ĐƯỜNG ĐI NIẾT-BÀN

I.           Người nào biết rõ

Thuở Phật thời, có 500 vị tỳ khưu trải đi trong các địa phương, tùy tùng Đức Thế Tôn, rồi trở về Kỳ Viên tịnh xá. Có một buổi nọ, các tỳ khưu đó tựu hội trong một phước xá đàm luận cùng nhau về mặt đất mà mỗi ngài đã đi gặp, thấy rằng: từ xóm này đến làng nọ, mặt đất bằng phẳng, từ chỗ kia đến nơi đây gồ ghề, từ quận kia đến châu nọ có nhiều bùn lầy, có nhiều sỏi sạn, có nhiều đất đen và đất đỏ. Đức giáo chủ chúng ta phán hỏi và khi đã rõ câu chuyện của chư tỳ khưu bàn cãi về mặt đất, Ngài mới giảng rằng: Các tỳ khưu này! Đó là đất phía ngoài. Sự dò xét, điều tra mặt đất phía ngoài, không phải là đạo giải thoát, chắc chắn. Các người nên quan tâm xem xét đất bên trong. Sự quán tưởng đất bên trong là con đường thoát ly khổ hải, hẳn thật, rồi Ngài thuyết những Phật ngôn như vầy: “Ko imaṃ paṭhavī vijessati, yāmalokañca imaṃ sadevakaṃ, ko dhammapadaṃ sudesitam, kusalo pupphamiva pacessati, sekho paṭhavī vijessati, yāmalokañca imaṃ sadevakaṃ, sekho dhammapadaṃ sudesitam, kusalo pupphamiva pacessati ‒ Người nào sẽ biết rõ mặt đất đó, người nào sẽ hiểu rõ âm phủ với thế gian này cả và thiên đường, người nào sẽ chọn lựa pháp cú mà Như Lai đã giảng giải chơn chánh rồi, như kẻ trần thiết hoa, sáng trí biết tuyển hoa vậy. Bậc hữu học sẽ biết rõ mặt đất ấy, bậc hữu học sẽ biết rõ âm phủ, nhân gian này cả và thiên đàng. Bậc hữu học sẽ biết chọn pháp cú mà Như lai đã giải chơn chánh rồi như kẻ trần thiết hoa, sáng trí biết lựa hoa vậy”.

Chú thích. Tiếng “mặt đất đó” tức là thân thể này, là nói về ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Tiếng “âm phủ” tức là 4 ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, cầm thú, a-tu-la). Tiếng “thế gian này” tức là cõi người. Tiếng “thiên đàng” nói về 26 cõi trời (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc). Tiếng “bậc hữu học” nói về 7 bậc thánh nhơn (từ Tu-đà-huờn đến A-la-hán đạo). Tiếng “sẽ biết rõ” là 7 bậc thánh nhơn đó sẽ rõ ngũ uẩn, 4 ác đạo, thế gian này và 26 cõi trời. Tiếng “pháp cú” (dhammapada) nói về 37 phần pháp (bodhipakkhiyadhamma): tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo. Tiếng “đã giải chân chánh rồi” nói về 37 phần pháp bồ đề mà đức Chánh Biến Tri đã giảng thuyết theo trạng thái chơn lý của pháp đó. Tiếng “sẽ chọn” nói về 7 bậc thánh nhơn đó sẽ tuyển, nghĩa là sẽ làm cho rõ 37 phần pháp bồ đề bằng trí tuệ, cũng như người trần thiết hoa, sáng trí lựa chọn hoa vậy. Trong thời đức Chánh Biến Tri thuyết pháp đó, tất cả 500 vị tỳ khưu không sơ-hốt, cần mẫn, tiến triển “quán đề mục” theo thánh huấn của Đức Phật, chư tỳ khưu đó đều đắc A-la-hán quả cả và 4 “phân tích trực giác” (4 paṭisambhidāñāṇa).

 

  1. Đường đi Niết-bàn

Tiếng “đường” có hai nghĩa là: pakaṭimaggo: Thông thường đạo tức là đường bộ và đường thủy; paṭipadāmaggo: hướng dẫn đạo tức là đường dìu dắt làm tội hoặc làm phước, là nói về nghiệp, thân, khẩu, ý.

Hướng dẫn đạo chia ra làm 5 nẻo: 1) nẻo đi đến 4 ác đạo, chỉ về sự phá giới hoặc thập ác nghiệp, nhất là tham, sân, si; 2) nẻo nhân đạo, tức là đường người (nói về ngũ giới hoặc thập thiện nghiệp); 3) nẻo đi đến 6 cõi dục thiên, tức là 8 đại thiện tâm, hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, bố thí, trì giới v.v…; 4)nẻo đi đến 20 cõi Phạm thiên, tức là sự thực hành 1 trong 40 đề mục thiền định (10 đề phiến tròn (kasiṇa), 10 đề tử thi, 10 đề niệm, 4 đề bậc đại nhơn, 1 đề thực phẩm ô trọc tưởng, 1 tứ đại phân biện và 4 đề vô sắc); 5) nẻo đi đến Niết-bàn, tức là thông tuệ đại lợi pháp là sắc và danh.

Trong 5 nẻo đó, lối đi thứ 5 là đạo trầm tĩnh, là pháp mong mỏi trong nơi đây. Hơn nữa, gọi là ekāyamagga có nhiều nghĩa như dưới đây: vì là một đường, chẳng phải nẻo rẽ hai; vì là đường đi một người, là lánh xa đảng phái, tìm ngụ trong nơi thanh vắng chỉ thực hành một mình; vì là nơi đi của bậc tối cao, tức là đức Chánh đẳng Chánh giác, do Ngài đã tự mình khám phá được; vì chỉ là một lối đi có trong Phật giáo thôi; vì chỉ đi đến trong một nơi tức là Niết-bàn, như có Phật ngôn rằng: Cattāro me bhikkhave satipaṭṭhānā bhāvitā bahulīkatā ekantanibbidāya virāgāya nirodhāya upasamāya abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattati ‒ Các tỳ khưu này! Tứ niệm xứ này mà người đã tiến triển đều đủ rồi, tự nhiên làm cho sanh sự chán ngán hao mòn, tình dục, tiêu diệt, yên lặng, thông hiểu phi thường và sự giác ngộ Niết-bàn.

Seyyathāpi bhikkhave gaṅgānadī pācinaninnā pācīnapoṇā pācinapabbhārā evamevakho bhikkhave cattāro satipaṭṭhāne bhāvento satipaṭṭhāne bahulīkaronto nibbānanino hoti nibbānapoṇo nibbānapabbhāro ‒ Các tỳ khưu này! Sông Ganga tự nhiên chảy liên tiếp mau lẹ đến hướng đông thế nào, tỳ khưu thi hành pháp Tứ niệm xứ đều đủ rồi, tự nhiên, chiều đi, nghiêng đi, nhô đi đến Niết-bàn, như thế đó.

  • Vấn – đáp

Vấn:           Ngũ uẩn hiện tại tóm tắt là sắc pháp, danh pháp đó, sanh trong nơi nào, lúc nào và diệt trong nơi nào, lúc nào?

Đáp:           Sanh nơi lục nhập nội (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) và nơi lục nhập ngoại (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp – giới). Trong khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi hửi mùi, lưỡi nếm vị, thân đụng chạm, ý suy nghĩ pháp giới và diệt đồng thời với sanh, sanh rồi diệt rất mau lẹ.

Vấn:           Tham, sân, si, sanh nơi nào, lúc nào?

Đáp: Sanh nơi lục nhập nội và lục nhập ngoại đó, sanh khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi hửi mùi, lưỡi nếm vị, thân đụng chạm, tâm suy nghĩ pháp giới như: mắt thấy sắc vui lòng là tham, không đẹp ý là sân, không có trí nhớ phân biệt biết sắc theo chân lý là si, dầu là trong thời nghe tiếng cũng như nhau.

