CHƯƠNG IV
CHIẾN LƯỢC ĐỂ TRÁNH NÉ PHÚT GIÂY HIỆN TẠI CỦA TRÍ NĂNG
ĐÁNH MẤT PHÚT GIÂY HIỆN TẠI LÀ SAI LẦM CĂN BẢN
Cứ cho rằng rốt cuộc thì thời gian cũng chỉ là ảo tưởng, thì cuộc sống của tôi có gì khác không? Tôi vẫn phải sống trong một thế giới do thời gian chi phối hoàn toàn.
Sự thỏa thuận về mặt trí năng rằng thời gian chỉ là ảo tưởng vẫn chưa đủ, vì đó chỉ là một niềm tin không hơn không kém. Để nhận diện chân lý này, bạn phải thực sự sống với nó. Khi mỗi tế bào trong cơ thể bạn có mặt sâu sắc đến nỗi chúng rung lên với mỗi rung động của sự sống và khi bạn cảm nhận được niềm vui của trạng thái ung dung tự tại trong từng phút, từng giây, lúc ấy bạn đã thực sự thoát khỏi sự chi phối của thời gian.
Nhưng ngày mai tôi vẫn phải trả hóa đơn tiền điện, tiền nước… rồi tôi cũng sẽ già và chết như mọi người. Làm sao tôi có thể nói rằng tôi thoát ra khỏi sự khống chế của thời gian?
Dù ngày mai bạn có phải trả những hóa đơn hàng tháng, đó không phải là vấn đề. Xác thân bạn dù có tan rã đi, đó cũng không phải là vấn đề. Vấn đề ở đây là chỗ bạn đã đánh mất phút giây hiện tại, hay nói rõ hơn chính ảo tưởng cốt lõi này – đánh mất Hiện Tại – đã biến một tình huống, hoặc sự kiện, hay một cảm xúc đơn thuần trở thành một vấn đề rất lớn cho cá nhân bạn và đã tạo thành một nỗi khổ ở trong bạn. Đánh mất Hiện Tại tức là đánh mất trạng thái ung dung tự tại(1).
Thoát khỏi sự khống chế của thời gian là thoát khỏi nhu cầu tâm lý tìm về quá khứ để tạo cho mình một tấm căn cước(2), và tìm đến tương lai để đạt được một điều mình mong cầu. Thoát khỏi sự khống chế của thời gian là biểu hiện của một sự chuyển hóa nhận thức sâu sắc nhất mà ta có thể đạt được. Trong vài trường hợp rất hiếm hoi, sự chuyển biến nhận thức xảy ra chỉ một lần, rất mạnh mẽ và triệt để. Thường đó là khi một người bị rơi vào trạng thái đau khổ tột cùng, buộc người đó phải đi đến một trạng thái chấp nhận hoàn toàn những bất hạnh ấy. Tuy nhiên, hầu hết những người khác đều phải đi qua sự thực tập rất bền bỉ, cam go.
Sau vài lần nếm được hương vị ngắn ngủi của những phút giây Vô Niệm – trạng thái tâm không bị lôi kéo bởi quá khứ và tương lai – chúng ta bắt đầu sinh hoạt giữa hai trạng thái đối nghịch của tâm: trạng thái tâm thường bị lôi kéo bởi quá khứ và tương lai và trạng thái tâm Hiện Tiền sâu sắc(3). Trước hết, chúng ta nhận thức rất rõ rằng tâm ta rất ít khi thực sự có mặt với Phút Giây Hiện Tại. Tuy nhiên, nhận thức đó đúng là một thành công rất lớn vì khi ta biết rằng ta không có mặt như thế tức là ta đã có mặt rồi, dầu chỉ có mặt vài giây lúc ban đầu, rồi lại rơi vào trạng thái quên lãng trở lại. Nhưng sau nhiều lần, bạn sẽ “chọn” để có mặt với phút giây hiện tại, với trạng thái tâm Hiện Tiền sâu sắc. Đó là điểm mà tâm thức bạn sẽ chú ý đến, chứ không phải là quá khứ hay tương lai nữa. Lúc này bạn có thể có mặt không chỉ một vài giây, mà sẽ lâu hơn nếu cảm nhận theo thời gian trên đồng hồ. Như vậy trước khi bạn có mặt hoàn toàn với phút giây hiện tại, tức là trước khi bạn hoàn toàn tỉnh thức, sẽ có một khoảng thời gian mà bạn dao động giữa tỉnh thức và mê lầm, giữa trạng thái có mặt sâu sắc và trạng thái mê mờ – tức là tình trạng sai lầm khi đồng nhất mình với suy nghĩ miên man của mình. Sau nhiều lần đánh mất Phút Giây Hiện Tại, rồi trở lại với phút giâu hiện tại. Cuối cùng, trạng thái Hiện Tiền, trạng thái có mặt một cách sâu sắc với phút giây hiện tại là trạng thái chiếm ưu thế ở trong bạn.
Hầu hết, chúng ta hoặc không cảm nhận được trạng thái hiện hữu sâu sắc hoặc chỉ cảm nhận một cách tình cờ và ngắn ngủi trong một vài dịp hiếm hoi, và nhiều khi đang ở trong trạng thái đó, chúng ta cũng không biết được đó chính là trạng thái Hiện Tiền sâu sắc. Hầu hết nhân loại không được cơ may sinh hoạt giữa hai trạng thái tỉnh thức và mê mờ, mà thực ra, họ chỉ sinh hoạt giữa các cấp độ vô minh khác nhau
—–
VÔ MINH THÔNG THƯỜNG VÀ VÔ MINH SÂU ĐẬM
Ông muốn chỉ ra điều gì khi dùng từ “các mức độ vô minh khác nhau”?
Như bạn đã biết, khi đang ngủ, chúng ta luân chuyển qua lại giữa hai trạng thái giấc ngủ có mộng mị và giấc ngủ không mộng mị. Tương tự như thế, trong khi tỉnh táo, hầu hết chúng ta luân phiên sinh hoạt giữa hai trạng thái của tâm thức: vô minh thông thường và vô minh sâu đậm. Khi tôi nói vô minh thông thường, đó là khi bạn tự đồng hóa mình, hay cho rằng mình chỉ là những suy tư, cảm xúc, phản ứng, ham muốn, hoặc chối bỏ… đang xảy ra ở trongbạn(4). Nhưng đối với hầu hết mọi người thì chuyện tự đồng nhất mình một cách sai lầm, với những suy tư hay tình cảm ở trong mình… như thế lại là một trạng thái rất bình thường. Trong trạng thái ấy, trí năng sẽ chi phối bạn và bạn đánh mất ý thức về trạng thái an nhiên tự tại. Đây không phải là một trạng thái đau khổ hay bất hạnh được biểu hiện trong lòng bạn một cách rõ nét, mà chỉ là sự biểu hiện mơ hồ một cảm giác khó chịu, nhàm chán hay không hài lòng ở phía hậu trường của tâm thức. Có thể bạn không dễ gì nhận ra điều này vì nó quá “bình thường”. Cũng như khi bạn hơi khó chịu vì tiếng rì rì của cái máy điều hòa không khí đang chạy liên tục ở trong phòng, nhưng bạn không cảm nhận được trạng thái khó chịu mơ hồ này cho đến khi cái máy lạnh đó ngưng lại hẳn, lúc đó bạn mới cảm thấy thư thái, nhẹ nhõm ra. Để rũ bỏ sự khó chịu mơ hồ nhưng thường trực này, nhiều người thường bị rơi vào những thứ như rượu chè, ma túy, tìm lạc thú trong tình dục, trong thức ăn ngon, chúi đầu tìm quên trong công việc, hoặc xem truyền hình, hay thích đi mua sắm,… như một cách gây mê, cốt để tìm quên trạng thái khó chịu mơ hồ nhưng thường trực đó. Khi bạn làm những chuyện này, dù rằng một vài chuyện kể trên có thể mang lại hứng thú cho bạn nếu bạn làm có điều độ, những thứ đó đã bị biến thể thành một cái gì đó rất gượng ép hoặc gây nên tình trạng nghiện ngập ở trong bạn, và những gì bạn thu nhận được từ trong những chuyện này chỉ là một sự giảm thiểu nhanh chóng nhưng rất tạm thời những cảm giác bất an mơ hồ thường trực trong bạn.
Nhưng trạng thái bất an thường trực này của tâm thức vô minh thông thường sẽ nhanh chóng trở thành nỗi khổ đau của mê mờ sâu đậm – là trạng thái khi bạn cảm nhận rõ rệt và sâu sắc hơn nỗi khổ đau và bất hạnh ở trong lòng – khi có chuyện “trục trặc”, hoặc khi bản ngã bạn bị đe dọa hay khi bạn gặp một thách thức lớn lao, hoặc có nguy cơ bị mất mát hay có xung đột trong một quan hệ cá nhân… Mê mờ sâu đậm chỉ là một phiên bản của tâm thức mê mờ thông thường ở trong bạn, nhưng nó được biểu hiện với một cường độ mãnh liệt hơn, nếu có khác biệt chăng thì đó chỉ là sự khác biệt về mức độ, chứ không phải về loại tâm thức.
