TÍCH VỀ PHÁP THÍCH HỢP (SAPPĀYA)
Cách chỉnh đốn thông tuệ đề mục cho duy trì được kiên cố chơn chánh, cần phải có pháp thích hợp, cần thiết, nếu thiếu sót thì khó được kết quả đến thông tuệ đề mục. Các pháp thích hợp đó sẽ làm cho hành giả được thực tiển tấn hóa dễ dàng.
Pháp thích hợp của chi thoogn tuệ đề mục có nhiều loại, đây chỉ giải về 4 chi trọng yếu mà đức Giáo chủ đã giảng thuyết: thực phẩm thích hợp, pháp thích hợp, tịnh thất thích hợp, người thích hợp. Nếu thiếu 1 trong 4 pháp thích hợp đó, thì khó được kết quả mỹ mãn, bằng có đều đủ, quả báo sẽ mau được thành tựu như ý nguyện.
Một thuở nọ, có nhóm tỳ khưu ngụ tại Kỳ Viên tịnh xá, tính đi vào rừng để hành pháp thiền định, bèn rủ nhau cả thảy được 60 vị, rồi dẫn lại từ giã đức Giáo chủ và cầu xin nghe pháp. Sau khi đã thọ giáo và sắp đặt xong, tất cả 60 vị ra khỏi tịnh xá. Trải qua châu này quận nọ, đến làng Mātikagāma. Sáng ra, các ngài đồng cùng nhau vào xóm khất thực. Có một bà đại phú gia trong làng đó, có đức tin, thấy bậc tu hành, có hạnh kiểm chơn chánh, liền phát tâm trong sạch, bà mới yêu cần thỉnh về nhà, dâng cúng trai tăng rồi bạch hỏi rằng:
‒ Bạch, các ngài mong mỏi đi đâu?
‒ Chúng tôi tìm nơi thích hợp để tu thiền.
Bà chủ làng Mātikagāma hiểu ngay rằng: chư tăng đây đi tìm nơi để nhập hạ, mong bổ túc pháp yên lặng chơn chánh. Bà bèn quý bạch rằng: “Nếu chư đại đức vừa lòng an trú trong làng này, cho đến ra hạ, tôi xin nguyện làm người hộ pháp và xin quy y thọ ngũ giới cùng bát quan trai giới nơi các ngài, nữa”. Chư tăng bàn cùng nhau rằng: “Nếu chúng ta được nương nơi tín nữ có đều đủ đức tin như vầy, thì không có sự khó khăn về vật dụng và được dịp tu hành giải thoát”. Đồng ý nhau rồi, bèn nhận lời thỉnh cầu. Bà chủ làng đó rất hài lòng, dạy người quét dọn phước xá cho sạch sẽ, vừa cho các bậc xuất gia cư trú cho các ngài được an cư nhập hạ theo ý muốn.
Khi chư sư đã ngụ được yên vui rồi, ngày nọ hội họp, tính cùng nhau rằng: “Các bạn thương yêu này, chúng ta chẳng nên cẩu thả, vì 8 đại địa ngục mở rộng chờ rước chúng ta, nếu sơ hốt, dể duôi chắc chắn chúng ta sẽ có sự ăn năn hối hận. Lại nữa, đề mục thiền định, chúng ta đã học nơi Đức Phật rồi. Lệ thường, Đức Phật không thương xót kẻ khoác lác, khoe khoan, dầu có cố gắng theo dõi bên chân Ngài cũng vô ích. Ngài chỉ tế độ người thực hành chánh pháp thôi. Vậy chúng ta chẳng nên hờ hững, hãy chú tâm chuyên cần, bổ sung Sa-môn pháp”. Một vị khác đề khởi rằng: “Chúng ta nên hành thế nào?” Vị nữa đề nghị: “Phải hành như vầy mới thanh cao. Chúng ta phải tách nhau, ở riêng một mình, chẳng nên nằm, ngồi, đứng, đi chung cùng nhau, dù là hai người trở lên, vì khi gặp nhau thường hay luận bàn những chuyện vô ích, phần nhiều là nói lời sang đàng, mất thì giờ hành đạo, chúng ta nên gặp nhau trong khi cần thiết, nhất là lúc đau ốm thôi. Vậy chúng ta lập quy tắc như vầy: từ đây chỉ gặp nhau trong: thời buổi sáng – chiều mát; thời đi khất thực; thời các bạn có bịnh. Ngoài ra nên tránh, ngụ trong rừng, bổ túc thông tuệ đề mục một mình, chẳng nên ở chung hai người trong một chỗ, trừ ra khi có bịnh phải tựu hội lại để săn sóc nhau”. Sau khi đã đồng ý nhau, tất cả 60 vị đều ngụ riêng một mình trong nơi thanh vắng, là phương pháp tu hành rất chơn chánh.