Vấn:           Khi tham, sân, si, chưa sanh con người thoát khỏi 4 ác đạo chăng, vì cớ nào?

Đáp: Không! Vì chẳng có cái chi bảo hộ được.

Vấn:           Như vậy làm thế nào mới thoát ly ác đạo được?

Đáp:           Phải theo nẻo đi đến Niết-bàn mới có thể khỏi hẳn được.

Vấn:           Đường đi đến Niết-bàn là cái chi?

Đáp: Tức là tu pháp Tứ niệm xứ, phương pháp thông tuệ đề mục, nghĩa là thân quán (kāyānupassanā), thọ quán (vedanānupassanā), tâm quán (cittānupassanā), pháp quán (dhammānupassanā).

Vấn:           Đức Phật thuyết con đường đi đến Niết-bàn đó thế nào? Có nguyên nhân làm sao?

Đáp:           Thuở Phật thời, Ngài ngự tại quận kammāsadhammanigāma xứ Kuru Ngài phán với thính giả xứ Kuru là nguyên nhân, rồi Ngài thuyết về phương pháp hành Tứ niệm xứ, như sẽ giải tóm tắt dưới đây:

Dân cư xứ Kuru cả và tỳ khưu, tỳ khưu ni, thiện nam, tín nữ có khả năng nghe được pháp vi tế, vì có khí hậu, thực phẩm yên vui, có thân thể và tâm trí vừa hợp. Do thấy nguyên nhân đó, Đức Phật mới thuyết Đại Niệm Xứ kinh, có ý nghĩa thậm thâm ví như người được vàng rồi đóng 8 món báu vào hộp vậy. Đức Phật vừa cảm hóa được đoàn bộ hạ xứ Kuru rồi, Ngài liền giảng thời pháp sâu xa vi tế tức là Tứ niệm xứ đó.

Bình thường đoàn dân xứ Kuru khuyên nhau tiến hành pháp Tứ niệm xứ, cho đến kẻ tôi tớ cũng hay luận đạo Tứ niệm xứ ở nơi bến nước, các chỗ làm việc … thường luận bàn về pháp Tứ niệm xứ. Khi phụ nữ nào hỏi: cô có tu đề mục niệm xứ nào chăng? – Nếu đáp: không, thì phần đông xúm xít chê trách rằng: dù cô là người còn sống, song cũng như đã chết, rồi khuyên bảo không cho sơ hốt, khuyến khích cho thực hành một pháp niệm xứ nào. Nếu cô nào đáp rằng đã có thi hành rồi, phần đông đều chúc tụng hoan hô 3 bận: Đúng rồi! Nhằm rồi? Chơn chánh rồi! Và khen rằng: tánh mạng của cô rất quý báu, gọi là đạt đến chơn lý – Đức Phật giáng sinh trong đời cho điều lợi ích đến người, thật như vậy.

Do nguyên nhân như đã giải đó, chúng ta được gặp Phật giáo rồi đáng cho chúng ta đồng tâm tu Phật, để tránh khổ trong ác đạo, không vô ích, nếu có phước duyên đều đủ, có thể đạt đạo quả vừa với đặc tính của mình, như Phật ngôn, nhất là như vầy: Ekadhammo bhikkhave bhāvito bahulīkato sotāpattiphalasacchikiriyāya saṃvattati sakadāmiphalasacchikiriyāya saṃvattati ‒ Các tỳ khưu này! Chỉ có một pháp mà người đã tiến triển rồi, thực hành rồi, làm đều đủ rồi, tự nhiên có thể làm cho rõ Tu-đà-huờn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả. Pháp duy nhất đó là cái chi? Là Thân quán niệm xứ …

Amataṃte bhikhave na paribhuñjanti ye kāyagatāsati na paribhuñjanti amataṇte bhikkhave paribhuñjanti ye kāyagatāsati paribhuñjanti… ‒ Các tỳ khưu này! Những kẻ nào không tiến triển pháp niệm thân, các hạng đó không được thọ hưởng bất diệt pháp. Những người nào thật hành pháp niệm thân, các hạng đó được thọ hưởng bất diệt pháp, nhất là như vậy.

Vấn:           Bậc hành giả sơ cơ nên hành phương pháp nào?

Đáp: Nên thông hiểu pháp hành sau này:

  • Ba điều mà hành giả không nên bỏ qua được là: upanissaya: nương với vị thiền sư có khả năng; ārakkha: giữ gìn lục căn cho đều đủ; upanibaddha: buộc tâm để trong Tứ niệm xứ.
  • Nhiệm vụ hành giả nên làm: có sự cần mẫn đủ 4 chi, chú tâm vững chắc rằng nếu không đạt pháp cao quý, do mãnh lực kiên cố thì chẳng ngã lòng thối chuyển, dầu là máu thịt khô khan, chỉ còn những da, gân, xương, tủy, ta cũng vẫn tiến hành để đạt đạo quả Niết-bàn; thận trọng nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; mỗi khi làm việc gì như đứng, đi, ngồi, nằm, phải làm chậm chậm; trong thời cử động oai nghi phải có 3 đức tính ta phải: có sự cẩn thận, có trí nhớ, có tri giác. Nhớ biết đồng nhau, như hành giả đi kinh hành cần phân biệt, không thấy đến sự ngủ ít oi, gọi là có sự siêng năng: trong mỗi bước đi phải có trí nhớ nghĩ trước, gọi là có trí nhớ; khi đi từ từ cũng biết rõ, gọi là có tri giác
  • Những điều hành giả nên chừa cải: kammārāmatā: ham mê trong các công việc, nhất là viết, xem, đọc kinh …; niddārāmatā: ham mê chỉ thấy sự ngủ, nghĩa là ngủ nhiều, siêng ít (hành giả ngủ nhiều lắm là 4 tiếng đồng hồ trong mỗi ngày); bhassārāmatā: ham mê trong sự gặp gỡ nhau, tìm bạn chuyện trò, nói lời vô ích, không chú tâm phân biệt; saṅgaṇikārāmatā: vừa lòng trong sự lẫn lộn vào đám đông, không chịu ẩn tu một mình; aguttadvāratā: không thận trọng 6 cửa cho chơn chánh; bhojane amattaññutā: không tiết độ trong thực phẩm, tức là ăn nhiều (còn 5 miếng nữa sẽ no, phải nên ngừng không ăn nữa, gọi là ăn vừa phải); yaṭṭhāvimuttaṃ na paccavekkhati: tâm bắt cảnh giới nào không phân biệt trong cảnh giới đó, hoặc tâm phóng bằng trạng thái nào, không phân biệt, biết trạng thái đó.
  • Khi tâm đã định chơn chánh rồi, phải đi kinh hành lối một tiếng đồng hồ, tiếp theo, phải ngồi thiền phân biệt cho gia bội, từ một đến nhiều giờ, tùy khả năng của tâm định.
  • Chú tâm chống đỡ đức tin và trí tuệ tinh tấn và thiền định cho thực hành đồng nhau. Nếu đức tin nhiều thái quá, thiền định non, thì sẽ bị phóng tâm đè nén, (như khi phân biệt rằng ‘phồng lên à’ – ‘xẹp xuống à’ – ‘ngồi à’ – ‘đứng à’ – đến đoạn phải phân biệt, phân biệt không kịp, cần phải cố gắng chủ ý cho kịp, như nói: tinh tấn thái quá thì phóng tâm sẽ sanh; nếu thiền định thái quá mà tinh tấn ít thì sanh hôn trầm; đức tin nhiều, trí tuệ kém thì tham lam vào đè nén; trí tuệ đa, đức tin thiểu thì sanh nghi. Phải chống đỡ trí nhớ ở bậc trung để ngăn sự thái quá, bổ túc điều thiếu kém, làm cho đồng nhau, như xa phu chờ xem cặp ngựa chạy cho đều nhau, như vậy.
  • Phương pháp làm cho ngũ căn điều hòa: trong thời đi kinh hành, hãy đi chậm chậm, phân biệt cho được hiện tại mỗi thời, mắt xem bàn chân, chớ nên thờ ơ; chỉ xem chung quanh xa lối 4 hắc, nếu đi kinh hành không cẩu thả, giờ ngồi sẽ đắc định, sẽ thấy rõ chân lý.
  • Làm cho trí nhớ dính với nhau như sợi chỉ: như nghỉ đi, rồi ngồi phân biệt không cho trí nhớ đứt đoạn, làm cho chậm chậm, đừng gấp rút.