Trong trạng thái vô minh thông thường, thói quen chống đối hay phủ nhận những gì đang hiện hữu tạo nên một cảm giác bất an, không hài lòng,… mà hầu hết chúng ta coi đó là trạng thái bình thường. Khi thái độ chống đối, phủ nhận hiện tại này trở nên mãnh liệt hơn lúc bạn gặp phải những chuyện thách thức hay đe dọa tới bản ngã ở trong bạn, những chuyện đó sẽ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như: giận dữ, hoảng hốt, hung hăng, hay trầm cảm… ở trong bạn. Mê muội sâu đậm có nghĩa là khi khối khổ đau sâu dày ở trong bạn bị kích thích, bạn tự đồng nhất mình với khối khổ đau đó(5). Vô minh sâu đậm là nguyên nhân của những hành động có tính chất bạo động ở trong bạn. Bạo động cũng dễ dàng xảy ra bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào có một số đông người tụ tập và phát ra một trường năng lượng tiêu cực của tập thể đó.
Cách bạn xử lý những thách thức trong cuộc sống là dấu hiệu rõ ràng nhất chỉ rõ trình độ của tâm thức. Do đó đối với một người vốn đã mê mờ thì họ sẽ càng mê mờ hơn và một người đã tỉnh thức thì sẽ càng tỉnh thức hơn. Bạn có thể dùng những thử thách, khó khăn đó để giúp cho bạn đi đến giác ngộ hoặc để những thử thách đó đưa bạn đi vào một trạng thái ngủ mê của tâm thức, làm cho vô minh ở trong bạn sâu đậm hơn. Lúc đó trạng thái vô minh thông thường ở trong bạn sẽ biến thành một cơn ác mộng.
Nếu bạn không thể có mặt ngay trong những tình huống bình thường như khi đang ngồi trong phòng một mình, đang đi bộ ở trong rừng, hay đang lắng nghe ai, thì chắc chắn bạn không thể tỉnh thức khi có một chuyện gì “trục trặc”, khi bạn gặp một người bạn không muốn gặp, hoặc gặp một tình trạng khó khăn, bị mất mát hay có nguy cơ bị mất mát. Lúc đó bạn sẽ dễ dàng bị khống chế bởi những phản ứng, mà rốt cục chỉ là sự biểu hiện của một dạng nào đó của niềm sợ hãi, và bạn bị đưa trở vào trạng thái mê mờ. Nhưng những thách thức đó chính là thước đo chính xác trình độ tỉnh thức của bạn. Chỉ qua cách mà bạn đối phó với nghịch cảnh thì bạn, hoặc người khác, mới biết bạn đang ở mức độ tỉnh thức nào, chứ không phải là chuyện bạn có thể ngồi thiền được bao lâu hoặc bạn đã nhìn thấy được viễn tượng gì trong khi thiền quán.
Do đó, việc thực tập nuôi lớn ý thức sáng tỏ trong đời sống hằng ngày(6), nhất là trong những tình huống rất bình thường khi mọi việc đang diễn ra khá suôn sẻ, là một điều rất cần thiết. Theo cách này, khả năng có mặt của bạn trong giây phút hiện tại sẽ lớn dần lên. Có một trường năng lượng có tần số rung cao sẽ được tạo ra trong bạn và chung quanh bạn. Không có sự mê mờ, tiêu cực, xích mích hay bạo lực nào có thể len lỏi vào trường năng lượng đó mà có thể sống sót, cũng như bóng tối trong một căn phòng không thể tồn tại khi có sự hiện diện của ánh sáng.
Khi bạn thực tập làm một chứng nhân cho những suy nghĩ và cảm xúc miên man ở trong đầu bạn, một phần cơ bản của sự thực tập có mặt với những gì đang xảy ra, bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên, khi lần đầu, bạn cảm nhận được sự quấy nhiễu ở đằng sau trong tâm thức bạn bởi trạng thái tâm thức mê mờ thông thường và hiếm khi, hoặc chẳng bao giờ, bạn có được sự thanh thản ở nội tâm. Về mặt suy nghĩ, bạn sẽ tìm thấy có nhiều sự chống đối ở trong lòng dưới dạng những phán xét, bất mãn và bạn có khuynh hướng phóng tâm khỏi Phút Giây Hiện Tại. Về mặt cảm xúc, bạn sẽ cảm nhận được một dòng chảy ngấm ngầm của nỗi bất an, căng thẳng, chán nản và hồi hộp. Cả hai đều là khía cạnh của trí năng dưới phương thức chống đối theo thói quen.
—–
“NHỮNG NGƯỜI DA TRẮNG ẤY ĐANG ĐI TÌM CÁI GÌ VẬY?”
Trong một cuốn sách của mình, Carl Jung có kể về một cuộc nói chuyện giữa ông với một thủ lĩnh người Mỹ da đỏ. Ông này cho biết là trong cảm nghĩ của ông, hầu hết những người đàn ông da trắng đều có một bộ mặt rất căng thẳng, hai mắt nhìn chòng chọc và thái độ tàn nhẫn. Vị thủ lĩnh nói tiếp: “Họ luôn luôn như muốn tìm kiếm một cái gì. Họ đi tìm cái gì vậy? Những người da trắng này luôn luôn muốn một cái gì đó. Họ luôn luôn bứt rứt, không yên. Chúng tôi không biết họ muốn gì(7). Chúng tôi nghĩ có lẽ họ điên hết rồi”.
Dòng chảy của nỗi bất an thường trực trong con người đã có từ lâu, dĩ nhiên cả trước khi nền văn minh công nghiệp phương Tây xuất hiện. Tuy nhiên, dòng chảy này bộc lộ một cách sâu sắc chưa từng có trong nền văn minh phương Tây. Và khi nền văn minh này gần như bao trùm cả thế giới như ngày nay thì sự bất an đó cũng đang thấm vào đại đa số người phương Đông. Nỗi bất an thường trực này đã có từ trước khi Đức Phật, Chúa Jesus ra đời. Đức Phật cũng đã dạy rằng, cội nguồn của khổ đau nằm ở lòng ham muốn và thèm khát không nguôi của ta. Chúa Jesus cũng đã có lần hỏi các đệ tử của Ngài: “Sao các con cứ mãi băn khoăn vậy? Nỗi lo lắng ấy liệu có giúp cho các con sống thêm được một ngày không?”
Việc chống đối phút giây hiện tại như là một sự băng hoại của cộng đồng nhân loại có liên quan mật thiết đến sự đánh mất trạng thái ung dung tự tại và tạo cơ sở cho nền văn minh công nghiệp thiếu nhân bản của chúng ta. Freud cũng nhận ra sự tồn tại của dòng chảy bất an ngấm ngầm này và đã viết trong cuốn “Civilization and Its Discontents” (Nền văn minh và sự bất mãn), nhưng ông đã không nhận ra được gốc rễ thực sự của nó và cũng không biết rằng có một lối thoát cho tất cả chúng ta ra khỏi nỗi bất an này. Sự băng hoại tập thể này đã tạo ra một nền văn minh cực kỳ khổ đau và bạo động. Nó đã trở thành một mối đe dọa, không những cho con người, mà còn cho tất cả sự sống trên trái đất này.
—–
HÓA GIẢI NHỮNG VÔ MINH THÔNG THƯỜNG
Làm sao để chúng ta thoát ra được căn bệnh này?
Hãy ý thức rõ về trạng thái vô minh thông thường này ở bản thân. Bạn hãy quan sát những cách thức mà sự bất an, bất mãn, căng thẳng được phát sinh ở trong bạn dưới dạng những phán xét không cần thiết, trạng thái chống đối hiện hữu và thái độ phủ nhận phút giây hiện tại. Khi bạn chiếu ánh sáng của ý thức tỉnh táo vào những mê mờ ở trong bạn thì những vô minh ấy sẽ bị tan biến ngay. Khi bạn đã biết cách hóa giải những vô minh thông thường rồi thì ánh sáng của sự có mặt ở trong bạn sẽ càng chiếu soi mạnh mẽ hơn và khi nào bạn cảm nhận được hấp lực của những vô minh sâu đậm ở trong bạn, bạn sẽ dễ dàng đối phó với chúng hơn nhiều. Tuy nhiên, ban đầu thật khó mà phát hiện được những vô minh thông thường vì nó có vẻ là một cái gì rất bình thường ở trong bạn.
