Sức Mạnh Của Hiện Tại – Eckhart Tolle – Chương Iii – Hãy Kiên Trì Chú Tâm Vào Phút Giây Hiện Tại Đừng Đi Tìm Chính Mình Qua Những Suy Tưởng Miên Man

CHƯƠNG III

 HÃY KIÊN TRÌ CHÚ TÂM VÀO PHÚT GIÂY HIỆN TẠI

ĐỪNG ĐI TÌM CHÍNH MÌNH QUA NHỮNG SUY TƯỞNG MIÊN MAN

 

Tôi nghĩ là tôi cần phải học hỏi thêm nhiều về cách vận hành của trí năng trước khi tôi có thể đạt tới giác ngộ?

Không, bạn không cần phải làm như vậy. Những vấn đề của trí năng của bạn không thể giải quyết được bằng tư duy, hay ráng suy nghĩ thêm. Một khi bạn đã hiểu được tính chất băng hoại của trí năng thì ta không cần học hỏi, hiểu biết gì thêm về sự băng hoại đó. Nghiên cứu những khía cạnh phức tạp của trí năng có thể giúp ta trở thành một nhà tâm lý học giỏi, nhưng điều này sẽ không giúp ta vượt thoát khỏi sự kềm tỏa của trí năng. Cũng như nghiên cứu thêm về bệnh điên không bao giờ có thể giúp chúng ta trở nên sáng suốt, hay tỉnh táo hơn. Bạn đã hiểu rõ cơ cấu căn bản của sự sai lầm ở trong bạn: là tự đồng hóa, cho mình chỉ là những cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ miên man, từ đó ta tạo ra một cái tôi giả tạo để thay thế cho bản chất chân thật, sẵn có từ trạng thái an nhiên tự tại. Vì thế nên Chúa Jesus đã nói về trạng thái sai lầm này: “Các con như một nhánh nho bị cắt bỏ, tách rời khỏi một vườn nho xanh tốt”.

Những đòi hỏi của bản ngã ở trong bạn không bao giờ chấm dứt. Bản ngã thường cảm thấy rất mong manh và thường bị đe dọa nên nó sống trong tình trạng lo âu và luôn có nhu yếu mong cầu. Một khi bạn hiểu rõ những cách hoạt động băng hoại, suy đồi của trí năng, thì bạn không cần phải khám phá thêm vô số những biểu hiện khác của nó. Bạn cũng không cần làm cho nó trở thành một vấn đề phức tạp của riêng bạn.

Dĩ nhiên bản ngã thích tạo ra nhiều vấn đề cá nhân cho bạn, vì nó luôn luôn tìm một cái gì đó để bám vào, để nó có thể duy trì và củng cố một ảo tưởng về sự hiện hữu của chính nó. Bản ngã rất sẵn sàng bám cứng vào những vấn đề khác của bạn. Đó là lý do tại sao nhiều người, sự hiện hữu trong cuộc đời và vai trò của họ dính liền một cách cứng nhắc với các vấn đề của họ(1). Khi sự đồng hóa này xảy ra, điều mà họ ghét nhất là thoát ra khỏi nỗi khổ này, vì điều đó có nghĩa là họ sẽ đánh mất đi chính họ. Họ lo sợ rằng: “Nếu tôi đánh mất đi cái “tôi” ấy thì tôi chẳng còn gì nữa cả!”. Chúng ta thực đã đầu tư tất cả vốn liếng của chúng ta một cách vô ý thức vào những đau khổ và phiền não của chúng ta.

Khi bạn đã biết rõ gốc rễ của sự mê lầm của mình là sự tự đồng hóa mình với trí năng, trong đó dĩ nhiên cũng bao gồm cả chuyện đồng hóa mình với những cảm xúc miên man, tự nhiên bạn sẽ thoát ra khỏi những mê lầm đó. Bạn bắt đầu an trú được trong phút giây hiện tại. Khi bạn có mặt, bạn cho phép trí năng bạn hoạt động tự nhiên, nhưng bạn không bị vướng mắc vào đấy. Thật ra trí năng tự nó không có gì là băng hoại. Vì trí năng là một công cụ tuyệt hảo, sai lầm xảy ra khi ta cố tìm chính mình trong công cụ đó và lầm lẫn cho trí năng chính là mình. Lúc đó trí năng mới trở thành một khối óc vị kỷ, chế ngự cuộc đời ta.

—–

 

CHẤM DỨT ẢO TƯỞNG VỀ THỜI GIAN TÂM LÝ

 

Thật là khó tách rời Quá Khứ và Tương Lai khỏi trí năng của chúng ta vì chúng ta đã lỡ đắm mình, trôi nổi lâu ngày ở trong đó. Làm sao ta có thể dạy cho một con cá biết đi?

Điểm then chốt ở đây là bạn hãy chấm dứt ảo tưởng của mình về Quá Khư và Tương Lai, vì Quá Khứ, Tương Lai và trí năng dính liền với nhau. Hãy loại trừ Quá Khứ và Tương Lai ra khỏi suy nghĩ của bạn là xong – trừ phi bạn không muốn thế.

Tự đồng hóa mình với trí năng tức là bị mắc kẹt vào thời gian tâm lý: Có một cảm giác khao khát nào đó, không thể cưỡng lại được ở trong bạn, để được hồi tưởng hay sống lại với những ký ức và sự trông đợi một điều gì đó ở dĩ vãng. Điều này thường gây ra một sự bận bịu không thể tháo bỏ được với Quá Khứ và Tương Lai, nên bạn không còn muốn công nhận và trân quý phút giây hiện tại, không cho phép mọi chuyện trong hiện tại được xảy ra một cách trôi chảy. Sự thôi thúc, bó buộc đó thường xảy ra vì bạn cảm thấy Quá Khứ là nơi luôn giúp cho bạn có một cá tính, một nhân cách về một con người khổ đau nào đấy của bạn trong quá khứ… Còn Tương Lai thì luôn hứa hẹn cho bạn một sự cứu rỗi, hay thỏa mãn một khía cạnh nào đấy. Nhưng thực ra cả hai ý niệm về thời gian này đều chỉ là những ảo tưởng của con người chúng ta.

Nhưng nếu ông bảo không có ý niệm về thời gian tâm lý – Quá Khứ và Tương Lai – thì làm sao chúng ta có thể sống trong thế giới này? Con người sẽ không còn một mục tiêu nào để hướng đến. Tôi có lẽ cũng không còn biết tôi là ai, vì chính Quá Khứ đã làm nên cá tính của tôi ngày hôm nay. Tôi thiết tưởng loại thời gian này là một cái gì đó rất quý báu mà chúng ta cần sử dụng một cách có hiệu quả hơn mà không bị lãng phí?

Thực ra Quá Khứ và Tương Lai chẳng có chút giá trị nào cả vì đó chỉ là ảo tưởng của chúng ta. Cái mà chúng ta nhận là quý giá đấy thực ra nó không phải là thời gian. Mà đó chỉ là một tiêu điểm ở ngoài thời gian: đó chính là phút giây hiện tại. Chỉ có phút giây hiện tạimới thực là một cái gì quý báu. Khi chúng ta càng bận tâm nhiều đến thời gian – Quá Khứ và Tương Lai – thì chúng ta sẽ đánh mất Hiện Tại, là cái đáng trân quý nhất.

Tại sao tôi nói rằng Phút Giây Này là một cái gì quý báu nhất? Thứ nhất, vì đó là thứ duy nhất mà chúng ta thực sự sở hữu. Cuộc đời chỉ có độc nhất một thứ: đó là phút giây hiện tại, ngoài cái ấy ra không còn thứ gì khác nữa. Phút giây hiện tại bất tận này chính là không gian trong đó, cuộc đời bạn được phô diễn, nó là yếu tố duy nhất không thay đổi. Toàn thể đời sống đang diễn ra ngay trong phút giây này; không có lúc nào mà đời sống của chúng ta lại không diễn ra trong phút giây hiện tại. Thứ nhì, phút giây hiện tại là cái duy nhất có thể đem bạn ra khỏi cái giới hạn rất tù túng của trí năng. Đó cũng là lối mòn duy nhất giúp bạn thể nhập vào cõi Vô Tướng, Miên Viễn, Vô Cùng.