Vấn: Trước khi vào ngồi phải làm cái chi?

Đáp: Có nhiều điều như dưới đây:

  • Trước hết phải dọn mình để vào hành thông tuệ đề mục: sau khi được phép nhận cho của vị thiền sư; phải quét dọn ‘cốc’ cho sạch sẽ; phải sắp đặt các vật dụng (giường, gối v.v… cho có trật tự).
  • Dứt bỏ mười điều bận lòng: 1) āvāsa: tức là chỗ ngụ, nếu là bậc xuất gia chẳng nên tạo lập thất, chùa … và cất giữ vật dụng, còn phần cư sĩ phải xa gia đình ràng buộc là nguyên nhân làm cho tâm khó định; 2) kūla: tức là bận vì thân quyến hay tín đồ (bậc xuất gia thường hay bận vì tín đồ, vì đảng phái, vì sự giao thiệp với khách đến chùa; bậc cư sĩ bận quyến luyến cha mẹ, con cháu, bằng hữu); 3) lābha: tức là 4 món vật dụng, tụng kinh chú nguyện, tiếp khách (phần cư sĩ bận vì sự sanh nhai); 4) gaṇa: bận vì sự hộ trợ trong sự học hành, luật pháp của chư sư và thiện tín (phần cư sĩ bận vì bậu bạn v.v…); 5) kamma: tức là sự tạo lập trong chùa (mua sắm vật liệu, bố cáo cho thí chủ hay, để tạo phước); 6) addhāno: bận vì đi đường xa; 7)ñāti: bận vì nuôi thân quyến; 8) ābādha: bận vì chữa bệnh cho mình; 9) gantha: bận vì sự học tam tạng; 10) iddhi: bận vì lo gìn giữ thần thông.
  • Cần phải lựa chọn chỗ ngụ vừa với sự hành đạo: 1) nātidūraṃ naccāsannaṃ gamanāgamanasampannaṃ: chỗ không xa lắm, không gần lắm, dễ bề đi lại (từ 1000 thước đến 4000 thước); 2) dīvā appākiṇṇam rattiṃ appasaddaṃ appanigghosaṃ: ban ngày có ít người tới lui, ban đêm thanh vắng, ít nghe tiếng; 3) appadaṃsamakasavātā tipasirīṇsapasamphassaṃ: ít có gió, nắng, ruồi, muỗi, mòng, rắn rít, làm cho mình phải lo ngại; 4) tasmiṃ kho panasenāsane viharantassa akasireneva uppajjanti: hành giả nên ngụ trong nơi có 4 vật dụng (y, thực phẩm, thất, thuốc ngừa bệnh) là vật dễ tìm, không khó khăn; 5) trong nơi có vị sư bác học, thông rõ pháp luật, hạnh kiểm trang nghiêm rất tiện lợi cho hành giả nương nhờ, trong sự thực hành chánh pháp.
  • Phải lựa chọn thiền sư chơn chánh.

Tiếng thiền sư có nhiều ý nghĩa: 1) Có nghĩa: bổ túc điều lợi ích cho trò như câu: sissānaṃ hitaṃ ācāratīti ācāriyo: người nào bổ sung điều lợi ích cho các trò, người đó gọi là sư; 2) Có nghĩa: người mà trò nên hành theo và đáng cho trò tôn kính, phụng sự như câu: ādarena caritabbo upaṭṭhātabboti ācariyo: người mà các trò nên hành theo và đáng phụng sự tôn kính, người đó gọi là sư; 3) Có 3 nghĩa là người làm lợi ích đến trò bằng cách: dìu dắt, dạy bảo cho biết điều lợi ích hiện tại, lợi ích vị lai và đại lợi ích, tức là Niết-bàn, người đó gọi là sư. 4) Có nghĩa là những người mà trò hiến thân, phó thác tánh mạng, rồi trò nên tôn kính, tin, nghe lời giáo huấn và nên phụng sự từ thủy chí chung, như câu: adito paṭṭhāya caritabbo upaṭṭhā tabboti ācariyo: người đã phó thác tánh mạng là trò rồi, nên tin giáo huấn, vâng lời theo và phụng sự từ thủy chí chung, người đó gọi là sư.

Tóm tắt tiếng sư đó có nghĩa là người làm điều lợi ích đến trò, người mà trò nên tin tưởng, vâng lời, sẵn lòng hành theo, người dìu dắt dạy bảo cho trò rõ sự lợi ích hiện tại, vị lai và lợi ích tối cao là Niết-bàn, người mà trò nên thành tâm thọ trì lời dạy bảo, không thối chuyển.

Bậc sư chỉ tìm sự lợi ích cho trò và phải gồm có đức tánh như đã giải trong Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga): Piyo garubhāvanīyo vattā ca vaccanakkhamo gambhīrañca kathaṃ kattā no caṭṭhāne niyojako. Nghĩa là:

  • Piyo: người có giới, là nơi thương yêu, là nơi thân thiết của chúng sanh, là người gồm có giới đều đủ.
  • Garu: là người có tâm kiên cố, đáng tôn trọng, hoan nghinh cao quý.
  • Bhāvanīyo: người đã tự hóa chơn chánh trong sự học hỏi và thực hành nghiêm trì giới luật, đáng ngợi khen và nên cúng dường bằng cách cao thượng.
  • Vattā: là người có khả năng chỉ rõ nẻo tu hành chơn chánh.
  • Vaccanakkhamo: người có lòng nhẫn nại đối với sự dìu dắt, chỉ dạy các trò không nản lòng, cùng làm cho trò đẹp ý theo đường tu tập và nhịn nín đối với lời vi phạm của trò và kẻ khác, không xao động vì điều vừa lòng hoặc không đẹp ý.
  • Gambhīrañca kathaṃ kattā: có khả năng thuyết pháp thông tuệ và cách dập tắt, có pháp tri túc cho hành giả vừa lòng, là có thể giảng giải ngũ uẩn, lục nhập, quan năng căn, tứ đế, thập nhị duyên khởi (paṭiccasamuppāda), đến hành giả được như thế đó, gọi là phương pháp dập tắt.

Về phần “tri túc” như: người đến bữa nay, giờ này, phút này, sư có thể dạy cho hành đạo được ngay, rồi khởi công thực hành, không cần phải bắt buộc học nhiều, nghĩa là chỉ học trong giờ đó, rồi khởi công thực hành trong giờ đó, gọi là học ít hành nhiều. Như khi đi phải phân biệt nhất là biết rằng: ‘mặt đi à’, ‘trái đi à’ – lúc ngồi, phải phân biệt rằng ‘phồng lên à’, ‘xẹp xuống à’.

  • No catthāne niyojako: chỉ con đường phải, nghĩa là vị sư biết điều lợi ích và vô ích của trò, bằng trí tuệ, theo chân lý, là người quyết định sự bổ túc điều lợi ích cho trò bỏ dữ về lành, đi ngay trong điều lợi ích hiện tại, vị lai và tối cao.

Bậc có đủ 7 đức tính đó, đáng là thầy, là thiền sư thật.