Bạn hãy tập cho mình một thói quen thường xuyên theo dõi trạng thái tình cảm và lý trí của mình bằng cách tự quan sát mình. “Lúc này ta có đang thoải mái không?” luôn luôn là câu hỏi hay để bạn tự hỏi mình. Hoặc bạn cũng có thể tự hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra ở trong ta trong lúc này?”. Bạn hãy tập để tâm, chú ý đến những gì đang xảy ra ở trong lòngmình, ít ra thì cũng phải nhiều bằng với việc bạn thường để tâm, chú ý đến những gì đang xảy ra ở bên ngoài mình. Nếu bên trong của bạn đã đâu vào đấy thì bên ngoài của bạn cũng sẽ đâu vào đấy. Thực tại chủ yếu của bạn phải là ở bên trong, còn thực tại ở bên ngoài chỉ là thứ yếu. Nhưng bạn đừng nên trả lời các câu hỏi này liền. Hãy để cho sự chú tâm của bạn hướng vào bên trong. Hãy thử nhìn vào bên trong bạn. Trí năng của bạn bây giờ đang tạo dựng, vẽ vời nên những ý tưởng gì? Bạn đang cảm thấy như thế nào? Hướng sự chú tâm của mình vào bên trong thân thể. Bạn đang có sự căng thẳng nào không? Một khi bạn phát hiện ra một mức độ nhẹ của sự bất an, tức loại nhiễu nền của tâm thức(8), hãy để ý xem thử cách mà bạn đang sử dụng để tránh né, chống đối hay khước từ đời sống – chối bỏ phút giây hiện tại. Có nhiều cách mà chúng ta trong vô thức(9) chống đối lại phút giây hiện tại, có dịp, tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ. Nhưng càng thực tập, khả năng tự quan sát, và theo dõi trạng thái bên trong của bạn sẽ càng ngày càng sắc bén hơn.
—–
THOÁT LY KHỎI NHỮNG CẢM GIÁC BẤT HẠNH
Bạn có chán ghét những gì mình đang làm không? Có thể đó là công việc của bạn ở công ty, hoặc cũng có thể là một việc mà bạn đã đồng ý làm cho ai đó. Bạn đang làm công việc ấy, nhưng có một phần ở trong bạn cảm thấy chán ghét, không muốn làm. Bạn có đang chán ghét một người thân của bạn mà bạn không thể nói ra được? Bạn có biết rằng nguồn năng lượng chán ghét và bất bình mà bạn đang phát ra đó có tác hại như chính bạn đang đầu độc mình cũng như đầu độc những người chung quanh? Hãy nhìn cho kỹ vào bên trong bạn xem có chút dấu vết nào của uất hận, hay không hài lòng? Nếu có, bạn hãy xem xét nó trên cả hai bình diện cảm xúc và lý trí. Đầu óc bạn đang vẽ vời ra những ý nghĩ gì chung quanh tình huống này? Rồi hãy xem xét những cảm xúc, tức là phản ứng của cơ thể với những suy nghĩ tiêu cực đó. Hãy cảm nhận từng cảm xúc một. Bạn đang cảm thấy dễ chịu hay khó chịu? Đây có phải là thức cảm xúc mà bạn thực sự muốn chọn cho mình? Bạn có một sự chọn lựa nào khác không?
Cho dù bạn đang bị người khác lợi dụng, hay công việc mà bạn đang làm là quá tẻ nhạt, hoặc người mà bạn đang tiếp xúc không trung thực, làm phiền bạn hoặc đang rất vô ý thức…, tất cả những điều đó không thành vấn đề. Cho dù cảm xúc của bạn về tình huống này có xác đáng hay không, nó cũng chẳng giúp gì được cho bạn. Vấn đề ở chỗ là bạn đang chống đối những gì đang có mặt, đang biến giây phút hiện tại thành kẻ thù của mình, đang tạo ra bất hạnh và xung đột giữa bên trong và bên ngoài. Nỗi bất hạnh mà bạn đã tự tạo ra cho mình đang làm ô nhiễm không những sự thanh thản, an ổn ở bên trong bạn và của những người chung quanh, mà còn làm ô nhiễm tâm linh tập thể của loài người, trong đó, bạn là một thành viên không thể tách rời. Sự ô nhiễm môi sinh trên trái đất lúc này chỉ là biểu hiện bên ngoài của sự ô nhiễm tâm linh ở bên trong: hàng triệu cá nhân mê mờ đang không chịu trách nhiệm cho phần không gian bên trong(10) của họ.
Hoặc phải dừng ngay những gì bạn đang làm, nói chuyện riêng với những người có liên quan đến vấn đề của bạn và bày tỏ tất cả những gì bạn cảm nhận. Hoặc bạn phải vứt bỏ những suy nghĩ tiêu cực mà lý trí của bạn đã tạo dựng nên chung quanh sự việc, những suy nghĩ tiêu cực này thực sự không phục vụ một mục đích nào khác hơn là củng cố một nhận thức sai lầm về một cái tôi biệt lập(11), bản ngã của bạn. Nhận ra tính vô nghĩa của nó là rất quan trọng. Những suy nghĩ tiêu cực không bao giờ là cách tối ưu để cho bạn xử lý một vấn đề. Trái lại, trong nhiều trường hợp bạn sẽ bị sa lầy vào trong đó, và không thể tạo ra được những đổi thay thực sự. Những gì được tạo ra bằng năng lượng tiêu cực sẽ bị ô nhiễm bởi tính tiêu cực và theo thời gian sẽ tạo thêm đớn đau, bất hạnh. Hơn nữa, tâm trạng tiêu cực thường có khả năng lan truyền: Một nỗi buồn, bất hạnh thường lan đi nhanh chóng, dễ dàng hơn là những căn bệnh về thể xác. Theo quy luật cộng hưởng, năng lượng tiêu cực thường hay kích thích và truyền sinh lực cho những năng lượng tiêu cực đang tiềm tàng ở những người khác, trừ phi những người này đã được miễn nhiễm – tức là họ đang có một mức tỉnh thức cao độ ở tâm linh.
Bạn đang làm ô nhiễm hay làm tinh khôi thế giới xung quanh bạn? Bạn, chứ không phải ai khác, phải chịu trách nhiệm cho sự tinh khiết của không gian bên trong bản thân và sự tinh khiết của không gian xung quanh bạn. Trong sao thì ngoài vậy: Nếu mọi người dọn sạch những rác rưởi ở trong lòng họ, họ sẽ không còn làm dơ bẩn thế giới bên ngoài.
Làm sao tôi có thể trút bỏ trạng thái tiêu cực trong tâm thức tôi như ông đề nghị?
Bằng cách là bạn hãy buông nó xuống. Nếu lỡ cầm phải một cục than nóng rực ở trên tay thì bạn sẽ trút bỏ sự cháy bỏng, đau rát ấy bằng cách nào? Nếu bạn lỡ mang một túi hành lý quá nặng ở trên vai, bạn sẽ trút nó đi bằng cách nào? Đơn giản bằng cách nhận thấy rằng ta không còn muốn chịu đau khổ thêm hay cưu mang thêm gánh nặng này nữa, và rồi thì ta có thể buông cái khổ ấy xuống.
Những vô minh sâu đậm – như khối khổ đau sâu nặng ở trong lòng ta, hay những nỗi đau sâu kín khác như mất đi một người thân – thông thường cần được chuyển hóa bằng sự chấp nhận vô điều kiện cộng với ánh sáng của sự có mặt ở trong bạn – một sự chú tâm bền bỉ, không gián đoạn. Mặt khác, bạn có thể buông bỏ dễ dàng những vô minh thông thường khi bạn nhận thức rằng mình không muốn và không cần chúng nữa, khi bạn nhận thức rằng mình có sự chọn lựa, khi bạn nhận thức rõ mình không phải chỉ là một mớ phản xạ bị định đặt(12). Điều này hàm ý là bạn có khả năng tiếp xúc được năng lực của Phút Giây Hiện Tại. Không có khả năng ấy thì bạn sẽ không có sự chọn lựa gì cả.
Nếu ông gọi một vài xúc cảm là tiêu cực, có phải ông đang tạo ra sự phân cực tốt/xấu, như ông đã trình bày?
Không. Sự phân cực chỉ có ở giai đoạn đầu khi lý trí của bạn cho rằng giây phút hiện tại là xấu. Quan điểm này đã tạo ra cảm xúc tiêu cực.
Nếu ta gọi vài xúc cảm là tiêu cực, có phải ta đang nói rằng không nên có những cảm xúc đó, rằng có những xúc cảm tiêu cực đó là không ổn? Theo tôi ta nên tự cho phép mình cảm nhận bất cứ tình cảm gì nảy sinh ở trong ta; không nên cho chúng là xấu và ta không nên có những cảm xúc đó. Có cảm thấy chán ghét, giận dữ, cáu kỉnh, thất thường hay gì gì đi nữa thì cũng tốt thôi – bằng không, ta sẽ gặp phải xung đột, phủ nhận hay có sự ức chế tình cảm ở bên trong. Không phải mọi sự sẽ tốt đẹp khi ta để cho nó như thế hay sao?