Ngày nọ, bà tín nữ vào phước xá, trong buổi chiều, cho người đem các thuốc ngừa bịnh, nhất là nước thốt nốt, đường, nước mía để dâng đến chư sư. Thấy phước xá vắng tanh, trống không chẳng có một vị đại đức nào, bà ngạc nhiên, bèn hỏi người giữ phước xá, họ thưa rằng: “Chư đại đức đi ngụ trong rừng, mỗi vị mỗi nơi riêng biệt”.
‒ Làm thế nào mới gặp các ngài được?
‒ Thưa bà, không khó, cho người đánh kiểng thì các ngài sẽ tựu hội tại đây.
Bà tín nữ nghe lời, liền dạy người đánh kiểng, chư đại đức khi nghe tiếng kiểng, cho rằng có bạn tỳ khưu nào bệnh, nên lập tức tựu hội tại phước xá. Bà tín nữ thấy mỗi vị riêng đường mà đến, bà lấy làm kinh ngạc, nghĩ rằng: “Có lẽ chư sư đã chắc chắn cãi cọ nhau, hoặc bất bình”. Khi chư tăng đã vào ngồi yên trong phước xá, bà bèn đem dâng cúng thuốc ngừa bịnh, các ngài thọ đều đủ rồi, bà Mātā mới bạch hỏi rằng: tôi xin lỗi chư đại đức, vì làm cho các ngài nghe kiểng mà phải đến trong nơi dây và tôi có tâm hồ nghi rằng: có lẽ chư đại đức có điều chi không vừa lòng, hoặc bất bình cùng nhau, nên mỗi vị ở riêng mỗi nơi. Ngài đại đức trưởng giải cho bà chủ Mātā hiểu rõ, do chư sư đồng ý muốn thực hành pháp thông tuệ đề mục cho bà hết nghi. Bà chủ Mātā bạch rằng:
‒ Đề mục đó chỉ để riêng cho chư đại đức hành, chúng tôi là hàng phụ nữ có thể tu được chăng?
‒ Bà có đức tin hành theo cũng được, pháp của đức Thế Tôn không chọn chủng tộc, bất phân giai cấp, người nào có đức tin trong sạch rồi, đều thực hành được cả.
“Sādhu”, bà đại tín nữ tỏ lời hoan hỷ, rồi xin học đề mục, nơi chư đại đức. Trước hết học 32 bộ phận thân thể, quán tưởng sự tiêu hoại của ngũ uẩn, cho đến đều đủ mọi lẽ. Tiếp theo, bà đại tín nữ, cần chuyên hành đề mục đã học được, không bao lâu bà đạt đến đạo quả là A-na-hàm, đắc 4 pháp phân tích và lục thông nữa, trước chư tỳ khưu.
Khi bà đại tín nữ đó đã đắc Thánh đạo thánh quả rồi, mới xem xét các tỳ khưu, bằng nhãn thông rằng: “Chư đại đức của mình đã đắc đạo quả bậc nào rồi?”, liền hiểu rằng chưa có vị nào đắc cả, cho đến nhập định cũng chưa được, rồi điều tra thêm nữa, biết rằng: tất cả đại đức đều có duyên lành đạt đến A-la-hán quả, song, do cớ nào, lại không đắc đạo quả tối cao? Bà đại tín nữ mới tìm thêm cho thấy rõ các điều chướng ngại trong:
- Senāsanasappāya: chỗ ở thích hợp, vừa được yên vui chăng? Bà hiểu rằng: vừa rồi, chỗ ngụ được thích hợp chơn chánh rồi.