Ngoài những điều đã giảng ấy, nhà chú giải có thuyết thêm các đức tánh của vị thiền sư rõ rệt trong mahāṭikā như vầy: 1) saddhāsampanno hoti: là người gồm có đức tính, tức là tin, tuệ giác của đấng chánh giác, tin nghiệp, tin quả của nghiệp, chú tâm bổ sung điều lợi ích cho chúng sanh; 2)sīlasampanno: có đủ phẩm hạnh tốt; 3) sutasampanno: có đủ sự học hỏi, có khả năng chỉ dẫn con đường thực hành; 4) cāgasampanno: có đủ sự bố thí, là người tùy tiện ban phát đến kẻ nghèo hèn tật bệnh, cúng dường các bậc tu hành, ít ham muốn, tri túc, vừa lòng trong nơi thanh vắng, không lẫn lộn với phe đảng; 5) viriyasampanno: có đủ sự siêng năng, là đã quen hành thông tuệ đề mục rồi; 6) satisampanno: có đủ trí nhớ là đã quen hành Tứ niệm xứ rồi; 7) samādhisampanno: có đủ thiền định, có tâm định chắc, không buông thả, vì năng lực thiền-na; 8) paññāsampanno: có đủ trí tuệ  là thông hiểu không sai lầm, vì hay tìm lẽ phải, biết rõ theo trí tuệ của mình rằng: cái này là lợi ích, cái kia là vô ích, rồi chú tâm kiên cố trong điều lợi ích đó, do mãnh lực của thiền tâm.

Người có đủ đức tính như đã giải ấy, gọi là thiện hữu, đáng là sư của kẻ mong mỏi điều hạnh phúc và quả vui yên lặng thật.

Phần đầu và phương pháp thọ trì đề mục:

  1. Trong ngày đầu xin học, phải sắm sẵn hương, đăng, hoa, để đi làm lễ Kim thân, thánh tháp, hoặc vị sư cả trong nơi đó.
  2. Cúng dường vị thiền sư.
  3. Lên hương, đăng, hoa, cúng Tam bảo.
  4. Nếu là bậc xuất gia, nên sám hối trước. Về thiện tín thì phải xin thọ giới, phần nhiều là bát giới.
  5. Phó thác tánh mạng ngay Tam bảo và vị thiền sư như vầy: imāhaṃ bhagavā attabhāvaṃ tumhākaṃ pariccajāmi: bạch Đức Thế Tôn, tôi phó thác tánh mạng tôi đến Đức Phật, đức pháp và đức tăng, để tu pháp thông tuệ kể từ ngày nay. Imāhaṃ ācariya attabhāvaṃ tumhākaṃ pariccajāmi: bạch Đại đức, tôi xin phó thác tánh mạng tôi đến ngài, để học thông tuệ đề mục, kể từ ngày nay.
  6. Xin đề mục như vầy: nibbānassa me bhante sacchikaraṇaṭṭhāya kammaṭṭhānaṃ dehi: bạch ngài, xin ngài cho đề mục đến tôi, cho được điều lợi ích, đến sự thực hành, cho rõ đạo, quả, Niết-bàn từ đây.
  7. Rải tâm bác ái như vầy: ahaṃ sukhito homi nidukkho homi avero homi abyāpājjho homi anigho homi sukhī attānam pariharāmi: xin cho tôi hãy được yên vui, khỏi khổ, không có sự bất bình, oán giận, giữ mình cho được yên vui.

Sabbe sattā sabbe pāṇā sabbe bhūtā sabbe puggalā sabbe attabhāva puriyapannā sabbe itthiyo sabbe purisā sabbe ariyā sabbe anariyā sabbe devā sabbe manussā sabbe vinipātikā averā abyāpajjhā anighā hontu sukhī attānaṃ pariharantu ‒ Xin cho tất cả hạng chúng sanh, kể từ sơ biến tượng của hài nhi (kalala), chúng sanh có sanh mạng, tất cả thú, người, ta, chúng sanh có đủ hình dáng nữ, nam, thánh nhân, phàm phu, chư thiên, người và tất cả Atula, hãy là người không oán giận, không có sự bất bình, khó chịu, hãy giữ mình cho được yên vui.

Puraṭṭhimāya disāsa sabbe sattā sukhitā hontu ‒ Xin cho tất cả chúng sanh trong hướng đông hãy được yên vui. Dakkhiṇāya disāya sabbe sattā sukhitā hontu ‒ Xin cho tất cả chúng sanh trong hướng nam hãy được yên vui. Pacchimāya disāya sabbe sattā sukhitā hontu ‒ Xin cho tất cả chúng sinh trong hướng tây hãy được yên vui. Uttarāya disāya sabbe sattā sukhitā hontu ‒ Xin cho tất cả chúng sinh trong hướng bắc hãy được yên vui. Puraṭṭhimāya anudisāya sabbe sattā sukhitā hontu ‒ Xin cho tất cả chúng sanh trong hướng đông nam hãy được yên vui. Dakkhiṇāya anudisāya sabbe sattā sukhitā hontu ‒ Xin cho tất cả chúng sanh trong hướng tây nam hãy được yên vui. Pacchimāya anudisāya sabbe sattā sukhitā hontu ‒ Xin cho tất cả chúng sanh trong hướng tây bắc hãy được yên vui. Uttarāya anudisāya sabbe sattā sukhitā hontu ‒ Xin cho tất cả chúng sanh trong hướng đông bắc hãy được yên vui. Heṭṭhimāya disāya sabbe sattā sukhitā hontu ‒ Xin cho tất cả chúng sanh trong hướng trên hãy được yên vui. Uparimāya disāya sabbe sattā sukhitā hontu ‒ Xin cho tất cả chúng sanh trong hướng dưới hãy được yên vui. Sabbe sattā sabbadukkhā pamuñcantu ‒ Xin cho tất cả chúng sanh hãy thoát ly thống khổ. Sabbe sattā laddhāsampattito mā vigacchantu ‒ Xin cho tất cả chúng sanh đừng lìa khỏi tài sản của họ.

Sabbe sattā kammassakā ‒ Tất cả chúng sanh là những người đều có nghiệp là của mình. Kammadāyādā: có nghiệp là di sản. Kammayonī: có nghiệp là nguyên lai[1]. Kammabandhū: có nghiệp là thân quyến. Kammapaṭisaraṇā: có nghiệp là nơi nương nhờ. Yaṃ kammaṃ karisanti: mình tạo nghiệp nào. Kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā: tốt hoặc xấu. Tassa dāyādā bhavissanti: sẽ phải thọ quả của nghiệp đó, chắc chắn.

  1. Phải trọng đức Phật, đức Pháp, đức Tăng đều đủ.
  2. Phải niệm đề mục “chết” như vầy: “Adhuvaṃ me jīvitaṃ”: sanh mạng của ta không nhất định, sự chết của ta không nhất định ta phải chết chắc chắn, vì sanh mạng của ta có sự chết là nơi cuối cùng, sanh mạng không thường, sự chết thường.
  3. Lời phát nguyện ngay Đức Phật cả và chư Thinh văn như sau này: Yeneva yanti nibbānaṃ buddhā tesañca sāvakā ekāyanena maggena saṭipaṭṭhānasaññinā: đều đủ chư Phật, 2 vị thủ đệ tử (tả, hữu), 80 vị đại A-la-hán và tất cả A-la-hán đã đi theo đường nào đến Niết-bàn, đường đó tức là Tứ niệm xứ, chỉ có một nẻo thôi, mà các bậc trí tuệ hiền minh đã thấu rõ, tôi xin phát nguyện: sẽ thực hành theo chắc chắn hoàn toàn, cho đắc đạo, quả, Niết-bàn theo trí nhớ và trí tuệ của tôi, trong dịp sau này.
  4. Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā buddhaṃ pūjemi: tôi xin cúng dường đức Phật bằng sự thích hợp thực hành pháp. Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā dhammaṃ pūjemi: tôi xin cúng dường đức Pháp bằng sự thực hiện đúng theo pháp. Imāya dhammānudhammāpaṭipattiyā saṅghaṃ pūjemi: tôi xin cúng dường Tăng bằng sự thực tiễn[2]y theo pháp.
  5. Addhā imāya paṭipattiyā jātijarābyādhi maraṇādīhi paṭimuñcissāmi: tôi sẽ thoát khỏi, nhất là sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ và tử khổ, bằng sự tu hành chắc chắn.
  6. Chỉ bảo hành giả vào tu cho vừa hợp thì giờ, lối 15 hoặc 30 phút.