Tất nhiên rồi, nếu bạn đang có một khuôn mẫu suy tưởng, một cảm xúc hay một phản ứng tiêu cực nào đó, bạn hãy chấp nhận nó. Vì bạn chưa đủ tỉnh thức để có sự chọn lựa. Đây là một sự kiện hiển nhiên, chứ không phải là một phán xét về bạn. Nếu thực sự bạn “có” chọn lựa, hay nhận biết là bạn có quyền chọn lựa, bạn sẽ chọn khổ hay vui, dễ chịu hay khó chịu, an lạc hay mâu thuẫn? Bạn có muốn chọn một ý tưởng hay một cảm giác, khi biết nó sẽ dứt bạn ra khỏi trạng thái an lạc, hài hòa một cách tự nhiên, khỏi niềm vui sống ở nội tâm? Bất kỳ những tình cảm nào kiểu đó, tôi đều gọi là tiêu cực; nó chỉ có nghĩa là không hay, một sự kiện không hay, rất đơn thuần, giống như khi ta bị đau bụng, buồn ói. Tôi không hề có ý nói: “Bạn không nên làm như vậy!”.
Vì sao người ta có thể giết hại hằng trăm triệu đồng loại của mình, chỉ riêng trong thế kỷ hai mươi này(13)? Con người đã gieo rắc khổ đau cho nhau ở một cấp độ kinh khủng đến nỗi vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng được. Đó là chưa kể những bạo hành về thể xác, tinh thần, nhân cách và tình cảm, cho đến những tra tấn, ngược đãi mà chúng ta tiếp tục gây ra cho nhau cũng như cho các loài hữu tình(14) khác hằng ngày.
Những người hành xử rất vô ý thức này có đang được sống trong một trạng thái ung dung tự tại, và có niềm vui sống trong nội tâm? Dĩ nhiên không. Chỉ có những người đang sống trong trạng thái cực kỳ tiêu cực, đang thực sự có một tâm trạng bất hạnh, kém cỏi, thì mới tạo ra một hiện thực như thế, tạo ra một đời sống phản ảnh những gì họ cảm nhận. Bây giờ đây, họ đang thiếu hiểu biết khi tham gia vào chuyện phá hủy thiên nhiên và hành tinh đang nuôi sống họ. Bạn không thể tin được, nhưng đó là sự thực. Còn một sự kiện khác nữa là đằng sau sự điên rồ đó, còn có một sự tỉnh thức. Sự phục hồi và cứu rỗi cho tất cả chúng ta cũng đang có mặt trong phút giây này.
Trở lại với những gì bạn vừa nói. Đúng là khi bạn chấp nhận sự ghét bỏ, giận dữ và tính khí thất thường… ở trong mình thì bạn sẽ không còn mù quáng phóng chiếu những vấn đề tình cảm chưa giải quyết của mình trong quá khứ lên người khác nữa(15). Nhưng tôi cảm thấy băn khoăn là liệu bạn có đang tự dối gạt mình không. Khi bạn thực sự thực tập chấp nhận trong một thời gian, như bạn nói, sẽ có lúc bạn chắc chắn đi qua một gian đoạn kế tiếp, lúc mà những xúc cảm tiêu cực trong bạn sẽ không còn được tạo ra nữa. Nếu không, thì sự “chấp nhận” của bạn chỉ là một nhãn hiệu của lý trí cho phép bản ngã ở trong bạn tiếp tục chìm đắm trong bất hạnh, để làm mạnh thêm cảm giác cách biệt với mọi người, với môi trường chung quanh, với sự hiện hữu của bạn bây giờ và ở đây. Như bạn đã biết, sự cách biệt chính là cơ sở cho bản ngã trong bạn nhận diện chính nó(16). Sự chấp nhận chân thật sẽ chuyển hóa những tình cảm tiêu cực đó ngay. Và nếu bạn thực sự có một nhận thức sâu sắc rằng mọi chuyện đâu đã vào đấy, ta không có vấn đề gì phải bận tâm cả(17) như bạn đã nói, thì liệu khi khởi thủy, bạn có còn phát sinh những cảm xúc đó hay không? Nếu không có sự phán xét, không chống đối hiện hữu thì những cảm xúc đó sẽ không thể nào còn phát sinh ở trong bạn. Bạn cho rằng “mọi thứ đâu đã vào đấy” nhưng dưới chiều sâu của tâm thức, bạn không thực sự tin tưởng vào điều này, do vậy những mô thức chống đối của lý trí – cảm xúc(18) ở trong bạn vẫn còn. Chính cái đó đã làm cho bạn cảm thấy không yên.
Có như vậy cũng tốt thôi!
Ủa, bạn đang muốn bảo vệ cho mình đặc quyền “được” chịu khổ đau và mê đắm ư? Bạn đừng lo, chẳng ai muốn tước đi đặc quyền ấy của bạn cả. Nhưng khi đã nhận ra loại thức ăn nào sẽ gây bệnh, bạn có muốn ăn mãi những thứ đó không, và cứ nhất định cho rằng có bệnh mãi như vậy cũng không sao?
—–
DÙ BẤT KỲ ĐANG Ở ĐÂU, BẠN HÃY CÓ MẶT Ở ĐÓ HOÀN TOÀN
Xin cho biết thêm một vài ví dụ về trạng thái vô minh thông thường?
Bạn hãy để ý thử xem có bắt gặp mình đang phàn nàn – trong cách mình suy nghĩ hoặc qua lời nói – về một tình huống nào mình đã gặp phải, về những gì người khác nói hoặc làm, về những gì xung quanh, về hoàn cảnh sống của bạn, hay ngay cả trong chuyện thời tiết? Than phiền luôn luôn là trạng thái không chấp nhận hiện hữu. Dù muốn dù không, nó luôn chứa một năng lượng vô minh tiêu cực nào đấy. Khi phàn nàn, bạn sẽ tự biến mình thành một nạn nhân. Khi bạn nói lên được những gì làm khổ mình, bạn sẽ lấy lại được chủ quyền của mình, vì vậy, khi thấy cần thiết hay có thể, bạn hãy thay đổi tình huống bằng cách làm những gì bạn cần làm, hay nói lên những gì bạn đang cảm nhận; hoặc bạn có thể giải quyết bằng cách rời khỏi tình trạng đó, hay hãy sẵn sàng để chấp nhận tình huống. Ngoài ra, những cách phản ứng khác đều là thiếu sáng suốt.
Mê mờ thông thường luôn luôn có liên quan đến hành động chối bỏ phút giây hiện tại. Chối bỏ Hiện Tại cũng bao gồm chối bỏ luôn không gian ở nơi này. Bạn có đang chống đối những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây không? Nhiều người luôn thích ở một chỗ khác. “Chỗ này” của họ không bao giờ đủ tốt, đủ xứng đáng để họ cảm thấy hài lòng cả. Bằng cách tự quan sát mình, thử xem bạn có đang làm như vậy trong đời sống hàng ngày? Dù bất cứ bạn đang ở đâu, hãy an trú hoàn toàn ở đó. Nếu bạn nhận thấy hoàn cảnh bây giờ và ở đây của bạn vượt quá mức chịu đựng và làm cho bạn đau khổ, bạn có 3 giải pháp: hãy rời khỏi đó, thay đổi tình trạng, hay chấp nhận tình trạng đó vô điều kiện. Nếu bạn muốn chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình, bạn phải chọn một trong 3 giải pháp nêu trên, và phải chọn ngay bây giờ. Sau đó hãy chấp nhận hậu quả những gì mình đã chọn. Không viện cớ. Không tiêu cực. Không xả rác, hay làm ô nhiễm lòng mình. Hãy giữ cho không gian bên trong tâm bạn được trong sáng.
Nếu bạn quyết định rời bỏ hay thay đổi tình huống đó thì hãy hành động, nhưng nếu được, trước hết bạn hãy buông bỏ tất cả những tiêu cực. Hành động xuất phát từ sự thấu hiểu sâu sắc những gì cần được làm thì luôn luôn có hiệu quả hơn là những hành động xuất phát từ thái độ tiêu cực.
Bất kỳ hành động nào cũng thường tốt hơn là không làm gì, đặc biệt là khi bạn đã lâm vào một hoàn cảnh bất hạnh trong một thời gian dài. Nếu lỡ mắc phải sai lầm thì ít ra bạn cũng học được một điều gì đó, do đó điều ấy không còn là một lỗi lầm. Nếu cứ buông xuôi như thế, bạn sẽ không học hỏi được điều gì cả. Có phải nỗi sợ hãi cản ngăn, không cho bạn hành động không? Nếu có, bạn hãy thừa nhận, quan sát, chú tâm đến nỗi sợ hãi đó, hoàn toàn có mặt với cảm giác này. Qua đó bạn sẽ cắt đứt sự liên kết giữa nỗi sợ hãi và suy tưởng của mình. “Đừng để nỗi sợ hãi bùng vỡ lên ở trong bạn”. Hãy sử dụng năng lực của phút giây hiện tại. Sự sợ hãi không thể nào thắng được.