—–

 

KHÔNG GÌ CÓ THỂ HIỆN HỮU BÊN NGOÀI PHÚT GIÂY HIỆN TẠI

 

Không phải Quá Khứ và Tương Lai là điều có thật , đôi khi còn thật hơn là Hiện Tại nữa sao? Chẳng phải Quá Khứ mới giúp ta xác định được ta là ai cũng như cách chúng ta nhận thức và cư xử với những người khác trong Hiện Tại. Và những mục tiêu trong Tương Lai mới quyết định những gì ta cần phải làm trong hiện tại, đúng không?

Bạn chưa nắm được những điều tôi đã nói vì bạn cố thấu triệt điều ấy bằng suy tư. Trí năng của bạn không thể hiểu được điều này đâu, chỉ có bạn mới có thể hiểu được thôi, vậy xin hãy lắng nghe.

Có bao giờ bạn trải nghiệm, hoàn tất, suy nghĩ hay cảm nhận được bất kỳ một điều gì ở bên ngoài phút giây này chưa? Bạn nghĩ có cái gì sẽ bao giờ xảy ra được ở ngoài Phút Giây Hiện Tại không? Câu trả lời đã quá hiển nhiên, đúng không?

Không có một cái gì có thể xảy ra trong Quá Khứ cả; nó chỉ có thể xảy ra trong Hiện Tại mà thôi.

Không có một cái gì có thể xảy ra trong Tương Lai cả; nó chỉ có thể sẽ xảy ra trong Hiện Tại mà thôi.

Những gì ta cho là Quá Khứ, đấy chỉ là những dấu vết ký ức, được cất giữ trong đầu bạn, của những phút giây hiện tại đã qua. Khi ta nhớ về Quá Khứ, tức là khi ta làm sống lại một dấu vết gì của ký ức – và bạn đang làm điều này trong phút giây hiện tại, đúng không? Cũng vậy, Tương Lai là một sự tưởng tượng của phút giây hiện tại, một sự phóng chiếu của trí năng. Khi Tương Lai xảy tới, nó cũng chỉ xảy tới được trong phút giây hiện tại. Khi ta suy nghĩ về Tương Lai, ta cũng chỉ có thể làm được điều này trong phút giây hiện tại, đúng không? Như vậy Quá Khứ và Tương Lai rõ ràng tự nó không có thực. Giống như mặt trăng, tự nó không thể phát ra ánh sáng, mà nó chỉ có thể phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Quá Khứ và Tương Lai chỉ là những tia phản chiếu nhợt nhạt của ánh sáng chân thật, mạnh mẽ và hiện thực của phút giây hiện tại bất tận này. Sự hiện hữu của Quá Khứ và Tương Lai chỉ là một sự “vay mượn”, không hơn không kém, từ phút giây hiện tại.

Bạn không thể dùng trí năng của mình để hiểu được chân lý mà tôi đang trình bày ở đây. Khi bạn thấu suốt và thể nghiệm được chân lý này, ở trong bạn sẽ có một sự chuyển hóa chân thực và sâu sắc. Chuyển hóa từ một thói quen suy tưởng đảo điên sang một trạng thái an nhiên vắng lặng. Lúc đó bỗng nhiên mọi vật ở trong bạn đều trở nên linh hoạt, và sáng tỏ trong một thực tại hiện tiền.

—–

 

CHÌA KHÓA ĐI VÀO CHIỀU SÂU TÂM LINH

 Trong những trường hợp đặc biệt, sẽ có sự chuyển biến từ trạng thái thường xuyên bị vướng mắc của tâm tư vào thời gian tâm lý sang một trạng thái hiện tiền, trạng thái có mặt đích thực, ý thức tất cả những gì đang xảy ra chung quanh ta. Điều này có lúc xảy đến một cách rất tự nhiên. Ngay lúc đó, cái nhân cách giả tạm, con người mang đầy gánh nặng của quá khứ và tương lai… ở trong ta phút chốc bị biến mất, nhường chỗ cho một ý thức mạnh mẽ, tĩnh lặng nhưng sáng suốt về thực tại. Trong trạng thái ý thức sáng tỏ ấy, những gì cần thiết cho lúc đó, tự nó sẽ tự nhiên xuất hiện.

Dù có thể không ý thức được, nhưng lý do mà một số người thích tham gia vào các trò chơi nguy hiểm như leo núi, đua xe, v.v… là trong lúc họ chơi, họ bị bắt buộc phải cắm rễ vào phút giây hiện tại – vào trạng thái cực kỳ sống động, vượt thoát khỏi thời gian, vượt thoát khỏi suy tưởng, vượt thoát khỏi vấn đề, vượt thoát khỏi gánh nặng của con người khổ đau ẩn tàng trong họ. Nếu họ bị lơ đễnh ra khỏi phút giây hiện tại trong một tích tắc, dù chỉ là một phần mười giây, họ cũng có thể mất mạng! Tội nghiệp thay, số người này phải luôn dựa vào những hoạt động, những trò chơi nguy hiểm như thế mới có thể giúp họ sống được giây lát trong phút giây hiện tại. Nhưng bạn có thể đi vào trạng thái có mặt một cách sáng tỏ đó ngay bây giờ mà không cần phải đua xe, hay cheo leo trên các sườn núi như thế.

Từ thời trung cổ, các giáo sĩ thuộc mọi tôn giáo đã nhấn mạnh đến phút giây hiện tại như là chiếc chìa khóa giúp bạn mở ra cánh cửa của thế giới tâm linh. Tuy nhiên chân lý này vẫn còn là một bí mật hoặc vì không được giảng dạy đến nơi đến chốn, hoặc không được đại đa số tín đồ tiếp thu thấu đáo ở các giảng đường và chùa chiền. Như ở nhà thờ, ta có thể nghe Phúc Âm dạy rằng: “Đừng suy nghĩ gì đến ngày mai cả, vì ngay mai tự nó đã ổn thỏa cả rồi”. Hoặc “Không ai có thể xứng đáng để vào được nước Chúa khi đã bắt tay vào chuyện cày bừa mà vẫn còn ngoái đầu nhìn lại phía sau”(2).

Và ta cũng có thể nghe một đoản văn trong Kinh Thánh khi Chúa Jesus nói về những bông hoa xinh đẹp trên một cánh đồng. Chúng xinh đẹp vì chúng không bao giờ phải bận tâm lo lắng cho ngày mai, mà chỉ biết ung dung thanh thản trong ân sủng bất tận do Thượng Đế ban cho trong phút giây hiện tại. Vì một lý do nào đó, chiều sâu và tính cấp tiến của những điều răn dạy quý báu này vẫn chưa được hầu hết chúng ta nhận ra. Do đó mỗi người trong chúng ta phải sống và tự thực nghiệm những chân lý ấy thì mới có được những chuyển hóa sâu sắc ở nội tâm mình.

—–

Cốt lõi của Thiền Tập bao gồm việc đi dọc theo lưỡi hái sắc bén của phút giây hiện tại– khi bạn hoàn toàn an trú một cách trọn vẹn trong phút giây hiện tại. Đó là lúc bạn không còn ưu phiền, không còn vấn đề, không còn gì khác ngoài bản chất tự nhiên vắng lặng thường hằng ở trong bạn. Trong phút giây ấy, trong sự vắng bóng của Quá Khứ và Tương Lai, tất cả những vấn đề của bạn sẽ tự biến mất! Khổ đau của chúng ta cần có một ý niệm về quá khứ và tương lai, khổ đau của chúng ta không thể sống sót ngay trong phút giây này.

