tâm như thế nào, mà chia là phàm và thánh? Đáp: Cả hai loại thiền dùng tâm khác nhau như vầy: phàm định có parikammajavana[12], upacārajavana[13], anulomajavana[14], gotrabhūjavana[15], đến mức cuối cùng, đạo tâm và quả tâm sanh lên rồi tâm mới quay xuống bhavanga[16].

Vấn: Mấy javana ấy giải như thế nào? Đáp: Nếu phàm định parikammajavana lấy đề mục thiền định làm cảnh giới, như kasina niệm rằng: Đất, đất… (pathavī, pathavī) chỉ phát sanh uggahanimitta[17]và paṭibhāganimitta[18] đến khi nhập định. Nếu Thánh định thì lấy 3 tướng[19] (trīlakkhana) làm cảnh giới, như thế gọi là parikammajavana; upacārajavana phát sanh khi gần đắc định; anulomajavana hành theo 2 javana đầu; gotrabhūjavana đè nén tâm đeo níu trong Dục giới (kāmājavana gotrabhū) hoặc dòng phàm chờm bắt mahaggatagotra hay là dòng thánh (ariyagotra) ví như người lấy một tay đè đầu rắn, một tay nắm đuôi rắn, thế nào gotrabhūjavana đè dòng phàm, vói bắt dòng thánh, cũng như thế ấy.

3. Tâm đeo níu trong vô sắc giới ‒ Arūpāvacaracitta

Vấn: Tâm đeo níu trong Vô sắc giới có mấy, là cái chi? Đáp: Có 12 là: 4 tâm lành đeo níu trong Vô sắc giới, 4 tâm quả đeo níu trong Vô sắc giới, 4 tâm hành đeo níu trong Vô sắc giới,

Vấn: Tâm lành đeo níu trong Vô sắc giới là cái chi? Đáp: Là:

1) Không vô biên thiên (ākāsānañcāyatana). Hành giả tham thiền dùng khoảng hư không làm đề mục, niệm như vầy: “Hư không, không ngăn mé. Hư không, không ngăn mé” (ananto ākāso, ananto ākāso) niệm cho đến khi sơ thiền vô sắc phát sanh (pathamā rūpacitta).

2) Thức vô biên thiên (viññāṇañcāyatana). Hành giả dùng tâm sơ thiền vô sắc làm đề mục niệm rằng: “Thức không ngăn mé, thức không ngăn mé” (anantaṃ viññāṇaṃ anantaṃ viññāṇaṃ) niệm cho đến khi nhị thiền vô sắc phát sanh (dutiyarūpacitta).

3) Vô hữu sở thiên (ākiñcaññāyatana). Hành giả dùng tâm sơ thiền vô sắc niệm như vầy: “tâm sơ thiền vô sắc rải trong nơi đây không có”, rồi lấy cái không có ấy làm đề mục, niệm rằng: “cái vi tế không có, cái vi tế không có” (natthi kiñci, natthi kiñci) hoặc niệm “Không có, không có” (natthi natthi) niệm cho đến khi tam thiền vô sắc phát sanh (tatiyarūpacitta).

4) Phi phi tưởng thiên (nevasaññānāsaññāyatana). Hành giả phân biện điều vi tế của tâm tam thiền vô sắc đem làm cảnh giới niệm rằng: Tâm tam thiền vô sắc còn có vi tế, tâm tam thiền vô sắc rất vi tế”, niệm cho đến khi tâm tứ thiền vô sắc phát sanh (catutthārūpacitta).

Điều giải trên đây là pháp niệm bốn tâm lành đeo níu trong Vô sắc giới; tâm quảtâm hành đeo níu trong Vô sắc giới cũng giống như tâm lành đeo níu trong Vô sắc giới vậy.

4. Tâm xuất thế ‒ Lokuttaracitta

Vấn: Tâm xuất thế như thế nào? Đáp: Tâm xuất thế là tâm qua khỏi ba cõi là: cõi dục (kāmaloka), cõi sắc (rūpaloka), cõi vô sắc (arūpaloka).

Vấn: Tâm xuất thế nói về tâm của hạng người nào? Đáp: Nói về tâm của bực thánh.