Nếu quả thật bạn không thể làm gì để thay đổi những điều đang xảy ra bây giờ và ở đây, và bạn cũng không thể thoát khỏi nó, lúc đó bạn chỉ còn cách duy nhất là hãy chấp nhận hoàn toàn tình huống ấy bằng cách buông bỏ tất cả những chống đối vẫn còn âm ỉ ở bên trong bạn. Cái Tôi giả dối, bất hạnh, thích thú với những cảm giác đau thương, oán hận, thích cảm thấy tội nghiệp cho chính nó… lúc đó sẽ không còn nữa. Đó là chấp nhận vô điều kiện. Chấp nhận vô điều kiện không phải là sự yếu đuối mà thực là một sức mạnh lớn lao. Chỉ có người đã hoàn toàn chấp nhận tất cả mới thực sự có sức mạnh về tâm linh. Chỉ qua buông bỏ hết tất cả những chống đối, bạn mới thực sự được giải thoát hết khỏi hoàn cảnh. Lúc ấy bạn sẽ thấy rằng tình huống tự nó thay đổi mà bạn không cần tác động gì cả. Khi đó bạn sẽ được tự do.
Nếu có một cái gì đó bạn “nên” làm nhưng chưa làm? Hãy đứng lên đi làm việc đó ngay. Nếu không thì bạn hãy hoàn toàn chấp nhận trạng thái bất động, lười biếng và thụ động của mình đang có mặt trong phút giây này, nếu quả thực bạn chọn làm như thế. Hãy thâm nhập vào đó một cách hoàn toàn. Hãy thưởng thức cảm giác đó. Hãy lười biếng và bất động lâu như bạn thực muốn. Nếu bạn hoàn toàn thâm nhập vào trạng thái lười biếng, bất động ấy với đầy đủ ý thức thì bạn sẽ nhanh chóng ra khỏi nó. Nếu bạn không ra khỏi được thì bạn cũng không cảm thấy có xung đột nội tại, chống đối hay tiêu cực.
Bạn có bị căng thẳng không? Bạn có bận rộn về tương lai đến độ hiện tại trở thành một phương tiện để bạn đi đến đó? Căng thẳng gây ra là do bạn ở “đây” mà chỉ muốn đến “đó”, đang ở trong phút giây hiện tại mà trong đầu chỉ muốn đến tương lai – đây là sự phân hóa cắt nát nội tâm của bạn. Sống để mà tự tạo cho mình những rạn nứt, đau đớn ở bên trong một cách thiếu hiểu biết như thế thì thật là điên rồ. Dù ngay cả khi mọi người ai cũng đều làm chuyện ngu xuẩn này, điều đó vẫn không thể làm cho sự kiện ấy ít điên rồ đi chút nào. Nếu bạn bị buộc phải làm một công việc gì thật nhanh nhẹn, hay bắt buộc phải đi nhanh, kể cả chạy, bạn cứ làm nhanh, đi nhanh, chạy nhanh… nhưng đừng để mình bị phóng về tương lai và đừng để mình chống đối những gì đang có mặt trong phút giây hiện tại. Khi làm nhanh, khi di chuyển nhanh, khi chạy, bạn hãy để hết tâm ý của mình vào đó. Hãy thưởng thức dòng chảy của năng lượng, cường độ cao của năng lượng trong thời khắc đó. Lúc ấy bạn sẽ không còn căng thẳng, không còn bị chia cắt mình ra làm đôi như trước nữa. Chỉ còn động tác chạy, nhảy, làm việc – và niềm vui khi thực hiện những công việc đó. Hoặc bạn có thể bỏ hết mọi chuyện, ra ngồi chơi ở công viên. Nhớ là khi làm như vậy, hãy để ý, đừng cho lý trí của bạn bảo bạn: “Thôi, hãy đi làm việc đi, đang lãng phí thì giờ đấy”. Hãy để ý những gì sẽ xảy ra ở trong đầu bạn thôi và chỉ cần mỉm cười với những ý tưởng đó.
Bạn có bận tâm quá nhiều về quá khứ hay không? Bạn có thường nghĩ và nói về quá khứ, cả mặt tốt lẫn mặt xấu? Cho dù đó là những việc lớn bạn đã thực hiện, những chuyến phiêu lưu hay những kinh nghiệm bạn đã trải qua, những mẩu chuyện với tâm thức nạn nhân của bạn(19) hay những điều kinh khủng đã xảy ra cho bạn, hay những gì tệ hại bạn đã hành xử với kẻ khác? Những dòng suy nghĩ ấy có tạo ra một cảm giác lỗi lầm, tự hào, phẫn uất, giận dữ, hối tiếc hay tội nghiệp cho chính mình không? Như vậy thì bạn không những đã củng cố thêm cảm giác sai lầm về sự có mặt của một cái tôi giả dối ở trong bạn mà bạn còn tiếp tay thúc đẩy quá trình lão hóa bằng cách tạo ra và tích lũy những quá khứ tiêu cực trong tâm thức của mình. Bạn có thể kiểm định điều này bằng cách quan sát những người sống chung quanh bạn, những người có xu hướng thích bám víu vào quá khứ, xem có phải họ trông già nua, khắc khổ hơn bình thường?
Hãy giã từ quá khứ từng phút, từng giây. Bạn thực sự không còn cần đến quá khứ nữa. Chỉ khi nào rất cần thiết trong phút giây hiện tại, bạn mới nghĩ đến quá khứ thôi. Hãy cảm nhận sức mạnh của giây phút này và sự giàu có của an nhiên tự tại. Hãy cảm nhận sự có mặt của chính mình.
—–
Bạn có đang lo lắng gì không? Bạn thường hay đặt ra nhiều câu hỏi kiểu: Nếu chuyện ấy… như thế này… thì tôi sẽ… như thế kia… không? Bạn có đang đồng nhất mình với suy nghĩ miên man của mình tức là đang phóng chiếu tự thân vào một tình huống tưởng tượng trong tương lai và đang tạo ra nỗi sợ hãi? Chẳng có cách nào để bạn đối phó với tình huống đó, vì nó không có thật, đó chỉ là bóng ma của lý trí. Bạn có thể ngăn chặn sự mất trí ăn mòn cuộc sống và sức khỏe này bằng cách chỉ cần thừa nhận phút giây hiện tại. Hãy ý thức về hơi thở của mình. Cảm nhận hơi thở ra và hơi thở vào của thân thể mình. Hãy cảm nhận trường năng lượng bên trong của bạn. Những gì bạn cần phải xử lý trong cuộc đời thật – trái với những phóng chiếu tưởng tượng của trí năng – là trong giây phút này. Hãy tự hỏi mình bạn đang thực có “vấn đề” gì ngay bây giờ, bây giờ chứ không phải năm tới, ngày mai, hay 5 phút nữa. Bây giờ đâu có chuyện gì đâu? Ta luôn luôn có thể tác động tới Hiện Tại nhưng ta không bao giờ có thể tác động đến tương lai, và ta cũng không cần phải làm như vậy. Khi nào bạn cần một câu trả lời, cần sức mạnh, hay một hành động đúng đắn hay một phương cách gì thì bạn sẽ có ngay lúc đó, bạn sẽ không có trước đó mà cũng sẽ không có sau đó.
Bạn có hay tự nhủ: “Một ngày nào đó tôi sẽ thực hiện được chuyện này”? Mục tiêu ấy của bạn có choán hết tâm trí bạn để rồi giây phút hiện tại chỉ còn là một phương tiện để bạn đạt đến mục tiêu? Mục tiêu ấy có đang tước đoạt đi niềm vui trong công việc của bạn không? Bạn còn đang chờ đợi một cái gì nữa mới bắt đầu thực sự sống? Nếu bạn có những suy tư kiểu này thì dầu cho bây giờ có thực hiện được cái gì đi nữa, bạn cũng sẽ không bao giờ hài lòng với phút giây hiện tại vì bạn nghĩ tương lai mới thỏa mãn bạn hơn. Đó quả là một công thức tuyệt vời nấu ra cho bạn món thường xuyên bất mãn và không hài lòng!
Bạn có là một người hay “trông chờ” không? Bạn phí đời mình bao lâu trong trạng thái đợi chờ này? Những gì tôi gọi sự trông chờ ở cấp độ thấp tức là khi ta chờ ở bưu điện, trong khi kẹt xe, ở sân bay, hay đợi ai đến, chờ làm xong việc… còn trông chờ ở cấp độ cao là khi ta trông cho đến ngày ta được đi nghỉ hè, trông có được một công việc tốt hơn, trông cho con cái trưởng thành, trông có một quan hệ có ý nghĩa, trông chờ sự thành công, trông làm ra tiền, trông trở thành ông này, bà nọ hay trông mong được giác ngộ… Có rất nhiều người lãng phí hết cả cuộc đời mình chỉ để trông chờ, trông chờ,… trước khi bắt đầu thực sự sống cuộc đời của họ.