Khi Thiền sư Lâm Tế muốn các đệ tử của ngài đừng quá bị thời gian lôi kéo, ngài thường đưa một ngón tay lên và từ tốn hỏi: “Ngay trong phút giây này, chúng ta còn thiếu thốn thứ gì nữa?”.

Một câu hỏi quan trọng như thế không cần một câu trả lời từ trí năng. Nó chỉ nhằm đưa hành giả chú tâm vào phút giây hiện tại. Một câu hỏi tương tự khác trong Thiền môn thường nhắc là: “Nếu không phải là lúc này thì còn lúc nào?”.

—–

An trú trong phút giây hiện tại cũng là trọng tâm thực tập của đạo Sufi, một nhánh mật tông của Hồi giáo. Giáo lý của họ cũng có câu: “Tín đồ đạo Sufi là con đẻ của phút giây hiện tại”. Và Rumi, nhà thơ kiêm đạo sư Hồi giáo, cũng từng tuyên bố: “Quá khứ và tương lai là tấm màn ngăn cách ta với Thượng Đế, vậy hãy đốt sạch chúng đi”.

Vị thầy tâm linh Meister Eckhart vào thế kỷ 13 đã tóm lược điều này rất hay trong câu: “Thời gian làm ngăn trở sự sáng suốt đến với con người. Không có chướng ngại nào che mờ Thượng Đế lớn hơn là Quá Khứ và Tương Lai”.

—–

 

TIẾP XÚC VỚI NĂNG LỰC CỦA PHÚT GIÂY HIỆN TẠI

 

Mới đây, khi ông nói về thực tại thường hằng, tính chất giả tạo của quá khứ và tương lai, tôi đã nhận ra tôi đang ngắm cây cối ngoài cửa sổ kia. Cái cây này tôi đã nhìn thấy nhiều lần trước đây, nhưng lần này tôi thấy rất khác. Vẻ bề ngoài của cây cũng chẳng thay đổi gì mấy, chỉ trừ màu sắc của lá cây. Chúng có vẻ tươi sáng và rực rỡ hơn. Nhưng bây giờ hình như có một chiều không gian mới hơn. Thật khó mà giải thích. Tôi cũng không biết tại sao, nhưng lần này hình như tôi cảm nhận được một cái gì vô hình mà tôi có thể nói rằng, đó là tinh túy hay là linh hồn của cái cây này. Hơn thế nữa, tôi lại là một phần của tinh túy đó. Bây giờ tôi khám phá ra rằng, trước kia, tôi chưa hề thật sự nhìn thấy thân cây này. Có chăng đấy chỉ là một hình ảnh vô nghĩa, chết cứng của thân cây mà thôi. Bây giờ khi tôi nhìn ngắm lại, tôi còn cảm nhận được sự hợp nhất ấy, nhưng tôi biết cảm giác này đang tuột khỏi tầm tay của tôi. Ông thấy chưa, kinh nghiệm này đang lùi lại vào quá khứ mất rồi. Làm sao để cảm nhận này của tôi được kéo dài?

Bạn đã được an trú một lúc trong trạng thái phi thời gian. Bạn an trú trong phút giây hiện tại, do đó bạn đã cảm nhận được cái cây này không qua tấm màn chắn của suy tư. Khi đó cảm nhận tự nhiên, vắng lặng của bạn đã trở thành một phần của cảm nhận về thực tại. Trạng thái phi thời gian đó làm phát khởi nên một cái biết, một thứ trực giác không hề “giết chết” cái tinh túy hay linh hồn ẩn chứa trong tất cả mọi thứ, mọi vật… Cái biết này không những đã không phá hủy tính linh thiêng và mầu nhiệm của đời sống, mà nó còn hàm chứa một Tình Thương Bao La và lòng trân quý mọi sự, mọi vật. Thứ trực giác đó trí năng ta không hề biết đến.

Trí năng ta không thể cảm thông linh hồn của thân cây này. Nó chỉ có thể biết một vài dữ kiện và chi tiết về cái cây này mà thôi. Tương tự như thế, trí năng của tôi không thể biết bạn, nó chỉ biết những tên gọi, nhận xét, những dữ liệu, và ý kiến về bạn mà thôi. Chỉ có trạng thái ung dung tự tại của tôi mới biết bạn một cách trực tiếp.

Ta vẫn dành một chỗ cho trí năng và những kiến thức thu thập được từ việc học hỏi, nghiên cứu trong phạm vi thực tiễn của đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, khi chúng ta để cho trí năng chế ngự, hoành hành vào tất cả những lĩnh vực khác của đời sống, kể cả trong quan hệ của ta với người khác và với thiên nhiên, thì trí năng đã trở thành một thứ ký sinh gây tác hại lớn lao cho chúng ta. Nếu bạn không kiểm soát được trí năng thì nó có thể đưa chúng ta tới ngày tận thế, hủy diệt trái đất này và cuối cùng là giết luôn cả ta, người chủ của nó.

Bạn đã kinh nghiệm được, dù trong một thoáng, cách mà trạng-thái-phi-thời-gian chuyển hóa nhận thức của bạn. Nhưng chỉ một thoáng kinh nghiệm vẫn chưa đủ, cho dù kinh nghiệm này tuyệt vời hay sâu sắc đến đâu. Điều chúng ta quan tâm và cần là một trạng thái chuyển đổi toàn diện của tâm thức.

Do đó, bạn hãy phá vỡ những thói quen cũ luôn phủ nhận và chống đối phút giây hiện tại ở trong ta. Hãy thiết lập một lối thực tập bằng cách không đề cao, không chú trọng nhiều đến quá khứ và tương lai những khi chúng không thực sự cần thiết. Hãy thoát ra khỏi những khuôn mẫu của thời gian trong đời sống hàng ngày, càng nhiều càng tốt. Nếu bạn cảm thấy khó an trú vào phút giây hiện tại một cách trực tiếp, bạn hãy bắt đầu quan sát thói quen chạy trốn phút giây hiện tại của trí năng. Bạn sẽ thấy rằng tương lai thường được tưởng tượng ra là sẽ tốt hơn. Điều này cho ta chút hy vọng hay thích thú trong trạng thái trông đợi. Nếu tưởng tượng rằng tương lai của ta sẽ xấu hơn, điều này sẽ tạo ra trong ta một nỗi lo âu. Nhưng cả hai dự tưởng ấy đều chỉ là ảo tưởng của bạn. Qua quá trình thực tập tự quan sát nội tâm mình, bạn sẽ tự nhiên sống trong một trạng thái tỉnh thức, có mặt với chính mình nhiều hơn. Giây phút bạn nhận ra rằng mình đang không có mặt, là bạn đã có mặt trở lại. Tương tự như thế, bất cứ lúc nào đang quan sát tư tưởng của mình, bạn đã không còn bị mắc kẹt vào nó. Và có một yếu tố khác len vào: đó là sự có mặt của một chứng nhân đang hiện diện, khác hẳn với những suy tưởng miên man của trí năng bạn.

Dù bạn đang ở đâu hay làm gì, bạn nên thường xuyên có mặt với chính bạn, lưu ý đến những suy tưởng, cảm xúc và cả những phản ứng về những tình huống gì mà bạn đang gặp phải. Ít ra bạn cũng nên lưu ý đến những phản ứng của chính bạn khi có hoàn cảnh, hay người nào đó mà bạn nghĩ đã gây nên những phản ứng tiêu cực ở trong bạn. Cũng nên chú ý thêm những khi bạn hơi bận tâm về một chuyện gì đó trong quá khứ hoặc tương lai. Nhưng không bao giờ nên phán đoán hay phân tích những gì mình quan sát. Chỉ cần theo dõi những ý tưởng, cảm nhận những cảm xúc, và quan sát phản ứng của bạn mà thôi. Đừng tạo thêm một vấn đề cá nhân nào khác cho chính bạn. Rồi bạn sẽ cảm nhận một cái gì đó mạnh mẽ hơn rất nhiều những gì bạn đang quan sát: Một sự có mặt rất thầm lặng, tỏ tường nằm đằng sau những biểu hiện của những gì trong đầu bạn – Một chứng nhân đang quan sát mọi chuyện trong tĩnh lặng.