- Dhammasappāya: pháp, tức là đề mục thiền định đang thực hành là điều thích hợp, nghĩa là vừa đủ điều kiện chăng? Bà cũng hiểu rằng: pháp là điều thích hợp chơn chánh rồi.
- Puggalasappāya: người, tức là vị sư hoặc bạn tu hành cùng nhau có thích hợp, là vừa với khí chất, chăng? Hay là trái nghịch nhau, có sự mong mỏi tốt đẹp với nhau chăng? Bà cũng rõ rằng: người cũng là nơi thích hợp chơn chánh rồi.
- Āhārasappāya: thực phẩm vừa đến bậc xuất gia dùng, vừa đến hành giả, để duy trì thân thể, cho có sức khỏe, vừa với sự hành đạo, là điều thích hợp, đều đủ chăng? Bà cũng hiểu rằng: còn chưa thích hợp, chưa vừa đều đủ.
Cách chỉnh đốn của sự tiến triển thông tuệ đề mục, sẵn dành cho chư tăng đây, không thích đáng, trở ngại trong sự thực hành thông tuệ đề mục. Vì, bất kỳ là trong việc nào, nếu thực phẩm không đều đủ, là điều chướng ngại, làm cho công việc phải khó khăn hoặc chậm trễ.
Khi bà đại tín nữ được hiểu bằng nhãn thông như vậy, sáng ra bà sốt sắng dạy người lo sắp đặt thực phẩm có nhiều vị khác nhau, cho vừa miệng mỗi ngài, vừa khí chất của chư tỳ khưu, rồi đem đến phước xá, khoản đãi tất cả tỳ khưu và yêu cầu rằng: chư đại đức vừa thực phẩm nào xin chọn dùng theo khí chất, rồi từ đó bà lo dọn thực phẩm vừa theo tính chất của các ngài, cho người đem dâng cúng theo thời.
Khi chư tỳ khưu được đều đủ 4 điều thích hợp rồi, hành thiền trong ba tháng hạ, đều đạt đến A-la-hán quả, đủ cả 60 vị. Các ngài nhớ tưởng đến đức của bà đại tín nữ rất nhiều rằng: “Đáng đền đáp. Bà đại tín nữ này tốt phi thường, làm cho thân bà trở thành nơi nương nhờ của chúng ta để đạt đến thánh quả tối cao, nếu chúng ta ở một mình, khổ vì thiếu thực phẩm, ắt sẽ hư hỏng đạo quả, đáng mong mỏi, chắc chắn”.
Đến kỳ ra hạ, bèn tính cùng nhau đi lễ Phật, rồi dọn dẹp chỗ ngụ cho có trật tự, đều nhau từ giã bà đại tín nữ trong làng. Bà đại tín nữ Mātā đi đưa đến trước nhà, bạch, tỏ nhiều lời đáng cảm hoài, đến tiếng cuối cùng rằng: “Nếu có thì giờ, cầu xin thỉnh chư đại đức đến thăm tôi”.
Chư tỳ khưu về đến kinh đô Savaṭṭhi rồi vào đảnh lễ đức Giáo chủ, bạch tường thuật sự bổ túc thông tuệ đề mục cho đến khi được kết quả, cho ngài rõ đều đủ, dù là sự được bà đại tín nữ khuyến khích chơn chánh cũng bạch hết cho Phật chuyển nhượng phúc báu (anumodāna). Trong lúc đó, thầy tỳ khưu Cittagutta cũng vào ngồi nghe 60 vị tỳ khưu bạch cho Phật hay về lòng tốt phi thường của bà đại tín nữ Mātā cả và đức tha tâm thông của bà biết hộ bậc tu hành vừa theo khẩu dục. Càng nghe càng thỏa thích, thầy nghĩ rằng: “Nếu quả như vậy, ta cũng nên tìm đến đó để hành đạo, đừng bỏ qua dịp tốt”. Rồi quì bạch xin học đề mục thiền định nơi đức Giáo chủ, xong, xin từ giã đi một mình đến làng bà đại tín nữ Mātā.