Trông chờ là một trạng thái của lý trí. Về cơ bản, điều đó có nghĩa bạn chỉ muốn tương lai, không muốn hiện tại. Bạn không muốn những gì bạn đang có mà chỉ muốn những gì bạn đang không có. Dù trông chờ theo kiểu gì đi nữa, thì bạn đang tạo ra xung đột bên trong, giữa “những cái mà bạn đang có bây giờ và ở đây” mà bạn đang không thưởng thức, với một tương lai không thật, được thêu dệt nên ở trong đầu bạn, là nơi mà bạn muốn đến. Đây là điều làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn nhiều nhất vì bạn đã đánh mất đi giây phút hiện tại.
Không có gì sai trái cả khi bạn muốn phấn đấu để cải thiện cuộc sống của mình. Nhiều khi bạn làm cho hoàn cảnh sống của bạn khá hơn nhưng lại không thể giúp cải thiệnđời sống của bạn. Đời sống mới là chủ chốt. Đời sống chính là Bản Thể nội tại sâu thẳm nhất của bạn(20). Đời sống vốn đã tự đầy đủ, hoàn chỉnh và toàn hảo. Tình huống sống của bạn bao gồm những hoàn cảnh và những kinh nghiệm bạn đã đi qua. Không có gì sai cả khi ta đề ra một mục tiêu trong đời sống và phấn đấu để hoàn thành những mục tiêu đó. Vấn đề là ở chỗ ta đã sử dụng nó để thay thế cho những cảm nhận về sự sống và sự Hiện Hữu. Điểm duy nhất mà bạn có thể tìm được lối vào là phút giây hiện tại. Nếu không thì bạn chỉ như một kiến trúc sư dành rất nhiều thì giờ cho những kiến trúc bên trên mà chẳng chú ý gì đến nền móng của căn nhà.
Ví dụ, nhiều người hiện đang đợi để được giàu có. Nhưng sự giàu có không thể đến được từ tương lai. Khi ta tôn trọng, thừa nhận, và chấp nhận hoàn toàn thực tế trước mắt: mình đang ở đâu, mình là ai, mình đang làm gì trong lúc này, tức là khi ta hoàn toàn chấp nhận những cái mà ta đang có, bạn sẽ biết tri ân những gì bạn đang có, tri ân những gì đang có mặt, và tri ân Hiện Hữu. Sự giàu có đích thực của bạn là khi biết tri ân giây phút hiện tại và tính trọn vẹn của cuộc sống ngay bây giờ. Theo thời gian, sự giàu có đó sẽ được biểu lộ với bạn theo nhiều cách khác nhau.
Nếu bạn đang thất vọng với những gì mình đang có hay bực bội và bất mãn về những gì mình chưa có, điều này có thể động viên bạn làm giàu, tuy nhiên dầu có làm ra bạc triệu bên trong bạn vẫn cảm thấy chưa đủ, vẫn tiếp tục thấy chưa thỏa mãn. Tiền bạc có thể mang lại cho bạn nhiều thú vui hấp dẫn, nhưng những niềm vui đó đến rồi đi, để lại trong bạn một cảm giác trống trải, rồi bạn sẽ cần thêm những nhu cầu khác để mong được thỏa mãn về thể chất hoặc tinh thần. Bạn chỉ thoát ra khỏi tình trạng đó khi bạn trung thành với Hiện Hữu, nơi mà sự giàu có đích thực chính là cảm nhận sự trọn vẹn trong cuộc sống hiện tại.
Vì vậy bạn hãy từ bỏ tâm lý trông chờ của lý trí. Khi bạn bắt gặp mình rơi vào trạng thái trông chờ, hãy bước ra khỏi tâm lý ấy ngay. Hãy bước vào phút giây hiện tại, hãy an trú và thưởng thức giây phút đó. Nếu bạn thực sự có mặt thì bạn sẽ không có nhu cầu trông chờ một thứ gì. Cho nên lần sau nếu có ai nói: “Xin lỗi đã để ông, (bà) chờ”, bạn sẽ trả lời: “Không sao, tôi có đang chờ đợi gì đâu. Tôi đang đứng đây, an vui với chính mình – trong niềm vui có sẵn ở trong tôi”.
Trông chờ chỉ là một trong số các chiến lược phủ nhận giây phút hiện tại của lý trí, chúng là một phần của tâm thức vô minh thông thường. Nhưng loại mê mờ này rất dễ dàng được bỏ qua vì chúng là một phần của đời sống bình thường: Một loại tâm thức nhiễu nền của nỗi bất bình muôn thuở(21). Tuy vậy, bạn càng thực tập quan sát trạng thái tình cảm hay lý tríở nội tâm của mình thì bạn càng dễ biết được khi nào bạn đang bị mắc vào quá khứ hoặc tương lai, tức là rơi trở vào trạng thái mê mờ. Và do đó, bạn có thể đưa mình thoát ra khỏi giấc mơ quá-khứ-hoặc-tương-lai để trở về với hiện tại. Xin lưu ý rằng cái tôi khổ đau, giả tạo, cái tôi chỉ dựa vào sự tự đồng hóa bạn với lý trí chỉ sống nhờ vào thời gian – quá khứ và tương lai. Nó biết rằng cái chết của nó chính là phút giây hiện tại cho nên nó rất sợ hãi giây phút này. Nó sẽ cố hết sức đưa bạn ra khỏi phút giây hiện tại. Tự ngã của bạn sẽ cố trói buộc bạn với quá khứ và tương lai.
—–
MỤC TIÊU ĐÍCH THỰC CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỜI BẠN
Tôi thấy những gì ông nói là đúng. Nhưng tôi cho rằng ta cần có mục đích cho đời mình, nếu không thì chỉ như một cánh bèo trôi dạt, lênh đênh; mà đã nói đến mục đích tức là nói đến tương lai, đúng không? Làm sao mà chúng ta có thể dung hòa chuyện sống có mục đích với chuyện sống trong phút giây hiện tại?
Trong một cuộc hành trình, nếu biết mình sẽ đi đâu hoặc ít ra biết được sẽ đi hướng nào là một điều rất hữu ích, nhưng đừng quên: Điều thực nhất cuối cùng về cuộc hành trình của đời bạn chính là những gì bạn đang làm trong phút giây này. Tất cả chỉ có vậy thôi.
Cuộc hành trình của đời bạn có một mục đích bên ngoài và một mục đích bên trong. Mục đích bên ngoài là nhằm đạt được mục tiêu, hoàn thành những gì bạn đã đặt ra, dĩ nhiên điều này ám chỉ đến tương lai. Nhưng nếu mục đích bên ngoài, hay những gì bạn sẽ làm trong tương lai thu hút quá nhiều sự chú tâm của bạn đến nỗi những chuyện đó trở nên quan trọng hơn những gì mà bạn đang làm ngay trong phút giây này, thì lúc đó bạn đã đánh mất hoàn toàn mục tiêu bên trong của cuộc hành trình đời bạn. Mục tiêu nội tại này không liên quan đến “cái nơi” mà bạn hướng đến, hoặc “những gì” mà bạn sẽ làm, mà chỉ có liên quan mật thiết đến “phương cách mà bạn làm” như thế nào để đạt được mục tiêu đó. Điều này không có liên quan gì đến tương lai, mà chỉ liên quan đến chất lượng của sự tỉnh thức ở trong bạn khi bạn đang làm bất kỳ một công việc gì trong phút giây này. Mục tiêu bên ngoài của đời bạn thuộc về chiều ngang của không gian và thời gian, còn mục tiêu bên trong liên quan đến chiều sâu của Bản Chất chân thật của bạn; mục tiêu đó có liên quan đến chiều dọc của thứ Hiện Tại vô thời gian. Hành trình bên ngoài của bạn có thể có một triệu bước; nhưng hành trình bên trong của bạn chỉ có một bước: cái bước – được biểu hiện qua bất kỳ công việc gì – mà bạn đang làm. Khi bạn ý thức được sâu sắc về bước đi này, bạn sẽ thấy rằng trong nó đã có tất cả những bước khác cũng như cả mục tiêu mà bạn sẽ đến. Lúc đó, bước đi này(22) sẽ trở thành một nghệ thuật đưa bạn đến với biểu hiện của sự hoàn hảo: một hành vi nghệ thuật có chất lượng và nét đẹp tuyệt vời. Những gì bạn đang làm trong hiện tại với ý thức sáng tỏ ấy sẽ đưa bạn đến với Hiện Hữu, và ánh sáng của Hiện Hữu sẽ chiếu soi qua bước đi đó của bạn. Đây vừa là mục đích vừa là thành tựu của hành trình bên trong của đời bạn, hành trình đi vào trong chính mình.
—–
Vậy có gì quan trọng không khi chúng ta đạt được những mục đích bên ngoài, có gì quan trọng không khi chúng ta thành công hay thất bại trong đời sống?