—–

Sức mạnh tỉnh thức hùng hậu này rất cần thiết cho bạn trong những hoàn cảnh đặc biệt gây nên một phản ứng với cường độ tình cảm mạnh mẽ, chẳng hạn như khi bản ngã của bạn bị đe dọa, một thử thách trong đời sống của bạn làm nảy sinh những lo sợ, “mọi thứ sẽ đổ bể hết” hoặc khi một tình cảm phức tạp của quá khứ đang sống dậy trong ta. Lúc đó bạn thường có khuynh hướng trở nên rất mê muội. Những phản ứng hay cảm xúc giận dữ, lo sợ tiêu cực ở trong bạn thường dễ dàng chế ngự bạn, biến bạn “trở thành” những cảm xúc tiêu cực ấy. Bạn sẽ lập tức hành động theo những cảm xúc ấy. Bạn biện hộ, công kích, tấn công, bảo vệ… một cách thiếu tự chủ theo những định kiến, khuôn mẫu cư xử sẵn có trong bạn.

Khi ta đồng hóa mình với trí năng và những cảm xúc tiêu cực kia, ta sẽ làm gia tăng sức mạnh của chúng. Khi ta chỉ yên lặng quan sát, những cảm xúc tiêu cực ấy sẽ yếu dần. Tự đồng hóa mình với trí năng tạo thêm thời gian tâm lý; quan sát trí năng trong tĩnh lặng sẽ dẫn tới một trạng thái vượt thoát khỏi thời gian. Năng lực lấy ra từ sự đồng hóa mê muội với trí năng sẽ trở thành năng lực của sự có mặt đích thực. Một khi bạn cảm nhận được kinh nghiệm nhẹ nhàng của trạng thái hiện tiền, chuyện thoát ra khỏi sự khống chế của Quá Khứ và Tương Lai sẽ dễ dàng hơn. Và càng ngày bạn càng dễ dàng an trú trong phút giây hiện tại. Bạn có thể hồi tưởng về Quá Khứ hoặc dự phóng một lát về Tương Lai những khi thật cần thiết cho những mục tiêu thực tế. Khi đó, trí năng của bạn còn có thể hoạt động tốt hơn trước, vì đầu óc của bạn lúc ấy sẽ sáng suốt và dễ tập trung hơn.

—–

 

HÃY LOẠI BỎ THỜI GIAN TÂM LÝ

 

Hãy tập cách sử dụng thời gian trong những sinh hoạt thực tiễn – có thể gọi đó là thời giờ của đồng hồ – nhưng khi những công việc này được giải quyết xong, bạn hãy lập tức trở lại với phút giây hiện tại. Làm như thế, bạn sẽ không còn làm cho thời gian tâm lý bị chất chồng lên ở trong bạn.

Thời giờ của đồng hồ không chỉ được dùng trong các cuộc hẹn hay hoạch định một chuyến du lịch, mà nó còn bao gồm chuyện học hỏi những kinh nghiệm đã qua để giúp ta tránh lặp lại những lỗi lầm cũ. Ta có thể đặt mục tiêu và thi hành theo hướng đó. Chúng ta có thể tiên đoán tương lai dựa trên những học hỏi từ quá khứ như rút tỉa kinh nghiệm, dựa vào các luật lệ hay các nguyên tắc của vật lý, toán học v.v…

Dù trong phạm vi sinh hoạt thực tế, chúng ta không thể nào không đề cập đến quá khứ và tương lai, tuy nhiên, phút giây hiện tại vẫn giữ một vai trò chính yếu. Thật vậy, bài học quan trọng nào trong quá khứ cũng đều được áp dụng ở Hiện Tại. Kế hoạch hay tiến trình nào để đạt đến một mục tiêu cũng đều được thực hiện trong Hiện Tại.

Một người tỉnh thức là người luôn luôn để hết tâm ý của mình vào phút giây hiện tạinhưng vẫn luôn có ý thức về thời gian chung quanh. Nói một cách khác, người đó luôn sử dụng thời gian đồng hồ nhưng không bị thời gian tâm lý – của quá khứ và tương lai – kềm chế.

Cố gắng thực tập như vậy, bạn sẽ không biến thời gian của đồng hồ thành thời gian tâm lý. Thí dụ, nếu ta lỡ phạm một lỗi lầm trong quá khứ thì hãy rút tỉa bài học đó để dùng trong hiện tại. Trái lại, nếu cứ hối tiếc, phiền muộn, hay tự trách mình thì bạn đã làm cho những lỡ lầm ấy trở thành “tôi” hoặc “của tôi”: Bạn đã vô tình biến lầm lỡ ấy thành một cái gì đó cho bạn tựa vào để tìm thấy một cái “tôi”, một nhân cách, hay một con người khổ đaunào đó của bạn. Làm điều này là bạn đã tạo nên thời gian tâm lý, để lúc nào cũng dựa vào đó để tự đồng hóa mình với bản ngã giả tạo. Khi bạn không thể tha thứ một người nào đó, hay cứ hối tiếc mãi quá khứ có nghĩa là bạn đang bị thời gian tâm lý che lấp.

Khi ta đặt mục tiêu và tiến hành thực hiện mục tiêu đó, ta đang dùng thời giờ của đồng hồ. Bạn biết rõ bạn đang đi về hướng nào, và bạn đem hết khả năng và sự chú tâm trọn vẹn của mình vào từng giai đoạn một trong phút giây này. Nhưng nếu bạn chỉ nghĩ đến mục tiêu, mong cầu đến thành quả để đi tìm hạnh phúc, một sự thỏa mãn, hay một nhân cách về chính mình thì lúc đó bạn không còn tôn trọng phút giây hiện tại nữa. Khi đó, phút giây hiện tại chỉ còn là những đoạn đường khô khan, không có giá trị chân thực. Thời giờ của đồng hồ đã trở thành thời gian tâm lý. Đời sống không còn là cuộc hành trình lý thú mà chỉ là một ám ảnh bắt ta phải đi tới, phải đạt thành, phải tạo nên. Ta không còn khả năng ngắm nhìn hay thưởng thức được hương hoa thơm ngát bên vệ đường, cũng chẳng nhìn thấy đời sống đẹp đẽ và nhiệm mầu đang diễn ra chung quanh ta.

—–

Tôi thấy được phút giây hiện tại là cực kỳ quan trọng nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn tán thành khi ông cho rằng thời gian hoàn toàn chỉ là ảo tưởng.

Khi nói “Thời gian là ảo tưởng”, tôi không có ý định đề cập đến khía cạnh triết lý của thời gian. Mà tôi chỉ muốn nhắc nhở một sự thật rất đơn giản – một sự thật rõ ràng đến nỗi có thể bạn không để ý: phút giây hiện tại là cái duy nhất mà chúng ta thực có. Nhưng khi bạn đã thấu suốt hoàn toàn, nó tựa như lưỡi kiếm chém đứt tất cả những “vấn đề” phức tạp hàng hàng, lớp lớp do trí năng của bạn tạo ra. Khi đời sống đang xảy ra ngay trong phút giây này thì đâu có thời gian, đúng không?