Vấn: Thánh nhơn có mấy hạng? Đáp: Có bốn hạng: Tu-đà-huờn (sotāpanna), Tư-đà-hàm (sakidāgāmi), A-na-hàm (anāgāmi), A-la-hán (arahanta).

Vấn: Tâm xuất thế có mấy, tâm nào về hạng người nào? Đáp: Tâm xuất thế có 8: 4 thiện và 4 quả, chia theo hạng người như vầy. 1) Tu-đà-huờn đạo tâm (sotāpaṭṭimaggacitta) tâm hiệp theo đạo là cử chỉ tìm kiếm Niết-bàn của bực đã nhập lưu. 2) Tư-đà-hàm đạo tâm (sakidāgāmimaggacitta) tâm hiệp theo đạo là cử chỉ tìm kiếm Niết-bàn của bực còn thọ sanh làm người trong thế gian này một kiếp nữa. 3) A-na-hàm đạo tâm (anāgāmimaggacitta) tâm hiệp theo đạo là cử chỉ tìm kiếm Niết-bàn của bực không còn thọ sanh làm người trong thế gian này nữa. 4) A-la-hán đạo tâm (arahattamaggacitta) tâm hiệp theo đạo là cử chỉ tìm kiếm Niết-bàn của bực không còn làm tội trong nơi khuất lấp. 5) Tu-đà-huờn quả tâm (sotāpattiphalacitta) tâm hiệp theo quả tức là sự kết quả Niết-bàn của bực đã nhập lưu. 6) Tư-đà-hàm quả tâm (sakidāgāmiphalacitta) tâm hiệp theo quả tức là sự kết quả Niết-bàn của bực còn thọ sanh làm người trong thế gian này một lần nữa. 7) A-na-hàm quả tâm (anāgāmiphalacitta) tâm hiệp theo quả tức là sự kết quả Niết-bàn của bực không còn thọ sanh làm người nữa. 8) A-la-hán quả tâm (arahattaphalacitta) tâm hiệp theo quả tức là sự kết quả Niết-bàn của bực có cử chỉ không làm tội trong nơi khuất lấp.

Tám tâm xuất thế ấy, giải tóm tắt, nếu giảng rộng có đến 40 là chia theo ngũ thiền pañcakkanaya là: 5 tâm Tu-đà-huờn đạo, 5 tâm Tu-đà-huờn quả; 5 tâm Tư-đà-hàm đạo, 5 tâm Tư-đà-hàm quả; 5 tâm A-na-hàm đạo, 5 tâm A-na-hàm quả; 5 tâm A-la-hán đạo, 5 tâm A-la-hán quả.

Tâm xuất thế chỉ có tâm lành và tâm quả không có tâm hành. Tâm đạo là thiện, tâm quả là kết quả.

 

Vấn: Cái chi gọi là pháp? Cái chi gọi là đầu tiên? Cái chi gọi là nhập lưu? Đáp: Niết-bàn gọi là pháp, đạo gọi là đầu tiên, Bát thánh đạo gọi là nhập lưu.

Vấn: Vì sao gọi Niết-bàn là pháp? Đáp: Vì Niết-bàn là vô vi pháp, là pháp không có duyên tạo tác; Pháp trong chỗ này không phải là hữu vi pháp có duyên tạo tác đâu.

Vấn: Vì sao đạo gọi là mối đầu? Đáp: Vì các bậc vô lậu được chứng quả Niết-bàn, đều phải đắc đạo trước, bởi đạo nghĩa là sát hại phiền não, nên gọi đạo là mối đầu của Niết-bàn.

Vấn: Vì sao gọi Bát Thánh đạo là nhập lưu? Đáp: Bởi Bát thánh đạo là giòng nước chảy vào Niết-bàn, ví như nước chảy vào biển cả, hiệp theo Phật ngôn rằng: này các tỳ khưu! Nước của năm con sông lớn là: Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Malū, nước của năm sông lớn ấy hằng chảy vào đại hải thế nào, tỳ khưu nào tu tập theo Bát thánh đạo và ghi nhớ Bát Thánh đạo để trong lòng, tỳ khưu ấy được gọi là vói níu Niết-bàn, khuynh hướng về Niết-bàn, cũng như 5 con sông lớn chảy đến biển to vậy.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app