Mỗi người học pháp thông tuệ, để bổ sung tam học cho hoàn bị, mới gọi là phúc lợi thanh cao trọng yếu đặc biệt.

Người được tu pháp thông tuệ đắc pháp nhãn (dhammacakkhu) thấy pháp rồi, chính mình có phỉ lạc phi thường, khó tả cho xiết và sẽ gọi là người được cúng dường đức Chánh Biến Tri bằng cách tối thượng, như Ngài đã phán với đại đức A-nan-đa rằng: Yo kho ānanda bhikkhu vā bhikkhunī vā upāsako vā upāsikā vā ‒ A-nan-đa này! Những tỳ khưu, tỳ khưu ni, thiện nam hoặc tín nữ, nếu đã thực hành pháp xứng với pháp, gọi là được sùng bái, tôn kính, thờ phượng, cúng dường Như Lai bằng sự cúng dường tối thượng và cũng là người tôn trọng ngay Đức Phật nữa. Như Pāḷī tóm tắt như vầy: Bhikkhave mayi sineho tissa sadiso vā hotu: Các tỳ khưu này! Người có sự kính mến, tôn trọng Như Lai, hãy là người như thầy tissa, dù là các người có cúng dường bằng hoa, hương, đăng và các vật thơm, cũng không gọi là cúng dường thật. Phần những người thực hành pháp thích hợp với pháp gọi là cúng dường chơn chánh. Ngoài ra, người hành pháp thông tuệ đề mục, cũng gọi là hỗ trợ nhau truyền bá Phật giáo cho tiến trưởng, thạnh đạt thêm nữa, như có câu Pāḷī rằng: Yāva hi imā catasso parisā mamimāya paṭipattipūjāya pūjessanti: Nếu 4 hạng người đó, sẽ cúng dường Như lai bằng sự thực hành cúng dường (paṭipattipūjāya) đến đâu, giáo pháp của Như Lai sẽ tiến triển, thạnh đạt đến đó, như trăng tròn long lanh chói lọi giữa hư không vậy.

  1. Vị thiền sư phải chỉ giáo hành giả như vầy:
  • Dạy cho đi kinh hành như ‘mặt bước à, trái bước à’, dạy cách đứng, cách quay.
  • Dạy cách ngồi cho phân biệt bụng phồng, xẹp rằng: ‘phồng à – xẹp à’ và chỉ cách nằm.
  • Dạy cho biết cách “thọ” như: khi bệnh phải phân biệt rằng ‘đau à’ v.v…
  • Dạy cho phân biệt “tâm”, trong khi suy nghĩ các cảnh giới như: ‘suy nghĩ à’ v.v…
  • Dạy phải phân biệt theo 6 cửa là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, như: khi thấy, phải phân biệt rằng ‘thấy à, thấy à’; khi nghe phải phân biệt rằng ‘nghe à, nghe à’; khi hửi phải phân biệt rằng ‘hửi à, hửi à’; khi nếm phải phân biệt rằng: ‘nếm à, nếm à’; khi tiếp xúc lạnh, nóng, mềm, cứng, phải phân biệt rằng ‘chạm à, chạm à’; khi suy nghĩ, phải phân biệt rằng ‘nghĩ à, nghĩ à’; dạy phải phân biệt oai nghi riêng biệt như: bước tới, thối lui, liếc bên trái, bên mặt, co, duỗi, đắp y, cầm bút, ăn, uống, nhai, nếm, đại tiện, tiểu tiện, đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói, nín thinh.

Điều nên chú ý: Trong ngày đầu, vị thiền sư phải xem xét hành giả trước, nếu người ít học, hoặc bậc lão niên, thì chỉ nên dạy đi kinh hành, ngồi phân biệt bụng phồng, xẹp, phân biệt thọ và tâm, bấy nhiều cũng vừa rồi. Trong ngày tiếp, khi chạm cảnh giới rồi, sẽ dạy thêm, dầu là người thiếu niên cũng vậy.

  1. Hành giả được rõ rồi, trở về chỗ ngụ để khởi công hành đề mục.
  2. Vị thiền sư phải đi tra xét cảnh giới mỗi ngày và bổ túc những điều khuyết điểm theo sức trò, ví dụ: như hành đến sắc danh rồi, muốn học thêm nữa là phải phân biệt tâm đầu tiên, nhất là muốn duỗi, muốn co, muốn dậy. Học được rồi muốn đi kinh hành phải thêm 2 khoảng là ‘dở, đạp’, khi ngồi phải phân biệt ‘phồng, xẹp, ngồi’ v.v… điều cần yếu là chớ nên hành một lượt 2 đoạn.

Vấn:           Trong đoạn tiếp theo, hành giả phải nên hành thế nào?

Đáp: Hành giả nên hành như dưới đây:

Cách luyện tập thứ nhất:

  • Giờ ngồi phải phân biệt chỗ phồng lên (khi hít hơi vào) và xẹp xuống (khi thở hơi ra), ghi nhớ trong tâm rằng: ‘phồng à, xẹp à’ theo thời khắc bụng phồng và xẹp.
  • Giờ nằm cũng phải phân biệt bụng rằng: ‘phồng à, xẹp à’ như nhau.
  • Giờ đứng cũng phải phân biệt rằng ‘đứng à, đứng à’.
  • Giờ đi kinh hành phải phân biệt từ khoảng như vầy: thời bước chân mặt phải phân biệt rằng ‘mặt bước à’; thời bước chân trái phải phân biệt rằng ‘trái bước à’; mắt xem bàn chân, khi đi đến nơi cuối đường kinh hành mới trở lại, phải đứng lại rồi phân biệt rằng ‘đứng à’, tiếp theo, quay mình trở lại phải phân biệt rằng ‘trở lại à’, khi đã quay mình trở lại rồi, đứng, phải phân biệt rằng ‘đứng à, đứng à’, tiếp theo đi kinh hành cũng phải phân biệt như trước.

Cách luyện tập thứ 2:

  • Giờ ngồi phải phân biệt 3 khoảng là ‘phồng à, xẹp à, ngồi à’.
  • Giờ nằm phải phân biệt 3 khoảng là ‘phồng à, xẹp à, nằm à’.
  • Giờ đứng phải phân biệt 2 khoảng là ‘đứng à, đứng à’ cho đến khi đi hoặc ngồi.
  • Giờ đi phải phân biệt theo cách luyện tập thứ 1 lối 30 phút trước rồi đổi cách phân biệt mới, là sau khi bước chân mặt hoặc chân trái đi, phải phân biệt 2 khoảng rằng: ‘dở à, đạp à’ lối chừng 30 phút. Ví dụ: phải phân biệt rằng ‘mặt bước à, trái bước à’ lối chừng 30 phút; phải phân biệt rằng ‘dở à, đạp à’ lối chừng 30 phút.

Cách luyện tập thứ 3:

  1. Giờ ngồi phải phân biệt 4 khoảng là ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’
  2. Giờ nằm phải phân biệt 4 khoảng: ‘phồng à, xẹp à, nằm à, đụng à’
  3. Giờ đi phải phân biệt theo cách luyện tập thứ 1 và thứ 2 trước, ước chừng 20 phút, rồi cho đổi phân biệt theo phương pháp mới là thời bước chân mặt hoặc chân trái đi, phải phân biệt 3 khoảng là ‘dở à, bước à, đạp à’: phải phân biệt rằng ‘mặt bước, trái bước à’ ước chừng 20 phút; phải phân biệt rằng ‘dở à, đạp à’, lối chừng 20 phút; phải phân biệt rằng ‘dở à, bước, đạp à’, lối chừng 20 phút.