—–

 

SỰ ĐIÊN RỒ CỦA THỜI GIAN TÂM LÝ

 

Bạn sẽ chẳng còn chút nghi ngờ rằng thời gian tâm lý, một thứ thời gian tưởng tượng, chỉ có trong đầu của chúng ta. Và quả là tai hại nếu nó thể hiện như một căn bệnh tập thể. Chẳng hạn dưới hình thức những hệ thống tôn giáo khắt khe, được điều hành dưới giả thuyết ngụ ý là thành quả tốt đẹp nhất chỉ nằm ở tương lai và chủ trương rằng kết quả sẽ biện minh cho hành động. Rốt cuộc là một ý tưởng, một tiêu điểm nào đó nằm ở tương lai do trí năng phóng chiếu lại trở thành mục tiêu khiến chúng ta thực hiện những hành động tiêu cực trong phút giây hiện tại.

Hãy quan sát cách trí năng rập khuôn đã điều hành cuộc đời ta như thế nào. Có phải lúc nào bạn cũng muốn đi đến một nơi nào khác hơn là nơi bạn đang ở? Và hầu hết những việc ta làm chỉ là phương tiện để giúp ta đạt tới mục đích? Có phải sự thỏa mãn của bạn lúc nào cũng phải là ở một nơi khác – hơn là nơi này – hay cũng chỉ loanh quanh, hạn hẹp trong những thú vui ngắn ngủi như ăn uống, tình dục, rượu, ma túy hay các trò chơi nguy hiểm, táo bạo? Có phải bạn luôn hết sức chuyên tâm vào chuyện làm sao để thành đạt, ước vọng trở thành người này, người kia, hay hoàn tất một công trình, hoặc liên miên theo đuổi các thú chơi liều lĩnh mới? Bạn có tin rằng nếu đạt những thứ đó, bạn sẽ trở nên tốt hơn, thỏa mãn hơn hay toàn vẹn hơn về tâm lý? Bạn có đang mong chờ một mẫu hình người đàn ông, hay một người đàn bà “lý tưởng” sẽ đến và mang lại ý nghĩa mới mẻ cho cuộc đời bạn?

Trong trạng thái đồng nhất với trí năng hay thường xuyên sống trong mê mờ, sức mạnh tiềm năng sáng tạo vô biên, chân thực ở trong bạn luôn bị che mờ hoàn toàn bởi thời gian tâm lý. Do đó, đời sống của bạn sẽ bị mất đi vẻ tươi mát, linh hoạt và kỳ diệu. Những thói quen suy tư, cảm xúc, thái độ, phản ứng và ham muốn cứ lặp đi lặp lại theo những khuôn mẫu cũ(3) không bao giờ dứt; đó là những phác thảo cho bạn một nhân cách nào đó, nhưng lại bóp méo và che kín những gì chân thực trong phút giây hiện tại. Sau đó trí năng sẽ tạo ra một sự ám ảnh với một cái gì đó trong tương lai như là một lối thoát khỏi những bất mãn đang có trong hiện tại.

—–

 

TIÊU CỰC VÀ KHỔ ĐAU PHÁT SINH KHI KHÔNG NHẬN THỨC ĐƯỢC HIỆN TẠI

 

Tôi nghĩ rằng tin tưởng ở một tương lai tốt đẹp không phải lúc nào cũng là ảo tưởng; vì hiện tại có thể rất tồi tệ và tương lai có vẻ sáng sủa hơn.

Thông thường tương lai chỉ là một phóng bản của quá khứ. Những thay đổi phù phiếm ở bên ngoài có thể xảy ra, nhưng chuyển hóa chân thực thì rất hiếm và còn tùy vào khả năng của bạn: Bạn có đủ tỉnh thức để giải trừ quá khứ bằng cách tiếp xúc với năng lực của phút giây hiện tại hay không? Những gì bạn cảm nhận như là tương lai chính là một phần căn bản của trạng thái tâm thức của bạn trong phút giây này. Nếu đầu óc bạn chất chứa nhiều gánh nặng của quá khứ, bạn sẽ kinh nghiệm thêm những gánh nặng tương tự như thế. Quá khứ còn tiếp diễn được ở trong bạn vì bạn ít có mặt trong giây phút hiện tại. Mức độ tỉnh thức của bạn trong phút giây này là những gì sẽ làm nên tương lai – và dĩ nhiên là bạn chỉ có thể kinh nghiệm điều đó như là những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại mà thôi.

Bạn có thể trúng số mười triệu đô-la, nhưng loại thay đổi này chỉ là một sự thay đổi ở bên ngoài. Vì bạn vẫn tiếp tục hành xử y theo những khuôn mẫu cũ, chỉ khác là ở trong một khung cảnh sang trọng hơn. Nhân loại đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu để tìm ra cách chia tách nguyên tử. Thay vì giết mười hay hai mươi người bằng một khúc côn gỗ thì bây giờ người ta đã có thể giết hàng triệu người một lúc chỉ bằng một nút bấm. Như vậy đó có phải là tiến bộ thực sự chăng?

Nếu mức độ tỉnh thức của tâm thức bạn trong phút giây này quyết định cho số phận của bạn trong tương lai, thì điều gì sẽ quyết định chất lượng của mức độ tỉnh thức ở trong bạn? Chính là mức độ có mặt của bạn. Vì vậy chỉ có một nơi duy nhất có thể có sự chuyển hóa chân thực và là nơi có thể hóa giải quá khứ, đó chính là phút giây hiện tại.

—–

 

 

Tất cả mọi tiêu cực đều do sự tích lũy quá nhiều thời gian tâm lý – thời gian tưởng tượng – và do chối từ phút giây hiện tại. Những hình thức như căng thẳng, bất an, lo sợ, cao huyết áp, ưu tư,… đều do bạn quá suy nghĩ về tương lai mà thiếu đi sự có mặt trong lúc này. Trái lại, những hình thức như hối hận, tiếc nuối, oán trách, tiếc thương, phiền muộn, cay đắng và tất cả những hình thức thiếu bao dung khác đều do bạn sống quá nhiều trong quá khứ, và không có mặt đủ trong hiện tại. Hầu hết người ta khó tin rằng một trạng thái tâm thức hoàn toàn thoát khỏi mọi tiêu cực là một điều có thể xảy ra. Đây cũng chính là trạng thái giải thoát mà tất cả mọi giáo lý tâm linh đều nhắm đến. Trạng thái này không phải là lời hứa hẹn hão huyền ở tương lai, mà là một điều có thể thực hiện được ngay bây giờ và ở tại đây.

Bạn khó mà nhận ra rằng thời gian chính là nguyên nhân của bao khổ đau và vấn nạn ở trong bạn. Bạn cứ lầm tưởng rằng những khổ đau của bạn là do những hoàn cảnh riêng biệt nào đó trong đời sống gây ra, và điều này cũng đúng theo quan điểm thông thường. Nhưng cho đến khi nào bạn chịu đối diện với vấn đề căn bản do sự băng hoại của trí năng ở trong bạn tạo ra – đó là sự bám víu vào quá khứ hoặc tương lai, chối bỏ hiện tại – thì bạn cứ đi loanh quanh mãi. Giả sử hôm nay mọi vấn đề và bao nỗi ưu phiền của bạn đều tan biến hết do một phép lạ nào đó, nhưng nếu bạn vẫn chưa tỉnh thức, chưa an trú trong phút giây hiện tại, thì chẳng bao lâu, bạn lại đắm chìm vào bấy nhiêu khổ đau ấy nữa, tựa như chiếc bóng cứ bám theo bạn suốt đời. Như vậy, rốt cục chỉ có một vấn đề duy nhất: đó là sự dính chặt trí năng của bạn vào thời gian.

Tôi không tin là tôi bao giờ cũng có thể đạt tới một nơi mà tôi hoàn toàn thoát khỏi mọi vấn đề mà tôi đang có.