Khi vào đến phước xá. Ngài Cittagutta nghĩ rằng: có tin đồn rằng bà đại tín nữ Mātā làng này có tha tâm thông, ngày nay ta đi đường xa rất mỏi mệt, nếu phải quét dọn tịnh thất nữa, ắt sẽ thêm sự mệt nhọc, làm thế nào há! Bà đại tín nữ cho người đến tiếp giúp quét dọn phước xá cho ta với”. Bà đại tín nữ, ở nhà, rõ biết tâm suy nghĩ của đức Cittagutta, bèn sai người đến quét dọn phước xá, theo ý muốn của ngài. Đức Cittagutta khát nước, vì sự mỏi mệt đi đường, rồi nghĩ rằng: “Thế nào, ta được nước hòa tan với nước thốt nốt, chanh, để giải khát”. Bà tín nữ cũng cho người đem tới dâng theo ý muốn. Đức Cittagutta nghĩ nữa rằng: “Sáng này, xin cho bà tín nữ dâng cháo, cơm, đồ nấu cho vừa miệng”. Bà tín nữ cũng bảo người ở đem thực phẩm dâng như ý nguyện. Ngài Cittagutta dùng cháo rồi nghĩ nữa rằng: “Ta mong dùng các món nhai ăn, xin cho bà tín nữ gởi đến”. Bà chủ Mātā cũng gởi đến dâng ngài Cittagutta, như ngài đã tưởng nghĩ. Đại Đức Cittagutta muốn vật chi, bà Mātā cũng tinh tấn gởi dâng món đó. Ngài không nghĩ tới, thì bà tín nữ cũng không cho người đem dâng. Bà tín nữ muốn biết, coi các bậc thinh văn của Đức Thế Tôn nghĩ tưởng đến đâu. Trong nơi cuối cùng, Đức Cittagutta muốn biết rõ bà Mātā, nghĩ rằng: “Tín nữ này tính tốt phi thường, có đức tin, có nước tâm tốt, dạy người đem những vật cần dùng đến dâng vừa ý muốn đều đủ, thế nào há, ta sẽ gặp tín nữ, xin cho tín nữ đến gặp ta, cả và người đem thực phẩm ngọt ngon đến dâng nữa”. Bà tín nữ nghĩ rằng: “Nay ngài đại đức cần thấy ta, mong cho ta đến phước xá”, bèn dạy người đem thực phẩm có hương vị theo bà đến phước xá, dâng cúng đến ngài Cittagutta. Đức Cittagutta hỏi rằng: “Cô đại tín nữ, cô là Mātā của làng này phải chăng?”
‒ Phải rồi, Ngài.
‒ Cô biết tâm của kẻ khác được chăng?
‒ Bạch ngài hỏi làm gì?
‒ Vì thấy cô sắp đặt làm các món đủ thứ, cho người đem dâng cúng, theo ý muốn được, atmā mới hỏi.
‒ Bạch, những bậc tu hành cũng rõ biết tâm người vậy.
‒ Atmā không hỏi đến kẻ khác, chỉ cần hỏi ngay một mình cô thôi.
‒ Bà tín nữ đáp lời tránh khéo rằng: “Bạch Ngài, lệ thường người có tha tâm thông, tự nhiên, làm được như vậy, Ngài”
Đức Cittagutta nghĩ xa rằng: điều này rất xấu xa. Lẽ thường phàm nhơn, tự nhiên, nghĩ tưởng điều này, lẽ nọ, nhất là hay tính suy về đường tội lỗi không ngừng nghỉ. Bà tín nữ này sẽ làm cho ta hư mình, như bắt kẻ trộm giữa tòa án. Vậy ta nên mau trốn lánh cho khỏi, tốt hơn. Định rồi, bèn tỏ lời từ giã Bà tín nữ Mātā rằng: “Xin cho cô tín nữ hãy được yên vui, Atmā xin từ giã”.