Cách luyện tập thứ 4

  1. Giờ ngồi phải phân biệt 4 khoảng là ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ như cách thứ 3, song khác hơn là ‘đụng à’.
  2. Giờ nằm phải phân biệt 4 khoảng là ‘phồng à, xẹp à, nằm à, đụng à’
  3. Giờ đi, phải phân biệt theo cách thứ 1, 2, 3, trước lối 20 phút rồi cho đổi phương pháp phân biệt mới là thời bước chân mặt hoặc chân trái đi, phải phân biệt 4 khoảng rằng: ‘dở gót à, dở chân à, bước à, đạp à’ lối chừng 30 phút. Ví dụ: phải phân biệt rằng ‘mặt bước à, trái bước à’ lối chừng 20 phút, phải phân biệt rằng ‘dở à, đạp à’ lối chừng 20 phút, phải phân biệt rằng: “bước à, đạp à’ lối chừng 20 phút, phải phân biệt rằng ‘dở gót à, dở à, bước à, đạp à’ lối chừng 30 phút.

Phật ngôn: Te ñāyino sātatikā niccaṃ daḷhaparakkamā phusanti dhīrā nibbānaṃ yogakkhemam anuttaraṃ: người sáng trí có tâm quan sát, có sự tinh tấn, khăng khăng một mực, tự nhiên đạt đến Niết-bàn khỏi điều buộc trói, chẳng có pháp nào tối thượng hơn.

Cách luyện tập thứ 5

  1. Giờ ngồi phải phân biệt 4 khoảng: ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’, thân chạm nơi nào phải phân biệt nơi đó. Ví dụ: ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến xương cụt trái đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến xương cụt mặt đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến đầu gối mặt đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến đầu gối trái đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến mắt cá mặt đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến mắt cá trái đụng).
  2. Giờ nằm phải phân biệt 4 khoảng như nhau, nhất là ‘phồng à, xẹp à, nằm à, đụng à’.
  3. Giờ đứng phải phân biệt rằng ‘đứng à, đứng à’.
  4. Giờ đi phải phân biệt theo cách luyện tập thứ 1, 2, 3, 4, mỗi cách lối chừng 20 phút, rồi đổi phương pháp phân biệt mới là thời bước chân mặt hoặc trái đi là 5 khoảng rằng: ‘dở gót à, dở chân à, bước à, xuống à, đụng à’ lối chừng 20 phút. Ví dụ: phải phân biệt rằng ‘mặt bước à, trái bước à’ lối chừng 20 phút, phải phân biệt rằng ‘dở à, đạp à’ lối chừng 20 phút, phải phân biệt rằng ‘dở à, bước à, đạp à’ lối chừng 20 phút, phải phân biệt rằng ‘dở gót à, dở à, đạp à’ lối chừng 20 phút, phải phân biệt rằng ‘dở gót à, dở à, bước à, xuống à, đụng à’ lối chừng 20 phút.

Cách luyện tập thứ 6

  1. Giờ ngồi phải phân biệt như vầy: ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến xương cụt mặt đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến xương cụt trái đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến đầu gối mặt đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến đầu gối trái đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến mắt cá mặt đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến mắt cá trái đụng), ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ (nói đến sự chạm theo các nơi (thân mình).
  2. Giờ nằm phải phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, nằm à, đụng à’.
  3. Giờ đứng phải phân biệt rằng ‘đứng à, đứng à’.
  4. Giờ đi phải phân biệt như vầy: phải phân biệt rằng ‘mặt bước à, trái bước à’ lối chừng 5 phút, phải phân biệt rằng ‘dở à, bước à’ lối chừng 5 phút, phải phân biệt rằng ‘dở à, bước à, đạp à’ lối chừng 30 phút, phải phân biệt rằng ‘dở gót à, dở à, bước à, đạp à’ lối chừng 30 phút, phải phân biệt rằng ‘dở gót à, dở à, bước à, xuống à, đụng à’ lối chừng 30 phút, phải phân biệt tăng gia thêm, là 6 khoảng rằng ‘dở gót à, dở à, bước à, xuống à, đụng à, nhận à’ lối chừng 20 phút.

Cách luyện tập thứ 7

  • Giờ đi kinh hành cuối đường rồi, ngừng, đứng, quay trở lại, lúc muốn ngừng phải phân biệt rằng ‘muốn ngừng à, muốn ngừng à’ – khi ngừng, phải phân biệt rằng ‘ngừng à, ngừng à’ – khi sắp trở lại, phải phân biệt rằng ‘muốn trở lại à, muốn trở lại à’. Khi trở lại phải phân biệt rằng ‘trở lại à, trở lại à’. Khi đứng phải phân biệt rằng ‘đứng à, đứng à’ rồi mới đi và phân biệt như đã giải.
  1. Lúc chân trái, chân mặt sắp đạp v.v… phải phân biệt rằng ‘muốn đạp à’ lúc đạp phải phân biệt rằng ‘đạp à’.
  2. Lúc sắp duỗi, co, phải phân biệt rằng ‘muốn duỗi à, muốn co à’ – lúc duỗi hoặc lúc co phải phân biệt rằng ‘duỗi à, co à’.
  3. Lúc sắp cầm các vật, như mặc y, trùm y, cầm bát, ly, chén v.v… phải phân biệt rằng ‘thấy à, muốn cầm à’, lúc đưa tay phải phân biệt rằng ‘thò à, thò à’, lúc đưa tay đụng phải phân biệt rằng ‘đụng à’. Lúc cầm phải phân biệt rằng ‘cầm à’. Lúc cầm vật rồi nắm lại phải phân biệt rằng ‘nắm lại à’v…
  4. Giờ thọ thực hoặc uống nhai, nếm, liếm, phải phân cách giống nhau: khi thấy thực phẩm phải phân biệt rằng ‘thấy à’, khi muốn…‘muốn à’, khi đưa tay ra…‘đưa tay à’, khi tay đụng…‘đụng à’, khi cầm…‘cầm à’, khi dở lên…‘dở à’, khi hả miệng…‘hả à’, khi đụng miệng…‘đụng à’, khi nhai…‘nhai à’, khi hửi…‘hửi à’, khi hít…‘hít à’.
  5. Giờ muốn tiểu tiện, đại tiện, phải phân biệt rằng ‘muốn tiểu à’. Tiểu, đại tiện phải phân biệt rằng ‘tiểu à, đại tiện à’.
  6. Giờ sẽ đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói, nín, phải phân biệt rằng ‘muốn đi à’, ‘muốn đứng à’, ‘muốn ngồi à’, ‘muốn ngủ à’, ‘thức dậy à’, ‘muốn nói à’, ‘nín à’.

Cách luyện tập thứ 8

  1. Giờ thấy, phải phân biệt rằng ‘thấy à’
  2. Giờ được nghe…‘được nghe à’
  3. Giờ được hửi …‘được hửi à’
  4. Giờ được nếm…‘được nếm à’
  5. Giờ thân đụng…‘đụng à’
  6. Giờ suy nghĩ… ‘suy nghĩ à’

Cách luyện tập thứ 9

  1. Giờ ngồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à’. Lúc đó, nếu có thọ khổ thế nào, phải ngưng phân biệt rằng ‘phồng à’, ‘xẹp à’ trước, rồi trở phân biệt thọ phát sanh lên đó: đau, nhức mỏi v.v…. phải phân biệt rằng: ‘nhức à’, ‘mỏi à’, ‘đau à’. Nếu thọ khổ thái quá không chịu được, phải ngưng sự phân biệt thọ khổ đó, trở phân biệt tiếp theo rằng: ‘phồng à, ‘xẹp à’, nếu thọ khổ đó không dứt thì nên đổi oai nghi.
  2. Nếu sự vui phát sanh lên, phải phân biệt rằng: ‘vui à, vui à’.
  3. Giờ nằm hoặc đứng, nếu có sự vui hay không vui, hoặc trung lập phát sanh lên, nên phân biệt theo mỗi thọ đó rằng ‘vui à, không vui à, trung lập à’. Nếu thọ phát sanh trong giờ đi kinh hành phải ngưng đi trước, rồi phân biệt theo thọ vui, khổ v.v… như đã giải trên.