Đúng vậy, bạn không bao giờ có thể đạt đến chỗ đó vì bạn đang ở chỗ đó ngay trong phút giây này. Không có sự cứu rỗi trong thời gian tâm lý – thời gian tưởng tượng – không thể có sự giải thoát trong tương lai. Hiện Tại là chìa khóa đưa bạn đến với giải thoát, cho nên bạn chỉ có thể có giải thoát ở trong phút giây này.

—–

 

VƯỢT QUA HOÀN CẢNH SỐNG ĐỂ KHÁM PHÁ

ĐỜI SỐNG ĐÍCH THỰC CỦA BẠN

 

Hiện giờ tôi không thấy có cách nào giúp tôi thoát ra những tình huống bế tắc này, tôi cảm thấy rất khổ sở. Đây là một thực tế, và tôi chỉ tự dối gạt mình nếu tôi cố thuyết phục rằng mọi việc đều đang trôi chảy trong khi chúng thực sự là không thông suốt. Đối với tôi, không có gì gọi là giải thoát ở đây cả, tôi đang rất khổ trong phút giây hiện tại. Điều giúp tôi tiếp tục là hy vọng rằng mọi chuyện sẽ sáng sủa hơn ở tương lai.

Bạn tưởng rằng bạn đang chú tâm vào phút giây hiện tại nhưng sự thật là bạn đã bị cuốn hút bởi thời gian. Vì bạn không thể vừa khổ sở, lại vừa có thể hoàn toàn an trú trong phút giây hiện tại.

Điều mà chúng ta gọi là “đời sống” nên được gọi một cách chính xác hơn là “hoàn cảnh sống”. Mà đã là hoàn cảnh sống tức có thời gian: quá khứ và tương lai. Một vài chuyện xảy ra trong quá khứ không như ý bạn muốn, nên giờ đây bạn vẫn còn đang chống đối những gì đã xảy ra, và bạn cũng đang chống đối những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Bạn chỉ còn hy vọng vào tương lai, nhưng hy vọng này làm bạn chú tâm quá nhiều vào tương lai và như vậy bạn tiếp tục chối bỏ phút giây hiện tại. Vì thế mà bạn vẫn khổ.

Quả thật hoàn cảnh hiện nay là kết quả của những chuyện xảy ra trong quá khứ, nhưng đó vẫn là hoàn cảnh hiện tại của tôi, vì tôi vẫn còn mắc kẹt cho tới phút giây này, đó là điều làm tôi không vui.

Bạn hãy tạm quên hoàn cảnh sống của bạn một lát và chú tâm vào đời sống của bạn.

Có gì khác biệt chăng?

Hoàn cảnh sống của bạn là một cái gì chỉ hiện hữu trong thời gian.

Còn đời sống của bạn đang hiện hữu ngay trong phút giây này.

Hoàn cảnh sống của bạn chỉ là những chuyện chỉ có thực ở trong suy nghĩ của bạn thôi.

Đời sống của bạn là một cái gì có thực tế.

Hãy tìm một “cánh cửa nhỏ dẫn bạn đi vào đời sống”, cánh cửa đó chính là phút giây hiện tại. Hãy thu gọn cuộc đời của bạn vào trong phút giây này. Hoàn cảnh sống của bạn có thể có đầy những vấn đề – và hầu hết hoàn cảnh sống của ai cũng đều như vậy cả – nhưng bạn hãy cố tìm xem ngay trong phút giây này, bạn thực có vấn đề gì không? Tôi không muốn hỏi bạn là ngày mai, hay trong mười phút nữa, mà tôi chỉ hỏi bạn ngay trong lúc này. Bạn có vấn đề gì không trong phút giây này?

Khi đầu bạn đang đầy ắp những vấn đề, bạn sẽ không còn chỗ cho bất kỳ một thứ gì mới đi vào, ngay cả đến chuyện không còn chỗ để cho một giải pháp xuất hiện nữa. Do đó, bất cứ lúc nào, nếu có thể, bạn nên chừa vài chỗ hay tạo thêm không gian ở bên trong để bạn có thể khám phá ra đời sống kỳ diệu ẩn sau những hoàn cảnh sống của bạn.

Hãy sử dụng tất cả các giác quan của bạn. Đang ở đâu, bạn hãy có mặt ở nơi đó. Hãy nhìn xem chung quanh có vật gì. Chỉ nhìn thôi, đừng diễn dịch. Hãy nhìn ánh sáng, sự có mặt yên lặng của từng vật. Chú ý đến không gian cho phép mọi sự vật được hiện hữu. Hãy lắng nghe những âm thanh, nhưng đừng phê phán. Lắng nghe sự yên lặng ẩn sau những âm thanh. Hãy chạm vào bất cứ một vật gì, cảm nhận và xác minh sự Hiện Hữu của vật đó. Hãy theo dõi nhịp thở của bạn; cảm nhận luồng không khí vào, ra; cảm nhận năng lượng sống bên trong cơ thể bạn. Hãy cho phép mọi vật được diễn ra bên trong và bên ngoài. Cho phép mọi vật được y như nó đang là. Hãy đi sâu vào phút giây hiện tại.

Bạn đã bỏ lại đằng sau thế giới chết cứng của những suy tư trừu tượng, của thời gian. Bạn đã thoát ra khỏi thứ trí năng điên rồ đang làm cạn dần nguồn sinh lực của bạn, cũng như đang từ từ đầu độc và phá hủy trái đất. Bạn đang thoát ra khỏi giấc mơ của thời gian để đi vào phút giây hiện tại.

—–

 

TẤT CẢ VẤN ĐỀ CỦA BẠN CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG CỦA TRÍ NĂNG

 

Tôi có cảm giác như một gánh nặng vừa được nhấc lên. Có một cảm giác thật nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy sáng tỏ… Nhưng những vấn đề của tôi vẫn còn đó, vẫn còn đợi tôi giải quyết, đúng không? Như vậy có phải là tôi đang cố tránh né những vấn đề ấy một cách tạm thời?

Nếu bạn có lên được thiên đàng, cũng chẳng bao lâu trí năng của bạn lại thì thầm: “Được rồi, tốt lắm, nhưng mà…”. Rốt cùng, thật ra đây không phải là chuyện giúp bạn giải quyết những vấn đề, mà chính là giúp bạn nhận thức rằng bạn không có vấn đề gì để giải quyết cả. Chỉ có những tình huống – để giải quyết liền ngay bây giờ hay cứ để yên và được chấp nhận như một phần của những gì đang có mặt trong phút giây này, cho đến khi điều đó khác đi hoặc được giải quyết. Vấn đề của bạn là vì những thứ đó đã do trí năng bạn tạo ra và nó chỉ tồn tại trong thời gian. Nhưng vấn đề ấy không thể tồn tại trong thực tế của phút giây hiện tại.

Do đó bạn hãy chú tâm vào phút giây hiện tại và cho tôi biết, ngay trong lúc này, bạn có vấn đề nào không?

—–

Tôi không nhận được câu trả lời nào cả vì không thể nào có vấn đề khi bạn chú tâm trọn vẹn vào phút giây hiện tại. Vậy tại sao lại tạo thành một vấn đề? Tại sao bạn muốn biến bất kỳ một sự kiện gì thành một vấn đề? Đời sống tự nó chưa đủ thử thách cho bạn ư? Bạn cần thêm vấn đề để làm gì? Trí năng bạn, vì mê lầm, nên thích tạo ra vấn đề vì vấn đề giúp cho bạn cảm thấy bạn có một nhân cách, một chứng thư nào đó. Điều này rất thông thường, nhưng cũng thật là điên rồ. Có “vấn đề” nghĩa là bạn kẹt vào một trạng huống trí năng, đánh mất khả năng ứng phó với những gì đang xảy ra trong hiện tại và bạn thiếu hiểu biết khi cho vấn đề đó là một phần của cảm nhận về bản thân mình. Bạn bị áp đảo bởi hoàn cảnh sống của bạn và đánh mất ý nghĩa của đời sống, của an nhiên tự tại. Hay có khi bạn chứa trong đầu cái gánh nặng chất chồng của hàng trăm việc mà bạn sẽ hay phải làm trong tương lai, thay vì chỉ chú tâm vào một việc mà bạn có thể làm trong phút giây này.