‒ Ngài đi đâu?
‒ Đi đảnh lễ đức Giáo chủ.
‒ Nếu tiện xin thỉnh Ngài trở lại nữa, xin yêu cầu trước.
‒ Atmā ở không được, xin cho Atmā đi khỏi nơi này.
Đức Cittagutta nói vừa dứt lời, bèn đứng dậy đi liền, quay mặt ngay chùa Kỳ Viên. Về đến bèn vào hầu Phật, Đức Giáo chủ hỏi rằng: “Cittagutta, cớ sao ngươi vội trở về, không ở đó”.
‒ Không có thể ở được, bạch Phật.
‒ Do cớ nào, Cittagutta?
Đức Cittagutta bạch rằng: “Tín nữ chủ làng đó, người tốt phi thường thiệt, theo lời nói của 60 vị tỳ khưu đã bạch. Bạch Phật, tôi nghĩ điều chi, cô tín nữ đều biết cả. Tính rằng: tôi nghĩ quấy cũng có, cô tín nữ cũng rõ, làm cho tôi mất giá trị, như họ nắm đầu kẻ trộm có đồ quả tang. Cớ đó, tôi ở không được, phải trở về.
‒ Cittagutta, người ở trong nơi đó đi. Phật khuyến khích bằng lời từ bi.
‒ Bạch Phật, tôi phải ráng hết sức mình.
‒ Nếu như vậy, ngươi nên gìn giữ một cái, được chăng Cittagutta?
‒ Bạch Phật, gìn giữ cái chi?
‒ Tâm, chỉ gìn giữ một cái tâm của ngươi thôi phải gắng gìn giữ. Đức Phật chỉ giáo thêm nữa rằng: Cittagutta, tâm sanh diệt mau lẹ, phần nhiều buông thả theo sự mong mỏi, nếu luyện tập được là điều rất chơn chánh. Tâm được dạy dỗ chơn chánh rồi, sẽ đem điều yên vui đến cho”.
Khi Phật khuyến khích thầy Cittagutta cho phát đức tin kiên cố, trong sự tu tập, theo nẻo thông tuệ đề mục chơn chánh rồi phán rằng: “Đi, đi, Cittagutta, đi ngụ trong nơi đó, là chỗ có đủ điều thích hợp, đáng đến sự thực hành của ngươi, hãy cố gắng tiến triển đề mục, đừng nghĩ tưởng điều cho ở ngoài”.
Đức Cittagutta thọ giáo rồi, lại từ giã đức giáo chủ trở lại làng Mātā nữa. Bà tín nữ Mātā ngồi nghỉ trong nhà, vừa thấy đức Cittagutta đi đến phước xá, bà hiểu rõ, biết ngay rằng: Ông sư của mình đã có hạnh kiểm chơn chánh, được thọ chánh giáo, chú tâm đến chơn chánh, nay đi đến rồi, bằng sự tấn hóa. Bà tín nữ hết lòng hoan hỷ, dạy người lo thực phẩm dâng đến vị đại đức Cittagutta mãi mãi. Cho đến những việc khác, bà tín nữ cũng sốt sắng không bỏ qua. Bà thường lo cho ngài hằng được yên vui trong 4 vật dụng đều đủ.
Đức Cittagutta được thực phẩm thích hợp, bèn chuyên cần hành đạo thông tuệ đề mục, không lâu, đạt đến A-la-hán quả theo ý nguyện, nhờ nương ngụ trong nơi có đủ điều thích hợp tại làng Mātā như vậy.
‒ Dứt tác phẩm Đường đi Niết-bàn (Pl. 2500 – Dl.1956-57) ‒
[1] Do đó mà lại, tức là từ nghiệp mà sanh.
[2] Thực tiễn: như thực hành.
[3] Hoang tâm: là tâm không nhìn nhận, bỏ hoang.