Điều này vẫn quan trọng đối với bạn chừng nào bạn vẫn còn chưa nhận thức được mục tiêu bên trong của mình. Sau đó thì mục tiêu bên ngoài của bạn chỉ còn là một trò chơi mà bạn vẫn tiếp tục chơi vì bạn thích chơi. Rất có thể là bạn hoàn toàn thất bại trong những mục tiêu ở bên ngoài, trong khi lại rất thành công đối với những mục tiêu ở bên trong. Hoặc ngược lại, là điều thường xảy ra hơn: là bạn rất giàu có bên ngoài nhưng lại rất nghèo nàn ở bên trong, như Chúa Jesus đã từng nói: “Con được cả thế gian nhưng lại đánh mất linh hồn”. Dĩ nhiên là rốt cuộc mọi mục tiêu bên ngoài, chẳng chóng thì chầy, rồi cũng đi đến chỗ “thất bại”, đơn giản chỉ vì nó phải chịu tác động của quy luật Vô Thường(23) của mọi sự, mọi việc. Nếu bạn càng sớm nhận ra rằng những mục tiêu bên ngoài sẽ không mang lại cho bạn sự thỏa mãn lâu dài thì càng tốt cho bạn chừng ấy. Khi thấy được những hạn chế của những mục tiêu ở bên ngoài, bạn sẽ không còn trông mong hão huyền rằng những thứ đó sẽ mang lại cho bạn sung sướng, lúc đó bạn sẽ cho những mục tiêu ngoại vi ấy trở thành phụ thuộc cho những mục tiêu bên trong của bạn.
—–
QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY”
KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI
Ông đã nói rằng nghĩ hay nói về quá khứ một cách không cần thiết là một trong những cách ta trốn tránh hiện tại. Nhưng ngoài những quá khứ mà ta nhớ và nhiều khi còn đồng hóa với nó, không phải còn có một tầng lớp quá khứ khác đã bám rễ sâu hơn ở trong ta? Tôi muốn nói đến cái quá khứ mà bây giờ ta vẫn chưa ý thức rõ, thứ quá khứ đã định đoạt cuộc đời của ta, đặc biệt là những quá khứ mà ta đã trải qua vào thời thơ ấu, hay ngay cả những gì ta đã trải qua ở kiếp trước. Cộng thêm những tác động của nền văn hóa liên quan đến vị trí địa lý và thời đại lịch sử mà chúng ta sống và lớn lên. Những điều này quy định cách mà ta nhìn thế giới, cách chúng ta suy nghĩ, phản ứng, và những kiểu quan hệ mà chúng ta sẽ có, cách chúng ta sống như thế nào. Làm sao chúng ta ý thức được hết những điều đó hay loại bỏ chúng? Sẽ mất bao lâu chúng ta mới làm được việc này? Cho dù có làm được, thì chúng ta sẽ còn lại gì khi những quá khứ khổ đau kia không còn nữa?
Khi ảo tưởng của bạn chấm dứt thì bạn còn lại gì?
Bạn thực sự không cần phải tìm hiểu về những quá khứ thiếu hiểu biết ở trong bạn ngoại trừ những lúc nó biểu hiện ra vào lúc này, dưới dạng một ý nghĩ, một cảm xúc, một sự thèm khát, một phản ứng hay một sự kiện bên ngoài xảy ra cho bạn. Những thử thách trong giây phút hiện tại sẽ cho bạn biết những gì bạn cần biết về những quá khứ thiếu hiểu biết ở trong mình. Nên nếu bạn có ý muốn lục lọi quá khứ, nó sẽ trở thành một cái hố không đáy: sẽ luôn có thêm một điều gì đó của quá khứ. Có lẽ bạn cho rằng mình cần thêm thời gian để hiểu về quá khứ hay để thoát khỏi nó, nói một cách khác, rốt cuộc thì bạn nghĩ rằng tương lai mới là cái giải thoát bạn khỏi quá khứ. Đây chỉ là ảo tưởng. Chỉ có phút giây hiện tại mới giải thoát bạn khỏi quá khứ. Có thêm thời gian không thể giải thoát ta khỏi thời gian. Chỉ có sự tiếp xúc với năng lực của phút giây hiện tại. Đây là chìa khóa của bạn. Không có gì khác ngoài chính năng lực của sự hiện diện ở trong bạn, chính ý thức của bạn mới giải thoát bạn khỏi mọi khuôn mẫu suy nghĩ miên man của chính bạn.
Cho nên hãy giải quyết quá khứ trên cơ sở của hiện tại. Khi ta càng chú tâm đến quá khứ, ta làm cho nó càng mạnh hơn, càng dễ dàng làm cho cái “tôi” ở trong bạn được tạo dựng ra. Đừng hiểu lầm: Chú tâm là điều rất cần thiết, nhưng bạn đừng chú tâm đến quá khứ như thể quá khứ vẫn còn đang xảy ra. Quá khứ đã xảy ra và đã chấm dứt rồi. Bạn hãy chú tâm đến hiện tại; để ý cách bạn cư xử, phản ứng, tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc, sợ hãi, và những ham muốn ở trong bạn khi nó đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Đó chính là quá khứ ở trong bạn. Nếu bạn có mặt đầy đủ và toàn vẹn chỉ để nhận diện và quan sát mà không cần phê phán, không cần phân tích, lúc đó bạn đối diện với quá khứ và hóa giải nó bằng năng lực của chính sự có mặt của mình. Bạn không thể tìm ra chính bạn bằng cách đi sâu vào quá khứ, bạn tìm ra chính bạn bằng cách đến với phút giây hiện tại.
Thế không phải rất có ích để hiểu thêm về quá khứ, qua đó ta hiểu tại sao ta làm một việc gì đó, tại sao ta phản ứng theo một cách nào đó, hay tại sao ta đã mê lầm tạo ra những tấn tuồng nào đó, tạo ra khuôn mẫu trong những mối quan hệ nào đó của ta với người khác, v.v…?
Khi bạn ý thức hơn về tình trạng hiện thời, bỗng nhiên bạn có một sự hiểu biết sâu xa về những thói quen hành xử của ta. Ví dụ, tại sao quan hệ của ta luôn luôn đi theo một khuôn mẫu nào đó, hoặc có thể bạn nhớ lại những chuyện đã xảy ra trong quá khứ và nhìn thấy chúng rõ hơn. Đó là một điều tốt và có ích nhưng không phải là điều trọng yếu. Điều trọng yếu là sự có mặt tỉnh thức của bạn. “Đó” là cái hóa giải được quá khứ, là tác nhân chuyển hóa. Đừng tìm hiểu thêm gì về quá khứ mà chỉ cần bạn có mặt với phút giây hiện tại càng nhiều càng tốt. Quá khứ không thể tồn tại trong sự hiện diện đích thực của bạn. Quá khứ chỉ tồn tại khi bạn vắng mặt.
—–
Chú thích
- Ung dung tự tại (hay an nhiên tự tại) là trạng thái tâm bạn Có Mặt một cách sâu sắc, an lạc với những gì đang xảy ra chung quanh mình. Nhưng không bị những thứ đó làm chao đảo mình.
- Tìm về quá khứ để tạo cho mình một tấm căn cước: Vì không biết mình thực sự là ai, chúng ta chối bỏ phút giây hiện tại, và có nhu yếu đi tìm một tấm căn cước cho chính mình qua những huy hoàng, thành công cũ của quá khứ để tự hào rằng tôi đã từng là ông này, bà nọ, từng giữ chức vụ này, chức vụ kia, là một người giàu có hay nổi tiếng,… Hoặc đi tìm mình qua những thất bại, bất hạnh, bệnh tật: tôi là một nạn nhân, một người bị vợ (hay chồng) ngoại tình, tôi là một kẻ bất tài, một người tàn phế,… Tất cả những thứ đó chỉ là nỗ lực vô vọng trong chúng ta để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”, nhưng vì không biết câu trả lời căn bản đó nên chúng ta phải đi tìm chính mình qua một cái tôi, một bản ngã, một tấm căn cước của những vai trò mình đã đóng trong quá khứ.
- Trạng thái tâm Hiện Tiền sâu sắc: là trạng thái tâm thức Có Mặt sâu sắc với phút giây hiện tại, không bị lôi kéo bởi quá khứ và tương lai.
- Khi đồng nhất mình, hay cho rằng mình chỉ là những suy tư, cảm xúc, phản ứng, ham muốn, hoặc chối bỏ… xảy ra ở trong bạn: Nghĩa là khi có một suy tư hay ý tưởng phát sinh ở trong đầu, như “Ồ tôi sẽ bị mất việc”,… bạn trở thành một, hay đồng nhất với ý tưởng đó và trở nên hoảng hốt, lo sợ. Hoặc giả dụ, khi có một cảm giác giận dữ phát sinh ở trong lòng, vì một người đối diện lỡ nói một điều gì phật ý mình,… bạn lập tức cho rằng mình là cảm giác giận dữ ấy, nghĩa là bạn trở thành sự giận dữ ấy, mà không hề biết, do đó bạn đánh mất chính mình, không còn tự chủ và bị sai sử bởi cơn giận đang có mặt ở trong mình.