Khi bạn tạo ra một vấn đề tức là bạn tạo ra phiền não. Do đó tất cả chỉ là một chọn lựa đơn giản, một quyết định đơn giản: Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi sẽ không tạo thêm khổ đau cho chính tôi, tôi sẽ không bao giờ tạo thêm vấn đề nữa. Mặc dù đó là một chọn lựa rất đơn giản nhưng cũng thật là cấp tiến. Bạn sẽ không chọn lựa điều này nếu bạn chưa chán ngấy những phiền não và khổ đau, và bạn sẽ không thực hiện trọn vẹn chọn lựa này trừ phi bạn tiếp xúc với năng lực của phút giây hiện tại. Khi bạn không còn tạo ra khổ đau cho chính mình, bạn sẽ không còn tạo ra khổ đau cho kẻ khác. Bạn sẽ không còn làm ô nhiễm trái đất xinh đẹp này, không làm ô nhiễm nội tâm mình và tâm thức của nhân loại với những vấn đề tiêu cực.

—–

 

Nếu bạn đã từng lâm vào tình trạng cận kề với cái chết, bạn biết là thực sự không có vấn đề gì cả. Vì lúc đó trí năng của bạn không có thì giờ để vớ vẩn và gây ra vấn đề. Đứng trước một nguy biến thực sự, trí năng của bạn ngừng bặt; bạn trở nên có mặt hoàn toàn trong phút giây hiện tại, lúc đó có một cái gì rất mạnh mẽ chiếm hữu bạn.

Đó là lý do tại sao có nhiều người rất bình thường bỗng trở nên có những hành động gan dạ khó lường. Bất cứ ở hoàn cảnh nguy khốn nào, hoặc bạn sống, hoặc bạn chết. Dù kết cuộc có ra thế nào đi nữa, bạn vẫn không có vấn đề.

Một số người đã nổi giận khi nghe tôi nói tất cả vấn đề chỉ là ảo tưởng của chúng ta, như thể tôi đang đe dọa lấy mất cảm nhận về nhân cách của chính họ(4). Vì họ đã đầu tư quá nhiều thời gian vào cảm nhận về một bản ngã giả tạo. Trong nhiều năm, họ đã vì thiếu hiểu biết nên đã đồng hóa mình với một nhân cách, một xác minh liên quan đến những vấn đề và khổ đau của họ. Họ sợ rằng “Nếu không còn những khổ đau và vấn đề đó thì họ sẽ là gì?”.

Phần lớn những suy nghĩ, lời nói hay hành động của con người đều xuất phát từ lo âu mà ra, tất nhiên luôn luôn dính đến chuyện để tâm vào những mục tiêu trong tương lai và đánh mất phút giây hiện tại. Thật ra, vì không có vấn đề trong phút giây hiện tại, nên sẽ không có lo âu.

Khi có một tình huống xảy ra mà bạn cần ứng phó ngay lập tức, hành động của bạn sẽ rõ ràng và sáng suốt nếu hành động đó được phát sinh từ nhận thức những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại, nên càng có hiệu quả hơn. Hành động đó không phải là một phản ứng từ thói quen của trí năng trong quá khứ, mà là một cách ứng xử đầy trực giác trong tình huống đó. Cònnhững lúc khác, khi trí năng bị trói buộc bởi thời gian của bạn chỉ chực chờ muốn phản ứng, bạn sẽ thấy tốt hơn là không cần phải làm gì cả – chỉ cần an trú vào phút giây hiện tại.

—–

 

BƯỚC NHẢY VỌT TRONG TIẾN TRÌNH TỈNH THỨC

 

Tôi có một thoáng chốc của trạng thái tự tại thoát khỏi những vọng tưởng và thời gian như ông diễn tả, nhưng tôi chẳng giữ được trạng thái ấy lâu vì quá khứ và tương lai áp đảo tôi quá mạnh.

Trạng thái tâm thức bị trói buộc bởi thời gian đã khắc sâu trong tâm khảm của con người. Điều chúng ta đang làm ở đây là một phần của sự chuyển hóa sâu sắc đang xảy ra trong tâm thức cộng đồng của hành tinh này và xa hơn nữa: Đó là sự tỉnh thức của Tâm, thoát ly khỏi giấc mơ của hình tướng, và của sự chia cách. Sự chấm dứt của thời gian tâm lý. Chúng ta đang phá vỡ những khuôn mẫu trí năng đã chế ngự đời sống nhân loại từ nhiều thế kỷ qua. Những khuôn mẫu tư tưởng đã gây bao nhiêu thống khổ lớn lao cho con người. Tôi không muốn dùng chữ ác nghiệp. Tốt hơn chúng ta nên gọi đó là vô minh hay điên khùng.

Như vậy, phá vỡ lề lối nhận thức cũ hay mê lầm là một điều chúng ta cần phải làm hay đó là một sự chuyển hóa sẽ tự động xảy đến? Tôi muốn hỏi sự đổi thay này có phải là một điều tất yếu?

Câu trả lời tùy theo cách nhìn của chúng ta. Trong thực tế, hành động và những gì sẽ xảy ra chỉ là một tiến trình duy nhất; bởi vì bạn là một với tổng thể của tâm thức, bạn không thể tách rời hai thứ đó. Nhưng không có gì bảo đảm tuyệt đối rằng loài người sẽ đạt được sự tỉnh thức này. Tiến trình không xảy ra một cách tự động hay là một điều không thể tránh được. Vì sự hợp tác của loài người là một phần rất quan trọng. Tuy nhiên, dù bạn nhìn từ góc độ nào đi nữa thì đó vẫn là một bước nhảy vọt trong tiến trình tỉnh thức, và đây cũng là một cơ hội duy nhất cho loài người được sống còn.

—–

 

NIỀM VUI TỰ TẠI

 

Bạn có thể dùng một cách đơn giản để nhận biết là bạn có cho phép mình bị chế ngự bởi thời gian tâm lý hay không. Đó là hãy thường tự hỏi mình: Ta có đang vui vẻ, dễ chịu, nhẹ nhàng trong những gì ta đang làm ở phút giây hiện tại không? Nếu không, có nghĩa là thời gian tâm lý đã che lấp phút giây hiện tại và đời sống trở thành một gánh nặng hay là cuộc vật lộn chứ không còn thú vị gì.

Nếu bạn không cảm thấy vui vẻ, thoải mái, nhẹ nhàng trong bất cứ công việc gì đang làm, điều đó không có nghĩa là bạn cần phải thay đổi những việc đó, chỉ cần bạn thay đổi cách bạn làm những công việc này là đủ. Bạn không cần tự hỏi: “Ta phải làm việc gì?” mà chỉ cần hỏi: “Ta nên làm những việc ấy như thế nào?”, vì “làm như thế nào” mới thực là quan trọng. Thử xem bạn có thể đặt nhiều sự chú tâm vào công việc bạn đang làm hơn là kết quả mà bạn mong muốn có được qua việc bạn làm hay không? Hãy đặt hết sự chú tâm của bạn vào bất cứ những gì xảy ra trong phút giây hiện tại. Điều này cũng có nghĩa là bạn chấp nhận mọi sự việc y như nó đang là, vì bạn không thể cùng một lúc vừa chú tâm trọn vẹn vào sự việc mà lại vừa phản kháng với sự việc đó.