Điều nên chú ý: khi có một triệu chứng nào (ánh sáng, sắc v.v…) phát sanh lên rõ rệt trong tâm, nên phân biệt ‘thấy à’ cho đến khi mất triệu chứng đó.

Cách luyện tập thứ 10

  1. Giờ ngồi, nếu tính muốn được cái chi, phải phân biệt rằng ‘muốn được à’, hoặc ‘tham à’.
  2. Nếu ngồi, nằm, không vừa lòng, muốn đứng dậy, hoặc thấy cái chi, suy nghĩ cái chi rồi không vừa lòng, nên phân biệt rằng ‘không vừa lòng à’ hoặc ‘ghét giận à’.
  3. Nếu ngáp nên phân biệt rằng ‘ngáp à’.
  4. Nếu tâm phóng phải phân biệt rằng ‘phóng à’.
  5. Nếu nghi phải phân biệt rằng nghi à’.
  6. Nếu tâm tham, sân, phóng dật hoặc nghi v.v… tiêu mất rồi, cũng phải phân biệt biết như vậy.
  7. Giờ đi kinh hành, nếu tâm phóng nữa, phải ngưng đi, rồi phân biệt rằng ‘phóng à’, khi phóng tiêu rồi mới đi kinh hành lại.

Cách luyện tập thứ 11

  1. Tâm ưa thích sắc, tiếng, mùi, vị, đụng chạm, nên biết rằng là sự quyến luyến ngũ dục, phải phân biệt rằng ‘ưa thích à’.
  2. Khi tâm nghĩ đến sự trả thù nên biết rằng là sân hoặc trả thù, phải phân biệt rằng ‘sân à, trả thù à’.
  3. Nếu tâm mơ màng nên hiểu rằng là hôn trầm, nên phải phân biệt rằng ‘buồn ngủ à’.
  4. Nếu tâm phóng dật, bất mãn, ưu sầu nên biết rằng là phóng dật, phải phân biệt rằng: ‘phóng dật à’…
  5. Nếu tâm nghi trong sắc, danh, lý tưởng tối cao, quy tắc nên hiểu rằng là hoài nghi, phải phân biệt rằng ‘nghi à’.

Cách luyện tập thứ 12

  1. Giờ muốn ngồi, phải phân biệt rằng ‘muốn ngồi à’.
  2. Khi ngứa: như lúc phân biệt rằng ‘phồng à’, ‘xẹp à’, ‘ngồi à’, ‘đụng à’, mà sanh sự ngứa lên, nên phân biệt rằng ‘ngứa à’, nếu đã phân biệt rồi mà chưa hết ngứa, muốn gãi phải phân biệt rằng ‘muốn gãi à’, khi đưa tay tới gãi phải phân biệt theo từ khoảng rằng ‘tới à’, khi tay đụng phải phân biệt rằng ‘đụng à’, khi gãi phải phân biệt rằng ‘gãi à’, khi hết ngứa phải phân biệt rằng ‘hết à’, khi lấy tay ra, phải phân biệt theo từ khoảng rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à’.

Cách luyện tập thứ 13

  1. Phải nguyện rằng: nếu pháp tối cao đã sanh trong thân tâm rồi xin đừng cho nảy ra nữa, bằng chưa sanh xin cho phát sanh, là xin cho thấy pháp cao thượng trong 24 tiếng đồng hồ.
  2. Khi đã phát nguyện rồi phải đi kinh hành trước rồi ngồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ như đã giải luân chuyển nhau, cho đến 24 tiếng đồng hồ.

Cách luyện tập thứ 14

  1. Phải đi kinh hành trước, rồi hành như vầy, phải phát nguyện mỗi lần một tiếng đồng hồ rằng “xin cho trạng thái sanh diệt hãy rõ rệt lên nhiều lần, ít lắm là trong một tiếng đồng hồ, 5 lần”. Nếu trong một tiếng đồng hồ mà trạng thái sanh diệt chưa được rõ rệt và liên tiếp ít lắm trong một tiếng đồng hồ 5 lần, nhiều lắm chừng 65 lần. Nếu đã như vậy, phải giảm giờ nguyện xuống lối chừng 30 phút, là phải nguyện rằng: “trong 30 phút đó xin cho trạng thái sanh diệt đó rõ rệt lên nhiều lần”. Phải nguyện như cách đó rồi sụt, cò 20, 15, 10, 5 phút, trong 5 phút trạng thái sanh diệt sẽ rõ rệt, đến 6 lần hoặc 2 lần.
  2. Ngồi cho được hai tiếng đồng hồ, mới đổi oai nghi, không cho lìa khỏi chỗ.
  3. Phải luân phiên như vậy, cho đến 24 tiếng đồng hồ.

Cách luyện tập thứ 15

  1. Phải đi kinh hành trước, rồi nguyện rằng: “xin cho thiền định vững bền đến 5 phút”, rồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’, cho đến khi khắn khít với đề mục rồi lặng im cho đủ 5 phút mới là chơn chánh, khi kiểm tra đồng hồ thấy rằng chưa đến, phải cố gắng làm cho đủ 5 phút mới là chơn chánh, nhiều hơn càng tốt.
  2. Phải nguyện cho đắc định kiên cố đến 10 phút, nếu chưa đắc, cần phải tinh tấn hành cho được thuần thục, rồi mới tập hành thiền, v.v… từ 15, 20, 30 phút; 1 tiếng đồng hồ, 2 tiếng, 3 tiếng, 4 tiếng, 5 tiếng, 6 tiếng, 7 tiếng, 8 tiếng đồng hồ, theo thứ tự.
  3. Sự dự tính phút hoặc tiếng đồng hồ đó, phải bắt đầu từ giờ tâm yên lặng, sẽ không biết sự tiếp xúc chi cả, như ngủ mà không phải ngủ. Khi đến mức đã phát nguyện, cũng biết mình tự nhiên, như thức, song không phải thức.

Cách luyện tập thứ 16

Hành giả, người đã hành chơn chánh rồi, muốn làm vị sư cần phải luyện tập cao thượng hơn, như vầy:

  • Lần thứ nhất phải hành 1 ngày:
  1. Phải đi kinh hành trước rồi mới ngồi, vào đến nơi, nguyện rằng: “trong một tiếng đồng hồ này, xin cho sắc danh sanh diệt rõ rệt”, rồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’, cho đến đủ một tiếng đồng hồ. Khi phân biệt tóm tắt như vậy, sẽ thấy trạng thái sanh, diệt của sắc danh rõ rệt hơn trước, ấy gọi là “sắc danh sanh diệt trực giác” (udayabbayañāṇa).
  2. Trong một tiếng đồng hồ thứ nhì, phải nguyện rằng: “trong 1 tiếng đồng hồ, xin cho chỉ thấy sắc danh diệt”, rồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’, cho đủ 1 tiếng đồng hồ. Khi đã phân biệt như vậy, sẽ chỉ thấy sự diệt của sắc danh thôi, tức là sự diệt sắc danh rõ rệt hơn trước, đó gọi là “sắc danh diệt trực giác” (bhaṅgañāṇa).
  • Lần thứ 2, phải hành 1 ngày:
  1. Phải đi kinh hành trước, rồi mới ngồi nguyện rằng: “trong một tiếng đồng hồ này, xin cho khả tởn trực giác (bhayañāṇa) phát sanh”, rồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ cho đủ 1 tiếng đồng hồ. Trong khi ngồi ấy, sẽ có trạng thái đáng sợ phát sanh, đó gọi là “khả tởn trực giác”.
  2. Trong tiếng đồng hồ thứ 2, phải nguyện rằng: “trong 1 tiếng đồng hồ này, xin cho nguy hiểm trực giác (ādīnavañāṇa) phát sanh”, rồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ cho đủ một tiếng đồng hồ. Trong khi ngồi sẽ thấy tội khổ của sắc danh như: đau nhức không thường, là khổ, là vô ngã, đó gọi là “tội khổ trực giác” (ādīnavañāṇa).
  3. Trong tiếng đồng hồ thứ 3, phải nguyện rằng: “trong tiếng đồng hồ này, xin cho phát sanh chán nản trực giác (nibbidāñāṇa)”, rồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ cho đủ 1 tiếng đồng hồ. Khi ngồi phân biệt như vậy, sẽ có sự “thất chí phát sanh” là thấy sắc danh có đầy dẫy vết đáng ghê gớm, chỉ có khổ, chỉ có tội, không nên ưa thích, ấy gọi là “chán nản trực giác” (nibbidāñāṇa).
  • Lần thứ 3, phải hành một ngày:
  1. Phải đi kinh hành trước, vào ngồi rồi nguyện rằng: “trong 1 tiếng đồng hồ, xin cho phát sanh giải phóng trực giác”, rồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ cho đủ 1 tiếng đồng hồ, trong giờ ngồi phải phân biệt như vầy: sẽ có trạng thái “lánh mong thoát khổ” theo thứ tự, đó gọi là “giải phóng trực giác” (muñcitukamyatāñāṇa).
  2. Trong tiếng đồng hồ thứ 2, phải nguyện rằng: “trong tiếng đồng hồ này, xin cho phân biệt trực giác (paṭisaṅkhāñāṇa) phát sanh”, rồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ cho đủ 1 tiếng đồng hồ. Trong giờ ngồi phân biệt như thế, sẽ có trạng thái tinh tấn tìm đường lánh, đường giải thoát phát sanh theo thứ tự, ấy gọi là “phân biệt trực giác” (paṭisaṅkhāñāṇa).
  3. Trong giờ thứ 3, phải nguyện rằng: “trong một tiếng đồng hồ này xin cho ngủ uẩn xả trực giác phát sanh”, rồi phân biệt rằng ‘phồng à, xẹp à, ngồi à, đụng à’ cho đủ 1 tiếng đồng hồ. Trong giờ ngồi phân biệt như vậy, sẽ có trạng thái vô ký trong sắc danh, ấy gọi là “ngủ uẩn xả trực giác” (saṅkhārūpekkhāñāṇa).

Vấn:           Sự thực hành thông tuệ đề mục theo phương pháp đã giải đó, sẽ có phước báu như thế nào?

Đáp: Có nhiều phước báu, như dưới đây:

  1. Làm cho mình sáng trí trong nguyên tắc chân lý, là thông rõ pháp tối cao, không lầm lạc dính mắc trong chỉ danh pháp paññattidhamma mà đời phỏng đoán.
  2. Làm cho mình có giới pháp (sīladhamma) và tăng gia pháp (vaḍḍhanadhamma) chơn chánh.
  3. Làm cho mình thương yêu thân thiết nhau, cho có tâm bi lẫn nhau, ưa thích, hoan hỷ, vừa lòng, khi thấy kẻ khác được vui.
  4. Làm cho mình chừa cải sự làm hại lẫn nhau, tránh sự bắt buộc và lợi dụng nhau.
  5. Làm cho mình biết thân và hộ thân, là biết tự hóa và hành vi chơn chánh.
  6. Làm cho mình là người dễ dạy, dễ nói, không tự cao, vô liêm sỉ.
  7. Làm cho mình xem nhau bằng cặp mắt từ bi, cho có sự thân thiết, vì được giảm bỏ tà kiến và lòng tự cao.
  8. Làm cho mình nặng lòng trong pháp tri ân và báo ân.
  9. Làm cho mình trở thành vị sư, do nguyên nhân hành đạo đây, tự nhiên, để đạt các đức thanh cao, là để trừ:
  10. Năm pháp cái nīvaraṇa.
  11. Ngũ dục.
  12. Chấp ngũ uẩn.
  13. Năm pháp chướng ngại bậc thấp: thân kiến (sakkāyadithi), hoài nghi (vicikicchā), giới cấm thủ (sīlabbatapārāmāsa), kích thích lòng vui thú (kāmacchanda), oán ghét (byāpāda).
  14. Trừ nẻo luân hồi (địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ, người, trời).
  15. Trừ 5 bỏn xẻn (bỏn xẻn chỗ ở, bỏn xẻn dòng họ, bỏn xẻn lợi, bỏn xẻn không thích sự ngợi khen đức tính kẻ khác, bỏn xẻn pháp).
  16. Trừ 5 pháp chướng ngại bậc trên: dục trong cõi sắc (rūparāga), dục trong cõi Vô sắc (arūparāga), tự kiêu, phóng túng, vô minh.
  17. Trừ hoang tâm[3] (cetokhīla) là 5 tâm không nhìn nhận: nghi trong đức Phật, nghi trong đức Pháp, nghi trong đức Tăng, nghi trong tam học, sân hận không vừa lòng trong bậc phạm hạnh.
  18. Trừ vấn vương tâm (cetovinibandha) tức là 5 tâm ràng buộc; không lìa sự yêu thích, ưa mến, khao khát, phiền muộn, mong mỏi trong ngũ dục, cho đến sự vui sướng trong sự ăn, nằm và tu hành để mong thành Chư thiên.
  19. Trừ điều lướt khỏi những điều buộc ràng, than van, dập tắt khổ, để đạt đạo, quả, thấy rõ Niết-bàn.
  20. Làm cho mình được hưởng phước báu tột cao đắc A-la-hán hoặc A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-huờn; sự kết quả thấp hơn hết là chắc chắn, sẽ tái sanh trong cõi vui, như có kệ ngôn rằng: iminā pana ñāṇena samannāgato vipassako buddhasāsane laddhassāso laddhapatiṭṭho niyagatico cūḷasotāpānno nāma hoti ‒ Hành giả có trí tuệ tiến triển pháp thông tuệ, tự nhiên đắc bậc tiểu Tu-đà-huờn, được nhẹ tâm, được sự nương dựa tối cao trong Phật giáo, chắc chắn sẽ được thọ sanh trong nhàn cảnh.

Lại nữa, hành giả tu pháp thông tuệ có nhãn trực giác, thấy sự sanh diệt của sắc danh gọi là người có sự sống còn quý cao, như Phạn ngữ rằng: yo ca vassasataṃ jīve apassaṃ udayabbayaṃ ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo passato udayabbayaṃ ‒ người thấy sự sanh diệt của sắc danh dù là có sanh mạng chỉ trong một ngày, cũng quý báu hơn kẻ không thấy sanh diệt của sắc danh sống đến trăm tuổi.

Vấn: Sự tu pháp thông tuệ đề mục cách nào, sẽ hành đến bao lâu mới được quả báo như ý nguyện?

Đáp: Nếu hành liên tiếp đến 7 ngày, 15 ngày, 1 tháng, 2, 3, 4, 5, 6, 7 tháng hoặc 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 năm, sẽ được đắc kỳ sở nguyện, tùy duyên lành, ít nhiều, giải như thế đó, là nói về hành giả có duyên lành bậc trung, nếu người đã tạo nhiều phức đức tấn tới buổi sáng, sẽ đắc đạo quả trong buổi tối hoặc hành buổi tối sẽ đắc kỳ sở nguyện buổi sáng, như lời chú giải như vầy: Tikkhapaññaṃ pana sandhāya pātova anusiṭṭho sāyaṃ visesaṃ adhigamissati sāyaṃ anusiṭṭho pāto visesaṃ adhigamissatīti vuttaṃ ‒ dạy trong buổi sáng sẽ đắc pháp cao quý trong buổi tối, dạy trong buổi tối sẽ đạt pháp tối cao trong buổi sáng.

‒ Dứt pháp Đường đi Niết-bàn ‒

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app