- Khi khối khổ đau sâu dày ở trong bạn bị kích thích và bạn đồng nhất với khối khổ đau đó: tức là khi bạn trở thành một, hay thiếu hiểu biết cho rằng “tôi chính là nỗi khổ ở trong tôi”. Nếu khối khổ đau của bạn là biểu hiện của cảm giác bất lực, thì lúc đó bạn sẽ tự nói thầm một cách thiếu hiểu biết với chính mình: “Ừ, tôi là cảm giác bất lực này” và bạn trở nên một người bất lực, không còn khả năng hành động.
- Thực tập nuôi lớn ý thức sáng tỏ trong đời sống hàng ngày: Sự nuôi lớn những hiểu biết sáng tỏ ở trong ta, giúp ta biết rõ những gì đang xảy ra ở bên trong và chung quanh mình, khiến ta tự biết chuyện gì nên làm, chuyện gì không nên làm.
- Những người da trắng (thời những di dân từ châu Âu mới đến lục địa Bắc Mỹ lập nghiệp, khoảng đầu thế kỷ 17) này luôn muốn một cái gì đó. Họ luôn luôn bứt rứt, không yên. Chúng tôi không biết họ muốn gì: Nhận xét này của vị thủ lĩnh người da đỏ không những đúng cho những người da trắng mà ông đã tiếp xúc, mà còn đúng cho những người đang sống trong thời đại này. Chúng ta cũng luôn luôn như muốn một cái gì, luôn cảm thấy bứt rứt, bất an, và không biết rõ ta đang muốn cái gì.
- Loại nhiễu nền của tâm thức: Là trạng thái bất an, không yên, thường nằm lẫn ở phía sau hậu trường của tâm thức.
- Vô thức: Hay vô minh, nghĩa là ta không có ý thức rằng mình đang làm gì.
- Chịu trách nhiệm cho không gian bên trong: Tức là chịu trách nhiệm cho sự ô nhiễm ở trong lòng mình do những suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin,… tiêu cực của mình.
- Cái tôi biệt lập: Là ấn tượng ở trong ta, có vẻ rất thật, nhưng sai lầm rằng có một bản ngã, một cá thể, một con người… ở trong ta, biệt lập, không dính dáng gì đến thế giới chung quanh, ta phải tự lo liệu chuyện sinh kế, sống còn…
- Một mớ phản xạ bị định đặt: Những cách, những khuôn mẫu mà chúng ta cư xử, phản ứng trong tình cảm và suy tư đã thành một thói quen lâu đời, đã cố định, đã đi theo một lối mòn quen thuộc trong tâm thức, mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Ví dụ khi giận ai thì ta bị nghẹn cổ, muốn phân giải, nhưng cảm thấy bất lực, vì lúc đó ta không thể nói được gì cả, chỉ biết khóc; có người khi có chuyện bất đồng với người khác thì không muốn nói chuyện với người kia cả tuần, cả tháng… Có người khi gây gổ với ai thì chỉ muốn tuyệt giao với người đó ngay, không muốn nghe người kia phân trần gì cả.
- “Quân Đội Thế Giới và Những Tổn Thất của Xã Hội”, trang 7, ấn bản thứ 16 của Ruth L. Sivard, do nhà xuất bản World Priorities ở Washington, DC, năm 1996.
- Loài hữu tình: Chim muông, cầm thú, gia súc,…
- Phóng chiếu những vấn đề tình cảm chưa ổn thỏa của mình trong quá khứ lên người khác: Ví dụ ta có một vấn đề chưa ổn thỏa với bố mình trong quá khứ, như có sự bất mãn, không nể phục nhân cách của bố. Thì khi ta vào công sở, ta rất dễ có vấn đề với cấp trên. Vì trong sự thiếu hiểu biết, ta xem người cấp trên của mình như là bố mình, và ta có khuynh hướng cư xử rất kỳ cục, và quá đáng với những chuyện bất hòa nhỏ nhặt ở sở làm. Những vết thương quá khứ này vẫn còn đau đớn nên ta không muốn đối diện với vế thương này. Do đó phóng chiếu, hoặc đổ lỗi cho người khác là một cách chúng ta làm trong sự thiếu hiểu biết vì trong ta vẫn còn sự chống đối với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Chúng ta không muốn nhận trách nhiệm những vấn đề của ta.
- Sự cách biệt là cơ sở cho bản ngã ở trong bạn nhận diện chính nó: Tự ngã ở trong bạn luôn bận tâm suy nghĩ, và phân biệt: “À, cái này là tôi, cái này không phải là tôi, cái này của tôi, cái này không phải của tôi…”. Nó luôn cảm thấy cách biệt với thế giới và với mọi người chung quanh. Đó là một cảm nhận rất căn bản của tự ngã ở trong ta. Vì tự ngã luôn luôn ở trong trạng thái phân ly này và luôn cảm thấy lo sợ chuyện sinh tồn, nó nghĩ nó phải tự lo liệu cho chính nó. Nếu bạn có ý thức rõ, bạn sẽ thấy rằng cuộc đời của bạn luôn luôn bị chi phối bởi một năng lượng đấu tranh, sống còn ngấm ngầm này của tự ngã mà bạn cứ lầm tưởng đó là cái lo sợ của chính bạn.
- Mọi chuyện đâu đã vào đấy, ta không có vấn đề gì phải bận tâm cả: Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng vạn pháp đã luôn an trú trong tự tánh niết bàn của chúng, nghĩa là mọi chuyện trong đời đã ổn thỏa, đâu vào đấy cả rồi, chỉ vì tự ngã phân biệt, vô minh ở trong ta nhìn thế giới bằng nhãn quan sai lạc nên mới có lo, có sợ, luôn phóng tâm muốn làm chuyện này, thay đổi chuyện kia,… Những bậc đắc đạo thực tập hạnh vô vi, vô hành là vì họ đã có cái thấy sâu sắc này.
- Những mô thức chống đối của lý trí – cảm xúc: Những khuôn mẫu, thói quen chống đối trong cách ta cư xử, phản ứng trong tình cảm và suy tư đã thành một cái nếp mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Ví dụ: khi không đồng ý với người khác, chúng ta bắt đầu rơi vào thói quen chê bai, nói xấu, cảm thấy ghét bỏ, giận hờn người đó. Có những chuyện người ấy đã làm trước đây, ta chẳng có vấn đề gì, mà bây giờ sau khi có sự bất đồng với họ, tự nhiên ta chỉ muốn tìm lỗi, vạch lá tìm sâu,… chê bai, phê phán những chuyện đã qua.
- Những mẫu chuyện với tâm thức nạn nhân của bạn: Khi một biến cố gì xảy ra, chúng ta thường không nhìn sự việc chính xác, đúng đắn, khách quan. Trái lại, chúng ta có khuynh hướng nhìn sự việc rất lệch lạc và thích xem mình là nạn nhân của biến cố đó. Khi làm một nạn nhân như thế, chúng ta sẽ không phải chịu trách nhiệm phần của mình trong biến cố và do đó đánh mất cơ hội hiểu mình hơn, cơ hội nhìn ra và chữa lành những khiếm khuyết và thương tích của mình được bộc lộ ra trong biến cố đó. Chúng ta thích làm nạn nhân của cuộc đời và thường có rất nhiều mẫu chuyện với tâm thức nạn nhân được chúng ta chứng minh, kể đi, kể lại nhiều lần.
- Sự sống chính là Bản Thể nội tại sâu xa nhất của bạn: Trong bài thơ “Hãy Gọi Đúng Tên Tôi” của thầy Nhất Hạnh (trang 64 trong cuốn Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát của Sư Cô Chân Không – Lá Bối), thầy nói rằng chúng ta không chỉ giới hạn trong tấm hình hài nhỏ bé này, mà chúng ta cũng là tất cả, ta chính là sự sống thênh thang, ngay trong phút giây này đang diễn ra khắp mọi nơi trên vũ trụ; ta chưa từng đến, chưa từng đi, chưa từng sinh và cũng chưa từng diệt.
- Tâm thức nhiễu nền của sự bất bình muôn thuở: Tức là đằng sau nền móng của tâm thức của chúng ta có một sự nhiễu xạ của những cảm giác bất bình, không hài lòng từ bao đời, bao kiếp.
- Bước đi này: Tức là bất kỳ một việc gì mà ta đang làm, ví dụ như pha trà chẳng hạn, có thể trở thành một nghệ thuật. Trong khi pha, người pha trà để hết tâm ý của mình vào từng động tác. Tất cả mỗi cử động đều được người ấy làm trong ý thức sáng tỏ về những gì mình đang làm, làm mà không có