Ngay khi bạn vừa trân quý phút giây hiện tại, tất cả mọi ưu phiền và vật lộn với đời sống đều tiêu tan và đời sống bỗng trở nên chan chứa niềm vui tươi và sự thanh thản. Khi bạn hành động từ ý thức của phút giây hiện tại, bất cứ điều gì bạn làm, dù chỉ là một hành vi nhỏ nhặt, cũng mang đầy phẩm chất vị tha và thương yêu.

Vì vậy bạn đừng nên quan tâm đến thành quả của những gì bạn làm – chỉ cần chú tâm vào những công việc bạn đang làm mà thôi(5). Hoa trái từ những công việc đó chắc chắn sẽ đi kèm theo sau. Đây là cách thực tập tâm linh hiệu quả nhất. Trong kinh Bhagavad Gita của Ấn Độ giáo – một trong những giáo lý cổ kính tuyệt diệu còn lưu truyền cho đến hôm nay – có đề cập đến sự không vướng mắc vào kết quả của những việc ta làm, được gọi là thực tập Chuyển Nghiệp(6). Đó là con đường “cống hiến và phụng sự”.

Khi nỗ lực chạy trốn phút giây hiện tại ở trong bạn chấm dứt, niềm vui ung dung tự tại sẽ len vào tất cả mọi chuyện bạn làm. Khi bạn bắt đầu chú tâm trọn vẹn vào phút giây hiện tại, bạn sẽ cảm nhận được sự có mặt, tĩnh lặng và an bình. Bạn không còn tùy thuộc vào tương lai để được thỏa mãn, cũng không còn trông chờ tương lai để hy vọng được giải thoát. Vì thế, bạn sẽ không vướng mắc vào thành quả của những việc bạn làm. Thành công hay thất bại đều không đủ sức lay chuyển trạng thái an nhiên tự tại ở trong bạn. Bạn đã khám phá ra được đời sống đích thực của bạn nằm bên dưới những hoàn cảnh sống của bạn.

Khi thời gian tâm lý không còn nữa, cảm nhận về tự thân của bạn sẽ không còn xuất phát từ quá khứ của cá nhân, mà sẽ từ bản chất tự nhiên chân thực sẵn có ở trong bạn. Do đó, nhu cầu tâm lý muốn trở nên một nhân vật nào khác, khác hơn là chính bạn, sẽ không còn nữa. Trong đời sống này, trong những hoàn cảnh sống của bạn, bạn có thể trở thành một người giàu có về vật chất, một người có kiến thức, thành công, hết còn vướng mắc vào điều này, điều nọ…, còn trong chiều sâu tâm linh của an nhiên tự tại, bạn bây giờ đã toàn hảo và toàn vẹn.

Trong trạng thái toàn vẹn đó, chúng ta có còn muốn theo đuổi các mục tiêu bên ngoài nữa không?

Dĩ nhiên, nhưng bạn sẽ không còn những mong đợi hão huyền rằng sẽ có một sự việc hay một người nào đó đến cứu giúp hay mang lại hạnh phúc cho bạn. Trong hoàn cảnh sống của bạn thì vẫn còn những việc bạn muốn đạt tới hay sở hữu. Nhưng đó chỉ là thế giới của hình tướng, của được và mất. Còn trong chiều sâu tâm linh, bạn thực sự đã toàn vẹn, và khi bạn nhận thức được điều này, có một niềm vui sống động đằng sau những gì bạn làm. Khi thoát khỏi thời gian tâm lý, bạn không còn theo đuổi những mục tiêu với một quyết tâm thiếu khoan dung do lòng sợ hãi, giận dữ, bất mãn, hay ước muốn trở thành một người nào khác. Bạn cũng sẽ không còn cảm thấy bất lực vì sợ thất bại – đối với bản ngã thì luôn cảm thấy như đó là sự đánh mất mạnh sống riêng biệt của mình. Khi cảm nhận sâu xa về tự thân của bạn phát xuất từ ung dung tự tại, khi nhu yếu tâm lý bó buộc ta phải trở thành cái này hay cái kia đã được chấm dứt, bạn sẽ thoát ra khỏi  lo âu, sợ hãi. Bạn sẽ không còn đi tìm sự thường còn ở một nơi mà sự thường còn không thể có được: Đó là nơi thế giới của hình tướng, của được và mất, của sinh và tử. Bạn không còn đòi hỏi hoàn cảnh, điều kiện sống, nơi chốn, hay người khác… sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn, để rồi sẽ cảm thấy đau khổ khi những người đó không sống đúng như điều bạn mong mỏi.

Chúng ta biết trân quý mọi sự, mọi vật, nhưng không quan trọng hóa một sự vật nào cả. Vì bất cứ cái gì có hình tướng cũng đều phải tuân theo luật sinh diệt, nhưng đồng thời bạn cũng ý thức được một cái gì không hình tướng, nhưng trường cửu,… ẩn sau mọi hình tướng. Bạn biết rằng: “Không có sự chân thực nào có thể bị xâm phạm”.

Khi bạn an trú trong trạng thái an nhiên tự tại, làm sao mà bạn không thành công được? Bạn thực sự đã thành công rồi.

—–

Chú thích

  1. Sự hiện hữu trong cuộc đời và vai trò của họ dính liền một cách cứng nhắc với các vấn đề của họ: Họ không thể hay không dám trở thành một người có tự do, không còn bị ràng buộc bởi quá khứ, bởi những vai trò cũ mà họ đã chọn đóng, hay thừa nhận đấy là mình, như đóng vai một người vợ bị ruồng rẫy, một người chồng bất hạnh, một người con thiếu tình thương, một người cha cô đơn, một người mẹ khốn khổ…
  2. Quay đầu nhìn lại về phía sau: Ám chỉ vẫn còn luyến tiếc với quá khứ.
  3. Những thói quen suy tư, cảm xúc, thái độ, phản ứng và ham muốn cứ lặp đi lặp lại theo những khuôn mẫu cũ: Đó là những khuôn mẫu đã thành một thói quen lâu đời, cố định, đã đi theo một lối mòn quen thuộc trong tâm thức, mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Ví dụ: Thói quen về sắc dục. Nếu chúng ta có vấn đề vướng mắc với khía cạnh này thì năng lượng của chúng ta luôn đổ dồn vào những suy tư, ham muốn, cảm xúc liên hệ đến chuyện gối chăn, hoặc để thỏa mãn ngay lập tức, hoặc để được thỏa mãn về lâu về dài.
  4. Đe dọa lấy mất nhân cách về chính họ: Nhiều khi chúng ta không ý thức tự đồng hóa, cho mình chỉ là một nhân cách, một cá tính nào đó: “Một người tàn tật”, “một nạn nhân của cuộc đời”,… nên ngay cả khi có một cơ hội để chúng ta thoát ra khỏi tình trạng này, chúng ta sẽ cảm thấy bị đe dọa, như thể chuyện được chữa lành những bệnh trạng hay khuyết tật này không quan trọng bằng chuyện đánh mất tư cách tàn tật, hay nạn nhân của mình.
  5. Đừng quan tâm đến kết quả của những việc bạn làm – chỉ cần chú tâm vào những gì bạn đang làm thôi: Đây là một thái độ làm việc mới. Thông thường chúng ta làm một việc gì là có một chủ đích: để có lợi, để được người khác công nhận, khen ngợi, hoặc làm vì biết mình sẽ thành công… Nhưng đó là thái độ làm việc bị kiềm tỏa bởi tự ngã ở trong ta. Do đó, khi thực tập làm một công việc gì mà không quan tâm đến kết quả, thành hay bại, chúng ta sẽ tiếp xúc được niềm vui của an nhiên tự tại khi làm những công việc đó.
  6. Thực tập Chuyển Nghiệp: Karma Yoga, lối thực tập để chuyển đổi những ác nghiệp của mình bằng sự cống hiến, phụng sự tha nhân mà không cần được báo đáp.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app